Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Nhiều Tiểu Bang Của Hoa Kỳ Bị Tấn Công Mạng Có Liên Quan Đến Iran

Nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ đang cảnh báo rằng các tin tặc có liên quan đến Iran đã nhắm mục tiêu vào các hệ thống cấp nước của Hoa Kỳ và các ngành kỹ nghệ khác vốn sử dụng bộ điều khiển logic (PLC) do công ty Unitronics của Israel sản xuất, trong khi cuộc chiến giữa Israel-Hamas đang diễn ra.

Trong một cảnh báo hôm 01/12, các cơ quan này cho biết, chí ít là từ hôm 22/11, các tin tặc liên kết với Quân Đoàn Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo (IRGC) đã tham gia vào “hoạt động mạng độc hại” nhắm vào các thiết bị kỹ nghệ PLC. Đây là thiết bị được sử dụng trong lãnh vực hệ thống cấp nước và xử lý nước thải của Mỹ cũng như trong các ngành kỹ nghệ khác bao gồm sản xuất năng lượng, thực phẩm, và đồ uống.

Các cơ quan đưa ra cảnh báo bao gồm FBI, Cơ quan An Ninh Mạng và Cơ Sở Hạ Tầng (CISA), và Cơ quan An Ninh Quốc Gia (NSA), trong đó Tổng cục Mạng Quốc Gia Israel (INCD) đã tham gia cùng các cơ quan của Hoa Kỳ trong vai trò cố vấn.

Các cơ quan cho biết, nhóm tấn công mạng có liên kết với IRGC (được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau là CyberAv3ngers, CyberAveng3rs, hoặc Cyber ​​Avengers) đã xâm nhập các thiết bị Unitronics ít nhất là từ hôm 22/11.

Sau khi xâm nhập các thiết bị PLC ở nhiều tiểu bang, CyberAv3ngers đã để lại thông báo trên màn ảnh, như sau: “Các người đã bị tấn công, thảm bại cùng với Israel. Mọi thiết bị ‘sản xuất tại Israel’ đều là mục tiêu của CyberAv3ngers”.

Nhóm tin tặc mạng này đã nhận trách nhiệm về nhiều cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Israel bắt đầu từ năm 2020 và gần đây nhóm này đã chuyển sự chú ý sang các mục tiêu ở Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ là đồng minh chủ chốt của Israel trong cuộc chiến với nhóm khủng bố Hamas sau vụ tấn công hôm 07/10 nhắm vào Israel.

Một cuộc tấn công nổi bật của CyberAv3ngers nhắm vào cơ quan cấp nước gần Pittsburgh hồi cuối tuần trước (02-03/12) đã khiến các nhà lập pháp Quốc Hội yêu cầu Bộ Tư Pháp (DOJ) tiến hành một cuộc điều tra và đưa ra cảnh báo mới nhất đối với nhiều cơ quan rằng các công ty tiện ích cấp nước và xử lý nước thải khác cũng như các ngành kỹ nghệ khác cũng có thể dễ dàng trở thành mục tiêu.

Theo Unitronics, các thiết bị PLC kiểm soát các quy trình bao gồm áp suất, nhiệt độ, và dòng chất lỏng.

Hôm 25/11, một cuộc tấn công mạng của nhóm liên kết với Iran đã nhắm vào Cơ quan Cấp nước Thành phố Aliquippa, buộc cơ quan này phải chuyển sang vận hành thủ công. Tuy nhiên, các viên chức cho biết phẩm chất nước không bị ảnh hưởng.

CISA cho biết trong thông báo hôm 28/11 rằng: “Cơ quan cấp nước của thành phố bị ảnh hưởng, và đã ngay lập tức cho dừng hoạt động hệ thống và chuyển sang vận hành thủ công — không có rủi ro nào đối với nguồn nước uống hoặc nguồn cung cấp nước của thành phố”.

Mặc dù phẩm chất nước lần này không bị ảnh hưởng nhưng CISA cho biết, các cuộc tấn công mạng như vậy có khả năng đe dọa khả năng cung cấp nước uống sạch cho người dân và quản lý nước thải một cách hiệu quả của hệ thống nước và nước thải.

CISA cho biết, các tin tặc đã thực hiện cuộc tấn công bằng cách khai thác các điểm yếu về an ninh mạng, gồm mật khẩu có tính bảo mật kém và các thông tin bị lộ trên Internet. Cơ quan này kêu gọi các cơ sở cấp nước và xử lý nước thải thực hiện các biện pháp phòng ngừa bao gồm thay đổi mật khẩu và ngắt kết nối PLC khỏi mạng Internet mở.

Một số công ty an ninh mạng có trụ sở tại Pittsburgh cho biết các công ty tiện ích dễ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng nhắm vào kỹ nghệ vận hành vì nhiều hệ thống trong số này đã lỗi thời và không được giám sát thường xuyên.

Trong cảnh báo mới nhất, CISA và các cơ quan khác đã chia sẻ một số chỉ báo về sự xâm phạm (IOC), cũng như các chiến thuật, kỹ thuật, và thủ tục (TTP) liên quan đến hoạt động của nhóm tấn công mạng có liên kết với Iran.


Apple Cập Nhật Nhu Liệu Bảo Mật Khẩn Cấp Cho Iphone vì Lỗ Hổng

Tin tặc đã khai thác các lỗ hổng trong web browser Safari của Apple và các hệ điều hành của iPhone, iPad, và Mac, dẫn đến việc Apple phải phát hành các bản cập nhật bảo mật.

Apple đã phát hành các bản cập nhật bảo mật khẩn cấp cho iOS và các hệ điều hành khác để vá các lỗ hổng mà Apple và các viên chức an ninh mạng Hoa Kỳ đều cho rằng đang bị tin tặc tích cực khai thác.

Các bản cập nhật bảo mật của Apple vá các lỗ hổng trong hệ điều hành được thiết kế cho iPhone, iPad, và Mac cũng như web browser Safari.

Cụ thể, các bản cập nhật nhu liệu dành cho iOS cùng iPad 17.1.2, macOS 14.1.2, và Safari 17.1.2. Apple cũng lưu ý rằng các bản vá lỗi đã khắc phục hai lỗ hổng trong WebKit, nhu liệu hỗ trợ Safari và các ứng dụng khác.

Các lỗ hổng, mà Apple cho biết đã được Nhóm Phân Tích Mối Đe Dọa của Google phát giác, cho phép tin tặc cài nhu liệu gián điệp hoặc các loại mã độc hại khác vào thiết bị của người dùng qua Internet.

Một trong những lỗ hổng của Webkit cho phép tin tặc đánh cắp thông tin nhạy cảm của người dùng bị lộ trong quá trình xử lý nội dung web. Lỗ hổng còn lại của Webkit có thể dẫn đến việc thực thi mã tùy ý.

CISA cho biết trong một cảnh báo: “Tác nhân đe dọa trên mạng có thể khai thác một trong những lỗ hổng này để chiếm quyền kiểm soát của một hệ thống bị ảnh hưởng”.

Các bản cập nhật bảo mật cho iOS và iPadOS được cung cấp cho các thiết bị sau: iPhone XS trở lên, iPad Pro 12.9 inch từ thế hệ thứ 2 trở lên, iPad Pro 10.5 inch, iPad Pro 11 inch từ thế hệ 1 trở lên, iPad Air từ thế hệ thứ 3 trở lên, iPad từ thế hệ thứ 6 trở lên, và iPad mini từ thế hệ thứ 5 trở lên.


Ủy Ban Quốc Hội Kêu Gọi Hoa Kỳ Mở Rộng Kho Vũ Khí Hạch Tâm

Theo một báo cáo mới của Quốc hội, Hoa Kỳ phải mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạch tâm của mình ngoài những thay đổi đã được trù hoạch để ngăn chặn hành động gây hấn kết hợp từ Trung Cộng và Nga.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc Hội về Vị Thế Chiến Lược của Hoa Kỳ cho biết, năng lực hạch tâm theo kế hoạch “hạn chế” khả năng của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn một cách hiệu quả một cuộc chiến tranh với Trung Cộng và Nga.

Báo cáo cho biết: “Căn cứ vào các quỹ đạo đe dọa hiện tại, quốc gia của chúng ta sẽ sớm đối diện với một bối cảnh toàn cầu về căn bản là khác biệt so với những gì đất nước từng trải qua: chúng ta sẽ phải đối mặt với một thế giới nơi hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạch tâm ngang bằng với chúng ta”.

“Quy mô và thành phần của lực lượng hạch tâm phải tính đến một cuộc gây hấn kết hợp có thể xảy ra từ Nga và Trung Cộng”.

Báo cáo nhấn mạnh rằng trên thực tế, một cuộc xung đột mới với một hoặc cả hai cường quốc nói trên có thể dẫn đến thảm họa hạch tâm và sẽ cần phải được ngăn chặn.

Báo cáo viết, “Nguy cơ đối đầu với Trung Cộng, Nga, hoặc cả hai đang ngày càng gia tăng. Điều này bao gồm nguy cơ xung đột quân sự. Không giống như Đệ nhất Thế chiến và Đệ nhị Thế chiến, một cuộc xung đột quyền lực lớn trong thế kỷ 21 có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh hạch tâm quy mô lớn”.

Nói chung, báo cáo nói rằng các kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hạch tâm của quốc gia hiện nay là “cần thiết, nhưng chưa đủ. Các yêu cầu về lực lượng hạch tâm chiến lược được khai triển sẽ tăng lên đối với Hoa Kỳ trong một môi trường đầy rẫy mối đe dọa”.

Ông Marshall Billingslea, thành viên cao cấp của Viện Hudson, đồng tác giả của báo cáo, cho biết yếu tố then chốt trong việc ra quyết định của ủy ban là việc Trung Cộng nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạch tâm của mình. Ông nói, “Họ đang trên đà cạnh tranh hoặc có thể vượt qua số lượng vũ khí hạch tâm hiện có mà chúng ta đang có”.

Bình luận của ông Billingslea tham chiếu thông tin từ Báo Cáo Sức Mạnh Quân Sự Trung Cộng gần đây nhất của Ngũ Giác Đài, cho rằng chế độ này có thể đã có 500 đầu đạn hạch tâm được khai triển và sẽ có hơn 1,000 đầu đạn vào năm 2030.

Hơn nữa, xét đến quy mô và sức mạnh kinh tế của Trung Cộng, ông cho rằng Hoa Kỳ không thể dựa vào các phương pháp kinh tế mang tính cưỡng chế để đưa Trung Cộng vào bàn đàm phán không phổ biến vũ khí hạch tâm.


Chiến Hạm Hoa Kỳ Và Nhiều Tàu Thương Mại Bị Tấn Công Ở Hồng Hải

Hôm Chủ nhật (03/12), Ngũ Giác Đài xác nhận rằng một chiến hạm quân sự của Hoa Kỳ và một số tàu thương mại đã bị tấn công ở Hồng Hải.

Một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài nói với báo chí rằng: “Chúng tôi đã biết về các báo cáo liên quan đến các cuộc tấn công vào tàu USS Carney và các tàu thương mại ở Hồng Hải, và sẽ cung cấp thông tin sau khi chúng tôi có them tin tức”. Các chi tiết khác không được cung cấp.

Theo Bộ Tư Lệnh Trung Ương Hoa Kỳ trong một tuyên bố đưa ra hồi tuần trước, tàu USS Carney đã bắn hạ một số drone (phi cơ không người lái) và phi đạn.

US warship shot down a drone

Báo chí dẫn lời các viên chức ẩn danh của Ngũ Giác Đài hoặc của quân đội, cho biết tàu USS Carney đã bị tấn công trong năm tiếng đồng hồ. Cuộc tấn công này dường như do nhóm chiến binh Houthi ở Yemen phát động, cũng nhắm vào MV Unity Explorer, một tàu chở hàng rời mang cờ Bahamian, sau khi tàu thương mại này đưa ra lời kêu cứu và tàu USS Carney đã phản ứng.

Quân đội Vương quốc Anh cho biết trước đó vào sáng Chủ Nhật rằng đã có một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái khả nghi và các vụ nổ ở Hồng Hải. Nhưng không cho thêm chi tiết.

Ông Yahya Saree, một phát ngôn viên quân sự của lực lượng Houthi, cho biết thông qua một hãng thông tấn quốc doanh của Yemen rằng một tàu đã bị trúng một phi đạn và tàu thứ hai bị phi cơ không người lái tấn công khi đang ở Eo biển Bab el-Mandeb nối liền Hồng Hải với Vịnh Aden. Ông mô tả các con tàu được cho là đã phớt lờ cảnh báo từ các viên chức Houthi trước cuộc tấn công đó.

Ông tuyên bố: “Thật là tự hào và vinh dự đối với chúng tôi ở Yemen khi chúng tôi đã đảm nhận một vị trí danh dự sẽ lưu danh muôn thuở trong lịch sử trong việc ủng hộ Gaza và Palestine, tiến hành cuộc chiến đối đầu với kẻ thù theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái”.

Một sĩ quan cao cấp của Yemen, ông Saree cho biết “các cuộc tấn công nhằm vào tổ chức chiếm đóng này bằng phi đạn đạn đạo và phi đạn có cánh cũng như phi cơ không người lái, đồng thời ngăn chặn các tàu của kẻ thù Israel và các bên hợp tác với họ đi qua Hồng Hải và Bab al-Mandab cho đến khi nước này ngừng gây hấn với Dải Gaza”.

“Các lực lượng vũ trang Yemen tiếp tục ngăn chặn các tàu Israel đi qua Hồng Hải (và Vịnh Aden) cho đến khi hành động gây hấn của Israel chống lại những người anh em kiên định của chúng tôi ở Dải Gaza dừng lại”.

Theo thông tấn The Associated Press thì “Các lực lượng vũ trang Yemen một lần nữa gửi cảnh báo tới tất cả các tàu của Israel hoặc những tàu có liên quan đến Israel rằng họ sẽ trở thành một mục tiêu”.

Tuy nhiên, vị viên chức này không nói rõ về cuộc tấn công kể trên, bao gồm cả việc liệu mục tiêu có phải là một chiến hạm Mỹ hay không. Nhưng ông cho rằng cuộc tấn công được thực hiện để đáp trả cuộc xung đột Israel-Hamas, nổ ra sau khi Hamas tiến hành một loạt cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Israel hôm 07/10, khiến hàng trăm thường dân thiệt mạng. Kể từ đó, Israel đã tiến hành một chiến dịch oanh tạc quy mô lớn chống lại Hamas, trong khi các viên chức ở Gaza tuyên bố cho đến nay đã có hơn 10,000 người thiệt mạng.


Đảng Cộng Hòa Hạ Viện Yêu Cầu Ông Jack Smith Cung Cấp Tài Liệu

Hôm thứ Sáu (01/12), ba nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã yêu cầu Biện lý Đặc biệt Jack Smith cung cấp các tài liệu liên quan đến các cáo trạng hình sự mà ông đã gởi cho cựu Tổng thống Donald Trump. Ba nhà lập pháp này cáo buộc ông Smith có động cơ chính trị khi theo đuổi các cáo trạng này.

Jack Smith

Bức thư hôm 01/12 gửi cho ông Smith viết rằng, “Ủy ban lo ngại rằng cuộc điều tra chưa từng có và các vụ truy tố ồn ào của ông nhắm vào cựu Tổng thống Trump không phải là do việc thực thi công lý theo pháp luật, mà là một nỗ lực (có tính toán) nhằm sử dụng hệ thống tư pháp hình sự để bôi nhọ cựu tổng thống trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024”.

Ba người ký vào bức thư là Dân biểu James Comer (Cộng Hòa-Kentucky), Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, Dân biểu Anna Paulina Luna (Cộng Hòa-Florida), và Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), Chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện. Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện có thẩm quyền tiến hành giám sát điều tra đối với Bộ Tư Pháp và đưa ra các dự luật để tác động đến hành động của cơ quan này.

Ba nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa này đã yêu cầu biện lý đặc biệt giao nộp các tài liệu liên quan đến thẩm quyền của ông Smith trong việc cung cấp quyền miễn trừ cho các nhân chứng và triệu tập đại bồi thẩm đoàn, cũng như bất cứ thông tin liên lạc nào có thể nói lên bất cứ sự giám sát nào từ Bộ Tư Pháp liên quan đến quyết định của ông Smith đối với vụ truy tố cựu Tổng thống Trump.

Ông Smith đang dẫn đầu hai bản cáo trạng hình sự liên bang nhắm vào cựu Tổng thống Trump. Một vụ truy tố liên quan đến việc cựu tổng thống giải quyết các tài liệu mật và hành động được cho là cản trở công lý; và một vụ truy tố khác liên quan đến cáo buộc cựu tổng thống cố gắng lật ngược cuộc bầu cử năm 2020. Cựu Tổng thống Trump đã không nhận tội trong cả hai vụ án này.

Trong bức thư yêu cầu những tài liệu này, các nhà lập pháp đã có câu hỏi về quyền truy tố của ông Smith trong việc đưa ra các cáo buộc chung về âm mưu chống lại cựu Tổng thống Trump, cho thấy rằng ông Smith đã áp dụng cách giải thích luật quá rộng; và họ lập luận rằng Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ “đã nhất quán lật ngược các bản án hình sự chống lại các viên chức công vụ và các bên tư nhân dựa trên các lý thuyết truy tố rộng rãi được đưa ra theo các đạo luật hình sự chung”.

Các nhà lập pháp đã viết trong bức thư, rằng nếu ông Smith không đưa ra “bất cứ hồi đáp có ý nghĩa nào” cho các yêu cầu thì họ “sẽ xem xét việc sử dụng quy trình bắt buộc”, dường như đề cập đến quyền ban hành trát lệnh của Uỷ Ban.

Các dân biểu Đảng Cộng Hòa khác tại Hạ Viện, dựa trên cáo buộc rằng ông Smith đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 khi truy tố ông Trump, đã giới thiệu dự luật sử dụng quyền lực hầu bao của Hạ Viện để hạn chế nguồn tài trợ hoặc tiền lương của ông Smith.

Dự luật đó có tiêu đề “Rút lại Phí tổn cho một Hành động Phi đạo đức, Tàn nhẫn Cản trở Cuộc tranh biện Bầu cử Mạnh mẽ” đang chờ Ủy ban Tư pháp Hạ Viện giải quyết. Dự luật này được viết tắt là “YOU’RE FIRED” (Ông bị sa thải).


Chính Phủ TT Biden Ký Hiệp Ước Khí Hậu Mới

Hôm thứ Bảy (02/12), ông John Kerry, đặc phái viên của tổng thống về các vấn đề khí hậu, đã loan báo rằng Hoa Kỳ đã “tự hào” cam kết không xây dựng bất cứ nhà máy điện than mới nào và loại bỏ hoàn toàn những nhà máy điện than hiện có.

Ông Kerry tuyên bố hôm 02/12, trong đó ông cho biết rằng Hoa Kỳ đã chính thức tham gia vào một liên minh gồm 56 quốc gia khác đều có kế hoạch loại bỏ than dưới danh nghĩa biến đổi khí hậu. Ông nói, “Để đạt được mục tiêu 100% điện không gây ô nhiễm và phi carbon vào năm 2035, chúng ta cần loại bỏ dần than chưa được giảm phát thải”.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực đẩy nhanh việc loại bỏ than chưa được giảm phát thải trên toàn thế giới, xây dựng nền kinh tế mạnh mẽ hơn và cộng đồng bền vững hơn. Bước đầu tiên là ngừng làm cho vấn đề này trở nên trầm trọng hơn: dừng xây dựng các nhà máy điện than mới chưa được giảm phát thải”.

Mặc dù thời điểm mà chính phủ Biden dự định đóng cửa các nhà máy than hiện có của Mỹ vẫn chưa được đưa ra, nhưng các hành động pháp lý khác của chính phủ sẽ tập trung vào năm 2035, năm chấm dứt việc sử dụng than.

Hiệp ước chống điện than mà ông Kerry cho biết Hoa Thịnh Đốn vừa tham gia có tên là Liên minh Power Past Coal, được thành lập cách đây sáu năm và có 50 thành viên cho đến hôm thứ Bảy, khi Hoa Kỳ, Cộng hòa Czech, Cộng hòa Dominica, Iceland, Kosovo, và Na Uy tham gia, nâng tổng số thành viên lên 56.

Trích dẫn Lộ trình Net Zero của IEA, Liên minh Power Past Coal cho biết trong một tuyên bố hôm 02/12 rằng, để “bảo đảm cho mục tiêu 1.5°C”, các nền kinh tế tân tiến như Hoa Kỳ cần chấm dứt ngay việc xây dựng nhà máy điện than mới và loại bỏ dần các nhà máy hiện có vào năm 2030 và đến năm 2040 ở phần còn lại của thế giới.

Mức 1.5°C, lần đầu tiên được thiết lập trong Thỏa thuận Paris năm 2015, nhằm mục đích hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1.5°C vào năm 2100.

Năm 2022, các nhà máy nhiệt than tạo ra 36% điện năng trên toàn cầu, vượt xa tất cả các nguồn khác. Hơn một nửa sản lượng điện này là ở Trung Cộng, quốc gia đang xây dựng các nhà máy điện than mới với tốc độ nhanh chóng, không bị cản trở bởi các cam kết và mục tiêu về khí hậu khác nhau mà nhà cầm quyền Trung Cộng chỉ hứa suông.

Ba nước tiếp theo đóng góp nhiều nhất cho sản lượng nhiệt than toàn cầu là Ấn Độ, Hoa Kỳ, và Nhật Bản, cùng chiếm khoảng 25% tổng sản lượng.

Các dự án điện than đã tăng vọt ở Trung Cộng vào năm 2022 mặc dù Trung Cộng cũng cam kết cắt giảm tiêu thụ than vào cuối thập niên này.

Theo một báo cáo hồi tháng Hai của tổ chức Giám Sát Năng Lượng Toàn Cầu và Trung tâm Nghiên Cứu Năng Lượng và Không Khí Sạch (CREA), vào năm 2022, việc xây dựng nhà máy điện than bắt đầu, các dự án mới được công bố, và việc cấp phép xây dựng nhà máy điện than “gia tăng đáng kể” ở Trung Quốc. Cả hai tổ chức này cho biết rằng khoảng hai nhà máy điện than mới được cấp phép mỗi tuần ở Trung Quốc.

Báo cáo cho biết, “Các nhà máy với tổng số công suất điện than 50 GW đã bắt đầu được xây dựng ở Trung Cộng vào năm 2022, với công suất tăng hơn 50% so với năm 2021. Nhiều dự án trong số này đã được cấp phép nhanh chóng và tiến hành xây dựng chỉ trong vài tháng”.


Dân Biểu James Comer Tuyên Bố Sẽ Đưa Ông Hunter Biden Ra Tòa

Dân biểu James Comer (Cộng Hòa-Kentucky), dân biểu Cộng Hòa tại Hạ Viện Hoa Kỳ, sẵn sàng đưa con trai của tổng thống Joe Biden ra tòa nếu ông này từ chối có mặt để cho lời khai.

Mới đây, ông Comer đã ban trát lệnh cho con trai và em trai của Tổng thống Biden như một phần của cuộc điều tra của Hạ Viện về các giao dịch kinh doanh của gia đình này.

Joe and Hunter Biden

Dưới thời cựu Chủ tịch Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), Hạ Viện đã khởi động một cuộc điều tra đàn hặc tổng thống mà không thông qua một cuộc bỏ phiếu nào. Đảng Cộng Hòa dự định sẽ sớm bỏ phiếu về vấn đề này, như đã từng làm với cựu Tổng thống Donald Trump dưới thời cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California).

Ông Comer nói, “Tôi cho rằng Hạ Viện sẽ chính thức bỏ phiếu để đưa cuộc điều tra đàn hặc trở thành chính thức. Đây chính là tiến trình mà bà Pelosi đã thực hiện trước đây. Và họ sẽ không thể chứng minh trước tòa nếu tìm cách bác bỏ trát lệnh của chúng tôi”.

Trát lệnh yêu cầu ông Hunter Biden phải có mặt ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 13/12. Đảng Cộng Hòa cho biết việc ông trình diện sẽ được tiến hành trong cuộc họp kín.

Ông Comer nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng, “Chúng tôi mong đợi sự hợp tác hoàn toàn với trát lệnh của chúng tôi để lấy lời khai và, ông Hunter Biden sẽ có cơ hội làm chứng trước công chúng vào một ngày trong tương lai”.

Trong thư trả lời hôm thứ Sáu (01/12), ông Comer và Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), Chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, nói với ông Lowell, luật sư của ông Hunter Biden, rằng việc lấy lời khai của ông Hunter Biden sẽ diễn ra “trong một hình thức điều trần” hoặc riêng tư.


Những Chuyên Gia Từng Ủng Hộ Việc Phong Tỏa; Thừa Nhận Mình Sai

Khi đại dịch COVID-19 lắng xuống và hậu quả của các chính sách phong tỏa trở nên rõ ràng hơn, một số người từng ủng hộ việc phong tỏa, như Giáo sư Scott Galloway của Đại học New York, đã thừa nhận rằng họ đã sai khi ủng hộ chính sách này.

Ông Galloway nói với ông Bill Maher, “Suốt đại dịch COVID, tôi là thành viên trong hội đồng trường của con tôi. Tôi muốn có một chính sách phong tỏa khắc nghiệt hơn. Nhìn lại, tôi đã sai”.

Đề cập đến Trung tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh và Thống đốc New York đương thời Andrew Cuomo, ông nói, “Khi để cho trẻ em nghỉ học lâu, sẽ gây thiệt hại cho các em lớn hơn so với rủi ro. Đây là điểm mấu chốt, bản thân tôi và những chuyên gia ở CDC, kể cả thống đốc nữa, tất cả chúng tôi đều hoạt động với những thông tin không hoàn hảo”.

Ông nói thêm, “Chúng ta hãy học kinh nghiệm lần này. Chúng ta hãy chịu trách nhiệm với nhau, mong được sự thông cảm và tha thứ”.

Ông Galloway không phải là người duy nhất thừa nhận mình đã sai khi ủng hộ việc phong tỏa, đặc biệt là đối với trẻ em. Tuy nhiên, một số người khác không quy trách nhiệm cho “thông tin không hoàn hảo”, và xin được tha thứ.

Tiến sĩ Ari Joffe, một giáo sư lâm sàng về nhi khoa tại Đại học Alberta, Canada, đồng thời là bác sĩ chính về Cấp Cứu Nhi Khoa, ban đầu cũng đã ủng hộ việc phong tỏa.

Ông Kevin Bass, sinh viên y khoa năm thứ bảy và là nhà nghiên cứu tại một trường y khoa ở Texas, cũng vậy.

Giờ đây, cả hai đều nói rằng họ đã sai vì “suy nghĩ theo đám đông”“sợ hãi”, chứ không phải vì thông tin không hoàn hảo.

Và cả hai không đồng ý với quan điểm của ông Galloway rằng các nhà chức trách đã “làm hết sức mình”.

Vào ngày 16/03/2020, Nhóm Ứng phó Đại dịch COVID-19 của Đại học Hoàng gia đã công bố việc mô hình cho thấy nếu không áp dụng phong tỏa trong hai năm, thì “sẽ có 510,000 người tử vong ở Anh quốc và 2.2 triệu người tử vong ở Hoa Kỳ vào giữa tháng Tư, vượt nhu cầu chăm sóc đặc biệt (ICU) tới 30 lần”, Tiến sĩ Joffe viết trong bài báo có nhan đề “COVID-19: Suy nghĩ lại về Tư duy tập thể trong Quá trình phong tỏa” của ông.

Đại học Hoàng gia ước tính rằng sẽ có “7.0 tỷ ca nhiễm bệnh và 40 triệu ca tử vong” trên toàn cầu trong năm đầu tiên.

Tiến sĩ Joffe cho biết, hậu quả đi đến những con số đó chính là nỗi sợ hãi lan rộng và ông không tránh khỏi điều đó. Do đó, ông hoàn toàn ủng hộ các biện pháp phong tỏa do chính phủ áp dụng vào thời đầu đại dịch vì ông tin rằng “việc phong tỏa sẽ làm giảm sự lây truyền virus và số ca tử vong, như đã được thiết lập theo mô hình nổi tiếng, không chính xác, và lặp lại ở Đại học Hoàng gia”.

Ông Bass, người đã nói vào thời đầu đại dịch rằng ông là một người theo chủ nghĩa COVID cứng rắn, cho biết mô hình của Đại học Hoàng gia cũng như các báo cáo từ Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự ủng hộ ban đầu của ông đối với việc phong tỏa.

Ông Bass nói với The Epoch Times, “Họ nói rằng virus này sẽ gây tử vong cho 3.4% số người bị nhiễm — đó là con số của Tổ chức Y Tế Thế Giới cho đến đầu tháng Tư — 3.4%, quá nhiều người! Điều đó giống như cứ 30 người thì có một người sẽ tử vong. Sau đó, chúng tôi có các mô hình của Đại học Hoàng gia London để mô hình hóa số ca tử vong do đại dịch trong các tình huống khác nhau, dù được giảm nhẹ hay không được giảm nhẹ, mà không áp dụng biện pháp phong tỏa hay các biện pháp nào khác”.

“Và về căn bản là không có dữ kiện nào khác. Tôi nghĩ, vì sự cuồng loạn, sợ hãi, và có lẽ là do cả ví dụ của Trung Cộng, mọi người — các nhà khoa học, nhà khoa học xã hội — đã quá tin tưởng vào các mô hình của Đại học Hoàng gia London”.

Nhưng khi đại dịch diễn ra, Tiến sĩ Joffe và ông Bass bắt đầu suy nghĩ lại về việc phong tỏa mà hai ông đã ủng hộ vào lúc ban đầu.


Các Thượng Nghị Sĩ Đảng Cộng Hòa Kêu Gọi Cấm Du Lịch Trung Cộng Để Tránh Bệnh Viêm Phổi

Trong tuần này (27/11-03/12), một số nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden thực hiện một lệnh cấm đi lại đối với Trung Cộng để ngăn chặn sự bùng phát các ca viêm phổi mới đây, trong đó có các nhóm bùng phát được báo cáo ở Ohio và Massachusetts.

Cuối tháng trước (tháng 11/2023), đã xuất hiện một cảnh báo về sự gia tăng các ca viêm phổi ở trẻ em tại Trung Quốc, làm dấy lên lời kêu gọi minh bạch từ Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) của Liên Hiệp Quốc. Kể từ đó, các ca viêm phổi ở trẻ em đã được phát giác tại một số quốc gia khác, mặc dù không rõ liệu các ca bệnh này có liên quan hay không.

Trong một bức thư, các nghị sĩ đã trích dẫn “quá trình nói dối lâu nay của Trung Cộng về các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng” và kêu gọi chính phủ liên bang hành động để bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ và sức khỏe của người Mỹ.

Các nhà lập pháp đã viết, “Trong đại dịch COVID-19, việc Trung Cộng che giấu sự thật, và thiếu minh bạch đã ngăn cản Hoa Kỳ có được những hiểu biết quan trọng về căn bệnh này và nguồn gốc của dịch bệnh”. Họ đề cập đến những cáo buộc rằng nhà cầm quyền Trung Cộng đã không cảnh báo cho Hoa Kỳ và các cơ quan có thẩm quyền khác trên toàn thế giới về loại virus corona gây ra bệnh viêm đường hô hấp giống như Covid-19, đang lây lan ở miền trung Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Các nghị sĩ đảng Cộng Hòa viết, “Điều đó có nghĩa là chúng ta nên hạn chế ngay việc đi lại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng cho đến khi chúng ta biết thêm về mối nguy hiểm do căn bệnh mới này gây ra. Một lệnh cấm đi lại ngay bây giờ có thể ngăn ngừa cho đất nước chúng ta khỏi những tổn thất về nhân mạng, những đợt phong tỏa, những quy định bắt buộc, hay cả những đợt bùng phát tiếp theo sau này”.

Các Nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), Mike Braun (Cộng Hòa-Indiana), J.D. Vance (Cộng Hòa-Ohio), Rick Scott (Cộng Hòa-Florida), Tommy Tuberville (Cộng Hòa-Alabama), và Markwayne Mullin (Cộng Hòa-Oklahoma) đã ký vào bức thư này. Họ còn viết rằng, một lệnh cấm đi lại nhắm vào Trung Cộng đã được cựu Tổng thống Donald Trump thực hiện vào đầu năm 2020.

Các vị nghị sĩ này viết cho ông Joe Biden rằng,

“Nhiều viên chức và nhà bình luận — kể cả ông — đã chỉ trích quyết định của ông Trump có ‘tư tưởng bài ngoại.’ Nhưng những gì đã diễn ra và những hậu quả cho thấy quyết định của ông Trump là đúng đắn”.

Cho đến nay, Tòa Bạch Ốc chưa có lời nói nào về sự gia tăng các ca bệnh bí ẩn đang diễn ra ở Trung Quốc.


Hàng Triệu Người Mỹ Đang Mắc Bẫy Do Trung Cộng Giăng Ra

Theo một báo cáo mới của Pew, ngày càng nhiều người trưởng thành ở Hoa Kỳ thừa nhận rằng họ thường xuyên nhận tin tức trên TikTok. Báo cáo lưu ý, “Điều này trái ngược với nhiều trang truyền thông xã hội khác, nơi mà lượng tiếp nhận tin tức đã giảm hoặc không thay đổi trong những năm gần đây”.

Điều này sẽ khiến tất cả độc giả nào quan tâm đến Hoa Kỳ đều phải lo lắng. Như báo cáo này chứng minh rõ ràng, TikTok là một ứng dụng nguy hiểm đến mức không thể ngờ được, và rất có thể đang bị Trung Cộng đang dùng như một thứ vũ khí. Cụ thể hơn, ứng dụng này đang được Trung Cộng sử dụng để gây chia rẽ thêm cho một đất nước vốn đã bị chia rẽ một cách nguy hiểm rồi.

Báo cáo của Pew nêu rõ, kể từ năm 2020, tỷ lệ người trưởng thành ở Hoa Kỳ thường xuyên nhận tin tức từ TikTok “đã tăng hơn gấp bốn lần”, từ 3% trong ba năm trước lên 14% vào năm 2023.

Các tác giả của báo cáo đáng suy ngẫm này cho biết thêm, hiện nay “43% người dùng TikTok cho hay họ thường xuyên nhận được tin tức trên trang này, tăng từ 33% trong năm 2022”.

Không hiếm khi các ký giả ở cả hai phe chính trị đồng ý về một vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, với TikTok — từ New York Post đến New York Times, Washington Post đến Washington Examiner — mọi người dường như đều đồng ý rằng TikTok là một ứng dụng đầy phá hoại.

Điều này giải thích tại sao Nepal mới đây đã cấm TikTok, cho rằng nền tảng này lan truyền nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến “sự hòa hợp xã hội”. Ấn Độ, một nước láng giềng của Nepal, cũng đã cấm TikTok — vì lý do chính đáng.

Đầu năm nay, The Guardian đã xuất bản một bài viết, cho thấy một cách tỉ mỉ cách xem TikTok là một phần trong “chiến dịch chiến tranh nhận thức” của Trung Cộng.

TikTok là sự bổ sung mới nhất cho lĩnh vực nhận thức trong chiến dịch quân sự của Trung Cộng. Nói tóm lại, tâm thức, trí óc con người là một chiến trường mới, và Trung Cộng sử dụng TikTok như một thứ vũ khí để tấn công vào 150 triệu người Mỹ đang sử dụng TikTok.

Ông James Giordano, một chuyên gia về vũ khí hóa kỹ nghệ, đồng ý với quan điểm trên. Là đồng giám đốc Chương trình Trung tâm Pellegrino-Viện O’Neill về Khoa học Não bộ và Luật, và Chính sách Y tế Toàn cầu tại Đại học Georgetown, ông Giordano nói rằng Trung Cộng xem TikTok là bánh xe răng then chốt trong tiến trình phát triển các Chiến Dịch Tâm Lý (PSYOP).

Là người có nghiên cứu xoay quanh việc lạm dụng các kỹ thuật và kỹ nghệ khoa học thần kinh trong y học, đời sống xã hội, và các ứng dụng quân sự, ông Giordano tin rằng “cả TikTok và các hình thức phức tạp hơn về trí tuệ/đánh giá và giao tiếp tâm lý chung sẽ ngày càng được sử dụng để thúc đẩy ảnh hưởng trong lối truyền đạt, ý nghĩa hình ảnh, và diễn giải theo ngữ cảnh”.

Theo ông Giordano, tác động của ứng dụng này đối với “truyền thông cá nhân và đại chúng” có thể sẽ tăng lên, đặc biệt là với cuộc bầu cử tổng thống — được cho là cuộc bầu cử quan trọng nhất của nước Mỹ trong thế kỷ 21 — sẽ chỉ còn một năm nữa thôi.

Theo chuyên gia này, các chiến dịch tâm lý “tạo thành một lĩnh vực xác định trong ‘ba cuộc chiến không tiếng súng của Trung Cộng’”.

Lãnh vực đầu tiên liên quan đến việc đánh giá tâm lý về niềm tin và mô hình nhận thức chung của đối thủ. Đây là một trong những lý do khiến TikTok trở nên nguy hiểm. Ứng dụng này được sử dụng để đo “nhiệt độ” của chính trường Hoa Kỳ. Sau khi nhiệt độ, giai đoạn thứ hai liên quan đến việc kiểm soát các hãng truyền thông, qua việc truyền các thông điệp tâm lý. Bước cuối cùng là đưa ra tư tưởng ủng hộ Trung Cộng hoặc sửa đổi lối tuyên truyền có lợi cho Bắc Kinh. Ông Giordano cho rằng mục đích chính ở đây liên quan đến việc tạo ra “các chương trình gây ảnh hưởng và tuyên truyền mang tính phá hoại nhằm tác động đến các yếu tố dễ thay đổi về nhận thức, cảm xúc, và hành vi của Hoa Kỳ và Tây phương”.

Suy cho cùng, chúng ta đang nói về Trung Cộng, một quốc gia đã đánh cắp dữ kiện cá nhân của 80% người Mỹ trưởng thành. Rất có thể TikTok đang được sử dụng, không chỉ để tác động đến tâm thức người Mỹ, mà còn để đánh cắp dữ kiện cá nhân của họ.

Trong tháng Hai năm nay, Nghị sĩ Michael Bennet (Dân Chủ-Colorado) đã kêu gọi Apple và Google loại bỏ ngay TikTok khỏi các cửa hàng tương ứng của mình, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Là thành viên đảng Dân Chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng Viện, ông Bennet đã viết một lá thư có lời lẽ mạnh mẽ, hỏi tại sao “các mệnh lệnh của Trung Cộng lại có thể thu thập dữ kiện sâu rộng về người dân Mỹ hoặc quản lý nội dung cho gần một phần ba dân số của chúng ta”. Câu hỏi này không những không được trả lời, mà TikTok vẫn trưng bày trên App Store của Apple và Google Play.


WHO Cảnh Báo Số Người Chết Vì Dịch Bệnh Ở Gaza Có Thể Cao Hơn Số Thương Vong Do Bom Đạn

Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe cần được tu sửa, cảnh báo về sự gia tăng số ca mắc bệnh truyền nhiễm và tiêu chảy ở trẻ em.

Bà Margaret Harris của WHO cho biết trong một cuộc họp báo của Liên Hiệp Quốc tại Geneva hôm thứ Ba (28/11): “Sẽ đến lúc chúng ta thấy rằng số người tử vong vì bệnh dịch còn cao hơn số người tử vong vì bom đạn nếu chúng ta không thể khôi phục lại hệ thống y tế này”.

Bà nhắc lại mối lo ngại về sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ em, với số ca mắc bệnh ở trẻ từ năm tuổi trở lên tăng lên hơn 100 lần mức bình thường vào đầu tháng Mười Một.

Bà Margaret Harris cho biết tại Gaza, “Mọi người ở khắp mọi nơi có nhu cầu y tế cấp bách vì họ đang chết dần chết mòn vì thiếu nước sạch và [họ] ở chen chúc cùng nhau, không có thuốc men, không thể tiếp cận nước sạch và vệ sinh, và không có thức ăn”.

Bà nói thêm rằng khoảng 26 trong 36 bệnh viện đã đóng cửa hoàn toàn ở Gaza do hoạt động quân sự hoặc thiếu nhiên liệu.

Theo đài truyền hình Al Jazeera do Qatar hậu thuẫn, ông Richard Brennan, giám đốc khẩn cấp khu vực của chi nhánh Đông Địa Trung Hải của WHO, cho biết, nếu không có thay đổi nào đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, thì “sẽ ngày càng có nhiều người hơn nữa bị mắc bệnh và nguy cơ xảy ra các đợt bùng phát lớn, tăng lên đáng kể”.

Trước đó trong tháng này, các viên chức y tế đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về những bệnh dịch có thể lây lan khắp Gaza, bao gồm dịch tả, một loại bệnh tiêu chảy truyền nhiễm lây lan qua nước bị ô nhiễm, cũng như bệnh thương hàn, do một loại vi khuẩn salmonella gây ra. Hai căn bệnh này đều có thể dẫn đến chết người.


Tổng Thống Putin Ký Sắc Lệnh Bổ Túc Quân Số 170,000

MOSCOW — Hôm thứ Sáu (01/12), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội nước này bổ túc thêm khoảng 170,000 binh lính, nâng tổng quân số lên 1.32 triệu người, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine tiếp tục bước sang tháng thứ 22.

Sắc lệnh này được Điện Kremlin công bố hôm thứ Sáu và có hiệu lực ngay lập tức. Tổng số quân nhân Nga sẽ được nâng lên khoảng 2.2 triệu người, trong đó có 1.32 triệu binh sĩ.

Đây là lần mở rộng quân đội thứ hai như vậy kể từ năm 2018. Lần bổ sung 137,000 quân trước đó, theo lệnh của ông Putin hồi tháng 08/2022, nâng tổng quân số lên khoảng 2 triệu người và khoảng 1.15 triệu quân.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hành động này là phản ứng trước sự gia tăng của các mối đe dọa, mà Nga cho đó là lý do để gia tăng quân số; đó là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và sự mở rộng của NATO.

Sắc lệnh cho rằng, “Các lực lượng vũ trang của NATO đang được xây dựng gần biên giới Nga và các hệ thống phòng không cũng như vũ khí tấn công bổ túc đang được khai triển. Tiềm năng của lực lượng hạch tâm chiến thuật của NATO đang được tăng lên”.

Trong bối cảnh xung đột tiếp diễn, Nga và Ukraine đều giữ bí mật chặt chẽ về thương vong quân sự của họ. Quân đội Nga xác nhận chỉ có hơn 6,000 quân nhân thiệt mạng.

Mặc dù ông Putin nói rằng không cần vận động thêm quân nhưng sắc lệnh điều động của ông lại có thời hạn mở, cho phép quân đội triệu tập thêm quân dự bị khi cần thiết. Sắc lệnh đó cũng không cho quân tình nguyện chấm dứt hợp đồng.

Chính quyền khu vực đã tìm cách nâng cao trình độ bằng cách thành lập các tiểu đoàn tình nguyện để điều động tới Ukraine. Trên khắp lãnh thổ rộng lớn của Nga, một chiến dịch nhằm kêu gọi thêm nam giới nhập ngũ đã được tiến hành trong nhiều tháng.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Dmitry Medvedev, cho biết hôm thứ Sáu rằng hơn 452,000 người (nam giới) đã nhập ngũ với tư cách binh sĩ hợp đồng trong năm nay.

Toàn bộ nam thanh niên Nga từ 18 đến 27 tuổi phải phục vụ trong quân đội một năm. Năm nay, chính phủ đã nâng giới hạn độ tuổi thực hiện nghĩa vụ bắt buộc lên 30 bắt đầu từ ngày 01/01.

Quân đội Nga tổ chức tuyển quân hai lần một năm, đợt 1 từ ngày 01/04 và đợt 2 từ ngày 01/10. Ông Putin đã ra lệnh điều động 130,000 người nhập ngũ vào mùa thu đầu năm nay, và 147,000 người vào mùa xuân.


Argentina Sẽ Không Gia Nhập Khối BRICS Do Trung Cộng Cầm Đầu

BUENOS AIRES, Argentina — Hôm thứ Năm (30/11), một viên chức cao cấp trong nhóm của Tổng thống đắc cử Javier Milei cho biết, Argentina sẽ không gia nhập khối BRICS gồm các nền kinh tế đang phát triển vào năm tới như đã dự định trước đây.

Hành động này như là một điều báo trước cho sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách ngoại giao sẽ được thực hiện ở Argentina một khi ông Milei nhậm chức.

Ông Milei, một người theo chủ nghĩa tự do, đã chỉ trích gay gắt chế độ Trung Cộng trong thời gian ông vận động tranh cử, thậm chí còn đe dọa cắt đứt liên hệ ngoại giao với nước này. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Fox News một thời Tucker Carlson rằng “Tôi sẽ không giao thương với bất cứ thành phần cộng sản nào”.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Milei, một người ngưỡng mộ cựu Tổng thống Donald Trump, nhiều lần nói rằng nếu ông giành chiến thắng thì “các đồng minh của tôi sẽ là Hoa Kỳ và Israel”.

Bà Diana Mondino, người được ông Milei chọn làm bộ trưởng ngoại giao, trước đó đã đánh giá thấp tầm quan trọng của BRICS.

Trong một cuộc phỏng vấn hai tuần trước, bà nói BRICS liên quan nhiều đến một liên kết chính trị hơn là những lợi thế có thể tồn tại trong thương mại giữa các quốc gia. Chúng tôi đã có liên hệ ngoại giao và thương mại với hầu hết các quốc gia trong khối kinh tế đó”.

Hồi tháng Tám, Argentina là một trong sáu quốc gia được mời gia nhập khối các nền kinh tế gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Cộng, và Nam Phi để tạo thành khối 11 quốc gia. Argentina dự định ​​tham gia vào ngày 01/01/2024.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Alberto Fernández đã tán thành lời mời này, và nói rằng cơ hội này sẽ giúp Argentina tiếp cận các thị trường mới.

Khối này được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, và Trung Cộng hồi năm 2009 và kết nạp thêm Nam Phi hồi năm 2010.

Bài liên quan:
  • Động cơ đằng sau đợt cải tổ quân đội mới nhất của Tập Cận Bình
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 28/4/2024. Tháng Tư Đen Sau 49 Năm: Đe dọa từ quan thầy phương Bắc, đấu đá tranh giành quyền lực trên thượng tầng, bài học nào cho VN?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • So sánh các chiến thuật vùng xám ở Biển Đỏ và Biển Đông
    Thomas Lim & Eric Ang
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 27/4/2024. Chứng nhân lịch sử: GSTS Nguyễn Tiến Hưng và 8 thủ đoạn nham hiểm và Bức Tử VNCH của Kissinger!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ukraine là tiền tuyến của một cuộc xung đột lớn hơn nhiều
    Gideon Rachman