TIN THẾ GIỚI

Tổng thống Macron: Pháp sẽ giao thêm tên lửa tầm xa cho Ukraina (RFI)

Trong buổi họp báo ngày 16/01/2024 tại Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Kiev, « không để Nga chiến thắng » trong cuộc xâm lược Ukraina. Ông Macron thông báo « sẽ đến Ukraina vào tháng Hai » và Pháp « sẽ giao hàng loạt vũ khí mới » cho Kiev.

Trong số vũ khí sắp được giao cho Ukraina, có 40 tên lửa tầm xa Scalp và « vài trăm quả bom ». Tổng thống Macron cũng cho biết Pháp « đang đúc kết một thỏa thuận » về an ninh với Kiev theo mô hình thỏa thuận mà  Anh Quốc và Ukraina đã ký hôm 12/01, có thời hạn 10 năm. Đích thân tổng thống Pháp sẽ thông báo thỏa thuận này trong chuyến công du Ukraina.

Ngoài ra, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu « sẽ có nhiều quyết định mới trong những tuần và những tháng tới nhằm không cho Nga chiến thắng ». Ông Macron phát biểu :

« Đối với tôi, nguy cơ lớn nhất là cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraina. Chúng ta không thể để Nga thắng, chúng ta không được làm như vậy, bởi vì an ninh của toàn châu Âu và của các nước láng giềng của Nga sẽ bị tác động. Để Nga chiến thắng có nghĩa là chấp nhận rằng những quy luật của trật tự quốc tế, như chúng ta đã xác định, có thể không được tuân thủ. Những nước bạn hữu của chúng ta ở vùng Baltic, hay Ba Lan, Rumani, sẽ không còn sống được. Tôi cũng không quên Moldova và các nước ở vùng Kavkaz. Vì thế, chúng ta phải làm tất cả ( để Nga không chiến thắng) . Đối với tôi, đó là vấn đề chính yếu mà chúng ta phải huy động toàn lực và khó khăn cũng là từ đó ».

Tổng thống Ukraina kêu gọi gia tăng trừng phạt Nga

Chiều 17/01, tổng thống Pháp đến dự Diễn dàn Kinh tế Thế giới – WEF tại Davos, Thụy Sĩ. Cũng tại diễn đàn này, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã liên tục gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới và chủ các đại tập đoàn để vận động viện trợ cho Ukraina. Theo AFP, phát biểu trước cử tọa khoảng 1.500 người ngày 16/01, ông Zelensky lên án tổng thống « Putin là hiện thân cho chiến tranh, ông ấy sẽ không thay đổi ». Theo tổng thống Ukraina, biện pháp hữu hiệu nhất là « phải khiến ông ấy mất nhiều nhất có thể » thông qua việc tăng cường trừng phạt, kể cả lĩnh vực công nghiệp hạt nhân, hiện vẫn chưa bị trừng phạt.

Phía Nga « sẽ không bao giờ để bị buộc phải từ bỏ những thành quả đạt được », đó là tuyên bố của tổng thống Vladimir Putin trên truyền hình ngày 16/01. Ông còn bác bỏ « điều được gọi là công thức hòa bình » mà phương Tây và Ukraina thảo luận, ngụ ý nói đến hội nghị cấp cao về hòa bình cho Ukraina mà Thụy Sĩ sẽ tổ chức theo đề nghị của tổng thống Zelensky.


Ukraine đã bắn hạ một máy bay do thám A-50 quan trọng của Nga (BBC)

Quân đội Ukraine nói đã bắn hạ một máy bay do thám của quân đội Nga trên Biển Azov, điều mà các nhà phân tích cho rằng sẽ là một đòn giáng mạnh vào không quân của Moscow.

Tư lệnh quân đội, Tướng Valerii Zaluzhnyi cho biết lực lượng không quân đã “phá hủy” một máy bay phát hiện radar tầm xa A-50 và một trung tâm điều khiển trên không Il-22.

Phi cơ A-50 đảm nhận nhiệm vụ phát hiện hệ thống phòng không và điều phối mục tiêu cho các máy bay phản lực Nga.

Ukraine đã phải nỗ lực rất nhiều để đạt được những bước tiến đáng kể trong thời gian gần đây các lực lượng của Nga ở miền đông nam.

Phản lực cơ do thám tầm xa A50 tối tân nhất của Nga

Một cuộc họp ngắn của Bộ Quốc phòng Anh hôm 23/2 cho biết Nga “nhiều khả năng” là có 6 chiếc A-50 đang hoạt động. Việc làm ra những chiếc máy bay này có thể tiêu tốn hàng trăm triệu USD.

BBC không thể xác minh vụ tấn công.

Các quan chức Nga cho biết họ “không có thông tin” về các cuộc tấn công, nhưng các nhà bình luận ủng hộ chiến tranh nổi tiếng của Nga thì nói việc mất đi một chiếc A-50 sẽ có tác động lớn.

Một kênh quân sự nổi tiếng, Rybar, nói rằng nếu thông tin của Ukraine về tổn thất của Nga được xác nhận thì đó sẽ là “một ngày đen tối nữa đối với lực lượng không quân Nga”.

Một kênh khác cho biết trung tâm chỉ huy Il-22 bị bắn trúng bởi chính “hỏa lực thân thiện” của Nga. Tin cho hay trung tâm điều khiển này đã quay về hạ cánh trên đất Nga.

Tướng Zaluzhnyi nói trên Telegram rằng lực lượng không quân Ukraine đã “lên kế hoạch và tiến hành một cách xuất sắc” một chiến dịch ở vùng Azov, miền đông nam Ukraine.

Chỉ huy Lực lượng Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk bình luận về vụ bắn rơi máy bay trong một bài đăng trên Telegram, nhưng không cho biết thông tin chi tiết.

Hồi tháng Hai năm ngoái, nhóm đối lập BYPOL của Belarus tuyên bố đã làm hỏng một máy bay quân sự A-50 trong một cuộc tấn công bằng thiết bị bay tự động (drone) gần Minsk.

Justin Bronk, chuyên gia chiến tranh trên không của tổ chức tư vấn quốc phòng Rusi, nói với BBC rằng nếu vụ việc được xác nhận thì việc mất đi chiếc máy bay A-50 sẽ là một “tổn thất đáng xấu hổ và có ý nghĩa lớn về mặt hoạt động” đối với lực lượng không quân Nga.

Ông mô tả chiếc A-50 là “nền tảng chỉ huy, kiểm soát và giám sát then chốt” cung cấp cho các máy bay và hệ thống tên lửa đất đối không của Nga “cảnh báo sớm tầm xa và thông tin về máy bay bay thấp của Ukraine”.

Ông nói thêm rằng trong lực lượng không quân Nga “chỉ có một số lượng nhỏ” những chiếc máy bay này và “thậm chí số phi hành đoàn được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ còn ít hơn nữa, có nghĩa là việc mất một chiếc sẽ là một tổn thất to lớn”.

Nếu được xác nhận, ông cho biết đây sẽ là “một cuộc tấn công tầm rất xa” của tên lửa phòng không Patriot của Ukraine, là điều sẽ nâng “năng lực trên lý thuyết của loại vũ khí này đến giới hạn cao nhất của chúng”. Frank Gardner, phóng viên an ninh của BBC, cho biết diễn biến rõ ràng này là một “tin tốt lành nho nhỏ cho Ukraine trong bối cảnh có rất nhiều tin xấu”.


Philippines chúc mừng tân tổng thống Đài Loan, Bắc Kinh cảnh cáo ‘‘đừng đùa với lửa’’ (RFI)

Hai ngày sau khi ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) đắc cử tổng thống Đài Loan, tổng thống Philippines hôm 15/01/2024, đã gửi lời chúc mừng và mong muốn sớm được làm việc với ông. Hôm nay, 16/01, Trung Cộng giận dữ cảnh báo Manila ‘‘đừng chơi với lửa’’, đồng thời triệu đại sứ Philippines lên để phản đối.

Trả lời họp báo, phát ngôn viên Mao Ninh (Mao Ning) của bộ Ngoại Giao Trung Cộng cho biết ‘‘Trung Cộng cực lực phản đối’’ hành động ‘‘xâm phạm nghiêm trọng nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất, xâm phạm nghiêm trọng các cam kết chính trị của Philippines với Trung Cộng, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Cộng’’. Theo bà Mao Ning, bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã yêu cầu phía Philippines ‘‘đưa ra một giải thích có trách nhiệm’’.

Tổng thống Marcos gửi thông điệp chúc mừng TT tân cử Lại Thanh Đức

Theo Reuters, hôm qua, trong một thông điệp trên mạng X (Twitter cũ), nguyên thủ quốc gia Philippines đã ‘‘thay mặt toàn thể nhân dân Philippines, chúc mừng tổng thống tân cử Lại Thanh Đức’’. Lãnh đạo Philippines cũng cho biết mong muốn ‘‘hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy các lợi ích song phương, nỗ lực vì hòa bình và bảo đảm sự thịnh vượng cho nhân dân chúng ta trong những năm tới’’.

Sau phát biểu nói trên của tổng thống Ferdinand Marcos Jr., bộ Ngoại Giao Philippines đã tái khẳng định nguyên tắc một nước Trung Hoa, đồng thời giải thích rõ là thông điệp chúc mừng của tổng thống Philippines là một cách để ‘‘ghi nhận mối quan hệ mật thiết giữa Philippines và Đài Loan’’, nơi có khoảng 200.000 người lao động Philippines sinh sống. Bộ Ngoại Giao Philippines nhấn mạnh: ‘‘Thông điệp chúc mừng tổng thống tân cử Đài Loan của tổng thống Marcos là cách để ông cám ơn Đài Loan đã tiếp đón những người lao động Philippines và tổ chức thành công một cuộc bầu cử dân chủ’’. 

Sau khi ông Lại Thanh Đức đắc cử tổng thống Đài Loan, giới chức cao cấp một số nước, trong đó có các ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản, đã gửi lời chúc mừng, đồng thời kêu gọi tìm một giải pháp hòa bình cho căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Theo nhà báo Sebastian Strangio của trang mạng The Diplomat, việc đích thân nguyên thủ quốc gia Philippines gửi lời chức mừng tổng thống tân cử Đài Loan là một động thái ngoại giao đáng chú ý. 


Hoa Kỳ: Donald Trump thắng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa ở Iowa (RFI)

Như dự đoán của truyền thông Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump hôm 15/01/2024, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Cộng Hòa tại bang Iowa. Ông củng cố vị thế của mình như là một ứng viên « nặng ký », đại diện đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống vào tháng 11/2024.

Từ Iowa, đặc phái viên đài RFI, David Thomson tường thuật : 

Thắng lợi vang dội của Donald Trump tối qua đã khẳng định rằng hơn bao giờ hết ông là người hùng của đảng Cộng hòa, người hùng của cánh hữu Mỹ. Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại vùng đất nông thôn này của Iowa vốn theo cựu tổng thống, những người ủng hộ Donald Trump đã tham gia đông đảo. 

Những người ủng hộ Ron DeSantis đã đi từ Florida đến để cố gắng đảo ngược tình thế, ra sức ca ngợi công lao của thống đốc bang Florida, nhưng đã hoài công. Họ đã nỗ lực thuyết phục các cử tri rằng ứng viên của họ là người tốt nhất, họ đặc biệt nêu bật thành tích của ông về xử lý dịch bệnh Covid-19 tại Florida, một cách xử lý đã gây nhiều tranh cãi về chính sách chống đeo khẩu trang, chính sách chống tiêm chủng. Nhưng các cử tri ở đây quá gắn bó với Donald Trump, một mối quan hệ gần như là phi lý. 

Tất cả những ai được hỏi đều xem Trump như là một người hùng chính trị. Trong mắt họ, những cáo buộc, những rắc rối với tư pháp chỉ càng củng cố vị thế của ông. Một người về hưu nói rằng, ông Trump bị truy tố chỉ vì để bảo vệ họ. Thậm chí nhiều người còn sợ Donald Trump bị ám sát. 

Một cử tri nói, “cầu mong cho ông ấy lại thắng. Người ta muốn ngáng đường ông”. Để hướng tới Nhà Trắng, luận điệu “nạn nhân” của chủ nghĩa Trump được lặp đi lặp lại không ngừng trên tất cả các mạng lưới truyền thống của phe bảo thủ, vận hành hết công suất đối với những người ủng hộ. Donald Trump vẫn còn được lòng dân hơn bao giờ hết ! 


Pakistan triệu hồi đại sứ tại Iran sau vụ xâm phạm không phận (VOA).

Pakistan hôm 17/1 đã triệu hồi đại sứ tại Iran sau khi Iran xâm phạm không phận Pakistan trong hành động ‘vi phạm trắng trợn’ chủ quyền, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, khi vụ việc gây căng thẳng giữa hai nước Hồi giáo láng giềng.

Pakistan hôm 16/1 cho biết vụ vi phạm không phận, mà truyền thông nhà nước Iran cho biết là do tên lửa Iran nhắm vào hai căn cứ của nhóm chiến binh Jaish al Adl khiến hai trẻ em thiệt mạng.

Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian cho biết họ đã tấn công các chiến binh Jaish al Adl bằng ‘tên lửa và máy bay không người lái’ và cho biết họ không nhắm vào người dân Pakistan.

Pakistan chưa xác nhận bản chất của vụ xâm phạm, hoặc địa điểm của cuộc tấn công.

Cuộc tấn công chỉ nhằm vào ‘bọn khủng bố’, Ngoại trưởng Iran cho biết tại Davos, Thụy Sĩ, nơi ông tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ông nói rằng những mục tiêu này có liên quan đến Israel.

Các quan chức địa phương Pakistan cho biết hai trẻ em đã thiệt mạng và một số người khác bị thương trong các cuộc tấn công tên lửa gần biên giới Iran.

Đây là sự xâm phạm vô cớ và trắng trợn chủ quyền của Pakistan và là ‘không thể chấp nhận được’, ông Mumtaz Zahra Baloch, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Pakistan, cho biết và nói thêm rằng nước này bảo lưu ‘quyền đáp trả hành động bất hợp pháp này’.

Pakistan và Iran trong quá khứ đã có quan hệ khó khăn, nhưng các cuộc tấn công này là sự xâm nhập xuyên biên giới rõ ràng nhất trong những năm gần đây.

Các cuộc oanh kích vào Pakistan diễn ra một ngày sau các cuộc tấn công tương tự của Tehran bên trong các nước láng giềng khác là Iraq và Syria.

Baghdad đã triệu hồi đại sứ của mình ở Tehran sau khi truyền thông nhà nước Iran cho biết họ đã tấn công một trung tâm gián điệp của Israel.

Nhóm chiến binh Jaish al Adl trước đây đã tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Iran ở khu vực biên giới với Pakistan.

Pakistan sẽ không cho phép đại sứ Iran, người đang về nước, quay lại Pakistan, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Pakistan ra tuyên bố cho biết.


Một phái đoàn không chính thức của Mỹ đến thăm Đài Loan (RFI)

Hai ngày sau cuộc tổng tuyển cử ở Đài Loan, một phái đoàn không chính thức do tổng thống Mỹ gởi đến, có cuộc gặp ngày hôm nay, 15/01/2024, với tổng thống mãn nhiệm Đài Loan Thái Anh Văn, tại Đài Bắc.

Theo AFP, phái đoàn Mỹ bao gồm cựu cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley, cựu thứ trưởng Ngoại Giao James Steinberg và chủ tịch Viện Mỹ ở Đài Loan, bà Laura Rosenberger.

Cựu cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley (thứ 2 bêb trái), cựu thứ trưởng Ngoại Giao James Steinberg (trái) và chủ tịch Viện Mỹ ở Đài Loan, bà Laura Rosenberger (Ngoài cùng, phải) và TT dắc cử Lại Thanh Đức và PTT Tiêu Mỹ Cầm.

Tiếp phái đoàn, tổng thống Thái Anh Văn hoan nghênh một chuyến thăm « có nhiều ý nghĩa », sự việc khẳng định « sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Washington cho nền dân chủ Đài Loan », đồng thời, bà nhấn mạnh đến « mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và bền chặt giữa Đài Loan và Hoa Kỳ ».

Đáp lại, ông Stephen Hadley đã có lời chúc mừng gởi đến người dân Đài Loan về kết quả cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp, đồng thời, ca ngợi nền dân chủ Đài Loan như là « một tấm gương cho toàn thế giới ».

Vào cuối ngày, phái đoàn Mỹ gặp tổng thống tân cử Lại Thanh Đức, cũng xuất thân từ đảng Dân Tiến như bà Thái Anh Văn.

Phái đoàn Mỹ rời đảo vào ngày mai, 16/01.

Hãng tin Pháp lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ gởi một phái đoàn không chính thức đến Đài Loan sau cuộc bầu cử. Năm 2016, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Bill Burns đã đến thăm Đài Bắc 2 ngày sau khi bà Thái Anh Văn đắc cử.

Bắc Kinh hôm nay đã có phản ứng. Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mao Ninh tuyên bố « Trung Cộng phản đối mạnh mẽ mọi hình thức trao đổi chính thức giữa Mỹ và Đài Loan và kiên quyết bác bỏ mọi hình thức can thiệp của Mỹ trong hồ sơ Đài Loan, dưới bất kỳ hình thức nào và bất kỳ cớ nào ».

Chủ Nhật, 14/01, ngoại trưởng Vương Nghị đã cảnh báo mọi ý đồ hướng đến độc lập, chia cắt lãnh thổ Trung Cộng sẽ « bị Lịch Sử và Luật Pháp trừng phạt nghiêm khắc », bởi theo ông, Đài Loan « chưa bao giờ là một nước. Điều này chưa từng có trong quá khứ và tất nhiên cũng sẽ không có trong tương lai ».


Kim Jong-un đoạn tuyệt với Nam Hàn : Cú sốc mạnh trên bán đảo Triều Tiên (RFI)

Những ngày đầu năm 2024, chế độ Bắc Triều Tiên liên tục có những hành động cùng những tuyên bố hiếu chiến chưa từng thấy. Lãnh đạo Kim Jong-un thông báo cắt đứt mọi khả năng hòa giải, coi Nam Hàn là « kẻ thù số 1 », sẵn sàng chiến tranh với miền Nam, vĩnh viễn xóa bỏ giấc mơ thống thất bán đảo Triều Tiên. Những động thái mới của Bình Nhưỡng thực sự gây sốc, không còn được nhìn nhận đơn thuần là sự khiêu khích.

Bắc Triều Tiên đã xác nhận đoạn tuyệt hoàn toàn với Nam Hàn. Tại một phiên họp của Quốc Hội Bắc Triều Tiên hôm 15/01/2024, ông Kim Jong-un đã ra lệnh dỡ bỏ các biểu tượng hòa giải liên Triều trong quá khứ, kể cả tuyến đường sắt xuyên biên giới và tượng đài thống nhất ở Bình Nhưỡng mà ông mô tả là “chướng mắt”, đồng thời loại bỏ hoàn toàn các ngôn từ như « thống nhất », « hòa giải » hay « đồng bào » trong lịch sử của nước này.

Kim Jong-un

Kim Jong-un tuyên bố sẽ chấm dứt « mọi hình thức hợp tác và liên lạc » với Nam Hàn. Hơn thế nữa, Bắc Triều Tiên sẽ sớm ghi vào Hiến Pháp Nam Hàn  là « kẻ thù số 1 ». Để chuẩn bị cho đối đầu thường trực và sẵn sàng tuyên chiến với người bà con miền Nam, ông Kim Jong-un ra lệnh chế tạo thêm nhiều vũ khí hạt nhân.

Không chỉ tuyên bố suông, Bình Nhưỡng hôm thứ Ba 16/01 đã giải thể nhiều cơ quan chuyên trách vấn đề thống nhất với Nam Hàn, xóa bỏ mọi trang thông tin điện tử, trong đó có các trang như Uriminzokkiri hay Tongil Voice để tuyên truyền tới độc giả miền Nam. Quyết định được đưa ra sau tuyên bố đầu năm của ông Kim Jong-un khẳng định lập trường hòa hợp hay thống nhất với Nam Hàn là một « sai lầm » và hai nước sẽ không bao giờ có thống nhất. Chiến lược của Bắc Triều Tiên với người bà con láng giềng Nam Hàn giờ bị đảo lộn hoàn toàn. 

Ông Robert L. Carlin, chuyên gia về Triều Tiên thuộc thuộc Đại học Stanford, được  nhật báo Pháp La Croix trích dẫn, nhận định : « Tình hình trên bán đảo Triều Tiên giờ nguy hiểm hơn bao giờ hết kể từ đầu tháng 06/1950 », khi nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Những thay đổi căn bản về lập trường cũng như cách tiếp cận của chế độ Bình Nhưỡng về bán đảo Triều Tiên rõ ràng gây sốc. Nhưng theo một số nhà phân tích, nếu xem xét kỹ hơn ta sẽ thấy đây là đỉnh điểm gần như không thể tránh khỏi sau nhiều năm căng thẳng gia tăng trên bán đảo này.

Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy mối quan hệ liên Triều đã sa sút đến mức nào kể từ tháng 02/2019, khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tống thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội thất bại. Từ đó trở đi, thái độ thù địch công khai dấy lên ở Bình Nhưỡng với quyết tâm mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh chóng chưa từng thấy, cùng những đe dọa lặp đi lặp lại về chiến tranh hạt nhân chống Washington và Seoul.

Hãng tin Mỹ AP giải thích, cách tiếp cận mới của Kim Jong-un với miền Nam được đưa ra trong lúc ông cố gắng thoát khỏi thế cô lập về ngoại giao và củng cố vị thế của Bắc Triều Tiên trong khu vực. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang tận dụng căng thẳng ngày càng sâu sắc giữa Washington với Matxcơva cũng như với Bắc Kinh liên quan đến cuộc chiến tranh do Nga phát động.

Ankit Panda, một chuyên gia của Tổ chức vì Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng giờ đây với năng lực hạt nhân và tên lửa tiên tiến, cùng với sự hỗ trợ của Nga và Trung Cộng, Kim Jong-un cảm thấy đủ tự tin để thực hiện những thay đổi cách tiếp cận này.

« Bình Nhưỡng không còn coi Seoul là trung gian hữu ích để đạt được những nhượng bộ từ Washington. Thay vào đó, đối thủ của họ hiện bị xem là trở ngại cho những nỗ lực tạo dựng vị thế quyết đoán của Bắc Triều Tiên trong các hồ sơ quốc tế », theo nhận định của Hong Min, nhà phân tích tại Viện Quốc gia Thống nhất Nam Hàn.


Dân số Trung Cộng giảm vào năm thứ hai liên tiếp (BBC).

Dân số Trung Cộng giảm trong năm thứ hai liên tiếp, làm tăng thêm mối lo ngại về sự tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy dân số nước này đạt 1,409 tỷ người vào cuối năm 2023 – giảm 2,08 triệu so với năm 2022.

Mức giảm mới nhất này cao gấp đôi so với năm trước, đánh dấu lần giảm dân số đầu tiên sau 60 năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc giảm dân số này là điều được trông đợi sẽ diễn ra, do sự mở rộng của tầng lớp thành thị và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục.

Bắc Kinh hôm thứ Tư cho biết tỷ lệ sinh hiện đã giảm xuống còn 6,39 trên 1.000 người, ngang bằng với các quốc gia Đông Á tiên tiến khác như Nhật Bản và Nam Hàn.

Trung Cộng đã có ​​tỷ lệ sinh giảm đi trong nhiều thập kỷ sau khi áp dụng chính sách một con gây tranh cãi vào thời thập niên 1980 nhằm kiểm soát tình trạng dân số quá đông vào thời điểm đó.

Chính phủ đã dỡ bỏ chính sách này vào năm 2015 để cố gắng ngăn chặn tình trạng giảm dân số và cũng đưa ra một loạt các biện pháp khuyến khích khác, chẳng hạn như cho các khoản trợ cấp và chi trả để khuyến khích mọi người lập gia đình. Vào năm 2021, chính phủ tiếp tục nới lỏng giới hạn, theo đó cho phép các cặp vợ chồng có tối đa ba con.

Tuy nhiên, các chính sách này đã không tạo mấy tác động, do những người trẻ tuổi ở các thành phố hiện đại cảm thấy có những trở ngại như chi phí sinh hoạt và các ưu tiên dành cho công việc sau thời kỳ Covid kéo dài ba năm.

Các chuyên gia nói rằng Trung Cộng đang đi theo mô hình của các quốc gia đã nhanh chóng phi công nghiệp hóa, mặc dù tốc độ thay đổi rất nhanh.

Dữ liệu dân số mới nhất nhiều khả năng sẽ càng khẳng định thêm một số nỗi lo về nền kinh tế – do Trung Cộng từ lâu đã dựa vào lực lượng lao động đang già đi làm động lực chính cho nền kinh tế.

Đất nước này đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và hưu bổng khi dân số nghỉ hưu tăng lên – dự kiến ​​sẽ tăng 60%, đạt 400 triệu người vào năm 2035.


Philippines lên án quan chức Trung Cộng ‘nói chuyện hạ đẳng’ (VOA)

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm 17/1 cáo buộc một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Cộng xúc phạm Tổng thống Ferdinand Marcos tại một cuộc họp báo và lên án quan chức này đã hạ cấp tới mức mà ông gọi là ‘nói chuyện một cách hạ đẳng’

Ông Gilberto Teodoro cũng cáo buộc phát ngôn nhân Mao Ninh ‘tuyên truyền và đưa thông tin sai lệch của nhà nước’.

Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro

Ông Teodoro đã phản ứng trước lời phát biểu của bà Mao hôm 16/1 nói ông Marcos ‘cần đọc thêm sách để hiểu đúng về vấn đề Đài Loan’ sau khi Tổng thống Philippines chúc mừng ông Lại Thanh Đức đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan và gọi ông Lại là ‘tổng thống’.

Thật không may là phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao (Trung Cộng) đã xuống đến mức hạ đẳng như vậy – phải dùng đến cách xúc phạm tổng thống của chúng tôi và đất nước Philippines, và tiếp tục hạ thấp bản thân, bộ ngoại giao và đất nước mà bà Mao đại diện,” ông Teodoro ra thông cáo nói.

Đại sứ quán Trung Cộng tại Manila và Bộ Ngoại giao Trung Cộng đã không phản hồi ngay với Reuters về phát biểu của ông Teodoro, sự cố mới nhất trong một loạt các cuộc tranh cãi giữa Bắc Kinh và Manila, đồng minh của Mỹ.

Sau lời chúc mừng ông Lại Thanh Đức của ông Marcos hôm 15/1, Bộ Ngoại giao Philippines đã tái khẳng định ‘chính sách Một Trung Cộng’ và nhấn mạnh rằng thông điệp của ông Marcos gửi đến ông Lại là nhằm nhìn nhận ‘lợi ích chung’ của Philippines và Đài Loan, trong đó 200.000 lao động Philippines đang sinh sống và làm việc ở Đài Loan.


Bất chấp lệnh cấm của Mỹ, Trung Cộng vẫn mua được chip của Nvidia (RFI).

Các cơ quan quân sự Trung Cộng, các viện nghiên cứu của Nhà nước về trí tuệ nhân tạo cũng như các trường đại học trong năm 2023 vẫn mua được các lô hàng nhỏ về chất bán dẫn của công ty Mỹ Nvidia bất chấp lệnh của Washington cấm xuất khẩu sang Trung Cộng. Nghiên cứu các tài liệu đấu thầu tại Trung Cộng, Reuters hôm nay 15/01/2024 cho biết như trên.

Đó là các loại chip A100 và H100, vốn dĩ có tên trong danh sách cấm xuất sang Trung Cộng và Hồng Kông từ tháng 09/2022, cùng với đó là các loại chip A800 và H800 có tốc độ chậm hơn, ban đầu được Nvidia phát triển cho thị trường Trung Cộng, nhưng đến tháng 10/2023 cũng đã bị đưa vào danh sách cấm.

Bên mua bao gồm một số trường đại học tinh hoa của Trung Cộng, cũng như hai thực thể bị lệnh hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ nhắm đến (Viện Công Nghệ Cáp Nhĩ Tân, Đại học Khoa học Điện tử và Công nghệ Trung Cộng) vì bị cáo buộc có liên quan đến các vấn đề quân sự hoặc liên kết với một cơ quan quân sự đi ngược lại lợi ích quốc gia của Mỹ.

Các nghiên cứu của Reuters không chỉ ra được rằng chính Nvidia hay các nhà bán lẻ được Nvidia phê duyệt bán hàng cho phía Trung Cộng. Hiện chưa rõ bằng cách nào bên bán cho Trung Cộng có được chip của Nvidia. Về phía Nvidia, công ty này tuyên bố tuân thủ mọi yêu cầu về xuất khẩu và có yêu cầu tương tự đối với các khách hàng.

Chưa cơ quan nào trong số bên mua phản hồi yêu cầu bình luận của hãng tin Anh Reuters. 10 nhà cung cấp có tên trong các hồ sơ thầu mà Reuters tiếp cận được cũng từ chối hồi đáp. Bộ Thương Mại Mỹ hiện cũng từ chối bình luận.

Nhu cầu mua chip Nvidia và khả năng tiếp cận các loại chip bị cấm cũng cho thấy các công ty Trung Cộng đang thiếu khả năng lựa chọn thay thế từ các đối thủ cạnh tranh của Nvidia. Quả thực, các sản phẩm về bán dẫn của Nvidia vẫn vượt trội hơn so với nhiều đối thủ. Trước lệnh cấm, Nvidia chiếm 90% thị phần chip phục vụ lĩnh vực trí thông minh nhân tạo tại Trung Cộng.

Xin nhắc lại, các biện pháp hạn chế của Hoa Kỳ đã dẫn đến một thị trường ngầm tại Trung Cộng. Các nhà cung cấp Trung Cộng trước đây từng cho biết họ đã thu gom lượng hàng dư thừa trong kho sau khi Nvidia chuyển lượng hàng lớn đến các doanh nghiệp lớn của Mỹ, hoặc nhập khẩu thông qua trung gian là các công ty địa phương ở Ấn Độ, Đài Loan và Singapore.


TIN VIỆT NAM.

Mười lăm tỉnh cần gạo cứu đói cho dân dịp Tết (RFA)

Mười lăm tỉnh trên cả nước có văn bản yêu cầu chính phủ Trung ương cấp gạo cứu đói cho người dân trong tỉnh vào dịp Tết âm lịch sắp đến và mùa giáp hạt.

Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội Việt Nam cho truyền thông Nhà nước biết thông tin vừa nêu ngày 16/1. Danh sách cụ thể các tỉnh gồm Sóc Trăng, Cà Mau, Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Quảng Bình, Nghệ An, Bạc Liêu, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Hà Giang, Kon Tum, Bắc Kạn, Bình Phước.

Tổng số gạo đề nghị là gần 14.200 tấn để cấp cho hơn 181.000 hộ dân với gần 936.000 nhân khẩu thuộc 15 tỉnh vừa nêu. Trong số này hơn 11.500 tấn để hỗ trợ cứu đói Tết, và hơn 2.600 tấn để hỗ trợ cứu đói giáp hạt.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết tính đến ngày 10/1 vừa qua, chỉ mới có tỉnh Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định hỗ trợ hơn 3.500 tấn.


Việt Nam xét xử 98 người về vụ tấn công hai trụ sở ủy ban ở Dak Lak

BBC thuật tin từ truyền thông trong nước cho biết: gần 100 người bị đưa ra xét xử ở Việt Nam với cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công phối hợp bằng súng gây chết người nhắm vào các trụ sở chính quyền địa phương.

Các vụ tấn công ở Tây Nguyên năm ngoái khiến chín người thiệt mạng, trong đó có bốn nhân viên cảnh sát.

Các vụ tấn công diễn ra tại khu vực nơi người dân tộc thiểu số nói rằng họ bị chính quyền đàn áp.

Cơ quan công tố lập luận rằng những kẻ tấn công muốn thành lập một nhà nước độc lập.

Vào sáng hôm 11/6, một nhóm đi xe máy dùng súng và các loại vũ khí khác tấn công trụ sở ủy ban và đồn công an địa phương ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, cách TP.HCM khoảng 300 km về phía bắc.

Chín người thiệt mạng, trong đó có bốn nhân viên cảnh sát, hai cán bộ địa phương và ba dân thường.

Tại phiên tòa – bắt đầu vào thứ Ba và dự kiến ​​kéo dài 10 ngày – 98 người bị buộc tội khủng bố, một người tội che giấu tội phạm và một người khác tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.

Hình phạt cho tội khủng bố ở Việt Nam có thể bao gồm hình phạt tử hình. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết họ tin rằng có “nhiều” vụ hành quyết được thực hiện ở nước này mỗi năm.

Có sáu bị cáo bị xét xử vắng mặt và đang bị lệnh bắt giữ quốc tế.

Tại Việt Nam, việc thường dân sở hữu súng bị coi là bất hợp pháp, và bạo lực súng đạn là điều rất hiếm xảy ra.

“Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng… những kẻ khủng bố muốn lật đổ nhà nước, thành lập cái gọi là nhà nước Dega,” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc H’Yim Kdoh được dẫn lời, nói.

Người Dega là một sắc tộc thiểu số theo Thiên Chúa Giáo, sống chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên; một số người muốn có quyền tự trị, tách khỏi nhà nước.

Bà H’Yim cho biết trong quá trình điều tra, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội nhưng nói họ bị ép phải tham gia vào cuộc tấn công.

Cảnh sát đã tịch thu 23 khẩu súng và súng trường, 2 lựu đạn, 1.199 viên đạn và các thiết bị nổ khác sau các vụ tấn công mà họ mô tả là “man rợ và vô nhân đạo”.

Nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số ở Việt Nam từ lâu đã phàn nàn về việc họ bị đàn áp bởi Đảng Cộng sản, vốn nắm quyền thống trị hệ thống chính trị độc đảng ở Việt Nam.


Việt Nam và Philippines sẽ ký thỏa thuận về gạo

Thao tin RFA, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. dự kiến sẽ ký một thỏa thuận về gạo với Việt Nam trong chuyến công du đến Hà Nội vào cuối tháng 1/2024.

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Francisco Laurel Jr. cho truyền thông nước này biết tin vừa nêu trong ngày 16/1. Ông nói rõ một dự thảo về thỏa thuận làm việc đã có.

Vào tháng 9/2023, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở Jakarta, Indonesia, Tổng thống Philippines và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đồng ý sẽ đúc kết một thỏa thuận về gạo có hiệu lực năm năm giữa hai nước.

Truyền thông Philippines dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng “Chúng tôi mong có một khung hợp tác ổn định về mua bán gạo cho một giai đoạn kéo dài; ít nhất là năm năm”.

Philippines hiện là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, và là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong tháng 7/2023, Philippines nhập gần 1,94 triệu tấn gạo của Việt Nam với tổng kim ngạch gần 985 triệu USD. Con số này chiếm đến gần 38% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Việt Nam vào năm ngoái là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, đứng sau Ấn Độ và Thái Lan.

Vào tháng 7/2023, Ấn Độ tuyên bố ngưng xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và kiềm chế lạm phát. Biện pháp này khiến giá gạo thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.


Ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên, bị bắt

Ngày 16/1, trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an Việt Nam, cho biết, hai cựu tổng biên tập báo Thanh Niên là ông Nguyễn Công Khế và ông Nguyễn Quang Thông vừa bị bắt.

Theo công an Saigon “Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Saigon điều tra vụ án ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí’. Quá trình điều tra đến nay xác định: Nguyễn Công Khế – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên và Nguyễn Quang Thông – nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, đã có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại Khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.”

Công an TPHCM đọc lệnh bắt giam ông Nguyễn Công Khế hôm 16/1/2023

Cũng theo nguồn này, “căn cứ kết quả điều tra, ngày 16/01/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an Saigon đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự. Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Saigon đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh trên.”

Công an TP Saigon cũng cho biết đang “tập trung khẩn trương mở rộng điều tra để làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khác có liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước.”

Cùng bị bắt với ông Nguyễn Công Khế còn có ông Nguyễn Quang Thông. Công an cho biết các sai phạm của 2 ông này được xác định xảy ra trong thời gian lãnh đạo báo Thanh Niên.

Ông Nguyễn Công Khế sinh năm 1954 tại Quảng Nam, là nhà báo, đồng sáng lập báo Thanh Niên và tổng biên tập báo Thanh Niên từ năm 1988 đến năm 2008.

Ông từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, được nhận huy chương vì sự nghiệp báo chí, trước khi bị bắt là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên

Ông Nguyễn Quang Thông là người kế nhiệm ông Khế trên cương vị tổng biên tập báo Thanh Niên. Ông làm tổng biên tập báo Thanh Niên từ năm 2008 đến năm 2021 thì nghỉ hưu.


Giám đốc Việt Á bị tuyên 29 năm tù, cựu Bộ trưởng Y tế 18 năm

Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ Chu Ngọc Anh là hai trong số ba ủy viên trung ương Đảng bị xộ khám trong vụ Việt Á

Tổng giám đốc Việt Á bị tuyên mức án gần kịch khung trong khi tất cả các bị cáo còn lại đều nhận mức án thấp hơn khung hình phạt quy định cho các tội danh, theo bản án vừa được Tòa án Hà Nội tuyên hôm 12/1 trong đại án Việt Á.

Tổng cộng có 38 bị cáo đã phải ra tòa trong 10 ngày trong phiên tòa xử vụ án Việt Á nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19.

Nguyễn Thanh Long 18 năm tù

Theo bản án được báo chí trong nước dẫn lại, tòa đã tuyên ông Phan Quốc Việt, lãnh đạo Việt Á, tổng cộng 29 năm tù, thấp hơn so với mức án kịch khung mà Viện kiểm sát đề nghị là 30 năm, trong đó, 14 năm tù cho tội ‘Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ và 15 năm tù cho tội ‘Đưa hối lộ’.

Trước đó, hôm 29/12/2023, tại một phiên tòa khác của tòa án binh thủ đô về vụ gian lận trong nghiên cứu bộ xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Học viện Quân y, Phan Quốc Việt đã bị tuyên tổng cộng 25 năm tù, trong đó 15 năm cho tội ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ và 10 năm tù cho tội ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’.

Như vậy, trong cả hai phiên tòa, cựu tổng giám đốc Việt Á nhận mức án tổng cộng là 54 năm tù. Ngoài ra, ông Việt còn phải nộp phạt 50 triệu đồng và phải hoàn trả hơn 402 tỷ đồng cho các cơ sở y tế của 29 tỉnh, thành trên cả nước vì đã bán cho họ bộ xét nghiệm COVID-19 với giá quá cao.

Trong nhóm 6 bị cáo bị truy tố về tội ‘Nhận hối lộ’, nhận mức án nặng nhất là ông Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Y tế, với 18 năm tù. Ông Long bị cáo buộc đã ăn hối lộ hơn 51 tỷ đồng để hợp thức hóa, cho lưu hành bộ xét nghiệm của Việt Á cũng như hiệp thương mức giá cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất giúp Việt Á thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng.

Cùng bị kết án về tội ‘Nhận hối lộ’ với ông Long còn có Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Long, người làm cầu nối đưa hối lộ từ Phan Quốc Việt cho ông Long, với mức án 9 năm tù.

Ngoài ra, Nguyễn Minh Tuấn, vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế, lãnh 8 năm tù; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, 7 năm tù; Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, 13 năm tù; Trịnh Thanh Hùng, cựu phó vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật, Bộ Khoa học-Công nghệ, 14 năm – tất cả đều cùng tội danh ‘Nhận hối lộ’.

Ông Nguyễn Thanh Long là một trong ba ủy viên Trung ương Đảng bị khởi tố trong vụ án – số ủy viên trung ương bị khởi tố nhiều nhất trong một vụ án từ trước đến nay. Hai ủy viên trung ương còn lại là các ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ, và Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư tỉnh Hải  Dương.

Ông Chu Ngọc Anh bị tuyên án 3 năm tù cho tội ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí’ do đã tạo điều kiện cho Việt Á tham gia vào đề tài nghiên cứu của Học viện Quân y. Tuy nhiên, ông Anh không bị truy tố về tội ‘Nhận hối lộ’ mặc dù có nhận của Phan Quốc Việt 200.000 đô la Mỹ mà ông Anh khai là ‘ông nhận ba lô mà không hề hay biết là có tiền trong đó’.

Về phần mình, ông Phạm Xuân Thăng nhận 5 năm tù về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.

Các quan chức khác bị kết án còn có Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Khoa học-Công nghệ, đồng tội danh với ông Anh với mức án 3 năm tù và Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đồng tội danh với ông Thăng với mức án 4 năm tù.

Ngoại trừ Phan Quốc Việt, tất cả các bị cáo đều nhận mức án dưới khung hình phạt cho tội danh và mức độ phạm tội, và nhẹ hơn mức án mà Viện kiểm sát đề nghị, tờ Thanh niên cho biết. Nếu không, riêng nhóm bị cáo ‘Nhận hối lộ’ phải đối mặt với khung hình phạt từ 20 năm tù, chung thân cho đến tử hình.

Sở dĩ họ được mức án nhẹ hơn như vậy là do Tòa xác định họ ‘thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực phối hợp cơ quan điều tra làm rõ vụ án, tích cực khắc phục hậu quả’, theo trang mạng VnExpress. Tại tòa, các bị cáo đều đã ‘nhận tội’.

Riêng Phan Quốc Việt bị tình tiết tăng nặng là ‘lợi dụng dịch bệnh để trục lợi’, vẫn theo VnExpress.

Các bị cáo ít nhiều đều đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính để được giảm nhẹ hình phạt, cụ thể Phan Quốc Việt đã nộp hơn 200 triệu đồng và sổ tiết kiệm trị giá hơn 482 tỷ đồng, Nguyễn Thanh Long nộp 2,25 triệu đô la, Chu Ngọc Anh nộp 4,6 tỷ đồng…, trang mạng này cho biết.

Vụ án Việt Á là một trong các đại án điểm được Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đứng đầu chỉ đạo. (VOA)


Trái với nhà nước, người dân Việt mừng cho Đài Loan tiếp tục có dân chủ

Chính phủ Việt Nam tái khẳng định việc ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” ngay sau khi cuộc bầu cử dân chủ ở Đài Loan kết thúc với việc ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Tiến (DPP) Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) lên nắm quyền, một chiến thắng được các nền dân chủ thế giới đón nhận nhưng cũng được xem là có thể gây thêm căng thẳng ở Biển Đông.

Cử tri ở Đài Loan hôm 13/1 đưa ông Lại lên kế nhiệm bà Thái Anh Văn, vốn không thể tái tranh cử sau hai nhiệm kỳ liên tiếp làm tổng thống Đài Loan. Việc bầu chọn của người dân Đài Loan đã mạnh mẽ bác bỏ áp lực của Trung Quốc thúc ép họ khước từ ông Lại, một ứng cử viên mà Bắc Kinh gọi là “kẻ ly khai” và “kẻ gây rối.”

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã chúc mừng ông Lại với chiến thắng này cũng như người dân Đài Loan vì đã “thể hiện sức mạnh của hệ thống dân chủ và quy trình bầu cử vững mạnh của họ,” theo Reuters. Tương tự, theo hãng tin Anh, bộ trưởng Ngoại giao Anh và Nhật cũng như bộ ngoại giao của Đức và Pháp đều gửi lời chúc mừng.

Ông Lại Thanh Đức đắc cử tổng thống Đài Loan 2024-

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cũng đã gửi lời chúc mừng tới chính quyền vừa đắc cử của Đài Loan trong khi Bộ Ngoại giao Singapore đưa ra bình luận trong đó ca ngợi “tình hữu nghị lâu dài và gần gũi với Đài Loan.

Nhưng Trung Quốc đã ngay lập tức triệu hồi đại sứ Philippines ở Bắc Kinh cũng như khiển trách ngoại giao đối với Singapore, trong khi nhắc nhở về quan điểm “một Trung Quốc.”

Lãnh đạo Việt Nam không đưa ra bất kỳ lời chúc công khai nào đến tổng thống đắc cử Đài Loan trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhắc lại quan điểm của Hà Nội ủng hộ chính sách của Bắc Kinh.

Trên cơ sở kiên định thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, Việt Nam duy trì và phát triển quan hệ dân gian, phi chính phủ với Đài Loan…., không phát triển bất cứ quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan,” bà Hằng nói hôm 14/1 khi được phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về kết quả bầu cử người đứng đầu vùng lãnh thổ Đài Loan ngày 13/1, theo một đăng tải của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Bà Hằng cũng nói rằng “Việt Nam tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cho rằng, hòa bình, ổn định, hợp tác ở eo biển Đài Loan có vai trò quan trọng đối với khu vực và thế giới.”

Quan điểm này cũng được Việt Nam khẳng định trong các tuyên bố chung với Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Hà Nội vào giữa tháng trước và khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh hồi cuối năm 2022.

Các tuyên bố này đều nói rằng Việt Nam phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức và nhất quán ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.

Trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ nhất quán với chính sách “một Trung Quốc”, một quan điểm của Bắc Kinh rằng chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần không thể tách rời của nước này, thì nhiều người dân trong nước lại vui mừng cho nền dân chủ của Đài Loan có được thắng lợi trong cuộc bầu cử mà Trung Quốc đã không thể gây ảnh hưởng.

“Chính phủ và nhân dân nghĩ khác nhau,” ông Mạc Văn Trang, từng là Phó giáo sư-Tiến sỹ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết khi ngụ ý sự khác nhau trong quan điểm giữa lãnh đạo và công chúng Việt Nam. “Cũng như cần phân biệt Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc trong thái độ đối với Đài Loan.”

Chính phủ Trung Quốc đã mô tả cuộc bầu cử cuối tuần qua của Đài Loan là “sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình” khi ông Lại là một chính trị gia thân Mỹ, quốc gia mà Bắc Kinh coi là “kẻ xúi giục chiến tranh.”

Đài Loan là ‘tấm gương’ cho Việt Nam

Theo ông Quang A, người theo dõi sát sao các cuộc bầu cử dân chủ ở Đài Loan trong nhiều năm qua, việc Đài Loan vẫn giữ được nền dân chủ và tự do trước những áp lực của Trung Quốc bằng lá phiếu của người dân khiến ông vui và hứng khởi.

Người dân Đài Loan đã bày tỏ một ý kiến khá là dứt khoát ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan,” TS Quang A nói và cho rằng sự đàn áp của Trung Quốc ở Hong Kong đã làm cho người dân Đài Loan ủng hộ sự lãnh đạo của đảng DPP. “Bài học rút ra từ cuộc bầu cử vừa rồi là người dân Đài Loan coi trọng chế độ dân chủ của họ, đặt giá trị dân chủ cao hơn những khó khăn về vật chất.”

Tương tự, TS Mạc Văn Trang nói cuộc bầu cử vừa qua truyền cảm hứng cho ông và những người mong muốn tự do, dân chủ như Đài Loan.

“Tôi vui mừng cho Đài Loan vì người dân đã chọn bầu tổng thống là vị phó của bà Thái Anh Văn – một đảng dân chủ, tiến bộ, vì dân,” vị phó giáo sư bày tỏ cảm xúc. “Đài Loan vẫn giữ được độc lập, dân chủ, phát triển tiến bộ văn minh. Họ nhất quyết nhìn Hong Kong mà lựa chọn.”

Sự phản kháng của người Hong Kong, đặc biệt trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ của giới trẻ ở đây được biết là phong trào “dù vàng” từ năm 2014, đã nhận được sự ủng hộ của Đài Loan. Sau đó hai năm bà Thái Anh Văn, người mạnh mẽ chống lại sự ảnh hưởng của Bắc Kinh, được người Đài Loan bầu chọn làm tổng thống.

Còn ông Trần Ngọc Vương, giáo sư ngành văn học Việt Nam, bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông về con đường phát triển của Đài Loan thành dân chủ.

Dấu ấn của một chế độ độc tài toàn trị đã hầu như biến mất khỏi vũ đài chính trị!,” GS Vương viết trong đăng tải trên trang Facebook cá nhân. “Thay chỗ cho tinh thần vị chủng, ‘Hoa tâm luận’, là một xã hội khai phóng, cởi mở, đặc biệt quan tâm đến các nhóm cư dân thiểu số và yếu thế. Đài Loan có một xu hướng xã hội chung mang tính ưu thắng là khát vọng tự cường, cả về kinh tế, cả về tiềm lực ‘quốc gia’ về quân sự, văn hóa, khoa học, giáo dục…. Điều đó được hiển thị qua 3 kỳ bầu cử… Lá phiếu bầu cử toàn dân đã khẳng định ý chí của cộng đồng!”

Bà Thái Anh Văn làm tổng thống Đài Loan trong hai nhiệm kỳ liên tiếp từ 2016 đến khi ông Lại đắc cử và tiếp tục giúp cho Đảng DPP cầm quyền ở quốc đảo được cai trị bằng dân chủ.

Ông Quang A, một trong những lãnh đạo của phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam và từng tham dự phiên điều trần về nhân quyền cho Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), cho rằng Đài Loan có thể chế chính trị giống với Việt Nam và Trung Quốc khi quốc đảo này còn nằm dưới chế độ độc tài Quốc dân Đảng về mặt “đường lối, tổ chức, hay cách tuyên truyền.”

“Hoàn cảnh kinh tế của Đài Loan lúc đó cũng giống với hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam bây giờ,” ông Quang A nói và cho rằng Việt Nam dù dưới chế độ Cộng sản nhưng có nền kinh tế thị trường, tương tự như Đài Loan khi qua quá trình chuyển đổi từ thời Tưởng Giới Thạch, người kiến thiết và bảo vệ Đài Loan khỏi Trung Hoa lục địa. “Với sự giống nhau như thế, người Việt Nam có thể học được ở Đài Loan trong giai đoạn phát triển vài ba chục năm qua.”

Tương tự, TS Mạc Văn Trang, cũng là một nhà phản biện các vấn đề xã hội, cho rằng Đài Loan là “một tấm gương tốt cho Việt Nam tham khảo.”

“Từ chế độ độc tài Tưởng Giới Thạch, Đài Loan đã chuyển sang chế độ dân chủ một cách hòa bình, đưa Đài Loan phát triển về kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục tuyệt vời. Nhờ đó, Đài Loan được thế giới ngưỡng mộ và là khát vọng của nhân dân Hoa lục,” vị phó giáo sư từng tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết.

Còn TS Quang A mong muốn và cổ vũ cho các học giả, nhất là những người trẻ, ở Việt Nam được “đưa sang Đài Loan để học hỏi về quá trình thay đổi chính trị hay hoạt động chính trị”.

Khi được hỏi liệu điều này có khả thi khi lãnh đạo Việt Nam đang đi theo đường lối giống Trung Quốc, nước không công nhận sự độc lập của Đài Loan, TS Quang A cho rằng việc Việt Nam phản ứng với chính sách “một Trung Quốc” cũng giống như cách Mỹ và các nước phương Tây đưa ra quan điểm trong khi họ vẫn có quan hệ không chính thức với Đài Loan.

Một số lượng lớn người Việt Nam sang lao động ở Đài Loan hàng năm và, theo ông Quang A, những người này có thể học hỏi ở Đài Loan để mong muốn thay đổi ở Việt Nam.

“Nếu ngày càng có nhiều người suy nghĩ theo hướng đó thì công cuộc phát triển của Việt Nam tiến tới dân chủ sẽ rất nhanh,” ông Quang A nói, ngụ ý về sự học hỏi từ cách người Đài Loan tiến lên dân chủ. “Còn nếu đại đa số thờ ơ không quan tâm thì họ đành phải chịu số phận làm nô lệ. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để khuyến khích họ, cổ vũ họ, gây cảm hứng cho họ tìm hiểu về tình hình Đài Loan, tình hình thế giới cũng như tình hình trong nước để có hành động phù hợp cho việc phát triển đất nước.”


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 8-9-10/4/2024.
  • Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại chung về Trung Cộng
  • Tổng thống Zelensky cảnh báo: “Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina bại trận”
  • Xung đột dải Gaza: Israel ấn định ngày cho cuộc tấn công Rafah
  • Philippines-Mỹ-Nhật-Úc tập trận phối hợp đối phó "các tình huống hàng hải" ở Biển Đông
  • Fitch hạ điểm triển vọng tín nhiệm Trung Cộng (RFI)
  • Ukraine và Anh ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí
  • Washington không để Trung Cộng đe dọa việc làm và ngành công nghiệp Hoa Kỳ
  • Miến Điện: Phe nổi dậy kiểm soát một thành phố quan trọng sát biên giới Thái Lan
  • Bầu cử Quốc Hội Nam Hàn: Trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Yoon Suk Yeol
  • Tỉnh đầu tiên của Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán
  • Việt Nam sẽ đầu tư thêm hơn 7 tỷ USD để đẩy mạnh khai thác bô xít
  • Việt Nam đề nghị Ả Rập Xê Út tiếp nhận thêm lao động giúp việc nhà
  • Cổ phiếu VinFast rớt giá kỷ lục xuống mức đáy từ khi lên sàn Nasdaq ở Mỹ
  • Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030
  • Việt Nam phá đường dây tín dụng đen 2000% tiền lời
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 1-2-3/4/2024
  • Ukraine: Drone oanh kích sâu trong lãnh thổ, nguồn xăng dầu của Nga
  • Viện trợ quân sự cho Ukraina: NATO bàn lập quỹ 100 tỉ euro
  • Israel không kích Gaza, nhiều nhân viên cứu trợ nhân đạo nước ngoài thiệt mạng
  • Bầu cử thị trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ: Phe đối lập thắng lớn
  • Teheran thề trả đũa vụ Israel oanh kích Damas, giết chết 7 Vệ binh Iran
  • Chính quyền Biden cân nhắc giao vũ khí trị giá 18 tỷ USD cho Israel
  • “Hội chứng La Havana”: Màn bí mật đã được vén lên
  • Nhật Bản và Mỹ thắt chặt hợp tác an ninh với Anh, Úc và Philippines
  • New Delhi phản đối Bắc Kinh đặt tên Tầu cho 30 địa điểm ở biên giới Himalaya
  • Bộ Ngoại giao Mỹ: án tù cho nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam là bất công
  • Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh Vatican sẽ thăm Việt Nam
  • Phật Giáo Hòa Hảo bị cấm hành lễ
  • Nạn nhân Việt Nam trong hoạt động buôn người ở Đông Nam Á
  • Thanh niên chết tại trụ sở Công an Long Thành
  • FB của chính phủ Việt Nam chỉ trích Facebooker ngoại quốc về hành vi phỉ báng
  • Gần 74.000 doanh nghiệp Việt rời thị trường trong quý một
  • Tin Chính Trong Tuần 25-26-27/3/2024.
  • Hai tàu chiến Nga tại bán đảo Crimée bị Ukraina ''oanh kích''
  • Khủng bố: Putin thừa nhận thủ phạm là Hồi giáo cực đoan, nhưng vẫn cáo buộc Ukraina
  • Trước đe doạ khủng bố, hàng loạt nước châu Âu nâng mức cảnh báo an ninh
  • Bộ Quốc Phòng Anh: Hạm đội Biển Đen của Nga đã ‘‘tê liệt’’ trên thực tế
  • Nam Hàn 'quan ngại sâu sắc' việc Trung Cộng dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines
  • LHQ thông qua nghị quyết ngưng bắn ở Gaza, quan hệ Mỹ - Israel căng thẳng
  • Nhật Bản phê duyệt sửa đổi quy định xuất khẩu chiến đấu cơ
  • Mỹ, Anh và New Zealand đồng loạt tố cáo Trung Cộng tấn công mạng
  • Ấn Độ ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền lãnh hải
  • TBT Nguyễn Phú Trọng mời TT Putin thăm Hà Nội
  • Võ Văn Thưởng mất chức, Giới đầu tư nước ngoài nghi ngại
  • Hơn 10.000 tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam trong năm qua
  • 500 người Việt vượt biển vào Anh quốc
  • Việt Nam sa thải HLV Troussier sau khi gần hết cơ hội vào World Cup
  • Giới hoạt động quan ngại về cái chết ‘bất thường’ của một tín đồ ở Đắk Lắk
  • Việt nam bắt Sư trụ trì chùa Đại Thọ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”
  • Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh không được tại ngoại để chữa ung thư