Tin Thế Giới.
Được tăng viện, nhưng quân Nga chưa chọc thủng được phòng tuyến Avdiivka (RFI)
Dù được tăng viện mạnh, các lực lượng Nga dường như vẫn chưa chọc thủng được phòng tuyến Ukraina quanh thành phố Avdiivka, trong vùng Donetsk, miền đông Ukraina. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 22/10/2023 cho biết quân Ukraina vẫn bảo vệ được các vị trí quanh Avdiivka dù gặp nhiều khó khăn, do Nga tăng cường nhiều đợt tấn công.
Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze cho biết thêm :
« Avdiivka, trong vùng Donetsk, tiếp tục là tâm điểm chú ý và Matxcơva dường như đang tiếp tục điều thêm quân đến đó. Thế nhưng, cho dù đã được tiếp viện về người và thiết bị, các cuộc không kích và xe bọc thép, lực lượng Nga vẫn không thể chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraina, và Avdiivka vẫn là một trong những biểu tượng của cuộc kháng chiến của Ukraina.
Thế nhưng, những trận chiến này đang diễn ra với cái giá phải trả là những tổn thất nặng nề. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, không có con số ước tính của Ukraina, vốn từ chối cung cấp thông tin về chủ đề này, nhưng theo đánh giá của tình báo Anh thì khoảng 190.000 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến đấu, tức là chết hoặc bị thương nặng.
Giao tranh không chỉ diễn ra ở Avdiivka. Quân Nga cũng tiến hành các cuộc tấn công dọc theo phòng tuyến Kupyansk-Kreminna, gần thành phố Donetsk bị chiếm đóng và thuộc vùng Zaporijjia. Các cuộc tấn công trên không của Nga, với tên lửa và drone, cũng tiếp diễn nhắm vào khắp nơi trên đất nước Ukraina. Đêm qua, có khoảng 20 vụ oanh kích nhắm vào các vùng Sumy, Donetsk, Kherson và Odessa ».
Mặt khác, theo tình báo Ukraina, quân đội Nga triển khai đến hơn 400 ngàn lính tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Trả lời kênh truyền hình Kiev 24, ngày 23/10/2023, phát ngôn viên cơ quan tình báo Ukraina, ông Andrii Yusov, cho biết, mục tiêu của Nga là không nhằm mở một cuộc phản công quy mô lớn như hồi tháng 2/2022, mà đúng hơn là để « tiến hành các chiến dịch tấn công tách biệt » như ở cấp độ chiến sự vùng Avdiivka hay Bakhmut.
Vẫn theo quan chức này, các chiến dịch tuyển quân lớn của Nga có lẽ sẽ giảm nhịp độ càng gần đến ngày diễn ra bầu cử tổng thống, dự kiến vào tháng 3/2024 nhằm tránh sự phẫn nộ của người dân, một thời điểm thuận tiện, « mầu mỡ » cho các cuộc nổi dậy.
Còn theo trang thông tin độc lập Nga iStories, được NHK dẫn lại, tiểu đoàn Borz, thuộc một tập đoàn quân sự tư nhân Redut của Nga, đang tuyển thêm phụ nữ đến chiến đấu tại mặt trận Ukraina. Họ sẽ được đào tạo để trở thành những xạ thủ hay điều khiển drone.
Trang mạng thông tin Nhật Bản NHK còn trích dẫn các nguồn tin tình báo Estonia đưa ra hôm thứ Sáu 20/10 cho rằng Nga vẫn còn khoảng bốn triệu đạn pháo có thể sử dụng cho cuộc chiến xâm lược Ukraina.
Tổng thống Pháp Macron đến Trung Đông để tìm kiếm một giải pháp hòa bình
Phải chờ đến hai tuần sau vụ tấn công khủng bố của Hamas nhắm vào thường dân Israel và sau các chuyến công du của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đến Tel Aviv ngày 24/10/2023 để thể hiện “đoàn kết” với người dân và chính phủ Israel. Chiều cùng ngày, nguyên thủ Pháp đến Ramallah gặp tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Trong buổi làm việc với tổng thống Israel Isaac Herzog, được AFP trích dẫn, nguyên thủ Pháp “bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết, chia sẻ nỗi đau” với Israel trước “cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhắm vào người dân và Nhà nước” Do Thái. Tuy nhiên, ông Macron kêu gọi không “mở rộng cuộc xung đột” giữa Israel và phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas.
“Mục tiên trước tiên” là trả tự do cho tất cả các con tin đang bị giữ ở Gaza. Pháp có vài chục công dân bị Hamas bắt làm con tin, trong đó có “nhiều trẻ em”, nhưng hiện vẫn chưa xác định được con số chính xác. Có 30 người song tịch Pháp-Israel đã bị sát hại trong tổng số hơn 1.400 chết trong vụ tấn công của Hamas. Ngay khi đến sân bay David-Ben-Gourion ở Tel Aviv, tổng thống Macron đã dành một tiếng để gặp người thân của nhiều nạn nhân Pháp trong vụ tấn công và bị bắt làm con tin.
Tiếp tục vòng công du Cận Đông, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 25/10/2023, đến Amman, thủ đô Jordani, và có cuộc hội đàm với quốc vương Abdallah II nhằm tái thúc đẩy « tiến trình hòa bình » thành lập một Nhà nước Palestine. Nguyên thủ Pháp chiều nay sẽ đến Ai Cập, hội đàm với tổng thống Al Sissi.
Tổng thống Macron đưa ra một đề xuất. Hôm qua, tại Jerusalem, ông thông báo một liên minh khu vực và quốc tế chống khủng bố dựa theo mô hình của liên minh tồn tại từ năm 2014 để chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo Daech.
Ngoại trưởng Trung Cộng đi Mỹ (RFI)
Chính quyền Mỹ thông báo ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị (Wang Yi) công du Hoa Kỳ từ ngày 26/10 đến 28/10/2023. Phía Trung Cộng xác nhận thông tin trên.
Theo người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Cộng Mao Ninh (Mao Ning), ngoại trưởng Vương Nghị sẽ ‘‘có trao đổi sâu với các lãnh đạo Mỹ về quan hệ Mỹ – Trung và về các vấn đề quốc tế và khu vực nằm trong lợi ích chung’’ và Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ phối hợp để ‘‘tăng cường trao đổi, đối thoại, đẩy mạnh hợp tác, xử lý các khác biệt, và đặt các quan hệ Mỹ – Trung trở lại con đường đúng’’.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một quan chức Mỹ xin ẩn danh, theo đó chuyến đi này là dịp để Bắc Kinh ‘‘đưa ra một tiếp cận mang tính xây dựng hơn’’ đặc biệt về hai cuộc xung đột Nga – Ukraina, và Israel – Gaza, và nhiều hồ sơ bất đồng song phương khác.
Hiện tại, chưa có bất cứ thông tin chi tiết về chương trình làm việc của ngoại trưởng Trung Cộng. Không rõ tổng thống Joe Biden có kế hoạch tiếp lãnh đạo ngoại giao Trung Cộng hay không.
Theo giới quan sát, chuyến đi Mỹ tuần này của ông Vương Nghị có thể nhằm chuẩn bị cho chuyến công du Mỹ dự kiến của lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình vào giữa tháng 11 tới nhân dịp thượng đỉnh APEC, diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương tại San Francisco. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần bày tỏ ‘‘hy vọng’’ hội kiến với lãnh đạo Trung Cộng trước cuối năm nay.
Ngoài cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina, và xung đột Israel – Hamas, Mỹ và Trung Cộng đối đầu trong hàng loạt hồ sơ, từ Đài Loan đến Biển Đông, nơi căng thẳng gia tăng thời gian gần đây, đặc biệt với các va chạm giữa tàu thuyền Trung Cộng và Philippines tại quần đảo Trường Sa.
Tập Cận Bình: Trung Cộng sẵn sàng hợp tác với Mỹ (RFI)
Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 25/10/2023, tuyên bố Trung Cộng sẵn sàng hợp tác với Mỹ, để cùng xử lý các bất đồng , cùng nhau làm việc để ứng phó với những thách thức quốc tế.
Theo truyền thông Nhà nước Trung Cộng, trong thư ngỏ gởi đến Ủy Ban về Quan Hệ Mỹ – Trung, một tổ chức tư vấn phi vụ lợi, có trụ sở ở New York, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình cho rằng Washington và Bắc Kinh cần thiết lập một « cách thức tốt » để hiểu nhau là điều quan trọng cho thế giới.
Nguyên thủ Trung Cộng kêu gọi xây dựng quan hệ song phương ổn định, dựa trên nguyên tắc « tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi ».
Theo Reuters, lời mời gọi này được đưa ra một ngày trước khi ngoại trưởng Vương Nghị công du Hoa Kỳ ba ngày từ 26 đến 28/10/2023, dường như để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Joe Biden tại San Francisco, nhân thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC, được tổ chức vào tháng 11 tới.
Mùa hè năm nay, nhiều quan chức cao cấp Mỹ, kể cả ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Bắc Kinh thảo luận với các đồng cấp Trung Cộng. Ưu tiên hàng đầu của Washington là không để cho cuộc cạnh tranh gay gắt hiện nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và những bất đồng Mỹ-Trung về vấn đề Đài Loan cũng như Biển Đông dẫn đến một cuộc xung đột.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo bình luận, điều đó còn phụ thuộc vào cách hành xử của Mỹ, phải « cho thấy rõ những nỗ lực cụ thể để giải tỏa những lo ngại của Bắc Kinh và thể hiện sự chân thành của Mỹ ».
Trung Cộng hôm nay cũng mạnh mẽ chỉ trích Hoa Kỳ là « kẻ gây rối lớn nhất cho hòa bình và sự ổn định » trên thế giới. Một lời đáp trả về bản báo cáo do Lầu Năm Góc công bố hôm 20/10 cho rằng năng lực hạt nhân của Trung Cộng đã được mở rộng một cách nhanh chóng. Cảnh báo trước đó cho biết Bắc Kinh dự trù tăng gấp bốn lần số đầu đạn hạt nhân hiện có lên mức 1.500 đầu đạn vào năm 2035.
Hoa Kỳ nhận thấy nguy cơ xung đột ở Trung Đông leo thang, đe dọa quân đội Mỹ (VOA)
Hoa Kỳ nhận thấy viễn cảnh các cuộc tấn công tiếp theo nhắm vào quân đội của họ ở Trung Đông và cuộc chiến Israel-Hamas sẽ lan rộng, các quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của Hoa Kỳ nhận định hôm 22/10.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng Hoa Kỳ không muốn chứng kiến xung đột lan rộng.
Ông Blinken nói với kênh NBC News rằng hành động của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này có thể gây ra sự leo thang.
Nhà ngoại giao này cũng nói rằng Hoa Kỳ hy vọng sẽ có thêm con tin được thả bởi Hamas, nhóm chiến binh đã tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10 và giết chết khoảng 1.400 người.
Kể từ đó, Israel đã trả đũa bằng các cuộc không kích chết người vào Gaza, khu vực dài 45 km với 2,3 triệu người nằm dưới sự cai trị của Hamas từ năm 2006. Các quan chức Palestine cho biết các cuộc không kích của Israel đã giết chết hơn 4.700 người.
Ông Austin nói với chương trình “This week” của ABC: “Chúng tôi lo ngại về khả năng leo thang. Trên thực tế, những gì chúng tôi đang thấy… là nguy cơ gia tăng đáng kể các cuộc tấn công nhằm vào quân đội và người dân của chúng tôi trên khắp khu vực”.
Ông nói thêm: “Nếu bất kỳ nhóm hoặc quốc gia nào đang tìm cách mở rộng cuộc xung đột này và lợi dụng tình hình rất đáng tiếc này… thì lời khuyên của chúng tôi là: đừng”.
Biển Đông: Manila triệu đại sứ Trung Cộng lên để phản đối các sự cố ở Bãi Cỏ Mây (RFI).
Sau các vụ va chạm giữa tàu Philippines và tàu Trung Cộng gần Bãi Cỏ Mây, vùng quần đảo Trường Sa trên Biển Đông vào tuần trước, chính quyền Manila hôm 23/10/2023 tiếp tục phản ứng gay gắt, tố cáo tàu Trung Cộng “cố ý tấn công” các chiếc tàu Philippines, đồng thời triệu đại sứ Trung Cộng lên để phản đối.
Ngay sau sự cố xẩy ra hôm qua tại một vùng biển gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa, với hai vụ va chạm nguy hiểm, nhắm các tàu công vụ Philippines và tàu Hải Cảnh và dân quân biển Trung Cộng, các quan chức Philippines đã cáo buộc tàu Trung Cộng về hành động “di chuyển nguy hiểm”.
Vào hôm 23/10/2023, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilbert Teodoro đã tiến thêm một bước nữa khi cho rằng các hành động của Trung Cộng gần Bãi Cỏ Mây là có chủ ý.
Đối với ông Teodoro : “Tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Cộng đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đã quấy rối và cố tình tấn công tàu Unaiza Hai Tháng Năm và tàu Tuần Duyên BRP Cabra của Philippines”.
“Chúng tôi ở đây để thực sự lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất các hành vi vi phạm nghiêm trọng và bất hợp pháp này trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (của Philippines) cũng như việc che giấu sự thật khi Trung Cộng bóp méo câu chuyện để cho phù hợp với mục đích riêng của họ.”
Bình luận của bộ trưởng Quốc Phòng Philippines được đưa ra vài giờ sau khi tổng thống Philippines Ferdinand Marcos gặp gỡ giới lãnh đạo an ninh và ra lệnh cho lực lượng Tuần Duyên điều tra vụ việc.
Vào sáng 23/10/2023, bộ Ngoại Giao Philippines đã triệu đại sứ Trung Cộng tại Manila lên để gởi công hàm phản đối việc Bắc Kinh vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines tại vùng Bãi Cỏ Mây.
Phía Trung Cộng chỉ cử phó đại sứ tới gặp và cho biết đã “bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối việc tàu Philippines xâm phạm” vào vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Cộng.
Về phần Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm của Philippines, Washington cũng đã tố cáo hành động của Trung Cộng tại Biển Đông. Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ vào hôm qua nhắc lại rằng hiệp ước phòng thủ chung với Philippines cũng có hiệu lực với vụ tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang
Được biết, Philippines gọi Trung Cộng là “kẻ xâm lược”, cáo buộc nước này “làm gia tăng căng thẳng” ở Biển Đông và gây ra vụ va chạm khiến một trong các tàu của Manila bị hư hại khi đang làm nhiệm vụ tiếp tế, theo Reuters.
Một quan chức Philippines hôm 24/10/2023, cho biết Manila sẽ gia tăng các cuộc tuần tra hàng hải, và bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) với‘‘quy mô hạn chế”, sau các hành động hung hăng của Trung Cộng nhằm vào một đoàn tàu tiếp tế cho đơn vị đồn trú ở Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa hôm Chủ nhật, 23/10.
Trung Cộng sa thải bộ trưởng quốc phòng, lãnh đạo cấp cao thứ hai ra đi trong 3 tháng (VOA)
Trung Cộng vừa bãi nhiệm bộ trưởng quốc phòng hôm thứ Ba 24/10. Đây là lần thứ hai xảy ra việc bãi nhiệm một lãnh đạo cấp cao trong vòng ba tháng, đặt ra câu hỏi về sự ổn định của đội ngũ lãnh đạo xung quanh Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.
Theo truyền thông nhà nước, Tướng Lý Thượng Phúc, người đã vắng mặt trước công chúng trong hai tháng qua, đã bị bãi nhiệm chức bộ trưởng quốc phòng và ủy viên quốc vụ viện.
Trung Cộng cũng thông báo rằng ông Tần Cương, người bị miễn nhiệm chức bộ trưởng ngoại giao hồi tháng 7, cũng bị tước chức danh ủy viên quốc vụ viện.
Các nhà lập pháp hàng đầu của Trung Cộng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã phê chuẩn việc bãi miễn cả hai quan chức trên mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin.
Không có thông tin ai sẽ là người kế nhiệm ông Lý, khiến Trung Cộng không có bộ trưởng quốc phòng trong lúc nước này chuẩn bị đón tiếp các quan chức quốc phòng nước ngoài tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh từ ngày 29-31/10.
Ông Lý, 65 tuổi, đã không xuất hiện trước công chúng từ cách đây hai tháng. Hồi tháng trước, Reuters đưa tin rằng ông đang bị điều tra vì bị tình nghi tham nhũng liên quan đến việc mua sắm và phát triển vũ khí, khí tài.
Ông Lý đã bị Mỹ trừng phạt vào năm 2018 vì Bắc Kinh mua máy bay chiến đấu và thiết bị từ Nga.
Ông chỉ mới đảm nhiệm chức vụ này kể từ tháng 3, khi ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ nguyên thủ quốc gia lần thứ ba chưa từng có tiền lệ. Không có bộ trưởng quốc phòng nào ở Trung Cộng từng phục vụ trong thời gian ngắn hơn ông Lý.
Ông Tần Cương cũng mới phục vụ chưa đầy một năm trước khi biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng và được thay thế bởi người tiền nhiệm Vương Nghị. Không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra. Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin nói rằng ông Tần có quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân khi còn là đại sứ tại Hoa Kỳ.
Với việc sa thải cả hai quan chức trên, số lượng ủy viên quốc vụ viện, là cấp cao hơn bộ trưởng, đã bị giảm xuống chỉ còn ba người.
Mỹ và Indonesia lần đầu tiên đối thoại Ngoại Giao – Quốc Phòng (RFI)
Hôm qua, 23/10/2023, Hoa Kỳ và Indonesia lần đầu tiên tổ chức đối thoại cấp cao về Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng. Cuộc họp diễn ra tại Washington, thủ đô Hoa Kỳ.
Sau cuộc họp, hai bên ra một tuyên bố chung tái khẳng định chủ trương của lãnh đạo hai bên trong việc nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ – Indonesia thành ‘‘Đối tác chiến lược toàn diện’’, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Cuộc đối thoại Ngoại Giao – Quốc Phòng nói trên được coi là ‘‘cơ hội để thúc đẩy các ưu tiên song phương trong chuyến công du của tổng thống Joko Widodo tới Washington, D.C. vào tháng 11 tới’’, theo trợ lý ngoại trưởng Mỹ, Daniel Kritenbrink, phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.
Thông cáo tái khẳng định việc Mỹ đánh giá cao vai trò của Indonesia với tư cách là quốc gia điều phối quan hệ đối thoại Mỹ – ASEAN và hoan nghênh vai trò lãnh đạo ASEAN của Indonesia với tư cách chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023. Các quan chức Mỹ khẳng định Washington tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Phía Mỹ cũng đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Indonesia trong việc xây dựng lòng tin hướng tới một giải pháp toàn diện, hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng ở Miến Điện. Hoa Kỳ và Indonesia kêu gọi chính quyền quân sự ‘‘có hành động cụ thể để chấm dứt ngay bạo lực và tạo môi trường thuận lợi cho việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo’’. Các quan chức hai nước cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc đạt được tiến bộ trong Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về khủng hoảng Miến Điện.
Với tư cách là đối tác quân sự lớn nhất của Indonesia, Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết ‘‘hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng phòng thủ của Indonesia’’. Quan chức của cả hai nước thỏa thuận tìm cách gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, quân y, gìn giữ hòa bình, giáo dục quân sự chuyên nghiệp, cũng như các diễn tập quân sự song phương và đa phương.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink là đồng trưởng phái đoàn Mỹ cùng trợ lý bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tiến sĩ Ely Ratner. Dẫn đầu phái đoàn Indonesia là tổng vụ trưởng bộ Ngoại Giao, phụ trách Mỹ và châu Âu Umar Hadi, và tổng vụ trưởng vụ Chiến Lược Quốc Phòng, thiếu tướng Bambang Trisnohadi.
Lần đầu tiên Mỹ – Nhật – Nam Hàn tập trận chung trên không (RFI, 22/10)
Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản hôm nay 22/10/2023 bắt đầu đợt thao dợt chung trên không đầu tiên. Hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích dẫn một số nguồn tin cho biết các bài tập diễn ra gần bán đảo Triều Tiên, nhằm củng cố hợp tác ba bên về an ninh trước các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Theo các nguồn tin quân sự Hàn Quốc và Mỹ, lực lượng không quân Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, thực hiện bài tập bay theo đội hình với các máy bay chiến đấu của ba nước hộ tống máy bay ném bom B-52, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Đây là lần đầu tiên, Mỹ gởi một chiếc B-52 đáp xuống căn cứ quân sự Hàn Quốc, hôm thứ Ba 17/10, sau khi trình diễn bay tại triển lãm quốc phòng được tổ chức hai năm một lần tại Seoul. Phi cơ B-52 này cũng đã có các bài tập chung với các máy bay tiêm kích tàng hình của Hàn Quốc.
Cuộc tập trận chung trên không được tổ chức sau khi lãnh đạo ba nước, tại thượng đỉnh Trại David hồi tháng 08/2023, đã đồng ý tăng cường hợp tác an ninh nhằm đối phó với các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Bắc Triều Tiên.
Yonhap nhắc lại là vào đầu tháng 10, lần đầu tiên tính từ bảy năm trở lại đây, Seoul, Washington và Tokyo cũng đã tổ chức một cuộc tập trận “cấm tầu bè qua lại” ở vùng biển phía nam bán đảo Triều Tiên.
Giới lãnh đạo tài chính toàn cầu tỏ ý bi quan khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra (VOA)
Các nhà tài chính hàng đầu của Phố Wall thể hiện sự bi quan về nền kinh tế toàn cầu trong một diễn đàn quan trọng ở Ả rập Xê út nhằm mục đích môi giới thỏa thuận, giữa lúc cuộc xung đột bạo lực giữa Israel và Hamas khiến hàng ngàn người thiệt mạng đang diễn ra.
Sự kiện thường niên này thường được những người tham dự coi là một cơ hội để xây dựng mối quan hệ với một số công ty lớn nhất của Ả rập Xê út và quỹ đầu tư quốc gia trị giá 778 tỷ USD của nước này, được thu hút bởi những hứa hẹn về các thỏa thuận khi Ả rập Xê út bắt tay vào một kế hoạch cải cách đầy tham vọng nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi phụ thuộc vào dầu mỏ
Tuy nhiên, trình trạng leo thang giữa nhóm Hồi giáo Hamas và Israel trở thành một cuộc xung đột rộng lớn đã làm lu mờ sự kiện được mệnh danh là “Diễn đàn Davos trên sa mạc”, đó là sự kiện hàng năm quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới và những ông chủ công ty ở dãy Alps của Thụy Sĩ.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga nói rằng căng thẳng địa chính trị gia tăng do xung đột ở Trung Đông là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới.
Mặc dù các nhà tài chính hàng đầu thế giới ít đề cập đến cuộc xung đột, nhưng những thảo luận về các chủ đề như trí tuệ nhân tạo, sự sụp đổ kinh tế do chiến tranh kết hợp với các khoản nợ kỷ lục trong khi lãi suất tăng cao đã tạo ra một bối cảnh ảm đạm.
“Không nghi ngờ gì nữa, nếu những vấn đề này không được giải quyết, điều đó có thể đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều vụ khủng bố toàn cầu, có nhiều bất ổn hơn, xã hội sẽ trở nên sợ hãi… và… chúng ta thấy nền kinh tế của mình đang suy thoái”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BlackRock, Laurence Fink, nói.
Bà Fink là một diễn giả trong nhóm thảo luận với các giám đốc điều hành ngân hàng tại hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII), ngồi cùng bà là David Solomon của Goldman Sachs, Jamie Dimon của JPMorgan và Jane Fraser của Citi. Họ nói về các chủ đề bao gồm cả phụ nữ ở nơi làm việc cũng như những tác động của việc tăng lãi suất.
Ray Dalio, người sáng lập quỹ mạo hiểm Bridgewater Associates, nói ông rất bi quan. “Nếu bạn xét theo thời gian, các chính sách tiền tệ mà chúng ta sắp thấy, v.v., sẽ có tác động lớn hơn đến thế giới”, ông Dalio nói. “Và hãy nhìn vào những khoảng cách trên thế giới, thật khó để lạc quan về điều đó”.
Giám đốc điều hành Tập đoàn HSBC Noel Quinn cũng cảnh báo về mối nguy hiểm từ các khoản nợ chính phủ nặng nề. “Tôi lo ngại về điểm mất cân bằng liên quan đến thâm hụt tài chính”, ông nói. “Khi nó đến, nó sẽ đến nhanh và tôi nghĩ rằng có một số nền kinh tế trên thế giới có thể có điểm mất cân bằng đó và nó sẽ ảnh hưởng nặng nề”.
Giám đốc điều hành Standard Chartered, Bill Winters, bày tỏ hy vọng các cuộc chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông sẽ được kiềm chế, đồng thời mô tả vấn đề lãi suất là “cấp bách hơn nhiều”.
Tin Việt Nam.
Người Việt đầu tiên nhận huân chương Hiệp Sỹ Tòa Thánh
Chiều Chúa Nhật 22 tháng 10 năm 2023, Đức Giám Mục Giáo Phận Orange, Kevin W. Vann đã chủ tế Thánh Lễ đồng tế để Tạ Ơn Thiên Chúa, và trao huân chương Hiệp Sỹ Tòa Thánh cho Bác sỹ và bà Nguyễn ngọc Kỳ. Ngay sau Thánh Lễ là một cuộc tiếp tân do Giáo Phận Orange tổ chức dành cho Giáo Sỹ, Tu Sỹ và quan khách đặc biệt.
Kể từ năm 2017, Tòa Thánh Vatican đã âm thầm tìm hiểu cặn kẽ về Bác Sỹ và bà Nguyễn ngọc Kỳ, những Tín Hữu Công Giáo từng có nhiều hoạt động bác ái và đóng góp rất lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam và Hoa kỳ nhiều năm trước đó. Hồ sơ điều tra được các cơ quan thuộc Tòa Thánh hoàn tất bằng một nghị định cấp huân chương do Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh ký ngày 25 tháng 7 năm 2023. Gần một tháng sau, Đức Thánh Cha Phanxico đã ban huân chương Hiệp Sỹ Tòa Thánh cho Bác Sỹ và Bà Ngyễn Ngọc kỳ ngày 20 tháng 8 năm 2023.
Huân chương Hiệp Sỹ Tòa Thánh được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI thành lập ngày mùng 01 tháng 09 năm 1831 với mục đích tuyên dương các Tín Hữu Giáo Dân trên thế giới có nhiều công trạng đối với giáo hội và xã hội. Cùng với tước phẩm là huy chương Hiệp sĩ được Đức Thánh Cha trao ban.
Trước khoản gần 1000 giao dân và quan khách tham dự Thánh Lễ đồng tế nói trên, Đức Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange Nguyễn thái Thành đã nói đến một số hoạt động bác ái của Bác Sỹ Nguyễn ngọc Kỳ, xin tóm lược như sau:
*Tự mướn tàu để cứu người vượt biển trong thập niên 1980 tại Biển Đông. *Tích cực tham gia Chiến Dịch Tặng Sách Báo và chủ trương nguyệt san Đường Sống làm qua tặng cho các trại tụy nạn tại các nước Đông Nam Á từ năm 1979-1990 *Qua Âu-Châu vận động các nước cứu vớt và định cư đồng bào vượt biển trong thời gian 1980-1990. *Giúp tài chánh cho các Dòng Nữ tại VN qua Hội Yểm Trợ các Nữ Tu Việt Nam. *Giúp quỹ xây dựng một số nhà thờ và tu viện tại VN. *Giúp xây dựng Linh Đài và Ảnh Tượng Đúc Mẹ LaVang tại GP Orange, CA. * Đã yết kiến riêng Đức Thánh Cha Phanxicô 4 lần và yểm trợ Tòa Thánh trong các việc truyền giáo. *Đã yểm trợ nhiều dự án phát triển của Giáo Phận Orange. (TNT)
CSVN xử khiếm diện bà Nhàn liên quan đến đấu đá nội bộ
Hôm 24 tháng 10, Ba-Đình đưa vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra xử khiếm diện trong khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh, gồm cả ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, người được dư luận biết đến từng có mối giao tình với bà Nhàn, hai người có con gái đang du học ở nước ngoài.
Tòa án tại tỉnh Quảng Ninh lôi ra xử vụ án thông thầu giữa các quan chức tỉnh này với nhà thầu AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, gây thất thoát tiền bạc nhà nước hơn 50 tỉ đồng hay khoảng $2 triệu USD. Bà Nhàn hiện đang trốn đâu đó ở nước ngoài nên bị đề nghị từ 10 đến 11 năm tù trong khi quan chức địa phương và một số thuộc cấp của bà bị đề nghị các bản án nhẹ hơn.
Báo chí quốc tế từ Mỹ đến Đức, Israel đã từng đề cập tới vụ án và sự chạy trốn của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, liên quan đến sinh mệnh chính trị của ông Phạm Minh Chính. Họ còn tiết lộ rằng bà Nhàn khi thoát ra khỏi Việt Nam, tới một số nước Âu châu và hiện đang lẩn tránh ở nước Đức sau khi đã đến nước Anh, thăm đứa con ngoại hôn của bà với ông Phạm Minh Chính đang học ở đây. Báo Nhật Nikkei ngày Thứ Ba 24 Tháng Mười cũng nhắc lại các chuyện từng phanh phui trên báo chí quốc tế và cũng cho rằng vụ án bà Nhàn liên quan đến chuyện đấu đá tranh dành quyền lực nội bộ trong nhóm chóp bu đảng CSVN. Tranh ăn nhiều ít và tranh dành ghế trên ghế dưới là chuyện kết bè kết đảng vẫn thường xuyên xảy ra trong nội bộ mà người ta chỉ biết chính thức khi có các ông bà thất thế, bị công khai lôi ra bêu xấu. Tuy vậy, kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra tại Quốc Hội hôm 25 tháng 10 cho thấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính được 373 phiếu (khoảng 77%).
CSVN dành riêng ngân sách 560 ngàn tỷ để tăng lương cho cán bộ
Ngân sách Việt Nam đã dành riêng được khoảng 560 nghìn tỉ đồng, tương đương gần 23 tỉ đô la Mỹ, để chuẩn bị thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ và công nhân viên chức trong ba năm tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Báo Nhà Nước nói, Ông Chính đưa ra con số này trong báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam từ đầu năm đến nay trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ sáu vào sáng ngày 23/10.
Theo lời ông Chính, số tiền dành dụm này đủ để Việt Nam dùng vào việc nâng lương trong khu vực nhà nước từ năm 2024 cho đến năm 2026, cũng Theo lời ông Chính nói trước Quốc hội.
Mức lương cơ sở ở khu vực công của Việt Nam kể từ ngày 1/7 năm 2023 đã được điều chỉnh tăng lên 1,8 triệu đồng một tháng. Con số này sẽ được nhân với hệ số lương để ra mức lương cụ thể của từng người. Chẳng hạn, một công chức mới bắt đầu đi làm sẽ có hệ số 2,3, 4, sau khi nhân với mức lương cơ sở sẽ được lãnh lương 4,212 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 170 đô la Mỹ.
Hệ số lương sẽ tăng dần theo chức vụ và thâm niên. Mức lương của Chủ tịch nước Việt Nam hiện nay với hệ số lương 13 là 23.400.000 triệu đồng, tức chưa tới 1.000 đô la Mỹ một tháng. (Trích VOA)
Thân nhân không nhận CD lời nhắn cuối của tử tù Lê Văn Mạnh
Thân nhân từ chối không nhận CD ghi âm những lời nói cuối trước khi bị hành quyết của tử tù Lê Văn Mạnh vì nghi ngờ “khuất tất”.
Trang Facebook cá nhân Nguyễn Xuân Diện đăng tải lại lời tường thuật của ông Lê Văn Cường, em trai tử tù Lê Văn Mạnh, đến trại tạm giam của tỉnh Thanh Hóa để nhận thư và bản ghi âm những lời nói của ông trước khi bị chích thuốc độc hành hình.
Theo ông Cường, ngày 23 Tháng Mười 2023, ông và chị gái đã đến đó để đòi thư và bản ghi âm mà ông Lê Văn Mạnh để lại. Ông Cường chỉ nhận bức thư viết tay và từ chối không nhận CD ghi âm nói là lời của ông Mạnh mà cán bộ trại giam Thanh Hóa nói với hai người là “bản ghi âm trước khi thi hành án”. Ông Cường đòi cán bộ trại giam bật lên cho nghe trước rồi mới nhận.
“Bật lên tôi thấy thời gian ghi âm chỉ có 18 giây nghe xoạt xoạt có ba bốn câu không rõ tiếng tôi mới bảo ủa bản ghi âm của anh trai tôi tại sao lại không nghe thấy gì cả vậy, có mỗi 18 giây xoạt xoạt cái rồi thôi. Thế thì người công an trại đó bảo đây đúng là bản ghi âm của Mạnh để lại, chúng tôi nhận như thế nào thì giờ tôi bàn giao lại như vậy và đúng là bản ghi âm của Mạnh”. Lời thuật lại của ông Cường.
Vì không tin cái CD với 18 giây ngắn ngủi và âm thanh không nghe rõ đó là đúng nguyên bản những gì ông Lê Văn Mạnh nói trước khi bị hành quyết nên chị em ông Cường không chịu nhận.
Ông Cường viết ý kiến của mình trên Facebook rằng “Theo tôi thì nếu một người trước khi chết mà được nói lời cuối cùng cho bố mẹ, cho anh em, người thân thì cũng sẽ nói rất nhiều điều huống hồ gì anh trai tôi bị giết oan vẫn đang miệt mài kêu oan đã gần 2 thập kỉ rồi không có lí do gì mà anh trai tôi lại không nói gì rõ ràng trước khi bị tước đi mạng sống cả.”
“Bao nhiêu khuất tất, bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu lời căn dặn gửi lại cho bố mẹ cho các em và các con rất nhiều bởi vì nói dễ hơn là viết, nhanh hơn viết và chuyền cảm hơn là viết rất nhiều mà tại sao bản ghi âm của anh trai tôi lại không có gì, chỉ xoạt xoạt ba bốn câu rồi bảo chắc là anh Mạnh ghi ở thư hết rồi nên không nói nhiều”. “… Có gì khuất tất ở đây. Tôi nghi là bản ghi âm của anh trai tôi bị các ông xoá hết rồi. Tôi yêu cầu công an tỉnh Thanh Hoá giao lại cho gia đình tôi bản ghi âm đầy đủ của anh trai tôi.”
Ông Lê Văn Mạnh, sinh năm 1982, bị kết án tử hình vì bị cáo buộc hiếp dâm rồi giết chết một nữ sinh cùng thôn 4 xã Yên Thịnh huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa năm 2005. Ông ra tòa kêu bị tra tấn ép cung và liên tục kêu oan trong tất cả các phiên xử ở các cấp tòa án vì việc kết tội ông không có các bằng chứng thuyết phục cũng như nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra.
Gia đình ông liên tục gần hai chục năm trời ôm đơn thư đến cả trung ương lẫn địa phương, đánh động dư luận trong và ngoài nước. Liên Hiệp Quốc và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đều lên tiếng can thiệp nhưng ông Mạnh vẫn bị chích thuốc độc hành quyết ngày 22 Tháng Chín 2023 vừa qua tại một cơ sở thi hành án tỉnh Hòa Bình rồi đưa xác ông về chôn tại tỉnh Thanh Hóa.
Trong lá thư viết để lại cho gia đình, Lê Văn Mạnh viết rằng “Con không làm gì nên tội cả nên con không có gì phải hổ thẹn với lương tâm cả. Con chết rồi bố mẹ và các em, các con vẫn phải tiếp tục giúp con kêu nỗi oan này lên các cơ quan pháp luật của nhà nước cho đến khi nào con được minh oan thì thôi vì con bị giết oan thật sự bố mẹ ạ.”
Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ ông Mạnh, cho hay gia đình bà tiếp tục đòi hỏi công lý cho Mạnh và “không ma chay cúng bái gì hết” cho đến khi “đòi được công lý”.
Công an CSVN xưa nay quen thói tra tấn ép cung để buộc nghi can nhận tội nên xảy ra rất nhiều cái chết oan khuất trong các năm qua. Hiện gia đình các tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải vẫn phập phồng trong sự sợ hãi họ có thể bị hành quyết dù không có bằng chứng họ phạm tội. Tòa án CSVN chỉ căn cứ vào lời nhận tội của nghi can sau những trận tra tấn khủng khiếp để kết án.
Chính phủ VN dự kiến vay hơn 676.000 tỷ đồng vào năm 2024
Theo tin đài RFA, Chính phủ VN dự kiến vay hơn 676.000 tỷ đồng vào năm 2024 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước báo cáo trước Quốc hội ngày 23/10.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội- ông Lê Quang Mạnh cũng cho biết việc vay để trả nợ gốc của Việt Nam có xu hướng tăng; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách Nhà nước năm 2024 đã tiệm cận mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ông Lê Quang Mạnh nêu rõ “Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích kỹ về hiệu quả sử dụng vốn vay, hiệu quả huy động vốn gắn với nhu cầu chi tiêu của ngân sách Nhà nước. Qua số liệu quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm cho thấy số chuyển nguồn ngân sách lớn, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài rất chậm; trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất, trả phí cam kết, cho thấy tình trạng lãng phí nguồn lực.”
Ông Hồ Đức Phớc báo cáo dự báo đến cuối năm 2024 dư nợ công khoảng 39-40% GDP; nợ Chính phủ khoảng 37-38% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 38-39% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước khoảng 23-24%; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ dự kiến ở mức 8-9%.
DCCT Saigon chữa bệnh và tặng quà cho thương phế binh VNCH
Bản tin của Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Saigon cho hay, 267 thương phế binh VNCH thuộc 19 tỉnh phía nam từ Cà Mau đến Ninh Thuận đã đến Dòng Chúa Cứu Thế 38 Kỳ Đồng Sài Gòn buổi sáng ngày Thứ Bảy 21 Tháng Mười để được khám chữa bệnh và nhận quà.
“Tạ ơn Chúa ngang qua các vị ân nhân để chia sẻ phần nào nỗi mất mát và bệnh tật lúc tuổi cao, sức yếu của các thương binh VNCH. Cám ơn các y bác sĩ đã giúp đỡ khám bệnh và phát thuốc. Cám ơn các cộng sự viên đã hy sinh phục vụ. Xin cho chúng con mang con tim của Chúa Giêsu, để rồi yêu và phục vụ như Ngài”. Bản tin nói trên viết, phổ biến trên Facebook và mạng xã hội khác.
Bản tin cho hay đây là lần thứ 12 các thương phế binh VNCH được chữa bệnh, phát thuốc, hỗ trợ tiền xe đi lại và giúp đỡ tài chính mỗi người 1.5 triệu đồng nhờ sự đóng góp yểm trợ của ân nhân trong ngoài nước gửi đến DCCT đặc biệt cho chương trình nhân đạo này.
Sau Băc Việt xâm lăng Miền Nam, thương phế binh VNCH và cả gia đình họ, cũng như quân cán chính VNCH khác, đã bị phân biệt đối xử rất tàn nhẫn, con cái cũng không được cho vào đại học. Suốt mấy chục năm trời, họ và gia đình sống trong khốn đốn cùng cực. Rất nhiều người đi bán vé số dạo, thậm chí còn không có chỗ ở, lê lết đầu đường xó chợ.
Một vài năm gần đây, vì sự thay đổi nhân sự đứng đầu Dòng Chúa Cứu Thế, chương trình giúp đỡ nhân đạo cho các thương phế binh VNCH tuy có thay đổi nhưng vẫn tiếp diễn nhờ ân nhân trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đóng góp yểm trợ.
Bản tin của Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nói trên cho hay, số tiền dùng cho đợt XII ngày Thứ Bảy 21 Tháng Mười mới diễn ra là 479,186,000 đồng và tồn quỹ cho những hoạt động về sau là 275,842,038 đồng. Các con số chi thu của chương trình giúp đỡ thương phế binh VNCH do Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn được công bố công khai.
Vì vấn đề di chuyển khó khăn và cũng do tình hình sức khỏe và thông tin, số thương phế binh VNCH đến DCCT Sài Gòn nhiều ít khác nhau tùy mỗi đợt.
Tháng Giêng năm 2019, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã ủi sập hơn 100 căn nhà tại khu vực vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, lấy cớ xây cất không phép. Rất nhiều thương phế binh VNCH được cưu mang, tạm trú nơi đây đã bị mất luôn chỗ ở.
Hàng chục năm qua, nhiều nhóm, tổ chức người Việt hải ngoại đã quyên góp, tổ chức vận động yểm trợ thương phế binh VNCH rồi gửi tiền về nước qua các chùa và nhà thờ và cả những nhóm thiện nguyện tư nhân, chia sẻ phần nào những thiệt thòi mà các thương tật chiến tranh để lại trên thân thể của những thanh niên bị đẩy vào cuộc chiến một cách bắt buộc. Tại Nam California, trong 12 năm qua Cơ Sở Hy Vọng đã liên tục gây quỹ để giúp một phần cho DCCT trogn công tác nhân đạo này.
Hà Nội nín thinh khi tàu cá Trung Cộng hoạt động gần đảo Phú Quý
Nhiều tàu đánh cá Trung Quốc ngang nhiên hoạt động gần đảo Phú Quý của Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn lặng thinh.
Ông Ray Powell, người cầm đầu Dự án Project Myoushu theo dõi tình hình thời sự Biển Đông tại đại học Stanford, California, viết trên mạng X (trước đây là Twitter) rằng “Ngày 18 Tháng Mười, một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động ở phía đông đảo Phú Quý của Việt Nam giữa khoảng 50 đến 100 hải lý”, tức là hoàn toàn nằm trong phạm vi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ông Powell chỉ đưa tin vắn tắt như trên, không xác định bao nhiêu tàu Trung Quốc xâm phạm và cũng không nói gì về sự có mặt hay không của lực lượng Cảnh sát biển hoặc Kiểm ngư của Việt Nam, nhiều phần là không. Ông chỉ nêu ra sự kiện các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyến kinh tế 200 hải lý của Việt Nam mà không thấy có phản ứng gì của nước sở tại.
Đảo Phú Quý là một huyện đảo, gồm 12 đảo lớn nhỏ, thuộc tỉnh Bình Thuận có 28,000 dân hầu hết sống về nghề biển, cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (104km) về hướng đông nam. Mới ngày 21 Tháng Chín, người ta thấy tướng Chính ủy Cảnh sát biển Bùi Quốc Oai đến Phú Quý “tuyên truyền chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cho ngư dân huyện đảo Phú Quý”.
Trong khi đó, không thấy tướng Cảnh sát biển vừa kể có một lời nhắc nhở nào liên quan tới việc đề phòng tàu đánh cá nước ngoài khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của nước mình. Nơi đây Việt Nam đặt một đài radar theo dõi các hoạt động trên không và trên biển ở khu vực, được khoe là “mắt thần” canh giữ biển trời quê hương.
Hiện nhà cầm quyền Hà Nội đang cố gắng ngăn chận ngư dân đánh cá bất hợp pháp ở vùng biển các nước khác để gỡ “thẻ vàng” bị Liên Âu đe dọa cấm xuất cảng thủy sản. Mấy năm trước, báo chí trong nước thỉnh thoảng đưa tin chận bắt một vài chiếc tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.
Như hồi Tháng Tám 2020, một tàu đánh cá Trung Quốc vào đánh cá sâu trong vùng biển Việt Nam chỉ cách đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị có 11 hải lý hướng đông bắc. Tàu này chỉ bị cảnh cáo rồi đuổi đi trong khi rất nhiều tàu đánh cá của Việt Nam đã bị tàu Hải Cảnh Trung Quốc đâm chìm khi hoạt động trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.
Tin tàu Trung Quốc ngang nhiên hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ hai ngày trước khi Chủ tịch nước CSVN Võ Văn Thưởng đến Bắc Kinh dự cuộc họp ca ngợi kế hoạch kết nối “Vành đai – Con đường” bành trướng thế lực kinh tế và chính trị trên thế giới của Trung Quốc.
Guồng máy tuyên truyền của Hà Nội thuật lời ông Thưởng “đề nghị hai bên nỗ lực tạo không khí thuận lợi cho tổng thể quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp, tăng cường tuyên truyền hữu nghị, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác thực chất…” đi kèm những lời kêu gọi “tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau…” dù trên thực tế hoàn toàn ngược lại.
Những ngày đầu Tháng Mười gần đây, ông Ray Powell viết trên mạng X là suốt cả Tháng Chín, tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã quanh quẩn thường trực tại vùng biển bãi Tư Chính, nơi Việt Nam đang có hoạt động liên doanh khai thác dầu khí với Nga. Tàu Trung Quốc canh chừng, không để cho Việt Nam khoan thêm các mỏ mới ở khu vực vì vùng biển này nằm trong phạm vi chủ quyền ngang ngược hình “Lưỡi bò”.
Trung Quốc ngăn chặn không cho phía Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế của mình trong khi tàu đánh cá của họ hoạt động công khai trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam không thấy bị trừng phạt hay “đẩy đuổi”.