Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Biểu Tình Ủng Hộ Palestine Làm Loạn Trước Toà Bạch Ốc

Một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở thủ đô của Hoa Kỳ đã dẫn đến tình trạng đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động. Trong lúc hỗn loạn, một cánh cổng bên ngoài Tòa Bạch Ốc đã gần như bị tháo mở ra.

Lực lượng cảnh sát và đặc vụ liên bang được cho là đã tập trung gần Tòa Bạch Ốc để đề phòng có hành vi xâm phạm, khi những người biểu tình lao về phía cánh cổng và tìm cách trèo qua.

Sở Mật vụ Hoa Kỳ nói với Fox News, rằng “Trong cuộc biểu tình gần khu phức hợp Tòa Bạch Ốc hôm 13/01, một phần hàng rào chống bạo loạn được dựng lên cho sự kiện này đã bị hư hại. Các vấn đề đã được giải quyết kịp thời nhờ đội viện trợ của Sở Mật vụ Hoa Kỳ đã sửa chữa tại chỗ phần bị hư hỏng”.

Cổng này được lắp đặt như một biện pháp an ninh giúp cho cổng chính hiện có. Theo báo cáo, người ta có thể nghe thấy tiếng một kẻ bạo loạn la hét đòi phá bỏ hàng rào này, trong khi một người khác hét lên, hướng về phía Tòa Bạch Ốc: “Các vị đã ủng hộ việc sát hại trẻ em”.

Trong đoạn phim mà Fox News thu thập được, cuộc bạo loạn đã dẫn đến việc một số nhân viên Tòa Bạch Ốc phải di tản, trong bối cảnh những kẻ bạo loạn ném chai lọ và các đồ vật khác.

Tuyên bố cho biết thêm: “Để đề phòng, một số thành viên của giới truyền thông và các nhân viên ở khu vực lân cận Đại lộ Pennsylvania đã tạm thời được di dời trong khi vấn đề đang được giải quyết”.

Theo Fox News, Tòa Bạch Ốc cho biết đã không có thiệt hại nào đối với các tòa nhà chính và lân cận, cũng như không có nhân viên Mật vụ nào phải tiến hành bắt giữ người biểu tình.

Trong một tuyên bố riêng với Fox News, Giám đốc Sở Cảnh sát Thủ đô Pamela A. Smith, người đứng đầu lực lượng cảnh sát ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nói rằng bất cứ loại hành vi vô luật pháp nào trong các cuộc biểu tình đều sẽ không được dung thứ.

“Quyền biểu tình ôn hòa là một trong những nền tảng cho nền dân chủ của chúng ta và Sở Cảnh sát Thủ đô từ lâu đã giúp đỡ những người đến thăm thành phố của chúng ta biểu tình một cách an toàn. Tuy nhiên, bạo lực, hành vi phá hoại, và các hoạt động tội phạm sẽ không được dung thứ”.

Cuộc bạo loạn tối hôm 12/01 cũng chứng kiến người biểu tình phản đối mạnh mẽ việc gần đây Hoa Kỳ phóng hỏa tiễn Tomahawk và điều động chiến đấu cơ đến đáp trả các cuộc tấn công từ nhóm khủng bố Houthi của Yemen vào các tàu thương mại trên Hồng Hải.

Người ta có thể nghe tiếng hô vang của những người biểu tình, “Yemen, Yemen,… chúng tôi tự hào. Hãy làm một con tàu nữa quay đầu”. Tức là người biểu tình ủng hộ các cuộc tấn công của Houthi nhắm vào các tàu hàng và tàu dầu đi qua Hồng Hải.

Các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái gần đây vào các tàu thương mại đã gây ra nhiều thương vong cũng như gián đoạn thương mại trên một trong những tuyến thương mại quan trọng nhất thế giới. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã khuyến cáo các tàu Mỹ tránh xa khu vực này để đề phòng nguy cơ bị tấn công trên không.

Hôm 11/01, Tổng thống Biden đã đưa ra một tuyên bố, gọi các cuộc tấn công này là một hành động trả đũa các cuộc tấn công của Houthi và sẽ được tiếp tục tiến hành khi cần thiết.

“Những cuộc tấn công này là nhằm đáp trả trực tiếp đối với các cuộc tấn công chưa từng có của Houthi vào các tàu hàng hải quốc tế ở Hồng Hải, bao gồm cả việc sử dụng hỏa tiễn hành trình chống hạm lần đầu tiên trong lịch sử. Hoa Kỳ sẽ không ngần ngại có các biện pháp tiếp theo để bảo vệ người dân Hoa Kỳ, quyền lợi thương mại của Hoa Kỳ cũng quốc tế”.

Sự ủng hộ của chính phủ Tổng thống Biden đối với Israel càng dẫn đến sự chỉ trích rộng rãi từ một số nhà vận động và các nhóm nhân quyền, những người đang lên án những gì mà họ gọi là tội diệt chủng đối với người dân trên Dải Gaza.

Một số người cũng cho rằng có thể có sự xâm nhập của các thành viên của nhóm khủng bố Hamas trong các cuộc biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc.

Theo ký giả điều tra Sam Shoemate, có người đã thấy thành viên Hamas xuất hiện trong đám đông biểu tình.


Kế Hoạch Của Wall Street Về Giao Dịch Các Nguồn Tài Nguyên Thiên Nhiên

Wall Street đã tìm ra một phương thức mới để chống lại sự ấm lên toàn cầu và đồng thời thu được lợi nhuận trong quá trình này, bằng cách kiếm tiền từ quyền kiểm soát đất công và đất tư của Hoa Kỳ.

Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) cùng một tổ chức tên là Intrinsic Exchange Group (IEG) đã đề nghị thành lập một loại công ty mới gọi là Công ty Tài sản Thiên nhiên (Natural Asset Company, NAC), để hội tụ tiền của các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới vào việc mua quyền sử dụng đất ở Hoa Kỳ với mục tiêu hạn chế việc sử dụng đất chỉ trong phạm vi những nỗ lực có tính “bền vững”.

Theo hồ sơ mà NYSE đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), mặc dù có nhiều lựa chọn để đầu tư vào các quỹ thân thiện với môi trường hoặc quyên góp cho các tổ chức bất vụ lợi để bảo tồn đất đai, “các nhà đầu tư vẫn bày tỏ một nhu cầu chưa được đáp ứng về việc đầu tư vào thiên nhiên và khí hậu một cách hiệu quả, và thuần túy”.

NYSE tuyên bố: “Việc chấm dứt tình trạng tiêu thụ quá mức và đầu tư dưới mức vào thiên nhiên đòi hỏi phải đưa tài sản thiên nhiên vào dòng tài chính chính thống”.

Mục tiêu của sáng kiến ​​này là biến quyền sử dụng tài nguyên đất và nước công cộng thành công cụ tài chính để có thể mua, bán, và giao dịch nhằm kiếm lợi nhuận.

Hồ sơ của NYSE nêu rõ, “Các hệ sinh thái lành mạnh tạo ra không khí và nước sạch, thúc đẩy đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu, và cung cấp thực phẩm mà chúng ta phụ thuộc vào để sinh tồn. Những lợi ích này và những lợi ích khác có được từ hệ sinh thái được gọi là các dịch vụ hệ sinh thái, và tổng cộng, các nhà kinh tế ước tính giá trị của hệ sinh thái là hơn 100 ngàn tỷ USD mỗi năm”.

Các nhà đầu tư có thể nhìn thấy những tín hiệu kiếm tiền, nhưng những người chỉ trích thì lại nhìn thấy một mặt tối.

Dân biểu Harriet Hageman (Cộng Hòa-Wyoming) nói với The Epoch Times, “Đây là một nỗ lực nhằm áp đặt một lớp kiểm soát khác, và để chứng khoán hóa các công viên quốc gia, đất rừng quốc gia, và một số tài sản tư nhân trên toàn Hoa Kỳ. Đây chỉ là một cách thức lén lút để cho phép những người rất giàu có kiểm soát nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn nữa”.

“Họ đang cố gắng bán khái niệm sở hữu quyền loại trừ mọi người khỏi khả năng sử dụng và đến gần những gì gọi là di sản của chúng ta, vùng đất của chúng ta”.

Chính phủ liên bang sở hữu gần một nửa diện tích đất ở Wyoming, tiểu bang quê hương của bà Hageman.

Theo những gì các nhà phê bình cho là một quá trình kín đáo và vội vã, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã công bố một sự thay đổi quy tắc hôm 29/09/2023, cho phép thành lập các công ty mới lạ này trên NYSE, cho phép công chúng cho ý kiến ​​trong 21 ngày. SEC đã lên lịch ngày ra quyết định là ngày 02/01.


Các Cuộc Không Kích Yemen Khiến Giá Dầu Tăng Vọt

Giá dầu thô đã tăng sau khi Hoa Kỳ dẫn đầu các cuộc không kích nhắm vào phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen để đáp trả các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Hồng Hải.

Trên Sở Giao Dịch Hàng Hóa New York, giá dầu thô kỳ hạn West Texas Intermediate (WTI) đã tăng tới 4.2% lên trên mức 75 USD/thùng. Dầu Brent, mặt hàng chuẩn mực quốc tế về giá dầu, cũng tăng 4% lên mức 80 USD/thùng trên sở giao dịch ICE Futures Europe.

không kích thủ đô Yemen

Các mặt hàng năng lượng khác xuất hiện trên tin tức, trong đó có khí đốt thiên nhiên, cũng đã tăng gần 3%.

Một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng các cuộc tấn công vào các tàu ở Hồng Hải là việc các lực lượng Hoa Kỳ và Anh khởi xướng các cuộc tấn công vào hàng chục mục tiêu ở Yemen mà phiến quân Houthi sử dụng. Khu vực này là tuyến đường vận chuyển quan trọng cho các sản phẩm dầu mỏ từ Vịnh Ba Tư đến Hoa Kỳ và châu Âu.

Ông Phil Flynn, chiến lược gia năng lượng tại The PRICE Futures Group, cho biết xung đột đã làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung, và có thể dẫn đến sự chậm trễ và gián đoạn. Ông Flynn nói,

“Chúng ta có Hồng Hải và tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất của chúng ta, eo biển Bab el-Mandeb. Nhưng nếu xung đột lan ra cả eo biển Hormuz, thì đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác”.

Hiện tại, vận chuyển dầu thô có thể là tác nhân đáng kể nhất khiến giá năng lượng tăng mạnh. Điều này xảy ra khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu chở 1 triệu thùng dầu thô của Iraq ở Vịnh Oman.

Ông Flynn trích dẫn dữ kiện vận chuyển mới cho thấy ít nhất bốn tàu chở dầu đã chuyển hướng khỏi Hồng Hải ngay sau các cuộc tấn công do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Theo nhà kinh tế năng lượng Anas Alhaji, “kịch bản ác mộng” không phải là một cuộc tấn công vào các tàu chở dầu hoặc chở khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG), mà nỗi lo sợ chính ở đây là một cuộc tấn công vào các tàu chở dầu ngay giữa eo biển Bab el-Mandeb.

Ông Alhaji cho biết, “Hầu hết các vùng nước ở đó đều nông, và có hàng trăm hòn đảo, đồng thời các tuyến đường vận chuyển rất chật hẹp. Nếu gặp vấn đề lớn ở đó và có một vụ tràn dầu lớn, thì con đường đó sẽ bị đóng và chúng ta sẽ mất khoảng 5 đến 6 triệu thùng dầu mỗi ngày”.


Cựu TT Trump Nhận Được Sự Ủng Hộ Của Đa Số Nghị Sĩ Đảng Cộng Hòa Trong Quốc Hội

Cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đã đạt được một cột mốc quan trọng chỉ một ngày trước cuộc họp bầu ở Iowa khi ông giành được sự ủng hộ của hơn một nửa số nghị sĩ Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội trong nỗ lực giành lại Tòa Bạch Ốc.

tổng thống Donald J. Trump

Cụ thể, cựu TT Trump hiện có sự ủng hộ của 111/220 dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện và 24/49 nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện.

Cựu TT Trump đạt được cột mốc quan trọng này sau khi giành được sự ủng hộ của Nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) và Dân biểu Julia Letlow (Cộng Hòa-Louisiana).

Bà Letlow đã công bố sự bảo chứng của bà trong một tuyên bố với Politico, nói rằng “Ngay từ đầu, cựu Tổng thống Trump vừa là người ủng hộ vừa là một người bạn. Gần đây nhất, cựu TT Trump đã gọi điện thoại cho tôi để yêu cầu tôi bảo chứng và thật vinh dự khi được giúp đỡ ông ấy”.

Các ứng cử viên khác cạnh tranh vào Tòa Bạch Ốc đã thua xa cựu TT Trump về sự ủng hộ của Quốc hội.

Ngược lại, Thống đốc Florida Ron DeSantis đã giành được sự ủng hộ của 5 dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện nhưng không có ai ở Thượng Viện ủng hộ.

Cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley chỉ giành được một sự hậu thuẫn duy nhất tại Hạ viện, đó là của Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina).


Cựu TT Trump Đối Mặt Với Lịch Trình Chồng Chéo Giữa Tranh Cử Và Các Vụ Án

Cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đang bước vào một mùa tranh cử sôi động cùng với những ngày ra hầu tòa có thể sẽ gây ra những phức tạp về mặt tổ chức và pháp lý cho một cuộc bầu cử chưa từng có tiền lệ.

Ba tháng đầu tiên của năm 2024 có một loạt các cuộc bầu cử sơ bộ và họp bầu sẽ quyết định ứng cử viên tổng thống chung cuộc của đảng Cộng Hòa. Trong cùng khoảng thời gian đó, cựu tổng thống đã được sắp xếp sẽ bắt đầu ít nhất hai phiên tòa mới cùng với các thủ tục phúc thẩm và các vụ xét xử khác đang được tiến hành.

Hôm 05/01, cựu TT Trump có một phiên điều trần về các kiến nghị bác bỏ vụ kiện liên quan đến tiền bịt miệng ở New York.

Hôm 09/01, ông đã bảo vệ các tuyên bố về quyền miễn trừ tổng thống của ông tại Tòa Phúc thẩm Liên bang thuộc Khu vực D.C.

Vào ngày 16/01, ông sẽ bắt đầu phiên tòa xét xử tội phỉ báng với nhà văn E. Jean Carroll.

Chỉ một ngày sau ngày ấn định diễn ra phiên tòa xét xử cựu TT Trump ở D.C, 14 cuộc bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra vào Siêu Thứ Ba (Super Tuesday), ngày 05/03. Trong những tuần trước ngày Siêu Thứ Ba, đảng Cộng Hòa sẽ tiến hành một loạt các cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire vào ngày 23/01, ở South Carolina vào ngày 24/02, và cuộc họp bầu ở Idaho vào ngày 02/03.

Các mốc thời gian cho chiến dịch chính trị và pháp lý phức tạp của cựu TT Trump đã tạo ra vô số tình huống không kể xiết cho mùa bầu cử này vì các vụ xử án riêng lẻ có thể gây ảnh hưởng đến kết quả của nhau và thậm chí cả bối cảnh của cuộc bầu cử năm 2024.

Điều này cho thấy hàng chục thách thức pháp lý về cuộc bỏ phiếu liên quan đến Tu chính án thứ 14 được đưa ra tại các tiểu bang trên khắp đất nước. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẵn sàng xem xét những vụ kiện đó, và có thể là một loạt câu hỏi căn bản về Hiến Pháp.

Đổng lý tiểu bang Maine và Tối Cao Pháp Viện Colorado cho rằng cựu TT Trump không đủ tư cách tham gia các cuộc bỏ phiếu sơ bộ của tiểu bang vì ông bị cáo buộc vi phạm Mục Ba của Tu Chính Án thứ 14 bởi đã tham gia một cuộc nổi dậy vào ngày 06/01/2021.

Trong thời gian đó các hoạt động của cựu TT Trump đã bị giám sát chặt chẽ trong nhiều vụ kiện, kể cả ở Georgia và D.C. Việc xem xét những vụ kiện đó và các vụ kiện khác có thể đưa đến một vấn đề mà trong đó các ý kiến ban đầu và sau đó của Tối cao Pháp viện sẽ thay đổi tiền lệ về các vấn đề quan trọng đối với cuộc bầu cử.


IRS Nhắm Đến Những Người Có Thu Nhập Cao

Sở Thuế vụ (IRS) thông báo rằng sở đã thu được khoảng 360 triệu USD từ các triệu phú tránh thuế, sau khi cơ quan liên bang này thu khoảng 122 triệu USD từ những người Mỹ giàu có hồi tháng Mười-2023.

Ngoài ra, theo một thông cáo báo chí, cơ quan này còn cho biết họ đang tăng cường nỗ lực nhắm vào những người Mỹ có thu nhập trên 1 triệu USD hàng năm và nợ thuế hơn 250,000 USD.

Hôm thứ Năm (11/01), các viên chức IRS đã cung cấp thông tin cập nhật cho các phóng viên về cách cơ quan này sử dụng một phần trong số hàng chục tỷ USD được phân bổ cho họ thông qua Đạo luật Giảm Lạm Phát được ký thành luật hồi tháng Tám năm 2022 của Đảng Dân Chủ.

Ủy viên IRS Danny Werfel cho biết trong một thông cáo báo chí phát hành hôm thứ Sáu (12/01):

“IRS tiếp tục tăng cường giám sát những người đóng thuế có thu nhập cao khi chúng tôi nỗ lực đảo ngược tỷ lệ kiểm toán thấp lịch sử và sự tập trung chỉ hạn cuộc nội trong các cá nhân và tổ chức giàu có nhất phải đối mặt trong những năm trước Đạo luật Giảm Lạm Phát. Chúng tôi đang bổ sung nhân viên và kỹ nghệ để bảo đảm rằng những người đóng thuế có thu nhập cao nhất, bao gồm các đối tác, các tập đoàn lớn, các triệu phú và tỷ phú, sẽ trả những khoản nợ hợp pháp theo luật liên bang”.

Tuyên bố của ông nói thêm rằng “các nguồn lực bổ sung mà IRS đã nhận được đang tạo ra sự khác biệt cho người đóng thuế và chúng tôi dự định sẽ tiếp tục phát huy những cải tiến này trong những tháng tới”.

Trong thông cáo báo chí, IRS cho biết họ đã “tăng cường” nỗ lực truy lùng những cá nhân “có thu nhập cao” và “có mức độ giàu có cao” chưa “khai thuế hoặc không chi trả các khoản nợ thuế đã được công nhận, với hàng chục nhân viên thu thuế tập trung vào những trường hợp cao cấp này”. Họ lưu ý rằng cơ quan này đã thu về được 38 triệu USD từ hơn 175 người có thu nhập cao cho đến nay.

Sở Thuế vụ cho biết cơ quan này sẽ “tăng cường tập trung” vào việc bảo đảm rằng các khoản thuế theo Đạo luật Đóng góp Tự kinh doanh (SECA) đang được “báo cáo đúng cách” và được thanh toán bởi “các đối tác cá nhân giàu có”, những người đã “tuyên bố một cách không phù hợp là đủ điều kiện là ‘đối tác trách nhiệm hữu hạn’ trong luật của tiểu bang về quan hệ đối tác trách nhiệm hữu hạn”.

Sở Thuế Vụ còn cho biết, “Tính đến tháng Mười Hai (2023), IRS đã mở các cuộc kiểm tra đối với 76 công ty hợp danh lớn nhất ở Hoa Kỳ đại diện cho nhiều ngành công nghiệp bao gồm các quỹ bảo hiểm, công ty hợp danh đầu tư địa ốc, công ty hợp danh giao dịch công khai, các công ty luật lớn, và các ngành khác. Trung bình, mỗi công ty hợp danh này có tài sản hơn 10 tỷ USD”.


Công Ty An Ninh Tư Nhân Là Công Cụ Của Đảng Cộng Sản

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được cho là đang mở rộng sự hiện diện của các công ty an ninh tư nhân ở hải ngoại, gây ra mối đe dọa an ninh mới.

Hiệp hội An ninh Trung Cộng có hơn 7,000 công ty an ninh tư nhân (private security company, PSC), trong đó có từ 20 đến 40 công ty hoạt động ở hải ngoại. Các công ty an ninh của Trung Cộng hoạt động tại các quốc gia trên khắp Trung Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, và dọc theo sông Mê Kông. Có thể kể đến một số tên tuổi lớn nhất như Dịch vụ Vệ Sĩ Bảo An Hoài Viễn (Huayuan Security Guard), Bảo an Đức Uy (DeWe Security, công ty con của Frontier Services Group niêm yết tại Hồng Kông), Tập đoàn Hoa Tín Trung An (Huaxin Zhongan Group), và Tập đoàn Hộ vệ An Bang (Anbang Save-Guard Group) niêm yết tại Thượng Hải.

Bắc Kinh tuyên bố các công ty an ninh tư nhân này được khai triển ở hải ngoại để bảo vệ các khoản đầu tư của Trung Cộng, đặc biệt là những khoản đầu tư liên quan đến Sáng kiến Vành Đai Và Con Đường. Tuy nhiên, vẫn còn đó mối lo ngại rằng các công ty này có liên quan đến Trung Cộng và có thể được sử dụng để thúc đẩy các mục tiêu chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Trung Cộng cho rằng việc sử dụng các công ty an ninh tư nhân ở hải ngoại là cần thiết vì không giống Hoa Kỳ,Trung Cộng thiếu mạng lưới căn cứ quân sự ở hải ngoại. Bắc Kinh cho rằng họ sẽ khó có thể nhanh chóng khai triển Quân Giải Phóng Nhân Dân (PLA) để ứng phó với các điểm nóng quốc tế và bảo vệ cho lợi ích của Trung Cộng hoặc giải cứu dân thường. Kết quả là, các công ty an ninh tư nhân được xem là cầu nối thu hẹp khoảng cách này. Theo luật pháp Trung Cộng, các công ty an ninh tư nhân phải do Trung Cộng nắm giữ toàn bộ hoặc đa số cổ phần. Vì vậy, mối liên hệ với nhà cầm quyền này là không thể phủ nhận.

Ngoài việc bảo vệ lợi ích của Trung Cộng, các công ty quân sự tư nhân (PMC) tương tự như Tập đoàn Wagner và PSC còn cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một phương tiện đơn giản để khai triển sức mạnh mà không cần phải khai triển lực lượng quân đội hoặc cảnh sát. Điều này mang lại cho nhà cầm quyền có thể chối cãi, cũng như tiết kiệm được chi phí thay vì điều động quân đội.


Shen Yun Đương Đầu Với Chiến Dịch Can Thiệp Của Trung Cộng

Trong hơn một thập niên, Trung Cộng vẫn luôn cố gắng ngăn cản khán giả đến xem các buổi biểu diễn nhạc kịch do một công ty nghệ thuật biểu diễn có trụ sở tại New York thể hiện.

Bất chấp những thách thức do chế độ Trung Cộng gây ra, Nghệ Thuật Biểu Diễn Shen Yun đã phát triển từ một đoàn lên tám đoàn với quy mô tương đương. Tháng trước (12/2023), công ty này đã khởi động chuyến lưu diễn toàn cầu năm 2024 với các buổi biểu diễn tại hơn 200 thành phố ở hơn 20 quốc gia, đánh dấu chuyến lưu diễn lớn nhất của công ty kể từ khi được thành lập vào năm 2006.

Trong lần xuất hiện gần đây trên chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ” (American Thought Leaders) của EpochTV, ông Jared Madsen, một trong những người dẫn chương trình của Shen Yun, và bà Chen Ying, nhạc trưởng một dàn nhạc giao hưởng của Shen Yun, đã cho biết các viên chức ngoại giao của nhà cầm quyền Trung Cộng luôn dẫn đầu trong chiến dịch ngăn chặn Shen Yun tiếp cận khán giả.

Ông Madsen nói, “Hầu như các rạp hát mà chúng tôi đến trình diễn, đều nhận được một cuộc điện thoại hoặc một bức thư từ Tòa Đại sứ hoặc Toà Lãnh Sự Trung Cộng để gây áp lực buộc họ không cho chúng tôi biểu diễn, đôi khi còn đặt ra trước mắt họ một số lợi ích kinh tế”.

Theo trang web của Shen Yun, Trung Cộng bắt đầu chỉ thị các Tòa Đại sứ và Lãnh Sự của họ trên khắp thế giới gây áp lực lên các nhà hát kể từ chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới lần thứ ba của công ty hồi năm 2008.

Trên trang web của Shen Yun, ghi lại việc Tòa Đại sứ Trung Cộng tại Nam Hàn đã đe dọa rằng đài truyền hình quốc gia của Nam Hàn sẽ mất quảng cáo của Trung Cộng, để buộc một nhà hát phải hủy bỏ chương trình biểu diễn của Shen Yun.

Chuyến lưu diễn năm 2024 của Shen Yun bao gồm các điểm dừng ở Úc, New Zealand, Nhật Bản, và Đài Loan, nhưng không có Nam Hàn. Trong những tháng gần đây, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và nhiều nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại về việc Nam Hàn nhượng bộ nhà cầm quyền Trung Cộng.

Về động cơ đằng sau chiến dịch can thiệp của Bắc Kinh, ông Madsen cho biết lý do là Trung Cộng cảm thấy bị đe dọa bởi Shen Yun.

Ông Madsen giải thích, “Tôi nghĩ họ cảm thấy bị đe dọa bởi toàn bộ chương trình của chúng tôi. Chúng tôi đang biểu diễn 5,000 năm văn hóa truyền thống của Trung Hoa, và quý vị nhìn thấy các vị thần trên sân khấu. Chúng tôi có phông nền mà trong đó các vị Thần dường như bay từ trên trời xuống rồi sau đó trở thành người thật trên sân khấu. Điều đó hoàn toàn trái ngược với các triết lý cộng sản và những tư tưởng vô thần của họ. Đó là điều khiến họ cảm thấy bị đe dọa nhiều nhất”.

Và, Shen Yun không thể biểu diễn ở Trung Hoa Lục Địa

Bà Chen Ying, cho biết cha của bà là vị nhạc trưởng đầu tiên của dàn nhạc giao hưởng Shen Yun, nói rằng đất nước Trung Cộng như mọi người biết đến ngày nay là rất khác so với Trung Quốc thời cổ đại.

“Trong hàng ngàn năm, văn hóa Trung Quốc đã luôn mang tính tâm linh rất cao và chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo, Đạo giáo, và Nho giáo. Tuy nhiên, khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949, họ bắt đầu xóa bỏ tất cả các hệ thống tín ngưỡng này để có thể gieo chủ nghĩa Marx vào tâm trí người dân. Việc này thực sự liên quan đến kiểm soát tâm trí”.


Năm 2023, xuất cảng toàn cầu của Trung Cộng giảm 13%

Trong năm vừa qua (2023), tổng lượng xuất cảng của Trung Cộng đã giảm gần 5% do nhu cầu từ các quốc gia Tây phương suy yếu, trong đó Hoa Kỳ dẫn đầu với mức giảm 13%.

Theo dữ kiện hải quan Trung Cộng được truyền thông trích dẫn, xuất cảng của Trung Cộng trong năm 2023 đạt tổng cộng 3.38 ngàn tỷ USD tính theo USD, giảm 4.6% so với năm trước. Mức giảm 4.6% này xảy ra sau khi xuất cảng tăng 7% vào năm 2022. Vào lần giảm gần đây nhất, xuất cảng của Bắc Kinh đã giảm 7.7% vào năm 2016. Hàng hóa xuất cảng từ Trung Cộng đã tăng trưởng trong đại dịch COVID-19 khi người tiêu dùng ở các quốc gia Tây phương chi tiêu mạnh trong thời gian phong tỏa. Nhưng khi nhu cầu từ Hoa Kỳ và châu Âu suy yếu trong năm qua do lãi suất tăng, xuất cảng của Trung Quốc đã hạ nhiệt.

Xuất cảng của Bắc Kinh đã chứng kiến ​​sự sụt giảm lớn nhất trong xuất cảng sang Hoa Kỳ, giảm 13% trong năm 2023. Xuất cảng sang Đông Nam Á và Liên minh Âu Châu cũng giảm.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm trong xuất cảng là sự sụt giảm hai con số của hàng hóa, bao gồm nhôm và đất hiếm. Xe hơi và phụ tùng xe hơi tăng 27%.

“Sự phục hồi kinh tế toàn cầu rất yếu trong năm qua”, ông Lyu Daliang, một phát ngôn viên của Tổng cục Hải quan Trung Cộng, cho biết trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ Sáu (12/01), theo CNN. “Nhu cầu bên ngoài chậm chạp đã ảnh hưởng đến xuất cảng của Trung Quốc”.

Ông dự đoán xuất cảng của Trung Cộng sẽ tiếp tục gặp “khó khăn” trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu trong năm nay. Ngoài ra, “chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương” cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất cảng.

Xuất cảng của Trung Quốc đã tăng 2.3% trong tháng 12/2023, chủ yếu là do nhu cầu xe hơi và phụ tùng xe hơi cao hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng động lực tích cực này sẽ không kéo dài lâu vì sự tăng trưởng đã có được nhờ vào chiết khấu của các nhà xuất cảng đang tìm cách giành thị phần.

Ông Julian Evan-Pritchard, người đứng đầu bộ phận Kinh tế Trung Cộng tại công ty nghiên cứu Capital Economics của Anh, nói với Nikkei Asia: “Nếu không có động lực từ việc giảm giá, thì các nhà xuất cảng sẽ gặp khó khăn hơn khi phải chia sẻ sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa toàn cầu sau đại dịch”.

Số liệu xuất cảng tích cực trong tháng 12/2023 được so sánh với một năm trước khi xuất cảng từ Trung Cộng sụt giảm do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trên toàn quốc. Do đó, số lượng xuất cảng trong tháng 12/2022 thấp hơn đã góp phần làm cho dữ kiện tháng Mười Hai gần đây nhất có vẻ mạnh mẽ hơn.

Ông Wang Lingjun, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Cộng cho biết, “Hướng tới năm 2024, mức độ phức tạp, trầm trọng, và bất ổn của môi trường bên ngoài ngày càng gia tăng. Để thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng ổn định trong ngoại thương, cần phải vượt qua một số khó khăn và cần nỗ lực nhiều hơn nữa”.


Ngoại Trưởng Blinken Thảo Luận Với Trung Cộng Về Nhân Quyền Và Eo Biển Đài Loan

HOA THỊNH ĐỐN—Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, trong cuộc gặp với viên chức cao cấp Trung Cộng Lưu Kiến Siêu tại cơ quan này hôm thứ Sáu (12/01), Ngoại trưởng Antony Blinken đã nêu lên mối lo ngại về các vấn đề nhân quyền của Trung Cộng. Cơ quan này còn cho biết thêm rằng họ cũng đã thảo luận về việc “duy trì hòa bình và ổn định” ở Eo biển Đài Loan.

Ngoại trưởng Antony Blinken

Các viên chức cao cấp của Hoa Kỳ và Trung Cộng vừa tổ chức các cuộc đối thoại thường lệ để giữ cho đường dây liên lạc luôn cởi mở giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Cuộc họp hôm thứ Sáu diễn ra một ngày trước thềm cuộc bầu cử ở Đài Loan như một phép thử đối với những nỗ lực giảm bớt căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, và cũng là cuộc họp mới nhất trong một loạt hoạt động giao tiếp giữa hai quốc gia sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 11/2023 giữa Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình tại San Francisco.

Trong những năm gần đây, mối bang giao giữa hai quốc gia đã trở nên căng thẳng vì một loạt vấn đề như nguồn gốc của COVID-19, thuế quan thương mại, Đài Loan, và nhân quyền.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại Giao cho biết rằng ông Blinken “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các trường hợp công dân Mỹ bị giam giữ trái pháp luật hoặc bị cấm xuất cảnh ở Trung Cộng, đồng thời nêu lên mối lo ngại của Hoa Kỳ về các hành vi đàn áp nhân quyền của Trung Cộng. Bộ trưởng đã nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan và ở Biển Đông”.

Bộ Ngoại Giao cho biết hai bên còn thảo luận về vấn đề Bắc Hàn, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và tình hình ở Hồng Hải và Trung Đông, nơi mà các nhà quan sát lo ngại cuộc chiến của Israel ở Gaza sẽ lan rộng sau các cuộc không kích của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh ở Yemen.

Các cuộc tranh cử tổng thống và Quốc hội vào ngày 13/01 tại Đài Loan, nơi mà Trung Cộng tuyên bố là lãnh thổ của mình, là một nước cờ thực tế đầu tiên trong năm 2024 cho mục tiêu của chính phủ Tổng thống Biden nhằm ổn định mối bang giao với Trung Cộng.

Mặc dù Hoa Thịnh Đốn không chính thức công nhận chính phủ của Đài Loan mà chỉ xác nhận mối bang giao chính thức với Bắc Kinh, nhưng Hoa Kỳ lại là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quan trọng nhất của Đài Loan.


Nghị Sĩ Kansas Kêu Gọi Điều Tra Nhà Máy Mới Của Trung Cộng  Gần Căn Cứ Quân Sự Hoa Kỳ

Nghị sĩ Jake LaTurner (Cộng Hòa-Kansas) đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những kế hoạch của chi nhánh tại Hoa Kỳ thuộc một công ty kỹ nghệ vật liệu Trung Cộng nhằm xây dựng một nhà máy mới gần các căn cứ an ninh quốc gia quan trọng của Hoa Kỳ.

Hôm 08/01, ông LaTurner gửi một bức thư kêu gọi Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và Bộ trưởng Ngân Khố Janet Yellen ra lệnh cho Ủy ban về Đầu tư Ngoại Quốc tại Hoa Kỳ phải xem xét lại các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn phát sinh từ các kế hoạch của công ty Kỹ nghệ Cnano Hoa Kỳ (Cnano Technology USA) nhằm xây dựng một nhà máy mới ở Quận Johnson, gần Thành phố Kansas. Nhà máy theo dự tính này sẽ nằm cách Khu An ninh Quốc gia Thành phố Kansas khoảng 21 dặm (37.8 km), cách Pháo đài Leavenworth 35 dặm (56.3 km), cách Căn cứ Không quân Whiteman 70 dặm (112.6 km), và cách Pháo đài Riley 105 dặm (169 km).

Ông LaTurner cho biết vị trí của nhà máy này là mối quan tâm đặc biệt vì ông tin rằng công ty mẹ của Kỹ nghệ Cnano Hoa Kỳ, Công ty TNHH Kỹ nghệ Cnano Giang Tô (Jiangsu Cnano Technology Co. Ltd)., duy trì mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thư gửi ông Austin và bà Yellen, nhà lập pháp Kansas này cáo buộc rằng Kỹ nghệ Cnano Giang Tô có mối liên hệ với Dự án 863, dự án mà cộng đồng tình báo Hoa Kỳ mô tả là một chương trình “cung cấp tài chính và hướng dẫn cho những nỗ lực bí mật thu mua thông tin kỹ nghệ và kinh tế nhạy cảm của Hoa Kỳ”.

Ông LaTurner nói với chương trình Trung Quốc Tiêu Điểm (China in Focus) của NTD, cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng: “Họ có mối liên hệ rất chặt chẽ với ĐCSTQ thông qua chương trình 863, họ đã nhận được tài trợ, Giám đốc điều hành của họ đã trình bày trước đảng cộng sản Trung Quốc”.

Cnano bề ngoài là đang tìm cách xây dựng nhà máy ở Quận Johnson để sản xuất một loại chất lỏng dẫn điện, mà có thể được sử dụng trong nhiều thành phần kỹ nghệ khác nhau, bao gồm cả pin lithium-ion và màn hình cảm ứng cho điện thoại thông minh. Khi công bố kế hoạch nhà máy mới hồi tháng 08/2023, Cnano tuyên bố rằng dự án trị giá 94.7 triệu USD này sẽ mang lại một nhà máy rộng 333,000 feet vuông (khoảng 31,000 m2), tạo ra 112 việc làm mới, với tổng tiền lương là 7.1 triệu USD.

Các khoản đầu tư và dự án phát triển của Trung Cộng tại Hoa Kỳ đã bị giám sát chặt chẽ trong những năm gần đây, với những lo ngại về việc các cơ quan của nhà cầm quyền Trung Cộng đang lợi dụng các đột phá trong nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.

Các nhà hoạt động và các nhà lập pháp cũng nêu lên những lo ngại về khoảng cách gần của các cơ sở thuộc sở hữu của Trung Cộng với các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và các cơ sở an ninh quốc gia quan trọng khác và các thành phần cơ sở hạ tầng quan trọng.


Trung Cộng Trừng Phạt 5 Công Ty Quốc Phòng Hoa Kỳ Vì Bán Vũ Khí Cho Đài Loan

BẮC KINH — Hôm Chủ Nhật (06/01/2024), Trung Cộng đã công bố các lệnh trừng phạt đối với năm công ty có liên quan đến quốc phòng của Hoa Kỳ để đáp trả thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan và các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt đối với các công ty và cá nhân Trung Cộng.

Bộ Ngoại giao Trung Cộng cho biết trong một tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt này sẽ đóng băng mọi tài sản mà năm công ty này có ở Trung Quốc đồng thời cấm các tổ chức, cá nhân ở Trung Quốc hợp tác và giao dịch với họ.

Hiện vẫn chưa rõ tác động của các lệnh trừng phạt này là gì, nhưng các công ty phải chịu lệnh trừng phạt lần này là: BAE Systems Land and Armaments, Alliant Techsystems Operations, AeroVironment, Viasat, và Data Link Solutions. Những biện pháp trừng phạt như vậy thường chỉ mang tính hình thức vì các nhà thầu quốc phòng Mỹ thường không bán hàng cho Trung Cộng.

Thông báo này được đưa ra chưa đầy một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan. Cuộc bầu cử này đang gây tranh cãi chủ yếu về cách chính phủ Đài Loan nên quản lý mối bang giao với Trung Cộng, luôn tuyên bố hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của mình và tuyên bố Đài Loan phải quy về dưới sự cai trị của đại lục.

Bộ Ngoại giao Trung Cộng không nêu rõ nước này đang đáp trả thỏa thuận vũ khí nào hoặc biện pháp trừng phạt nào của Hoa Kỳ, mặc dù phát ngôn viên Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã cảnh báo ba tuần trước rằng nhà cầm quyền Trung Cộng sẽ có biện pháp đáp trả tương ứng sau khi chính phủ Hoa Kỳ phê chuẩn gói quân sự trị giá 300 triệu USD cho Đài Loan vào tháng 12/2023.

Thỏa thuận này bao gồm trang thiết bị, đào tạo, và sửa chữa thiết bị để duy trì khả năng chỉ huy, kiểm soát, và liên lạc quân sự của Đài Loan.

Hoa Kỳ cho biết thương vụ bán vũ khí này sẽ giúp hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì khả năng phòng thủ đáng tin cậy của Đài Loan. Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Ngũ Giác Đài cho biết: “Thương vụ được đề xướng này sẽ cải thiện năng lực quân sự của Đài Loan để đáp ứng các mối đe dọa hiện tại và tương lai bằng cách nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến”.

Đài Loan là điểm gây mâu thuẫn chính trong mối bang giao Hoa Kỳ–Trung Cộng mà các nhà phân tích lo ngại có thể bùng nổ thành xung đột quân sự giữa hai cường quốc.

Quân đội Trung Cộng thường xuyên điều động chiến đấu cơ và chiến hạm đến vùng biển xung quanh Đài Loan. Một cuộc xâm lược dường như chưa có dấu hiệu bùng nổ trong tương lai gần, nhưng hoạt động quân sự liên tục của Trung Cộng nhắc nhở rằng mối đe dọa đó vẫn còn hiện hữu.

Hoa Kỳ Trung Cộng vào năm 1979, và bỏ rơi Đài Loan, nhưng bị ràng buộc bởi luật pháp để bảo đảm rằng Đài Loan có khả năng tự vệ. Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh đang điều động chiến hạm đi qua Eo biển Đài Loan, tuyến đường thủy rộng 160 km ở giữa Đài Loan và Lục Địa Trung Cộng.


Thế Giới Chúc Mừng Cuộc Bầu Cử Tổng Thống Ở Đài Loan

Hôm thứ Bảy (13/01), Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác trên thế giới đã gửi lời chúc mừng tới Đài Loan, sau khi Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống giữa áp lực từ Bắc Kinh.

tân tổng thống Đài Loan:
Lai Ching-te

Ngoại trưởng Antony Blinken đưa ra tuyên bố ngay sau khi ông Lại đọc diễn văn tuyên bố chiến thắng, “Hoa Kỳ chúc mừng ông Lại Thanh Đức về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Chúng tôi cũng chúc mừng người dân Đài Loan đã một lần nữa thể hiện sức mạnh của hệ thống dân chủ và quá trình bầu cử vững chắc”.

Hôm thứ Bảy, cử tri Đài Loan đã chọn ông Lại, người mà Bắc Kinh coi là “kẻ ly khai”, làm tổng thống tiếp theo của họ bất chấp những lời cảnh báo từ chế độ cộng sản Trung Quốc. Đối thủ đối lập chính của ông, ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) của Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh, đã thừa nhận thất bại ngay sau 8 giờ tối theo giờ địa phương.

Ủy ban Bầu cử Trung ương Đài Loan cho biết, với hầu hết các điểm bỏ phiếu đều báo cáo, ông Lại đã giành được 40% số phiếu bầu, còn ông Hầu là 33%.

Phản ứng trước chiến thắng của ông Lại, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiane) cho biết ông sẽ làm việc với chủ tịch các cơ quan Quốc hội liên quan để cử phái đoàn tới Đài Bắc tham dự lễ nhậm chức của ông Lại vào tháng Năm.

Ông Johnson tuyên bố, “Để nhấn mạnh cam kết liên tục của Quốc hội đối với an ninh và dân chủ, tôi sẽ yêu cầu chủ tịch các Ủy ban Hạ Viện liên quan dẫn đầu một phái đoàn tới Đài Bắc sau lễ nhậm chức của ông Lại vào tháng Năm”.

“Tôi kỳ vọng Hoa Kỳ và Đài Loan sẽ cùng nhau thúc đẩy các nguyên tắc tự do, cơ hội và an ninh cho tất cả các quốc gia yêu tự do và các đối tác của chúng tôi ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Tổng thống Joe Biden đã được phóng viên hỏi về phản ứng trước cuộc bầu cử ở Đài Loan hôm thứ Bảy. Ông nói: “Chúng tôi không ủng hộ độc lập”.

Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất cho hòn đảo này.

Ông Blinken tuyên bố rằng Hoa Thịnh Đốn “cam kết duy trì hòa bình và ổn định xuyên Eo biển cũng như giải quyết các khác biệt một cách hòa bình, không bị ép buộc và áp lực”.

Trong bài diễn văn mừng chiến thắng, ông Lại bày tỏ sẵn sàng nối lại đối thoại với Trung Cộng. Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc coi nền dân chủ tự trị này là lãnh thổ của mình và chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực.

Ông nói trong cuộc họp báo hôm thứ Bảy bên ngoài trụ sở chiến dịch tranh cử của ông ở Đài Bắc: “Miễn là có phẩm giá và sự bình đẳng giữa hai bờ eo biển, Đài Loan rất sẵn lòng tham gia đối thoại với Trung Cộng”.

Bắc Kinh đã dừng mọi liên lạc chính thức với Đài Bắc và cô lập hòn đảo này trên trường quốc tế kể từ khi bà Thái Anh Văn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Dưới áp lực từ Bắc Kinh, chính phủ của bà Thái đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác trên thế giới.

Ông Lại cho biết ông sẽ đi theo con đường của bà Thái, tìm cách duy trì hiện trạng Eo biển Đài Loan. Nhưng đồng thời, ông Lại nhấn mạnh rằng ông “quyết tâm bảo vệ Đài Loan khỏi các mối đe dọa và hăm dọa từ Trung Quốc”.