Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Các Nhà Khoa Học Khí Hậu Cho Rằng Chúng Ta Nên Có Các Mức CO2 Cao Hơn

Trái đất đã tiến vào “địa hạt chưa được khám phá” và sự sống đang “đứng trước những nguy cơ”.

Một báo cáo mới đây từ BioScience của Oxford Academics cảnh báo rằng công chúng đã không chú ý đến thông điệp này và giờ đây “thời gian đã hết”.

Các tác giả của bản báo cáo cho biết chất xúc tác đằng sau những cảnh báo thảm khốc là nồng độ carbon dioxide (CO2) ngày càng tăng.

Để cứu vãn những gì còn sót lại, các tác giả cho rằng cần phải nhanh chóng hơn nữa để loại bỏ dầu, than, và các nhiên liệu hóa thạch khác. Nếu không làm như vậy thì có thể xảy ra tình trạng thiếu nước và lương thực, cộng với tình trạng nắng nóng cực độ, đối với một phần ba đến một nửa dân số thế giới.

Thông điệp này cũng tương tự như thông điệp từ Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Joe Biden, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, và vô số nhà lãnh đạo chính phủ: Nồng độ CO2 quá cao, và việc tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch thải ra CO2 sẽ khiến con người tử vong.

Do đó, Liên Hiệp Quốc tuyên bố cần phải chi hàng ngàn tỷ dollar tiền thuế cho “các sáng kiến ​​thân thiện với khí hậu” như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, và ăn ít thịt hơn, còn chính phủ Biden thì kêu gọi chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện.

Tuy nhiên, các nhà khoa học không có chung quan điểm này. Theo ông Patrick Moore, khoa học gia chủ tịch Ecosense Environmental và là đồng sáng lập viên của Greenpeace, cho rằng thông điệp về biến đổi khí hậu trên thực tế là không có cơ sở. Ông Moore nói, “Toàn bộ sự việc hoàn toàn là một trò lừa đảo. Thực tế không có bằng chứng khoa học nào cho thấy CO2 là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu trong nhiều thời đại”.

Ông Moore cho rằng trong vài thập niên vừa qua, thông điệp khí hậu này đã liên tục thay đổi; đầu tiên, đó là hiện tượng trái đất đang mát dần, sau đó là hiện tượng ấm dần, sau đó là biến đổi khí hậu, và bây giờ là thời tiết thảm khốc. Ông nói, “Họ nói rằng tất cả các cơn lốc xoáy, tất cả các cơn bão, tất cả lũ lụt, và tất cả các đợt nắng nóng đều do CO2 gây ra. Đó là một lời nói dối…. Chúng ta là một phần của chu kỳ này. Chúng ta không cần CO2. Đối với chúng ta, đó là một phế phẩm — chúng ta cần oxy. Nhưng thực vật là những loài tạo ra oxy cho chúng ta, và chúng ta đang tạo ra CO2 cho chúng”.

Ông cho biết việc đốt các nhiên liệu hóa thạch — gây phát thải CO2 — là một điều tốt cho đời sống thực vật. “Chúng ta đang cung cấp thêm CO2 vào bầu khí quyển đến mức có lợi hơn nhiều cho sự sống và đặc biệt là sự phát triển của thực vật”.

Theo ông John Christy, nhà khí hậu học kiêm giáo sư về khoa học khí quyển tại Đại học Alabama ở Huntsville đồng thời là giám đốc Trung tâm Khoa Học Hệ Thống Trái Đất, những trường hợp tử vong liên quan đến thời tiết và thảm họa khí hậu trên thực tế đã giảm “đột ngột” trong những năm qua.

Theo Human Progress, vào năm 1925, trung bình có 484,880 ca tử vong liên quan đến khí hậu trên toàn thế giới. Kể từ đó, con số này giảm dần, với báo cáo mới nhất từ năm 2020 cho thấy trung bình có 14,893 ca tử vong liên quan đến khí hậu trên toàn thế giới.

Ông Christy nói với The Epoch Times, “CO2 hiện được xem là nguyên nhân gây ra thời tiết khắc nghiệt. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng những hiện tượng cực đoan này không trở nên dữ dội hoặc thường xuyên hơn. Vì vậy, CO2 không thể là nguyên nhân gây nên một điều không xảy ra”.

Liên Hiệp Quốc đang sắp xếp để các quốc gia cắt giảm lượng phát thải xuống gần bằng 0 vào năm 2050.

Bà Malgosia Askanas, một cộng tác viên nghiên cứu và phát triển cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Vật Lý Sinh Học Aurora, cho biết kế hoạch này chẳng khác gì “tự sát tập thể”.

Bà Askanas cho biết mối lo ngại về CO2 là không có cơ sở khoa học. Bà nói: “Mối lo ngại đó bắt đầu với sự cuồng loạn về Kỷ Băng Hà Mới và một báo cáo ít được biết đến của CIA vào năm 1974 tuyên bố rằng sự thay đổi lớn về khí hậu đang diễn ra. Sau đó, chủ nghĩa báo động về ‘mát dần toàn cầu’ đã đổi sang chiều ngược lại, bằng cách sử dụng quan niệm sai lầm về sự ấm lên toàn cầu do lượng CO2 dư thừa — vốn là một điều sai lầm về mặt hóa học”.

Ông Christy cho biết khí hậu trái đất có “sự biến thiên tự nhiên rất lớn” và hiện đang trong giai đoạn ấm lên dần dần.

Ông nói, “CO2 đã bị bêu xấu một cách không công bằng vì CO2 thực sự là thức ăn của thực vật ở dạng khí và cũng là kết quả của việc tạo ra năng lượng dựa trên carbon, mà điều này chắc chắn đã cải thiện cuộc sống trên khắp thế giới”. Ông gọi CO2 là “sự lưu hành của sự sống”.


Khối Cử Tri Tiềm Ẩn Ở Mỹ Có Thể Xoay Chuyển Cuộc Bầu Cử Năm 2024

Bà Tina DeMedeiros, 53 tuổi, ở Dartmouth, Massachusetts, là một cử tri điển hình theo kiểu “Trump — hoặc không ai cả”.

Sau khi bỏ lá phiếu đầu tiên bầu chọn tổng thống cho ứng cử viên Đảng Dân Chủ Bill Clinton vào đầu tuổi đôi mươi, bà DeMedeiros đã không còn quan tâm với bất cứ điều gì liên quan đến chính trị. Tuy nhiên, ông Donald Trump đã trở thành một ngoại lệ đáng chú ý.

bầu cử

Bà DeMedeiros đã bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016 và một lần nữa vào năm 2020. Nhưng bà đã không bỏ phiếu vào năm 2018 cũng như năm 2022; bà nói rằng hầu hết những người mà bà biết cũng như vậy.

Bà cho biết, “Kỳ thực, tôi không thích các chính trị gia. Nhưng tôi thích ông Donald Trump. Tôi xem ông ấy là một chính trị gia”.

Nhà thăm dò ý kiến Rich Baris gọi những người này là cử tri kiểu “Trump — hoặc không ai cả” (Trump — or no one) — những cử tri có thể ít bỏ phiếu hơn với xu hướng chỉ bỏ phiếu khi họ biết cái tên “Donald J. Trump” sẽ xuất hiện.

Giờ đây họ tạo thành một nhóm cử tri quan trọng mà các nhà phân tích đang bắt đầu nhận ra.

Theo ông Baris, “Đảng Cộng Hòa không thể giành chiến thắng nếu không có họ. Không có họ sẽ không thể xảy ra chiến thắng”.

Ông Baris cho biết, cử tri ủng hộ ông Trump bao gồm nhiều người mà từ trước tới nay chưa từng bỏ phiếu hoặc hiếm khi bỏ phiếu.

Nhiều nhà thăm dò ý kiến có thể gán cho những người này là những cử tri “không thể” hoặc “ít khi có thể” và có thể bỏ qua câu trả lời của họ hoặc loại họ ra, dựa trên giả định rằng họ sẽ không bỏ phiếu.

Nhưng ông Baris cho rằng trong trường hợp cử tri của cựu Tổng thống Trump, thì giả thuyết đó có thiếu sót. Ông nhìn thấy một khuôn mẫu: Những cử tri từng rời rạc, thiếu động lực này giờ đây lại dường như hành xử khá dễ đoán.

Hiện tượng “Trump — hoặc không ai cả” thể hiện rõ ở những người được phỏng vấn mà Cuộc Thăm Dò Dữ Kiện Lớn (Big Data Poll, BDP) của ông Baris đã khảo sát vào mùa thu. Ông Baris đã thực hiện một trong số ít cuộc thăm dò cho thấy chính xác rằng ứng cử viên Donald Trump lúc bấy giờ đã sẵn sàng giành chiến thắng vào năm 2016.

Chẳng hạn, bản đồ của BDP cho thấy một nam cử tri 38 tuổi ở vùng nông thôn Quận Shelby, Ohio. Anh tự nhận mình là người chưa lập gia đình, không có con, không theo tôn giáo nào, và làm việc toàn thời gian với mức lương hàng năm ít nhất là 50,000 USD.

Ông Baris nói rằng người này là một cử tri điển hình kiểu “Trump — hoặc không ai cả”, giống như bà DeMedeiros.

Bà DeMedeiros bắt đầu theo dõi ông Donald Trump khi mới 15 tuổi. Đó là khi bà thực hiện chuyến đi đầu tiên tới New York và thăm Trump Tower, khơi dậy sự tò mò của bà về thành công của ông trùm địa ốc này. Bà bắt đầu theo dõi ông Trump trên các chương trình trò chuyện trên truyền hình như Oprah Winfrey; bà trở thành một người hâm mộ của bộ phim truyền hình thực tế “The Apprentice” (“Người Tập Sự”) của ông.

Tuy nhiên, về mặt chính trị, bà DeMedeiros lại không biết gì đến mức bà đã sửng sốt khi biết ông Trump đang tranh cử tổng thống.

Ông tuyên bố tranh cử vào tháng 06/2015, nhưng bà không biết gì về chuyện này cho đến khi chồng bà đề cập đến việc ông Trump sẽ tranh biện với ứng cử viên Đảng Dân Chủ Hillary Clinton vào tháng 09/2016. Bà hồi tưởng lại: “Tôi nói, ‘Ôi Chúa ơi, ông ấy đang tranh cử tổng thống à?’”

Khi đó, bà Clinton đã tuyên bố rằng những người ủng hộ ông Donald Trump có thể bị xếp vào “những kẻ đáng trách”. Bà Clinton, ấy nói rằng những người này là “phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, kỳ thị đồng tính, bài ngoại, kỳ thị Hồi Giáo”.

Bình luận của bà đã gây ra phản ứng dữ dội. Và khi bà DeMedeiros nghe về điều đó, bà dự đoán, “Ông ấy sẽ thắng”. Rồi sau đó, “Người ta cho tôi là người điên”.

Bà DeMedeiros nhận ra những dấu hiệu cho thấy làn sóng ủng hộ đang hình thành dành cho ông Trump, một phần là do sự bất mãn với bà Clinton. Bà DeMedeiros nói: Người ta treo biển trước nhà với dòng chữ ‘Một người đáng trách đang sống ở đây”.

Cảm thấy bị cuốn hút, bà bắt đầu tìm hiểu về các chính sách mà vị tổng thống tương lai này đề xướng; đối với bà, những chính sách này dường như dựa trên “lẽ thường tình”. Bà ủng hộ các chính sách cứng rắn chống nhập cư bất hợp pháp của ông, sự bảo vệ của ông đối với các quyền theo Hiến Pháp, và kế hoạch của ông nhằm cắt giảm bộ máy quan liêu của chính phủ.

Bà cho biết bà đã quen với tính cách ngang ngược đó của một người New England: “Tôi thích những người tấm lòng nhiệt huyết. Và tôi tin ông ấy làm được rất nhiều điều cho đất nước này”.

Bà DeMedeiros cho rằng một số cử tri Đảng Dân Chủ giàu có ở Cape Cod từng chống ông Trump giờ lại chê bai các chính sách kinh tế của Joe Biden. Bà cho biết, họ muốn cựu Tổng thống Trump trở lại nắm quyền. Với họ, bà nói: “Chào mừng quý vị đến với chúng tôi!”

Bà DeMedeiros cho biết, bà có cảm nhận ông Trump đang hướng tới chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, nhưng bà cũng lo ngại rằng đảng Dân Chủ sẽ cố phá hoại.


Bộ Trưởng Quốc Phòng Lên Tiếng Chịu Trách Nhiệm Về Việc Bí Mật Vào Bệnh Viện

Tối thứ Bảy (06/01), Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đã đưa ra một tuyên bố công khai rằng, lẽ ra ôngpp thông báo cho công chúng về một thủ thuật y khoa mới đây buộc ông phải nhập viện.

Bộ Trưởng Quốc Phòng
Lloyd Austin

Ông nói, “Tôi nhận ra rằng, lẽ ra tôi nên công bố tin tức một cách thích hợp hơn”.

Ông Austin 70 tuổi, nói thêm: “Tôi đã thực hiện thủ thuật y khoa này, và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định không cho biết thông tin”.

Tuyên bố này tiếp nối áp lực phải trả lời một bản tin của Politico dẫn lời hai viên chức chính phủ cao cấp ẩn danh rằng việc thông báo cho Tòa Bạch Ốc về việc nằm bệnh viện kéo dài nhiều ngày của người đứng đầu Ngũ Giác Đài đã bị trễ ba ngày.

Nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) cho biết trong một tuyên bố, “Bộ trưởng Austin phải nhanh chóng trả lời bản tin đáng lo ngại rằng Bộ Quốc Phòng đã không thông báo ngay lập tức cho Tổng thống Biden hoặc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia rằng, ông ấy phải vào bệnh viện và không thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Bộ trưởng Quốc phòng là mắt xích quan trọng trong chuỗi chỉ huy giữa tổng thống và quân đội chính quy, bao gồm cả chuỗi chỉ huy hạch tâm, khi những quyết định quan trọng nhất phải được đưa ra trong vài phút. Nếu bản tin này là đúng thì vụ việc đáng kinh ngạc này chắc chắn phải nhận lãnh hậu quả”.

Hôm 05/01, Tham vụ báo chí Ngũ Giác Đài, Thiếu tướng Pat Ryder, đã xác nhận rằng vào tối ngày 01/01, ông Austin “được đưa vào Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed vì biến chứng sau một thủ thuật y khoa tự chọn gần đây” và ông sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình vào ngày 05 tháng Giêng.

Trong tình huống các viên chức quân sự và chính phủ cao cấp mất năng lực, đã có quy định 24 giờ về việc báo cáo với tổng thống và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Tuy nhiên, ông Brad Carson, từng là thư ký và giám đốc điều hành của Lục Quân, nói với Politico rằng việc báo cáo có thể phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của tình trạng y tế và liệu các viên chức có còn khả năng đưa ra quyết định hay không.

Việc ông Austin nhập viện xảy ra vào thời điểm ngày càng căng thẳng đối với binh sĩ Hoa Kỳ — đặc biệt là ở Hồng Hải — trong bối cảnh khủng hoảng ở Trung Đông, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, và sự gây hấn của Trung Cộng ở Biển Đông.


Tổng Giám Đốc Kỹ nghệ Cảnh Báo Internet Có Thể Trở Nên ‘Ảm Đạm’ Trong Vài Năm Tới

Ông Matt Barrie, Tổng giám đốc của Freelancer — thị trường trực tuyến lớn nhất thế giới dành cho những người làm nghề tự do — đã cảnh báo sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dẫn đến sự kết thúc của môi trường Internet mà chúng ta đang có.

Ông Barrie dự đoán rằng các công ty và doanh nghiệp digital có thể đóng cửa hàng trực tuyến và áp dụng kiểu “chủ nghĩa bảo hộ” trực tuyến để bảo vệ mô hình kinh doanh của họ khỏi bị AI gây thiệt hại.

Ông cho biết một số công ty kỹ nghệ lớn nhất thế giới hiện đã dựng lên các rào cản hoặc tường phí để ngăn chặn việc bị AI “quét thông tin” (scraping).

Ông Barrie chia sẻ với Epoch Times: “Internet chắc chắn sẽ trở nên ‘ảm đạm.’ Toàn bộ mô hình của Google nơi mọi thứ là mở và công khai, và việc các công ty có thể quét thông tin của Google để đào tạo AI của riêng họ đang thay đổi. Họ đã tăng lệ phí truy cập dữ kiện, Twitter cũng đã làm như vậy. Về căn bản, họ ngăn khả năng AI quét thông tin của họ thông qua các điều khoản dịch vụ”.

‘Quét thông tin’ (scraping) đề cập đến hoạt động thu thập dữ kiện trên Internet để “huấn luyện” các chương trình AI nhằm tạo ra các tác phẩm dạng văn bản, hình ảnh, hay âm nhạc.

Tuy nhiên, những người đứng đầu doanh nghiệp đã chỉ trích hành vi này và cho rằng hành vi này tương đương với hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, trong đó Tổng giám đốc của News Corporation, ông Robert Thomson, nói rằng các công cụ AI nên bồi thường cho những người sáng tạo nội dung.

Đối với các lĩnh vực khác, ông Barrie cho biết AI đã và đang làm xói mòn một số hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Ông nói: “Hãy xem các trang web danh mục nghệ thuật như Behance và Dribble. Họ có những danh mục tuyệt đẹp được thực hiện bởi những nhà thiết kế hàng đầu. Tất cả nội dung này đã đang được đưa vào AI và đang được sử dụng để huấn luyện các AI khác tạo ra tác phẩm nghệ thuật hiệu quả hơn những gì con người có thể làm. Toàn bộ mô hình kinh doanh của họ bị phá hủy”.

Những công ty như Behance và Dribble đi đầu trong lĩnh vực thiết kế trực tuyến vào đầu những năm 2000, cung cấp một nơi cho các nhà thiết kế giới thiệu và trao đổi các sản phẩm cũng như dịch vụ của họ. Lãnh vực này đang suy giảm và có dấu hiệu đáng lo âu.


Vì Kinh Tế Suy Thoái, Quân Đội Trung Cộng Có thể Bị Cắt Lương

Mặc dù nhà cầm quyền Trung Cộng đã dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, nhưng nền kinh tế Trung Cộng vẫn còn ảm đạm. Tin tức cho biết, điều này dẫn đến một quyết định cắt giảm lương công chức trên quy mô toàn quốc kể từ nửa cuối năm 2021. Giờ đây, quân đội Trung Cộng cũng gặp phải việc cắt giảm lương.

Hầu hết những người được Epoch Times phỏng vấn đều sử dụng bí danh vì sợ bị nhà cầm quyền trả đũa.

Ông Hoa, một doanh nhân đã về hưu từng phục vụ trong quân đội Trung Cộng, cho biết, “Bây giờ đất nước không có tiền mà trả lương cho công chức, kể cả tiền lương cho người đã về hưu; số tiền đó hoặc là không được trả đúng hạn, hoặc là bị chậm trễ”.

Hồi tháng 01/2022, như một phần của sáng kiến ​​cắt giảm chi phí, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các chính quyền địa phương cắt giảm bớt chế độ đãi ngộ và các loại tiền thưởng khác, dẫn đến việc một số công chức đã chứng kiến ​​mức lương hàng tháng của họ giảm tới một phần ba. Ví dụ, vào tháng Bảy cùng năm, một số công chức ở Thượng Hải đã không nhận được tiền thưởng thường diễn ra mỗi ba tháng.

Ông Hoa cho biết, “Nhiều đồng đội của tôi vẫn còn trong quân đội có thể sẽ bị cắt giảm nhiều khoản trợ cấp khác nhau. Lần cuối cùng họ nhận được các trợ cấp, tính đến nay cũng đã khoảng nửa năm rồi”.

Hồi năm 2015, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã ban hành một chỉ thị trong chiến dịch thanh trừng tham nhũng trong quân đội rằng thu nhập của các binh sĩ chủ yếu sẽ chỉ phụ thuộc vào “tiền lương” và sẽ “không có cái gọi là nguồn thu nhập mờ ám nào khác”.

Mức lương hàng tháng của một thiếu úy đảm nhận chức trung đội trưởng trong quân đội được cho là 3,000 nhân dân tệ (khoảng 421 USD) vào năm 2014.

Truyền thông Trung Cộng đưa tin vào năm 2022, nhà cầm quyền đã thực hiện một đợt điều chỉnh lương vào năm 2018, trong đó mức lương hàng tháng của cấp bậc trung úy ở trong khoản 4,500 nhân dân tệ đến 4,800 nhân dân tệ (khoảng 632 USD đến 674 USD).

Theo cơ quan truyền thông Trung Cộng, trong 5 năm vừa qua, quân đội không có đợt điều chỉnh lương nào.  

Ông Hoa nói rằng tiền lương chu cấp cho quân đội được lấy trực tiếp từ ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp là do chính quyền địa phương cung cấp và đã bị ngừng lại.


Các Gia Tộc Hồng Nhị Đại Dự Định Lật Đổ Tập Cận Bình

Ông Yuan Hongbing, cựu giáo sư luật Đại học Bắc Kinh và là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng sống lưu vong ở Úc, nói rằng nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đang gặp cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất kể từ khi ông lên nắm quyền.

Ông Viên cho biết một sự đồng thuận chính trị đã được hình thành trong nhóm các thái tử Đảng, những người có kế hoạch lật đổ ông Tập Cận Bình và thành lập một đảng chính trị mới.

Thái tử đảng, còn được gọi là thế hệ hồng nhị đại, là con cháu của các viên chức Trung Cộng có quyền lực và có ảnh hưởng nhất, những người được xem là người sáng lập ra nước Trung Quốc cộng sản.

Ông Viên cho biết, lần này, dưới sự lãnh đạo của ông Liu Yuan, con trai của cựu chủ tịch Trung Cộng Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi), một nhóm gồm rất nhiều thái tử đảng đang đưa ra những hành động cụ thể chống lại Tập Cận Bình.

Vị cựu giáo sư luật này cho biết ông đã có được thông tin chi tiết từ các mối quan hệ trong nội bộ Trung Cộng, những người mà ông nói là nằm trong giới lãnh đạo hàng đầu của Trung Cộng, điều mà ông đã tiết lộ trong bài bình luận gần đây có tựa đề “Cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng của Trung Cộng ảnh hưởng đến tình hình ở Đài Loan như thế nào”.

Theo ông Viên, nhóm thái tử đảng này đã đạt được sự đồng thuận như sau:

Thứ nhất, trong mười năm cầm quyền, ông Tập đã hoàn toàn từ bỏ và đi chệch khỏi con đường cải cách, mở cửa của đảng cộng sản, đồng thời quay trở lại tư tưởng chính trị và con đường kinh tế của Cách mạng Văn hóa. Kết quả là tất cả mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế, xã hội, cho đến ngoại giao đều chìm sâu trong khủng hoảng. Những cuộc khủng hoảng này đã trở nên trầm trọng đến mức làm lung lay sự thống trị của ĐCSTQ. Họ cho rằng, điều tệ nhất là ông Tập đang đẩy quốc gia vào một cơ cấu xã hội thời chiến để chuẩn bị cho chiến tranh với Đài Loan. Nếu không được kiểm soát, Trung Cộng sẽ gặp phải nguy cơ chiến tranh chưa từng có.

Thứ hai, họ cho rằng ông Tập đã cải tổ “chế độ tập trung dân chủ” của ĐCSTQ, tức là sự lãnh đạo tập thể và ra quyết định tập thể, thay vào đó ông ấy lại thực hiện chế độ độc tài mang tính cá nhân. Trong thập niên qua, nền kinh tế Trung Cộng ngày càng suy thoái nhanh chóng và không thể nào vực dậy, người dân phải sống trong cảnh khốn cùng, nền tài chính của quốc gia đang trên bờ vực phá sản, sự bất bình của công chúng ngày càng gia tăng, và các viên chức đang ở trong một trạng thái tư tưởng rất mông lung. Một cuộc khủng hoảng xã hội toàn diện đang trên đà bùng nổ.

Về ngoại giao quốc tế, họ cho rằng Toà Bạch Ốc đã từ bỏ chiến lược “thao quang dưỡng hối” của ông Đặng Tiểu Bình và trở nên kiêu ngạo một cách mù quáng. Nhà cầm quyền Tập Cận Bình đã áp dụng cái gọi là chính sách ngoại giao hung hăng, vốn đặt Trung Quốc vào một vị thế là kẻ thù chung của các quốc gia phát triển.


Hoa Thịnh Đốn ‘Hiểu Sai’ Về Mối Đe Dọa Của Trung Quốc Đối Với Đài Loan

Các nhà lập pháp và phân tích chính sách của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc và đảo quốc Đài Loan. Nhưng nhà phân tích chính sách quốc phòng Justin Logan tin rằng, lối nghĩ thông thường ở Hoa Thịnh Đốn không tập trung vào các chính sách đúng đắn có thể ngăn cản cuộc xâm lược của Trung Cộng.

Ông Logan, giám đốc nghiên cứu chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện Cato theo chủ nghĩa tự do, đã cảnh báo rằng trong khi nhiều người ở Hoa Thịnh Đốn tập trung vào việc so sánh khả năng quân sự và mức chi tiêu giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, thì họ cũng nên khuyến khích Đài Loan tăng cường khả năng tự vệ.

Trong cuộc phỏng vấn với NTD hôm thứ Năm (04/01), ông Logan nói, “Chắc chắn, Đài Loan suy tính một cách cẩn trọng và chi tiết về những việc họ cần làm để khiến cho Trung Cộng có vẻ ít muốn tấn công hơn”. Mặc dù Đài Loan tự quản như một quốc gia độc lập, nhưng nhà cầm quyền Trung Cộng khẳng định hòn đảo này là một phần lãnh thổ của họ. Các viên chức Trung Cộng, trong đó có ông Tập, đã nhiều lần khẳng định rằng Hoa lục sẽ “thống nhất” Đài Loan.

Các cuộc bầu cử ở Đài Loan vào ngày 13 tháng Giêng có thể tác động đến mối bang giao giữa Đài Loan và Trung Cộng. Ông Logan đưa ra lời cảnh báo rằng, không nên nghĩ đơn giản quá mức về cuộc bầu cử này bằng cách xem Quốc Dân Đảng (KMT) của Đài Loan là mềm mỏng hơn đối với Trung Cộng, còn đảng Dân Tiến (DPP) của Đài Loan cẩn trọng hơn rất nhiều đối với Trung Cộng.

Ông Logan nói: “Chúng tôi nhận thấy chi tiêu quốc phòng của Đài Loan khá nhất quán, trong khoản từ 1% đến 2% GDP. Vì vậy tôi nghĩ, những người ở Hoa Thịnh Đốn đôi khi đã nghĩ đơn giản quá mức. Hoa Kỳ thường cho,  ‘Quốc Dân Đảng mềm mỏng với Trung Cộng, và về mặt lịch sử, đảng Dân Tiến — hay bây giờ là liên minh — đã có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc,’ Nhưng tôi nghĩ đứng theo góc độ của Hoa Kỳ, điều quan trọng là sự liên tục”.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-Wen), một thành viên đảng Dân Tiến, đã theo đuổi việc gia tăng chi tiêu quốc phòng trong suốt thời gian nắm quyền kể từ năm 2016. Mùa hè năm ngoái (2023), chính phủ của bà Thái đã đề nghị tăng mức chi tiêu quốc phòng năm 2024 lên khoảng 2.5% GDP của Đài Loan.

Trong khi đó, cương lĩnh chính sách của Quốc Dân Đảng nêu rõ mục tiêu của đảng này là cải thiện quan hệ xuyên eo biển với Trung Cộng, cũng xem đấy là hành động để ngăn chặn sự xâm lược quân sự từ Hoa lục. Thị trưởng Đài Bắc tạm quyền kiêm ứng cử viên tổng thống Quốc Dân Đảng Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) cũng cho biết ông sẽ ủng hộ việc duy trì chi tiêu quốc phòng của Đài Loan ở mức 2.5% hoặc thậm chí 3% GDP.

Khi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ xem xét lại tình hình Trung Quốc-Đài Loan, ông Logan cũng cảnh báo không nên so sáng cuộc xâm lược tiềm tàng của Trung Cộng vào Đài Loan với cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra của Nga.

Ông Logan nói, “Tôi nghĩ rằng Hoa Thịnh Đốn đã thực sự hiểu sai về mối quan hệ giữa cuộc chiến ở Ukraine với vấn đề Đài Loan-Trung Cộng nói chung. Sự hiểu biết thông thường dường như là Trung Quốc đang theo dõi những gì xảy ra ở Ukraine, và nếu Ukraine không giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nga, thì Trung Cộng sẽ suy luận rằng họ có nhiều khả năng thực hiện nỗ lực của riêng họ với Đài Loan”. Ông Logan nói, “Tôi nghĩ điều đó về căn bản là sai”.

Ông Logan cho biết, ở cấp độ căn bản, việc Trung Quốc cố gắng gửi một lực lượng đổ bộ qua Eo biển Đài Loan và chiếm được một bãi biển trên hòn đảo này đặt ra một thách thức khác biệt so với việc lực lượng xâm lược Nga vượt qua biên giới đất liền phía Tây của họ để tấn công Ukraine.

Ông Logan cũng nhấn mạnh rằng thay vì xem cuộc chiến ở Ukraine như một cách để đánh giá xem Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào trước một cuộc xâm lược Đài Loan, thì thật ra Bắc Kinh có thể chỉ đơn giản là hoan nghênh sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho phía Ukraine như một sự xao nhãng và tiêu hao các nguồn lực có thể được sử dụng để tăng cường năng lực phòng thủ của Đài Loan.

Ông Logan cho biết, “Nếu tôi là ông Tập Cận Bình, thì tôi sẽ rất hài lòng khi thấy Hoa Kỳ bị sa lầy vào một cuộc xung đột ở châu Âu, sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách cao cấp chỉ tập trung vào châu Âu mà không chú ý nhiều đến Đài Loan hay chính Trung Cộng”.

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng Hoa Thịnh Đốn cố giúp Ukraine đánh bại Nga để Trung Cộng không tấn công Đài Loan, là sai lầm từ căn bản. Theo tôi, Trung Cộng rất vui khi Hoa Kỳ dốc sức tập trung vào Ukraine và đừng để ý gì đến Trung Cộng”.


Có Dấu Hiệu Trung Cộng Cung Cấp Vũ Khí Cho Hamas

Một cuộc điều tra của Israel cho thấy Hamas đang sử dụng một số lượng lớn vũ khí của Trung Cộng như súng trường tấn công và súng phóng lựu đạn trong cuộc chiến ở Dải Gaza. Các chuyên gia cho rằng những vũ khí này có thể giết nhiều người trong các cuộc tấn công của Hamas vào quân đội Israel. Có dấu hiệu co thấy Trung Cộng có trực tiếp tham gia vào việc bán vũ khí cho Hamas.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã phát giác ống ngắm và hộp đạn súng trường M16, cùng một loạt thiết bị liên lạc như radio quân dụng chiến thuật [của Trung Quốc] trong kho vũ khí kỹ thuật cao của Hamas.

Các nhà điều tra Israel hiện đang tìm hiểu làm thế nào mà các thiết bị này lại rơi vào tay Hamas, và liệu nhà cầm quyền Trung Cộng có tham dự trực tiếp hay thông qua bên thứ ba trong vấn đề này.

Một nhân viên tình báo Israel nói với tờ The Daily Telegraph của Anh quốc rằng việc phát giác ra một lượng lớn vũ khí Trung Cộng “khiến chúng tôi ngạc nhiên. Bởi vì trước cuộc chiến này, mối bang giao của chúng tôi (với Trung Quốc) rất tốt đẹp, vậy mà chúng tôi đã phát giác ra một lượng lớn vũ khí Trung Cộng. Vấn đề ở đây là những vũ khí này có trực tiếp từ Trung Quốc đến tay Hamas hay không?”.

Nhân viên tình báo này còn cho biết, trình độ kỹ thuật của những loại vũ khí và kỹ nghệ liên lạc do Trung Cộng sản xuất này chưa từng có ở Hamas trước đây. Độ phức tạp của chất nổ cũng là chưa từng có. Đặc biệt là quy mô của những loại vũ khí, thiết bị do Trung Cộng sản xuất này cũng chưa từng xuất hiện trước đây.

Các loại vũ khí do Trung Cộng sản xuất được Lực Lượng Phòng Vệ Israel tiết lộ bao gồm súng trường tấn công QBZ và súng phóng lựu tự động QLZ87.

Israel cảnh báo rằng, ngoài số vũ khí và trang thiết bị này còn có các thiết bị tình báo và liên lạc. Các thiết bị này bị nghi ngờ có thể hoạt động trong hệ thống đường hầm phức tạp dưới lòng đất của Hamas, nơi các tay súng Hamas sử dụng để phát động các cuộc tấn công bất ngờ vào quân đội Israel.

Những phát giác này đe dọa đến mối bang giao giữa Israel và Trung Cộng. Mối bang giao này đã nguội lạnh kể từ cuộc chiến tranh Israel-Kazakhstan.

Hamas đã bắn hàng ngàn hỏa tiễn vào Israel hôm 7/10/2023, đồng thời tung ra các tay súng vũ trang thâm nhập vào cộng đồng dân cư ở miền Nam Israel để thực hiện các vụ đại thảm sát, bắt giữ hàng trăm con tin và sát hại hàng ngàn người khác. Hoa Kỳ và châu Âu đã không ngừng lên án Hamas. Tuy nhiên, Trung Cộng không sẵn lòng ủng hộ quyền tự vệ của Israel và không lên án Hamas. Điều này khiến Israel bất mãn.

Trong những năm gần đây, Trung Cộng luôn cố gắng mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông như một phần của cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ. Các chuyên gia cho rằng việc phát giác lô hàng quân sự Trung Cộng trong tay Hamas sẽ mang đến những vấn đề chiến lược và ngoại giao lớn cho nhà cầm quyền Trung Cộng.

Tiến sĩ Patrick Bury, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Bath, đồng thời là cựu sĩ quan bộ binh và là nhà phân tích của NATO, cho biết câu hỏi đặt ra là liệu Trung Trung Cộng có biết số vật tư này đã được chuyển đến tay Hamas hay không.

Ông Bury cho rằng mặc dù trang thiết bị của Trung Cộng bị quân đội Israel phát giác không phải là vũ khí hạng nặng, nhưng trong số những vũ khí và trang bị bộ binh chuyên nghiệp hiện đại này cũng có một số trang thiết bị rất quan trọng. Ví dụ, súng phóng lựu đạn là loại vũ khí có sức sát thương lớn. Trang thiết bị này có thể làm tăng đáng kể khả năng giết người của Hamas.

Nhiều người biết, Iran là nơi huấn luyện và trang bị vũ khí cho những phần tử khủng bố Hamas. Tiến sĩ Bury cho rằng Iran rất có thể đã đóng một vai trò nhất định trong việc chuyển giao thiết bị Trung Cộng cho Hamas.

Tờ Daily Telegraph cho biết, Trung Cộng đã tham gia vào việc trang bị vũ khí và huấn luyện cho các nhóm vũ trang Palestine từ nhiều thập niên trước, nhưng sự tham gia này đã suy yếu kể từ khi chính quyền nước này khôi phục mối bang giao với Israel vào năm 1992.

Mặc dù mối quan hệ thương mại giữa Israel và Trung Cộng đã ấm lên trong những năm gần đây, nhưng Trung Cộng vẫn luôn không muốn liệt Hamas là một tổ chức khủng bố. Các chuyên gia nói rằng trong những tháng gần đây, khi cuộc chiến ở Gaza bùng phát, rõ ràng là truyền thông nhà nước Trung Cộng đã ủng hộ việc tuyên truyền của Hamas. Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố rằng mấu chốt của cuộc xung đột Palestine-Israel là “công lý chưa bao giờ được trao cho người dân Palestine”.

Trên mạng xã hội Weibo của Tòa Đại sứ Israel tại Trung Cộng, các dư luận viên ăn lương của Trung Cộng vẫn thường xuyên phát biểu những lời bình luận chỉ trích các cuộc không kích của Israel ở dải Gaza, nơi Hamas đang cố thủ. Điều này từng khiến trương mục Weibo chính thức của Tòa Đại sứ Israel tại Trung Quốc tạm thời đóng lại.


Baghdad Chuẩn Bị Giải Tán Liên Quân Do Hoa Kỳ Dẫn Đầu

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani cho biết chính phủ Iraq đang thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt sự hiện diện của liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu tại nước này.

Văn phòng của ông Al-Sudani cho biết trong một tuyên bố hôm 05/01: “Chính phủ đang ấn định ngày thành lập một ủy ban song phương giúp thu xếp kế hoạch nhằm chấm dứt vĩnh viễn sự hiện diện của các lực lượng liên minh quốc tế ở Iraq”.

Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi một thủ lĩnh dân quân Iraq bị sát hại trong một cuộc tấn công của Hoa Kỳ ở Baghdad.

Khoảng 2,500 lính Mỹ hiện được khai triển tại các căn cứ quân sự trên khắp Iraq. Khoảng 900 người khác đang đóng quân tại các căn cứ của Hoa Kỳ ở miền đông Syria, quốc gia có chung biên giới với Iraq.

Hoạt động khai triển này nằm trong khuôn khổ của một liên minh quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu được cho là có nhiệm vụ ngăn chặn sự hồi sinh của nhóm khủng bố được gọi là “Nhà nước Hồi Giáo” (ISIS).

Trong tuyên bố, ông Al-Sudani đã nhấn mạnh “lập trường vững chắc” của Baghdad “trong việc giải tán liên minh quốc tế [ở Iraq] sau khi không còn lý lẽ nào để biện minh cho sự tồn tại của liên minh này nữa”.

Ngoài việc chiến đấu chống lại tàn quân của tổ chức tự xưng IS, nhiệm vụ của liên minh này còn bao gồm “huấn luyện và hỗ trợ” các nhóm địa phương và các lực lượng dân quân liên minh với Hoa Kỳ.

Hôm 04/01, ông Mushtaq Jawad Kazim al-Jawari, thủ lĩnh nhóm dân quân Harakat al-Nujaba của Iraq, đã bị sát hại trong một cuộc tấn công của Hoa Kỳ ở Baghdad.

Theo Ngũ Giác Đài, Harakat al-Nujaba là một nhóm dân quân “đại diện cho Iran” có dính líu đến việc lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ ở Iraq và Syria.

Các viên chức ở Baghdad đã nhanh chóng lên án cuộc tấn công của Hoa Kỳ.

Trong một tuyên bố, ông Yehia Rasool, phát ngôn viên quân sự của thủ tướng, mô tả cuộc tấn công này là một “cuộc tấn công trắng trợn” và là một “hành vi vi phạm chủ quyền và an ninh của Iraq”.

Theo phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Pat Ryder, vụ tấn công tiêu diệt ông Al-Jawari là hành động “tự vệ”.

Trong cuộc họp báo hôm 04/01, ông Ryder cho biết: “Cá nhân đặc biệt này đã tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên Mỹ ở Iraq và Syria, mà theo định nghĩa thì đây là một mối đe dọa”.

Kể từ đầu tháng Mười, các lực lượng của Hoa Kỳ ở Iraq và Syria đã liên tục hứng chịu các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái và hỏa tiễn của các nhóm dân quân địa phương.

Ông Ryder nói với các phóng viên: “Những cuộc tấn công này vẫn tiếp tục, khiến các lực lượng Hoa Kỳ gặp nguy hiểm. Lực lượng của chúng tôi có mặt ở đó theo lời mời của chính phủ Iraq — giúp huấn luyện và cố vấn — nhằm trợ giúp sứ mệnh Đánh bại ISIS”.

Bài liên quan:
  • Động cơ đằng sau đợt cải tổ quân đội mới nhất của Tập Cận Bình
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 28/4/2024. Tháng Tư Đen Sau 49 Năm: Đe dọa từ quan thầy phương Bắc, đấu đá tranh giành quyền lực trên thượng tầng, bài học nào cho VN?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • So sánh các chiến thuật vùng xám ở Biển Đỏ và Biển Đông
    Thomas Lim & Eric Ang
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 27/4/2024. Chứng nhân lịch sử: GSTS Nguyễn Tiến Hưng và 8 thủ đoạn nham hiểm và Bức Tử VNCH của Kissinger!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ukraine là tiền tuyến của một cuộc xung đột lớn hơn nhiều
    Gideon Rachman