TIN THẾ GIỚI.

Zelensky cam kết ‘‘nghiền nát’’ quân Nga tại Ukraina, Putin tuyên bố Nga ‘‘không lùi bước’’ (RFI)

Trong bài diễn văn đầu năm mới, 01/01/2024, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky khẳng định quyết tâm đẩy lùi quân xâm lược Nga. Về phần mình, lãnh đạo Nga Vladimir Putin tuy hoàn toàn tránh nhắc đến ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’ tại Ukraina, nhưng nhấn mạnh đến ‘‘toàn xã hội Nga đoàn kết’’ đằng sau ‘‘những người lính trên tuyến đầu’’.

TT Zelensky gửi thông điệp đầu năm đến người dân Ukraine

Theo báo Le Monde, trong bài diễn văn năm mới, tổng thống Zelensky đặc biệt quảng bá kho vũ khí tự chế hùng hậu của Ukraina với khoảng một triệu drone dự trữ, cùng nhiều chiến đấu cơ, sẵn sàng cho sử dụng trong năm 2024. Ông cho biết các phi công Ukraina cũng ‘‘đã làm chủ được phi cơ F-16, và quân thù sẽ chứng kiến những đòn giáng trả dữ dội của chúng ta’’. Bài diễn văn của nguyên thủ Ukraina được phát trên truyền hình trên nền các hình ảnh pháo binh và chiến đấu cơ Ukraina xung trận.

Ngược lại, theo AFP, bài diễn văn được phát trước giao thừa năm nay của tổng thống Nga tương phản hoàn toàn với giọng điệu của ông Putin hồi tháng 12/2022, khi lãnh đạo xuất hiện trước các đơn vị vũ trang. Lần này, thông điệp chính của tổng thống Nga, phát đi từ điện Kremlin là ‘‘củng cố đoàn kết’’. Đối với ông Putin, năm 2024 sẽ là năm của ‘‘gia đình’’. Nguyên thủ Nga nhấn mạnh “đoàn kết thống nhất trong tư tưởng, trong việc làm, trong chiến đấu… Phẩm chất quan trọng nhất của người dân Nga là đoàn kết, thương yêu và dũng cảm’’.

Tháng 03/2024 nước Nga bầu tổng thống mới. Theo AFP, trên thực tế, bất chấp các khó khăn về kinh tế, ông Putin chắc chắn sẽ dành chiến thắng trong bối cảnh đối lập bị triệt hại hoàn toàn, giới bất đồng chính kiến không thể lên tiếng. Theo một kết quả thăm dò dư luận công bố hôm qua, 80% cử tri Nga sẵn sàng ủng hộ Putin.

Nga tấn công Ukraina ồ ạt bằng drone trong đêm giao thừa

Tổng thống Nga không nhắc đến chiến tranh tại Ukraina trong bài diễn văn, nhưng bom đạn vẫn liên tục trút xuống Ukraina. Theo thông báo của Không quân Ukraina sáng nay, trong đêm giao thừa, ‘‘kẻ thù đã tung ra một số lượng kỷ lục drone Shahed (do Iran sản xuất)’’. Theo Không quân Ukraina, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 87 trên tổng số 90 drone phóng đi từ lãnh thổ Nga. Ba tên lửa S-300 bị bắn hạ tại vùng Kharkiv.

Các cuộc tấn công của Nga tại tỉnh này khiến ba người bị thương. Thiệt hại nặng nề nhất với Ukraina trong đêm qua là trận oanh kích tại Odessa, khiến một người chết. Trong khi đó, tại Donetsk, miền đông Ukraina, do quân Nga kiểm soát, có bốn người chết và 13 người bị thương do bom đạn. Chính quyền thủ đô Kiev cho biết đã tìm thấy thêm 23 thi thể người chết do đợt tấn công chưa từng có của Nga hôm 29/12.


Kiev muốn có thêm vũ khí khẩn cấp sau loạt tấn công ồ ạt của Nga (RFI)

Thường dân Nga và Ukraina trở thành nạn nhân trong những loạt tấn công « ăn miếng trả miếng » trong những ngày gần đây. Sáng 03/01/2024, hai vùng biên giới Belgorod và Kursk của Nga, cùng với bán đảo Crimée bị Matxcơva sáp nhập đã bị Ukraina oanh kích, chỉ một ngày sau vụ oanh kích ồ ạt của Nga nhắm vào Kiev và Kharkiv. Chính quyền Kiev kêu gọi đồng minh viện trợ khẩn cấp thêm vũ khí.

Ngày 03/01, ngoại trưởng Ba Lan đã kêu gọi phương Tây trang bị cho Ukraina tên lửa tầm xa, được ông nhấn mạnh là « ngôn ngữ mà Putin hiểu », để đáp trả những loạt tấn công ồ ạt của Nga. Theo AFP, chiến lược tấn công ồ ạt của Nga trong những ngày gần đây đã được chánh văn phòng tổng thống Ukraina Andriy Yermak thảo luận với cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan, cũng như « tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống phòng không Ukraina ».

Phía thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định Luân Đôn « sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Ukraina » trong năm 2024, trong đó có việc giao thêm vũ khí cho Kiev. Ngoại trưởng Đức lên án các vụ tấn công ồ ạt của Nga và khẳng định Berlin « sát cánh với nhân dân Ukraina chừng nào họ còn cần chúng tôi ».

Trên mạng X (trước là Twitter) ngày 02/01, cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk kêu gọi phải có « những biện pháp giảm căng thẳng ngay lập tức, bảo vệ thường dân và tôn trọng luật pháp quốc tế ». Số thường dân Ukraina thiệt mạng trong loạt oanh kích gần nhất hôm 02/01 của Nga để trả đũa vụ oanh kích của Ukraina nhắm vào vùng Belgorod, đã lên thành 5 người và 130 người bị thương.

Chính quyền Matxcơva khẳng định chỉ nhắm vào những cơ sở quân sự của Ukraina và toàn bộ mục tiêu đã « bị phá hủy » nhờ vào tên lửa tầm xa và drone mang chất nổ. Tuy nhiên, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Rustem Umerov lên án Nga « cố tình nhắm đến nhiều công trình hạ tầng trọng yếu và khu dân cư ». Trong buổi điểm tin hàng ngày tối 02/01, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Nga đã bắn gần 300 tên lửa và hơn 200 drones tự sát Shahed vào Ukraina trong vòng chưa đầy một tuần, kể từ ngày 29/12/2023.

Phía Matxcơva cũng thừa nhận tấn công nhầm làng Petropavovka, ở vùng Voronej của Nga, cách biên giới Ukraina khoảng 150 km. Trên mạng Telegram, thống đốc vùng cho biết « không có người bị thương nhưng 7 tòa nhà bị phá hủy » do « đạn dược được chở trên một máy bay của Không Quân bị nổ » hôm 02/01.


Hezbollah cảnh cáo Israel chớ để cuộc chiến Gaza lan tới Li Băng (VOA).

Người đứng đầu nhóm Hezbollah của Li Băng hôm 3/1 tuyên bố Hezbollah “không thể im lặng” sau vụ hạ sát phó thủ lĩnh Hamas ở Beirut và cảnh báo rằng lực lượng vũ trang mạnh mẽ của ông sẽ chiến đấu đến cùng nếu Israel kéo dài chiến tranh từ Gaza đến Li Băng.

Trong khi đó, lực lượng Israel vẫn tiếp tục các cuộc tấn công trên không và trên bộ nhắm vào các chiến binh Hamas ở Gaza và yêu cầu thường dân rời khỏi trại tị nạn ở phía bắc Gaza.

Israel, quốc gia đã tàn phá Dải Gaza trong cuộc tấn công dữ dội nhằm tiêu diệt nhóm Hamas cầm quyền, không xác nhận cũng như phủ nhận rằng họ đã ám sát ông Saleh al-Arouri trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở thủ đô Li Băng hôm 2/1.

Tuy nhiên, phát ngôn viên quân sự của Israel cho biết lực lượng Israel đang trong tình trạng sẵn sàng cao độ và chuẩn bị cho mọi tình huống.

Việc ông Arouri bị giết là một dấu hiệu nữa cho thấy cuộc chiến tranh Israel-Hamas kéo dài gần ba tháng đang lan rộng ra ngoài Gaza, kéo theo Bờ Tây do Israel chiếm đóng, lực lượng Hezbollah ở biên giới Li Băng-Israel và thậm chí cả các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ.

Lãnh tụ lực lượng Hezbollah Nasrallah

Ông Arouri, 57 tuổi, sống ở Beirut, là thủ lĩnh chính trị cấp cao đầu tiên của Hamas bị ám sát bên ngoài lãnh thổ Palestine kể từ khi Israel bắt đầu cuộc tấn công chống lại nhóm Hồi giáo Palestine nhằm đáp trả cuộc tàn sát chết người của nhóm này từ Gaza vào các thị trấn của Israel hôm 7 tháng 10.

Trong bài phát biểu trên truyền hình ở Beirut, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố rằng lực lượng dân quân Shi’ite hùng mạnh do Iran hậu thuẫn “không thể im lặng” sau cái chết của ông Arouri mà ông gọi là “một tội ác nguy hiểm lớn”, mặc dù ông không đưa ra lời đe dọa cụ thể nào chống lại Israel.

Ông Nasrallah cho biết sẽ “không có giới hạn” và “không có luật lệ” đối với cuộc chiến của Hezbollah nếu Israel phát động chiến tranh toàn diện vào Li Băng.

“Bất cứ ai nghĩ đến chiến tranh với chúng tôi, nói một cách ngắn gọn, người đó sẽ hối hận. Nếu chiến tranh nổ ra chống lại Li Băng, thì lợi ích quốc gia của Li Băng yêu cầu chúng tôi phải chiến đấu đến cùng.”

Hezbollah, một đồng minh của Hamas, tiến hành các cuộc pháo kích qua lại với Israel gần như hàng ngày dọc biên giới phía nam Li Băng kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu. Hơn 120 chiến binh Hezbollah và hai chục thường dân đã thiệt mạng trên lãnh thổ Li Băng trong khi phía Israel có ít nhất 9 binh sĩ thiệt mạng.

Lần cuối cùng Hezbollah và Israel xảy ra một cuộc chiến lớn là vào năm 2006 và về cơ bản nó đã kết thúc trong bế tắc. Các nhà phân tích cho rằng Hezbollah đã trở thành một lực lượng chiến đấu đáng gờm hơn kể từ khi có hàng nghìn rốc-két, phi đạn và các loại vũ khí hạng nặng khác.

Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc ở miền nam Li Băng cảnh báo rằng bất kỳ sự leo thang nào “cũng có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho người dân ở cả hai bên biên giới”.

Cái chết của ông Arouri đã loại bỏ một tên tuổi lớn ra khỏi danh sách những kẻ thù Hồi giáo hàng đầu bị truy nã gắt gao nhất của Israel, nhưng có thể khiến các thủ lĩnh lưu vong của Hamas phải lẩn trốn sâu hơn, cản trở nỗ lực đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza và thả con tin.

Israel từ lâu đã cáo buộc ông Arouri dàn dựng các cuộc tấn công nhắm vào công dân Israel. Tuy nhiên, một quan chức Hamas cho biết ông Arouri cũng là “trung tâm của các cuộc đàm phán” do Qatar và Ai Cập tiến hành về kết cục của cuộc chiến ở Gaza và việc thả các con tin Israel bị Hamas bắt giữ.


Động đất lớn ở Nhật Bản, gần 50 người thiệt mạng (VOA)

Một trận động đất mạnh xảy ra ở miền trung Nhật Bản hôm thứ Hai 1/1, ngày đầu năm mới 2024, làm chết ít nhất 48 người. Nhiều người khác có thể còn bị mắc kẹt trong các đống đổ nát khi nhiệt độ lạnh ở mức gây ra đóng băng.

Trận động đất phá hủy nhiều nhà cửa, làm mất điện cho hàng nghìn hộ dân và làm gián đoạn việc đi lại trong khu vực. Chính quyền ban hành cảnh báo người dân phải sơ tán khỏi một số khu vực trên bờ biển phía tây.

Trận động đất với cường độ ban đầu là 7,6 độ richter đã gây ra các đợt sóng cao khoảng 1 mét dọc theo các khu vực bờ biển Nhật Bản, và chính quyền cho biết các đợt sóng lớn hơn có thể kéo theo.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ban hành cảnh báo sóng thần cho các tỉnh ven biển Ishikawa, Niigata và Toyama. Cảnh báo sóng thần lớn – lần đầu tiên kể từ trận động đất và sóng thần ở vùng đông bắc Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011 – ban đầu được ban hành cho Ishikawa nhưng sau đó đã hạ cấp.

Nga cũng ra cảnh báo sóng thần ở các thành phố viễn đông Vladivostok và Nakhodka.

Người phát ngôn chính phủ Yoshimasa Hayashi nói với các phóng viên rằng nhiều nhà cửa bị phá hủy, các đơn vị quân đội được điều đến hỗ trợ hoạt động cứu hộ và chính quyền vẫn đang đánh giá mức độ thiệt hại.

Ông Toshihiro Shimoyama, quan chức của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, cảnh báo rằng những trận động đất mạnh hơn trong khu vực có hoạt động địa chấn diễn ra trong hơn ba năm qua có thể xảy ra trong những ngày tới.

Trong bình luận với báo chí ngay sau khi trận động đất xảy ra, Thủ tướng Fumio Kishida cũng cảnh báo người dân chuẩn bị cho nhiều thảm họa hơn.

Thủ tướng Kishida nói: “Người dân cần cảnh giác với những trận động đất tiếp theo có thể xảy ra và tôi kêu gọi người dân ở những khu vực có thể có sóng thần hãy sơ tán càng sớm càng tốt”.


Iran điều tàu khu trục Alborz tới Hồng Hải (RFI)

Truyền thông Iran, hôm 01/01/2024, đưa tin tàu khu trục Alborz của Iran đã qua eo biển Bab-el-Mandeb để vào Hồng Hải trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên tuyến hàng hải chiến lược này, nơi lực lượng Houthi ở Yemen không ngừng tấn công các tàu chở hàng “có liên quan đến Israel”.

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết cụ thể :

Tàu khu trục Alborz băng qua eo biển Bab-el-Mandeb để vào Hồng Hải và gặp một tàu chiến khác của Iran đã có mặt trong khu vực.

Khu trục hạm Alborz

Teheran ủng hộ về mặt chính trị và quân sự lực lượng Houthi, vốn đang kiểm soát phần lớn Yemen và đã gia tăng các cuộc tấn công ở Hồng Hải nhắm vào các tàu “có liên quan đến Israel” trong những tuần gần đây, nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine ở dải Gaza.

Tàu khu trục Iran tiến vào khu vực này trong bối cảnh quân đội Mỹ hôm Chủ nhật cho biết đã đánh chìm ba tàu chiến của Houthi sau khi lực lượng này tấn công một tàu chở hàng của một công ty vận tải Đan Mạch. Mười chiến binh đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hoa Kỳ, và Houthi đã thề sẽ trả thù.

Kể từ đó, căng thẳng đã gia tăng giữa Teheran và các nước phương Tây. Ngoại trưởng Anh Quốc đã điện đàm với người đồng nhiệm Iran để cảnh cáo về các cuộc tấn công tiếp theo của lực lượng Houthi.

Về phần mình, Hossein Amir Abdollahian đã tố cáo “thái độ tiêu chuẩn kép” của một số nước phương Tây.

Điều này cho thấy Iran can thiệp ngày càng sâu đối với cuộc xung đột Palestine-Israel đang ngày càng lan rộng trong khu vực. Ngoại trưởng Iran đã tiếp phát ngôn viên của lực lượng Houthi và hoan nghênh sự ủng hộ của họ đối với Palestine.


Tổng Thống Đài Loan tuyên bố quan hệ với Trung Cộng phải do dân quyết định (BBC).

Tổng thống sắp mãn nhiệm của Đài Loan đưa ra các thông điệp mạnh mẽ sau phát biểu đêm giao thừa của Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, theo bài viết của Reuters.

Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, hôm thứ Hai khẳng định quan hệ giữa Đài Loan và Trung Cộng phải được quyết định bởi ý chí của người dân và hòa bình phải dựa trên sự “phẩm giá”.

TT Thái Anh Văn trong thông điệp đầu năm 2024

Phát biểu này được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tuyên bố việc “thống nhất” với Đài Loan là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Trong thời gian gần đây, Trung Cộng đang gia tăng áp lực quân sự với mục đích khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo dân chủ Đài Loan – nơi sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào ngày 13/1.

Trong phát biểu vào Giao thừa, Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện giọng điệu cứng rắn hơn so với năm ngoái, khi đó ông chỉ đơn thuần nói rằng người dân hai bờ eo biển Đài Loan là “người cùng một nhà”.

Tại buổi họp báo đầu năm diễn ra tại Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, khi được hỏi về phát biểu của ông Tập Cận Bình, bà Thái Anh Văn cho biết dân chủ là nguyên tắc quan trọng nhất trong việc định hướng quan hệ với Trung Cộng.

Điều này có nghĩa là tôn trọng ý chí chung của người dân Đài Loan để đưa ra quyết định. Xét cho cùng, chúng ta là một quốc gia dân chủ,” bà nhấn mạnh.

Trung Cộng nên tôn trọng kết quả bầu cử của Đài Loan, và trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển thuộc về cả hai bên, bà Thái Anh Văn nói thêm.

Trung Cộng coi cuộc bầu cử như là một lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình, và đã nhiều lần từ chối các đề nghị đối thoại từ phía bà Thái Anh Văn, cho rằng bà là một người theo chủ nghĩa ly khai.

Bà Thái Anh Văn coi việc tăng cường và hiện đại hóa quốc phòng là ưu tiên hàng đầu, bao gồm việc thúc đẩy chương trình tàu ngầm nội địa của Đài Loan.

Nhà ai cũng có khóa cửa, không phải để chọc tức hàng xóm mà để đảm bảo an toàn cho bản thân. Cửa của đất nước cũng vậy. Người dân Đài Loan mong muốn hòa bình, nhưng chúng tôi muốn hòa bình trong phẩm giá,” bà nói.

Chính phủ Đài Loan liên tục cảnh báo rằng Trung Cộng đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử, thông qua thông tin sai sự thật, uy hiếp quân sự và gây sức ép về thương mại; bà Thái Anh Văn hy vọng người dân cảnh giác trước điều đó.

Sau khi cáo buộc Đài Loan tạo dựng rào cản thương mại, Trung Cộng đã cắt giảm một vài ưu đãi thuế quan cho hòn đảo này. Tuần trước, Trung Cộng lại tiếp tục đe dọa sẽ áp dụng thêm các biện pháp kinh tế.

Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh rằng các công ty Đài Loan phải hướng đến toàn cầu hóa và đa dạng hóa.

Đây là con đường đúng đắn, thay vì quay lại phụ thuộc vào thị trường Trung Cộng, đặc biệt khi thị trường bất ổn của Trung Cộng có nhiều rủi ro khó lường,” bà nói.

Trung Cộng đặc biệt phản đối Phó Tổng thống đương nhiệm Lại Thanh Đức, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền tại Đài Loan, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến ​​với mức độ cách biệt khác nhau. Trung Cộng cho rằng ông cũng là một người theo chủ nghĩa ly khai nguy hiểm.

Cả DPP và đảng đối lập lớn nhất của Đài Loan – Quốc Dân Đảng – đều nhất trí rằng chỉ có người dân trên đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.

Bà Thái Anh Văn không thể tái ứng cử sau hai nhiệm kỳ. Bà sẽ rời nhiệm sở vào tháng 5 khi vị tổng thống tiếp theo lên tuyên thệ.


Iran: 2 vụ nổ trong lễ tưởng niệm tướng Soleimani làm hơn 100 người chết (VOA).

Hai vụ nổ do ‘tấn công khủng bố’ đã làm thiệt mạng hơn 100 người và làm bị thương hàng chục người khác trong một buổi lễ tưởng niệm tướng Qassem Soleimani, tư lệnh tối cao ở Iran đã bị máy bay không người lái của Mỹ giết chết hồi năm 2020, các quan chức Iran cho biết hôm 3/1.

Truyền hình nhà nước Iran đã đưa tin về vụ nổ đầu tiên rồi vụ nổ thứ hai trong lúc diễn ra lễ tưởng niệm tại nghĩa trang nơi tướng Soleimani được chôn cất ở thành phố Kerman, ở miền đông nam Iran.

Tướng Qassem Soleimani, người bị Mỹ hạ sát năm 2020

Một quan chức không nêu danh tính nói với hãng thông tấn nhà nước IRNA rằng ‘hai thiết bị nổ được gài dọc theo con đường dẫn đến Nghĩa trang Liệt sỹ Kerman đã được những kẻ khủng bố kích nổ từ xa’.

Babak Yektaparast, phát ngôn nhân các dịch vụ khẩn cấp Iran, được dẫn lời cho biết 73 người đã thiệt mạng và 170 người bị thương. Truyền hình nhà nước Iran sau đó cho biết ít nhất 100 người đã thiệt mạng.

Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về hai vụ tấn công.
Các video do truyền thông Iran chiếu cho thấy hàng chục thi thể nằm rải trong khi một số người xung quanh đang chăm sóc người sống sót và những người khác vội vàng rời khỏi khu vực nổ.

“Một âm thanh khủng khiếp vang lên ở đó, bất chấp mọi biện pháp an ninh và an toàn đã được áp dụng. Chúng tôi vẫn đang điều tra”, Reza Fallah, người đứng đầu Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Kerman, nói trên đài truyền hình nhà nước.

Các nhân viên cứu hộ Trăng lưỡi liềm Đỏ chăm sóc những người bị thương tại lễ tưởng niệm nơi hàng trăm người Iran tề tựu để ghi dấu ngày mất của tướng Soleimani. Một số hãng tin Iran cho hay số người bị thương cao hơn nhiều.

“Chúng tôi hiện đang sơ tán những người bị thương trong khu vực. Có rất đông người và công việc này khá vất vả, tất cả các con đường đến đó đều bị phong tỏa”, Fallah nói.

Vụ Mỹ sát hại Soleimani trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại sân bay Baghdad và việc Tehran trả đũa với đòn đánh nhằm vào hai căn cứ quân sự Iraq nơi có quân Mỹ trú đóng đã đẩy Mỹ và Iran đến gần xung đột toàn diện hồi năm 2020.

Là chỉ huy trưởng của lực lượng Quds tinh nhuệ, cánh tay kéo dài của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) ở nước ngoài, Soleimani điều hành các hoạt động bí mật ở nước ngoài và là nhân vật then chốt trong chiến dịch lâu dài của Iran nhằm đẩy bật các lực lượng Mỹ ra khỏi Trung Đông.


Philippines và Mỹ tiến hành tuần tra và tập trận chung ở Biển Đông (RFA)

Quân đội Philippines và Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài hai ngày ở Biển Đông vào ngày 3/1. Quân đội Philippines loan báo thông tin này vào cùng ngày.

Hồi tháng 11 năm ngoái, quân đội hai nước đã bắt đầu một cuộc tuần tra chung đầu tiên ở Biển Đông, đồng thời tổ chức một cuộc tập trận chung kéo dài ba ngày ở vùng nước gần Đài Loan và trong vùng biển Tây Philippines – cách mà Manila gọi vùng biển ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Cuộc tập trận diễn ra vào khi có những căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines.

Reuters dẫn thông báo của quân đội Philippines cho biết cuộc tuần tra và diễn tập chung lần này với Mỹ có sự tham gia của bốn tàu của Philippines và bốn tàu của Bộ tư lệnh Ấn độ – Thái Bình Dương của Mỹ. Trong số này có một hàng không mẫu hạm, một tuần dương hạm.

Tư lệnh lực lượng quân đội Philippines Romeo Brawner được Reuters dẫn lời cho biết cuộc diễn tập lần này đánh dấu “một bước nhảy” trong liên minh giữa Mỹ và Philipines và hoạt động tương tác giữa quân đội hai nước.

Liên minh của chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết, gửi ra một thông điệp cho thế giới. Chúng ta đang tiến đến một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và một khu vực Ấn độ – Thái Bình Dương mở và tự do đối mặt với các thách thức trong khu vực” – Tư lệnh Brawner phát biểu.

Cuộc tập trận chung lần này được cho là sẽ làm Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông và gần đây đã có nhiều hành động khiêu khích đối với tàu của Philippines ở khu vực này.

Bắc Kinh vào tuần trước tuyên bố nước này sẽ không nhắm mắt làm nghơ trước các hành động mà Bắc Kinh gọi là gây hấn liên tục của Philippines.


Bắc Kinh chỉ trích việc Hà Lan cấm ASML xuất khẩu thiết bị làm chip sang Trung Cộng (VOA)

Hôm 2/1, Trung Cộng kêu gọi Hà Lan “tôn trọng các nguyên tắc thị trường”, một ngày sau khi hãng chế tạo máy làm chip ASML cho biết chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép xuất khẩu đối với việc vận chuyển một số thiết bị của họ sang Trung Cộng, theo Reuters.

Công ty ASML có trụ sở tại Veldhoven, Hà Lan, nói hôm 1/1 rằng các lô hàng bị ảnh hưởng bao gồm một số hệ thống in thạch bản.

Công ty cho hay: “Giấy phép vận chuyển hệ thống in thạch bản NXT:2050i và NXT:2100i vào năm 2023 vừa bị chính phủ Hà Lan thu hồi một phần, ảnh hưởng đến một số ít khách hàng ở Trung Cộng”.

ASML thống trị thị trường toàn cầu về hệ thống in thạch bản, sử dụng tia laser để giúp tạo ra mạch điện tử.

Khi được hỏi về động thái này của chính phủ Hà Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng Uông Văn Bân hôm 2/1 kêu gọi Hà Lan “công tâm, tôn trọng các nguyên tắc thị trường và luật pháp, thực hiện các hành động thiết thực để bảo vệ lợi ích chung của cả hai nước và các công ty của nhau cũng như duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng quốc tế”.

ASML không nêu rõ khách hàng nào lẽ ra sẽ nhận được các thiết bị này, nhưng khách hàng của họ ở Trung Cộng bao gồm Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) và những khách hàng khác, theo các tài liệu được công bố của công ty.

SMIC và các công ty cùng ngành như Hua Hong, Nexchip Semiconductor, Beijing Xinxin Integration Dianlu Manufacturing và United Nova Technology không trả lời khi được đề nghị đưa ra bình luận.

Trong những năm gần đây, Trung Cộng là thị trường lớn thứ ba của ASML sau Đài Loan và Hàn Quốc, nhưng lại là thị trường lớn nhất vào quý III năm 2023, chiếm 46% doanh thu của công ty.


TIN VIỆT NAM

Kinh tế Việt Nam được dự báo rất khả quan trong 15 năm tới

Giữa lúc “Nền kinh tế Việt Nam năm 2023, gặp rất nhiều khó khăn. Xuất cảng giảm sút. Nhiều doanh nghiệp và các cửa hàng đóng cửa. Người dân gặp khó khăn, GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,05%, thấp hơn mục tiêu đề ra ban đầu là 6,5%”. . .thì  Báo chí trong nước lại đồng loạt loan tin Trung tâm tư vấn CEBR của Anh vừa đưa ra dự báo trong đó đánh giá nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước viễn cảnh rất khả quan trong 15 năm tới.

Theo CEBR, Việt Nam đang đứng vị trí 34 trên Bảng Liên minh Kinh tế Thế giới (WELT). CEBR dự báo năm 2024 Việt Nam sẽ tăng 1 hạng lên thứ 33. Sau đó sẽ tiếp tục tăng nhanh lên vị trí 24 vào năm 2033 trước khi trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038.

Theo đánh giá của CEBR, với ưu thế dân số hiện có, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Với dân số đông và còn tương đối trẻ, CEBR cũng nhận định Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các quốc gia đi trước hiện nay trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, để đến 2038 chỉ đứng sau Indonesia, trong Top 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Cùng với Việt Nam, Philippines cũng là nước có sức tăng trưởng đáng nể và có thể đạt vị trí 23 vào năm 2038.

CERB cũng đánh giá Việt Nam và Philippines là minh họa nổi bật cho nhóm những quốc gia được mong chờ sẽ cải thiện thứ hạng nhờ định vị lại vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, áp dụng cải cách nội bộ, tăng năng suất của lực lượng lao động, những điều có thể đạt được qua cách tích lũy hiệu quả vốn công và tư.

Theo CERB, cả hai nước đều đã thể hiện sự tiến bộ đáng kể và được trông đợi sẽ leo thêm 10 và 13 bậc vào năm 2038, có cơ hội lọt vào nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Được biết, nhận định của CEBR đề cập tỷ trọng nền kinh tế, chứ không đề cập đến thu nhập bình quân trong một nước, phân chia giàu nghèo hay các vấn đề khác.

Năm 2023, kinh tế Thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát toàn cầu tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao. Theo đó, thương mại, tiêu dùng và đầu tư suy giảm, kéo theo hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng…

Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của khu vực và Thế giới. Trên thực tế, nhiều quốc gia (trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam) tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tổng cầu thế giới ghi nhận sự suy giảm và tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh so với dự báo trước đây nhưng hầu hết các dự báo đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 12 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2023 của các quốc gia Indonesia, Philipine và Singapore lần lượt đạt 5,0%, 5,7%, và 1,0% (như dự báo trong tháng 9). Bên cạnh đó, tăng trưởng của Malaysia dự báo đạt 4,2%, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phầm trăm. Thái Lan đạt 2,5%, điều chỉnh giảm 1,0 điểm phần trăm. Trong khi đó, ADB dự báo Việt Nam đạt mức tăng 5,2% năm 2023 do tăng cường đầu tư công và thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.


Văn bút Mỹ (Pen America) lên tiếng về trường hợp nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn

Theo tin đài RFA, Tổ chức Văn bút Mỹ (PEN America) hôm 2/1/2024 bày tỏ quan ngại sâu sắc về sức khoẻ của nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, biên tập viên và là thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), đang sa sút nghiêm trọng kể từ khi bị bắt vào tháng 1/2021, đồng thời kêu gọi Chính phủ Việt Nam hãy ngay lập tức phóng thích, hủy bỏ mọi cáo buộc, và chăm sóc y tế thiết yếu cho Lê Hữu Minh Tuấn.

Tù nhân lương tâm Lê Hữu Minh Tuấn

Bà Anh-Thu Vo, Điều phối viên Nghiên cứu và Vận động của Văn bút Mỹ trong thông cáo báo chí khẳng định:

“Tình trạng sức khỏe suy giảm nhanh chóng của Lê Hữu Minh Tuấn, càng trầm trọng hơn do bị lơ là trong việc chăm sóc y tế và bị giam giữ vô cớ, là một lời nhắc nhở kinh hoàng về sự nguy hiểm của việc đấu tranh cho quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam.”

Cho rằng, “các xã hội lành mạnh, hưng thịnh phụ thuộc vào quyền tự do ngôn luận để thông tin có thể được chia sẻ, trao đổi suy nghĩ và phát triển ý tưởng,” đại diện Văn bút Mỹ cho rằng, Chính phủ Việt Nam “rất cần được lắng nghe ý kiến từ những người như Tuấn, người khuyến khích sự phê phán và thường đóng vai trò là người dẫn dắt dư luận. Chính phủ Việt Nam phải đảm bảo an toàn cho Lê Hữu Minh Tuấn bằng cách trả tự do ngay lập tức cho ông.”

Ông Tuấn, 34 tuổi, bị kết án 11 năm tù theo Điều 117 Bộ luật Hình sự về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Ông bị bắt cùng với hai lãnh đạo khác của IJAVN, Chủ tịch Phạm Chí Dũng và Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thụy- một blogger của Đài Á Châu Tự Do.

Theo thông tin gia đình cung cấp cho RFA, trong buổi thăm gặp ngày 26/12 vừa qua tại Trại giam ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, gia đình nhận thấy ông Tuấn chỉ còn da bọc xương, xanh xao. Ông Tuấn cho biết không thể ăn bất cứ gì, chỉ có thể uống sữa với cháo loãng để cầm cự; vì ăn gì vào cũng không thể tiêu hóa.

Ông Tuấn tự đi ra gặp người thân được nhưng chậm chạp và gắng gượng, đồng thời nhắn lại rằng bản thân “chịu hết nổi rồi, không thể cầm cự được nữa.”

Các tổ chức quốc tế như Phóng viên Không biên Giới, Theo dõi Nhân quyền sau khi biết tin này đã có phản ứng, kêu gọi Chính phủ Việt Nam huỷ bỏ cáo buộc và trả tự do cũng như cung cấp chăm sóc y tế cần thiết cho ông Tuấn.

Trong Chỉ số Tự do Viết lách năm 2022 của PEN America, Việt Nam đứng ở vị trí thứ tư sau Trung Quốc, Iran và Ả Rập Saudi vì bỏ tù số lượng nhà văn nhiều nhất trên toàn cầu.

Vào tháng 10 năm 2023, Văn bút Mỹ đã đệ trình một báo cáo chung cho kỳ Kiểm Định Định Kỳ Phổ Quát (UPR) về Việt Nam, nêu rõ những lo ngại về các mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận và các vi phạm nhân quyền khác.

Bản đệ trình này gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhấn mạnh việc bỏ tù bất công đối với quyền tự do ngôn luận thông qua việc chính phủ vũ khí hóa Bộ luật Hình sự.


Hơn 1.000 người Việt bị ép làm tại sòng bạc nước ngoài được giải cứu năm 2023

Hơn 1.000 người Việt từ Campuchia và Philippines là nạn nhân bị cưỡng bức làm việc trong các sòng bạc tại những nước này đã được đưa về Việt Nam trong năm 2023.

Công dân Việt được giải cứu tại các sòng bạc đang hoàn thành thủ tục trước khi về địa phương. (HMH)

Theo Bộ Công an, các địa phương phía Nam đã tiếp nhận từ phía Campuchia hơn 600 người làm việc trong các sòng bạc được phía Campuchia giải cứu, trao trả về nước; tháng 5/2023, phía Philippines đã giải cứu 437 người Việt Nam bị cưỡng bức làm việc trong các sòng bạc tại nước này. Tháng 12/2023, hàng ngàn công dân mắc kẹt tại cuộc chiến sự ở Myanmar đã được giải cứu bảo hộ về nước, trong đó có rất nhiều người thuộc diện xuất cảnh trái phép hoặc là nạn nhân của các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép.

Vẫn theo Công an, nhiều đường dây tội phạm tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép đã hình thành với sự câu kết giữa các đối tượng ở trong và ngoài nước, cả người Việt Nam và người nước ngoài. Địa bàn hoạt động của các đường dây này rất đa dạng từ Trung cộng, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, một số nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, nhiều nước châu Âu, Mỹ, Canada…

Một trong những phương thức, thủ đoạn chủ yếu để đưa công dân Việt Nam di cư, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài là tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang các quốc gia gần biên giới với Việt Nam (Xuất cảnh sang Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar…) để làm việc nhẹ lương cao, tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh mà không cần chứng minh tài chính, bằng cấp, thủ tục nhanh gọn.

Hiện, lực lượng Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi xuất cảnh, tổ chức xuất cảnh trái phép, nhằm giữ vững an ninh, trật tự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam và các tổ chức, doanh nghiệp. (RFA)


Hai cựu bộ trưởng ra tòa trong vụ án Việt Á

Theo tin đài RFI, hai cựu bộ trưởng tại Việt Nam ra tòa hôm 03/01/2024, trong phiên tòa xét xử 38 bị cáo liên quan đến vụ án nâng giá bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. 

Cựu Bộ trưởng Y tế Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long, tại phiên tòa ngày 3/1/2024 ở Hà Nội.

Trong phiên tòa ở Hà Nội dự kiến sẽ kéo dài khoảng 20 ngày, ba cựu ủy viên trung ương là cựu bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long bị xử với tội danh “nhận hối lộ”, cụ thể là đã nhận tổng cộng 2,25 triệu đô la, cựu bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội, thì bị xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí gần 19 tỷ đồng“, và cựu Bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị cáo buộc tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do nhận bốn tỷ đồng.

Việt Á là công ty đã sản xuất các bộ xét nghiệm Covid-19, nhưng đã hối lộ cho nhiều quan chức để được ký các hợp đồng bán cho các bệnh viện và cho người dân với giá được được nâng lên rất cao. Ngành tư pháp thẩm định là vụ nâng giá này đã mang lại số tiền khoảng 172 triệu đô la cho công ty Việt Á, trong đó tổng cộng 34 triệu dường như đã được dùng để hối lộ các quan chức.

Trước đó, vào ngày 29/12/2023, một tòa án ở Hà Nội đã kết án tổng cộng 25 năm tù đối với Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á, bị cáo buộc “gây thiệt hại lớn cho tài sản nhà nước trong công tác phòng chống dịch”. Các bị cáo khác thì lãnh án từ 4 năm tù đến 15 năm tù.

Vào năm ngoái, hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã bị mất chức vì dường như có dính líu đến một vụ án khác liên quan đến dịch Covid, đó là vụ “chuyến bay gii cu. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã bị buộc từ chức, do phải “chu trách nhim chính tr” vì đã để xảy ra các sai phạm trong chính phủ khi ông làm thủ tướng. Trong phiên tòa xử vụ án “chuyến bay gii cu, năm ngoái, ba quan chức cao cấp đã lãnh án tù chung thân. Các bị cáo khác cũng lãnh án tù nhiều năm về tội “hi l và “nhn hi l.


Thu nhp bình quân ca lao đng Vit Nam năm 2023 tăng 6,9%

Thu nhập bình quân một tháng của người lao động Việt Nam năm 2023 là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK) hôm 2/1, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 8,1 triệu đồng, cao hơn 26% so với thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (6,0 triệu đồng).

Trong khi đó, thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 29% (8,7 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng).

Theo TCTK, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong ngành khai khoáng có mức tăng cao nhất là 11,2%, lên 10,3 triệu đồng, tức tăng khoảng 1 triệu đồng so với năm trước.

Dữ liệu mới công bố cho thấy rằng thu nhập bình quân mỗi tháng của lao động làm trong ngành nông lâm nghiệp và thủy sản là 4,1 triệu đồng, tăng 6,6%, tương ứng tăng 255 nghìn đồng, trong khi ngành dịch vụ lưu trú ăn uống là 6,8 triệu đồng, tăng 8,6%, tức tăng 540 nghìn đồng.

Liên quan tới vấn đề việc làm, trong báo cáo mới nhất này, Tổng cục Thống kê cho biết rằng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp “đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”, nên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp những tháng cuối năm tăng, là “cơ hội để thị trường có thêm những việc làm mới, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của người lao động”.

Theo TCTK, tính trung bình, năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14,6 nghìn người so với năm trước.

Cơ quan thống kê của nhà nước này nói rằng việc triển khai các giải pháp của chính phủ Việt Nam về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã “góp phần cải thiện tình hình thất nghiệp của người lao động”.(VOA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 8-9-10/4/2024.
  • Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại chung về Trung Cộng
  • Tổng thống Zelensky cảnh báo: “Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina bại trận”
  • Xung đột dải Gaza: Israel ấn định ngày cho cuộc tấn công Rafah
  • Philippines-Mỹ-Nhật-Úc tập trận phối hợp đối phó "các tình huống hàng hải" ở Biển Đông
  • Fitch hạ điểm triển vọng tín nhiệm Trung Cộng (RFI)
  • Ukraine và Anh ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí
  • Washington không để Trung Cộng đe dọa việc làm và ngành công nghiệp Hoa Kỳ
  • Miến Điện: Phe nổi dậy kiểm soát một thành phố quan trọng sát biên giới Thái Lan
  • Bầu cử Quốc Hội Nam Hàn: Trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Yoon Suk Yeol
  • Tỉnh đầu tiên của Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán
  • Việt Nam sẽ đầu tư thêm hơn 7 tỷ USD để đẩy mạnh khai thác bô xít
  • Việt Nam đề nghị Ả Rập Xê Út tiếp nhận thêm lao động giúp việc nhà
  • Cổ phiếu VinFast rớt giá kỷ lục xuống mức đáy từ khi lên sàn Nasdaq ở Mỹ
  • Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030
  • Việt Nam phá đường dây tín dụng đen 2000% tiền lời
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 1-2-3/4/2024
  • Ukraine: Drone oanh kích sâu trong lãnh thổ, nguồn xăng dầu của Nga
  • Viện trợ quân sự cho Ukraina: NATO bàn lập quỹ 100 tỉ euro
  • Israel không kích Gaza, nhiều nhân viên cứu trợ nhân đạo nước ngoài thiệt mạng
  • Bầu cử thị trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ: Phe đối lập thắng lớn
  • Teheran thề trả đũa vụ Israel oanh kích Damas, giết chết 7 Vệ binh Iran
  • Chính quyền Biden cân nhắc giao vũ khí trị giá 18 tỷ USD cho Israel
  • “Hội chứng La Havana”: Màn bí mật đã được vén lên
  • Nhật Bản và Mỹ thắt chặt hợp tác an ninh với Anh, Úc và Philippines
  • New Delhi phản đối Bắc Kinh đặt tên Tầu cho 30 địa điểm ở biên giới Himalaya
  • Bộ Ngoại giao Mỹ: án tù cho nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam là bất công
  • Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh Vatican sẽ thăm Việt Nam
  • Phật Giáo Hòa Hảo bị cấm hành lễ
  • Nạn nhân Việt Nam trong hoạt động buôn người ở Đông Nam Á
  • Thanh niên chết tại trụ sở Công an Long Thành
  • FB của chính phủ Việt Nam chỉ trích Facebooker ngoại quốc về hành vi phỉ báng
  • Gần 74.000 doanh nghiệp Việt rời thị trường trong quý một
  • Tin Chính Trong Tuần 25-26-27/3/2024.
  • Hai tàu chiến Nga tại bán đảo Crimée bị Ukraina ''oanh kích''
  • Khủng bố: Putin thừa nhận thủ phạm là Hồi giáo cực đoan, nhưng vẫn cáo buộc Ukraina
  • Trước đe doạ khủng bố, hàng loạt nước châu Âu nâng mức cảnh báo an ninh
  • Bộ Quốc Phòng Anh: Hạm đội Biển Đen của Nga đã ‘‘tê liệt’’ trên thực tế
  • Nam Hàn 'quan ngại sâu sắc' việc Trung Cộng dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines
  • LHQ thông qua nghị quyết ngưng bắn ở Gaza, quan hệ Mỹ - Israel căng thẳng
  • Nhật Bản phê duyệt sửa đổi quy định xuất khẩu chiến đấu cơ
  • Mỹ, Anh và New Zealand đồng loạt tố cáo Trung Cộng tấn công mạng
  • Ấn Độ ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền lãnh hải
  • TBT Nguyễn Phú Trọng mời TT Putin thăm Hà Nội
  • Võ Văn Thưởng mất chức, Giới đầu tư nước ngoài nghi ngại
  • Hơn 10.000 tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam trong năm qua
  • 500 người Việt vượt biển vào Anh quốc
  • Việt Nam sa thải HLV Troussier sau khi gần hết cơ hội vào World Cup
  • Giới hoạt động quan ngại về cái chết ‘bất thường’ của một tín đồ ở Đắk Lắk
  • Việt nam bắt Sư trụ trì chùa Đại Thọ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”
  • Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh không được tại ngoại để chữa ung thư