TIN THẾ GIỚI.
Không có đột phá trong đàm phán ngừng bắn ở Gaza, người Palestine ở Rafah lo sợ (VOA)
Những người Palestine đang chen chúc ở nơi ẩn náu cuối cùng của họ tại Gaza hôm thứ Tư bày tỏ lo ngại ngày càng tăng về việc Israel sẽ sớm mở cuộc tấn công theo kế hoạch vào thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza sau khi các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Cairo kết thúc mà không có kết quả.
Các cuộc đàm phán ở thủ đô Ai Cập, với sự tham gia của Hoa Kỳ, Israel, Ai Cập và Qatar, đã kết thúc mà không có bất kỳ dấu hiệu đột phá nào hôm thứ Ba và không có công bố ngày nào cho cuộc gặp tiếp theo.
Việc không có được thỏa thuận đã giáng một đòn mới vào hơn một triệu người Palestine đang chen chúc ở Rafah, cạnh biên giới với Ai Cập, nơi nhiều người đang sống trong các lều trại và nơi trú ẩn tạm thời sau khi chạy trốn khỏi các cuộc oanh tạc của Israel tại những nơi khác ở Gaza.
Quân đội Israel nói họ muốn quét sạch các chiến binh Hồi giáo khỏi nơi ẩn náu ở Rafah và giải thoát các con tin đang bị giam giữ ở đó sau cuộc đột kích của Hamas ở Israel vào ngày 7/10, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về kế hoạch sơ tán thường dân.
“Thông tin thật đáng thất vọng, chúng tôi hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận ở Cairo. Chúng tôi hiện đang đếm ngược từng ngày trước khi Israel đưa xe tăng tới. Chúng tôi hy vọng họ không làm vậy, nhưng ai có thể ngăn cản họ?”, Jaber, một doanh nhân ở Gaza đang trú ẩn ở Rafah cùng gia đình, nói với Reuters qua một ứng dụng trò chuyện.
Trong lời kêu gọi quốc tế mới nhất yêu cầu Israel tạm dừng tấn công Rafah, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo về nguy cơ hệ thống y tế của Gaza bị đẩy đến gần bờ vực sụp đổ.
Richard Peeperkorn, đại diện của WHO tại Gaza và Bờ Tây nói: “Các hoạt động quân sự ở… khu vực đông dân cư này tất nhiên sẽ là một thảm họa không thể đo lường được… và thậm chí sẽ làm mở rộng thêm thảm họa nhân đạo ngoài sức tưởng tượng”.
Israel nói họ thực hiện các bước để giảm thiểu thương vong cho thường dân và cáo buộc các chiến binh Hamas ẩn náu giữa dân thường, kể cả trong bệnh viện và nơi trú ẩn, điều mà nhóm chiến binh phủ nhận.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói một cuộc tấn công vào Rafah sẽ gây nguy hiểm cho tình hình nhân đạo ở đó.
“Bởi vì người dân ở Rafah không thể đơn giản biến mất trong không khí. Họ cần những nơi an toàn và hành lang an toàn để tránh bị vướng vào làn đạn nhiều hơn”, bà nói trước cuộc hội đàm dự kiến với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Một nguồn tin tóm tắt về các cuộc đàm phán mô tả chúng là “tốt” và cho biết các bên đã đồng ý tiếp tục nhưng từ chối cho biết địa điểm và thời gian.
Một quan chức Palestine cho biết Ai Cập và Qatar sẽ tiếp tục đàm phán riêng với các bên tham chiến và kêu gọi Israel mềm mỏng hơn trong lập trường. Israel đã thề sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi tiêu diệt Hamas và đặt việc trao trả những con tin cuối cùng là ưu tiên hàng đầu. Hamas yêu cầu Israel phải cam kết chấm dứt chiến tranh và rút khỏi Gaza.
Sau chỉ trích của ông Trump, lãnh đạo NATO nói châu Âu đang đáp ứng các mục tiêu chi tiêu (VOA).
NATO hôm thứ Tư nói rằng châu Âu đang đáp ứng mục tiêu chi tiêu của liên minh và Hoa Kỳ cần các đồng minh, vài ngày sau khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gợi ý rằng Washington có thể không bảo vệ các quốc gia không chi tiêu đủ.
Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cũng kêu gọi Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua gói viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ đôla “quan trọng” dành cho Ukraine, đồng thời cảnh báo các nhà lập pháp rằng Trung Cộng sẽ táo bạo hơn nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến.
Ông Stoltenberg nói các quốc gia châu Âu của liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ đầu tư tổng cộng 380 tỷ USD vào quốc phòng trong năm nay, nâng tổng chi tiêu của họ lên khoảng 2% GDP vào năm 2024 so với 1,85% vào năm 2023.
Được biết chỉ có 11 trên tổng số 31 nước thành viên NATO đạt chỉ tiêu 2% GDP cho quốc phòng năm 2023, con số này có thể tăng lên thành 20 nước trong năm 2024. Trong số những nước chưa đạt chỉ tiêu có Pháp (1,9%), Đức (1,57%), Bỉ (1,15%)…
Ông Trump hôm thứ Bảy đã gây sốc cho người châu Âu khi ám chỉ rằng ông sẽ khuyến khích Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” đối với các đồng minh NATO không chi tiêu đủ. 31 đồng minh đã cam kết chi tiêu 2% GDP của họ cho quốc phòng nhưng không phải tất cả đều thực hiện như vậy.
“Tôi kỳ vọng 18 đồng minh sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay”, ông Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels, đồng thời cho biết thêm tổng chi tiêu quân sự đã được thiết lập thêm một năm kỷ lục sau hai năm diễn ra cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine.
Con số này cao hơn năm ngoái, khi 11 thành viên NATO dự kiến sẽ đạt được mục tiêu đã thống nhất.
Trả lời những câu hỏi của các nhà báo liên quan đến tranh cãi xung quanh bình luận của ông Trump, ông Stoltenberg nói Hoa Kỳ biết liên minh quốc phòng quan trọng như thế nào đối với an ninh của chính mình.
Ông nói trước cuộc họp của các bộ trưởng NATO: “Hoa Kỳ chưa bao giờ chiến đấu một mình trong chiến tranh”.
“Những lời chỉ trích mà chúng tôi nghe được không phải về NATO, mà là về việc các thành viên NATO không chi tiêu đủ cho NATO”, ông nói thêm và cho biết việc tăng chi tiêu quân sự mới của các đồng minh châu Âu là bằng chứng cho thấy thông điệp này đã được lắng nghe.
Chuẩn bị cho khả năng ông Trump có thể trở thành tổng thống lần thứ hai và khi Washington nỗ lực thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine và các đồng minh khác, các nhà ngoại giao NATO đang tập trung vào việc duy trì sức mạnh quân sự của liên minh và bảo vệ châu Âu.
“Tôi tin tưởng Hạ viện sẽ đồng ý hỗ trợ Ukraine vì đây không phải là hoạt động từ thiện. Đây là khoản đầu tư cho an ninh của chính chúng ta”, ông Stoltenberg nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Tổng thư ký cũng cho biết: “Liên minh châu Âu không thể bảo vệ châu Âu, 80% chi tiêu quốc phòng của NATO đến từ các đồng minh NATO ngoài EU”.
Lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Berlin đạt được mục tiêu 2% trong năm nay, phân bổ số tiền tương đương 71,8 tỷ euro (76,8 tỷ USD) cho chi tiêu quốc phòng trong năm nay thông qua các khoản chi ngân sách thường xuyên và đặc biệt. Tuy nhiên, tổng chi tiêu quốc phòng của nước này vẫn được giữ bí mật.
Pháp, cường quốc hạt nhân duy nhất của khối, có thể làm theo như vậy.
Với 413 tỷ euro được lên kế hoạch cho 7 năm tới, Luật Kế hoạch Quân sự 2024-2030 làm tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng của Pháp. Ngân sách mới ban đầu dự kiến sẽ đạt 2% GDP từ năm 2025.
Phát biểu với điều kiện giấu tên, các nhà ngoại giao nói chiến lược mới của NATO sẽ cần bao gồm việc tăng cường hơn nữa chi tiêu quốc phòng của châu Âu, giải quyết những vấn đề mà Mỹ quan tâm mạnh mẽ như Trung Cộng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như xử lý cẩn thận với ông Trump.
Một người nói cách tiếp cận này sẽ là “sự kết hợp giữa xu nịnh và bàn tay thép”.
Cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông Trump, Keith Kellogg, nói với Reuters hôm thứ Ba rằng ông sẽ thúc đẩy những thay đổi đối với NATO nếu cựu tổng thống quay trở lại nắm quyền, điều có thể khiến một số quốc gia thành viên mất đi sự bảo vệ trước một cuộc tấn công từ bên ngoài.
Các thành viên NATO đã tăng đều đặn chi tiêu quốc phòng kể từ khi lực lượng Nga sáp nhập bán đảo Crimea phía nam của Ukraine và tiến vào Donbas ở miền đông Ukraine vào năm 2014.
Kháng chiến chống Nga: Pháp, Ukraina thảo luận về ‘‘nhu cầu vũ khí’’ của Kiev (RFI)
Hôm 10/02/2024, lãnh đạo hai nước Pháp và Ukraina đã có cuộc điện đàm với trọng tâm là nhu cầu vũ khí của Kiev trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga.
Trên mạng X, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết đã thảo luận với người đồng cấp Pháp, Emmanuel Macron ‘‘về tình hình trên chiến trường và các nhu cầu phòng thủ của Ukraina, bao gồm drone, pháo binh và đạn dược, hệ thống tác chiến điện tử và phòng không”. Lãnh đạo Ukraina đánh giá cuộc điện đàm là ‘‘rất tích cực và cụ thể’’, đồng thời cảm ơn nước Pháp đã dành cho Ukraina ‘‘sự hỗ trợ liên tục’’.
Điện Elysée xác nhận việc lãnh đạo hai nước đã thảo luận về “diễn biến trên thực địa và nhu cầu của Ukraina’’. Cũng theo nguồn tin này,‘tổng thống đã nhắc lại quyết tâm của Paris cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết, trong thời gian dài và cùng với tất cả các đối tác, để đánh bại cuộc chiến tranh xâm lăng của Nga”.
Lãnh đạo hai nước cũng bàn về thỏa thuận an ninh song phương mà Pháp và Ukraina đang xem xét để sớm ký kết, tương tự như thỏa thuận gần đây mà Kiev ký kết với Vương Quốc Anh. Hồi giữa tháng 1/2024, tổng thống Pháp cho biết ông sẽ tới Ukraina‘‘vào tháng Hai’’. Hôm thứ bảy, giới thân cận với ông Macron đảm bảo rằng ông sẽ sớm tới Ukraina, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Tổng thống Macron nhấn mạnh là thỏa thuận hợp tác an ninh song phương sẽ được công bố trong chuyến công du Ukraina sắp tới.
Cũng về tình hình quân đội Ukraina, theo AFP, tổng thống Volodymir Zelensky hôm qua đã tuyên bố bổ nhiệm năm sĩ quan để hoàn tất nhân sự Bộ Tổng Tham Mưu, sau khi bổ nhiệm tướng Oleksandr Syrskyi làm tổng tư lệnh Quân Đội.
Tổng thống Ukraina Zelensky thay tổng tư lệnh quân đội (RFI).
Những đồn đoán đã thành sự thật. Sau nhiều tháng lạnh nhạt với tổng thống Volodymyr Zelensky, cuối cũng tướng Valery Zaluzhny, tổng tư lệnh quân đội Ukraina, đã bị thay thế bởi tư lệnh lục quân Oleksandr Sirskiy, theo thông báo ngày 08/02/2024 của bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina.
Từng được ca ngợi là biểu tượng cho tinh thần quyết chiến của Ukraina với Nga, tướng Valery Zaluzhny, 50 tuổi, được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraina từ tháng 7/2021. Nhờ giành được một số chiến thắng trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, ông đã trở thành vị chỉ huy quân đội được người dân tin tưởng, cũng như được các đối tác phương Tây tôn trọng. Nhưng từ nhiều tháng nay, quan hệ giữa ông và tổng thống Zelensky trở nên căng thẳng.
Theo các nguồn thạo tin ở Ukraina, tổng thống và các cộng sự viên trong chính phủ đã chỉ trích tổng tư lệnh và bộ tham mưu của ông không đạt dược bước tiến nào trên các mặt trận.
Ngay sau đó, tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo đã chọn người kế nhiệm là tư lệnh lục quân Oleksandr Sirskiy, 58 tuổi, mà ông ca ngợi là « vị tượng dày dặn kinh nghiệm nhất Ukraina ». Ông Zelensky cũng nhấn mạnh tướng Sirskiy là người đã chỉ huy chiến dịch phòng thủ Kiev hồi đầu cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, vị tướng này không có tiếng tăm và uy tín trong dân như người tiền nhiệm.
Thông tín viên Emmnuelle Chaze từ Kiev cho biết thêm lý do tại sao tổng thống chọn tư lệnh lục quân:
Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng có sự đổi mới. Ông cho biết không chỉ Valery Zaluzhny mà còn muốn thay thế còn nhiều vị trí trọng yếu khác. Oleksandr Sirskiy, tân tổng tư lệnh quân đội, trong những ngày hoặc tuần tới sẽ phải giới liệu một chỉ huy mới. Tên của một số nhân vật đã được loan truyền. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã gặp gỡ trao đổi với họ và đã nhắc đến họ trong thông báo tối hôm qua. Người ta hy vọng Oleksandr Sirskiy , một người thân cận với tổng thống, sẽ theo chỉ đạo của ông Zelensky.
Trên chiến trường, Oleksandr Sirskiy đã từng chỉ huy lục quân và các chiến dịch ở miền Đông. Ông là tác giả chính của kế hoạch phòng thủ Kiev và cuộc phản công ở Kharkiv năm 2022 và nói chung là chỉ huy cuộc kháng cự của Ukraina cho đến khi thành phố Bakhmut thất thủ hồi tháng 05/2023.Dù Zelensky ca ngợi tân tổng tư lệnh quân đội, ông Sirskiy còn lâu mới có được sự ủng hộ hoàn toàn trong dân. Trên mạng xã hội Ukraina đã nhiều phản ứng phẫn nộ khi có thông báo thay thế Valery Zaluzhny, một người rất được lòng dân.
Hạ Viện Mỹ bỏ phiếu cách chức bộ trưởng An Ninh Nội Địa (RFI)
Lần đầu tiên trong gần 150 năm lịch sử chính trị Mỹ, Hạ Viện bỏ phiếu phế truất một bộ trưởng. Hôm 13/02/2024, phe Cộng Hòa ở Hạ Viện đã bỏ phiếu ủng hộ cách chức ông Alejandro Mayorkas, bộ trưởng An Ninh Nội Địa, thuộc đảng Dân Chủ, khi cáo buộc ông đã gây ra cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới giữa Mỹ và Mêhicô. Tuy nhiên, ý đồ của phe Cộng Hòa sẽ không thành vì phe Dân Chủ chiếm đa số tại Thượng Viện.
Thông tín viên đài RFI, Guillaume Naudin tại Washington tường thuật :
« Lần thử thứ hai này dường như đã thành công. Một tuần sau thất bại khó xử, phe Cộng Hòa ở Hạ Viện cuối cùng đã luận tội thành công ông Alejandro Mayorkas. Họ chỉ trích cách ông xử lý tình hình ở biên giới phía nam, điều mà họ cho là lơ là nhiệm vụ. Đối với các nghị sĩ Cộng Hòa, bộ trưởng An Ninh Nội Địa đã không làm tròn nhiệm vụ khi không sử dụng hết mọi biện pháp có sẵn để ngăn chặn các vụ vượt biên trái phép.
Điều tạo ra sự khác biệt trong vài ngày, đó là sự trở lại của ông Steve Scalie, lãnh đạo phe đa số Cộng Hòa ở Hạ Viện sau kỳ nghỉ bệnh, đã giúp phe Cộng Hòa có được đa số. Tuy nhiên, điều cần chú ý là ba nghị sĩ đảng Cộng Hòa, trong tuần rồi đã phản đối việc cách chức ông Alejandro Mayorkas, vẫn giữ nguyên lập trường. Họ lo ngại về sự yếu kém các cơ sở pháp lý của những cáo buộc trên.
Trong một thông cáo, tổng thống Joe Biden bảo vệ hành động của vị bộ trưởng, người đầu tiên từ hơn một thế kỷ phải hứng chịu cuộc luận tội. Alejandro Mayorkas giờ còn phải đợi Thượng Viện kết tội. Điều này sẽ chẳng xảy ra bởi vì phe Dân Chủ chiếm đa số ở Thượng Viện.
Nhưng đối với phe Cộng Hòa, điều đó không quan trọng. Họ muốn đưa di dân bất hợp pháp thành chủ đề chính trong cuộc vận tranh cử !
Mỹ ủng hộ Nhật Bản thúc đẩy đàm phán với Bắc Triều Tiên (VOA)
Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực của Nhật Bản trong việc tổ chức các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên và hy vọng bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề từ an ninh khu vực cho đến nhân quyền, đặc phái viên của Washington về các vấn đề nhân quyền của Triều Tiên cho biết hôm thứ Tư (14/2).
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu trước quốc hội vào tuần trước rằng ông muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un và đích thân giám sát các cuộc thảo luận cấp cao với Bình Nhưỡng.
Julie Turner, đặc sứ Hoa Kỳ về các vấn đề nhân quyền của Triều Tiên, nói với giới truyền thông trong chuyến thăm Tokyo: “Tôi không thể thay mặt chính phủ Nhật Bản nói về những cuộc đối thoại đó đang diễn ra như thế nào”.
Bà nói: “Về phía Hoa Kỳ, chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết và vì vậy tôi nghĩ điều đó cũng sẽ áp dụng cho các đối tác cùng chí hướng và các đồng minh thân cận của chúng tôi”.
Bà nói thêm rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng nên tìm kiếm giải pháp về các vấn đề bao gồm an ninh khu vực, tình hình nhân quyền ở Triều Tiên, cũng như việc trao trả những người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc cách đây nhiều thập kỷ, vốn là trọng tâm chính của Tokyo.
Năm người bị bắt cóc đã được trả về Nhật Bản sau hội nghị thượng đỉnh giữa cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi và nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là Kim Jong-il vào năm 2002. Hai lãnh đạo này cũng đã gặp nhau vào năm 2004, là cuộc đàm phán trực tiếp cuối cùng giữa các lãnh đạo hai nước.
Cuộc đàm phán cuối cùng giữa các lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã thất bại vào năm 2019 và bị chỉ trích vì đã cản trở cuộc đối thoại trong tương lai.
Bà Turner nói: “Việc trở lại bàn đàm phán là ưu tiên hàng đầu lúc này để chúng ta có thể bắt đầu giải quyết các vấn đề”.
Bà Turner cho biết Hoa Kỳ, thông qua đại sứ quán ở Bắc Kinh, cũng đã gây sức ép buộc Trung Cộng không hồi hương những người Triều Tiên về Bình Nhưỡng, nơi họ có thể sẽ phải đối mặt với sự đàn áp.
Theo một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Seoul, có tới 600 người Triều Tiên đã “biến mất” sau khi bị Trung Cộng cưỡng bức trục xuất vào tháng 10, nhóm này cảnh báo họ có thể phải đối mặt với án tù, tra tấn, bạo lực tình dục và hành quyết.
Bà Turner nói: “Trung Cộng đã và tiếp tục giữ vững lập luận rằng những cá nhân này là những di dân kinh tế”.
Bà cho biết Mỹ cũng ngày càng lo ngại về việc các nhóm công nhân Triều Tiên mới được đưa ra nước ngoài theo dạng xuất khẩu lao động.
Bà nói: “Chúng tôi chắc chắn có những lo ngại về Nga. Cũng có rất nhiều người vẫn còn ở Trung Cộng”.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2017 yêu cầu các nước hồi hương tất cả công nhân Triều Tiên trước tháng 12/2019, nói rằng công sức lao động của họ đã bị tận dụng để kiếm ngoại tệ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân bị cấm của Triều Tiên.
TT Biden giận dữ bác bỏ báo cáo nêu nghi vấn về trí nhớ, cách xử lý tài liệu của ông (9/2, VOA)
Một báo cáo của công tố viên đặc biệt công bố hôm thứ Năm 8/2 tìm thấy bằng chứng cho thấy Tổng thống Joe Biden đã cố tình lưu lại và chia sẻ thông tin mật khi ông là một công dân bình thường, bao gồm cả về chính sách quân sự và đối ngoại ở Afghanistan, nhưng báo cáo kết luận rằng các cáo buộc hình sự là không cần thiết.
Báo cáo từ công tố viên đặc biệt Robert Hur là kết luận về cuộc điều tra hình sự đã đeo bám nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden vào năm ngoái. Nhưng đánh giá gay gắt của báo cáo này về việc xử lý các hồ sơ nhạy cảm của chính phủ và những lời mô tả không mấy tốt đẹp về trí nhớ của ông Biden sẽ làm dấy lên những câu hỏi mới về năng lực và tuổi tác của ông, vốn là mối lo ngại sâu sắc nhất của cử tri về việc ông tái tranh cử.
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng vào tối 8/2, ông Biden phủ nhận việc ông chia sẻ thông tin mật không đúng cách và giận dữ chỉ trích ông Hur vì nghi ngờ khả năng trí nhớ của ông, đặc biệt là hồi ức về thời điểm con trai quá cố Beau của ông qua đời vì bệnh ung thư.
Những phát hiện trong bản báo cáo gần như chắc chắn sẽ làm giảm nỗ lực của ông Biden nhằm tạo ra sự tương phản với ông Donald Trump, người có thể sẽ là đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, về bản cáo trạng hình sự buộc tội cựu tổng thống tích trữ bất hợp pháp hồ sơ mật tại khu bất động sản Mar-a-Lago của ông ở Florida và từ chối trả lại chúng cho chính phủ. Bất chấp sự khác biệt lớn giữa hai vụ án, ông Trump ngay lập tức lợi dụng báo cáo của công tố viên đặc biệt để miêu tả mình là nạn nhân của “hệ thống tư pháp hai cấp”.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông Hur tìm thấy bằng chứng cho thấy ông Biden cố tình lưu giữ và chia sẻ thông tin mật cấp cao với một người viết bản thảo, công tố viên đặc biệt đã dành phần lớn báo cáo của mình để giải thích lý do tại sao ông không tin rằng bằng chứng đó đáp ứng tiêu chuẩn buộc tội hình sự, bao gồm cả khả năng cao là Bộ Tư pháp sẽ không thể chứng minh một cách rõ ràng về ý định của ông Biden, với lý do là tuổi cao mà họ cho rằng khiến ông hay quên và khả năng có “những lời giải thích vô tội” về các hồ sơ mà họ không thể bác bỏ.
“Tôi không chia sẻ thông tin mật”, ông Biden nhấn mạnh. “Tôi không chia sẻ nó với người viết bản thảo của tôi”. Ông nói thêm rằng ông không biết tại sao những chiếc hộp chứa tài liệu mật lại ở trong gara nhà mình.
Và để đáp lại miêu tả của Hur về mình, ông Biden khẳng định với các phóng viên rằng “Trí nhớ của tôi vẫn ổn” và nói ông tin rằng mình vẫn là người đủ tiêu chuẩn nhất để làm tổng thống.
Ông Hur, cựu công tố viên liên bang trong chính quyền ông Trump, được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt vào tháng 1/2023 sau khi nhân viên của ông Biden phát hiện sơ bộ về hồ sơ mật trong không gian văn phòng ở Washington. Các cuộc khám xét tài sản sau đó của FBI, tất cả đều do nhân viên của ông Biden tự nguyện điều phối, đã phát hiện thêm các tài liệu nhạy cảm từ thời ông còn là phó tổng thống và thượng nghị sĩ.
Báo cáo của ông Hur viết rằng nhiều tài liệu được thu hồi tại Trung tâm Penn Biden ở Washington, một phần trong ngôi nhà ở Delaware của ông Biden và trong các tài liệu tại Thượng viện của ông tại Đại học Delaware đã bị lưu lại do “nhầm lẫn”.
Biển Đông: Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ lâu dài các nước Đông Nam Á về an ninh hàng hải (RFI)
Nhật Bản đang chuẩn bị kế hoạch lâu dài để hỗ trợ về an ninh hàng hải cho các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia trước sự bành trướng của Trung Cộng ngày càng gia tăng trong vùng Biển Đông.
Theo hãng tin Nhật NHK ngày 13/02/2024, Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) đang soạn thảo một kế hoạch 10 năm hỗ trợ cho các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia trong lĩnh vực hàng hải. Kế hoạch này là một ưu tiên tuyệt đối của Tokyo trong lĩnh vực an ninh, theo hãng tin Nhật.
Tháng trước phía Nhật đã tiến hành điều tra thực địa tại Philippines và Indonesia. Trong khoảng tháng Tư, các công việc này dự kiến được làm với Việt Nam và Indonesia.
Kế hoạch này chủ yếu liên quan đến việc trong bị cho bốn quốc gia Đông Nam Á nói trên các loại drones, hệ thống radar và tàu tuần tra cùng với việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho an ninh hàng hàng hải. Dự kiến, từ nay đến tháng 3/2025 kế hoạch sẽ được lên chi tiết.
Trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Cộng đẩy mạnh việc triển khai hoạt động trong vùng biển có tuyến đường hàng hải quốc tế trọng yếu.
Cho đến nay, Nhật Bản có nhiều nỗ lực đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng với nhiều nước ASEAN qua các hoạt động tập trận chung, ký kết các thỏa thuận cung cấp trang thiết bị cho lực lượng tuần duyên.
Indonesia: Ông Prabowo tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống (VOA).
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm thứ Tư sau khi các cuộc kiểm phiếu không chính thức cho thấy ông dẫn trước rất lớn và tất nhiên sẽ giành chiến thắng trong nỗ lực tranh cử tổng thống lần thứ ba.
Chính trị gia kỳ cựu Prabowo, cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt, đã đánh bại các đối thủ của mình, giành được khoảng 58% phiếu bầu, theo bốn nhà thăm dò, dựa trên các lá phiếu “đếm nhanh” tại các nơi bỏ phiếu mẫu trên toàn quốc. Số phiếu bầu được kiểm dao động từ khoảng 86% đến 95% vào lúc 14:00 GMT.
Xuất hiện trước những người ủng hộ cùng với liên danh tranh cử của mình, con trai của tổng thống đương nhiệm, Gibran Rakabuming Raka, ông Prabowo, 72 tuổi, tuyên bố kết quả là “một chiến thắng cho tất cả người dân Indonesia”, trong một bài phát biểu sôi nổi thu hút những tiếng reo hò và vỗ tay.
Ông nói: “Chúng tôi rất biết ơn về kết quả đếm nhanh. Tất cả các tính toán, tất cả những người thăm dò ý kiến bao gồm cả những người đứng về phía đối thủ của chúng tôi, các số liệu cho thấy Prabowo-Gibran giành chiến thắng trong một vòng đấu”.
“Chúng ta sẽ thành lập một chính phủ bao gồm những người con ưu tú nhất của Indonesia”.
Theo các nhà thăm dò độc lập tiến hành kiểm phiếu mẫu, các đối thủ Anies Baswedan và Ganjar Pranowo lần lượt theo sau với khoảng 25% và 17%.
Cuộc kiểm phiếu sơ bộ của ủy ban bầu cử diễn ra chậm hơn nhiều và cho thấy ông Prabowo giành được 57,7% phiếu bầu với khoảng 6% số phiếu bầu được ghi nhận.
Cuộc cạnh tranh giữa hai cựu thống đốc nổi tiếng chống lại ứng cử viên hàng đầu trước bầu cử là ông Prabowo, người từng được coi là cấp dưới đáng sợ trong những năm 1990 của cố lãnh đạo độc tài Suharto của Indonesia.
Điều quan trọng là ông Prabowo có sự hậu thuẫn ngầm của tổng thống đương nhiệm cực kỳ nổi tiếng Joko Widodo, người đang đặt cược vào đối thủ cũ của mình như một ứng cử viên tiếp nối để bảo tồn di sản của mình, bao gồm cả việc dành cho cậu con trai 36 tuổi Gibran của ông một tấm vé.
Hai ứng cử viên Anies và Ganjar kêu gọi công chúng không đưa ra kết luận về kết quả và chờ đợi kết quả chính thức, dự kiến muộn nhất là vào ngày 20/3.
Các nhóm vận động tranh cử của họ cho biết họ đang điều tra các báo cáo về vi phạm bầu cử, cả hai đều gọi đó là “gian lận có cơ cấu, có hệ thống và quy mô lớn”, nhưng họ không cung cấp bằng chứng.
Để giành chiến thắng trong một vòng đấu duy nhất, một ứng cử viên cần có hơn 50% số phiếu bầu và ít nhất 20% số phiếu bầu ở một nửa số tỉnh của cả nước. Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số, cuộc bầu cử vòng hai giữa hai ứng cử viên dẫn đầu sẽ được tổ chức vào tháng Sáu.
Cuộc bầu cử kéo dài một ngày lớn nhất thế giới đã chứng kiến gần 259.000 ứng cử viên tranh nhau 20.600 vị trí trên quần đảo bao gồm 17.000 hòn đảo.
Trong cuộc tranh cử lập pháp, liên minh các đảng ủng hộ ông Prabowo có khoảng 42% phiếu bầu, trong khi liên minh đứng sau của đối thủ Anies có 27%, cho thấy chính phủ tiềm năng của ông Prabowo có thể nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc hội.
Nhưng mục tiêu hàng đầu vào thứ Tư là cuộc đua thay thế ông Jokowi, là người đương nhiệm và ảnh hưởng của ông có thể được xem là yếu tố quyết định ai sẽ lên nắm quyền lãnh đạo nền kinh tế của đất nước thuộc Nhóm 20 giàu tài nguyên với ít nhất 1,3 nghìn tỷ USD.
Tàu chiến của Mỹ và Philippines tập trận ở Biển Đông khi căng thẳng đang gia tăng ở bãi Scarborough (RFA)
Tàu chiến của Mỹ và Philippines vừa có cuộc tập trận chung ở Biển Đông hôm 9/2, hai ngày trước khi Manila chính thức lên tiếng tố cáo tàu hải cảnh Trung Cộng có những động thái nguy hiểm với tàu tuần duyên Philippines ở bãi cạn Scarborough.
Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Kristina Wiedemann xác nhận thông tin này với tờ Stars and Stripes của Mỹ hôm 13/2.
Tham gia tập trận mang tên Hoạt động Phối hợp trên biển (MCA) có tàu USS Gabrielle Gifford của Mỹ và tàu tuần duyên BRP Gregorio Del Pilar của Philippines. Hai bên cùng tham gia tập trận trong lĩnh vực thông tin liên lạc, phối hợp và chiến thuật, email của người phát ngôn Hạm đội 7 cho tờ Stars and Stripes biết như vậy.
“Cuộc tập trận MCA đã trở thành hoạt động thường kỳ giữa quân đội hai nước và sẽ tiếp tục nâng cao khả năng phối hợp hoạt động thông qua an ninh biển và các hoạt động nhận thức trên biển”, người phát ngôn Hạm đội 7 cho biết.
Ngoài hai tàu chiến còn có trực thăng MH-6oS Seahawk và AW 109 của Philippines tham gia tập trận. Tuy nhiên, người phát ngôn Hạm đội 7 không cho biết vị trí cụ thể của cuộc tập trận.
Tuần duyên Philippines hôm 11/2 cho biết nhiều tàu của Trung Cộng đã nhiều lần thực hiện các hành động nguy hiểm ở khu vực bãi cạn Scarborough. Tuần duyên Philippines trong tháng này đã điều tàu đến tuần tra vùng nước này để bảo vệ các ngư dân của Philippines.
Theo tuần duyên Philippines, khi tàu của nước này thực hiện nhiệm vụ tuần tra, các tàu hải cảnh Trung Cộng đã bốn lần có các hành động nguy hiểm, cắt ngang đường đi của tàu Philippines hai lần. Ngoài ra, một tàu của Philippines đã bị nhiều tàu hải cảnh Trung Cộng truy đuổi hơn 40 lần.
Trong khi đó, Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Cộng dẫn lời người phát ngôn của Hải cảnh Trung Cộng, Gan Yu, cho biết, tàu tuần duyên Philippines số hiệu 9701 đã xâm nhập trái phép vào vùng nước ở bãi Scarborough mà Trung Cộng gọi là đảo Huangyan nhiều lần trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 9/2 bất chấp những cảnh báo từ Trung Cộng. Hải cảnh Trung Cộng vì vậy phải có biện pháp kiểm soát tình hình và đuổi tàu Philippines ra khỏi vùng nước theo cách chuyên nghiệp và theo thông lệ.
Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đã từng do Philippines kiểm soát toàn bộ cho đến năm 2012 khi Trung Cộng điều tàu đến và chiếm kiếm kiểm soát bãi cạn này từ Philippines, ngăn cản các ngư dân Philippines đến đánh bắt ở ngư trường truyền thống này.
Trung Cộng đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông bằng đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Toà trọng tài quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết này.
TIN VIỆT NAM.
Báo Trung cộng: Việt Nam nên thận trọng về “củ cà rốt” chip bán dẫn của Mỹ
Trong khi Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn bằng các biện pháp giảm thuế và hỗ trợ quỹ nghiên cứu, báo của Đảng Cộng sản Trung cộng mới đây cảnh báo Việt Nam nên cẩn trọng với chính sách “củ cà rốt” về chip bán dẫn của Mỹ.
Báo Nhà nước Việt Nam hôm 12/2 đăng bài phỏng vấn với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ – ông Huỳnh Thành Đạt – cho biết Chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn, phối hợp với các bộ ngành, doanh nghiệp lớn để nghiên cứu, đánh giá các khâu trong chuỗi sản xuất chip mà Việt Nam có lợi thế và khả năng thành công, thúc đẩy phát triển các cơ sở nghiên cứu, thiết kế chip, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việt Nam trong thời gian qua đã thú hút hàng chục công ty vào lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn, nhiều công ty Mỹ cũng bày tỏ mong muốn tham gia với điều kiện Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về năng lượng tái tạo. Nikkei Asia hôm 12/2 dẫn lời thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Jose Fernandez cho biết như vậy.
Theo người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam sẽ nỗ lực để đạt được những thoả thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia nhân chuyến thăm Việt Nam hồi tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez cho biết Việt Nam là một mục tiêu hàng đầu cho các trợ giúp trong Đạo luật US CHIPS của Mỹ và số tiền sẽ phụ thuộc vào các đánh giá được đưa ra trong tháng này.
Theo Đạo luật CHIPS của Mỹ, Hoa Kỳ sẽ cung cấp 500 triệu đô la để cải thiện việc đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn, an ninh mạng toàn cầu, Thứ trưởng Jose Fernandez cho biết thêm.
Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung cộng trong ngành công nghiệp chất bán dẫn cũng đang khiến các công ty tìm kiếm nơi để có thể tránh khỏi những ảnh hưởng xấu của cuộc chiến này.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung cộng trong bài xã luận mới viết rằng “trong khi củ cà rốt Mỹ về trợ giúp cho ngành sản xuất chip bán dẫn đang treo lủng lẳng trước mặt Việt Nam thật là hấp dẫn, quốc gia Đông Nam Á này nếu muốn phát triển lĩnh vực này thì trước hết cần phải làm giảm nhẹ ảnh hưởng địa chính trị trong lĩnh vực công nghiệp này đến mức tối đa.”
Tờ báo viết tiếp “hợp tác với dây chuyền công nghiệp của Trung cộng sẽ là điều tiên quyết trong hướng đi này của Việt Nam vào các ngành công nghiệp chiến lược”.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, “Hoa Kỳ đang dụ dỗ Việt Nam để kiểm chế Trung cộng bằng việc hứa hẹn các trợ giúp trong công nghiệp bán dẫn nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, theo bài báo “thay vì thực sự giúp Việt Nam phát triển, Hoa Kỳ chỉ muốn dùng Việt Nam để gây sức ép lên Trung cộng bằng cách giành lấy một miếng bánh”. (RFA)
Bộ Kế hoạch-Đầu tư: Việt Nam nhiều khó khăn trong năm 2024
Đài VOA thuật tin từ truyền thông “lề phải” cho biết, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng dự báo rằng Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn các thuận lợi, thời cơ trong năm 2024, theo Báo Chính Phủ và Thông Tấn Xã Việt Nam.
Ông Dũng nói như vậy trong 2 cuộc phỏng vấn riêng rẽ nhưng có nhiều thông tin giống nhau, được đăng trên những trang web của 2 cơ quan báo chí thuộc nhà nước Việt Nam trong các ngày 11 và 12/2.
“Khó khăn, thách thức phải đối mặt vẫn còn rất lớn”, Bộ trưởng Dũng nói với Báo Chính Phủ và Thông Tấn Xã Việt Nam.
Điều được ông Dũng nêu bật là trong năm 2024, “rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị-kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”.
Nói cụ thể hơn, vị bộ trưởng chỉ ra rằng cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, […] vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, “điểm nóng” khó lường, đe dọa đến môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.
Tiếp đến, ông nhận định rằng tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu “tiếp tục xu hướng giảm” và “lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định”.
Một điều nữa bị Bộ trưởng Dũng cũng xem như khó khăn, thách thức là tình hình các nước “đẩy nhanh việc thực thi, ‘pháp lý hóa’ các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế”, từ đó “tạo sức ép” và “tác động đến khả năng cạnh tranh” của Việt Nam và các nước đang phát triển.
Ngoài ra, từ góc nhìn của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… sẽ tiếp tục phức tạp, gay gắt hơn, ngày càng tác động mạnh và có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của Việt Nam và rộng hơn nữa là khu vực và thế giới.
Ngay cả xu hướng “tiêu dùng xanh” trên thế giới cũng bị Bộ trưởng Dũng xem là “tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ…”’
Về các vấn đề của chính Việt Nam, ông Dũng đề cập đến “sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn” và “sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức mới từ đầu năm 2023 đến nay”.
Mặc dù vậy, vị bộ trưởng kế hoạch và đầu tư đưa ra một số giải pháp trọng tâm mà đứng đầu là “ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn”.
Trong số những điều đó, Bộ trưởng Dũng nói rằng cần “nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí”.
Ông cũng lưu ý “vốn đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng”, vì vậy, trong năm 2024, các bên liên quan cần tiếp tục “tháo gỡ hiệu quả, kịp thời khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm” và ông kêu gọi “phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao”.
Điều được ông Dũng ưu tiên tiếp theo là thúc đẩy thương mại và du lịch. Ông nói trong 2 cuộc phỏng vấn với Báo Chính Phủ và TTXVN rằng cần phải “kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu”, bên cạnh đó là “tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa”.
Là một phần của giải pháp, Bộ trưởng Dũng đề nghị “tăng cường đàm phán, trao đổi thông tin, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Trung Quốc”.
Ông cũng vạch ra việc mở rộng thị trường xuất khẩu bằng cách đẩy nhanh đàm phán, ký kết các hiệp định đối tác kinh tế và các hiệp định thượng mại tự do với một số nước ở Trung Đông, Nam Mỹ.
Một trọng tâm nữa, theo Bộ trưởng Dũng, là “thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực”, nhưng ông không đi vào chi tiết, theo nội dung được đăng trên Báo Chính Phủ và TTXVN.
Trong phần cuối 2 cuộc phỏng vấn, ông Dũng kêu gọi “nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới”.
Ông cũng chú trọng đến giải pháp “phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn”.
Quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 trong khoảng 6-6,5%, nhưng xét bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, mục tiêu đó bị xem là tương đối cao, Báo Chính Phủ, TTXVN và một số cơ quan báo chí trong nước đưa ra nhận xét trong thời gian gần đây.
Việt Nam nói đã chủ động tự sản xuất vũ khí, kể cả vũ khí chiến lược
Đài VOA dẫn tin từ Cổng Thông Tin Chính Phủ cùa Việt Nam cho biết, Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam nói nước này đã chủ động tự sản xuất vũ khí để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, bao gồm cả “vũ khí chiến lược mang thương hiệu quốc gia”. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc xung đột trên thế giới dường như đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp vũ khí cho đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào Nga.
“Đã từng bước chủ động, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào nghiên cứu, sửa chữa, cải tiến, sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí mới trang bị cho Quân đội, trong đó có cả những vũ khí chiến lược”, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên Cổng thông tin Chính phủ hôm 12/2, khi ông trả lời về công tác xây dựng quân đội và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng trong năm 2023.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết thêm rằng công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, khoa học quân sự “đã đạt được những tiến bộ mới rất đáng mừng”, với việc “chủ động nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại nhiên liệu đặc chủng và vật tư kỹ thuật, giảm phụ thuộc vào đối tác nước ngoài”.
Trong năm tới, công tác hậu cần, kỹ thuật của quốc phòng Việt Nam đặt mục tiêu “phát triển công nghiệp quốc phòng, đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí chiến lược mang thương hiệu Việt Nam”, vẫn lời Đại tướng Giang.
Ông Giang không đưa ra chi tiết về các vũ khí chiến lược mà bộ quốc phòng Việt Nam đang sản xuất hay nhắm tới.
Quân đội Việt Nam dường như chưa công khai định nghĩa về vũ khí chiến lược. Theo Từ điển Cambridge, “vũ khí chiến lược” là loại vũ khí được thiết kế để đánh kẻ thù từ một khoảng cách xa, trong khi Từ điển Britanica viết rằng “hệ thống vũ khí chiến lược” là hệ thống vũ khí để đánh thẳng vào nguồn sức mạnh quân sự, kinh tế, hoặc chính trị của kẻ thù, đó có thể là tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc các loại vũ khí hạt nhân.
Cách đây gần một tháng, hôm 16/1, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chính uỷ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cho báo giới Việt Nam biết rằng biết cơ quan này sẽ tập trung “đầu tư sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến lược”, trong đó hướng tới “làm chủ được thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa”.
Cũng vào tháng trước, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho hay sẽ tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế vào tháng 12 năm nay nhằm “thúc đẩy hợp tác quốc phòng, chia sẻ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ” cũng như “mở rộng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với các nước, các đối tác quốc tế”.
Dự kiến trong triển lãm 2024 này, Binh chủng Hóa học của Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ ra mắt 25 sản phẩm đặc chủng mà binh chủng này nói do họ “tự nghiên cứu, sản xuất”.
Việt Nam là một trong 20 nước mua vũ khí lớn nhất trên thế giới trong bối cảnh căng thẳng thường xuyên với Trung Quốc và đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga, vốn là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng chính của Việt Nam, theo Reuters.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước mua vũ khí nhiều nhất của Israel trong giai đoạn từ 2018 đến 2022. Nhưng với việc Israel có xung đột với nhóm Hamas ở Gaza từ tháng 10/2023, giới chuyên gia cho rằng tình hình này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cho Việt Nam. Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), Việt Nam đứng thứ 5 – sau Ấn Độ, Azerbaijan, Philippines và Mỹ – về lượng vũ khí nhập từ Israel với tổng trị giá 180 triệu USD trong giai đoạn kể trên.
Ngoài ra, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine được cho là đã đẩy nhanh quyết tâm thoát khỏi sự lệ thuộc vào vũ khí Nga của Việt Nam, theo các nhà quan sát. Từ trước đến nay, Nga vẫn là quốc gia cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam, chiếm từ 70%-80% nguồn cung cho Việt Nam, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Cơ quan này cho biết từ năm 1995 đến năm 2022, tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam đạt 9,1 tỷ USD, trong đó từ Nga chiếm 7,4 tỷ USD (khoảng 81,5%).
Việt Nam đứng thứ 15 trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới từ năm 2010 đến năm 2022. Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam nằm trong top 6 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương giai đoạn 2010-2022, theo thông tin của Cơ quan Thương mại Quốc tế của Mỹ (ITA).
Reuters vào tháng trước tường thuật rằng Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu các vũ khí sản xuất trong nước, chủ yếu các vũ khí được chế tạo cùng với các đối tác nước ngoài.
Hãng tin Anh cho biết quốc gia này đang sản xuất vũ khí loại nhỏ, đạn dược, máy bay không người lái và xe bọc thép cùng với các loại vũ khí khác.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lỗ 67 triệu đô la năm 2023
Một giám đốc điều hành của hãng Idemitsu Kosan cho biết hôm thứ Ba 13/2 rằng Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) ở Việt Nam dự kiến bị lỗ ròng ít nhất 10 tỷ yen (67 triệu đô la) vào năm 2023 do tốn quá nhiều chi phí khi lãi suất của Mỹ tăng cao.
Hãng lọc dầu Idemitsu của Nhật Bản sở hữu 35,1% cổ phần trong hãng Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) nằm ở tỉnh Thanh Hóa, là nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam.
Yoshitaka Onuma, giám đốc điều hành của Idemitsu, phát biểu trong một cuộc họp báo về lợi nhuận của hãng: “Nghi Sơn tiếp tục đối mặt với tình trạng phải báo lỗ khi xét về thu nhập ròng do chi phí tài chính quá tốn kém mà nguyên nhân là lãi suất đồng đô la Mỹ ở mức cao”.
Ông cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi không thể tiết lộ con số lỗ chính xác, nhưng khoản lỗ ròng dự kiến sẽ vượt quá 10 tỷ yen”.
Mặc dù vậy, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn đang hoạt động trên 100% công suất công bố sau khi hoàn thành bảo trì theo lịch vào cuối tháng 10/2023, và hãng Việt Nam này dự kiến sẽ chốt sổ là có lợi nhuận hoạt động dương trong năm 2023, không bao gồm tác động từ hàng tồn kho, vẫn lời vị giám đốc điều hành của Idemitsu.
Ông Onuma cho hay Idemitsu đang tiếp tục thảo luận với các nhà tài trợ và các bên cho vay khác về việc cấp vốn cho Nghi Sơn và các biện pháp nhằm mang lại lợi nhuận trên cơ sở trừ đi các chi phí ban đầu thuần túy, nhưng ông không nêu rõ khi nào là thời điểm mục tiêu để đi đến thỏa thuận.
Các bên góp vốn khác vào hãng Nghi Sơn là Kuwait Petroleum, sở hữu 35,1%; công ty dầu khí quốc doanh Petrovietnam của Việt Nam nắm 25,1%, và Mitsui Chemicals với 4,7%.
Trên bình diện rộng hơn, cũng hôm 13/2, Idemitsu báo cáo lợi nhuận ròng từ tháng 4 đến tháng 12/2023 giảm 4,2% do lượng hàng tồn kho tăng ít hơn và giá than nhiệt giảm.
Hãng lọc dầu lớn thứ hai của Nhật Bản công bố lợi nhuận 239,1 tỷ yen trong 9 tháng tính đến ngày 31/12/2023, so với 249,6 tỷ yen đạt được một năm trước đó.
Hãng vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận cả năm cho đến cuối tháng 3 là 180 tỷ yen, so với ước tính trung bình là 176 tỷ yen sau cuộc thăm dò ý kiến với 7 nhà phân tích do LSEG tổng hợp lại.
Ông Onuma nói rằng công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu của hãng ở Nhật Bản dự kiến đạt khoảng 80% trong năm nay tính đến ngày 31/3. (VOA)
Nhiều người tử vong và bị thương vì tai nạn giao thông trong dịp Tết
Hàng trăm người tử vong và bị thương vì tai nạn giao thông trong sáu ngày nghỉ Tết ở Việt Nam.
Theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News), Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, trong ngày 13/2, tức mùng 4 Tết, toàn quốc xảy ra 95 vụ tai nạn giao thông, làm chết 34 người, bị thương 87 người.
Theo ủy ban này, so với ngày 12/2 (mùng 3 Tết), số vụ tai nạn giao thông tăng 35 vụ, thêm 7 người chết và 20 người bị thương.
Trong ngày 13/2, tin cho hay, lực lượng chức năng đã xử lý 13.246 trường hợp trên đường bộ, gồm 6.178 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 3.240 trường hợp vi phạm tốc độ, 17 trường hợp dương tính ma túy. Họ phạt tiền 33,38 tỷ đồng, tạm giữ 225 ô tô, gần 6.900 xe mô tô và tước 3.266 giấy phép lái xe các loại.
VGP News dẫn dữ liệu từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết rằng trong 6 ngày nghỉ Tết (từ 8-13/2), cả nước xảy ra 466 vụ tai nạn giao thông, làm 187 người chết và 435 người bị thương.
Tin cho hay, trong khoảng thời gian này cơ quan chức năng cũng xử lý 24.480 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam, ủy ban trên cho biết, sáng 13/2, các tuyến đường dẫn vào nội thành của thủ đô Hà Nội, lượng người đã tăng lên đáng kể, đa phần là các sinh viên, người lao động… quay trở lại thủ đô sau kỳ nghỉ Tết.
Trong ngày, theo VGP News, nhiều người dân tiếp tục đi du Xuân nên xuất hiện tình trạng ùn, ứ tại một số tuyến quốc lộ, cao tốc, nơi tập trung các trung tâm thương mại, các điểm du lịch, các điểm có lễ hội Xuân. (VOA)
Việt Nam: Kinh tế trì trệ, thêm một cái Tết ảm đạm với giới công nhân
Theo một phóng sự về Tết Giáp Thìn được đài RFI dăng tài, thì tại Việt Nam, không khí đón Tết Giáp Thìn 2024 trầm lắng tại nhiều nơi, đặc biệt tại Thành phố Saigon, thủ phủ kinh tế của cả nước. Tình trạng kinh tế trì trệ, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm mạnh quy mô sản xuất, thậm chí đóng cửa, là nguyên nhân chính của bầu không khí ảm đạm đối với giới công nhân.
Báo chí trong nước dẫn báo cáo của Navigos Search, công ty hàng đầu về cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự, cho biết, 56% doanh nghiệp dự kiến sẽ phải tiếp tục cắt giảm lao động.
Từ Bắc Ninh, anh Thang Chu, một kỹ thuật viên ngành cơ điện, cho biết, cho dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng trở lại trong thời gian gần đây với làn sóng chuyển dịch khỏi Trung cộng, không khí đón Tết năm nay rất trầm lắng :
« Theo quan sát của em, năm nay người dân hạn chế chi tiêu, từ việc chi cho mua sắm trang trí nhà cửa cho đến mua sắm lương thực thực phẩm để chuẩn bị cho mấy ngày Tết, kém đi rất nhiều, do kinh tế chung. Ở ngoài chợ, em thấy hàng hóa đều ế ẩm. Bắt đầu dịch Covid kinh tế bắt đầu suy giảm rất nhiều. Tỉnh Bắc Ninh là thủ phủ của công ty Sam Sung trước đây, kinh tế suy giảm hai năm nay rất rõ rệt. »
Từ Thành phố Saigon, bà Thanh Minh, một cư dân thành phố, mô tả quang cảnh chung gần Tết, đặc biệt là cảnh ngộ của giới công nhân :
« Tết năm nay tôi thấy không được như mọi năm. Mọi năm, khoảng chừng 25 Tết là người ta đi sắm Tết đông đúc, đường xá chật cứng. Nhưng năm nay đường không bị kẹt. Mấy ngày cận Tết, mấy chỗ bán đồ loại giá thấp, cho công nhân mua về quê, mọi năm hai mươi mấy Tết là công nhân đổ về mua đồ, nhưng năm nay mấy chỗ đó không có người mua, không có ai bán. Trong những ngày 26, 27 Tết, ở mấy trung tâm bán hàng cho giới trung lưu năm nay chỉ có lác đác người. Còn chợ truyền thống cũng ế lắm. Hoa năm nay ế luôn. Các siêu thị mọi năm 27, 28 Tết là xếp hàng dài, năm nay chỉ vài ba người. Nghe một số người công nhân nói, họ về quê rồi sẽ ở lại luôn không trở về thành phố nữa.
Nói chung, năm nay do đồng tiền trượt giá cho nên lương vẫn như vậy, nhưng thu nhập giảm. Đa số các công ty năm nay nói chung là kinh doanh khó khăn nên thưởng Tết ít. Công ty dệt may Đài Loan Pouyuen cho nghỉ việc sớm mấy ngàn công nhân trước Tết. Nhiều công nhân phải nghỉ việc nên không có thu nhập. Tập đoàn Thế giới Di động (MWG), gồm có chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, phải đóng cửa hai trăm cửa hàng trước Tết.»
Một nhà kinh doanh tại TP Saigon cũng cùng ghi nhận đời sống khó khăn của công nhân trong bối cảnh kinh tế đình trệ:
« Ngành may mặc mấy năm trước thường tổ chức buổi tất niên tưng bừng, người ta đi thăm hỏi nhau, thông báo kế hoạch năm sau. Thường người Việt thường hay họp mặt tất niên, hứa hẹn làm ăn năm sau, năm nay chẳng thấy ai mời, chẳng thấy thông báo kế hoạch gì sang năm hết. Nhiều người bảo thôi ráng cầm cự. Mọi năm mấy nhân viên đến chào sếp vui vẻ hẹn sau Tết gặp lại, giờ là chào tạm biệt luôn.
Người ta phải cho công nhân nghỉ bớt. Báo chí cho biết xuất khẩu container qua cảng Cát Lái sẽ giảm nữa. Đấy là trên báo. Còn thực tế, tôi có một người thân trong gia đình phải trả tiền vé về quê cho con, một người lao động có trình độ cao trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc. Đấy là chưa kể đến công nhân. Người giàu thì khóc giấu, còn giữ cái bộ mặt, còn người nghèo thì hết giấu được. Đi xe gắn máy về quê là biểu hiện của nghèo khó rồi đó.»