TIN THẾ GIỚI.

TT Ukraina nói chuyện với các lãnh đạo G7 sau khi bất ngờ hủy bỏ cuộc họp với Thượng Viện Mỹ (RFI).

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky vào hôm 06/12/2023 tham gia một cuộc họp trực tuyến cùng với các lãnh đạo nhóm G7 sau khi ông đột ngột hủy bỏ bài phát biểu qua cầu truyền hình trước Thượng Viện Mỹ vào hôm qua.

Theo ông Hirokazu Matsuno, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, nước hiện là chủ tịch luân phiên nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới – G7, tổng thống Ukraina đươc mời tham gia phần đầu của hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo G7, bắt đầu từ 14g30 GMT vào hôm nay.

Ông Matsuno cho biết là cuộc họp của G7 được tổ chức dưới sự chủ tọa của thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, để thảo luận về những chủ đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, như tình hình ở Ukraina và Trung Đông.

TT Zelensky họp thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, tháng 5, 2023

Riêng về Ukraina, hồi đầu tháng 11, ngoại trưởng các nước G7 họp tại Tokyo đã bảo đảm là sự ủng hộ của các nước trong nhóm dành cho Ukraina sẽ “không bao giờ” suy yếu.

Sự kiện ông Zelensky tham gia cuộc họp của G7 diễn ra chỉ vài giờ sau sự cố tổng thống Ukraina bất ngờ hủy bỏ bài phát biểu qua video, dự kiến trước Thượng Viện Mỹ vào lúc 15g00 giờ địa phương hôm qua.

Khi thông báo quyết định không phát biểu của tổng thống Ukraina, ông Chuck Schumer lãnh đạo đảng Dân Chủ hiện nắm đa số tại Thượng Viện Hoa Kỳ chỉ giải thích đơn giản là ông Zelensky không thể phát biểu do “đã xảy ra chuyện vào phút cuối”.

Đấu khẩu căng thẳng tại Quốc Hội Mỹ về viện trợ cho Ukraina

Sự kiện ông Zelensky “lỡ hẹn” với Thượng Viện Mỹ diễn ra trong bối cảnh nguồn tài chính dành cho các khoản viện trợ bổ sung cho Ukraina vẫn bị chặn tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Các thượng nghị sĩ Mỹ sau đó đã họp kín, nhưng mọi việc không diễn ra suôn sẻ.

Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình:

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã được loan báo là sẽ cố gắng thuyết phục các thượng nghị sĩ Mỹ tiếp tục ồ ạt viện trợ quân sự lớn cho nước ông. Thế nhưng ông Zelensky đã hủy bỏ buổi nói chuyện vào giờ chót.

Lãnh đạo phe đa số thuộc đảng Dân Chủ ở Thượng Viện Chuck Schumer, người đã thông báo sự kiện tổng thống Ukraina phát biểu qua video, đã nêu ra lý do một sự kiện bất ngờ vào phút cuối. Thế nhưng không gì cấm cản giả thuyết về một sự chia rẽ chính trị.

Các thượng nghị sĩ đã tập hợp lại để nghe các thông tin mật đến từ ngoại trưởng Antony Blinken, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và tham mưu trưởng Lực Lượng Vũ Trang, tướng Brown. Theo các nguồn tin báo chí, cuộc họp đã không diễn ra suôn sẻ vì rõ ràng mọi người không đến để nói về cùng một điều.

Đảng Cộng Hòa nói rằng họ cũng muốn tài trợ nhiều cho nỗ lực chiến tranh của Ukraina, nhưng lại muốn gắn liền điều đó với các biện pháp cứng rắn hơn ở biên giới với Mêhicô. Đảng Dân Chủ thì phản đối. Khi được hỏi về tình hình biên giới, một số diễn giả đã trả lời khá rõ ràng rằng đó không nằm trong thẩm quyền của họ và không phải là chủ đề thảo luận. Các thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã quyết định rời khỏi cuộc họp. Các cuộc thảo luận trong vài ngày tới có lẽ sẽ khá sôi nổi.


Gaza: Israel loan báo siết chặt vòng vây quanh Khan Younes thành phố lớn thứ hai ở miền nam Gaza (RFI)

Chiến sự tại Gaza vẫn diễn ra dữ dội. Quân đội Israel ngày 05/12/2023 xác nhận đang bao vây thành phố Khan Younes ở phía nam Gaza, thành phố lớn thứ hai của vùng lãnh thổ Palestine, đồng thời cho biết đã “tiêu diệt” được 5 lãnh đạo Hamas ở miền bắc Gaza.

Trong một thông cáo, tướng Herzi Halevi, tham mưu trưởng quân đội Israel, cho biết: “Quân đội đang bao vây Khan Younes ở miền bắc Gaza” và đã bắt đầu các chiến dịch tấn công vào các thành trì của Hamas ở phía nam. Nhân vật này khẳng định đã “tìm thấy vũ khí trong hầu hết các cao ốc và ngôi nhà, cùng những kẻ khủng bố trong nhiều tòa nhà”.

Cảnh hoang tàn sau cuộc không kích của không quân Do Thái

Theo hãng AFP, các nguồn tin từ hai lực lượng Palestine là Hamas và Jihad Hồi Giáo cho biết là chiến binh của họ đang xung đột dữ dội với quân đội Israel trong nỗ lực ngăn chặn bước tiến của đối phương vào thành phố Khan Younes và các khu vực phía đông thành phố, cũng như các trại tị nạn gần đó.

Chiến sự ở phía bắc Gaza vẫn rất dữ dội. Israel vào hôm qua cho biết đã “tiêu diệt được “5 quan chức cấp cao của Hamas”. Trên kênh kênh Telegram và mạng X, quân đội của Nhà nước Do Thái thông báo đó là những chỉ huy các đơn vị của lực lượng Hamas hoạt động trong các hệ thống địa đạo.

Trong một bài viết trên nhật báo Mỹ The Washington Post, ba lãnh đạo an ninh Israel đã tiết lộ rằng đã có ít nhất 5.000 thành viên Hamas thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Đây là con số rất lớn vì theo số liệu của Israel, phong trào Hamas có khoảng 30.000 thành viên trước ngày 7/10.

Tuy nhiên, xác định cụ thể số người thiệt mạng rất phức tạp vì rất khó đếm được số người chết trong các địa đạo.

Những người được nhật báo Mỹ phỏng vấn ước tính số lượng đường hầm được phát hiện cho đến nay là 800, trong đó 500 đã bị phá hủy. Họ từ chối bình luận về thông tin về kế hoạch làm ngập các đường hầm bằng nước biển dù, theo tờ Wall Street Journal, quân đội Israel đã hoàn thành việc lắp ráp “hệ thống máy bơm nước biển cỡ lớn” ở phía bắc biên giới, sẽ cho phép phá hủy những đường hầm này.

Về phía Palestine, theo chính quyền Hamas hôm qua, các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza đã khiến 16.248 người thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 7 tháng 10. Theo văn phòng báo chí của phong trào Hồi giáo Palestine, lực lượng nắm quyền kiểm soát Gaza từ năm 2007, trong số người Palestine thiệt mạng trong các cuộc không kích, có hơn một nửa là trẻ em (7.112).


Nga-Ukraine: Putin ký lệnh tăng 15% quân số, Zelensky nói đẩy nhanh củng cố công sự (2/12, BBC)

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh tăng thêm 15% quân số Nga. Khoảng 170.000 người sẽ được bổ sung vào số lượng quân nhân phục vụ theo từng giai đoạn, nâng tổng số binh lính lên 1.320.000 người.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết động thái này là phản ứng trước sự gia tang của các mối đe dọa, bao gồm cả việc Nato mở rộng.

Nga được cho là đã chịu thương vong nặng nề trong cuộc giao tranh kéo dài hơn một năm rưỡi ở Ukraine, mặc dù nước này không công bố số liệu tử sĩ.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga đăng trên trang web của Điện Kremlin cho biết quân số hơn 1,3 triệu người sẽ tăng dần thông qua đợt tuyển quân chứ không phải bằng cách huy động hay thay đổi chế độ tòng quân. “Việc tăng số lượng quân nhân của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga đang được thực hiện theo từng giai đoạn, dựa trên những công dân bày tỏ mong muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng”, tuyên bố nói thêm.

Phía Nga giải thích sự gia tăng này là do “sự phát triển của các lực lượng vũ trang chung của [Nato] gần biên giới Nga” và các mối đe dọa liên quan đến “hoạt động quân sự đặc biệt”- cách mà Nga nói về cuộc xâm lược ở Ukraine.

Nato gần đây đã kết nạp thêm thành viên, trong đó có Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài với Nga. Thụy Điển cũng đã đệ đơn gia nhập.

Liên minh cho biết Ukraine có thể đệ đơn gia nhập “khi các điều kiện được đáp ứng”, mặc dù không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Ukraine không thể gia nhập Nato khi vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Nga.

Zelensky nói đẩy nhanh việc củng cố công sự

Tổng thống Zelensky nói mùa đông đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến

Trước đó hôm 30/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi tăng viện và phòng thủ mạnh mẽ hơn dọc theo tiền tuyến với Nga, trong điều kiện thời tiết lạnh giá và nhiệt độ trong khu vực giảm đến mức đóng băng.

Ông Zelensky nói các tuyến phòng thủ phải nhanh chóng được tăng cường trên khắp chiến tuyến, sau khi gặp các chỉ huy ở một số đầu cầu đang chịu áp lực chính ở phía nam và phía đông.

“Trong tất cả các lĩnh vực chính cần tăng cường, [chúng ta phải] đẩy nhanh việc xây dựng các công sự”, ông nói trong bài phát biểu hàng đêm.

Quân đội Nga đang cố gắng bao vây thị trấn phía đông Avdiivka. Và họ đang nhắm mục tiêu vào các khu vực phía nam Kherson và Zaporizhzhia.

Trong đêm, lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 18 trong số 25 drone của Nga và một trong hai tên lửa hành trình.

Với nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng và Ukraine phủ đầy tuyết, Tổng thống Zelensky nói rằng “mùa đông nói chung là một giai đoạn mới của chiến tranh”.

Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết “sự tập trung tối đa” sẽ được dành cho các thị trấn phía đông ở khu vực Donetsk đang bị tấn công cũng như tuyến phòng thủ quan trọng ở phía đông bắc giữa Kupyansk và Lyman.

Ông cũng nói đến khu vực xung quanh thủ đô Kyiv, nơi các công sự sẽ được củng cố.

Việc Tổng thống Zelensky nhấn mạnh vào việc tăng cường các tuyến phòng thủ có thể làm tăng thêm lo ngại về một cuộc xung đột ngày càng rơi vào tình trạng “đóng băng”, bất chấp một số cuộc giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn.

Cuộc phản công của Ukraine kể từ mùa hè được nhiều người coi là đã không nhanh chóng mang lại những kết quả như mong đợi.

Tinh thần chiến đấu của cả hai bên sẽ phần nào phụ thuộc vào việc binh lính được trang bị tốt như thế nào để đối phó với những tháng lạnh giá này.

Quân đội Ukraine cho biết chỉ riêng khu vực gần Avdiivka đã đẩy lùi 20 cuộc tấn công và các ngôi làng xung quanh Bakhmut cũng bị tấn công.

Trung tâm công nghiệp Avdiivka gần như bị bao vây trong những tuần gần đây bởi quân Nga, lực lượng hiện kiểm soát các khu vực phía bắc và phía nam cũng như phía đông thị trấn.

Dmytro Lazutkin, người phát ngôn Lữ đoàn cơ giới 47 của Ukraine cho biết tình hình đã luôn trở nên khó khăn.

Một khu vực ở phía tây bắc Avdiivka, Stepove, đang bị tấn công liên tục và Nga đang cử quân số đáng kể đến nhằm chiếm giữ một nhà máy than cốc gần đó ngay bên ngoài Avdiivka. “Nếu không chiếm được nhà máy than cốc, họ chỉ có thể mơ về việc [chiếm được] Avdiivka… Tôi không tin họ có đủ sức mạnh để làm điều đó, mặc dù rất nhiều binh lính tập trung ở đó”, ông Lazutkin nói trên truyền hình Ukraine.

Theo các quan chức Ukraine, ở phía đông nam, các lực lượng Nga đang tìm cách giành lại các khu vực đã mất trong cuộc phản công của Ukraine xung quanh Robotyne. Ukraine nói rằng họ đang cố gắng duy trì các vị trí mà họ đã chiếm lại gần đây ở bờ đông sông Dnipro.

Ông Zelensky cho biết Ukraine sẽ không lùi bước sau các hoạt động từ mùa hè, mặc dù ông không hài lòng với mức độ thương vong.

Ông nói với hãng tin AP: “Chúng tôi đang chịu thương vong, tôi không vui về điều đó. Chúng tôi không có được tất cả vũ khí như mong muốn, tôi không thể hài lòng”.

Lực lượng Ukraine đã giành lại được vị trí vững chắc tại làng Krynky vào tháng trước sau khi vượt sông Dnipro và kể từ đó đã phải hứng chịu các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hải quân của họ đã đẩy lùi cuộc tấn công của hải quân Ukraine vào Crimea qua Biển Đen.

Một phần của bán đảo Crimea, bị Nga chiếm giữ và sau đó sáp nhập vào năm 2014, đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp trong tuần này sau khi một cơn bão khiến 5 người thiệt mạng. Theo nhà lãnh đạo do Nga bổ nhiệm Sergei Aksyonov, các khu vực ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất.


AUKUS siết chặt hợp tác về radar giám sát tầm xa 36.000 km, công nghệ theo dõi tầu ngầm (2/12, RFI)

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Anh, Úc – ba thành viên của đối tác quân sự AUKUS, họp tại California hôm qua, 01/12/2023. Bộ ba AUKUS thỏa thuận gia tăng hợp tác trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, với trọng tâm là hệ thống radar giám sát tầm xa DARC (Deep Space Advanced Radar Capability) hay sử dụng ‘‘trí thông minh nhân tạo’’ (AI) để giám sát hiệu quả hơn hoạt động của tàu ngầm Trung Cộng.

Theo AFP, sau cuộc họp tại Sillicon Valley, ba bộ trưởng Quốc Phòng AUKUS nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các thỏa thuận hợp tác vừa được thông qua. Trả lời báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh đến các hợp tác cho phép mỗi bên ‘‘phát triển và cung cấp các công nghệ tân tiến giúp cho các lực lượng vũ trang có thể nghe được, quan sát được và hành động với lợi thế quyết định’’. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Anh Grant Shapps, chưa bao giờ việc gia tăng hợp tác công nghệ quốc phòng lại cấp thiết đến như vậy trong bối cảnh thế giới ‘‘đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn’’, với các đe dọa từ Nga, Trung Cộng hay tổ chức Hamas ở Cận Đông. Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles ca ngợi một ‘‘thời điểm hệ trọng’’ trong lịch sử hợp tác của AUKUS, đặc biệt với hệ thống radar giám sát DARC, có khả năng theo dõi các vật thể trong không gian ở tầm xa đến 36.000 km.

Theo mạng ABC News, hệ thống radar giám sát không gian DARC bắt đầu được Quân đội Mỹ phát triển từ năm 2017. Úc dự kiến là một trong ba quốc gia tiếp nhận một trạm radar thuộc hệ thống này, cùng với Anh và Mỹ. Ba trạm radar sẽ đi vào hoạt động từ đây đến 2030.

Theo SCMP, trong cuộc họp hôm qua, Mỹ cùng hai đối tác AUKUS thỏa thuận thử nghiệm phương pháp mới, dựa trên ‘‘thuật toán trí thông minh nhân tạo AI để xử lý nhanh chóng dữ liệu định vị âm thanh, được các thiết bị dưới nước thu thập’’, cho phép theo dõi tàu ngầm Trung Cộng nhanh hơn, với độ chính xác cao hơn. Công nghệ này sẽ được áp dụng trước hết với các phương tiện như máy bay tuần tiễu trên biển P-8A Poseidon, chuyên chống hạm, chống tàu ngầm. Phi cơ P-8A Poseidon của ba nước Mỹ, Anh, Úc thường xuyên tuần tiễu ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông.

Nhiều thỏa thuận đạt được hôm qua giữa bộ trưởng Quốc Phòng ba nước nằm trong khuôn khổ trụ cột hợp tác thứ hai của AUKUS, có tên gọi chính thức là Aukus Pillar II. Trụ cột I của AUKUS tập trung vào việc xây dựng lực lượng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc, dự kiến đưa vào sử dụng từ 2040. Trụ cột hợp tác thứ hai là 8 lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm công nghệ lượng tử, trí thông minh nhân tạo và các hệ thống tự trị (AS), vũ khí siêu thanh và phản siêu thanh, chiến tranh điện tử, an ninh mạng và chiến tranh trong lòng biển.


Bộ trưởng Thương Mại Mỹ: Cần có phản ứng cứng rắn hơn trước ‘mối đe dọa’ Trung Cộng (3/12, RFI)

Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Gina Raimondo ngày hôm 02/12/2023 đã kêu gọi các nghị sĩ trong Quốc Hội, Thung lũng Silicon và các đồng minh của Mỹ ngăn chặn Trung Cộng tiếp cận các linh kiện bán dẫn và các công nghệ tiên tiến quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Phát biểu tại một diễn đàn quốc phòng thường niên ở Thung Lũng Simi, bang California, bộ trưởng Thương Mại Mỹ gọi Trung Cộng là “mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta từng gặp phải” và nhấn mạnh rằng “Trung Cộng không phải là bạn của chúng ta”.

Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Gina Raimondo

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện đang bị vướng trong một cuộc cạnh tranh thương mại và địa chính trị khốc liệt, trong đó bộ Thương Mại đóng vai trò quan trọng.

Lời kêu gọi của bà Gina Raimondo được đưa ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang lo ngại trước việc ngành công nghiệp vũ khí Mỹ phải chật vật theo kịp Trung Cộng.

Mối lo ngại kể trên được ghi nhận trong một dự thảo của bản Chiến Lược Công Nghiệp Quốc Phòng chưa được công bố, nhưng một số nội dung chính đã được tạp chí Mỹ Politico tiết lộ vào hôm qua, 02/12.

Theo tài liệu ghi ngày 27/11, ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang phải chật vật mới đạt được tốc độ và khả năng phản ứng nhanh để luôn dẫn đầu trong cuộc chạy đua vũ trang công nghệ cao với các đối thủ như Trung Cộng.

Tài liệu này nhận định rằng trong tình hình hiện nay, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ không có khả năng đáp ứng đầy đủ và nhanh chóng các nhu cầu sản xuất quân sự ở quy mô lớn và khẩn cấp.

Tài liệu cũng lưu ý rằng Mỹ chế tạo được những loại vũ khí tốt nhất trên thế giới, nhưng lại không thể sản xuất đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu khi cần thiết.

Bản Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng đầu tiên, sẽ công bố trong vài tuần tới, nhằm mục đích cung cấp một cái nhìn toàn diện về những gì Lầu Năm Góc cần để khai thác chuyên môn của các công ty công nghệ nhỏ, đồng thời tài trợ và hỗ trợ các công ty truyền thống tiến nhanh hơn để phát triển công nghệ mới.


Biển Đông: Trung Cộng lại cáo buộc tàu chiến Mỹ ‘xâm phạm chủ quyền’ khi di chuyển ‘phi pháp’ vào Bãi Cỏ Mây (4/12, BBC).

Trung Cộng hôm nay tuyên bố tàu chiến của Mỹ đã di chuyển ‘phi pháp’ vào vùng lãnh hải cạnh bãi cạn chiến lược Second Thomas Shoal, mà phía Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây.

“Mỹ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến nền hòa bình và ổn định trong khu vực,” người phát ngôn của Quân khu Miền nam của Trung Cộng nêu.

Tuyên bố còn cho rằng Mỹ đã cố tình gây cản trở trên Biển Đông và xâm phạm chủ quyền của Trung Cộng, và cho biết Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã cắt cử các binh sĩ theo dõi tàu chiến Mỹ, và rằng “các binh sĩ trong quân khu luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ mọi lúc mọi nơi để kiên quyết bảo vệ nền chủ quyền quốc gia.”

Hiện chưa có phản hồi chính thức từ phía Hải quân Mỹ liên quan đến tuyên bố này của Trung Cộng.

Trước đó, tuyên bố ngày 25/11 của Hạm đội 7 của Mỹ nêu, ‘Thông qua việc di chuyển vào tuyến đường vô hại mà không thông báo trước hoặc không cần phải xin phép bất kỳ quốc gia tuyên bố chủ quyền nào, Mỹ thách thức những hạn chế phi pháp do Trung Cộng, Đài Loan và Việt Nam áp đặt [trên Biển Đông]”.

Hải quân Mỹ tuyên bố tàu chiến USS Hopper đã thực thi hoạt động vì nền tự do hàng hải (viết tắt từ Operational challenges against excessive maritime claims – FONOP) trên Biển Đông gần quần đảo Paracel, mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa.

Trong những tháng gần đây, Trung Cộng đã có một số cuộc đối đầu với lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines trong vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Đông.

Trong diễn biến mới nhất, Philippines đã cáo buộc Trung Cộng đã huy động “đông đảo” tàu dân quân ở vùng biển lân cận rạn san hô Whitsun Reef, mà phía Việt Nam gọi là Bãi Ba Đầu. Theo Manila thì đã có 135 tàu dân quân của Bắc Kinh hiện diện trên Biển Đông.

Hình ảnh từ Lực lượng Cảnh sát Biển của Philippines cho thấy tàu dân quân Trung Cộng hoạt động ở rạn san hô Whitsun Reef, phía Việt Nam gọi là Bãi Ba Đầu. NGUỒN HÌNH ẢNH,PHILIPPINES COAST GUARD

Philippines nói sự hiện diện các tàu dân quân ngày càng đông đảo này từ phía Trung Cộng mang tính chất “báo động”.

Lực lượng cảnh sát biển của Philippines nói số tàu dân quân này “được phân bổ rải rác” lân cận rạn san hô Whitsun Reef, và tuyên bố đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này.

Rạn san hô Whitsun Reef – phía Trung Cộng gọi là Julian Felipe Reef, Việt Nam gọi là Bãi Ba Đầu – nằm cách hòn đảo Palawan của Philippines khoảng 320 km về phía tây, cách đảo Hải Nam của Trung Cộng hơn 1.000 km.

Whitsun Reef hay Bãi Ba Đầu hiện là nơi đang có sự tranh chấp toàn phần hoặc một phần giữa các bên Việt Nam, Philippines, Malaysia, Trung Cộng, Đài Loan và Brunei.

Hiện Trung Cộng tuyên bố chủ quyền trên hầu hết trên Biển Đông, khu vực có giá trị thương mại trên biển trị giá hơn 3.000 tỷ USD, bên cạnh đó Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số phần lãnh thổ.

Lực lượng Cảnh sát biển Philippines nói số lượng tàu dân quân của Trung Cộng trong khu vực này đã tăng lên nhanh chóng từ con số 111 tàu, mà họ ghi nhận hồi tháng 11.

Hiện Trung Cộng chưa có phản hồi chính thức liên quan đến tuyên bố của Philippines.

Căng thẳng đã leo thang giữa Trung Cộng và Philippines liên quan đến các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr lên nắm quyền hồi năm ngoái.

Hồi tuần rồi, Philippines đã tiến hành hai đợt tuần tra trên biển và trên không với Úc trên Biển Đông.

Vào tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một phát biểu, được xem là mạnh mẽ nhất kể từ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila nóng lên trong những tháng gần đây.

Tôi muốn nói rõ – tôi muốn rất rõ ràng rằng: Mỹ có cam kết bảo vệ không thể xoay chuyển [ironclad] dành cho Philippines. Thỏa thuận phòng vệ của Mỹ với Philippines là không thể xoay chuyển,” ông tuyên bố.


Biển Đông: Pháp can dự mạnh mẽ hơn bên cạnh Philippines (RFI)

Sau Mỹ, Úc và Nhật Bản, phải chăng Pháp sẽ là nước đầu tiên tại châu Âu can dự mạnh mẽ hơn vào vấn đề Biển Đông, đáp ứng lời kêu gọi của Philippines muốn được giúp đỡ để đối phó với các động thái ngày càng hung hăng của Trung Cộng? Câu hỏi này đang được đặt ra trong những ngày cuối năm 2023 này, sau một loạt tuyên bố của hai lãnh đạo ngành ngoại giao và quốc phòng Pháp trong khuôn khổ vòng công du tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thái độ quan tâm đến Biển Đông của Paris đã được chính bộ trưởng bộ Quân Lực (tức bộ Quốc Phòng) Pháp Sébastien Lecornu nêu bật hôm 02/12/2023 khi ông cùng với đồng nhiệm Philippines Gilberto Teodoro Jr. nhất trí siết chặt hơn nữa quan hệ quân sự và quốc phòng song phương, đặc biệt là khởi động tiến trình đàm phán về một thỏa thuận an ninh chung cho phép quân đội hai nước hiện diện trên lãnh thổ của nhau.

Theo hãng tin Mỹ AP, bộ trưởng Pháp xác định rằng mục tiêu đầu tiên của việc tăng cường quan hệ quốc phòng Pháp-Philippines là tạo nên mối quan hệ gần gũi chiến lược hay khả năng phối hợp tác chiến giữa lực lượng vũ trang của hai bên, nhất là giữa Hải Quân và Không Quân hai nước.

Trong khi chờ đợi thỏa thuận an ninh chung được hình thành, Paris và Manila đã nhất trí tăng cường trao đổi thông tin và tin tức tình báo nhằm đối phó với những mối đe dọa an ninh, gia tăng các chuyến ghé cảng của nhau của chiến hạm hai nước.

Trong một thông điệp được cho là nhắm tới Trung Cộng, hai bên đã nhấn mạnh trên tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Manila muốn chống Bắc Kinh, Paris muốn tăng ảnh hưởng

Theo nhận định của các nhà quan sát, việc Philippines muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Pháp nằm trong chiến lược của Manila muốn tìm thêm hậu thuẫn quốc tế để chống lại sức ép ngày càng gia tăng của Trung Cộng trên Biển Đông. Yêu cầu của Philippines đã được Pháp đáp ứng vì điều đó phù hợp với tham vọng của Paris, muốn tăng gia ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Khi phân tích về các diễn biến mới trong quan hệ giữa Pháp và Philippines, nhật báo Pháp Ouest-France ngày 04/12/2023 đã nhận xét rằng: “Đối mặt với Trung Cộng, Philippines đang tìm kiếm hậu thuẫn, và nước Pháp đã đáp ứng”.

Theo tờ báo, Philippines rất lo ngại trước các hành vi lấn lướt liên tục của Bắc Kinh tại Biển Đông, mà gần đây nhất là vụ hơn 100 chiếc tàu thuộc lực lượng dân quân biển Trung Cộng “tràn ngập” vùng biển gần Đá Ba Đầu thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.  Trong các hình ảnh do lực lượng Tuần Duyên Philippines công bố hôm 03/12 người ta thấy hàng chục chiếc tàu Trung Cộng gắn kết lại với nhau theo đội hình, với rất nhiều chiếc tàu khác phân tán quanh khu vực.

Do năng lực quân sự hạn chế, Philippines đã đẩy mạnh công cuộc tìm kiếm hậu thuẫn, trước mắt là từ phía các đồng minh truyền thống. Thỏa thuận quốc phòng bắt đầu đàm phán với Paris được cho là tương tự như thỏa thuận mà Philippines đã có với Mỹ và Úc, và sắp tới đây sẽ ký với Nhật.

Trong cuộc họp báo ngày 02/12 vừa qua tại Manila, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã khẳng định rằng hai nước Pháp và Philippines đã nhất trí hợp tác “không chỉ ở Biển Đông, mà còn ở khu vực Thái Bình Dương rộng lớn hơn, nơi Pháp cũng có sự hiện diện”.

Về phía Pháp, bộ trưởng Lecornu nhắc lại rằng Hải quân Pháp đã thực hiện nhiều hoạt động và chiến dịch huấn luyện trong khu vực, đồng thời công nhận rằng Pháp “đang làm việc trên một chương trình nghị sự nhằm tăng cường hiện diện tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.


Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Trung Cộng do tăng trưởng thấp, bất động sản rủi ro (VOA)

Công ty tài chính Moody’s hôm 5/12 hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Trung Cộng từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối lo ngại toàn cầu ngày càng gia tăng về tác động từ nợ nần của chính quyền địa phương tăng cao và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Reuters.

Moody’s nói trong một tuyên bố rằng việc hạ bậc này phản ánh bằng chứng ngày càng tăng về việc các cơ quan quản lý sẽ phải cung cấp nhiều trợ giúp tài chính hơn cho các chính quyền địa phương và các công ty nhà nước đang chịu gánh nặng nợ nần, gây ra rủi ro lớn đối với sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Cộng.

Moody’s đưa ra quan điểm: “Sự đánh giá về triển vọng có thay đổi như vậy cũng phản ánh những rủi ro gia tăng liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn một cách liên tục và mang tính cơ cấu, cũng như tình trạng lĩnh vực bất động sản ngày càng thu hẹp quy mô”.

Chi phí bảo hiểm nợ chính phủ của Trung Cộng trước nguy cơ vỡ nợ đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11.

Ông Ken Cheung, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á thuộc Ngân hàng Mizuho ở Hong Kong, nhận xét: “Bây giờ các thị trường đang quan tâm nhiều hơn đến cuộc khủng hoảng bất động sản và mức tăng trưởng yếu, chứ không phải là rủi ro nợ công trước mắt”.

Động thái này của Moody’s là sự thay đổi đầu tiên trong việc đánh giá về Trung Cộng kể từ khi tổ chức này đã giảm mức xếp hạng một bậc, xuống mức A1 vào năm 2017, đồng thời viện dẫn những dự báo về tăng trưởng chậm lại và nợ gia tăng.

Hôm 5/12, trong khi Moody’s khẳng định vẫn xếp hạng A1 đối với đối với cơ quan phát hành nội và ngoại tệ trong dài hạn của Trung Cộng, tổ chức này cho biết dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của nước này sẽ giảm xuống 4,0% vào năm 2024 và 2025, và giữ mức trung bình 3,8% trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.

Việc Moody’s hạ mức đánh giá diễn ra trước Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hàng năm, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12, với các cố vấn chính phủ kêu gọi mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2024 và nhiều biện pháp kích thích hơn.

Bộ Tài chính Trung Cộng cho hay họ thất vọng trước quyết định của Moody’s, đồng thời nói rằng nền kinh tế nước này sẽ duy trì xu hướng phục hồi và phát triển dương. Bộ cũng cho rằng các rủi ro về bất động sản và ở cấp chính quyền địa phương đều có thể kiểm soát được.

Bộ nói: “Những lo ngại của Moody’s về triển vọng tăng trưởng kinh tế, tính bền vững tài chính và các khía cạnh khác của Trung Cộng là không cần thiết”.

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Cộng đang trên đà đạt được mục tiêu khoảng 5% được chính phủ đặt ra cho năm nay, nhưng con số này không ấn tượng vì nó tăng lên từ năm 2022 vốn đã bị suy yếu do đại dịch, và hoạt động của nền kinh tế rất không đồng đều.


Miến Điện: Tập đoàn quân sự kêu gọi các nhóm nổi dậy sắc tộc thiểu số đàm phán (RFI)

Hôm 05/12/2023, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện kêu gọi các lực lượng vũ trang một số sắc tộc thiểu số đàm phán để tìm ‘‘giải pháp chính trị’’. Đối lập vũ trang Miến Điện bác bỏ kêu gọi của tập đoàn quân sự.

Tướng Min Aung Hlaing , lãnh tụ tập đoàn quân phiệt đang mất dần kiểm soát lãnh thổ

Theo cơ quan ngôn luận chính thức của tập đoàn quân sự Global New Light of Myanmar, lãnh đạo tập đoàn quân sự, tướng Min Aung Hlaing, cảnh báo ‘nếu các tổ chức vũ trang tiếp tục hành xử bất cẩn, dân cư các khu vực liên quan sẽ phải gánh chịu hậu quả’’, ‘‘như vậy điều cần làm là chú ý đến sinh mệnh của người dân, và các tổ chức này cần phải giải quyết các vấn đề của họ thông qua đàm phán’’.

Theo Reuters, ông Kyaw Zaw, phát ngôn viên của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (National Unity Government – NUG), lực lượng kháng chiến chống đảo chính, ngay lập tức đã bác bỏ kêu gọi của lãnh đạo tập đoàn quân sự. Người phát ngôn của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc khẳng định : ‘‘Tập đoàn quân sự đang thất bại nặng trên thực địa vì vậy họ phải cố gắng tìm lối thoát. Sẽ có đối thoại thực sự, nếu quân đội đảm bảo không còn đóng vai trò gì trong chính trị nữa, và chấp nhận dưới quyền một chính phủ dân cử.’’

Theo giới quan sát, tướng Min Aung Hlaing đưa ra lời kêu gọi vào lúc giới tướng lĩnh Miến Điện đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ cuộc đảo chính đầu 2021. Liên minh ba lực lượng vũ trang của một số sắc tộc thiểu số (‘‘Three Brotherhood’’) – mở nhiều chiến dịch quân sự quy mô lớn từ cuối tháng 10, chủ yếu là ở một số khu vực biên giới với Trung Cộng – đặt mục tiêu đánh đổ tập đoàn quân sự, lên cầm quyền sau cuộc đảo chính. 

Lực lượng Tự vệ của Nhân dân (FDP), của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, nhân bối cảnh này, cũng tiến hành nhiều cuộc tấn công nhắm vào quân đội tại miền bắc và miền đông. Hồi tuần trước, các thành viên của FDP cho AFP biết đã kiểm soát được một phần thủ phủ bang miền đông Kayah, giáp biên giới với Thái Lan. Hãng tin Anh Reuters, dẫn một số nguồn từ Liên Hiệp Quốc, cho hay tổng cộng hơn 500.000 người dân đã phải sơ tán trên khắp cả nước, do chiến sự. Hơn 250 dân thường, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng kể từ đầu chiến dịch quân sự nói trên. 


TIN VIỆT NAM

Tâp cận Bình sắp thăm Hanoi

Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình có thể sẽ đến Hà Nội vào ngày 12/12 đến ngày 13/12. Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên biết rõ về kế hoạch này cho biết như vậy.

Thông tin này cũng trùng với các thông tin được các hãng thông tấn quốc tế khác đăng tải trước đó cho biết ông Tập Cận Bình sẽ đến Việt Nam vào khoảng giữa tháng này.

Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho biết hai bên đã xác định chính thức ngày của chuyến thăm sau chuyến thăm tiền trạm của Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị đến Việt Nam hồi tuần trước.

Một nguồn tin giấu tên cho Bloomberg biết hai nước quyết định dịch chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sớm lên hai ngày thay vì từ ngày 14 đến 16/12 vì lý do sắp xếp lịch trình.

Truyền thông Nhà nước hồi cuối tuần cũng cho biết Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã thống nhất việc chuẩn bị cho chuyến thăm cấp cao sắp tới.

Hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa đưa ra bình luận gì về thông tin mới nhất này.

Lần cuối cùng ông Tập Cận Bình đến Việt Nam là vào năm 2017 nhân Thượng đỉnh APEC tổ chức ở Đà Nẵng.

Chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam diễn ra vào khi Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với hai nước lớn khác là Mỹ và Nhật Bản. Việc nâng cấp “nhảy cóc” từ quan hệ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ diễn ra vào tháng chín vừa qua nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội.


Dậy tiếng Hoa cho trẻ em Việt Nam trong các năm đầu của bậc Tiểu Học: Quà tặng Tập cận Bình ?

Báo trong nước vừa loan báo về chương trình dậy tiếng Trung Hoa cho trẻ em Việt Nam ngay trong các năm đầu của bậc Tiểu Học. Quyết định phê duyệt sách giáo khoa tiếng Trung Hoa cho lớp 3 và 4 đã mau chóng dấy lên nỗi hoang mang và ưu tư cùng với những luồng quan điểm trái chiều của giới phụ huynh cả nước.

Trên mạng xã hội vào ngày 5/12 đã xuất hiện nhiều hình ảnh về Quyết định và bình luận bày tỏ lo lắng về Quyết định này. Có bình luận cho rằng điều này cho thấy sự phụ thuộc của Việt Nam vào  Trung Quốc vì vào tháng 11 vừa qua  Bộ GD-ĐT vừa quyết định không xếp tiếng Anh vào các môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT.

Thay vì lắng nghe và giải thích, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã có đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý những hành vi mà bộ này cho là sai phạm do đăng tải tin tức và bình luận về việc Bộ Giáo dục – Đào tạo quyết định phê duyệt sách giáo khoa dạy tiếng Trung Quốc lớp ba và lớp bốn trong trường học.

Phải chăng Quyết định dậy tiếng Tầu rất sớm cho trẻ em Việt Nam được dân chúng coi như phương thức Hán hóa được đảng csVN dùng tâng công với Tâp cận Bình khi ông thăm Việt Nam vào tuấn tới ?


Việt Nam tiếp tục bị xếp vào các quốc gia có không gian dân sự

Báo cáo của tổ chức nhân quyền ở Nam Phi là CIVICUS Monitor hôm 6/12 công bố: Việt Nam tiếp tục bị xếp vào danh sách các nước có không gian dân sự bị đóng cùng với các nước khác bao gồm Afghanistan, Trung cộng, Hong Kong, Bắc Hàn, Myanmar, Lào và Bangladesh.

Trong năm 2023, csVN tiếp tục việc đàn áp mạnh mẽ các tiếng nói đối lập trong năm 2023 bằng việc kết án tù nhiều nhà hoạt động dân sự vào khi nhiều nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đang gia tăng việc đàn áp xã hội dân sự, nhà báo và blogger.

Tổ chức CIVICUS Monitor trong báo cáo mới về tình hình Việt Nam đã liệt kê một số trường hợp đàn áp nhân quyền điển hình ở Việt Nam trong năm 2023 bao gồm việc kết án từ các nhà hoạt động Trương Văn Dũng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước, blogger Nguyễn Lân Thắng.

Báo cáo cũng nhắc đến trường hợp của nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người vừa bị kết án tù vào tháng 9 năm nay với cáo buộc tội “Trốn thuế”, nhưng theo nhận định của các tổ chức nhân quyền quốc tế việc kết án này nằm trong một loạt các hoạt động đàn áp của chính quyền nhắm vào các nhà hoạt động môi trường thời gian qua.

Theo báo cáo, hiện có hơn 100 các nhà bảo vệ nhân quyền đang bị cầm tù với các cáo buộc chủ yếu liên quan đến tuyên truyền chống Nhà nước và lợi dụng các quyền tự do dân chủ.

Báo cáo cũng nhắc đến các trường hợp những nhà hoạt động xã hội và nhân quyền bị gây khó dễ như trường hợp của tiến sĩ Nguyễn Quang A, người bị cấm đi nước ngoài hồi tháng năm vừa qua, trong khi một trường hợp blogger khác là Đường Văn Thái đang tị nạn ở Thái Lan bị an ninh bắt cóc đưa về nước.

Báo cáo mới có tên People Power Under Attack 2023 của CIVICUS Monitor đánh giá điều kiện môi trường dân sự ở 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, xem xét về khả năng người dân các nước này được thực hiện quyền tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến ra sao.

Theo báo cáo, toàn cầu, khoảng hơn 30% dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có môi trường dân sự bị đóng. Đây là mức cao nhất kể từ khi tổ chức này tiến hành theo dõi môi trường này từ năm 2018 đến nay.

Chỉ có khoảng 2% dân số thế giới hiện sống tại các quốc gia có môi trường dân sự mở, tức tự do và được bảo vệ, theo báo cáo. (RFA)


Ngân hàng Nhà nước csVN bị điều tra về cấp phát tín dụng

Báo Nhà Nước vừa loan tin, ông Lê Minh Khái phó thủ tướng, ra lệnh cho Thanh tra chính phủ “ thanh tra việc “điều hành tín dụng” của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) ngay trong Tháng Mười Hai 2023 và báo cáo kết quả cho Chính Phủ trong Tháng Giêng 2024”.

Văn thư của ông Lê Minh Khái gửi Thanh tra Chính phủ có những lời lẽ gián tiếp chỉ trích Ngân hàng Nhà nước đã quá chậm chạp trong việc điều hành thị trường tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng năm nay là 14.5% nhưng cho đến nay, theo báo cáo, tín dụng mới chỉ giải ngân được có 8.21% kể từ cuối năm ngoái. Có ngân hàng cho vay khá tốt trong khi có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng “0” tức không cho vay được đồng nào, theo báo Đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư CSVN.

Trong văn bản gửi Thanh tra chính phủ, ông Lê Minh Khái kêu rằng tăng trưởng tín dụng, cho thấy kết quả quá thấp nêu trên “chưa đạt mục tiêu đề ra, việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, việc phân giao hạn mức tăng trưởng tổn dụng đối với các tổ chức tín dụng chưa thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả…”

Một cách gián tiếp, ông này quy trách nhiệm cho NHNN điều hành thị trường tín dụng không hiệu quả, ánh hưởng đến mức độ tăng trưởng kinh tế thấp, năm nay không biết được nổi 5% hay không, trong khi chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là 6.5%.

Ba ngày trước khi có tin ông Lê Minh Khái ra lệnh cho Thanh tra Chính phủ “sờ gáy” NHNN, định chế này gửi một văn bản tới tất cả các ngân hàng thương mại, cũng đồng thời là các tổ chức cấp phát tín dụng tức cho vay tiền, “thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể”.

Một số tiền khoảng 735,000 tỉ đồng (tương đương hơn $31 tỉ USD) sẵn sàng để các ngân hàng cấp phát tín dụng hầu kích thích hoạt động kinh tế. Tuy nhiên “nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn” nên “sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu…” theo báo Đầu Tư.

Ngân hàng Nhà nước, tên tiếng Anh là The State Bank of Vietnam (SBV), là cơ quan ngang bộ của chế độ Hà Nội, là ngân hàng trung ương có nhiệm vụ quản lý cho nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.  Định chế này có chức năng phát hành tiền và là ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho nhà nước. Thống đốc hiện tại của Ngân hàng Nhà nước là bà Nguyễn Thị Hồng.  


Thú Y Thế Giới: cảnh giác về thuốc ngừa dịch tả heo của Việt Nam

Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) khuyến cáo cẩn thận khi sử dụng thuốc ngừa dịch tả lợn Phi châu của Việt Nam khi nước này đang chuẩn bị xuất cảng.

Cơ quan nói trên cho hay nhà sản xuất thuốc chủng ngừa bệnh dịch tả heo Phi châu của Việt Nam chưa chia sẻ các dữ liệu (nghiên cứu, kết quả thử nghiệm) với các chuyên viên quốc tế cũng như các tổ chức chuyên môn.

Bệnh dịch tả heo Phi châu (ASF) gây ra bởi một loại virus xuất phát tại khu vực Phi Châu rồi lan truyền đi khắp thế giới. Chứng bệnh này chỉ thấy xuất hiện ở loài heo, không nguy hiểm cho người. Khi con vật bị lây nhiễm thì dẫn đến cái chết nhanh chóng và không có thuốc trị. Hàng triệu con heo đã bị bịnh và tiêu hủy khắp nơi mà riêng tại Việt Nam có năm đã phải tiêu hủy hơn 1.5 triệu con nhiễm dịch.

Hãng tin Reuters ngày Thứ Ba 5 Tháng Mười Hai cho hay ông Gregorio Torres, Giám đốc khoa học của WOAH, thúc giục nước nào có ý định nhập cảng thuốc chích ngừa dịch tả heo Phi Châu của Việt Nam, gọi tắt là AVAC, hãy nên thực hiện các cuộc thử nghiệm trước khi chấp thuận (sử dụng rộng rãi hàng loạt).

Việt Nam là nước đầu tiên nghiên cứu và sản xuất thuốc chủng ngừa dịch tả heo Phi Châu với sự hướng dẫn kỹ thuật của các nhà khoa học Hoa Kỳ. Ngày mùng 1 Tháng Sáu 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ở Việt Nam họp báo nói đã “sản xuất thành công vaccine thương mại Dịch tả lợn châu Phi. Đây là vaccine thương mại đầu tiên trên thế giới của loại bệnh này.”

Đến ngày 24 Tháng Bảy 2023, Hà Nội loan báo 2 loại thuốc chích ngừa dịch tả lợn Phi châu do “NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được cấp Giấy chứng nhận lưu hành” và từ đây chính thức được lưu hành sử dụng trên cả nước.

Tháng Mười vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội loan báo công ty AVAC đang xúc tiến đàm phán để xuất cảng thuốc ngừa dịch của họ sang một số nước Á Châu như Phi Luật Tân, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar. Thị trường thịt heo thế giới trị giá hàng năm tới $250 tỉ USD từng bị đình trệ khi dịch này phát triển nhanh chóng khắp nơi năm 2019.

Tổ chức WOAH cảnh cáo rằng việc dùng thuốc ngừa dịch của Việt Nam nguy hiểm vì “dưới tiêu chuẩn an toàn”. Nhà sản xuất AVAC thì cho rằng thuốc chích ngừa của họ không nguy hiểm và việc sử dụng rộng rãi tại Việt Nam chứng tỏ điều đó.

“Chúng tôi đã chứng minh sản phẩm của chúng tôi an toàn và hiệu quả và chúng tôi cần thêm thời gian để chứng minh với mọi người, kể cả những ai bầy tỏ ngần ngại”. Ông Nguyễn Văn Diệp, giám đốc điều hành của AVAC nói với hãng tin Reuters. Dù vậy, ông ta không nói gì khi được hỏi là công ty của ông đã chia sẻ các dữ kiện nghiên cứu với các nhà nghiên cứu quốc tế hay chưa.

Theo lời ông Diệp, thuốc chích ngừa dịch của công ty của ông đã được sử dụng an toàn tại các nông trại ở 17 tỉnh tại Việt Nam kể từ khi được chấp thuận và số lượng bán thuốc của họ tiếp tục tăng lên.

Các khoa học gia của Bộ Canh nông Hoa Kỳ khám phá ra thuốc ngừa dịch AVAC rồi họ hướng dẫn cho các nhà khoa học ở Việt Nam phát triển tiếp vì các nông trại nuôi heo tại nước Mỹ không bị loại dịch này. Một phát ngôn viên của Bộ Canh nông Mỹ nói với Reuters rằng họ không có quyền tiếp cận các dữ liệu thử nghiệm tại Việt Nam.

 “Nếu ai đó tung ra thị trường một loại thuốc ngừa dịch không đạt mức tối ưu, nó ảnh hưởng đến mọi người”. Ông Torres nói như vậy và lưu ý thêm rằng thật khó hơn khi đánh giá thuốc ngừa dịch tại  những nước đang có dịch xảy ra như tại Việt Nam. Bởi vì heo có thể nhiễm dịch từ một virus suy yếu trong thuốc ngừa dịch cùng với virus hoang dã.

Báo chí tại Việt Nam hồi giữa Tháng Mười Một cho hay nhà cầm quyền Hà Nội đã gửi công điện hỏa tốc tới tất cả các địa phương cả nước thức giục “triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhiều tỉnh có dịch xảy ra như tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đắk Lắk mà từ đầu năm đến nay đã có hơn 20,000 con heo bị dịch phải tiêu hủy.

 Công ty AVAC dự trù sản xuất từ 2.5 triệu tới 5 triệu liều thuốc ngừa dịch tả heo Phi châu mỗi tháng và cũng tính xuất cảng 5 triệu liều với điều kiện được chấp thuận ở các nước mà họ ký được hợp đồng thương mại. Ông Diệp nói rằng xuất cảng sang Phi Luật Tân có thể được tiến hành vào năm tới.

Trong khi đó, ông Torres cho hay WOAH đang cân nhắc một loại tiêu chuẩn để đánh giá các loại thuốc ngừa dịch tả heo Phi châu với khả năng có thể được chấp thuận vào Tháng Năm năm tới. Tiêu chuẩn thuốc chống dịch không có tính bắt buộc bởi vì các nước có những quy định riêng để chuẩn thuận, nhưng sẽ dẫn tới hạn chế thương mại đối với những nước xuất cảng thịt heo mà nước họ sử dụng các loại thuốc ngừa dịch dưới tiêu chuẩn an toàn. 


Việt Nam phá thai thứ nhì thế giới

Hãng tin Đức DPA có bài viết ngày Thứ Ba 5 Tháng 12 cho biết, Việt Nam vẫn có vấn nạn phá thai tràn lan trên cả nước vì quan niệm cổ hủ trọng nam khinh nữ vẫn chưa gột bỏ được.  Dựa trên một ước tính của Liên Hiệp Quốc cho biết Việt Nam là nước đứng thứ nhì trên thế giới về tỉ lệ phá thai. Hầu hết các thai nhi bị phá bỏ là giới tính nữ.

Không có một con số chính xác nào hay đáng tin cậy nào về số lượng các vụ phá thai hàng năm tại Việt Nam. Các cơ quan có thẩm quyền về y tế cũng như dân số đưa ra các con số trái ngược nhau, khi nhiều khi ít, tùy lúc phải tuyên truyền thế nào về vấn đề thống kê phá thai những năm vừa qua.

DPA mở đầu bài viết bằng chuyến đi thăm một nghĩa trang thai nhi tại huyện Sóc Sơn ở Hà Nội nơi yên nghỉ của những đứa trẻ không có cơ hội ra đời chỉ vì cha mẹ chúng đã đành lòng phá bỏ. Nơi đây, mỗi ngày có khoảng 15 đến 20 bào thai được người thiện nguyên tiếp nhận rồi tập trung chôn tập thể. Tùy thai nhi lớn hay nhỏ, có những ngôi mộ chứa từ 10,000 đến 30,000 bào thai.

Dịch vụ quảng cáo khắp nơi, cổ xúy phá thai

Đáng buồn là cứ mỗi 100 thai nhi có đến 90 là nữ, số còn lại mới là nam. Hiển nhiên, đây là hậu quả của vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh con.” Lời bà Nguyễn Thị Nhiệm, người thiện nguyện viên làm công việc chôn cất thai nhi ở nghĩa trang Đồi Cốc thuộc huyện Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội, nói với DPA.

 Lời bà Nhiệm ám chỉ xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn chịu ảnh hưởng từ cái văn hóa xưa cũ trọng nam khinh nữ chưa gột bỏ nổi. Cặp vợ chồng nào cũng mong có con trai nối dõi. Con trai hay người đàn ông được coi là quản lý tài sản gia đình tốt hơn, săn sóc cha mẹ già yếu. Rồi các dịp lễ lạt thì đại diện cúng bái ông bà tổ tiên.

 “ Dù phá thai lựa chọn giới tính bị cấm ở Việt Nam, có nhiều cha mẹ vẫn tìm cách để họ có được con trai ra đời, những người được ưa chuộng về mặt văn hóa.” Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, cho biết. “Tại Việt Nam, thực tế là người ta vẫn trông cậy vào sự săn sóc của các con trai khi về già cần ngươi chăm nom.”

Theo Tổng cục Dân số, ước lượng Việt Nam sẽ có 1.5 triệu đàn ông con trai nhiều hơn phụ nữ vào năm 2034. Đến năm 2050 sẽ có đến 4.3 triệu đàn ông nhiều hơn phụ nữ tại Việt Nam nếu tình trạng mất quân bằng giới tính vẫn tiếp tục cao như hiện nay. Dữ liệu của Tổng cục Thống kê công bố cuối năm ngoái cho thấy tỉ suất sinh ra đời là 112.1 con trai đối với 100 con gái. Vào năm 2006 thì cứ 109 con trai ra đời so với 100 con gái.

“Việt Nam đối diện với các vấn đề xã hội như Trung cộng gặp phải vì thanh niên khi lớn lên khó kiếm vợ.” Bà Hồng nói. “Việt Nam còn phải đối diện với các vấn nạn xã hội khác như nạn mại dâm, nạn buôn bán phụ nữa”.

Theo Cơ quan dân số LHQ, Việt Nam báo cáo khoảng 300,000 vụ phá thai hàng năm nhưng con số này có thể cao hơn rất nhiều.

 Ngày 5 Tháng Tám, trang mạng chinhphu.vn kêu rằng “Tỉ lệ phá thai ở trẻ vị thanh niên chưa có xu hướng giảm” khi nói rằng “Những năm gần đây, tỉ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên gia tăng. Tuổi trung bình của nhóm đối tượng này là 15.7, nhỏ nhất là 12 tuổi.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 13-14-15/5/2024.
  • Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ đến Ukraina trong lúc Nga huy động 30.000 quân tấn công Kharkiv
  • Cải tổ nội các bất ngờ: Putin thay bộ trưởng Quốc Phòng
  • Tấn công Rafah, Israel đẩy quan hệ ngoại giao với Ai Cập đến bờ vực thẳm
  • Mỹ tăng 18 tỉ đô la thuế với hàng nhập khẩu Trung Cộng
  • Philippines tăng cường bảo vệ các địa điểm ở Biển Đông
  • Phái đoàn Mỹ sẽ dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Đài Loan
  • Ngoại trưởng Ukraina “lặng lẽ” đến Serbia, Nga phản ứng mạnh mẽ
  • Hai tập đoàn pin mặt trời Trung Cộng rút khỏi một dự án công châu Âu
  • Trung Cộng-Campuchia sắp bắt đầu cuộc tập trận thường niên
  • Giáo dân xứ Thanh Hải phản đối chính quyền xây trường trên đất mượn của nhà thờ
  • Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do cơ bản
  • Tàu chiến Ấn Độ cập quân cảng Cam Ranh, tăng cường quan hệ quốc phòng
  • Trại giam Gia Trung cho hai TNLT đi khám tổng quát sau nhiều tháng đề nghị
  • Mỹ quan ngại về bản án đối với nhà hoạt động Phan Tất Thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN (08-09-10-May-2024)
  • Thẩm Phán Bác Bỏ Kiến Nghị Của Luật Sư Yêu Cầu Tuyên Bố Phiên Tòa Vô Hiệu Lực
  • Khó Có Thể Cứu Vãn Các Trường Đại Học Tại Hoa Kỳ Hiện Nay
  • 50 Thống Đốc Hoa Kỳ Phản Đối Kế Hoạch Liên Bang
  • Số Người Trung Cộng Giàu Có Di Cư Đến Nhật Bản Tăng Gấp Bội
  • Các Lãnh Đạo Liên Hiệp Âu Châu Chất Vấn Tập Cận Bình Về Thương Mại
  • Châu Á Tăng Trưởng Nhanh Hơn Trung Quốc
  • Tình Báo Đức Cảnh Báo Đừng Quá Ngây Thơ Về Trung Cộng
  • Nguyên Nhân Khiến Gần 570 Người Nhập Viện Sau Khi Ăn Bánh Mì Ở Đồng Nai
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 8-9-10/4/2024.
  • Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại chung về Trung Cộng
  • Tổng thống Zelensky cảnh báo: “Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina bại trận”
  • Xung đột dải Gaza: Israel ấn định ngày cho cuộc tấn công Rafah
  • Philippines-Mỹ-Nhật-Úc tập trận phối hợp đối phó "các tình huống hàng hải" ở Biển Đông
  • Fitch hạ điểm triển vọng tín nhiệm Trung Cộng (RFI)
  • Ukraine và Anh ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí
  • Washington không để Trung Cộng đe dọa việc làm và ngành công nghiệp Hoa Kỳ
  • Miến Điện: Phe nổi dậy kiểm soát một thành phố quan trọng sát biên giới Thái Lan
  • Bầu cử Quốc Hội Nam Hàn: Trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Yoon Suk Yeol
  • Tỉnh đầu tiên của Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán
  • Việt Nam sẽ đầu tư thêm hơn 7 tỷ USD để đẩy mạnh khai thác bô xít
  • Việt Nam đề nghị Ả Rập Xê Út tiếp nhận thêm lao động giúp việc nhà
  • Cổ phiếu VinFast rớt giá kỷ lục xuống mức đáy từ khi lên sàn Nasdaq ở Mỹ
  • Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030
  • Việt Nam phá đường dây tín dụng đen 2000% tiền lời