Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Các Thượng Nghị Sĩ Chất Vấn Các CEO Của Các Đại Công Ty Kỹ Nghệ Về Vấn Đề An Toàn Cho Trẻ Em

Các nhà lập pháp lưỡng đảng đã kêu gọi các nhà điều hành mạng xã hội giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng. Trong một phiên điều trần với lãnh đạo công ty, họ khẳng định rằng các nền tảng xã hội phải chịu trách nhiệm về những tác động tiêu cực mà sản phẩm của họ gây ra đối với trẻ em, đồng thời cáo buộc họ có “bàn tay vấy máu”.

CEO các đại công ty
(photo: Madalina Vasiliu/ Epoch Times)

Trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm 31/01, các nhà lập pháp đã lắng nghe lời khai từ CEO của các đại công ty kỹ nghệ, bao gồm Discord, Meta, Snap, TikTok, và X (trước đây là Twitter). Mỗi giám đốc điều hành đều đưa ra lời giải thích về các tính năng an toàn của ứng dụng tương ứng của họ.

Thành viên cao cấp của Uỷ Ban, Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) cho biết, “Các công ty truyền thông xã hội, được thiết kế và vận hành như hiện nay, là những sản phẩm nguy hiểm. Họ đang hủy hoại sinh mạng con người, đe dọa chính nền dân chủ. Những công ty này phải được kiềm chế, nếu không, điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến”.

Thành viên Đảng Cộng Hòa đến từ South Carolina này cũng kể câu chuyện về một nhà lập pháp đồng sự ở tiểu bang của ông có đứa con tự sát do bị lạm dụng tình dục diễn ra thông qua Instagram, một công ty con của Meta.

“Ông Zuckerberg, ông và các công ty trước mặt chúng tôi… có bàn tay vấy máu. Quý vị có một sản phẩm đang sát hại mọi người”.

Nghị sĩ Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng Viện, đã có bài diễn văn một ngày trước phiên điều trần, khẳng định rằng trọng tâm của phiên điều trần là về những thất bại được cho là của các công ty kỹ nghệ trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục trên mạng.

Ông Durbin kêu gọi các nghị sĩ đồng sự ủng hộ đề xướng dự luật của ông, Đạo luật Tăng cường Tính minh bạch và Nghĩa vụ Bảo vệ Trẻ em bị Lạm dụng và Ngược đãi năm 2023 (Đạo luật STOP CSAM).

Ông nói rằng Đạo luật này nhằm mục đích giúp đỡ cho các nạn nhân, tăng cường trách nhiệm giải trình, và tăng tính minh bạch của các nền tảng trực tuyến.

Ông Durbin nhấn mạnh các công ty kỹ nghệ cần phải ưu tiên an toàn cho trẻ em và làm cho những kẻ phạm tội tình dục trẻ em không thể tiếp cận được nền tảng của họ. Ông thừa nhận rằng mặc dù một số công ty gần đây đã thực hiện các biện pháp an toàn cho trẻ em nhưng vẫn cần nhiều hành động hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách hiệu quả.


Cuộc Tổng Tuyển Cử Dài Nhất Ở Hoa Kỳ

Với chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump ở Iowa và New Hampshire — và việc ông dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống của Nghị sĩ trong các cuộc thăm dò quốc gia — việc đề cử của đảng Cộng Hòa xem như đã được định đoạt vào hôm 23/01.

TT Trump tại New Hampshire
(photo: Chip Somodevilla/Getty Images)

Chưa có ai từng cố gắng tổ chức một cuộc đối thoại quốc gia trong 286 ngày trước cuộc bầu cử.

Tổng thống duy nhất thua trong cuộc tái tranh cử rồi quay lại và giành chiến thắng là cố Tổng thống Grover Cleveland. Ông đã thắng cử năm 1884, thua năm 1888, và sau đó chiến thắng một lần nữa vào năm 1892. Tuy nhiên, trong thời kỳ đó, chiến dịch tranh cử tương đối ngắn và diễn ra theo từng giai đoạn. Thời đó không có truyền hình, đài phát thanh, hay các phương tiện truyền thông xã hội.

Một chiến dịch tranh cử kéo dài cũng là thách thức không nhỏ đối với chính phủ Tổng thống Biden. Những người ủng hộ ông Joe Biden hẳn là sẽ thích chứng kiến các ứng cử viên đảng Cộng Hòa tranh đua sứt đầu mẻ trán trong suốt nhiều tháng.

Trong thế giới lý tưởng của ông Biden, tất cả tin tức chính trị trong sáu tháng tới sẽ là tiêu cực — và về đảng Cộng Hòa.

Thay vào đó, phim truyền hình chính trị nhiều tập năm 2024 sẽ kể về việc cựu Tổng thống Trump làm chủ bối cảnh và lãnh đạo một phong trào chính trị không giống với bất cứ điều gì chúng ta từng thấy trong thời hiện đại.

Một loạt các cuộc vận động tranh cử sôi nổi của ông Trump sẽ là một bức tranh tương phản đáng kinh ngạc với nỗ lực vận động tranh cử thụ động, chậm chạp, ít ỏi của Tổng thống Biden. Quý vị sẽ không chứng một đám đông hơn 20,000 người tích cực ủng hộ ông Biden, mà họ chỉ thấy đám đông hào hứng lắng nghe bài phát biểu dài 90 phút của ông Trump. Nhịp điệu và kiểu cách của hai chiến dịch sẽ là một trường hợp điển hình về sự bất đối xứng.

Lợi thế lớn nhất mà cựu Tổng thống Trump có được là khả năng vận động tranh cử ở những tiểu bang nơi ông có thể phát triển đảng và củng cố các ứng cử viên cho chức thống đốc, Thượng Viện, và Hạ Viện Hoa Kỳ.


Tòa Bạch Ốc Nêu Tên Nhóm Chịu Trách Nhiệm Việc Sát Hại Binh Sĩ Mỹ Ở Jordan

Hôm 31/01, chính phủ Tổng thống Biden chính thức xác định nhóm chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng phi cơ không người lái (drone) vào một tiền đồn của quân đội Hoa Kỳ ở Jordan khiến 3 binh sĩ thuộc Lực lượng Dự bị Lục quân Hoa Kỳ thiệt mạng.

Theo phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc John Kirby, một nhóm bảo trợ liên kết với vài tổ chức khủng bố đã cung cấp nguồn lực và tiến hành vụ tấn công này.

Ông Kirby nói với các phóng viên: “Chúng tôi tin rằng cuộc tấn công ở Jordan đã được trù tính, được cung cấp nguồn lực, và được tạo điều kiện bởi một nhóm bảo trợ có tên là Kháng chiến Hồi Giáo ở Iraq, nhóm này bao gồm nhiều nhóm, trong đó có Kata’ib Hezbollah. Chúng tôi sẽ có những hành động thích đáng”.

Nhóm Kháng chiến Hồi Giáo ở Iraq không phải là một nhóm duy nhất mà là một mạng lưới các nhóm khủng bố Hồi Giáo tuân theo cùng một hệ tư tưởng vốn đang trợ giúp lộ liễu cho Iran và các lợi ích của nước này.

Ông Kirby tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ không theo đuổi một cuộc chiến tranh với Iran vì vụ tấn công này và hàng trăm vụ tấn công khác nhắm vào quân đội Hoa Kỳ ở Trung Đông trong những tháng gần đây, mà chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc rằng Iran là thế lực hậu thuẫn cho các vụ tấn công đó.

Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng từ những người chủ chiến trong Quốc Hội nhằm trả đũa Iran vì vụ tấn công hôm 28/01 khiến ba quân nhân Lực lượng Dự bị thiệt mạng và 40 người khác bị thương.

Một số nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa đã kêu gọi tấn công trực tiếp vào Iran, một khả năng mà Tòa Bạch Ốc dường như đã loại trừ.

Hồi đầu tuần, Tổng thống Biden cho biết ông đã quyết định sẽ thực hiện hành động để đáp trả vụ tấn công. Tuy nhiên, cho đến nay chính phủ của ông vẫn im lặng về việc sẽ trả đũa như thế nào.

Hôm 31/01, ông Kirby cho biết hành động trả đũa sẽ không chỉ giới hạn ở một đợt tấn công mà có thể bao gồm cả các cuộc tấn công quân sự và hành động kinh tế theo thời gian.


UPS Thông Báo Cắt Giảm 12,000 Việc Làm Do Khối Lượng Kiện Hàng Giảm

Hôm thứ Ba (30/01), United Parcel Service (UPS) đã thông báo cắt giảm 12,000 việc làm sau khi báo cáo sự sụt giảm về số lượng kiện hàng được vận chuyển, vài tháng sau khi công ty đạt được thỏa thuận với một nghiệp đoàn hàng đầu để trả lương cao hơn cho tài xế.

(photo:  Charles Krupa | Credit: AP)

Các viên chức của công ty vận tải biển này đã xác nhận với một số hãng thông tấn về số lượng việc làm bị cắt giảm, nói rằng số việc làm này chiếm ít hơn 3% lực lượng nhân sự tổng thể của công ty trên toàn thế giới. Việc cắt giảm cũng không ảnh hưởng đến các nhân viên được nghiệp đoàn hậu thuẫn.

Giám đốc Tài chính và Truyền thông Chiến lược của UPS Brian Hughes nói với USA Today: “Vào năm 2023, các điều kiện kinh tế và bên ngoài biến động đã dẫn đến khối lượng thấp hơn và doanh thu giảm hơn 9 tỷ USD so với năm trước”.

Giám đốc điều hành Carole Tome của công ty nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo về thu nhập rằng việc cắt giảm việc làm sẽ tiết kiệm cho công ty khoảng 1 tỷ USD.

Giám đốc điều hành cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng, “Tôi muốn cảm ơn các nhân viên của UPS vì đã mang lại hiệu suất đúng giờ tốt nhất so với bất cứ hãng vận chuyển nào trong sáu năm liên tiếp. Năm 2023 là một năm đặc biệt và khó khăn, nhưng rồi chúng tôi vẫn duy trì được sự kiểm soát, bám sát chiến lược và củng cố nền tảng cho sự phát triển trong tương lai”.

Các nhà quản lý của UPS không cho biết những vị trí nào sẽ bị loại bỏ.

UPS, đôi khi được xem là đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu, cho biết các điều kiện kinh doanh dự định ​​sẽ không được cải thiện cho đến nửa cuối năm 2024. Công ty dự báo doanh thu cả năm sẽ ở mức từ 92 tỷ USD đến 94.5 tỷ USD, thấp hơn ước tính của các nhà phân tích là 95.57 tỷ USD, dựa trên dữ kiện của LSEG.

Bà Tome cho biết trong cuộc họp: “Kết quả này một phần là do môi trường vĩ mô và một phần là do sự gián đoạn liên quan đến quá trình đàm phán hợp đồng lao động của chúng tôi cũng như chi phí cao hơn liên quan đến hợp đồng mới”.


Chủ Tịch Đảng Cộng Hòa Texas Ủng Hộ Ông Trump

Hôm thứ Hai (29/01), ông Matt Rinaldi, Chủ tịch Đảng Cộng Hòa Texas, đã tuyên bố ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông Rinaldi viết trên X (trước đây là Twitter), “Mặc dù các viên chức của đảng nên giữ thái độ trung lập trong các cuộc bầu cử sơ bộ nếu không có trường hợp đặc biệt, nhưng mối đe dọa mà đất nước chúng ta phải đối mặt từ đảng Dân Chủ, những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa, và những thành viên đảng Cộng Hòa giả mạo vốn đang trao quyền lực cho đảng Dân Chủ, là rất to lớn. Chúng tôi cần mọi người hiệp lực trong cuộc chiến này”.

Cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa ở Texas dự định ​​diễn ra vào ngày 05/03 tới, sự kiện này còn được gọi là Siêu Thứ Ba (Super Tuesday).

Theo một cuộc thăm dò gần đây về cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa ở Texas, do Emerson College công bố hôm 18/01, 69% cử tri có thể sẽ bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Trump, 11% sẽ bỏ phiếu cho cựu Thống đốc South Carolina Nikki Haley. Trong khi đó, 7% cử tri trong cuộc thăm dò này cho biết họ ủng hộ chiến dịch vốn đã ngừng hoạt động của Thống đốc Florida Ron DeSantis, và 9% cử tri vẫn chưa quyết định.

Thống đốc Texas Greg Abbott, Phó Thống đốc Dan Patrick, cũng như Nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) và Nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đều ủng hộ cựu tổng thống Trump. Nhiều nhà lập pháp Hạ Viện từ Texas cũng đã chọn ủng hộ cựu tổng thống Trump, trong đó có các dân biểu là ông Jodey Arrington, ông August Pfluger, bà Monica De La Cruz, ông Keith Self, và ông Lance Gooden.

Tổng thống Trump đã giành chiến thắng trong cả hai cuộc đua của đảng Cộng Hòa ở Iowa và New Hampshire trong tháng này, trở thành thành viên đảng Cộng Hòa không đương nhiệm đầu tiên giành chiến thắng ở cả hai cuộc đua. Bà Haley, ứng cử viên duy nhất còn lại, ngoài ông Trump, trong cuộc đua giành đề cử của đảng Cộng Hòa, đã tuyên bố rằng dù cho cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina diễn ra như thế nào đi nữa, bà cũng sẽ tiếp tục tham gia cuộc đua cho đến Siêu Thứ Ba.

Sau chiến thắng của cựu tổng thống ở New Hampshire, một số nhà lập pháp đảng Cộng Hòa bắt đầu kêu gọi đảng Cộng Hòa đoàn kết ủng hộ cựu tổng thống Trump. Tuần trước, ông Cruz dự đoán bà Haley sẽ thua trong cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina, vốn sẽ diễn ra vào ngày 03/02 tới, và bà sẽ bỏ cuộc đua ngay sau đó.

Trong một bức thư ngỏ đề hôm 25/01, hơn 40 chủ tịch quận bộ của đảng Cộng Hòa ở Texas đã tuyên bố ủng hộ cựu tổng thống Trump.


Những Người Thiên Tả Kêu Gọi TT Biden Trở Lại tài Trợ Cho UNRWA

Một số nhà lập pháp Thiên tả đang thúc giục chính phủ Tổng thống (TT) Joe Biden khôi phục nguồn tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) mà chính phủ đã dừng tài trợ sau khi các nhân viên của cơ quan Liên Hiệp Quốc này bị cáo buộc đã tham gia với Hamas trong các cuộc tấn công vào Israel hôm 07/10.

Đầu tháng này, các nhà chức trách Israel đã đưa ra những cáo buộc đối với UNRWA rằng có tới 12 nhân viên của cơ quan Liên Hiệp Quốc này đã tham gia vụ tấn công ngày 07/10/2023. Hôm thứ Sáu (26/01), Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo Hoa Kỳ sẽ tạm dừng tài trợ cho UNRWA, trong khi chờ xem xét các cáo buộc đối với nhân viên của tổ chức này và các bước mà Liên Hiệp Quốc sẽ thực hiện để giải quyết những lo ngại này.

Trong những ngày kể từ khi Bộ Ngoại Giao tuyên bố tạm dừng hỗ trợ cho UNRWA, một số nhà lập pháp cấp tiến bày tỏ sự thất vọng và kêu gọi chính phủ TT Biden đảo ngược quyết định và khôi phục nguồn tài trợ cho cơ quan này của Liên Hiệp Quốc, vốn được thành lập với mục đích cụ thể là cung cấp các dịch vụ nhân đạo cho người Palestine di dời trong quá trình thành lập nhà nước Israel năm 1948.

Nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) nói hôm thứ Ba (30/01), “Rõ ràng, không thể chấp nhận được bất cứ ai trong số 13,000 nhân viên UNRWA ở Gaza có liên quan đến Hamas, và các cáo buộc đối với 12 người bị buộc tội phải được điều tra. Tuy nhiên, chúng ta không thể để hàng triệu người phải đau khổ vì hành động của 12 người. Hoa Kỳ và các nước khác phải khôi phục nguồn tài trợ để ngăn chặn thảm họa nhân đạo này”.

Ông Sanders lập luận rằng UNRWA vẫn là nguồn cung cấp thiết yếu thực phẩm, nước uống, và các dịch vụ nhân đạo cho người dân Palestine ở Dải Gaza. Ông cho biết khoảng 1.1 triệu thường dân Palestine có nguy cơ chết đói trong lúc chính phủ TT Biden quyết định ngừng tài trợ cho UNRWA.

Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York) cũng nói rằng UNRWA là nguồn viện trợ nhân đạo chính cho 2.2 triệu người Gaza. Trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội X hôm thứ Hai (29/01), cô nói rằng quyết định ngừng viện trợ cho cơ quan LHQ này là “không thể chấp nhận được”.

Trong một tuyên bố chia sẻ với Politico, Dân biểu Rashida Tlaib (Dân Chủ-Michigan) đặt ra nghi ngờ về tính chân thực của các tuyên bố của Israel về UNRWA.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi UNRWA điều tra ngay lập tức các cáo buộc liên quan đến nhân viên của mình, xem xét lại các thủ tục của mình, và “buộc nhân viên phải chịu trách nhiệm nếu cần thiết”.

Ông Blinken cho biết phía Hoa Kỳ “không có khả năng điều tra” các cáo buộc, nhưng cho rằng, những cáo buộc đó là “rất, rất đáng tin cậy”.


Trung Cộng Chính Thức Tiếp Nhận ‘Quốc Thư’ Của Taliban

Hôm thứ Ba (30/01), chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã tiếp nhận “quốc thư” do đại sứ Afghanistan đệ trình, một lần nữa công nhận chính phủ lâm thời Taliban. Hồi tháng Chín năm ngoái, Bắc Kinh đã trở thành nhà cầm quyền đầu tiên cử phái đoàn đại sứ tới Taliban sau khi nhóm này đoạt lại chính quyền. Cư dân mạng chế nhạo Trung Cộng và tổ chức khủng bố Taliban là “lang sói hợp tác”.

Hôm 30/01, Đài Truyền hình Trung ương Trung Cộng loan tin, Tập Cận Bình đã tiếp nhận “quốc thư” do đại sứ mới được bổ nhiệm của 42 nước đệ trình lên nhà cầm quyền Trung Cộng tại Đại lễ đường Bắc Kinh. Trong số người đệ trình “quốc thư” có ông Karimi, Đại sứ Afghanistan tại Trung Cộng do Taliban phái đến.

CCTV đã phát sóng cảnh Tập Cận Bình tiếp nhận “quốc thư” từ ông Karimi và chiếu bức ảnh hai người chụp chung sau đó.

“Quốc thư” là thư giới thiệu hoặc thư ủy nhiệm được đệ trình cho nước tiếp nhận khi một nước cử đại sứ hoặc công sứ đến nước khác. Đây là văn bản chính thức của nguyên thủ quốc gia gửi tới nguyên thủ quốc gia nước tiếp nhận. Ngày 13/09/2023, ông Triệu Tinh (Zhao Xing), đại sứ mới được bổ nhiệm của Trung Cộng tại Afghanistan đã đến nhận chức và trình giao “quốc thư” cho Taliban. Điều này thể hiện sự công nhận chính thức của Trung Cộng đối với nhà cầm quyền Taliban. Lần này, Trung Cộng tiếp nhận “quốc thư” của Taliban, đồng nghĩa với việc họ một lần nữa công nhận nhà cầm quyền Taliban.

Taliban bị Liên Hiệp Quốc nhận định là tổ chức khủng bố. Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu đã áp đặt các chế tài trừng phạt kinh tế và chính trị đối với các thủ lĩnh và tổ chức của nhà cầm quyền Taliban, cáo buộc họ vi phạm nhân quyền trầm trọng. Kể từ khi trở lại nắm quyền hồi tháng 08/2021, Taliban đã thiết lập quyền kiểm soát các cơ quan ngoại giao của Afghanistan, đặc biệt là ở các nước láng giềng. Taliban hiện đang tiếp quản các Tòa Đại sứ của ít nhất 14 quốc gia, trong đó có Pakistan, Uzbekistan, và Turkmenistan.

Mặc dù một số nước vẫn còn sứ đoàn ngoại giao ở Afghanistan nhưng không có nước nào cử phái đoàn đại sứ mới. Sau khi hết nhiệm kỳ của đại sứ ban đầu, các nước này chỉ bổ nhiệm “đại biện” mà không trình giao “quốc thư”. Mặc dù Nga có mối quan hệ chặt chẽ với Taliban nhưng cho đến nay, nước này vẫn chưa chính thức loại Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố và cũng chưa công nhận nhà cầm quyền Taliban.

Trên nền tảng trực tuyến X (trước đây gọi là Twitter) ở hải ngoại, cư dân mạng liên tiếp để lại những bình luận chế nhạo Trung Cộng vì đã nhiều lần tỏ ra “thái quá” trong việc “hợp tác” với các tổ chức khủng bố.


Trung Cộng ủng hộ Iran và Nga để ‘làm suy yếu’ Hoa Kỳ

Quốc hội đã lắng nghe những lời làm chứng rằng chế độ cộng sản Trung Quốc đang tích cực trợ giúp các cường quốc độc tài với mục đích làm suy yếu Hoa Kỳ và trật tự quốc tế mà nước này đang dẫn đầu.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Trung Cộng đang liên kết với các cường quốc đối địch khác bao gồm Iran và Nga để hủy hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Ông Pompeo nói trong phiên điều trần hôm 30/01 trước Ủy ban Đặc biệt của Hạ Viện về Trung Cộng, “Những tác nhân này đang cố gắng phá hoại những điều quan trọng nhất đối với chúng ta ở đây, ngay tại quê hương mình”. Ông Pompeo cho biết, sự liên kết này đang ngày càng gia tăng theo một chiến lược lớn hơn của Trung Cộng “nhằm làm cho nước Mỹ suy thoái” trong mọi lĩnh vực.

Ông Pompeo nói thêm, “Chúng ta đã mất khả năng răn đe ở châu Âu, ở Trung Đông. Chúng ta cũng đang trên đà đánh mất mô hình đó ở châu Á”.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nỗ lực của Trung Cộng trong việc trợ giúp Iran, Bắc Hàn, và Nga nhằm đạt được mục tiêu rộng lớn hơn là định hình lại trật tự thế giới.

Có bằng chứng cho thấy Trung Cộng đang giúp đỡ Tehran bằng viện trợ trực tiếp, bao gồm cả thông qua các thỏa thuận trao đổi hàng hóa với Iran, nhằm tránh phải dùng đến các giao dịch tiền tệ có khả năng bị trừng phạt. Một số lợi nhuận thu được ở Iran sau đó có thể được chuyển cho các tổ chức khủng bố để có khả năng tấn công binh lính Hoa Kỳ ở Trung Đông.

Tương tự như vậy, Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã tuyên bố một liên kết đối tác “không giới hạn” vào năm 2022 và kể từ đó đã ký một tuyên bố chung làm sâu sắc thêm “liên kết đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai quốc gia.

Hai nhà lãnh đạo này cũng cam kết định hình lại trật tự quốc tế theo lợi ích của họ, trong đó Putin nói rằng Trung Cộng và Nga sẽ tạo ra một “trật tự thế giới đa cực” công bằng hơn để thay thế các “quy tắc” của trật tự quốc tế hiện tại.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng trình bày tại phiên điều trần, nói rằng nỗ lực phá hoại và thay thế trật tự quốc tế trước tiên nhằm mục đích triệt tiêu sức mạnh của Hoa Kỳ và các nước đồng minh.


Nông Dân Pháp Biểu Tình Phản Đối Các Quy Định Xanh Thái Quá Và Chỉ Thị Của EU

Các nghiệp đoàn nông nghiệp Pháp đang chuẩn bị tiến hành một “cuộc bao vây vô thời hạn” đối với Paris bắt đầu từ thứ Hai (29/01), như một phần của các cuộc biểu tình đang diễn ra để kêu gọi chính phủ dỡ bỏ một loạt các quy định phi cạnh tranh gây tổn hại đến sinh kế của những công nhân nông nghiệp và nông gia trên toàn quốc.

Theo hai nghiệp đoàn nông nghiệp lớn của Pháp, FNSEA (Liên đoàn các Nhà khai thác Nông nghiệp Quốc gia) và Jeunes Agriculteurs (Nông dân Trẻ), các thành viên của họ đã sẵn sàng tề tựu về thủ đô của Pháp bằng máy kéo và các thiết bị nông nghiệp khác. Tất cả các con đường chính sẽ bị chặn lại trong “khoảng thời gian không xác định”, mô phỏng một cuộc bao vây thời Trung cổ, không có đổ máu, cho đến khi những bất bình của họ được giải quyết.

nông dân Pháp biểu tình trên đường D338 ở Le Mans, tây bắc nước Pháp
(photo: Guillaume Souvant/AFP)

Nông dân từ vùng Lot-et-Garonne, một điểm nóng của phong trào biểu tình ở miền nam nước Pháp, nằm trong số nhiều nhóm có ý định tuần hành ở Paris và phong tỏa chợ bán buôn thực phẩm Rungis ở phía nam thủ đô, nơi cung cấp phần lớn thực phẩm tươi sống của họ cho thủ đô và các vùng lân cận.

Những lo ngại mà nông dân đưa ra gồm có: không nhận được mức giá hợp lý cho sản phẩm của họ và hầu như không có sự bảo vệ trước việc các siêu thị mua hàng nhập cảng rẻ hơn và đưa ra các mức giá rẻ hơn đối với họ. Vô số các thủ tục hành chính, các mục tiêu phát thải nhiên liệu thấp, lương hưu thấp, và luật môi trường phức tạp cũng bị nông dân cảnh báo như những mối lo ngại.

Nông dân Pháp bị cấm sử dụng các sản phẩm nông nghiệp mà đối thủ cạnh tranh của họ ở các nước láng giềng như Ý vẫn có quyền sử dụng.

Về luật môi trường, nông dân cũng bị quy định rằng họ phải bỏ hoang một phần đất của mình. Về kỹ thuật canh tác, họ bị buộc phải để lại những khu đất không có cây trồng trong một hoặc nhiều chu kỳ sinh trưởng. Về lý thuyết, điều đó giúp đất phục hồi và phá vỡ vòng đời của sâu bệnh. Tuy nhiên, những người nông dân hiện đang phải chật vật để kiếm sống; việc buộc phải bỏ hoang đất và không sử dụng toàn bộ trang trại chỉ khiến vấn đề trầm trọng thêm.

Điều khiến nhiều nông dân Pháp không chịu được nữa là loại bỏ dần việc giảm thuế đối với dầu diesel dùng cho thiết bị nông nghiệp. Quy định này làm dấy lên các cuộc biểu tình kéo dài suốt hai tuần qua, với hơn 100 cuộc phong tỏa trên khắp đất nước.

Nông dân đã sử dụng máy kéo của họ để chặn những đoạn đường dài, làm chậm giao thông, đổ chất thải nông nghiệp trước cổng văn phòng chính phủ và thực hiện một loạt hành động khác nhằm gây rối và gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách.

Các nghiệp đoàn trong các ngành nghề khác của Pháp cũng xem hành động đình công này là một cơ hội để thể hiện tinh thần đoàn kết. Sự leo thang mới nhất và hành động có thể xảy ra tại thủ đô đã khiến chính phủ Pháp tăng cường nỗ lực dập tắt tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng.


Tin Việt Nam

Đại diện Thường trú Vatican đến Việt Nam khởi đầu sứ vụ ngoại giao

Đài RFA dẫn tin từ Union of Catholic Asian (UCA) News cho biết, ngày 31/1/ 2024, vị Đại diện Thường trú đầu tiên của Vatican chính thức bắt đầu sứ vụ tại Việt Nam. Trong khi chờ đợi Chính phủ Việt Nam thống nhất cơ sở làm việc và nơi ở, Vị Đại diện Thường Trú Vatican sẽ lưu lại tại Khách sạn Pan Pacific, quận Ba Đình, cách Tòa Tổng Giám mục Hà Nội hai kilomet.

nhà thờ chánh toà Hà Nội

Mạng báo UCA của Liên đoàn Công giáo Châu Á loan tin ngày 29/1 dẫn thông báo như vừa nêu của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam- Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng.

UCA còn dẫn lời một vị linh mục kỳ cựu của Tổng Giáo phận Hà Nội phát biểu trong điều kiện ẩn danh rằng Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ cấp cho Tòa thánh một lô đất ở quận Tây Hồ để xây cơ sở cho Đại diện Thường trú.

Trong khi đó Linh mục Đinh Xuân Toàn, Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế, được UCA dẫn lời rằng nhiều người lên mạng xã hội kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả lại khu nhà cổ được dùng làm Tòa Khâm sứ từ năm 1951 đến 1959. Theo lời của những người kêu gọi, nếu Chính phủ Hà Nội thực hiện điều đó thì sẽ là một dấu chỉ cho thấy thiện chí của phía Việt Nam muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Giáo hội Công giáo.

Khu nhà Khâm sứ ngay sát Tòa Giám mục Hà Nội bị Chính phủ cộng sản Việt Nam trưng thu và dùng làm thư viện công cộng từ năm 2008 sau thời gian bị sử dụng làm nhà hàng ăn uống, quán bar. Vào tháng 12/2007 và tháng 1/2008, nhiều giáo dân và tu sĩ tập trung cầu nguyện tại khu vực Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, 42 Nhà Chung và Giáo xứ Thái Hà kêu gọi Nhà nước trả lại cơ sở cho Giáo hội. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ra tối hậu thư đến 5 giờ chiều ngày 27/1/2008, mọi người phải giải tán.

Chính quyền cộng sản Việt Nam đã “mượn” vô số cơ sở tôn giáo của các tôn giáo sau năm 1954 ở miền Bắc, và sau năm 1975 ở miền Nam. Nhiều cơ sở đó còn được sử dụng cho mục đích công; nhưng cũng có những nơi bị bán cho các tổ chức tư và cá nhân.


Việt Nam, Philippines Tăng Cường Hợp Tác An Ninh Biển Đông Để Đối Phó Với Trung Cộng

Ngày 30/01/2024, Việt Nam và Philippines đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước tại Biển Đông, vùng biển mà Trung Cộng khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ diện tích.

Trong một buổi lễ chính thức được tổ chức tại phủ chủ tịch Việt Nam, nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Hà Nội của tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Hà Nội và Manila đã ký kết hai bản ghi nhớ về an ninh về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông”  và “hợp tác trên biển”  giữa lực lượng tuần duyên hai nước. 

Trong cuộc gặp với thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, tổng thống Ferdinand Marcos Jr., khẳng định thỏa thuận hợp tác hàng hải này sẽ giúp thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước, xây dựng năng lực, đào tạo, trao đổi nhân sự và tàu thuyền nhằm nâng cao khả năng cùng nhau điều hành hoạt động.

Khi nhìn nhận  “Biển Đông là một khu vực có tranh chấp”, nguyên thủ quốc gia Philippines tuyên bố “kiên quyết bảo vệ chủ quyền, và quyền tài phán” của Philippines trước bất cứ hành động khiêu khích nào. Ông cũng khẳng định Manila đang tìm cách giải quyết những vấn đề này với Trung Cộng thông qua “đối thoại và tham vấn hòa bình” với tư cách là hai quốc gia “có chủ quyền bình đẳng”.

Trước khi gặp chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, ông Marcos Jr. cho biết Việt Nam là một “đối tác chiến lược duy nhất của Philippines” ở Đông Nam Á, đồng thời nhấn mạnh hợp tác hàng hải là nền tảng cho mối quan hệ này.

Theo đánh giá của Reuters, những thỏa thuận giữa Hà Nội và Manila có thể sẽ khiến Bắc Kinh tức giận, đặc biệt nếu những thỏa thuận này mở đường cho những thỏa hiệp tương lai về các yêu sách chủ quyền ở những khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông.

Ngoài ra, Việt Nam và Philippines cũng tranh chấp chủ quyền ở một số khu vực chồng lấn trên Biển Đông, tuyến giao thương hàng hải có trị giá ước tính lên đến ba nghìn tỷ đô la. Bên cạnh các thỏa thuận an ninh biển, Việt Nam cũng đã ký một thỏa thuận với Philippines về cung cấp gạo và hợp tác nông nghiệp. Việt Nam hiện là một trong số các quốc gia xuất cảng gạo lớn nhất thế giới.

Tổng thống Marcos Jr. hôm qua cũng có cuộc trao đổi với ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn VinGroup. Lãnh đạo tập đoàn lớn nhất Việt Nam cho biết sẽ mở thêm mạng lưới kinh doanh tại Philippines. Đáp lời, nguyên thủ Philippines cam kết giúp Việt Nam sản xuất bình điện cho xe hơi nhờ trữ lượng coban, đồng và niken lớn ở trong nước.

Hôm nay, tổng thống Marcos Jr. không gặp tổng bí thư đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng. Đây là lần thứ ba liên tiếp ông Trọng vắng mặt trong những cuộc gặp với các lãnh đạo nước ngoài đến thăm Việt Nam.


Mỹ ủng hộ Việt Nam tăng tốc phát triển công nghiệp bán dẫn và năng lượng sạch

Đài RFI trích thuật báo chí trong nước về tin, Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ phụ trách Kinh tế, Năng lượng và Môi trường công du Việt Nam hai ngày với trọng tâm là siết chặt quan hệ kinh tế song phương trong một số lãnh vực trọng điểm. Washington tái khẳng định cam kết ủng hộ Việt Nam “phát triển nhanh chóng” ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt với việc hỗ trợ đào tạo nhân lực, đồng thời hối thúc Hà Nội hoàn thiện “khung pháp lý” để mở đường cho doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào lãnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trong cuộc họp báo hôm qua, 26/01/2024, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Jose W. Fernandez nhấn mạnh Hoa Kỳ đang khẩn trương “đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản phẩm bán dẫn” nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng “an toàn và đáng tin cậy”. Việt Nam hiện là một trong 7 quốc gia được tài trợ bởi Quỹ An ninh Kỹ nghệ Quốc tế và Đổi mới (ITSI Fund) của chính phủ Mỹ với mục tiêu “phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn cho Việt Nam, đồng thời cải thiện môi trường làm việc cho người lao động ngành bán dẫn”. Washington cam kết ủng hộ mục tiêu của Việt Nam đào tạo từ 50.000 đến 100.000 kỹ sư ngành bán dẫn trong những năm tới.

Reuters dẫn lời thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, theo đó 15 doanh nghiệp Mỹ, bao gồm các doanh nghiệp ngành bán dẫn, “đã sẵn sàng đầu tư khoảng 8 tỷ đô la” vào Việt Nam với trọng tâm xây dựng “các cơ sở hạ tầng năng lượng sạch”. Tuy nhiên, thứ trưởng Ngoại Giao Fernandez cũng nhấn mạnh là các công ty “sẵn sàng đầu tư nhưng gặp trở ngại khi đã cam kết với cổ đông, khách hàng là chỉ sử dụng năng lượng tái tạo, họ chờ đợi hệ thống năng lượng này tại Việt Nam phát triển, mở rộng”.

Trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo phát triển mạnh ở Việt Nam với việc pin mặt trời và tua-bin gió được lắp đặt rộng rãi, nhưng xu thế này bị cản trở do khó kết nối với mạng lưới điện quốc gia, và việc công ty quốc doanh độc quyền mua và phân phối điện. Thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ về chuyến đi của thứ trưởng Ngoại Giao Fernandez cho biết rõ: “Hoa Kỳ và các đối tác trong khu vực tư nhân sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (tức việc phát triển năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hóa thạch với sự hỗ trợ quốc tế), đồng thời nhấn mạnh đến tính cấp thiết của một khung pháp lý về năng lượng được cập nhật và hiện đại hóa”.

Ngày 25/01, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc thảo luận “về việc mở rộng hợp tác về khoa học và kỹ nghệ”. Ngày hôm qua, ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn tiếp thứ trưởng Ngoại Giao Fernandez. Hai bên đã thảo luận về việc chuẩn bị cho các chương trình trao đổi phái đoàn cấp cao Mỹ – Việt trong năm 2024 “để duy trì quan hệ và tập trung củng cố lòng tin chính trị giữa hai nước”, nhằm triển khai thỏa thuận nâng cấp Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt – Mỹ, đã được lãnh đạo hai bên thông qua hồi tháng 9/2023.


Việt Nam bắt giữ người bôi nhọ ông Hồ Chí Minh

Đài VOA thuật tin từ báo Nhà Nước cho hay, Công an tỉnh Hưng Yên của Việt Nam cho biết hôm 30/1 rằng họ khởi tố và bắt tạm giam ông Phạm Văn Chờ vì ông này bị cáo buộc đã bôi nhọ, xúc phạm chế độ và lãnh tụ.

Tin cho hay Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hưng Yên phê duyệt việc khởi tố và bắt ông Chờ, 60 tuổi, cư trú trong tỉnh, về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117, Bộ luật Hình sự. Công an Hưng Yên đã theo dõi việc ông Chờ sử dụng 2 trương mục Facebook mang tên “Chờ Phạm Văn” và “Nguyễn Minh Tân” từ năm 2020 đến tháng 11/2023.

Trong thời gian đó, theo cáo buộc của công an, được báo chí đăng lại, ông Chờ đã phát trực tiếp trên mạng (livestream) cũng như đăng tải, chia sẻ nhiều đoạn video bị nhà chức trách Việt Nam quy là “bôi nhọ đảng, nhà nước” và “xúc phạm” cố lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Có 7 video bị xem như là bằng chứng về việc ông Phạm Văn Chờ phát ngôn, đăng tải trên Facebook có nội dung “xuyên tạc tình hình thực tế, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ”, theo các bản tin, dựa trên thông tin của công an.

Nhà chức trách đã trưng cầu giám định và có kết quả khẳng định những việc làm của ông Chờ, vẫn theo truyền thông nằm trong sự quản lý của nhà nước Việt Nam. Ông đã thừa nhận với cơ quan điều tra rằng ông là người quản lý, sử dụng 2 trương mục Facebook nêu trên để lan truyền các nội dung phỉ báng hoặc xúc phạm trầm trọng đảng, nhà nước và lãnh tụ.

Vụ bắt giữ ông Chờ tiếp nối vào một loạt các vụ tương tự mà công an Việt Nam đã thực hiện trong năm 2023, gây quan ngại đối với Mỹ, các nước Tây phương và những tổ chức quốc tế cổ súy cho nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt.

Người vi phạm Điều 117, Bộ luật Hình sự Việt Nam, có thể phải chịu mức án tù từ 5 đến 20 năm, tùy theo mức độ trầm trọng của hành vi.


Việt Nam thu hồi được 20.000 tỷ đồng từ tham nhũng

Bộ Tư pháp Việt Nam hôm 30/1 cho biết rằng Việt Nam đã thu hồi 20.000 tỷ đồng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong năm 2023.

Tờ Dân Trí (báo của đảng) dẫn lời một đại diện của Bộ này nói rằng tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức hệ thống thi hành án dân sự “đã tiếp tục được kiện toàn, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp”.

Đại diện này được dẫn lời nói thêm rằng “mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, số việc và số tiền thụ lý thi hành đều tăng, nhưng kết quả thi hành án năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc”.

Theo Dân Trí, hơn 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ sự thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế – tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.

Trong năm 2023, Việt Nam đưa ra xét xử một số vụ đại án tham nhũng, trong đó có tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan. Đây được xem là vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam với số tiền mà bà Lan bị cáo buộc tham ô bằng cách “rút ruột” từ ngân hàng SCB là 304.000 tỷ đồng, tương đương 3% GDP của Việt Nam.

Bộ Tư pháp không cho biết họ đã thu hồi được bao nhiêu tài sản từ vụ tham nhũng này. Tuy nhiên, Bộ Công an hồi tháng 11 năm ngoái được VnExpress (trang mạng của đảng cộng sản) trích dẫn nói rằng cơ quan điều tra đã thu hồi nhiều nghìn tỷ đồng, hàng chục triệu USD, kê biên 1.237 bất động sản và một lượng lớn cổ phần cùng tài sản khác để khắc phục hậu quả vụ án.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hồi tháng 11 năm ngoái, chủ trì cuộc họp tại của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ca ngợi công tác phòng chống tham nhũng đang ngày càng làm tốt.

Ông Trọng cũng lưu ý về việc xử lý chậm chạp, trì trệ. Ông nói công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “cần phải làm triệt để, hiệu quả, chứ không phải làm lấy lệ, làm cho có”, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp, “hợp đồng tác chiến” hiệu quả hơn, chứ “đừng cua cậy càng, cá cậy vây” hay “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.

Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch “đốt lò” để chống tham nhũng vào năm 2016, rất nhiều viên chức đã bị cách chức, khai trừ khỏi đảng hoặc bỏ tù vì tội tham nhũng. Tuy nhiên, truyền thông Tây phương đã mô tả chiến dịch này như một cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. (VOA)

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 27/4/2024. Chứng nhân lịch sử: GSTS Nguyễn Tiến Hưng và 8 thủ đoạn nham hiểm và Bức Tử VNCH của Kissinger!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ukraine là tiền tuyến của một cuộc xung đột lớn hơn nhiều
    Gideon Rachman
  • HỘI LUẬN ngày 27/4/2024. Ukraine phản công ngoạn mục! Tháng Tư Đen và CSVN sau 49 năm: Khủng hoảng lãnh đạo; Trang giành quyền lực; Tham nhũng ở thượng tầng; Hèn với giặc, ác với dân!
    BS Nguyễn Trong Việt
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist