Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới
Hoa Kỳ Mất Kiểm Soát Nợ – Tiền Lãi Lên Tới 1 Ngàn Tỷ USD
Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã vay nhiều tiền đến mức trong năm qua họ đã phải chi 1/5 tổng số tiền thu được chỉ để trả tiền lời — lên tới gần 880 tỷ USD.
Người Mỹ đã trả ít hơn khoảng 450 tỷ USD tiền thuế thu nhập trong năm, khiến chính phủ rơi vào vòng khủng hoảng tài khóa.
Một số nhà kinh tế nói với The Epoch Times rằng đất nước này đang đứng trước bờ vực của một vòng xoáy nợ nần có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài khóa hoặc siêu lạm phát.
Ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, cho biết, “Vấn đề này rất trầm trọng bởi vì, dù cắt giảm theo cách nào, thì những người đóng thuế vẫn phải trả tiền lời cho núi nợ đã tích lũy. Nói tóm lại, họ đang phải trả tiền mà chẳng mang lại được gì”.
Một số ý kiến cho rằng Quốc Hội phải hạn chế đáng kể chi tiêu thâm hụt để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư — những người đang mất niềm tin vào khả năng trả nợ của Hoa Kỳ.
Ông Mark Thornton, một thành viên cao cấp tại Viện Mises theo trường phái kinh tế tự do cổ điển, cho biết, “Chi tiêu thâm hụt của chính phủ Hoa Kỳ đang ở trong một hoàn cảnh mất kiểm soát. Số tiền mà họ vay đang ở mức rất lớn, gần như không có bất cứ quy định nào hoặc không có nỗ lực nào nhằm hạn chế sự chi tiêu của phương trình tài khóa này”.
Nợ chính phủ hiện ở mức trên 33 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa 2023 (gồm 12 tháng kết thúc hôm 30/09). Con số này cao hơn khoảng 1.7 ngàn tỷ USD so với năm trước. Lãi suất đối với khoản nợ này đã tăng đều đặn trong nhiều thập niên, mặc dù với tốc độ tương đối chậm, lên khoảng 570 tỷ USD trong năm 2019 từ khoảng 350 tỷ USD vào năm 1995 — một mức tăng hàng năm khoảng 2%.
Với chi tiêu của chính phủ bùng nổ trong đại dịch COVID-19 và việc Hệ thống Dự Trữ Liên Bang tăng lãi suất sau đó, chi phí nợ đã tăng vọt hơn 50% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2023.
Trong năm qua, chi phí nợ đã vượt qua toàn bộ lượng ngân sách dành cho quân đội.
Chi phí nợ dự định sẽ tiếp tục tăng khi khoản nợ cũ phát hành với lãi suất thấp đáo hạn và được chuyển sang lãi suất cao hơn.
Trong khi chính phủ trả một phần tiền lời cho chính mình, vì chính phủ nắm giữ khoảng 20% khoản nợ trong các quỹ tín thác và quỹ khác nhau, thì tiền lời từ phần nợ đó được cho là để trả cho các chi phí trong tương lai của các chương trình như Medicare và An sinh Xã hội.
Ông E.J. Antoni, một nhà kinh tế và nghiên cứu tại tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống Quỹ Di Sản (Heritage Foundation), cho biết: “Số tiền đó đã được định sẵn để chuyển ra khỏi cửa rồi. Chỉ là vẫn chưa được chuyển ra thôi. Chính phủ không phải là cứ có sẵn tiền mặt để chi tiêu”.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc Hội, ngay cả khi tính cả thu nhập đó, thì quỹ Bảo hiểm Bệnh viện Medicare và An sinh Xã hội dự định sẽ cạn tiền trong khoảng 10 năm nữa.
Tiền Thuế Của Người Mỹ Tài Trợ Cho Các Tù Nhân Thay Đổi Giới Tính
Theo các tài liệu thu được gần đây từ Cục Nhà Tù Liên Bang (BOP), các tù nhân đang được cung cấp một loạt các phương pháp điều trị cho người chuyển giới. Chi phí cho các phương pháp điều trị này có khả năng được tài trợ lấy từ tiền đóng thuế của người Mỹ.
Theo hướng dẫn tháng 06/2023 do BOP ban hành và được Quỹ Di Sản công bố hôm thứ Hai (20/11), các nhà tù ở Mỹ đang cung cấp dịch vụ chăm sóc cho tù nhân chuyển giới bao gồm luyện giọng, thiết bị tẩy lông bằng laser, các quy trình phẫu thuật như cắt bỏ ngực và dương vật, cũng như liệu pháp hormone. Cơ quan này nói với hãng truyền thông Just the News rằng chi phí “chăm sóc cần thiết về mặt y tế” cho các tù nhân được chi trả bằng ngân sách của cơ quan này.
Hướng dẫn này nêu rõ rằng “phẫu thuật giới tính được xem là cần thiết về mặt y tế” đối với một số tù nhân, nên tuyên bố của BOP cho thấy rằng các phương pháp điều trị chuyển giới cho tù nhân có thể được cung cấp bằng ngân sách của cơ quan.
Chia sẻ với tờ Just the News, ông Mike Howell, Giám đốc Dự án Giám sát của Quỹ Di Sản, đã chỉ trích hướng dẫn này, nói rằng: “Tù nhân vào tù vì họ phạm tội và mắc nợ xã hội. Xã hội không nợ họ tiền thuế để tài trợ cho những thay đổi về giới tính và những thứ ngớ ngẩn như tẩy lông cho họ. Chúng tôi đang điều tra đường dây vào nhà tù để chuyển giới đáng lo ngại này và cũng phát giác ra rằng các tù nhân chuyển giới chiếm tỷ lệ tội phạm tình dục cao một cách không cân xứng. Điều mà chính phủ ông Biden đã ký buộc chúng ta phải làm với quỹ này quả thực là kinh khủng”.
Theo hướng dẫn này, việc chẩn đoán giới tính là “không cần thiết” để điều trị hormone chuyển giới cho phạm nhân.
“Con đường chuyển giới” dành cho tù nhân chuyển giới kể trên nêu rõ rằng khi một nhân viên của BOP xác định được một tù nhân là người chuyển giới hoặc không thuộc giới tính nhị nguyên (nam hoặc nữ), thì tù nhân đó sẽ được giới thiệu đến nhà cung cấp dịch vụ y tế hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để được có cơ hội chuyển giới.
Người nhân viên này sẽ tiến hành đánh giá để xác minh sự không phù hợp về giới tính của một tù nhân và để cho tù nhân đó “bắt đầu những trải nghiệm sống để khẳng định giới tính” trong hệ thống nhà tù này. Trong trường hợp tù nhân đó tỏ ra quan tâm đến “điều trị hormone khẳng định giới tính”, thì người đó sẽ được gửi đến nhà cung cấp dịch vụ y tế để đánh giá.
Sau khi hoàn thành tất cả các đánh giá, người tù nhân này có thể bắt đầu “điều trị bằng hormone khẳng định giới tính” bằng cách chọn liệu pháp nữ tính hóa hay nam tính hóa.
Sau khi bắt đầu điều trị bằng hormone, tù nhân đó có thể yêu cầu được sống trong một “cơ sở khẳng định giới tính”. Để làm được điều này, quản giáo có nghĩa vụ phải gửi yêu cầu đến Hội Đồng Điều Hành Chuyển Giới (TEC) để xem xét. Nếu yêu cầu được chấp thuận, tù nhân đó sẽ “được chỉ định tới cơ sở khẳng định giới tính (hay còn gọi là cơ sở của giới tính được khẳng định)”.
Tài liệu này nêu rõ rằng các nhà tù giam giữ các tù nhân chuyển giới hoặc không phù hợp về giới tính phải “phát triển một nhóm đa ngành” để đáp ứng và thảo luận về “nhu cầu và tiến triển của bệnh nhân”.
Hướng dẫn này đưa ra hai phương pháp điều trị “khẳng định giới tính” cho những tù nhân như vậy — phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu và không xâm lấn, cũng như các phẫu thuật xâm lấn và phức tạp.
Tiểu Bang Xanh Phải Trả Nhiều Tiền Điện Hơn Ở Các Tiểu Bang Đỏ
Theo một báo cáo mới từ hiệp hội các nhà lập pháp tiểu bang có nhiều thành viên nhất, cư dân của các tiểu bang xanh (tức là tiểu bang có cư dân ủng hộ đảng Dân Chủ), nơi chính phủ tích cực áp dụng các chính sách khí hậu, đang phải trả nhiều tiền hơn cho điện và nhiên liệu so với những người sống ở các tiểu bang đỏ (tiểu bang có cư dân ủng hộ đảng Cộng Hòa) vốn không có các chính sách như vậy.
Báo cáo từ Hội Đồng Trao Đổi Lập Pháp Hoa Kỳ (ALEC) đã cung cấp thông tin chi tiết về giá năng lượng trên khắp Hoa Kỳ, đồng thời chứng minh mối tương quan giữa các chính sách bắt buộc của chính phủ và chi phí năng lượng cao.
Báo cáo cho biết: “Trong khi một số tiểu bang dựa vào các nguyên tắc thị trường tự do và sự đổi mới để hạn chế lượng khí thải nhân tạo vào khí quyển, thì những tiểu bang khác sử dụng cách tiếp cận nặng tay hơn bằng cách thực hiện các tiêu chuẩn, ban hành các quy định bắt buộc và kế hoạch định giá có lợi cho các loại kỹ nghệ cụ thể”.
“Cho dù đó là quy định bắt buộc, trợ cấp, hay sự kết hợp nào đó của cả hai, thì khi chính phủ can thiệp vào thị trường năng lượng, người đóng thuế cuối cùng vẫn sẽ phải gánh chịu chi phí”.
Xu hướng các quy định bắt buộc của chính phủ có liên quan đến giá điện cao hơn được thể hiện rõ trong báo cáo.
Ví dụ: Chỉ cần đơn giản là một thành viên trong Tiêu chuẩn Danh Mục Đầu Tư Tái Tạo (RPS), vốn quy định rằng một tỷ lệ điện năng nhất định của tiểu bang phải đến từ các nguồn tái tạo, sẽ đẩy chi phí điện ở tiểu bang lên khoảng 11%.
Nhìn chung, báo cáo cho thấy những tiểu bang đỏ nào có ít quy định về năng lượng xanh hoặc không tham gia vào các chương trình mua bán phát thải (các hệ thống hạn chế tổng lượng phát thải từ một nhóm nguồn phát thải bằng cách đặt ra mức trần về lượng phát thải tối đa) là có chi phí điện thấp nhất.
Các tiểu bang đỏ Idaho, Wyoming, và Utah có giá điện thấp nhất. Không một tiểu bang nào trong số này có RPS do chính phủ bắt buộc hoặc tham gia vào các chương trình mua bán phát thải, chẳng hạn như Sáng Kiến Khí Nhà Kính Khu Vực (RGGI), một chương trình giới hạn và giao dịch hạn mức phát thải CO2 giữa mười tiểu bang ở khu vực Trung Đại Tây Dương và Đông Bắc của Hoa Kỳ.
Utah có mục tiêu năng lượng tái tạo tự nguyện là 20% vào năm 2025, nhưng đó không phải là mục tiêu bắt buộc. Idaho và Wyoming không có quy định bắt buộc nào của tiểu bang về cách tính bù trừ điện năng (net metering), một phương thức thanh toán tiền điện có ghi nhận số năng lượng dư thừa do lắp đặt năng lượng mặt trời tạo ra và áp dụng vào hóa đơn của khách hàng dưới dạng tín dụng cho năng lượng gửi lên lưới.
Trong khi báo cáo lưu ý rằng tác động của việc tiểu bang bắt buộc áp dụng net metering “vẫn chưa rõ ràng”, thì một số công ty tiện ích đã nói rằng cách tính này thể hiện sự chuyển giao chi phí từ những người có đủ tiềm lực tài chính để lắp đặt các tấm pin quang năng sang những người không lắp đặt quang năng, khiến họ phải trả nhiều tiền hơn cho phần chi phí cố định để duy trì lưới điện.
Ngoài tiểu bang đỏ Alaska và tiểu bang xanh Hawaii (là những vùng ngoại vi về mặt địa lý và do đó có thể hiểu là có chi phí điện cao nhất), năm tiểu bang có giá điện cao nhất đều là tiểu bang xanh: California, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut, và New Hampshire.
Cả năm tiểu bang đều có chương trình giới hạn và giao dịch hạn mức phát thải và RPS do chính phủ áp đặt. Từng tiểu bang cũng đã áp đặt chính sách đo lường net metering bắt buộc trên toàn tiểu bang đối với các công ty tiện ích của mình.
Nhìn chung, sự khác biệt về chi phí điện giữa các tiểu bang màu đỏ rẻ nhất và các tiểu bang màu xanh đắt nhất là rất đáng kể. Chi phí cho một kilowatt giờ ở California, Massachusetts, Rhode Island, và Connecticut là cao hơn gấp đôi so với chi phí ở các tiểu bang đỏ Idaho, Wyoming, và Utah.
Nhóm Pháp Lý Của Ông Trump Bất Đồng Với DOJ Về Các Vụ Kiện
Hôm 22/11, nhóm pháp lý của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đã đệ trình một vài phúc đáp, nhấn mạnh rằng Thẩm phán Tòa án Địa hạt liên bang Tanya Chutkan bác bỏ việc truy tố của Bộ Tư Pháp (DOJ), họ lập luận là vì chính phủ TT Biden đã nhắm mục tiêu vào ông Trump một cách có chọn lọc và mang tính báo thù trong khi lạm dụng thẩm quyền theo luật định của mình và tìm cách vi phạm nhiều biện pháp bảo vệ theo Hiến Pháp.
Ba hồ sơ này là những hồ sơ mới nhất trong một loạt các ý kiến trình tòa án trước khi xét xử theo sự thúc đẩy từ các kiến nghị khác nhau của cựu Tổng thống Trump nhằm bác bỏ vụ kiện. Bên cạnh việc bác bỏ các cáo buộc truy tố theo Hiến Pháp, luật định, và có chọn lọc, thì cựu tổng thống còn lập luận rằng vụ án này nên được bác bỏ do quyền bảo vệ mà ông nhận được theo điều khoản quyền miễn trừ của tổng thống.
Tuy nhiên, các hồ sơ hôm 22/11 tập trung vào những điều khoản Hiến Pháp xung quanh quy định không xét xử lần hai, tự do ngôn luận, và xét xử công bằng; cũng như bằng chứng giả định về một cuộc truy tố có chọn lọc theo sự chỉ thị của Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên giả định của Đảng Dân Chủ và là đối thủ chính của cựu Tổng thống Trump trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2024.
Một hồ sơ từ nhóm pháp lý của cựu Tổng thống Trump viết, “Bên khởi tố tìm cách tự cho mình là cơ quan kiểm duyệt của Hoa Kỳ, với thẩm quyền rộng lớn để truy tố hình sự tất cả những ai lên tiếng phản đối những ý kiến đã được họ chấp thuận”.
“Bên khởi tố không có nhiệm vụ như vậy. Do đó, bản cáo trạng xét theo bề ngoài là vi hiến và phải bị bác bỏ. Ngoài ra, ngay cả khi Tu chính án thứ Nhất cho phép cáo buộc dựa trên cơ sở này — mà rõ ràng là không như vậy — thì việc Tổng thống Trump trắng án trước Thượng Viện Hoa Kỳ sẽ không buộc phải tái xét xử trước Tòa án này, cũng như những bảo đảm của Hiến Pháp về thủ tục tố tụng hợp pháp và thông báo công bằng”.
Các giải thích mang tính tranh cãi về Tu Chính Án Thứ Nhất là trọng tâm của các kiến nghị bác bỏ vụ kiện của DOJ khi các luật sư của cựu Tổng thống Trump cáo buộc rằng những phương diện khác nhau của bản cáo trạng xuất phát từ phát ngôn chính trị cốt lõi được bảo vệ theo Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ngoài ra, các luật sư của ông lập luận rằng ông không đáng bị buộc tội do ông không được thông báo công bằng rằng hành vi của mình sẽ vi phạm pháp luật.
Hôm 06/11, DOJ đã bảo vệ bản cáo trạng của mình bằng cách cáo buộc rằng nhóm pháp lý của cựu Tổng thống Trump đã trình bày sai bản cáo trạng của họ, nguyên là nhắm đến phát ngôn có mục đích gian lận và lừa đảo không được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ.
Bắc Kinh Thay Đổi Kế Hoạch Đánh Chiếm Đài Loan
Các lựa chọn của Tập Cận Bình đã thay đổi khi quân đội của Trung Cộng (PLA) có thể chưa sẵn sàng cũng như chưa muốn dấn thân vào một cuộc chiến trực tiếp để đánh chiếm Đài Loan.
Hoặc có thể do nền kinh tế Hoa lục không đủ khả năng để duy trì một cuộc chiến lâu dài.
Nhưng, điều này hoàn toàn không có nghĩa rằng Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã từ bỏ mong muốn chinh phạt Đài Loan và xóa sổ Trung Hoa Dân quốc (ROC). Bản thân PLA rõ ràng chưa sẵn sàng cho cuộc chiến. Tập Cận Bình đã bắt tay vào một cuộc thanh trừng trên quy mô lớn trong quân đội, tương đương với cuộc thanh trừng mà Joseph Stalin của Liên Xô đã thực hiện ngay trước khi lao vào cuộc chiến với Đức.
Các lựa chọn của Tập sẽ là gì nếu giờ đây cuộc chiến quân sự trực tiếp bị loại bỏ?
Thứ nhất, Trung Cộng sẽ cân nhắc nỗ lực áp đặt lệnh phong tỏa đối với Đài Loan, cô lập toàn diện trên biển, trên không và thông tin liên lạc đối với đảo chính (Đài Loan) và các đảo lân cận. Các đồng minh lớn của Đài Loan gần như chắc chắn sẽ phản ứng trước sự việc này bằng cách buộc phá bỏ lệnh phong tỏa, hộ tống các đoàn vận tải hàng không và đường biển tới Đài Loan. Những hành động này có thể được các chiến đấu cơ và chiến hạm của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc cũng như các đồng minh khác trợ giúp.
Bất cứ thách thức quân sự nào của Trung Cộng với việc phá bỏ lệnh phong toả của nhà cầm quyền Trung Cộng đối với Đài Loan, theo mặc định, sẽ là một hành động gây chiến, khiến tình hình leo thang vượt quá mức mà Bắc Kinh có thể chấp nhận được vào thời điểm này. Khi đó, lệnh phong tỏa thực tế này về căn bản sẽ là một vụ lừa phỉnh có rủi ro cao, nhưng sẽ được Trung Cộng xem xét các yếu tố bổ sung.
Một cuộc phong tỏa như vậy có thể là một yếu tố thêm vào kế hoạch cô lập Đài Loan của nhà cầm quyền Trung Cộng, như việc cắt một loạt các tuyến cáp thông tin liên lạc dưới biển vốn kết nối Đài Loan với thế giới bên ngoài. Đó sẽ là một sự leo thang lớn hoạt động phong tỏa trên biển, trên không và chắc chắn có thể được hiểu là một cuộc tấn công vào Trung Cộng. Tuy nhiên, vì cả Liên Hiệp Quốc lẫn Hoa Kỳ (hay Nhật, Úc, Ấn Độ, v.v), đều không thực sự công nhận chủ quyền của Đài Loan/hay Trung Hoa Dân quốc, thì đây có thể là một rủi ro xét về mặt biện chứng mà Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận.
Trong mọi trường hợp, người ta đều biết rằng Bắc Kinh đã xem xét và trù định việc chặn cáp dưới biển và người ta còn nhớ đến sự mơ hồ trong nguyên nhân dẫn đến vụ nổ ngày 26/09/2022, vốn cắt đứt đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 (từ Nga đến Đức) ở biển Baltic. Phải mất hàng năm trước khi chính phủ Ukraine được cho là chịu trách nhiệm về vụ việc này.
Nếu các tuyến cáp truyền thông của Đài Loan bị chặn thì sẽ ít mập mờ hơn vì thủ phạm duy nhất chỉ có thể là nhà cầm quyền Trung Cộng. Việc Trung Cộng nỗ lực thống trị quần đảo Solomon cũng là do quốc gia này gần với các điểm nối cáp xuyên Thái Bình Dương vốn có tầm quan trọng then chốt đối với Úc Đại Lợi.
Đồng thời, Trung Cộng sẽ cân nhắc việc bắn hạ các vệ tinh trinh sát quân sự chuyên dụng duy nhất của Đài Loan. Tuy nhiên, việc này sẽ không làm gián đoạn việc truyền một số hình ảnh từ vệ tinh của Hoa Kỳ về các trạm vệ tinh trên mặt đất của Đài Loan. Kế hoạch cô lập của Trung Cộng sẽ có thể can thiệp hoặc gây nhiễu các đường truyền vệ tinh của Đài Loan.
Về vấn đề này, Đài Loan đang chuẩn bị tiến hành sử dụng rộng rãi mạng lưới vệ tinh liên lạc trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO) Starlink của doanh nhân Elon Musk, vốn đã được chứng minh là có ý nghĩa quan trọng đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Thách Thức Của Trung Cộng Đối Với Hoa Kỳ Ở Trung Đông
Nỗ lực mang tính lịch sử và đã đạt được giải Nobel của Tổng thống Jimmy Carter trong việc đạt được một hiệp ước hòa bình giữa Israel và Ai Cập năm 1979 là một bước đột phá. Thỏa thuận đó vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.
Năm 1994, thỏa thuận hòa bình Israel-Jordan của Tổng thống Bill Clinton đã mở rộng an ninh biên giới cho Israel và đem lại hòa bình cho khu vực. Mặc dù thỏa thuận đó vẫn còn hiệu lực, nhưng văn kiện này lại trở thành một điều đáng ngờ trong bối cảnh chiến sự ở Gaza.
Vào năm 2020, Hiệp định Abraham lịch sử của Tổng thống Donald Trump đã bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Maroc, và Sudan, đồng thời đặt nền móng cho các hiệp định tiếp theo với Saudi Arabia và các quốc gia khác.
Tháng Ba năm ngoái, vai trò Bắc Kinh như là cầu nối hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran đã báo hiệu sự xuất hiện của nước này giống như một cường quốc ở Trung Đông. Đây là lần đầu tiên Trung Cộng đóng một vai trò ngoại giao quan trọng trong khu vực, một nơi mà trong suốt 70 năm qua thế thượng phong thuộc về Hoa Kỳ hoặc Nga.
Thỏa thuận Iran-Saudi Arabia do Bắc Kinh làm trung gian, gây chú ý không chỉ vì đây là lần đầu tiên đối với Trung Cộng – vốn là một thỏa thuận rất lớn – mà còn là sự thừa nhận của cả hai bên rằng ảnh hưởng của Trung Cộng được cả Tehran và Riyadh công nhận, chờ đợi, và xem trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa, các cường quốc khác trong khu vực, đặc biệt là những thế lực đang muốn hủy diệt Israel, sẽ tìm cách tận dụng sức mạnh ngoại giao mới của Bắc Kinh để đối trọng với ảnh hưởng và sự giúp đỡ của Mỹ đối với Jerusalem.
Suy cho cùng, thế giới vẫn đang sử dụng dầu mỏ, và cả Saudi Arabia lẫn Iran đều cung cấp cho thế giới rất nhiều dầu mỏ. Hơn nữa, mặc dù thực tế Iran và Saudi Arabia là những đối thủ về tôn giáo, địa chính trị, và thương mại, tuy nhiên cả hai quốc gia này đều trông cậy vào Trung Cộng để giúp hóa giải một vài mâu thuẫn, điều này chứng tỏ ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Nhưng không chỉ ảnh hưởng ngoại giao, Bắc Kinh còn mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực. Ví dụ, sự hiện diện hải quân của Trung Cộng ở Trung Đông chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Đây là một thực tế mà nước nào trong khu vực cũng nhận thức được, đồng thời gửi một thông điệp rõ ràng tới Hoa Kỳ và thế giới về ý định của Trung Cộng nhằm thách thức vị trí lãnh đạo của Hải Quân Hoa Kỳ, không chỉ ở Biển Đông.
Hơn nữa, nhà cầm quyền Trung Cộng đã thành lập một căn cứ quân sự lớn ở Djibouti, còn được gọi là trung tâm tiếp vận cho các hoạt động quân sự của ngoại quốc trong khu vực. Là căn cứ quân sự lớn đầu tiên của Trung Cộng, các cuộc tập trận bắn đạn thật gần đây lần đầu tiên đã được tiến hành. Căn cứ này cũng có vị trí khá chiến lược gần Eo biển Bab-el-Mandeb, Vịnh Aden, và Hắc Hải. Tình cờ cứ điểm này cũng nằm ở vị trí có thể chặn đứng việc xâm nhập vào Kênh đào Suez.
Sự Thống Trị Về Xe Điện Của Trung Cộng Có Thể Sắp Kết Thúc
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu và nhu cầu giảm thiểu rủi ro về nguồn cung ứng, Hoa Kỳ và các quốc gia cùng các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế ngoài Trung Cộng cho nguồn nguyên liệu thô của họ, đặc biệt là nguyên liệu cho xe điện (EV).
Khi phần lớn thế giới Tây Phương cố gắng tránh xa nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các nguồn năng lượng thay thế, ngành kỹ nghệ xe điện đã nổi lên như một thành phần thiết yếu trong nỗ lực này.
Tuy nhiên, giống như trường hợp của phần lớn nguyên liệu thô quan trọng cho nhiều ngành kỹ nghệ, Trung Cộng thống trị chuỗi cung ứng xe điện, với 80% nguyên liệu thô toàn cầu được tinh chế trong chuỗi cung ứng pin lithium-ion, 77% lượng pin trên thế giới, và 60% sản lượng linh kiện của thế giới.
Nhưng sự thống trị của Trung Cộng trong chuỗi cung ứng xe điện có thể sẽ sớm chấm dứt.
Một ghi chú nghiên cứu do Natixis công bố hôm thứ Năm (23/11) cho biết, “Lợi thế của Trung Cộng có thể không duy trì được lâu vì các quốc gia khác đã nhận ra sự thống trị của Trung Cộng trong lãnh vực xe điện và đã tăng cường phản ứng của họ để tránh sự thống trị này, với ví dụ điển hình nhất là IRA của Hoa Kỳ”, đề cập đến Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) do Tổng thống Joe Biden ký hồi tháng 08/2022.
“EV có thể là chiến trường địa chính trị tiếp theo sau chất bán dẫn, đặc biệt là về pin”, ghi chú còn cho thấy rằng, “IRA sẽ hạn chế khả năng mở rộng của Trung Cộng và có lợi cho các quốc gia khác, chẳng hạn như Nam Hàn”.
Theo Natixis, bên cạnh địa chính trị, lãnh đạo ngành xe điện của Trung Cộng đang gặp phải những khó khăn khác, bao gồm sự cạnh tranh từ các quốc gia khác và thực tế là “cân bằng cung cầu ở Trung Cộng có thể bị suy giảm bởi những thách thức về lợi nhuận”. Natixis cho biết thêm, “Cuộc chiến giá xe điện gần đây của Trung Cộng cho thấy những rủi ro tiềm ẩn về tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Bất cứ sự gia tăng nhanh chóng nào về công suất kết hợp với nhu cầu giảm đều có thể làm tăng mối lo ngại về tình trạng dư thừa công suất”.
Các quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Na Uy, Nhật Bản, và Nam Hàn đã phát triển các thị trường xe điện và hứa hẹn có tiềm năng đáng kể cũng đã đang đặt ra sự cạnh tranh đáng kể đối với sự thống trị của xe điện của Trung Cộng.
Trong khi các nhà sản xuất xe điện của Hoa Kỳ như Tesla, General Motors, và Ford có mặt ở Trung Cộng, thì không có xe điện nào của Trung Cộng được sản xuất tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, các thương hiệu xe điện hạng sang của châu Âu, gồm cả Mercedes, BMW, và Volkswagen, bán khoảng 1/3 số xe điện của họ tại Trung Quốc.
Ngoài ra, Đức đã tạo ra các kỹ nghệ quan trọng cho các phần cụ thể của chuỗi giá trị kỹ nghệ pin EV, chẳng hạn như tái chế, và đã đi đầu trong việc thử nghiệm các hóa chất pin cải tiến như pin Sodium-ion.
Israel, Hamas Đạt Thỏa Thuận Ngừng Bắn, Thả Con Tin
Chính phủ Israel tuyên bố, Nội Các Israel đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin với nhóm khủng bố Hamas do Qatar làm trung gian vào sáng sớm thứ Tư (22/11).
Thỏa thuận này sẽ chứng kiến ít nhất 50 trong số 240 con tin, tất cả đều là phụ nữ và trẻ em, được thả trong vòng bốn ngày, “trong thời gian đó giao tranh sẽ tạm lắng”. Chính phủ Israel cho biết cứ 10 con tin được thả thì sẽ có thêm một “ngày hòa hoãn”.
Tuyên bố nêu rõ: “Chính phủ Israel, IDF [Lực lượng Phòng vệ Israel], và các lực lượng an ninh sẽ tiếp tục chiến đấu để giành lại tự do cho toàn bộ con tin, hoàn thành việc tiêu diệt Hamas, và để bảo đảm rằng Gaza không tạo ra thêm bất cứ mối đe dọa nào đối với quốc gia Israel”.
Hamas và các viên chức Hoa Kỳ cho biết thỏa thuận này bao gồm việc thả 150 người Palestine bị giam giữ khỏi các nhà tù của Israel, tất cả đều là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, thỏa thuận quy định rằng việc tạm dừng giao tranh kéo dài bốn ngày sẽ cho phép tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza.
Tổng thống Joe Biden gửi lời cảm ơn đến Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani của Qatar và Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi vì “sự lãnh đạo của họ” trong việc đạt được thỏa thuận và cam kết rằng ông “sẽ không dừng lại” chừng nào toàn bộ con tin người Mỹ được trả tự do.
Theo Tòa Bạch Ốc, thỏa thuận này là kết quả của nhiều tuần đàm phán sâu rộng với sự tham gia của Hoa Kỳ, Qatar, Ai Cập, Hamas, và Israel.
Ước tính có khoảng 236 con tin bị những kẻ khủng bố Hamas bắt cóc đem về Gaza sau cuộc tấn công xuyên biên giới tang thương của nhóm này nhắm vào người Israel hôm 07/10. Gần một chục công dân Mỹ được cho là nằm trong số các con tin bị giam giữ.
Theo Tòa Bạch Ốc, ba người Mỹ dự định sẽ được thả như một phần của thỏa thuận, trong đó có một bé gái 3 tuổi có cha mẹ bị sát hại vào ngày chiến sự nổ ra.
Ông Netanyahu cam kết cuộc tấn công của Israel vào Hamas sẽ bắt đầu ngay khi lệnh ngừng bắn kết thúc. Ông nói trước cuộc họp nội các để bỏ phiếu về thỏa thuận này, “Chúng ta vẫn đang ở trong cuộc chiến và chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến này chừng nào chúng ta đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra: tiêu diệt Hamas, nhận lại toàn bộ con tin và bảo đảm rằng không một tổ chức nào ở Gaza có thể đe dọa Israel”.
Nhà lãnh đạo Israel cũng tuyên bố sau chiến tranh, Gaza sẽ được phi quân sự hóa và Israel sẽ duy trì quyền kiểm soát an ninh, đồng thời cho thấy lực lượng Israel sẽ có thể tự do tiến vào Gaza để truy lùng những kẻ khủng bố.