Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Đảng Cộng Hòa Đề Nghị Cắt Tài Trợ Cho Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới

Một số dân biểu đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã đề xướng một dự luật cấm dùng tiền thuế của người Mỹ để tài trợ cho Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF), đồng thời chỉ trích tổ chức xuyên quốc gia này đã đặt ra các mục tiêu sai lầm, theo chủ nghĩa tinh hoa, và “chống lại Hoa Kỳ”.

Klaus Schwab (photo: Reuters)

Theo một thông cáo báo chí hôm 19/01, dự luật này, được gọi là Đạo luật Cắt Tài Trợ Davos, sẽ cấm bất cứ khoản kinh phí nào được cấp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ — hoặc bất cứ bộ nào hoặc cơ quan nào khác có liên quan đến vấn đề đó — tài trợ cho WEF.

Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania), một trong những nhà tài trợ của dự luật, cho biết trong một tuyên bố: “Việc buộc những người đóng thuế Mỹ tài trợ cho các chuyến đi trượt tuyết hàng năm của những người theo chủ nghĩa tinh hoa toàn cầu, là một điều vô lý — nếu không nói là đáng trách. Diễn đàn Kinh tế Thế giới không xứng đáng nhận được một xu tài trợ nào từ Mỹ, và đã đến lúc chúng tôi cắt ngân sách cho Davos”.

Tham gia cùng ông Perry trong việc đồng bảo trợ cho dự luật này còn có các Dân biểu Tom Tiffany (Cộng Hòa-Wisconsin), Paul Gosal (Cộng Hòa-Arizona), Diana Harshbarger (Cộng Hòa-Tennessee), Andy Ogles (Cộng Hòa-Tennessee), và Matt Rosendale (Cộng Hòa-Montana).

Ông Tiffany cho biết trong một tuyên bố rằng “Đạo luật Cắt tài trợ Davos sẽ bảo đảm rằng tiền thuế của Hoa Kỳ không tài trợ cho Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới và việc họ tái thiết lối sống của chúng ta”.

“Tái thiết” rõ ràng là ám chỉ đến một tập hợp các ý tưởng do người sáng lập kiêm chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab đưa ra trong cuốn sách mà ông là đồng tác giả có nhan đề “The Great Reset” (Đại Tái Thiết). Theo đó, ông đã tóm tắt trong một bài xã luận rằng đó là một nỗ lực điều phối toàn cầu nhằm “sửa chữa tất cả các phương diện trong các xã hội và các nền kinh tế của chúng ta” mà trong đó mọi quốc gia, gồm có Hoa Kỳ, “phải tham gia”.

Ông Schwab mô tả nghị trình Đại Tái Thiết có ba phần chính: một là “lèo lái thị trường hướng tới những kết quả công bằng hơn”, trong đó có việc rút lại trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và có thể áp đặt thuế tài sản.

Theo ông Schwab, phần thứ hai của nghị trình này là đưa ra các biện pháp nhằm bảo đảm rằng các khoản đầu tư đều hướng tới việc đạt được “các mục tiêu chung, chẳng hạn như bình đẳng và bền vững”, bao gồm cả cơ sở hạ tầng “xanh”, đồng thời tạo ra một hệ thống kiểu “cây gậy và củ cà rốt” (carrot-and-stick) với những ưu đãi để buộc các ngành phải đáp ứng các chỉ số về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG).

Phần thứ ba của nghị trình Đại Tái Thiết sẽ là “khai thác những đổi mới của Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư”, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo để “trợ giúp lợi ích cộng đồng” và giải quyết các thách thức về sức khỏe và xã hội, chẳng hạn như tạo ra các quy định truy tìm các ca nhiễm bệnh hoặc theo dõi tình trạng chích ngừa.

Trong các cuộc họp của WEF năm nay (diễn ra từ ngày 15 đến ngày 19/01), Vương hậu Máxima của Hoà Lan, một nhà vận động công bằng xã hội kỳ cựu và từng là Người ủng hộ Đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Tài Chính Toàn Diện Cho Phát Triển (UNSGSA), đã kêu gọi việc áp dụng rộng rãi thẻ căn cước digital, sinh trắc học có thể được các chính phủ sử dụng để theo dõi “ai đã thực sự chích ngừa hay chưa chích ngừa”.

Đảng Cộng Hòa phản đối việc Hoa Kỳ tài trợ cho WEF là vì họ cho rằng đây là một diễn đàn cho phép giới tinh hoa trên toàn cầu cũng như các nhà lãnh đạo của các quốc gia như Trung Cộng và Iran thúc đẩy các biện pháp làm phương hại đến lợi ích của Hoa Kỳ.

Trong nhiều năm qua Hoa Kỳ đã chi trả hàng triệu dollar để tài trợ cho WEF và hội nghị thường niên của giới tinh hoa toàn cầu trong tổ chức này. Đảng Cộng Hòa cho rằng các cuộc thảo luận trong tổ chức này bao gồm “những ý tưởng ghê tởm như đoàn kết toàn cầu và ăn sâu bọ để giải quyết nạn đói trên thế giới”.

Ông Schwab đã nhấn mạnh trong cuốn “Đại Tái Thiết” rằng, WEF cùng các nhà lãnh đạo của tổ chức này đã ủng hộ cách quản trị từ trên xuống để kiểm soát các mối đe dọa khác nhau, trong đó có việc chỉnh lý lại chủ nghĩa tư bản để phân bổ lợi ích một cách đồng đều hơn và củng cố cấu trúc toàn cầu của các tổ chức đa quốc gia.

Các nhà phê bình cho rằng WEF đại diện cho một nỗ lực của các tổ chức quốc tế nhằm làm suy yếu chủ quyền quốc gia bằng cách tập trung quyền lực và ra quyết định gây tổn hại đến sự tự do cá nhân và các cộng đồng địa phương.


Các Bậc Cha Mẹ Đang Chiến Thắng Trong Cuộc Chiến Lựa Chọn Trường Học

Bà Nicole Andrews, một người mẹ có 5 con, sống tại Florida, thẳng thắn trả lời khi được hỏi tại sao bà lại gửi con mình đến trường bán công lập thay vì trường công lập được chỉ định cho cộng đồng.

Bà nói với The Epoch Times rằng bà muốn các con của mình vào trường bán công lập vì trường này có “một nền văn hóa khác”. Các bậc cha mẹ khác cũng cảm thấy như vậy.

Bà Andrews cho biết, tại Học viện Cổ điển St. Johns, “Có một mức độ kỳ vọng và sự khắt khe khác nhau. Có một bộ giá trị khác nhau. Có một kiểu tư duy khác về giá trị của giáo dục”.

Ngoài ra còn có một danh sách chờ để có chỗ ở cả hai cơ sở của trường, ở Fleming Island và Orange Park, ở khu vực phía đông bắc của tiểu bang. Trường được thành lập vào tháng 08/2017 và miễn phí nhập học.

Bà Andrews là một trong số hàng trăm ngàn bậc cha mẹ trên khắp nước Mỹ đang chuyển đổi từ trường công lập sang các hình thức giáo dục khác.

Nói chung, việc lựa chọn trường học cho phép các bậc cha mẹ yêu cầu số tiền đóng thuế dành cho con em đi học, được sử dụng cho các lựa chọn khác. Điều đó có thể có nghĩa là chuyển số tiền này sang một trường bán công lập, sử dụng số tiền đó để trả học phí cho một trường tư thục hoặc coi đó là khoản hoàn trả cho các chi phí giáo dục tại gia.

Mới đây, nhiều tiểu bang đã thông qua luật để đưa ra một số hình thức của chương trình lựa chọn trường học.

Hiện tại, 10 tiểu bang có sự lựa chọn trường học phổ thông, dành cho mọi trẻ em. Những tiểu bang đó gồm Arizona, Arkansas, Florida, Iowa, Ohio, Oklahoma, Utah, West Virginia, Indiana, và North Carolina.

Nhiều tiểu bang khác có chương trình chọn trường cho một số trẻ em đủ điều kiện. Một số phục vụ cho trẻ em trong nhóm những gia đình có thu nhập thấp. Một số khác cung cấp sự trợ giúp cho trẻ em gặp khó khăn trong học tập hoặc các nhu cầu đặc biệt khác.

Ở một số tiểu bang, các chương trình cho phép công quỹ được dành riêng cho việc học tập của mỗi đứa trẻ sau khi một đứa trẻ rời trường công lập. Sau đó, số tiền đó có thể được sử dụng để đóng học phí cho các trường tư thục. Hoặc số tiền này có thể được chuyển để tài trợ cho đứa trẻ đó theo học tại một trường bán công lập.

Các trường bán công lập được tài trợ bằng công quỹ, nhưng hoạt động độc lập với hệ thống trường công lập.

Ở một số tiểu bang, lựa chọn trường học có nghĩa là ngay cả cha mẹ chọn giáo dục tại gia cũng có thể sử dụng công quỹ được phân bổ cho những thứ như chương trình giảng dạy và dạy kèm để giáo dục con em họ.

Các lựa chọn khác nhau tùy theo từng tiểu bang. Và số tiền từ công quỹ dành cho mỗi đứa trẻ thường ở trong khoảng 5,000 USD đến 8,000 USD, tùy thuộc vào từng tiểu bang.

Bộ Giáo dục báo cáo rằng chính phủ đã chi trung bình 14,295 USD cho mỗi học sinh tại các trường công lập từ tiểu học đến lớp 12 trong năm học 2020–2021.

Nhiều người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống ủng hộ ý tưởng lựa chọn trường học, cho rằng việc này sẽ buộc các trường công lập yếu kém phải cải thiện hoặc là phải mất học sinh. Và quan trọng hơn, họ nói, những trường học yếu kém đó sẽ mất nguồn tài trợ.

Một số bậc cha mẹ trước đây đã tự mình trả học phí ở trường tư thục hoặc chi phí giáo dục tại gia cho con mình mà không cần sự trợ giúp của chính phủ, cho biết rằng các chương trình lựa chọn trường học mang lại sự công bằng rất cần thiết.

Đó là vì — bằng cách đóng thuế — các bậc cha mẹ đó đóng góp vào công quỹ dùng để chi trả cho giáo dục công lập. Nhưng họ không nhận được bất cứ lợi ích nào và vẫn phải trang trải chi phí học tập cho con mình.


FBI, CISA Cảnh Báo Nguy Cơ An Ninh Do Máy Bay Không Người Lái Của Trung Cộng

Trong một bản ghi nhớ và báo cáo do FBI và Cơ Quan An Ninh Mạng và An Ninh Cơ Sở Hạ Tầng (CISA) đưa ra hôm 17/01, các chủ sở hữu và nhà điều hành cơ sở hạ tầng trọng yếu của Hoa Kỳ đang được cảnh báo không sử dụng các máy bay không người lái (UAS) do Trung Cộng sản xuất vì những rủi ro về an ninh và bảo mật.

máy bay không người lái (drone-DJI)

Trong một bản ghi nhớ kèm theo bản báo cáo có tiêu đề “Hướng dẫn An ninh Mạng: UAS do Trung Cộng sản xuất”, ông David Mussington, trợ lý giám đốc điều hành về An Ninh Cơ Sở Hạ Tầng của CISA, cho biết: “Các lãnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia chúng ta, chẳng hạn như năng lượng, hóa chất và truyền thông, đang ngày càng dựa vào UAS để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau nhằm giảm chi phí vận hành và cải thiện sự an toàn của nhân viên”.

“Tuy nhiên, việc sử dụng UAS do Trung Cộng sản xuất có nguy cơ làm lộ thông tin nhạy cảm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, cũng như sự an toàn và sức khỏe cộng đồng của Hoa Kỳ”.

Ông Mussington nói thêm: Phải “chú ý khẩn cấp” đến “các hoạt động mạng hung hãn của Trung Cộng nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ và dữ kiện nhạy cảm từ các tổ chức”.

Máy bay không người lái (drone) do Trung Cộng sản xuất từ lâu đã là một mối lo ngại ở Hoa Kỳ, đặc biệt là những chiếc được sản xuất bởi công ty Kỹ Nghệ Đổi Mới Đại Cương (Da Jiang Innovations, DJI) có trụ sở tại Trung Quốc, nhà sản xuất máy bay không người lái thương mại lớn nhất thế giới. Tháng 12/2020, Bộ Thương mại đã bổ sung DJI vào danh sách kiểm soát xuất cảng vì dính líu tới những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Trung Cộng. Hai năm sau, Ngũ Giác Đài bổ túc DJI vào danh sách “các công ty quân sự Trung Cộng”,  đang hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp ở Hoa Kỳ.

Bản báo cáo của FBI-CISA không đề cập đích danh DJI hoặc các nhà sản xuất UAS khác của Trung Cộng.  Tuy nhiên, bản báo cáo nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến việc sử dụng những máy bay không người lái do Trung Cộng sản xuất bằng cách chỉ ra các luật khác nhau của Trung Cộng, trong đó có Luật Tình báo Quốc gia có hiệu lực vào năm 2017, vốn buộc các công ty Trung Cộng phải giao dữ kiện được thu thập ở bên trong Trung Quốc và các nơi khác cho các cơ quan tình báo của Bắc Kinh.

Bản báo cáo đề cập đến luật của Trung Cộng, “Luật Bảo mật Dữ kiện năm 2021 mở rộng quyền truy cập và kiểm soát của Trung Cộng đối với các công ty và dữ kiện ở Trung Quốc, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc nếu không tuân thủ”.

Bản báo cáo cho biết thêm: “Luật Báo cáo Lỗ hổng Mạng năm 2021 quy định các công ty có trụ sở tại Trung Quốc phải tiết lộ các lỗ hổng mạng được tìm thấy trong hệ thống hoặc nhu liệu cho nhà cầm quyền Trung Cộng trước khi tiết lộ hoặc chia sẻ công khai ra ngoại quốc”.

“Điều này có thể mang lại cho nhà cầm quyền Trung Cộng cơ hội để khai thác các lỗ hổng hệ thống trước khi các lỗ hổng mạng được công chúng biết đến”.

Bản báo cáo chỉ ra ba lỗ hổng lớn mà drone của Trung Cộng có thể khai thác: truyền và thu thập dữ kiện, vá lỗi và cập nhật chương trình cơ sở (firmware), và bề mặt rộng lớn hơn để thu thập dữ kiện. Máy bay không người lái được điều khiển bởi điện thoại thông minh và các thiết bị kết nối Internet khác có thể cho phép thu thập thông tin tình báo ngoại quốc trên cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ.

Theo bản báo cáo, hình ảnh nhạy cảm, dữ kiện khảo sát, và cách bố trí cơ sở là một số trong số dữ kiện dễ bị tấn công “cho phép các địch thủ ngoại quốc như Trung Cộng truy cập vào thông tin tình báo mà trước đây không thể tiếp cận được”.

Trong một tuyên bố, ông Bryan Vorndran, trợ lý giám đốc Bộ phận Mạng của FBI, cho biết: “Nếu không có các biện pháp giảm thiểu tại chỗ, thì việc khai triển rộng rãi UAS do Trung Cộng sản xuất trong các lãnh vực quan trọng của quốc gia chúng ta là một mối lo ngại về an ninh quốc gia, và điều này chứa đựng nguy cơ truy cập trái phép vào các hệ thống và dữ kiện”.


Quân Đội Và Nhà Cầm Quyền Trung Cộng Mua Vi Mạch Bán Dẫn Nvidia, Bất Chấp Lệnh Cấm Của Hoa Kỳ

Một đánh giá của Reuters về các tài liệu đấu thầu cho thấy, các cơ quan quân sự Trung Quốc, các viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo do nhà nước điều hành, và các trường đại học trong năm qua đã mua các lô hàng nhỏ chất bán dẫn của hãng Nvidia, vốn bị Hoa Kỳ cấm xuất cảng sang Trung Quốc.

Những đợt bán hàng của các nhà cung cấp Trung Quốc hầu như ít nổi tiếng này làm nổi bật những khó khăn mà Hoa Thịnh Đốn phải đối mặt, bất chấp lệnh cấm, trong việc cắt đứt hoàn toàn khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các vi mạch bán dẫn tân tiến của Hoa Kỳ — những sản phẩm có thể giúp thúc đẩy những đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI) và máy điện toán tinh vi cho quân đội của Trung Quốc.

Các giao dịch mua hoặc bán vi mạch bán dẫn cao cấp của Hoa Kỳ không phải là bất hợp pháp ở Trung Quốc và các tài liệu đấu thầu được công bố cho thấy hàng chục tổ chức Trung Quốc đã mua và nhận chất bán dẫn của Nvidia kể từ khi các hạn chế được áp dụng.

Các lô hàng này gồm A100 và vi mạch bán dẫn H100 mạnh hơn — việc xuất cảng loại vi mạch bán dẫn này sang Trung Quốc và Hồng Kông đã bị cấm hồi tháng 09/2022 — cũng như các vi mạch bán dẫn A800 và H800 chậm hơn mà Nvidia sau đó đã phát triển cho thị trường Trung Quốc nhưng cũng đã bị cấm hồi tháng 10/2023.

Các bộ xử lý đồ họa — một loại vi mạch bán dẫn — do Nvidia chế tạo được nhiều người xem là vượt trội hơn nhiều so với các sản phẩm đối thủ về vận hành AI vì chúng có thể xử lý hiệu quả hơn lượng dữ kiện to lớn cần thiết cho các tác vụ của machine learning(*).

Nhu cầu và sự tiếp cận không ngừng tới các vi mạch bán dẫn Nvidia bị cấm cũng cho thấy các công ty Trung Quốc đang thiếu các lựa chọn mặc dù các sản phẩm đối thủ từ Huawei và các hãng khác đã bước đầu được phát triển. Trước khi có các lệnh cấm này, Nvidia chiếm 90% thị phần vi mạch bán dẫn AI của Trung Quốc.

Các bên mua hàng gồm các trường đại học hàng đầu cũng như hai tổ chức chịu các lệnh hạn chế xuất cảng của Hoa Kỳ — Viện Kỹ nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học Khoa học và Kỹ nghệ Điện tử Trung Quốc. Hai tổ chức này đã bị cáo buộc có liên quan đến các vấn đề quân sự hoặc liên kết với một cơ quan quân sự, đi ngược lại với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Viện Kỹ nghệ Cáp Nhĩ Tân đã mua sáu vi mạch bán dẫn Nvidia A100 vào tháng 05/2023 để đào tạo một mô hình deep learning. Đại học Khoa học và Kỹ nghệ Điện tử Trung Quốc cũng đã mua thêm một vi mạch A100 vào tháng 12/2022 và mục đích của lần mua này là không thể xác định được.

Đánh giá của Reuters cho thấy cả Nvidia và các nhà bán lẻ được công ty này cấp quyền đều không nằm trong số các nhà cung cấp được xác định nói trên. Không rõ làm thế nào mà các nhà cung cấp này mua được vi mạch bán dẫn Nvidia.

Tuy nhiên, sau khi Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp hạn chế, một thị trường chợ đen ở Trung Quốc cho những vi mạch bán dẫn như vậy đã mọc lên. Các nhà cung cấp Trung Quốc từng cho biết họ đã nhanh tay mua vào lượng hàng dư thừa đang tìm cách tiếp cận thị trường sau khi Nvidia vận chuyển số lượng lớn cho các công ty lớn của Hoa Kỳ hoặc họ nhập cảng thông qua các công ty được thành lập tại địa phương ở những nước như Ấn Độ, Đài Loan, và Singapore.

10 nhà cung cấp được liệt kê trong tài liệu đấu thầu, gồm cả những nhà cung cấp được đề cập trong bài viết này đã được Reuters yêu cầu bình luận — nhưng không ai trong số họ phản hồi.


Phiến Quân Phóng Hỏa Tiễn Vào Căn Cứ Không Quân Của Liên Quân Ở Iraq

Tối thứ Bảy (20/01), các phiến quân được Iran hậu thuẫn ở miền tây Iraq đã tấn công căn cứ không quân al-Asad của lực lượng liên quân quốc tế do Hoa Kỳ đứng đầu, gây thương tích cho các binh sĩ Hoa Kỳ và Iraq.

Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM) cho biết, vào khoảng 18 giờ 30 phút, nhiều hỏa tiễn đạn đạo đã được phóng vào căn cứ không quân của liên minh. Nhiều hoả tiễn đã bị hệ thống phòng không của căn cứ đánh chặn nhưng một số khác đã bắn trúng mục tiêu.

Theo báo cáo ban đầu hôm thứ Bảy, 15 hoả tiễn đã được bắn ra, trong đó 13 quả đã bị bắn hạ, hai quả đã rơi trúng căn cứ.

CENTCOM cho biết, “Việc đánh giá thiệt hại đang được tiến hành. Một số binh sĩ Hoa Kỳ đang được kiểm tra sức khoẻ. Có ít nhất một quân nhân Iraq đã bị thương”.

Căn cứ không quân al-Asad này từng bị tấn công bằng phi đạn đạn đạo hôm 20/11/2023, khiến tám người bị thương, đánh dấu một sự leo thang lớn trong việc sử dụng phi đạn đạn đạo có sức tàn phá cao hơn. Hoa Kỳ đáp trả bằng một cuộc tấn công trả đũa, khiến một số phiến quân tử vong. Sau đó, Ngũ Giác Đài đã lắp đặt hệ thống phòng không Patriot tại căn cứ này.

Hôm Thứ Bảy, một nhóm liên kết với Iran tự xưng là “Kháng chiến Hồi Giáo ở Iraq” đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công này.

Trước đó vào thứ Bảy, Tehran cho biết, một cuộc tấn công của Israel vào một tòa nhà nhiều tầng tại thành phố Damascus, Syria, khiến người đứng đầu cơ quan tình báo của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại Syria, Chuẩn tướng Sadegh Omidzadehh (còn gọi là Hojjatollah Omidvar hay “Hajj Sadegh”), một người phụ tá của ông, cùng bốn thành viên IRGC khác, tử vong.

Theo các báo cáo của Bộ Quốc Phòng Syria và tiết lộ của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, có trụ sở tại Vương quốc Anh, có bốn người khác thương vong trong vụ này, và thông tấn AFP mô tả họ là “các nhà lãnh đạo và chiến binh liên kết với Iran”. Những nhà lãnh đạo này được cho là đã tập trung để họp tại tòa nhà thuộc sở hữu của IRGC trong một khu vực an ninh dành cho các nhà lãnh đạo IRGC.


Các Cuộc Tấn Công Ở Hồng Hải Cho Thấy Trung Cộng Muốn Đánh Lạc Hướng

Trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng gần đây, lực lượng vũ trang Houthi đã tiến hành các cuộc tấn công vào tàu thuyền đi qua Hồng Hải, gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng đây là một hành động chiến lược của Iran, tiếp theo sau hành động xúi giục Hamas tấn công Israel. Đồng thời, có những lời khẳng định cho rằng Trung Cộng đang tìm cách chuyển hướng sự chú ý của Hoa Kỳ khỏi Thái Bình Dương bằng cách kích thích xung đột ở Trung Đông, bởi vì phi đạn được sử dụng trong các cuộc tấn công ở Hồng Hải là do Trung Cộng cung cấp.

BBC đưa tin, hôm thứ Năm (18/01), Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc tấn công thứ năm vào lực lượng vũ trang Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Đợt tấn công này là hành động phản kháng mới nhất vào lực lượng vũ trang Houthi do Iran hậu thuẫn. Lực lượng này cũng đang chiến đấu chống lại chính phủ Yemen vốn được quốc tế hậu thuẫn giành quyền kiểm soát địa phương.

Hôm 12/01, Hoa Kỳ và các đồng minh đã tiến hành một chiến dịch quan trọng với hơn 100 phi đạn dẫn đường chính xác, tấn công hơn 60 mục tiêu trên 28 địa điểm do Houthi kiểm soát.

Các mục tiêu bao gồm tài sản của lực lượng vũ trang Houthi, chẳng hạn như các nút chỉ huy và kiểm soát, kho đạn dược, nhà kho, hệ thống phóng [phi đạn], cơ sở sản xuất, và hệ thống radar phòng không.

Chiến dịch này là nhằm đáp trả các cuộc tấn công liên tục của lực lượng Houthi vào các tàu hàng ở Hồng Hải kể từ tháng 11/2023, uy hiếp các cuộc vận chuyển năng lượng và thương mại quan trọng trên toàn cầu.

Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công này, được các đồng minh của Hoa Kỳ trợ giúp, là để đối phó với “hành động cực đoan” của lực lượng Houthi.

Ông Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung Tâm Tình Báo Chung Hawaii, tin rằng chiến dịch này rất quan trọng và nhằm làm giảm bớt khả năng của Houthi trong việc tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo.

Ông Schuster cho biết, các cuộc tấn công của Hoa Kỳ đã gây tổn thất đáng kể cho lực lượng vũ trang Houthi, có thể làm tổn hại đến năng lực kiểm soát lãnh thổ của Houthi ở Yemen. Do đó, lực lượng Houthi có thể phải ngừng gây rối ở Hồng Hải.

Tuy nhiên, ông Schuster vẫn còn lo ngại Iran có thể xúi giục lực lượng Houthi tiếp tục quấy rối đường vận chuyển đi ngang qua Yemen. Ông Schuster cũng đưa ra nhận định rằng, Iran gây áp lực lên Âu Châu và Hoa Kỳ để ép buộc Israel dừng các cuộc tấn công vào Hamas ở Gaza.

Sự hỗn loạn ở Hồng Hải đặt ra một mối đe dọa đối với các tuyến vận tải thương mại lớn, được Iran tận dụng “đòn bẩy kinh tế” để chống lại Âu Châu và Hoa Kỳ.

Ngày 07/10/2023, Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, sử dụng hơn 3,000 hỏa tiễn trong 4 giờ đồng hồ đầu tiên cùng 2,500 kẻ khủng bố có vũ trang chọc thủng hệ thống phòng thủ của Israel. Cuộc tấn công đã khiến 1,200 thường dân thiệt mạng và đánh dấu sự xâm phạm trầm trọng biên giới Israel kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Ông Fabian Hinz, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, cho biết lực lượng vũ trang Houthi đang có trong tay hai phi đạn đạn đạo chống hạm đáng gờm là “Asef” và “Tankil” với những cải tiến tiềm năng dựa trên bản thiết kế có sẵn của Iran. Được biết đây là loại phi đạn do Trung Cộng chế tạo và cung cấp cho Iran trong chiến tranh Iran-Iraq từ những năm 1980.


Giám Đốc Tình Báo Trung Cộng Đến Thăm Hoa Kỳ

Ông Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương, mới đây đã dẫn đầu một phái đoàn đến Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Ban Liên Lạc Đối Ngoại là cơ quan tình báo của Trung Cộng, chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại. Ông Lưu nắm quyền điều hành cơ quan này hồi năm 2022.

Các nhà quan sát chính trị tin rằng vào thời điểm quan trọng trước cuộc bầu cử ở Đài Loan, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã chọn người đứng đầu ban liên lạc này để can dự tại một cuộc họp cấp cao với các viên chức Hoa Kỳ nhằm thay mặt chủ tịch để truyền đạt lập trường ngoại giao của Trung Cộng. Như vậy, ở một mức độ nào đó, ông Lưu đang đóng vai trò của một ngoại trưởng.

Hôm 12/01, một ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã gặp ông Lưu.

Khác với giọng điệu ngoại giao quá khích trước đây của Trung Cộng, ông Lưu đã dịu giọng hơn trong một sự kiện công khai hôm 09/01 do Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ (CFR) tổ chức để kỷ niệm 45 năm mối bang giao Mỹ-Hoa.

Nhà ngoại giao cộng sản 60 tuổi này cho biết Trung Cộng không tham gia vào các cuộc chiến tranh nóng hay lạnh với các nước khác, cũng như không tìm cách thay đổi trật tự quốc tế hiện tại, trong khi nhắc lại rằng vấn đề Đài Loan là một “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh.

Trước những cáo buộc cho rằng Trung Cộng xuất cảng lượng lớn fentanyl sang Hoa Kỳ, ông Lưu cho biết cả hai nước sẽ hợp tác để “giải quyết những thách thức chung”. Và phía Trung Cộng mong đợi “những kết quả cụ thể”.

Ông Lưu tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và đã làm việc lâu năm ở Bộ Ngoại giao. Ông từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Thông tin, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao. Ngoài ra, ông từng làm đại sứ ở nhiều nước, nên trình độ của ông tương đương ông Tần Cương (Qin Gang), vị cựu ngoại trưởng đã biến mất hơn nửa năm mà nguyên nhân vẫn còn là một bí ẩn.


Phòng Thí Nghiệm Trung Cộng Đã Lập Bản Đồ Trình Tự Gene COVID-19

Các tài liệu do Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Hoa Kỳ công bố tiết lộ rằng bà Ren Lili, một người đang sống tại Bắc Kinh và nhận kinh phí từ chính phủ Hoa Kỳ qua tổ chức nghiên cứu bất vụ lợi EcoHealth Alliance ở New York, đã tải dữ kiện chuỗi gene COVID-19 lên một cơ sở dữ kiện di truyền của chính phủ Hoa Kỳ vào ngày 28/12/2019. EcoHealth Alliance hiện vẫn đang nhận trợ cấp của chính phủ qua một cơ quan khác.

Vào thời điểm đó, nhà cầm quyền Trung Cộng vẫn gọi căn bệnh này là một bệnh viêm phổi lạ và ra lệnh cho nhân viên y tế không lan truyền bất cứ thông tin nào về căn bệnh này cũng như đe dọa truy cứu trách nhiệm nếu vi phạm.

Phải đến ngày 12/01 — hơn hai tuần sau — Bắc Kinh mới chia sẻ trình tự gene với Tổ chức Y tế Thế giới. Thêm hai ngày nữa thì chế độ cầm quyền này thừa nhận căn bệnh này có thể lây từ người sang người.

Theo một bức thư mà Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh gửi đến Ủy ban Hạ viện, kho lưu trữ GenBank của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), nơi nhận dữ kiện từ bà Ren, đã thông báo cho nhà virus học Trung Quốc này rằng bản đệ trình này “chưa hoàn chỉnh” và “thiếu thông tin cần thiết để công bố”.

Sau một quá trình đánh giá phẩm chất nhằm sàng lọc các chi tiết kỹ thuật, GenBank đã yêu cầu bà Ren, vốn đang làm việc tại Viện Sinh học Mầm bệnh do nhà nước quản lý, cung cấp thêm thông tin nhưng chưa bao giờ nhận được phúc đáp, dẫn đến việc loại bỏ chuỗi gene này khỏi cơ sở dữ kiện vào ngày 16/01/2020. Theo bức thư mà Ủy ban Năng lượng và Thương mại công bố vào ngày 17/01 năm nay, trong khoảng thời gian này, GenBank nhận được một chuỗi gene COVID-19 gần giống hệt từ một người gửi khác và vào ngày 12/01/2020, GenBank đã công bố trình tự chuỗi gene này.

Theo lời các dân biểu đảng Cộng Hòa thuộc Ủy ban này, trái ngược với sự khẳng định của nhà cầm quyền Trung Cộng rằng họ đã minh bạch về vấn đề nguồn gốc COVID, thông tin vừa mới được phát giác nói trên đã cho thấy điều ngược lại.

Chủ tịch ủy ban McMorris Rodgers (Cộng hòa-Washington), Chủ tịch Tiểu ban Y tế Brett Guthrie (Cộng hòa-Kentucky), và Chủ tịch Tiểu ban Giám sát và Điều tra Morgan Griffith (Cộng hòa -Virginia), cho biết trong một tuyên bố chung: “Phát giác quan trọng này càng nhấn mạnh lý do tại sao chúng ta không thể tin vào cái gọi là ‘các dữ kiện’ hoặc dữ kiện nào do ĐCSTQ (Đảng Cộng Sản Trung Quốc) cung cấp và đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính hợp pháp của bất cứ lý thuyết khoa học nào dựa trên thông tin đó”.

“Người Mỹ xứng đáng được biết sự thật về nguồn gốc của SARS-CoV-2, và cuộc điều tra của chúng tôi đã phát giác ra nhiều nguyên nhân gây lo ngại, bao gồm việc tiền của người đóng thuế được chi tiêu ra sao, việc các cơ quan y tế cộng đồng của chính phủ chúng ta hoạt động như thế nào, và nhu cầu cần giám sát thêm các khoản tài trợ nghiên cứu cho các nhà khoa học ngoại quốc”.

Ông Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã ca ngợi ủy ban Hạ viện này vì những phát giác nói trên, đồng thời chỉ trích chính phủ Tổng thống Biden vì “thiếu quan tâm đến việc tìm hiểu các dữ kiện căn bản về nguồn gốc của đại dịch này”. Ông lưu ý rằng báo cáo về nguồn gốc COVID đã được giải mật, bị một đạo luật năm 2023 ràng buộc, “đã bị che khuất nhiều hơn những gì báo cáo này làm sáng tỏ”, và Ủy ban Năng lượng và Thương mại chỉ nhận được thông tin này sau lời khi họ phải đe dọa ban hành trát lệnh.

Dữ kiện bộ gene virus mà bà Ren nộp lên, dữ kiện sớm nhất loại này được biết đến cho tới nay, dường như đến từ một nhân viên giao hàng 65 tuổi người Trung Quốc. Vào ngày 18/12/2019, người này đã nhập viện vì sốt cao và ho, rồi trở bệnh nặng bốn ngày sau đó.

Một blogger người Trung Quốc cho biết công ty tư nhân của họ ở thành phố Quảng Châu phía nam Trung Quốc đã phân tích các mẫu virus vào ngày 26/12/2019. Cho rằng các phát giác này quá nhạy cảm, công ty của họ đã quyết định không công khai. Sau khi họ ghép được một “chuỗi gene gần như hoàn chỉnh” lại với nhau, họ đã chia sẻ những phát giác này với viện của bà Ren vào ngày hôm sau.

“Cách tôi nhìn nhận toàn bộ sự việc này, hầu hết là thất vọng, đau đớn, và tức giận. Chúng ta đã làm kịp thời như vậy, sao vẫn chưa kiểm soát được”?. người này đã viết trên mạng xã hội Trung Quốc. “Việc này không mấy liên quan đến khoa học hay kỹ nghệ, mà liên quan nhiều hơn đến chính sách và truyền thông”. Một bản tin trên truyền thông Trung Quốc nêu lên sự việc này đã bị xóa.

Bà Ren đã lãnh đạo việc phát giác ra một số chủng virus mới ở Trung Quốc, bao gồm cả biến thể phụ của virus rhovirus A21 ở người, và, giống như các nhà nghiên cứu virus học nổi tiếng khác của Trung Quốc, bà đã đứng ra bảo vệ ĐCSTQ về vấn đề nguồn gốc của virus.

Trong các bức thư từ tháng 09/2021, hiện được đăng trên tập san y khoa The Lancet, bà Ren và hơn chục nhà nghiên cứu y học Trung Quốc khác đã bác bỏ rằng virus có thể đã rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán — một đơn vị khác nhận tài trợ của EcoHealth, trong nhiều năm, đã và đang nghiên cứu các loại virus Corona nguy hiểm ở loài dơi — thay vào đó họ khẳng định rằng tốt hơn hết, nguồn gốc của COVID-19 nên được “điều tra trên toàn thế giới”.

Truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi vai trò của bà trong việc phân lập và tổng hợp bộ gene của virus này, viện dẫn các tuyên bố tán thành từ Tổ chức Y tế Thế giới mà đã tạo nên uy tín cho bà. Công việc của bà Ren đã được Viện Khoa học Y tế Trung Quốc — viện nghiên cứu y học cấp nhà nước cao nhất của Trung Quốc mà trung tâm nghiên cứu của bà có liên kết — công nhận là một trong 40 “dự án phát triển y tế quốc gia lớn trong năm”.

Sự giám sát về nguy cơ rò rỉ trong phòng thí nghiệm đã tăng lên.

Trong phiên điều trần kín gần đây của Quốc hội, Tiến sĩ Francis Collins, giám đốc NIH cho đến cuối năm 2021, cho biết giả thuyết cho rằng Covid-19 có thể đến từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán “không phải là thuyết âm mưu”.


Nhận Thức Toàn Cầu Chưa Phản Ảnh Tin Tức Về Trung Cộng

Nhận thức của công chúng về Trung Cộng hầu như không thay đổi gì trong năm vừa qua. Tình trạng này thật đáng kinh ngạc, khi xét tới tất cả những tin tức kinh tế và tài chính tồi tệ trong 12 đến 18 tháng qua. Giờ đây Trung Cộng có một vẻ ngoài rất khác so với cách nhìn về quá khứ.

Bức tranh mới nhất về nhận thức toàn cầu đến từ một cuộc thăm dò được thực hiện hàng năm bởi Quỹ German Marshall Fund (GMF) của Hoa Kỳ. Trong nhiều năm, nhóm này đã hỏi người dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương về thái độ và kỳ vọng của họ về tất cả các vấn đề chính trong ngày, bao gồm cả các sự kiện ở Trung Quốc. Cuộc khảo sát năm nay bao gồm rất nhiều câu trả lời từ người dân ở 14 quốc gia Tây phương: Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Tây Ban Nha, Hoà Lan, Bồ Đào Nha, Lithuania, và Romania.

Đáng tiếc là cuộc khảo sát này không bao gồm người Á Châu, những người đương nhiên sẽ cập nhật nhiều hơn về tình hình Trung Cộng cũng như các vấn đề về kinh tế và tài chính nổi bật của quốc gia này. Tuy nhiên, kết quả cuộc thăm dò cung cấp một cơ sở tốt về dư luận phổ biến ở Tây phương và do đó báo hiệu cách mà nhận thức có thể sẽ thay đổi trong những tháng tới khi tình trạng khó khăn của Trung Cộng được biết đến rộng rãi hơn.

Một trong những điều đáng chú ý nhất về cuộc khảo sát gần đây là sự kiên trì — bất chấp tin tức về những rắc rối của Trung Cộng — trong nhận thức phổ biến một thời rằng, Trung Cộng sẽ sớm vượt qua Hoa Kỳ về ảnh hưởng toàn cầu và sức mạnh kinh tế. Nhìn chung, những người được hỏi đều xác định hiện nay Hoa Kỳ là quốc gia có ảnh hưởng toàn cầu lớn nhất. Tuy nhiên, những người được hỏi cho biết họ kỳ vọng rằng trong vòng năm năm tới, ảnh hưởng của Trung Cộng sẽ sánh ngang với ảnh hưởng của Mỹ và Trung Cộng sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.

Trong nhiều năm, đây là những niềm tin phổ biến và là sự ngoại suy hợp lý cho các xu hướng đã tồn tại từ lâu. Trung Cộng đã phát triển rất nhanh và dường như đang trở nên giàu có hơn mọi kỳ vọng trước đó. Quan điểm đó dường như vẫn tiếp tục tồn tại. Nhưng vài năm qua đã làm gián đoạn những xu hướng tích cực mạnh mẽ đó. Thực tế hiện nay nói lên một điều gì đó rất khác về việc Trung Cộng có thể đạt được những thành tựu từng được nhiều người mong đợi nhanh chóng như thế nào.

Giờ đây, Trung Cộng phải đối mặt với một khoản nợ nguy hiểm, và tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại hoàn toàn. Xuất cảng đang giảm, và đầu tư cũng như thương mại của Tây phương đang tìm kiếm nơi khác. Vấn đề không còn là liệu nhận thức có thay đổi hay không, mà là sự thay đổi về nhận thức sẽ diễn ra nhanh như thế nào.

Có một vấn đề nói lên rất nhiều về khía cạnh chậm trễ của những kỳ vọng này, đó là việc những người trả lời cuộc khảo sát, đặc biệt là ở Tây Âu, cảm thấy rõ ràng hơn về sự thống trị kinh tế và ngoại giao sắp tới của Trung Cộng so với năm ngoái. Những rắc rối kinh tế gần đây của Trung Cộng có thể không đủ để thay đổi hoàn toàn nhận thức, nhưng đối với những người đang chú ý, tin tức này chắc chắn sẽ khiến họ mất tự tin hơn. Hoặc là người Tây Âu bác bỏ tin tức năm vừa qua từ Trung Cộng, hoặc họ chỉ đơn giản là không để ý đến những gì đã xảy ra với nền kinh tế và hệ thống tài chính của Trung Cộng.

Có một điều trong cuộc khảo sát phù hợp với thực tế và đã thay đổi rất ít, đó là cái nhìn tiêu cực của người Tây phương về mục đích và hành vi của Bắc Kinh. Xét từ sự đánh giá, hầu như không có gì ngạc nhiên khi người dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều ủng hộ việc chính phủ của họ có đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Bài liên quan:
  • Tin Cuối Tuần (20-21-Apr-2024)
  • Đề Nghị Truất Phế Chủ Tịch Hạ Viện Johnson ‘Sắp Được Đưa Ra’
  • Ông Bill Barr Cho Biết Tại Sao Ông Ủng Hộ Cựu TT Trump Nhiều Hơn TT Biden
  • Thời Tổng thống Biden, Lạm Phát Kéo Dài Và Việc Làm Suy Giảm
  • Các Cuộc Thăm Dò Không Cho Biết Về Sự Dẫn Đầu Của Cựu TT Trump
  • Số Phận Các Tỷ Phú Của Trung Cộng, Sụt Giảm, Phá Sản, Hoặc Bị Bắt Giữ
  • Chủ Nghĩa Tư Bản Trung Cộng Đang Bóp Méo Thị Trường Toàn Cầu
  • TT Biden Kêu Gọi Tăng Gấp Ba Lần Thuế Quan Đối Với Nhôm Thép Trung Cộng
  • Thủ Tướng Đức Vận Động Trung Cộng Chơi Công Bằng Trên Thị Trường EU
  • Trung Cộng Đóng Góp Cho Ngành Kỹ Nghệ Quốc Phòng Nga
  • Tin Cuối Tuần (13-14-Apr-2024)
  • TT Biden Tìm Cách Giảm Căng Thẳng Cuộc Xung Đột Giữa Iran Và Israel
  • Hạ Viện Sẽ Cố Gắng Về Gói Tài Trợ Cho Israel
  • Trung Cộng Có Mối Liên Hệ Với Tội Phạm Có Tổ Chức
  • Đảng Dân Chủ Sử Dụng Chiến Lược Ít Được Biết Đến Để Giành Chiến Thắng Trong Năm 2024
  • Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Làm Gián Điệp Cho Cuba Lãnh 15 Năm Tù
  • Cuộc Điện Đàm Giữa Ông Biden Và Ông Tập Không Làm Thay Đổi Được Bất Cứ Điều Gì
  • Trung Cộng Đẩy Mạnh Xuất Cảng Khiến Các Nhà Đầu Tư Ngoại Quốc Lo Lắng
  • CEO Apple Đến Hà Nội, Thăm Việt Nam Trong 2 Ngày
  • Iran Không Kích Israel, Phóng Hàng Loạt Máy Bay Không Người Lái
  • 3 Con Trai Của Thủ Lĩnh Hamas Haniyeh Thiệt Mạng Trong Cuộc Không Kích Của Israel
  • Nhật Bản Có Thể Sẽ Gia Nhập Liên Minh AUKUS Chống Bắc Kinh
  • Nữ Ký Giả Trung Quốc Bị Trục Xuất Khỏi Thụy Điển Từng Kể Về Gia Cảnh Bị ĐCSTQ Bức Hại
  • Vương Quốc Anh Sẽ Không Bao Giờ Giao Quyền Lực Cho WHO
  • Tin Cuối Tuần (06-07-Apr-2024)   
  • Mạng Xã Hội X Sẽ Không Tuân Theo Lệnh Của Tối Cao Pháp Viện Brazil
  • Los Angeles Công Bố Dữ kiện Về Số Người Vô Gia Cư Tử Vong Trong Năm 2023
  • Các Thượng Nghị Sĩ Sẽ Trở Thành Bồi Thẩm Viên Vào Ngày 11/04, Vụ Đàn Hặc Ông Mayorkas
  • Ủy Ban Hạ Viện Sẽ Cân Nhắc Nghị Quyết Phản Đối Áp Lực ‘Một Chiều’ Từ Phía TT Biden Cho Một Lệnh Ngừng Bắn Ở Gaza
  • Bộ Trưởng Ngân Khố Janet Yellen Chỉ Trích Những Hành Động ‘Cưỡng Ép’ Của Bắc Kinh Đối Với Các Công Ty Hoa Kỳ
  • Ông Biden Và Tập Cận Bình Nói Chuyện Lần Đầu Tiên Kể Từ Tháng Mười Một
  • Hoa Kỳ Trừng Phạt Tin Tặc Trung Cộng Vì Kế Hoạch 14 Năm Xâm Nhập Vào Cơ Sở Hạ Tầng Quan Trọng
  • 5 Dấu Hiệu Cho Thấy Kinh Tế Trung Quốc Đang Thâm Hụt Tài Chính Trầm Trọng
  • Căng Thẳng Leo Thang Ở Khu Vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
  • Tin Cuối Tuần (30-31-Mar-2024)
  • Hoa Kỳ Và Mexico Công Bố Quan Hệ Đối Tác Vi Mạch Bán Dẫn Để Ứng Phó Với Những Thách Thức Toàn Cầu
  • Tình Trạng Di Cư Ồ Ạt Đe Dọa Đến An Ninh Lương Thực Của Hoa Kỳ
  • Chủ Tịch Hạ Viện Johnson Đàm Luận Thống Đốc Abbott Về An Ninh
  • TT Trump Yêu Cầu TT Biden Xin Lỗi Vì Tuyên Bố Xúc Phạm Công Dân Hoa Kỳ
  • Trung Cộng Vũ Khí Hóa Lực Lượng Hải Cảnh Để Kiểm Soát Các Vùng Biển Tranh Chấp
  • Trục Ma Quỷ’ Mới Đã Hình Thành, ĐCSTQ Là Địch Thủ Lớn Nhất Của Hoa Kỳ
  • Các Viên Chức Trung Cộng Chọn Cách Phản Kháng Thụ Động Với Tập Cận Bình
  • Sự Thâm Nhập Của Trung Cộng Trở Thành Cơn Ác Mộng Của Hoa Kiều
  • Israel Sẽ ‘Tự Mình’ Tiến Hành Cuộc Tấn Công Vào Rafah
  • Tin Cuối Tuần (23-24-Mar-2024)   
  • Đảng Cộng Hòa Phản Đối Sáng Kiến Của Bộ Tư Pháp
  • Tiểu Bang Theo Đảng Cộng Hoà ‘Tiếp Đón’ Người Nhập Cư Bất Hợp Pháp
  • Gói Tài Trợ Chính Phủ Trị Giá 1.2 Ngàn Tỷ USD Của Hoa Kỳ
  • Cách Đưa Tin ‘Bóp Méo’ Của New York Times Về Các Cuộc Đàn Áp Của Trung Cộng
  • Cảnh Báo Về Việc ‘Phân Biệt Đối Xử’ Tại Phi Trường Chicago
  • Cần Ứng Phó Với Trung Cộng, Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện
  • Tập Cận Bình Làm Suy Yếu Quốc Vụ Viện