TIN THẾ GIỚI.
Chiến tranh Ukraina : Gặp khó khăn, Kiev buộc phải xét lại chiến lược quân sự (RFI)
Cuộc phản công từ mùa hè thất bại, viện trợ quân sự của phương Tây cạn dần cùng với sự « mệt mỏi » của các đồng minh, tổng thống Volodymyr Zelensky trở về gần như trắng tay sau chuyến công du gấp gáp tới Washington. Giới quan sát phương Tây nhận thấy hoàn cảnh bế tắc hiện nay đang buộc Kiev phải xem lại chiến lược quân sự để có thể đối mặt với quân Nga đang có chiều hướng thuận lợi trên chiến trường.
Theo nhật báo Pháp La Croix, hồi giữa tháng 11, khi trả lời phỏng vấn tuần báo Anh The Economist, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina Valery Zalouzhny đã thừa nhận cuộc phản công « thất bại », ngôn từ vẫn được xem là cấm kỵ ở Kiev từ trước tới lúc đó. Những tuần qua, bầu không khí u ám trở nên nặng nề thêm bởi việc gói viện trợ mới cho Kiev trị giá 61 tỷ đô la bị một bộ phận thiểu số trong đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội Mỹ chặn lại để làm con tin cho các yêu sách về chính sách nhập cư của chính quyền Biden.
Chắc chắn là cuộc chiến tranh tại Ukraina sẽ còn kéo dài. Ngoài ra, khả năng Nga giành chiến thắng trên chiến trường những ngày qua đã xuất hiện trong những phát ngôn chính thức ở Kiev. Andriï Lermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraina, hôm 05/12 vừa qua đã tuyên bố, « có nguy cơ lớn là chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến này », nếu Quốc Hội Mỹ không nhanh chóng thông qua khoản viện trợ quân sự đang bị đảng Cộng Hòa chặn lại.
Đó là lý do khiến tổng thống Volodymyr Zelensky mở chuyến công du chớp nhoáng đến Washington những ngày cuối năm này để trực tiếp gặp và thuyết phục các nghị sĩ, tổng thống Mỹ giải toả ngân sách viện trợ cho Ukraina. Trong khi đó, các quan chức cao cấp chính quyền của ông đang ngược xuôi các thủ đô châu Âu, cũng vẫn cùng mục tiêu là duy trì nguồn viện trợ từ các đồng minh cho cuộc chiến chống Nga xâm lược.
Đây là lần thứ 3 ông Zelensky đến Mỹ kể từ đầu cuộc chiến tranh, nhưng chuyến đi lần này diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác. Ukraina đang cạn nguồn lực cho chiến tranh, hứa hẹn viện trợ quân sự mới của các nước đồng minh đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Liên minh « thần thánh » cam kết hậu thuẫn Kiev đến chiến thắng cuối cùng đang có nguy cơ rạn nứt vì mệt mỏi. Đối với Kiev, kịch bản tệ hại sẽ là các mảng hỗ trợ quân sự của phương Tây theo nhau sụp đổ, theo kiểu hiệu ứng domino. Tuy hiện tại chưa thể nói Ukraina sẽ bị bỏ rơi trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, năm 2024 dự báo đầy khó khăn cho Ukraina.
Giới quan sát ở phương Tây cho rằng viện trợ quân sự không phải là chủ đề thảo luận duy nhất giữa chính quyền Mỹ và Ukraina. Trong một bài báo đăng tải hôm thứ Hai (11/12), nhật báo Mỹ New York Times tiết lộ, các giới chức Ukraina và Mỹ hiện đang tìm kiếm một « chiến lược mới » để giúp quân đội Ukraina khôi phục lại cơ hội mới đối phó với Nga. Theo nhật báo Mỹ, ngoài sự hiện diện thường xuyên của một tướng Mỹ tại Kiev, tháng Giêng năm tới, các quan chức quân sự Ukraina và Mỹ dự kiến sẽ gặp nhau tại căn cứ quân sự ở Đức để bàn chi tiết về một chiến lược mới.
Bước chuyển hướng chiến lược của Ukraina đã được tổng thống Volodymyr Zelensky nhắc đến hồi đầu tháng này với thông báo quân đội Ukraina đang « soạn thảo các kế hoạch, các chiến dịch tác chiến khác nhau để tiến nhanh hơn và tấn công bất ngờ Liên Bang Nga ». Vấn đề còn lại để xem các chiến dịch sẽ được tiến hành ra sao, có tạo được sự khác biệt gì so với chiến dịch phản công từ tháng 6 năm nay hay không.
Vẫn theo nhật báo New York Times, một số giới chức dân sự và quân sự của Mỹ ủng hộ chuyển thế trận ở Ukraina sang phòng thủ, bao gồm cả cố thủ trên mặt trận để giữ các vùng lãnh thổ đã kiểm soát, tiết kiệm nguồn nhân lực vật lực bằng cách hạn chế các cuộc tấn công tốn kém, đồng thời phục hồi lực lượng.
Tuy nhiên, chính quyền Ukraina lo ngại sẽ mất đi sự tập trung hỗ trợ của các đồng minh phương Tây nếu không đạt được thành công cụ thể trên chiến trường. Kiev cũng lo ngại khả năng Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào cuối năm 2024, đồng nghĩa với việc Kiev sẽ mất hết nguồn viện trợ Mỹ. Nếu những diễn biến « tiêu cực » như vậy xảy ra, Ukraina sẽ chỉ còn cách ngồi vào bàn đàm phán với Nga, điều mà cho cho đến giờ Kiev luôn từ chối.
Chiến tranh Ukraina: Khi Châu Âu không giữ được lời hứa với Kiev (RFI)
Những hứa hẹn viện trợ mới của phương Tây cho Kiev ở mức thấp nhất kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga. Số phận của Ukraina bị đe dọa khi các đồng minh trở nên « mệt mỏi ».
Tại Ukraina, Châu Âu nói thì nghe được, nhưng chưa tìm ra cách để biến lời nói thành hành động. Trong khi tại Hoa Kỳ, một bộ phận nhỏ nghị sĩ thân Trump đã từ chối đưa vấn đề viện trợ cho Ukraina vào chương trình nghị sự của Quốc Hội, thì Liên Âu lại vấp phải việc thủ tướng Hungary Victor Orban muốn rút vấn đề viện trợ cho Ukraina ra khỏi chương trình thảo luận ở Hội Đồng Châu Âu.
Nhưng nguy cơ khó khăn còn rộng lớn hơn thế. Jake Sullivan, cố vấn An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ xác nhận: « Chúng ta đang cạn tiền và gần hết thời gian ! ». Tình hình cũng tương tự ở Châu Âu. Các lãnh đạo Liên Âu thừa nhận không thể giữ được lời hứa cung cấp 1 triệu đạn pháo cho Ukraina trước mùa xuân tới. Liên Hiệp Châu Âu hiện mới chỉ giao được 300 nghìn quả đạn cho Kiev.
Mặc dù khả năng sản xuất của Châu Âu đã tăng từ 20 đến 30% kể từ cuộc xâm lược của Nga, các đơn đặt hàng vẫn chậm hoàn thành. Theo Viện Kiel của Đức, những lời hứa viện trợ mới của phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga. Do cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cuộc xung đột ở Ukraine đã biến mất khỏi màn hình radar, bị đẩy ra ngoài thời sự cùng với sự “mệt mỏi” của các đồng minh của Kiev.
« Có vẻ như Liên Hiệp Châu Âu và NATO đã quên mất rằng cuộc chiến tranh tại Ukraina liên quan đến biên giới của họ. Chúng tôi có cảm giác cùng với sự chuyển hướng chú ý sang Trung Đông, nỗi đau khổ của chúng tôi cũng bị giảm đi trên các mặt báo và có thể sẽ không còn nữa trong nay mai », phó thủ tướng Ukraina Olha Stefanichyna đã phát biểu như vậy trong chuyến thăm Paris mới đây. Bà nhấn mạnh những lời kêu gọi viện trợ của lãnh đạo Ukraina sẽ không có, nếu phương Tây không đề nghị Ukraina từ bỏ kho vũ khí hạt nhân hồi 1996 khi tách ra độc lập từ Liên Xô.
Nga sản xuất 2 triệu đạn pháo mỗi năm
Bà nhắc lại là « Ukraina đã tuân thủ bản ghi nhớ Budapest sau khi đã có được bảo đảm an ninh » của Hoa Kỳ, Anh và Nga. Vậy nên Kiev chỉ yêu cầu các nước phương Tây « giữ lời hứa ». Bà Olha Stefanichyna cũng lưu ý: « Cuộc chiến của người Ukraina chống lại người Nga là cuộc chiến vì tự do và các giá trị của châu Âu, đồng thời bảo vệ các nước châu Âu khỏi chiến tranh. Nếu như Nga không hiện diện quân sự ở Liên Hiệp Châu Âu thì đó là do Ukraina ngăn sự xâm lược của Nga ».
Tuy nhiên, tại nhiều thủ đô trong Liên Âu, đã bắt đầu xuất hiện những lời to nhỏ bàn về mong muốn ngừng bắn. Sự chậm trễ và lưỡng lự của phương Tây trong việc cung cấp cho Kiev các loại vũ khí cần thiết, đúng thời điểm, để đánh đuổi quân Nga ra khỏi Ukraina, có thể lý giải phần lớn cho thất bại của cuộc phản công mùa xuân vừa qua.
Trong khi EU và Mỹ nhấn phanh viện trợ cho Ukraina, đầu tiên là giữ lại xe tăng, sau đó là máy bay chiến đấu và bây giờ là đạn dược, quân đội Nga, vốn bị phương Tây đánh giá thấp, đã bảo vệ được mình sau một tuyến phòng thủ vững chắc.
“Nền kinh tế chiến tranh” được tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói đến chưa bao giờ trở thành hiện thực ở châu Âu. Trái lại, Nga đã đưa ngành công nghiệp chiến tranh của mình vào thế trận. Họ sẽ sớm đạt mục tiêu sản xuất hai triệu đạn pháo mỗi năm, nghĩa là nhiều hơn cả Hoa Kỳ và Châu Âu cộng lại. Mối nguy hiểm có lẽ chưa bao giờ lớn đến thế kể từ đầu năm. Nguy cơ chính là tương quan lực lượng trên chiến trường đã bị đảo ngược.
“Các nước Châu Âu rõ ràng chưa sẵn sàng chấp nhận những hy sinh cần thiết để giúp Ukraina chống lại sự xâm lược của Nga trong điều kiện tốt nhất. Hành động hoặc sự thiếu hành động của họ đều đi ngược lại những lời phát biểu của họ”, cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ Gérard Araud lấy làm tiếc trên mạng X.
Các nước châu Âu vẫn đang vất vả để hiểu được những thách thức chiến lược của thế giới mới. Sau khi thành công, với rất nhiều khó khăn, trong việc tạo được sự đoàn kết ở đầu cuộc chiến tranh, họ lại một lần nữa bị chia rẽ về chủ đề này. Trong Liên Âu, Hungary không ngại ngùng bảo vệ lợi ích của Nga. Ba Lan thì đang xét lại các nguyên tắc chính ủng hộ Ukraina do lợi ích ích kỷ của một số thành phần kinh tế.
Đại Hội Đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức” ở Gaza (RFI)
Với một đa số áp đảo ( 153 trong số 193 quốc gia thành viên ), chỉ có vỏn vẹn 10 phiếu chống (trong đó có Mỹ và Israel) và 23 phiếu trắng – Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm qua, 12/12/2023, đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza.
Theo giới quan sát, kết quả của bỏ phiếu về tình hình Gaza thậm chí còn cao hơn kết quả của các cuộc bỏ phiếu lên án Nga xâm lược Ukraina trước đây.
Văn bản được thông qua kêu gọi một “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững, dẫn đến việc chấm dứt các hành động thù địch.”
Dù không mang tính ràng buộc, nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã làm tăng đáng kể áp lực lên Israel và đồng minh Hoa Kỳ.
Từ New York, Thông tín viên RFI Carrie Nooten phân tích:
Người dân Palestine từng hy vọng một kết quả bỏ phiếu dứt khoát rõ ràng phản ánh mong muốn của cả thế giới về việc Israel phải chấm dứt ném bom vào Gaza. Với 153 phiếu ủng hộ, điều đó đã đạt được.
Các quốc gia châu Phi, vốn có thể bỏ phiếu trắng như từng làm cho đến nay, đã chuyển sang ủng hộ. Cũng như vậy, đại đa số thành viên, và đặc biệt là những nước Phương Nam, đã mất kiên nhẫn với lập trường của Mỹ. Đại sứ Palestine Riyad Mansour đã hoan nghênh “một ngày lịch sử, với thông điệp mạnh mẽ được Đại Hội Đồng gửi đến”.
Theo ông: “Nhiệm vụ tập thể của chúng ta là tiếp tục đi trên con đường này cho đến khi chúng ta thấy chấm dứt hành vi xâm lược chống lại người dân Palestine chúng tôi. Chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi Israel tuân thủ những yêu cầu được đưa ra tại Đại Hội Đồng.
Các điểm bế tắc giữa hai phe không thay đổi: Washington không thể chấp nhận lệnh ngừng bắn, vì điều đó sẽ làm suy yếu quyền tự vệ của Israel. Về phần mình, các nước Ả Rập từ chối lên án hoặc thậm chí nhắm mục tiêu vào Hamas trong văn bản này.
Cuộc bỏ phiếu đã được tổ chức vào lúc các đại sứ Hội Đồng Bảo An đến thăm Rafah hôm thứ Hai vừa hạ cánh xuống New York. Đại sứ Palestine cho biết ông đang chờ nhận xét của họ để đưa vào một dự thảo nghị quyết mới, thực tế hơn, để có tác động lớn hơn trên hiện trường.”
Vụ va chạm tàu tại Biển Đông: Philippines có thể trục xuất đại sứ Trung Cộng (RFI).
Sau những sự cố « nghiêm trọng nhất » trong những năm gần đây tại vùng biển có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Cộng hồi cuối tuần qua, hôm 11/12/2023 bộ Ngoại Giao Philippines thông báo triệu đại sứ Trung Cộng tại Manila Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) lên để trao công hàm phản đối. Rất có thể đại sứ Trung Cộng sẽ bị trục xuất khỏi Philippines.
Hãng tin Pháp AFP trích lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines Teresita Daza cho biết đã gửi công hàm triệu đại sứ Trung Cộng tại Manila lên để phản đối sau khi trong hai ngày liên tiếp (9 và 10/12/2023), đã xảy ra nhiều vụ va chạm giữa tàu của hai nước.
Hình ảnh tuần duyên Philippines thu được cho thấy tàu Trung Cộng đã dùng vòi rồng uy hiếp các tàu tiếp liệu của Philippines thi hành nhiệm vụ tại bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham, theo tên gọi của Trung Cộng) và Second Thomas (Bãi Cỏ Mây). Hai tàu chở hàng tiếp liệu của Philippines đã bị tàu hải cảnh Trung Cộng « đâm vào » ở Bãi Cỏ Mây trong khu vực quần đảo Trường Sa. Phó giám đốc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Philippines Jonathan Malaya trong cuộc họp báo sáng nay (11/12) khẳng định những sự cố vừa qua thể hiện chiến thuật « làm căng thẳng leo thang nghiêm trọng nhất » trong những năm gần đây. Trước đó, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. khẳng định « không một quốc gia nào khác ngoại trừ Philippines đủ tư cách chính đáng để hoạt động ở bất kỳ nơi nào trong vùng biển Tây Philippines », tên Manila gọi Biển Đông.
Phản ứng của Trung Cộng và Mỹ
Trong một thông cáo hôm 11/12, Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc nói trên của Manila, nhấn mạnh đến « tính chuyên nghiệp » và phản ứng « chừng mực » của lực lượng hải cảnh Trung Cộng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mao Ninh khẳng định Trung Cộng đã hành xử « trong khuôn khổ luật pháp quốc tế ». Sự hiện diện cũng như cách ứng xử của hải cảnh Trung Cộng hoàn toàn « hợp pháp », bởi vìtheo Bắc Kinh, tàu Philippines đã « xâm nhập trái phép hải phận của Trung Cộng ». Bắc Kinh sẽ « tiếp tục các hoạt động để bảo vệ trật tự » ở khu vực quần đảoTrường Sa.
Về phía Hoa Kỳ, bộ Ngoại Giao ngay hôm qua (10/12) đã kêu gọi Trung Cộng chấm dứt lối hành xử « nguy hiểm và gây bất ổn » tại Biển Đông. Việc tàu Trung Cộng dùng vòi rồng uy hiếp tàu Philippines và ngăn cản họ thi hành nhiệm vụ là điều « bất hợp pháp ». Washington cam kết sẽ bảo vệ đồng minh trong trường hợp Manila « phải đối mặt với một cuộc xung đột vũ trang ».
Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn cảnh báo Triều Tiên về ‘địa ngục hủy diệt’ (VOA)
Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn hôm thứ Tư (13/12) đe dọa sẽ gây ra “địa ngục hủy diệt” đối với nước láng giềng Triều Tiên để đáp lại bất kỳ hành động liều lĩnh nào.
Lời lẽ cứng rắn này được đưa ra sau khi Triều Tiên hồi tháng trước tuyên bố sẽ không còn tuân thủ hiệp ước quân sự giữa hai nước láng giềng vào năm 2018 nhằm giảm căng thẳng.
Động thái của Bình Nhưỡng được đưa ra sau khi Nam Hàn tuyên bố đình chỉ một phần thỏa thuận sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh do thám.
“Triều Tiên chỉ có hai lựa chọn: Hòa bình hoặc hủy diệt”, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Shin Won-sik nói.
“Nếu Triều Tiên thực hiện những hành động liều lĩnh gây tổn hại đến hòa bình, thì chỉ có địa ngục hủy diệt đang chờ đợi họ”.
Phát biểu này được đưa ra trong cuộc họp của các chỉ huy quân sự hàng đầu, chưa đầy một tuần sau khi ông Shin đến thăm bộ chỉ huy tên lửa của miền Nam, nơi ông cho biết sẽ có nhiệm vụ “tấn công chí mạng vào tim và đầu kẻ thù” trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Triều Tiên lâu nay bênh vực việc phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân như một quyền chủ quyền cần thiết để chống lại các động thái của Hoa Kỳ và các đồng minh.
Tờ Rodong Sinmun của đảng cầm quyền hôm thứ Ba nói trong một bài bình luận về các cuộc tập trận của Mỹ với Australia và Nhật Bản: “Sự xâm lược và các động thái bá quyền của Mỹ nhằm tăng cường liên minh là nguyên nhân sâu xa làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực”.
Trong cuộc gặp với các chỉ huy, ông Shin đã vạch ra các bước mà quân đội đang thực hiện để tăng cường năng lực của mình.
Những biện pháp này bao gồm phóng vệ tinh của riêng mình, cải thiện phúc lợi cho binh lính và tăng cường “đáng kể” hệ thống phòng thủ “tam trục” của miền Nam, được thiết kế để chống lại các mối đe dọa quân sự của miền Bắc, bao gồm cả các kế hoạch chiến tranh kêu gọi tấn công phủ đầu nếu cần thiết.
Hôm thứ Ba, Bộ này đã yêu cầu tăng 4,5% trong ngân sách quốc phòng năm tới, nhằm thúc đẩy hệ thống “tam trục” với nhiều tàu ngầm hơn, máy bay tàng hình F-35A do Mỹ sản xuất và hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tuần trước, các cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản, gặp nhau tại Seoul, đã nhất trí về các sáng kiến mới nhằm ứng phó với các mối đe dọa của Triều Tiên trong không gian mạng, từ lạm dụng tiền điện tử đến phóng vệ tinh vào không gian.
Nam Hàn và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề răn đe hạt nhân vào thứ Sáu như một phần trong cam kết của Washington nhằm giúp Seoul hiểu rõ hơn về kế hoạch của mình trong trường hợp xảy ra xung đột với Triều Tiên.
Kể từ khi cuộc chiến tranh 1950-1953 của họ kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn thay vì một hiệp ước hòa bình, hai nước láng giềng trên lý thuyết vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.
Nhà đấu tranh nhân quyền Iran vắng mặt tại lễ trao giải Nobel 2023 (RFI)
Theo thông lệ, đúng ngày 10/12 hàng năm, tất cả những người được vinh danh lại tề tựu về Oslo, thủ đô Na Uy, nhận giải thưởng Nobel. Năm nay, giải Nobel Hòa bình người Iran, nhà đấu tranh nhân quyền Narges Mohammadi vắng mặt do bị chính quyền Teheran giam giữ. Bà thông báo sẽ bắt đầu một đợt tuyệt thực vào lúc mà ở Oslo bà được xướng tên cùng với các giải Nobel khác năm nay.
Là một nhà đấu tranh chống án tử hình tại Iran và bảo vệ quyền của phụ nữ được để đầu trần khi xuất hiện ở những nơi công cộng, Narges Mohammadi, 51 tuổi, đã nhiều lần bị bắt giữ và tống giam trong thời gian gần đây. Từ 2021, bà bị đưa vào nhà tù Evin, trại giam khủng khiếp nhất của Teheran. Bà là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào đấu tranh đòi tự do cho nữ giới ở Iran.
Tháng 10/2023, Narges Mohammadi được trao tặng giải Nobel Hòa Bình do những « đóng góp chống lại những biện pháp đàn áp phụ nữ Iran, và những nỗ lực của Mohammadi vì nhân quyền, vì tự do cho tất cả mọi người ». Thế nhưng, bà sẽ không đến Oslo và là người duy nhất vắng mặt trong buổi lễ trao giải vào lúc 12 giờ trưa nay. Hai người con của bà sẽ thay mặt mẹ nhận phần thưởng cao quý này và sẽ phát biểu nhân danh người mẹ đang bị « tước đoạt tự do ». Đúng vào giờ trao giải Nobel, từ nhà tù Evin ở Teheran, Narges Mohammadi bắt đầu tuyệt thực để phản đối một bản án bất công.
Thông tín viên của RFI Vahid Shamsoddinnezhad đã có dịp trao đổi với phu quân của giải Nobel Hòa Bình 2023. Ông Taghi Rahmani, nhấn mạnh đến công cuộc đấu tranh của người phụ nữ Iran này :
« Đúng là nhẽ ra Narges phải có mặt ở đây để nhận giải thưởng. Nhưng chúng tôi biết là Cộng Hòa Hồi Giáo Iran không có một cái nhìn thiện cảm về giá trị của giải thưởng này, về người được trao giải. Teheran xem đây là một giải thưởng mang đậm màu sắc chính trị. Từ thứ Bảy vừa qua, Narges không được gặp thân nhân và thậm chí không được quyền trao đổi qua điện thoại. Nói cách khác, nhà tôi bị phạt. Narges, kể cả khi đã bị bắt giam, vẫn ủng hộ cuộc nổi dậy của phụ nữ để đòi tự do và quyền sống. Narges luôn bày tỏ quan điểm về những biện pháp đàn áp nhắm vào người biểu tình của phong trào xuất phát từ sau cái chết của cô Mahsa Amini và những cuộc thảm sát đã diễn ra. Nhà tôi rất quan tâm đến những vấn đề về nữ quyền, về bất bình đẳng giới tính, về chính sách đàn áp nhắm vào các sắc tộc thiểu số và những thiểu số tôn giáo. »
PHÂN TÍCH: Trung Cộng chọn thời điểm gây hấn với Philippines ở Biển Đông? (RFI)
Tình hình đã đột ngột trở nên căng thẳng tại Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Trường Sa trong hai ngày cuối tuần 9 và 10/12/2023. Tàu của Hải cảnh Trung Cộng phun vòi rồng, thậm chí « đâm vào » các tàu tiếp liệu của Philippines tại Bãi Cỏ Mây (Thomas Shoal) và bãi cạn Scarborough. Mỹ và nhiều nước phương Tây lên án hành động « bất hợp pháp » của Trung Cộng và kêu gọi « kiềm chế ».
Bắc Kinh chọn thời điểm này để gây hấn với Manila ở Biển Đông phải chăng để thách thức Hoa Kỳ, trắc nghiệm mức độ quan tâm của Washington với châu Á -Thái Bình Dương ? Đây có phải là dấu hiệu báo trước một chu kỳ căng thẳng leo thang trong vùng biển mà Trung Cộng khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ và muốn làm chủ tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới ? Ngoài việc « phản đối » và lên án Bắc Kinh có thái độ « hung hăng, khiêu khích », Manila có biện pháp nào để ngăn chặn hải cảnh và dân quân biển Trung Cộng uy hiếp ngư dân trong các vùng biển của Philippines ?
Về câu hỏi cuối cùng này, nhiều quan điểm cho rằng, chỉ với những phản đối bằng lời nói, Manila sẽ không làm Bắc Kinh nao núng. Không phải lần đầu tiên hải cảnh và dân quân biển Trung Cộng sách nhiễu, uy hiếp tàu Philippines ở khu vực Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền. Nhưng những sự cố trong hai ngày vừa qua là những vụ « va chạm nghiêm trọng nhất » từ nhiều năm trở lại đây và tất cả đã diễn ra chưa đầy một tháng sau cuộc trao đổi giữa lãnh đạo Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Trung Cộng Tập Cận Bình bên lề diễn đàn APEC tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Các giới chức quân sự tại Manila nói đến nước cờ « nguy hiểm » của Bắc Kinh và « chủ trương gia tăng căng thẳng đến mức đáng quan ngại » từ một quốc gia luôn khẳng định chủ quyền trên gần 90 % diện tích Biển Đông, có tranh chấp với nhiều nước khác ở Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Brunei…, chứ không riêng gì với Philippines.
Hãng tin Mỹ AP trích lời tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, tướng Romeo Brawner, cho biết hơn 100 tàu của hải cảnh và dân quân biển Trung Cộng đã bao vây Bãi Cỏ Mây ngăn cản tàu của Philippines tiếp tế cho những người lính đồn trú tại đây.
Trong thông cáo sáng nay, bộ Ngoại Giao Philippines lên án Bắc Kinh « đe dọa hòa bình, trật tự và ổn định » trong khu vực, hành động « trái ngược với những cam kết trước đây » rằng Trung Cộng hành xử « trong khuôn khổ luật pháp quốc tế ». Tổng thống Philippines cảnh cáo Bắc Kinh là những hành vi hù dọa và uy hiếp của Trung Cộng càng « củng cố thêm quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán » ở vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Tại Bắc Kinh, báo Quân Đội Nhân Dân của Trung Cộng ấn bản ngày 11/12/2023 lên án Philippines cho tàu bè « xâm nhập trái phép hải phận » Trung Cộng, đồng thời đòi Manila « ngừng ngay lập tức các hành vi khiêu khích ». Tờ báo này còn đi xa hơn khi cho rằng « một số lực lượng thù nghịch bên ngoài » mượn tay Philippines để « gây chia rẽ » và xúi giục các bên tranh chấp ở Biển Đông « đối đầu nhau ». Một nhà phân tích Trung Cộng từng phục vụ trong quân đội, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, nhận xét « nhờ được Mỹ hậu thuẫn, Manila tự tin hơn để khiêu khích Bắc Kinh (…) và trong chiều hướng này, sớm muộn gì xung đột cũng có thể xảy ra » ở Scarborough mà Trung Cộng gọi là Hoàng Nham Đảo.
Căng thẳng Bắc Kinh – Manila không phải ngẫu nhiên
Giới quan sát không ngạc nhiên khi thấy Trung Cộng chọn thời điểm này để khuấy động tình hình ở Biển Đông. Jay Batongbacal, giám đốc Viện Nghiên cứu về Luật Biển và quan hệ hàng hải thuộc đại học Philippines, chờ đợi là « những sự cố như vừa qua sẽ thường xuyên xảy ra hơn và càng lúc càng nghiêm trọng ». Do vậy theo ông, tổng thống Marcos Jr. cần « tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác để chuẩn bị đối phó với kịch bản xấu nhất ».
Song không phải ngẫu nhiên mà căng thẳng Bắc Kinh – Manila dấy lên vào thời điểm này. Thứ nhất, khác với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên cầm quyền tháng 6/2022 chủ trương « sưởi ấm và mở rộng quan hệ với đồng minh truyền thống Hoa Kỳ ». Philippines qua đó giúp cho chính quyền Biden « bắt rễ sâu hơn » vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, ngăn chặn tham vọng của Trung Cộng trong khu vực.
Lý do thứ nhì, được một số nhà phân tích nêu bật, là ông Tập Cận Bình lợi dụng thời cơ nước Mỹ sắp bầu lại tổng thống vào tháng 11/2024, Nhà Trắng « không dại gì » lao vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Cộng ở Biển Đông.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện tại, Washington đang vướng vào hai hồ sơ lớn là chiến tranh Ukraina và gần đây hơn là xung đột Israel – Hamas ở Cận Đông. Thêm một yếu tố khác, vô hình chung tạo thuận lợi cho Bắc Kinh, là chính trường Mỹ đang « rối bời ». Có thể là đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vẫn « đồng lòng » xem Trung Cộng là « thách thức », là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Hoa Kỳ, nhưng trong « kịch bản xấu nhất », không chắc ngành lập pháp Mỹ cho phép tổng thống Biden can thiệp quân sự, dù là ở eo biển Đài Loan hay ở Biển Đông.
Các cuộc va chạm trên biển với Philippines vừa qua, « không phải là lần đầu và cũng không là lần cuối », chẳng qua là để Trung Cộng « dò xét phản ứng của Washington »và một số đồng minh của Hoa Kỳ. Bởi, như lời chuyên gia về an ninh châu Á, ông Eric Sayers, thuộc viện American Enterprise Institute, trụ sở tại Washington, được báo Nhật Japan Times trích dẫn, ông Tập Cận Bình không muốn « nổ ra xung đột », mà chỉ muốn biết « trong những vùng xám thì Bắc Kinh có thể lấn lướt được đến đâu ».
Trong hoàn cảnh đó, ông Sayers cho rằng có thể là Mỹ sẽ phải « dấn thân nhiều hơn » và hiện diện thường xuyên hơn bên các đồng minh, chẳng hạn như « hộ tống » các chuyến tàu tiếp liệu của Philippines đến bãi cạn Scarborough hay Second Thomas… Trong trường hợp đó thì tính toán của Bắc Kinh thâu tóm Biển Đông sẽ « khó khăn hơn, nếu không muốn nói là sẽ phản tác dụng ».
Reuters/Ipsos: Sẽ là cuộc tái đấu sít sao Biden-Trump; RFK (con) là mối nguy cho ông Biden (VOA)
Cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos cho thấy sắp có một cuộc tái đấu nhiều khả năng là rất khốc liệt trong cuộc bầu cử vào năm tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump, trong khi cả hai ứng cử viên này đều có những sơ hở lớn có thể khiến họ mất cơ hội kiểm soát Nhà Trắng, Reuters cho biết hôm 12/12.
Tổng thống Biden, một đảng viên Dân chủ 81 tuổi, tiếp tục gặp khó khắn vì cử tri hoài nghi về sức mạnh của nền kinh tế, cũng như lo ngại về an ninh biên giới Mỹ-Mexico và lo lắng về tội phạm.
Cựu Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Trump, 77 tuổi, phải đối mặt với những nội lo của riêng ông, bao gồm 4 phiên tòa hình sự với hàng loạt cáo buộc liên quan đến nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và việc xử lý các tài liệu mật. Cuộc thăm dò cho thấy nếu bị kết án trước cuộc bầu cử ngày 5/11/2024 có thể khiến ông mất đi sự ủng hộ đáng kể.
Theo cuộc thăm dò, ông Trump dẫn trước 2 điểm trong cuộc đối đầu trực tiếp, 38% ủng hộ ông Trung, 36% ủng hộ ông Biden, số còn lại gồm 26% số người được hỏi nói rằng họ không chắc chắn hoặc có thể sẽ bỏ phiếu cho người khác.
Cuộc thăm dò được thực hiện trực tuyến từ ngày 5-11/12, khảo sát 4.411 người Mỹ trưởng thành trên toàn quốc và có khoảng du di về tin cậy, tức thước đo độ chính xác, là khoảng 2 điểm phần trăm.
Cuộc thăm dò cho thấy ông Trump là ứng cử viên dẫn đầu để được đảng Cộng hòa đề cử với khoảng cách lớn so với những ứng viên còn lại.
Nhìn chung, cuộc thăm dò cho thấy sự thờ ơ sâu sắc của nhiều cử tri trước cuộc tái đối đầu tiềm năng giữa hai ông Biden-Trump. Khoảng 6 trên 10 người được hỏi nói rằng họ không hài lòng với hệ thống hai đảng của Mỹ và muốn có lựa chọn thứ ba.
Yếu tố RFK Jr.
Họ có thể chọn một người như nhà hoạt động chống vaccine Robert F. Kennedy (con), là người đã tuyên bố tranh cử độc lập. Cuộc thăm dò cho thấy ông Kennedy, một thành viên của gia tộc chính trị nổi tiếng, có thể sẽ thu hút phiếu bầu từ cử tri của ông Biden nhiều hơn là từ cử tri của ông Trump.
Khoảng cách dẫn trước của ông Trump đã tăng lên thành lợi thế 5 điểm phần trăm khi những người trả lời khảo sát được quyền lựa chọn bỏ phiếu cho ông Kennedy.
Khoảng 16% số người được hỏi đã chọn ông Kennedy khi được đưa ra lựa chọn, trong khi ông Trump được 36% ủng hộ, so với 31% dành cho ông Biden.
Ông Kennedy – có người chú là John F. Kennedy từng là tổng thống; và cha của ông, ông Robert Kennedy, là thượng nghị sĩ và bộ trưởng tư pháp – phải đối mặt với thách thức thu thập đủ chữ ký để có được lá phiếu ở tất cả 50 bang. Tuần trước, một ủy ban gây quỹ vô hạn, gọi tắt là siêu PAC, ủng hộ việc tranh cử của Kennedy cho biết họ sẽ chi tới 15 triệu USD để đưa ông Kennedy vào lá phiếu ở 10 bang như một biện pháp khởi đầu.
Các ứng cử viên của bên thứ ba ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Hoa Kỳ ngay cả khi không giành chiến thắng. Năm 1992, ông Ross Perot hoạt động và hiện diện mạnh mẽ, điều đó đã giúp đưa ông Bill Clinton của đảng Dân chủ vào Nhà Trắng; còn vào năm 2000, một số đảng viên Dân chủ đã quy kết rằng nỗ lực của ông Ralph Nader đã góp phần khiến ông Al Gore thua ông George W. Bush của Đảng Cộng hòa.
Hệ thống Cử tri đoàn theo từng bang được sử dụng để chọn tổng thống và sự chia rẽ đảng phái sâu sắc có nghĩa là chỉ có các cử tri ở một vài bang thôi sẽ đóng vai trò quyết định đối với kết quả bầu cử.
Tại 7 bang có kết quả bầu cử sít sao nhất vào năm 2020 – Wisconsin, Pennsylvania, Arizona, Georgia, Nevada, North Carolina và Michigan – ông Biden dẫn trước 4 điểm trong số những người Mỹ nói rằng họ chắc chắn sẽ bỏ phiếu.
Các cuộc thăm dò khác cho thấy một số cử tri lo ngại về tuổi cao của ông Biden. Ông sẽ là tổng thống lớn tuổi nhất từng được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai, nếu ông thắng.
Nhưng cuộc thăm dò mới cho thấy vị thế ứng cử của ông Biden có thể sẽ được củng cố bởi sự ủng hộ không ngừng của công chúng đối với quyền phá thai, cũng như sự ủng hộ của ông đối với việc kiểm soát súng ống, các biện pháp chống biến đổi khí hậu và tăng thuế đối với giới siêu giàu.
Cuộc khảo sát cũng nêu bật những rủi ro đáng kể đối với chiến dịch tranh cử của ông Trump khi ông phải đối mặt với hàng loạt phiên tòa hình sự vào năm tới. Khoảng 31% số người được hỏi thuộc đảng Cộng hòa nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump nếu ông bị bồi thẩm đoàn tuyên án phạm trọng tội. Lâu nay ông vẫn phủ nhận chuyện ông phạm phải bất kỳ hành vi hình sự sai trái nào.
Khoảng 45% số người được hỏi cho rằng ông Trump là ứng cử viên tốt hơn để xử lý nền kinh tế, so với 33% chọn ông Biden.
Tuy nhiên, ông Biden cũng có lợi thế tương tự trong vấn đề phá thai, với 44% số người được hỏi cho rằng ông là ứng cử viên sáng giá hơn cho việc xử lý vấn đề phá thai, so với 29% chọn ông Trump.
Một phần thế mạnh của ông Trump dường như cũng gắn liền với mối lo ngại của một số cử tri về tội phạm và nhập cư. Khi được hỏi ứng cử viên nào giỏi hơn trong các vấn đề đó, 42% chọn ông Trump về tội phạm so với 32% chọn ông Biden.
54% số người được hỏi đồng ý với tuyên bố rằng “tình hình di dân tràn vào đang khiến cuộc sống của người sinh ra ở Mỹ trở nên khó khăn hơn”, với tỷ lệ tương tự cho rằng ông Trump là ứng cử viên sáng giá hơn cho vấn đề này.
Trung Cộng áp sát bờ biển Đài Loan để ‘uy hiếp’ cử tri trước cuộc bầu cử quan trọng (VOA)
Quân đội Đài Loan ngăn chặn bốn nỗ lực của lực lượng Trung Cộng nhằm tiếp cận khu vực tiếp giáp nhạy cảm của hòn đảo vào tháng trước, các quan chức an ninh Đài Loan loan báo và cho rằng đây là một chiến dịch rầm rộ của Trung Cộng nhằm “đe dọa” cử tri trước cuộc bầu cử quan trọng.
Các quan chức Đài Loan đã nhiều lần cảnh báo rằng Trung Cộng đang cố gắng lôi kéo cử tri về phía các ứng cử viên đang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, nơi chính phủ coi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 13/1 sang năm là sự lựa chọn giữa “hòa bình và chiến tranh” và kêu gọi người Đài Loan đưa ra “lựa chọn đúng đắn”.
Trong 4 năm qua, Đài Loan đã phàn nàn về các cuộc xâm phạm quân sự thường xuyên của Trung Cộng khi Bắc Kinh gia tăng áp lực nhằm buộc hòn đảo dân chủ này chấp nhận là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Các quan chức an ninh Đài Loan và các nhà ngoại giao ở Đài Bắc cho biết, Trung Cộng đã tăng cường các nhiệm vụ như vậy trước cuộc bầu cử ở Đài Loan khi chiến dịch tranh cử được đẩy mạnh.
Theo nhiều quan chức an ninh Đài Loan, vào tháng 11 vừa qua, các lực lượng không quân và hải quân của Trung Cộng đã tổ chức bốn cuộc diễn tập phối hợp tiếp cận khu vực tiếp giáp của Đài Loan, cách bờ biển của Đài Loan 44 km.
Bản ghi nhớ viết rằng các động thái quân sự của Trung Cộng là một phần của “chiến dịch can thiệp bầu cử trên nhiều mặt trận”, đồng thời nói rằng nó cũng bao gồm các hoạt động trao đổi với các chính trị gia Đài Loan và truyền bá thông tin sai lệch để làm lung lay dư luận.
Một quan chức yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề nói các cuộc tập trận ở khu vực tiếp giáp đang “mô phỏng một cuộc xâm nhập và kiểm tra phản ứng của quân đội quốc gia chúng ta”. Nguồn tin cho biết thêm, Đài Loan đã phái lực lượng tới xua đuổi lực lượng Trung Cộng.
Bộ Quốc phòng Trung Cộng và Văn phòng Đài Loan sự vụ không trả lời yêu cầu bình luận. Khi bình luận về cuộc bầu cử trước đây, Văn phòng Đài Loan sự vụ cho biết họ tôn trọng “hệ thống xã hội” của Đài Loan.
Các quan chức nói, các hoạt động của Trung Cộng trong tháng 11 còn bao gồm việc khinh khí cầu vượt qua đường trung tuyến nhạy cảm của Eo biển Đài Loan trong hai ngày liên tiếp, cũng như các tàu nghiên cứu biển tiếp cận gần khu vực tiếp giáp ngoài khơi bờ biển phía đông và phía tây của Đài Loan.
Theo các nguồn tin, vào tháng 11, một tàu kéo thương mại của Trung Cộng đã đi vào lãnh hải phía nam của Đài Loan, được xác định là 12 hải lý tính từ bờ biển của Đài Loan.
Quan chức này nói: “Thông qua các lực lượng quân sự và phi quân sự này, họ đã đưa ra tuyên bố rằng họ có thể làm điều gì đó với Đài Loan bất cứ lúc nào trong khi vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng”. “Đó rõ ràng là chiến tranh tâm lý. Họ đang loan truyền thông điệp ‘hòa bình và chiến tranh’ mỗi ngày.”
Một quan chức Đài Loan thứ hai mô tả các cuộc diễn tập của Trung Cộng là một phần trong chiến dịch leo thang chiến tranh “vùng xám” của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu Đài Loan bằng các cuộc tập trận lặp đi lặp lại và “đe dọa” cử tri.
“Họ muốn làm cho lời tiên tri của họ có vẻ như có thể trở thành sự thật”, người này nói, đồng thời chỉ ra câu chuyện rằng nếu Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền tiếp tục nắm quyền, một cuộc chiến tranh với Trung Cộng có thể xảy ra.
Phó Tổng thống Lại Thanh Đức và người đồng tranh cử Tiêu Mỹ Cầm của DPP đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Trung Cộng coi họ là những kẻ ly khai và đã từ chối lời đề nghị đàm phán của ông Lại.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khoảng một tháng trước cuộc bầu cử, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 12 máy bay chiến đấu của Trung Cộng và một khinh khí cầu bị tình nghi là khí cầu thời tiết vào tuần trước đã vượt qua đường trung tuyến.
Đài Loan hôm 11/12 đã cử lực lượng theo dõi đội hình hải quân Trung Cộng, do tàu sân bay Sơn Đông dẫn đầu, đi qua Eo biển Đài Loan.
Chính phủ Đài Loan đang cảnh giác cao độ về những gì họ coi là nỗ lực của Trung Cộng nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử bằng cách tài trợ bất hợp pháp cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh bằng cách sử dụng các ứng dụng liên lạc, các chuyến tham quan theo nhóm hoặc các chiến dịch thông tin sai lệch, các báo cáo an ninh nội bộ được Reuters xem xét cho thấy.
Reuters đưa tin, trích dẫn các nguồn tin và tài liệu, rằng Bắc Kinh cũng đã tài trợ các chuyến đi giảm giá tới Trung Cộng cho hàng trăm chính trị gia địa phương của Đài Loan trước cuộc bầu cử.
TIN VIỆT NAM
Ông Tập kêu gọi Hà Nội “kiên trì tin cậy lẫn nhau”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng vợ và phái đoàn cấp cao đảng và nhà nước đến Hà Nội sáng ngày Thứ Ba 12 Tháng Mười Hai bắt đầu hai ngày thăm viếng với nghi thức tiếp đón ngoại giao cao nhất. Dịp này Tập Cận Bình lên tiếng cổ võ cho mục tiêu Bắc Kinh-Hanoi nên ‘kiên trì tin cậy lẫn nhau’ Cuộc thăm viếng được truyền thông quốc tế bình luận là để Hà Nội chứng tỏ đường lối “ngoại giao cây tre” khi nghiêng bên này, khi ngả bên kia chứ không về hẳn một phe. Bắc Kinh thì nhất định không muốn CSVN tiến sâu hơn vào quỹ đạo địa chính trị của Mỹ để kềm chế hay nguy hiểm hơn, tiếp tay bao vây Trung cộng.
Trong cuộc họp ở trụ sở Trung ương đảng CSVN vào buổi chiều cùng ngày, Tổng bí thư đảng CSVN lập lại lời thề thốt từng được ông và các lãnh tụ khác lập đi lập lại là coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc “ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược”. Điều này dùng để trấn an ông đồng chí khổng lồ phương bắc dù Hà Nội có ký cái gì với Mỹ, với Nhật.
Cũng vì vậy, các báo chính thống của chế độ đều tường thuật lời ông Trọng nói trong cuộc họp kể trên là CSVN vẫn theo đuổi chính sách quốc phòng “4 không” tức không liên minh, không cho nước khác mượn đất làm căn cứ để tấn công nước thứ ba. Ông trấn an Bắc Kinh rằng CSVN phía nam vẫn là phên dậu, không phải mũi giáo của Mỹ thọc về phương bắc.
Ông Tập Cận Bình được thuật lời nhắc lại đường lối đối ngoại cho đến nay vẫn coi Việt Nam là “ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng”. Bản tin Tân Hoa Xã tường thuật rằng trong một bài viết của ông Tập Cận Bình được phổ biến trên tờ Nhân Dân, loa tuyên truyền của đảng CSVN, ông kêu gọi chế độ Hà Nội “Xây dựng Cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam với tương lai chung mang ý nghĩa chiến lược và cùng nhau viết nên một chương mới trong nỗ lực hiện đại hóa của chúng ta”.
Dịp này các báo nhất loạt viết theo TTXVN là “Từ việc coi trọng cao độ quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, với những thành tựu của quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện trong 15 năm qua và trước những yêu cầu mới, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt -Trung có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.”
Khái niệm xây dựng cộng đồng “chung tương lai” được ông Tập Cận Bình tuyên truyền từ chục năm nay nhằm lôi kéo ông Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng ông ta chui vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Trong chuyến thăm viếng này ông ta lại đem ra dỗ tiếp sau khi thấy CSVN nâng cấp mối quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” với cả Mỹ và Nhật Bản, hai đối thủ cạnh tranh mọi mặt với Bắc Kinh.
Theo thông tấn Reuters thuật lời tiết lộ của một số nhà ngoại giao, suốt mấy tháng trời họp bàn về các văn bản sẽ ký cũng như nội dung các văn kiện ký kết và bản tuyên bố chung, Hà Nội không mặn mà đối với cái nhóm từ “cộng đồng có chung tương lai” ấy trong khi Bắc Kinh nhất định thúc đẩy cho bằng được.
Thật ra, Bắc Kinh muốn dùng nhóm từ “cùng chung vận mệnh” (common destiny) nhưng khi dịch sang Anh ngữ thì được đổi thành “tương lai chung (common future), được hiểu như có ý nghĩa ít đòi hỏi (áp đặt) hơn.
Trong ngày đầu chuyến thăm viếng của ông Tập Cận Bình, CSVN và Trung cộng ký 36 văn kiện hợp tác mà báo mạng VNExpress đăng tải danh sách. Nổi bật nhất trong số đó, người ta thấy ám chỉ đến viện trợ và hợp tác xây dựng đường sắt từ Vân Nam đến Hải Phòng và từ Quảng Tây đến Việt Nam, không thấy nói đến số tiền.
Thêm nữa, có một “Bản ghi nhớ” giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư CSVN ký với “Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia” Trung Quốc nhưng không cho biết “ghi nhớ” về chuyện gì. Nhìn chung, qua danh sách 36 văn kiện, người ta chỉ thấy lờ mờ chứ không được cho biết rõ hơn./-
Giới đấu tranh dân chủ trong nước: VN cần cảnh giác trong mối quan hệ với TC (RFA)
Những tiếng nói và hành động công khai phản đối Trung Cộng có thể giảm đi do bị đàn áp nhưng tinh thần chống Trung Cộng vẫn rất mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam, bởi láng giềng phương Bắc luôn là mối đe doạ đối với Việt Nam.
Một số người dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở trong nước nói với RFA như vậy trước chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình vào ngày 12 và 13/12 sắp tới.
“Cần cảnh giác với Trung Cộng”
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, phát biểu với truyền thông trong nước rằng chuyến thăm này mang kỳ vọng về một “định vị mới, tầm mức mới” của quan hệ hai nước, trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng cho biết trong cuộc họp báo rằng chuyến đi của ông Tập tới Hà Nội sẽ tập trung vào các lĩnh vực an ninh chính trị, các vấn đề đa phương và hàng hải, đồng thời thúc đẩy hợp tác chiến lược hơn nữa.
Cựu nhà báo Tạp chí Cộng sản Nguyễn Vũ Bình, hiện đang ở Hà Nội, nhận định với RFA rằng ông không muốn Việt – Trung thắt chặt thêm mối quan hệ. Bởi, theo ông, Hà Nội luôn bị láng giềng phía Bắc o ép trong mọi lĩnh vực:
“Tôi không mong muốn nhiều về mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam và Trung Cộng. Bởi vì, trong mối quan hệ đó thì Việt Nam bị o ép rất nhiều, kể cả trên biển Đông và trên đất liền hay trong quan hệ giao thương.”
Ông Lê Anh Hùng, một cựu tù nhân lương tâm vừa được mãn hạn tù hồi giữa năm nay, cho rằng Việt Nam cần phải luôn đề cao cảnh giác trong mối quan hệ với Trung Cộng:
“Trung Cộng không chỉ là mối đe dọa mà còn là hiểm họa đối với Việt Nam và Việt Nam cần phải cảnh giác trong mọi mối quan hệ đối với Trung Cộng.
Ông Lê Anh Hùng lấy ví dụ về trường hợp nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Tuy Hoà, Bình Thuận:
“Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận được ưu đãi từ sáng kiến Vành đai – Con đường, nhiêu đó đủ thấy rằng là Trung Cộng họ muốn dụ dỗ Việt Nam tham gia vào sáng kiến Vành đai – Con đường. Các dự án này đều tiềm ẩn mối nguy hại về an ninh quốc phòng cho Việt Nam.”
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 do các công ty Trung Cộng nắm đến 95% tổng số vốn đầu tư. Đây là lĩnh vực được Bộ Quốc phòng Việt Nam xếp vào các lĩnh vực đặc biệt do có liên quan tới an ninh trật tự, quốc phòng an ninh.
Trong khi đó, Đài phát thành Quốc tế Trung Cộng Tiếng Việt cho biết nhà máy này là “dự án trọng điểm thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng năng lượng hợp tác kinh tế – thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam dưới sáng kiến Vành đai – Con đường”.
Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) của Trung Cộng được chính thức công bố từ 2013, đến nay đã 10 năm. Dự án có quy mô toàn cầu này nhận được cảnh báo về những nguy hại khôn lường, trong đó có nhiều ý kiến coi đó là một “bẫy nợ” Trung Cộng dành cho các nước nghèo.
Thúc ép tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh”
Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ nước Đức nhận định với RFA qua ứng dụng tin nhắn rằng lần này, Trung Cộng sẽ cố gắng thúc ép Việt Nam phải gia nhập “Cộng đồng chung vận mệnh”.
Theo luật sư Đài, từ xưa tới nay, Trung Cộng luôn coi Việt Nam là sân sau hay nước phên giậu để bảo vệ họ từ xa.
Vào tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã nâng cấp “nhảy cóc” quan hệ với Mỹ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngang hàng quan hệ với Trung Cộng. Điều này, theo lậu sư Đài, đã làm Trung Cộng không hài lòng. Tuy nhiên, nếu để làm vừa lòng Trung Cộng mà Việt Nam tham gia vào “Cộng đồng chung vận mệnh” là một hành động không thể chấp nhận được:
“Nếu nhà cầm quyền Việt Nam tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Cộng thì họ đã trói buộc cả đất nước và dân tộc Việt Nam với Trung Cộng. Tôi coi đó là hành động bán nước của nhà cầm quyền Việt Nam.”
“Cộng đồng chung vận mệnh” là chính sách đối ngoại cốt lõi của Trung Cộng trong tương lai. Chính sách này, trong một bài viết được đăng trên The Diplomat, cho rằng dưới thời của Tập Cận Bình thì Trung Cộng sẽ đóng vai trò như là một nước lớn và tham gia tích cực vào việc cải cách và phát triển hệ thống quản trị toàn cầu.
South China Morning Post trong một bài viết hôm 11/12 cho biết Bắc Kinh đã thúc đẩy ý tưởng này, ít nhất là từ năm 2015. Kể cả khi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến Việt Nam vào ngày 1/12 vừa qua cũng nhấn mạnh rằng hai nước Xã hội chủ nghĩa “có chung khát vọng và vận mệnh”.
Mạng báo này cũng dẫn lời nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Khắc Giang rằng trong khi một số quốc gia Đông Nam Á khác đã chấp nhận ý tưởng “chung vận mệnh” của Trung Cộng thì “Việt Nam dường như vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện nó một cách trọn vẹn”, ông lưu ý đến những tranh chấp lãnh thổ lâu đời giữa hai nước.
Ở Đông Nam Á, hiện đã có bốn nước tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh” là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Tinh thần chống Trung Cộng
Ông Tập Cận Bình, trên cương vị là Tổng bí Thư kiêm Chủ tịch nước Trung Cộng đã đến thăm chính thức Việt Nam hai lần, hồi năm 2015 và 2017 nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Việt Nam.
Vào năm 2015, các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm ông Tập Cận Bình đã diễn ra ở cả Hà Nội và TPHCM. Hàng chục người đã xuống đường, giương cao các khẩu hiệu như “Phản đối Tập Cận Bình sang Việt Nam”, “Phản đối lệ thuộc Trung Cộng”… đi qua các con đường trong thành phố. Chính quyền Hà Nội khi đó ngay lập tức đàn áp, đánh đập và bắt bớ, câu lưu những người biểu tình.
Trong số những người tham gia tuần hành năm đó, có rất nhiều cái tên hiện đang bị chính quyền Hà Nội bỏ tù, bao gồm Nguyễn Lân Thắng, Hoàng Bình, Bùi Tuấn Lâm, Đỗ Nam Trung, Trần Bang, Nguyễn Thuý Hạnh, Trương Văn Dũng… Những người này bị khởi tố theo nhiều tội danh khác nhau, như “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, “Tuyên tuyền chống nhà nước”, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”…
Ông Lê Anh Hùng nhận thấy, trước chuyến thăm của ông Tập lần này, tình hình có vẻ im ắng, mọi người khá e dè trước sự đàn áp khốc liệt từ chính quyền Hà Nội trong những năm qua, chỉ còn một số tiếng nói phản đối lẻ tẻ trên mạng xã hội:
“Lần thứ ba thì lần này phong trào đấu tranh gần như là đã bị dập tắt, chỉ còn những tiếng nói phản ứng è chừng ở trên Facebook trên mạng xã hội chứ hầu như không còn những hoạt động biểu tình như trước đây nữa.”
Tuy nhiên, ông khẳng định, tinh thần chống Trung Cộng trong xã hội Việt Nam chưa bao giờ giảm sút:
“Phong trào dân chủ nói chung và chống Trung Cộng nói riêng trong những năm gần đây bị đàn áp mạnh cho nên bị lắng xuống, chứ còn tinh thần chống Trung Cộng và cảnh giác đối với Trung Cộng thì ngày càng nâng lên trong mặt bằng chung của xã hội.”
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết từ đầu tháng 11, những nhà hoạt động ở khu vực Hà Nội đã bị đe dọa không được tổ chức hội họp hay biểu tình phản đối chuyến thăm của Tập cận Bình.
Ông Đài cho rằng mọi người Việt Nam vẫn yêu nước nhưng trước sự đàn áp của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thì họ phải kìm chế lòng yêu nước mà không thể thể hiện ra bên ngoài.
Báo Vc khoe: Nvidia Corp. coi Việt Nam là quê hương thứ hai
Đài VOA thuật tin từ các báo Việt cộng, nói là Ông Jensen Huang, giám đốc điều hành công ty Nvidia, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới dành riêng cho trí tuệ nhân tạo, hom6 11 tháng 12 cam kết biến Việt Nam thành “quê hương” thứ hai và là trung tâm lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi sớm thành lập pháp nhân tại Việt Nam và cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của mình,” ông Huang được VnEconomy trích lời nói như vậy với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng tại một buổi tọa đàm về xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội hôm 11/12.
Cũng đưa tin về buổi tọa đàm này, VnExpress cho biết ông Huang nói rằng Nvidia sẽ lập một trung tâm thiết kế tại Việt Nam, nhưng không đưa ra chi tiết về công nghệ. Vẫn theo tờ báo này, ông Huang nói Nvidia sẽ hợp tác với các đối tác trong nước để phát triển hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI).
Nvidia đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam, theo trang web của chính phủ khi đưa tin về cuộc gặp giữa ông Huang và Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 11/12. Còn VnEconomy cho biết Nvidia đang là đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, Vingroup… với doanh thu mỗi năm khoảng 500 triệu USD.
Chuyến thăm Hà Nội của ông Huang diễn ra trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đang tìm kiếm mối quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ hơn với Mỹ cũng như tìm cách phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong lúc Hoa Kỳ đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung cộng.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 9, ngay sau khi Tổng thống Joe Biden tới thăm Việt Nam, công bố hợp tác với quốc gia Đông Nam Á theo Đạo luật CHIPS, trong đó cung cấp 500 triệu USD ưu đãi trong 5 năm và nhằm mục đích đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ John Neuffer và đại diện các công ty Mỹ đã đến thăm Việt Nam, gặp mặt Thủ tướng Chính hồi đầu tháng này.
Nvidia sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để cải thiện cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động AI của quốc gia, theo Vietnam Plus dẫn lời ông Huang cho biết. Còn theo VnExpress, ông Huang nói rằng Việt Nam có nhiều nhà khoa học máy tính và là quốc gia xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới.
Ông Huang còn nói rằng, theo VnEconomy, ông tin Việt Nam “sẽ là trung tâm lớn nhất của Nvidia trên thế giới”.
Tập đoàn Intel của Mỹ đang vận hành một cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip tại Thành phố Saigon. Tháng trước, Intel loan báo do quan quyền Việt Nam tham nhũng và thiếu điện, trở ngại cho sản xuất. Intel quyết định không đầu tư thêm ở Việt Nam nữa, nhưng đưa những dự án lớn hàng chục tỷ Mỹ kim sang đầu tư ở Âu Châu và Do Thái.
Đòi công lý cho con bị chết oan trong đồn công an, cha của nạn nhân lãnh hai năm tù
Ông Đào Bá Cường, 62 tuổi ngụ tại phường 4, thành phố Tuy Hòa, vào ngày 12/12 bị tòa án TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tuyên án hai năm tù theo cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các nhân” theo khoản 2, Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Vào ngày 27/4 vừa qua, Công an TP Tuy Hòa cho truyền thông Nhà nước biết các biện pháp khởi tố và bắt giữ ông Đào Bá Cường, cha của nạn nhân Đào Bá Phi bị chế trong đồn công an Tuy Hòa hồi tháng 10/2022.
Theo Công an TP Tuy Hòa, ông Đào Bá Cường từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023 đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ một số nội dung liên quan cái chết của con trai Đào Bá Phi của ông và đề nghị trả xác cho gia đình, cầu cứu giải oan cho con trai.
Vụ việc được cho biết vào ngày 20/10/2022, Công an tỉnh Phú Yên ra thông báo về vụ bắt giữ công dân Đào Bá Phi, ngụ phường 4, TP Tuy Hòa vào ngày 16/10 để điều tra hành vi trộm cắp tài sản. Lúc đó Đào bá Phi được gia đình nói hoàn toàn khỏe mạnh. Đến 5 giờ ngày 18/10, một người bị tạm gia cùng Đào Bá Phi phát hiện Phi trong tư thế treo cổ. Nạn nhân được đưa đến Trung tâm Y tế Thị xã Đông Hòa để sơ cứu nhưng không qua khỏi.
Sau khi xảy ra sự vụ, Công an cho biết “đã thông báo về thời gian, địa điểm khám nghiệm tử thi và đề nghị đại diện gia đình đến chứng kiến; nhưng gia đình đưa ra các điều kiện không phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng Khám nghiệm đã tiến hành khám nghiệm tử thi Đào Bá Phi theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự.”
Gia đình nạn nhân vào ngày 19/10 mặc áo tang, tập trung ở đồng Công an Thị xã Đông Hòa để đòi thi thể Đào Bá Phi. Một thành viên trong gia đình đã livestream vụ việc và video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.
ADB: GDP 2023 của Việt Nam chỉ 5,2% thay vì 5,8%
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 13/12 dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay giảm xuống còn 5,2% so với dự báo trước đó là 5,8%.
Trong báo cáo về “Triển vọng phát triển châu Á” mới được công bố, ADB dự báo rằng tăng trưởng trong năm 2024 của Việt Nam duy trì ở mức 6,0%.
Trên bình diện khu vực, ngân hàng này cho biết rằng triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á trong năm nay giảm từ 4,6% xuống 4,3%, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu suy yếu trên thế giới.
“Rủi ro đối với triển vọng bao gồm lãi suất tăng cao liên tục ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác, có thể góp phần gây bất ổn tài chính ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương trong khu vực, đặc biệt là những nước có nợ cao”, ADB viết trong thông cáo. “Sự gián đoạn nguồn cung tiềm ẩn do hiện tượng thời tiết El Niño hoặc việc Nga xâm chiếm Ukraine cũng có thể khơi dậy lạm phát, đặc biệt là liên quan đến lương thực và năng lượng”.
Hồi tháng Bảy vừa qua, như VOA tiếng Việt đã đưa tin, ADB giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 5,8% cho năm 2023.
Báo cáo nói nguyên nhân là do nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục gây áp lực lên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và chế tạo của Việt Nam khiến sản lượng bị kìm hãm chỉ còn ở mức 0,4%, con số nửa năm thấp nhất trong cả chục năm qua.
Theo phân tích trong báo cáo, tình trạng tăng trưởng thương mại yếu đi kể từ tháng 3/2023 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu.
Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện gần đây ở khu vực miền bắc và những vấn đề phức tạp trong lĩnh vực bất động sản. (VOA)
Tín đồ Hòa Hảo bị 8 năm tù vì cáo buộc chống chế độ độc tài
Ông Nguyễn Hoàng Nam bị tòa án CSVN tại thành phố Châu Đốc kết án 8 năm tù vì bị vu cho tội “tuyên truyền” chống chế độ.
Một số báo tại Việt Nam ngày Thứ Hai 11 Tháng Mười Hai nói ông Nguyễn Hoàng Nam, 41 tuổi, bị kết án như trên trong một phiên tòa của tỉnh An Giang với tội danh “Phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước…” độc tài đảng trị CSVN.
Đây là lần thứ hai ông Nguyễn Hoàng Nam, một tín đồ Hòa Hảo, đi tù sau khi đã bị kết án 4 năm tù hồi năm 2018 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” chỉ vì can đảm cùng với nhiều đồng đạo khác đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung.
Tờ Tiền Phong ngày Thứ Hai 11 Tháng Mười Hai dẫn thông tin địa phương nói ông Nam dùng trang Facebook “Nam Nguyễn Hoàng” và một số bút hiệu khác để “đăng tải, chia sẻ những bài viết, video có nội dung tuyên truyền” chống lại chế độ độc tài và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam. Đồng thời ông còn “thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19”.
Ông còn bị cáo buộc là “nhiều lần livestream trên tài khoản “Nam Nguyen Hoang” để châm biếm, xúc phạm chính quyền địa phương; thường xuyên quay phim, chụp hình cán bộ, chính quyền địa phương đi ngang nhà, với mục đích đăng lên các trang mạng xã hội để xúc phạm, lăng mạ.”
Bất cứ ai không rập khuôn theo các lời tuyên truyền một chiều của chế độ Hà Nội đều bị vu cho là “tuyên truyền” chống chế độ để dẫn tới khủng bố, sách nhiễu và án tù. Tuy Hiến pháp CSVN công nhận người dân có đủ các quyền tự do căn bản như tự do báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình nhưng lại bị các điều luật hình sự trói lại với các điều khoản như “tuyên truyền chống nhà nước”, hay nặng hơn như “âm mưu hoạt động lật đổ” dù người ta chỉ ngồi ở nhà phát biểu qua mạng xã hội.
Trước ông Nguyễn Hoàng Nam, rất nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khác đã từng bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù vì đòi hỏi tự do tôn giáo, không chấp nhận chui vào hệ thống tôn giáo quốc doanh, hoạt động theo lệnh của nhà cầm quyền.
Các giáo hội hoặc tổ chức tôn giáo nào chủ trương hoạt động độc lập đều bị chế độ Hà Nội cản trở, thậm chí ép buộc tín đồ bỏ đạo. Điều này từng xảy ra rất nhiều đối với các người Thượng theo đạo Tin Lành ở khu vực Tây nguyên hoặc các tỉnh miền núi phía bắc.
Tin tức hồi cuối Tháng Mười Một vừa qua cho hay nhà cầm quyền một số địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk gia tăng đàn áp và sách nhiễu tín đồ người Thượng thuộc “Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên”. Họ bị cấm không được tập trung cầu nguyện, hay tệ hại hơn, buộc họ phải rời bỏ chi nhánh tôn giáo này.
Cô giáo ngất xỉu do học sinh Việt Nam tấn công
Kênh News7 của đài Chosun TV ở Hàn Quốc đưa tin tối hôm 9/12 về vụ các học sinh bao vây và xô xát với cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang mới xảy ra cách đây chưa lâu và gây rúng động dư luận Việt Nam.
Tin này mở đầu với một nữ người dẫn bản tin đứng trước hình nền gồm quốc kỳ Việt Nam nổi bật bên cạnh ảnh chụp một học sinh đang đối đầu với cô giáo, và người dẫn nói rằng đã xảy ra sự việc hàng chục học sinh bắt nạt giáo viên trong một lớp học cấp 2 ở Việt Nam được ghi lại bằng video và gây sốc.
Đoạn tin dài khoảng 1 phút 30 giây mô tả rằng giáo viên đã ngất xỉu sau khi bị học sinh ném các đồ vật và giày dép vào người. Trước đó, học sinh đã dồn cô giáo vào một góc tường, và sau vụ việc xảy ra hôm 29/11, hai bên đưa ra những lời kể trái ngược nhau khi trình bày về vụ này, theo tin của kênh News7 ở Hàn Quốc.
Đài truyền hình ở Hàn Quốc nói rằng xã hội Việt Nam đã chấn động về đoạn video được tung lên mạng xã hội ghi lại sự việc ở một trường cấp hai ở miền bắc.
Trích lại đoạn video, News7 tường thuật rằng khi cô giáo giơ điện thoại lên quay video các học sinh, một trong số họ đã nằm xuống sàn và hét lên rằng bị giáo viên đánh.
Tiếp theo, kênh này nói rằng các học sinh đã đóng các cửa lớp học lại và cùng nhau lên tiếng đe dọa vì giáo viên không cho nghỉ học giữa chừng. Họ đã xỉa xói, chế nhạo giáo viên và thậm chí còn ném đồ vật và giày dép vào người cô giáo. Cuối cùng, cô giáo đã ngã xuống sàn.
Trong phần cuối của tin, đài Hàn Quốc nói rằng các phụ huynh học sinh đưa ra lập luận rằng bọn trẻ hành động như vậy cốt chỉ trả đũa cho việc giáo viên đã bạo hành chúng.
Vẫn theo News7, đã xuất hiện một video khác cho thấy giáo viên vung giày với các học sinh. Tuy nhiên, giáo viên nói rằng các học sinh có nhiều vấn đề và cho hay đã báo cáo tình hình với hiệu trưởng nhưng sự việc không được giải quyết.
Các cơ quan có thẩm quyền trong ngành giáo dục Việt Nam đã mở một cuộc điều tra, đài truyền hình Hàn Quốc cho biết và không đưa ra bình luận riêng của đài.
Đoạn tin kể trên nằm trong phần gần cuối của chương trình thời sự dài gần 45 phút trên kênh News7, phát hồi 19h ngày 9/12, thu hút gần 123.000 lượt người xem, theo quan sát của VOA.
Theo tìm hiểu của VOA, các đoạn video về vụ bạo lực học đường ở Tuyên Quang được tung lên mạng xã hội hôm 4/12, cho công chúng biết về những diễn biến gây sốc đã xảy ra hôm 29/11 tại trường Trung học Cơ sở Văn Phú ở huyện Sơn Dương.
Truyền thông Việt Nam đưa tin rằng vào ngày hôm đó, cô giáo có tên viết tắt là P.T.H., 38 tuổi, dạy môn âm nhạc tại một lớp 7 trong trường và đã nhắc nhở một số học sinh không vào lớp nhưng họ không nghe lời mà thay vào đó đã phản ứng lại.
Tiếp đến, trong giờ học, một vài học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không cho phép. Sau đó, giữa cô và học sinh nảy sinh mâu thuẫn.
Hết giờ dạy tại lớp 7, cô H. sang dạy trong một lớp 6. Một số học sinh lớp 7 đã sang lớp 6 và có những hành xử gây chấn động như đã thấy trong các video, truyền thông Việt Nam tường thuật.
Từ 30/11 đến 2/12, chính quyền huyện Sơn Dương và một loạt cơ quan có thẩm quyền của ngành giáo dục và công an đã yêu cầu “kiểm tra, xác minh, làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh và đề xuất biện pháp xử lý”, các bản tin trong nước cho biết.
Hôm 7/12, Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Dương ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Duy Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú, để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, làm rõ công tác điều hành, quản lý giáo viên, học sinh trong nhà trường.
Theo quan sát của VOA, nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ “vô cùng thất vọng”, “buồn bã” và cả “phẫn nộ” về vụ việc, tiếp sau nhiều vụ khác đã xảy ra ở các trường học. Những vụ này kết hợp lại với nhau cho thấy nền giáo dục và đạo đức Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng, họ nhận xét.
Nhiều lời bình luận trên mạng xã hội quy trách nhiệm trước hết là cho ngành giáo dục và sau đó là các bậc cha mẹ. Họ cảnh báo rằng một khi học sinh dám đánh thầy cô thì các em sẽ chẳng chừa ai ra nữa và đó là một mối nguy lớn. Họ kêu gọi phải có một cuộc kiểm điểm và cải tổ sâu sắc ngành giáo dục.
VOA cố gắng liên lạc với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không có hồi đáp. (VOA)