Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Bà Haley Thất Bại Ở Nevada

Tại một trong những cuộc bầu cử lạ lùng nhất trong thời gian gần đây vào ngày 06/02, ứng cử viên Nikki Haley về căn bản đã thất bại trước lựa chọn “Không Bầu Ứng Viên Nào” (None of These Candidates) trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa ở Nevada, một cuộc cạnh tranh không được ủng hộ tài chánh, không có sự góp mặt của ông Donald Trump, được xem là đang dẫn đầu trong đảng Cộng Hoà.

bà Nikki Haley

Cuộc đua này được chính quyền tiểu bang Nevada tổ chức vào lúc 12:01 sáng giờ miền Đông. Cử tri phải chọn hoặc “không bầu cho ai” hoặc bà Nikki Haley. Kết quả, bà Nikki Haley về hạng nhì với 32% số phiếu và “None of These Candidates” là 61%.

Mặc dù thất bại, bà Haley nói rằng, bà sẽ dùng kết quả này như chất liệu để tiếp tục tranh cử ở các tiểu bang còn lại. Nhưng các nhà phân tích chính trị cho rằng nếu bà Haley thể hiện kém trong cuộc bầu cử sơ bộ này, dù “vô nghĩa” nhưng có thể ảnh hưởng đến việc bà quyết định có tiếp tục ở lại cuộc đua hay không. Kết quả lần này chỉ là con số biểu kiến. Ngày mai, 8 tháng Hai sẽ là cuộc bầu kín do đảng Cộng Hoà tổ chức và kết quả sẽ có tính cách quyết định.

Cũng có người cho rằng, số phiếu dành cho “Không ai cả” không thể được tính là người chiến thắng, vậy người về nhì nên được xem là người chiến thắng.

Bà Haley, trước đây là đại sứ Liên Hiệp Quốc và thống đốc South Carolina, đang so tài với Tổng thống Trump của đảng Cộng Hòa, người đã chọn tranh cử theo hình thức họp kín sơ bộ do đảng Cộng Hoà tổ chức vào ngày 8 tháng Hai.

Cuộc họp bầu ngày 08/02 là cuộc tranh cử duy nhất được tính; vòng bỏ phiếu kín này sẽ trao đề cử cho người chiến thắng tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng Hòa vào mùa hè này. Các ứng cử viên được yêu cầu lựa chọn một trong hai hình thức (bầu cử sơ bộ hoặc họp bầu kín), nhưng cử tri vẫn được phép bỏ phiếu trong cả hai hình thức này.

Hôm 05/02, chiến dịch tranh cử của bà Haley đã đưa ra một tuyên bố, giải thích một phần lý do tại sao bà tránh cuộc họp bầu ở Nevada do đảng Cộng Hòa điều hành.

Bà Betsy Ankney, giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Haley cho biết, bà Haley không muốn mất nhiều sức lực cho Nevada và cũng không muốn đóng tiền cho đảng bộ Cộng Hoà của Nevada. Có lẽ đã nhìn thấy phần thắng đã về tay ông Trump.

Ông Bruce Parks, chủ tịch đảng bộ của Washoe County, Nevada nói rằng, quy trình họp bầu kính do đảng Cộng Hoà tổ chức là công bằng cho tất cả những thành viên tham gia.


Hạ Viện Hoa Kỳ Bác Bỏ Dự Luật Viện Trợ Riêng Cho Israel

Hôm thứ Ba (06/02), Hạ viện đã không thông qua một dự luật riêng tài trợ 17.6 tỷ USD cho Israel trong bối cảnh cuộc xung đột mới nhất giữa quốc gia này với nhóm khủng bố Hamas.
Kết quả biểu quyết cuối cùng là 250 phiếu thuận – 180 phiếu phản đối, tức là không đạt được đa số 2/3 phiếu thuận cần thiết để thông qua do dự luật được đưa ra dưới hình thức thủ tục cấp tốc.

Có 203 thành viên đảng Cộng Hòa và 46 thành viên đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu thuận cho dự luật này, trong khi đó 166 thành viên đảng Dân Chủ và 14 thành viên đảng Cộng Hòa bỏ phiếu chống.

Ngay cả khi nếu được thông qua, thì dự luật này vẫn sẽ gặp một tương lai bấp bênh tại Thượng Viện vốn do đảng Dân Chủ kiểm soát, vì Tổng thống Joe Biden đã phản đối dự luật này. Trong một tuyên bố hôm Thứ Hai (05/02), Tổng thống nói rằng ông sẽ phủ quyết.

Thượng Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát đang tìm cách thông qua một dự luật bổ túc bao gồm khoản viện trợ cho Israel, khoản viện trợ cho Ukraine, và ngân sách cho dự luật về vấn đề nhập cư và biên giới.

Ngân sách cho dự luật về vấn đề nhập cư và biên giới cũng là những vấn đề gây tranh cãi giữa các thành viên đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội, cho rằng dự luật sẽ bị bác bỏ tại Hạ Viện. Có lẽ sẽ không đủ số phiếu để thông qua dự luật này tại Thượng Viện. Chính phủ đã giới thiệu dự luật bổ túc này và kêu gọi Quốc Hội thông qua.

Phía chính phủ nói về dự luật riêng cho Israel này, “Thay vì làm việc một cách thiện chí để giải quyết những thách thức cấp bách nhất về an ninh quốc gia, thì dự luật này lại là một thủ đoạn chính trị bất cần đạo lý khác. An ninh của Israel phải là rất thiêng liêng, không phải là một trò chơi chính trị”.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đáp trả Tòa Bạch Ốc rằng, “Lời đe dọa phủ quyết của tổng thống là một hành động phản bội. Khi đe dọa phủ quyết viện trợ cho Israel và lực lượng quân sự của chúng ta, Tổng thống Biden đang bỏ rơi đồng minh của chúng ta trong thời điểm họ cần chúng ta nhất”.

Nói chuyện với các phóng viên trước cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện, Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York) cho biết: “Khác với ông Joe Biden, đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện sát cánh cùng Israel”.


Trung Cộng Đang Gài Bẫy TT Biden Về Trí Tuệ Nhân Tạo

Ông Bonnie Glaser thuộc Quỹ Marshall Đức cho biết, “Trung Cộng đã tỏ ra quan tâm đến việc tham gia các cuộc thảo luận để thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn cho AI, và chúng ta nên hoan nghênh điều đó. Tòa Bạch Ốc quan tâm đến việc khuyến khích Trung Cộng hạn chế vai trò của AI trong việc chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạch tâm”.

Ông Joe Wang, một cựu nhân viên Bộ Ngoại giao và NSC, hiện đang làm việc tại Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt tại Arlington, Virginia, chuyên về AI và các kỹ nghệ mới nổi, nối rằng, “Không ai muốn thấy vũ khí hạch tâm do AI điều khiển, phải vậy không. Như vậy, ngay cả nhà độc tài điên rồ nhất cũng có thể đồng ý”.

Họ cho rằng tôi điên rồi, nhưng không, Mỹ không nên tham gia bất cứ thỏa thuận AI nào về “hạch tâm C2” — chỉ huy (command) và kiểm soát (control) — hoặc bất cứ vấn đề nào khác với Trung Cộng.

Đúng vậy, “AI là một kỹ nghệ thay đổi nền văn minh”, như nhà phân tích kỹ nghệ Brandon Weichert nói với Viện Gatestone, và không, không ai muốn máy móc kiểm soát việc khai triển vũ khí hạch tâm. Nhiều người sực nghĩ đến WarGames, một bộ phim được sản xuất năm 1983 với sự tham gia của nam diễn viên Matthew Broderick, trong đó một máy điện toán quân sự của Mỹ tự mình mô phỏng một cuộc tấn công tổng lực của Liên Xô và gần như phát động một cuộc phản công của Hoa Kỳ vào Liên Xô.

Thực tế diễn ra đúng như trong phim. Vừa bước qua ngày 26/09/1983 chỉ vài giờ, một người là Trung tá Stanislav Petrov tình cờ được giao nhiệm vụ trực tại trung tâm cảnh báo sớm Serpukhov-15 ở phía nam Moscow. Các báo động liên tiếp cho thấy Mỹ đã phóng năm quả phi đạn Minuteman từ Montana về phía Nga. Hơn ba mươi cuộc kiểm tra độ tin cậy ở Serpukhov-15 đã xác nhận rằng cuộc tấn công thực sự này đã diễn ra. Các thủ tục phòng vệ của Liên Xô yêu cầu phải tiến hành phóng phi đạn đáp trả.

Tuy nhiên, ông Petrov đã tin vào trực giác của mình và phớt lờ những cảnh báo. “Người tôi ướt đẫm mồ hôi”, cựu quân nhân Liên Xô này nhớ lại. “Mọi người la hét, còi báo động reo lên ầm ĩ. Nhưng một cảm giác trong lòng tôi mách bảo tôi rằng có điều gì đó không đúng”.

Quả thật là đã có điều không đúng. Hóa ra, các cảm biến trên vệ tinh Kosmos 1382 đã nhầm lẫn ánh sáng mặt trời chiếu từ đỉnh mây là các phi đạn đang bay tới.

Bản năng của một người — điều mà sau này ông Petrov gọi là “một cảm giác khang khác trong lòng” — đã cứu lấy phần lớn nhân loại khỏi bị thiêu thành tro vào ngày hôm đó. Một hệ thống do AI điều khiển trong tình huống này có thể đã phát động thứ mà nó nghĩ là một cuộc phản công nhằm vào đất Mỹ nhưng trên thực tế sẽ trở thành cuộc tấn công khơi mào. Tuy kỹ nghệ AI tân tiến là vậy, nhưng không đến mức có thể đưa “linh cảm” vào các thuật toán.

Tuy nhiên, chỉ vì điều gì đó thực sự cần thiết không có nghĩa là phải ai cũng đồng thuận để thực hiện.

Trên thực tế, một thỏa thuận quy định rằng một con người đưa ra các quyết định khai triển [vũ khí hạch tâm], như một điều diễn ra trong thực tế, sẽ không thể thực thi. Chẳng hạn, không ai ở Trung Cộng, Nga, hay Hoa Kỳ cho phép các quốc gia khác nghiền ngẫm hàng triệu dòng chữ của máy điện toán của họ và cho phép người ngoại quốc ở lại các cơ sở của họ để kiểm tra các bản cập nhật.

Mỹ không cần thêm một thỏa thuận có vẻ tốt đẹp với Trung Cộng. Mỹ đã có các thỏa thuận như vậy, đặc biệt là Công Ước Vũ Khí Sinh Học không kèm theo cơ cấu thực thi. Các nghĩa vụ nghiêm túc của Trung Cộng trong hiệp ước đó không ngăn được chế độ này duy trì một loạt các cơ sở sản xuất vũ khí sinh học, bao gồm cả Viện Virus học Vũ Hán, và cố tình lây lan COVID-19 ra ngoài biên giới quốc gia này.

Như người ta nói, hy vọng hiện đang lấn lướt kinh nghiệm. Hôm 16/11, một ngày sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình ở San Francisco, Tổng thống Joe Biden cho biết: “Chúng tôi sẽ tập hợp các chuyên gia của mình để thảo luận về các vấn đề rủi ro và an toàn liên quan đến trí tuệ nhân tạo”. Kiểm soát AI là một trong ba lãnh vực mà ông Biden cho biết Trung Cộng đã đồng ý thảo luận thêm.

Bất cứ điều gì Trung Cộng mong muốn thì gần như chắc chắn đều không có lợi cho cả Hoa Kỳ lẫn cộng đồng quốc tế. Điều rủi ro là, Hoa Kỳ sẽ mất quyền sử dụng những lợi thế quan trọng mà AI mang lại trong việc nhắm mục tiêu vào các loại đạn dược quy ước.

Ông Hamlet Yousef, giám đốc điều hành của IronGate Capital Advisors, một công ty đầu tư vào kỹ nghệ phòng thủ lưỡng dụng, cho biết: “Bởi vì các hệ thống tự động sẽ sớm có ảnh hưởng lớn trong chiến tranh, nên các quy tắc về AI sẽ tương đương với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạch tâm trong thế kỷ 21”.


Houthi Tấn Công Các Tàu Của Mỹ Và Anh Quốc Ở Hồng Hải Vào Sáng Sớm

Nhóm khủng bố Shiite Houthi của Yemen (còn được gọi là Ansar Allah) đã tiếp tục các cuộc tấn công vào các chuyến tàu ở Hồng Hải. Sáng sớm hôm 06/02, nhóm này được cho là đã khai hỏa vào một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Vương quốc Anh.

Theo phát ngôn viên Yahya Sarea của nhóm này, các tay súng Houthi đã phóng phi đạn vào hai tàu — một của Anh quốc và một của Mỹ — đang đi qua Hồng Hải gần thành phố cảng Al-Hudeidah của Yemen.

Nhóm này tuyên bố sẽ tiến hành thêm các hành động nhắm vào mục tiêu “kẻ thù” là Hoa Kỳ và Anh quốc.

Sau đó, cơ quan Giám sát Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh của quân đội Anh đã xác nhận cuộc tấn công trước bình minh này, rằng một tàu chở hàng mang cờ Barbados thuộc sở hữu của Vương quốc Anh đã bị “thiệt hại nhẹ” sau khi bị bắn ở ngoài khơi bờ biển phía tây Yemen.

Cơ quan này cũng lưu ý rằng một tàu thủy nhỏ đã được nhìn thấy gần đó ngay trước khi vụ việc xảy ra.

Không có trường hợp tử vong hoặc bị thương nào được báo cáo, trong khi vẫn chưa rõ liệu tàu thứ hai thuộc sở hữu của Hoa Kỳ có bất cứ thiệt hại nào từ vụ tấn công hay không.

Vụ việc xảy ra ba ngày sau khi lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ và Vương quốc Anh thực hiện các cuộc tấn công trên diện rộng nhắm vào hàng chục mục tiêu Houthi khắp Yemen.

Một ngày trước khi tấn công các mục tiêu Houthi, Hoa Kỳ đã tiến hành rất nhiều cuộc tấn công vào các vị trí ở cả Syria và Iraq được cho là có liên quan đến những kẻ khủng bố được Iran hậu thuẫn.

Theo các viên chức quân sự Hoa Kỳ, cuộc không kích này này đã tấn công hơn 85 mục tiêu có liên quan đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và các nhóm khủng bố do Iran hậu thuẫn được biết là đang hoạt động trong khu vực này.

Vẫn chưa rõ các cuộc tấn công gần đây của Hoa Kỳ vào các mục tiêu ở Iraq và Syria đã gây ra bao nhiêu thương vong.


Arizona Giới Thiệu Dự Luật Nhằm Ngăn Chặn Trung Cộng Thu Hoạch Nội Tạng  

Một dự luật do đảng Cộng Hòa bảo trợ ở Arizona đang tìm cách chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc cộng sản, nơi các tù nhân lương tâm đã bị sát hại để lấy nội tạng trên quy mô lớn trong hơn hai thập niên.

Tại cuộc họp báo ở Phoenix hôm 05/02, Lãnh đạo Đa số Hạ viện Leo Biasiucci (Cộng Hòa), người bảo trợ cho dự luật này, cho biết Dự luật Hạ viện 2504 (HB2504) sẽ hạn chế ủng hộ tài chính cho các ca cấy ghép nội tạng từ Trung Cộng và “các địch thủ ngoại quốc khác”.

Những địch thủ ngoại quốc này bao gồm Nga, Iran, Bắc Hàn, Cuba, Venezuela, Syria, và đặc khu hành chính Hồng Kông.

Dự luật, còn được gọi là Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng ở Arizona, sẽ ngăn cản người dân Arizona “vô tình” góp phần vào nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức bằng cách “du lịch ghép tạng”.

Trong hầu hết các trường hợp, thời gian chờ đợi để được cấy ghép nội tạng ở Hoa Kỳ là từ một đến ba năm. Tuy nhiên, ở Trung Cộng, bệnh nhân có thể nhận được một quả thận hoặc một lá gan mới chỉ trong hai hoặc ba tuần với chi phí thấp hơn.

Những học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một trong những nạn nhân chính của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc trong bối cảnh chế độ cộng sản này vẫn tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống lại tín ngưỡng truyền thống. Các nạn nhân khác được cho là bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và tín đồ Cơ Đốc Giáo tại gia.

Tiến sĩ Dana Churchill, một thành viên hội đồng quản trị và là đại biểu khu vực Bờ Tây của tổ chức bất vụ lợi Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), nói với các phóng viên rằng một nghiên cứu năm 2006 đã tiết lộ mức độ đáng báo động của vấn đề này.

Tiến sĩ Churchill nói, “Chúng tôi bị chấn động. Vào thời điểm đó, chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang kiếm tiền dựa trên thân thể của quý vi. Chuyện này thực sự đang diễn ra. Chúng ta cần phải hành động về vấn đề này”.

Hôm 04/02, nhà lập pháp Anh quốc Nghị sĩ Philip Hunt của vùng King’s Heath đã đề cử DAFOH cho Giải Nobel Hòa bình vì vai trò của tổ chức này trong việc nêu bật “nỗi kinh hoàng của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức” ở Trung Quốc.

Theo DAFOH, từ năm 2000 đến năm 2005, số ca phẫu thuật cấy ghép có “nguồn nội tạng không rõ nguồn gốc” là 41,500 ca.

Theo một tờ thông tin của DAFOH, “Trong ngành du lịch cấy ghép, những người hiến tạng tự nguyện sẽ nhận được khoản thanh toán cho việc hiến nội tạng của họ. Ngược lại, nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ. Nội tạng được lấy từ các tù nhân mà mạng sống của họ, dưới cái cớ ‘hành quyết,’ đã bị tước đoạt một cách chủ động. Thông lệ này làm xói mòn chính nền tảng đạo đức của ngành y khoa”.


Tin Tặc Trung Cộng Xâm Nhập Mạng Phòng Thủ Của Hoà Lan

Hoà Lan thừa nhận rằng Trung Cộng đã tấn công vào một mạng phòng thủ của Hoà Lan.

Theo một báo cáo tình báo của Hoà Lan công bố hôm 06/02, năm ngoái, các phần tử được nhà nước hậu thuẫn đã có được quyền truy cập vào mạng quân sự của Hoà Lan và giành được quyền truy cập liên tục.

Hôm 06/02, Bộ trưởng Quốc phòng Hoà Lan Kajsa Ollongren cho biết: “Quan trọng là cần bảo đảm rằng các hoạt động gián điệp thuộc loại này do Trung Cộng thực hiện phải được công chúng biết đến vì điều này sẽ giúp tăng cường khả năng ứng phó của quốc tế đối với loại gián điệp mạng này”.

Bản báo cáo, do Cơ quan Tình báo và An ninh Quân đội Hoà Lan (MIVD) và Tổng cục Tình báo và An ninh Hoà Lan (AIVD) đồng phát hành, không nói rõ thông tin nào mà những tin tặc này đang cố gắng thu thập.

Báo cáo của họ cho biết thiệt hại do vụ xâm nhập là hạn chế do có “sự phân đoạn mạng”, vốn tách mạng lưới này ra khỏi mạng rộng hơn của Bộ Quốc phòng.

Họ cho biết mạng bị ảnh hưởng đó “có dưới 50 người dùng” và được sử dụng cho nghiên cứu không thuộc cơ mật.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên Hoà Lan công khai quy kết một hành động gián điệp mạng cho chế độ Trung Cộng, nhưng cách diễn đạt của báo cáo cho thấy đây không phải là vụ việc đầu tiên được biết đến.

Báo cáo cho biết, “MIVD & AIVD đánh giá với độ tin cậy cao rằng hoạt động hiểm độc này được thực hiện bởi một phần tử được nhà nước bảo trợ đến từ Trung Cộng. Đây là một phần trong xu hướng gián điệp chính trị rộng lớn hơn của Trung Cộng nhắm vào Hoà Lan và các đồng minh”.

Ngoài ra, báo cáo thừa nhận rằng các nỗ lực xâm nhập của Trung Cộng xảy ra “với một nhịp độ”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cai trị Trung Quốc như là một quốc gia độc đảng, vẫn chưa đưa ra phản ứng nào về vụ việc này, nhưng họ thường xuyên phủ nhận mọi liên quan đến các chiến dịch xâm nhập các nước khác.

Tuy vậy, nhiều báo cáo đã phát giác ra rằng các phần tử được Trung Cộng hậu thuẫn có liên quan đến cả tình báo và các cơ quan công an, mật vụ Trung Cộng, gây ảnh hưởng trực tuyến lớn nhất thế giới này.

Hôm 31/01, các nhà lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng họ đã phá hủy một nhu liệu độc hại của Trung Cộng có tên Volt Typhoon. Nhu liệu này đã được cài đặt trên hàng trăm thiết bị và đe dọa cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ, bao gồm các hệ thống kiểm soát nước, năng lượng, dầu mỏ, và không lưu.

Giám đốc FBI Christopher Wray đã điều trần việc Trung Cộng xâm nhập vào các hệ thống của Hoa Kỳ là đáng chú ý ở mức độ cố tình nhắm vào các hệ thống dân sự sẽ trực tiếp gây tổn hại về thân thể cho công dân Hoa Kỳ.

Ông Wray nói: “Họ không chỉ tập trung vào các mục tiêu chính trị và quân sự. Chúng ta phải hiểu rằng, các mối đe dọa mạng đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta tương ứng với các mối đe dọa trong thế giới thực, đối với sự an toàn thân thể của chúng ta”.


Tin Việt Nam

30 Nghị Sĩ Mỹ Phản Đối Việc Xét Công Nhận Kinh Tế Thị Trường Cho Việt Nam

Đài VOA dẫn tin từ Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 03 tháng 02 cho biết, hai nhóm Nghị Sỹ Mỹ gồm trên 30 vị vừa kêu gọi chính quyền Biden không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, giữa lúc giới chức Hà Nội cố gắng vận động Washington để sớm chấm dứt tình trạng Việt Nam bị liệt vào hạng kinh tế phi thị trường.

Các yêu cầu của các nghị sĩ được gửi đến Bộ trưởng Bộ Thương Mại Mỹ Gina Raimondo để xem xét lại quy chế cho Việt Nam, dự định sẽ hoàn tất vào cuối tháng 7 tới.

Nghị sĩ Elizabeth Warren, đại diện tiểu bang Massachusettes, người đứng đầu một lá thư có chữ ký của 8 nghị sĩ, nêu quan điểm trong một thông cáo hôm 29/1: “Việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam mà các tiêu chuẩn lao động chưa được cải thiện, bao gồm cả việc bật đèn xanh cho hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung cộng, sẽ là một sai lầm trầm trọng”.

Các nghị sĩ nhấn mạnh việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức ở Việt Nam cũng như mối quan hệ thương mại ngày càng tăng của nước này với Trung cộng, đồng thời lập luận rằng việc trao quy chế nền kinh tế thị trường sẽ làm trầm trọng thêm những sự méo mó thương mại đang diễn ra và đe dọa người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ, theo bức thư đề ngày 28/1.

Bà Warren nói thêm: “Bộ trưởng Raimondo nên lắng nghe mối quan ngại của người lao động Mỹ, không gây nguy hiểm cho an ninh việc làm của họ bằng chính sách thương mại tồi tệ”.

Tương tự, 25 dân biểu cũng gửi thư chung đến Bộ trưởng Raimondo, lập luận rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục để thay đổi tình trạng.

Một thông cáo dẫn lại lời của Dân biểu Rose DeLauro, đại diện tiểu bang Connecticut. “Chính phủ của chúng ta đã hoàn thành nghiên cứu sâu rộng để xác định rõ vai trò của Việt Nam như là một môi trường chuyển tiếp hàng hóa Trung cộng được buôn bán không công bằng nhằm tránh né luật thương mại đã có từ lâu. Chúng tôi phải bảo đảm luật thương mại của chúng ta không bị xâm phạm”.

Các nghị sĩ cảnh báo một “quyết định vội vàng… sẽ làm suy yếu việc thực thi luật thương mại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, chỉ càng khuếch trương và tạo lợi thế cho Trung cộng và Đảng cộng sản Việt Nam, và làm tổn thương các ngành công nghiệp Mỹ cũng như người lao động của họ”.

Các nghị sĩ cũng nhắc lại việc Bộ Tài Chánh Mỹ gửi tờ trình tới Quốc Hội lưu ý rằng chưa có đối tác thương mại lớn nào thao túng tiền tệ của Mỹ, nhưng đã đưa Việt Nam trở lại “danh sách giám sát” về chính sách ngoại hối. Bộ Thương Mại Mỹ công bố vào tháng 10/2023 rằng họ sẽ xem xét tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam, quá trình sẽ hoàn tất trong 270 ngày.

Các dân biểu lập luận rằng có bằng chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam vẫn là một quốc gia chuyên chế với sự kiểm soát của nhà nước đối với các khía cạnh quan trọng của nền kinh tế. “Bộ Thương mại phải bảo vệ tính hiệu quả của luật thương mại quốc gia bằng cách duy trì tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam”, bức thư viết.

Gần đây, các lãnh đạo Việt Nam thường xuyên vận động giới chức Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Vào tháng giữa 11/2023, khi phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở San Francisco, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế trường. Ông Thưởng nói rằng việc này cần được thực hiện “bằng quyết sách chính trị chứ không nên theo quy định một cách cứng nhắc”.

Trước đó, vào tháng 9/2023, Thủ tướng Việt cộng Phạm Minh Chính đưa ra đề nghị tương tự trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Rainmondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tại thủ đô Washington của Mỹ.

Trong hai bức thư, các nghị sĩ Mỹ liệt kê 6 tiêu chuẩn và cho rằng Việt Nam chưa đáp ứng được bất cứ tiêu chuẩn nào:

Tiêu chuẩn số 1: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền quốc gia sang đồng tiền nước khác. Hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát của nhà cầm quyền và không hoạt động độc lập, bị Bộ Tài Chánh thao túng.

Tiêu chuẩn số 2: Bộ Ngoại Giao Mỹ nhận thấy cộng sản Việt Nam áp dụng “những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do lập hội của người lao động”“sử dụng lao động trẻ vị thành niên”.

Tiêu chuẩn số 3: Nền kinh tế Việt Nam chịu sự kiểm soát của nhà nước, gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh tại Việt Nam.

Tiêu chuẩn số 4: Việt Nam vẫn là một nước cộng sản với nền kinh tế tập trung. Mặc dù đã có cải cách nhưng chưa đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn để trở thành một nền kinh tế thị trường.

Tiêu chuẩn số 5: Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp quốc doanh hơn các đơn vị khác, và điều đó bao gồm biện pháp kiểm soát giá, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ chốt như “xăng dầu, thép, bê tông, vận tải, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và thiết bị y tế”.

Tiêu chuẩn số 6: Các yếu tố khác, Việt Nam để cho Trung Cộng sử dụng để tránh các biện pháp thương mại và thuế nhập cảng vào Hoa Kỳ. Lãnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều ở đầu vào từ Trung Cộng, khiến Việt Nam dễ gặp rủi ro về vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện đang bị áp đặt 25 lệnh chống bán phá giá và 4 vụ điều tra nữa đang chờ xử lý.

Ghi chú của VHM: Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Dũng, đã phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tại Hoa Kỳ, ngày 23/1, kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt việc gắn nhãn “nền kinh tế phi thị trường” đối với Hà Nội, vì có hại cho quan hệ song phương”.

Ngày mùng 01 tháng 2 truyền thông Nhà Nước dẫn thông tin từ Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, ông Marc E. Knapper, tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hà Nội vào chiều ngày 31/1 nói rằng Phòng Thương Mại Hoa Kỳ đang khẩn trương xem xét viẹc công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hy vọng thời điểm đó có thể vào tháng 6 năm nay.


Mỹ Đánh Giá Đất Hiếm Việt Nam Có Trữ Lượng Thấp

Đài RFI thuật tin từ Reuters hôm mùng 01/02/2024 cho hay, Cục Khảo Sát Địa Chất Hoa Kỳ (USGS) giảm mạnh thẩm định về trữ lượng đất hiếm của Việt Nam, quốc gia vốn được coi là đứng hàng thứ hai về trữ lượng các kim loại chiến lược của thế giới.

Thống kê của USGS cũng cho thấy, mặc dù có trữ lượng lớn thứ hai thế giới, ước tính khoảng 22 triệu tấn quặng đất hiếm quy đổi (REO), Việt Nam chỉ khai thác được 1.200 tấn vào năm 2022, giảm mạnh so với mức 4.300 tấn mà USGS ước tính trước đó cho năm 2022. Việt Nam có kế hoạch tăng sản lượng lên khoảng 20.000-60.000 tấn/năm vào cuối thập niên 2020. Tuy nhiên, theo USGC, Việt Nam chỉ khai thác được 600 tấn hồi năm ngoái.

Trong khi sản lượng đất hiếm của Việt Nam giảm, USGS ước tính sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu đã tăng lên 350.000 tấn năm ngoái so với 300.000 tấn vào năm 2022. Lý do chủ yếu là do sản lượng của Trung Cộng tăng từ 210.000 tấn lên 240.000 tấn. Sản lượng của Miến Điện cũng tăng gấp ba lần lên 38.000 tấn vào năm 2023 từ mức 12.000 tấn năm 2022.

Ước tính của Cục Khảo Sát Địa Chất Hoa Kỳ (USGS) được công bố vào cuối tháng 1/2024, chỉ vài tháng sau khi chính quyền Việt Nam bắt giữ một loạt giám đốc điều hành các công ty đang hợp tác với các đối tác Tây phương để khai thác đất hiếm ở Việt Nam.

Đất hiếm được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm ô tô điện, pin và năng lượng tái tạo, cũng như một số ứng dụng trong các sản phẩm điện tử và quân sự. Theo Reuters, Hoa Kỳ đã đồng ý về nguyên tắc sẽ hợp tác với Việt Nam tăng cường khai thác đất hiếm.


Thị Trường Máy Bay Không Người Lái Của Việt Nam Có thể Khá Hơn

Thị trường máy bay không người lái (drone) của Việt Nam được dự định tăng 16,8% từ giai đoạn 2024 đến 2030.

Một số căn cứ cho dự định tăng trưởng vừa nêu dựa vào công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, lãnh vực mở rộng cơ sở hạ tầng và thăm dò.

Nền nông nghiệp hiện đại sử dụng máy bay không người lái để giúp người nông dân theo dõi mùa vụ, đánh giá tình trạng đất đai và tối ưu hóa thủy lợi. Vào khi Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh đến biện pháp gia tăng năng suất, máy bay không người lái sẽ là động lực phát triển chính để đạt mục tiêu này.

Hiện Việt Nam cũng đang mở rộng cơ sở hạ tầng và máy bay không người lái sẽ giúp cho công tác thăm dò, lập bản đồ, giám sát công trường/công trình; cũng như cung cấp dữ kiện chính xác, kịp thời cho công tác quản trị kế hoạch.

Chính phủ Hà Nội đang có những sáng kiến và quy định nhằm định hình thị trường máy bay không người lái. Do nhận thức được những lợi ích của máy bay không người lái trong nhiều lãnh vực, nên Chính phủ Hà Nội dự định thực hiện những bước tạo ra khung pháp lý bảo đảm việc sử dụng máy bay không người lái một cách an toàn và có trách nhiệm.


Việt Nam Phạt Kỷ Luật Hơn 24.000 Đảng Viên, Nhưng Tội Tham Nhũng Chỉ 2%

Đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam, trong năm ngoái đã phạt kỷ luật hơn 24.000 đảng viên. Một viên chức đảng cho biết chỉ có tỷ lệ rất nhỏ trong số đó là thành phần tham nhũng.

Theo tường thuật của báo Dân Trí, báo Tuổi Trẻ và các báo khác, đều là báo đảng, ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương của đảng, đã thông báo kết quả từ một phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung Ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Các số liệu của năm 2023 do các báo đăng tải, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên, tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022. Tuy nhiên, trong đó, chỉ có 459 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, tương đương 2%.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung Ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm việc kê khai tài sản, thu nhập.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 của đảng, tức từ đầu năm 2021, đến nay, đảng đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ thuộc Trung Ương, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.

Dẫn thông tin từ Ban Nội chính Trung Ương và Ban Chỉ đạo Trung Ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các báo đảng viết rằng, trong năm 2023, các cơ quan chính quyền Việt Nam “đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ thuộc Trung Ương quản lý”.

Bên cạnh đó, các địa phương “đã cho từ chức, cách chức, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy”.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng đã chỉ thị cho ngành thanh tra, kiểm toán xoáy sâu vào những lãnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực…, qua đó, hai ngành này đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 219.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022; cũng như kiến nghị xử lý hành chính hơn 7.500 tập thể và gần 8.000 cá nhân, theo thông tin được Ban Nội chính Trung Ương và Ban Chỉ đạo Trung Ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đưa ra trong buổi họp hôm 1/2.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho báo chí biết Ban Chỉ Đạo thống nhất đánh giá rằng trong năm 2023, “công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả toàn diện cả ở trung ương và địa phương”.

Trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố đã đẩy mạnh chống tham nhũng, thì Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) năm 2023 của Việt Nam bị giảm điểm, tụt hạng so với một năm trước, theo kết quả do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố hôm 30/1.

Chỉ số CPI mới nhất của Việt Nam là 41/100 điểm và xếp hạng 83/180 nước trên thế giới, đều thấp hơn so với hai mức của năm 2022 là 42/100 điểm và đứng thứ 77/180 nước được xếp hạng. Với các con số của hai năm như vậy, Việt Nam vẫn nằm trong số các nước có nạn tham nhũng gần như bất trị. (VOA)


Việt Nam Giảm Án Tử Hình Xuống Chung Thân Cho 5 Phạm Nhân

Chủ tịch nước cộng sản Việt Nam Võ Văn Thưởng ký quyết định hôm 6/2 ân giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 5 bị án có đơn xin ân giảm gửi đến ông. Nhiều báo đảng đưa tin nhưng không công bố danh tính và tội trạng của những tù nhân vừa thoát án tử.

VnExpress, VietnamNet, Tuổi Trẻ và các báo khác cho hay quyết định của vị chủ tịch nước được đưa ra phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của chức vụ này nêu trong Hiến Pháp và pháp luật Việt Nam, cũng như sau khi ông xem xét đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao và Chủ nhiệm Văn phòng Chủ Tịch Nước.

Hành động của Chủ tịch Thưởng ân giảm các bản án từ mức tử hình xuống tù chung thân cho các phạm nhân được báo chí nhà nước mô tả là sự “thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo” của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội trầm trọng.

Báo đảng viết rằng, quyết định hết sức hệ trọng đó “mở ra cho họ con đường được sống, ăn năn hối cải, phục thiện, cải tạo để có cơ hội trở về với gia đình, cộng đồng, xã hội”.

Dữ kiện được báo chí Việt Nam công bố cho thấy trong hai tháng 8 và 12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ân giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho tổng cộng 29 người. Một năm trước, ông giảm án tử hình xuống chung thân cho 31 trường hợp, trong đó có 4 người nước ngoài. (VOA)

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 27/4/2024. Chứng nhân lịch sử: GSTS Nguyễn Tiến Hưng và 8 thủ đoạn nham hiểm và Bức Tử VNCH của Kissinger!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ukraine là tiền tuyến của một cuộc xung đột lớn hơn nhiều
    Gideon Rachman
  • HỘI LUẬN ngày 27/4/2024. Ukraine phản công ngoạn mục! Tháng Tư Đen và CSVN sau 49 năm: Khủng hoảng lãnh đạo; Trang giành quyền lực; Tham nhũng ở thượng tầng; Hèn với giặc, ác với dân!
    BS Nguyễn Trong Việt
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist