TIN THẾ GIỚI

Kiev bi quan về tình hình quân sự “vô cùng khó khăn” (RFI)

Nga mở 5 mặt trận trên chiến trường đông nam Ukraina và tiếp tục các cuộc tấn công ban đêm. Ngày 20/02/2024, Kiev cho biết đã bắn hạ 23 drone Shahed của Nga. Ngoài ra, Nga cũng phóng hai tên lửa S-300/S-400 từ vùng biên giới Belgorod và một tên lửa Kh-31. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình chiến sự « vô cùng khó khăn ».

Tổng thống Zelensky đã đến thăm binh sĩ Ukraina ở vùng Koupiansk ngày 19/02. Trong buổi điểm tin hàng ngày, được AFP trích dẫn, ông cho biết « tình hình vô cùng khó khăn trên nhiều khu vực chiến tuyến, nơi quân Nga đang tập trung tối đa lực lượng, tận dụng sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraina ». Vẫn theo ông Zelensky, Ukraina đang thiếu pháo, cần hệ thống phòng không trên chiến tuyến và vũ khí tầm xa.

Ukraina từ thế phản công chuyển sang thế thủ nhưng khó chống lại được quân Nga khi không nhận được viện trợ quân sự từ các nước đồng minh. Trong khi đó, Nga đang tiến hành cùng lúc 5 mặt trận ở miền đông và nam Ukraina : Kreminna, Bakhmout, Avdiivka, Marinka, Robotybe và sẽ tìm cách chiếm thêm đất sau khi « kiểm soát hoàn toàn » Avdiivka.

Sau nhiều tháng chiến đấu « Hết đạn, quân đội Ukraina phải rút khỏi Avdiivka ». Quân Nga được không quân yểm trợ đã tấn công từ mọi phía vào thành trì cuối cùng của Ukraina : một nhà máy than cốc đang được lữ đoàn xung kích số 3 trấn giữ. Với quân số ít hơn rất nhiều và đạn dược chỉ bằng 1/5 so với Nga, các chiến sĩ Ukraina đã rút khỏi Avdiivka ngày 17/02 để tránh bị bao vây. Tướng Oleksandr Tarnavsky giải thích : « Trong tình thế kẻ thù dẫm lên xác những người lính của bên mình và có lợi thế 10 chống 1, dưới những trận bom liên tục, rút lui là quyết định tốt nhất »

Viện trợ quân sự cho Ukraina

Trong khi đó, khoản viện trợ lớn của Washington cho Ukraina vẫn bị chặn ở Hạ Viện Mỹ. Về phía Ukraina, sau khi ký hai thỏa thuận quân sự với Pháp và Đức vào tuần trước, Ukraina sẽ nhận được viện trợ từ Hà Lan và Canada. Ngày 19/02, bộ trưởng Quốc Phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết « gửi nhiều drone cho Ukraina » nhưng « không thể tiết lộ số lượng chính xác ». Hà Lan nằm trong liên minh do Latvia điều phối để cung cấp công nghệ tân tiến về drone quân sự cho Ukraina. Còn Canada thông báo sẽ chuyển cho Ukraina 800 drone SkyRanger R70.

Ngược lại, Ecuador từ bỏ ý định giao nhiều vũ khí thời Liên Xô cho Ukraina thông qua Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Ecuador Gabriela Sommerfeld trấn an trước Quốc Hội rằng « Ecuador sẽ không gửi bất kỳ thiết bị quân sự nào cho một nước can dự vào một cuộc xung đột quốc tế ». Tuy nhiên, quyết định rút lui của quốc gia Nam Mỹ này có thể là do tác động từ Nga. Matxcơva đã rất tức giận và ra lệnh cấm nhập khẩu chuối của Ecuador ngay sau lời hứa của Ecuador chuyển vũ khí cho Ukraina.


 Iran cung cấp cho Nga hàng trăm tên lửa đạn đạo (VOA)

Theo Reuter, Iran đã cung cấp cho Nga một số lượng lớn tên lửa đạn đạo đất đối đất mạnh, sáu nguồn tin nói với Reuters, cho thấy sự hợp tác quân sự sâu sắc giữa hai quốc gia bị Mỹ trừng phạt.

Iran cung cấp khoảng 400 tên lửa bao gồm nhiều tên lửa thuộc dòng vũ khí đạn đạo tầm ngắn Fateh-110, chẳng hạn như Zolfaghar, ba nguồn tin Iran cho biết. Tên lửa cơ động dùng xe chở này có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách từ 300 đến 700 km (186 và 435 dặm), các chuyên gia cho biết.

Bộ Quốc phòng Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng – lực lượng tinh nhuệ giám sát chương trình tên lửa đạn đạo của Iran – từ chối bình luận với Reuters. Bộ Quốc phòng Nga không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của hãng thông tấn Anh.

Hỏa tiễn đạn đạo tầm xa của Iran

Một trong những nguồn tin của Iran cho biết các chuyến giao hàng bắt đầu vào đầu tháng 1 sau khi một thỏa thuận được hoàn tất trong các cuộc họp vào cuối năm ngoái giữa các quan chức quân sự và an ninh Iran và Nga diễn ra ở Tehran và Moscow.

Một quan chức quân sự Iran, cũng như các nguồn tin khác, yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của thông tin, cho biết đã có ít nhất 4 chuyến hàng tên lửa và sẽ có nhiều hơn trong những tuần tới. Ông từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Một quan chức cấp cao khác của Iran cho biết một số tên lửa đã được gửi tới Nga bằng tàu qua Biển Caspian, trong khi số khác được vận chuyển bằng máy bay.

“Sẽ có nhiều chuyến hàng hơn”, quan chức Iran thứ hai cho biết. “Không có lý do gì để che giấu điều đó. Chúng tôi được phép xuất khẩu vũ khí sang bất kỳ quốc gia nào mà chúng tôi muốn”.

Các hạn chế của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với việc xuất khẩu một số tên lửa, thiết bị không người lái và các công nghệ khác của Iran đã hết hạn vào tháng 10. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu vẫn giữ nguyên các biện pháp trừng phạt đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran trong bối cảnh lo ngại về việc xuất khẩu vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm của nước này ở Trung Đông và sang Nga.

Nguồn tin thứ tư am tường về vấn đề này xác nhận với Reuters rằng gần đây Nga đã nhận được một số lượng lớn tên lửa từ Iran, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết vào đầu tháng 1 rằng Mỹ lo ngại Nga sắp mua được vũ khí đạn đạo tầm ngắn từ Iran, bên cạnh các tên lửa có nguồn gốc từ Triều Tiên.

Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Washington đã thấy bằng chứng về các cuộc đàm phán đang tiến triển tích cực nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc giao hàng đã diễn ra.

Lầu Năm Góc không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về việc chuyển giao tên lửa của Iran.

Công tố viên hàng đầu của Ukraine hôm thứ Sáu nói các tên lửa đạn đạo do Triều Tiên cung cấp cho Nga đã được chứng minh là không đáng tin cậy trên chiến trường, chỉ có 2 trong số 24 tên lửa bắn trúng mục tiêu. Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận việc Triều Tiên cung cấp cho Nga vũ khí được sử dụng ở Ukraine.

Ngược lại, Jeffrey Lewis, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey, cho biết dòng tên lửa Fateh-110 và Zolfaghar là vũ khí chính xác.

“Chúng được sử dụng để nhắm thẳng vào những thứ có giá trị cao và cần gây sát thương chính xác”, ông Lewis nói. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các cuộc bắn phá của Nga vốn dĩ đã “rất tàn bạo” rồi.

Một nguồn tin quân sự Ukraine nói với Reuters rằng Kyiv chưa nhận thấy bất kỳ việc sử dụng tên lửa đạn đạo Iran nào của lực lượng Nga. Bộ Quốc phòng Ukraine không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.


Hưu chiến tại Gaza: Mỹ lại phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An/ Liên Hiệp Quốc (RFI)

Bất chấp áp lực của quốc tế, một lần nữa, hôm 20/02/2024, Mỹ – đồng minh chủ chốt của Israel, lại phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về một lệnh hưu chiến ngay lập tức tại dải Gaza và đề nghị một văn bản thay thế về khả năng tạm ngừng bắn khi có thể, nhưng không phải là ngay lập tức, và kèm theo một số điều kiện, chẳng hạn như phóng thích con tin.

Hội đồng Bảo An LHQ

Theo AFP, dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, theo đó « một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay tức khắc phải được tất cả các bên tuân thủ », đã đạt được lá phiếu ủng hộ của 13 thành viên thông qua, Anh Quốc vắng mặt. Phiếu chống duy nhất là của Mỹ. Kể từ khi chiến tranh Israel – Hamas nổ ra, đây là lần thứ ba Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về lệnh ngừng bắn tại dải Gaza.

Phản ứng của quốc tế

Đại sứ Palestine tại Liên Hiệp Quốc ngay lập tức chỉ trích quyết định « vô trách nhiệm và nguy hiểm » của Mỹ, xem là Hoa Kỳ đã gửi đi thông điệp rằng « Israel có thể tiếp tục làm bất cứ điều gì mà không bị trừng phạt ». Tổ chức Hamas cũng tố cáo Washington đã bật « đèn xanh » để Israel tiến hành thêm nhiều vụ « thảm sát » tại Gaza.

Nhiều thành viên Hội Đồng Bảo An lấy làm tiếc về quyết định của Washington. Nhiều nước Ả Rập cũng có phản ứng chỉ trích Mỹ, chẳng hạn Algérie, nước đã đệ trình dự thảo lên Hội Đồng Bảo An.

Nga và Trung Cộng đương nhiên lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ. Theo Bắc Kinh, lá phiếu phủ quyết của Mỹ sẽ chỉ càng làm tình hình ở dải Gaza « thêm nguy hiểm ».


Thủ tướng Israel quyết tâm tiến vào Rafah, hy vọng hưu chiến lùi xa (RFI)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không từ bỏ ý định đưa quân vào thành phố Rafah, miền nam dải Gaza nơi có 1,4 triệu người tị nạn Palestine. Trả lời họp báo ngày 17/02/2024 tại Tel Aviv, ông cho rằng không tiến hành chiến dịch ở Rafah là « thua cuộc chiến » chống Hamas, đồng thời bác bỏ ý tưởng công nhận một Nhà nước Palestine.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Thông tín viên RFI Michel Paul tại Jérusalem cho biết thêm :

« Ông Benjamin Netanyahu tuyên bố : « Chừng nào Hamas từ bỏ những yêu sách điên rồ thì các cuộc đàm phán thả con tin mới có thể tiến triển ». Đối với thủ tướng Israel, cần tiếp tục gây sức ép quân sự kể cả khi đạt được thỏa thuận với nhóm vũ trang người Palestine Hamas.

Ông nói : « Israel sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi giành thắng lợi hoàn toàn. Đúng, việc này bao gồm cả chiến dịch ở Rafah. Những người muốn ngăn cản chúng tôi hành động ở Rafah nói với chúng tôi kiểu : « Bại trận đi ». Tôi sẽ không cho phép chuyện này xảy ra ».

Vẫn theo thủ tướng Israel, việc giải quyết xung đột chỉ có thể được tiến hành thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên. Ông khẳng định : « Chúng tôi sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ áp lực nào. Dưới quyền lãnh đạo của tôi, Israel sẽ tiếp tục phản đối mọi sự công nhận đơn phương một Nhà nước Palestine ».

Thủ tướng Netanyahu đưa ra những tuyên bố trên vào lúc vài chục nghìn người Israel biểu tình tối thứ Bẩy (17/02) ở Tel Aviv và nhiều thành phố khác để chống chính phủ và đòi thả con tin ».

Ngày 18/02, tổng thống Pháp và đồng nhiệm Ai Cập đã hội đàm qua điện thoại. Theo thông cáo của điện Elysée, hai nhà lãnh đạo đã thể hiện sự « phản đối mạnh mẽ » cuộc tấn công vào Rafah theo dự kiến của Israel, cũng như mọi « ép buộc thường dân » rời sang Ai Cập vì những biện pháp đó đều « vi phạm nhân quyền ».

Theo AFP, Algérie đã yêu cầu bỏ phiếu tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về một dự thảo nghị quyết « từ chối ép thường dân Palestine sơ tán » và yêu cầu thả tất cả con tin bị đưa sang Gaza trong vụ tấn công này 07/10/2023. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 20/02 nhưng Hoa Kỳ đã đe dọa chặn dự thảo nghị quyết này.


Alexei Navalny, nhà đối lập Nga vừa chết trong tù, là ai ? (RFI).

Kẻ thù số 1 của điện Kremlin, nhà đối lập Alexei Navalny, 47 tuổi, qua đời hôm 16/02/2024 tại nhà tù IK-3 ở Kharp, khu tự trị Yamalo-Nenets, miền bắc Nga. Mẹ của ông đã đến nhà tù nhưng vẫn chưa nhận được thi thể của con trai. Trang France 24 điểm lại sự nghiệp đấu tranh của luật sư dũng cảm dám trực tiếp thách thức chính quyền Nga của tổng thống Vladimir Putin.

Vợ và hai con của Alexei Navalny hiện sống tị nạn ở Đức. Danh tiếng của vị luật sư theo Chính Thống giáo không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, theo số lần ông bị bắt và bị cầm tù. Tuy nhiên, ông nổi tiếng ở phương Tây hơn là trên chính quê hương của mình. 

Nhà hoạt động chống tham nhũng trên mạng

Mọi chuyện bắt đầu năm 2007 khi ông tung chiến dịch chống tham nhũng thông qua mạng xã hội LiveJournal, tiếp theo là trên blog cá nhân trên trang Rospil.info từ năm 2009. Hoàn toàn vô danh ở Nga, Alexei Navalny dốc sức để tố cáo quy mô nạn tham nhũng hoành hành đất nước và trong giới tinh hoa Nga. Năm 2010, ông cáo buộc Transneft, một tập đoàn công nghiệp năng lượng khổng lồ của Nga, đã biển thủ 4 tỉ đô la khi xây hệ thống đường ống chất đốt nối Siberi và Thái Bình Dương. Cách làm việc và những tiết lộ của ông được truyền thông phương Tây đặt biệt danh “Julian Assange Nga”, ý muốn nói đến nhà sáng lập trang WikiLeaks. 

Năm 2011, ông thành lập tổ chức Quỹ chống tham nhũng (FBK) để theo dõi, công bố các vụ biển thủ trong các công ty nhà nước và tình trạng tham nhũng trong các đại tập đoàn Nga. Các cuộc điều tra của Alexei Navalny và đội ngũ của ông, rất chi tiết và tỉ mỉ, thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube, và gây lo ngại không chỉ trong giới chính trị. Thù hận đổ vào nhà đối lập khi ông không ngần ngại tấn công cả những đầu tầu của nền kinh tế Nga, dù là Gazprom, nhà khổng lồ độc quyền khai thác khí đốt tự nhiên ở Nga, hay Rosneft, công ty dầu khí chính của đất nước, cũng như ngân hàng VTP

Tổ chức FBK nhiều lần bị gây khó dễ hành chính, bị điều tra “rửa tiền” và bị phong tỏa tài khoản. Đến tháng 10/2029, tổ chức bị bộ Tư Pháp Nga liệt là “tác nhân nước ngoài”

Bị bác tư cách ứng cử đến năm 2028

Song song với uy tín ngày càng được củng cố nhờ đấu tranh chống tham nhũng, Alexei Navalny tham gia nhiều hơn vào chính trường, nơi đối lập bị gạt bên lề và bị truyền thông hoạt động cho chính quyền phớt lờ. Sau khi đảng Nước Nga Thống nhất của tổng thống Putin giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2011, Alexei Navalny bắt đầu trận chiến mới với đảng của những kẻ cắp và lừa đảo, đồng thời tố cáo những gian lận bầu cử được ghi nhận trong suốt cuộc bầu cử.

Tài diễn thuyết cũng như sức lôi cuốn của Alexei Navalny đã đẩy ông lên hàng những người đứng đầu cuộc phản đối mùa đông 2011-2012. Phe đối lập huy động được vài trăm nghìn người biểu tình chống chính quyền. Ông có mặt trên khắp các mạng xã hội nhưng chính sự nhiệt huyết đã khiến ông gặp rắc rối với tư pháp, bị triệu tập không biết bao nhiêu lần, trở thành đối tượng của các chiến dịch bội nhọ, thậm chí đến mức bị cáo buộc là đặc vụ của CIA.

Năm 2012, ông bị kết án 15 ngày tù giam sau khi xô xát với cảnh sát trong một cuộc biểu tình, sau đó bị quản thúc tại gia gần một năm (từ tháng 02/2014-02/2015) trong khuôn khổ một vụ tố tụng nhắm đến em trai Oleg Navalny. Hai anh em cũng bị kết án biển thủ 27 triệu rup (394.000 euro) từ nhà sản xuất mỹ phẩm Pháp Yves Rocher. Ông bị kết án tù treo 3,5 năm. Tuy nhiên, Alexei Navalny phản đối kịch liệt mọi cáo buộc tham nhũng, liên tục “trêu tức” khi cố tình vi phạm lệnh quản thúc tại gia, tham gia biểu tình dưới chân tường điện Kremlin tháng 12/2014 hoặc cắt vòng theo dõi điện tử vào đầu tháng 01/2015.

Sức mạnh phiền toái cho chính quyền

Nhà đối lập không để bị chèn ép và ra tranh cử đô trưởng Matxcơva năm 2013 và nhận được 27% phiếu bầu, theo số liệu chính thức. Nhưng theo ông, kết quả này thấp hơn so với con số thực. Ông yêu cầu kiểm lại phiếu nhưng không được đáp ứng. Năm 2018, Alexei Navalny đăng ký tranh cử tổng thống nhưng đã bị Ủy ban Bầu cử Trung ương bác vì ông từng bị kết án 5 năm tù treo trong một vụ biển thủ quỹ năm 2009. Ông cũng bị cấm ra ứng cử cho đến năm 2028. Alexei Navalny lên án điện Kremlin bác tư cách ứng viên của ông để bóp nghẹt đối lập. 

Ông Navalny ở tòa án: vẫn hiên ngang, can đảm

Nhưng ngay cả khi bị tuyên bố là không đủ tư cách, nhà hoạt động – một thời thân với các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan – vẫn kêu gọi phe đối lập giữ nhiệt huyết, liên tục kêu gọi biểu tình và tạo được một sức mạnh quấy rối chính quyền. Tháng 09/2019, trong khi khoảng 60 ứng viên đối lập, trong đó có nhiều người là đồng minh của ông, bị loại khỏi cuộc bầu cử bầu Nghị Viện Matxcơva, Alexei Navalny kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu có ích : bầu cho ứng viên trung lập hơn là cho ứng cử viên của chính quyền. Chiến lược này đã mang lại kết quả, đảng Nước Nga thống nhất mất 19 trên 45 ghế ở thủ đô. 

Trong khi đang chuẩn bị cho một chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc Hội Nga vào tháng 09, ngày 20/08/2020, Alexei Navalny được đưa vào một bệnh viện ở Siberi điều trị đặc biệt trong tình trạng nghiêm trọng sau khi cảm thấy không khỏe khi lên máy bay. Đây là điểm khởi đầu cho nghi án đầu độc theo lệnh. Bị cộng đồng quốc tế kêu gọi chỉ trích, Nga chấp nhận để nhà đối lập được điều trị ở Đức. Nhưng ngay khi hồi phục, thay vì sống tị nạn, Alexei Navalny về nước ngày 17/01/2021 dù biết chắc chắn sẽ bị bắt. Ngay khi đặt chân xuống sân bay, nhà đối lập bị bắt trước ống kích của truyền thông thế giới. 

Hai ngày sau, Alexei Navalny tung ra một cú mới. Trong một video được vài chục triệu lượt xem trên YouTube, ông cáo buộc tổng thống Putin sở hữu một cung điện nguy nga ngay bên bờ Hắc Hải. Video gây chấn động đến mức tổng thống Nga phải đích thân phủ nhận. 

Bất chấp những thành công đó cũng như vụ đầu độc nhà đối lập, cuộc vận động quần chúng ở Nga vẫn còn rụt rè, các cuộc biểu tình nhanh chóng bị đàn áp. Chính quyền cố hủy hoại nhà đối lập nhưng Navalny không chùn bước. Tháng 09/2022, sau 12 ngày bị biệt giam vì lên án Nga xâm lược Ukraina, ông tuyên bố trước tòa : “Tôi sẽ không bao giờ im lặng và tôi hy vọng những người nghe thấy tôi cũng sẽ không im lặng”.

Những ngày cuối đời

Navalny thụ án 19 năm tù, liên tục bị chuyển trại giam. Đến cuối tháng 12/2023, trên mạng xã hội, ông cho biết “vẫn khỏe” sau khi bị chuyển đến nhà tù IK-3 ở miền bắc Nga, được mệnh danh là “con sói vùng cực”, nơi nhiệt độ ban đêm có thể xuống đến -30°C. “Nhà tù không thể trốn thoát” này là di sản trại giam (goulag) thời Liên Xô. Ngày 01/02/2024, ông kêu gọi biểu tình trong cuộc bầu tổng thống Nga từ ngày 15-17/03 : “Tôi thích ý tưởng là những người bỏ phiếu chống Putin đến phòng phiếu cùng một giờ, vào giữa trưa. Buổi trưa chống Putin”

Leonid Solovyov, luật sư của Navalny, cho biết “mọi việc đều bình thường” trong lần gặp cuối giữa hai người ngày 14/02. Nhà đối lập cũng đăng những lời nhắn gửi đến vợ trên mạng Telegram nhân ngày Valentin. Ngày 15/02, Navalny xuất hiện tươi cười, dù hốc hác, trong đoạn video ghi lại phiên tòa được triệu tập sau khi xảy ra “tranh cãi” vì một quản ngục tìm cách tịch thu bút của ông. Navalny thậm chí còn châm chọc các thẩm phán : “Thưa tòa, tôi sẽ gửi số tài khoản cá nhân để các ngài có thể dùng lương thẩm phán liên bang lớn của mình để tiếp tế cho tôi. Bởi vì tôi đang sắp hết tiền” do các khoản phạt.

Ngay hôm sau, 16/02, nhà đối lập Alexei Navalny qua đời. Cơ quan quản lý nhà tù thuộc khu tự trị Yamalo-Nenets, đăng thông báo trên trang web : “Ngày 16/2, tại trại giam số 3, tù nhân Alexei Navalny cảm thấy không khỏe sau khi đi dạo, gần như bất tỉnh ngay lập tức. Nhân viên y tế của cơ sở đã hỗ trợ ngay lập tức và đội cấp cứu được gọi đến. Chúng tôi đã thực hiện tất cả các biện pháp hồi sức cần thiết nhưng không mang lại kết quả khả quan. Các bác sĩ của đội cấp cứu kết luận tù nhân đã qua đời”


Nhật Bản tổ chức hội nghị tái thiết Ukraina (RFI)

Nhật Bản, hôm nay 19/02/2024, tổ chức tại Tokyo hội nghị tái thiết kinh tế Ukraina, vài ngày trước khi cuộc chiến chống Nga của Kiev bước sang năm thứ ba. Hội nghị do Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) tài trợ, với sự hiện diện của thủ tướng Ukraina Denis Chmyhal và các đại diện từ khoảng một trăm công ty và tổ chức Ukraina.

Thủ tướng Kishida và đồng nhiệm Ukraine Chmyhal tại Hội Nghị tái thiết Ukraine ở Tokyo

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles cho biết cụ thể :

Nhật Bản đã chọn bảy lĩnh vực để tái thiết Ukraina : rà phá bom mìn, phát triển nông nghiệp, sản xuất chất sinh hóa, phát triển công nghệ kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng được sử dụng trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, cũng như thắt chặt các biện pháp chống tham nhũng.

Trước thềm hội nghị, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đã giới thiệu các công ty Nhật Bản với các đối tác Ukraina. Tập đoàn chế tạo máy công cụ chính xác Nagano đã đề xuất cung cấp cho Ukraina các máy lọc nước dự phòng.

Ngành công nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đào tạo và các công ty khởi nghiệp của Ukraina rất được chú ý tới tại Nhật Bản. Tokyo muốn nới lỏng các hạn chế đi lại đối với các công ty Nhật Bản tới Ukraina để đóng góp vào việc tái thiết đất nước.

Hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản không cho phép xứ hoa anh đào cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraina. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản Tokyo chuyển giao tên lửa Patriot cho Washington để Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraina.


Tuần duyên Đài Loan đối đầu với tàu Hải cảnh Trung Cộng tại đảo Kim Môn (RFI)

Căng thẳng tiếp tục tại khu vực xung quanh đảo Kim Môn (Kinmen) do Đài Loan kiểm soát, với việc Trung Cộng tăng cường các hoạt động tuần tra tại đây, tiếp theo vụ hai ngư dân Trung Cộng tử vong. Hôm qua, 20/02/2024, tuần duyên Đài Loan đã ngăn chặn một tàu Hải cảnh Trung Cộng xâm nhập khu vực sát đảo. Quân đội Đài Loan tuyên bố không can thiệp. Đài Bắc kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế.

Đảo Kim Môn. Phía sau là Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến, Hoa Lục

Theo Reuters, lực lượng Tuần duyên Đài Loan đã điều một tàu và sử dụng các phương tiện liên lạc vô tuyến để kêu gọi tàu Hải cảnh Trung Cộng mang số hiệu 8092 rời khỏi ‘‘khu vực cấm xâm nhập’’ của đảo Kim Môn, mà hai bên vẫn thường xuyên tuân thủ từ năm 1992. Tuần duyên Đài Loan khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra xung quanh đảo Kim Môn.

Bên lề cuộc họp Quốc Hội Đài Loan hôm qua, 20/02, một quan chức chính phủ Đài Loan lên án hành động khám xét một tàu du lịch Đài Loan của Hải cảnh Trung Cộng hôm thứ Hai 19/02, khiến các du khách Đài Loan ‘‘hoảng sợ’’. Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan khẳng định quân đội sẽ không can thiệp ‘‘để tránh tình hình thêm trầm trọng’’, có thể dẫn đến chiến tranh, và kêu gọi ‘‘giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình’’.

Trả lời Reuters, một quan chức an ninh kỳ cựu của Đài Loan, xin ẩn danh, nhận định Bắc Kinh không có ý định biến vụ hai ngư dân tử vong vì tàu bị lật trong khi chạy trốn tàu tuần duyên Đài Loan ‘‘thành một vụ việc mang ý nghĩa quốc tế’’, mà chỉ muốn coi đây là cái cớ để gia tăng áp lực với chính quyền của tân tổng thống Đài Loan, Lại Thanh Đức.

Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết theo ‘‘theo dõi sát các hành động của Bắc Kinh’’ tại khu vực đảo Kim Môn. Trả lời báo giới hôm qua, 20/02, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Matthew Miller, ‘‘kêu gọi kiềm chế và không đơn phương thay đổi nguyên trạng, để bảo vệ hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, đã được duy trì từ nhiều thập niên’’.

Kim Môn từng là ‘‘tiền đồn’’ của Đài Loan

Đảo Kim Môn, rộng hơn 150 km² với khoảng 140.000 dân, chỉ cách Hoa Lục khoảng 3 km. Vùng lãnh thổ do Đài Loan kiểm soát, nằm gần Trung Cộng nhất này, từng được coi là tiền đồn quân sự của Đài Loan. Trong những năm 1950, đảo Kim Môn liên tục bị Trung Cộng pháo kích. Vào lúc căng thẳng cao điểm, trên đảo Kim Môn đã từng có 100.000 binh sĩ Đài Loan trú đóng.

Từ nhiều thập niên trở lại đây, đại đa số cư dân đảo muốn duy trì nguyên trạng giữa hai bờ eo biển. Truyền thông Pháp ghi nhận việc không ít người dân Kim Môn mơ ước xây dựng một cây cầu nối liền Kim Môn với thành phố Hạ Môn (Trung Cộng). Tuy nhiên, đảng Dân Tiến của tổng thống Lại Thanh Đức coi đây là một dự án ‘‘nguy hiểm’’, có thể biến hòn đảo trở thành ‘‘con ngựa thành Troy’’ của Bắc Kinh.


Máy bay chiến đấu của Mỹ và Philippines tuần tra chung ở Biển Đông, Trung Cộng tức giận (RFA).

Mỹ và Philippines vừa tiến hành tuần tra trên không ở vùng Biển Đông vào ngày 19/2 vừa qua, chỉ khoảng một tuần sau khi hai nước tiến hành diễn tập chung ở vùng biển này. Trung Cộng tức giận, cáo buộc Manila đang khuấy động khu vực.

Các máy bay chiến đấu của Philippines và một máy bay ném bom của Mỹ đã cùng nhau bay qua Biển Đông hôm 19/2, hơn một tuần sau khi hải quân của hai nước tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển trước những căng thẳng âm ỉ về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Trên mạng Facebook, Không Quân Philippines đăng một số hình ảnh và video về cuộc tuần tra chung trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines, cách 90 hải lý về phía tây thành phố Candon, trên đảo Luzon. Ba chiến đấu cơ FA-50 của Philippines và oanh tạc cơ B-52H Mitchell của Lực lượng Không Quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tham gia cuộc tuần tra.

Người phụ trách thông tin công chúng của quân đội Philippines Xerxer Trinidad cho báo chí biết, “cuộc tuần tra này nhằm nâng cao khả năng phối hợp hoạt động của hai lực lượng và nâng cao khả năng hoạt động của không quân trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia”.

Bộ Tư lệnh chiến khu miền Nam của quân đội Trung Cộng cho biết đã cho lực lượng hải quân và không quân tuyến đầu theo dõi chặt chẽ các cuộc tập trận vào ngày 19/2 vừa qua và các lực lượng này đã “duy trì mức độ cảnh giác cao để bảo vệ hoàn toàn chủ quyền quốc gia”.

Trung Cộng đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng Biển đông nơi các nước khác trong khu vực cũng đòi chủ quyền bao gồm: Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila trong năm qua đã xấu đi vào khi Philippines mở rộng mối quan hệ quốc phòng với đồng minh lâu năm của mình là Mỹ dưới thời của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

Đại diện quân đội Philippines cho biết nước này hy vọng sẽ tiến hành thêm các hoạt động trên biển chung với đồng minh của mình và các đối tác có cùng chí hướng khác nhằm duy trì khu ực Ấn Độ – Thái Bình Dương hoà bình.


Nhiều phái đoàn Bắc Triều Tiên công du Nga, mở rộng hợp tác song phương (RFI)

Trong những ngày qua, các phái đoàn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Bắc Triều Tiên đã sang Nga trong bối cảnh Bình Nhưỡng và Matxcơva nỗ lực mở rộng hợp tác song phương.

Theo hãng thông tấn trung ương Bắc Triều Tiên (KCNA), hôm qua 19/02, bộ trưởng Thông Tin và Thương Mại, Ju Yong-il, dẫn đầu một phái đoàn, đã rời Bình Nhưỡng sang Nga tham dự diễn đàn Công nghệ Thông tin Á-Âu Eurasia IT, với chủ đề “chủ quyền kỹ thuật số làm cơ sở cho hợp tác quốc tế lâu dài”, được tổ chức trong hai ngày, 20 và 21/02/2024, tại Matxcơva

Trước đó, một phái đoàn do thứ trưởng bộ Thủy Sản, Son Song-kuk, dẫn đầu đã khởi hành tới Nga để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, thứ trưởng bộ Thể Thao, O Kwang-hyok, cũng tới Nga để tham dự lễ ký thỏa thuận hợp tác về thể dục thể thao năm 2024 giữa hai nước. Ngoài ra, ông Kim Su-gil, uỷ viên dự khuyết của bộ chính trị đảng Lao Động Triều Tiên, cũng đã có cuộc gặp với phó thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko và các chính trị gia khác của nước này.

Vẫn theo KCNA, tổng thống Nga Putin đã gửi tặng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un một xe hơi hạng sang do Nga sản xuất, như một món quà thể hiện“mối quan hệ đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo”.

Sau khi nhận được thông tin trên, Hàn Quốc đã ngay lập tức yêu cầu Nga, với tư cách là một quốc gia thành viên, phải tuân thủ đầy đủ các nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên, trong đó bao gồm “các lệnh cấm cung cấp, bán hoặc chuyển giao trực tiếp và gián tiếp tất cả các phương tiện vận tải tới Bắc Triều Tiên, bất kể nguồn gốc, (…) bao gồm cả xe hơi hạng sang”. Bắc Triều Tiên và Nga đã mở rộng phạm vi hợp tác sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra vào tháng 09/2023.


TIN VIỆT NAM

Tàu Trung Cộng xâm phạm các lô dầu khí của Việt Nam ở Bãi Tư Chính

Bắc Kinh hôm 18 tháng 2 đã điều tàu hải cảnh đi vào khu vực các lô dầu khí của Việt Nam ở vùng biển Bãi Tư Chính, theo ghi nhận của SeaLight Project, một tổ chức chuyên theo dõi tình hình Biển Đông có trụ sở ở Hoa Kỳ.

Động thái này diễn ra chỉ một tháng sau khi lực lượng hải cảnh của Trung cộng điều tàu lớn nhất của họ, với lượng giãn nước 12.000 tấn, tiến vào cùng biển xung quanh bãi đá ngầm này.

Bãi Tư Chính dài 63km và rộng 11km, cách bờ biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 160 hải lý, tức là nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Những động thái gần đây của Bắc kinh biến khu vực này trở thành tâm điểm của sự đối đầu giữa Trung công với Việt Nam trên khu vực Biển Đông.

Việt Nam là nước duy nhất có sự hiện diện ở khu vực bãi ngầm Tư Chính thông qua hệ thống năm nhà giàn, được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1995, trong số đó, ba nhà giàn vẫn được vận hành ở thời điểm hiện tại.

Ngoài xây nhà giàn để khẳng định chủ quyền, Việt Nam cũng bắt đầu các hoạt động thăm dò dầu khí ở đây từ khá sớm, với việc dầu mỏ được tìm thấy lần đầu tiên ở Bãi Tư Chính vào năm 1994.

Trong những năm gần đây, Bắc kinh đã liên tiếp tìm cách cản trở các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí của Việt Nam ở khu vực này. Khiến cho Việt Nam phải huỷ các hợp đồng thăm dò với các công ty nước ngoài, và chịu thiệt hại về tài chính. Đơn cử như trong năm 2020, Việt Nam đã phải huỷ các hợp đồng thăm dò với hai công ty nước ngoài là Repsol và Noble, dẫn đến việc hai công ty này đệ đơn kiện đòi bồi thường.

Mục đích của Trung cộng, theo các chuyên gia nghiên cứu tình hình Biển Đông, là ngăn không cho Việt Nam mở rộng phạm vi thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính, và cho đến nay, chiến lược này tỏ ra khá hiệu quả.

Trao đổi với đài Á châu Tự do, ông Ray Powell, Giám đốc Trung tâm SeaLight Gordian Knot for National Security Innovation, của trường Đại học Standford, cho biết nhận định:

Tôi cho rằng Trung cộng đã khá thành công, một phần là vì họ đã thành công trong việc ngăn cản các công ty thương mại hợp tác với phía Việt Nam, đơn cử như trường hợp của công ty Repsol của Tây Ban Nha một vài năm trước. Bằng việc khiến cho các hoạt động thăm dò mới trở nên quá tốn kém và rủi ro, Trung cộng đã thành công ngăn chặn Việt Nam mở rộng hoạt động.

Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, điển hình là các công ty của Nga. Liên doanh dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro cũng là công ty duy nhất đang thực hiện khai thác ở Bãi Tư Chính.

Với việc quan hệ Nga – Trung cộng trở nên khăng khít hơn kể từ khi Nga xâm lược Ukraine và hứng chịu các đòn cấm vận từ Phương tây, thì có lo ngại cho rằng Trung cộng sẽ thuyết phục Nga từ bỏ hợp tác với Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của đài RFA, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết đến cả Nga cũng sẽ khó có thể giúp Việt Nam:

Trước khi Nga xâm lược Ukraine, tập đoàn dầu khi Gasprom là cổ đông lớn nhất của mỏ Natuna, thuộc Indonesia. Họ muốn xây đường ống kết nối Natuna với Bãi Tư Chính, rồi dẫn lên bờ ở Việt Nam để phát triển. Nhưng dự án đó đã bị huỷ bỏ. Nếu tiến hành thì dự án đó sẽ khiến Trung cộng phản ứng, còn Nga thì quá yếu để kháng cự.

Tôi cho rằng Nga sẽ phải nằm im thở khẽ để tránh khiêu khích Trung cộng, bởi vì họ cần sự ủng hộ của Trung cộng trong cuộc chiến với “Ukraine”.

Bằng việc ép các công ty nước ngoài từ bỏ hợp tác với Việt Nam, Trung cộng hy vọng sẽ buộc Việt Nam phải hợp tác với chính Trung cộng nếu muốn tiếp tục thăm dò và khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính, và các khu vực khác trên Biển Đông.

Và điều đó có nghĩa là công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung cộng đối với khu vực này.

Hẳn nhiên, đây là viễn cảnh rất khó chấp nhận đối với Việt Nam, tuy nhiên, cái giá của việc từ chối hợp tác với Trung cộng, cũng không phải nhỏ. Theo ông Ray Powell:

Chúng ta có thể nhìn vào trường hợp của Philippines, nước này gần đây không phát triển được bất cứ mỏ khí đốt mới nào ở khu vực Biển Đông, trong bối cảnh các mỏ hiện tại đang dần cạn trữ lượng thì Philippines sẽ phải đối diện với tình trạng an ninh năng lượng bị đe doạ. Do vậy nước này đang ở trong thế khó trong việc ứng xử với Trung cộng, mà đối với Trung cộng thì họ chỉ chấp nhận phương án phát triển chung.”

Còn giáo sư Carlyle Thayer thì cho rằng ‘chi phí cơ hội’ là thứ mà Việt Nam đang phải gánh chịu trước chiến lược của Trung cộng ở Bãi Tư Chính:

Trong kinh tế tồn tại khái niệm chi phí cơ hội, Việt Nam đang không thể khai thác tài nguyên mà họ cần, trong trường hợp này là nguồn cung năng lượng, và khí đốt là một trong số đó, mà nguyên nhân chính là sức ép từ Trung cộng.” (RFA)


Giá xăng tăng lên gần 24.000 đồng một lít ngay sau Tết khi người dân quay lại làm việc

Liên bộ Công Thương – Tài Chính vừa điều chỉnh giá xăng vào chiều ngày 15/2/2024 lên mức 23.910 đồng/lít ngay vào ngày đầu tiên người dân quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ngoài việc tăng giá xăng E5RON92 như vừa nói, liên bộ cũng điều chỉnh tăng giá một loạt các mặt hàng xăng dầu khác bao gồm: dầu diezel 0.05S tăng lên 21.360 đồng/lít, tăng thêm 660 đồng/lít; dầu hỏa tăng lên 21.220 đồng/lít, sau khi tăng 640 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có giá 15.900 đồng/kg, sau khi tăng thêm 310 đồng/kg.

Cơ quan điều hành tiếp tục thực hiện việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng dầu mazut 180CST 3.5S, xăng E5RON92, xăng RON95-3, dầu diesel 0.05S và dầu hỏa.

Ngay trước Tết, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, theo thống kê của báo trong nước, kể từ đầu năm 2024, giá xăng dầu đã có tới năm lần tăng và hai lầm giảm.

Một số chuyên gia trong nước gần đây cho rằng việc giữ Quỹ bình ổn xăng dầu là không cần thiết và nhận định Việt Nam nên dùng thuế phí để điều tiết thị trường xăng dầu.

Việc thiết lập quỹ này được nói là để điều chỉnh giá phù hợp với túi tiền của người dân nhưng việc điều hành quỹ này thời gian qua đã phát sinh các tiêu cực, chưa đảm bảo được việc bình ổn giá xăng dầu như yêu cầu của người dân.

Bộ Công an thậm chí đã tiến hành khởi tố một số vụ án vi phạm pháp luật trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, gây thất thoát tài sản Nhà nước.


Việt Nam thúc đẩy dự án điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh

Thuật tin từ truyền thông Nhà Nước, Đài RFA cho hay, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây vừa ký ban hành chỉ thị mới thúc đẩy các dự án năng lượng trọng điểm bao gồm dự án Cá Voi Xanh ở Biển Đông liên doanh với công ty Exxon Mobil của Mỹ. Đây là dự án gặp nhiều rắc rối trong thời gian qua vào khi Trung cộng gia tăng các hoạt động gây rối ở gần các lô dầu khí vùng biển phía Nam Việt Nam và công ty Exxon Mobil trong nhiều năm qua đã tìm cách thoái lui khỏi dự án này, theo tin Reuters hồi tháng 10 năm ngoái.

Ông Chính ký chỉ thị số 05 về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện thời gian tới. Đây là biện pháp đối phó của Chính phủ trước mùa hè năm 2024 vào khi Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện vào mùa hè năm ngoái khi thuỷ điện cạn nước. Nhiều khu công nghiệp và các thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam đã bị cắt điện luân phiên, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Theo chỉ thị mới, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi thực hiện mọi giai pháp đảm bảo tiến độ chuỗi dự án khí – điện Lô B; theo dõi, giám sát tiến độ các dự án năng lượng trọng điểm, như dự án Cá Voi Xanh, Thị Vải – Nhơn Trạch.

Truyền thông Nhà nước trích thông tin từ chỉ thị cho biết, Tập đoàn đầu khi quốc gia – PVN -được giao báo cáo ngay các vấn đề vượt thẩm quyền, chịu trách nhiệm toàn diện nếu để chậm trễ đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong thời gian sớm nhất, bảo đảm tiến độ có dòng khí đầu tiên vào quý 4-2026.

PVN được yêu cầu phối với chủ mỏ khí, chủ đầu tư các nhà máy điện khí à chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN để triển khai các giải pháp trong quá trình thực hiện phương án cung cấp, ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, bảo đảm hiệu quả tối ưu của chuỗi khí – điện và lợi ích quốc gia.

Reuters hồi tháng 10 năm ngoái đưa tin cho biết Việt Nam sẽ có thể bị trì hoãn nhiều năm nữa trước khi đón dòng khí đầu tiên từ mỏ Cá Voi Xanh.

Dự án này liên quan đến năm nhà máy điện khí với công suất gần bốn gigawwatt dự kiến được xây dựng bởi phía Việt Nam và các công ty khác. Hai trong số này theo dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024, theo kế hoạch được Chính phủ đưa ra vào năm 2011.

Tuy nhiên, theo Reuters, một bản thảo mới của Bộ Công thương Việt Nam đưa ra vào cuối tháng 8 năm ngoái cho biết cả năm dự án nhiệt điện sẽ chỉ có thể đi vào hoạt động khi lô dầu khí này có dòng khí đầu tiên vào năm 2028.

Cho đến tháng 10 năm ngoái, cả năm dự án điện khí đều chưa được xây dựng

Công ty Exxon Mobil của Mỹ và Việt Nam ký hợp đồng ở mỏ dầu khí Cá Voi Xanh vào năm 2009. Đây là mỏ lớn nhất của Việt Nam và Exxon dự đoán trữ lượng khí tại mỏ này có thể cung cấp đủ điện cho một thành phố cỡ Hà Nội trong vòng hơn 20 năm.

Tuy nhiên những trở ngại về hành chính bao gồm cả những bất đồng về giá bán điện từ các nhà máy này đã làm chậm tiến độ xây dựng các cơ sở trên bờ.

Exxon đã chi 500 triệu đô la vào việc khoan tìm khí cộng với các chi phí ban đầu khá trong tổng số 10 tỷ đô la mà hãng này dự kiến đầu tư vào mỏ khí, theo Reuters.


Nghị viện EU thảo luận cơ chế giám sát nhân quyền, xoáy vào Việt Nam

Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Liên hiệp Châu Âu (EU) hôm 14/2 thảo luận về cơ chế giám sát việc thực hiện Điều khoản Nhân quyền trong các hiệp định với nước ngoài, trong đó nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như là trường hợp điển hình.

Trong hội thảo về các công cụ và cơ chế thực hiện điều khoản nhân quyền trong các thỏa thuận của EU với các nước đối tác, các nghị viên thuộc Tiểu ban Nhân quyền đã thảo luận với các chuyên gia về các chính sách của EU, bao gồm các nghiên cứu điển hình về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, Ethiopia và Tunisia.

Trong thông cáo đưa ra ngay sau phiên họp, tiểu ban này tuyên bố đã phát hiện ra khoảng cách giữa các quy định pháp lý của EU đối với các chính sách đối ngoại và việc thực thi hiệu quả điều khoản nhân quyền với các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam.

“Xem xét tính hiệu quả của các đề xuất nâng cấp các điều khoản nhân quyền trong các hiệp định của EU với Việt Nam, Ethiopia và Tunisia, ba quốc gia có tình hình nhân quyền xấu đi trong những năm gần đây”, thông cáo viết.

Tại Việt Nam, cuộc đàn áp xã hội dân sự ngày càng gia tăng và chính phủ tiếp tục đàn áp các quyền dân sự và chính trị cơ bản”, Tiến sĩ Narin Idriz, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện T.M.C. Asser ở Hà Lan, phát biểu tại phiên thảo luận được Nghị viện EU tường thuật trực tiếp.

Bà Gaelle Dusepulchre, phó chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), phát biểu rằng cơ chế hiện tại chưa hiệu quả để giám sát việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), trong đó có yêu cầu đảm bảo nhân quyền và quyền của người lao động.

FIDH không tin rằng các cơ chế hiện có có đủ khả năng để đảm bảo việc thực hiện đúng đắn các cam kết nhân quyền”.

Bà Dusepulchre hiện là Phó Chủ tịch Nhóm Tư vấn Nội địa (DAG) của EU cho việc thực thi EVFTA.

Các chuyên gia và các nghị viên kết luận rằng việc giám sát và thực thi các điều khoản nhân quyền của EU chưa đạt hiệu quả, vẫn theo thông cáo.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về buổi hội thảo này của Tiểu ban Nhân quyền thuộc Nghị viện EU, nhưng chưa được phản hồi.

Đoàn nghị sĩ EU ‘thất vọng’ vì Việt Nam chưa cải thiện nhân quyền như cam kết trong EVFTA

Hiệp định EVFTA, được EU và Việt Nam ký vào ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về quyền con người. Trong đó, EVFTA yêu cầu tôn trọng các quy định về nhân quyền là một nguyên tắc cốt lõi.

Có thế mạnh là một thị trường chung rộng lớn gồm 27 quốc gia thành viên, EU là một trong những đối tác thương mại có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới và luôn gắn các giá trị về nhân quyền, phát triển bền vững trong các chính sách kinh tế đối ngoại.

“Chúng ta có triển vọng bước vào một thế giới đa cực, nơi các cấu trúc cạnh tranh và hợp tác mới sẽ được thiết lập. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của EU trong những năm tới là phát triển các chính sách đối ngoại theo mục tiêu và theo cam kết quốc tế của chúng tôi, trước hết là bảo vệ một trật tự dựa trên luật lệ đa phương, thực hiện công bằng xã hội và nhân quyền”, ông Udo Bullmann, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền EU đưa ra nhận định trong thông cáo.

Cuối buổi thảo luận, các nghị viên và các chuyên gia đưa các khuyến nghị về cách thực thi và giám sát việc thực hiện điều khoản nhân quyền.

Họ yêu cầu rằng các kết quả của các cơ quan giám sát phải dễ tiếp cận và minh bạch; các nhóm DAG nên có thẩm quyền rộng hơn để tập trung vào trọng tâm nhân quyền cụ thể; cần thiết lập một cổng thông tin giải quyết khiếu nại mới và riêng biệt; cũng như cần có sự tham gia tích cực với các tổ chức xã hội dân sự.

Như VOA đã đưa tin, hồi tháng 4/2023, phái đoàn gồm 6 nghị viên của Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện EU có chuyến công du đến Việt Nam và sau đó đưa ra nhận định bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam”.

Thông cáo của các nghị viên EU đặc biệt quan ngại về không gian dành cho xã hội dân sự bị thu hẹp, việc lạm dụng “các quy định mơ hồ” của Bộ Luật Hình sự để đàn áp những tiếng nói phản biện, sách nhiễu các nhà hoạt động, đàn áp về quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là trong không gian trên mạng, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng nước này tôn trọng các quyền căn bản của con người, chỉ bắt giam và xét xử “những ai vi phạm pháp luật”. (VOA)


Chuyên gia LHQ quan ngại về tình trạng của nhà hoạt động Đặng Đình Bách

Trong thông cáo hôm 14/02/2024, các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình trạng của nhà hoạt động bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách và kêu gọi Việt Nam ngừng « truy bắt », ngừng « giam giữ trong những điều kiện tồi tệ » những nhà hoạt động nhân quyền và môi trường.

Ông Đặng Đình Bách

Luật sư Đặng Đình Bách là một nhà hoạt động đã lên tiếng về nạn ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và những ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ các dự án điện than và dự án công nghiệp gây ô nhiễm khác.

Ông đã bị bắt hồi tháng 6/2021 và sau đó bị tuyên án 5 năm tù vì tội « trốn thuế ». Trong phiên xử phúc thẩm tháng 8/2022, tòa đã xử y án. Luật sư Bách đã ba lần tuyệt thực để phản đối bản án này.

Trong bản thông cáo, 10 chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc bày tỏ « quan ngại sâu sắc về mức độ an toàn và những điều kiện giam giữ nhà bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách ». Bản thông cáo nói rõ là ông Đặng Đình Bách bị « phân biệt đối xử trong trại giam », hay « có thông tin cho rằng ông bị hành hung và đánh đập trong nhà tù ».

Vẫn theo các chuyên gia nói trên, nhà hoạt động môi trường này đã bị « tước đoạt một số quyền tự do cơ bản », trong đó có « quyền hội họp và bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa ». Họ kêu gọi chính quyền Việt Nam « ngừng ngược đãi » luật sư Đặng Đình Bách, « không nên dùng việc tước đoạt tự do và ngược đãi tù nhân như một công cụ để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và những tiếng nói trong xã hội dân sự dám đề cập đến những vấn đề nhạy cảm. » (RFI)


Việt Nam sửa luật, cho phép Việt kiều sở hữu bất động sản

Theo đài VOA, Kể từ đầu năm 2025, người Việt ở nước ngoài là công dân Việt Nam sẽ được phép sở hữu bất động sản tại Việt Nam như công dân trong nước, theo Luật Đất đai sửa đổi mới được Quốc hội Việt Nam thông qua gần đây. Điều này sẽ giúp dẹp bỏ tình trạng Việt kiều “lách luật” bằng cách nhờ người trong nước đứng tên sở hữu nhà, đất, dẫn đến nhiều tranh chấp phức tạp và rắc rối pháp lý về sau.

Theo luật mới sửa đổi, người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (tức người còn giữ quốc tịch Việt Nam) sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước. Còn người Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này), và nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà, theo Thanh Niên.

Ngoài ra, Việt kiều cũng sẽ được phép đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án bất động sản để chuyển nhượng và cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất có hạ tầng kỹ thuật.

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua bộ ba luật, bao gồm Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người Việt ở nước ngoài trong việc đầu tư vào bất động sản.

Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện có khoảng 6 triệu người Việt đang sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% là ở các nước phát triển. Riêng tại TP Saigon, có khoảng 2,9 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc tại các nước. Năm ngoái, lượng kiều hối mà thành phố này nhận được đạt gần 9,5 tỷ USD, cao gần gấp 3 lần vốn đầu tư nước ngoài (FDI) – chỉ đạt 3,4 tỉ USD, và tương đương với gần 50% tổng thu ngân sách của thành phố.

Kể từ năm 2012, Việt Nam liên tục nhận được lượng kiều hối vượt quá 10 tỷ USD mỗi năm và tăng đều từ 7 – 10% qua các năm, trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Khoảng 1/4 số tiền này được đầu tư vào bất động sản.

Riêng trong năm ngoái, 16 tỷ USD kiều hối đã chảy vào Việt Nam. Dự báo năm 2024 lượng kiều hối sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2023.

Dòng kiều hối này từ lâu đã là nguồn tăng trưởng kinh tế quan trọng cho Việt Nam. VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM, hôm 2/2 nói kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối của Việt Nam, và lượng tiền này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực lên tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá – lãi suất và lạm phát.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, trong thời gian tới lượng kiều hối sẽ ngày càng dồi dào do cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng đông cả về số lượng cũng như địa bàn sinh sống.


Bốn đại án tham nhũng sẽ được đưa ra xét xử trong năm 2024

Bốn đại án được dư luận quan tâm và thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng gồm vụ Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC và vụ án liên quan Công ty Việt Á sẽ được đưa ra xét xử trong năm 2024.

Truyền thông trong nướcloan tin trên trong ngày 16/2. Trong bốn đại án trên, vụ Vạn Thịnh Phát liên quan đến vợ chồng đại gia Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm đã được ấn định lịch xét xử kéo dài gần hai tháng từ 5/3 đến 29/4.

Các vụ án còn lại chưa được thông báo ngày, giờ xét xử cụ thể. Tuy nhiên, vụ Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh – Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm lừa đảo hơn 8.600 tỷ đồng, hiện cáo trạng, hồ sơ vụ án đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chuyển sang Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội để đưa ra xét xử trong năm nay.

Vụ án của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng dự kiến được đưa ra xét xử trong năm 2024. Trước đó, hồi tháng 10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết và 20 người về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên mới đây Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án này.

Riêng vụ án liên quan Công ty Việt Á, hồi đầu tháng 1/2024, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh, cùng 36 bị cáo, có sai phạm trong việc đưa, nhận hối lộ, cấp phép sản xuất thương mại các bộ xét nghiệm COVID-19 cho Công ty Việt Á đã được TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm.

Kết thúc phiên sơ thẩm, ông Long bị tuyên 18 năm tù tội “Nhận hối lộ”; ông Chu Ngọc Anh ba năm tù tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Các bị cáo còn lại nhận từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 năm tù giam.

Vụ án Việt Á đến nay đã xét xử xong, tuy nhiên có gần 40 địa phương với 68 vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á vẫn đang được cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ và dự án sẽ đưa ra xét xử tiếp trong năm 2024. (RFA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 8-9-10/4/2024.
  • Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại chung về Trung Cộng
  • Tổng thống Zelensky cảnh báo: “Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina bại trận”
  • Xung đột dải Gaza: Israel ấn định ngày cho cuộc tấn công Rafah
  • Philippines-Mỹ-Nhật-Úc tập trận phối hợp đối phó "các tình huống hàng hải" ở Biển Đông
  • Fitch hạ điểm triển vọng tín nhiệm Trung Cộng (RFI)
  • Ukraine và Anh ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí
  • Washington không để Trung Cộng đe dọa việc làm và ngành công nghiệp Hoa Kỳ
  • Miến Điện: Phe nổi dậy kiểm soát một thành phố quan trọng sát biên giới Thái Lan
  • Bầu cử Quốc Hội Nam Hàn: Trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Yoon Suk Yeol
  • Tỉnh đầu tiên của Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán
  • Việt Nam sẽ đầu tư thêm hơn 7 tỷ USD để đẩy mạnh khai thác bô xít
  • Việt Nam đề nghị Ả Rập Xê Út tiếp nhận thêm lao động giúp việc nhà
  • Cổ phiếu VinFast rớt giá kỷ lục xuống mức đáy từ khi lên sàn Nasdaq ở Mỹ
  • Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030
  • Việt Nam phá đường dây tín dụng đen 2000% tiền lời
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 1-2-3/4/2024
  • Ukraine: Drone oanh kích sâu trong lãnh thổ, nguồn xăng dầu của Nga
  • Viện trợ quân sự cho Ukraina: NATO bàn lập quỹ 100 tỉ euro
  • Israel không kích Gaza, nhiều nhân viên cứu trợ nhân đạo nước ngoài thiệt mạng
  • Bầu cử thị trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ: Phe đối lập thắng lớn
  • Teheran thề trả đũa vụ Israel oanh kích Damas, giết chết 7 Vệ binh Iran
  • Chính quyền Biden cân nhắc giao vũ khí trị giá 18 tỷ USD cho Israel
  • “Hội chứng La Havana”: Màn bí mật đã được vén lên
  • Nhật Bản và Mỹ thắt chặt hợp tác an ninh với Anh, Úc và Philippines
  • New Delhi phản đối Bắc Kinh đặt tên Tầu cho 30 địa điểm ở biên giới Himalaya
  • Bộ Ngoại giao Mỹ: án tù cho nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam là bất công
  • Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh Vatican sẽ thăm Việt Nam
  • Phật Giáo Hòa Hảo bị cấm hành lễ
  • Nạn nhân Việt Nam trong hoạt động buôn người ở Đông Nam Á
  • Thanh niên chết tại trụ sở Công an Long Thành
  • FB của chính phủ Việt Nam chỉ trích Facebooker ngoại quốc về hành vi phỉ báng
  • Gần 74.000 doanh nghiệp Việt rời thị trường trong quý một
  • Tin Chính Trong Tuần 25-26-27/3/2024.
  • Hai tàu chiến Nga tại bán đảo Crimée bị Ukraina ''oanh kích''
  • Khủng bố: Putin thừa nhận thủ phạm là Hồi giáo cực đoan, nhưng vẫn cáo buộc Ukraina
  • Trước đe doạ khủng bố, hàng loạt nước châu Âu nâng mức cảnh báo an ninh
  • Bộ Quốc Phòng Anh: Hạm đội Biển Đen của Nga đã ‘‘tê liệt’’ trên thực tế
  • Nam Hàn 'quan ngại sâu sắc' việc Trung Cộng dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines
  • LHQ thông qua nghị quyết ngưng bắn ở Gaza, quan hệ Mỹ - Israel căng thẳng
  • Nhật Bản phê duyệt sửa đổi quy định xuất khẩu chiến đấu cơ
  • Mỹ, Anh và New Zealand đồng loạt tố cáo Trung Cộng tấn công mạng
  • Ấn Độ ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền lãnh hải
  • TBT Nguyễn Phú Trọng mời TT Putin thăm Hà Nội
  • Võ Văn Thưởng mất chức, Giới đầu tư nước ngoài nghi ngại
  • Hơn 10.000 tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam trong năm qua
  • 500 người Việt vượt biển vào Anh quốc
  • Việt Nam sa thải HLV Troussier sau khi gần hết cơ hội vào World Cup
  • Giới hoạt động quan ngại về cái chết ‘bất thường’ của một tín đồ ở Đắk Lắk
  • Việt nam bắt Sư trụ trì chùa Đại Thọ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”
  • Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh không được tại ngoại để chữa ung thư