Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Cựu TT Trump Yêu Cầu Tòa Án Truyền Hình Trực Tiếp Phiên Tòa Liên Bang

cựu TT Donald Trump

Cựu Tổng thống Donald Trump muốn phiên tòa liên bang sắp tới của ông được truyền hình trực tiếp, ủng hộ giới truyền thông.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) phản đối nỗ lực này.

Các luật sư của Tổng thống Trump cho biết tính chất chưa từng có của quá trình tố tụng này xứng đáng được truyền hình trực tiếp.

Các luật sư viết trong hồ sơ ngày 11/11 đệ trình lên Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Tonya Chutkan, người đang giám sát vụ án, rằng, “Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một chính phủ đương nhiệm đã buộc tội hình sự đối với đối thủ dẫn đầu trong cuộc bầu cử”.

“Tổng thống Trump cần có ánh sáng mặt trời. Mọi người ở Mỹ, và hơn thế nữa, nên có cơ hội trực tiếp nghiên cứu vụ án này và xem nếu có một phiên tòa diễn ra, Tổng thống Trump sẽ tự minh oan cho mình trước những cáo buộc vô căn cứ và có động cơ chính trị này”.

Tổng thống Trump dự kiến ​​sẽ ra tòa vào tháng 03/2024 với cáo buộc can thiệp bất hợp pháp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và việc chuyển giao quyền lực theo sau đó.

Giới truyền thông vừa kêu gọi Thẩm phán Chutkan, người được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, cho phép đặt camera trong phòng xử án, cho rằng công chúng có quyền tiếp cận các thủ tục tố tụng hình sự, dựa trên phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong án lệ Richmond Newspapers Inc. kiện Virginia.

Trong vụ án đó, phán quyết cho biết, “Quyền tham dự các phiên tòa hình sự được ngầm định trong những bảo đảm của Tu chính án Thứ Nhất”.

Các hãng thông tấn cũng nêu ra rằng trong một phán quyết năm 2010, bốn thẩm phán nói rằng không có bên nào có thể đưa ra bằng chứng cho thấy sự hiện diện của camera trong phòng xử án “sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến thủ tục [tư pháp] này”.

Kể từ đó, nhiều viên chức cao cấp, trong đó có Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang Minnesota Keith Ellison, đã lên tiếng ủng hộ việc trực tiếp truyền hình các phiên tòa.

Các hãng thông tấn cũng tuyên bố rằng việc tường thuật trực tiếp sẽ “là một bước quan trọng trong việc ngăn chặn các thuyết âm mưu sai sự thật” về vụ án.

Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Trump ở Georgia đã được lên lịch phát sóng.

Biện lý Đặc biệt Jack Smith, người đang truy tố cựu tổng thống sau khi được Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland bổ nhiệm, đã phản đối việc truyền hình trực tiếp phiên tòa.

Ông nêu ra các quy định liên bang cấm các camera từ các tòa án liên bang và các phán quyết cho thấy các quy tắc này hợp hiến.

Ông Smith cũng cho biết một lệnh cấm phát sóng phiên tòa “không tạo gánh nặng cho ngôn luận hay liên quan đến Tu chính án thứ Nhất dưới bất cứ hình thức nào” vì các phóng viên và các thành viên khác của công chúng vẫn có thể tham dự phiên tòa.

Ông nói: “Trên thực tế thì phiên tòa mở cửa cho công chúng và giới truyền thông, những người có thể ‘tham dự, lắng nghe, và đưa tin’ cho công chúng, đáp ứng đầy đủ quyền tiếp cận theo Hiến Pháp”, ông nói, trích dẫn một phán quyết trước đó của tòa án.


Tại Sao Các Tòa Án Không Thể Ngăn Chặn Sự Kiểm Duyệt Của Chính Phủ

Các nhà phân tích pháp lý cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp ngày càng tăng ở Hoa Kỳ nhằm kiểm soát những gì người Mỹ nói đã thiết lập nên một hệ thống kiểm duyệt chưa từng có nhằm né tránh và làm xói mòn quyền tự do ngôn luận theo Hiến Pháp.

Tuy rằng những người ủng hộ tự do ngôn luận tranh đấu với hình thức “kiểm duyệt bằng ủy quyền” mới này tại tòa án nhưng nhiều người đã bày tỏ lo ngại rằng ngay cả việc thắng các vụ kiện cũng có thể không đủ để bảo toàn các quyền Tu chính án thứ Nhất.

Ông Andrew Grossman, luật sư về luật Hiến Pháp tại BakerHostetler, nói với những người tham dự tại hội nghị tự do ngôn luận của Viện Cato hôm 02/11: “Ngày càng có nhiều người Mỹ bị kiểm duyệt, nhiều ngôn luận bị chính phủ kiểm duyệt và đàn áp hơn bao giờ hết”.

“Nhưng phần lớn đây không phải là kiểm duyệt theo kiểu cũ. Chúng tôi không nói đến việc cấm sách; chúng tôi không nói đến các kiểu hạn chế truyền thống khác đối với phát ngôn hoặc ấn phẩm. Điều chúng tôi đang nói đến là một hiện tượng mà tôi gọi là ‘việc chính phủ kiểm duyệt bằng ủy quyền’”.

Bổ túc thêm bằng chứng sâu rộng trước đây về “sự kiểm duyệt bằng ủy quyền” của chính phủ Tổng thống (TT) Biden, hôm 06/11/, Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Vũ khí hóa ‘Thông tin giả,’ các Ngụy-Chuyên gia và Giới viên chức: Cách mà Chính phủ Liên bang Hợp tác với các Trường đại học để Kiểm duyệt Ngôn luận Chính trị của người Mỹ”.

Báo cáo này nêu rõ, “Đối với những gì chính phủ liên bang không thể trực tiếp thực thi, thì họ sẽ hoàn toàn giao việc đó cho tổ hợp công nghiệp-kiểm duyệt mới nổi”.

Ông Jordan đã viết trên X (trước đây là Twitter), rằng “hàng trăm báo cáo bí mật cho thấy Bộ An Ninh Nội Địa (DHS), Cơ quan An ninh Mạng và An ninh Cơ sở hạ tầng (CISA), Bộ Ngoại Giao, [Đại học] Stanford, và các tổ chức khác đã cộng tác như thế nào để kiểm duyệt người Mỹ trước thềm cuộc bầu cử năm 2020, kể cả thông tin đúng sự thật, những câu chuyện cười, và các quan điểm”.

Ông viết: “Chính phủ liên bang, các ‘chuyên gia’ về thông tin giả tại các trường đại học, các Đại công ty Kỹ nghệ, và những tổ chức khác đã cộng tác thông qua bộ phận Quan hệ Đối tác Liêm chính trong Bầu cử để giám sát và kiểm duyệt ngôn luận của người Mỹ”.

Hiện tại, Hoa Kỳ đang chờ đợi Tối cao Pháp viện ra quyết định được cho là mang tính bước ngoặt về Tu chính án thứ Nhất trong vụ Missouri kiện Chính phủ ông Biden. Vụ án này cáo buộc chính phủ TT Biden đã ép buộc các công ty mạng xã hội ngăn chặn phát ngôn nào mâu thuẫn với lối tường thuật của tiểu bang về đại dịch COVID-19. Hai bộ trưởng Tư Pháp đương thời là ông Eric Schmitt ở Missouri và ông Jeff Landry ở Louisiana đã khởi kiện vụ này.

Hai Hai bộ trưởng Tư Pháp này lập luận rằng, khi buộc các công ty tư nhân phải kiểm duyệt, chính phủ đã biến họ thành “các tác nhân chính quyền”, do đó chính phủ đã vi phạm các quyền Tu chính án thứ Nhất của người Mỹ.

“Nếu những cáo buộc của các Nguyên đơn là đúng, thì vụ việc hiện tại sẽ có thể liên quan đến cuộc tấn công lớn nhất chống lại tự do ngôn luận trong lịch sử Hoa Kỳ”, bên nguyên đơn tuyên bố. “Trong nỗ lực ngăn chặn những thông tin được cho là thông tin giả, Chính phủ Liên bang, và đặc biệt là các Bị đơn có tên ở đây, bị nghi ngờ đã phớt lờ một cách trắng trợn quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ Nhất”.

Bên bị đơn gồm có: Tổng thống Joe Biden, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre, Tổng Y sĩ Vivek Murthy, Bộ trưởng Y tế Xavier Becerra, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, cũng như Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Trung tâm Kiểm Soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh (CDC), Bộ An ninh Nội địa, Bộ Tư pháp, FBI, Bộ Ngoại giao, và Bộ Ngân khố, v.v.

Hai bộ trưởng Tư Pháp này cho biết các viên chức chính phủ TT Biden, “thông qua các chiến dịch gây áp lực công khai, các cuộc họp riêng, và các hình thức liên lạc trực tiếp khác, liên quan đến những gì các Bị đơn mô tả là ‘tin giả,’ ‘thông tin sai lệch,’ và ‘thông tin ác ý,’ đã thông đồng và/hoặc ép buộc các nền tảng truyền thông xã hội ngăn chặn những người phát ngôn, các quan điểm, và nội dung không được mong muốn trên các nền tảng xã hội”.


Số Đơn Khai Phá Sản Doanh Nghiệp Cao Nhất Kể Từ Năm 2020

Theo một báo cáo mới đây của Standard & Poor’s, các vụ phá sản của các tập đoàn Hoa Kỳ đã đạt mức cao nhất trong những năm vừa qua, trong đó các lãnh vực như hàng tiêu dùng không thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, và công nghiệp dẫn đầu về số hồ sơ khai phá sản.

Báo cáo ngày 08/11 của S&P Global Market Intelligence cho biết: “Những trở ngại kinh tế ngày càng tăng và thị trường lao động trong nước thiếu nhân sự đang gây thêm áp lực lên các công ty đang gặp khó khăn. Trong 10 tháng đầu năm, 561 công ty nộp đơn khai phá sản, nhiều hơn bất cứ năm nào kể từ năm 2010, ngoại trừ năm 2020”. Tổng cộng có 50 công ty nộp đơn khai phá sản trong tháng Mười. Mặc dù đây là tổng số hồ sơ hàng tháng thấp thứ hai trong năm nhưng con số này vẫn cao hơn so với tổng số hồ sơ hàng tháng trong hầu hết năm 2021 và 2022.

Tính đến tháng Mười năm nay, có 561 vụ phá sản, tăng nhiều so với 372 vụ trong cả năm 2022 và 406 vụ vào năm 2021. Với hai tháng còn lại trong năm, số vụ phá sản có vẻ sẽ vượt quá 639 vụ được báo cáo vào năm 2020.

Trong khi 50 vụ phá sản trong tháng Mười là con số thấp hơn so với 61 vụ trong tháng Chín, báo cáo đã lưu ý rằng có nhiều công ty có khoản nợ lớn “oằn mình dưới gánh nặng của lãi suất cao hơn” trong tháng này.

Báo cáo cho biết, “Bốn công ty có khoản nợ hơn 1 tỷ USD — MVK FarmCo LLC, Rite Aid, Akumin Inc., và Air Methods — đã nộp đơn khai phá sản trong tháng Mười, nhiều hơn bất cứ tháng nào khác trong năm nay và tăng so với chỉ một công ty như vậy khai phá sản trong tháng Chín”. Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, 21 công ty có nợ vượt quá 1 tỷ USD đã nộp đơn khai phá sản.

Báo cáo lưu ý rằng mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng “mạnh mẽ đáng kể”, nhưng không phải tất cả các công ty đều được hưởng lợi như nhau từ việc chi tiêu đó.

Trong tháng Mười, lãnh vực chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng không thiết yếu bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 7 hồ sơ phá sản mỗi lãnh vực. Tiếp theo là lãnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu với 5 hồ sơ phá sản.

Nhìn chung trong năm 2023, ngành tiêu dùng không thiết yếu đã có ​​71 hồ sơ phá sản, tiếp theo là ngành chăm sóc sức khỏe với 69 hồ sơ, ngành công nghiệp với 64 hồ sơ, ngành tài chính với 32 hồ sơ, và hàng tiêu dùng thiết yếu với 22 hồ sơ.

Chỉ bốn tiểu bang cộng lại đã chiếm hơn một nửa số hồ sơ phá sản trong tháng Mười. Báo cáo cho biết, “California có thêm 10 vụ phá sản trong tháng Mười, nâng tổng số vụ phá sản của tiểu bang này lên 1,210 kể từ năm 2010, trong khi số vụ phá sản ở Texas tăng 6 vụ lên thành 984 vụ”.

“New York ghi nhận thêm 6 vụ phá sản trong tháng Mười, trong khi Florida ghi nhận 5 vụ. Tổng số hồ sơ của hầu hết các tiểu bang khác không thay đổi trong tháng qua”.

Công ty chia sẻ không gian làm việc WeWork là tập đoàn lớn mới nhất nộp đơn khai phá sản. Việc nộp đơn được thực hiện hôm 06/11 tại Hoa Kỳ và Canada.

Công ty tuyên bố việc nộp đơn khai phá sản này là một phần của “việc tái tổ chức toàn diện nhằm củng cố lại cấu trúc vốn và hiệu quả tài chính cũng như định vị tốt nhất cho công ty để đạt được thành công trong tương lai”.

Không rõ có bao nhiêu địa điểm văn phòng của WeWork sẽ vẫn mở. Trong một hồ sơ mới đây, công ty cho biết họ có 777 địa điểm ở 39 quốc gia.

Nói với Associated Press, Giám đốc điều hành David Tolley cho biết rằng ông dự trù công ty sẽ rời khỏi thêm các địa điểm khác khi tiếp tục các cuộc bàn bạc với chủ nhà. Ông Tolley cũng bày tỏ sự lạc quan rằng mọi việc sẽ được cải thiện trong năm tới.


Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Mike Johnson Tiết Lộ Kế Hoạch Ngăn Chặn Chính Phủ Đóng Cửa

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã tiết lộ một kế hoạch tài trợ tạm thời độc đáo “theo bậc thang” để ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa.

chủ tịch Quốc Hội
Mike Johnson

Kế hoạch do ông Johnson đề nghị là một nghị quyết chi tiêu tạm thời gồm hai giai đoạn. Giai đoạn một là tài trợ cho một số bộ phận của chính phủ liên bang cho đến ngày 19/01 năm tới và giai đoạn hai là tài trợ cho những bộ phận khác cho đến ngày 02/02 năm tới.

Kế hoạch này khác biệt ở chỗ là thông thường các nhà lập pháp sẽ gia hạn tài trợ cho tất cả các chương trình cho đến một ngày nhất định.

Ông Johnson đã chọn cách sắp xếp này để tránh phải đề ra một dự luật chi tiêu duy nhất có giá trị rất lớn với nhiều nghị trình chi tiêu khác nhau. Lựa chọn này của ông có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ các đồng sự Đảng Cộng Hòa của ông, những người đang tập trung hết sức vào việc vận động cho hạn chế tài chính.

Ông Johnson cho biết trong một tuyên bố: “Nghị quyết chi tiêu tạm thời gồm hai giai đoạn này là một dự luật cần thiết để đưa các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện vào vị trí tốt nhất để giành được các chiến thắng cho phái bảo tồn truyền thống”.

Ông tiếp tục: “Dự luật này sẽ chấm dứt thói quen không hợp lý về việc thông qua gói tổng hợp gồm nhiều dự luật chi tiêu rất lớn được giới thiệu ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh”.

Theo kế hoạch của ông Johnson, việc tài trợ cho một số dự luật chi tiêu, trong đó có các chương trình dành cho cựu chiến binh cũng như các dự luật liên quan đến giao thông, nhà ở, nông nghiệp, và năng lượng, sẽ được gia hạn cho đến ngày 19/01 năm tới.

Việc tài trợ cho các dự luật khác, chẳng hạn như về quốc phòng, Bộ Ngoại Giao, và Bộ An Ninh Nội Địa, sẽ được gia hạn cho đến ngày 02/02 năm tới.

Đáng chú ý, đề nghị của ông Johnson không bao gồm các khoản tài trợ mà Tổng thống Joe Biden yêu cầu cho Israel, Ukraine, và an ninh biên giới Hoa Kỳ. Ông giải thích rằng việc không đưa các khoản này vào sẽ giúp các vấn đề đang gây tranh cãi, do có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhà lập pháp, như viện trợ nhiều hơn cho Ukraine hay làm cách nào để tăng cường an ninh biên giới tốt nhất, sẽ được thảo luận nhiều hơn.


FBI Thu Giữ Điện Thoại, Ipad Của Thị Trưởng New York Eric Adams

Hôm thứ Sáu (10/11), luật sư của Thị trưởng Thành phố New York Eric Adams xác nhận rằng FBI đã thu giữ điện thoại và iPad của thị trưởng như một phần của cuộc điều tra về hoạt động tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông.

“Sau khi hay biết về cuộc điều tra này của liên bang, người ta phát giác ra rằng gần đây một cá nhân đã hành động không đúng mực. Với tinh thần minh bạch và hợp tác, hành vi này đã được chủ động trình báo ngay lập tức cho cơ quan điều tra. Thị trưởng đã và vẫn cam kết hợp tác trong vấn đề này”, luật sư Boyd Johnson của ông nói trong một tuyên bố.

“Vào tối thứ Hai (06/11), FBI đã tiếp cận thị trưởng sau một dịp sự kiện. Thị trưởng ngay lập tức tuân theo yêu cầu của FBI và cung cấp cho họ các thiết bị điện tử. Thị trưởng không bị cáo buộc có bất cứ hành vi sai trái nào và tiếp tục hợp tác với cuộc điều tra”.

Ông Adams cũng phủ nhận mọi hành vi sai trái trong một tuyên bố.

“Từng là một thành viên của lực lượng chấp pháp, tôi mong đợi tất cả những nhân viên của mình tuân thủ luật pháp và hợp tác đầy đủ với bất cứ hình thức điều tra nào — và tôi sẽ tiếp tục thực hiện chính xác điều đó. Tôi không có gì phải giấu giếm”.

Tuần trước, FBI đã đột kích vào nhà của bà Brianna Suggs, một trong những cố vấn chính trị chính của thị trưởng, sau đó thị trưởng cũng đưa ra tuyên bố rằng ông vô tội trước mọi hành vi sai trái.

Ông chia sẻ,“Tôi cảm thấy vô cùng yên tâm về cách mình tuân thủ các quy tắc và thủ tục. Tôi đã nói đi nói lại điều này. Tôi đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân, tôi đặt tiêu chuẩn cao cho chiến dịch tranh cử của mình, và tôi đặt tiêu chuẩn cao cho các nhân viên của mình tại tòa thị chính”, ông chia sẻ. Ông cũng nói rằng bà Suggs là một “người chuyên nghiệp thực thụ” và sẽ vẫn ở trong đội của ông cho chiến dịch tái tranh cử năm 2025.

Ông Adams tuyên bố, “Tôi phẫn nộ và tức giận nếu có ai đó cố gắng sử dụng chiến dịch để thao túng nền dân chủ của chúng ta và lừa gạt chiến dịch của chúng ta. Tôi muốn nói rõ rằng, tôi không biết, trực tiếp hay gì đó khác, về bất cứ hoạt động gây quỹ không phù hợp nào — và chắc chắn không có bất cứ khoản tiền nào từ ngoại quốc”.

FBI chưa công khai thông tin chi tiết về cuộc điều tra này, tuy nhiên, một lệnh khám xét đã được tờ New York Times đưa tin đầu tiên. Tờ báo viết rằng cuộc điều tra liên bang này có liên quan đến vụ việc được cho là tham nhũng trong chiến dịch tranh cử năm 2021 của ông Adam và có thể liên quan đến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Vài ngày sau đó, họ đã trả lại các thiết bị bị thu giữ, mà FBI có thể đã sao chép.

Nhân viên của thị trưởng xác nhận rằng văn phòng của ông đã gặp các công tố viên liên bang, nhưng không tiết lộ họ đã thảo luận những gì.

Sau cuộc đột kích vào nhà bà Suggs, truyền thông đưa tin rằng trọng tâm của cuộc điều tra là mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử năm 2021 của thị trưởng và của Tập đoàn Xây dựng KSK có trụ sở tại Brooklyn với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tập đoàn Xây dựng KSK sở hữu các tòa nhà chung cư trên toàn thành phố. Tập đoàn Xây dựng KiSKA là chủ sở hữu của KSK và cũng sở hữu hai chi nhánh của chuỗi khách sạn Thổ Nhĩ Kỳ tại Hoa Kỳ.


100 Nhóm Nhân Quyền Sẽ Biểu Tình Phản Đối ĐCSTQ Và Tập Cận Bình Trong Chuyến Thăm Hoa Kỳ

Theo thông tin được Bộ Ngoại Giao Trung Cộng xác nhận ngày 10/11, Lãnh đạo Trung Cộng, Tập Cận Bình sẽ tới San Francisco từ ngày 14/11 đến ngày 17/11 để gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Tập Cận Bình tới Hoa Kỳ sau sáu năm.

photo: Ilene Eng/The Epoch Times

Cùng thời điểm này, hơn một trăm nhóm nhân quyền ở Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho các cuộc biểu tình lớn nhất nhằm phản đối ĐCSTQ và Tập Cận Bình trong chuyến thăm của ông.

Hôm 07/11, 59 tổ chức nhân quyền đã công bố một bức thư ngỏ kêu gọi Tổng thống (TT) Biden ưu tiên cho các vấn đề nhân quyền trong cuộc nói chuyện với ông Tập. Họ yêu cầu trả tự do cho các tù nhân lương tâm, như ông Bành Lập Phát (Peng Lifa), ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), ông Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi), và ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), đồng thời kêu gọi ĐCSTQ ngừng vi phạm nhân quyền và ngừng thủ tiêu công dân Trung Quốc.

Ông Giới Lập Kiến (Jie Lijian), người đứng đầu các hoạt động phản đối cộng sản ở Los Angeles và Chủ tịch Đảng Dân Chủ Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 10/11 rằng: “Thông tin chúng tôi nhận được là Tập Cận Bình có thể đến San Francisco vào tối ngày 14/11 tới. Một số đường cao tốc và đường đến Phi trường Quốc tế San Francisco đã tạm thời được kiểm soát trong vài ngày này”.

Video trên mạng xã hội cho thấy những người vô gia cư đều đã được di chuyển khỏi đường phố gần Toà Lãnh Sự Trung Cộng ở San Francisco, trong khi những hàng rào cao hơn 6 feet (khoảng 1.83 mét) đã được dựng lên để ngăn người biểu tình xuống đường.

Ông Giới cho biết: “Ông Tập Cận Bình rất có thể sẽ đi ngang qua đó. Nếu có cơ hội, chúng tôi sẵn sàng đứng trước chiếc xe đặc biệt của Tập Cận Bình để phản đối mạnh mẽ. Bởi vì nhiều người kiến nghị, trong đó có nhiều người như tôi, đã phải chịu đựng việc mất đi người thân, hoặc người thân bị hủy hoại vì bị kết tội vi phạm nhân quyền, và chúng tôi rất tức giận. Chúng tôi không chào đón những người vi phạm nhân quyền đến thăm Hoa Kỳ. Tôi nghĩ đây là một sự phản bội nhân quyền và một việc làm mất uy tín đối với hệ thống dân chủ tự do.”

Hôm 11/11, nhiều nhóm phản đối cộng sản khác nhau ở Los Angeles đã tổ chức một cuộc họp báo để phản đối sự độc tài của của ĐCSTQ và chuyến thăm Hoa Kỳ của Tập Cận Bình.


Mỏ Bitcoin Trung Quốc Là Mối Đe Dọa Đối Với An Ninh Hoa Kỳ

Hoạt động khai thác mã kim của Trung Quốc đã bị phát giác ở 12 tiểu bang của Hoa Kỳ, gây lo ngại về an ninh quốc gia.

Ngũ Giác Đài đang theo dõi việc giám sát một cơ sở khai thác bitcoin của Trung Cộng ở Cheyenne, Wyoming. Địa điểm này nằm gần trung tâm dữ kiện của Microsoft, nơi lưu trữ thông tin nhạy cảm, cung cấp sự trợ giúp quan trọng cho Ngũ Giác Đài.

Trong báo cáo năm 2022 đệ trình lên Ủy ban Đầu tư của Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS), một cơ quan liên bang chịu trách nhiệm giám sát các khoản đầu tư từ ngoại quốc có tác động tiềm ẩn đến an ninh quốc gia, Microsoft bày tỏ lo ngại về địa điểm ở Wyoming, nhấn mạnh khả năng Trung Quốc tiến hành hoạt động thu thập thông tin tình báo toàn diện.

Các viên chức Hoa Kỳ lo ngại rằng hoạt động khai thác này có thể tiến hành giám sát Căn cứ Không quân Francis E. Warren, cách mỏ bitcoin này một dặm. Căn cứ này là nơi đặt trụ sở của Lực lượng Hỏa tiễn số 90 (90th Missile Wing), hay còn gọi là “Mighty Ninety”, phụ trách bảo trì các hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III (ICBM) “trong trạng thái cảnh giác cao 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm”.

Mỏ có trụ sở tại Wyoming này sử dụng cương liệu máy điện toán có nguồn gốc từ một công ty tên là Bitmain, với một số thành phần có nguồn gốc liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Sau lệnh cấm khai thác Bitcoin ở Trung Quốc vào năm 2021, số lô hàng thiết bị Bitmain đến Hoa Kỳ đã tăng gấp 15 lần. New York Times đã xác định được các hoạt động khai thác bitcoin của Trung Quốc ở hàng chục tiểu bang và có thể có thêm các cơ sở khai thác khác không được tiết lộ, đang hoạt động.

Một công ty khai thác bitcoin khác của Trung Cộng, YZY Capital Holdings, cũng đã mua đất gần Căn cứ Không Quân Warren. Các công ty Trung Quốc này thường liên kết với các tập đoàn mẹ lớn hơn, thường được che giấu thông qua các công ty vỏ bọc và có xu hướng duy trì sự hiện diện mang tính lừa dối bằng một địa chỉ danh nghĩa ở Hoa Kỳ trong khi ghi danh ở Quần đảo Cayman.

Chủ sở hữu công ty có mỏ Bitcoin ở Wyoming trước đây từng ghi danh với tư cách là một công ty thịt heo ở Manhattan nhưng lại được ghi danh ở Quần đảo Cayman. Tương tự, YZY Capital Holdings cũng ghi danh tại Manhattan và thuộc sở hữu của ông Viên Khiêm (Yuan Qian), quốc tịch Trung Cộng, người được cho là có liên kết với đảng cộng sản Trung Cộng.

Trước năm 2021, phần lớn hoạt động khai thác mã kim toàn cầu đều tập trung ở Trung Cộng. Tuy nhiên, sau quyết định cấm các hoạt động như vậy của Bắc Kinh, ngành này đã chuyển sang các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ. Các hoạt động khai thác này thường chiếm diện tích nhà kho lớn, thường là những nhà kho được tái sử dụng từ các nhà máy cũ. Sự lựa chọn địa điểm của họ được thôi thúc bằng nhu cầu tìm kiếm nguồn điện giá cả phải chăng, vì việc khai thác mã kim tiêu tốn nhiều năng lượng và tạo ra nhiệt lượng lớn. Vì vậy, những cơ sở này đòi hỏi phải có không gian rộng rãi, thông thoáng, được trang bị quạt để điều chỉnh nhiệt độ.


Thượng Viện Không Đồng Ý Dùng Quỹ Liên Bang Để Phục Vụ Trung Cộng

 Hôm 31/10, các thành viên lưỡng đảng của Thượng viện Hoa Kỳ đồng ý rằng nguồn tài trợ của liên bang cho việc xây dựng quân sự và các cơ quan cấp bộ như Cựu chiến binh (VA), Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Phát triển Nhà ở và Đô thị không được mang lại lợi ích cho Trung Cộng.

Trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 61 phiếu thuận-36 phiếu chống, các thành viên đã thông qua một bản sửa đổi cho gói chi tiêu của Thượng Viện dành cho những cơ quan đó. Luật sửa đổi này cấm sử dụng các quỹ phân bổ ngân sách để cung cấp “các khoản trợ cấp, tài trợ, hoặc bất cứ lợi ích tài chính nào” cho các tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc hoặc các chi nhánh của họ.

Nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri), người bảo trợ bản sửa đổi, nói trên sàn Thượng Viện rằng: “Dù chúng ta có thể có những bất đồng nào khác về việc chi tiêu trong các dự luật này, nhưng chắc chắn chúng ta có thể đồng tình rằng số tiền này phải đến tay người Mỹ và các công ty Mỹ cũng như các đồng minh của chúng ta”.

Ông giải thích: “Tất cả những gì bản sửa đổi này làm là nói rằng không có khoản tiền nào chúng ta đang phân bổ có thể đến Trung Quốc. Nó không thể đến tay các công ty Trung Cộng, hoặc các công ty do Trung Cộng sở hữu và kiểm soát — thế thôi. Rất đơn giản: Không có đồng tiền thuế nào của người Mỹ đổ vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây nên là một cuộc bỏ phiếu dễ dàng”.

Trong khi đa số thành viên Hạ Viện hẳn nhiên là đã đồng ý, thì Nghị sĩ Patty Murray (Dân Chủ-Washington) cảnh báo rằng bản sửa đổi có thể gây ra “những hậu quả sâu rộng, không lường trước được” mà có thể làm phức tạp khả năng thực hiện công việc của các cơ quan.

Bà lập luận: “Nếu sửa đổi này được thông qua, VA có thể sẽ gặp phải những thách thức trong việc có được các sản phẩm cho những nhu cầu nhiệm vụ thiết yếu như dược phẩm hoặc thiết bị y tế”.

Bà Murray còn cho rằng các chương trình ăn trưa ở trường học có thể gặp khó khăn trong việc mua thịt do một số công ty sản xuất và chế biến thịt, như Smithfield Foods, thuộc sở hữu của các công ty Trung Cộng.  Và Cục Hàng không Liên bang, bà nói thêm, sẽ không còn có thể mua phi cơ không người lái do Trung Cộng sản xuất để nghiên cứu, thử nghiệm, và huấn luyện.

Bà kết luận: “Chúng ta nên có nhiều thời giờ hơn để xem xét cẩn thận tác động của sửa đổi này và những hậu quả trầm trọng ngoài ý muốn mà điều luật mới có thể gây ra trước khi được đưa vào dự luật này”.