_______________________________

Bên cạnh bong bóng bất động sản (BĐS) có nguy cơ nổ tung, khối ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam “rúng động” qua vụ Vạn Thịnh Phát (VTP) với số tiền biển thủ hơn12 tỷ Mỹ kim, tương đương tới 6% GDP của Việt Nam năm 2022. Việc này đã hiên ngang diễn ra hàng chục năm trước mắt một bộ máy an ninh tinh vi chuyên trấn áp dân lành . . Đến tháng 11 năm nay khi buộc phải truy tố nội vụ, Ba-Đình sáng lập án lệ mới miễn tố hình sự cho những ai “ăn hối lộ không vụ lợi”, với nhiều dụng ý, gây xôn xao trong công luận.

Bà Trương mỹ Lan thành lập công ty Vạn Thịnh Phát (VTP) năm 1992, đến năm 2012 thì lập thêm ngân hàng Saigon Commercial Bank (SCB). Ngay từ đầu bà Lan đã âm mưu lập 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, làm 916 hồ sơ “ma” để rút ruột hơn 1.066.608 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, tương đương 12 tỷ Mỹ kim, bằng 6% GDP của Việt Nam năm 2022, và gây thiệt hại 64.000 tỷ đồng. Số tiền này là tiền SCB huy động từ người dân và doanh nghiệp khắp nước. Mãi đến ngày 7 tháng 10 năm 2022, bà Lan mới bị bắt để điều tra về tội ‘Đưa hối lộ’ và ‘Tham ô tài sản’ sau khi bà đã bị truy tố hồi năm ngoái về tội ‘Lừa đảo’ trong việc phát hành trái phiếu. Vụ này đang tiếp tục gây xôn xao tại Việt Nam. 

Cùng bị truy tố với bà Lan có 85 bị can khác, trong đó có các cựu lãnh đạo SCB và cán bộ NHNN, về nhiều tội khác nhau, như: ‘Tham ô’, ‘Nhận hối lộ’, ‘Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng’. Trong vụ này có 18 thanh tra dưới quyền bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) đến thanh tra ngân hàng SCB.

Theo báo chí trong nước, tất cả các thành viên trong đoàn thanh tra nói trên, đều đã nhận tiền để thay đổi kết quả thanh tra nơi SCB: khiến nợ xấu từ 91.000 tỷ đồng giảm xuống còn 53.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đang âm (-19.000 tỷ đồng) thành dương (+2.700 tỷ đồng), và hệ số an toàn vốn riêng lẻ cũng đang âm (-4%) thành dương (+6%). Riêng bà Đỗ Thị Nhàn với tư cách là Trưởng đoàn thanh tra đã nhận hối lộ đến 5,2 triệu Mỹ kim.

Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn văn Yên, chiều 22 tháng 11 cho biết, trong vụ án VTP, có (7) quan chức thanh tra trong đoàn giám sát SCB không bị truy tố hình sự, cho dù đã ăn hối lộ từ ngân hàng SCB nhưng được chính thức nhìn nhận là “không vụ lợi”[1].

Việc này theo Luật Sư Đặng đình Mạnh thì: khái niệmHối lộ nhưng không vụ lợichỉ là sự ngụy biện, cưỡng từ đoạt lý phát sinh một cách méo mó, tùy tiện trong nền tư pháp Việt Nam giai đoạn hiện nay mà thôi. Khái niệm đó không phải là chuẩn mực pháp lý.

Về phía dân chúng thì sôi sục bàn tán: “Bà chủ tập đoàn VTP có thể làm mưa làm gió gây thiệt hại lớn như vậy trong 30 năm ‘chắc chắn có sự bao che của các quan chức lớn”. Như thế, “trùm cuối” của vụ này thế lực cực mạnh, được đảng csVN bao che. Muốn cứu nguy trùm cuối, đảng csVN sáng lập khái niệm “nhận hối lộ không vụ lợi” thì được miễn tố, là cách dọn đường cho trùm cuối thoát thân – Một hình thức “đánh trận giả” biểu diễn chống tham nhũng!

Như thế, tự hậu quan tham nào để bị lộ mà biết chạy tiền đúng chỗ, thì được xếp vào loại “nhận hối lộ mà không vụ lợi” sẽ được miễn tố. Qua bao nhiêu thế hệ, dân Việt Nam đã vì miếng ăn phải rình rập đấu tố lẫn nhau; Nay do sáng kiến của đảng csVN, nền Tư Pháp Việt Nam có thêm án lệ “ăn hối lộ vô vụ lợi”; toàn dân lại bon chen trong môi trường vẩn đục mới. Còn quan tham nào lặn sâu, trốn kỹ thì được bảo vệ đến cùng. . . Có như vậy mới còn đảng csVN, vì gần như trong hệ thống đảng, người công chính, thanh liêm còn rất hiếm.

Để làm giảm cơn giận dữ của dân chúng, đảng csVN cho phép đại biểu Phạm văn Hòa, huênh hoang tại Quốc Hội hôm 21 tháng 11: Vụ VTP “có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ”.

Do nhìn nhận như trên của Đại Biểu Hòa, vụ VTP xem ra chỉ là một quân cờ domino đã đổ, nhiền quân cờ khác đang ngả nghiêng: Báo Thanh Tra Chính Phủ hôm mùng 9 tháng 11 nhìn nhận, nếu tính cả nhóm nợ Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thì tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đã lên tới 6,16% tổng dư nợ.  Theo số liệu từ NHNH, tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, trong đó khối BĐS chiếm 2,74 triệu tỷ đồng. Nợ xấu của riêng BĐS đã lên đến 79 ngàn tỷ đồng, tăng gần 35.000 tỷ so với cuối năm 2022.

Tổng nợ xấu của 28 ngân hàng được nhìn nhận trong tường trình tài chánh quý III năm 2023, tăng 52%, trong đó, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng tăng vọt lên gấp 2-3 lần. Trước đó, vào ngày 30 tháng 6, tổng nợ xấu của 28 NHTM chỉ tăng tăng 33%. Hiện nay có đến 4 NHTM có nợ xấu tăng đến 3 chữ số như: TPBank (tăng 294%), Sacombank (142%), LPBank (115%), MB (101%). 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 10 tháng năm 2023, có đến 50.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,9% so với cuối năm 2022. Như vậy, bình quân một tháng có 14,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy tình hình khó khăn của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay khiến họ không thể trả được những khoản vay của NHTM. Về phía NHTM muốn bán những tài sản thế chấp để trừ nợ, nhất là bất động sản (BĐS) đang trong tình trạng “đóng băng” còn ai dám mua!

Chỉ số Purchasing Managers’ Index (PMI) của Việt Nam tháng 11 năm 2023 là 47,4 thấp hơn tháng trước 3,2 điểm, dưới ngưỡng trung bình 2,6 điểm; cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh trong tháng. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đã giảm trở lại, trong khi niềm tin kinh doanh cũng giảm mạnh. Khó khăn của doanh nghiệp được phản ánh một phần vào kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 của các ngân hàng, ngoài sụt giảm tín dụng, chất lượng tài sản của nhóm này cũng suy giảm, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Đầu tháng 6 năm nay, báo Economy cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 thu nhập dịch vụ toàn ngành NHTM ghi nhận -2,6% so với cùng kỳ, thu nhập khác ghi nhận -15% so với cùng kỳ.[2]

Thực tế này bắt nguồn từ chủ trương níu kéo ý thức hệ chủ nghĩa xã hội đặt trọng tâm vào kinh tế quốc doanh, đưa đến Tài Chánh khá lem nhem phản ánh chân thực về nền kinh tế quốc doanh đầy khiếm khuyết. Thế nhưng hôm 16 tháng 11 Ba-Đình đã can đảm đưa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đến Hoa Kỳ gặp Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Jose Fernandez “xin xỏ” cho Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường. Đối với Hoa Kỳ, Việt cộng là một trong 13 nước có nền kinh tế phi thị trường, bao gồm cả Trung cộng.

Bộ Thương mại Mỹ nói là, sẽ xem xét đề nghị của Việt Nam, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ, trong thời gian 270 ngày, kể từ hôm 24/10/2023.”

Những chuyên gia kinh tế và luật sư chuyên theo dõi tình hình Việt Nam nhận định vụ án VTP với hơn 12 tỷ đô la bị biển thủ theo kết luận điều tra mới được công bố hồi tuần trước của Bộ Công an chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm trong hệ thống ngân hàng có nhiều yếu kém ở Việt Nam.

Theo chuyên gia Kinh Tế Bùi kiến Thành, tham nhũng đang là vấn đề lớn trong công tác giám sát, thanh tra hệ thống ngân hàng ở Việt Nam. Vì vậy, không riêng gì vụ ngân hàng SCB bị rút ruột số tiền lên đến 1.066.608 tỷ đồng. Hiện nay ở Việt Nam, bong bóng BĐS có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Ngân hàng cho vay rất là nhiều. Những tập đoàn lớn có khi tài sản chỉ có một nhưng nợ lên đến bảy, tám lần giá trị tài sản. Không đất nước nào cho vay như thế cả.

Bởi vì vẫn theo ông Bùi Kiến Thành: Phần lớn NHTM tại Việt Nam không đào tạo nhân viên chuyên nghiệp. NHTM cho vay có thế chấp kiểu như tiệm cầm đồ. Nhân viên ngân hàng không nghiên cứu tính chất khả thi và khả năng hoàn vốn của các dự án. Họ cứ nhìn vào tài sản thế chấp trên hồ sơ mà cho vay. Việc này tràn lan trên khắp các NHTM Việt Nam. Cho nên, không phải chỉ 12 tỷ Mỹ kim của ngân hàng SCB bị biển thủ, mà nó có thể lên đến mấy chục tỷ Mỹ kim nữa, chưa phát hiện ra.

Cho đến nay Quốc Hội chưa thể thông qua được Luật Các Tổ Chức Tín Dụng. Chắc các Đai Biểu còn cần thêm thời gian để tìm cho ra đường mòn “tham nhũng vô vị lợi” để bảo vệ quyền lợi chằng chịt, sở hữu chéo lưu cữu lâu nay.

Tình trạng này phát nguyên từ năm 2017, khi thực hiện tái cơ cấu hệ thống Tài Chánh Việt Nam, NHNN đã lần lượt phát hiện nhiều ngân hàng trên bờ vực phá sản. Để tránh nhiễu loạn xẩy trong xã hội, NHNN đã lần lượt mua lại bắt buộc (4) NHTM với giá “0” đồng. Bốn ngân hàng này gồm: Ngân hàng Đông Á (DongABank), Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank).

Trường hợp để NHTM phá sản, theo luật Việt Nam, trước đây, chỉ đền bù 25 triệu cho một chủ tài khoản. Nhưng từ ngày 5 tháng 8 năm 2017 luật được sửa đổi nâng tiền đền bù thành 75 triệu cho mỗi tài khoản, không cần biết tiền gởi bao nhiêu trong NHTM. [3]

Dân chúng có thể nhiều người không biết cách đền bù kiểu “ăn cướp” này, nhưng quan tham thì biết rõ, nên họ sắm sẵn cơ ngơi ở các nước tư bản bằng tiền tham nhũng để phòng thân khi ngã ngựa. Hiện tượng này làm “mất máu” trong nền Kinh Tế, Ba-Đình lâu nay vẫn chấp nhận.

Trần nguyên Thao
Dec 1st, 2023

[1] https://vnexpress.net/mien-trach-nhiem-hinh-su-nguoi-khong-vu-loi-khi-nhan-tien-cua-scb-4680049.html

[2] Nhiều dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng âm trong năm 2023 – Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới (vneconomy.vn)

[3] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Controversy-about-bank-bankruptcy-and-75-million-compensation-10272017130618.html

Bài liên quan:
  • Chiến thuật biển người của Putin ở Ukraine không thể tồn tại mãi
    Alexey Kovalev
  • THƯƠNG CHIẾN CẬN KỀ, Ba-Đình chia xé!
    Trần nguyên Thao
  • Châu Âu đã hết thời gian để điều chỉnh chính sách quốc phòng
    Norbert Röttgen
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 1/12/2024. Người Việt ở Mỹ tích cực tham gia chính trị dòng chính! Tô Lâm củng cố quyền lực: Đưa thêm củi vào lò?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trump 2.0 có thể khiến Trung Quốc đau đầu ở Đông Nam Á
    Derek Grossman