TIN THẾ GIỚI.

Nga sơ tán 300 thường dân khỏi thành phố Belgorod bị Ukraina oanh kích (RFI)

Chính quyền Nga hôm 08/01/2024 thông báo đã sơ tán khoảng 300 thường dân Belgorod, thành phố gần biên giới với Ukraina và đang bị lực lượng của Kiev oanh kích ngày càng nhiều. Sáng nay, bộ Quốc Phòng Nga thông báo đã bắn chặn được một tên lửa S-200 của Ukraina trên bầu trời vùng Belgorod vào lúc 7 giờ sáng, giờ địa phương (4 giờ GMT).

Theo AFP, trên mạng Telegram, thống đốc vùng Belgorod của Nga, Viatcheslav Gladkov, hôm nay cho biết là trong vòng 24 giờ qua, chính quyền vùng đã tiếp nhận 1.300 đề nghị của người dân Belgorod gửi con cái đến các trường học bên ngoài thành phố, tại các vùng khác. Theo dự kiến ban đầu, ngày 09/01, học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Giáng Sinh theo lịch Chính Thống Giáo, nhưng chính quyền vùng Belgorod hôm nay thông báo dời đến ngày 19/01.

Cũng theo thống đốc Gladkov, khoảng 300 người dân Belgorod đã quyết định tạm thời đi di tản và hiện đang ở tại các trung tâm tiếp đón ở Stary Oskol, Goubkine và quận Korotchansky, những nơi nằm cách xa hơn biên giới với Ukraina. Tuy nhiên, ông Gladkov không cho biết những người tình nguyện di tản có đang hay sẽ được sơ tán nữa hay không.

Mặc dù điện Kremlin vẫn nỗ lực thuyết phục công chúng rằng cuộc xung đột không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày và sự an toàn của người dân tại Nga, thế nhưng hôm thứ Sáu 05/01, lần đầu tiên chính quyền Nga phải đề nghị người dân sơ tán khỏi Belgorod do thành phố bị Ukraina tăng cường oanh kích.

Thủ tướng Ukraina: Nga tấn công bằng tên lửa siêu thanh Kinjal

Quân đội Ukraina, vẫn theo AFP, sáng nay thông báo đã hạ được 8 drone Shahed chở chất nổ mà quân Nga phóng đi trong đêm qua đến các vùng Odessa và Mykolaiv. Trong khi đó, phủ tổng thống Ukraina cho biết Nga cũng phóng hàng chục tên lửa đến nhiều nơi khiến 33 người bị thương và 2 người thiệt mạng. Còn thủ tướng Ukraina Denys Chmygal khẳng định quân đội Nga đã sử dụng các tên lửa siêu thanh Kinjal, nhưng không cho biết lực lượng phòng không Ukraina đã bắn hạ được bao nhiêu tên lửa này.

Nhật Bản cấp cho Ukraina hệ thống phát hiện drone

Vẫn tại Ukraina, hôm qua 07/01, tổng thống Zelensky tiếp ngoại trưởng Nhật Yoko Kamikawa. Đến Kiev, ngoại trưởng Nhật khẳng định quyết tâm của Tokyo tiếp tục trợ giúp Ukraina chống quân Nga xâm lược. Bà Yoko Kamikawa cho biết Tokyo đã giải ngân 37 triệu đô la để cung cấp cho Kiev một hệ thống phát hiện drone.


Thủ tướng Đức chỉ trích các đồng minh không hỗ trợ đủ vũ khí cho Ukraina (RFI)

Hôm 08/01/2024, theo Reuters, thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ trích nhiều đồng minh châu Âu đã không cung cấp đủ vũ khí giúp Ukraina chống xâm lược Nga, như cam kết. Tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Đức được đưa ra vào lúc ông Olaf Scholz đang chịu nhiều áp lực trong chính phủ, yêu cầu viện trợ cho Kiev tên lửa tấn công tối tân Taurus có tầm bắn 500 km.

Trong một cuộc họp báo tại Berlin, thủ tướng Scholz nhấn mạnh : ‘‘Mặc dù đóng góp của Đức rất quan trọng nhưng sẽ không đủ để đảm bảo an ninh của Ukraina về lâu dài”. Lãnh đạo Đức khẳng định ‘‘việc chuyển giao vũ khí theo kế hoạch cho Ukraina của hầu hết các quốc gia thành viên Liên Âu là không đủ mức.’’. Ông cũng cho biết trước đó Berlin đã yêu cầu Liên Âu phối hợp với các quốc gia thành viên kiểm tra lại số lượng vũ khí dự tính cung cấp cho Ukraina. 

Bản thân nước Đức đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích trong những tháng đầu của cuộc xâm lược Ukraina của Nga, vì đã không đảm nhiệm vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ quân sự giúp Kiev, với tư cách một cường quốc lớn của châu Âu. Tuy nhiên hiện tại Đức là một trong những nhà cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính hàng đầu. Cuối năm ngoái, Đức đã đồng ý tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraina trong năm 2024 lên 8 tỷ euro. 

Riêng về hỏa tiễn tối tân Taurus của quân đội, cho đến nay thủ tướng Scholz vẫn chưa quyết định cấp cho Ukraina. Hôm 06/01, người phát ngôn ủy ban quốc phòng của Nghị Viện Đức, chính trị gia đảng Xanh Sara Nanni, khẳng định vũ khí này cho phép Ukraina ‘‘tấn công hiệu quả nhất vào các căn cứ nằm trên lãnh thổ Nga, nơi Nga tiến hành các cuộc oanh kích Ukraina’’. Đảng Xanh thuộc liên minh cầm quyền tại Đức. 

Ít nhất bốn người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong các cuộc oanh kích mới của Nga trong đêm, theo thông báo của Kiev hôm nay. Tổng thống Ukraina hứa hẹn sẽ trả đũa. Một trong bốn người thiệt mạng tại thành phố Kryvyï Rig, quê của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, hai người khác tại thành phố miền tây Khmelnitskiï, và một người tại Kharkiv, thành phố miền đông bắc giáp với Nga. 


Lực lượng Mỹ, Anh đẩy lùi ‘cuộc tấn công lớn nhất’ của Houthis ở Biển Đỏ (VOA)

Lực lượng hải quân Hoa Kỳ và Anh hôm 9/1 đã bắn hạ 21 thiết bị bay không người lái và tên lửa do lực lượng Houthi trú đóng ở Yemen bắn về phía nam Biển Đỏ, Hoa Kỳ cho biết, trong khi Anh nói hàm ý sẽ có các biện pháp tiếp theo để bảo vệ các tuyến vận tải quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho hay đây là cuộc tấn công lớn nhất trong khu vực của phiến quân tính đến nay, khi cuộc chiến kéo dài ba tháng giữa Israel và Hamas ở Gaza lan sang các khu vực khác ở Trung Đông.

Đây là một tình huống không thể kéo dài”, ông Shapps nói với các phóng viên, đồng thời nói rằng “hãy theo dõi thêm”, ám chỉ những hành động có thể diễn ra tiếp theo từ phía Anh và các đối tác quốc tế.

Tình trạng này không thể tiếp diễn và không được phép tiếp diễn”, bộ trưởng Anh nói.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ cho biết không có thương tích hay thiệt hại nào được báo cáo, đồng thời nói rằng đây là vụ tấn công thứ 26 của Houthi nhằm vào các tuyến vận tải thương mại ở Biển Đỏ kể từ ngày 19/11.

Sau đó trong cùng ngày, người phát ngôn của lực lượng Houthi Yahya Saree cho hay các chiến binh được Iran hậu thuẫn đã phóng một số lượng lớn tên lửa đạn đạo, tên lửa hải quân và thiết bị bay không người lái vào một tàu Mỹ đang “hỗ trợ” cho Israel.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Saree không cho biết cuộc tấn công của Houthi xảy ra khi nào hoặc con tàu có bị thiệt hại gì hay không, nếu có, nhưng nói rằng hoạt động này là “phản ứng ban đầu” đối với cuộc tấn công trước đó của Mỹ khiến 10 chiến binh Houthi thiệt mạng.

Hạm đội 5 của Hoa Kỳ, có căn cứ tại vùng Vịnh, cùng với lực lượng hải quân của Anh được triển khai để bảo vệ hoạt động vận tải trên Biển Đỏ trước tình trạng các cuộc tấn công của Houthi ngày càng gia tăng.

Hạm đội này không trả lời ngay lập tức cho lời đề nghị đưa ra bình luận của Reuters.


Chiến tranh Liban-Israel : một lãnh đạo quân sự cấp cao của Hezbollah bị quân đội Israel tiêu diệt (RFI)

Truyền thông Hezbollah thông báo ông Wissam al-Tawil, một nhà lãnh đạo quân sự quan trọng của phe này, đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel ngày 08/01/2024. Cuộc tấn công nhắm vào một căn cứ ở ngoại ô phía nam Beyrouth, thành trì quan trọng của Hezbollah. Để đáp trả, lực lượng này hôm nay 09/01 thông báo nhắm vào một trung tâm chỉ huy của quân đội nhà nước Do Thái, nằm tại phía bắc Israel.

Chỉ huy Wissam al-Tawil cùng với tướng Iran Soleimani, người đã bị Mỹ hạ sát 4 năm trước

Từ Beyrouth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh cho biết thêm thông tin về vị thủ lĩnh : 

Cái chết của vị thủ lĩnh này giáng một đòn nặng nề vào lực lượng Hezbollah. Ông Wissam al-Tawil, 49 tuổi, thuộc thế hệ chỉ huy mới, được đào tạo bởi những người sáng lập cánh quân sự, gồm Imad Moughniyé, người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel ở Damas năm 2008, và Moustapha Badreddine, người đã chết ở Syria vào năm 2016. Ông cũng từng làm việc với người đứng đầu các chiến dịch quân sự ở nước ngoài của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, tướng Qassem Soleimani, người đã bị Mỹ ám sát ở Baghdad 4 năm trước.  

Trong số những nhân vật thuộc phe Hezbollah bị Israel tiêu diệt kể từ đầu cuộc giao tranh ở biên giới Liban-Israel hôm 8/10, ông Wissam al-Tawil là thủ lĩnh quân sự quan trọng nhất. Ông đã tham gia tất cả các cuộc chiến của Hezbollah trong suốt 30 năm qua ở Liban, Syria và Iraq, đồng thời giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống quân sự ở miền nam Liban nhằm chống lại quân đội Israel.  

Với việc loại bỏ nhân vật số 2 của Hamas ở Beyrouth ngày 2/1 và triệt hạ Wissam al-Tawil, cách mặt trận 20 km, Israel đang đặt ra các quy tắc giao chiến mới, chứng minh rằng quân đội nước này có thể tấn công vào bất cứ nơi nào họ muốn. Hezbollah thì hiện đang phải đối mặt với một thách thức lớn : làm sao để vẫn đe doạ được Israel nhưng không gây ra một cuộc chiến tổng lực. 


Hạ sỹ Hải quân Mỹ bị bỏ tù vì chuyển thông tin quân sự cho Trung Cộng (BBC)

Một Hạ sỹ Hải quân Mỹ vừa bị kết án hơn hai năm tù sau khi thừa nhận đã cung cấp thông tin quân sự nhạy cảm cho Trung Cộng.

Tháng 10/2023, Triệu Văn Hằng, 26 tuổi, đã thừa nhận chuyển thông tin cho tình báo Trung Cộng để nhận hối lộ. Triệu là một hạ sĩ quan cấp thấp làm việc tại một căn cứ hải quân ở California.

Các quan chức Mỹ cho biết anh này đã chuyển thông tin về các cuộc diễn tập quân sự, mệnh lệnh tác chiến và cơ sở hạ tầng quan trọng từ năm 2021 đến năm 2023.

Cụ thể, các thông tin này bao gồm cuộc tập trận quy mô lớn của Hải quân Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các sơ đồ điện và bản thiết kế hệ thống radar đặt tại căn cứ của Mỹ trên đảo Okinawa, Nhật Bản.

Đây là căn cứ quan trọng của Hải quân Mỹ ở châu Á. Nước này đã coi khu vực mà họ gọi là “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là một ưu tiên an ninh quan trọng và đang nỗ lực củng cố liên minh tại đây để đáp lại sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Cộng.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã mở rộng các cuộc tập trận hải quân với đồng minh trong khu vực. Tuy nhiên, giới chức Mỹ không đưa ra bằng chứng nào cho thấy thông tin diễn tập hải quân của các nước khác đã bị xâm phạm.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Triệu, người đã được cấp giấy phép và làm việc tại căn cứ Hải quân hạt Ventura ở Port Hueneme, đã cố ý xâm nhập vào các cơ sở quân sự và hải quân bị cấm “để thu thập và sao chép” thông tin.

Triệu cũng sử dụng “các phương thức liên lạc được mã hóa tinh vi” để chuyển thông tin, hủy bằng chứng và ngụy trang mối quan hệ của mình với một điệp viên Trung Cộng.

Triệu đã nhận ít nhất 14 khoản hối lộ từ tháng 8/2021 đến tháng 5/2023, với tổng số tiền tối thiểu là 14.866 USD (khoảng hơn 360 triệu VND).

Triệu sinh ở Trung Cộng, di cư sang Mỹ năm 2009, trở thành công dân năm 2012 và gia nhập hải quân 5 năm sau đó.

Anh ta bị bắt vào tháng Tám năm ngoái tại California và đã nhận tội gián điệp vào tháng Mười.

Hôm thứ Hai, một tòa án quận ở California đã kết án Triệu 27 tháng tù. Mức án cao nhất cho các cáo buộc này là 20 năm tù.

Hiện không có thông cáo nào về các phát biểu của Triệu. Nhà chức trách cũng không cung cấp thông tin về động cơ phạm tội của anh này, ngoài lý do tài chính.

Vào tháng Mười, sau khi Triệu nhận tội, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Matthew Olsen cho biết các cơ quan tình báo của Trung Cộng “tích cực nhắm vào những người có giấy phép trong quân đội, tìm cách lôi kéo họ bằng tiền để cung cấp các thông tin chính phủ nhạy cảm”.

Vào thứ Hai, ông nhắc lại lời cảnh báo.

“Ông Triệu đã phản bội lời thề bảo vệ đất nước và gây nguy hiểm cho những người phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ,” vị quan chức này nói.

Ông Olsen nói thêm rằng chính quyền Mỹ cam kết chống lại những nỗ lực của chính phủ Trung Cộng nhằm “phá hoại an ninh quốc gia của chúng ta”.

Một thành viên khác của Hải quân Mỹ là Nguỵ Kim Siêu, 22 tuổi, công dân Mỹ nhập tịch, cũng bị bắt năm ngoái, cùng thời điểm với Triệu, với cáo buộc âm mưu gửi thông tin quốc phòng cho mật vụ Trung Cộng.

Nguỵ từng phục vụ trên tàu tấn công đổ bộ USS Essex và bị cáo buộc giao hàng chục tài liệu, hình ảnh, video nêu chi tiết về hoạt động và hệ thống của các tàu cho Trung Cộng.

Chưa rõ liệu hai người đàn ông này có làm việc với cùng một mật vụ Trung Cộng hay không.

Đại sứ quán Trung Cộng tại Washington hôm thứ Hai cho biết họ không biết chi tiết về trường hợp của Triệu. Họ cáo buộc chính phủ và truyền thông Mỹ đã thổi phồng các vụ gián điệp, trong đó có nhiều cáo buộc được cho là vô căn cứ.


TT Mỹ Biden không hề biết bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin bị ung thư (RFI)

Nhà Trắng, hôm 09/01/2024, thông báo rằng từ 1 tháng qua, tổng thống Joe Biden không hề biết việc bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin được chẩn đoán bị ung thư tiền liệt tuyến từ đầu tháng 12. Bộ trưởng Austin đã lên tiếng nhận trách nhiệm, song sự việc này khiến chính quyền Hoa Kỳ rơi vào hoàn cảnh tương đối « khó xử ».

Bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết cụ thể :

Lloyd Austin bị ung thư tiền liệt tuyến và tổng thống Biden biết được tin này vào hôm qua 09/01/2024, cùng ngày với toàn thế giới. Tuy nhiên, ông Austin được chẩn đoán bị ung thư từ đầu tháng 12, nghĩa là 1 tháng qua, không ai trong Nhà Trắng biết rằng vị bộ trưởng tham gia vào việc ra những quyết định chiến lược và quân sự, và đặc biệt, nếu cần, quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, lại đang bị ung thư.

Đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội, Lloyd Austin cho biết trong một thông cáo rằng ông nhận toàn bộ trách nhiệm về sự thiếu minh bạch vốn không phù hợp với truyền thống của Mỹ. Từ 1 tháng qua, đã có một chẩn đoán được giữ bí mật cho đến hôm qua, lần nhập viện đầu tiên với ca phẫu thuật gây mê vào ngày 22/12, sau đó là lần nhập viện thứ hai vào đầu tháng 1 để điều trị nhiễm trùng trong khoa chăm sóc đặc biệt, những thông tin mà Nhà Trắng mới biết từ thứ Năm tuần trước. Cấp phó của Lloyd Austin, Catherine Hicks, người được chuyển giao các công việc của bộ trưởng, đang đi nghỉ ở Puerto Rico và không hề biết thủ trưởng đang nằm trên giường bệnh.

Nhà Trắng cho biết tập trung vào sự hồi phục của ông Austin, đang làm việc từ bệnh viện. Chính quyền cho biết muốn rút ra bài học từ sự việc này. Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia ngượng ngùng thừa nhận, đó không phải là « một tình thế hay ho nhất ».


Philippines và Indonesia thảo luận vấn đề Biển Đông (RFA)

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và người đồng nhiệm Indonesia Joko Widodo vừa có cuộc gặp và thảo luận về những diễn tiến ở Biển Đông thời gian gần đây. Thông tin này được đưa ra trong họp báo sau cuộc gặp vào ngày 10/1 tại Manila, Philippines.

TT và phu nhân Marcos và TT Widodo tại dinh tổng thống Indonesia năm 2022 (ảnh minh họa)

Trước đó, vào ngày 9/1, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết Jakarta sẵn sàng làm việc cùng các quốc gia Đông Nam Á khác để hoàn tất Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông.

Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Cộng và ASEAN đã được đàm phán nhiều năm kể từ khi hai bên đạt được Tuyên bố chung về ứng xử ở Biển Đông (DOC) hồi năm 2002 nhưng chưa thể kết thúc do một số những bất đồng.

Trung Cộng là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng biển quan trọng này ở Châu Á với đường đứt khúc mà nước này tự vẽ ra trên biển lấn vào vùng nước mà các nước khác cũng đòi hỏi chủ quyền bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei.

Tổng thống Philippines nói với báo chí tại họp báo chung sau cuộc gặp rằng hai bên đã có một trao đổi thẳng thắn và có kết quả về tình hình khu vực mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, ông không đưa ra thông tin cụ thể về các thảo luận này.

Đã có một số phân tích từ các chuyên gia quốc tế cho rằng có khả năng các nước nước trong ASEAN có thể thảo luận với nhau về COC trước khi thảo luận với Trung Cộng do những bất đồng chưa thể giải quyết giữa Trung Cộng và một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.


Hoàng Hải : Bắc Triều Tiên lại tập bắn đạn thật sát giới tuyến liên Triều (RFI)

Căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp diễn trong kỳ nghỉ cuối tuần. Hôm 07/01/2024 là ngày thứ ba liên tiếp Bắc Triều Tiên tập trận bắn đạn gần giới tuyến trên biển với Hàn Quốc.

Căng thẳng tại biển Hoàng Hải gia tăng lên đến mức hiếm thấy kể từ năm 2010, tiếp theo các tuyên bố trong những ngày đầu năm mới của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đe dọa ‘‘hủy diệt’’ Hàn Quốc và Hoa Kỳ. 

Tường trình của thông tín viên Nicolas Rocca từ Seoul :

Đạn pháo và những tuyên bố thù địch giữa hai miền Triều Tiên tiếp tục trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Ngày thứ ba liên tiếp tiếng đạn nổ vang rền gần đảo Hàn Quốc Yeonpyeong, cách bờ biển Bắc Triều Tiên khoảng 10 cây số. Chính quyền Hàn Quốc kêu gọi dân cư trên đảo thận trọng, và hạn chế hoạt động bên ngoài.

Quân đội Hàn Quốc khẳng định Bắc Triều Tiên đã nã pháo tổng cộng 200 lần hôm thứ Sáu 06/01, 60 lần hôm thứ Bảy 07/01, trước khi tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận đạn thật hôm qua. Tất cả đều diễn ra sát khu vực giới tuyến trên biển thuộc Hoàng Hải. Trong khi đó, bà Kim Yo-Jong, người em gái đầy uy quyền của lãnh đạo Kim Jong Un, khẳng định các cuộc tập bắn hôm thứ Bảy hoàn toàn không phải với đạn thật mà chỉ là ‘‘các vụ nổ mô phỏng tiếng đạn pháo 130 mm’’, và đây là một hoạt động đánh lừa đối phương, nhằm làm lộ rõ năng lực yếu kém của Hàn Quốc trong việc phát hiện đe dọa.

Em gái Kim Jong Un cảnh báo là các phán đoán sai lầm có thể dẫn đến đụng độ ngoài ý muốn giữa hai nước, và ‘‘đe dọa an ninh của thành phố Seoul và 10 triệu cư dân’’. Các tuyên bố hiếu chiến và các hoạt động biểu dương sức mạnh giữa hai miền liên tục diễn ra làm gia tăng nguy cơ đụng độ tại các vùng biển tranh chấp. Trên đảo Yeonpyeong, hồi 2010, đã có bốn người dân Hàn Quốc thiệt mạng vì đạn pháo Bắc Triều Tiên.

Theo Yonhap, sau phát biểu của em gái Kim Jong Un, giới chức quân sự Hàn Quốc hôm 08/01, một mặt thừa nhận Bắc Triều Tiên đã tiến hành các vụ nổ mô phỏng tiếng đạn pháo hôm 06/01, nhưng trên thực tế cũng đã có các vụ nã pháo bằng đạn thật và quân đội Hàn Quốc đã ghi nhận được đường bay của đạn. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC), tại Seoul, cũng khẳng định các lời lẽ châm biếm nói trên của bà Kim Yo-Jong chỉ là ‘‘một trò đùa hạ cấp’’.


Đại sứ trên thực tế của Đài Loan gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Trung Cộng nổi đóa

Đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson hôm 9/1, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết ngày 10/1, khiến Bắc Kinh chỉ trích gay gắt.

Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan mặc dù thiếu quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình.

Chủ tịch hạ nghị viện Mỹ Mike Johnson đã có cuộc gặp với Trưởng đại diện của Đài Loan tại Mỹ ông Du Đại Lôi vào ngày 9/1 (Ảnh: CNA)

Ông Dư Đại Lôi đảm nhận chức vụ mới vào tháng trước, thay thế bà Tiêu Mỹ Cầm, người hiện đang tranh cử chức phó tổng thống trong cuộc bầu cử ở Đài Loan vào ngày 13/1.

Bộ Ngoại giao Đài Loan nói ông Dư cảm ơn Quốc hội Hoa Kỳ vì sự hỗ trợ lâu dài của các đảng đối với Đài Loan và cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo.

Bộ nói đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau.

Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào tháng 8 năm 2022 sau khi Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc. Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự tức giận trước cuộc gặp Johnson-Dư.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bối cảnh tại Đài Loan sắp có cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra trong vài ngày sắp tới.

Phát ngôn viên Mao Ninh nói với các phóng viên rằng các nhà lập pháp Hoa Kỳ nên “ngưng gửi tín hiệu sai tới các lực lượng ly khai độc lập của Đài Loan và không được can thiệp vào cuộc bầu cử ở khu vực Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào”.

Trung Quốc thường xuyên phản đối bất kỳ hình thức nào mà họ coi là liên lạc chính thức giữa các quan chức Đài Loan và Mỹ, nói rằng đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Mỹ.

Chính phủ Đài Loan phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, nói rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị hòn đảo và không có quyền lên tiếng hay kiểm soát hòn đảo này vì chỉ người dân Đài Loan mới có thể làm điều đó.


TIN VIỆT NAM.

Đại án Việt Á: Vì sao quan chức được làm mờ mặt trên báo chí nhưng người dân thì không?

Hình ảnh các quan chức chính phủ trong vụ xử đại án Việt Á được làm mờ trên một số kênh truyền thông nhà nước ở Việt Nam đang gây phản ứng trong dư luận.

Ảnh các bị can trong đại án Việt Á được làm mờ khuôn mặt trong một video trên Truyền hình Thông tấn ngày 5/1 (Nguồn: BBC)

Khuôn mặt của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt đã được làm mờ trên các kênh Truyền hình Thông tấn, trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam, và báo Nhân Dân và Truyền hình Nhân Dân.

Cụ thể, một số video, vẫn thấy rõ mặt bị cáo Phan Quốc Việt, nhưng ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh luôn bị làm mờ.

Điều này đã gây phản ứng mạnh trong dư luận, nhiều người cho rằng đây là sự bất công khi che mặt quan chức ở tòa án, trong khi người dân khi chỉ mới bị bắt, chưa bị buộc tội đều bị công an đưa hình rộng rãi lên lên báo chí.

Một số kênh hay báo khác vẫn để rõ mặt bị cáo, dường như chủ trương và tần suất đưa tin ở mỗi kênh hay đài truyền hình là khác nhau.

Một nguồn tin riêng của BBC cho biết tại một đài truyền hình ở Việt Nam, dường như đã có những hạn chế về tần suất đưa tin về các phiên xử đại án Việt Á.

Nếu theo dõi các bản tin truyền hình Việt Nam, không hiếm cảnh những người dân bị công an quay cận cảnh phát trên truyền hình như trong các vụ bắt sới bạc, đá gà ăn tiền… (Trích BBC)


Phát hiện di dân Việt Nam trái phép trong một chiếc xe đông lạnh ở Ireland (RFI)

Một nhóm di dân vượt biên trái phép từ Pháp sang Ireland đã bị phát hiện hôm 08/01/2024 trong một chiếc xe đông lạnh ở cảng Rosslare, đông nam đất nước. Nhóm này chủ yếu là những người gốc Kurdistan và Việt Nam.

Ảnh minh họa

Từ Dublin, thông tín viên Clémence Pénard tường trình :

9 đàn ông, 3 phụ nữ và 2 trẻ em, tổng cộng 14 người được tìm thấy bình an vô sự.

Trước tiên, cảnh sát Anh đã được báo bằng một cuộc gọi cầu cứu trong tuyệt vọng của một trong số người này, trong khi họ vẫn đang trốn trong chiếc xe tải, được vận chuyển bằng phà đi tới Ireland.

Khi phà cập cảng Rosslare, rất nhiều xe cứu thương đã có mặt tại chỗ. Nhân viên y tế lo ngại một số người trong xe tải đông lạnh bị hạ thân nhiệt, có nguy cơ mất nước hoặc thậm chí ngạt thở, nhưng dường như tất cả đều khỏe mạnh.

Theo cảnh sát, cuộc điều tra đang được tiến hành : trong xe tải chủ yếu là những người gốc Kurdistan và Việt Nam.

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar thở phào nhẹ nhõm vì sự kiện này không trở thành một bi kịch và ông cho biết đơn xin tị nạn của họ sẽ được xử lý nhanh nhất có thể.


Ba tổ chức nhân quyền phản biện báo cáo của Chính phủ Việt Nam gửi cho Liên Hiệp Quốc

Ba tổ chức phi chính phủ vừa công bố một bản báo cáo công phu về thực trạng nhân quyền trong nước nhằm phản biện lại báo cáo của Chính phủ Việt Nam gửi cho Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cho rằng những vi phạm của Hà Nội là “một sự bội ước đối với cộng đồng quốc tế.”

Báo cáo được ba tổ chức phi chính phủ gồm: Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Người Bảo vệ Nhân quyền và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đưa ra công khai ngày 5/1/2024, đồng thời gửi Liên Hiệp quốc trước kỳ kiểm định việc Việt Nam thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) vào cuối tháng ba tới đây.

Bản báo cáo dài 22 trang với 113 dẫn chứng từ nhiều nguồn dữ liệu, kể cả những trang mạng chính thức của các cơ quan công quyền Việt Nam, được xem là “một bằng chứng thuyết phục về những vi phạm trầm trọng của chính quyền Việt Nam, một thành viên đương nhiệm của Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong việc thực hiện ICCPR,” báo cáo nêu rõ.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban điều hành tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại Mỹ, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 08/01:

Báo cáo của ba tổ chức đưa ra một điều mà tôi cho là quan trọng hơn hết đó là điều thứ nhất của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị. Đó là điều quyền dân tộc tự quyết. Người dân được tự do quyết định chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế xã hội và văn hóa.”

Ông cho rằng tuy Việt Nam đã ký ICCPR vào năm 1982 nhưng Nhà nước độc đảng ở Việt Nam không bao giờ cho người dân Việt Nam quyền tự quyết.

Không có vấn đề tự quyết, quyền dân tộc tự quyết đã bị xoá bỏ khi Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu công khai rằng Hiến pháp là văn bản quan trọng nhất sau Điều lệ (cương lĩnh -PV) của Đảng.”

Ông dẫn chứng trong tất cả các cuộc bầu cử, kể cả cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp năm 2021, tất cả đã được sắp xếp bởi Bộ Chính trị, cơ quan tối cao của Đảng.

Điều rất đáng tiếc là trong các kỳ kiểm định trước ngay cả LHQ không đi sâu đi sát và không đưa ra khuyến cáo về vấn đề này. Báo cáo của ba tổ chức nhấn mạnh về điều này vì theo chúng tôi đây là điều căn bản của các quyền dân sự và chính trị,” ông bổ sung.

Ông cho rằng nếu quyền dân tộc tự quyết được tôn trọng thì tất cả các quyền khác cũng được thực thi một cách nghiêm chỉnh vì khi đó người dân có quyền định đoạt được chính quyền của mình.


Ba tổ chức nhân quyền vạch trần vi phạm của Việt Nam trong thực thi ICCPR

Ngày 28/3/2024, Ủy ban Nhân quyền LHQ sẽ tổ chức phiên họp lần thứ 140 để kiểm điểm việc thực thi ICCPR của Nhà nước Việt Nam. Hà Nội đã gửi báo cáo của mình và nhiều tổ chức quốc tế đã gửi báo cáo phản biện cho tổ chức cao nhất của thế giới về nhân quyền.

Sau lần kiểm định trước năm 2019, các quốc gia đưa ra 291 khuyến nghị cho Việt Nam, và Hà Nội chấp nhận 241 khuyến nghị. Tuy nhiên, Việt Nam thực thi các khuyến nghị này theo cách rất hình thức.

Trong thông cáo báo chí về báo cáo phản biện của mình công bố ngày 05/1 vừa qua, ba tổ chức phi chính phủ của người Việt trong và ngoài nước nêu rõ:

 Không giống như báo cáo của Việt Nam chủ yếu đề cập đến các luật, nghị định và quyết định hành chính như một sự bảo đảm việc tuân thủ luật nhân quyền quốc tế, báo cáo thay thế này sẽ trình bày việc Chính phủ Việt Nam thực hiện các quy định của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị thông qua các sự kiện thực tế.”

Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng cho biết trong báo cáo phản biện của mình, ba tổ chức đã chỉ rõ trong báo cáo thực thi ICCPR, Hà Nội chỉ nêu lên việc xây dựng các văn bản luật và nghị định rồi coi đó là việc thực thi công ước này mà không nói rõ việc thực thi công ước trong thực tế như thế nào.

Một ví dụ được ông nêu ra là Nhà nước Việt Nam báo cáo về việc sửa đổi Luật lao động và coi đây là đã thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động cho người công nhân, trong khi thực tế công nhân bị đàn áp và không được thành lập công đoàn độc lập, tình trạng của người công nhân Việt Nam ngày càng bi đát.

Cũng trong một số trường hợp, Hà Nội có đưa ra những dẫn chứng, tuy nhiên các dẫn chứng này theo ông Tùng “lại không chính xác.”

Ví dụ như báo cáo của Việt Nam nói tình trạng bạo lực trong gia đình giảm một nửa trong giai đoạn 2019-2022, tuy nhiên chính Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga trong một phiên họp của Quốc hội năm 2022 phát biểu rằng tình trạng bạo hành trong gia đình trầm trọng và càng ngày càng gia tăng, gây ra nhiều đau thương đổ vỡ trong nhiều gia đình, và điều này được báo cáo thay thế của ba tổ chức nêu rõ.

Về đàn áp tự do ngôn luận và lập hội, báo cáo phản biện cho biết Nhà nước Việt Nam với phương châm “không cho hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước” đã thẳng thay đàn áp các tổ chức như Đảng Nhân dân Hành động, Đảng Dân chủ Việt Nam, Phong trào Lao động Việt, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, Tuổi trẻ Yêu nước, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Anh em Dân chủ, Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Báo cáo cũng nói trong hai năm 2022-2023, có ít nhất 97 nhà hoạt động đã bị kết án với những bản án nặng nề trong khi vẫn còn 25 nhà hoạt động bị giam trong thời gian điều tra. (RFA)


Tàu hải cảnh Trung Quốc lại quần thảo vùng biển Bãi Tư Chính

Đài RFA vừa cho đăng một tường trình về Tàu tuần tra lớn nhất của Trung Quốc với ký hiệu CCG 5901 đã ba lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ trong vòng một tháng, tính đến ngày 07 tháng Giêng 2024. 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh hai quốc gia Cộng sản vừa mới tăng cường mối quan hệ ngoại giao theo sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tới Hà Nội hồi đầu tháng 12 năm 2023. 

Trên thực tế, chỉ hai ngày trước chuyến thăm của ông Tập tới Việt Nam, thì tàu 5901, được mệnh danh là tàu tuần tra lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 12.000 tấn, đã xâm nhập vào khu vực biển quanh Bãi Tư Chính do Việt Nam quản lý. 

Sau đó, con tàu này đã quay trở lại thêm hai lần nữa, một vào ngày 29 tháng 12, và mới đây nhất là ngày 7 tháng 1 năm 2024. Theo ghi nhận của Trung tâm SeaLight Gordian Knot for National Security Innovation, của trường Đại học Standford, Hoa Kỳ. 

Minh họa: Đường đi của tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc ở Bãi Tư chính hôm 2/10/2023 (RFA)

Bãi Tư Chính là một rạn san hô ngầm, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và quốc gia Đông Nam Á hiện đang duy trì ba nhà giàn ở khu vực này để khẳng định chủ quyền. 

Đây cũng là khu vực mà Việt Nam có nhiều hoạt động khai thác dầu khí, cụ thể là các lô 06-01, 05-03, 12-11, và lô 12W, do các công ty của Việt Nam và Nga tiến hành khai thác. 

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường gây sức ép lên Việt Nam ở khu vực này bằng cách liên tục cho tàu tuần tra tiến vào, và gây áp lực chính trị để buộc Việt Nam phải ngưng các dự án thăm dò dầu khí ở đây. 

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái bình dương, cho biết quan điểm của ông về động thái này của phía Trung Quốc: 

“Trung Quốc đã gây sức ép lên Việt Nam được một thời gian để buộc Việt Nam phải tham gia “khai thác chung”, với mục đích biến đây thành tiền lệ để các nước khác trong khu vực phải nhượng bộ trong quá trình đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử. Cả hai bên đều coi đây là vấn đề then chốt do đó Trung Quốc đã liên tiếp gây sức ép lên Việt Nam”. 

Khai thác chung trong trường hợp này, theo giáo sư Carlyle Thayer, có nghĩa Trung Quốc muốn Việt Nam để cho họ được quyền cùng tham gia khai thác dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính. Và Trung Quốc cũng muốn loại bỏ các công ty của những nước không liên quan đến khu vực Biển Đông ra khỏi các hoạt động thăm dò và khai thác. 

Nếu việc này trở thành hiện thực thì sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho Việt Nam, theo vị giáo sư người Úc: 

“Nếu tham gia khai thác chung với Việt Nam thì Trung Quốc sẽ được coi là đối tác ngang hàng ở một khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Việt Nam có quyền đồng ý tham gia khai thác chung nếu muốn. Nhưng vấn đề là Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này. Cho nên nếu Việt Nam đồng ý hợp tác thì có nghĩa là công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở đây.” 

Nói một cách ngắn gọn thì bằng việc ép Việt Nam tham gia khai thác chung, Trung Quốc muốn biến khu vực Bãi Tư Chính, từ chỗ hoàn toàn thuộc quyền quản lý của Việt Nam, trở thành một khu vực tranh chấp mà Trung Quốc có phần ở đó, mà một khi nước này đã thành công trong việc thiết lập sự hiện diện thì sẽ không thể bị di rời. 

Khai thác chung với Trung Quốc còn một điểm đáng chú ý khác, đó là nước này muốn các quốc gia quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn đồng ý với quy định, không để các công ty thăm dò và khai thác dầu khí thuộc các nước không liên quan hoạt động ở khu vực. Thay vào đó là chỉ các công ty dầu khi quốc doanh của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á mới được tham gia. 

Điều này nhiễm nhiên sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho Trung Quốc bởi họ có năng lực thăm dò và khai thác vượt trội. 

Việt Nam vốn phụ thuộc vào các công ty của Nga trong lĩnh vực khai thác dầu khí, do vậy, theo giáo sư Carlyle Thayer, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Việt Nam trong trường hợp này là Trung Quốc thành công ép các công ty Nga chấm dứt hợp tác với Việt Nam. 

Trong bối cảnh Nga đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị, sau khi nước này hứng chịu hàng loạt các đòn cấm vận từ phương tây vì tiến hành xâm lược Ukraine, việc Trung Quốc lợi dụng vị thế cửa trên để ép Nga nhượng bộ trên khu vực Biển Đông, điển hình là chấm dứt hợp tác với Việt Nam, không phải là viễn cảnh xa vời. 

Nhưng ngay cả khi Nga vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam, theo giáo sư Carlyle Thayer, Việt Nam vẫn là bên chịu thiệt hại ở khu vực Bãi Tư Chính: 

“Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Việt Nam là Trung Quốc đẩy Nga ra khỏi lĩnh vực dầu khí ở khu vực, nhưng cũng không chắc là Trung Quốc sẽ đạt được gì từ điều này bởi vì họ vẫn phải hợp tác với phía Nga nên sẽ không muốn mạo hiểm. 

Nhưng ngay cả khi hiện trạng được giữ nguyên thì Việt Nam cũng không có lợi nếu xét về chi phí cơ hội, vì Việt Nam hiện đang không phát triển được thêm ở khu vực Bãi Tư Chính, và tồi tệ hơn là Việt Nam đang cho phép Trung Quốc làm chủ cuộc chơi trong việc đặt ra yêu sách chủ quyền đối với vùng biển của chính Việt Nam. 

Sự thực ra không có cách nào để Việt Nam có thể buộc Trung Quốc phải xuống nước.” 

Phóng viên của Đài Á châu Tự do đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về sự kiện tàu tuần tra Trung Quốc liên tiếp xâm phạm vùng biển của Việt Nam ở Bãi Tư Chính, nhưng chưa lập tức nhận được phản hồi.


Việt Nam cảnh báo nguy cơ sinh viên tìm việc cuối năm bị lừa bán sang Campuchia

VOA vừa thuật tin từ Công an Saigon hôm 8/1 cho biết, một số trường đại học tại Saigon gần đây cảnh báo sinh viên về nguy cơ bị bắt cóc bán sang Campuchia khi tìm việc làm trên mạng xã hội.

“Tìm kiếm các công việc làm thêm để có thêm thu nhập là cách thức được nhiều bạn trẻ lựa chọn vào dịp cận Tết. Tuy nhiên, cũng cần hết sức cẩn trọng với ‘bẫy’ việc làm ảo trên mạng xã hội”, công an TPHCM đưa ra cảnh báo trên trang mạng xã hội.

Cảnh báo được đưa ra sau khi một sinh viên tìm việc trên mạng, sau đó được nhận làm việc tại kho hàng của một sàn thương mại điện tử lớn ở Long An. Phía công an cho biết các đường link đăng ký việc làm, phỏng vấn và email xác nhận đều là giả danh, nhưng rất khó phân biệt thật hay giả.

Sau khi xuống tới Long An, sinh viên này bị dụ dỗ, lừa gạt và bị “bắt cóc” đưa lên xe khách cùng nhiều người khác để đưa sang Campuchia.

Nạn nhân Việt bị ép lao động bên Campuchia được giải cứu

Sau khi qua biên giới, sinh viên này đã may mắn trốn thoát được và quay về Việt Nam.

Công an cảnh báo sinh viên cần tìm hiểu kỹ về lịch sử và hoạt động pháp lý của các công ty trước khi ứng tuyển và phỏng vấn để tránh rơi vào bẫy buôn người sang Campuchia.

Mạng lưới buôn người từ Việt Nam sang Campuchia được công luận biết đến sau khi xảy ra vụ 42 người Việt Nam tháo chạy khỏi sòng bài ở Campuchia và bơi qua sông trở về nước, trong đó có một người bị chết đuối và 1 người bị bảo vệ sòng bài giữ lại.

Sau đó, Việt Nam và Campuchia đã hợp tác và giải cứu khoảng 600 người bị lừa bán sang Campuchia để làm việc cho các sòng bạc và công ty kinh doanh trực tuyến do người nước ngoài làm chủ với các hình thức lao động cưỡng bức, lừa đảo trực tuyến và bóc lột tình dục.

Các nạn nhân thường bị dụ dỗ bằng những khoản lương hậu hĩnh cho công việc “nhẹ nhàng”. Sau đó, họ bị buộc phải lừa người chơi tham gia vào các trò chơi cá cược trên mạng. Nếu muốn về nước, họ phải trả khoản tiền chuộc từ 100 – 150 triệu đồng.

Bộ Nội vụ Campuchia trong một báo cáo vào tháng trước cho biết họ đã triệt phá 137 vụ buôn người và bóc lột tình dục trong 10 tháng đầu năm 2023, tăng so với 134 vụ cùng kỳ năm ngoái, và giải cứu được 424 nạn nhân.

Theo chính phủ Việt Nam, hiện không có số liệu chính xác số người Việt Nam đang bị lừa đảo bán sang Campuchia, nhưng tờ Khmer Times trong một bài viết cho biết hơn 2.000 người Việt Nam đã được đưa sang Campuchia làm công nhân bất hợp pháp tại một số sòng bạc.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng