Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Số Đại Biểu Của Cựu TT Trump Tăng Mạnh, Giúp Ông Dễ Dàng Được Đề Cử Hơn

Hôm thứ bảy (02/03), cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đã dễ dàng giành được chiến thắng tại ba tiểu bang vào cuối tuần, mang lại nhiều đại biểu hơn nữa cho việc được đảng Cộng Hoà đề cử tổng thống.

cựu TT Donald J. Trump

Idaho và Missouri đã tổ chức bầu cử sơ bộ, trong đó cựu TT Trump đã đạt được đa số đại biểu của hai tiểu bang này. Tại Michigan, đảng Cộng Hòa tại một đại hội Grand Rapids đã trao cho cựu tổng thống tất cả số đại biểu có thể được phân bổ, ngoài 12 đại biểu nói chung mà ông đã giành được trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi tuần trước.

Đối với Idaho, cựu TT Trump được kỳ vọng sẽ giành được tất cả 32 đại biểu mà tiểu bang có thể đưa ra. Sau cuộc cạnh tranh ở Michigan, ông đã đạt được 54 đại biểu.

Thông tấn Reuters cho biết, tại đại hội ở Michigan, cựu TT Trump đã nhận được 68% phiếu bầu, so với 27% của bà Nikki Haley, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.

Ông Pete Hoekstra, chủ tịch đảng Cộng Hòa Michigan, gọi chiến thắng của ông Trump là một “chiến thắng áp đảo, vượt trội”.

Kết quả thậm chí còn rõ ràng hơn ở Idaho. Ông Trump đã giành được khoảng 84% số phiếu bầu sơ bộ, so với 13% của bà Haley. Thống đốc Florida Ron DeSantis nhận được hơn 1% dù đã dừng cuộc tranh cử và tán thành cựu TT Trump cách đây vài tháng.

Điều đó có nghĩa là cựu TT Trump hiện có 244 đại biểu. Bà Haley, đối thủ chính duy nhất của cựu tổng thống, cho đến nay chỉ có 24 đại biểu.

Một ứng cử viên cần phải đạt được 1,215 đại biểu để đảng được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa.


Dự Luật Cấm Phát Triển Dầu Khí Đẩy Giá Năng Lượng Lên Cao

Colorado được xếp hạng trong số 10 tiểu bang dẫn đầu về sản xuất năng lượng ở Hoa Kỳ. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), đây là tiểu bang sản xuất dầu thô lớn thứ năm và là tiểu bang sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ tám, chiếm 4% tổng sản lượng của Hoa Kỳ cho cả hai loại nhiên liệu này.

Tiểu bang này có trữ lượng đáng kể nhờ lưu vực Denver-Julesburg, và có sản lượng khí đốt tăng hơn gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2022.

Nhưng đảng Dân Chủ ở Colorado vẫn muốn chấm dứt việc khai thác vào năm 2030.

Nếu được thông qua, Colorado sẽ ngừng cấp toàn bộ giấy phép dầu khí mới trước ngày 01/01/2030 và sẽ bắt đầu giảm số lượng giấy phép được cấp vào năm 2028 và 2029. Hơn nữa, dự luật sẽ yêu cầu tất cả các dự án có giấy phép được cấp sau ngày 01/07 phải bắt đầu đi vào hoạt động trước ngày 31/12/2032.

Xét đến việc phải mất từ ​​năm đến mười năm để một mỏ dầu khí đi vào hoạt động, dự luật này có thể ngăn chặn một cách hiệu quả hầu hết các hoạt động phát triển dầu khí mới bắt đầu từ năm nay.

Thành viên Ủy ban Năng lượng và Môi trường, Dân biểu đảng Cộng Hòa Colorado Ken DeGraaf đã gọi dự luật này là “không có cơ sở”“nguy hiểm”.

Ông nói với The Epoch Times: “Không thể hạn chế một hoạt động như vậy — nhu cầu dường như sẽ không đổi, ít nhất là trong thời gian tới — vì vậy chúng ta không thể hạn chế nguồn cung mà không làm cho chi phí mọi thứ tự động tăng lên”.

Nghị sĩ đảng Cộng Hòa Colorado Cleave Simpson, một nhà lập pháp thuộc Ủy ban Nông Nghiệp và Tài Nguyên cũng là người đang xem xét dự luật này, cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Ông nói với báo chí: “Nếu được thông qua, luật này chỉ tăng thêm vào danh sách dài các chính sách mà trong vòng 15 năm qua đã không ngừng khiến cuộc sống ở Colorado ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tôi cho rằng các tác động trên phạm vi toàn quốc cũng có thể có vấn đề, tôi chỉ chưa xem xét kỹ những tác động tiêu cực ở phạm vi rộng hơn vì tác động mà chính sách này gây ra đối với người dân Colorado là điều mà tôi quan tâm hơn cả”.

Ngoài việc cung cấp dầu và khí đốt sản xuất trong nước cho Hoa Kỳ, ngành dầu khí của Colorado còn tác động đáng kể đến nền kinh tế của Colorado.

Theo IBIS World, một công ty nghiên cứu ngành, vẫn chưa có thông tin về năm 2023, nhưng vào năm 2022, hoạt động khoan dầu và khai thác khí đốt đã đóng góp 37.4 tỷ USD vào tổng sản phẩm tiểu bang (gross state product, GSP) trị giá 371.3 tỷ USD của Colorado. Điều đó khiến khai thác dầu khí trở thành ngành kỹ nghệ lớn nhất của Colorado.


Wall Street Cho Rằng Fed Sẽ Không Cắt Giảm Lãi Suất Vào Năm 2024

Một nhà kinh tế hàng đầu của Wall Street cho biết Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang sẽ không cắt giảm lãi suất vì nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn vững chắc và áp lực lạm phát căn bản vẫn tồn tại dai dẳng.

Ông Torsten Sløk, nhà kinh tế trưởng tại Apollo, có thể đã khiến nhiều người chú ý đến Sở Giao dịch Chứng khoán New York khi kết thúc tuần giao dịch và khởi động tháng Ba bằng cách từ bỏ ý tưởng rằng ngân hàng trung ương sẽ xoay trục chính sách tiền tệ trong năm nay.

Viết trong một ghi chú hôm 01/03, ông Sløk cảnh báo rằng lãi suất sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Ông viết, “Thực tế là nền kinh tế Hoa Kỳ không hề chậm lại và chính sách xoay trục của Fed đã mang lại động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kể từ tháng Mười Hai. Kết quả là Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay và lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn”.

Ông Sløk liệt kê một số lý do dẫn đến việc điều chỉnh dự báo này.

Đầu tiên là nền kinh tế đang tăng tốc trở lại, nhờ việc nới lỏng các điều kiện tài chính do thay đổi trong kỳ vọng đối với chính sách tháng Mười Hai của ngân hàng trung ương.

Nhiều thước đo lạm phát căn bản khác nhau đang có xu hướng cho thấy mức tăng cao hơn, trong khi chỉ số siêu cốt lõi ưa thích của Fed đang tăng lên mức 5% so với cùng thời kỳ năm trước. Ngoài ra, các cuộc khảo sát đối với các doanh nghiệp nhỏ cho thấy rằng các công ty đang có dự định tăng giá, lạm phát tiền lương tiếp tục ở mức từ 4 đến 5%, đồng thời giá thuê nhà và giá nhà đang tăng cao.

Cuối cùng, các điều kiện tài chính đã nới lỏng kể từ khi Fed thông báo sẽ chuyển hướng vào cuối năm 2023. Điều này đã được thể hiện trên các thị trường tài chính, chẳng hạn như hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) mạnh mẽ, chênh lệch lợi suất giữa công khố phiếu và các tài sản nợ khác thu hẹp, còn thị trường chứng khoán thì đạt kỷ lục.

Ông nói: “Với việc các điều kiện tài chính được nới lỏng đáng kể, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy bảng lương phi nông nghiệp cũng như lạm phát mạnh mẽ trong tháng Giêng, và chúng ta có thể kỳ vọng lực độ này sẽ tiếp tục tăng. Điểm mấu chốt là Fed sẽ dành phần lớn thời gian của năm 2024 để chống lạm phát”.

Sau khi những bình luận của ông gây “sóng gió” trên các hãng thông tấn về lãnh vực kinh doanh, ông Sløk nói trên chương trình Radio của Bloomberg Surveillance rằng các nhà quản lý tiền tệ sẽ “rất miễn cưỡng” trong việc tăng lãi suất, ngay cả khi thị trường tài chính phát đi tín hiệu rằng lạm phát đã được chế ngự.

Ông nói: “Vấn đề là lạm phát quả thực có vẻ như đang lại một lần nữa trở thành vấn đề”.

Tháng trước (02/2024), tỷ lệ lạm phát so với cùng thời kỳ năm ngoái đã đạt mức cao hơn dự định 3.1% và chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI), không tính các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã không đổi ở mức 3.9%.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) — thước đo lạm phát ưa thích của Fed — tăng 0.3% so với tháng trước, phù hợp với mức ước tính đồng thuận. PCE cốt lõi cũng phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế khi tăng 0.4%.

Người tiêu dùng cho rằng Fed sẽ không thể đạt được mục tiêu 2% khi khảo sát kỳ vọng người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy người tiêu dùng dự định lạm phát trong một năm tới sẽ tăng lên 3%, tăng từ mức 2.9%.


Chính Phủ Hoa Kỳ Điều Tra Về ‘Xe Hơi Thông Minh’ Của Trung Cộng

Chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo rằng họ sẽ kiểm tra những chiếc “xe hơi thông minh” do Trung Cộng sản xuất mà có khả năng thu thập thông tin nhạy cảm về các tài xế ở Hoa Kỳ, với lý do rằng đây có thể là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.

Theo một thông báo hôm 29/02, Bộ Thương Mại đang dự định điều tra các mối đe dọa tiềm ẩn từ “các loại xe được kết nối” ở các quốc gia như Trung Cộng và các quốc gia khác mà được coi là không thân thiện với Hoa Kỳ.

Cuộc điều tra này có thể dẫn đến việc thực hiện các biện pháp quản lý mới nhằm cấm Trung Cộng sử dụng kỹ nghệ tiên tiến trên xe hơi điện và các loại xe khác được cho là các loại xe hơi được kết nối để giám sát người lái xe và dữ kiện cá nhân của họ.

Các nhà chức trách lo ngại rằng các chức năng như kỹ nghệ trợ giúp lái xe có thể bị lợi dụng để giám sát người Mỹ. Mặc dù không phải là một lệnh cấm vận hoàn toàn đối với hàng nhập cảng của Trung Cộng nhưng Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rằng ông đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ dữ kiện của họ.

Tổng thống cho biết trong một tuyên bố hôm 29/02 rằng chính phủ Hoa Kỳ tin rằng Trung Cộng có ý định sử dụng các hành vi không công bằng để chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường xe hơi. Ông tiếp tục khẳng định rằng các loại xe cộ này có thể gây ra rủi ro trầm trọng cho an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ, bà Gina Raimondo, bày tỏ mối lo ngại tương tự trong một tuyên bố hôm 29/02 được đăng trên trang web của Bộ Thương Mại.

Bà nói: “Việc chính phủ ngoại quốc mà có quyền truy cập vào các xe cộ được kết nối có thể gây ra rủi ro trầm trọng cho cả an ninh quốc gia của chúng ta lẫn quyền riêng tư cá nhân của công dân Hoa Kỳ như thế nào là điều quá hiển nhiên không cần nghĩ quá sâu xa”.

Hiện nay, Hoa Kỳ nhập cảng rất ít xe hơi từ Trung Cộng, một phần do Hoa Kỳ áp dụng mức thuế cao đối với những loại xe này. Tuy nhiên, các nhà chức trách lo ngại rằng việc áp mức thuế quan sẽ không đủ để giải quyết vấn đề.

Một số tập đoàn Trung Cộng dường như muốn trốn tránh thuế quan của Hoa Kỳ bằng cách thực hiện công đoạn lắp ráp tại các quốc gia láng giềng của Hoa Kỳ như Mexico.

Bà Raimondo cho biết: “Để đánh giá những lo ngại về an ninh quốc gia này, chúng tôi sẽ đưa ra Thông báo trước về Đề nghị Xây dựng Quy tắc để xem xét các rủi ro an ninh quốc gia của các xe cộ được kết nối, đặc biệt là kỹ nghệ do Trung Cộng sản xuất được đặt trong các loại xe cộ đó”.

“Chúng ta cần hiểu mức độ của kỹ nghệ trong những chiếc xe hơi này, kỹ nghệ mà có thể thu thập hàng loạt dữ kiện rộng lớn hoặc vô hiệu hóa hoặc điều khiển từ xa các xe cộ mà được kết nối, vì vậy chúng tôi đang thu thập thông tin để xác định xem có nên đưa ra hành động hay không”.

Như bà Raimondo và các viên chức khác đã tuyên bố, việc thu thập dữ kiện không phải là mối quan tâm duy nhất. Kích hoạt hoặc điều khiển xe hơi được liên kết từ xa là một mối đe dọa tiềm tàng khác.


Xe Điện Trung Cộng Giá Rẻ Lắp Ráp Tại Mexico Phá Hủy Ngành Xe Hơi Hoa Kỳ

Theo một nhóm trong ngành, Hoa Kỳ nên thực hiện các biện pháp thương mại để ngăn chặn làn sóng xe điện (EV) giá rẻ được trợ cấp của Trung Cộng từ Mexico, vốn đang đe dọa ngành công nghiệp xe điện của Hoa Kỳ.

Trong một báo cáo có tựa đề “Mối đe dọa Hiện hữu của Trung Quốc đối với ngành Công nghiệp Xe hơi Mỹ và Tuyến đường Xuyên Mexico của mối đe dọa này” được công bố hôm 20/02, Liên minh Sản xuất Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại đáng kể rằng sự thống trị của xe điện của Trung Cộng có thể xóa sổ ngành kỹ nghệ xe hơi đã có tuổi đời hàng thế kỷ của Hoa Kỳ.

Nhóm này tuyên bố, “Việc đưa xe điện giá rẻ của Trung Cộng— vốn rất rẻ vì chúng được quyền lực và nguồn tài trợ của nhà cầm quyền Trung Cộng hậu thuẫn — vào thị trường Hoa Kỳ có thể trở thành một sự kiện cấp độ tuyệt chủng đối với ngành xe hơi Hoa Kỳ, mà vai trò trung tâm của ngành này trong nền kinh tế quốc gia là không thể bàn cãi”.

Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng các công ty xe điện Trung Cộng đã đầu tư rất nhiều vào Mexico để hưởng lợi từ mức thuế ưu đãi theo thỏa thuận thương mại giữa Hoa Thịnh Đốn và quốc gia đối tác thương mại láng giềng.

Theo The Wall Street Journal, công ty xe điện lớn nhất Trung Cộng, BYD, đang xây dựng một nhà máy ở Mexico để mở rộng hoạt động kinh doanh sang Bắc Mỹ. Motor Trend đưa tin, các tên tuổi lớn về xe điện khác của Trung Cộng như Cherry và SAIC Motors đã có ý định đặt nhà máy ở Mexico.

Báo cáo chỉ ra rằng từ năm 2017 đến năm 2023, nhập cảng phụ tùng xe hơi từ Trung Cộng sang Hoa Kỳ đã giảm 17%, trong khi nhập cảng từ Mexico tăng 20% ​​trong cùng thời kỳ, cho thấy các phụ tùng do Trung Cộng sản xuất đã bắt đầu lách được thuế của Hoa Kỳ thông qua quốc gia láng giềng phía nam của Hoa Kỳ.

Ngành xe hơi của Hoa Kỳ chưa phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ xe điện do Trung Cộng sản xuất do mức thuế 25% được áp đặt kể từ thời chính phủ cựu Tổng thống Trump và được gia hạn dưới thời chính phủ Tổng thống Biden.

Tuy nhiên, nhóm này lập luận rằng Hoa Kỳ nên nỗ lực ngăn chặn xe hơi và phụ tùng do các công ty có trụ sở chính tại Trung Cộng sản xuất ở Mexico tận dụng hiệp định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ.

Báo cáo cho biết: “Cửa hậu thương mại còn để ngỏ đối với xe nhập cảng từ Trung Cộng nên được đóng lại trước khi khiến hàng loạt các nhà máy phải đóng cửa và mất việc làm ở Hoa Kỳ”.

Nhiều năm qua, Trung Cộng đã trợ cấp ngành kỹ nghệ xe điện trong nước thông qua các khoản trợ cấp to lớn và các chính sách ưu đãi của nhà cầm quyền. Theo MIT Technology Review, từ năm 2009 đến 2022, nhà cầm quyền Trung Cộng đã rót 29 tỷ USD vào ngành kỹ nghệ xe điện thông qua trợ cấp và giảm thuế.

Nhờ các khoản trợ cấp, xuất cảng xe điện của Trung Cộng đã tăng 851% trong ba năm qua, chiếm 60% thị trường xe điện toàn cầu. Trung Cộng đã vượt Nhật Bản trở thành nước xuất cảng xe hơi lớn nhất trong sáu tháng đầu năm 2023, theo The New York Times.

Nhóm này kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ ban hành các chính sách nhằm ngăn chặn mối đe dọa đối với ngành xe hơi Hoa Kỳ.

Nhóm cho biết, “Hoa Kỳ phải áp dụng chiến lược chủ động và phát triển để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Cộng. Hoa Thịnh Đốn nên tăng thuế hơn nữa đối với các loại xe sản xuất tại Trung Cộng, thắt chặt và thực thi đầy đủ Quy tắc xuất xứ (ROO) của Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) để xe Trung Cộng không được phép tuồn vào, và loại trừ các phụ tùng và xe hơi do các công ty có trụ sở tại các nền kinh tế phi thị trường như Trung Cộng sản xuất khỏi việc được đối xử ưu đãi theo hiệp định”.

Đầu năm nay, Giám đốc điều hành Tesla, ông Elon Musk, đã cảnh báo rằng “nếu không có rào cản thương mại nào được thiết lập, thì xe điện Trung Cộng sẽ phá hủy hầu hết các công ty xe hơi khác trên thế giới”.

Hồi tháng 11/2023, Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Trung Cộng đã yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ xem xét việc tăng thuế đối với xe Trung Cộng và tăng cường các quy định về quốc gia xuất xứ để ngăn chặn xe điện Trung Cộng tràn vào Hoa Kỳ.

Tại châu Âu, xe điện của Trung Quốc được hưởng mức thuế thấp hơn 10% và được hưởng lợi từ chính sách xanh của EU, điều này đã mở ra cơ hội cho xe điện Trung Cộng tung hoành tại các nước Âu Châu.


Không Nên Hợp Tác Với Trung Cộng Trong Dịch Vụ Phóng Hoả Tiễn

Thiếu tướng Gregory Gagnon, phó giám đốc phụ trách hoạt động tình báo không gian của Lực lượng Không Gian Hoa Kỳ cảnh báo rằng các công ty trên thế giới nào đang tìm kiếm dịch vụ phóng vào không gian nên tránh hợp tác với các tổ chức Trung Cộng, vì Trung Cộng có thể sử dụng doanh thu thương mại để thúc đẩy phát triển quân sự không gian của mình.

Hôm 13/02, Thiếu tướng Gagnon đưa ra cảnh báo này trong cuộc hội thảo tại Hội nghị chuyên đề về Chiến Tranh của Hiệp hội Lực lượng Không quân & Không gian ở Colorado. Ông cho biết ngành công nghiệp không gian suy thoái của Nga đã cho phép Trung Cộng bành trướng hoạt động kinh doanh phóng vào không gian thương mại của họ.

Thiếu tướng Gagnon cho biết, “Trong ba năm qua, chúng tôi đã chứng kiến thị trường phóng hỏa tiễn của Nga sụp đổ. Thị trường này sụp đổ vì các hành động của tập đoàn không gian Roscosmos, cuộc xâm lược hơn nữa vào Ukraine, các lệnh trừng phạt, chứng kiến họ cố gắng giữ một trang mạng làm con tin trong một vụ phóng bằng vệ tinh của họ vì họ đã ở Nga”, Roscosmos là đối tác phía Nga của NASA.

Năm 2023, các hãng hỏa tiễn thương mại Trung Cộng đã thực hiện 17 vụ phóng vào quỹ đạo trong tổng số 67 lần thử của Trung Cộng. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã tiến hành 109 lần phóng vào năm trước, trong đó SpaceX của tỷ phú Elon Musk chiếm 98 lần thử.


Nhà Cầm Quyền Trung Cộng Tiêu Hủy Toàn Bộ Dữ Kiện Về COVID-19

Sau các biện pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan trong đợt bùng phát COVID-19, Bắc Kinh đã chọn cách thờ ơ trước dịch bệnh đang diễn ra hiện nay. Những tiết lộ gần đây từ một nguồn tin am tường về vấn đề này cho thấy nhà cầm quyền Trung Cộng đã ra lệnh hủy toàn bộ dữ kiện về COVID-19 trong hệ thống y tế của quốc gia.

Gần đây, ông Trần (bí danh) đến từ Trường Sa, Hồ Nam, tiết lộ với The Epoch Times rằng bạn của ông là lãnh đạo tại một bệnh viện địa phương. Ông Trần cho hay, “Ông ấy nói trực tiếp với tôi là: chính quyền đang chỉ thị cho sở y tế trên cả nước xóa toàn bộ dữ kiện liên quan đến COVID-19, bao gồm thông tin về toàn bộ quá trình phòng chống dịch bệnh cũng như các hồ sơ chích ngừa. Họ phải xóa toàn bộ dữ kiện mà không để lại dấu vết, và toàn bộ hồ sơ trên máy điện toán cũng phải xóa hết”.

Ông Trần còn cho biết, “Ông ấy nhấn mạnh rằng chỉ thị này được thực hiện trên toàn quốc, và hoàn toàn đúng sự thật”.

Ông Trần giải thích thêm rằng Trung Cộng yêu cầu “không được giữ lại bất cứ dữ kiện nào, dù là trên giấy hay trên máy điện toán. Hồ sơ chích ngừa, cũng như hồ sơ xét nghiệm acid nucleic và bất cứ vụ việc đáng xấu hổ nào xảy ra trong toàn bộ quá trình phòng chống dịch bệnh, đều phải xóa hết”.

Theo ông Trần, chính quyền đang tìm cách xóa bỏ giai đoạn lịch sử này, nhằm ngăn các thế hệ tương lai biết về những sự kiện này bởi đây vốn là một thất bại của nhà cầm quyền. Ông so sánh việc này với hành động của Mao Trạch Đông từng cướp đi rất nhiều sinh mạng của người dân Trung Quốc, là những hành động bị xóa bỏ một cách có chủ ý khỏi các tài liệu lịch sử.

Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Trung Cộng đã theo đuổi chính sách “zero COVID”, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan. Tuy nhiên, những biện pháp này thường xuyên gây ra thảm họa thứ cấp, làm gia tăng sự bất bình và tức giận của công chúng.

Đến nửa cuối năm 2022, “Phong trào Giấy Trắng” lan rộng khắp đất nước, với các cuộc biểu tình trên đường phố nổ ra ở nhiều địa điểm khác nhau. Trước Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, các tấm biểu ngữ xuất hiện trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh, đề nghị chính quyền chấm dứt chính sách zero COVID và kêu gọi lãnh đạo Tập Cận Bình từ chức.

Vào cuối năm 2022, Trung Cộng bất ngờ dỡ bỏ các hạn chế phong tỏa, điều này cho thấy mức độ trầm trọng của đại dịch trong thời kỳ phong tỏa. Ngay lập tức, các bệnh viện trên khắp đất nước nước bị quá tải với những ca dương tính, còn nhà tang lễ thì ngập tràn tử thi.

Theo ông Trần, số ca nhiễm COVID-19, viêm phổi, và phổi trắng vẫn đang gia tăng trên toàn quốc. “Hiện tại, các bệnh viện đều chật kín người già và trẻ em, và hoạt động kinh doanh của bệnh viện vẫn đang trên đà phát triển rất tốt. Tình trạng này đặc biệt căng thẳng ở những bệnh viện có cơ sở vật chất tốt, nơi người dân bình thường thường không thể được nhập viện”.


Quân Đội Hoa Kỳ Hoàn Thành Đợt Thả Thực Phẩm Đầu Tiên Vào Nam Gaza

Hôm thứ Bảy (02/03), quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu thả các gói thực phẩm xuống Dải Gaza, vùng đất bị bao vây nơi các xe tải tiếp tế đã bị tràn đến cướp phá.

Một viên chức chính phủ cấp cao cho biết trong một cuộc họp báo vào sáng thứ Bảy (02/03) rằng, ba phi cơ chở hàng C-130 đã thả tổng cộng 66 pallet chứa khoảng 38,000 phần ăn xuống Gaza, trong đợt đầu tiên trong nhiều đợt viện trợ nhân đạo khẩn cấp sắp tới do chính phủ Hoa Kỳ viện trợ.

Theo viên chức này, các pallet đã được thả xuống phía tây nam của Dải Gaza, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Những địa điểm này đã được lựa chọn để bảo đảm càng nhiều người càng tốt tiếp cận với các gói viện trợ.

Lần thả hàng này có sự phối hợp với Jordan, quốc gia cũng đã tiến hành thả thực phẩm xuống Gaza.

Viên chức này cho biết,“Đây sẽ là một phần trong một nỗ lực liên tục với các đối tác quốc tế của chúng tôi nhằm tăng số lượng viện trợ cứu sinh mà chúng tôi có thể đến Gaza, làm dịu đi nỗi thống khổ của người Palestine vô tội không liên quan gì với Hamas”.

Viên chức này nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang xem xét các tuyến đường bộ, chúng tôi đang xem xét các tuyến đường biển, và chúng tôi đang xem xét các tuyến đường hàng không để tìm cơ hội cung cấp viện trợ”.

Khi được hỏi liệu hoạt động này có liên quan đến chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza hay không, vị viên chức cho biết điều này không liên quan gì đến những gì quân đội Israel đang làm, mà thay vào đó là một phản ứng trước những gì mà người dân Palestine rất cần.

Vị viên chức nói với các phóng viên rằng đợt thả hàng lần này không chỉ là một phần của tiến, mà đồng thời còn lên án những kẻ khủng bố Hamas vì đã tìm cách ngăn cản người dân Gaza nhận được hàng viện trợ cứu sinh.


Giữa Lúc Nông Dân Biểu Tình, EU Ban Hành Kế Hoạch Chống Biến Đổi Khí Hậu

Liên minh Âu Châu sắp phê chuẩn một kế hoạch lớn nhằm chống biến đổi khí hậu và cải thiện hoạt động bảo vệ thiên nhiên ở khối 27 quốc gia này, sau một loạt các cuộc biểu tình của nông dân và sự phản đối từ nhóm lớn nhất trong Nghị Viện.

Liên Minh Âu Châu

Theo một tuyên bố, tiền đề là 80% môi trường sống ở châu Âu đang ở tình trạng yếu kém, luật Phục hồi Thiên nhiên của EU quy định rằng các quốc gia thành viên EU phải khôi phục ít nhất 30% môi trường sống trong tình trạng yếu kém của họ vào năm 2030, 60% vào năm 2040, và 90% vào năm 2050.

Tuyên bố này cho biết: “Một khi đã đạt đến tình trạng tốt rồi thì các quốc gia EU sẽ phải bảo đảm khu vực đó không bị xuống cấp một cách đáng kể”.

Các mục tiêu chính của luật mới là khôi phục các hệ sinh thái bị suy thoái và bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, và tuân thủ các cam kết quốc tế của Liên minh, theo văn bản được thông qua của luật Phục hồi Thiên nhiên.

Luật phục hồi thiên nhiên mới này đã được Nghị viện Âu Châu thông qua hôm thứ Ba (27/02) với 329 phiếu thuận, 275 phiếu chống, và 24 nghị viên không tham gia bỏ phiếu.

Để có hiệu lực, luật này phải được Hội đồng Âu Châu, một cơ quan lập pháp khác của EU, thông qua.

Dự luật này yêu cầu các quốc gia thành viên EU cải thiện hai trong số ba chỉ số sau: chỉ số quần thể bướm đồng cỏ, trữ lượng carbon hữu cơ trong đất trồng trọt được đo bằng đơn vị tấn carbon trên một hecta, và tỷ lệ đất nông nghiệp được sử dụng có các đặc điểm cảnh quan có tính đa dạng cao.

Luật được thông qua này xem trữ lượng và mức hấp thu carbon tự nhiên là “căn bản để chống lại khủng hoảng khí hậu”.

Theo cơ quan môi trường EU, “Đất ở EU đang mất đi lượng carbon dưới dạng phát thải CO2, xu hướng này có thể cản trở tham vọng đạt được các mục tiêu về khí hậu của Liên minh Âu Châu nếu không được đảo ngược”.

Cơ quan này cho biết, một phần đáng kể lượng phát thải carbon từ đất là do canh tác và thoát nước trên đất. Tuy nhiên, theo cơ quan này, việc cô lập carbon trong đất nhiều hơn hoặc giảm lượng thất thoát có thể dẫn đến “những hậu quả tiêu cực đối với đa dạng sinh học và sản xuất lương thực”.

Bài liên quan:
  • Tác động của chính quyền “kiểu Trump” đối với Trung Quốc
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 22/12/2024. Năm 2024: Những biến cố gây bất ổn, những thách thức, đối đầu tại Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Về vấn đề kiểm soát vũ khí thông thường và chấm dứt chiến tranh Ukraine
    William Lippert
  • Trung Quốc cần một cách tiếp cận mới ở Syria
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những sự kiện làm thay đổi chiến lược an ninh Châu Âu!
    BS Nguyễn Trọng Việt