TIN THẾ GIỚI.

TT Zelenskyy: Quân Ukraine gặp khó khăn trong phòng thủ khi mùa đông tới (VOA)

Quân đội Ukraine đang đối mặt với việc phòng thủ ‘khó khăn’ ở một số nơi trên mặt trận miền đông với cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông đã bắt đầu, nhưng các lực lượng Ukraine ở miền nam vẫn đang tiến công, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết hôm 22/11.

Quân đội Nga đã phát động tấn công vào các điểm khác nhau của chiến tuyến ở miền đông Ukraine vào mùa thu này, và cố gắng tiến lên ở thị trấn Avdiivka bị tàn phá và ở khu vực đông bắc – vùng giữa các thị trấn Lyman và Kupiansk.

“Thời tiết khó khăn, phòng thủ khó khăn trên các mặt trận Lyman, Bakhmut, Donetsk và Avdiivka. Các hoạt động tấn công ở miền Nam,” ông Zelenskyy viết trên Telegram.

Tuyết và nhiệt độ đóng băng ở mức khoảng âm 5 độ C trong ngày 22/11 và có dự báo sẽ giảm xuống thấp hơn, có thể làm phức tạp thêm các hoạt động trên chiến trường, nơi giao tranh đang chuyển sang giai đoạn tiêu hao.

Kể từ giữa tháng 10, Avdiivka, nơi tiền tuyến ít thay đổi kể từ khi cuộc chiến đầu tiên nổ ra hồi năm 2014 giữa Kyiv và lực lượng do Nga hậu thuẫn, đã đối mặt với làn sóng tấn công rồi yên ắng sau đó, quân đội Ukraine cho hay.

Sau thời gian yên ắng như thế một ngày trước đó, người đứng đầu bộ chỉ huy quân sự ‘Tavria’ hôm 22/11 cho rằng quân đội Nga đã ‘gia tăng đáng kể’ số lượng các cuộc tấn công và không kích.

“Quân phòng thủ chúng tôi đang kiên cường giữ vững thế trận phòng thủ theo hướng Avdiivka”, tư lệnh Oleksandr Tarnavskyi viết trên Telegram. Quân Ukraine tiếp tục tiến công trên mặt trận Melitopol ở phía đông nam, ông nói thêm.


Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bất ngờ tới Kiev để tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraina (RFI)

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã tới Kiev ngày hôm 20/11/2023, nhằm trấn an Ukraina về sự ủng hộ bền vững của Mỹ đối vớ Ukraina trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga.

Theo thông báo của Lầu Năm Góc, được AFP trích dẫn, bộ trưởng Austin tới Kiev để « tăng cường sự ủng hộ » không gì lay chuyển nổi của Hoa Kỳ đối với Ukraina.

Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ hội đàm với tổng thống, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, cũng như chỉ huy quân đội Ukraina.

Đây là lần thứ hai, bộ trưởng Austin công du Ukraina, kể từ khi Nga xâm lược nước này.

Vẫn liên quan đến Ukraina, hôm 20/11 là Ngày Quốc tế về Quyền của Trẻ em. Cuộc chiến tại Ukraina đã làm hơn 500 trẻ em thiệt mạng và khoảng 1000 trẻ bị thương, chưa kể tới việc có khoảng  20 000 trẻ em Ukraina đã bị cưỡng ép sang Nga. Hôm qua, chính quyền Kiev thông báo, có một thiếu niên Ukriana mồ côi đã được hồi hương. 

Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze gửi về bài tường trình :

Bogdan Iermokhine, một cậu bé mồ côi ở Mariupol, đã được đưa trở về quê hương Ukraina vào ngày sinh nhật 18 tuổi của mình, theo khẳng định của chánh văn phòng tổng thống Andriy Yermak. Lần trở về của cậu là nhờ kế hoạch hành động “Bring Kids Back” (tạm dịch : Đưa trẻ em trở về quê hương) với sự hợp tác và môi giới của UNICEF và Qatar.   

Bogdan Lermokhine đã bị ép buộc chuyển đến Nga vào mùa xuân năm ngoái khi quân đội Nga chiếm đóng thành phố của cậu. Cậu đã yêu cầu được trở về nhà và thậm chí đã trực tiếp đề nghị tổng thống Zelensky giúp đỡ các thủ tục. Vào tháng ba năm ngoái, cậu đã thử bỏ trốn nhưng sau đó bị bắt lại tại biên giới Belarus.   

Đây không phải là trường hợp duy nhất. Đến hiện tại, Ukraina ước tính đã có gần 20 000 trẻ em bị đưa sang Nga, trong đó gần 400 trẻ được đưa trở về quê hương. Toà án Hình sự Quốc Tế cũng đã cáo buộc Tổng thống Nga Valdimir Putin và Uỷ viên phụ trách nhân quyền trẻ em của Nga, bà Maria Lvova Belova phạm tội ác chiến tranh vì đã cưỡng ép bất hợp pháp hàng nghìn trẻ em Ukraina sang Nga. 

Về phần mình, hôm 18/11, Kiev đã thông báo sẽ trừng phạt hàng trăm người vì liên quan đến việc bắt cóc và đưa những trẻ em Ukraina này sang Nga.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cách chức chỉ huy lực lượng quân y Ukraina.

Theo Reuters, khi gặp bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Rustem Umerov, ngày hôm qua, 19/11, tổng thống Zelensky đã thông báo quyết định này và ông kêu gọi cần nhanh chống cải tổ cách thức hoạt động của lực lượng quân y Ukraina.


Israel công bố video về đường hầm kiên cố của Hamas dưới bệnh viện Shifa (VOA).

Israel hôm 19/11 công bố đoạn video về điều mà họ mô tả là một đường hầm do các phần tử hiếu chiến Palestine đào bên dưới Bệnh viện Shifa ở Dải Gaza, trọng tâm nhiệm vụ của Israel trong việc tìm kiếm và tiêu diệt các phần tử hiếu chiến Hamas.

Dù thừa nhận có mạng lưới hàng trăm km đường hầm, hầm trú ẩn và lối vào bí mật xuyên suốt vùng đất Gaza của người Palestine, nhưng Hamas phủ nhận việc những đường hầm này nằm trong cơ sở hạ tầng dân sự như bệnh viện.

Trong bản cập nhật hôm 19/11 về các hoạt động tại Shifa, quân đội Israel cho biết các kỹ sư của họ đã phát hiện ra một đường hầm sâu 10 mét và chạy dài 55 mét tới một cánh cửa chống nổ.

“Loại cửa này được tổ chức khủng bố Hamas sử dụng để chặn lực lượng Israel tiến vào các trung tâm chỉ huy và tài sản ngầm của Hamas”, một tuyên bố quân sự kèm theo video cho thấy một lối đi hẹp có mái bê tông hình vòm, chấm dứt tại một cánh cửa màu xám.

Cũng trong ngày 19/11, ít nhất 31 trẻ sinh non, ốm nặng đã được sơ tán khỏi Bệnh viện Shifa chuyển đến một bệnh viện ở Ai Cập, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York cho biết, cho đến nay, 48 nhà báo và nhân viên truyền thông được xác nhận đã thiệt mạng trong khu vực kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 khơi mào cuộc tấn công trả đũa của Israel sau đó.

CPJ, cơ quan có danh sách bao gồm các nhà báo bị thiệt mạng ở cả hai bên, cho biết danh sách những người thiệt mạng bao gồm 43 người Palestine, 4 người Israel và 1 người Li Băng.

Các nhà báo trên khắp khu vực đang hy sinh rất nhiều để đưa tin về cuộc xung đột đau lòng này. Đặc biệt, những người ở Gaza đã phải trả và tiếp tục phải trả giá chưa từng có và phải đối mặt với những mối đe dọa theo cấp số nhân,” ông Sherif Mansour, điều phối viên chương trình Trung Đông và Bắc Phi của CPJ, cho biết trong một email gửi Reuters.

Tại Bờ Tây, hai người Palestine thiệt mạng trong đêm trong các cuộc đột kích của Israel vào lãnh thổ bị chiếm đóng.

Trong khi đó, quân đội Israel ngày 19/11 cho biết có thêm 5 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Dải Gaza, nâng số binh sĩ thiệt mạng ở đó lên thành 64 người kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Quân đội cho biết cả 5 người đều thiệt mạng ở phía bắc Gaza, nơi lực lượng của họ đang tham gia chiến dịch trên bộ chống lại các phần tử hiếu chiến Hamas.

Israel nói Trung Đông đã trở thành một thùng thuốc súng kể từ khi Hamas được Iran hậu thuẫn phát động cuộc tấn công khủng bố vào Israel hôm 7 tháng 10, giết chết ít nhất 1.200 người trong khi bắt khoảng 240 người làm con tin. Theo Bộ Y tế Gaza do Hamas điều hành, các cuộc tấn công trả đũa và tấn công trên bộ của Israel đã giết chết hơn 12.000 người Palestine, trong đó có khoảng 5.000 trẻ em.

Về mặt ngoại giao, ông Michael Herzog, đại sứ Israel tại Hoa Kỳ, nói với chương trình “This Week” của ABC rằng Israel “hy vọng chúng tôi có thể giải thoát một số lượng đáng kể con tin [do Hamas bắt giữ] trong vài ngày tới,” với việc tạm dừng giao tranh trong thời gian ngắn có thể kéo dài năm ngày.

Tin tức của Mỹ cho biết khoảng 50 con tin, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trong số ước tính 240 người bị Hamas bắt giữ, có thể được trao trả cho Israel, nhưng không rõ liệu có bao nhiêu tù nhân Palestine bị Israel giam giữ có thể được thả.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jon Finer nói với CNN rằng: “Có những lĩnh vực khác biệt và bất đồng đã được thu hẹp, nếu không muốn nói là loại bỏ hoàn toàn,” đồng thời cho biết thêm rằng chưa đạt được thỏa thuận nào.

Ông Finer nói: “Một trong những thách thức liên quan đến vấn đề này là chúng tôi, Hoa Kỳ không có mặt trên thực địa ở Gaza.” “Chúng tôi không liên lạc trực tiếp với Hamas. Chúng tôi chỉ làm điều đó thông qua trung gian. Và vì vậy, chúng tôi không có độ chính xác hoàn hảo về số lượng con tin, bao gồm cả số người còn sống.”

Hàng chục thường dân Palestine di tản đã thiệt mạng hoặc bị thương hôm 18/11 trong các cuộc không kích của Israel, trong đó có một người tại một trường học trong trại tị nạn Jabaliya ở phía bắc Gaza, Cơ quan của Liên hiệp quốc lo về Cứu trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine UNRWA đưa tin.

“Cảnh tượng thật kinh hoàng. Xác phụ nữ và trẻ em nằm trên mặt đất. Những người khác đang kêu cứu”, một người sống sót tên là Ahmed Radwan nói với hãng tin AP qua điện thoại về cuộc tấn công của Israel vào trường Fakhoura. Hình ảnh từ một bệnh viện địa phương cho thấy hơn 20 thi thể được quấn trong những tấm vải dính máu.

Trong một tuyên bố hôm 19/11, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói: “Tôi vô cùng bàng hoàng khi hai trường học của UNRWA bị tấn công trong vòng chưa đầy 24 giờ ở Gaza”.

“Cuộc chiến này đang gây ra con số thương vong dân sự đáng kinh ngạc và không thể chấp nhận được, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, mỗi ngày. Điều này phải dừng lại. Tôi nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.”

Israel cho biết quân đội của họ đang hoạt động trong khu vực Jabaliya “với mục đích tấn công những kẻ khủng bố” đồng thời cố gắng giảm thiểu thiệt hại cho thường dân.


Israel và Hamas đạt thỏa thuận trao đổi con tin – tù nhân và ngừng bắn nhân đạo (RFI)

Sau một tháng rưỡi kể từ ngày 07/10/2023, một phần các con tin Israel bị Hamas giam giữ có thể được trở về nhà theo thỏa thuận đêm 21 rạng sáng 22/11 giữa Israel và Hamas. 50 con tin, gồm phụ nữ và trẻ em, được thả theo từng đợt trong vòng 4 ngày và trong thời gian này, Israel ngưng các đợt oanh kích nhắm vào Gaza.

Thân nhân của các con tin Do Thái biểu tình (Minh họa)

Israel cũng sẽ trả tự do các nhiều tù nhân Palestine, một quyết định được hoan nghênh tại các vùng đất của Palestine đang bị chiếm đóng.

Từ Jerusalem, đặc phái viên Sami Boukhelifa gửi về bài tường trình :

« Qaddura Farès, chủ tịch Câu lạc bộ Tù nhân Palestine, một tổ chức dân sự bảo vệ những người Palestine bị cầm tù ở Israel, vui mừng xem việc trả tự do cho con tin Israel để đổi lấy việc trả tự do cho tù nhân người Palestine là một « quyết định đúng đắn ». Ông nói : « Netanyahu từng tin rằng có thể giải cứu được con tin Israel thông qua các hoạt động vũ trang. Nhưng ông ta đã thất bại và gây thất vọng. Một tháng rưỡi chiến tranh đã không cho phép giải phóng con tin Israel. Lựa chọn khả thi duy nhất là đàm phán và trao đổi con tin và tù nhân ».

Hơn 200 con tin Israel đang nằm trong tay Hamas ở Gaza. Ông Qaddura Farès nhắc lại : « Hơn 8.000 người Palestine đang bị cầm tù ở Israel, trong số đó có 82 phụ nữ và khoảng 350 trẻ vị thành niên. Một số người, thậm chí cả trẻ em, đang bị giam nhốt hành chính, tức là bị giam mà không bị buộc tội hay qua xét xử ».

Những người Palestine bị giam giữ nay được thả và có thể trở về nhà ở Đông Jerusalem hoặc Cisjordanie bị chiếm đóng. Theo các nhà báo Palestine, ban đầu Israel đề xuất gửi những người này đến Gaza. Nhưng Hamas dường như đã từ chối đề xuất đó ».

AFP sáng nay 22/11 cho biết là Qatar, nước trung gian trong hồ sơ Gaza, khẳng định một lệnh ngừng bắn nhân đạo sẽ được thông báo trong vòng 24 giờ tới đây. Hưu chiến sẽ kéo dài 4 ngày, và có thể được triển hạn.

Thỏa thuận giữa Israel và Hamas đã được nhiều nước, trong đó có Mỹ, Pháp, Nga, Trung Cộng… hoan nghênh.


Ấn Độ và Úc đối thoại tăng cường an ninh và quan hệ chiến lược (RFI)

Nhằm tăng cường quan hệ chiến lược giữa hai nước, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng của Ấn Độ và Úc hôm nay 20/11/2023, tiến hành thảo luận tại New Delhi các vấn đề an ninh và quốc phòng, trong khuôn đối thoại 2+2.

Thủ tướng Úc Albanese và TT Ấn Độ Modi trong chuyến thăm Úc châu (Minh họa)

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Ấn Độ, được AP trích dẫn, ngoại trưởng Úc Penny Wong và bộ trưởng Quốc Phòng Úc đã tới New Delhi để thảo luận với các đồng nhiệm Ấn Độ, trong khuôn khổ đối thoại 2+2, các vấn đề khu vực và trên thế giới.

Vẫn theo nguồn tin trên, « hai bên cũng sẽ trao đổi quan điểm về các mối ưu tiên chung nhằm tăng cường quan hệ đa phương thu hẹp và quan hệ đa phương nói chung ».

Ngoài các cuộc gặp 2+2, theo lịch trình, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh sẽ có cuộc gặp riêng với đồng nhiệm Úc. Tương tự, ngoại trưởng Úc và Ấn Độ cũng các cuộc hội đàm song phương vào thứ Tư, 22/11.

Đối thoại an ninh, quốc phòng giữa Úc và Ấn Độ diễn ra chỉ vài tuần sau khi New Delhi đã đón tiếp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Llyod Austin. Hai nước cùng nhấn mạnh sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng và xây dựng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực tự do, thịnh vượng và an toàn.

Ấn Độ và Úc đều là thành viên của Bộ Tứ QUAD, cùng với Nhật Bản và Mỹ. Mục đích của QUAD là  ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng tại châu Á.


Xung đột Israel – Hamas bao trùm thượng đỉnh BRICS (RFI)

Nam Phi chủ trì hội nghị thượng đỉnh BRICS, qua hình thức trực tuyến, vào hôm 21/11/2023. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng tham gia cuộc họp này đặc biệt này. Các nước sẽ đưa ra một tuyên bố chung về tình hình ở Cận Đông, đặc biệt là ở Gaza.

Ngoài nguyên thủ của năm nước thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Cộng, Nam Phi), lãnh đạo của một số nước có khả năng gia nhập khối vào tháng Giêng năm 2024, như Ả Rập Xê Út, Achentina, Ai Cập, Iran, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Ethiopia, cũng tham dự cuộc họp trực tuyến này. 

Từ Johannesburg, thông tín viên Claire Bargelès tường trình :  

« Lãnh đạo của Nam Phi sẽ là người khai mạc cuộc họp vì quốc gia này vẫn giữ vai trò chủ tịch luân phiên của khối BRICS. Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas là chủ đề mà chính phủ Nam Phi đặc biệt quan tâm. Kể từ đầu cuộc chiến, lãnh đạo Nam Phi đã lên tiếng tố cáo những hành động được mô tả là ‘man rợ’ ở dải Gaza, đảng Đại Hội Dân Tộc Phi cầm quyền vẫn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine. Nam Phi cùng với 4 quốc gia khác cũng yêu cầu Tòa anh Hình sự Quốc tế mở một cuộc điều tra chống lại Israel. Prétoria cũng đã triệu hồi nhân viên ngoại giao của nước này ở Tel Aviv.  

Tuy nhiên lập trường của các đối tác của Nam Phi lại khác nhau. Ví dụ, Ấn Độ và Ethiopia thì bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ở Gaza. Trung Cộng lại muốn thể hiện là một trung gian hòa giải khả dĩ. Còn về phía Nga, điện Kremlin đã xác nhận Vladimir Putin tham gia vào cuộc họp này, Matxcơva đang sử dụng cuộc chiến này để tấn công vào sự bá quyền của Hoa Kỳ. 

Do vậy, cần phải chờ xem nội dung của tuyên bố chung được thông qua vào cuối cuộc họp sẽ ra sao. Dẫu sao thì 5 quốc gia BRICS sẽ có dịp gặp lại nhau vào ngày mai, với sự hiện diện của nhiều nước hơn trong khuôn khổ cuộc họp trực tuyến của khối G20, dự trù diễn ra vào thứ Tư tới. » 

Theo AFP, quan hệ giữa Israel và Nam Phi ngày càng căng thẳng, khi vào hôm qua, Israel đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Nam Phi, trong khi đảng Đại Hội Dân tộc Phi thì đề xuất đóng cửa sứ quán của Israel ở Pretoria, cắt đứt quan hệ với Tel Aviv, cho đến khi lệnh ngừng bắn được thực hiện ở Gaza. 


Các nước Hồi giáo lập nhóm vận động ngừng bắn tại Gaza (VOA)

Một nhóm mới thành lập gồm các quan chức cấp cao từ một số quốc gia Hồi giáo sẽ gặp 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và những người khác để gây sức ép về việc ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, một nguồn tin Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm 21/11.

Nhóm được thành lập vào đầu tháng này tại hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả RậpTổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ở Riyadh. Nhóm bao gồm các Ngoại trưởng và đại diện từ Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ai Cập, Jordan, Nigeria, Ả Rập Xê Út, Indonesia, Chính quyền Palestine, và Tổng thư ký OIC.

Nguồn tin cho biết nhóm đã bắt đầu nói chuyện với các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nga, Anh và Pháp – với chuyến thăm Bắc Kinh đầu tuần này và sẽ đi đến các nước khác nữa.

Mục tiêu chính của nhóm liên lạc là công bố lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt và gửi viện trợ nhân đạo tới Gaza,” nguồn tin cho biết.

“Mục tiêu cuối cùng hướng tới việc đóng góp cho giải pháp hai nhà nước trong khuôn khổ các thông số được quốc tế chấp nhận, để người Palestine sống trên đất nước của họ một cách an toàn, ổn định và thịnh vượng.”

Lãnh đạo phe Hamas ở bên ngoài Gaza, Ismail Haniyeh, nói với Reuters hôm 21/11 rằng nhóm chiến binh Palestine sắp đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Israel, cho dù cuộc tấn công chết người của Israel vào Gaza vẫn tiếp tục và rốc-két vẫn đang được bắn vào Israel.

Cuộc tấn công đẫm máu của Hamas vào Israel hôm 7/10 đã thúc đẩy một cuộc tấn công chớp nhoáng của Israel trên không và cuộc xâm lược Gaza để truy quét Hamas. Chiến dịch này đã giết chết ít nhất 13.000 người Palestine, nhiều người trong số họ là trẻ em và phụ nữ, đồng thời dẫn đến những lời kêu gọi ngừng bắn hoặc đình chiến nhân đạo.

Nguồn tin Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã không tham gia chặng công du Bắc Kinh và cũng bỏ lỡ chuyến đi của nhóm tới Moscow hôm 21/11 trong khi Tổng thống Tayyip Erdogan đang có chuyến thăm Algeria.

Ngoại trưởng Fidan đầu tuần này cho biết sẽ tham gia các chặng tiếp theo của chuyến đi. Ông nói với đài Al Jazeera rằng các nước Hồi giáo hiện đã quyết định sử dụng “tất cả các biện pháp ngoại giao và nhân đạo” sẵn có để chấm dứt giao tranh ở Gaza. Ông cho biết các cuộc tấn công của Israel vào Gaza phải được ngăn chặn bởi Liên hiệp quốc và các nền tảng khác với nỗ lực của các quốc gia có cùng chí hướng.

Nguồn tin cho biết nhóm sẽ gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Anh và Pháp vào ngày 22/11.


Tổng thống Philippines gặp chủ tịch Trung Cộng tìm cách giảm căng thẳng Biển Đông (VOA).

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr gặp Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình vào ngày thứ Sáu để tìm cách hạ giảm căng thẳng ở Biển Đông và khôi phục quyền tiếp cận ngư trường của ngư dân Philippines.

Phát biểu với các phóng viên bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco, ông Marcos nói rằng Philippines và Trung Cộng cần tiếp tục giao tiếp, với cuộc gặp này là một phần quan trọng của tiến trình duy trì hòa bình, và giữ cho các tuyến đường biển và đường không bên trên Biển Đông được rộng mở.

Chúng tôi đã cố gắng đề xuất các cơ chế để giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông,” ông Marcos nói mà không nêu rõ chi tiết.

Ông Marcos cho biết ông đã bày tỏ lo ngại về các sự cố giữa tàu Trung Cộng và tàu Philippines, bao gồm một vụ va chạm. Ông nói ông cũng nêu lên hoàn cảnh của ngư dân Philippines.

“Tôi yêu cầu chúng ta quay trở lại hoàn cảnh mà trong đó cả ngư dân Trung Cộng và Philippines cùng đánh bắt ở vùng biển này,” ông nói.

Ngư dân Philippines đã phàn nàn rằng tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Cộng đang ngăn cản họ đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Ông Marcos nói ông và ông Tập nhất trí rằng các vấn đề địa chính trị không nên là yếu tố quyết định mối quan hệ giữa hai nước.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, ông Marcos đã theo đuổi quan hệ nồng ấm hơn với Mỹ, một đồng minh hiệp ước, trái ngược với lập trường thân Bắc Kinh của người tiền nhiệm.

Ông Marcos đã cho Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự của mình, bao gồm cả các tỉnh đối diện với Biển Đông và đảo Đài Loan, khiến Bắc Kinh tức giận.

Căng thẳng trong khu vực, nơi Trung Cộng đã xây dựng các đảo nhân tạo để đặt phi đạn và làm đường băng, đã gia tăng trong năm nay.

“Tôi không nghĩ là có ai muốn chiến tranh,” ông Marcos nói.

Trung Cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, phớt lờ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực vô hiệu hóa những tuyên bố chủ quyền bành trướng của Bắc Kinh.

Đại sứ quán Trung Cộng tại Manila không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận.


Úc chỉ trích Trung Cộng tương tác hải quân ‘không an toàn, không chuyên nghiệp’ (VOA).

Chính phủ Úc ngày thứ Bảy cho biết họ đã bày tỏ lo ngại nghiêm trọng với Trung Cộng sau khi có sự tương tác “không an toàn và không chuyên nghiệp” giữa tàu hải quân Úc và tàu chiến Trung Cộng khiến các thợ lặn quân sự Úc bị thương.

Khinh hạm HMAS Toowoomba

Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles cho biết tàu HMAS Toowoomba – một tàu khu trục tầm xa – đang thực hiện hoạt động lặn trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản vào ngày 14 tháng 11 để gỡ lưới đánh cá mắc vào chân vịt của tàu thì vụ việc xảy ra.

“Trong khi các hoạt động lặn đang tiến hành thì một tàu khu trục PLA-N (DDG-139) hoạt động ở khu vực lân cận đã tiến về phía HMAS Toowoomba,” ông Marles nói trong một phát biểu, nhắc tới tàu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Cộng.

Ông cho biết mặc dù tàu Úc đã thông báo cho tàu chiến Trung Cộng về hoạt động lặn và yêu cầu tàu này giữ khoảng cách, nhưng tàu khu trục vẫn tiếp cận “ở cự ly gần hơn.”

“Ngay sau đó, tàu được phát hiện đang vận hành sonar gắn trên thân tàu theo cách gây nguy hiểm cho sự an toàn của các thợ lặn Úc. Các thợ lặn buộc phải trồi lên.”

Ông Marles nói rằng hành vi này “không an toàn và không chuyên nghiệp.”

Đại sứ quán Trung Cộng tại Úc không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Thẩm định y tế cho thấy các thợ lặn bị thương nhẹ có thể do sonar của tàu khu trục gây ra.

“Úc kỳ vọng tất cả các nước, bao gồm cả Trung Cộng, vận hành quân đội của họ một cách chuyên nghiệp và an toàn,” ông Marles nói, và nói thêm rằng sự an toàn và mạnh khỏe của quân nhân Úc là “ưu tiên hàng đầu” của chính phủ.

Trong những năm gần đây, Trung Cộng nổi lên như một cường quốc ngày càng quyết đoán ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm việc nâng cấp quan hệ an ninh với Quần đảo Solomon vào tháng 7.

Đầu năm nay, Úc – một đồng minh thân cận của Mỹ – đã tiến hành hai tuần tập trận với sự tham gia của hơn 30.000 binh sĩ với Mỹ nhằm phô trương uy lực trong bối cảnh Trung Cộng ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực


Mỹ-Philippines tuần tra chung trên biển, trên không ở Biển Đông (VOA).

Quân đội Philippines và Hoa Kỳ đã triển khai tuần tra chung hôm 21/11 tại vùng biển gần Đài Loan, các quan chức của Philippines cho biết – động thái có thể thổi bùng thêm căng thẳng với Trung Cộng.

Các cam kết an ninh giữa hai nước đồng minh có hiệp ước này đã được đẩy mạnh trong năm nay, trong đó có quyết định tăng gần gấp đôi số căn cứ Philippines mà quân Mỹ có thể tiếp cận, trong đó có những căn cứ nhìn về hướng Đài Loan, và cuộc diễn tập quân sự chung lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước hồi tháng Tư.

Cuộc diễn tập chung trên không và trên biển dài ba ngày trong tuần này là ‘sáng kiến quan trọng’ nhằm củng cố năng lực hiệp đồng tác chiến giữa hai bên, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết.

“Tôi tin rằng việc này… sẽ góp phần tạo ra môi trường an toàn và ổn định hơn cho người dân chúng tôi,” ông viết trên X.

Cuộc diễn tập sẽ bắt đầu ở đảo Mavulis, điểm cực bắc của Philippines, nằm cách Đài Loan khoảng 100 km, Eugene Cabusao, phát ngôn nhân bộ chỉ huy Bắc Luzon cho biết. Nó sẽ kết thúc ở Biển Tây Philippines, cách mà Manila gọi các vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ trên Biển Đông.

Quân đội Philippines cho biết ba tàu hải quân, hai chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 và một máy bay tấn công hạng nhẹ A-29B Super Tucano sẽ tham gia, còn Mỹ sẽ triển khai một tàu chiến ven biển và một máy bay tuần tra và trinh sát hàng hải P8-A.

Thông tin này được đưa ra một ngày sau khi ông Marcos phát biểu tại một diễn đàn ở Hawaii rằng tình hình trên Biển Đông đã trở nên ‘nguy hiểm’ hơn, khi mà quân đội Trung Cộng tiến gần hơn đến bờ biển Philippines.

Các cuộc tập trận này, vốn có thể chọc giận Trung Cộng, là dấu hiệu cho thấy Philippines đang tăng cường vị thế phòng thủ giữa lúc xảy ra điều mà họ mô tả là ‘các hoạt động hung hăng’ của Trung Cộng trong vùng biển mang tính chiến lược cao vốn từ lâu đã được coi là điểm nóng tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Cộng.

Sứ quán Trung Cộng ở Manila đã không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của Reuters về cuộc tập trận.

Quan hệ với Trung Cộng đã xấu đi dưới thời Tổng thống Marcos, với những cuộc đối đầu hết lần này đến lần khác giữa tàu Trung Cộng và tàu Philippines trong vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, khiến hai nước có lời qua tiếng lại gay gắt và khiến nhiều người lo ngại căng thẳng sẽ leo thang.

Ông Marcos mới đây đã gặp Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình trong nỗ lực giảm căng thẳng.

Cuộc tập trận chung với Mỹ cho thấy Manila đang thể hiện lập trường trên Biển Đông, ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển ở thủ đô Manila, cho biết.

Điều đó cho thấy Philippines đang thực sự củng cố lập trường về các vấn đề Biển Đông,” ông Batongbacal nói.

Lo ngại của Manila tập trung vào Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách đảo Palawan của nước này khoảng 200 km. Trung Cộng gia tăng các hoạt động ngăn chặn việc Quân đội Philippines tiếp tế cho đơn vị đóng tại một tàu chiến cũ ở bãi san hô này. Báo Nhật Nikkei Asia hôm 21/11/2023 dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Washington ‘‘ủng hộ hoàn toàn chính sách sửa chữa con tàu chiến cũ’’ (tức tàu Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây – Second Thomas Shoal) của Manila và cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ theo yêu cầu của Philippines.


TIN VIỆT NAM.

Việt Nam khoe sắp được Mỹ cấp quy chế kinh tế thị trường

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói với báo chí trong nước rằng Mỹ sẽ sớm trao quy chế thị trường cho Việt Nam, theo trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong khi Bộ Thương mại Mỹ đã khởi động việc rà soát tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nammà Mỹ áp đặt trong hơn 2 thập kỷ qua.

Trước đó, Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, khi tới Mỹ tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tuần trước ở San Francisco, đã kêu gọi Washington công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở San Francisco hôm 15/11, ông Thưởng nói Mỹ “không nên cứng nhắc theo quy định” trong việc công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Lời kêu gọi của ông Thưởng được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam hồi giữa tháng 9 và cùng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nâng cấp mối quan hệ Mỹ-Việt lên tầm cao nhất, tức đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam được 72 nước trên thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường nhưng Mỹ xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, được dùng để chỉ các nền kinh tế nơi chính phủ có độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại và nhà nước ấn định giá cả nội địa.

Ông Sơn, trong cuộc trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm của Chủ tịch Thưởng tới Mỹ tham dự APEC kết hợp hoạt động song phương tại đây, được Bộ Ngoại giao đăng trên trang web chính thức, nói rằng chủ tịch nước Việt Nam đã gặp và trao đổi với Tổng thống Biden, thống đốc bang California Garvin Newsom cũng như tiếp một số đại diện doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ.

“Qua các cuộc gặp, hai bên nhất trí nỗ lực tiếp tục triển khai kết quả thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vừa qua của Tổng thống Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện; tập trung vào kinh tế – thương mại – đầu tư, trong đó Hoa Kỳ sớm trao Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam”, ông Sơn nói.

Theo một đại diện của Bộ Công thương Việt Nam nói với VnEpxress, Mỹ coi nền kinh tế Việt Nam là phi thị trường kể từ vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên với quốc gia Đông Nam Á vào năm 2002.

Bà Nguyễn Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết rằng việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ điều tra chống bán phá giá của Mỹ, theo Vụ Chính sách Thương mại Đa biên của Bộ Công thương.

Đề nghị Mỹ sớm công nhận Quy chế thị trường của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 19/9 tại Washington, theo VnExpress. Tuyên bố chung giữa ông Trọng và ông Biden khi nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ cũng đề cập đến vấn đề này.

Bộ Thương mại Mỹ cuối tháng trước nói rằng họ sẽ bắt đầu xem xét tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam.

Trong một thông cáo đưa ra hôm 24/10, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chính phủ Việt Nam vào ngày 8/9 đã chính thức đệ trình yêu cầu tới bộ này để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường “dựa trên những cải cách kinh tế của đất nước trong những năm gần đây”.

Bộ này nói họ sẽ hoàn thành việc xem xét một cách nhanh chóng nhất có thể theo luật pháp Hoa Kỳ. Thông báo của bộ cho hay họ có 270 ngày để hoàn thành việc đánh giá này, bao gồm cả thời gian lấy ý kiến công chúng trước khi đưa ra quyết định.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Thương mại Mỹ về vấn đề này.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 là gần 139 tỷ USD, theo dữ liệu của Hoa Kỳ. Mỹ cũng khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, trong đó chủ yếu là điều tra chống bán phá giá với 25/56 vụ việc tính đến tháng 8 năm nay, theo VnExpress.

Theo các chuyên gia, nếu được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ có lợi thế trong các cuộc điều tra chống phá giá hay trợ cấp hàng xuất khẩu của Mỹ. Còn theo VnExpress, việc được hai thị trường nhập khẩu lớn – Mỹ và EU – công nhận là kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Trong cuộc gặp với ông Chính, Bộ trưởng Raimondo nói sẽ tìm cách thúc đẩy, để Mỹ sớm chấp thuận yêu cầu của Việt Nam, theo Bloomberg.

Về đề xuất nghị cai diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2027 của Việt Nam, ông Sơn cho biết các nước tại Hội nghị APEC ở San Francisco đã ủng hộ. Việt Nam lần gần đây nhất đăng cai APEC là vào năm 2017, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Đà Nẵng tham dự và sau đó tới Hà Nội để gặp các lãnh đạo nhà nước Việt Nam.

“Tất cả các thành viên APEC đều bày tỏ đánh giá cao những đóng góp rất thiết thực, xây dựng của Việt Nam đối với APEC trong hơn hai thập kỷ qua và khẳng định sự tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC 2027 của Việt Nam”, ông Sơn nói. (VOA)


Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương của Mỹ thăm Việt Nam (VOA)

Đại tướng Charles Flynn, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, vừa có chuyến thăm Việt Nam, tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương.

Đại tướng Charles Flynn, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ bắt tay Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày 13/11/2023. Photo Facebook US Embassy in Vietnam.

Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ với Quân đội Nhân dân Việt Nam thông qua các hoạt động trao đổi và hỗ trợ các nỗ lực quan trọng trong các lĩnh vực gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa”, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 20/11 cho biết về một trong các nội dung trong chuyến thăm của ông Flynn.

Tư lệnh Lục quân Mỹ viết trên trang X, trước đây là Twitter, sau cuộc gặp với Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam:

Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Hoa Kỳ – Việt Nam tượng trưng cho việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta và tôi mong muốn được tăng cường hợp tác với Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 13/11 dẫn lời tướng Nghĩa nói với tướng Flynn: “Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Trang QĐND tường thuật rằng phía Việt Nam mong muốn Mỹ ưu tiên đẩy mạnh hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam nguồn lực cho dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, giúp xử lý toàn bộ ô nhiễm dioxin tại đây.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng đề nghị ông Flynn phối hợp đánh giá kết quả xử lý dioxin tại sân bay A Sho, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định, đồng thời hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh (MIA).


Ông Trọng: Chống tham nhũng đừng làm cho có

Chủ trì cuộc họp tại của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 22/11, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ca ngợi công tác phòng chống tham nhũng đang ngày càng làm tốt, nhưng yêu cầu các cơ quan phải “hợp đồng tác chiến” và chớ “làm ví dụ, làm để cho có”, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

Bình luận của người đứng đầu Đảng Cộng sản được đưa ra vào thời điểm nhiều vụ đại án diễn ra gần đây đang làm chấn động công chúng, gần nhất là vụ Vạn Thịnh Phát với số tiền các quan chức nhận hối lộ hàng triệu đô la.

Báo cáo tại cuộc họp cho biết rằng gắn với vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan, nhà chức trách đã khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can; vụ án trong lĩnh vực đăng kiểm đến nay đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương; các vụ án Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Sài Gòn Co.op hiện đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố.

Đã có 76 tổ chức đảng bị kiểm tra vì liên quan đến các vụ án ở Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC. Theo đó, 57 đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm 3 nguyên Bí thư Tỉnh ủy, 4 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, vẫn theo trang tin của chính phủ Việt Nam.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phú Trọng ca ngợi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “làm ngày càng tốt, có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học”, và nói thêm rằng “cần xây dựng lý luận về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam”.

Các vụ đại án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận như vụ Việt Á, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… được yêu cầu phải tập trung điều tra và “xử lý nghiêm”.

Ông Trọng cũng lưu ý về việc xử lý chậm chạp, trì trệ. Ông nói công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “cần phải làm triệt để, hiệu quả, chứ không phải làm ví dụ, làm để cho có”, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp, “hợp đồng tác chiến” hiệu quả hơn, chứ “đừng cua cậy càng, cá cậy vây” hay “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.

Một số tổ chức, định chế quốc tế theo dõi Việt Nam lâu nay đánh giá rằng tham nhũng là một vấn đề dai dẳng ở đất nước này trong nhiều năm và càng trở nên trầm trọng hơn do những thách thức cố hữu của nhà nước độc đảng, như nền pháp quyền yếu kém, thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình, cũng như mối quan hệ mạnh mẽ giữa chính trị và kinh doanh.

Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch “đốt lò” (chống tham nhũng) vào năm 2016, rất nhiều quan chức đã bị cách chức, khai trừ khỏi đảng hoặc bỏ tù vì tội tham nhũng. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng của ông của gây tranh cãi bởi một số ý kiến cho rằng nó cũng là công cụ thanh trừng lẫn nhau giữa các phe nhóm trong đảng.

Về mặt xã hội, những con số “khủng” về lượng tiền nhận hối lộ trong nhiều vụ đại án tham nhũng những năm gần đây đã khiến người dân sốc và bức xúc, nhưng điều công chúng quan tâm nhiều hơn là số tiền thu hồi có được trả lại cho dân hay không.

Báo cáo trong cuộc họp ngày 22/11 cho biết từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng. (VOA)


Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng

Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam Đoàn Hồng Phong báo cáo với Quốc hội rằng tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, đăng kiểm, y tế, v.v… trong năm 2023 vẫn “phức tạp, nghiêm trọng”, và tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, nhiều báo trong nước đưa tin hôm 21/11.

Ông Đoàn Hồng Phong nói rằng trong năm qua, công an đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án và 2.951 bị can phạm tội tham nhũng; trong đó, đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án và 1.205 bị can, Thanh Niên, Tuổi Trẻ và một số báo khác tường thuật.

Có gần 4.900 vụ việc phải thi hành án để thu hồi tài sản tham nhũng, với số tiền gần 97.300 tỉ đồng, ông Phong nói, trong đó, đã thi hành xong gần 2.300 vụ việc với hơn 20.400 tỉ đồng.

Vị Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay đến nay hơn 655.000 cán bộ đã công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Qua xác minh trong năm 2022, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và họ phải giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, theo các bản tin của báo chí Việt Nam.

Trong năm 2023, có 23 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị với số tiền 93 triệu đồng, vẫn Tổng Thanh tra Phong nói với Quốc hội.

Báo cáo của ông Phong cho biết thêm rằng có 55 vị lãnh đạo và cấp phó bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; trong đó, 13 vị lãnh đạo và cấp phó bị xử lý hình sự do mắc sai phạm kể trên, 42 vị còn lại bị xử lý kỷ luật, gồm khiển trách 16 người, cảnh cáo 13 người, và cách chức 13 người.

Ông Phong nhấn mạnh trong bản báo cáo rằng đã có những nỗ lực “kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị” của các vị lãnh đạo khi họ để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực của họ; từ đó “khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, xin từ chức”.

Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cũng nêu bật việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn thời gian qua vì biện pháp này mở đường để xử lý nhiều đối tượng thuộc diện này, đồng thời có tác dụng là cơ sở để dẫn độ tội phạm, cũng như được xem là “hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe” những người phạm tội tham nhũng.

Tuy nêu ra các kết quả, báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực “còn diễn biến phức tạp”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và “gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Theo bản báo cáo, nạn tham nhũng còn tồn tại vì có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Bên cạnh đó là do quy định của pháp luật về một số lĩnh vực còn “sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung”, nhất là về các lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

Lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; đặc biệt đáng chú ý là vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tình trạng nêu trên còn tồn tại, theo bản báo cáo, là vì các vị lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương “chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức “thiếu tu dưỡng, rèn luyện hoặc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.

Trong một phiên thảo luận riêng rẽ của Quốc hội vào chiều 21/11, khi nêu giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng, Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, tỉnh Bình Thuận, đề nghị cần cải thiện tiền lương, nâng cao mức sống của cán bộ, công chức, các báo Việt Nam tường thuật.

Nữ Đại biểu Bố Thị Xuân Linh phát biểu rằng thực tiễn cho thấy chính sách lương, phụ cấp còn nhiều bất cập và nhà nước cần phải “quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức và viên chức, phấn đấu để cho họ sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khá trong toàn xã hội”.

Vẫn bà Linh đề nghị thêm rằng cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội “có hiệu lực trên thực tế” về công tác phòng, chống tham nhũng .


Liên Hiệp Quốc: csVN vẫn bắt người tùy tiện

Bản tin của RFI hôm 16 tháng 11 cho biết, Ông Surya Deva, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền phát triển, đã thăm Việt Nam từ ngày 06/11 đến 15/11/2023. Theo AFP, hôm qua, 15/11, ngày cuối cùng của chuyến đi, trả lời báo giới, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh là chính quyền cần để cho xã hội dân sự lên tiếng : ‘‘Tôi nghĩ rằng trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, cần chấp nhận các quan điểm khác biệt và bất đồng, bởi những người bất đồng chính kiến không có ý đồ chống lại đảng hay Nhà nước’’.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Surya Deva chỉ trích việc chính quyền ‘‘sử dụng luật pháp một cách có chủ đích để chống lại một số nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà tranh đấu vì khí hậu hay các nhà bảo vệ nhân quyền về phương diện môi trường’’. Kể từ năm ngoái đến nay, chính quyền Việt Nam bắt giữ và kết án tù tổng cộng năm nhà hoạt động môi trường, bị khép tội ‘‘gian lận thuế’’.

Trong số những người bị bắt, có nhà tranh đấu nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Change, chuyên chống nạn ô nhiễm và nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã. Cuối tháng 9/2023, đến lượt bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc Công ty Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam, bị bắt giữ, với cáo buộc ‘‘chiếm đoạt tài liệu nội bộ liên quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN’’.  Bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt một tháng sau khi nhóm các nhà tài trợ quốc tế – gồm Hoa Kỳ và Liên Âu – cam kết huy động 15,5 tỉ đô la hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Công ty của bà Ngô Thị Tố Nhiên có tham gia triển khai dự án của JETP.

Hồi đầu năm 2023, một nhà tranh đấu khác, bà Ngụy Thị Khanh, được trả tự do sau hơn một năm giam giữ. Từng được trao tặng giải thưởng Goldman, được coi như giải Nobel môi trường, bà Ngụy Thị Khanh nổi tiếng về các nỗ lực chống lại các dự án gia tăng điện than tại Việt Nam.

Trong một bức thư gửi báo cáo viên Liên Hiệp Quốc trước chuyến thăm của báo cáo viên Liên Hiệp Quốc, nhóm Projet 88, chuyên bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam, cho rằng ‘‘các vụ bắt bớ nói trên gây nghi ngờ về cam kết phát triển bền vững của chính quyền Việt Nam’’, ‘‘trong số các nhà tranh đấu về chính sách năng lượng và môi trường bị bắt giam, nhiều người đang làm việc cho chính phủ Việt Nam, và về chính các chính sách được coi là ưu tiên của chính phủ’’.


Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” chính thức được chuyển giao cho Việt Nam

Ấn vàng Hoàng đế Chi bảo, một cổ vật quốc gia của Việt Nam từng suýt bị mang ra giá bán đấu giá ở Pháp, đã được chuyển giao về bảo tàng tư nhân của một nhà sưu tập ở Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tiếp nhận ấn vàng từ ông Alexandre Millon, Chủ tịch Hãng Millon

Truyền thông trong nước nói rằng ấn vàng của vua Minh Mạng đã được trao lại cho Việt Nam trong một lễ bàn giao tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp hôm 16/11 sau nhiều tháng đàm phán, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng đại diện Bộ Công an Việt Nam, Bộ Ngoại giao Pháp và UNESCO.

Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái tuyên bố đã đàm phán thành công với nhà đấu giá Millon của Pháp để ấn vàng Hoàng đế chi bảo, con dấu truyền đời của các vua Nguyễn thế kỷ 19, được chuyển giao cho Việt Nam. Trước đó Millon đã có kế hoạch bán đấu giá chiếc ấn này tại Paris vào ngày 31/10/2022.

Kế hoạch đấu giá ấn vàng, được các chuyên gia xác định là hiện vật nguyên gốc được đúc bằng vàng ròng vào năm Minh Mạng thứ tư (1823), sau đó bị hủy bỏ khi có sự phản đối từ Việt Nam.

Cục Di sản Văn hóa Việt Nam khi đó cho biết hãng Millon đã đồng ý tạm hoãn đấu giá ấn vàng, nằm trong số các tài sản mà vua Bảo Đại viết di chúc để lại cho người vợ sau cùng của ông sau khi ông qua đời năm 1997 tại Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021 và các tài sản, trong đó có ấn vàng, thuộc về những người thừa kế và được ủy quyền cho hãng Millon đưa ra bán đấu giá.

Đại diện dòng dõi nhà Nguyễn ở Việt Nam trong thời gian này cũng gửi thư kháng nghị đến hãng Millon để yêu cầu hủy phiên đấu giá chiếc ấn vàng sau hàng chục năm thất lạc, gây xôn xao dư luận.

Sau đó vào tháng 2 năm nay, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, ông Nguyễn Thế Hồng, đã mua lại chiếc ấn triện rồng, được xem là một biểu tượng của sự chuyển giao quyền lực dưới triều đại nhà Nguyễn, với giá 6,1 triệu euro. Giá khởi điểm mà nhà đấu giá Pháp từng ấn định cho ấn vàng, còn được gọi là “Kim bảo tỷ”, là từ 2-3 triệu euro.

Đưa tin về việc chuyển giao ấn vàng hôm 18/11, Tuổi Trẻ nói rằng Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng ở Bắc Ninh là đại diện thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng theo pháp luật của Cộng hòa Pháp. Vẫn theo Tuổi Trẻ, bảo vật quốc gia này được đưa vào bộ sưu tập cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng do ông Hồng, một doanh nhân nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản ở Bắc Ninh, thành lập.

Ông Hồng được trang Vietnam Plus thuộc Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại lời đã phát biểu tại buổi lễ chuyển giao ở Paris rằng ông “tự hào về các Di sản Văn hóa của dân tộc mình và có trách nhiệm gìn giữ bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản”.

Theo Tuổi Trẻ, Cục Di sản Văn hóa Việt Nam, một trong các bên tham gia đàm phán mua ấn vàng, hồi tháng 11 năm ngoái đã ký một thỏa thuận với Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, trong đó nói rằng ông Hồng “cam kết và bảo đảm ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” khi ông “không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày” tại bảo tàng cá nhân. (VOA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 8-9-10/4/2024.
  • Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại chung về Trung Cộng
  • Tổng thống Zelensky cảnh báo: “Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina bại trận”
  • Xung đột dải Gaza: Israel ấn định ngày cho cuộc tấn công Rafah
  • Philippines-Mỹ-Nhật-Úc tập trận phối hợp đối phó "các tình huống hàng hải" ở Biển Đông
  • Fitch hạ điểm triển vọng tín nhiệm Trung Cộng (RFI)
  • Ukraine và Anh ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí
  • Washington không để Trung Cộng đe dọa việc làm và ngành công nghiệp Hoa Kỳ
  • Miến Điện: Phe nổi dậy kiểm soát một thành phố quan trọng sát biên giới Thái Lan
  • Bầu cử Quốc Hội Nam Hàn: Trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Yoon Suk Yeol
  • Tỉnh đầu tiên của Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán
  • Việt Nam sẽ đầu tư thêm hơn 7 tỷ USD để đẩy mạnh khai thác bô xít
  • Việt Nam đề nghị Ả Rập Xê Út tiếp nhận thêm lao động giúp việc nhà
  • Cổ phiếu VinFast rớt giá kỷ lục xuống mức đáy từ khi lên sàn Nasdaq ở Mỹ
  • Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030
  • Việt Nam phá đường dây tín dụng đen 2000% tiền lời
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 1-2-3/4/2024
  • Ukraine: Drone oanh kích sâu trong lãnh thổ, nguồn xăng dầu của Nga
  • Viện trợ quân sự cho Ukraina: NATO bàn lập quỹ 100 tỉ euro
  • Israel không kích Gaza, nhiều nhân viên cứu trợ nhân đạo nước ngoài thiệt mạng
  • Bầu cử thị trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ: Phe đối lập thắng lớn
  • Teheran thề trả đũa vụ Israel oanh kích Damas, giết chết 7 Vệ binh Iran
  • Chính quyền Biden cân nhắc giao vũ khí trị giá 18 tỷ USD cho Israel
  • “Hội chứng La Havana”: Màn bí mật đã được vén lên
  • Nhật Bản và Mỹ thắt chặt hợp tác an ninh với Anh, Úc và Philippines
  • New Delhi phản đối Bắc Kinh đặt tên Tầu cho 30 địa điểm ở biên giới Himalaya
  • Bộ Ngoại giao Mỹ: án tù cho nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam là bất công
  • Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh Vatican sẽ thăm Việt Nam
  • Phật Giáo Hòa Hảo bị cấm hành lễ
  • Nạn nhân Việt Nam trong hoạt động buôn người ở Đông Nam Á
  • Thanh niên chết tại trụ sở Công an Long Thành
  • FB của chính phủ Việt Nam chỉ trích Facebooker ngoại quốc về hành vi phỉ báng
  • Gần 74.000 doanh nghiệp Việt rời thị trường trong quý một
  • Tin Chính Trong Tuần 25-26-27/3/2024.
  • Hai tàu chiến Nga tại bán đảo Crimée bị Ukraina ''oanh kích''
  • Khủng bố: Putin thừa nhận thủ phạm là Hồi giáo cực đoan, nhưng vẫn cáo buộc Ukraina
  • Trước đe doạ khủng bố, hàng loạt nước châu Âu nâng mức cảnh báo an ninh
  • Bộ Quốc Phòng Anh: Hạm đội Biển Đen của Nga đã ‘‘tê liệt’’ trên thực tế
  • Nam Hàn 'quan ngại sâu sắc' việc Trung Cộng dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines
  • LHQ thông qua nghị quyết ngưng bắn ở Gaza, quan hệ Mỹ - Israel căng thẳng
  • Nhật Bản phê duyệt sửa đổi quy định xuất khẩu chiến đấu cơ
  • Mỹ, Anh và New Zealand đồng loạt tố cáo Trung Cộng tấn công mạng
  • Ấn Độ ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền lãnh hải
  • TBT Nguyễn Phú Trọng mời TT Putin thăm Hà Nội
  • Võ Văn Thưởng mất chức, Giới đầu tư nước ngoài nghi ngại
  • Hơn 10.000 tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam trong năm qua
  • 500 người Việt vượt biển vào Anh quốc
  • Việt Nam sa thải HLV Troussier sau khi gần hết cơ hội vào World Cup
  • Giới hoạt động quan ngại về cái chết ‘bất thường’ của một tín đồ ở Đắk Lắk
  • Việt nam bắt Sư trụ trì chùa Đại Thọ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”
  • Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh không được tại ngoại để chữa ung thư