Tin Thế Giới.

NATO: Ukraina ‘‘gây tổn thất nặng nề cho quân xâm lược Nga’’ những tuần gần đây (RFI)

Trả lời AFP tại trụ sở NATO tại Bruxelles hôm 27/11/2023, tổng thư ký Jens Stoltenberg khẳng định Ukraina tiếp tục ‘‘gây tổn thất nặng nề cho quân xâm lược Nga, về số lượng binh sĩ cũng như số phương tiện quân sự bị loại khỏi vòng chiến đấu’’ trong những tuần gần đây. Theo tình báo Anh, số binh sĩ Nga tử trận trung bình hàng ngày trong tháng 11/2023 là ở mức cao nhất kể từ đầu chiến tranh.

Theo AFP, lãnh đạo NATO cho biết rõ, cho dù đường chiến tuyến ‘‘không thay đổi đáng kể’’, và quân đội Ukraina không có bất cứ bước đột phá quan trọng này, nhưng chiến sự diễn ra ‘‘rất dữ dội’’, các lực lượng Ukraina tiếp tục chiến đấu ‘‘dũng cảm’’. Tổng thư ký NATO một mặt thừa nhận tình hình trên thực địa là ‘‘khó khăn’’ với Ukraina, mặt khác nhấn mạnh ‘‘không có giải pháp nào khác hơn’’ là phải tiếp tục hậu thuẫn Ukraina chống xâm lược, bởi ‘‘để tổng thống Nga Putin chiến thẳng sẽ là một thảm họa với người Ukraina, và điều nguy hiểm với tất cả chúng ta’’.

Cũng ngày hôm qua, tình báo Anh khẳng định số liệu tổn thất về nhân mạng của Nga mà Kiev đưa ra là ‘‘đáng tin cậy’’. Theo Bộ tổng tham mưu Quân đội Ukraina, trung bình hàng ngày tháng 11 này, Nga mất hơn 930 binh sĩ trên chiến trường, cao hơn hẳn so với mức hơn 770 binh sĩ tử trận/ngày hồi tháng 3/2023, tức vào lúc đỉnh điểm của chiến dịch Nga đánh chiếm Bakhmut. Tình báo Anh cho biết thêm, tổn thất quan trọng nhất của Nga là trong chiến dịch tấn công thành phố Avdivka, vùng Donbass.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu họp, ngoại trưởng Mỹ, Nga tham dự

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tham dự cuộc họp các ngoại trưởng NATO hôm nay tại Bruxelles. Theo AFP, hậu thuẫn Ukraina của Washington trong những tháng tới là một nội dung chính. Ông Blinken cũng có kế hoạch tham gia cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), tổ chức ngày mai tại Bắc Macedonia. Theo nhà ngoại giao Mỹ James O’Brien, ngoại trưởng Mỹ sẽ ‘‘thảo luận với các đồng nhiệm trong OSCE về các hỗ trợ Ukraina.’’

Về phía Matxcơva, ngoại trưởng Nga Sergueil Lavrov cho biết nước chủ nhà Bắc Macedonia đã cho phép ông tham dự cuộc họp tổ chức OSCE, mà Matxcơva là thành viên. Theo bộ Ngoại Giao Bulgarie, Sophia đã cho phép phi cơ chở ngoại trưởng Nga bay qua lãnh thổ nước này. Hồi năm ngoái, Ba Lan – nước chủ nhà hội nghị thường niên OSCE – đã từ chối cho ngoại trưởng Nga nhập cảnh.


Israel-Hamas: Các nhà trung gian quốc tế nỗ lực vận động cho một cuộc ngừng bắn lâu dài (RFI)

Hưu chiến giữa Israel và Hamas tại dải Gaza hôm nay, 29/11/2023,  bước sang ngày thứ sáu, sẽ có thêm con tin được phóng thích đổi lấy các tù nhân Palestine. Trong khi đó, các nhà trung gian hòa giải quốc tế nỗ lực vận động để cố đạt được một cuộc ngừng bắn lâu dài.

Hưu chiến đã được triển hạn 48 tiếng đồng hồ, cho đến 5 giờ sáng, giờ quốc tế ngày mai, 30/11 để có thêm 20 con tin được tổ chức Hồi Giáo Palestine Hamas phóng thích, và thêm 60 tù nhân Palestine được Israel trả tự do. Theo báo chí Israel, chính phủ đã nhận được danh sách các con tin mà Hamas sẽ thả hôm nay, nhưng hiện thông tin này chưa được chính thức xác nhận. 

Trong hậu trường, các nhà trung gian quốc tế đang nỗ lực vận động để hưu chiến tiếp tục được triển hạn kể từ ngày mai. Theo hãng tin AFP, hôm qua, lãnh đạo cơ quan tình báo của Hoa Kỳ và Israel đã thảo luận với thủ tướng Qatar tại Doha về giai đoạn kế tiếp, nếu như Israel và Hamas đạt thỏa thuận mới. 

Trong tuần này, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ quay trở lại Israel và vùng Cisjordanie của Palestine. 

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Qatar, mục tiêu là đạt được một cuộc hưu chiến lâu dài để có thể mở các cuộc đàm phán mới nhằm chấm dứt chiến tranh. Trước mắt, một nguồn tin thân cận với Hamas khẳng định là tổ chức này “đồng ý kéo dài hưu chiến thêm 4 ngày”. 

Nhờ hưu chiến được triển hạn 2 ngày mà đã có thêm nhiều xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo vào được dải Gaza, vốn đã bị quân đội Israel bao vây và oanh tạc liên tục trong suốt 7 tuần lễ. Một chiếc máy bay quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ chở hàng cứu trợ nhân đạo cho Gaza đã đáp xuống Ai Cập hôm qua. Theo cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan, hàng viện trợ y tế và lương thực do máy bay Mỹ chở đến sẽ được Liên Hiệp Quốc chuyển đến Gaza và phân phát cho người dân. 

Tuy vậy, theo đánh giá của tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới, tình hình tại Gaza vẫn rất bi thảm và có nguy cơ xảy ra nạn đói. Tổ chức Y tế Thế giới báo động số ca bệnh truyền nhiễm đang tăng mạnh trong lúc phần lớn các bệnh viện đã ngừng hoạt động.


Biển Đông: Mỹ tuyên bố thách thức các hạn chế ‘phi pháp’ của Trung Cộng, Việt Nam và Đài Loan (BBC)

‘Thông qua việc di chuyển vào tuyến đường vô hại mà không thông báo trước hoặc không cần phải xin phép bất kỳ quốc gia tuyên bố chủ quyền nào, Mỹ thách thức những hạn chế phi pháp do Trung Cộng, Đài Loan và Việt Nam áp đặt [trên Biển Đông],” tuyên bố ngày 25/11 của Hạm đội 7 của Mỹ nêu.

Hải quân Mỹ tuyên bố tàu chiến USS Hopper đã thực thi hoạt động vì nền tự do hàng hải (viết tắt từ Operational challenges against excessive maritime claims – FONOP) trên Biển Đông gần quần đảo Paracel, mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa.

Tàu chiến Hoa Kỳ thuộc Hạm Đội 7 tuần tra trên Biển Đông

Tuyên bố phía Mỹ nêu, “Trung Cộng, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền liên quan đến quần đảo Paracel [Hoàng Sa]. Tất cả ba bên đều yêu cầu phải được thông báo hoặc cho phép trước khi một tàu quân sự hoặc tàu chiến đi vào “lộ trình vô thưởng vô phạt [innocent passage] này” thông qua vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, điều này vi phạm luật pháp quốc tế.

Hạm đội Mỹ cũng viện dẫn về Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, trong đó nêu tàu của tất cả các quốc gia – bao gồm tàu chiến của họ – đều có quyền di chuyển qua những lộ trình ‘vô thưởng vô phạt’ này, và việc ngăn chặn là “bất hợp pháp”.

Quân đội Mỹ cũng lặp lại tuyên bố Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 bảo vệ các quyền tự do hàng hải và hợp pháp cho tất cả các quốc gia, nhấn mạnh tự do hàng hải giữ vai trò rất quan trọng đến nền an ninh, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.

Những tuyến bố chủ quyền bất hợp pháp và có quy mô sâu rộng trên Biển Đông tạo nên một mối đe dọa nghiêm trọng đến nền tự do hàng hải, bao gồm quyền tự do di chuyển và bay trên vùng trời, nền thương mại tự do và giao thương không bị can thiệp, và tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven biển trên Biển Đông“, theo tuyên bố.

Trước đó, quân đội Trung Cộng đã tiến hành “truy vết, theo dõi và cảnh báo xua đuổi” tàu chiến Mỹ, theo một bài đăng trên mạng xã hội WeChat chính thức của Quân khu miền nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa hôm thứ Bảy 25/11.

Trung Cộng tuyên bố chủ quyền trên hầu hết trên Biển Đông, khu vực có giá trị thương mại trên biển trị giá hơn 3.000 tỷ USD, bên cạnh đó Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số phần lãnh thổ.

Năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration “PCA”) ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Trung Cộng và Philippines. Tuyên bố của tòa là “không có cơ sở pháp lý” cho việc Trung Cộng đòi hỏi “quyền lịch sử” trên những tài nguyên ở các vùng biển nằm trong bản đồ “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.

Trung Cộng tuyên bố vụ tàu chiến USS Hopper di chuyển qua Biển Đông, “minh chứng rằng Mỹ là một ‘quốc gia tạo rủi ro an ninh’ triệt để trên Biển Đông”.

Philippines và Úc đã bắt đầu cuộc tập trận chung trên biển và trên không vào thứ Bảy 25/11, vài ngày sau khi Bắc Kinh cáo buộc Manila cho các lực lượng nước ngoài cùng tham gia tuần tra trên Biển Đông, ám chỉ đến cuộc tuần tra chung do quân đội Mỹ và Philippines tiến hành.

Trung úy Kristina Weidemann, phó phát ngôn viên của Hạm đội 7, trong một tuyên bố được email đến Reuters nêu: “Mỹ thách thức các tuyên bố hàng hải vượt mức cho phép trên khắp thế giới bất chấp quốc gia tuyên bố là ai.”


Ngoại trưởng Mỹ: Khối NATO ‘không hề thấy mệt mỏi’ khi trợ giúp Ukraine (VOA)

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói hôm thứ Tư 29/11 rằng các đồng minh NATO “không hề có cảm giác mệt mỏi” khi giúp đỡ Ukraine.

“Chúng ta phải và chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine”, ông phát biểu sau cuộc họp NATO-Ukraine ở Brussels, đồng thời nói thêm rằng các đồng minh NATO nhất trí về quan điểm này và ông nhận thấy lưỡng viện Quốc hội Mỹ cũng tiếp tục ủng hộ Ukraine.

Kyiv lo ngại rằng cuộc chiến Israel-Hamas có thể chuyển hướng sự chú ý của quốc tế khỏi nỗ lực đánh bại Nga, quốc gia đã xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.

Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba trước đó trong cùng ngày 29/11 đã kêu gọi phương Tây tăng cường sản xuất vũ khí.

Ông cho hay đến nay Liên minh châu Âu đã chuyển khoảng 300.000 trong số 1 triệu quả đạn pháo đã hứa cung cấp cho Ukraine.

“Chúng ta cần tạo ra một khu vực công nghiệp quốc phòng chung châu Âu-Đại Tây Dương”, ông Kuleba phát biểu trước cuộc gặp với các ngoại trưởng NATO, đồng thời nói thêm là điều này sẽ đảm bảo an ninh cho cả Ukraine lẫn chính các nước NATO.

Kyiv gần đây đã tham gia vào một nỗ lực phối hợp nhằm lôi kéo các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới thiết lập hoạt động ở Ukraine, một phần trong nỗ lực nhằm đa dạng hóa sự phụ thuộc vào vũ khí và đạn dược do các đồng minh cung cấp.

“Điều quan trọng là tình đoàn kết của chúng tôi với Ukraine không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn bằng hành động”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói. “Đây là những hành động cụ thể, chúng ta cần nhiều hơn nữa, và chúng ta cần duy trì và tăng cường hỗ trợ”.

Ông Stoltenberg cảnh báo Nga đã tích lũy một kho tên lửa lớn trước mùa đông.

“Nga hiện đang yếu hơn về mặt quân sự, chính trị và kinh tế”, ông nói. “Đồng thời, chúng ta không được đánh giá thấp Nga”, ông Stoltenberg nói thêm, và nhấn mạnh rằng Nga đã và đang thực hiện những nỗ lực mới nhằm tấn công mạng lưới điện và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, nhằm “cố đẩy Ukraine vào đêm tối và giá lạnh”.


Bắc Kinh ngày càng lo ngại nội chiến tại Miến Điện lan sang Trung Cộng (RFI)

Vào lúc diễn ra các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Miến Điện với phiến quân thuộc một số sắc tộc thiểu số ở miền bắc giáp giới với Trung Cộng, Bắc Kinh hôm 25/11/2023 đã phát động một cuộc tập trận trên quy mô lớn nhằm bảo vệ lãnh thổ. Theo giới quan sát, động thái của Trung Cộng rõ ràng là nhằm đối phó với tình hình đang càng lúc càng xấu đi tại nước láng giềng, ngăn ngừa chiến tranh ở Miến Điện lan qua biên giới.

Quân đội Trung Cộng không loan báo gì nhiều về thời gian hoặc số lượng binh sĩ tham gia cuộc tập trận, tuy nhiên theo giới quan sát, đây là một cuộc tập trận có quy mô lớn, được xác định là những cuộc “thao dượt giao tranh thực”, với mục tiêu được tuyên bố là “kiểm tra khả năng cơ động nhanh chóng, khả năng phong tỏa biên giới và khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang”.

Lực lượng kháng chiến Miến Điện

Trong một bài xã luận đăng hôm 26/11, tờ báo chính thức của quân đội Trung Cộng đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Miến Điện  đồng thời khẳng định Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ an ninh biên giới.

Ngoài việc tập trận để dự phòng bất trắc trên lãnh thổ của mình, Trung Cộng cũng tăng cường sức ép trên tập đoàn quân sự Miến Điện để tìm giải pháp ổn định tình hình. Đại sứ Trung Cộng tại Miến Điện hôm 24/11 vừa qua đã tiếp xúc với ngoại trưởng trong chính quyền quân sự Miến Điện cùng các quan chức quân sự ở thủ đô Naypyidaw để bàn về “quan hệ song phương” và đặc biệt về việc ổn định tình hình biên giới.

Trung Cộng cũng đã phải kêu gọi công dân của họ khẩn cấp rời khỏi miền bắc Miến Điện, bị chìm trong giao tranh kể từ cuối tháng 10.

Phản ứng lo ngại của Bắc Kinh cũng dễ hiểu vì Trung Cộng đã bắt đầu chịu tác hại trực tiếp từ cuộc nội chiến tại Miến Điện. Nổi bật nhất là sự kiện được truyền thông Nhà nước Miến Điện hôm 24/11 vừa qua loan báo, theo đó một đoàn xe tải bao gồm gần 260 chiếc chở hàng hóa từ Trung Cộng vào Miến Điện đã bốc cháy, khiến cho gần một nửa trong số này bị thiêu rụi.

Chính quyền Miến Điện dĩ nhiên đã cáo buộc phiến quân là thủ phạm, điều đã bị phe nổi dậy bác bỏ, nhưng thực tế rõ ràng là chiến sự bùng lên đã gây tổn hại cho trao đổi thương mại giữa Miến Điện và Trung Cộng mà một phần đáng kể đi qua khu vực này.

Tình hình được cho là sẽ xấu đi thêm cho Trung Cộng trong bối cảnh là cho đến nay, phiến quân liên tiếp chiếm được hàng chục vị trí quân sự cũng như một thành phố có tính chất chiến lược đối với giao thương giữa Miến Điện với Trung Cộng. Mới hôm qua, 26/11, một nhóm vũ trang thiểu số ở Miến Điện loan báo đã giành quyền kiểm soát thêm một cửa khẩu nằm trên biên giới nước này với Trung Cộng từ tay chính quyền quân sự.

Chiến sự trong vài tuần qua đã khiến quân đội Miến Điện mất đi nguồn thu thương mại từ gỗ, đá quý và vàng mà Trung Cộng mua. Một điều khác khiến Bắc Kinh lo ngại là làn sóng người tỵ nạn từ Miến Điện tràn sang Trung Cộng nếu tình hình xấu đi thêm, với tất cả những hậu quả xã hội kèm theo.

Trước mắt Trung Cộng đã bị buộc phải mở cửa khẩu tiếp nhận hàng trăm kiều dân nước ngoài bị kẹt ở miền bắc Miến Điện và tạo điều kiện giúp những người này hồi hương. Bộ Ngoại Giao Thái Lan ngày 26/11 cho biết là hơn 200 công dân nước này bị mắc kẹt do giao tranh gia tăng ở miền bắc Miến Điện đang được hồi hương qua ngả Trung Cộng.


Trung Cộng khẳng định số ca nhiễm bệnh đường hô hấp gia tăng là do dịch cúm (RFI).

Bộ Y Tế Trung Cộng hôm Chủ Nhật, 26/11/2023, cho biết số người mắc bệnh đường hô hấp gia tăng trên khắp Trung Cộng trong thời gian gần đây, không phải do một loại virus mới gây ra mà chủ yếu là do bệnh cúm và các loại bệnh đã biết khác.

Theo phát ngôn viên của Ủy ban Y Tế Quốc gia Trung Cộng, Mễ Khang (Mi Feng), được AP trích dẫn, các loại virus cúm thông thường, như Rhinovirus hay virus RSV, virus Adeno hoặc các loại vi khuẩn như mycoplasma pneumoniae là thủ phạm gây ra các “ổ dịch bệnh” về đường hô hấp tại Trung Cộng gần gây. Cơ quan này cũng kêu gọi chính quyền các địa phương ngăn chặn dịch lây lan ở những nơi đông người như trường học hay viện dưỡng lão, mở thêm các phòng khám, chữa bệnh, kéo dài thời gian mở cửa, và thúc đẩy tiêm chủng cho trẻ em và người cao tuổi. Người dân được khuyến nghị đeo khẩu trang. 

Tại Trung Cộng, theo AP, các đợt bùng phát số người mắc bệnh đường hô hấp đã khiến nhiều bệnh viện ở miền bắc quá tải, cơ quan y tế tại một số địa phương đã yêu cầu người dân hạn chế mang trẻ em đến khám nếu có những triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Hồi đầu tháng 11, chính quyền Trung Cộng cho biết số ca nhiễm bệnh gia tăng là vì dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến dịch Covid-19. Hãng tin AP nhắc lại rằng cả SARS và Covid-19, ban đầu đều được báo cáo là các loại viêm phổi bất thường. 

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vào tuần trước đã yêu cầu Trung Cộng cung cấp thông tin về tình hình dịch tễ tại nước này, tuy nhiên WHO cho rằng hiện có quá ít thông tin để có thể đánh giá được rủi ro liên quan đến các ca nhiễm ở trẻ em.  

Cả chính quyền Trung Cộng và WHO đều bị cáo buộc thiếu minh bạch trong các báo cáo ban đầu về đại dịch Covid-19, khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Cộng vào tháng 12 năm 2019. 


Úc, Philippines bắt đầu tuần tra trên biển, trên không ở Biển Đông (VOA)

Philippines và Úc đã bắt đầu các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không ở Biển Đông vào ngày thứ Bảy, vài ngày sau khi Manila thực hiện các bước tương tự với Mỹ khi các quốc gia Thái Bình Dương này cảnh giác trước một nước Trung Cộng ngày càng quyết đoán.

Cuộc tập trận kéo dài ba ngày, được Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr công bố trên mạng xã hội, diễn ra sau các cuộc thảo luận của Philippines và Úc vào đầu năm nay về các cuộc tuần tra chung nhằm nhấn mạnh điều mà họ nói là cam kết đối với một trật tự dựa trên luật lệ.

BTQP Úc Gilberto (trái), Phó Thủ Tướng và Đại sứ Úc tại Phi Yu (Mặt) chụp hình trước giờ xuất phát cuộc tuần tra.

Trung Cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi mà thương mại bằng tàu biển trị giá hơn 3 ngàn tỉ đôla qua lại hàng năm, bao gồm các khu vực được Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền. Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 phán quyết rằng yêu sách chủ quyền của Trung Cộng không có cơ sở pháp lý.

Philippines đang tăng cường nỗ lực chống lại điều mà nước này mô tả là “các hoạt động hung hăng” của Trung Cộng ở Biển Đông, nơi cũng đã trở thành điểm nóng căng thẳng giữa Trung Cộng và Mỹ xung quanh các hoạt động hải quân.

Úc và Philippines kiên quyết đảm bảo một khu vực hòa bình, an ninh và thịnh vượng, nơi mà chủ quyền cũng như các quy tắc và chuẩn mực đã nhất trí được tôn trọng,” Phó Thủ tướng Úc Richard Marles nói trong một tuyên bố chung do ông Marcos đăng tải.

“Cuộc tuần tra chung đầu tiên giữa Lực lượng Phòng vệ Úc và Lực lượng Vũ trang Philippines thể hiện cam kết này,” ông Marles nói.

Các cuộc tuần tra sẽ được thực hiện ở Biển Tây Philippines, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong nói, sử dụng thuật ngữ của Manila để chỉ các vùng biển ở Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Quân đội Philippines cho biết hai tàu hải quân và năm máy bay trinh sát của họ sẽ tham gia, trong khi Úc sẽ cử tàu khu trục Toowoomba và máy bay trinh sát hàng hải P8-A tới tham gia.

Hoạt động Hợp tác Hàng hải lần đầu tiên này và những hoạt động có thể diễn ra tiếp theo là biểu hiện thực tiễn của mối quan hệ đối tác chiến lược và quốc phòng ngày càng sâu sắc giữa các nước chúng ta,” ông Marcos nói trên X, mạng xã hội trước đây gọi là Twitter.

Philippines và Mỹ vừa đã kết thúc các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không kéo dài ba tuần vào ngày thứ Năm, bắt đầu từ vùng biển gần Đài Loan, một hòn đảo được quản trị dân chủ mà Trung Cộng tuyên bố là của mình, và kết thúc ở Biển Tây Philippines.

Trung Cộng cáo buộc Philippines tranh thủ “lực lượng nước ngoài” để tuần tra Biển Đông và gây rối. Manila khẳng định họ có toàn quyền thực hiện các hoạt động hàng hải.


Hội chợ Năng lượng Nguyên tử lớn nhất thế giới khai mạc tại Pháp (RFI)

Hội chợ hai năm một lần về Năng lượng Hạt nhân World Nuclear Exhibition (WNE), kéo dài ba ngày, khai mạc hôm nay, 28/11/2023. Phát biểu tại buổi khai mạc hội chợ, tại Villepinte, một địa điểm gần Paris, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA tuyên bố ‘‘chưa bao giờ nhu cầu về điện hạt nhân lại cao đến như vậy’’.

Lò phản ứng nguyên tử

Điện hạt nhân từng bị coi là húy kỵ giờ đang trở thành một giải pháp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo lãnh đạo cơ quan này, công suất điện hạt nhân sẽ phải tăng gấp đôi trước năm 2050, để đạt mục tiêu trung hòa về khí thải. Tổng giám đốc Rafael Mariano Grossi nói rõ, ‘‘hiện tại chúng ta có khoảng 400 lò phản ứng tại 31 nước, cần phải tăng gấp đôi, hoặc có thể hơn’’.

AFP dẫn lời bà Sylvie Bermann, chủ tịch Hội chợ, trong một thời gian dài WNE đã chỉ là ‘‘một hội chợ trong giới doanh nghiệp, của nội bộ ngành công nghiệp hạt nhân, do lo ngại sự phản đối của giới hoạt động (chống điện hạt nhân)’’, nhưng giờ đây ‘‘tâm lý của người dân đã thay đổi, điện hạt nhân đang trở lại.’’

Theo ban tổ chức, dự kiến khoảng 20.000 người sẽ tham dự hội chợ, tổ chức bởi Gifen, nghiệp đoàn ngành công nghiệp hạt nhân Pháp. Hội chợ Năng lượng Hạt nhân này đặc biệt là dịp chưa từng có để quảng bá cho các lò điện hạt nhân cỡ nhỏ (gọi tắt là ‘‘SMR’’). Pháp, Mỹ, Anh, Trung Cộng, Nga hay Canada đang tăng tốc cạnh tranh trong việc phát triển các lò phản ứng cỡ nhỏ SMR, và lò phản ứng thế hệ thứ tư AMR.

Tại Hội nghị COP28 tại Dubai sắp tới, 6 cường quốc điện hạt nhân, trong đó có Pháp, hy vọng sẽ có 40 quốc gia tham gia thúc đẩy điện hạt nhân, để tăng gấp ba lượng điện hạt nhân trước 2050.


Biên giới Miến Điện-Trung Cộng: Quân nổi dậy chiếm được một cửa khẩu thương mại (RFI)

Một nhóm phiến quân sắc tộc thiểu số ở Miến Điện vừa chiếm được quyền kiểm soát một đồn biên phòng ở biên giới với Trung Cộng cùng cửa khẩu thương mại . AFP hôm nay 26/11/2023 trích dẫn truyền thông Miến Điện và một nguồn tin an ninh cho biết như trên.

Cửa khẩu Miến-Hoa đã bị lực lượng kháng chiến chiếm , kiểm soát

Báo Kokang, liên kết với phe nổi dậy, hôm nay 26/11 loan tin : « Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) đã thông báo chiếm thêm được một cửa khẩu thương mại, có tên là Kyin San Kyawt, ở quận Muse, khu vực Mongko ». Một nguồn tin an ninh cho AFP biết nhóm MNDAA đã cắm cờ tại khu vực thương mại biên giới Kyin San Kyawt.

Trước đó liên minh 3 nhóm, gồm lực lượng Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện nói trên, Quân đội Arakan (AA)Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), đã chiếm giữ nhiều vị trí khác ở  khu thương mại biên giới trong cuộc tấn công bắt đầu từ hôm thứ Sáu 24/11.

Giao tranh đã bùng lên ở bang Shan miền bắc Miến Điện, gần biên giới Trung Cộng kể từ cuối tháng 10/2023, khi liên minh gồm 3 nhóm nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số phát động cuộc tấn công chống lại tập đoàn quân sự cầm quyền. Các nhóm nổi dậy này đã nắm quyền kiểm soát nhiều vị trí quân sự và một thành phố có ý nghĩa chiến lược trong giao thương với Trung Cộng, cắt đứt nhiều tuyến đường thương mại giữa Miến Điện với Trung Cộng. Hồi đầu tuần này, phát ngôn viên của tập đoàn quân sự cầm quyền, Zaw Min Tun, nói với truyền thông Nhà nước rằng khoảng 120 xe tải đậu gần đồn biên phòng đã bị các nhóm vũ trang đốt cháy.

Ách tắc trong giao thương từ vài tuần nay đã khiến tập đoàn quân sự mất đi nhiều nguồn thu, trong bối cảnh kinh tế Miến Điện lâm vào cảnh suy thoái sau vụ đảo chính hồi năm 2021. Tình hình căng thẳng đến mức Bắc Kinh hôm thứ Sáu 24/11 đã kêu gọi công dân Trung Cộng rời khỏi miền bắc Miến Điện « càng sớm càng tốt » và tránh xa những nơi đang diễn ra giao tranh giữa quân đội Miến Điện và các lực lượng nổi dậy.


Tin Việt Nam.

Tang lễ cố Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ vẫn diễn ra tốt đẹp dù an ninh gây khó khăn (RFA).

Tang lễ của cố Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn diễn ra một cách bình thường mặc dù cơ quan an ninh có các động thái gây khó khăn.

Sáng ngày 29/11, nhục thân của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được đưa đi trà tỳ ở Đồng Nai, tro cốt dự kiến sẽ được rải xuống Thái Bình Dương theo di nguyện của ông.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ vào tháng 8/2022 được suy cử làm Chánh Thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống của giáo hội có từ thời Việt Nam Cộng Hòa theo di chúc của Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, người viên tịch trước đó vào tháng 2/2020.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch vào lúc 16 giờ chiều ngày 24/11 vừa qua tại chùa Phật Ân, tỉnh Đồng Nai, hưởng thọ 81 tuổi. Tang lễ của vị chân tu này bắt đầu từ sáng ngày hôm sau.

Hoà thượng Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong chiều ngày 29/11 ngay sau khi ông trở về từ đám tang.

Vị này cho biết nhà chức trách tỉnh Đồng Nai trong ngày đầu tang lễ đã đến chùa Phật Ân để yêu cầu nhà chùa gỡ bỏ băng-rôn có dòng chữ “Tang lễ cố trưởng lão hòa thượng Thích Tuệ sỹ- Chánh Thư ký Kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.”

Ông kể lại:

Trong tang lễ của cố hòa thượng Thích Tuệ Sỹ- Chánh thư ký kiêm xử lý thường vụ Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, an ninh họ tới làm việc với Hoà thượng Viện chủ chùa Phật Ân yêu cầu Hòa thượng gỡ cái băng-rôn để tang lễ của cố trưởng lão xuống.”

Tuy nhiên, yêu cầu trên đã bị cự tuyệt một cách kiên quyết, vị hoà thượng cho hay.

Tôi không trực tiếp tham gia nhưng mà được nghe Thượng tọa trụ trì Trung Đạo nói lời của Viện chủ là Hoà Thượng Thích Minh Tâm: Nếu quý bị bắt tôi gỡ xuống thì các vị đem súng mà bắn tôi đi rồi muốn gỡ gì thì gỡ.”

Nhạc sĩ Tuấn Khanh tường thuật lại vụ việc trên blog của RFA cho biết, một phái đoàn của an ninh, ban tôn giáo, chính quyền địa phương đến tìm trụ trì chùa Phật Ân, đòi tháo tấm biểu ngữ trong điện thờ và tất cả những gì có ghi danh tính của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ với hàng chữ Chánh thư ký, kiêm xử lý thường vụ, Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Một tăng sĩ kể lại là khi phái đoàn của nhà nước bị đặt câu hỏi “tại sao?” thì đã có người nói GHPGVNTN là một tổ chức không được công nhận. Câu trả lời dứt khoát của các thầy ở chùa Phật Ân là “khi nào GHPGVNTN có văn bản đặt ra ngoài vòng pháp luật, chúng tôi sẽ bàn thảo về chuyện này

Cuối cùng thì băng-rôn với nội dung trên vẫn tồn tại ở cổng ra vào của chùa Phật Ân và một số nơi khác thuộc khu vực tang lễ.

Bên cạnh đó, nhà chức trách Việt Nam cũng đưa nhiều nhân viên mặc thường phục vào khu vực tang lễ để theo dõi sự kiện, và quay phim các tăng lữ khi họ đến viếng. Dường như lực lượng an ninh được điều động từ nhiều tỉnh thành. Hoà thượng Thích Vĩnh Phước thuật lại:

Họ không gây khó khăn gì cho việc đi đến nhưng mà có điều là khi xe quý thầy và các đoàn tới thì đều bị quay phim rất là kỳ. Điển hình như tôi, tôi mà vừa bước xuống chưa kịp sửa áo quần gì cả thì họ đã quay phim.”

Tuy nhiên, theo vị hoà thượng này, tang lễ của người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất vẫn diễn ra êm đẹp. Ông tổng kết:

Tang lễ của Ôn diễn ra một cách rất là tốt đẹp, được nhiều chư tăng và phật tử từ trong nước và ngoài nước về dự lễ và cũng không đến nỗi phải khó khăn lắm.”

Phóng viên gọi điện thoại cho ông Nguyễn Kim Long, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Đồng Nai thì ông này yêu cầu phóng viên gửi câu hỏi về cơ quan này theo đường bưu điện. Phóng viên gửi email cho cơ quan Công an tỉnh với đề nghị xác minh thông tin nhưng chưa nhận được ngay câu trả lời.

Báo chí nhà nước viết gì về tang lễ?

Chỉ có báo Giác Ngộ online, cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và hai trang báo mạng Một Thế Giới của Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, và Tuổi Trẻ đưa tin về tang lễ của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ.

Các báo còn lại hoàn toàn im lặng về sự ra đi của một bậc chân tu, người từng bị kết án tử hình nhưng sau chuyển thành án 17 năm tù giam bởi chính quyền độc đảng ở Việt Nam sau năm 1975.

Tuy nhiên, ba báo mạng nói trên cũng đưa tin về tang lễ một cách sơ sài. Thậm chí, các bài báo đăng trên ba báo trên không giới thiệu chức vụ của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, cũng không nhắc đến tên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức tôn giáo có từ thời Việt Nam Cộng hòa.

Các báo chỉ nói Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ là đệ tử của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chia buồn về sự ra đi của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ (RFA).

Nhân danh người dân Hoa Kỳ, chúng tôi chia sẻ nỗi buồn sâu sắc cùng người dân Việt Nam và tín đồ Phật Giáo khắp nơi trên thế giới về sự ra đi của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ- một vị lãnh đạo nổi bật của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Matthew Miller, trong thông cáo phát đi tối ngày 27/11 bày tỏ lời chia buồn vừa nêu.

Thông cáo nêu rõ Hòa Thượng Tích Tuệ Sỹ trong suốt nhiều thập niên là một quán quân đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng và những quyền con người căn bản khác; khiến cơ quan chức năng Việt Nam bỏ tù Ngài hơn một thập niên. Ngài còn là một học giả uyên thâm, một bút lực đầy sức sáng tạo, và là một triết gia.

Âm vọng của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ sẽ được ghi nhớ mãi mỗi khi chúng ta nghĩ đến đóng góp của Ngài cho dân tộc Việt Nam. Tâm tưởng chúng tôi luôn theo cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại nước Việt và trên thế giới với Ngài, Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi rõ.

Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch vào lúc 16 giờ chiều ngày 24/11/2023.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ từng bị chính quyền Hà Nội bắt đi học tập cải tạo ba năm từ năm 1978. Vào tháng 9/1988, ông bị tuyên án tử hình với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tuy nhiên, do sự vận động của quốc tế, án tử hình đối với ông được giảm xuống chung thân. Ông được trả tự do vào ngày 1/9/1998. Vào năm 2003, ông bị chính quyền Việt Nam áp lệnh quản chế hai năm.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được suy cử làm Chánh Thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN vào tháng 8/2022 theo di chúc của Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, người viên tịch trước đó vào tháng 2/2020.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật Giáo. Ông còn làm thơ và viết truyện ngắn.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch vào năm 1998 trao cho ông giải Hellman-Hammet.

GHPGVNTN không được chính quyền Việt Nam hiện nay thừa nhận. Lãnh đạo cùa giáo hội bị nhà cầm quyền đàn áp, sách nhiễu kể từ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào tháng 4 năm 1975.


CSVN: Ăn hối lộ ‘Không vụ lợi’ được miễn tố

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát (VTP) diễn ra từ ngày 7/10 năm 2022, do bà Trương mỹ Lan cầm đầu bị bắt để điều tra về tội ‘Đưa hối lộ’, ‘Tham ô tài sản’ và ‘Lừa đảo’ trong việc phát hành trái phiếu. Vụ này đang tiếp tục gây xôn xao tại Việt Nam.

Năm 1992, bà Lan lập công ty Vạn Thịnh Phát, trong đó có ngân hàng Saigon Commercial Bank, SCB (năm 2012). Trong thời gian dài, bà Lan đã âm mưu lập 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, làm 916 hồ sơ “ma” để rút ruột hơn 1.066.608 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, tương đương 12 tỷ Mỹ kim, bằng 6% GDP của Việt Nam năm 2022, và gây thiệt hại 64.000 tỷ đồng. Số tiền này là tiền SCB huy động từ người dân và doanh nghiệp khắp nước.

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan.

Cùng bị truy tố với bà Lan có 85 bị can khác, trong đó có các cựu lãnh đạo SCB và cán bộ Ngân hàng Nhà Nước (NHNN), về nhiều tội khác nhau, như: ‘Tham ô’, ‘Nhận hối lộ’, ‘Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng’. Trong đó có 18 thanh tra dưới quyền bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng thuộc NHNN đến thanh tra ngân hàng SCB. Tất cả các thành viên trong đoàn thanh tra đều đã nhận tiền để thay đổi kết quả thanh tra, che giấu sai phạm của SCB. Riêng bà Đỗ Thị Nhàn với tư cách là Trưởng đoàn thanh tra đã nhận hối lộ đến 5,2 triệu Mỹ kim.

Trong vụ án VTP, có (7) quan chức thanh tra của NHNN không bị truy tố hình sự, vì được Nhà Nước chính thức nhìn nhận là “không vụ lợi”, cho dù đã ăn hối lộ từ ngân hàng SCB.

Hôm 22/11, Báo mạng VnExpess dẫn lời ông Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên khẳng định, người nhận số tiền tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của ngân hàng SCB phải bị truy tố, xét xử.

Tuy nhiên, đối với người nhận ít, không có động cơ; nhận tiền vào dịp lễ tết như bồi dưỡng, quà; không cam kết làm gì để có lợi cho bên đưa tiền sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về nguyên nhân, hoàn cảnh. Các trường hợp này sẽ không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính.

Ông Yên cho rằng việc xử lý này “thấu tình, đạt lý” và tương tự như vụ án Việt Á cũng có chủ trương tha, miễn xử lý với người có vai trò thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Luật sư Đặng đình Mạnh, trong cuộc tiếp xúc với báo chí mới đây nhận định, khái niệm “Hối lộ nhưng không vụ lợi” chỉ là sự cưỡng từ đoạt lý phát sinh một cách tùy tiện trong nền tư pháp Việt Nam mà thôi. Điều đó không phải là chuẩn mực pháp lý mà còn không chính đáng. Chính sự không chính đáng đã làm cho công chúng dễ dàng phát hiện ra sự sai trái của khái niệm này cho dù họ không cần có sự hiểu biết chuyên môn như một luật sư.


Gần hết năm, Giải ngân đầu tư công vẫn thấp

Theo đài RFA, Cho đến nay, còn có 1 tháng nữa là hết năm 2023, nhưng 43 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Vốn đầu tư công năm 2023 tại Việt Nam tính đến nay chỉ mới giải ngân được hơn 65%, tương đương khoảng 461.000 tỷ đồng, trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm dương lịch.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam đưa ra hôm 27/11 cho thấy số liệu vừa nêu.

Có 43 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Cụ thể các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc nhóm này chỉ đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 44%; trong đó có 15 bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%.

21/25 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 tỉnh/thành phố chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao với tổng số gần 16.200 tỷ đồng.

Còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, bố trí kế hoạch  và giải ngân vốn đầu tư chậm.


Nhật – Việt nâng quan hệ lên ‘Đối tác chiến lược toàn diện’

 Việt Nam chính thức nâng cấp mối quan hệ với Nhật Bản lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” sau ba tháng nâng cấp quan hệ với Mỹ.

Hãng thông tấn AP cho rằng việc Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ chính trị lên mức cao nhất ngày 27 Tháng Mười Một 2023 là dấu hiệu quan tâm chung khi Bắc kinh nỗ lực gia tăng ảnh hưởng mọi mặt ở khu vực.

Sau cuộc họp giữa Thủ tướng Nhật Fumio Kishida với ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hôm Thứ Hai tại thủ đô Tokyo, bản thông cáo chung được đưa ra sau đó nói rằng hai bên nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” để “cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.”

Theo đó, hai nước thỏa hiệp nâng cao sự hợp tác an ninh chung để tăng “hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn quốc phòng hai nước”… “đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Bộ Quốc phòng Việt Nam”. Hai nước đã ký hiệp định về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng từ Tháng Chín 2021.

Theo thông tấn AP, hai nước bắt đầu thảo luận về một chương trình viện trợ quân sự mới của Nhật cho các nước đang phát triển có chung quan điểm an ninh ở khu vực. Mới đây, Nhật đã thỏa thuận cung cấp hệ thống Radar giám sát biển cho Phi Luật Tân khi nước Phi đang có những căng thẳng tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở khu vực bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Ngoài viện trợ một số tàu cảnh sát biển cỡ nhỏ hoán cải từ tàu đánh cá, năm 2020, Nhật đã ký thỏa hiệp đóng mới cho Việt Nam 6 tàu Cảnh sát biển trọng tải 1,000 tấn qua gói tín dụng 348 triệu đô la, hiện chưa thấy tin tức bàn giao.

Nhật là nước có nhiều dự án đầu tư lớn hàng thứ ba tại Việt Nam và cũng là đối tác thương mại lớn hàng thứ tư của Việt Nam. Thương mại hai chiều năm 2022 đạt $50 tỉ USD. Những công ty kỹ nghệ hàng đầu của Nhật đầu tư sản xuất tại Việt Nam như Canon, Toyota, Honda, Panasonic, Bridgestone, góp phần biến nước này thành một trong những trung tâm sản xuất công nghệ của thế giới.

Hai tuần trước, hãng truyền hình NHK thuật lời một viên chức chính phủ Nhật cho hay Việt Nam là một trong hai nước được họ cân nhắc cung cấp trang bị quốc phòng qua chương trình “Viện trợ an ninh chính thức” (Official Security Assistance) thường gọi tắt là OSA cho tài khóa bắt đầu từ Tháng Tư năm tới.

Mới đây, nước Nhật cũng đã đạt những thỏa thuận cuối cùng để cung cấp một số tàu tuần tra cho Bangladesh ngay trong tài khóa này. Malaysia và Fiji cũng chuẩn bị nhận được các trang bị. Việt Nam thì đang có những tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc ngăn cấm Việt Nam dò tìm và khai thác dầu khí trong phạm vi “lưỡi bò” dù hoàn toàn nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Công ước quốc tế về Luật Biển UNCLOS.

Bắc Kinh từng đe dọa đánh chiếm các vị trí Việt Nam trấn giữ tại quần đảo Trường Sa nếu nhất định tiến hành các kế hoạch dò tìm và khai thác dầu khí trong phạm vi “lưỡi bò” mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền dựa vào sức mạnh quân sự ăn trùm, bất chấp các quy định quốc tế. Hà Nội từng được tin phải bồi thường cho nhà thầu Rapsol cả tỉ đô la khi buộc họ bỏ ngang cuộc khoan tìm dở dang ở khu vực mỏ Cá Rồng Đỏ, bồn trũng Nam Côn Sơn.

Theo NHK, chính phủ Nhật dự trù dàn xếp các thỏa thuận cụ thể với hai nước Việt Nam và Djibouti về những trang bị gì sẽ có thể được cung cấp. Nước Djibouti là một nước nhỏ, diện tích chỉ có hơn 23,000km2 ở khu vực gọi là “Sừng Phi Châu –Horn of Africa), nam giáp Somalia, Eritrea phía bắc, Ethiopia ở tây nam, Biển Đỏ và vịnh Aden phía đông.

Nhật Bản là nước thứ sáu trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam sau Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Hàn và Hoa Kỳ.


Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia

Quốc hội Việt Nam vào ngày 29/11 đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (gọi tắt là thuế tối thiểu toàn cầu) đối với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Mức thuế 15% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Truyền thông Nhà nước và quốc tế loan tin dẫn nguồn từ trang chủ Quốc hội cho biết 94% đại biểu tham gia đã thông qua nghị quyết vừa nêu.

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cho phép các quốc gia đánh thuế lợi nhuận từ hàng hóa, dịch vụ của các tập đoàn đa quốc gia với doanh thu hơn 20 tỷ USD/năm và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu từ 10% trở lên.

Với quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, một tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ bị đánh thuế 15% đối với các khoản lợi nhuận tạo ra tại các nước (có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp thông qua cơ chế đánh thuế bổ sung, từ chối khấu trừ thuế hoặc thuế khấu trừ tại nguồn) với mức thuế suất hiệu dụng (effective tax rate) tối thiểu.

Việt Nam định thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20%; tuy nhiên để thu hút đầu tư nước ngoài, mức này có thể chỉ là 5% và thời gian ân hạn được kéo dài cho “trường hợp đặc biệt”. Đơn cử Samsung trong năm 2019 chỉ đóng 5,1% tại một tỉnh thôi.

Thống kê cho thấy, với mức thuế mới, chi phí thuế của 122 công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam tăng đáng kể. Phía Nhà nước Việt Nam sẽ thu thêm hơn 601 triệu USD tiền thuế mỗi năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính & Ngân sách thuộc Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh, lên tiếng sau khi thông qua nghị quyết đánh thuế tối thiểu toàn cầu rằng “Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi mới để có thể duy trì là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.” (RFA)


Cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng trốn ra khỏi Việt Nam

Cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng cho hay ông đã trốn khỏi Việt Nam thời gian gần đây vì nguy cơ đi tù lần thứ ba.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài RFA, ông Nguyễn Viết Dũng, 38 tuổi, đã lén trốn ra khỏi nhà ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nơi ông đang bị quản chế 5 năm sau khi đã ở tù 6 năm vì bị vu cho tội “Tuyên truyền chống..” chế độ độc tài sắt máu.

“Họ nói rằng bản án thứ ba đang chờ sẵn tôi lần này mức án sẽ không có nhẹ nhàng như sau sáu năm về trước nữa đâu, sẽ hơi lâu. Khi đó tôi nghĩ rằng những người làm việc với tôi là những người bên PA02, là cơ quan an ninh điều tra, họ có quyền đề xuất hoặc là bắt tôi cho nên tôi tin rằng lúc đấy là họ không có nói đùa.” Lời ông Dũng nói với đài RFA ngày 27 Tháng Mười Một.

Cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng

Thật ra những lời này đã được ông lập lại khi ông thuật lại buổi “làm việc” với Công an Nghệ An cách đây ít ngày và được ông kể lại nội dung khá dài trên trang Facebook cá nhân gần như một cuộc hỏi cung một nghi can với những lời đe dọa buộc ông phải suy nghĩ trốn đi hay ở lại để chịu đựng tiếp.

Theo những gì ông kể lại buổi làm việc vừa nói trên Facebook, ông bị chất vấn về trả lời phỏng vấn của đài RFA những ngày tháng ở tù và các bài viết sau khi ra tù khiến chế độ Hà Nội tức giận. Ông tố cáo ông bị tra tấn, ép cung nhưng làm đơn yêu cầu xét lại bản án không được cứu xét. Ôn nêu tình trạng sức khỏe vô cùng tồi tệ của bạn tù Vũ Quang Thuận mà không hề được chữa trị. Bài đánh giá dư luận về vụ người mẫu Ngọc Trinh bị bắt giam v.v…

Theo ông Dũng, ông phải trốn ra khỏi Việt Nam thì mới có thể sống và nói hay viết những gì mình nghĩ trong đầu mà không bị bắt tội. Một chế độ độc tài khắc nghiệt như Việt Nam hiện nay thì ai cũng đều là “chuẩn tù nhân” khi nói hay làm những điều ngược với ý muốn của kẻ cầm quyền.

“Với những áp lực như vậy thì tôi thấy rằng là nếu tôi còn ở Việt Nam thì không thể nào có tự do tư tưởng được, tôi không thể nào nói ra những gì mà mình suy nghĩ, không thể nào biểu đạt ý kiến của tôi một cách ôn hòa được.” Lời ông Nguyễn Viết Dũng nói với đài RFA.

Trước đó, ông đã bắn tiếng trên Facebook: “Đấy các bạn ạ. Nếu các bạn sinh sống tại Việt Nam hoặc đã quen với môi trường ở Việt Nam, hẳn các bạn thừa biết rằng chỉ cần với mỗi việc “rắc hành vào tô phở (ai chưa biết mời google “Thánh rắc hành”) còn bị bỏ tủ 05 năm 6 tháng nữa là với những gì rõ ràng như trên.Trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm cho những gì mà mình đã phải trải qua từ khi ra tù. Có lẽ bây giờ các bạn cũng đã hiểu lý do vì sao mình tạm rời khỏi nơi cư trú.”

Ông Nguyễn Viết Dũng bị bắt ngày 27 Tháng Chín 2017 rồi bị kết án 6 năm tù ngày 12 Tháng Tư 2018 khi bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước…” qua các bài viết trên Facebook. Trước đó, ông đã bị bỏ tù 12 tháng vì mang huy hiệu Lực lượng Đặc biệt VNCH đi biểu tình ở Hà Nội.

Nguyễn Viết Dũng không phải người đầu tiên. Nhiều cựu tù chính trị đã tìm cách trốn ra khỏi Việt Nam, phần lớn vượt biên đường bộ tới Thái Lan rồi xin Văn phòng Cao ủy Tị Nạn LHQ giúp đỡ đi định cư tại một quốc gia thứ ba. Tuy nhiên, một số người bị đặc tình CSVN bắt cóc về nước bỏ tù như Đường Văn Thái, Trương Duy Nhất.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 9-10-11/9/2024.
  • Ukraine tấn công Moscow trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay
  • Ngoại trưởng Mỹ và Anh đến Kyiv khi Ukraine thúc đẩy các cuộc tấn công tầm xa vào Nga
  • Philippines thúc đẩy tổ chức một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
  • Hà Lan cho phép Ukraina dùng vũ khí nước này tấn công các mục tiêu quân sự Nga
  • Quốc hội Mỹ đưa ra một loạt dự luật nhắm vào Trung Cộng
  • Anh triệu tập đại biện lâm thời Iran về việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga
  • Đức điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên sau 22 năm
  • Nga chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác song phương mới với Iran
  • Nước lũ có nguy cơ làm ngập các quận của Hà Nội
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Việt Nam hội đàm, ký kết tuyên bố tầm nhìn chung
  • Dân miền Bắc Việt Nam: “Bão Yagi mạnh chưa từng thấy”
  • Cao ủy Nhân quyền LHQ chỉ trích Việt Nam đàn áp giới hoạt động
  • Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Enel của Ý sẽ rút khỏi Việt Nam
  • Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ kêu gọi phóng thích nhà báo Nguyễn Vũ Bình
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 2-3-4/9/2024
  • Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết
  • TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh
  • Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga
  • Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản
  • Bất chấp lệnh bắt của CPI, Putin chính thức thăm Mông Cổ
  • Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin
  • Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi
  • 'Gián điệp Trung Cộng': thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
  • Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'
  • Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối Tô Lâm
  • Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
  • Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 26-27-28/8/2024.
  • TT Zelensky sẽ thông báo với lãnh đạo Mỹ về kế hoạch buộc Nga chấm dứt chiến tranh
  • Ukraine: Nga không kích dữ dội nhất từ trước tới nay
  • Kiev tố cáo Belarus triển khai quân tại biên giới với Ukraina
  • Tình báo Mỹ cho biết Ukraine có ý định chiếm giữ lãnh thổ của Nga
  • Trung Quốc và Mỹ thảo luận về vòng đàm phán mới giữa Biden và Tập
  • Pháp: Tư pháp chuẩn bị quyết định số phận của ông chủ Telegram
  • Bãi cạn Sa Bin: Điểm nóng tranh chấp mới giữa TC và Philippines
  • Mỹ trừng phạt 400 pháp nhân, gồm các hãng Trung Cộng, vì tiếp tay cho chiến tranh của Nga
  • Indonesia tổ chức cuộc tập trận đa quốc, chú trọng vào năng lực chung ở Châu Á
  • Tokyo lên án máy bay quân sự Trung Cộng xâm phạm không phận Nhật Bản
  • Thứ trưởng Nhân Quyền Mỹ đến Việt Nam, Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi quan tâm tới TNLT
  • Hơn 800.000 camera giám sát tại Việt Nam bị lộ dữ liệu
  • Hãng Na Uy Equinor đóng cửa văn phòng, ngừng các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
  • World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,1%, cảnh báo nợ xấu
  • Saigon chính thức nhìn nhận có dịch sởi
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 19-20-21/8/2024.
  • Matxcơva hứng chịu cuộc tấn công bằng drone Ukraina lớn nhất từ trước đến nay
  • Ukraina tăng cường oanh kích các cầu chiến lược ở vùng Kurst của Nga
  • Công du Trung Đông lần 9, ngoại trưởng Mỹ không thúc đẩy được thỏa thuận ngừng bắn Israel – Hamas
  • Úc-Indonesia ký thỏa thuận triển khai quân trên lãnh thổ của nhau
  • Đài Loan phô diễn hỏa lực tên lửa trong chuyến thăm hiếm hoi địa điểm thử nghiệm nhạy cảm
  • Biển Đông: Mỹ chỉ trích Trung Cộng trong vụ va chạm với tuần duyên Philippines
  • Biden chính thức “trao cờ” cho Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
  • Châu Âu khẳng định tăng thuế thêm tới 38% với xe ô tô điện nhập Trung Cộng
  • Phát hiện chất độc hại trong hàng hóa bán trên Shein và Temu của Trung Cộng
  • Tổng thống Lại Thanh Đức: Đài Loan không phải mục tiêu duy nhất của Bắc Kinh
  • Triển lãm 70 năm Cải cách ruộng đất và cuộc Di cư 1954
  • Hơn 30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa nửa đầu năm 2024
  • Việt Nam cam kết đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Cộng
  • Mưa lũ cản trở hàng ngàn học sinh ở Việt Nam đến trường vào ngày khai giảng
  • Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với ba mặt hàng của Việt Nam
  • Anh quốc khuyến cáo công dân du hành đến Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 12-13-14/8/2024.
  • Tổng thống Zelensky: Ukraine đang tiến sâu hơn vào Nga
  • Ukraine nói đã tấn công lớn bằng drone vào 4 căn cứ không quân Nga
  • ĐIỂM BÁO. Ukraina tấn công vào đất Nga, phương Tây im lặng: Bước ngoặt của cuộc chiến
  • Thủ tướng Fumio Kishida thông báo tháng 9 sẽ từ chức
  • Chỉ có lệnh ngừng bắn ở Gaza mới có thể ngăn Iran trả đũa Israel
  • Mỹ điều tàu ngầm, chỉ thị nhóm tác chiến tàu sân bay tới Trung Đông
  • Ba Lan ký thỏa thuận sản xuất 48 bệ phóng tên lửa Mỹ Patriot
  • 15 bang kiện quy định của TT Biden trợ cấp bảo hiểm y tế cho di dân bất hợp pháp
  • Thái Lan: Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi chức
  • Ông Tô Lâm sẽ thăm Bắc Kinh
  • Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải 'phục vụ kinh tế'
  • HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến
  • LHQ công bố 320 khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền
  • Uỷ ban châu Âu khởi động điều tra thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam
  • Đài Loan khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với clinker, xi măng Việt Nam