Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới
Sinh Viên Tốt Nghiệp Đại Học Nhưng Làm Các Công Việc Ở Trình Độ Trung Học
Một nghiên cứu mới xác nhận rằng gần một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ quốc lại đang làm các công việc ở trình độ trung học.
Nghiên cứu này, được công bố hôm 22/02, cho thấy, sau khi tốt nghiệp được một năm, 52% sinh viên tốt nghiệp đại học làm việc không đúng trình độ.
Nghiên cứu này, một nỗ lực hợp tác của Viện Burning Glass và Viện Tương lai Việc làm Strada, đã xác nhận xu hướng như được báo cáo trong các nghiên cứu khác này, rằng các nhà tuyển dụng đang ngày càng chuyển sang các yếu tố khác ngoài bằng đại học để xác định năng lực.
Trong khi hầu hết mọi người coi bằng đại học là “một cầu nối dẫn đến cơ hội kinh tế và khả năng thăng tiến”, thì nghiên cứu này cho biết “một số người đang đặt câu hỏi liệu giáo dục đại học có đang mang đến triển vọng đó hay không”.
Nghiên cứu này xác nhận rằng sau khi tốt nghiệp được một năm, 52% sinh viên tốt nghiệp đại học làm việc không đúng trình độ. Thậm chí 10 năm sau khi tốt nghiệp, 45% sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn làm việc không đúng trình độ.
Những sinh viên tốt nghiệp tham gia thị trường lao động với công việc ở trình độ đại học được cho là “hiếm khi rơi vào tình trạng làm việc không đúng trình độ, vì 79% trong số họ duy trì công việc ở trình độ đại học trong 5 năm sau khi tốt nghiệp. Trong số những người vẫn làm các công việc ở trình độ đại học trong 5 năm sau khi tốt nghiệp, thì 86% vẫn làm công việc ở trình độ đại học trong một thập niên”.
Ngược lại, 73% sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia vào thị trường lao động nhưng vẫn làm việc không đúng trình độ trong 10 năm.
Một phân tích hồi tháng 06/2023 của Campus cho thấy chương trình học AA (2 năm) tốn tổng cộng khoảng 23,200 USD để lấy được tấm bằng hai năm này.
Chi phí trung bình hàng năm để theo học tại một trường cao đẳng hoặc đại học công lập hệ 4 năm bao gồm ăn ở là 21,035 USD; tốn khoảng 84,140 USD để lấy được một tấm bằng cử nhân.
Dữ kiện mới nhất từ Cục Thống Kê Lao Động cho thấy mức lương trung bình hàng năm của người có bằng cao đẳng là 48,240 USD. Đối với những người có bằng cử nhân, mức lương là 68,736 USD.
Đối với bằng cử nhân, dữ kiện từ Trung Tâm Thống Kê Giáo Dục Quốc Gia cho thấy bằng cấp kinh doanh là chuyên ngành số một (19%) trong số sinh viên đại học ngày nay. Dữ kiện do Coursera tổng hợp cho thấy mức lương trung bình hàng năm của người có bằng cử nhân kinh doanh là 65,000 USD.
Bằng cấp phổ biến thứ hai được liệt kê đơn giản là “Sức khỏe”, được xếp hạng ở mức 13%.
Cục Thống Kê Lao Động cho biết mức lương trung bình cho bằng cử nhân trong ngành chăm sóc sức khỏe là từ 51,330 USD đến 128,790 USD. Bằng cấp phổ biến thứ ba là về khoa học xã hội và lịch sử (8%).
Cục Thống Kê Lao Động cho biết mức lương thông thường của người có bằng cử nhân về khoa học xã hội và lịch sử là khoảng 64,540 USD.
Một cân nhắc khác là liệu sinh viên tốt nghiệp có thể tìm được một công việc trang trải chi phí thanh toán khoản vay sinh viên của họ hay không.
Theo Bankrate, lãi suất hiện tại đối với các khoản vay sinh viên liên bang dành cho sinh viên đại học là 5.50%. Sinh viên tốt nghiệp phải trả 7.05% hoặc 8.05% cho các khoản vay không được trợ cấp.
Theo công cụ tính khoản vay sinh viên của Smart Asset, khoản nợ trung bình cho một khoản vay sinh viên là 28,400 USD. Với mức lãi suất hiện tại, khoản thanh toán hàng tháng cho thời gian hoàn trả 10 năm là 308 USD.
Cỗ Máy Tài Chính Đằng Sau Các Cuộc Vận Động Bầu Cử Của đảng Dân Chủ
Công ty cố vấn Arabella Advisors có tiếng trong giới chính trị nhưng có thể nhiều người chưa từng nghe qua.
Công ty này có mối liên hệ sâu sắc với một số nhà tài trợ nổi bật nhất cho các chính sách cấp tiến và các ứng cử viên của đảng Dân Chủ. Họ quản lý một mạng lưới phức tạp gồm các tổ chức bất vụ lợi được miễn thuế, mạng lưới này lặng lẽ chuyển tiền cho các tổ chức cấp tiến, ủy ban hành động chính trị, và các chiến dịch của các ứng cử viên đảng Dân Chủ.
Trong năm 2020 và năm 2022, theo hồ sơ tài chính bầu cử liên bang, các nhóm có liên kết với Arabella đã hoạt động tích cực trong việc tài trợ cho các thành viên đảng Dân Chủ cũng như cho các nỗ lực kêu gọi bỏ phiếu theo khuynh hướng thiên tả. Lãnh đạo của một trong những quỹ tài trợ có liên kết với Arabella đã hứa sẽ duy trì các hoạt động của mình trong năm 2024.
Arabella Advisors là một công ty tư nhân, hoạt động vì lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn. Trong báo cáo năm 2020, họ cho biết đã cung cấp “các dịch vụ hành chính cho các tổ chức bất vụ lợi đang nỗ lực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đồng thời giúp các nhà từ thiện”.
Trang web của công ty này cho biết khách hàng của họ bao gồm các cá nhân và gia đình, quỹ tài trợ, tổ chức bất vụ lợi, và doanh nghiệp. Trang web này không tiết lộ hồ sơ tài chính cũng như các chi tiết về hoạt động của mình ngoài cái gọi là các báo cáo thường niên.
Bản báo cáo mới nhất thuộc loại này, phản ảnh các hoạt động của công ty trong năm 2021 và 2022, cho biết công ty này đã nỗ lực “phân phối hơn nửa tỷ dollar tiền tài trợ cho hơn 2,800 người thụ hưởng làm việc tại hơn 100 quốc gia và hầu hết mọi tiểu bang ở Hoa Kỳ”.
Báo cáo cũng cho thấy bằng chứng về khuynh hướng chính trị của Arabella. Tài liệu này nói rằng việc bảo vệ nền dân chủ và thúc đẩy công bằng xã hội là một phần trong số các lãnh vực mà công ty “giúp đỡ”.
Trong phiên điều trần hồi tháng 12/2023 trước Tiểu Ban Giám Sát thuộc Ủy ban Thuế Vụ của Hạ Viện Hoa Kỳ, Dân biểu Jason Smith (Cộng Hòa-Missouri) đã mô tả Arabella là “một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng chính trị của đảng Dân Chủ trong những năm gần đây”.
Ông Smith đã chất vấn về số tiền được cho là đã chảy vào Arabella từ các nguồn ngoại quốc. Trong lời chứng của mình, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Vốn (Capital Research Center) Scott Walter cho biết một nhà tài trợ đặc biệt, tỷ phú trong ngành sản xuất thiết bị y tế Thụy Sĩ Hansjorg Wyss, đang gửi hàng triệu dollar cho các tổ chức có liên kết với Arabella thông qua hai tổ chức bất vụ lợi của ông này là Wyss Foundation và Berger Action Fund.
Ông Walter nói: “Đất nước của chúng ta đang ngày càng phân cực về nhiều mặt, nhưng chúng ta gần như có sự đồng thuận rằng người ngoại quốc và tiền ngoại quốc không nên can dự vào nền chính trị của chúng ta”.
Cựu TT Trump Chiến Thắng Trước Bà Haley Ở South Carolina
Cựu Tổng thống (TT) Donald Trump một lần nữa giành được chiến thắng rực rỡ trước đối thủ Nikki Haley cũng thuộc đảng Cộng Hoà, cựu thống đốc tiểu bang South Carolina, ngay tại chính quê nhà của bà.
Thông tấn AP đã loan báo cựu TT Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ngay sau khi các phòng phiếu trên toàn tiểu bang này đóng cửa vào lúc 7 giờ 00 phút giờ ET.
TT Trump nói “Tôi cảm thấy đầy khí thế hơn bao giờ hết”. Ông Trump nói chuyện với những người ủng hộ ông trong bài diễn văn mừng thắng lợi tại Khu hội chợ Columbia ở tiểu bang South Carolina.
Ông Trump cho biết, hiện nay chiến dịch tranh cử của ông đang chuyển hướng sang tập trung vào việc đánh bại TT Joe Biden.
Ông Trump nói, “Ông Joe, ông bị sa thải. Mời ông hãy rời đi”.
Hôm thứ Bảy (24/02), trước khi kết quả kiểm đếm phiếu lần đầu được công bố, ông Steven Cheung, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã tuyên bố kết thúc cuộc bầu cử sơ bộ.
Ông Steven Cheung, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói rằng, “Cuộc bầu cử sơ bộ kết thúc vào tối nay và đã đến lúc chuyển sang cuộc tổng tuyển cử để chúng ta có thể đánh bại Joe Lươn Lẹo và chấm dứt cuộc tấn công vào Hoa Kỳ”, ám chỉ đến Tổng thống thuộc đảng Dân Chủ Joe Biden.
Đối với nhiều ứng cử viên, việc thất bại ngay tại quê nhà có thể được xem là một sự mất mặt chính trị.
WHO Muốn Kiểm Soát Việc Chăm Sóc Sức Khỏe Ở Hoa Kỳ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang hướng tới việc vũ khí hóa y tế cộng đồng để thúc đẩy việc kiểm soát tập trung đối với y học và mở rộng quyền lực đó sang bất cứ lãnh vực nào khác mà tổ chức này có thể xác định là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Trong hội thảo Hội Nghị Hành Động Chính Trị Bảo Tồn Truyền Thống do ông Jan Jekielek, biên tập viên cao cấp của The Epoch Times, chủ trì, các bác sĩ gồm Tiến sĩ Robert Malone và Tiến sĩ Brooke Miller đã giải thích những gì họ xem là một kế hoạch nhằm mở rộng việc tập trung hóa y học. Sự kiện này diễn ra tại Trung tâm Khu Nghỉ Dưỡng & Hội nghị Quốc gia Gaylord ở Fort Washington, Maryland, hôm 24/02.
Tiến sĩ Malone, người chủ trì chương trình “Fallout” của EpochTV nói rằng: “Đây dường như là một cuộc tranh giành quyền lực”.
Trong khi WHO và Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus phủ nhận điều đó, thì Tiến sĩ Malone cho biết, WHO, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đang đề xướng một hiệp ước quốc tế cho phép WHO thiết lập các tiêu chuẩn điều trị và xác định một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng “cho bất cứ điều gì họ muốn”.
Tiến sĩ Malone cho biết quyền lực này có thể được sử dụng để yêu cầu Hoa Kỳ phải làm gì đối với các vấn đề như năng lượng, lượng phát thải carbon dioxide, súng, và phá thai.
Tiến sĩ Malone nói, “Mọi thứ đều thuộc về vấn đề sức khỏe cộng đồng, và sau đó họ sẽ có thẩm quyền để ra lệnh cho các quốc gia phải làm gì để ứng phó với những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đó”.
Tiến sĩ Malone cho biết những quốc gia phản đối sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt tiềm tàng hoặc các hành động khác nếu họ không tuân theo mệnh lệnh của WHO. Ông cho rằng đây là một hành động vi hiến vì theo Hiến Pháp, chính phủ liên bang không được ai trao cho thẩm quyền về sức khỏe cộng đồng.
Tiến sĩ Malone nói: “Điều này phụ thuộc vào mức độ mà WHO có thể quy định những sản phẩm hoặc thủ thuật y tế nào mà quý vị nhận được, loại vaccine nào mà quý vị dùng, loại thuốc nào mà quý được phép dùng. Đây là y học bị tập trung hóa trên quy mô toàn cầu”.
Cả Tiến sĩ Malone và Tiến sĩ Miller đều phàn nàn về sự chuyển đổi từ y học hướng tới bệnh nhân sang thứ mà họ gọi là y học theo danh sách kiểm tra.
Trong đại dịch COVID-19, cả hai vị bác sĩ này đều chứng kiến giới y khoa từ chối nghiên cứu những ý tưởng và phương pháp điều trị mới cho căn bệnh này và thay vào đó là tuân theo mệnh lệnh của các cơ quan y tế cộng đồng hàng đầu.
Tiến sĩ Miller cho biết khi ông đã nghiên cứu các phương pháp điều trị COVID và giới thiệu với các bác sĩ đồng nghiệp, họ “không muốn nghe chuyện này”.
Tiến sĩ Miller nói: “Họ chỉ muốn làm theo những gì mà các nhà lập kế hoạch bảo làm”.
Ngay cả khi không có hiệp ước của WHO, Tiến sĩ Malone cho biết ngành y tế hiện đang trở nên tập trung hóa hơn, và việc suy nghĩ khác đi đang bị trừng phạt.
Tiến sĩ Malone nói, “Ở nhiều tiểu bang, nhiều quốc gia, hiện đã ban hành luật quy định rằng các bác sĩ nào nói về ý kiến, quan sát của họ, mà khác với những gì đã được phê chuẩn, thì họ sẽ phải chịu án tù với số tiền phạt lớn lên tới 200,000 USD. Điều này đang được thực hiện ở Canada và được ban hành ở Pháp rồi”.
Tiến sĩ Malone cho rằng sự thay đổi này hoàn toàn không màn gì đến Lời thề Hippocrates mà một bác sĩ phải tuyên thệ, lời thề buộc họ phải luôn làm những gì tốt nhất cho chính bệnh nhân.
Tiến sĩ Malone nói rằng ngành y tế muốn các bác sĩ làm việc theo một danh sách kiểm tra và tuân theo một loạt các mệnh lệnh đã được quy định. Ngoài ra, ông cho biết việc phá vỡ hoạt động chăm sóc cá nhân hóa là một phần của mục tiêu: y học dựa trên trí tuệ nhân tạo.
Tiến sĩ Malone cho biết, “Đó là nơi họ muốn nhắm đến… nền y học được tiêu chuẩn hóa, nơi tất cả quý vị đều là một con số, và quý vị được xử lý thông qua hệ thống đưa ra chẩn đoán. Y học dựa trên danh sách kiểm tra… là những gì đang được dạy trong các trường y hiện nay, cùng với chủ nghĩa thức tỉnh, đây là những gì đang được đẩy mạnh xuyên suốt hệ thống”.
Các bác sĩ này cho biết những người dân bình thường cần phải tham gia với chính phủ để ngăn chặn việc tập trung hóa y tế hơn nữa trong nước. Tiến sĩ Miller nói rằng người dân không nên sợ đối đầu người có quyền lực.
Tiến sĩ Miller nói, “Chúng ta phải yêu cầu chính phủ của chúng ta không ký hiệp ước này. Và hãy dứt khoát hơn nữa, chúng ta phải rời khỏi WHO và cắt tài trợ cho WHO”.
Tiến sĩ Malone cho biết mọi người cần tham gia với chính phủ tiểu bang của họ, cảnh báo họ về những gì đang xảy ra, và kêu gọi họ phản kháng. Ông cũng đề nghị thành lập một ủy ban để xem xét lại những gì đang xảy ra bên trong Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ. Cuối cùng, ông nói rằng mọi người cần tìm kiếm những bác sĩ không thuộc giới y tế tập đoàn.
Tiến sĩ Miller nói: “Có rất nhiều bác sĩ làm việc cho tập đoàn, họ không làm việc vì bệnh nhân”.
Tại Sao Nền Kinh Tế Trung Cộng Đang Tệ Hơn
Anh Wang, một quản lý nhà máy 28 tuổi sống ở một thành phố ven biển ở Trung Quốc, đang cân nhắc một cách nghiêm túc việc từ bỏ công việc nặng nhọc của mình, một hành động mà ngày nay ở Trung Quốc gọi là “thảng bình” (nằm thẳng).
Cho đến gần đây, làm việc vừa đủ để trang trải cuộc sống không phải là một lựa chọn đối với anh. Mặc dù nhiều thanh niên Trung Quốc đã tham gia phong trào “nằm thẳng” vì họ không thấy, làm việc chăm chỉ sẽ tạo ra khác biệt gì cho cuộc sống của họ, nhưng anh Wang, không phải là những người như thế.
Anh Wang chọn sử dụng bí danh vì sợ bị nhà cầm quyền Trung Cộng trả thù.
Là con trai của một gia đình nông thôn Trung Quốc, anh mua một căn chung cư vào cuối năm 2020, chỉ ba năm sau khi tốt nghiệp đại học. Khi đó, anh rất lạc quan về tương lai.
Căn chung cư rộng 1,100 mét vuông của anh Wang đã mất 1/5 mức giá ban đầu trị giá 1.2 triệu nhân dân tệ (khoảng 176,000 USD). Kể cả khi anh muốn bán nhà thì cũng có ít người mua. Anh vẫn còn nợ ngân hàng 880,000 nhân dân tệ (khoảng 124,000 USD), tương đương với hơn 90% giá trị tài sản hiện tại.
Để tìm lối thoát, anh Wang đã sử dụng một tấm thẻ tín dụng để đầu tư 100,000 nhân dân tệ (khoảng 14,000 USD) vào thị trường chứng khoán vào tháng 02/2023, nắm giữ một danh mục đầu tư gồm cổ phiếu của cả doanh nghiệp nhà nước lẫn công ty tư nhân. Nhưng kể từ thời điểm đó, thị trường chứng khoán Trung Cộng đã liên tục sụt giảm. Đến tháng 11/2023, anh chỉ còn lại chưa đến 40% số tiền đầu tư ban đầu. Để hạn chế thua lỗ thêm, anh cắt lỗ và bán cổ phiếu của mình, mô tả đó là một quyết định “rất đau đớn”.
Anh Wang nói với The Epoch Times rằng việc bán tháo trên thị trường chứng khoán của Trung Cộng “đã làm mọi chuyện tồi tệ hơn”.
Mặc dù năm ngoái thật khó khăn nhưng anh cho biết: “Tôi nghĩ năm 2023 vẫn còn tốt chán so với nhiều năm sắp tới”.
Anh Wang chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy điều ngược lại.
Hiện tại, giá trị tài sản ròng của anh là dưới zero. Tổng số nợ mua nhà và thẻ tín dụng của anh Wang là khoảng 1.5 triệu nhân dân tệ; anh sở hữu một căn chung cư mà anh có thể bán được với giá 950,000 nhân dân tệ và anh không có bất cứ khoản tiết kiệm nào. Một khoản nợ thẻ tín dụng trị giá 600,000 nhân dân tệ đã phát sinh thêm vì sửa chữa căn chung cư, trang trải chi phí y tế cho cha anh, và những khoản thua lỗ trước đó trên thị trường chứng khoán.
Để quản lý được các thẻ tín dụng và các thời hạn thanh toán khác nhau mỗi tháng, anh đã phải vay bên này để trả cho bên khác. Số đơn đặt hàng tại nhà máy của anh không có dấu hiệu tăng lên, ám chỉ một bức tranh ảm đạm.
Anh Wang nói, “Đến một lúc nào đó, tôi sẽ phải tuyên bố phá sản”.
Anh cho biết, đầu tiên anh sẽ bán căn chung cư của mình để công ty thẻ tín dụng không thể lấy được. Sau đó, anh sẽ ngừng trả nợ thẻ tín dụng và bắt đầu sống bằng tiền mặt.
Anh Wang nói, “Tôi không biết liệu mình còn có lựa chọn nào khác không”.
Anh nói: “Ai đó chỉ cần sống ở đất nước này và quan sát những gì đang diễn ra xung quanh mình, thì người đó chắc chắn sẽ thấy các dấu hiệu tồi tệ đang xảy ra”.
BYD Của Trung Quốc Đang Đe Dọa Đến An Ninh Quốc Gia Của Hoa Kỳ
BYD của Trung Quốc là nhà sản xuất xe điện (EV) lớn nhất thế giới tính theo doanh số xe bán ra. Theo báo cáo được công bố hôm 14/02 của Nikkei, một công ty con của BYD đã bày tỏ “sự háo hức về một nhà máy” ở Mexico.
BYD đang xem xét tiểu bang Nueva Leon thuộc miền bắc Mexico để tìm một địa điểm khả thi, gần biên giới với Texas và có thể đi thẳng tới San Antonio qua Quốc lộ 35.
The Wall Street Journal đã trích dẫn các nguồn tin hôm 16/02 cho biết BYD sẽ “xem xét” xuất cảng từ nhà máy dự định của họ ở Mexico sang Hoa Kỳ. Đó là một nhận xét nói nhẹ. BYD khó có thể kiềm chế tham vọng trước cơ hội bán xe hơi tại Hoa Kỳ, thị trường xe hơi lớn thứ hai thế giới sau chính Trung Quốc.
Việc chấp nhận nhập cảng một lượng xe giá rẻ có giá trị hàng tỷ USD của Trung Cộng vào Hoa Kỳ có thể gây ra những tác động trầm trọng đến an ninh quốc gia. Xe hơi Trung Cộng có thể tạo tổn thất hơn nữa cho ngành kỹ nghệ xe hơi Hoa Kỳ, từ đó gây phương hại cho nền kinh tế, nguồn thu thuế, và quân đội Hoa Kỳ. Đồng thời, việc mở rộng doanh số bán xe của BYD sẽ thúc đẩy nền kinh tế và doanh thu thuế của Trung Cộng, từ đó tài trợ cho đối thủ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ là quân đội Trung Cộng.
Vào tháng 10/2023, châu Âu đã khởi xướng một cuộc điều tra về trợ cấp xe điện của Trung Cộng. Hoa Kỳ có thể làm điều tương tự trong tương lai gần. Cả hai cuộc điều tra này đều có thể dẫn đến việc tăng các hạn chế đối với hàng xuất cảng của Trung Cộng. Nhưng Hoa Thịnh Đốn và Brussels đang phản ứng quá chậm, theo quan điểm kinh tế tự do về giao thương với Trung Cộng, một lập trường cho rằng lẽ ra việc làm ăn với Trung Cộng không bao giờ nên được tiếp tục sau vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Xe hơi của Nhật Bản vào những năm 1970 và xe của Nam Hàn vào những năm 1990 là một “cú đấm kép” vào ngành kỹ nghệ xe hơi Hoa Kỳ. Dẫu sao thì họ cũng là đồng minh của chúng ta, còn chế độ Trung Cộng thì lại là đối thủ hoặc tệ hơn. Nếu ngành kỹ nghệ Hoa Kỳ đang gặp khó khăn, một lần nữa chịu ảnh hưởng vì hàng nhập cảng giá rẻ — hầu hết là xe điện BYD có giá bán thấp tới 11,000 USD ở Trung Quốc — thì kết quả có thể là rất thảm khốc.
Như ông Elon Musk đã nói hồi tháng Giêng, nếu không có rào cản thương mại đối với xe Trung Cộng, thì xe Trung Cộng sẽ “hủy diệt hầu hết các công ty xe hơi khác trên thế giới”.
Chi phí lao động ở Mexico thấp hơn nhiều so với chi phí lao động ở Hoa Kỳ, vốn phải đối mặt với những rủi ro từ làn sóng đình công năm ngoái của Nghiệp đoàn Công Nhân Xe hơi Hoa Kỳ (United Auto Workers – UAW). Mức lương cao hơn cho các nhân viên thuộc UAW là điều tuyệt vời đối với một số rất ít người đạt được điều này. Nhưng các cuộc đình công đã làm tổn thương những người thất nghiệp, làm sa lầy thị trường lao động tự do, và làm giảm hoạt động đầu tư vào Hoa Kỳ do chi phí kinh doanh tăng lên, trong đó bao gồm cả chi phí tăng lên do nguy cơ xảy ra các cuộc đình công làm suy yếu nền kinh tế. Vì điều kiện sản xuất ở Hoa Kỳ xấu đi, nên các công ty đang chuyển sang Mexico, Việt Nam, và Ấn Độ, những nước mà các nghiệp đoàn lao động ít gây ra vấn đề hơn.
BYD có một vài lợi thế so với các nhà sản xuất xe hơi Hoa Kỳ, chẳng hạn như khoản trợ cấp nhà nước trị giá khoảng 4.3 tỷ USD trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, sự tích hợp theo chiều dọc từ đầu đến cuối trong khai thác mỏ, pin, và sản xuất vi mạch bán dẫn, sự khác biệt về giá cả của sản phẩm, xe thuần điện (xe chỉ chạy bằng điện) và xe hybrid (xe chạy bằng cả xăng và điện), cũng như thiết kế và phụ tùng rẻ hơn được sản xuất tại Trung Quốc và Mexico.
Phái Đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ Đến Thăm Đài Loan
Các thành viên trong Ủy ban Đặc Biệt của Hạ Viện về Trung Cộng đã đến Đài Loan hôm 22/02 để thực hiện một chuyến thăm cấp Quốc Hội nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan và tăng cường mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan.
Phái đoàn, do chủ tịch ủy ban, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), dẫn đầu, sẽ gặp các viên chức cấp cao của Đài Loan và thảo luận về mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan, thương mại, an ninh khu vực cùng nhiều vấn đề quan trọng khác. Chuyến thăm này là một phần trong chuyến đi của phái đoàn tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Sau khi đến Đài Loan, ông Gallagher nói, “Hết lần này đến lần khác, Đài Loan đã cho thế giới thấy cách đứng lên để chống lại sự bắt nạt của ĐCSTQ và cách làm đó không chỉ thành công mà còn phát triển hơn nữa. Chúng tôi rất vui mừng được đến Đài Bắc để thể hiện sự ủng hộ của chúng tôi đối với những người bạn của chúng tôi ở Đài Loan, Tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức và Quốc Hội lập pháp mới được bầu. Hoa Kỳ sát cánh cùng Đài Loan”.
“Bằng cách thúc đẩy mối bang giao sâu sắc hơn giữa các nhà lãnh đạo và nền kinh tế của chúng ta, chúng ta có thể tăng cường hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.
Chuyến thăm diễn ra hơn một tháng sau khi ông Lại Thanh Đức, Phó tổng thống Đài Loan hiện thuộc Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, được bầu làm tổng thống. Chiến thắng của ông Lại đã mang lại cho DPP – vốn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi là mối đe dọa đối với mục tiêu chiếm Đài Loan của mình– nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp kéo dài 4 năm.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết chuyến thăm thể hiện “sự ủng hộ kiên định của Hoa Kỳ đối với nền dân chủ của Đài Loan thông qua hành động rõ ràng”.
Tổng thống Thái Anh Văn trình bày trong bài diễn văn chào mừng, bà nói, “Chuyến thăm của quý vị càng làm nổi bật thêm mối bang giao đối tác chặt chẽ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ. Chúng ta đang cùng nhau bảo vệ tự do và dân chủ cũng như duy trì hòa bình trong khu vực”.
Kể từ khi thành lập vào tháng 01/2023, Ủy ban Đặc biệt về Trung Cộng đã ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan và đã công bố nhiều báo cáo và khuyến nghị chính sách liên quan đến hòn đảo dân chủ tự trị này. Lập trường kiên quyết và vững chắc của ủy ban này đối với chế độ Trung Cộng đã thu hút sự ủng hộ hiếm có tại Capitol Hill.
Quá Trình Tách Rời Khỏi Trung Quốc Hiện Đang Diễn Ra
Một loạt dữ kiện gần đây cho thấy một mức độ thành công dễ hiểu của những nỗ lực từ Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và Nhật Bản nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng khỏi Trung Cộng. Khối lượng thương mại với Trung Cộng của mỗi từng thị trường trong số các khu vực trọng yếu này đã giảm đi đáng kể.
Để phán đoán một cách chuẩn xác, thì phải khẳng định rằng các số liệu có thể đã phóng đại mức độ thành công. Các doanh nghiệp Trung Cộng đã tái định vị sang các quốc gia thứ ba và chuyển tải hàng hóa bằng tàu của các quốc gia khác để tránh thuế quan cũng như các hạn chế khác mà các quốc gia giàu có áp đặt, và những hoạt động thương mại đó không được tính vào dữ kiện thương mại của Trung Cộng.
Mặc dù cách làm như vậy có thể làm xáo trộn các bằng chứng thống kê, nhưng trên thực tế biện pháp đó có thể cũng không tạo ra được nhiều khác biệt vì mục đích của việc tách rời khỏi Trung Cộng— hay “giảm thiểu rủi ro”, như cách mà người dân Âu Châu muốn gọi quá trình này — là giảm bớt những tổn thương trước sự bắt nạt của Bắc Kinh, mà việc các doanh nghiệp Trung Cộng chuyển sang các quốc gia thứ ba cũng khởi tác dụng y như vậy theo cách riêng.
Có lẽ thực tế nổi bật nhất trong hàng loạt dữ kiện gần đây là Trung Cộng đã mất đi danh hiệu nước xuất cảng lớn nhất sang Hoa Kỳ mà họ vẫn tự hào. Danh hiệu đó giờ đây thuộc về Mexico. Phần lớn kết quả này là do nhiều nỗ lực độc lập khác nhau của các bên nhập cảng Hoa Kỳ nhằm đa dạng hóa sản phẩm khỏi Trung Cộng. Những nỗ lực đó cũng đã nâng cao tầm quan trọng tương đối của các quốc gia khác. Nhập cảng điện thoại thông minh vào Hoa Kỳ từ Trung Cộng đã giảm khoảng 10% từ năm 2023 tính đến hết tháng 11/2023, khoảng thời gian gần đây nhất mà dữ kiện như vậy có sẵn, trong khi nhập cảng máy điện toán xách tay đã giảm 30%. Nhập cảng điện thoại thông minh từ cả Ấn Độ và Việt Nam đều đã tăng gấp bốn lần, dù là tăng từ một mức thấp.
Nhìn chung, dữ kiện của châu Âu còn chưa đầy đủ, nhưng Berlin cho hay khối lượng nhập cảng từ Trung Cộng của Đức đã giảm khoảng 13% trong năm qua. Các báo cáo sơ bộ cho thấy, mặc dù mối quan hệ thương mại giữa Trung Cộng và Đức đã phát triển trong một thời gian dài, nhưng Hoa Kỳ có thể đã vượt qua Trung Cộng với tư cách là một nước xuất cảng sang Đức.
Nhật Bản và Nam Hàn cũng thể hiện sự rút lui khỏi Trung Cộng. Bằng chứng thống kê phản ảnh bản chất phức tạp của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế này và Trung Cộng. Phần lớn thương mại giữa Trung Cộng, Nam Hàn, và Nhật Bản xoay quanh các hoạt động mà Nhật Bản và Nam Hàn thiết lập tại Trung Cộng. Nhật Bản và Nam Hàn xuất cảng các bộ phận, phụ tùng, và vật tư cho các hoạt động sản xuất của họ tại Trung Cộng và nhập cảng thành phẩm trở lại thị trường nội địa của họ.
Dữ kiện về nhập cảng từ Trung Cộng có thể vẫn chưa có. Tuy nhiên, dữ kiện về xuất cảng của Nhật Bản và Nam Hàn sang Trung Cộng đã giảm, cho thấy hai quốc gia này đang giảm bớt sự chú trọng vào hoạt động tại Trung Cộng. Dữ kiện cũng cho thấy rằng vào cùng thời kỳ, xuất cảng của Nhật Bản và Nam Hàn sang Hoa Kỳ đã tăng lên và hiện đã vượt qua xuất cảng của họ sang Trung Cộng.
Các khu vực duy nhất mà thương mại của Trung Cộng chứng kiến sự gia tăng là ở các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất cảng nguyên liệu thô và hàng nông sản. Vì vậy, thương mại của Brazil với Trung Cộng đã tăng mạnh. Xuất cảng từ Brazil sang Trung Cộng đã tăng trong năm ngoái lên mức cao hơn khoảng 60% so với mức trước đại dịch, trong khi nhập cảng của Brazil từ Trung Cộng đã tăng 50%, cả hai lãnh vực này đều tăng từ một mức thấp.
Hoa Kỳ Và Vương Quốc Anh Tấn Công Trả Đũa Lực Lượng Houthi Ở Yemen
Nhiều quốc gia, do Hoa Kỳ và Vương quốc Anh dẫn đầu, đã tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng Houthi ở Yemen hôm 24/02, sau khi nhóm khủng bố này tiếp tục tấn công các tàu hải quân và thương thuyền đi qua Hồng Hải và các vùng biển xung quanh.
Những cuộc tấn công vào Houthi đã nhận được sự trợ giúp từ các quốc gia Úc, Bahrain, Đan Mạch, Canada, Hoà Lan, và New Zealand.
Trong tuyên bố chung hôm 24/02, các quốc gia này cho biết: “Các cuộc tấn công cần thiết và tương xứng ngày hôm nay đặc biệt nhắm vào 18 mục tiêu của Houthi trên 8 địa điểm ở Yemen”.
Theo tuyên bố, những mục tiêu này có liên quan đến các cơ sở lưu trữ vũ khí dưới lòng đất của Houthi, cơ sở lưu trữ phi đạn, hệ thống phi cơ không người lái tấn công một chiều, và các thiết bị quân sự khác.
Các cuộc tấn công này nhằm mục đích “làm gián đoạn và làm suy yếu khả năng mà lực lượng Houthi sử dụng để đe dọa thương mại toàn cầu, các tàu hải quân, và sinh mạng của những thủy thủ vô tội trên những tuyến hải trình quan trọng nhất thế giới”.
Hôm 22/02, một cuộc tấn công bằng phi đạn của Houthi đã tấn công một tàu thuộc sở hữu của Vương quốc Anh và làm bị thương một thủy thủ. Hôm 19/02, một cuộc tấn công bằng phi đạn khác suýt tấn công một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Hoa Kỳ vốn đang đi viện trợ nhân đạo cho Yemen. Trước đó một ngày, có một cuộc tấn công nhắm vào một tàu của Vương quốc Anh, buộc thủy thủ đoàn của con tàu này phải bỏ tàu.
Kể từ giữa tháng 11/2023 cho đến nay, lực lượng Houthi đã thực hiện hơn 45 cuộc tấn công vào các tàu hải quân và thương mại, tạo thành “mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như an ninh và ổn định khu vực, và cần một sự đáp trả từ quốc tế”.
Trong tuyên bố chung, nhóm các quốc gia trên khẳng định mục tiêu của họ là giảm căng thẳng và khôi phục ổn định ở Hồng Hải nhưng sẽ không ngần ngại trả đũa để bảo vệ sinh mạng con người và dòng chảy tự do thương mại.
Thông tấn AP cho biết, lực lượng Houthi đã tố cáo các cuộc tấn công, và tuyên bố rằng Lực lượng vũ trang Yemen sẽ đối đầu với “sự leo thang của Hoa Kỳ-Vương quốc Anh bằng cuộc tấn công lớn hơn ở Hồng Hải và Biển Ả Rập”.
Trong tuyên bố về vụ tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin, khẳng định Hoa Kỳ “sẽ không ngần ngại hành động” để bảo vệ thương mại trên một trong những tuyến hải trình quan trọng nhất thế giới.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ nói với lực lượng Houthi rằng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu họ không dừng các cuộc tấn công bất hợp pháp của họ lại”.
Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh, ông Grant Shapp, cũng nêu quan điểm của Vương quốc Anh về vấn đề này: “Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ sinh mạng con người trên biển và giữ gìn quyền tự do hàng hải”.
Trong một tháng rưỡi qua, Hoa Kỳ đã thực hiện 32 cuộc tấn công vào Yemen, và các đồng minh của Hoa Kỳ đã cùng tham gia vào một số cuộc tấn công đó. Các chiến hạm của Hoa Kỳ đã bắn hạ một số phi đạn, phi cơ không người lái, và hỏa tiễn nhắm vào các tàu hải quân hoặc tàu thương mại.
Cho đến nay, các hoạt động của Hoa Kỳ chống lại lực lượng Houthi đã nhắm mục tiêu vào hơn 120 bệ phóng; 40 tòa nhà dùng làm kho chứa và tiếp vận; 20 thiết bị không người lái trên không, trên mặt nước, và dưới nước; hơn 10 phi đạn đất đối không; và nhiều cơ sở lưu trữ dưới lòng đất.