Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Cựu Tổng thống Trump Có Cơ Hội Tốt Tại Tối Cao Pháp Viện

Các luật sư và chuyên gia Hiến Pháp nói rằng, cựu Tổng thống Donald Trump có nhiều hy vọng yêu cầu Tối Cao Pháp Viện bác bỏ các cáo buộc liên bang mà ông đang phải đối phó vì đã thách thức kết quả của cuộc bầu cử năm 2020.

cựu TT Donald J. Trump

Các chuyên gia cho biết, lập luận có lợi cho ông Trump là những cáo buộc đó xâm phạm các quyền trong Tu chính án thứ Nhất của ông. Ông Trump cũng có thể đòi quyền miễn trừ của tổng thống hoặc lập luận rằng luật đã bị các công tố viên lạm dụng một cách không thể chấp nhận được.

Hôm 01/08, biện lý Đặc biệt Jack Smith đã cáo buộc cựu Tổng thống Trump về tội cản trở quá trình kiểm phiếu Đại cử tri của Quốc Hội vào ngày 06/01/2021 và có âm mưu duy trì quyền lực.

Âm mưu này được cho là đã thực hiện bằng cách truyền bá những điều sai sự thật, nói rằng có gian lận làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, đồng thời sử dụng những tuyên bố sai sự thật để thuyết phục nhiều người lật ngược kết quả.

Các luật sư của cựu tổng thống Trump đã đệ trình một loạt các kiến nghị nhằm bác bỏ các cáo buộc dựa trên cơ sở Hiến Pháp, cơ sở pháp lý, thông qua quyền miễn trừ của tổng thống, và viện dẫn lý do hành động truy tố này là ác ý. Theo các chuyên gia, mặc dù một số lập luận còn yếu, nhưng có những lập luận khác lại có tính thuyết phục cao.

Tuy nhiên, các lập luận của ông Trump sẽ phải thuyết phục thẩm phán của ông, tòa phúc thẩm, hoặc, trong trường hợp được đưa lên Tối Cao Pháp Viện.

Các chuyên gia dự đoán rằng thẩm phán thụ lý vụ án tại Tòa Địa hạt Liên bang Khu vực Hoa Thịnh Đốn, bà Tanya Chutkan, gần như chắc chắn sẽ từ chối mọi kiến nghị bác bỏ. Hôm 01/12, bà thực sự đã phủ nhận khoảng một nửa trong số đó. Họ cũng thừa nhận rằng những lập luận này có thể sẽ vấp phải sự phản đối tại Tòa Phúc thẩm Khu vực Hoa Thịnh Đốn, do khuynh hướng chính trị của tòa án đó.

Họ cho rằng cơ hội tốt nhất của cựu Tổng thống Trump sẽ là ở Tối Cao Pháp Viện. Các luật sư của ông Trump đã khẳng định rằng bản cáo trạng vi phạm Tu chính án thứ Nhất vì đã có tình hình sự hóa ngôn luận và hành động vận động chính trị.

Các luật sư viết trong một bản tóm tắt hôm 22/11 rằng: “Bên công tố tìm cách tự coi mình là cơ quan kiểm duyệt của Mỹ, với thẩm quyền ở bất cứ nơi đâu để truy tố hình sự tất cả những ai lên tiếng chống lại những câu chuyện đã được họ chấp thuận. Công tố không có quyền làm như vậy. Do đó, bản cáo trạng này trước hết là vi hiến và phải bị bác bỏ”.

Các luật sư lập luận rằng nếu các công tố viên có thể tuyên bố rằng nỗ lực của ông Trump nhằm đảo ngược chứng nhận bầu cử là một âm mưu cản trở chính phủ, thì những người vận động cho việc phản đối các hành động khác của chính phủ, chẳng hạn như lệnh phong tỏa do COVID-19 hoặc yêu cầu đeo khẩu trang cũng có thể bị cáo buộc tương tự như vậy.

Thế nhưng, các công tố viên lại phản bác rằng, những giả thuyết ấy “không có đầy đủ thông tin”, vẫn bị xem là những lập luận yếu ớt.


Bước Kế Tiếp Trong Cuộc Chiến Chống Biến Đổi Khí Hậu Ở Hoa Kỳ

Giấc mơ về lượng phát thải khí carbon bằng 0 (net-zero) — và viễn cảnh về việc che phủ hàng trăm triệu mẫu đất ở Mỹ bằng tua-bin gió và tấm pin mặt trời — đang xung đột với thực tế rằng hầu hết đất đai ở Mỹ đều thuộc sở hữu tư nhân và rất nhiều người Mỹ không mong muốn có những cơ sở kỹ nghệ đồ sộ này ở gần nhà của họ.

Bà Margaret Byfield, giám đốc điều hành của American Stewards of Liberty, một tổ chức bất vụ lợi về quyền nhà đất, nói với The Epoch Times: “Có một nỗ lực trong thời của chính phủ Biden nhằm củng cố quyền lực đối với đất đai và tài nguyên, bởi vì bất cứ ai kiểm soát đất đai và tài nguyên của một quốc gia đều sẽ kiểm soát người dân”.

Từng là một chủ trang trại ở Nevada, bà bị kéo vào một cuộc chiến kéo dài hàng chục năm với các cơ quan liên bang để giành quyền kiểm soát vùng đất của mình, và cuối cùng bà đã thua.

Ngày nay, bà dự đoán một cuộc xâm chiếm đất đai khác sắp diễn ra dưới hình thức Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal) và ngành năng lượng tái tạo.

Các nhà phân tích suy đoán rằng để đạt được mục tiêu lượng phát thải bằng 0 và xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, những vùng đất rộng lớn sẽ bị chiếm.


Thẩm Phán Cho Phép FDA Trì Hoãn Việc Tiết Lộ Hồ Sơ Về Vaccine COVID

Theo một lệnh mới của thẩm phán liên bang, Cơ quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang được phép trì hoãn trong việc đưa ra các dữ kiện về tác dụng phụ của vaccine ngừa COVID-19 trong ít nhất sáu tháng.

Các luật sư đại diện cho FDA cho biết cơ quan này đang quá tải vì lệnh của tòa án buộc họ phải đưa ra một lượng hồ sơ liên quan đến việc cấp phép vaccine COVID-19 của dược phòng Pfizer và Moderna.

Trong một kiến nghị yêu cầu một sự trì hoãn, các luật sư cho biết Trung tâm Đánh giá và Nghiên Cứu Sinh Học của FDA đang “gặp phải số lượng công việc chưa từng có”“những khó khăn chưa từng có”. Họ đề nghị một sự trì hoãn trong vòng mười tám tháng về việc giải quyết một yêu cầu theo Đạo luật Tự Do Thông Tin, trong đó yêu cầu cung cấp dữ kiện an toàn vaccine COVID-19.

Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Reggie Walton đứng về phía Chính phủ.

Thẩm phán Walton phát biểu trong phiên điều trần ngày 20/11 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, “Thật không may, tôi phải kết luận rằng vì các tòa án ở Texas ban hành các lệnh đặc biệt… yêu cầu một lượng tài liệu quá nhiều với một khoảng thời gian tương đối ngắn, khi xem xét số lượng tài liệu liên quan và tất cả các vụ kiện tụng khác mà các cơ quan gặp phải như tôi được biết, tôi sẽ phải kết luận rằng có những trường hợp đặc biệt đã được xác lập”.

Thẩm phán Walton đã loại bỏ thời hạn chờ giải quyết trong vụ việc này.

Phán quyết này có nghĩa là FDA có thể tiếp tục giữ lại các tài liệu phân tích báo cáo của mình cho Hệ thống Báo cáo Tác dụng phụ của Vaccine. Số tài liệu này đã tăng vọt kể từ khi vaccine COVID-19 được đưa vào sử dụng. Tổ chức bất vụ lợi có tên, Mạng Lưới Hành Động Đồng Ý Có Hiểu Biết, đã khởi kiện sau khi FDA từ chối cung cấp tài liệu.

The Epoch Times đã thu thập các phân tích, cho thấy các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ đã phát giác hàng trăm tác dụng phụ đối với vaccine ngừa COVID-19, và nhiều cơ quan cũng chưa bao giờ cung cấp bằng chứng để kiểm tra thêm, trong số các tác dụng phụ này.


Các Trường Đại Học Danh Tiếng của Hoa Kỳ Đánh Mất Danh Tiếng

Sau hôm 07/10, công chúng bị chấn động trước những gì họ chứng kiến và nghe thấy trong các khuôn viên trường ở Hoa Kỳ.

Người Mỹ lâu nay đều biết rằng cánh tả là những người không khoan nhượng, cũng như việc ngày càng thiếu thốn nhân tài.

Nhưng ngay sau hôm 07/10 — khi Hamas tấn công vào khu dân cư của Israel— rất đông sinh viên tỏ ra vui mừng khi nghe tin Hamas sát hại hàng ngàn người dân ở Israel, chẳng khác gì chế độ Đức Quốc Xã thời 1930. Rồi khi thấy phản ứng của Lực lượng Phòng Vệ Israel thì lên tiếng chống đối người Do Thái, bênh vực Palestine và Hamas.

Gần như ngày nào cũng giáo sư đại học hay sinh viên có phát ngôn những lời hận thù bài Do Thái. Họ thường xuyên đe dọa và tấn công các sinh viên Do Thái, hoặc tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ kêu gọi tiêu diệt quốc gia Israel.

Chưa ai tìm được nguyên do nào các trường đại học được cho là ưu tú lại trở thành nơi nảy nở lòng thù hận sâu đậm như vậy.

Sau cuộc bạo loạn George Floyd vào năm 2020, số lượng sinh viên dự tuyển—dựa trên sự đa dạng, đã tăng lên. Các trường đại học ưu tú như Stanford và Yale khoe rằng số lượng sinh viên mới nhập học được gọi là “da trắng” đã giảm xuống từ 20 đến 40%, mặc dù người da trắng chiếm 68–70% dân số nói chung.

Việc bãi bỏ yêu cầu điểm số của kỳ thi SAT và xếp hạng so sánh điểm trung bình của các lớp trung học như thường lệ đã chấm dứt ý tưởng lâu đời và đã được minh chứng qua thời gian về chế độ nhân tài. Bảng điểm trung học xuất sắc và điểm thi không còn được xem là quan trọng cho việc được nhận vào những trường được gọi là ưu tú nữa.

Một kết quả khác là số lượng người Do Thái trong số sinh viên của các trường đại học hàng đầu đã giảm từ 20–30% trong những năm 1970 và 1980 xuống còn 10–15%.

Sinh viên Do Thái hiện cũng bị xếp vào những người “da trắng”“có đặc quyền” — vì nhà trường cho việc xếp hạng như vậy là hành động công bằng. Đồng thời, số lượng sinh viên ngoại quốc, đặc biệt là từ các nước Trung Đông, con ông cháu cha những tay giàu có, đã tăng vọt trong các trường đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ. Hầu hết những sinh viên này được chính phủ của họ tài trợ. Các chính phủ ở Trung Đông dùng tiền để mua chuộc các đại học đang cần tiền.

Một số lượng lớn sinh viên đã được nhận vào các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, đáng lẽ họ không được nhận vào vì thiếu khả năng. Từ đó, các trường đại học gọi là danh tiếng của Hoa Kỳ không còn là nơi đào tạo nhân tài, nhất là các ngành sau đại học.

Các giảng viên gặp phải những sinh viên kém cõi nên phải giảm mức điểm tiêu chuẩn để vớt điểm các sinh viên học kém. Có khi giảng viên phải cho thêm điểm đáng ra phải đánh rớt, vì sợ mang tiếng không Công Bằng, không Hoà Nhập, hoặc cả hai.


Quốc Hội Hoa Kỳ Thông Qua Dự Luật Cấm Tổng Thống Đơn Phương Rút Khỏi NATO

Một điều luật mới trong dự luật quốc phòng vừa mới được thông qua, cấm bất cứ tổng thống Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi Minh Uớc Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Điều luật này, được Thượng Viện thông qua với tỷ lệ 65 phiếu thuận – 28 phiếu chống hồi tháng Bảy, đã được bổ sung như một bản sửa đổi cho Đạo luật Ủy Quyền Quốc Phòng Quốc Gia 2024 mới được thông qua (NDAA 2024).

NDAA 2024 đã được gửi đến Tòa Bạch Ốc để chờ Tổng thống Joe Biden ký thành luật sau khi được Thượng Viện thông qua vào tối thứ Tư (13/12) và Hạ Viện thông qua vào ngày sau đó (14/12).

Điều luật này, còn được gọi là “Bản sửa đổi Kaine số 429”, được Nghị sĩ Tim Kaine (Dân Chủ-Virginia) và Nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đưa ra lần đầu tiên hồi tháng 03/2022 và được giới thiệu lại hồi tháng 07/2023 trước khi được thêm vào NDAA 2024.

Bản sửa đổi viết, “Tổng thống không được phép đình chỉ, chấm dứt, tố cáo, hoặc rút Hoa Kỳ ra khỏi Minh Ước Bắc Đại Tây Dương… trừ phi có lời khuyên và sự đồng ý của Thượng Viện, với điều kiện là hai phần ba số Nghị sĩ có mặt đồng thuận, hoặc tuân theo một Đạo luật của Quốc Hội”.

Bản sửa đổi này còn đi xa hơn nữa, cấm sử dụng bất cứ quỹ nào được Quốc Hội phê chuẩn để xem xét, trực tiếp hoặc gián tiếp, một quyết định tương tự.

Thay vào đó, tổng thống nên thông báo trước cho Ủy ban Đối Ngoại Thượng Viện và ủy ban tương đương ở Hạ Viện về bất cứ cân nhắc nào về việc rút ra khỏi NATO. Trong khi đó, các cố vấn pháp lý từ Thượng Viện hoặc Hạ Viện có thể được phép tiến hành các thách thức pháp lý nhằm ngăn chặn bất cứ cân nhắc rút khỏi NATO của tổng thống.

Hai Nghị sĩ Kaine và Rubio hoan nghênh việc thông qua bản sửa đổi.

Nghị sĩ Kaine nói, “NATO đã tỏ ra mạnh mẽ trước cuộc chiến Nga-Ukraine và những thách thức ngày càng gia tăng trên khắp thế giới. Cuộc bỏ phiếu của Thượng Viện ngày hôm nay để thông qua dự luật lưỡng đảng của tôi nhằm ngăn chặn bất cứ tổng thống Hoa Kỳ nào đơn phương rút khỏi NATO, tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với liên minh quan trọng này, vốn là nền tảng cho an ninh quốc gia của chúng ta. Điều đó cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà độc tài trên khắp thế giới rằng thế giới tự do vẫn hiệp lực cùng nhau”.

Nghị sĩ Rubio nói: “Thượng Viện nên duy trì sự giám sát về việc quốc gia của chúng ta có rút khỏi NATO hay không. Chúng ta phải bảo đảm rằng chúng ta đang bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và bảo vệ an ninh của các quốc gia đồng minh của chúng ta”.

Luật pháp hiện hành của Hoa Kỳ quy định rằng cần có sự cho phép của Quốc Hội để Hoa Kỳ tham gia các hiệp ước quốc tế, nhưng không nói rõ liệu tổng thống có cần sự chấp thuận tương tự để rút khỏi hiệp ước hay không.

Tổng thống đương thời Donald Trump đã rút khỏi Thỏa thuận Paris vào tháng 11/2019 mà không cần sự cho phép của Quốc Hội.

Hồi tháng 06/2017, chính phủ cựu TT Trump cho biết hiệp định này đã “tiêu tốn của nền kinh tế Hoa Kỳ gần 3 ngàn tỷ USD do sản lượng giảm; hơn 6 triệu việc làm trong lãnh vực kỹ nghệ và hơn 3 triệu việc làm trong ngành sản xuất đã bị mất”.

Không rõ liệu điều luật này có nhắm vào bất cứ người đắc cử tổng thống nào vào năm 2024 hay không. Tuy nhiên, nhiều người suy đoán rằng điều luật được áp dụng trong trường hợp cựu TT Donald Trump giành được một nhiệm kỳ nữa vào năm 2024 và sau đó sẽ rút khỏi NATO.

Cựu TT Trump không nói gì về việc rút ra khỏi NATO trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông cũng không ám chỉ Hoa Kỳ sẽ rút khỏi NATO nếu đắc cử vào năm 2024.

Ngược lại, ông thúc đẩy việc các thành viên NATO phải đóng góp 2% GDP như đã cam kết.


Thông Điệp Của Trung Cộng Về Biển Đông Là Một Lời Cảnh Tỉnh

Luận điệu mới nhất từ các cơ quan truyền thông của Trung Cộng đã tấn công G7 vì đã chỉ ra rằng hành động gây hấn của Trung Cộng vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Đây sẽ chỉ là một lời chỉ trích thô lỗ và nhạt nhẽo từ cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản Trung Cộng diễn ra hàng ngày, nhằm thúc đẩy các lợi ích kinh tế và địa chính trị của Trung Cộng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc tập trung vào một nhóm chữ quan trọng — rằng tuyên bố của G7 lên án hành động của quân đội Trung Cộng là “một phần của cuộc chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức nhắm vào Trung Cộng được lên kế hoạch kỹ lưỡng”. Người ta cho rằng, đó có thể là một sai lầm của tờ báo lá cải Hoàn Cầu Thời báo của Trung Cộng.

Danh sách các vùng lãnh thổ tranh chấp tại biển Đông Á dài dằng dặc: Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa, Quần đảo Senkaku, Quần đảo Ryukyu, và một loạt các rạn san hô nhân tạo và tự nhiên, bãi cạn, và các vùng đất khác ở Biển Đông, Hoa Đông và Biển Tây Philippines. Nhiều quốc gia trong khu vực này đã đưa ra các tuyên bố tranh cãi, gồm Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, và Trung Quốc.

Tuyên bố của Bắc Kinh dựa trên tuyên bố đơn phương lâu nay của nước này về một “biên giới trên biển” – được gọi là “đường chín đoạn” hay đường lưỡi bò, vốn phân định hầu hết Biển Đông và các vùng biển tranh chấp khác như một phần độc quyền của vùng biển của Trung Cộng.

Hôm 28/08, Trung Cộng đã nhắc lại lời tuyên bố khi Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên của họ công bố một bản đồ quốc gia “tiêu chuẩn” mới mô tả “đường chín đoạn” — cũng như “đường mười đoạn” nằm ở phía đông Đài Loan — gọi là những lằn ranh giới hạn mà Trung Cộng có quyền kiểm soát.

Trung Cộng thường xuyên phớt lờ quyết định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 2016 vốn trao quyền tài phán hàng hải đối với khu vực tranh chấp ở Biển Đông cho Philippines, cũng như sự phản đối của nhiều quốc gia ở Biển Đông trong việc quân sự hóa các đảo bị tranh chấp. Đây là một phần của quy trình tiêu chuẩn của “chủ nghĩa thực dân đặc trưng của Trung Cộng” đã được lặp lại ở Tây Tạng, Nội Mông, Đông Turkmenistan, và giờ đây là Biển Đông: đưa ra yêu sách pháp lý, quân sự hóa với khả năng của Quân đội Trung Cộng và phòng thủ bằng các phương tiện hỏa lực và phi hỏa lực khi cần thiết.

Nhà cầm quyền Trung Cộng đã chiếm đóng các khu vực đất đai đang bị tranh chấp và xây dựng các căn cứ trên các đảo san hô ở Biển Đông trong hơn 10 năm qua để mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ và quân sự đối với toàn bộ khu vực, gồm Đảo Phú Lâm (thuộc Quần đảo Hoàng Sa), Bãi cạn Scarborough, và ba đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, trong đó có Đá Vành Khăn.

Nhà cầm quyền Trung Cộng thường xuyên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà không bị trừng phạt, kể cả việc can thiệp vào một nhiệm vụ tiếp tế thường lệ của tàu Philippines đến tiền đồn của họ trên Bãi cạn Second Thomas. Trung Cộng đã khai triển 48 tàu đánh cá của Trung Cộng tràn vào Rạn san hô Iroquois và quấy rối ngư dân Philippines. Tàu dân quân biển Trung Cộng đâm vào một tàu bảo vệ bờ biển Philippines trong một nhiệm vụ tiếp tế thường lệ của Philippines tới Bãi cạn Second Thomas hồi tháng Mười, và một vụ việc hôm 09/12 trong đó lực lượng hải cảnh Trung Cộng và các tàu khác “đã sử dụng vòi rồng ít nhất tám lần” nhắm vào các tàu đánh cá Philippines vốn đang thực hiện sứ mệnh tiếp tế nhân đạo thường lệ cho bãi cạn Scarborough.

Sự hiện diện ngày càng tăng của quân đội Trung Cộng và lực lượng hải cảnh Trung Cộng trong vùng biển mà Trung Cộng tự vẽ ranh giới “đường chín đoạn”, cũng như các cuộc đối đầu leo thang với tàu và phi cơ từ các quốc gia khác. Trung Cộng đã xây dựng ba mục tiêu địa chính trị và kinh tế của Trung Cộng trong khu vực này: giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tài nguyên thiên nhiên của khu vực theo điều kiện của Trung Cộng, trên thực tế nhằm đe dọa các nước láng giềng buộc phải phục tùng các mục tiêu và kế hoạch của Trung Cộng tại khu vực. Đồng thời, Trung Cộng thường xuyên khai triển lực lượng quân sự làm tăng thêm các mối nguy hiểm đối với Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh ở Tây Thái Bình Dương. Tóm lại, Trung Cộng xem vùng biển đã vẽ ranh giới đường lưỡi bò thành “ao sau vườn của Trung Cộng”.

Một thông cáo báo chí của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines hôm 10/12 dẫn lời tuyên bố của Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Biển Tây Philippines lên án “các hành động vô cớ, cưỡng ép và mối nguy hiểm mới nhất của Trung Cộng nhắm vào đoàn luân chuyển và tiếp tế thường lệ hợp pháp của Philippins tới Bãi cạn Ayungin [Second Thomas Shoal] đã khiến mạng sống của người dân Philippins gặp nguy hiểm”.

Hơn nữa, tuyên bố này đặt nghi vấn về những lời kêu gọi “đối thoại hòa bình” trước đây của Bắc Kinh, lưu ý rằng các yêu sách của Philippines đối với khu vực này đã được giải quyết vào năm 2016 và yêu cầu Trung Cộng “chứng minh rằng họ là một thành viên có trách nhiệm và đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế”.

Hôm 09/12, Đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines bà MaryKay Carlson đã ngay lập tức lên án “những hành động gây hấn và phi pháp” gần đây nhất của Trung Cộng trong việc sử dụng vòi rồng tại bãi cạn Scarborough. Bà Carlson đăng trên X (trước đây là Twitter): “Hành vi này Trung Cộng vi phạm luật pháp quốc tế và gây nguy hiểm đến tính mạng, sinh kế… Chúng tôi sát cánh cùng những bằng hữu, đối tác, đồng minh Philippines của mình để ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Hôm 06/12, G7 “đã đưa ra cảnh báo rõ ràng về việc Trung Cộng quân sự hóa Biển Đông” và tuyên bố rằng “không có cơ sở pháp lý cho việc Trung Cộng mở rộng hoạt động hàng hải” tại đó, như tờ báo Hoa Nam đã đưa tin. Bản Tuyên bố kêu gọi Trung Cộng tôn trọng phán quyết của trọng tài UNCLOS 2016 được đưa ra tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, trong đó “tuyên bố việc Trung Cộng khẳng định các quyền lịch sử trong đường chín đoạn là vô căn cứ về mặt pháp lý”.


Anh Quốc Bi Quan Về Kinh Doanh Ở Trung Cộng

Phần lớn các công ty của Anh quốc ở Trung Cộng đang bày tỏ sự bi quan về triển vọng kinh doanh tại Trung Cộng. Mặc dù Trung Cộng đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến COVID kể từ cuối năm ngoái, nhưng nhiều thách thức và bất ổn vẫn tồn tại, góp phần tạo nên tâm lý tiêu cực này.

Theo một cuộc khảo sát được công bố hôm 12/12 của Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc, 60% doanh nghiệp Anh quốc cho biết hoạt động kinh doanh ở Trung Cộng năm nay khó khăn hơn năm ngoái, và nhiều công ty đã trì hoãn đầu tư. “Trong số 60% doanh nghiệp nhận thấy kinh doanh khó khăn hơn, 78% trong số này cho rằng khó khăn gia tăng là do các yếu tố kinh tế”.

Trong khi mức độ bi quan đã giảm xuống còn 29% so với mức cao kỷ lục 42% từ năm ngoái, khi Bắc Kinh còn áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt theo chính sách zero COVID, các doanh nghiệp Anh quốc vẫn do dự về triển vọng kinh doanh ở Trung Cộng với “xu hướng trở lại chậm chạp”.

Cuộc khảo sát cho thấy các điều kiện kinh tế hiện tại của Trung Cộng, những thách thức dai dẳng trong nền kinh tế toàn cầu và mối lo ngại ngày càng tăng về căng thẳng địa chính trị đã dẫn đến một môi trường kinh doanh bất ổn. Sự bất ổn này tác động đến niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh quốc.

Cuộc khảo sát cho thấy, “Nhiều công ty ngần ngại tăng cường đầu tư vào Trung Cộng, với phần lớn các doanh nghiệp Anh quốc tiếp tục áp dụng tính cách tiếp cận ‘chờ xem’ và ngần ngại đầu tư thêm”.

Các nhà đầu tư ngoại quốc đã không mấy hào hứng với Trung Cộng trong phần lớn thời gian của năm nay do các yếu tố phục hồi sau đại dịch còn yếu, một loạt các cuộc đột kích văn phòng của nhà cầm quyền Trung Cộng, trung ương cũng như địa phương.

Các doanh nghiệp Anh quốc cho rằng sự bất ổn kinh tế ở Trung Cộng là lý do chính (75%) khiến họ giảm đầu tư. Căng thẳng địa chính trị được xếp vào yếu tố đứng thứ hai với 53%, tiếp theo là những thách thức kinh tế toàn cầu, đứng thứ ba với 38%.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Anh, thương mại giữa Anh quốc và Trung Quốc đã đạt tổng kim ngạch trị giá 140 tỷ USD vào năm ngoái, đưa Trung Cộng trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Anh.

Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu tại Trung Quốc (EuroCham), trong báo cáo Khảo sát Niềm tin Kinh doanh năm 2023 của Trung Cộng, cũng nhấn mạnh môi trường kinh doanh đang ngày càng tồi tệ ở quốc gia này.

Báo cáo cho biết, “Sự sụt giảm tâm lý kinh doanh diễn ra trong ba năm qua là rất đáng kể và không thể đảo ngược chỉ sau một đêm”.

11% các công ty Âu Châu đã chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Cộng và 20% đã cân nhắc việc này. Ngoài ra, 38% đã quan sát thấy “khách hàng và nhà cung cấp cũng chuyển đầu tư ra khỏi” Trung Cộng.


Cuộc Chiến Leo Thang Của Iran Tại Hồng Hải

Khi cả thế giới đang dõi theo cuộc chiến giữa Israel và Hamas, thì quân đội ủy nhiệm Yemen Houthi của Iran sử dụng phi đạn và phi cơ không người lái do Tehran cung cấp để tiến hành một cuộc chiến trong bóng tối đối với nền kinh tế toàn cầu.

Dòng tiêu đề đứng đầu bản tin tức bảo hiểm hàng hải cập nhật hôm thứ Ba (12/12) của TradeWindsNews.com nêu rõ điểm mấu chốt: “Bảo hiểm Rủi ro Chiến tranh tăng vọt khi các nhà bảo tiêu lo ngại sẽ xảy ra nhiều cuộc tấn công từ Houthi hơn”.

Bản tin bổ túc thêm nhận xét gây chấn động nền kinh tế: “Cuộc tấn công diễn ra ngay khi Liên Ủy ban Chiến tranh (JWC) dự định họp định kỳ mỗi ba tháng”.

Một cuộc tấn công của Houthi vào tàu chở dầu Strinda của Na Uy đã thôi thúc để có bài báo này. Khi tàu Strinda đi qua eo biển Bab al-Mandab (phía nam Hồng Hải) vào đêm muộn ngày 11/12, một hỏa tiễn hành trình chống hạm được phóng từ lãnh thổ Yemen đã tấn công con tàu và gây ra hỏa hoạn. Một số phương tiện truyền thông gọi đó là hỏa tiễn hành trình của Houthi. Không, chính Iran đã cung cấp vũ khí này. Có lẽ một thủ lĩnh của Houthi đã bấm nút phóng, nhưng chính Iran ra lệnh bắn, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vì các sĩ quan lực lượng đặc biệt Al-Quds của Iran kiểm soát các hoạt động tấn công hỏa tiễn.

Thủy thủ đoàn của Strinda — tất cả công dân Ấn Độ — đã cố gắng dập tắt ngọn lửa. Khinh hạm của Hải quân Pháp đã bắn hạ một phi cơ không người lái tự sát đang “đe dọa” tàu Strinda. Một khu trục hạm của Hải quân Hoa Kỳ đã xuất hiện để yểm trợ.

Trong lúc đó, nhóm Houthi đã tung ra cho thế giới các bản tin tuyên truyền. Phát ngôn viên của Houthi cho rằng Strinda đang chở dầu thô đến Israel. Họ nhắc lại tuyên bố hôm 09/12 rằng từ nay trở đi các chiến binh Houthi sẽ tấn công bất cứ tàu nào mà họ tin rằng đang hướng tới Israel, bất chấp tàu của ai.

Các nguồn tin thương mại hàng hải cho biết tàu Strinda đang chở dầu từ Indonesia đến Ý Đại Lợi, có thể qua Malta.

Nhóm Houthi đã tấn công các tàu khác mà họ cho là đang đi đến Israel và thực tế đó là những thông tin sai sự thật của Houthi.

TradeWindsNews.com và chính phủ Na Uy đã tuyên bố một sự thật rõ ràng rằng: cuộc tấn công của Houthi vào Strinda cho thấy sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Israel. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) của Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” đối với sự an toàn của vận tải hàng hải quốc tế.

Một số sự thật rõ ràng khác: Vụ Strinda liên quan đến ba quốc gia NATO là Na Uy, Pháp, và Hoa Kỳ. Vì công dân Ấn Độ điều khiển con tàu nên Ấn Độ cũng liên đới.

Một viên chức chính phủ Na Uy, ông Eivind Vad Petersson, nói với giới truyền thông rằng, Na Uy đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Pháp và Anh quốc “cả về mặt chính trị và quân sự — để bảo đảm tự do và an toàn hàng hải”.


Đại Hội Đồng LHQ Thông Qua Nghị Quyết Ngừng Bắn, Nhưng Không Đề Cập Đến Hamas

Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc lên án việc của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi lập tức ngừng bắn trong cuộc xung đột Israel-Hamas là “đạo đức giả” và cuối cùng là trợ giúp cho mục tiêu tiêu diệt Israel của nhóm khủng bố này.

Hôm thứ Ba (12/12), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc, yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, thả con tin Israel bị Hamas bắt giữ, và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế về việc bảo vệ thường dân.

Nghị quyết này, vốn không đề cập đến Hamas sau khi hội đồng bác bỏ hai đề nghị sửa đổi, đã nhận được sự ủng hộ đáng kể với 153 quốc gia ủng hộ, 10 quốc gia phản đối, và 23 quốc gia bỏ phiếu trắng. Hoa Kỳ và Israel nằm trong số 10 quốc gia phản đối nghị quyết này.

Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Gilad Erdan, người đã nêu bật “những hành vi bạo lực tình dục tàn ác” mà những kẻ khủng bố Hamas đã thực hiện trong vụ tấn công ngày 07/10 ở miền nam Israel, đã chỉ trích hành động của Đại hội đồng là “một nghị quyết đạo đức giả khác”. Nghị quyết lần này của Đại hội đồng được đưa ra sau khi nghị quyết ngừng bắn mang tính ràng buộc của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị Hoa Kỳ phủ quyết hôm thứ Sáu (08/12).

Ông Erdan khẳng định Hamas cần phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công của tổ chức này và nhấn mạnh rằng Israel đã “thực hiện mọi biện pháp” để tạo thuận tiện cho hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza, đồng thời cáo buộc rằng lệnh ngừng bắn “chẳng liên quan gì tới tình hình nhân đạo”.

Ông Erdan nói, “Nghị quyết này không những không lên án Hamas về tội ác phản nhân loại mà còn không đề cập gì đến Hamas. Điều này sẽ chỉ kéo dài sự chết chóc và tàn phá trong khu vực; đó mới là ý nghĩa của lệnh ngừng bắn”.

Ông Erdan nhấn mạnh rằng Hamas có ý định tiêu diệt Israel, và hỏi các quốc gia thành viên tại sao họ “muốn giúp đỡ Hamas duy trì chế độ cai trị khủng bố và hiện thực hóa nghị trình ma quỷ của họ?”.

Những nhận xét mà đại sứ Israel chia sẻ trong các video clip trên trương mục X của ông bày tỏ sự thất vọng về việc nghị quyết không thừa nhận các hành động của Hamas là tàn bạo.

Ông Erdan nói: “Hamas đã hãm hiếp phụ nữ, thực hiện các hành vi bạo lực tình dục tàn ác, bắt phụ nữ và trẻ em gái làm con tin, đồng thời không chỉ từ chối thả họ mà còn từ chối cho Hội Hồng Thập Tự tiếp cận họ”. Ông nói thêm, “Không có tội ác chiến tranh nào khủng khiếp hơn sự tàn bạo mà Hamas đã gây ra và những người ủng hộ nghị quyết này đang cung cấp cho những kẻ khủng bố này một cơ hội được tự do làm điều mình muốn mà không phải chịu hậu quả”.

Bài liên quan:
  • Iran đã vạch ra lằn ranh đỏ với Israel
    Sina Toossi
  • HỘI LUẬN ngày 4/5/2024. Khủng hoảng tiếp theo khủng hoảng: Ai sẽ theo Huệ? Giải pháp ngừng bắn cho Gaza? Bão nổi Biển Đông!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Động cơ đằng sau đợt cải tổ quân đội mới nhất của Tập Cận Bình
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 28/4/2024. Tháng Tư Đen Sau 49 Năm: Đe dọa từ quan thầy phương Bắc, đấu đá tranh giành quyền lực trên thượng tầng, bài học nào cho VN?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • So sánh các chiến thuật vùng xám ở Biển Đỏ và Biển Đông
    Thomas Lim & Eric Ang