TIN THẾ GIỚI

Ukraina đánh chìm tàu tuần tiễu hiện đại nhất của Hải quân Nga gần Crimea

Thiết bị không người lái trên biển của Ukraine đã đánh chìm một tàu tuần tra của Hạm đội Biển Đen của Nga ngoài khơi Crimea, tình báo quân đội Ukraine nói hôm thứ Ba (5/3).

Tàu tuần tra thuộc Project 22160 của Nga (Ảnh minh họa)

Cơ quan tình báo cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng đơn vị đặc biệt Nhóm 13 của họ đã tấn công tàu tuần tra Sergey Kotov của Hạm đội Biển Đen của Nga gần eo biển Kerch.

Bị tấn công bằng thiết bị không người lái trên biển Magura V5, tàu Project 22160 Sergey Kotov của Nga đã bị hư hại ở phần đuôi tàu, mạn phải và mạn trái”, thông báo cho biết. Tin nhắn nói thêm rằng con tàu trị giá khoảng 65 triệu USD.

Người phát ngôn hải quân Dmytro Panchuk nói trên truyền hình: “Hiện con tàu này đang ở dưới đáy biển sau khi bị hư hại và bốc cháy do bị xuồng không người lái tấn công”, và nói thêm rằng có một máy bay trực thăng trên tàu.

Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, nói trên Telegram hôm thứ Ba rằng “Hạm đội Biển Đen của Nga là biểu tượng của sự xâm chiếm. Nó không được phép có mặt ở Crimea của Ukraine”, rõ ràng ám chỉ đến vụ tấn công.

Kênh Telegram của một quan chức do Nga bổ nhiệm ở Crimea cho biết giao thông đường sắt đã tạm thời bị dừng trên cây cầu nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Giao thông đường cao tốc cũng bị đình chỉ trong vài giờ trước khi mở cửa trở lại ngay trước 7 giờ GMT, theo kênh Telegram của chính quyền do Nga quản lý cây cầu.

Reuters không thể xác minh các báo cáo. Bộ Quốc phòng Nga chưa trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Quân đội Ukraine hồi tháng trước cho biết họ đã phá hủy một tàu chiến đổ bộ của Nga gần Crimea trong một chiến dịch sử dụng thiết bị không người lái của hải quân, chọc thủng mạn trái của tàu và khiến tàu bị chìm.

Cũng cùng ngày, chính quyền Kiev cho biết một kho dầu của Nga thuộc tỉnh biên giới Belgorod đã bị tấn công. Theo một nguồn tin quân sự Ukraina, lực lượng tấn công cũng thuộc cơ quan tình báo quân sự GUR, và địa điểm bị tấn công nắm cách thủ phủ tỉnh Belgorod khoảng 90 cây số về phía bắc. Tại tỉnh Koursk, giáp biên giới với Ukraina, một ga tàu hỏa cũng ‘‘bị Ukraina oanh kích’’, theo thông báo của tỉnh trưởng.


TT Pháp vẫn không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân hỗ trợ Ukraina (RFI)

Hôm 05/03/2024, trong chuyến thăm Praha, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định ông không thay đổi quan điểm về việc phương Tây có thể đưa quân hỗ trợ Ukraina trong trường hợp cần thiết, quan điểm đưa ra hôm 26/02 vốn gây nhiều phản đối trong nội bộ các đồng minh của Ukraina.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Trong cuộc họp báo chung với nguyên thủ quốc gia Cộng Hòa Séc Petr Pavel, tổng thống Pháp nhấn mạnh ông đưa ra phát biểu gây sốc này nhằm chống lại ‘‘tâm lý chủ bại đang rình rập’’, khi các đồng minh của Ukraina ‘‘hàng ngày giải thích về các giới hạn trong lúc tổng thống Nga không từ một thủ đoạn nào’’. Cần lấy lại thế chủ động trong cuộc đối đầu với Nga, đó là thông điệp chủ yếu của nguyên thủ Pháp.

Thông tín viên Charlotte Urien-Tomaka tường trình từ Praha:     

Đối với bộ trưởng Quốc Phòng Đức, ‘‘những lời lẽ của ông Emmanuel Macron sẽ không giúp gì cho việc giải quyết tình hình tại Ukraina’’. Tuy nhiên, nếu như tổng thống Pháp từ Praha kêu gọi các đồng minh của Ukraina không ‘‘chùn bước’’ trước Nga, thì kết thúc chuyến đi, chính ông Macron cũng đã giải thích rõ là các phát biểu của ông không nhắm riêng nước Đức, mà hướng đến tất cả. 

Theo tổng thống Pháp, cho dù với một số quốc gia, có những giới hạn trong Hiến pháp có thể cản trở việc đưa quân đến Ukraina, nhưng những giới hạn này ‘‘không được cản trở hành động.’’ Tổng thống Macron tái khẳng định quan điểm được đưa ra hồi tuần trước về khả năng châu Âu đưa quân đến Ukraina, đã gây nhiều phản đối. 

Tổng thống giải thích rằng trước đó ông đã nêu khả năng này với lãnh đạo Ukraina Volodymyr Zelensky. ‘‘Gánh chịu các thất bại trên thực địa’’, đó là ‘‘điều có nguy cơ xảy ra’’, ‘‘nếu như chúng ta vẫn tiếp tục thụ động như từ hai năm nay’’.

Tổng thống Macron nhấn mạnh: ‘‘Cần phải lấy lại thế chủ động, nếu như chúng ta muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh có ý nghĩa chiến lược này’’. Nguyên thủ quốc gia Pháp – dự kiến sẽ công du Ukraina vào giữa tháng này – dường như ngày càng muốn khẳng định vai trò lãnh đạo của Paris trong các nỗ lực hậu thuẫn Kiev và trong cuộc đối đầu với Nga. 

Theo AFP, trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thống Cộng Hòa Séc đã ủng hộ nguyên thủ quốc gia Pháp khi khẳng định ‘‘đồng tình với việc tìm kiếm các biện pháp mới, bao gồm thảo luận về việc đưa quân đến Ukraina’’, cho dù không nêu khả năng triển khai ‘‘các lực lượng tác chiến.’’ Về điểm này, ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné tối hôm qua, trên kênh LCI, nhấn mạnh quan điểm của tổng thống Macron: ‘‘làm cho Nga thất bại trong cuộc chiến này, nhưng không tham chiến trực tiếp chống Nga’’.

Ngược lại, nước Mỹ giữ khoảng cách với lập trường của tổng thống Pháp. Hôm qua, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby khẳng định, Mỹ ‘‘sẽ không đưa quân đến Ukraina’’, và tổng thống Ukraina cũng ‘‘chưa từng yêu cầu các lực lượng nước ngoài đến chiến đấu vì Ukraina’’. 

Hôm nay, các ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng đồng minh của Ukraina họp trực tuyến để bàn về các hỗ trợ quân sự cho Ukraina. Kế hoạch mua gần một triệu đạn pháo ngoài châu Âu cho Ukraina, với khoảng 1,5 tỉ euro, theo sáng kiến của CH Séc, là một trọng tâm của cuộc họp. Pháp đồng ý về nguyên tắc, nhưng chưa công bố mức đóng góp. 


Gaza: Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi Hamas chấp nhận ngưng bắn (RFI)

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua, 05/03/2024, đã kêu gọi tổ chức Hamas chấp nhận thỏa thuận ngưng bắn ở Gaza nhân tháng Ramadan của người Hồi Giáo, trong bối cảnh nhóm chiến binh Palestine cảnh báo những cuộc đàm phán về ngừng bắn và thả con tin không thể kéo dài “vô thời hạn”.

Dân Palestine chờ thức ăn ở Gaza

Theo AFP, khi đề cập đến thỏa thuận ngưng bắn, chủ nhân Nhà Trắng cho biết Israel tỏ vẻ “sẵn sàng hợp tác” và mọi chuyện “hoàn toàn phụ thuộc vào Hamas”. Ông Biden cũng nhận định tình hình sẽ trở nên “rất nguy hiểm” ở Israel, đặc biệt là ở Jerusalem, nếu chiến sự vẫn tiếp diễn trong tháng Ramadan.

Từ bốn ngày qua, phái đoàn của Hamas và Hoa Kỳ đã gặp các nhà trung gian hòa giải Qatar và Ai Cập ở Cairo để đàm phán về ngừng bắn 6 tuần, phóng thích hàng chục con tin mà Hamas đang cầm giữ đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine và duy trì dòng viện trợ tới Gaza. Al-Qahera News, hãng truyền thông thân cận với cơ quan tình báo Ai Cập, cho biết hôm nay các cuộc đàm phán sẽ tiếp diễn.

Về phần mình, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc về tình trạng nhân đạo ở Gaza”, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo có rất nhiều trẻ em chết đói tại hai bệnh viện ở phía bắc Gaza.

Tại hội nghị thượng đỉnh Úc-ASEAN ở Melbourne, lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á và Úc hôm nay, 06/03, cũng kêu gọi ngưng bắn “ngay lập tức và lâu dài” ở Gaza, đồng thời mô tả tình hình nhân đạo trên lãnh thổ Palestine là “thảm họa”.


Kinh tế Trung Cộng trước thách thức khôi phục niềm tin (RFI)

Kỳ họp thường niên của Quốc Hội Trung Cộng khai mạc ngày 04/03/2024, đang được dư luận quốc tế rất chú ý theo dõi, đặc biệt là bài diễn văn của thủ tướng Lý Cường về mục tiêu tăng trưởng của cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới.

Trong báo cáo, rất được mong đợi, trong phiên khai mạc Quốc Hội ngày hôm qua, thủ tướng Lý Cường chỉ thông báo mục tiêu tăng trưởng 5% cùng với một vài biện pháp hỗ trợ hoạt động kinh tế. Mục tiêu này được giới quan sát đánh giá là khá thận trọng, so với mức 5,2% của năm trước.

Đằng sau những con số mang tính vĩ mô là thách thức không nhỏ khôi phục lại lòng tin ở trong và ngoài nước trong bối cảnh kinh tế Trung Cộng đang có xu hướng trượt dốc, bị suy yếu vì khủng hoảng bất động sản chưa từng có và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng kỷ lục.

Sau 3 năm hạn chế chống Covid, sự phục hồi của Trung Cộng chưa mạnh mẽ như mong đợi, gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước. Suy thoái toàn cầu cũng đang đè nặng lên nhu cầu đối với các sản phẩm của Trung Cộng. Hoạt động sản xuất giảm tháng thứ năm liên tiếp tính đến tháng 2, theo số liệu chính thức được công bố hôm thứ Sáu tuần trước.

Chính phủ Trung Cộng có lý do để thận trọng đề ra chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn so với năm trước. Trước hết, những biện pháp mạnh khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã tỏ ra không có hiệu quả. Những quyết định bơm tiền, giảm lãi suất không đủ để vực dậy tăng trưởng. Trong năm qua, Bắc Kinh đã thông báo một loạt biện pháp nhắm vào mục tiêu cụ thể, cũng như phát hành trái phiếu mới để kích thích chi tiêu vào hạ tầng cơ sở và phục hồi hoạt động kinh tế. Nhưng rõ ràng là cho đến giờ kết quả của những biện pháp đó còn rất khiêm tốn và không đủ để lấy lại lòng tin trong nước.

Với nước ngoài, theo ông Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á ( Asia Society Policy Institute ) nhận định trên nhật báo La Croix: Chính cách hành xử hung hăng theo kiểu áp chế của Trung Cộng trong quan hệ thương mại, cộng thêm cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt với Hoa Kỳ đã thúc đẩy nhiều công ty Hàn Quốc và Mỹ chuyển cơ sở sản xuất ở Trung Cộng sang các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Indonesia hay Ấn Độ. Tuy nhiên, bù lại, nhiều nước phương Tây, chủ yếu là châu Âu, dù muốn tự chủ hay đa dạng hóa nguồn cung ứng, vẫn tiếp tục tìm đến Trung Cộng trong bối cảnh thị trường Nga bị mất do cuộc chiến tại Ukraina.

Về mặt chính thức, Bắc Kinh luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng theo giới quan sát, trên thực tế, nhất là từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền từ năm 2013, chính quyền đã tìm cách ngầm ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài bằng các hạn chế hành chính, mục đích để các doanh nghiệp trong nước kiểm soát thị trường. Hệ quả là đầu tư nước ngoài vào Trung Cộng trong năm 2023 chỉ đạt 33 tỷ đô la, mức thấp nhất từ 30 năm nay.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Louis d’Arvieu, lãnh đạo Amiral Gestion, công ty tư vấn độc lập về quản lý tài chính, « trong ngắn hạn, tình hình kinh tế Trung Cộng không đến mức thê thảm », vẫn có một số tín hiệu tích cực. Tình hình tài chính trong nước vẫn ổn định, tiền tiết kiệm của các hộ gia đình dồi dào. Lĩnh vực bất động sản đang gặp khủng hoảng, nhưng khả năng sụp đổ khó có thể xảy ra, nên hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ vẫn ở mức hạn chế.

Trung Cộng vẫn là công xưởng của thế giới, ngay cả khi các nước phương Tây mong muốn đa dạng hóa nguồn cung của họ. Quy mô, cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động và trên hết là sự tồn tại của các doanh nghiệp lớn trong nước tiếp tục là tiềm lực đáng kể của nền kinh tế Trung Cộng. Vấn đề còn lại là, theo phần đông các chuyên gia về Trung Cộng, mô hình kinh tế này cần phải thay đổi cho phù hợp với những biến động bất ổn trên thế giới,


Ông Trump, Biden thống trị các cuộc tranh cử Siêu Thứ Ba, tiến dần tới trận tái đấu (Tổng hợp).

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử sơ bộ đảng tại các tiểu bang trên khắp nước Mỹ ngày Siêu thứ Ba, chuẩn bị tiến vào một trận tái đấu lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11, bất chấp mức độ tán thành thấp của cử tri trong các cuộc thăm dò dành cho cả hai ứng cử viên.

Ông Trump đã giành được phiếu bầu của Đảng Cộng hòa ở 14 trong số 15 bang, bao gồm cả các bang nhiều đại biểu là California và Texas, bỏ xa cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, đối thủ cuối cùng còn lại của ông. Sự xuất hiện vượt trội của ông Trump trong “Siêu Thứ Ba” có nghĩa là ông gần như đã giành được đề cử tổng tổng của đảng lần thứ ba liên tiếp.

Chiến thắng duy nhất trong đêm của bà Haley là ở bang Vermont.

Nhà tỷ phú có mặt tại dinh thự Mar-a-Largo, bang Florida, đã mừng chiến thắng với những người ủng hộ, và ca ngợi “một buổi tối tuyệt vời, một ngày tuyệt vời”, và không một lần đề cập đến đối thủ Nikki Haley. Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đang muốn đóng vai trò là ứng cử viên có thể khôi phục “sự bình thường” trước “sự hỗn loạn của Trump”. Nhưng hầu hết cử tri đảng Cộng Hòa đều phớt lờ những lời kêu gọi của bà.

Ông Biden cũng giành chiến thắng áp đảo bên Ðảng Dân chủ, bất chấp một làn sóng phản đối ở Minnesota và sáu bang khác do các nhà hoạt động tổ chức phản đối việc ông mạnh mẽ ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas đã thu được kết quả cao bất ngờ.

Tuy nhiên, ông Biden đã thắng ở bang Minnesota và 14 bang khác, bao gồm cả cuộc bỏ phiếu qua thư ở bang Iowa đã kết thúc vào thứ Ba. Nhưng ông đã phải chịu một thất bại, tại lãnh thổ Samoa, nơi doanh nhân Jason Palmer đã giành được 51 phiếu bầu so với 40 phiếu của ông Biden, theo Đảng Dân chủ Samoa.

Các cuộc thăm dò ý kiến của Edison ở bang California, North Carolina và Virginia cho thấy nhập cư và nền kinh tế đang là mối lo ngại hàng đầu đối với cử tri Đảng Cộng hòa.

Đa số cử tri Đảng Cộng hòa ở các bang này cho biết họ ủng hộ việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp. Ông Trump, người thường xuyên gièm pha những người nhập cư bất hợp pháp, đã hứa sẽ thực hiện nỗ lực trục xuất lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ nếu đắc cử.

Ngoài ra, cuộc thăm dò ý kiến của cử tri Mỹ về hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden, trước ngày bầu cử sơ bộ “Siêu Thứ Ba”, của một số cơ quan truyền thông dòng chính đều cho thấy ông Trump dẫn trước ông Biden. CBS News ngày 3/3: ông Trump hơn Biden 4 điểm 52-48; báo New York Times ngày 2/3: ông Trump hơn Biden 5 điểm 48-43.


Philippines triệu tập nhà ngoại giao Trung Cộng vì hành động ‘hung hăng’ ở Biển Đông (VOA).

Philippines đã triệu tập phó đại sứ Trung Cộng tại Manila hôm thứ Ba để phản đối điều mà họ gọi là “hành động hung hăng” của lực lượng hải quân Trung Cộng chống lại nhóm tiếp tế cho quân đội Philippines đóng trên bãi cạn ở Biển Đông.

Lực lượng đặc nhiệm Biển Đông của Manila cho biết các tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ thường lệ tới Bãi Cỏ Mây đã bị các tàu dân quân hàng hải và lực lượng hải cảnh Trung Cộng “quấy rối (và) ngăn chặn” hôm thứ Ba (5/3).

Lực lượng đặc nhiệm cho biết các tàu tuần duyên Trung Cộng đã bắn vòi rồng, làm vỡ kính chắn gió của một trong các tàu tiếp tế và khiến ít nhất 4 thuyền viên bị thương nhẹ.

Tàu tuần duyên TC đã áp sát trên đường đi của tàu Phi gây va chạm nguy hiểm. Ảnh được cung cấp bởi hải quân Phi

Người phát ngôn của lực lượng tuần duyên Manila nói những hành động “liều lĩnh” và “phi pháp” của Trung Cộng cũng dẫn đến vụ va chạm giữa một tàu Trung Cộng và Philippines, khiến tàu này bị hư hại nhẹ về cấu trúc.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ đã triệu tập nhà ngoại giao Trung Cộng hôm thứ Ba để bày tỏ sự phản đối và yêu cầu các tàu Trung Cộng ngay lập tức rời khỏi khu vực Bãi Cỏ Mây mà Manila gọi là Ayungin.

“Sự can thiệp của Trung Cộng vào các hoạt động thường lệ và hợp pháp của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này là không thể chấp nhận được”, Bộ này nói trong một tuyên bố. “Những hành động của Trung Cộng ở bãi cạn Ayungin vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines”.

Trung Cộng đổ lỗi cho Manila, cho rằng tàu Philippines đã xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển tiếp giáp với Bãi Cỏ Mây – mà nước này gọi là Rạn Nhân Ái – nên nước này phải thực hiện các biện pháp kiểm soát.

Hành động của Trung Cộng cũng bị Mỹ, đồng minh hiệp ước quốc phòng của Philippines, lên án.

Mỹ sát cánh cùng Philippines và những người ủng hộ luật pháp quốc tế để ủng hộ #FreeAndOpenIndoPacific [Ấn Độ Dương Thái Bình Dương tự do và rộng mở]”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Manila MaryKay Carlson nói trên nền tảng truyền thông xã hội X.

Bãi cạn này là nơi đồn trú của một số ít binh sĩ Philippines đóng trên một tàu chiến rỉ sét mà Manila đã neo đậu ở đó vào năm 1999 để củng cố các yêu sách chủ quyền.

Trung Cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả Bãi Cỏ Mây, và đã triển khai tàu để tuần tra đảo san hô đang tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Vụ việc hôm thứ Ba là vụ mới nhất trong một loạt vụ va chạm hàng hải giữa Philippines và Trung Cộng, vốn đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực cho rằng các yêu sách của Trung Cộng không có giá trị nền tảng pháp lý. Bắc Kinh bác bỏ phán quyết đó.

Lực lượng đặc nhiệm Philippines nói “những hành động cưỡng ép và nguy hiểm” của Bắc Kinh “đặt câu hỏi về sự chân thành trong lời kêu gọi đối thoại hòa bình và giảm bớt căng thẳng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng Mao Ninh nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng hoạt động này là “chuyên nghiệp và có chừng mực, hợp lý và hợp pháp”.

“Trung Cộng một lần nữa kêu gọi phía Philippines chấm dứt các hành vi vi phạm và khiêu khích hàng hải, đồng thời kiềm chế thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp tình hình hàng hải”, bà Mao nói.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr nói tại một diễn đàn ở Australia hôm thứ Hai rằng đất nước ông sẽ hợp tác trong các cuộc đàm phán với Trung Cộng nhưng sẽ phản kháng khi chủ quyền và quyền hàng hải của mình bị phớt lờ.

Khác với lập trường thân Trung Cộng của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, ông Marcos cáo buộc Bắc Kinh gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bao gồm việc sử dụng vòi rồng, tia laser “cấp độ quân sự” và các chiến thuật va chạm để xua đuổi tàu Philippines.

Lực lượng đặc nhiệm Philippines nói: “Hòa bình và ổn định không thể đạt được nếu không quan tâm đúng mức đến các quyền hợp pháp, đã có từ trước tới nay và được công nhận của người khác”.


Biển Đông: Mỹ yêu cầu Trung Cộng chấm dứt ‘‘khiêu khích’’ Tuần duyên Philippines (RFI)

Hôm qua, 05/03/2024, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra thông cáo lên án ‘‘hành động khiêu khích’’ của Trung Cộng nhắm vào hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines tại Biển Đông. Thông cáo được đưa ra ngay sau vụ tàu Hải cảnh Trung Cộng va chạm với tàu Tuần duyên Philippines đang tiếp tế cho đơn vị đồn trú tại Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa, khiến 4 người bị thương. Về phần mình, Trung Cộng cáo buộc Mỹ dùng Philippines làm ‘‘con bài’’ gây bất ổn ở Biển Đông.

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh đòi hỏi chủ quyền của Trung Cộng đối với vùng biển xung quanh Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là bất hợp pháp, bởi khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Washington kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tháng 7/2016, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Cộng tại khu vực này, và ‘‘chấm dứt các hành vi nguy hiểm và gây bất ổn’’.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tái khẳng định ‘‘sát cánh với đồng minh Philippines’’ và nhấn mạnh, theo Hiệp định phòng thủ chung Mỹ-Philippines ký kết năm 1951, ‘‘mọi hành động tấn công vào các lực lượng vũ trang, tàu thuyền của cơ quan công lực, hoặc phi cơ Philippines – bao gồm cả lực lượng Tuần duyên của nước này – ở bất kỳ nơi đâu trên Biển Đông’’ cũng được coi như là tấn công nước Mỹ.

Trung Cộng tuyên bố sẽ không nhân nhượng

Về phía Trung Cộng, trong một cuộc họp báo hôm nay, 06/03, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mao Ninh (Mao Ning) ‘‘khuyến cáo Hoa Kỳ không sử dụng Philippines như một con bài nhằm gây bất ổn tại Biển Đông’’. Bà Mao Ninh cũng kêu gọi Philippines không để bị Hoa Kỳ ‘‘thao túng.’’

Theo AFP, lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam Á và Úc tại hội nghị ở Melbourne, Úc, hôm nay cũng lên tiếng tố cáo các hành động ‘‘đe dọa hòa bình’’ ở Biển Đông, ‘‘nơi các hành động ngày càng hung hãn của Bắc Kinh gây lo ngại’’. Khối ASEAN và Úc ra thông cáo chung ‘‘kêu gọi tất cả các nước tránh mọi hành động đơn phương đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.’’


Trung Cộng tăng ngân sách quân sự hơn 7%, cứng rắn hơn với Đài Loan (RFI)

Thủ tướng Trung Cộng Lý Cường (Li Qiang) thông báo Bắc Kinh sẽ giữ mức tăng ngân sách quân sự 7,2% trong năm nay, tương tự như năm 2023. Thông báo được đưa ra trong bản báo cáo của người đứng đầu chính phủ Trung Cộng tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc Hội hôm 05/03/2024. Bắc Kinh cũng tỏ ra cứng rắn hơn với Đài Bắc : Mục tiêu thống nhất ‘‘hòa bình’’ đã không được nhắc đến.

Theo báo cáo của chính phủ Trung Cộng, Bắc Kinh dự kiến sẽ dành 1,6% GDP cho quân đội, tức là hơn 1.600 tỉ nhân dân tệ, tương đương với hơn 230 tỉ đô la. Ông Lâu Cần Kiệm (Lou Qinjian), phát ngôn viên của kỳ họp Quốc Hội 2024, khẳng định mục tiêu của ‘‘việc duy trì mức tăng hợp lý’’ này là ‘‘để bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển quốc gia’’.

Dữ liệu về ngân sách quân sự của Trung Cộng, hiện đứng thứ hai thế giới, bằng gần một phần ba của Hoa Kỳ, được Washington và các nước láng giềng của Trung Cộng theo dõi sát. Trả lời AFP, ông James Char, chuyên gia về quân đội Trung Cộng tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, lưu ý trong năm ngoái, Trung Cộng ‘‘đã gia tăng đáng kể số lượng đầu đạn hạt nhân.’ Theo chuyên gia này, nếu như trong hiện tại, ‘‘thực lực của quân đội Trung Cộng khó lòng cho phép Bắc Kinh trực tiếp đụng độ với Mỹ, hay tấn công Đài Loan, điều đặc biệt đáng lo ngại là các tranh chấp với quân đội các nước khác trong khu vực có thể vượt tầm kiểm soát, khiến xung đột bùng phát’’.

Về Đài Loan, báo cáo của chính phủ Trung Cộng khẳng định mục tiêu tái thống nhất, đi kèm với thái độ ‘‘kiên quyết’’Tuy đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh không nhắc đến mục tiêu thống nhất ‘‘hòa bình’’ với Đài Loan, lập trường này được giới quan sát xem như là một chỉ dấu cho thấy Trung Cộng sẽ cứng rắn hơn với hòn đảo mà Bắc Kinh coi là vùng lãnh thổ ly khai, cần phải thu hồi.

Tăng trưởng 5%, mức thấp nhất từ nhiều thập niên

Tại cuộc họp Quốc Hội, chính phủ Trung Cộng cũng chính thức thông báo mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Tuy nhiên, đạt được tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất từ nhiều thập niên này cũng không phải là điều dễ dàng.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

Ba nghìn đại biểu tham dự cuộc họp Quốc Hội tại Đại Sảnh đường Nhân Dân vỗ tay theo nhịp đón mừng chủ tịch Trung Cộng và phái đoàn ủy viên trung ương Đảng. Không khí chào đón tưng bừng tương phản với trận tuyết xám đang rớt xuống quảng trường Thiên An Môn bên ngoài. 

Như thường lệ, thủ tướng Lý Cường lên diễn đàn trình bày báo cáo của chính phủ, với tỉ lệ tăng trưởng dự kiến 5%, mức thấp nhất kể từ nhiều thập niên nay. Tuy nhiên, đây đã là mục tiêu ở mức cao, trong lúc chúng ta biết không phải tất cả chỉ tiêu đề ra năm ngoái đều đã được thực hiện.

Thủ tướng Trung Cộng thừa nhận các khó khăn trong thời điểm hiện tại, trước khi thông báo các biện pháp nhằm khuyến khích các tài năng trong lĩnh vực công nghệ cao, dỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư và kích thích các nhu cầu trong nước. Ông Lý Cường nói : ‘‘Cần phải thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ một cách ổn định với các biện pháp vĩ mô, như tăng thu nhập, xác lập các chiến lược cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu khách hàng, và giảm bớt các giới hạn nhằm thúc đẩy tiềm năng tiêu thụ. Có những lĩnh vực mới có thể tăng trưởng, như ‘‘ngôi nhà thông minh’, giải trí, du lịch, thể thao, hàng nội’’.

Tận dụng các năng lực cách tân, hàng nội, đặc biệt là ô tô điện, để chấn hưng nền kinh tế thứ hai thế giới. Thủ tướng Trung Cộng được trông đợi sẽ đưa ra nhiều biện pháp để vực dậy nền kinh tế đang rơi vào tình trạng ảm đạm, với cuộc khủng hoảng địa ốc, thất nghiệp gia tăng trong giới trẻ, xuất khẩu sụt giảm, lạm phát… Các biện pháp trên dường như là không đủ, căn cứ theo các phản ứng của thị trường chứng khoán ở Hồng Kông và Hoa lục.


Thượng đỉnh ASEAN- Australia sẽ nêu lên “mối nguy đe dọa sử dụng vũ lực” trong khu vực (RFA)

Lãnh đạo các chính phủ thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia vào ngày thứ hai bắt đầu hội nghị cấp cao ba ngày tại Melbourne.

Theo dự thảo Thông cáo chung của sự kiện này mà AFP đọc được thì các nước tham gia sẽ nỗ lực hành động vì một khu vực nơi mà những khác biệt được giải quyết thông qua đối thoại, tôn trọng lẫn nhau chứ không phải đe dọa sử dụng vũ lực.

Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Penny Wong nêu rõ các nước phải có trách nhiệm chung gìn giữ cho khu vực được hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Hiện khu vực đang đối mặt với bất ổn và những hành vi kích động, cưỡng bức; trong đó có ứng xử không an toàn trên biển, trên không, cũng như quân sự hóa các thực thể tranh chấp.

Vấn đề Trung Cộng ngày càng hung hăng tại Biển Đông được cho biết là một chủ đề lớn của hội nghị.

Tranh chấp lãnh hải tại khu vực Biển Đông, nơi có tuyến đường biển quan trọng, đã gia tăng trong những tháng gần đây khi mà Trung Cộng xâm phạm những khu vực có tuyên bố chủ quyền của các thành viên ASEAN như Philippines, Việt Nam.

Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, dẫn đầu phái đoàn tham dự hội nghị cấp cao ASEAN- Australia kỳ này.


TIN VIỆT NAM

Hai Nhóm Người Thượng bị csVN xếp vào “tổ chức khủng bố”.

Trong một thông báo ngày 6/3, Bộ Công an Việt Nam đã gọi Nhóm Hỗ trợ người Thượng (MSGI) có trụ sở chính tại Bắc Carolina và nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ) được thành lập tại Thái Lan là “hai tổ chức khủng bố”.

Cơ quan công an Việt Nam cáo buộc hai nhóm chính trị hoạt động tại Mỹ này đã dàn xếp các vụ tấn công và thúc đẩy một chiến dịch ly khai.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và hai nhóm này hiện vẫn chưa phản ứng các yêu cầu bình luận của Reuters.

Bộ Công an Việt Nam cáo buộc hai nhóm này đã lên kế hoạch tấn công vào trụ sở UBND 2 xã ở Đắk Lắk vào tháng 6/2023 khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 6 cán bộ, 3 người dân; đốt phá tài sản gây thiệt hại ước tính 2,5 tỷ đồng.

Người Thượng ở Tây Nguyên chạy trốn khỏi Việt Nam vì đàn áp tôn giáo. Nguồn: RFA

Cuối tháng 1/2024, gần 100 người đã bị đưa ra xét xử sơ thẩm với các tội danh: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Khủng bố; Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Che giấu tội phạm.

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 16/6/2023 về vụ việc, Mục sư A Ga, một người Tây Nguyên hiện đang tỵ nạn tại Mỹ, nói rằng mầm mống bất ổn đã tồn tại từ lâu giữa người đồng bào miền núi với chính quyền và người Kinh.

Lúc nào họ cũng nói chúng tôi là phản động, là thành viên của Fulro, hoặc là làm tay sai cho Mỹ, bị Mỹ giật dây.

Ngay cả khi vụ việc hai trụ sở công an ở Đắk Lắk bị tấn công, kênh An ninh TV cũng ngay lập tức đưa tin rằng Hội thánh Tin lành Đấng Christ của chúng tôi là có ‘âm mưu’, kích động, trong khi không đưa ra bằng chứng nào,” Mục sư A Ga nói.

Theo một bài viết trên VnExpress vào tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nói về vụ tấn công ở Đắk Lắk:

Nguyên nhân sâu xa, cội nguồn của vụ việc vẫn là những vấn đề kinh tế xã hội của đồng bào trong vùng; phân hóa giàu nghèo; quản lý đất đai; xây dựng hệ thống chính trị và cuối cùng là một số nội dung khác về quản lý an ninh trật tự ở cơ sở.”

Phiên tòa xét xử những người bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công vào tháng 6 năm 2023 tại Đắk Lắk

Trong một bài trả lời phỏng vấn VOA ngày 1/12/2023, ông Y Quynh Bdap, thành viên sáng lập MSFJ, nói rằng ông bị “vu khống” và bị gán tội “khủng bố”. Ông nói nhóm của ông hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo và đòi nhân quyền cho người Thượng bản địa tại Việt Nam một cách ôn hòa.

Ông Bdap, 31 tuổi, tỵ nạn tại Thái Lan từ năm 2018. Hiện ông đang bị chính quyền Việt Nam truy nã đặc biệt trong vụ bạo động ở Đắk Lắk.

Vụ việc này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng tị nạn – hàng trăm người Thượng vượt biên trái phép sang Thái Lan và Campuchia.

Nhiều tổ chức quốc tế sau đó cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách Các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt về tôn giáo.

Chính quyền Việt Nam hiện tại đã liệt hàng loạt tổ chức tuyên thệ trung trành với chính quyền miền Nam Việt Nam, hệ thống chính quyền đã không còn tồn tại sau chiến thắng của lực lượng Cộng sản từ miền Bắc Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam năm 1975, là các “nhóm khủng bố”. (BBC)


HRW: Việt Nam vừa tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ, vừa mở đợt đàn áp mới

Việt Nam ra tay bắt giữ ba người có tiếng nói chỉ trích được nhiều người biết đến trong nước, chỉ ít ngày sau khi Hà Nội công khai ý định muốn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc khóa mới 2026-2028.

Hai người bị bắt vào ngày 29/2 gồm ông Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình; một người bị bắt vào ngày 1/3 là ông Hoàng Việt Khánh.

Ông Nguyễn Chí Tuyến (thường được gọi là Anh Chí), 49 tuổi, cư trú tại Hà Nội, là một nhà vận động nhân quyền sử dụng mạng xã hội, trong đó có YouTube và Facebook. Ông Nguyễn Chí Tuyến cũng là một sáng lập viên của No-U FC (Câu lạc bộ Bóng đá chống Đường Lưỡi bò), từng góp phần tổ chức và tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm phạm chủ quyền và các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường. 

Ông Nguyễn Vũ Bình, 55 tuổi, cư trú tại Hà Nội là một cựu tù nhân chính trị, từng là đảng viên và làm việc cho Tạp chí Cộng Sản. Năm 2000, ông đã tìm cách thành lập một chính đảng độc lập tại Việt Nam, sau đó bị bắt giam từ năm 2003 đến 2007. Sau khi ra tù, nhà hoạt động này tiếp tục vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã hai lần được trao giải thưởng Hellmann/Hammett, dành cho những người cầm bút là nạn nhân của đàn áp chính trị. 

Tổ chức Giám Sát Nhân quyền (Human Rights Watch) ngày 5/3 ra thông cáo như vừa nêu, và lập lại kêu gọi Việt Nam hãy chấm dứt đàn áp đối với giới bloggers, những người vận động cho quyền con người, các nhà hoạt động xã hội; cũng như trả tự do ngay cho những người đang bị giam giữ chỉ vì thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản.

Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW Phil Robertson nêu rõ trong thông cáo rằng: “Chính phủ Việt Nam thích khoa trương về việc tôn trọng nhân quyền khi tìm kiếm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ; mặc dù thực tế họ hành xử tàn độc đối với những người cổ xúy cho quyền con người vào lúc các quốc gia tài trợ và những đối tác thương mại hầu như không làm gì để thúc ép họ trước những vi phạm như thế”.

HRW thống kê hiện có ít nhất 163 tù chính trị tại Việt Nam. Chỉ riêng trong hai tháng đầu năm 2024, ba nhà hoạt động Danh Minh Quang, Nay Y Blang và Phan Văn Lộc phải chịu kết tội với án tù từ 3 năm 6 tháng đến 7 năm tù.

Có ít nhất 27 người khác đang bị giam theo những cáo buộc mang động cơ chính trị và phải chờ ngày ra tòa. (RFA)


Nhà hoạt động Huỳnh Trương Ca mãn hạn tù: Muốn có nhân quyền phải đấu tranh!

Nhà hoạt động Huỳnh Trương Ca mãn hạn tù và trở về nhà vào ngày 04/3, ông nói người dân phải đứng lên đấu tranh cho các quyền của mình.

Ông Ca bị bắt ngày 04/9/2018 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự sau khi tham gia cuộc biểu tình phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trong phiên toà vào cuối năm đó, ông bị toà án tỉnh Đồng Tháp kết án 5 năm 6 tháng tù và ba năm quản chế.

Do vậy, thay vì được về thẳng nhà trong ngày thứ Hai, ông lại bị cán bộ trại giam đưa về Uỷ ban Nhân dân thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự để bàn giao cho chính quyền địa phương. Vài tiếng sau ông mới được đưa về nhà.

Ông Huỳnh Trương Ca

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 05/3:

Tôi không chống ai hết mà tôi chỉ muốn đòi quyền con người và muốn đất nước có dân chủ. Khi tôi livestream, tôi kêu gọi mọi người cùng biểu tình để phản đối Dự luật Đặc khu Kinh tế.”

Ông Ca là thành viên của nhóm Hiến Pháp, một nhóm bạn hữu cổ suý việc thực hành quyền công dân và quyền con người ghi trong Hiến pháp Việt Nam 2013.

Bên cạnh việc tham gia biểu tình vào ngày 10/6/2018 phản đối hai dự luật đang được bàn thảo ở Quốc hội, ông còn làm nhiều chương trình phát trực tiếp trên mạng xã hội để nêu lên hậu quả đến an ninh quốc gia, quyền con người nếu dự luật được thông qua thành luật.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, từ ngày 23/3 ngày 19/8/2018, ông Huỳnh Trương Ca đã thực hiện 40 buổi livestream (phát trực tiếp) trên Facebook cá nhân “Thằng Nhà Quê,” trong đó có 18 đoạn video bị cho là có “nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, chống lại Nhà nước.”

Ông Ca cho biết cuộc sống ở Trại tạm giam của Công an tỉnh Đồng Tháp trước khi ra tòa sơ thẩm vô cùng hà khắc, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ông mô tả thức ăn “thua cả cho chó mèo” và phòng giam chật hẹp.

Ông không thuê luật sư bào chữa trong phiên tòa sơ thẩm vì mất niềm tin tin vào nền tư pháp Việt Nam. Ông nói về quyết định này:

Đầu tiên là tôi tính mướn luật sư nhưng mà tôi thấy ở Việt Nam đã xảy ra rất nhiều vụ án chính trị thì luật sư không giải quyết được gì hết, giống như là để trang trí thôi. Chính vì thế mà tôi không thuê luật sư. Tôi muốn gửi một thông điệp: Tôi không tin vào nền tư pháp của họ.”

Trong phiên toà, ông cũng không tự biện hộ bởi vì “tất cả là án bỏ túi.”

Trong thời gian thi hành án ở Trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), ông bị giam chung khu với nhiều tù nhân lương tâm như: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Văn Đức Độ, Huỳnh Đức Thanh Bình, và Nguyễn Ngọc Ánh.

Nhiều lần, cả nhóm đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, và từng có hai lần tuyệt thực ngắn để phản đối việc trại giam không cho tù nhân nhận sách từ gia đình và đòi cải thiện điều kiện giam giữ.

Trước khi bị bắt, ông Ca bị tai nạn giao thông. Sau khi bị bắt, di chứng của vụ tai nạn tái phát nhưng ông không được chữa trị đầy đủ và kịp thời. Do vậy, hiện ông bị đau chân và mắt bị mờ. Tuy nhiên, ông không nói nhiều về sức khoẻ của mình.

Hiện nay tôi quan tâm nhất là sức khỏe của đất nước này dân tộc này còn sức khỏe của tôi nó nhỏ lắm!”

Ông muốn gửi thông điệp tới mọi người dân Việt Nam:

Nếu chúng ta muốn đất nước chúng ta có dân chủ có văn minh thì nên đi đòi, phải nhiều người đòi thì chắc chắn chính phủ sẽ nghe!

Ông Huỳnh Trương Ca, 53 tuổi, là một trong số chín thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt năm 2018.

Truyền thông nhà nước đưa tin ông thừa nhận hành vi phạm tội và thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, ông cho biết mình chỉ thừa nhận hành vi đã thực hiện và khẳng định các hành động của mình tuân thủ Hiến pháp Việt Nam hiện hành.

Tám thành viên còn lại bị kết án theo tội danh “phá rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự với mức án từ 30 tháng đến 8 năm tù. Hiện còn hai thành viên đang thụ án tù là hai bà Hoàng Thị Thu Vang và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh. (RFA)


Hơn 23.000 đi làm lao động ở nước ngoài trong hai tháng

Đài RFA dẫn tin từ Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH) Việt Nam cho hay, Cụ thể riêng tháng 2, tổng số lao động Việt Nam chính thức được đưa ra nước ngoài làm việc là 10.553 người; trong số này có 2.789 nữ.

Hơn 23.000 người Việt Nam chính thức được ra nước ngoài lao động trong hai tháng đầu năm 2024.

Cụ thể riêng tháng 2, tổng số lao động Việt Nam chính thức được đưa ra nước ngoài làm việc là 10.553 người; trong số này có 2.789 nữ. Tất cả được đưa sang lao động tại các thị trường gồm Nhật Bản- 8.212 người (với 2.217 người là nữ); rồi Đài Loan- 1.443 người (có 514 nữ); Hàn Quốc- 253 người; Thái Lan- 109 người; Trung Quốc- 100 người; Singapore-80; Hungary- 70; và một số nơi khác.

Còn cả hai tháng 1 và 2/2024; tổng số người được đưa ra nước ngoài lao động là 23.195 người; trong số này có 7.272 nữ. Thị trường Nhật Bản chiếm số đông với 17.067 người, trong số ngày có 5.714 nữ; tiếp đến Đài Loan tiếp nhận  4.294 người (1.407 nữ).

Năm nay, Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam đặt mục tiêu đưa 125.000 người ra nước ngoài lao động theo hợp đồng.


Kế hoạch hiện đại hoá quân đội của Việt Nam đang “dậm chân tại chỗ”

Do phụ thuộc hoàn toàn vào vũ khí và học thuyết quân sự của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh, quân đội Việt Nam sau này dựa chủ yếu vào Nga, nước thừa hưởng nền công nghiệp quốc phòng của Liên Xô, để tiến hành hiện đại hoá. 

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hoà bình Stockholm thì hơn 80% số vũ khí mà Việt Nam mua trong khoảng từ năm 1995 đến 2021 là từ Nga. 

Tuy nhiên, nguồn cung vũ khí từ Nga bị gián đoạn kể từ khi nước này tiến hành chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, dẫn đến bị các nước Phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt. 

Mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022. Khiến phương tây triển khai các đòn cấm vận một cách khắc nghiệt hơn. 

Không chỉ cấm cửa các công ty Nga khỏi hệ thống thanh toán và các định chế tài chính toàn cầu, phương tây còn đe doạ trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài nào làm ăn với Nga. Việc này, theo giới quan sát là đã khiến Việt Nam e ngại. 

Một số thiết bị quân sự trưng bày được cho là do VN sản xuất

Cuộc chiến mà Nga gây ra ở Ukraine còn tạo ảnh hưởng sâu rộng hơn đến giới lãnh đạo quân sự Việt Nam, thông qua sự thể hiện của vũ khí Nga trên chiến trường, theo giáo sư Carlyle Thayer: 

“Trước khi chiến tranh nổ ra thì Việt Nam đã ký hợp đồng mua xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 từ Nga. Sau đó, chúng ta chứng kiến cảnh những cỗ xe tăng này bị bắn nổ tung bởi vũ khí chống tăng của Mỹ và đồng minh, ở thời điểm đầu cuộc chiến. 

Tiếp theo chúng ta được chứng kiến việc sử dụng drone (phương tiện bay điều khiển từ xa). Rồi tự dưng chúng ta thấy ở ngoài biển thì Ukraine sử dụng xuống cảm tử không người lái đánh chìm tàu chiến Nga. 

Quay trở lại với Việt Nam, tôi nghĩ lúc này họ đã nhận ra vấn đề của vũ khí Nga, và hiện đang phải tiến hành xem xét lại nhu cầu.” 

Nguy cơ từ việc chậm trễ hiện đại hoá 

Với những tác động từ tình hình thế giới, Việt Nam đang đối diện với việc phải thay đổi chiến lược hiện đại hoá để phù hợp hơn với hoàn cảnh và thực tế mới. 

Thế nhưng, theo giáo sư Carlyle Thayer thì vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy Việt Nam đã tìm ra lời giải: 

“Ở thời điểm hiện tại chúng ta không biết là chiến lược mới sẽ trông thế nào và khi nào các quyết định sẽ được đưa ra.” 

Và sự dậm chân tại chỗ như hiện nay, theo ông Nguyễn Thế Phương, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng bảo vệ lợi ích của Việt Nam nếu tình huống xấu xảy ra:

“Bối cảnh quốc tế bây giờ càng ngày càng phức tạp và khó đoán, đặc biệt là Biển Đông và Đài Loan là hai vấn đề mà năm nào người ta cũng cho là điểm nóng lớn nhất ở khu vực. Thứ hai là quá trình hiện đại hoá hải quân của Trung Quốc diễn ra rất nhanh, người ta nói Trung Quốc đóng tàu như gà đẻ trứng, mỗi năm mấy chục cái. 

Do vậy sức ép của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng. 

Thì nếu như Việt Nam vẫn giữ  tốc độ hiện đại hoá Không quân và Hải quân như bây giờ, thì khả năng răn đe về mặt sức mạnh cứng giữa Việt Nam và Trung Quốc càng ngày sẽ càng bị nới rộng ra. 

Và trong trường hợp có gì đó xấu nhất xảy ra thì khả năng đạt được các mục tiêu chiến lược trong xung đột của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.” 


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng