Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Hoa Kỳ Chấp Thuận Bán 14,000 Quả Đạn Pháo Xe Tăng Cho Israel

Theo Ngũ Giác Đài, chính phủ Biden đã sử dụng thẩm quyền khẩn cấp để cho phép bán khoảng 14,000 quả đạn pháo xe tăng cho Israel mà không có sự xem xét của Quốc Hội.

Theo Cơ quan Hợp Tác An Ninh Quốc Phòng, Ngoại trưởng Anthony Blinken, thông qua tuyên bố khẩn cấp của Đạo luật Kiểm Soát Xuất Cảng Vũ Khí, đã chấp thuận việc bán cho quân đội Israel hàng ngàn đạn pháo Xe Tăng 120mm (MPAT) M830A1 và các thiết bị liên quan.

Israel đã yêu cầu được phép mua 13,981 quả đạn pháo xe tăng từ Hoa Kỳ, cùng với một số dịch vụ trợ giúp kỹ thuật, chuyên môn, và tiếp vận, tất cả với chi phí ước tính là 106.5 triệu USD.

Sẽ không có đại diện chính phủ hoặc nhà thầu nào của Hoa Kỳ được cử đến Israel theo thương vụ mua bán này và các mặt hàng nằm trong thỏa thuận sẽ đến từ kho dự trữ của Quân đội Hoa Kỳ.

Trong một tuyên bố của cơ quan này, “Hoa Kỳ cam kết bảo đảm an ninh cho Israel và điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ là giúp đỡ Israel phát triển và duy trì khả năng phòng thủ mạnh mẽ, phù hợp với những mục tiêu đó”.

Cơ quan này cho biết, việc bán vũ khí này sẽ không tác động tiêu cực đến khả năng sẵn sàng phòng thủ của Mỹ và rằng Israel dự định sử dụng khả năng nâng cao này để ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực và tăng cường phòng thủ cho đất nước Israel.

Ông Blinken đã đưa ra “lời giải thích chi tiết trước Quốc Hội rằng có tình trạng khẩn cấp đòi hỏi phải bán ngay cho Chính phủ Israel các mặt hàng và dịch vụ quốc phòng nêu trên vì lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, từ đó bỏ qua các yêu cầu xem xét của Quốc Hội theo Mục 36(b) của Đạo Luật Kiểm Soát Xuất Cảng Vũ Khí”.

Những quả đạn pháo này nằm trong chương trình lớn hơn, bán vũ khí cho Israel mà chính phủ Biden đang yêu cầu Quốc Hội chấp thuận.

Tin tức từ thông tấn Reuter cho biết, gói hàng lớn hơn được cho là trị giá hơn 500 triệu USD và bao gồm 45,000 quả đạn pháo cho xe tăng Merkava của Israel, dựa theo các tiết lộ của các cựu viên chức và các viên chức đương nhiệm của Hoa Kỳ.

Ông Josh Paul, cựu viên chức Bộ Ngoại giao, người đã từ chức hồi tháng Mười để phản đối điều mà ông gọi là “sự ủng hộ mù quáng” của chính phủ dành cho Israel trong bối cảnh cuộc tấn công ở Gaza, nói với Reuters rằng Bộ Ngoại Giao đang thúc đẩy các ủy ban Quốc Hội nhanh chóng chấp thuận giao dịch này.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao cho biết, về vấn đề chính sách, “chúng tôi không xác nhận hoặc bình luận về đề nghị bán hoặc chuyển giao quốc phòng cho đến khi Quốc Hội thông báo chính thức về những giao dịch này”.

Nghị sĩ Chris Van Hollen (Dân Chủ-Maryland) trong Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện nói với Reuters rằng quan điểm của Quốc Hội là một bước quan trọng đối với việc bán vũ khí quy mô lớn.

Ông nói: “Chính phủ không nên xem xét rút ngắn khung thời gian vốn đã ngắn ngủi để Quốc Hội xem xét việc này hoặc bất cứ hoạt động chuyển giao vũ khí nào khác”.

Ông Hollen là một trong số hàng chục Nghị Sĩ đang thúc đẩy một sửa đổi yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Israel — và các quốc gia khác — phải đi kèm với các điều kiện là vũ khí được sử dụng phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ, luật nhân đạo quốc tế, và luật xung đột vũ trang.

Bình luận về việc sử dụng quyền hạn khẩn cấp để phê chuẩn việc bán 14,000 quả đạn pháo xe tăng, ông Paul nói trong một bài đăng trên truyền thông xã hội rằng ông tin “việc cấp tốc cung cấp trợ giúp vũ khí sát thương cho Israel là tiếp tục đồng lõa với điều mà tôi tin là tội ác chiến tranh”.

Ông nói thêm rằng: “Điều đó cũng tiếp tục hủy hoại danh tiếng của Hoa Kỳ trên toàn thế giới và khả năng của chúng ta trong việc thúc đẩy các giá trị mà chúng ta tuyên bố tán thành và điều mà tôi tin tưởng: nhân quyền, tự do, và công lý cho tất cả mọi người”.

Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh có những mối lo ngại rằng thường dân thiệt mạng khi vũ khí của Hoa Kỳ được sử dụng trong hoạt động quân sự của Israel ở Gaza.

Hamas, được Israel và Hoa Kỳ coi là một nhóm khủng bố, đã dẫn đầu một cuộc tấn công tàn bạo vào Israel hôm 07/10, sát hại khoảng 1,200 người Israel và bắt giữ hàng trăm người khác.

Đáp lại, Israel đã tấn công vào Gaza, Bộ Y tế Palestine do Hamas kiểm soát nói rằng số người thiệt mạng ở Gaza đã tăng lên ít nhất 17,700 và 48,780 người khác bị thương.


Thịt Nuôi Cấy Trong Phòng Thí Nghiệm Gây Tranh Cãi Đã Trở Thành Hiện Thực

Trong một nỗ lực bảo vệ ngành nông nghiệp, nền kinh tế, và sức khỏe của người dân, mới đây, nước Ý đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức cấm thịt nuôi cấy. Thịt nuôi cấy, còn được gọi là thịt nuôi trong phòng thí nghiệm, được tạo ra trong phòng thí nghiệm thông qua quy trình gồm năm bước, trong đó tế bào gốc từ một con vật sẽ được nhân bản và nuôi lớn trong một loạt các lò phản ứng sinh học trước khi được trộn với các chất phụ gia để tạo ra kết cấu giống thịt thật hơn. Theo công ty tư vấn McKinsey & Company, các tế bào thịt sau đó được lọc qua một máy ly tâm, tạo hình, và đóng gói để phân phối.

Trong một bài đăng trên Facebook hôm 16/11, theo bản dịch sang Anh ngữ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ý Đại Lợi — ông Francesco Lollobrigida — cho biết, “Để bảo vệ sức khỏe, hệ thống sản xuất của Ý, hàng ngàn công ăn việc làm, văn hóa và truyền thống của chúng ta, với luật được thông qua ngày hôm nay, Ý là quốc gia đầu tiên trên thế giới được bảo vệ khỏi những rủi ro kinh tế và xã hội của thực phẩm tổng hợp”.

Những nỗ lực ở Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm, hoặc để bảo đảm rằng người tiêu dùng biết họ đang mua gì, trong đó có một luật vào năm 2018 tại tiểu bang Missouri cấm dán nhãn gọi là “thịt” lên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và được nuôi trong phòng thí nghiệm.

Luật này nêu rõ, “Đạo luật này cũng cấm việc trình bày sai lệch một sản phẩm là thịt nếu không có nguồn gốc thu hoạch từ gia súc hoặc gia cầm”.

Hôm 13/11, Dân biểu tiểu bang Florida — ông Tyler Sirois — đã đệ trình một dự luật nhằm cấm “sản xuất, buôn bán, lưu trữ, hoặc phân phối thịt được nuôi cấy” tại tiểu bang này.

Nhà lập pháp đảng Cộng Hòa này nói với Politico rằng, “Nông nghiệp và gia súc là những ngành vô cùng quan trọng đối với Florida. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là một chuyện đáng bàn đối với tiểu bang của chúng ta”.

Nếu dự luật HB 435 trở thành luật, những nhà hàng và cửa hàng nào vi phạm có thể sẽ bị phạt lên tới 5,000 USD, đồng thời các nhà sản xuất, nhà chế biến, nhà đóng gói, hoặc nhà phân phối trình bày sai lệch hoặc dán nhãn sai lệch cho thực phẩm, có thể bị phạt tới 10,000 USD cho mỗi lần vi phạm.


Tương Lai Nào Cho Doanh Nghiệp Và Việc Làm Ở California?

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ tháo chạy khỏi tiểu bang này vì các quy định nặng nề khiến cho các doanh nghiệp ở California không chỉ gặp khó khăn, mà còn hoạt động lỗ lã.

California từng là nơi mang đến các cơ hội kinh tế tuyệt vời cho các chủ doanh nghiệp, thì nay các doanh nghiệp ở California mỗi năm phải đối mặt với sự tấn công ngày càng mạnh mẽ của các chính sách ngăn cản sự phát triển các doanh nghiệp. Những chính sách này gây thiệt hại cho tất cả người dân California. Chi phí hoạt động kinh doanh ngày càng tăng là điều không thể tránh khỏi, do các quy định dẫn đến thuế và chi phí cao hơn, và cuối cùng chi phí này sẽ chuyển vào giá thành của sản phẩm mà người tiêu dùng phải trả.

Đáng tiếc cho California, nhiều doanh nghiệp chỉ còn lựa chọn duy nhất là di chuyển đến các tiểu bang khác có thể mang lại lợi ích hơn cho họ: tổng chi phí hoạt động kinh doanh thấp hơn, giảm bớt các ràng buộc pháp lý, gánh nặng thuế thấp hơn, và phẩm chất cuộc sống nhân viên của họ được cải thiện hơn. Đó là những nơi mà chi phí nhà ở cho gia đình thấp hơn đáng kể.

Theo báo cáo năm 2022 của Viện Hoover, từ năm 2018 đến 2021, có 352 công ty đã chuyển trụ sở chính từ California sang các tiểu bang khác, chủ yếu để giảm chi phí hoạt động. Không khó hiểu khi những lợi ích kinh tế và phẩm chất cuộc sống đang kéo các doanh nghiệp tới các tiểu bang có chi phí thấp hơn. Thời tiết ở California luôn là yếu tố hấp dẫn, tuy nhiên những điểm đến có phẩm chất cuộc sống được ưa thích hơn hiện là Texas và Florida.

Sự di dời của các doanh nghiệp không chỉ là mối lo ngại của California mà còn có ảnh hưởng lớn hơn đối với vị thế kinh tế của tiểu bang này. Gần đây chúng ta đã chứng kiến xu hướng các tiểu bang đã mất đi các công ty bảo hiểm và doanh nghiệp hàng đầu như Chevron, Tesla, và Apple vào tay các tiểu bang khác như Texas và Nevada.

California mất doanh thu thuế, mất đi thuế thu nhập từ các cá nhân và các công ty; mất đi lực lượng nhân sự năng động và ngày càng phát triển, sự đổi mới kỹ thuật và một danh sách dài các lợi ích kinh tế của lực lượng nhân sự ngày càng mở rộng. Khi các công ty tìm kiếm môi trường thân thiện với doanh nghiệp hơn, California có nguy cơ mất đi vị thế là một lực lượng kinh tế quốc gia, còn Texas và Florida đang gần bắt kịp California.

Như một cách để phản đối một số luật mới có thể được các cơ quan lập pháp của tiểu bang ban hành, Phòng Thương mại California chuẩn bị danh sách các cơ sở “cắt giảm việc làm” (Job Killer) hàng năm. Danh sách này nâng cao nhận thức về việc các dự luật có thể cản trở việc tạo ra việc làm, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh doanh của tiểu bang hoặc tạo thêm gánh nặng không đáng có cho các chủ doanh nghiệp. Danh sách này có tác dụng như một công cụ để hiểu rõ hơn về tác động tiềm ẩn của các dự luật được đề nghị đối với môi trường kinh doanh của tiểu bang.

Dự luật Thượng Viện 220 (SB 220) là một trong các ví dụ, dự luật này sẽ gây tổn thất cho các doanh nghiệp bằng cách tăng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 10.99% để bù đắp cho phần thu thuế bị mất đi do các doanh nghiệp và nhân viên đã chuyển sang các tiểu bang khác.


Bản Cáo Trạng Tiết Lộ Tiền Lương Của Hunter Biden

Các tài liệu buộc tội mới cho biết con trai của Tổng thống Joe Biden, ông Hunter Biden, đã bị một công ty khí đốt thiên nhiên Ukraine cắt giảm một nửa mức lương kể từ sau khi cha ông rời nhiệm sở vào năm 2017.

Joe & Hunter Biden

Hôm thứ Năm (07/12), ông Hunter Biden đã bị buộc tội tại tòa án liên bang California với hai tội danh trốn thuế, một trọng tội vì khai thuế sai, và sáu khinh tội khác do không đóng thuế từ năm 2016 đến năm 2019.

Một bản cáo trạng liên bang trong vụ án mô tả các nguồn thu nhập của con trai tổng thống, Hunter Biden, trong thời gian ông bị buộc tội, kể cả công việc của ông trong hội đồng quản trị của công ty khí đốt Ukraine Burisma Holdings.

Ông Hunter bắt đầu làm việc với công ty khí đốt Burisma Holdings của Ukraine vào năm 2014 khi cha ông đang giữ chức phó tổng thống. Bản cáo trạng do Biện lý Đặc biệt David Weiss đệ trình cho biết ông Hunter đã nhận được mức lương hàng năm 1 triệu USD từ công ty Ukraine cho đến tháng 03/2017, khi công ty này cắt mức lương hàng năm của ông xuống còn 500,000 USD.

Việc cắt giảm lương này của Burisma được đề ra sau khi cha ông rời Tòa Bạch Ốc và Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/01/2017.

Bất chấp việc cắt giảm lương, bản cáo trạng cho thấy ông Hunter vẫn tiếp tục làm việc với Burisma thêm hai năm nữa và rời công ty vào tháng 04/2019. Ông Joe Biden đã bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của mình vào cùng tháng.

Thời gian làm việc cho Burisma của ông Hunter đã trở thành một điểm thu hút sự chú ý của đảng Cộng Hòa trong nhiều năm.

Cựu TT Trump đã phải đối diện với cuộc đàn hặc đầu tiên vào mùa thu năm 2019 sau một cuộc gọi mà ông đã thực hiện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó ông ám chỉ những cáo buộc rằng Phó Tổng thống đương thời Biden đã gây áp lực buộc chính phủ Ukraine phải bãi nhiệm tổng công tố Viktor Shokin, người được cho là đang điều tra Burisma.

Sự can dự của TT Biden vào các giao dịch kinh doanh của gia đình ông cũng là một tâm điểm trong cuộc điều tra đàn hặc đang diễn ra, do đảng Cộng Hòa chủ trì.

Theo một hồ sơ điều tra được công bố hồi đầu năm nay, một nguồn tin mật của FBI cáo buộc chủ sở hữu Burisma Mykola Zlochevsky đã nêu lên lo ngại rằng cuộc điều tra của ông Shokin sẽ gây tổn hại cho công ty và thảo luận về việc trả 5 triệu USD cho “một người nhà Biden” và 5 triệu USD cho “một người nhà Biden khác” để “đối phó với ông Shokin”.

Nguồn tin FBI chưa được xác nhận cho biết ông Zlochevsky cũng mô tả rằng ông Hunter không thông minh bằng con cún cưng của ông, nhưng cần phải giữ ông ấy trong hội đồng quản trị của công ty “để mọi chuyện ổn thỏa”.


Ông Hunter Biden Bị Truy Tố 9 Cáo Buộc Trốn Thuế

Một đại bồi thẩm đoàn ở California đã chính thức thụ lý một bản cáo trạng gồm 9 cáo buộc nhắm vào ông Hunter Biden, con trai của Tổng thống Joe Biden, cho rằng ông bị buộc tội trầm trọng về thuế và sáu điểm buộc tội nhẹ về thuế.

Biện lý Đặc biệt David Weiss đã công bố bản cáo trạng vào tối thứ Năm (07/12), trong đó cáo buộc ông Biden đã tiêu xài hàng triệu dollar cho lối sống xa hoa và ma túy thay vì hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế từ năm 2016 đến năm 2019 — tổng cộng ít nhất là 1.4 triệu USD.

Hunter Biden

Thay vì đóng thuế, ông Biden “tiêu số tiền này vào ma túy, đội hộ tống, và những người bạn gái, khách sạn sang trọng và các tài sản cho thuê, xe hơi sang trọng, quần áo, và các vật dụng khác mang tính chất cá nhân, nói tóm lại là mọi thứ trừ thuế của ông ấy”, bản cáo trạng viết.

Bản cáo trạng nêu lên mức chi tiêu của ông Biden trong những năm này, bao gồm 1 triệu USD vào năm 2016, 1.4 triệu USD vào năm 2017, 1.8 triệu USD vào năm 2018, và 600,000 USD vào năm 2019.

Ngoài ra, ông Biden còn phải đối mặt với các cáo buộc trốn thuế, một lần khai thuế sai, và một lần khai thuế sai cho công ty của ông, Owasco PC, cho năm tính thuế 2018.

Theo bản cáo trạng, các hành động bị cáo buộc của ông Biden liên quan chủ tâm tránh đóng thuế, bao gồm cả việc vi phạm quá trình khấu trừ thuế và trả lương, bằng cách rút hàng triệu dollar ra ngoài các thủ tục đã thiết lập.

Ngoài cáo buộc cho rằng ông khai không chính xác các khoản khấu trừ vào năm 2018 để giảm bớt khoản tiền thuế phải đóng, các công tố viên còn cáo buộc rằng ông Biden đã cố tình không đóng thuế đúng hạn trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2019 và không nộp tờ khai thuế đúng hạn cho năm 2017 và năm 2018.

Nếu bị kết án cho tất cả các cáo buộc nói trên thì con trai của tổng thống có thể phải đối mặt với hình phạt tối đa là 17 năm tù.


Hoa Kỳ Trừng Phạt Tổ Chức, Cá Nhân Đàn Áp Người Duy Ngô Nhĩ

Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hai viên chức cấp trung của Trung Cộng và một số tổ chức được coi là chịu trách nhiệm cho việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ bởi “những cuộc áp bức nhân quyền trầm trọng ở Tân Cương”. Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng nạn diệt chủng đang diễn ra tại Tân Cương, khu vực phía tây của Trung Quốc.

Các viên chức Trung Cộng được các nhà chức trách Hoa Kỳ nêu tên là Hồ Liên Hợp (Hu Lianhe), phó trưởng Văn phòng Nhóm Điều Phối Công Tác Tân Cương của Ủy ban Trung ương Đảng, cơ quan có vai trò quan trọng trong việc thực thi các chính sách Tân Cương của Bắc Kinh, và ông Cao Kỳ (Gao Qi), phó thống đốc khu vực Y lê (Yili) và từng là lãnh đạo cục công an địa phương.

Cả hai người này hiện đang chịu các lệnh trừng phạt đồng thời từ Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố theo Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ năm 2020 được ký thành luật vào tháng Năm năm đó.

Các lệnh trừng phạt được công bố hôm 08/12 này là một phần trong hành động phối hợp với Vương quốc Anh và Canada nhắm vào 37 cá nhân ở 13 quốc gia để đánh dấu Ngày Nhân Quyền Quốc Tế.

Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết, “Cam kết của chúng tôi trong việc duy trì và bảo vệ nhân quyền là bất khả xâm phạm. Các cuộc đàn áp nhân quyền và các quyền tự do căn bản — bất cứ nơi nào trên thế giới mà những cuộc đàn áp này xảy ra — nhắm thẳng vào lòng nhân đạo chung và lương tâm tập thể của chúng ta”.

Bà nói thêm rằng các lệnh trừng phạt có chủ đích “nhấn mạnh tính nghiêm túc trong cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với các cuộc đàn áp nhân quyền và bảo vệ hệ thống tài chính Hoa Kỳ khỏi những người thực hiện các hành vi trầm trọng này”.

Tương tự, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng mô tả các hành động này là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm giải quyết “các hình thức vi phạm nhân quyền đầy thách thức và nguy hại nhất trên thế giới, kể cả những hình thức liên quan đến bạo lực tình dục trong cuộc xung đột, lao động cưỡng bức, và đàn áp xuyên quốc gia”.

Cùng với các lệnh này, Lực lượng Đặc nhiệm Theo Dõi Lao động Cưỡng bức của Bộ An Ninh Nội Địa đã đưa ba công ty Trung Cộng vào danh sách các tổ chức trong khu vực, hạn chế nhập cảng các sản phẩm của họ từ các hoạt động lao động cưỡng bức liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, và các nhóm bị đàn áp khác ở Tân Cương.


Quốc Hội Phát Hành Video An Ninh Về Ngày 06/01 Trên Trương Mục Mới Tại Rumble

Tiểu ban Giám Sát thuộc Ủy ban Quản lý Hạ Viện do đảng Cộng Hòa  kiểm soát đã tạo ra một trương mục Rumble thứ nhì để phát hành loạt video ghi hình an ninh về sự kiện ngày 06/01 tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Hôm 05/12, một số cảnh quay đầu tiên đã được đăng lên trương mục Rumble này. Đến ngày hôm sau, tập hợp cảnh quay đã tăng lên 135 đoạn video ngắn — mỗi đoạn dài khoảng 10 phút. Hôm 07/12, trương mục này có gần 700 người theo dõi.

Hôm 17/11, ủy ban này đã công bố đợt đầu tiên gồm 90 video ngắn từ các camera quan sát trên trang web của Hạ Viện. Hai trang web này hiện chứa gần 40 giờ trong số hơn 40,000 giờ video từ sự kiện ngày 06/01 do Cảnh sát Quốc Hội nắm giữ.

Dân biểu Hoa Kỳ Barry Loudermilk (Cộng Hòa-Georgia), Chủ tịch Tiểu ban Giám sát, cho biết, “Như đã hứa, chúng tôi sẽ phát hành thêm cảnh quay từ camera quan sát của Cảnh sát Quốc Hội Hoa Kỳ từ sự kiện ngày 06/01 để bảo đảm đầy đủ tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Mọi người Mỹ đều có thể truy cập vào đó và những cảnh quay [được phát hành] trong tương lai trên trang video Rumble mới của chúng tôi”.

Loạt video mới đều đến từ Camera 0908, đặt trên mái vòm phía tây của Tòa nhà Quốc Hội. Cảnh quay từ trên cao này bắt đầu ngay sau nửa đêm và kết thúc vào khoảng 11 giờ 55 phút tối ngày 06/01.

Đoạn video này có các cảnh về dòng người biểu tình đến từ công viên Ellipse trong và sau bài diễn văn của cựu Tổng thống Donald Trump, việc xâm phạm phòng tuyến đầu tiên của cảnh sát, và bạo lực ở một số tầng ở mặt tiền phía tây của Tòa nhà Quốc Hội.

Khi thông báo về việc phát hành tới 44,000 giờ video về sự kiện ngày 06/01, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã cam kết sẽ thường xuyên cập nhật trang web này với “hàng ngàn giờ cảnh quay”.

Ông Johnson đăng trên X, “Để khôi phục lòng tin và sự tin cậy của người Mỹ vào chính phủ, chúng ta phải có sự minh bạch. Đây là một bước tiến nữa để thực hiện những lời hứa mà tôi đã đưa ra khi được bầu làm chủ tịch Hạ Viện của quý vị”.

Việc thông báo rằng tiểu ban này sẽ làm mờ bất cứ khuôn mặt nào có thể nhận dạng được đã làm giảm bớt sự hào hứng đối với người xem.

Trong một buổi họp báo hôm 05/12, ông Johnson nói, “Như quý vị biết, chúng tôi phải làm mờ khuôn mặt của một số người có mặt trong sự kiện ngày hôm đó vì chúng tôi không muốn họ bị trả thù và bị DOJ buộc tội”.

Cựu Dân biểu Lynn Cheney (Cộng Hòa-Wyoming), từng là thành viên cao cấp của Ủy ban đặc biệt ngày 06/01 (Uỷ Ban này hiện không còn tồn tại), đã phản đối việc làm mờ video.

Bà Cheney nói với CNN hôm 05/12: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang gặp phải một tình huống mà Chủ tịch Johnson đang tìm cách làm thay đổi sự thật về những gì đã xảy ra”.


Tình Trạng Trung Cộng Bắt Nạt Về Kinh Tế Là Mối Lo Ngại

Theo một viên chức an ninh quốc gia hàng đầu của Tòa Bạch Ốc, tình trạng cưỡng ép về kinh tế của Bắc Kinh là chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện giữa Hoa Kỳ và các đồng minh Á Châu, như Nhật Bản và Nam Hàn.

Ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 07/12, “Tôi biết rằng không có cuộc trò chuyện nào giữa chúng tôi với các đối tác Nam Hàn và Nhật Bản mà không đề cập đến một số hình thức hay kiểu hoạt động bắt nạt kinh tế của Trung Cộng”.

Ông Kirby đưa ra bình luận này để trả lời câu hỏi của thông tấn NTD, của The Epoch Times, về việc nhà cầm quyền Trung Cộng gây áp lực kinh tế và ngoại giao để ngăn chặn công ty biểu diễn hoạt cảnh Shen Yun của Hoa Kỳ biểu diễn tại Nam Hàn.

Khi cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tới Seoul, Nam Hàn, để thảo luận ba bên với những người đồng cấp từ Nam Hàn và Nhật Bản hôm 09/12, ông Kirby nói rằng ông “sẽ không ngạc nhiên” nếu hành động cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc lại được đề cập đến trong nghị trình.

Mới đây, Nam Hàn đã kêu gọi Trung Cộng giải quyết vấn đề tại hải quan sau khi Bắc Kinh ngăn chặn xuất cảng phân bón gốc nitơ, urê mà không nêu rõ lý do, dẫn đến các cuộc họp khẩn cấp giữa nhiều cơ quan chính phủ Nam Hàn vì Nam Hàn chỉ còn ba tháng dự trữ urê.

Kể từ khi thành lập vào năm 2006 tại New York, Shen Yun đã phải hứng chịu hàng loạt chiến dịch phá hoại do Trung Cộng dàn dựng. Công ty này được thành lập với sứ mệnh giới thiệu nền văn hóa Trung Hoa 5,000 năm qua các màn múa, hoạt cảnh và âm nhạc. Theo các nhà phân tích, sỡ dĩ Bắc Kinh nỗ lực can thiệp trong gần hai thập niên là do họ sợ hãi rằng việc biển diễn các giá trị truyền thống Trung Hoa có thể lên án hệ tư tưởng cộng sản của Trung Cộng.

Hồi tháng Mười Một, một phát ngôn viên của Tòa Đại sứ Trung Cộng thừa nhận rằng họ đã “thông báo cho phía Nam Hàn về lập trường của Trung Cộng đối với chương trình biểu diễn Shen Yun” để không cho công ty này biểu diễn ở các sân khấu tại Nam Hàn.

Trong những tuần gần đây, nhiều viên chức trong chính phủ Biden và các nhà lập pháp tại Quốc Hội  đã bày tỏ lo ngại về sự cưỡng ép kinh tế ẩn giấu sau các hoạt động can thiệp như vậy.

Hôm 07/11, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng Bắc Kinh “có thành tích rất rõ ràng về việc sử dụng biện pháp cưỡng ép về kinh tế và về các phương diện khác ở nhiều quốc gia”, đồng thời lưu ý rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục giải quyết vấn đề bằng sự cộng tác chặt chẽ” với các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng hạn như Nam Hàn và Nhật Bản.


Hoa Kỳ Đặt Mục Tiêu Loại Trung Quốc Khỏi Chuỗi Cung Ứng Xe Điện

Chính phủ Hoa Kỳ đang mở đường để loại Trung Cộng ra khỏi chuỗi cung ứng xe điện (EV) của Hoa Kỳ.

Theo hướng dẫn đề nghị về các điều khoản dành cho xe sử dụng năng lượng sạch của Đạo luật Giảm Lạm Phát, do Bộ Ngân Khố và Sở Thuế Vụ Hoa Kỳ ban hành hôm 01/12, người tiêu dùng có thể nhận khoản tín thuế lên tới 7,500 USD khi mua xe sử dụng năng lượng sạch.

Tuy nhiên, các hướng dẫn mới làm rõ rằng bắt đầu từ năm 2024, xe sử dụng năng lượng sạch sẽ không đủ điều kiện nếu chứa bất cứ bộ phận pin nào do một tổ chức ngoại quốc đáng lo ngại (FEOC) từ Trung Cộng, Nga, Bắc Hàn, hoặc Iran sản xuất hoặc lắp ráp. Bắt đầu từ năm 2025, xe sử dụng năng lượng sạch sẽ không đủ điều kiện nếu chúng chứa bất cứ khoáng chất quan trọng nào do FEOC khai thác, chế biến, hoặc thu hồi.

Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cho biết, những điều khoản này dự định sẽ hướng tới việc “giảm chi phí cho người tiêu dùng, thúc đẩy sự bùng nổ trong sản xuất của Hoa Kỳ, và tăng cường an ninh năng lượng bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt với các đồng minh và đối tác”.

Đạo luật này sẽ phải trải qua một khoảng thời gian lấy ý kiến ​​công chúng trong vài tuần và cuối cùng sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01 năm 2024.

Theo ông John Podesta, cố vấn cao cấp của tổng thống về Đổi mới và Thực hiện Năng lượng Sạch, hành động này nằm trong số những nỗ lực của chính phủ ông Biden nhằm “đảo ngược xu hướng nhà máy và việc làm bị chuyển ra hải ngoại, tới Trung Cộng”.

Ông Podesta cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 01/12: “Nhờ có nghị trình Đầu vào Hoa Kỳ và hướng dẫn quan trọng ngày nay từ Bộ Ngân khố và Bộ Năng Lượng, chúng tôi đang giúp bảo đảm rằng tương lai xe điện sẽ được sản xuất tại Hoa Kỳ”.

Hôm 16/08, chính phủ Tổng thống Biden đã ký Đạo luật Giảm Lạm Phát với các biện pháp cắt giảm khí thải trị giá 369 tỷ USD dành cho xe điện và năng lượng carbon thấp. Kể từ khi dự luật này được ban hành, khu vực tư nhân đã công bố đầu tư gần 100 tỷ USD vào xe sử dụng năng lượng sạch và chuỗi cung ứng pin của Hoa Kỳ.

Tòa Đại sứ Trung Cộng tại Hoa Thịnh Đốn chỉ trích các quy định mới của Hoa Kỳ là “một ví dụ khác về hành vi theo chủ nghĩa đơn phương và bắt nạt kinh tế của Hoa Kỳ”.

Trung Cộng là nước sản xuất pin cho xe điện lớn nhất thế giới. Các nhà máy sản xuất pin của Trung Cộng đã tinh chế hơn một nửa lượng lithium, cobalt, than chì, và khoáng chất cần thiết để sản xuất pin trên toàn cầu trong mười năm qua.


Nhóm TNS đảng Cộng Hòa Kêu Gọi Trừng Phạt Viện Pháp Y Trung Cộng

Một nhóm nghị sĩ đảng Cộng Hòa kêu gọi chính phủ Biden áp dụng lại các lệnh trừng phạt kinh tế đối với một tổ chức của nhà cầm quyền Trung Cộng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, đồng thời nói rằng Mỹ không nên “khẩn nài hay thương lượng” với địch thủ của mình.

Bức thư do Nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) dẫn đầu này kêu gọi Bộ Thương Mại khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Viện Khoa học Pháp y Trung Cộng, vốn đã được đưa ra khỏi danh sách đen theo thỏa thuận của Hoa Kỳ với Trung Cộng để đổi lấy sự hợp tác với Trung Cộng trong hoạt động chống lại cuộc khủng hoảng fentanyl.

Bà Blackburn và ba đồng sự khác của đảng Cộng Hòa kêu gọi hành động cứng rắn đối với Trung Cộng, mà họ cho rằng đảng này phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng fentanyl khiến hàng chục ngàn người Mỹ thiệt mạng mỗi năm.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ viết trong bức thư công bố hôm 04/12, đề cập chủ tịch Tập Cận Bình rằng, “Quyết định sai lầm trầm trọng nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Trung Cộng— trong bối cảnh Trung Cộng không ngừng nhồi sọ con em chúng ta qua mạng xã hội và đầu độc người Mỹ bằng fentanyl — sẽ chỉ khiến Chủ tịch Tập Cận Bình trở nên táo bạo hơn. Nếu địch thủ của Mỹ đầu độc và sát hại công dân Hoa Kỳ, thì chúng ta không cần phải khẩn nài hay thương lượng”.

Nhiều năm qua, chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang không ngừng tìm cách ngăn chặn dòng fentanyl xâm nhập vào Hoa Kỳ, vốn là thủ phạm mà Bộ Ngoại Giao cho biết đã trở thành sát thủ ghê gớm nhất đối với người Mỹ từ 18 đến 49 tuổi.

Theo các viên chức Hoa Kỳ, điểm khởi nguồn của chuỗi cung ứng fentanyl toàn cầu thường bắt đầu từ các nhà sản xuất hóa chất ở Trung Cộng. Các băng đảng ma túy ở Mexico mua nguyên liệu thô, được gọi là tiền chất, từ Trung Cộng và tổng hợp các loại hóa chất này thành dạng viên trước khi đưa vào và bán trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Chính phủ Biden xem fentanyl, cùng nhiều thứ khác, là lãnh vực hợp tác với nhà cầm quyền Trung Cộng, bất chấp căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai nước.

Trong thư, các nghị sĩ đảng Cộng Hòa cho rằng Bắc Kinh không có ý định kiềm chế dòng lưu thông fentanyl chảy vào Hoa Kỳ.


Trung Cộng Đang ‘Sử Dụng Khí Hậu Để Lật Đổ Hoa Kỳ’

Một nhà phân tích cho rằng Trung Cộng đã vạch ra chiến lược thay thế Hoa Kỳ để trở thành cường quốc thống trị thế giới vào năm 2049, trong khi đó, Hoa Kỳ đang tự làm suy yếu an ninh quốc gia bằng cách tự nguyện phụ thuộc nhiều hơn vào “năng lượng xanh”, là lãnh vực do Trung Cộng thống trị.

Ông Steve Malloy, một chuyên gia pháp lý cao cấp tại Viện Pháp lý Năng Lượng Và Môi Trường, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “American Thought Leaders” của Epoch TV: “Trung Cộng đang sử dụng khí hậu để lật đổ Hoa Kỳ”.

Ông Malloy nói, “Trung Cộng đã khiến Hoa Kỳ và Tây Âu, và thực sự là tất cả các nước phát triển, quá hăng hái vào kỹ nghệ xanh”. Trọng tâm của năng lượng thay thế này là các kỹ nghệ bao gồm tua-bin gió, tấm pin mặt trời, và xe điện, vốn phụ thuộc vào một số nguyên liệu thô quan trọng, chẳng hạn như than chì và các nguyên tố đất hiếm. Đối với nhiều loại vật liệu này, Trung Cộng — đối thủ hàng đầu của Hoa Kỳ — là nhà cung cấp và chế biến chính của thế giới.

Ông Malloy nói, “Tôi nghĩ chiến lược của họ là khiến thế giới Tây phương phụ thuộc vào Trung Cộng về kỹ nghệ. Đó là một trận chiến không cần phải chiến đấu”.

Ông Malloy nêu ra một ví dụ về đất hiếm, một nhóm gồm 17 nguyên tố mà Trung Cộng gần như độc quyền toàn cầu.

Ông Malloy nói thêm, “Và tất cả những loại đất hiếm này đều được sử dụng trong kỹ nghệ điện gió và kỹ nghệ điện mặt trời, xe điện, cũng như điện thoại di động và máy điện toán của chúng ta. Cả thế giới thực sự phụ thuộc vào Trung Cộng về lãnh vực này”.

Các khoáng chất được dán nhãn “hiếm” thực sự không hiếm. Trên thực tế, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) mô tả đất hiếm là “tương đối dồi dào”.

Ông Malloy giải thích: “Đó chỉ là những nguyên tố có trong đất với nồng độ rất thấp. Vì vậy, chúng ta phải tách đất mỏ để khai thác”.

Theo ông Malloy, lý do khiến Tây phương ngừng khai thác đất hiếm là do áp lực về môi trường, vì những hoạt động như vậy mang tai tiếng là gây ô nhiễm. “Nhưng người ta có thể khai thác mỏ ở Trung Cộng. Trung Cộng không có quy định về môi trường. Vì vậy, Trung Cộng đã tình nguyện làm việc này”.

Theo dữ kiện do USGS sưu tập, hiện nay, Trung Cộng chiếm 70% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu. Theo một nghiên cứu năm 2019 của công ty cố vấn Adamas Intelligence, vào thời điểm đó Trung Cộng chiếm 85% khả năng toàn cầu trong việc biến các khoáng sản khai thác này thành các dạng có thể sử dụng được cho các nhà sản xuất.


Hoa Kỳ Đóng Cửa Các Văn Phòng Đại Diện Hồng Kông

Một dự luật nhằm đóng cửa ba văn phòng đại diện Hồng Kông tại Hoa Kỳ, viện dẫn lý do rằng Hồng Kông là thuộc địa cũ của Anh quốc đã mất quyền tự trị ở mức độ cao dưới sự cai trị của nhà cầm quyền cộng sản, đã được Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện của Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua hôm 29/11 trong một cuộc bỏ phiếu với số phiếu đồng thuận là 39 phiếu.

Hồi tháng Bảy, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã thông qua Đạo luật Chứng Nhận Văn Phòng Kinh Tế và Thương Mại Hồng Kông, và hiện sẽ được đệ trình lên Ủy ban Quy tắc Hạ Viện.

Theo Điều 156 của Luật Căn bản, chính phủ Hồng Kông đã thành lập 14 Văn phòng Kinh Tế Và Thương Mại (ETO) ở hải ngoại trên khắp thế giới, bao gồm New York, San Francisco, Hoa Thịnh Đốn, Bangkok, Berlin, Brussels, Dubai, Geneva, Jakarta, London, Singapore, Sydney, Tokyo, và Toronto.

Dự luật lưỡng đảng này được các nhóm hoạt động ở Hồng Kông và Nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng Hòa) hoan nghênh. Ông Rubio đã đăng dòng tweet rằng, “Trung Cộng đã tiếp nhận quyền tự trị của Hồng Kông; do đó, Văn phòng Kinh Tế và Thương Mại Hồng Kông (HKETO) không nên được hưởng quy chế ngoại giao riêng biệt ở Hoa Kỳ nữa”.

Đáp lại, hôm 30/11, một phát ngôn viên của nhà cầm quyền Hồng Kông cho biết rằng hành động này “thực tế là sai, vu khống ác ý, và can thiệp trắng trợn”.

Nhà cầm quyền Hồng Kông cho rằng, “Đạo luật muốn đạt được các mục tiêu chính trị bằng cách bôi nhọ và tấn công công việc của Văn phòng Kinh Tế và Thương Mại Hồng Kông (ETO) ở Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy bang giao kinh tế và thương mại cùng có lợi cũng như trao đổi văn hóa giữa Hồng Kông và Hoa Kỳ, và bằng cách lừa dối lôi kéo tước bỏ các đặc quyền, miễn trừ, và quyền miễn trừ được hưởng và thậm chí là đóng cửa ETO”.

Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 10/2022, Hong Kong Watch, một tổ chức xã hội dân sự của Anh từ lâu đã lo ngại về tình hình nhân quyền của thành phố này, đã chỉ trích rằng HKETO nằm dưới sự kiểm soát gián tiếp của Trung Cộng và có thể được coi là các Tòa Đại sứ bổ sung thêm của Trung Cộng.

Xét thấy rằng HKETO đã công khai ủng hộ Luật An Ninh Quốc Gia Hồng Kông và tiếp tục đàn áp nhân quyền, báo cáo đề nghị các quốc gia xem xét lại địa vị, đặc quyền, và quyền miễn trừ của HKETO, đồng thời lấy việc đóng cửa và chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử để làm khuôn mẫu.

Bài liên quan:
  • Tác động của chính quyền “kiểu Trump” đối với Trung Quốc
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 22/12/2024. Năm 2024: Những biến cố gây bất ổn, những thách thức, đối đầu tại Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Về vấn đề kiểm soát vũ khí thông thường và chấm dứt chiến tranh Ukraine
    William Lippert
  • Trung Quốc cần một cách tiếp cận mới ở Syria
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những sự kiện làm thay đổi chiến lược an ninh Châu Âu!
    BS Nguyễn Trọng Việt