TIN THẾ GIỚI.

Những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên dường như đã đến Ukraina (RFI)

Từ hôm qua, 25/12/2023, trên mạng xã hội đã lan truyền các hình ảnh chiến đấu cơ Mỹ F-16 sơn màu của Không Quân Ukraina. Những máy bay này sẽ được triển khai trên chiến trường vào năm 2024, trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát bầu trời với quân đội Nga.

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan tường trình:

Hy vọng xe trượt tuyết của ông già Noel đã tránh được khu vực Hắc Hải cũng như khu vực Donbass vào đêm 24 rạng sáng ngày 25/12, vì trong kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh của Ukraina, lực lượng phòng không của Kiev đã bắn hạ hai chiến đấu cơ Sukhoi của Nga – một chiếc SU-34 và một chiếc SU-30 – hai tên lửa hành trình và không dưới 28 drone Shahed. Một nhà báo chuyên về quốc phòng nổi tiếng của Ukraina vui mừng chia sẻ trên Facebook : “Chuyện gì đó đang xảy ra, có lẽ ông già Noel đã mang đến cho chúng ta một chiếc F-16.

Và quả là như vậy: Chiều hôm qua, người ta đã thấy trên mạng xã hội những hình ảnh đầu tiên của chiếc chiến đấu cơ Mỹ F-16, màu xanh than, với hình biểu tượng cây đinh ba viền màu vàng trên nền xanh, màu cờ của Ukraina. Theo một số nguồn tin, những chiếc máy bay đầu tiên dường như đã được bí mật vận chuyển từ miền tây Ukraina, từ phi trường này qua phi trường khác. Trong khi đó, theo thông tin mà chúng tôi nắm được, hiện không thể phỏng vấn các phi công lái máy bay tiêm kích ở Ukraina, vì đại đa số đang được huấn luyện cấp tốc ở Châu Âu.

Quân đội Nga tuyên bố đã bắn hạ một số máy bay F-16 ở Ukraina, nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Sau các cuộc chiến trên bộ và trên biển, sắp tới đây sẽ có những cuộc đụng độ bên trên các chiến hào để giành quyền kiểm soát bầu trời.


Không Quân Ukraina phá hủy tàu đổ bộ lớn thuộc hạm đội Hắc Hải của Nga ở Crimée (RFI).

Không Quân Ukraina hôm 26/12/2023, khẳng định đã phá hủy một tàu quan trọng của hạm đội Hắc Hải của Nga tại bán đảo Crimée. Tàu này bị nghi vận chuyển drone của Iran để phục vụ cuộc chiến xâm lược của Matxcơva. Cuộc tấn công được Quân Đội Ukraina tiến hành vào khoảng 2 giờ 30 sáng nay (0 giờ 30 GMT) bằng tên lửa hành trình của lực lượng « hàng không chiến thuật ».

Tàu đổ bộ lớn Novocherkassk thuộc hạm đội Biển Đen của Nga

Le Monde trích dẫn một thông báo của không quân Ukraina trên mạng Telegram: « Tàu đổ bộ lớn Novocherkassk đã bị các phi công của lực lượng Không Quân “tiêu diệt” ở Feodosia, trong vùng Crimée bị chiếm đóng ». Feodosia là nơi đặt một căn cứ hải quân lớn của Nga hướng ra Biển Đen. Không Quân Ukraina cho biết thêm là tàu này « đang chuyên chở drone Shahed », drone mang chất nổ do Iran chế tạo và được quân đội Nga sử dụng rộng rãi để tấn công Ukraina.

Tướng Mykola Oleatchouk, chỉ huy lực lượng Không Quân Ukraina, còn cho phát một video cho thấy vụ nổ và ngọn lửa bốc lên. Tuy nhiên, theo Reuters, thông tin chưa được kiểm chứng bằng một nguồn độc lập.

Về phía Nga, trước đó, thống đốc Crimée dưới quyền kiểm soát của Nga, Serguei Aksyonov, chỉ thông báo một vụ tấn công của Ukraina vào khu cảng đã gây ra đám cháy và vụ hỏa hoạn đã lan ra thành phố, nhiều người dân đã phải sơ tán.

Ukraina bắn hạ 5 máy bay Nga 

Trong khi đó, theo báo Le Monde, quân đội Ukraina thông báo riêng trong ngày hôm qua đã bắn hạ được 5 máy bay của Nga, 1 chiếc trên ở vùng Hắc Hải, một chiếc khác gần Marioupol, miền đông nam, và 3 chiếc còn lại trong vùng Kherson, miền nam. Phát biểu trên truyền hình, phát ngôn viên quân đội Ukraina, Yury Ignat, cho biết thêm là hoạt động trên không của quân Nga đã giảm ở vùng Kherson sau khi 3 máy bay của Nga bị lực lượng phòng không Ukraina bắn hạ.

Tuy nhiên, sáng nay Không Quân Ukraina cho biết đêm qua Nga vẫn tấn công bằng drone Shahed, nhất là tại các vùng Kherson và Odessa. Tổng cộng, 13 trong số 19 drone đó đã bị Không Quân Ukraina tiêu diệt.

Về chiến sự ở vùng Donetsk, miền đông Ukraina, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergueï Choïgou tối qua tuyên bố quân đội Nga đã giành được quyền kiểm soát Marinka, nhưng Ukraina bác bỏ thông tin này và khẳng định giao tranh ở Marinka vẫn tiếp diễn.


Israel cảnh báo chiến tranh Gaza kéo dài nhiều tháng (RFI)

Israel quyết tâm tiêu diệt Hamas bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn sau 11 tuần chiến sự. Ngày 26/12/2023, người đứng đầu quân đội Israel cho biết cuộc chiến của Israel chống Hamas sẽ kéo dài nhiều tháng. Liên Hiệp Quốc tiếp tục quan ngại về tình hình nhân đạo tại dải Gaza do Israel liên tục oanh kích.

Theo Reuters, trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình từ biên giới Gaza, tham mưu trưởng Israel Herzi Halevi khẳng định cuộc chiến sẽ tiếp diễn « trong nhiều tháng » vì « không có giải pháp thần kỳ nào, không có đường tắt nào để tiêu diệt một tổ chức khủng bố, chỉ có quyết tâm chiến đấu bền bỉ ».

Quân đội Israel gia tăng tấn công dải Gaza trong dịp Giáng Sinh, buộc người phát ngôn Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Seif Magango lên tiếng « thực sự quan ngại về việc lực lượng Israel tiếp tục ném bom vào miền trung Gaza, khiến hơn 100 người Palestine thiệt mạng kể từ đêm Giáng Sinh ». Ngày 26/12, ông yêu cầu « Israel phải thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ dân thường ».

Phía Israel thẳng thừng bác mọi chỉ trích của Liên Hiệp Quốc về cách họ tiến hành chiến tranh ở dải Gaza. Để đáp trả thái độ « đáng xấu hổ », theo cáo buộc của Israel, Nhà nước Do Thái đã từ chối cấp thị thực cho nhiều nhân viên Liên Hiệp Quốc.

Thông tín viên Michel Paul tại Jérusalem giải thích :

« Trên mạng X (trước là Twitter), ngoại trưởng Israel Eli Cohen cáo buộc Liên Hiệp Quốc đạo đức giả. Ông thông báo rằng Israel đã thu hồi thị thực của một nhân viên Liên Hiệp Quốc và bác đơn xin thị thực của một người khác.

Ngoại trưởng Israel giải thích : « Chúng tôi sẽ không làm việc với những người hợp tác với tuyên truyền của Hamas ». Đầu tháng 12, Israel đã thông báo cho Liên Hiệp Quốc không triển hạn thị thực cho điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc về các vùng lãnh thổ Palestine. Bà Lynn Hastings, người Canada, bị Israel cáo buộc là không « khách quan ».

Thái độ tức giận này bắt đầu từ khi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khẳng định không phải tự dưng mà Hamas tiến hành tấn công hôm 07/10. Lúc đó, rất nhiều bộ trưởng Israel đã đòi ông Antonio Guterres từ chức vì ủng hộ khủng bố, đồng thời tuyên bố từ giờ, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc không còn được chào đón ở Israel ».


Nhật báo Izvestia: Nga thiếu lao động trầm trọng (RFI)

Nhật báo Izvestia hôm 24/12/2023, dẫn lời các chuyên gia và những nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, cho biết nước này thiếu khoảng 4,8 triệu lao động trong năm 2023 và tình trạng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2024.

Theo một nghiên cứu mới được tờ báo trích dẫn, “theo phân tích các số liệu mà cơ quan thống kê Rosstat đưa ra, tình trạng thiếu lao động vào năm 2023 đạt ngưỡng 4,8 triệu người”. 

Izvestia dẫn lời Bộ trưởng Lao động Anton Kotykov cho biết tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và vận tải đã buộc các doanh nghiệp phải tăng lương để cố gắng thu hút thêm nhân viên. 

Vào tháng trước, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng cảnh báo nước Nga đang đang thiếu lao động trầm trọng và điều này đe dọa đến sự tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhất là khi Matxcơva đang tập trung các nguồn lực tài chính cho quân đội.

Hàng trăm nghìn người dân Nga đã rời khỏi nước sau khi Matxcơva phát động cuộc chiến tranh xâm lược, mà điện Kremlin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, tại Ukraina. Nhiều người trốn khỏi vì không đồng tình với cuộc chiến, hoặc vì sợ bị gọi nhập ngũ. Số người rời đi càng gia tăng sau khi tổng thống Vladimir Putin tuyên bố huy động thêm khoảng 300.000 tân binh vào tháng 9/2022.


Tổng thống Biden ký ban hành đạo luật chính sách quốc phòng trị giá 886 tỷ USD (BBC)

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Sáu đã ký ban hành đạo luật chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ cho phép chi tiêu quân sự hàng năm trị giá 886 tỷ USD và các chính sách như viện trợ cho Ukraine và đối phó với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo Reuters.

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, hay NDAA, đã được Quốc hội thông qua vào tuần trước. Thượng viện Hoa Kỳ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật với đa số lưỡng đảng với tỷ lệ 87/13 trong khi Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ với tỷ lệ 310/118.

Dự luật này, một trong số ít những đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua hàng năm, chi phối mọi thứ, từ việc tăng lương cho quân nhân, mua tàu và máy bay cho đến các chính sách như hỗ trợ cho các đối tác nước ngoài như Đài Loan.

Đạo luật dài gần 3.100 trang này kêu gọi tăng lương 5,2% cho quân nhân và tăng tổng ngân sách an ninh quốc gia của quốc gia thêm khoảng 3% lên 886 tỷ USD. Đạo luật cũng liệt kê một số công ty pin Trung Quốc mà Mỹ cho rằng không đủ điều kiện để Bộ Quốc phòng mua sắm.

NDAA trong năm tài chính 2024 cũng bao gồm việc gia hạn thêm 4 tháng đối với Điều khoản 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài, giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian để cải cách hoặc duy trì chương trình này.

Điều khoản này vấp phải sự phản đối ở cả Thượng viện và Hạ viện, nhưng không đủ để hủy bỏ dự luật.

Dự luật mở rộng một biện pháp để giúp Ukraine, Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, đến cuối năm 2026, cấp 300 triệu USD cho chương trình này trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9/2024 và năm tiếp theo.

Tuy nhiên, con số đó này nhỏ so với con số 61 tỷ USD mà ông Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt để giúp Kyiv chống lại cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng 2/2022. Đảng Cộng hòa đã từ chối phê duyệt viện trợ.


Ứng cử viên phó tổng thống hàng đầu Đài Loan nói sẽ không để chiến tranh xảy ra với TQ (VOA)

Đảng cầm quyền của Đài Loan sẽ không để chiến tranh nổ ra với Trung Cộng, nhưng chính Trung Cộng mới là bên khuấy động căng thẳng, nhà ngoại giao tiền nhiệm hàng đầu của Đài Bắc tại Mỹ và hiện là ứng cử viên hàng đầu để trở thành phó tổng thống tiếp theo của Đài Loan,Tiêu Mỹ Cầm nói vào ngày thứ Sáu.

Ảnh chụp lúc ông Lại Thanh Đức và bà Tiêu Mỹ Cầm chính thức công bố tranh cử trong liên danh tổng thống và phó tổng thống

Các cuộc bầu cử tổng thống và viện lập pháp vào ngày 13 tháng 1 sẽ định hình mối quan hệ của Đài Loan với Trung Cộng, vốn tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo được cai trị dân chủ này, trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động quân sự để khẳng định yêu sách chủ quyền.

Trung Cộng lên án Phó Tổng thống đương nhiệm Lại Thanh Đức, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền và đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến, là một người chủ trương ly khai nguy hiểm, mô tả cuộc bầu cử là sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình, điều mà đảng đối lập chính của Đài Loan là Đảng Quốc Dân (KMT) cũng nêu ra.

Trong bài phát biểu về chính sách trước bầu cử của ba ứng cử viên phó tổng thống được truyền hình trực tiếp, người đứng chung liên danh với ông Lại, Tiêu Mỹ Cầm, cựu đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Mỹ, nói các đối thủ của bà đã liên tục đổ lỗi cho DPP về căng thẳng ở Eo biển Đài Loan.

Nhưng cả thế giới đều biết rằng nguyên nhân thực sự là do Trung Cộng đã bành trướng ra ngoài theo lối chuyên quyền trong những năm gần đây, tìm cách thay đổi trật tự và hiện trạng quốc tế. Ngay cả trong khi Quốc Dân Đảng cai trị, việc Trung Cộng tăng cường binh lực chưa bao giờ dừng lại,” bà Tiêu nói.

Chúng ta đang tăng cường phòng thủ để tránh chiến tranh. Tôi muốn tuyên bố với đồng bào rằng Lại Thanh Đức và Tiêu Mỹ Cầm chủ trương bảo vệ hiện trạng hòa bình ở Eo biển Đài Loan, chúng tôi sẽ không để chiến tranh nổ ra ở Eo biển Đài Loan.

Đứng cạnh bà trên sân khấu, ứng cử viên phó tổng thống của Đảng Quốc Dân, Triệu Thiếu Khang, nói đảng của ông “hoàn toàn không thân Trung Cộng.

“DPP đang dùng mối đe dọa từ Trung Cộng như một con bài để giành được phiếu bầu và đánh lừa cử tri.”

Đài Loan và Trung Cộng phải hội đàm, ông Triệu nói, đồng thời chỉ trích DPP đã không làm như vậy và cam kết Đảng Quốc Dân sẽ bắt đầu lại đối thoại đồng thời đảm bảo khả năng phòng thủ của Đài Loan.

Tổng thống Thái Anh Văn và chính phủ của bà, bao gồm cả ông Lại và bà Tiêu trong chiến dịch vận động tranh cử, đã nhiều lần đề nghị hội đàm với Trung Cộng nhưng đều bị khước từ.

Trung Cộng lên án ông Lại và bà Tiêu là những kẻ ly khai nguy hiểm và mô tả cuộc bầu cử là “chuyện nội bộ của Trung Cộng.”


Tiểu ban Đối ngoại Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt nghị định thư kết nạp Thuỵ Điển vào NATO (RFI)

Hôm 26/12/2023, Tiểu ban Đối ngoại Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua nghị định thư kết nạp Thuỵ Điển vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong suốt 19 tháng, Ankara đã trì hoãn phê duyệt văn bản này vì cho rằng Thụy Điển chứa chấp những thành viên Đảng Lao Động Kurdistan (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây coi là tổ chức khủng bố.

Tổng thống Thổ Erdogan (trái), TTK NATO và Thủ tướng Thụy Điển Kristersson (phải) tại Thượng đỉnh NATO

Từ Ankara, thông tín viên Céline Pierre-Magnani cho biết thêm thông tin :

Sau mười chín tháng trì hoãn, một bước tiến mới vừa đạt được. Trước đó, Tiểu ban Đối ngoại của Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bác bỏ nghị định thư xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Nhưng cuối cùng vào ngày hôm qua, văn bản này đã được thông qua nhờ phiếu bầu của các đảng cầm quyền chiếm đa số và của đảng đối lập chính (đảng Nhân Dân Cộng Hoà CHP).

Trong nhiều năm nay, mối quan hệ giữa Ankara và các đối tác phương Tây đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn/bất đồng, mà gần đây nhất là cuộc chiến do chính quyền Benjamin Netanyahu tiến hành ở Gaza. Trong khi đó, sự ủng hộ của tổng thống Recep Tayyip Erdogan đối với tổ chức Hamas không hề lay chuyển trong những tuần gần đây. 

Việc Ankara trì hoãn phê chuẩn yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển liên quan tới hai vấn đề, thứ nhất là cuộc chiến chống khủng bố nhắm vào PKK và thứ hai là việc Hoa Kỳ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16. Nhưng cuộc điện đàm của tổng thống Joe Biden vào giữa tháng 12 dường như đã thuyết phục được ông Recep Tayyip Erdogan. Tuy nhiên, còn phải đợi Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua để văn bản này chính thức được phê duyệt. Thế nhưng hiện chưa có thông tin về thời gian Quốc Hội thông qua.


Venezuela lên án Anh “khiêu “khích” vì điều tầu chiến ủng hộ Guyana (RFI)

Anh Quốc và Venezuela có nguy cơ khủng hoảng ngoại giao. Ngày 24/12/2023, Luân Đôn thông báo điều một chiến hạm tuần tra đến hỗ trợ Guyana ở Nam Mỹ, trong bối cảnh Venezuela đòi chủ quyền đối với Essequibo, một vùng đất giầu dầu lửa của Guyana.

Trong một thông cáo, bộ Quốc Phòng Anh cho biết « vào tháng này, tầu HMS Trent sẽ đến Guyana, đồng minh và là đối tác trong vùng chúng ta (Anh) trong khuôn khổ Khối Thịnh vượng chung, để thực thi những cam kết trong vùng ». Theo AFP, tầu HMS Trent thường hoạt động ở Địa Trung Hải, nhưng từ đầu tháng 12 đã được điều đến vùng Caribê để chống buôn lậu ma túy.

Thông cáo của bộ Quốc Phòng Anh không nói rõ nhiệm vụ của tầu tuần tra HMS Trent, nhưng theo đài BBC, tầu này sẽ tham gia nhiều hoạt động quân sự sau dịp Giáng Sinh cùng với nhiều đối tác khác, không được nêu chi tiết, của vùng thuộc địa cũ của Anh. Trước đó, Luân Đôn đã thể hiện sự ủng hộ bằng cách cử bộ trưởng đặc trách châu Mỹ David Rutley đến Guyana.

Ngay sau thông báo của Anh, bộ trưởng Quốc Phòng Venezuela Vladimir Padrino López đã lên án một « hành động khiêu khích ». Trên mạng X ( Twitter cũ ), ông gián tiếp chỉ trích Guyana vi phạm cam kết « không đe dọa và không sử dụng vũ lực trong mọi hoàn cảnh » mà tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và đồng nhiệm Guyana Irfaan Ali đã đưa ra trong cuộc gặp ngày 14/12.

Quan hệ giữa hai nước láng giềng Guyana và Venezuela trở nên căng thẳng từ tháng 9 khi Guyana gọi thầu khai thác dầu lửa ở Essquibo. Đáp lại, Venezuela tổ chức trưng cầu dân ý hôm 03/12 về việc sáp nhập vùng đất rộng 160.000 km giầu dầu lửa vẫn do Guyana quản lý nhưng Caracas đòi chủ quyền.

Venezuela muốn dùng dòng sông Essequibo làm biên giới tự nhiên, như đã được ấn định năm 1777 dười thời Tây Ban Nha chiếm đóng. Phía Guyana lập luận rằng đường biên giới có từ thời thuộc địa Anh đã được một tòa trọng tài ở Paris ấn định năm 1899.


Hồng Hải: Mỹ bắn hạ drone và hỏa tiễn của lực lượng Houthi Yemen (RFI)

Quân đội Mỹ đã huy động các phương tiện quân sự, trong đó có nhiều chiến đấu cơ, bắn hạ 12 drone và 5 tên lửa ở Hồng Hải do lực lượng nổi dậy Houthi bắn từ Yemen. Theo thông tin trên mạng X ngày 26/12 của Bộ Chỉ Huy quân đội Mỹ ở Trung đông (Centcom), không có người bị thương, các tầu hoạt động trong khu vực không bị thiệt hại.

Phiến quân Houthi ở Yemen

Trước đó, lực lượng nổi dậy Houthi được Iran hậu thuẫn khẳng định đã phóng một tên lửa từ một tầu chiến ở Hồng Hải và tiến hành một cuộc tấn công bằng drone nhắm đến phía nam Israel. Nhiều vụ nổ đã xảy ra và tên lửa đã bắn về phía một con tầu ở Hồng Hải, gần cảng Hodeida do Houthi kiểm soát ở phía tây Yemen. Hai vụ nổ khác đã xảy ra gần một tầu hàng khác, cũng ở ngoài khơi Hodeida, nhưng không gây thiệt hại và con tầu tiếp tục hành trình.

AFP nhắc lại Houthi liên tục dùng drone tấn công các tầu thương mại để thể hiện liên đới với lực lượng Hamas kể từ khi Israel tấn công dải Gaza. Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, lực lượng nổi dậy này đã tiến hành khoảng 100 vụ tấn công bằng drone và tên lửa, nhắm vào 10 tầu hàng liên quan đến hơn 35 nước. Houthi hiện kiểm soát nhiều vùng đất ở Yemen, trong đó có thủ đô Sanaa.

Các vụ tấn công này làm xáo trộn tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới và buộc Washington lập liên minh quốc tế bảo vệ hoạt động ở Hồng Hải. Hiện có hơn 20 nước tham gia liên minh này.


TIN VIỆT NAM.

Vatican bổ nhiệm đại diện thường trú đầu tiên ở Việt Nam (RFI).

Hai ngày trước lễ Giáng sinh, Tòa thánh đã bổ nhiệm đại diện thường trú đầu tiên ở Việt Nam. Đây là bước tiếp theo trong thỏa thuận về Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam được hai bên ký ngày 27/07/2023 nhân chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng.

Tổng giám mục Marek Zalewski

Theo trang Vatican, ngày 23/12, tổng giám mục Ba Lan Marek Zalewski, 60 tuổi, tổng giám mục Hiệu tòa Africa, hiện là sứ thần Tòa thánh ở Singapore kiêm đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam, đã được giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm chức vụ mới.

Trang Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết tổng giám mục Marek Zalewski sinh ngày 02/02/1963 tại Augustów, thuộc giáo phận Łomża, Ba Lan. Học triết học tại Đại chủng viện Łomża (1983-1985) và thần học tại Đại chủng viện Firenze, Ý (1985-1989). Ngoài tiếng mẹ đẻ, tổng giám mục Zalewski còn thông thạo tiếng Ý và tiếng Anh và cũng sử dụng tiếng Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

Trong năm 2023, Việt Nam và Toà Thánh đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương. Thỏa thuận về « Quy chế Hoạt động của đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam » được ký tháng 07 cũng là bước tiếp theo của khóa họp thứ 10 của Tổ công tác hỗn hợp diễn ra ngày 31/03 tại Vatican. Tổ công tác này được thành lập năm 2008 với khóa họp đầu tiên ngày 16-17/02/2009.

Trong các cuộc gặp giữa chủ tịch nước Việt Nam và giáo hoàng Phanxicô, tiếp theo là với hồng y thư ký Vatican Pietro Parolin, hai bên đã đánh giá cao những tiến bộ quan trọng đạt được trong mối quan hệ song phương và những đóng góp tích cực của cộng đồng công giáo Việt Nam.

Đến tháng 09, giáo hoàng Phanxicô đã gửi thư đến Giáo Hội Việt Nam, kêu gọi các tín hữu sống đúng tinh thần của « tín hữu tốt và công dân tốt », thể hiện tình yêu Thiên Chúa « không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và văn hóa ».

Trang thông tin Vatican nhắc lại mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh bị cắt đứt năm 1975, sau đó được cải thiện kể từ thập niên 1990. Năm 2011, giáo hoàng Benedicto XVI đã bổ nhiệm tổng giám mục Leopoldo Girelli làm đại diện Tòa thánh không thường trú.


RSF: Việt Nam giam cầm 36 nhà báo, nằm trong tốp 10 trên thế giới (VOA).

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) tổng kết năm 2023 cho biết hiện có đến 36 nhà báo độc lập đang bị giam cầm tại Việt Nam, trong đó có 20 blogger, khiến Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia giam giữ nhà báo nhiều nhất trên thế giới.

Tổng kết của RSF nói rằng tại Việt Nam, Trung Cộng, Myanmar, Belarus có tất cả 264 nhà báo đang bị giam giữ trong tổng số 521 nhà báo bị giam giữ trên toàn thế giới.

Tổ chức này cũng xếp Việt Nam vào tốp 5 quốc gia có rủi ro cao nhất trên thế giới đối với các nhà báo.

RSF nhận định rằng chỉ có thông tin từ cơ quan của Đảng Cộng sản quản lý mới được loan tin tự do ở Việt Nam, trong khi nhà báo độc lập và các blogger thường xuyên bị chính quyền nhắm mục tiêu.

RSF nêu trường hợp của nhà báo Nguyễn Lân Thắng, người vào tháng 4/2023 bị kết án 8 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước”. Ông Thắng là nhà báo bị tuyên án tù cao nhất trong năm nay tại Việt Nam.

“Sự đàn áp của Đảng cầm quyền cũng vượt ra ngoài biên giới”, RSF cho biết, đồng thời nêu trường hợp của nhà báo Đường Văn Thái, người bị bắt cóc ở Thái Lan vào tháng 4/2023, rồi sau đó lại xuất hiện ở Việt Nam và hiện đang chờ xét xử về tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

“Các nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam gần như bị đối xử hèn hạ một cách có hệ thống và bị từ chối tiếp cận việc thăm khám y tế”, RSF nhận định, nêu điển hình hai nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và Lê Trọng Hùng, đã tuyệt thực để phản đối điều kiện giam giữ ở trại giam.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về báo cáo tổng kết 2023 của RSF, nhưng chưa được phản hồi.

Trao đổi với VOA, bà Đỗ Lê Na, vợ của nhà báo Lê Trọng Hùng – người đang thụ án 5 năm tù tại trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An- nói về trường hợp của chồng bà tuyệt thực vào tháng 9: “Vì vừa qua ở trại giam số 6 xảy ra quá nhiều vi phạm đến quyền lợi của tù nhân nên chồng tôi kết hợp trong vụ tuyệt thực yêu cầu họ phải thay đổi thái độ đối với tù nhân”.

Hôm 11/12, RSF lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam vì đã kết án 2 năm 6 tháng tù đối với ông Lê Minh Thể, một nhà bình luận chính trị từng đăng tải các bài viết về ô nhiễm và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, cho rằng đây là “một điều luật vô lý được sử dụng rộng rãi để bức hại các nhà báo”.

Tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí có trụ sở ở Paris kêu gọi các nền dân chủ tăng cường áp lực lên chế độ cầm quyền Việt Nam trả tự do cho ông Thể cùng với tất cả 36 nhà báo và người bảo vệ tự do báo chí khác đang bị giam cầm.

Hồi tháng 5, Việt Nam tụt hạng xuống gần chót 178/180 trong bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023 do RSF công bố.

Trang Công an Nhân dân của Bộ Công an Việt Nam khi ấy phản bác việc xếp hạng 2023 của RSF rằng “thiếu khách quan, sai thực tế và quy chụp” về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam. Trang này viết: “Với cơ sở chính trị, pháp lý đã khẳng định và thực tiễn đã chứng minh quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm”.


Chính phủ Việt Nam cam kết tới cuối năm 2099 sẽ cải thiện nhân quyền: không nghiêm túc! (RFA)

Chính phủ Việt Nam cam kết với Liên Hiệp Quốc sẽ cải thiện hồ sơ nhân quyền và một số lĩnh vực khác với hạn thực hiện vào năm 2099, và theo một số nhà hoạt động, Việt Nam hoàn toàn không nghiêm túc khi đưa ra thời hạn này. 

Trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948-2023), Chính phủ Việt Nam đã gửi một văn bản với tám cam kết tới Ban thư ký Sáng kiến Nhân quyền 75 (Human Rights 75 Secretariat) của Liên Hiệp quốc. 

Thời hạn dự kiến thực hiện các cam kết trên là ngày 31/12/2099, tức là sau kỷ niệm 150 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, theo văn bản của Việt Nam được Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ đăng tải trên website chính thức. 

Các cam kết bao gồm tăng cường nhà nước pháp quyền; bảo đảm tốt hơn tất cả các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị; thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó ưu tiên giảm nghèo đa chiều, giảm thiểu bất bình đẳng, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân; tăng cường giáo dục về quyền con người, không bỏ ai ở lại phía sau… 

Trên bình diện toàn cầu và khu vực, Hà Nội cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác thực chất với tất cả các nước và các cơ chế của Liên Hiệp quốc về nhân quyền. Chính quyền độc đảng ở Việt Nam cam kết sẽ đóng góp thực chất hơn nữa cho hợp tác nhân quyền trong khối ASEAN, đặc biệt trong công việc của Uỷ ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN. 

Bình luận về thời điểm thực hiện các cam kết, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) nói với RFA trong ngày 26/12: 

Theo tôi, những cái cam kết đó đáng lẽ ra phải là nhiệm vụ đương nhiên của một chính phủ, của một Quốc hội và các cơ quan hữu quan ngay từ khi mới được bầu nếu đó thật sự một nhà nước của dân và do dân thay vì là cam kết đến một lúc nào đó, đặc biệt lại là cam kết với quốc tế đến năm 2099 nữa. 

Như vậy, câu hỏi đặt ra là từ giờ đến đó thì nhà nước này là nhà nước gì?!” 

Các hướng dẫn của Ban thư ký Sáng kiến Nhân quyền 75 chỉ gợi ý thời hạn tương lai 25 năm sau  cho các cam kết có thể được thực hiện để giải quyết các vấn đề dự kiến sẽ leo thang trong những năm tới. Không rõ lý do vì sao chính phủ Việt Nam lại đặt ra thời hạn 75 năm sau để thực hiện các cam kết sửa đổi.  

Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga từng bị kết án năm (05) năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” và mới mãn hạn tù vào tháng 3 năm nay. Trong tin nhắn gửi RFA, bà đặt câu hỏi về thời điểm mà Nhà nước Việt Nam đưa ra trong cam kết: 

Nội dung cam kết tuân thủ theo công ước nhân quyền quốc tế, vấn đề đặt ra là tại sao không thực hiện ngay từ bây giờ mà đến năm 2099? Có phải chăng nhân quyền là cái gì đó quá xa xỉ với nhà cầm quyền Việt Nam nên mới đặt ra mốc thời gian để thực hiện cam kết như đang đùa giỡn và xem thường công dân Việt Nam cũng như quốc tế?” 

Bà cho rằng:  

Nhân quyền và dân quyền như không khí để thở mỗi ngày, là quyền lợi cơ bản của con người mặc nhiên phải được hưởng chứ không phải là món hàng để mua bán, mặc cả, hẹn lần lữa như vậy.” 

Một nhà hoạt động ẩn danh ở Hà Nội, lý giải về thời điểm Việt Nam thực hiện cam kết: 

Tôi nghĩ là 2099 là một cái hạn đưa ra để họ mua thời gian thôi. Giả sử họ có lòng, muốn thực hiện cam kết về nhân quyền, dân quyền đi, thì phải có lộ trình, có các cơ chế giúp cho thực hành nhân quyền được tiến triển. Đằng này ta thấy phong trào xã hội dân sự trong những năm gần đây bị đàn áp mạnh. Nhà nước không còn bó hẹp phạm vi đàn áp mà đã mở rộng ra cả những tổ chức xã hội dân sự có đăng ký, vốn trước đây không ai nghĩ bị đàn áp.” 

Ông so sánh các cam kết trên với những cam kết gần đây của nhà nước độc đảng ở Đông Nam Á: 

Cam kết này nó cũng giống như cam kết về giảm phát thải tới năm 2050 Thủ tướng Phạm Minh Chính hứa trong COP26. Hứa cho xong nhiệm kỳ ông ấy, cho đẹp truyền thông thôi.” 

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Dũng bằng trải nghiệm của bản thân nói rằng Nhà nước Việt Nam bất nhất trong nhiều vấn đề. 

Khi ông bị bắt năm 2017, công an nói với ông rằng Việt Nam là nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, khi ông thi hành án tù sáu năm ở Trại giam Nam Hà vào năm 2022, ông được nghe trên đài truyền hình rằng Việt Nam đang xây dựng chiến lược để hoàn thiện nhà nước pháp quyền đến 2030 và định hướng đến năm 2045. 

Ông cho rằng tám cam kết quốc tế trong tháng này của Việt Nam không nghiêm túc. 

Nhà nước Việt Nam không nghiêm túc với chính bản thân họ và với người dân Việt Nam thì làm sao mà họ cam kết có nghiêm túc với quốc tế được. Họ chưa bao giờ nghiêm túc về vấn đề này.” 


An Giang cấm triệt để tín đồ Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý dựng kỳ đài kỷ niệm lễ Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo chủ (RFA)

Ngoài việc ngăn cấm các tín đồ Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý (PGHHTT) đến tham dự lễ Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo chủ, công an tỉnh An Giang trong năm nay còn yêu cầu tín đồ không được dựng kỳ đài để kỷ niệm ngày này.

Thông tin trên được ông Lê Quang Hiển, Phó Hội trưởng Thường trực của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHHTT, cung cấp cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 27/12, mười ngày trước kỷ niệm 104 năm ngày sinh của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (25/11 Âm lịch).

Giáo hội PGHHTT là một tổ chức tôn giáo độc lập không được nhà nước công nhận, tái phục hoạt năm 1999, đấu tranh đòi tự do tôn giáo,… yêu cầu không được cắt xén các bài giảng của Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, và đòi Nhà nước trả lại tài sản của Giáo hội.

Trụ sở của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHHTT ở xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Ông Hiển cho biết trong 15 năm qua, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội thường tổ chức ba sự kiện quan trọng của đạo tại trụ sở tạm thời ở nhà bà tám Hiền ở ấp Long Hoà, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Đó là các ngày Đản sanh và lễ Khai sáng Đạo Phật giáo Hoà Hảo (ngày 18/5 âm lịch) của Đức Huỳnh Giáo chủ, khác với giáo hội chịu sự quản lý của nhà nước – Giáo hội PGHHTT kỷ niệm thêm ngày Đức Thầy vắng mặt (thọ nạn) vào ngày 25/2 âm lịch. 

Trong nhiều năm gần đây, tuy chính quyền địa phương không cho tín đồ Hoà Hảo thuần tuý ở các nơi khác đến dự đại lễ ở trụ sở tạm thời nhưng không ngăn cấm việc dựng lễ đài ở địa điểm này. Ông Hiển nói với RFA qua điện thoại:

Năm nay thì đặc biệt khác là họ ngăn cấm hoàn toàn không cho dựng lễ đài luôn. Họ nói thẳng là yêu cầu chủ nhà không được cho giáo hội tổ chức lễ Đản sinh lần thứ 104 của Đức Huỳnh giáo chủ tại địa điểm này.

Ông cho biết trong vòng ba tuần gần đây, công an xã Long Giang ba lần đến nhà bà tám Hiền để sách nhiễu, không cho bà và các đồng đạo sửa khu vực kỳ đài. Lần đầu đến yêu cầu chủ nhà không được sửa mái nhà bị dột, lần thứ hai thì nại lý do “đo lộ giới.”

Trong lần thứ ba vào sáng ngày 23/12, một đoàn gồm 12 cán bộ địa phương và dẫn đầu bởi Trưởng Công an xã Long Giang, Trung tá Trung, đến trụ sở của Ban Trị sự Trung ương, nói với chủ nhà là chính quyền địa phương đã quyết định không cho tổ chức Đại Lễ Đản Sanh của Đức Huỳnh Giáo chủ, không cho treo cờ, băng rôn, dựng lễ đài tại địa điểm này và cấm người địa phương khác đến.

Gia đình bà tám Hiển đề nghị cung cấp văn bản bằng giấy nhưng chính quyền không đưa, ông Hiển thuật lại.

Ông cũng cho biết chính quyền địa phương đưa nhiều an ninh mặc thường phục canh gác gần trụ sở của Giáo hội, và ngăn cấm người từ địa phương khác đến.

Một nhóm khoảng 20 công an từ ngày 23/12 cũng phong toả nhà ông Hà Văn Duy Hồ- Hội trưởng Ban Trị sự Giáo hội PGHHTT tỉnh An Giang cách đó hơn một km, không cho ông đi về phía trụ sở tạm thời của Ban Trị sự Trung ương.

Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo, một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì được tổ chức Đại lễ Đản sanh một cách rầm rộ ở Thánh địa Hoà Hảo và không bị ngăn cản bởi chính quyền địa phương, ông Hiển cho biết.

Phóng viên gọi điện cho Công an xã Long Giang để xác minh vụ việc, tuy nhiên người trực điện thoại không nêu danh tính phủ nhận việc sách nhiễu và đàn áp đối với PGHHTT.

Phóng viên cũng gọi trực tiếp cho số điện thoại của Giám đốc và Phòng An ninh Nội địa của Công an tỉnh An Giang theo danh sách liên lạc ghi trên website của cơ quan này, nhưng không có ai nhấc máy.

Đứng trước sự ngăn cản của chính quyền địa phương, Ban Trị sự Trung ương và Ban Trị sự các tỉnh thành của Giáo hội PGHHTT đã quyết định tổ chức Đại lễ Đản Sanh lần thứ 104 với điểm lễ chính vẫn tại trụ sở tạm thời của Ban Trị sự Trung ương. Các cấp Ban Trị sự sẽ về đây tham dự nếu được, còn nếu bị ngăn cấm thì sẽ tổ chức đại lễ ở địa phương của mình.

Ông Hiển cho biết Ban Trị sự Trung ương cũng gửi một kháng thư tới các cấp lãnh đạo nhà nước để phản đối việc chính quyền tỉnh An Giang ngăn cản tổ chức Đại lễ Đản sanh.


Noel buồn của người lao động nghèo (VOA)

Giáng sinh đã cận kề và năm 2023 chuẩn bị đi qua, nhưng với nhiều gia đình lao động nghèo ở Hà Nội thì năm nay ‘không có Noel hay Tết nhất gì hết’ vì kinh tế ảm đạm, mất việc, và buôn bán ế ẩm.

Cuộc sống khó khăn, một số người đang phải sống nhờ vào sự giúp đỡ từ gia đình ở quê không khác mấy so với thời thủ đô còn bị phong toả bởi đại dịch Covid cách đây 3 năm. Những người mất việc, trở về từ các khu công nghiệp phía Nam, rất ít hy vọng có được việc làm mới và thu nhập ổn định trong năm 2024.

Chị Nguyễn Thị Dương, một người buôn bán thịt heo tại một khu chợ dân sinh ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết nhiều tháng nay gia đình chị rơi vào cảnh túng thiếu, hàng ngày phải ăn thịt ế trừ bữa. Vốn liếng dành dụm sau nhiều năm buôn bán chị đã tiêu sạch trong thời đại dịch Covid. Sau khi mở cửa trở lại cho đến nay, buôn bán ngày một khó khăn hơn.

Trẻ em cũng phải lao động mà vẫn không đủ sống

“Hàng họ ế lắm, chán lắm. Ai ở chợ cũng kêu như là vạc luôn ý. Khách đến chị hỏi xong là cuối cùng lại thôi. Buôn ngày có con lợn thôi mà ngày nào cũng ế nửa con phải xách đi gạ người quen mua giúp. Nói tóm lại rau, thịt, cá tôm cái gì cũng ế cả,” chị Dương than thở.

Theo chị Dương, mọi chuyện bắt nguồn từ tình trạng ảm đạm chung của nền kinh tế sau đại dịch. Phần lớn các gia đình đã tiêu hết tiền tiết kiệm trong thời gian phong tỏa chống dịch kéo dài. Công nhân mất việc nhiều, bất động sản ế ẩm…dẫn đến người người, nhà nhà phải thắt chặt chi tiêu tối đa. Chị Dương cho biết thêm, cuộc sống của gia đình chị hiện phải dựa vào nguồn trợ cấp tật nguyền của cậu con út và sự giúp đỡ của gia đình từ quê gửi ra.

“Tom nó không làm gì được nên phải có người trông nữa. Thì cả hai mẹ con được 1,2 triệu đồng/tháng. Còn gạo hay thịt gà, các thứ khác thì mẹ mình lại gửi ở quê lên giúp. Ngoài ra, các em cũng thỉnh thoảng giúp cho một ít tiền nữa,” chị Dương nói và lo lắng rằng nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì đến gia đình có nhiều người thân ở quê như chị cũng không thể giúp đỡ được mãi vì mọi người cũng không dư dả gì.

Anh Nguyễn Thanh Yên là một công nhân làm việc trong lĩnh vực gia công đồ may mặc xuất khẩu ở phía Nam. Năm nay, anh về quê nhà Sóc Sơn ăn Tết sớm với gia đình từ giữa tháng 12 vì mất việc. Anh nói chỉ còn cách về quê sớm vì ở lại các khu nhà trọ gần nơi làm việc sẽ vừa tốn tiền thuê trọ, lại còn phải lo tiền ăn uống và chi tiêu cá nhân. Anh đã cố trụ lại chờ việc suốt 6 tháng qua, giờ tiền tiết kiệm đã tiêu sạch. Về quê ít nhất không mất tiền trọ, gia đình có gì ăn nấy, ít nhất cũng cầm cự thêm nửa năm để chờ cơ hội mới, anh nói.

Anh Yên cho biết trong hoàn cảnh đó, gia đình anh và rất nhiều gia đình khác nơi anh sinh sống đều chọn phương án thắt lưng buộc bụng tối đa trong dịp Noel và Tết vì ‘mất việc, tiền không có thì vui vẻ gì mà đón Noel và đón Tết’.

“Người ta cũng làm gì có tiền đâu mà người ta mua bán trang trí nhà cửa gì nữa. Những cái đó kiểu như giờ nó cũng hơi phù phiếm nên người ta có trang trí gì đâu. Chỉ còn giới trẻ là thích nhưng người chi tiền lại là người lớn mà người lớn thì có tiền đâu mà người ta chi,” anh Yên nói thêm.

Vẫn theo lời anh, không khí Noel tại thị xã nơi anh sống dù có nhà thờ và một vài xóm đạo nhưng rất ảm đạm, yên ắng.

Anh Nguyễn Thành Minh, nhân viên bán hàng cho một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, cho biết mấy tháng nay anh đã chạy đôn chạy đáo khắp các địa phương khu vực phía Bắc để bán hàng mong sao đủ doanh số cuối năm để được thưởng Tết. Nhưng cho đến giờ vẫn chưa đạt nổi nửa doanh số, cũng đồng nghĩa đây sẽ là một dịp Noel và Tết đói kém của gia đình.

“Thế này thì làm gì có tiền tiêu Tết. Đói dài ra rồi. Làm gì có Tết đâu. Năm nay nói tóm lại là mất Tết rồi. Bây giờ dân hết tiền rồi. Bất động sản chết, chứng khoán chết, nhà hàng chết, chợ búa cũng chết. Các nhà hàng thì ngồi vêu hết cả,” anh Minh chia sẻ thêm về tình hình ảm đạm của hầu hết các lĩnh vực kinh doanh hiện nay và dự đoán tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài trong năm tới.

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt trên 5%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu từ 6%-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, theo báo nhà nước.

Còn Ngân hàng Thế giới thì dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm nay là 4,7%, sau đó sẽ tăng lên 5,5% năm sau và 6% vào năm 2025. Nguyên nhân cho tình trạng suy giảm tăng trưởng đáng kể so với mức 8% của năm 2022, theo Ngân hàng Thế giới, là do môi trường bên ngoài khó khăn và nhu cầu trong nước yếu; và đầu tư công sẽ là một nguồn lực quan trọng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới đây.


Hiệp hội chế biến tôm Mỹ kêu gọi duy trì tình trạng ‘kinh tế phi thị trường’ của Việt Nam (VOA)

Hiệp hội các nhà chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA) hôm 21/12 kêu gọi Bộ Thương mại nước này duy trì tình trạng “nền kinh tế phi thị trường” của Việt Nam trong các thủ tục chống bán phá giá, giữa bối cảnh Hà Nội đang thúc giục Washington sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Kể từ sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9, chính quyền Hà Nội liên tục thúc giục Mỹ sớm công nhận quy chế “kinh tế thị trường” của Việt Nam. Trong cuộc gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo tại Washington vào ngày 19/9 bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đưa ra đề nghị trên và kêu gọi khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ làm ăn kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

Hãng chế xuất tôm Đồng Tháp

Trong buổi tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) hôm 7/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam cũng đề nghị SIA thúc đẩy để Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và loại bỏ các biện pháp kiểm soát mà ông nói là “không cần thiết” trong việc chuyển giao công nghệ.

Trong thông cáo báo chí hôm 21/12, ASPA cho biết vào ngày 30/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, đã khởi xướng đánh giá những tình huống thay đổi để xác định xem liệu có nên chuyển Việt Nam sang nền kinh tế thị trường hay không.

Nếu Bộ Thương mại chấp thuận yêu cầu của Việt Nam, cơ quan này sẽ phải sử dụng dữ liệu về chi phí và doanh thu của các nhà sản xuất Việt Nam để tính toán chống bán phá giá, “mặc dù chi phí và giá cả đó vẫn bị bóp méo nặng nề do sự can thiệp của chính phủ”, thông cáo của ASPA nói, và cho biết thêm rằng những can thiệp này tác động đến tỷ giá hối đoái, tín dụng, tiền lương, giá đất và nhiều thứ khác.

Điều quan trọng là chúng ta phải duy trì quyền coi Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường để có thể nhận được sự trợ giúp đáng kể từ việc tôm bị bán phá giá một cách không công bằng tại thị trường Mỹ”, Chủ tịch ASPA, Trey Pearson, nói trong thông cáo. “Việc sớm cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam bất chấp những thông tin không chính xác của chính phủ sẽ làm suy yếu đáng kể giá trị của lệnh chống bán phá giá mà ngành công nghiệp của chúng ta đã nỗ lực đạt được và duy trì trong gần 20 năm qua”.

Việt Nam là nguồn nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Mỹ trong năm 2022, trị giá gần 687 triệu USD. Đầu năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ xác định rằng việc thu hồi lệnh chống bán phá giá đối với Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho ngành tôm nội địa vốn đã dễ bị tổn thương. Ngoài ra, trong đơn kiến nghị ASPA nộp vào tháng 10 năm nay, ASPA ghi nhận 40 chương trình trợ cấp khác nhau của chính phủ mang lại lợi ích cho người sản xuất tôm ở Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam không vận hành theo nguyên tắc thị trường, gây tổn hại trực tiếp cho người sản xuất tôm trong nước”, ông Pearson nói. “Việc chấp nhận yêu cầu của Việt Nam sẽ chỉ gây tổn hại cho các ngành công nghiệp trong nước, bao gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu gia đình trong ngành tôm vùng Vịnh vốn dựa vào việc thực thi thương mại mạnh mẽ để cạnh tranh”.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng