TIN THẾ GIỚI
Drone của Ukraina tấn công Bộ Chỉ Huy cơ quan an ninh Nga tại Belgorod
Ukraina dồn dập sử dụng drone tấn công vào nhiều vị trí chiến lược trên lãnh thổ Nga. Hôm nay 13/03/2024, đến lượt trụ sở Cơ Quan An Ninh Liên Bang FSB tại Belgorod, miền tây nước Nga, bị tấn công. Nhà máy lọc dầu Riazan, cách thủ đô Matxcơva 200 km về hướng đông nam, bị oanh kích trong ngày thứ hai liên tiếp. Tổng thống Vladimir Putin lên án Kiev muốn làm nhụt chí công luận Nga trước ngày bầu cử tổng thống.
Hãng thông tấn Nga TASS trích dẫn nhiều nguồn tin từ chính quyền Belgorod sáng nay cho biết, trụ sở của cơ quan FSB tại thành phố này bị hai drone của Ukraina tấn công. Cuộc tấn công không gây thiệt hại nhân mạng, nhưng theo thống đốc vùng Belgorod, ông Viatcheslav Gladkov, được AFP trích dẫn, « mặt tiền và nhiều cửa sổ của tòa nhà bị hư hại ».
Ngoài trụ sở của FSB tại Belgorod, Ukraina tiếp tục nhắm vào nhà máy lọc dầu Riazan của Nga, gây hỏa hoạn cho nhà máy này. Trên mạng Telegram, thống đốc tỉnh Riazan, ông Pavel Malkov, ghi nhận « một số người bị thương, (…) Tất cả các đơn vị cứu hộ đang có mặt tại hiện trường ». Nhà máy lọc dầu Riazan là một trong những cơ sở « lớn nhất cung cấp xăng dầu cho khu vực miền trung nước Nga và do tập đoàn dầu khí Rosneft quản lý ». Hôm qua, nhà máy lọc dầu này là mục tiêu bị drone Ukraina nhắm tới.
Một cơ sở năng lượng khác ở Kstovo, cách biên giới Ukraina 800 km đã bốc cháy sau khi bị nhiều drone của Ukraina tấn công trong đêm qua rạng sáng nay, 12/03/2024.
Nhiều drone của Ukraina trong đêm qua cũng đã pháo kích vùng Belgorod làm hư hại một đường dây cung cấp điện. Trên mạng Telegram, thống đốc Viatcheslav Gladkov cho biết 7 xã đã bị mất điện.
Rất xa khu vực Riazan, thống đốc vùng Leningrad cũng trên mạng Telegram sáng nay loan báo đã bắn hạ được drone của Ukraina gần khu vực nhà máy lọc dầu ở Saint-Petersburg.
Trong thông cáo sáng nay, bộ Quốc Phòng Nga tổng kết trong đêm đã « triệt hạ 58 drone tại các vùng Belgorod, Briansk, Koursk, và Voronej », bốn vùng gần biên giới Ukraina.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Nhà nước Rossia 1 và hãng thông tấn Ria Novosti, tổng thống Vladimir Putin cho rằng các vụ tấn công dồn dập nói trên cho thấy Ukraina « đang thất bại » trên chiến trường. Chủ nhân điện Kremlin đồng thời lên án Kiev muốn làm nhụt chí cử tri Nga trước cuộc bầu cử tổng thống từ ngày 15 đến 17/03/2024.
Mỹ chuyển khẩn cấp 300 triệu đô la viện trợ cho Ukraina (RFI)
Tổng thống Joe Biden tái khẳng định Hoa Kỳ kiên trì yểm trợ Ukraina trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga. Ngày 12/03/2024, nguyên thủ quốc gia Mỹ thông báo khoản viện trợ mới 300 triệu đô la cho Kiev trước khi tiếp các lãnh đạo Ba Lan tại Nhà Trắng.
Ukraina là chủ đề trọng tâm trong chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Andrzej Duda và thủ tướng Donald Tusk để kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO. Thủ tướng Donald Tusk kỳ vọng « tiếng nói của Ba Lan sẽ làm thay đổi thái độ » của chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson, thuộc đảng Cộng Hòa, vì « ông ấy (Mike Johnson) cần biết rằng tương lai của hàng triệu người, của hàng nghìn mạng sống ở Ukraina phụ thuộc vào quyết định của ông ấy ».
Trong cuộc hội đàm với các lãnh đạo Ba Lan, ông Joe Biden nhắc lại trường hợp Ba Lan trong Thế Chiến II, với lời cảnh báo « Nga sẽ không dừng lại ở Ukraina », cho nên « chúng ta phải hành động trước khi quá muộn ». Washington cũng phê chuẩn một hợp đồng bán vũ khí cho Ba Lan có tổng trị giá 3,5 tỉ đô la, gồm nhiều tên lửa không đối địa tầm xa, tên lửa không đối không tầm trung.
Trước khi tiếp phái đoàn Ba Lan, Washington thông báo khoản viện trợ quân sự mới giá 300 triệu đô la cho Ukraina. Khoản tiền này lấy từ « tiền tiết kiệm » của bộ Quốc Phòng Mỹ, nên không cần phải thông qua Quốc Hội.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan thừa nhận « đây là khoản hỗ trợ tương đối khiêm tốn để đáp ứng một số nhu cầu khẩn cấp cho Ukraina trong thời gian ngắn », cụ thể là tên lửa phòng không và đạn pháo. Các dân biểu Cộng Hòa tại Hạ Viện vẫn chặn gói viện trợ mới 60 tỉ đô la cho Ukraina mà tổng thống Joe Biden yêu cầu từ nhiều tháng qua.
Trong khi đó, tối 12/03, Hạ Viện Pháp cũng thông qua thỏa thuận an ninh với Ukraina, với 372 phiếu thuận, 99 phiếu chống, nhằm « tăng cường khả năng kháng cự của Ukraina ». Thủ tướng Gabriel Attal nhắc lại Paris cam kết hỗ trợ đến 3,4 tỉ euro cho Ukraina trong năm 2024, bởi vì « việc bảo vệ lợi ích, an ninh của chúng ta (Pháp) đang bị thách thức ». Theo dự kiến, tổng thống Macron sẽ trình bày rõ hơn về kế hoạch đó vào tối 14/03 trên hai kênh truyền hình TF1 và France 2.
Chiến tranh tiếp diễn tại Gaza trong mùa lễ Ramadan, khi hàng viện trợ bị cướp bóc
Các nỗ lực đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trước kỳ Ramadan của người Hồi Giáo, khởi sự từ đầu tháng 3/2024 tại Cairo, Ai Cập, rốt cuộc đã không đạt kết quả. Chiến sự vẫn tiếp diễn.
Hôm 10/03, một nguồn tin cho AFP biết ‘‘các nỗ lực ngoại giao sẽ chỉ tăng tốc sau mười hôm nữa’’, với hy vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vào giữa kỳ Ramadan. Hoa Kỳ lo ngại trong tháng Ramadan của người Hồi Giáo, nếu chiến sự tiếp diễn, tình hình sẽ trở nên ‘‘rất nguy hiểm’’ đặc biệt ở khu vực Đông Jerusalem, thánh địa thứ ba của đạo Hồi.
Đàm phán giữa Israel và tổ chức Hamas, qua ba trung gian Mỹ, Ai Cập và Qatar, đang dậm chân tại chỗ. Theo AFP, lập trường của hai bên vẫn còn rất xa cách. Hamas yêu cầu chấm dứt chiến tranh, quân đội Israel rút khỏi Gaza, trước khi chấp nhận trao trả toàn bộ con tin. Về phần mình, Israel đòi Hamas cung cấp danh sách chính xác các con tin còn sống, trong khi Hamas khẳng định không thể cho biết ‘‘ai còn sống và ai đã chết’’ trong số các con tin. Về tình hình cứu trợ cho người dân Gaza, theo AFP, một chuyến tàu của tổ chức phi chính phủ Tây Ban Nha Open Arms, chở 200 tấn lương thực, chuẩn bị rời đảo Chypre, quốc gia Liên Âu gần nhất với Gaza, trong khuôn khổ ‘‘hành lang nhân đạo’’ do Liên Âu thiết lập. Tuy nhiên, theo Liên Hiệp Quốc, vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo bằng đường biển và đường không cho Gaza sẽ không thể nào thay thế được các tuyến đường bộ, bởi nạn đói đang đe dọa toàn bộ dân cư dải Gaza.
Mặt khác, người dân Palestine đối mặt với nạn đói và tình trạng băng đảng cướp hàng viện trợ.
Ở dải Gaza, tình hình đang rất hỗn loạn, rơi vào tình trạng vô chính phủ sau khi chính quyền Hamas sụp đổ. Nhiều băng đảng kiểm soát các kiện hàng viện trợ được thả dù xuống và bán cho người dân.
Theo trang Courrier international, từ tháng 2, khoảng 80 vụ ăn cướp hàng viện trợ đã xảy ra ở miền trung và miền nam dải Gaza. Các băng đảng chặn đường các đoàn xe chở hàng viện trợ, « ném chất nổ, gạch đá, buộc tài xế phải dừng xe ». Sau đó, những kẻ « bịt mặt, cầm gậy gộc » dỡ hàng trên xe sang các xe tuk-tuk để bán lại hoặc dùng cho gia đình.
Những kẻ lưu manh chiếm hết hàng viện trợ rồi bán lại cho người dân với giá cắt cổ.
Các chiến binh Nga thân Ukraina gây nhiễu trước bầu cử tổng thống Nga
Ba ngày trước bầu cử tổng thống Nga, Matxcơva xác nhận đã « đẩy lui » các chiến binh Nga thân Ukraina « thâm nhập vào lãnh thổ Nga tại các vùng ở Belgorod và Koursk, sát biên giới Ukraina ». Những chiến binh Nga chiến đấu bên hàng ngũ Ukraina đó là ai, hoạt động với mục tiêu gì và liệu có thể là một tì vết làm vẩn đục hào quang của Vladimir Putin vào lúc ông chuẩn bị tiếp tục trụ lại ở điện Kremlin đến năm 2030?
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga sáng 12/03/2024 cho biết « sau một đợt oanh kích kịch liệt trong đêm, một toán chiến binh từ Ukraina, được trang bị chiến xa và xe bọc thép toan thâm nhập vào lãnh thổ Nga ». Nhưng quân đội Nga đã « kiên cường và đẩy lui » được mọi cuộc tấn công của « các toán khủng bố Ukraina ». Một nhân viên phòng vệ Nga đã thiệt mạng, 10 thường dân bị thương tại Belgorod, theo thông báo của chính quyền địa phương.
Song các hãng thông tấn quốc tế ghi nhận ở cấp trung ương, chỉ thấy Matxcơva loan báo về những « tổn thất nặng nề » mà quân Nga đã « giáng cho phía Ukraina ». Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga nói rõ hơn là quân Nga đã « đẩy lui » được « những kẻ phá hoại từ Ukraina xông vào ngôi làng Tiotkino, tại vùng Koursk ».
Vài giờ trước đó, trên mạng Telegram hôm qua, một đơn vị các chiến binh Nga thân Kiev mang tên Quân Đoàn Tự Do của nước Nga, tuyên bố đã chiếm được làng Tiotkino, « tiêu diệt » được thiết giáp của Nga ở làng này và quân Nga đã « phải nhanh chóng bỏ chạy ». Trước những thông tin trái ngược đó, khó mà biết được thực hư thế nào. Igor Koutsak, thị trưởng thành phố Koursk, được AFP trích dẫn, cho biết đã ra lệnh đóng cửa nhiều trường học do « những diễn tiến tình hình gần đây ».
Về thân thế Quân Đoàn Tự Do của nước Nga, báo Le Monde hồi tháng 05/2023 đã trích dẫn Adrien Nonjon, Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông INALCO, cho biết đây là một nhóm người Nga phản đối cuộc chiến xâm lược Ukraina, bởi Ukraina là một « đất nước anh em ». Họ cũng là « cánh tay nối dài của cộng đồng người Nga lưu vong tại Ukraina ». Quân đoàn này chống lại chế độ Vladimir Putin và đã bắt đầu được hình thành từ những năm 2000. Về mặt tư tưởng, Quân Đoàn Tự Do của nước Nga mang nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa và về chính trị thì theo xu hướng cánh tả. Một trong những thủ lĩnh của nhóm này từng khẳng định « tại Nga, tất cả quyền lực đều nằm trong tay một nhà độc tài ở điện Kremlin (…) Quyền lực không đổi chủ một cách hợp pháp ».
Nhóm này bao gồm hai lữ đoàn « hoạt động một cách tích cực », nhưng giới quan sát thận trọng lưu ý không ai biết rõ danh tính các thành phần tham gia nhóm này. Thậm chí trong số các chiến binh Quân Đoàn Tự Do của nước Nga « có cả những tù nhân » của chế độ Putin. Về câu hỏi nhóm vũ trang này có được Ukraina yểm trợ hay không và làm thế nào để có thể huy động cả thiết giáp vào Koursk, một người trong cuộc trả lời là Quân Đoàn Tự Do của nước Nga được Kiev yểm trợ. Song các chuyên gia Pháp ghi nhận là đến nay, chính quyền Ukraina rất kín tiếng về nhóm những người Nga thân Kiev. Theo thẩm định của nhà nghiên cứu Adrien Nonjon, trong cuộc chiến hiện tại, tới nay « những đóng góp của Quân Đoàn Tự Do của nước Nga không nhiều ».
Điều đáng nói ở đây, là càng gần đến bầu cử tổng thống Nga, những vụ tấn công trên lãnh thổ Nga, từ khu vực lân cận thủ đô Matxcơva cho đến Leningrad hay những vùng sát biên giới với Ukraina, xảy ra ngày càng nhiều. Các kho xăng dầu của Nga, các nhà máy lọc dầu của Rosneft… thường xuyên là mục tiêu bị nhắm tới. Một bằng chứng rõ ràng là trong hai ngày liên tiếp nhà máy lọc dầu ở Riazan đã bị tấn công.
Chính quyền Nga từ hôm 01/03 ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu, để ưu tiên phục vụ nhu cầu nội địa. Giới quan sát cho rằng đây là một trong những hậu quả từ các vụ « phản công » của Ukraina. Dù đó chỉ là những « thắng lợi rất nhỏ », nhưng hình ảnh những kho xăng dầu của Nga bốc cháy cũng đủ để nhắc nhở cử tri Nga rằng chính Vladimir Putin là người đã đẩy đất nước vào chiến tranh. Còn ở Matxcơva, chủ nhân điện Kremlin cũng phải để ý đến nhóm Quân Đoàn Tự Do của nước Nga, mà một trong những mục đích chính vẫn là « lật đổ bạo chúa Vladimir Putin ».
Thủ tướng Haiti từ chức trước sức ép của các băng đảng du đãng
Hôm 11/03/2024, thủ tướng Haiti Ariel Henry đã đồng ý từ chức trong bối cảnh đất nước chìm trong bạo loạn, các băng đảng hiện đang kiểm soát gần như toàn bộ thủ đô Port-au-Prince, đồng thời tấn công các địa điểm chiến lược như dinh tổng thống, đồn cảnh sát và nhà tù. Các băng đảng này trước đó đã gửi tối hậu thư yêu cầu ông Henry từ chức, nếu không muốn xảy ra nội chiến hoặc thậm chí là diệt chủng tại quốc gia vùng Caribê này.
Trong bài phát biểu từ chức đăng trên mạng, được AFP trích dẫn, thủ tướng Ariel Henry, hiện vẫn bị kẹt tại nước ngoài, viết: “ Chính phủ mà tôi lãnh đạo không thể tiếp tục thờ ơ với tình hình hiện nay. Như tôi vẫn nói, không có sự hy sinh nào là quá lớn cho quê hương Haiti của chúng ta”.
Tại buổi họp báo khẩn cấp ở Jamaica, tổng thống Guyana, người đứng đầu tổ chức Cộng đồng Caribê (Caricom) đã xác nhận thủ tướng Ariel Henry sẽ rời đi ngay sau khi thành lập một hội đồng tổng thống chuyển tiếp và bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời. Ông cũng gửi lời cảm ơn thủ tướng Henry vì “đã phụng sự Haiti, thực hiện các cam kết đối với người dân nước này”.
Các băng đảng võ trang đã chiếm phần lớn đất nước nghèo nhất Tây bán cầu và trong những tuần gần đây, mức độ bạo lực của khủng hoảng thậm còn tăng thêm, với nhiều thi thể nằm rải rác trên đường phố, các nhóm vũ trang cướp phá nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu, làm dấy lên lo ngại về nạn đói gia tăng.
Thủ tướng Jamaica Andrew Holness, chủ trì cuộc đàm phán của Caricom về khủng hoảng tại Haiti, đã cảnh báo quốc gia này có nguy cơ rơi vào nội chiến toàn diện, đồng thời kêu gọi các nước “hành động mạnh mẽ và quyết đoán” để “ngăn chặn tình trạng vô luật pháp” tại đây trước khi quá muộn.
Trước tình hình đó, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua thông báo khoản viện trợ bổ sung 133 triệu đôla cho Haiti để giúp giải quyết khủng hoảng.
Đảo quốc Haiti vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, sau thông báo từ chức của thủ tướng Ariel Henry do áp lực của các băng đảng. Hôm qua, 12/03/2024, Kenya, lãnh đạo lực lượng đa quốc gia dự kiến cử tới Haiti để duy trì trật tự, tuyên bố tạm đình chỉ kế hoạch này cho đến khi nào Haiti có chính phủ mới. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ tỏ ra tin tưởng là lực lượng đa quốc gia, được thành lập theo quyết định của Hội Đồng Bảo An hồi tháng 10/2023, sẽ sớm được triển khai.
Cảnh sát Trung Cộng tại Hungary: Quan hệ khăng khít giữa Bắc Kinh và Budapest (RFI)
Bộ trưởng Nội Vụ Hungary vừa xác nhận cảnh sát Trung Cộng sẽ được phép tuần tra trên lãnh thổ Hungary, trong khi Liên Hiệp châu Âu (EU) vẫn cáo buộc Bắc Kinh tìm cách giám sát cộng đồng người Hoa ở hải ngoại bằng mọi cách. Nhưng đối với thủ tướng Hungary Viktor Orban, đây là bước chuyển tiếp hợp lý của của mối quan hệ với Trung Cộng từ 10 năm qua.
Các sĩ quan cảnh sát Trung Cộng sẽ có mặt trên lãnh thổ một quốc gia Liên Hiệp châu Âu, đó là điều mà bộ Nội Vụ Hungary xác nhận với trang tin Telex vào ngày 06/03/2024. Đây sẽ là điều chưa từng xảy ra ở EU, vào thời điểm mà mối quan hệ giữa Bruxelles và Bắc Kinh không hề tốt đẹp.
Khả năng cảnh sát Trung Cộng tuần tra ở Hungary đã được nhật báo Die Welt của Đức tiết lộ vài ngày trước đó. Tờ báo đề cập đến một điều khoản của thỏa thuận hợp tác an ninh Trung-Hung mới được ký kết vào tháng 2 trong cuộc gặp ở Budapest giữa bộ trưởng Công An Trung Cộng Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) và người đồng cấp Hungary.
Giám sát người Hoa ở nước ngoài
Nhưng ngoài xác nhận của bộ Nội Vụ Hungary, không có thông tin chi tiết chính thức nào được đưa ra về đường hướng của hợp tác này. Zsuzsanna Vegh, nhà phân tích chuyên về các nước Trung Âu của Quỹ Marshall, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Đức, nhấn mạnh : “Chúng tôi không biết khi nào, ở đâu hoặc tại sao cảnh sát Trung Cộng sẽ tiến hành những cuộc tuần tra này.” Tamas Matura, người sáng lập Viện Nghiên cứu châu Á-Trung Âu và là chuyên gia về quan hệ giữa Trung Cộng và Hungary, cho biết thêm : “Đây là một ví dụ khác về sự thiếu minh bạch của chính phủ Hungary.”
Sự hiện diện của cơ quan thực thi pháp luật Trung Cộng trên lãnh thổ Liên Hiệp châu Âu là một chủ đề nhạy cảm, và dường như Hungary không phải là quốc gia đầu tiên bật đèn xanh cho cảnh sát Trung Cộng. Từ năm 2015 đến năm 2019, các sĩ quan cảnh sát Ý và Trung Cộng đã phối hợp tuần tra tại Roma, Milan, Turin và Padoue.
Nhân đại dịch Covid-19, Ý đã chính thức chấm dứt những cuộc tuần tra chung này. Vụ bê bối liên quan đến các đồn cảnh sát bí mật của Trung Cộng được đặt ở một số nước phương Tây, trong đó có Ý, Pháp và Hungary, đã khiến Roma rất cảnh giác về những vấn đề này. Giống như các nước châu Âu khác, Roma coi sự hiện diện của cảnh sát Trung Cộng là một công cụ để Bắc Kinh giám sát và kiểm soát cộng đồng người Hoa một cách hiệu quả hơn.
Nhưng trong vụ bê bối này, Budapest đã phản ứng không giống các nước châu Âu khác với việc hoàn toàn im lặng. Zsuzsanna Vegh lưu ý chính phủ Orban đã “từ chối xác nhận sự tồn tại của hai đồn cảnh sát bí mật trong nước”.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các sĩ quan cảnh sát Trung Cộng chuẩn bị quay trở lại lãnh thổ EU thông qua Hungary.
Phó tổng thống đắc cử Đài Loan có ‘chuyến đi cá nhân’ tới Mỹ; Trung Cộng phản đối (VOA)
Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), phó tổng thống đắc cử của Đài Loan, từng là cựu đại sứ không chính thức tại Washington, sẽ đến Hoa Kỳ trong tuần này với tư cách cá nhân, một quan chức cấp cao của Đài Loan và một phát ngôn viên của Hoa Kỳ cho biết hôm 12/3, theo Reuters.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Cộng Lưu Bằng Ngọc (Liu Pengyu) nói Trung Cộng “kiên quyết phản đối” bất kỳ hình thức tương tác chính thức nào giữa Mỹ và “khu vực Đài Loan”, đồng thời gọi bà Tiêu Mỹ Cầm là “nhân vật ly khai cứng đầu muốn ‘Đài Loan độc lập’”.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ chuyến thăm nào của bà Tiêu Mỹ Cầm tới Hoa Kỳ dưới bất kỳ tên gọi nào hoặc với bất kỳ lý do gì”, ông Lưu nói và cho rằng Hoa Kỳ “không nên sắp xếp bất kỳ hình thức liên lạc nào giữa các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và bà Tiêu Mỹ Cầm”.
Một quan chức Đài Loan, yêu cầu không nêu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, nói với Reuters rằng bà Tiêu đã đến Mỹ trong tuần này và sẽ lưu lại đó vài ngày tới trong một “chuyến đi cá nhân” không ồn ào, bao gồm cả việc thu dọn đồ đạc cá nhân. Quan chức này từ chối cung cấp thêm thông tin.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho hay bà Tiêu đang đi du lịch “với tư cách cá nhân để giải quyết các vấn đề riêng” và không trả lời khi được hỏi liệu bà có gặp các quan chức Hoa Kỳ hay không.
Người phát ngôn này nói: “Hoa Kỳ có tiền lệ từ lâu về việc cho các quan chức Đài Loan quá cảnh cũng như các chuyến thăm của các ứng cử viên và Phó Tổng thống đắc cử trước khi họ nhậm chức”.
Bà Tiêu, 52 tuổi, là một người nói tiếng Anh lưu loát và có mối quan hệ sâu rộng ở thủ đô Washington. Các nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng bà có thể đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa Đài Bắc và Washington. Hoa Kỳ là nước bán vũ khí quan trọng nhất cho hòn đảo và là nước ủng hộ Đài Loan trên bình diện quốc tế mặc dù hai bên không có quan hệ chính thức.
Trung Cộng không có ngoại trưởng mới sau kỳ họp ‘‘Lưỡng Hội’’ (RFI)
Kỳ họp ‘‘Lưỡng Hội’’ Trung Cộng kết thúc mà không có thay đổi lớn về nhân sự nào, và đặc biệt là không có ngoại trưởng mới thay ông Tần Cương, bị cách chức hồi mùa hè năm ngoái. Trên đây là ghi nhận của hãng tin Anh Reuters hôm nay, 13/03/2024.
Trước thềm kỳ họp Lưỡng Hội, có một số đồn đoán rằng ông Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), một quan chức cao cấp trong ngành ngoại giao, có thể được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, nhưng điều này đã không xảy ra. Như vậy ông Vương Nghị (Wang Yi), Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Cộng, tiếp tục kiêm nhiệm chức ngoại trưởng.
Reuters dẫn lời một số nhà quan sát, cho rằng với việc giữ nguyên nhân sự lãnh đạo bộ Ngoại Giao, chủ tịch Trung Cộng có thể ‘‘đang ưu tiên cho các vấn đề đối nội’’, trong bối cảnh kinh tế ảm đạm do mức tiêu thụ giảm sút, thị trường bất động sản trì tệ, tỉ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, hơn là chính sách đối ngoại, được coi là sẽ tiếp tục đường lối như hiện nay.
Theo báo Nhật Nikkei Asia, thông điệp chính của lãnh đạo ngoại giao Vương Nghị trong cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước, bên lề kỳ họp Lưỡng Hội, cho thấy Bắc Kinh tiếp tục chính sách thân Nga và thể hiện là Trung Cộng đang đứng đầu các nền kinh tế mới trỗi dậy ‘‘phương Nam’’. Theo ông Vương Nghị, ‘‘Trung Cộng và Nga đã thiết lập một mô hình mới trong mối quan hệ nước lớn, hoàn toàn khác với thời Chiến tranh Lạnh”. Đồng thời ông ca ngợi trao đổi kinh tế song phương mật thiết hơn giữa hai nước láng giềng, đặc biệt trong bối cảnh phương Tây gia tăng trừng phạt chống Nga kể từ khi Matxcơva xâm lược Ukraina.
Lãnh đạo ngoại giao Trung Cộng chỉ trích gay gắt Hoa Kỳ, với danh sách trừng phạt mở rộng ‘‘đạt đến mức độ hoang tưởng không thể chấp nhận được’’. Dù sao, lãnh đạo ngoại giao Trung Cộng cũng tỏ ra thận trọng trong việc chỉ trích phương Tây nói chung. Trong quan hệ với Liên Âu, ông Vương Nghị nhấn mạnh là giữa hai bên, ‘‘không có xung đột lợi ích cơ bản và mâu thuẫn chiến lược địa-chính trị”.
Lãnh đạo Trung Cộng dường như thận trọng hơn trong việc lựa chọn tân ngoại trưởng, rút ra ‘‘những bài học’’ từ trường hợp thăng tiến nhanh chóng của cựu ngoại trưởng Tần Cương. Vẫn Nikkei Asia, trong bài ‘‘Lời khuyên của Putin có khiến ông Tập thanh trừng ngoại trưởng?’’ nhận định có thể ông Tần Cương đã bị cách chức do áp lực của Nga.
Việc Bắc Kinh ‘‘thay ngựa giữa dòng’’ diễn ra vào lúc Trung Cộng được ghi nhận là có chiều hướng chuyển sang chính sách ngoại giao giữ khoảng cách với Nga về cuộc chiến tại Ukraina, với việc cử một đặc phái viên về Ukraina đi châu Âu, trước cuộc phản công mùa hè 2023 của Ukraina. Ngoại trưởng Tần Cương ắt hẳn là người chịu trách nhiệm chính về sáng kiến cử phái đoàn Trung Cộng tìm giải pháp hòa bình tới Ukraina.
Theo Nikkei Asia, ‘‘Nga đã quy cho Tần Cương tội thân Mỹ khi làm đại sứ tại Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn, trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng’’. Việc cách chức lãnh đạo bộ Ngoại Giao cũng đã có thể được tiến hành như một biện pháp ‘‘phòng ngừa’’ trước thượng đỉnh Tập Cận Bình – Joe Biden tại Mỹ vào tháng 11/2023, theo một nguồn tin Trung Cộng gần gũi với hồ sơ này.
Biển Đông: Đức và Philippines tái khẳng định cam kết bảo vệ luật pháp quốc tế (RFI)
Căng thẳng dâng cao trong tuần qua tại Biển Đông với vụ va chạm giữa Hải cảnh Trung Cộng và Tuần duyên Philippines, khiến nhiều thủy thủ Philippines bị thương. Cơ quan truyền thông của phủ tổng thống Philippines cho biết hôm qua, 12/03/2024, trong cuộc họp báo chung tại Berlin, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tái khẳng định cam kết ‘‘thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật pháp’’.
Theo Hãng thông tấn Nhà nước Philippines (PNA), thủ tướng Đức khẳng định: ‘’điều quan trọng đối với mọi người là luật pháp hiện hành phải được tuân thủ. Chúng tôi đã bàn về vấn đề này hôm nay, và tôi đã nói rõ rằng chúng tôi ủng hộ Philippines trong việc bảo đảm rằng các lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ’’. Tổng thống Philippines nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông hàng hải ở Biển Đông, nơi chiếm đến 60% vận tải đường biển toàn thế giới, và ‘‘đây không chỉ là mối quan tâm của Philippines, của khối ASEAN, hay khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, mà là của toàn thế giới.’’
Tổng thống Philippines Marcos Jr. cũng cảm ơn thủ tướng Đức tiếp tục ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tái khẳng định cam kết ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ lực lượng Tuần duyên Philippines.
Đức tham gia huấn luyện quân đội Philippines từ năm 1974 và là đối tác quốc phòng lâu đời thứ hai của nước này. Trước khi lên đường đến Berlin, tổng thống Marcos Jr. đã ký Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải giữa hai nước.
Cũng trong cuộc họp báo nói trên, tổng thống Philippines nhấn mạnh Manila ‘‘vẫn cam kết giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn, tuy nhiên Philippines, như bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào khác, sẽ tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình theo luật pháp quốc tế.”
Manila không bác đề xuất của Trung Cộng, nhưng phủ nhận yêu sách ‘‘đường 10 đoạn’’
Về các đề xuất Trung Cộng mới đưa ra để tìm cách làm giảm căng thẳng, theo hãng tin Philippines GMA, hôm qua, tổng thống Marcos Jr. khẳng định Philippines không bác bỏ bất cứ đề xuất nào của Bắc Kinh nhằm giải quyết vấn đề, nhưng không chấp nhận yêu sách ‘‘đường 10 đoạn’’ (thường được gọi là đường chữ U hay ‘‘đường lưỡi bò’’).
Đức và Philippines siết chặt hợp tác trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng. Hồi tháng 01/2024, lần đầu tiên một ngoại trưởng Đức công du Manila từ một thập niên. Vào thời điểm đó, bộ Ngoại Giao Đức lên án ‘‘các yêu sách chủ quyền của Trung Cộng đối với các vùng biển rộng lớn, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ vào năm 2016’’.
TIN VIỆT NAM
Dân biểu Mỹ kêu gọi đưa Việt Nam vào danh sách ‘cần quan tâm đặc biệt’ về tự do tôn giáo
Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel thúc giục Ngoại trưởng Antony Blinken đưa Việt Nam vào danh sách các “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo khi cho rằng tình trạng vi phạm nhân quyền của chính phủ ở Hà Nội ngày càng trầm trọng, trong khi Bộ Ngoại giao ở Washington tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á mà họ mới thiết lập đối tác chiến lược toàn diện.
Trong một bức thư gửi tới ông Blinken, mà văn phòng của bà Steel chia sẻ với VOA, dân biểu đại diện cho Địa hạt 45 của tiểu bang California, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất ở Mỹ sinh sống, nói rằng bà lo ngại khi Mỹ chỉ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) trong khi Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã liên tục khuyến nghị đưa quốc gia Đông Nam Á trở lại danh sách “Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt” (CPC).
Mỹ vào đầu tháng 1 năm nay tuyên bố tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách SWL mà không đưa quốc gia Đông Nam Á vào danh sách CPC, vốn dành cho các nước vi phạm “có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng”.
“Tôi kêu gọi xem xét lại để chỉ định Việt Nam là Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt vì Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng vi phạm các quyền tự do tôn giáo,” bà Steel, đồng chủ tịch khối các thành viên Hạ viện Mỹ quan tâm đến các vấn đề Việt Nam (Congressional Vietnam Caucus) từng thúc giục Tổng thống Joe Biden nêu vấn đề nhân quyền Việt Nam khi thăm Hà Nội vào năm ngoái, nói trong bức thư đề ngày 5/3.
Trích dẫn các ghi nhận từ truyền thông, bà Steel nói rằng “Việt Nam đã gia tăng đàn áp các quyền tự do tôn giáo nhiều hơn so với 4 năm trước, bao gồm cả việc giam giữ 260 tù nhân lương tâm.”
Theo bà Steel, người đang tranh cử để tiếp tục là dân biểu liên bang Mỹ ở địa hạt có phần lớn người Mỹ gốc Việt sinh sống, các tù nhân lương tâm tôn giáo ở Việt Nam “phải đối mặt với các bản án tù dài hạn, bị biệt giam, bị xét xử bất công và bị nhà nước công an độc đảng giam giữ một cách tùy tiện.”
“Trong Chu kỳ Kiểm định Phổ quát (UPR) lần thứ 3 của Việt Nam tại Geneva, Đảng Cộng sản Việt Nam cam kết bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng cho tất cả mọi người ở Việt Nam, đồng thời bảo vệ các dân tộc thiểu số cũng như không áp đặt các hạn chế pháp lý đối với họ,” bà Steel, người từng cùng gia đình trốn chạy khỏi chế độ Cộng sản ở Triều Tiên trước khi nhập cư vào Mỹ cách đây hàng thập kỷ, nói trong bức thư.
41% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Saigon không còn tài sản thế chấp để vay vốn
Hiện có tới 41% doanh nghiệp khảo sát không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Đó là số liệu do Hiệp hội Doanh nghiệp (HUBA) thành phố Saigon nêu ra trong báo cáo tháng 2/2024.
HUBA đưa ra nhận định tình hình vay vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn Saigon vẫn rất khó khăn dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay.
HUBA cho biết thực trạng định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thể thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng.
Theo HUBA, nhiều ngành sản xuất tại thành phố này vẫn còn gặp nhiều khó khăn như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ; những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, điện- điện tử, nhựa, cao su, hóa chất, kinh doanh bị suy giảm do thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao.
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay hầu hết là những chi tiết rời rạc, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu, trong khi doanh nghiệp ngành này chịu mức lãi suất vay cao từ 7-8%.
Tính đến tháng 5/2022, Saigon có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động lớn nhất cả nước (khoảng 268.000 doanh nghiệp, chiếm 31%), nhưng không có số liệu rõ ràng về doanh nghiệp vừa và nhỏ. (RFA)
Việt Nam áp thuế mới, doanh nghiệp nước ngoài dọa ngưng đầu tư
Các tập đoàn đa quốc gia lớn nói rằng họ có thể dừng các kế hoạch đầu tư mới vào Việt Nam do không được trợ cấp để bù đắp cho khoản thuế bổ sung mới, theo một nguồn tin tham gia các cuộc đàm phán về vấn đề này giữa các nhà đầu tư và chính phủ Việt Nam.
Việt Nam, trung tâm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, là một trong những bên hưởng lợi chính từ làn sóng dịch chuyển doanh nghiệp ra khỏi Trung cộng để giảm thiểu tác động từ căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ – Trung.
Từ năm nay, Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn – một đề xuất do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hướng dẫn thực hiện.
Theo đề xuất, các ưu đãi giảm thuế suất xuống mức thấp nhất là 5% sẽ không còn được áp dụng, nghĩa là một số doanh nghiệp đa quốc gia sẽ phải nộp thuế bổ sung để đủ mức 15%.
Một số doanh nghiệp đa quốc gia từ Hoa Kỳ đã yêu cầu chính quyền Việt Nam tôn trọng các cam kết thuế suất thấp từng được đưa ra để thu hút các khoản đầu tư hiện hữu, đồng thời cho biết sẽ khó có những khoản đầu tư mới nếu [chính quyền Việt Nam] không có các biện pháp bù đắp cho khoản thuế bổ sung, theo nguồn tin từ Reuters. (Trích BBC)
CSVN bắt 6 Facebookers từ đầu năm 2024
Ông Phan Đình Sang-57 tuổi, ngụ xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, vào ngày 12/3 bị khởi tố, bị bắt giam theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh trong ngày 12/3 tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Đình Sang về tội “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN)”.
Cơ quan ANĐT thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho rằng từ năm 2016 đến năm 2023, ông Phan Đình Sang lập, quản lý và dùng 5 tài khoản mạng xã hội Facebook để tham gia các hội, nhóm bị cho là “phản động, chống đối Nhà nước CHXHCNVN”.
Kết luận của cơ quan ANĐT nêu rằng suốt thời gian qua, ông Phan Đình Sang chủ yếu sinh sống tại Lào và có quan hệ với ông Đường Văn Thái. Ông này hiện đang bị giam tại Trại Tạm giam B14 của Bộ Công an Việt Nam sau khi bị mất tích gần thủ đô Bangkok của Thái Lan hồi ngày 13/4/2023.
Cơ quan ANĐT thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết ông Phan Đình Sang từng bị Tòa tỉnh Gia Lai tuyên án 4 năm tù hồi năm 1995 theo cáo buộc “tham ô tài sản” ở Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai.
Theo thống kê của RFA, ông Phan Đình Sang là người thứ sáu bị bắt theo Điều 117 từ đầu năm 2024 đến nay.
Công an chưa tạm tha bà Nguyễn Thúy Hạnh dù thân nhân và nhiều người kiến nghị (VOA)
Nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh hiện vẫn điều trị bệnh với tư cách là người bị công an Việt Nam tạm giam, một nguồn tin nắm vấn đề cho VOA biết hôm 13/3 giữa lúc có thông tin trên mạng nói rằng bà đã được tạm tha.
Rạng sáng 13/3, trên hai trang Facebook mang tên Nhật Ký Yêu Nước và Nguyễn Viết Dũng xuất hiện bài đăng nói rằng “sau nỗ lực của nhiều người”, bà Nguyễn Thúy Hạnh “đã được nhà cầm quyền trả tự do ngày 12/3/2024, về chữa bệnh ung thư”.
Nhưng một người nắm thông tin trực tiếp về bà Hạnh và đề nghị ẩn danh nói với VOA ít giờ sau đó rằng bà Hạnh vẫn chưa được thả. Nguồn tin này cho biết thêm rằng công an hiện đang xem xét đơn kiến nghị từ thân nhân của bà Hạnh và có thể sẽ trả lời sau khoảng một tuần nữa.
Như VOA đã đưa tin hồi cuối tháng 1, chồng bà Hạnh là cựu nhà báo, blogger tranh đấu cho tự do, dân chủ Huỳnh Ngọc Chênh tố cáo trên mạng xã hội là bà bị tạm giam trong điều kiện tồi tệ suốt gần 3 năm và gần đây phát hiện đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn giữa.
Bà Hạnh, 61 tuổi, bị công an Việt Nam bắt hồi đầu tháng 4/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” sau nhiều năm bà đấu tranh cho tự do, dân chủ, đồng thời là người sáng lập và điều hành Quỹ 50k chuyên giúp đỡ gia đình của các tù nhân lương tâm.
Cho đến nay vẫn chưa thấy chính quyền Việt Nam thông báo khi nào sẽ đưa bà ra xét xử.
Trả lời phỏng vấn của VOA, ông Chênh nhận định hôm 24/1 rằng điều kiện giam giữ tồi tệ tại Trại tạm giam số 2 của công an Hà Nội, nơi bà Hạnh bị giam sau khi bị bắt, là một phần lớn nguyên nhân.
Theo lập luận của ông Chênh, về mặt pháp luật, những người ở trong trại tạm giam mới chỉ là những nghi can chưa bị toà án kết tội nên vẫn còn quyền công dân và cao hơn thế là quyền con người.
Nhưng trên thực tế, dưới góc nhìn của ông, trại tạm giam đã biến thành nơi trả thù, nơi khủng bố tinh thần và thể xác các nghi can qua điều kiện giam giữ sinh hoạt ăn uống vô cùng tệ hại.
Sau khi VOA và một số hãng tin ở hải ngoại tường thuật về hoàn cảnh của bà Hạnh, đến cuối tháng 2, hàng trăm người và 3 nhóm gồm Diễn đàn Xã hội Dân sự, Diễn đàn Bauxite Việt Nam và Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã đăng kiến nghị công khai trên mạng đề nghị Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng chỉ đạo các cơ quan hữu trách trả tự do ngay lập tức cho bà Hạnh để bà được chữa bệnh một cách thuận lợi.
Bản kiến nghị có đoạn nói rằng trong gần 3 năm bị tạm giam, có tới xấp xỉ 2 năm bà Hạnh phải điều trị các bệnh khác nhau trong bệnh viện và bà chưa bị tòa tuyên án, đồng nghĩa là bà chưa hề là phạm nhân.
Do vậy, bản kiến nghị nhấn mạnh rằng tiếp tục giam giữ bà Hạnh dưới bất kỳ hình thức nào khi đã hết hạn điều tra từ rất lâu và trong tình cảnh bà bị bệnh hiểm nghèo ở tuổi trên 60 là việc làm trái pháp luật và hết sức vô nhân đạo.
VOA cố gắng liên lạc với văn phòng của chủ tịch nước và công an Hà Nội để tìm hiểu thêm về vấn đề này nhưng không có hồi đáp.