TIN THẾ GIỚI.
Mục tiêu thượng đỉnh Mỹ – Trung : Duy trì đối thoại tránh dẫn đến xung đột (RFI)
Trước khi khai mạc thượng đỉnh quy tụ lãnh đạo 21 thành viên Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố San Francisco, bang California, tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, hôm nay 15/11/2023.
Lãnh đạo Nhà Trắng đề ra mục tiêu duy trì kênh liên lạc với Bắc Kinh và hai cường quốc kinh tế của thế giới, tuy là trong thế cạnh tranh với nhau về nhiều mặt, nhưng cần tránh dẫn đến xung đột.
Đặc phái viên của RFI từ San Francisco, Guillaume Nadin cho biết thêm về tầm mức quan trọng thượng đỉnh Mỹ-Trung lần thứ hai kể từ khi Joe Biden đắc cử tổng thống.
« Từ nhiều tháng qua, quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng. Chính quyền Biden xem Trung Cộng là một đối thủ cạnh tranh thực thụ, thậm chí coi đó là một điều tốt. Thế nhưng Washington muốn tránh để sự cạnh tranh đó lại dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh, hay tệ hơn nữa là một cuộc xung đột.
Một sự cố vẫn có thể xảy ra và kịch bản ấy đã từng được ghi nhận qua vụ khinh khí cầu dọ thám của Trung Cộng bay qua không phận Hoa Kỳ trước khi bị bắn hạ vào tháng 2/2023. Trung Cộng càng lúc càng hiện diện ở Biển Đông. Mỹ khẳng định vai trò của một quốc gia bảo vệ các quyền tự do lưu thông trên biển trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Do vậy cuộc gặp hôm nay nhằm duy trì các kênh đối thoại ở cấp cao nhất, đồng thời đây cũng là dịp để nối lại các đối thoại về quân sự chẳng hạn.
Cạnh tranh Mỹ -Trung cũng được ghi nhận về phương diện kinh tế. Theo các quan chức trong chính quyền Biden, thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh thuận lợi cho Hoa Kỳ : kinh tế Mỹ đang vững mạnh. Washington ngụ ý tăng trưởng của Trung Cộng không được bằng. Kinh tế Trung Cộng đã không bật dậy như mong đợi sau giai đoạn Covid và Bắc Kinh khó đạt được mực tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Cũng chính vì thế mà ông Tập Cận Bình đến San Francisco. Diễn Đàn Hợp Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương quy tụ hơn 20 thành viên. APEC muốn trông thấy quan hệ giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ nếu không được nồng thắm, thì ít ra cũng phải được điều tiết trong một khuôn khổ nhất định nào đó ».
Khả năng nối lại đối thoại quân sự
Theo các giới chức Hoa Kỳ được hãng tin AP trích dẫn, hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau tại bảo tàng Filoli Estate, cách trung tâm thành phố San Francisco tầm 40 km về phía nam. Trên nguyên tắc Washington và Bắc Kinh sẽ thông báo một thỏa thuận tái lập lại những trao đổi về quân sự, đặc biệt liên quan đến thỏa thuận MMCA (Military Maritime Consultative Agreement) giảm thiểu rủi ro xảy ra sự cố trên biển và trên không giữa quân đội hai nước. MMCA có hiệu lực từ 1998 và đã bị tạm đình chỉ từ 2020.
Hợp tác chống biến đổi khí hậu
Hoa Kỳ và Trung Cộng cũng đã đạt đồng thuận trước khi lãnh đạo hai nước chính thức họp thượng đỉnh, đó là về khí hậu. Trong một thông cáo chung hôm nay 15/11/2023, Washington và Bắc Kinh cùng cam kết đóng góp hết sức mình để hội nghị khí hậu COP28 « thành công ».
COP28 mở ra tại Dubai từ ngày 30/11-12/12/2023. Giới quan sát đồng loạt cho rằng thành công hay thất bại của hội nghị, phần lớn tùy thuộc vào mức độ hợp tác giữa hai quốc gia thải khí các-bon nhiều nhất trên thế giới là Trung Cộng và Hoa Kỳ.
Nga thừa nhận quân Ukraine đã vượt sông Dnipro tiến vào vùng Kherson (VOA)
Truyền thông nhà nước Nga, sau hai ngày loan tin rồi rút lại, hôm 15/11 lần đầu tiên thừa nhận rằng quân Ukraine đã vượt sông Dnipro rộng lớn để tiến vào các vùng bị chiếm đóng ở khu vực Kherson, nhưng cũng nói thêm họ đã triển khai thêm quân để ngăn chặn trong lúc Kyiv cố gắng mở một tuyến tấn công mới vào bán đảo Crimea vốn đã bị Nga sáp nhập.
Việc lúng túng đảo ngược thông tin một cách vội vàng diễn ra gần như đúng một năm sau khi lực lượng Nga rút quân khỏi hữu ngạn, bao gồm cả thành phố Kherson.
Ukraine hôm 14/11 nói họ đã tạo được thế đứng vững ở bờ đông sông Dnipro ‘bất chấp mọi khó khăn’, nhiều khả năng là bước lùi lớn đối với quân chiếm đóng Nga ở phía nam.
Phát ngôn nhân quân đội Ukraine hôm 15/11 cho biết quân Ukraine đang cố gắng đẩy lùi quân Nga khỏi bờ đông sông Dnipro, vốn là rào cản tự nhiên đáng gờm trên chiến trường.
Ông Vladimir Saldo, thống đốc do Nga bổ nhiệm ở khu vực Kherson mà Moscow kiểm soát, thừa nhận trong một tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã vượt sông, nhưng nói rằng phía Ukraine đã hứng chịu tổn thất nặng nề. “Viện quân của chúng tôi đã đến nơi. Quân thù bị mắc kẹt ở khu dân cư Krynky và địa ngục rực lửa đã ở đó chờ chúng: bom, tên lửa, hệ thống súng phun lửa hạng nặng, đạn pháo và máy bay không người lái,” ông Saldo nói.
Dẫn điều mà ông cho là thông tin trực tiếp từ nhóm quân sự ‘Dnepr’ của Nga, ông cho biết quân Ukraine đã bị giữ chặt trong các tầng hầm trong ngày và dự đoán cuộc tấn công của Ukraine sẽ bị đẩy lùi.
Làng Krynky nằm gần Dnipro cách thành phố Kherson mà Ukraine đã giành lại gần như đúng một năm trước khoảng 30 km về phía đông bắc.
Bà Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân Bộ chỉ huy quân sự miền Nam Ukraine, mô tả tiền tuyến là ‘khá uyển chuyển’ và cho biết quân của Kyiv đã gây áp lực cho quân Nga dọc theo con sông.
“Quân chúng tôi phản công trên một chiến tuyến kéo dài từ 3 đến 8 km dọc theo toàn bộ bờ sông từ mép nước,” bà nói. “Hiện tại, chúng tôi sẽ yêu cầu không tiết lộ thông tin… điều này sẽ cho phép chúng tôi thông báo về những chiến thắng lớn sau,” bà phát biểu trên truyền hình.
Nga đã ngăn chặn được phần lớn cuộc phản công của Kyiv ở mạn đông nam, nhưng bước tiến của Ukraine ở khu vực Kherson bị chiếm đóng có thể khiến tuyến phòng thủ của họ phải dàn trải hơn và áp lực lên họ sẽ gia tăng.
“Bất chấp mọi khó khăn, các lực lượng vệ quốc của Ukraine đã giành được chỗ đứng ở tả ngạn (phía đông) sông Dnipro,” Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, cho biết hôm 14/11.
Vị quan chức này nói rằng cuộc phản công của Ukraine, mà họ phát động hồi tháng 6, đang ‘tiến triển’ và Kyiv biết ‘làm sao để chiến thắng’.
Quân đội Israel tấn công vào lực lượng Hamas trong một bệnh viện ở Gaza (RFI)
Quân đội Israel hôm nay, 15/11/2023, thông báo đã tiến vào bệnh viện Al-Chifa, bệnh viện lớn nhất ở dải Gaza để mở một chiến dịch nhắm vào lực lượng Hamas, bị Israel và Hoa Kỳ cáo buộc đặt tại đây một cơ sở quân sự chiến lược.
Theo một phóng viên cộng tác với hãng tin Pháp AFP có mặt tại chỗ, binh lính Israel đang thẩm vấn các bệnh nhân và nhân viên y tế trong bệnh viện, trong khi các xe tăng và quân xa bao vây bệnh viện. Quân đội Israel khẳng định trong chiến dịch này, họ đã huy động các đội y tế nói tiếng Ả Rập và được huấn luyện để hoạt động trong một môi trường « phức tạp ». Mục tiêu là không gây thương vong nào cho những thường dân bị Hamas sử dụng như là bia đỡ đạn.
Một thứ trưởng Y Tế của chính quyền Hamas có mặt trong bệnh viện thì cho hãng tin AFP biết hàng chục lính Israel đang có mặt tại khu cấp cứu và tiếp tân của bệnh viện, còn xe tăng đã tiến vào trong khu vực bệnh viện.
Hàng ngàn người, bao gồm cả bệnh nhân, nhân viên y tế và thường dân tản cư, đang bị kẹt trong bệnh viện Al-Chifa. Theo các bác sĩ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế, không ai có thể ra ngoài do các trận giao tranh đang diễn ra ác liệt giữa quân Israel và các chiến binh Palestine của Hamas.
Quân đội Israel vẫn cho rằng bệnh viện Al-Chifa là nơi đặt các cơ sở hạ tầng chiến lược của Hamas. Hôm qua, Nhà Trắng cũng khẳng định Hamas và đồng minh Thánh chiến Hồi Giáo có « một trung tâm chỉ huy và kiểm soát » ngay tại bệnh viện này. Tổ chức Hamas cũng như bộ Y Tế của chính quyền Hamas đều đã bác bỏ các cáo buộc đó và đã nhiều lần đòi « các ủy ban điều tra quốc tế » đến tận nơi để tìm hiểu tình hình.
Tổ chức Hamas hôm nay cho rằng cáo buộc nói trên của Hoa Kỳ coi như là bật đèn xanh cho Israel « tiến hành thêm các vụ thảm sát thường dân ».
Trong khi đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hôm qua nhắc lại rằng các bệnh viện và các bệnh nhân « phải được bảo vệ » và Washington « không ủng hộ việc oanh kích vào một bệnh viện và giao tranh trong bệnh viện, khiến bệnh nhân bị kẹt giữa hai lằn đạn ».
Tấn công hay sử dụng bệnh viện vì mục tiêu quân sự là « tội ác chiến tranh »
Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ Thập Đỏ « hết sức quan ngại » sau vụ quân đội Israel tấn công vào bệnh viện Al-Chifa tại Gaza. Theo quan điểm của luật sư Clémence Bectarte thuộc Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền FIDH, chiếu theo luật quốc tế về nhân đạo, đánh vào bệnh viện hay đặt trang thiết bị quân sự tại một bệnh viện đều là những « tội ác chiến tranh ».
Trả lời đài RFI Pháp ngữ, luật sư Clémence Bectarte giải thích :
« Bệnh viện là nơi, theo luật quốc tế về nhân đạo, về cơ bản là một cơ sở hạ tầng dân sự và phải được tăng cường bảo đảm mức độ an toàn. Những trường hợp duy nhất có thể cho phép đánh vào một bệnh viện là khi bên quyết định tấn công phải chứng minh được rằng bệnh viện mà họ nhắm tới bị sử dụng vì mục đích quân sự.
Ngay cả trong trường hợp đó, thì cũng cần thận trọng để cho nhân viên và bệnh nhân sơ tán đồng thời cũng cần chứng minh rằng tấn công là một điều cần thiết và không hành động quá đáng gây thương vong cho những người không liên quan đến các cuộc giao tranh.
Nếu không hội đủ những điều khoản vừa nêu, thì tấn công vào một bệnh viện bị coi là một tội ác chiến tranh. Tương tự như vậy nếu đem cất giấu vũ khí tại bệnh viện hay dùng bệnh viện làm căn cứ để từ đó khởi động một cuộc tấn công đều bị coi là phạm pháp chiểu theo luật quốc tế về nhân quyền. Đó cũng là một tội ác chiến tranh. »
Mặt khác, Liên Hiệp Châu Âu ngày Chủ Nhật 12/11/2023 lên án tổ chức Hamas ở dải Gaza sử dụng các bệnh viện và thường dân như những lá chắn sống, đồng thời kêu gọi Israel kiềm chế hết sức có thể để bảo vệ tính mạng của người dân ở Gaza.
Qatar đàm phán thỏa thuận ngừng bắn, thả con tin giữa Israel và Hamas (VOA)
Các nhà trung gian Qatar hôm 15/11 đang tìm cách đàm phán một thỏa thuận giữa Hamas và Israel, bào gồm phóng thích khoảng 50 con tin dân sự từ Gaza để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày, một quan chức được cập nhật về các cuộc đàm phán nói với Reuters.
Thỏa thuận này, vốn đang được thương thảo và có phối hợp với Mỹ, cũng sẽ yêu cầu Israel thả một số phụ nữ và trẻ em Palestine khỏi các nhà tù Israel và tăng lượng hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza, quan chức này cho biết.
Đây sẽ là vụ phóng thích con tin lớn nhất của Hamas kể từ khi nhóm chủ chiến Palestine này đột kích vào lãnh thổ Israel và bắt giữ con tin đưa về Gaza.
Hamas đã đồng ý với các điểm chính của thỏa thuận, nhưng Israel thì chưa và họ vẫn đang đàm phán các chi tiết, quan chức này cho biết.
Hiện chưa rõ Israel sẽ thả bao nhiêu phụ nữ và trẻ em Palestine khỏi các nhà tù của họ theo điều khoản của thỏa thuận đang được thương thảo.
Phạm vi của các cuộc đàm phán do Qatar dẫn đầu đã thay đổi đáng kể trong những tuần gần đây, nhưng việc đàm phán hiện tập trung vào việc thả 50 con tin dân sự để đổi lấy lệnh ngừng bắn ba ngày và Hamas đã đồng ý với những điểm chính chưa hề được đưa tin trước đây.
Qatar, vốn có các mục tiêu ngoại giao đầy tham vọng, có kênh liên lạc trực tiếp với Hamas và Israel. Trước đây, nước này đã giúp trung gian các thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên.
Thỏa thuận kiểu này sẽ cần Hamas bàn giao danh sách đầy đủ các con tin dân sự còn sống vẫn đang bị giam giữ ở Gaza.
Việc phóng thích đầy đủ tất cả các con tin hiện không được bàn thảo, quan chức này cho biết.
Các quan chức Israel không có phản hồi ngay lập tức. Trước đây họ đã từ chối nói chi tiết về các cuộc đàm phán con tin, với lý do họ không muốn phá hoại các giải pháp ngoại giao hoặc tạo điều kiện cho các tin tức mà họ coi là ‘chiến tranh tâm lý’ của Hamas.
Khi được hỏi về cuộc đàm phán này, Taher Al-Nono, cố vấn truyền thông của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, không trực tiếp xác nhận thỏa thuận.
“Netanyahu đang trì hoãn và phá hoại các tiến triển. Ông ta đang khai thác vấn đề con tin để tiếp tục gây hấn. Netanyahu không nghiêm túc để đạt thỏa thuận,” ông Nono nói với Reuters.
Ông Benny Gantz, bộ trưởng trong nội các chiến tranh của Israel, nói tại cuộc họp báo hôm 15/11: “Ngay cả khi chúng tôi cần phải ngưng giao tranh để họ trao trả con tin, sẽ không hề có chuyện ngưng chiến đấu và chấm dứt chiến tranh cho đến khi chúng tôi đạt được mục tiêu của mình.”
Cánh vũ trang của Hamas, Lữ đoàn Qassam, hôm 3/11 nói rằng họ đã nói với các nhà đàm phán Qatar rằng họ sẵn sàng thả tới 70 phụ nữ và trẻ em để đổi lấy thỏa thuận ngừng bắn 5 ngày.
Việc tập hợp các con tin để phóng thích cùng một lúc, điều Israel muốn, sẽ rất khó khăn về mặt hậu cần nếu không có lệnh ngừng bắn, một nguồn tin nắm rõ về cuộc đàm phán nói với Reuters.
APEC : Mỹ khẳng định tập trung vào Châu Á-Thái Bình Dương bất chấp chiến tranh Ukraina và Gaza (RFI)
Hoa Kỳ tái khẳng định giúp đỡ Ukraina suốt mùa đông, huy động lực lượng ở Đông Địa Trung Hải để hỗ trợ Israel. Nhưng Washington cũng muốn trấn an các đối tác, đồng minh ở Châu Á-Thái Bình Dương. Thượng đỉnh APEC tại San Francisco từ ngày 15-17/11/2023 là cơ hội để Washington chứng tỏ vẫn đủ tiềm lực để thực hiện những cam kết trong vùng.
Trước tiên, Mỹ muốn trấn an 21 nước tham gia Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) khi liên tục tỏ thiện chí hòa dịu với Trung Cộng, với đỉnh điểm là cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình và tổng thống Joe Biden dự kiến được tổ chức bên lề APEC. Theo hãng tin Mỹ AP, Nhà Trắng ý thức được rằng các nước thành viên APEC muốn hai cường quốc hàng đầu thế giới đối thoại hiệu quả hơn vì như vậy sẽ giúp giảm nguy cơ xung đột trong khi Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn được coi là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington.
Chiến lược đa dạng hóa nguồn cung ứng giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô Trung Cộng đã thúc đẩy chính quyền tổng thống Biden mở rộng hợp tác với các nước trong vùng, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Để dễ thuyết phục các nước trong vùng hơn và tạo cảm giác cho các đối tác tâm lý không phải chọn phe, Hoa Kỳ mở rộng hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực được quan tâm như chống biến đổi khí hậu, kết nối số, năng lượng sạch và an ninh. Đây cũng chính là những điểm được tổng thống Biden và đồng nhiệm Indonesia Joko Widodo đồng thuận thắt chặt hợp song phương.
Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Joe Biden thành công trong việc giúp hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc giảm căng thẳng, hợp lực trước mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên. Philippines thắt chặt trở lại quan hệ quốc phòng với Mỹ trước những hành động khiêu khích của Trung Cộng ở Biển Đông.
Một tuần hội nghị cấp cao ở San Francisco là cơ hội để Nhà Trắng chứng tỏ với các nhà lãnh đạo APEC rằng tổng thống Biden vẫn tập trung vào khu vực Thái Bình Dương trong khi vẫn cố ngăn chặn nguy cơ Trung Đông trở thành chảo lửa. Ông Neils Graham, trợ lý giám đốc Trung tâm địa-kinh tế Atlantic Council, nhận định « Mỹ nhắm đến mục tiêu sử dụng APEC làm phương tiện truyền tải cam kết kinh tế bền vững đối với toàn bộ khu vực ».
Tầm quan trọng của APEC được chính quyền tổng thống Mỹ nhấn mạnh khi dự kiến công bố những sáng kiến mới nhằm thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp sạch, phát triển những chính sách chống tham nhũng và gian lận thuế. Được thông báo năm 2022 nhằm làm đối trọng với sức mạnh thương mại của Bắc Kinh, chiến lược mang tên Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương – IPEF (Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity) tập trung thúc đẩy cam kết của Mỹ ở trong vùng sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP năm 2017, sau được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP.
Một số khía cạnh của IPEF sẽ được các nước thành viên APEC quan tâm, ví dụ nỗ lực tăng cường sức đề kháng của chuỗi cung ứng, phát triển nền kinh tế dựa trên năng lượng xanh nhưng họ cũng muốn tổng thống Biden mở cửa thị trường Mỹ rộng hơn. Bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc từng nêu quan ngại này trong cuộc họp với các quan chức Mỹ ở Washington vào tháng 10 này, bởi vì, theo ông, « tiếp cận thị trường có thể là một trong những hồi đáp quan trọng mà các nước trong khu vực mong đợi từ vai trò dẫn dắt của Mỹ ».
Tuy nhiên, khuyến nghị này bị một số dân biểu Mỹ dè chừng vì cho rằng sẽ làm mất đi « công ăn việc làm » tại Hoa Kỳ. Chính sách bảo hộ này sẽ tác động phần nào đến mong muốn trở thành « đầu tầu » tăng trưởng kinh tế bền vững của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Philippines tố cáo Trung Cộng ‘hành động ép buộc nguy hiểm’ để chặn nhiệm vụ tiếp tế trên Biển Đông (VOA)
Philippines hôm thứ Sáu 10/11/2023 lên án “các hành động cưỡng ép vô cớ và hành động nguy hiểm” của hải cảnh Trung Cộng, bao gồm việc sử dụng vòi rồng chống lại một trong các tàu của Philippines làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế ở Biển Đông.
Philippines nói các hành động của Trung Cộng không chỉ “đe doạ nguy hiểm tính mạng của người dân chúng tôi ” mà còn “đặt ra câu hỏi và sự nghi ngờ về tính chân thành trong lời kêu gọi đối thoại hòa bình của Trung Cộng”.
Các nhiệm vụ luân chuyển, tiếp tế thường lệ cho các binh sĩ Philippines đóng trên một tàu chiến đã hư được cố tình neo đậu tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas shoal) có nhiều tranh chấp, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, mà Manila gọi là Ayungin và Trung Cộng gọi là Đá Renai.
Trung Cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả Bãi Cỏ Mây, và đã triển khai hàng trăm tàu để tuần tra ở đó, trong đó có những tàu thuyền mà Philippines gọi là của “dân quân biển Trung Cộng”, lực lượng mà Manila nói là đã tham gia vào hành động mới nhất nhằm cản trở nhiệm vụ tiếp tế của Philippines.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng Uông Văn Bân hôm thứ Sáu nói tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng Bắc Kinh phản đối các hành động làm suy yếu chủ quyền và lợi ích của Trung Cộng và đã gửi công hàm phản đối chính thức tới đại sứ quán Philippines.
Hải cảnh Trung Cộng nói hai tàu vận tải nhỏ và ba tàu cảnh sát biển của Philippines đã đi vào vùng biển này mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Cộng, đồng thời kêu gọi Philippines ngừng xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh.
Hải cảnh Trung Cộng nêu trong một tuyên bố rằng hành động của họ là hợp pháp và họ đã có những thỏa thuận đặc biệt tạm thời để phía Philippines vận chuyển thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác.
Trong tuyên bố thứ hai vào cuối ngày thứ Sáu, hải cảnh Trung Cộng nói rằng các tàu Philippines đã ngoan cố “lao vào” khu vực này một cách “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” và lực lượng này đã tiếp cận các tàu này để xác minh.
Chính phủ Philippines cho biết nhiệm vụ tiếp tế đã hoàn thành, ngay cả khi các tàu của họ “bị quấy rối cực kỳ liều lĩnh và nguy hiểm ở cự ly gần” bởi các thuyền bơm hơi của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Cộng bên trong bãi cạn.
Lực lượng cảnh sát biển của Philippines ngày thứ Bảy cho biết họ sẽ duy trì các nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên cho binh sĩ đồn trú trên một đảo san hô đang tranh chấp ở Biển Đông mặc dù họ dự liệu sẽ có thêm nhiều tàu Trung Cộng được điều đến khu vực này.
Trong nhiều năm, Manila và Bắc Kinh đã liên tục đối đầu nhau tại Bãi Cỏ Mây khi Trung Cộng trở nên quyết đoán hơn trong việc thúc đẩy các yêu sách hàng hải của mình, gây lo ngại cho các bên tranh chấp và các quốc gia khác đang hoạt động ở Biển Đông, bao gồm cả Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Hạ viện Mỹ thông qua ngân sách ngăn chính phủ đóng cửa (VOA)
Thượng viện Mỹ hôm 15/11 đã sẵn sàng tiếp nhận dự luật chi tiêu tạm thời của Hạ viện để ngăn chính phủ đóng cửa một phần, với thời gian còn lại rất ít trước khi chính phủ cạn ngân sách vào ngày 17/11.
Các lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa ở Thượng viện cho biết họ ủng hộ dự luật được Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua hôm 14/11 với cách biệt lớn nhờ sự ủng hộ của cả hai đảng.
Nhưng những người phản đối có thể dựa vào các điều lệ phức tạp của Thượng viện để ngăn đưa dự luật ra bỏ phiếu trước nửa đêm ngày 17/11, thời điểm ngân sách hiện tại hết hiệu lực. Cả hai viện Quốc hội cần thông qua luật chi tiêu và chuyển cho Tổng thống Joe Biden ký thành luật trước thời điểm đó để tránh cho hoạt động của chính phủ bị gián đoạn.
Dự luật sẽ kéo dài ngân sách hiện tại cho chính phủ cho đến giữa tháng Một, để cho các nghị sỹ có thêm thời gian soạn thảo các dự luật ngân sách chi tiết cho mọi hoạt động từ quân đội cho đến nghiên cứu khoa học.
Quan trọng hơn, nó giúp cho chính phủ tránh bị đóng cửa một phần vốn sẽ làm gián đoạn một loạt các hoạt động của chính quyền và khiến hàng trăm ngàn công chức liên bang phải nghỉ việc không lương.
Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 14/11 là một chiến thắng cho Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, vốn đối mặt sự chống đối từ một số đồng viện Cộng hòa – những người muốn cắt giảm chi tiêu mạnh tay.
Ông Johnson là dân biểu ít tên tuổi đến từ bang Louisiana cho đến khi ông được bầu làm chủ tịch Hạ viện vào ngày 25/10 sau nhiều tuần đấu đá nội bộ của đảng Cộng hòa.
Dự luật này sẽ gian hạn ngân sách cho quân sự, phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và các chương trình năng lượng và nước cho đến ngày 19/1. Ngân sách cho tất cả các hoạt động khác của chính quyền liên bang khác – gồm cả quốc phòng – sẽ hết hạn vào ngày 2/2.
Lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, hôm 14/11 cho biết ông ủng hộ dự luật và cam kết sẽ đưa nó ra biểu quyết càng nhanh càng tốt. Thượng nghị sĩ lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, cho biết ông cũng ủng hộ dự luật.
Washington và Jakarta nâng cấp quan hệ lên mức ‘‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’’.
Hôm 13/11/2023, tại Nhà Trắng, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và đồng nhiệm Joko Widodo thỏa thuận siết chặt hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực, từ năng lượng và khí hậu đến kết nối kỹ thuật số và quốc phòng. Khai thác đất hiếm, nguyên liệu chiến lược đối với năng lượng tái tạo và công nghệ bán dẫn, là một lĩnh vực hợp tác chủ chốt.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết Indonesia và Hoa Kỳ đã nâng mức hợp tác lên cấp độ ‘‘chưa từng có’’, được xây dựng trên ‘‘các giá trị chung dân chủ và đa nguyên’’. ‘‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’’ là cấp độ hợp tác song phương cao nhất đối với Indonesia, tương tự như Mỹ vừa ký với Việt Nam. Trong thông báo nói trên, Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết hợp tác với Indonesia trong việc ‘‘giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu’’. ‘‘Khai thác khoáng sản bền vững’’ là nội dung số một trong hợp tác khí hậu song phương.
Nhân dịp này, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia ký kết một văn bản ghi nhớ (MOU), nhằm thúc đẩy các hợp tác ‘‘để tạo điều kiện về pháp lý giúp tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo’’, ‘‘hỗ trợ Indonesia phát triển lĩnh vực khoáng sản trọng yếu với mức phát thải thấp, thực hiện mục tiêu của JETP (Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng)’’. JEPT là cơ chế được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G20 2022 ở Bali.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế
Theo báo Nhật Nikkei Asia, trước thềm thượng định Biden – Widodo, giới chức cao cấp Hoa Kỳ cho biết hai bên đang có ‘‘các thảo luận bước đầu’’ về hợp tác khai thác khoáng sản, và hướng đến đàm phán về một hiệp định thương mại tự do (FTA) hạn chế, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Indonesia được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của chính quyền Mỹ, theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), với nội dung chủ yếu là tài trợ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, liên quan chủ yếu đến các doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nước ngoài thuộc các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ, như Canada hay Úc.
Theo đánh giá từ phía Hoa Kỳ, “Indonesia có nguồn cung cấp tài nguyên quan trọng khổng lồ của nền kinh tế ô tô (chạy điện) của thế kỷ 21’’. Indonesia được coi là quốc gia ‘‘có trữ lượng niken lớn nhất thế giới” cùng tiềm năng năng lượng tái tạo lên đến 3.600 gigawatt, theo tổng thống Indonesia. Tuy nhiên, chủ trương hợp tác về khai thác đất hiếm tại Indonesia của chính phủ hai nước vấp phải nhiều phản đối trong chính giới Hoa Kỳ.
Theo Nikkei Asia, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng phản đối hợp tác với Indonesia, do ‘‘các tiêu chuẩn về quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, an toàn và nhân quyền’’ không bảo đảm. Nhóm nghị sĩ này cũng nhấn mạnh đến “sự thống trị” của Trung Cộng trong hoạt động khai thác và tinh luyện khoáng sản tại Indonesia, đặc biệt trong ngành khai thác niken. Bà Julie Lucas, giám đốc điều hành MiningMinnesota, một tổ chức tập hợp nhiều tập đoàn khai khoáng Mỹ, dự báo là Hoa Kỳ và Indonesia ‘‘sẽ phải mất nhiều năm mới’’ mới vượt qua các trở ngại để có thể hợp tác khai thác đất hiếm tại Indonesia.
Quân kháng chiến Myanmar chiếm thêm tiền đồn ở biên giới với Ấn Độ (VOA).
Quân kháng chiến chống chính quyền quân sự ở bang Chin của Myanmar đang cố gắng giành quyền kiểm soát một phần biên giới mất an ninh với Ấn Độ, sau khi chiếm hai tiền đồn quân sự trên biên giới miền núi, một chỉ huy quân kháng chiến cho biết, một phần của cuộc tiến công trên diện rộng chống chính quyền quân sự.
Hàng chục quân nổi dậy hôm 13/11 đã giao chiến với quân đội Myanmar từ bình minh đến hoàng hôn để giành quyền kiểm soát hai trại quân sự nằm sát bang Mizoram của Ấn Độ, Sui Khar, phó Chủ tịch Mặt trận Quốc gia Chin (CNF), cho biết.
Các tướng lĩnh Myanmar đang đối mặt thách thức lớn nhất kể từ sau khi lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2021 sau khi ba lực lượng thiểu số phát động tấn công phối hợp vào cuối tháng 10, chiếm một số thị trấn và đồn quân sự.
Tổng thống Myanmar do quân đội bổ nhiệm hồi tuần trước cho biết nước này có nguy cơ tan rã vì phản ứng không hiệu quả trước cuộc nổi dậy – cuộc chiến quan trọng nhất kể từ cuộc đảo chính của quân đội hồi năm 2021 lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi.
Các tướng lĩnh Myanmar nói họ chiến đấu với ‘quân khủng bố’.
Cuộc tấn công, được quân kháng chiến gọi là ‘Chiến dịch 1027’ theo ngày tháng bắt đầu chiến dịch, ban đầu xâm nhập vào các khu vực do chính quyền quân sự kiểm soát ở biên giới với Trung Cộng ở bang Shan, nơi chính quyền quân sự đã mất quyền kiểm soát một số thị trấn và hơn 100 tiền đồn.
“Chúng tôi đang tiếp tục các cuộc tấn công ở phía bắc bang Shan,” Kyaw Naing, phát ngôn nhân của Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, vốn là một bên nằm trong chiến dịch, cho biết.
Giao tranh cũng nổ ra trên hai mặt trận mới trong tuần này ở các bang miền tây Rakhine và Chin, khiến hàng ngàn người phải sơ tán đến Mizoram.
Khoảng 80 quân nổi dậy đã mở các cuộc tấn công vào các trại quân sự Rihkhawdar và Khawmawi ở bang Chin vào khoảng 4 giờ sáng ngày 13/11, và cuối cùng đã kiểm soát cả hai tiền đồn này sau vài giờ giao tranh, ông Sui Khar nói.
Sau các cuộc tấn công của quân nổi dậy, 43 binh sĩ Myanmar đã vượt qua biên giới sang phía Ấn Độ và bị lực lượng an ninh Ấn Độ ở Mizoram bắt giữ, quan chức cảnh sát Lalmalsawma Hnamte cho biết.
Khoảng 39 binh lính trong số đó đã được phía Ấn Độ cho lên máy bay đưa đến một cửa khẩu ở bang Manipur lân cận và bàn giao cho chính quyền Myanmar, một quan chức an ninh cho biết với điều kiện giấu tên vì ông không được phép nói chi tiết về vụ việc.
Ông Sui Khar và Tổ chức Nhân quyền Chin cho biết họ tin rằng một số binh lính này có thể đã tham gia vào các hành động tàn ác đối với hường dân. Họ không nói rõ chi tiết.
Quân kháng chiến Chin giờ đây sẽ tìm cách củng cố quyền kiểm soát của họ dọc theo biên giới Ấn Độ-Myanmar, nơi quân đội Myanmar có thêm hai trại, ông Sui Khar nói.
“Chúng tôi sẽ tiến về phía trước,” ông nói với Reuters. “Chiến thuật của chúng tôi là từ làng mạc đến thành thị đến thủ đô.”
Cuộc nổi dậy của người Chin được người dân địa phương ở Mizoram ủng hộ, một phần do mối quan hệ sắc tộc gần gũi, và hàng chục ngàn người từ Myanmar đã tìm chỗ ẩn nấp ở bang nhỏ bé này của Ấn Độ, trong đó các nghị sỹ bang và liên bang bị lật đổ.
Một cư dân ở thủ phủ Sittwe của bang Rakhine và các bài đăng trên mạng xã hội cho biết xe tăng đã được nhìn thấy trên đường phố ở nơi này sau khi giao tranh nổ ra ở bang miền tây.
Chính quyền quân sự đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở Sittwe và cư dân đã được lệnh không rời khỏi nhà sau 9 giờ tối và các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa trước 8h30 tối nếu không sẽ bị xử lý theo pháp luật, theo một tài liệu của chính phủ và tin tức trên truyền thông.
TIN VIỆT NAM.
Biểu tình phản đối phái đoàn của Võ Văn Thưởng tại APEC (Trích VOA)
Tiếp nối làn sóng biểu tình tại hội nghị APEC 2023, hôm 15/11 các nhóm cộng đồng người Mỹ gốc Việt đến trung tâm thành phố San Francisco để phản đối phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đang tham gia sự kiện này, yêu cầu chính quyền Việt Nam cải thiện đời sống người dân, tuân thủ các cam kết quốc tế, mở rộng dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Ông Lê Trung Khương, một thành viên trong ban tổ chức cuộc tuần hành, nói với VOA:
“Chúng tôi tổ chức biểu tình để phản đối sự hiện diện của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước và phái đoàn của ông, là những kẻ cầm quyền đã đưa dân tộc đến chỗ nghèo nàn, lạc hậu và nền đạo đức bị suy đồi.
“Họ đã nhốt khoảng 243 nhà bất đồng chính kiến và đấu tranh cho dân chủ, đẩy những nhà đấu tranh đến chỗ suy sụp tinh thần, dân oan bị cộng sản cướp đoạt đất đai, cũng như các hình thức tra tấn và bắt bớ người dân với những tội rất bất công”.
Những người biểu tình tụ tập tại khu bảo tàng Sáng tạo cho Thiếu nhi Yerba Buena và tuần hành đến trước trung tâm hội nghị Moscone West, nơi tổ chức Hội nghị APEC 2023, lúc 13 giờ (giờ địa phương) và hô vang các khẩu hiệu phản đối phái đoàn ông Thưởng. “Đả đảo Cộng sản Việt Nam”, “Tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”, người biểu tình đồng thanh hô lớn, trang Facebook của Việt Tân tường thuật trực tiếp.
Ông Khương cho VOA biết có khoảng 200 người gốc Việt tham gia biểu tình chiều ngày 15/11.
Ông Nguyễn Viết Nhân, một người dân ở Stockton, bang California, tham gia biểu tình, chia sẻ:
“Dự APEC và kêu gọi đầu tư là chuyện đương nhiên, nhưng đối với Việt Nam hiện tại, sự tự do và dân chủ của người dân trong nước không có, nên tôi tham dự cuộc biểu tình với mục tiêu phản đối chính quyền Việt Nam vẫn còn tiếp tục đàn áp người dân.
“Cá nhân tôi và chắc chắn cũng như người dân Việt Nam mong muốn rằng sẽ có thay đổi nhiều hơn về tự do dân chủ. Đó vừa là nguyện vọng, vừa là xu hướng của thế giới ngày hôm nay: một đất nước có tự do, dân chủ thì mới phát triển được”.
Từ hôm 12/11, nhiều nhóm biểu tình khác nhau đã có mặt ở trung tâm San Francisco, phản đối Hội nghị thượng đỉnh thương mại toàn cầu, nơi sẽ có mặt Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo từ gần 20 quốc gia. Những người biểu tình phản đối doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, điều kiện làm việc tồi tàn và cuộc chiến Israel-Hamas, theo AP.
Trước đó, các cộng đồng gốc Việt đã phát đi lời kêu gọi biểu tình chốn phái đoàn của Việt Nam do ông Võ Văn Thưởng dẫn đầu.
“Trong khi mục tiêu của APEC là gia tăng phúc lợi cho mọi người và đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện trong khu vực, chúng tôi khẳng định rằng nhân quyền vẫn là yếu tố cốt lõi của phúc lợi đó”, lời kêu gọi viết.
Thay mặt cộng đồng người Mỹ gốc Việt Bắc California, ông Jimmy Phan nói trong một lời kêu gọi: “Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không phải là đối tác đáng tin cậy. Chúng là những kẻ ăn bám và đâm sau lưng, bằng chứng là qua những hành vi khúm núm gần đây của chúng đối với Trung Cộng và Nga, ngay sau khi được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Lợi ích của chúng hoàn toàn mang tính tư lợi và gây nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ”.
VOA đã liên lạc Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, Đại sứ quán Việt Nma tại Hoa Kỳ, và Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu cho ý kiến về cuộc biểu tình này, nhưng chưa được phản hồi.
Ban tổ chức cho biết các mạnh thường quân gốc Việt hỗ trợ nhiều chuyến xe buýt đưa đồng hương từ Nam California đến Bắc California để tham gia cuộc biểu tình này.
Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 15/11 cho biết sáng ngày 14/11, giờ địa phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay Quốc tế San Francisco.
CSVN muốn “nhuộm đỏ” cộng đồng người Việt hải ngoại
Đài RFA hôm 11 tháng 11 loan tin, csVN mong muốn thành lập các hội, đoàn của người việt tại 100% các địa bàn có cộng đồng người Việt ở nước ngoài với mục đích nhằm huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đây là nội dung của một quyết định mới được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký vào ngày 10/11/2023 phê duyệt Đề án nhằm huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Truyền thông Nhà nước trích dẫn quyết định này cho thấy Chính phủ Việt Nam xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy mục tiêu được đặt ra trong đề án này là tạo môi trường, cơ chế trong nước để NVNONN yên tâm gắn bó, phát huy nguồn lực của mình với đất nước. Xây dựng hành lang pháp lý để NVNONN cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao, nhân đạo…
Đề án cũng nhìn nhận tầm quan trọng của nguồn tiền người Việt ở nước ngoài gửi về nước. Điều này thể hiện trong mục tiêu đặt ra là “duy trì đà tăng trưởng của kiều hối; thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư FDI của NVNONN”.
Liên quan đến việc kết nới với NVNONN, đề án mới đặt ra mục tiêu là củng cố mạng lưới NVNONN trên toàn thế giới. Hoàn thành xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài. Phấn đấu 100% các địa bàn có đông cộng đồng NVNONN thành lập được các hội, đoàn.
Theo thống kê của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tính đến cuối năm 2022, có khoảng hơn 5,3 triệu người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển.
Về mặt kinh tế, tính đến cuối năm 2021, có 376 dự án của kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ Mỹ kim và hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào.
Kiều hối cũng được coi là nguồn thu quan trọng của Việt Nam. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm từ 10-12 tỷ Mỹ kim.
Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2003 đã có Nghị quyết 23 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, và Nghị quyết 36 về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài, nhìn nhận tầm quan trọng của Việt Kiều mà họ thường gọi là “khúc ruột ngàn dặm”.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến của các Việt Kiều ở các nước phát triển cho rằng Đảng và Chính phủ Việt Nam chưa thực tâm muốn đoàn kết với người Việt ở nước ngoài bằng nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, và vẫn còn cái nhìn thù địch với những người khác chính kiến.
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt giam vì cáo buộc “cưỡng đoạt tài sản”
Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban dân nguyện của Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội, người nổi danh với những phát biểu không ngại đụng chạm ở nghị trường.
Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thái Bình, cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh hôm 14/11/2023 ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963) trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Cũng theo trang web chính thức của công an tỉnh Thái Bình, đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, sinh năm 1986 (thường gọi là Cường “quắt”, là đối tượng hình sự, có 03 tiền án), trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Trong một bài báo hồi tháng 5, báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết, khi biết một số doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy; Phạm Minh Cường và đồng bọn đã tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để sử dụng làm “phương tiện” gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải miễn cưỡng trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường, thu lợi hàng tỷ đồng.
Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình trong lúc khám xét đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu bị cho là có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.
Luật sư Lê Văn Hòa, cựu chuyên viên cao cấp hàm vụ trưởng của Ban Nội chính Trung ương trưa 15/11 bày tỏ ngạc nhiên khi thấy báo chí trong nước đồng loạt loan tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt. Ông nói qua điện thoại với phóng viên RFA:
“Thứ nhất là tôi bất ngờ vì một người mà lâu nay vẫn được tiếng trong dư luận xã hội người ta ca ngợi là một trong những Đại biểu Quốc hội rất hiếm hoi có những tiếng nói bảo vệ lẽ phải rất mạnh mẽ trong Quốc hội mấy nhiệm kỳ gần đây.
Tôi bất ngờ ở điểm đó nhưng nếu như giả dụ cơ quan điều tra người ta có đủ tài liệu để kết luận hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản mà ông Lưu Bình Nhưỡng là có thật thì tôi thật sự thấy mừng.”
Theo ông Hòa, nếu sự việc là có thật thì có nghĩa công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo đạt được rất nhiều kết quả tốt và hoàn toàn không có vùng cấm.
Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đương nhiệm Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam.
Ông Lưu Bình Nhưỡng không được giới thiệu tái cử đại biểu Quốc hội khoá 15 do quá tuổi theo quy định.
Trong kỳ họp Quốc hội tháng 11/2018, ông Nhưỡng dẫn ra số liệu và cho rằng các cơ quan điều tra của Bộ Công an có những vi phạm chiếm tỷ lệ rất lớn, đồng thời kết luận rằng ngành Công an đã “sai phạm khủng khiếp” trong thực hiện tố tụng.
Những vấn đề nóng thời gian gần đây ông cũng có lên tiếng như dự án hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận, hay vụ tử tù Lê Văn Mạnh bị xử tử hình dù kêu oan nhiều lần.
Trang Facebook cá nhân của ông Lưu Bình Nhưỡng đăng tải nhiều link bài viết của các tờ báo trong nước và đưa ra ý kiến của mình.
Khiếu nại khẩn cấp của Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà
Thông tin từ Facebook của Tu viện Thái Hà hôm 11 tháng 11 cho biết:
Liên quan đến việc Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội đang cho sửa bên trong cũng như bên ngoài ngôi nhà Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội hiện đang làm Bệnh viện Đống Đa, cha Giuse Nguyễn Văn Hội, Bề trên Tu viện, Chánh xứ Giáo xứ Thái Hà đã đại hiện cho bà con giáo dân, các tu sĩ trong Tu viện gửi thông báo đến quý cha, quý thầy trong Dòng xin hiệp ý cầu nguyện, cũng như gửi “Đơn Khiếu Nại Khẩn Cấp” đến các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội.
Chúng tôi gửi tới quý vị và các bạn thông báo của cha Giuse Nguyễn Văn Hội, cũng như “Đơn Khiếu Nại Khẩn Cấp” đến ông bà và anh chị em, để quý vị biết rõ hơn vụ việc nhằm liên đới, cầu nguyện cho bà con giáo dân và các tu sĩ tại Thái Hà nhất là trong những ngày này.
THÔNG BÁO GỬI ĐẾN CÁC TU SĨ TRONG DÒNG
Trọng kính quý Cha, quý Thầy,
Trong những ngày vừa qua, cụ thể là khoảng từ ngày 6 tháng 11 năm 2023, Bệnh viện Đống Đa đã cho sửa Tu viện cũ (hiện đang làm Bệnh viện Đống Đa) phía trong và ngoài. Đúng thời gian này, anh em chúng con đi thường huấn (riêng con thì tham dự kỳ tĩnh tâm năm từ ngày 6-11 tháng 11 với quý cha trong Giáo phận Hà Nội), nên con đã cử đại diện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ Thái Hà qua Bệnh viện gặp và trao đổi, yêu cầu người ta dừng việc sửa chữa.
Trước đó, có 2 lần, Giám đốc Bệnh viện cùng Ban lãnh đạo Bệnh viện có qua Nhà Xứ chào thăm và trao đổi với anh em chúng con về việc sửa Bệnh viện, nhất là những chỗ bị xuống cấp cần sửa ngay. Nhưng chúng con đã nói với quý vị này rằng, nên xin cấp trên xây bệnh viện mới ở nơi khác, bởi vì khu nhà quý vị đang sử dụng được xây làm tu viện, không thể hợp với chức năng của bệnh viện…. Còn chỗ nào thực sự phải sửa ngay (như tấm trần hay mảng tường bong tróc, rơi vào bệnh nhân, hay cát bẩn xuống phòng…) thì chúng con yêu cầu có văn bản rõ ràng: sửa gì, ở đâu… rồi chúng con sẽ trình lên cấp cao hơn…
Hiện nay, Bệnh viện Đống Đa đang sửa Tu viện cũ của chúng ta mà không có văn bản nào gửi cho chúng con. Khi Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ qua yêu cầu dừng công trình sửa chữa, thì bên Bệnh viện chỉ đưa thông báo của Giám đốc bệnh viện (con xin gửi kèm).
Chúng con sẽ có văn bản gửi chính quyền yêu cầu dừng việc sửa chữa bệnh viện.
Trọng kính quý Cha, quý Thầy,
Tu viện hiện nay đang sử dụng làm Bệnh viện Đống Đa là di sản của Nhà Dòng, không chỉ là vật chất nhưng còn là dấu ấn tinh thần của biết bao thế hệ đi trước.
Chúng ta sắp kỷ niệm 100 năm hiện diện, chúng con hy vọng nhân dịp này Nhà Dòng có thể lên tiếng và yêu cầu cách mạnh mẽ hơn để chính quyền trả lại Tu viện cho Nhà Dòng.
Xin quý Cha, quý Thầy thêm lời cầu nguyện cho công việc này.
Chúng con xin cám ơn quý Cha, quý Thầy.
Thay mặt anh em thuộc Cộng Đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội, C.Ss.R
Trước đó 3 ngày, hôm mùng 8 tháng 11, Đã có thư phản đối của một Tu Sỹ Dòng Chúa Cứu Thế, Linh Mục Nguyễn ngọ Nam Phong:
YÊU CẦU CHÍNH QUYỀN HÀ NỘI TÔN TRỌNG TÀI SẢN HỢP PHÁP CỦA DÒNG CHÚA CỨU THẾ.
Thư phản dối có nội dung như dưới đây:
Những ngày qua, nhiều giáo dân bức xúc khi chính quyền Hà Nội đơn phương phá dỡ tu viện là tài sản hợp pháp của DCCT, hiện do bệnh viện Đống Đa sử dụng bất hợp pháp.
Chúng tôi xin nhắc lại, sinh thời cố linh mục Giuse Vũ Ngọc Bích đã nhiều lần công khai khẳng định tại nhà thờ rằng, ngài chưa bao giờ cho, sang nhượng, hiến bất cứ tài sản nào của Nhà dòng tại Hà Nội cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Trong thực tế, năm 1959, một nhóm người tự nhận là đại diện nhà cầm quyền đến mượn toà nhà thứ nhất từng là Học viện DCCT trước năm 1950 để làm trường học, ngài đã kiên quyết phản đối và nói rằng: “Tôi không có quyền, các ông phải hỏi ý kiến các bề trên của chúng tôi tại Sài Gòn”. Nhưng, họ đáp lại: “Ông không có quyền thì chúng tôi có quyền” và ngang nhiên chiếm toà nhà này! Năm 1972, sau khi mượn toà nhà còn lại để gọi là chăm sóc y tế cho các nạn nhân của trận Điện Biên Phủ trên không, nhà cầm quyền ở lỳ và chiếm toàn bộ tu viện Dòng Chúa Cứu Thế cho tới nay.
Vì thế, chúng tôi, trong tư cách là một tu sĩ DCCT:
- Phản đối việc đơn phương phá dỡ, làm biến dạng các tài sản hợp pháp của chúng tôi!
- Yêu cầu chính quyền Hà Nội, cách riêng Sở y tế Hà Nội, tôn trọng tài sản hợp pháp, trả lại nguyên trạng tài sản của chúng tôi.
- Sớm di dời các bệnh viện có nguy cơ ô nhiễm cao như bệnh viện Đống Đa ra khỏi Hà Nội và trả lại tu viện cho chúng tôi làm chỗ tu hành.
Trân trọng,
Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.
Ngân sách csVN thâm thủng do nuôi cả cán bộ đảng
Ngân sách nhà nước là để nuôi guồng máy công quyền, nhưng chế độ Hà Nội dùng tiền thuế của dân để nuôi cả hệ thống đảng và các tổ chức ngoại vi.
Ngày 10 Tháng Mười Một vừa qua, Quốc hội csVN đã thông qua bản ngân sách năm 2024 và chỉ công bố những con số tổng quát “dự chi, dự thu”. Tuy khẩu hiệu tuyên truyền là “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” nhưng không người dân nào được biết cái gì ngoài những cái trên mặt báo.
Tuy vậy, công chúng chỉ được biết nhỏ giọt khi lần mò trên trang mạng của Bộ Tài chính, người ta không thấy ngân sách 2024 đã được thông qua. Từ năm 2023 về trước thì có nhưng những con số chi cho các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, nuôi tổ chức đảng thì không thấy. Nhưng lại có những con số nuôi các tổ chức ngoại vi của đảng như Trung ương đoàn thanh niên cộng sản, trung ương hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân, v.v…
“Viện chiến lược và chinh sách tài chính” của chế dộ Hà Nội năm 2017 giải thích việc công khai minh bạch ngân sách nhà nước để “phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức Nhà nước, tập thể người lao động và nhân dân trong việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát quá trình quản lý và sử dụng vốn, tài sản Nhà nước nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính, bảo đảm sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.”
Hồi năm ngoái, Viện nghiên cứu chính sách ở Hà Nội nói rằng hàng năm, nhà cầm quyền trung ương bỏ ra khoảng 14,000 tỉ đồng để nuôi các tổ chức ngoại vi của đảng. Thật ra, từ năm 2016, tờ Tuổi Trẻ đã đề cập đến con số đó với lờ lẽ kêu rên là cái “bầu sữa ngân sách” cứ phải nuôi cho một rừng những kẻ ăn không ngồi rồi ở các hội đoàn nhà nước “cho đến bao giờ?”
Theo thống kê trên tờ Tuổi Trẻ ngày 8 Tháng Bảy 2016, CSVN có khoảng hơn 52,000 hội đoàn từ trung ương xuống tới các địa phương được nuôi sống toàn phần hay một phần từ ngân sách nhà nước. Tư nhân không được thành lập hội đoàn nằm ngoài cái hệ thống chỉ huy của đảng.
Ngân sách nhà nước CSVN năm 2023 trong mục chi có khoản “chi hỗ trợ các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp là 92,007 tỉ đồng hay khoảng $4 tỉ Mỹ kim. Vì phải nuôi cả tổ chức đảng và các tổ chức ngoại vi nên người dân cả nước chịu cảnh “một cổ hai tròng”.
Dù vậy, không ai biết mức độ đích xác của mọi số liệu về ngân sách hay Kinh tế, Tài chánh của csVN đáng tin đến mức nào.
Thủ tục hành chính tại Việt Nam vẫn ‘hành dân là chính’
“Hành là chính” vốn là nhóm từ được báo chí tại Việt Nam nói đi nói lại suốt nhiều năm qua về thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà trong nước.
Ngày Thứ Ba 14 Tháng Mười Một, người ta thấy ông Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ tọa phiên họp của “Ban chỉ đạo cải cách hành chính” của chế độ Hà Nội mà ông là trưởng ban. Năm nay cũng như những năm trước, cái ban này đã họp nhiều lần nhằm cải tổ hệ thống thủ tục hành chính.
Bản tin của nhà cầm quyền trung ương Hà Nội nói rằng ông Chính đốc thúc thuộc cấp thừa hành “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chú trọng cải cách hành chính từ cơ sở và cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết với người dân và doanh nghiệp”. Điệp khúc này vẫn được nhắc nhở trong các cuộc họp cải cách hành chính nhưng dù “cải” mãi mà không bao giờ hết.
Tuy khoe rằng “công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực” theo các lệnh lạt “đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính”, nhưng lại nhìn nhận “Cải cách thủ tục hành chính còn nhiều thách thức, thủ tục còn rườm rà; việc thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm (5 bộ đạt 50%, 1 bộ chưa thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư); cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, chưa thuận lợi…”
Vì vậy “Cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn bất cập; xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công chưa có nhiều đột phá” dù “Từ 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,500 quy định kinh doanh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 437 thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân; 21/22 bộ và 61/63 địa phương đã công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ…”
Theo báo Thanh Niên ngày 30 Tháng Ba 2022, cho đến cuối tháng này, “cả nước có 6.704 thủ tục hành chính đang có hiệu lực thi hành. Trong đó, có 3,996 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành Trung ương; 1,450 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương; 1,642 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền địa phương. Đến nay đã có 66.20% thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.”
Theo số thống kê của “Cổng Dịch vụ công quốc gia” trên mạng thì hiện nay chế độ Hà Nội còn tổng cộng 6,347 thủ tục hành chính. Trong đó có 3824 thủ tục hành chính thi hành tại các bộ và cơ quan trung ương, 1,355 thi hành tại các địa phương và 1,708 thi hành “ngành dọc tại các địa phương”
Ngày mùng 3 Tháng Ba, tờ ‘Quân đội nhân dân’ báo tuyên truyền của Bộ Quốc phòng CSVN hiếm hoi khi có bài viết hay bản tin gì xấu xa của chế độ cũng có bài viết “Rất nhiều thủ tục hành chính đang hành hạ dân”. Bài viết này kể ra thí dụ cụ thể để nói rằng “nhiều người dân tại một số tỉnh, thành phố đang “kêu cứu” vì bị các thủ tục hành chính… “hành hạ”.
Ngày 7 Tháng Mười Một, hãng tin Reuters thuật lại lời một nhà đầu tư ngoại quốc cho hay ngoài lý do nguồn cung cấp điện không ổn định, công ty điện tử Intel đã bỏ kế hoạch đầu tư thêm $1 tỉ Mỹ kim mở rộng hoạt động tại Việt Nam vì “thủ tục hành chính phiền hà rắc rối”.
Trước đó, ngày 16 Tháng Mười, John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nói thẳng với chế độ Hà Nội là thủ tục hành chính vẫn là trở ngại để tiến hành các dự án đầu tư tại Việt Nam. Chuyện này gần như được họp lập lại mỗi khi có các cuộc họp giữa nhà cầm quyền trung ương với giới đầu tư ngoại quốc, bên cạnh tệ nạn vòi vĩnh hối lộ.
Nhật Bản cân nhắc cung cấp trang bị quốc phòng cho Việt Nam
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc cung cấp trang bị quốc phòng cho hai quốc gia Việt Nam và Djibouti trong khuôn khổ yểm trợ an ninh.
Hãng tin truyền hình NHK cho hay như vậy ngày Thứ Hai 13 Tháng Mười Một, thuật lời các viên chức chính phủ Nhật. Nguồn tin nói hai nước kể trên là ứng viên để nhận “Viện trợ an ninh chính thức” (Official Security Assistance) thường gọi tắt là OSA cho tài khóa bắt đầu từ Tháng Tư năm tới.
Khuôn khổ OSA được thiết lập để nước Nhật cung cấp trang bị quốc phòng cho những quốc gia đồng quan điểm như một cách tăng cường hợp tác an ninh. Mới đầu tháng này, chính phủ Nhật và chính phủ Phi Luật Tân đã họp thượng đỉnh ở Tokyo theo đó Nhật sẽ cung cấp cho Phi các hệ thống radar giám sát dựa trên khung OSA đã thỏa thuận.
Mới đây, nước Nhật cũng đã đạt những thỏa thuận cuối cùng để cung cấp một số tàu tuần tra cho Bangladesh ngay trong tài khóa này. Malaysia và Fiji cũng chuẩn bị nhận được các trang bị. Việt Nam đang có những tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung cộng tại Biển Đông. Trung cộng ngăn cấm Việt Nam dò tìm và khai thác dầu khí trong phạm vi “lưỡi bò” dù hoàn toàn nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Công ước quốc tế về Luật Biển UNCLOS.
Bắc Kinh từng đe dọa đánh chiếm các vị trí Việt Nam trấn giữ tại quần đảo Trường Sa nếu nhất định tiến hành các kế hoạch dò tìm và khai thác dầu khí trong phạm vi “lưỡi bò” mà Trung cộng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền dựa vào sức mạnh quân sự ăn trùm, bất chấp các quy định quốc tế. Hà Nội từng được tin phải bồi thường cho nhà thầu Rapsol cả tỉ đô la khi buộc họ bỏ ngang cuộc khoan tìm dở dang ở khu vực mỏ Cá Rồng Đỏ, bồn trũng Nam Côn Sơn.
Theo NHK, chính phủ Nhật dự trù dàn xếp các thỏa thuận cụ thể với hai nước Việt Nam và Djibouti về những trang bị gì sẽ có thể được cung cấp. Nước Djibouti là một nước nhỏ, diện tích chỉ có hơn 23,000km2 ở khu vực gọi là “Sừng Phi Châu –Horn of Africa), nam giáp Somalia, Eritrea phía bắc, Ethiopia ở tây nam, Biển Đỏ và vịnh Aden phía đông.
Djibouti nằm gần một trong những hải lộ thương mại quan trọng nhất thế giới, kiểm soát đường tiếp cận Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Xứ này đóng vai trò quan trọng cho nhu cầu tiếp nhiên liệu hàng hải và trạm trung chuyển hàng hóa, đồng thời lại là hải cảng chính cho xuất nhập cảng từ Ethiopia. Nhờ vị trí quan trọng, nước này được nhiều quốc gia đặt căn cứ quân sự.
Hồi Tháng Chín 2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi đến Hà Nội ký thỏa thuận chuyển giao trang bị và kỹ thuật quốc phòng với Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Phan văn Giang. Truyền thông quốc tế dạo đó bình luận rằng hai nước gia tăng hợp tác quân sự vì đều cùng có chung mối lo gia tăng áp lực bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.
Tháng Sáu 2022, có tin chính phủ Nhật cân nhắc nới lỏng luật lệ xuất cảng các loại võ khí đã qua sử dụng như xe tăng, hỏa tiễn. Đồng thời, họ cân nhắc xem có thể cung cấp chúng miễn phí cho những đối tác tại khu vực Á Châu đang cần chúng.
Cũng vào khoảng thời gian này, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản, tướng Izutsu Shunji tới Hà Nội “thúc đẩy hợp tác phòng không – không quân”. Ông Izutsu Shunji đã gặp tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng quân đội CSVN ngày Thứ Ba 28 Tháng Sáu 2022 mà tờ Quân đội nhân dân (báo tuyên truyền của Bộ Quốc phòng CSVN) ca ngợi “hợp tác quốc phòng giữa hai nước đạt được những bước phát triển vững chắc, tiếp tục khẳng định là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ giữa hai nước”.
Tin tức nói rằng có những dấu hiệu cho thấy Nhật Bản muốn bán máy bay chiến đấu, hỏa tiễn phòng không cho Việt Nam. Tin ông Izutsu Shunji tới Việt Nam một tháng sau khi báo Nikkei của Nhật tiết lộ chính phủ Nhật Bản sẽ cho phép xuất cảng chiến đấu cơ và hỏa tiễn tới 12 nước Âu Á khi nước này điều chỉnh quy định về xuất cảng võ khí dự trù trước Tháng Ba 2023
Những nước nằm trong danh sách này gồm 5 nước ASEAN là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Phi Luật Tân. Những nước khác gồm Úc, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Ý, Đức, Pháp. Đó là những nước có ký các thỏa hiệp về an ninh quốc phòng với Nhật.