Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới
Chính Phủ Biden Bị Chỉ Trích Vì Gỡ Bỏ Lệnh Trừng Phạt Trung Cộng Về Fentanyl
Hôm thứ Năm (16/11), chính phủ Biden loại bỏ một viện pháp y của công an Trung Cộng ra khỏi danh sách trừng phạt thương mại trong một thỏa thuận nhằm yêu cầu Trung Cộng phải ngăn chặn đường dây buôn bán hoá chất để chế biến fentanyl. Viện pháp y này vốn đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Năm 2020, Phòng Thương mại thuộc Cục Công Nghiệp và An Ninh đã liệt kê thêm tên của Viện Khoa học Pháp y (IFS) thuộc Bộ Công an Trung Cộng vào Danh sách Tổ chức (Entity List) của Phòng Thương Mại, cáo buộc viện này “đồng lõa với các hành vi vi phạm và đàn áp nhân quyền trong chiến dịch đàn áp, giam giữ tùy tiện hàng loạt, cưỡng bức lao động và giám sát kỹ nghệ cao tại Trung Cộng” đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi Giáo thiểu số khác ở vùng Tân Cương phía tây Trung Quốc.
Hôm thứ Năm (16/11), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matt Miller nói với các phóng viên trong cuộc họp báo, rằng việc loại bỏ IFS ra khỏi danh sách trừng phạt thương mại là việc cần làm.
Ông Miller cho biết: “Việc tiếp tục đưa IFS vào Danh sách Tổ chức Thương mại là một rào cản để đạt được sự hợp tác trong việc ngăn chặn việc buôn bán các chất hóa học nguy hiểm” sau đó nói thêm rằng “đó là một ưu tiên hàng đầu” của Ngoại trưởng Antony Blinken và tổng thống trong việc ngăn chặn việc buôn bán các chất hoá học có thể được dùng để sản xuất fentanyl.
Ông Miller nói tiếp: “Khi chúng tôi đánh giá vấn đề và xem xét tất cả các lợi ích của việc xóa IFS, cuối cùng chúng tôi quyết định rằng đây là một biện pháp thích hợp cần thực hiện, khi Trung Cộng sẵn sàng thực hiện các biện pháp để cắt giảm hoạt động buôn bán hoá chất”.
Ông Rayhan Asat, một luật sư nhân quyền về di sản Duy Ngô Nhĩ và là thành viên cao cấp không thường trực của Hội đồng Đại Tây Dương, gọi quyết định này là “đáng sỉ nhục”.
Ông Kenneth Roth, cựu giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) kiêm giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Quan Hệ Quốc Tế và Công Vụ thuộc Đại học Princeton gọi quyết định của chính phủ Biden là “khoản hối lộ” cho Trung Cộng.
Ông Mr. Roth viết trên X hôm thứ Năm (16/11), “Đây là một khoản hối lộ để có được sự trợ giúp từ nhà cầm quyền Trung Cộng trong việc cắt giảm fentanyl (điều mà lẽ ra họ phải làm), ông Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với một học viện của Bộ Công an Trung Cộng mà Hoa Kỳ đã xác định là đồng lõa trong cuộc đàn áp quy mô lớn đối với người Duy Ngô Nhĩ”.
Biden Sử Dụng Quyền Lực Khẩn Cấp Thời Chiến Để Tăng Cường Máy Bơm Nhiệt Điện
Tổng thống Joe Biden sẽ sử dụng quyền lực khẩn cấp trong thời chiến được viện dẫn dưới danh nghĩa “biến đổi khí hậu” để thúc đẩy sản xuất máy bơm nhiệt điện của Hoa Kỳ khi chính phủ của ông tiếp tục nỗ lực thay thế bếp gas và các thiết bị khác sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hôm thứ Sáu (17/11), Bộ Năng lượng (DOE) cho biết rằng TT Biden sẽ sử dụng Đạo luật Sản Xuất Quốc Phòng (DPA) thời Chiến Tranh Lạnh để tăng cường chi tiêu cho năm kỹ nghệ năng lượng thay thế, trong đó máy bơm nhiệt điện là kỹ nghệ đầu tiên được cấp tiền theo thẩm quyền khẩn cấp đang được viện dẫn “trên cơ sở biến đổi khí hậu”.
Tài trợ này trị giá 169 triệu USD cho chín dự án nhằm tăng nhanh sản xuất máy bơm nhiệt điện tại 15 địa điểm trên khắp Hoa Kỳ. Số tiền này được phân bổ theo Đạo luật Giảm Lạm Phát, dự luật liên quan đến khí hậu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ông John Podesta, cố vấn cao cấp của tổng thống về năng lượng sạch, cho biết trong một tuyên bố rằng: “Đạo luật Sản Xuất Quốc Phòng ngày nay tài trợ cho việc sản xuất máy bơm nhiệt cho thấy rằng Tổng thống Biden đang coi biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng”.
Ý định của ông Biden viện dẫn các quyền lực thời chiến để thúc đẩy sản xuất máy bơm nhiệt điện nội địa và bốn kỹ nghệ khác (quang năng, máy biến áp, vật liệu cách nhiệt, và pin nhiên liệu) được công bố lần đầu tiên vào tháng 06/2022. Vào thời điểm đó, DOE cho biết lý do căn bản để sử dụng thẩm quyền khẩn cấp là một phần nhằm giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch.
Bộ trưởng Năng Lượng Jennifer Granholm cho biết trong một tuyên bố rằng: “Việc đưa thêm máy bơm nhiệt điện do Mỹ sản xuất ra thị trường sẽ giúp các gia đình và doanh nghiệp tiết kiệm tiền bạc nhờ kỹ nghệ sưởi ấm và làm mát hiệu quả”.
Cơ quan này cho biết hệ thống sưởi và làm mát các ngôi nhà và tòa nhà, kể cả cơ sở hạ tầng quan trọng như căn cứ quân sự, chiếm hơn 35% mức tiêu thụ năng lượng của Hoa Kỳ. Người ta cho rằng so với các nồi hơi đốt bằng khí tự nhiên, máy bơm nhiệt giúp giảm tới 50% lượng phát thải khí nhà kính.
Hiệp hội Khí đốt Hoa Kỳ (AGA), một tập đoàn công nghiệp khí đốt tự nhiên, đã lên tiếng chỉ trích hành động đẩy mạnh sản xuất máy bơm nhiệt điện này. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AGA, bà Karen Harbert nói trong một tuyên bố, “An ninh năng lượng là một ưu tiên hàng đầu của AGA. Chúng tôi vô cùng thất vọng khi thấy Đạo luật Sản Xuất Quốc Phòng, vốn được coi là một quy định quan trọng để thúc đẩy an ninh quốc gia trước các mối đe dọa trầm trọng từ ngoại bang, nay lại được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy nghị trình chính sách trái ngược với quan điểm mạnh mẽ về năng lượng của quốc gia chúng ta”.
Bà nói thêm: “Việc tăng cường sử dụng khí đốt tự nhiên là nguyên nhân giúp giảm 60% lượng phát thải CO2 của lưới điện. Không nên hủy hoại một cách bất công quy định quan trọng nhằm giảm lượng phát thải và sự phục hồi của hệ thống năng lượng như vậy do lạm dụng Đạo luật Sản Xuất Quốc Phòng”.
Trước đó, DOE đã đề xướng các tiêu chuẩn mới về hiệu suất năng lượng cho máy nước nóng dân dụng, trong đó yêu cầu máy nước nóng điện có kích thước phổ biến nhất phải sử dụng kỹ nghệ bơm nhiệt và máy nước nóng tức thời chạy bằng gas sử dụng kỹ nghệ ngưng tụ để đạt được hiệu quả năng lượng.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Sẽ Thu Hồi Thị Thực Những Người Ủng Hộ Hamas
Theo Nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có thể thu hồi thị thực nhập cảnh của những người ủng hộ Hamas đang ở Hoa Kỳ trong lúc đang có chiến tranh Israel–Hamas.
Ông Rubio viết trên X, kèm theo một tuyên bố do Bộ Ngoại Giao đưa ra, đã xác nhận rằng sẽ thực hiện, “Bộ Ngoại giao xác nhận họ có quyền thu hồi thị thực nhập cảnh của những người ủng hộ Hamas và trục xuất họ. Bây giờ họ cần phải làm điều đó”.
Bộ Ngoại Giao chưa đưa ra lời bình luận công khai nào .
Trong thư viết ngày 15/11 gởi ông Rubio viết rằng, “Bộ Ngoại giao có thẩm quyền rộng rãi đối với việc thu hồi thị thực nhập cảnh theo Đạo luật Nhập Cư và Quốc Tịch (INA). Chúng tôi thực hiện thẩm quyền này khi có bằng chứng cho thấy người có thị thực có thể không đủ điều kiện để được cấp thị thực Hoa Kỳ”.
Đạo luật này quy định rằng những cá nhân tham gia vào hoạt động khủng bố sẽ không được phép vào Hoa Kỳ. Quy định này cũng áp dụng cho những cá nhân đã kêu gọi người khác “ủng hộ hoặc trợ giúp cho một trong những nhóm khủng bố nằm trong danh sách này”. Hamas đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và các cơ quan liên bang khác đưa vào danh sách tổ chức khủng bố trong nhiều thập niên.
Bức thư gửi đến ông Rubio viết, “Ngay cả sau khi cấp thị thực nhập cảnh, Bộ Ngoại Giao vẫn hợp tác chặt chẽ với Bộ An Ninh Nội Địa và các cơ quan đối tác khác để bảo đảm tất cả những người nộp đơn xin thị thực đều được kiểm tra liên tục, qua đó để chắc chắn rằng họ vẫn đủ điều kiện đến Hoa Kỳ”.
Hôm 15/10, ông Rubio đã gửi thư cho Ngoại trưởng Antony Blinken và yêu cầu bộ của ông có hành động đối với những người ủng hộ Hamas sống ở Hoa Kỳ. Ông viết, “Tôi kêu gọi ngài ngay lập tức sử dụng luật hiện hành để xóa bỏ sự thù hận này khỏi đất nước chúng ta. Ngoài ra, tôi sẽ giới thiệu luật nhằm cung cấp thêm các công cụ để bảo đảm rằng những người ủng hộ Hamas, và các tổ chức khủng bố ngoại quốc khác không được hưởng lợi từ sự rộng lượng của đất nước chúng ta”.
Kể từ khi chiến sự bắt đầu, các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đã nổ ra khắp các thành phố ở Hoa Kỳ và trong các trường học, đã có người bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với Hamas.
Quốc Hội Hoa Kỳ Công Chiếu 40,000 Giờ Đầu Tiên Video 06/01
Hôm 17/11, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) thông báo, hơn 40,000 giờ cảnh quay an ninh của Cảnh sát Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 06/01 sẽ được công khai trên một trang web chuyên biệt. Các cảnh quay sẽ được bắt đầu công bố ngay lập tức và tăng thêm số lượng trong những tháng tới.
Tuy nhiên, một phụ tá cao cấp ở Quốc Hội nói với The Epoch Times rằng, các video clip riêng lẻ được phát hành cho giới truyền thông hoặc những người yêu cầu khác sẽ bị làm mờ đi khuôn mặt của những cá nhân mà người ta có thể nhận diện được. Hạn chế đó đã khiến một số bị cáo trong vụ án hình sự ngày 06/01 ngay lập tức phản ứng.
Nguồn tin trên cho biết: “Vì vậy, mặc dù chúng tôi đang tăng thêm đáng kể số lượng clip có sẵn và mở rộng phạm vi những người có thể yêu cầu chúng, nhưng chúng tôi sẽ làm mờ khuôn mặt của những cá nhân có thể nhận dạng được”.
Ông Johnson viết trên X.com, “Để khôi phục sự tin cậy và lòng tin của người dân vào chính phủ Hoa Kỳ, chúng ta phải có sự minh bạch. Đây là một trong những điều tôi đã hứa khi được bầu làm Chủ tịch của quý vị”.
Tiểu ban Giám sát của Ủy ban Hành chính Hạ Viện, do Dân biểu Barry Loudermilk (Cộng Hòa-Georgia) làm chủ tịch, đã đăng lên 90 giờ cảnh quay an ninh của Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ trong phòng xem trực tuyến này. Lần công bố đầu tiên này bao gồm cả các cảnh quay trước đây đã được cung cấp cho nhiều hãng truyền thông khác nhau.
Ông Loudermilk cho biết trong một tuyên bố, “Mục tiêu cuộc điều tra của chúng tôi là cung cấp cho người dân Mỹ quốc sự minh bạch về những gì đã xảy ra tại Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021, và điều này bao gồm tất cả các video chính thức từ ngày hôm đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục tải lên các đoạn video khi chúng tôi tiến hành điều tra và tiếp tục xem lại đoạn ghi hình”.
Nguồn tin cho biết nhiều video nữa sẽ được đăng liên tục lên trang web công khai này.
Vị phụ tá tại Quốc Hội cho biết: “Theo các ước tính hiện tại, có khoảng 40,000 giờ [cảnh quay] mà chúng tôi sẽ công khai nhanh nhất có thể trong vài tháng tới”.
Người phụ tá này cho biết, “…một số video sẽ bị giữ lại nếu được coi là “nhạy cảm về mặt bảo mật, hoặc nếu chúng có khả năng dẫn đến việc công khai thông tin nhận dạng và quấy rối cá nhân”.
Nguồn tin này cho biết bắt đầu từ ngày 20/11, công chúng cũng sẽ có thể xem các đoạn video trên thiết bị tại các văn phòng ủy ban ở Capitol Hill.
Những người muốn xem video tại các văn phòng ủy ban sẽ phải đặt chỗ bằng cách gửi thư điện tử đến địa chỉ [email protected].
Việc xem trực tiếp trên các thiết bị đầu cuối video của Quốc Hội sẽ thuận tiện hơn nhiều so với xem trên phòng xem trực tuyến. Người xem trực tiếp có thể chọn xem riêng từng máy ghi hình từ bản đồ tương tác của Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ và thu hẹp cảnh quay theo khung thời gian.
Cơ Quan Giám Sát Tiết Lộ Rủi Ro Gian Lận Trong Kế Hoạch Xóa Nợ Sinh
Một báo cáo gần đây của chính phủ đã nêu bật những sai sót trầm trọng trong các biện pháp bảo vệ chống lại gian lận tiềm ẩn trong kế hoạch đơn phương xóa 430 tỷ USD nợ sinh viên của Tổng thống Joe Biden.
Được công bố hồi tháng 08/2022, kế hoạch của ông Biden nhằm mục đích cung cấp khoản cứu trợ từ 10,000 USD đến 20,000 USD cho 31 triệu sinh viên liên bang đã từng vay tiền học. Bị vướng vào những thách thức pháp lý, lệnh của tòa án đã tạm dừng chương trình này vào tháng 11/2022 trước khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ra phán quyết cuối cùng vào tháng Sáu.
Báo cáo phát hành hôm thứ Năm (16/11) của Văn phòng Trách Nhiệm Chính Phủ (GAO), tiết lộ rằng quá trình tiến hành sáng kiến này của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ thiếu các biện pháp quan trọng để xác định xem liệu lợi tức của đương sự có phù hợp với điều kiện được xóa nợ hay không.
Kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Chín, báo cáo của cơ quan giám sát này đặc biệt lưu ý rằng “luồng tiền quỹ liên bang” dành cho các chương trình cứu trợ do đại dịch COVID-19 đã làm tăng nguy cơ gian lận.
Báo cáo của GAO đã nêu bật mối lo ngại về việc chính phủ Biden không xác minh thu nhập của hàng triệu người mắc nợ trước khi cung cấp cứu trợ.
Báo cáo cho biết: “Bộ giáo dục đã phát triển hai quy trình để đánh giá thu nhập của người mắc nợ và tính toán rủi ro gian lận, nhưng không khai triển các thủ tục quan trọng để xác định thêm và ngăn chặn gian lận có thể xảy ra”.
Đến tháng 11/2022, hơn 12 triệu trong số 26 triệu người nộp đơn đã được chính phủ liên bang chấp thuận trợ giúp mà không cần thu thập hoặc xem xét lợi tức thu nhập, mà chỉ căn cứ trên con số do đương sự tự khai khi ghi danh để ước tính điều kiện.
Phương pháp của Bộ Giáo Dục là dựa vào dữ kiện tổng hợp để xác định những cá nhân này, đã bị chỉ trích gay gắt trong báo cáo của GAO.
Những người vay đã nhận Pell Grants đủ điều kiện nhận khoản cứu trợ lên tới 20,000 USD và những người vay khác đủ điều kiện nhận được tới 10,000 USD nếu thu nhập của họ giảm xuống dưới những mức đã ấn định. Hơn 2 triệu người vay đủ điều kiện một một cách tự động dựa trên đơn yêu cầu trợ giúp tài chính trước đây và kế hoạch trả nợ, mà không cần bất cứ sự xác minh thu nhập nào.
Hành động này đã bị các nghị sĩ Bill Cassidy (Cộng Hòa-Louisiana) và Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) chỉ trích gay gắt hôm thứ Năm, hai vị này đều là những nhân vật nổi bật trong các ủy ban Quốc Hội.
Các nghị sĩ cáo buộc Bộ đã lạm dụng chỉ định CUI để che giấu thông tin quan trọng khỏi báo cáo của cơ quan giám sát.
Các nghị sĩ khẳng định trong một tuyên bố chung: “Chúng tôi hiểu sự cần thiết của việc bảo vệ thông tin có độ nhạy cảm cao vì lợi ích an toàn công cộng hoặc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc che giấu thông tin một cách tùy tiện chỉ nhằm mục đích trốn tránh mất thể diện hoặc phức tạp, sẽ làm suy yếu tính minh bạch cho người dân Mỹ”.
Các nghị sĩ cáo buộc Bộ trưởng Giáo Dục Miguel Cardona che giấu thông tin bằng cách các giới hạn sự điều tra chỉ trong nội bộ của cơ quan.
Trung Cộng Và Iran Nhắm Vào Các Cá Nhân Trên Đất Hoa Kỳ
Theo các viên chức chính phủ Biden, Trung Cộng và Iran đang nhắm mục tiêu vào những người trên đất Hoa Kỳ, mà họ xem là thủ phạm gây ra mối đe dọa cho quyền lực của họ.
Bộ trưởng An Ninh Nội Địa, Alejandro Mayorkas cho biết, chế độ cầm quyền độc tài của cả hai quốc gia này sẽ tiếp tục trở nên hung hăng hơn và có những hành động thù địch chống lại người Mỹ và người ngoại quốc trên đất Hoa Kỳ.
Trong phiên điều trần hôm 15/11 của Ủy ban An Ninh Nội Địa Hạ Viện, ông Mayorkas nói trong lời khai, “Trung Cộng và Iran sẽ vẫn là những tác nhân hung hãn nhất đối với Hoa Kỳ. Những đối thủ này đã nhắm mục tiêu vào các cá nhân ở Hoa Kỳ mà họ xem là mối đe dọa đối với chế độ của họ, bao gồm các dân tộc và tôn giáo thiểu số, những người bất đồng chính kiến, và các ký giả”.
Ông Mayorkas nói thêm rằng “các đặc vụ của các chế độ này” đã tham gia vào các vụ hành hung, đe dọa, quấy rối, phỉ báng, bắt cóc và thậm chí cả các nỗ lực ám sát các cá nhân đang cư trú tại Hoa Kỳ.
Giám đốc FBI Christopher Wray, người cũng làm chứng tại phiên điều trần này, cho biết Iran đã thuê sát thủ để sát hại các viên chức cao cấp của chính phủ.
Ông Wray nói trong lời điều trần: “Iran, quốc gia tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới này, đã trực tiếp hoặc bằng cách thuê tội phạm thực hiện các vụ ám sát đối với những người bất đồng chính kiến cũng như các cựu viên chức và viên chức cao cấp đương nhiệm của Hoa Kỳ, kể cả ngay tại đây trên đất Hoa Kỳ. Các quốc gia như Trung Cộng, Nga và Iran đang trở nên hung hăng hơn và có năng lực hơn bao giờ hết”.
Ông Wray trước đó cũng đưa ra nhận xét tương tự khi mô tả việc phát giác ra các âm mưu trong đó một công dân Iran đã cố gắng thuê sát thủ ở Hoa Kỳ để ám sát các viên chức cao cấp dưới thời TT Trump.
Vào tháng 08/2022, Bộ Tư Pháp đã kết án một công dân quốc tịch Iran trong một âm mưu thuê người giết mướn để sát hại ông John Bolton, người từng giữ chức cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Donald Trump. Bộ Tư Pháp cho biết người đàn ông này đã được trả 300,000 USD để thực hiện vụ tấn công ông Bolton, và được đề nghị 1 triệu USD cho một mục tiêu khác, không được tiết lộ danh tính.
Tương tự như vậy, ông Mayorkas lưu ý rằng những cư dân ở Hoa Kỳ đóng vai trò là đặc vụ bất hợp pháp của Trung Cộng đã nỗ lực buộc những người nói xấu chế độ phải hồi hương về Trung Quốc.
Ông nói, cộng đồng tình báo và an ninh quốc gia đã dự đoán rằng những nỗ lực như vậy sẽ tiếp tục lớn mạnh trong những năm tới.
Ông Mayorkas bày tỏ: “Để tăng cường nhiều nỗ lực của họ trong phạm vi công chúng, Trung Cộng, Iran và Nga sẽ tiếp tục theo đuổi hoạt động đàn áp xuyên quốc gia trong Nội địa Hoa Kỳ, làm suy yếu luật pháp, các chuẩn mực, và quyền cá nhân của Hoa Kỳ”.
Ông Wray mô tả các chính quyền độc tài Trung Cộng, Iran và Nga đang đặt ra “một mối đe dọa an ninh quốc gia dai dẳng và lan rộng”. Ông nói, đặc biệt là chế độ Trung Cộng đang làm việc không ngừng nghỉ để phá hoại an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và khai thác những điểm yếu của quốc gia này.
Ông Wray nói: “Những tên tội phạm và các quốc gia này tin rằng họ có thể xâm nhập vào mạng [Internet] của chúng ta, đánh cắp tài sản của chúng ta, tống tiền chúng ta, và khiến cơ sở hạ tầng trọng yếu của chúng ta gặp nguy hiểm mà bản thân họ không phải chịu bất cứ rủi ro nào”.
“Cùng nhau, họ gây ra mối đe dọa liên tục đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ cũng như nền kinh tế của chúng ta bằng cách nhắm vào các kỹ nghệ mang tính chiến lược, các ngành nghề, lãnh vực, và cơ sở hạ tầng quan trọng”.
Ông Wray cho biết, do đó, FBI hiện đang tham gia vào hơn 2,000 cuộc điều tra trên khắp các văn phòng địa phương tại Hoa Kỳ, về hoạt động tội phạm liên quan đến Trung Cộng.
Những trường hợp như vậy liên quan đến những việc Trung Cộng tiến hành hoặc thuê người thực hiện các hoạt động tình báo phức tạp, bằng cách sử dụng các biện pháp ép buộc, lật đổ, gây ảnh hưởng xấu, gián điệp kinh tế và mạng, gián điệp truyền thống, và các phương pháp thu thập tình báo thông qua con người.
Tương tự như vậy, ông Mayorkas nói thêm rằng sự nổi lên của các kỹ nghệ mới như trí tuệ nhân tạo tổng hợp nhiều khả năng sẽ giúp chế độ Trung Cộng can thiệp vào nội vụ của Hoa Kỳ.
Lưỡng Đảng Đã Thống Nhất Đưa Ra Dự Luật Trí Tuệ Nhân Tạo
Các Nghị sĩ của cả hai đảng lớn đã thống nhất đưa ra dự luật trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng dẫn cho các cơ quan liên bang xây dựng các tiêu chuẩn về tính minh bạch và trách nhiệm cho các công cụ AI.
Theo một bản sao dự luật lưỡng đảng này được công bố hôm 15/11, trong số các mục tiêu mà Đạo luật Nghiên cứu, Đổi mới và Trách nhiệm Trí tuệ Nhân tạo năm 2023 hướng đến, có một mục tiêu là thiết lập các khuôn khổ mang lại tính minh bạch, trách nhiệm, và bảo mật cao hơn cho sự phát triển và vận hành AI.
Các Nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota) và John Thune (Cộng Hòa-South Dakota) đã đưa ra dự luật này với sự đồng bảo trợ từ bốn đồng nghiệp của họ trong Ủy ban Thương mại, Khoa học, và Giao thông Vận tải của Thượng Viện.
Nghị sĩ Klobuchar tin rằng mặc dù AI có tiềm năng mang lại “lợi ích to lớn” nhưng nó cũng đi kèm với “những rủi ro trầm trọng”. Bà gọi dự luật mới là “một bước quan trọng” trong việc bảo đảm luật pháp theo kịp sự phát triển nhanh chóng của kỹ nghệ, đồng thời “giải quyết những tác hại tiềm tàng” có thể nảy sinh từ kỹ nghệ.
Bà Klobuchar cho biết: “Dự luật sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ hợp lý cho các ứng dụng có rủi ro cao nhất của AI — như trong cơ sở hạ tầng trọng yếu của chúng tôi — và cải thiện tính minh bạch cho các nhà hoạch định chính sách và cho người tiêu dùng”.
Cụ thể, Đạo luật Nghiên cứu, Đổi mới và Trách nhiệm Trí tuệ Nhân tạo hướng tới mục đích tạo ra các tiêu chuẩn đánh giá và tiêu chuẩn thử nghiệm khả thi dành cho các hệ thống AI có rủi ro cao nhất. Để làm được việc đó, đạo luật này sẽ hướng dẫn cho Bộ Thương Mại ban hành các tiêu chuẩn để thử nghiệm và đánh giá các hệ thống AI.
Bộ Thương Mại sẽ được giao nhiệm vụ đệ trình kế hoạch 5 năm để thử nghiệm và xác nhận tác động trầm trọng của AI. Bộ này cũng sẽ được yêu cầu cập nhật kế hoạch thường xuyên. Các công ty sẽ phải gửi báo cáo đánh giá rủi ro và minh bạch cho Bộ Thương Mại trước khi khai triển các hệ thống AI có tác động trầm trọng.
Viện Tiêu chuẩn và Kỹ nghệ Quốc gia (NIST) cũng sẽ được hướng dẫn xây dựng các tiêu chuẩn về tính xác thực của nội dung trực tuyến nhằm giúp cho người dùng có sự phân biệt rõ ràng hơn giữa nội dung do con người tạo ra và nội dung do AI tạo ra. Một trong số các nhiệm vụ khác của NIST là thiết lập các khuyến nghị về biện pháp bảo vệ về mặt kỹ thuật và dựa trên rủi ro trên các hệ thống AI.
Các định nghĩa mới cho các thuật ngữ như ‘hệ thống AI tạo sinh và tác động cao’ cũng như sự phân biệt rõ ràng giữa nhà phát triển và người khai triển hệ thống AI cũng là một phần của dự luật này.
Nghị sĩ Thune thừa nhận tiềm năng của AI trong việc cách mạng hóa các ngành chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, tiếp vận, và vô số ngành công nghiệp khác, nhưng ông cũng tin rằng cần phải bảo đảm một bộ quy tắc tiêu chuẩn để áp dụng cho ngành này.
Ông cho biết: “Khi kỹ nghệ này tiếp tục phát triển, chúng ta nên xác định một số quy tắc căn bản để bảo vệ người Mỹ và người tiêu dùng, thúc đẩy một môi trường trong đó các nhà đổi mới và doanh nhân có thể phát triển và hạn chế sự can thiệp của chính phủ”.
Phòng Thí Nghiệm Sinh Học Bất Hợp Pháp Tại California Nhận Tiền Của Trung Cộng
Theo các nhà lập pháp Hoa Kỳ, một phòng thí nghiệm sinh học chợ đen của Trung Cộng ở Reedley, California, cách Fresno khoảng 25 dặm (40 km) về phía đông nam, trong thời gian còn hoạt động đã nhận được khoản thanh toán 1.3 triệu USD không rõ nguồn gốc từ các ngân hàng của Trung Cộng.
Theo các viên chức, phòng thí nghiệm sinh học bất hợp pháp có hàng ngàn lọ cùng các hộp đựng khác, một số được dán nhãn là tác nhân truyền bệnh trực tiếp có thể dẫn đến tử vong, trong đó có HIV và Ebola.
Hôm 15/11, trong một cuộc họp báo với các viên chức địa phương và Ủy ban Đặc biệt về Trung Cộng tại Hạ viện, Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) và Dân biểu Jim Costa (Dân Chủ-California) đã thảo luận về mối lo ngại về phòng thí nghiệm này.
Ông Costa cho biết trong cuộc họp báo, “Chúng tôi đang tìm hiểu bằng cách nào mà COVID thực sự đã bùng phát ra ngoài Trung Quốc và có rất nhiều nghi vấn ở đó, rằng liệu có phải vì chúng ta đã cho phép một người Trung Cộng đến đất nước chúng ta và thành lập một phòng thí nghiệm tư nhân chăng. Và chúng tôi thấy rằng để thành lập một phòng thí nghiệm tư nhân ở Mỹ thì cần phải có một giấy phép kinh doanh”.
Ủy ban còn công bố một báo cáo dài 42 trang về vấn đề này, trong đó chỉ trích Trung tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Dịch Bệnh (CDC) cùng các cơ quan liên bang khác vì đã không điều tra đầy đủ về địa điểm hoặc trợ giúp xử lý các chất độc.
Bản báo cáo cho biết, “Các viên chức địa phương đã mất hàng tháng để cố gắng có được sự trợ giúp từ CDC. CDC đã từ chối nói chuyện với họ và, trong một số trường hợp, các viên chức địa phương đã báo cáo rằng CDC đã cắt ngang giữa cuộc trò chuyện”.
Theo báo cáo, các viên chức địa phương đã nhận được hồi đáp tương tự khi họ liên lạc với các cơ quan liên bang khác.
Phòng thí nghiệm nghiên cứu này đã được phát giác hồi tháng 12/2022 khi bà Jesalyn Harper, một nhân viên hành pháp của thành phố, nhìn thấy một chiếc vòi tưới cây nhô lên ở phía sau một nhà kho được cho là bị bỏ hoang.
Theo báo cáo, bà Harper đã chuyển vụ việc lên Quận Fresno và Cục Điều Tra Liên Bang (FBI).
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, khoảng hai tháng sau, FBI thông báo với bà rằng họ đã khép lại cuộc điều tra vì “Cơ quan tin rằng không có vũ khí hủy diệt hàng loạt trong nhà kho này”.
Cũng theo báo cáo, hồi tháng Ba, các viên chức địa phương đã nhận được một lệnh khám xét, và đã tiến hành khám xét lại nhà kho. Họ phát giác những thứ có vẻ như là mẫu máu và mô, cùng với các lọ không dán nhãn và các vật liệu sinh học khác, làm dấy lên mối lo ngại rằng đây có thể là mầm bệnh.
Nhà kho này còn chứa gần 1,000 con chuột thí nghiệm, trong đó người ta phát giác có gần 200 con đã chết. Theo báo cáo, các nhân viên phòng thí nghiệm cho biết những con chuột này được sử dụng để “tiếp nhận và lưu virus COVID-19”.
Theo báo cáo, sau nhiều yêu cầu từ các viên chức địa phương và tiểu bang, hồi tháng 05/2023, CDC cuối cùng đã tìm đến địa điểm này và phát giác hàng ngàn lọ chứa ít nhất 20 tác nhân “có thể lây nhiễm”, trong đó có SARS-CoV-2, chlamydia, E. coli, phế cầu khuẩn, HIV, viêm gan, mụn rộp, rubella, và sốt rét,… dấy lên lo ngại trầm trọng về an toàn sinh học. Tuy nhiên, báo cáo cho biết CDC chỉ xác định các nguồn gây gây bệnh, dựa trên nhãn dán trên các mẫu vật.
Các nhà lập pháp cho biết, mặc dù các viên chức thành phố đề nghị sẽ chi trả chi phí xét nghiệm, nhưng CDC đã từ chối tiến hành xét nghiệm hoặc kiểm tra các lọ và mẫu không được dán nhãn.
Báo cáo nêu rõ, “Mặc dù chưa xét nghiệm bất cứ mẫu nào từ Phòng thí nghiệm Reedley nhưng CDC đã kết luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy là nguồn gây bệnh hoặc là chất độc đặc biệt’”.
Trong khi đó, các viên chức địa phương và quận, cùng với một công ty di chuyển chất thải độc hại theo hợp đồng, tiếp tục điều tra và dọn dẹp địa điểm này, xác nhận và mở rộng những phát giác trước đó của họ.
Báo cáo cho biết, “Việc CDC từ chối kiểm tra khiến các viên chức địa phương không thể đánh giá mối nguy hiểm đối với cộng đồng thành phố Reedley hoặc thông báo cho cộng đồng về các biện pháp cần thực hiện, nếu có, để bảo vệ an toàn cộng đồng”.
Ông McCarthy nói trong cuộc họp báo, “CDC và những người khác đã cắt ngang giữa cuộc trò chuyện, phớt lờ họ, cho đến khi Nghị sĩ Jim Costa gọi điện thoại cho họ. Tuy nhiên khi CDC xuất hiện, lẽ ra họ phải làm những việc nên làm, nhưng họ đã không làm như vậy. Họ đã không kiểm tra mầm bệnh. Họ thậm chí không phát giác ra chúng. Họ để lại một tủ đông, có chứa Ebola trong đó, và chúng tôi biết mức độ nguy hiểm của nó cũng như điều gì có thể xảy ra, đặc biệt là ở Central Valley”.
Thỏa Thuận Biden-Tập Cận Bình Sẽ Không Giảm Số Tử Vong Vì Fentanyl
Thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California, nơi Tổng thống Joe Biden tiếp đón nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình, không phải là địa điểm nên thơ như Tòa Bạch Ốc quảng bá. Hai nhà lãnh đạo đang ở thành phố này để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), được tổ chức tại Trung tâm Moscone và các địa điểm nội thành khác.
Cùng ngày (15/11), tờ San Francisco Chronicle đưa tin, “theo dữ kiện sơ bộ do văn phòng giám định y khoa công bố, San Francisco đang trên đà chứng kiến năm chết chóc nhiều nhất, với số ca tử vong do dùng thuốc quá liều bất thường trong năm 2023. Từ tháng Giêng đến tháng Mười, thành phố ghi nhận 692 người tử vong — cao hơn tổng số 649 của năm ngoái và 642 của năm trước”.
“Nếu thành phố tiếp tục tốc độ trung bình 69 người tử vong mỗi tháng, thì sẽ kết thúc năm với tổng cộng 830 người tử vong. Con số này cao hơn 28% so với số liệu tổng hợp của năm ngoái và cao hơn 14% so với mức cao nhất trước đó là 726 trường hợp tử vong trong năm 2020”.
Bài báo của Chronicle dựa trên một báo cáo cũng có từ ngày 15/11 của Văn phòng Giám định Y khoa thành phố. Nhìn vào biểu đồ cho tháng Tám của báo cáo này, chúng ta thấy cuộc khủng hoảng dùng thuốc quá liều đang tấn công cả hai giới tính, mọi chủng tộc và mọi nhóm tuổi, ngoại trừ những người dưới 15 tuổi.
Thành Viên Đảng Cộng Hòa Cảnh Báo Guam Là Mục Tiêu ‘Dễ Bị Trung Cộng Tấn Công’
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) đang yêu cầu thông tin từ phía Lục quân Hoa Kỳ về việc củng cố các năng lực phòng thủ phi đạn trên đất liền ở đảo Guam vì “tầm quan trọng chiến lược” của hòn đảo này, vốn vẫn “rất dễ bị tấn công” trong bối cảnh Trung Cộng leo thang xâm lược quân sự.
Ông Gallagher, chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ Viện về Trung Cộng, đã gửi một bức thư cho Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth, chỉ ra rằng Hoa Kỳ có “những lỗ hổng đáng kể” về năng lực bảo vệ đảo Guam trước phi đạn hành trình của Trung Cộng.
Ông nhấn mạnh ý nghĩa quân sự của Guam, nói rằng hòn đảo nhiệt đới nhỏ bé này “đóng vai trò trọng yếu” trong việc bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực Tây Thái Bình Dương và đồng minh.
Guam, lãnh thổ cực tây của Hoa Kỳ, có Căn cứ Hải quân Guam, căn cứ tàu ngầm duy nhất của Hải quân ở Tây Thái Bình Dương, và Căn cứ Không quân Andersen, một căn cứ không quân lớn được trang bị oanh tạc cơ và chiến đấu cơ chiến lược. Hòn đảo này cũng là nơi đóng quân của hơn 20,000 binh sĩ Hoa Kỳ.
Ông Gallagher viết trong báo cáo, “Bất chấp tầm quan trọng chiến lược của hòn đảo, thì Guam vẫn rất dễ bị tấn công trước một mạng lưới phi đạn ngày càng tinh vi của Trung Cộng, đặc biệt là phi đạn hành trình của họ. Với lợi thế về mặt địa lý — Trung Cộng ở gần đảo Guam hơn lãnh thổ Hawaii —. Nhà cầm quyền Trung Cộng “đã dành nhiều thập niên để phát triển cả hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung mà có thể nhắm đến đảo Guam. Trung Cộng cũng đã phát triển các phi đạn hành trình có năng lực lớn có thể được phóng từ nhiều nền tảng, bao gồm từ tàu, tàu ngầm, và oanh tạc cơ”.
Nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa này lưu ý rằng “mặc dù Hoa Kỳ đã phát triển các năng lực phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo trên biển và đất liền và năng lực phòng thủ phi đạn hành trình trên biển đầy đủ, nhưng lại có “những lỗ hổng đáng kể về năng lực chống lại các phi đạn hành trình của Trung Cộng có khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền, chặng hạn như đảo Guam”.
“Những thiếu sót như vậy đặt ra rủi ro trầm trọng cho khả năng sử dụng Guam như một cảng tàu ngầm có tầm quan trọng sống còn cũng như làm cơ sở để trợ giúp các hoạt động trong bất cứ sự kiện bất ngờ nào với Trung Cộng”.
Vị chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ Viện này đã nêu ra vấn đề trầm trọng về sự chậm trễ đáng kể trong “hệ thống phòng thủ phi đạn hành trình của Lục quân”.
Dự Luật Lưỡng Đảng Yêu Cầu Tư Nhân Tiết Lộ Các Khoản Đầu Tư Vào Trung Cộng
Hôm 09/11, các nghị sĩ Bob Casey (Dân Chủ-Pennsylvania) và Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) đã giới thiệu một dự luật yêu cầu các công ty đầu tư Hoa Kỳ tiết lộ vốn cổ phần tư nhân, các quỹ phòng hộ, và các khoản đầu tư vốn mạo hiểm vào các đối thủ ngoại quốc, ví như Trung Cộng, trong nỗ lực tăng cường tính minh bạch về việc tiền của Hoa Kỳ được đầu tư ra sao.
Dự luật, “Đạo luật Khai báo các Khoản đầu tư vào các Đối thủ Ngoại quốc”, yêu cầu các quỹ đầu tư tư nhân phải thông báo hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) về bất cứ khoản đầu tư nào vào Trung Cộng và các “quốc gia đáng lo ngại” khác, như Iran, Bắc Hàn, và Nga.
Luật cũng yêu cầu SEC công bố báo cáo hàng năm về các quỹ tư nhân đầu tư vào các quốc gia này và tỷ lệ phần trăm của các khoản đầu tư đó.
Các công ty chào bán cổ phiếu được miễn yêu cầu ghi danh của SEC trên thị trường tư nhân cũng phải tiết lộ thông tin về người nhận khoản đầu tư, khoản đầu tư và mục đích đầu tư đã dự định.
Ông Casey tuyên bố, “Người Mỹ xứng đáng được biết tiền tiết kiệm của họ đang được đầu tư vào đâu và như thế nào. Điều rất quan trọng là phải biết liệu tiền của chúng ta có được sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế của những đối thủ đang đánh cắp bí quyết kỹ nghệ và đánh cắp việc làm của chúng ta hay không”.
Theo văn phòng của ông Casey, các công ty đầu tư tư nhân của Hoa Kỳ đã bơm hơn 80 tỷ USD vào Trung Cộng từ năm 2018 đến năm 2022. Số tiền này gồm các khoản đầu tư vào các công ty kỹ nghệ cao của Trung Cộng, giúp Bắc Kinh cải thiện những kỹ nghệ quan trọng.
“Các đối thủ của chúng ta như Trung Cộng được hưởng lợi từ sự thiếu minh bạch hoàn toàn, cho phép họ che giấu và tài trợ cho các hành vi xấu — đặc biệt là liên quan đến thị trường tài chính. Đã đến lúc ngừng gửi tiền đến các quốc gia đáng lo ngại này”.
Hiệp hội Chứng khoán Hoa Kỳ (ASA) và FDD Action cùng các nhóm vận động thúc đẩy an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã ủng hộ dự luật này.
Dự luật này là hành động mới nhất nhằm theo dõi các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Cộng trong bối cảnh lo ngại rằng tiền của Hoa Kỳ có thể giúp Trung Cộng củng cố quân đội.
Hồi tháng Sáu, các dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) và Jim Banks (Cộng Hòa-Indiana) đã giới thiệu “Đạo luật Bảo vệ Tiền tiết kiệm Hưu trí của Người Mỹ”, hạn chế các quỹ hưu trí tư nhân đầu tư tương lai vào các công ty từ các đối thủ ngoại quốc như Trung Cộng. Dự luật cũng yêu cầu các quỹ đầu tư này tiết lộ các khoản đầu tư hiện có vào các tổ chức đó.