Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Cựu Phó Tổng Thống Pence Từ Chối Ủng Hộ Ông Trump

Cựu Phó Tổng thống Mike Pence cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 15/03 rằng ông sẽ không ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024.

cựu PTT Mike Pence

Cựu phó tổng thống là ứng cử viên trong liên danh của ông Trump vào năm 2016 và năm 2020 trước khi ông thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống không thành công của chính mình trong cuộc bầu cử năm 2024. Ông đã đình chỉ chiến dịch tranh cử vào tháng 10/2023 sau khi không dành được sự thu hút nào đáng kể.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình FoxNews, ông nói, Tôi vô cùng tự hào về thành tích dưới chính phủ của chúng tôi. Thành tích bảo tồn truyền thống đó đã làm cho nước Mỹ thịnh vượng hơn, an toàn hơn. Người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống được bổ nhiệm vào các tòa án của chúng ta, bảo đảm nền hòa bình. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, tôi đã nói rõ rằng có sự khác biệt sâu sắc giữa tôi và Tổng thống Trump về một nhiều vấn đề”.

Cựu phó tổng thống tiếp tục nói, ông nghĩ là ông Trump đã quay lưng lại với một số mục tiêu mà chính phủ nhiệm kỳ trước của ông từng ủng hộ, bao gồm giảm nợ quốc gia, bảo vệ đầy đủ cho quyền sống của thai nhi, và các chính sách cứng rắn với Trung Cộng, mà trong đó có một chính sách sẽ buộc ứng dụng mạng xã hội TikTok bán lại cho một công ty khác.

Ông Pence nói, “Trong mỗi trường hợp này, ông Donald Trump đang theo đuổi và đưa ra một nghị trình trái ngược với nghị trình bảo tồn truyền thống mà chúng tôi đã cùng nhau điều hành trong suốt bốn năm nhiệm kỳ của mình. Và đó là lý do tại sao mà theo lương tâm, tôi không thể ủng hộ ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử lần này”.

Hồi tháng Hai, ông Pence đã khởi động một sáng kiến ​​chính sách và vận động với mục tiêu thúc đẩy các chính sách bảo tồn truyền thống trong cộng đồng các ứng cử viên chính trị và các viên chức dân cử. Theo ông, các nguyên tắc được ủng hộ bởi sáng kiến ​​này — gọi là Dự án Giải pháp Hoa Kỳ — đã góp phần hiệu quả vào sự thịnh vượng và sức mạnh của Hoa Kỳ trong suốt nhiệm kỳ của chính phủ Tổng thống Trump.

Thúc đẩy Nền Tự Do Của Hoa Kỳ (AAF), một tổ chức có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn do ông Pence thành lập, đã công bố Dự án Giải Pháp Hoa Kỳ vào ngày 20/02. Tổ chức tuyên bố, nhiệm vụ của tổ chức này là bảo vệ các chính sách và giá trị bảo tồn truyền thống; chống lại “các cuộc tấn công vào quyền tự do và sự xuyên tạc của truyền thông”.


Nathan Wade Nạp Đơn Xin Rút Lui

Biện lý Quận Fulton Fani Willis đã chấp nhận đơn từ chức của công tố viên trưởng Nathan Wade, người mà bà đang ngoại tình, gọi ông là “dũng cảm” khi tham gia một vụ án cao cấp kiện cựu Tổng thống Donald Trump và 14 đồng bị cáo.

công tố Nathan Wade

Hôm thứ Sáu (15/03), trong một bức thư gửi ông Wade, bà Willis đã chấp nhận đơn từ chức “có hiệu lực ngay lập tức” của ông.

Ông Wade đã từ chức “có hiệu lực ngay lập tức” hôm thứ Sáu, vài giờ sau khi Thẩm phán Scott McAfee của Tòa Thượng thẩm Quận Fulton ra phán quyết rằng bà Willis không cần phải từ bỏ việc truy tố vụ án nếu công tố viên đặc biệt bị cách chức. Ông Wade đã bị tố cáo đã có quan hệ tình cảm vụng trộm với bà Willis, bị xem là có ảnh hưởng đến vụ án.

Một điều đã làm dư luận xầm xì là bà Willis viết trên mạng xã hội rằng, “Tôi khen ngợi ông vì sự chuyên nghiệp và phẩm giá mà ông đã thể hiện trong hơn 865 ngày qua, khi ông phải chịu đựng những lời đe dọa ông và gia đình, cũng như những cuộc tấn công phi lý trên truyền thông và tại tòa án vào danh tiếng của ông với tư cách là một luật sư”.

Ông Wade cho biết ông sẽ từ chức “vì lợi ích dân chủ, vì cống hiến cho công chúng Mỹ, và vì để thúc đẩy vụ án tiến triển nhanh”.

Vị biện lý quận đang gặp khó khăn này và vị công tố viên đặc biệt mà bà thuê là những đối tượng điều tra của các cáo buộc do các bị cáo mà họ đang truy tố đề ra. Theo cáo buộc, bà Willis đã có một mối quan hệ không đúng mực với ông Wade mà qua đó bà được hưởng lợi về mặt tài chính.

Các luật sư của bị cáo đã khám phá à tố cáo, nhưng thẩm phán McAfee đã phán quyết rằng họ không chứng minh được có sự “xung đột lợi ích”.

Tuy nhiên, ông lưu ý trong án lệnh rằng mối quan hệ giữa bà Willis và ông Wade là một “sự thể hiện đáng kể một tác phong không đúng mực gây ảnh hưởng đến cấu trúc hiện tại của nhóm công tố”.

Nhưng ông nhận thấy điều này đe dọa đến “niềm tin của công chúng vào hệ thống pháp luật”. Tuy nhiên, mặc dù việc thể hiện tác phong không đúng mực này chưa đủ để loại bà Willis, nhưng ông nhận thấy rằng một trong hai người phải rút lui khỏi vụ án thì mới được.

Trong lệnh của thẩm phán, ông chỉ trích bà Willis, vốn là một người Mỹ gốc Phi Châu, vì đã có bài diễn thuyết mang tính phân biệt chủng tộc tại một nhà thờ ở Atlanta hôm 14/01. Bà Willis đã trình bày bài diễn thuyết đó ngay sau khi những cáo buộc chống lại bà và ông Wade xuất hiện.

Thẩm phán McAfee nhận thấy rằng những bình luận đó là “không phù hợp về mặt pháp lý”. Ông viết rằng “việc đưa ra kiểu bình luận công khai này tạo ra những vùng nước nguy hiểm để Biện lý Quận lún sâu hơn”.

Thẩm phán chỉ ra rằng ông có thể cân nhắc ban hành một lệnh bịt miệng đối với bà Willis.


Thẩm Phán Chỉ Trích Bà Willis Vì Những Bình Luận ‘Không Phù Hợp Về Mặt Pháp Lý’

Mặc dù thẩm phán trong vụ án Georgia của cựu Tổng thống Donald Trump đã cho phép Biện lý Quận Fani Willis tiếp tục có mặt trong  vụ án, nhưng ông đã chỉ trích bà Willis vì đã có một bài diễn thuyết mang tính phân biệt chủng tộc vào giữa tháng Giêng, trong đó bà đã viện đến “lá bài chủng tộc” (để nhận được sự cảm thông từ mọi người).

biện lý Fani Willis

Bà Willis đã có bài diễn thuyết hôm 14/01 tại một nhà thờ ở Atlanta chỉ vài ngày sau khi xuất hiện những cáo buộc rằng bà có mối quan hệ không đúng mực với luật sư cố vấn của mình. Bà Willis, một người Mỹ gốc Phi Châu, dường như muốn gợi ý rằng các đơn kiến nghị gửi lên tòa án nhắm vào bà được đưa ra dựa trên động cơ thù ghét chủng tộc đối với bà, mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.

Thẩm phán Scott McAfee đã phán quyết hôm thứ Sáu (15/03) rằng, các bình luận nói trên là “không phù hợp về mặt pháp lý”“việc đưa ra kiểu bình luận công khai này tạo ra những vùng nước nguy hiểm để Biện lý Quận lún sâu hơn”.

Các luật sư của cựu Tổng thống Trump đã đệ trình một kiến ​​nghị cáo buộc bà Willis có khả năng mang yếu tố thiên vị vào trong vụ án, điều có thể ảnh hưởng đến nhóm bồi thẩm đoàn. Họ lập luận rằng bà nên bị loại khỏi vụ án vì những lời nhận xét của mình, mặc dù phán quyết hôm thứ Sáu đã cho phép bà tiếp tục tham gia vụ án.

Văn phòng của bà lập luận rằng nhận xét của bà Willis được đưa ra một cách chung chung, cũng không đề cập cụ thể đến bất cứ cáo buộc nào chống lại ông Trump hoặc các đồng bị cáo khác trong vụ án. Bà cũng không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về các bị cáo trong vụ án.

Nhưng Thẩm phán McAfee nói rằng không rõ bà ấy đang đề cập đến ai. Thẩm phán McAfee viết trong án lệnh, “Hiệu ứng của bài diễn thuyết này là tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực về chủng tộc đối với quyết định của Bị cáo bị truy tố về việc nộp đơn kiến ​​nghị này trước phiên xét xử”.

Thẩm phán dường như không áp đặt bất cứ biện pháp trừng phạt nào đối với biện lý quận Willis vì những bình luận của bà tại nhà thờ.

Thẩm phán McAfee đã viết rằng bà Willis phải từ chức, hoặc bà phải đình chỉ công việc của ông Wade trong vụ án của ông Trump, nói rằng ông không nhận thấy mối quan hệ của bà với ông Wade dẫn đến xung đột lợi ích khiến bà buộc phải bị loại ra khỏi vụ án lớn nhất trong bốn vụ án hình sự chống lại cựu tổng thống.

Và, thẩm phán đã ra phán quyết, bà Willis chỉ có thể tiếp tục vụ án nếu ông Wade rút lui do “tác phong không đúng mực” gây ảnh hưởng đến nhóm công tố viên.


Các Nhà Lập Pháp Giới Thiệu Dự Luật Trừng Phạt Những Ai Tham Gia Vào Cuộc Chiến Chính Trị Của Trung Cộng

Hai thành viên đảng Cộng Hòa đã giới thiệu luật lưỡng viện nhằm chống lại các mối đe dọa do hệ thống “Mặt trận Thống nhất” của Trung Cộng lập ra.

Hôm 13/03, Dân biểu Jim Banks (Cộng Hòa-Indiana), một thành viên trong Ủy ban Đặc Biệt của Hạ Viện về Trung Cộng, và Nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas), thuộc Ủy ban Đặc Biệt của Thượng Viện về Tình báo, đã giới thiệu “Đạo luật Chống lại Chiến tranh Chính trị của Trung Cộng”.

dân biểu Jim Banks

Nếu được ban hành, luật này sẽ trao quyền cho tổng thống Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân hay tổ chức “cố tình tham gia vào cuộc chiến tranh chính trị thay mặt cho một chính phủ hoặc đảng phái chính trị ngoại quốc” chống lại Hoa Kỳ. Các biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm cấm thị thực và đóng băng giao dịch tài chánh.

Theo định nghĩa của dự luật này, chiến tranh chính trị bao gồm việc gieo rắc tuyên truyền, làm gián đoạn các hoạt động ở Hoa Kỳ, và ngăn cản các cá nhân thực hiện các hành động thông qua cưỡng ép, hoặc đe dọa.

Dự luật này có mục tiêu nhắm vào các tổ chức “Mặt trận Thống nhất” của Trung Cộng và các nhóm khác của Trung Cộng tham gia vào chiến tranh chính trị.

Ông Jim Banks tuyên bố, “Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đã nhắm mục tiêu vào các trường đại học, các nhà lập pháp tiểu bang và địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp và thậm chí cả Quốc Hội của chúng ta. Dự luật này cung cấp cho Mỹ quốc những công cụ cần thiết để chống lại ảnh hưởng xấu xa của Trung Cộng trên đất Hoa Kỳ”.

Tại Trung Quốc, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của Trung Cộng chịu trách nhiệm trực tiếp trước Trung Ương Đảng Cộng sản, một cơ quan đầu não của Trung Cộng do Tập Cận Bình đứng đầu. UFWD điều phối hàng ngàn tổ chức để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị ở ngoại quốc, đàn áp các tiếng nói và hoạt động bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo, và tạo thuận tiện cho việc chuyển giao kỹ nghệ sang Trung Quốc. Cuối cùng, Trung Cộng sử dụng UFWD để thúc đẩy các lợi ích kinh tế, chính trị, và an ninh của mình trên toàn thế giới.

Tập Cận Bình đã mô tả Mặt trận Thống nhất là “vũ khí ma thuật” của đảng cộng sản Trung Cộng. Tháng 12/2023, Tập Cận Bình đã gặp các đặc phái viên ngoại giao Trung Cộng tại Bắc Kinh và nói với họ rằng họ phải “tận dụng tốt công cụ hiệu quả của mặt trận thống nhất”.


Gián Điệp Trung Cộng Âm Thầm Xâm Nhập Cơ Sở Hạ Tầng Ở Hoa Kỳ

Các cuộc điều tra gần đây về các cần cẩu chuyển hàng do Trung Quốc chế tạo được sử dụng tại các cảng trên khắp nước Mỹ cho thấy trong số đó có những chiếc được gắn thiết bị liên lạc có khả năng truy cập từ xa, gây ra một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Phản ứng trước các nỗ lực gián điệp của Trung Cộng trong quá khứ và hiện tại, các nhà lập pháp đang nêu lên các mối lo ngại với chính phủ Tổng thống Biden, trích dẫn các mối đe dọa tấn công tiềm tàng vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ.

Một cuộc điều tra của Quốc Hội về các cần cẩu chuyển hàng do Trung Cộng chế tạo được đặt ở nhiều cảng khác nhau trên khắp đất nước cho thấy những cần cẩu này được trang bị thiết bị liên lạc, một số trong đó không trợ giúp cho các hoạt động thường xuyên nhưng có thể được truy cập từ xa. Phát giác này làm dấy lên mối lo ngại rằng thiết bị do Trung Cộng sản xuất có thể đe dọa an ninh các cảng của Hoa Kỳ.

Những chiếc cần cẩu lớn này là sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Nặng Thượng Hải Chấn Hoa (Shanghai Zhenhua Heavy Industries Co., Ltd). và đang được sử dụng ở 80% các cảng của Hoa Kỳ. Ngũ Giác Đài và các viên chức tình báo lo ngại về các hoạt động gián điệp và can thiệp tiềm tàng xuất phát từ những cần cẩu này.

Dân biểu Mark Green, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ Viện, đưa ra cảnh báo: “Chế độ Trung Cộng đang tìm mọi cơ hội để thu thập thông tin tình báo có giá trị và đặt mình vào vị trí khai thác các lỗ hổng bằng cách thâm nhập một cách có hệ thống vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, bao gồm cả lãnh vực hàng hải”.

Người ta cũng ngày càng lo ngại rằng tin tặc Trung Cộng đã chuẩn bị trước để phá hoại cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra các cuộc xung đột thù địch.

Để loại bỏ những rủi ro như vậy, tháng trước, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố một kế hoạch đầu tư vào Mitsui & Co. (Hoa Kỳ), công ty con thuộc Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản, để thay thế các cần cẩu do Trung Cộng sản xuất, đang sử dụng tại các cảng của Mỹ.

Hôm 31/01, Giám đốc FBI Christopher Wray đã báo cáo trước Quốc Hội rằng tin tặc Trung Cộng thường xuyên nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Hoa Kỳ, bao gồm lưới điện, cơ sở xử lý nước, và hệ thống giao thông, và rằng Trung Cộng đang tìm cách “tàn phá và gây ra những thiệt hại thực sự cho công dân và các cộng đồng ở Mỹ, một khi Trung Cộng quyết định đã đến lúc tấn công”.

Các phương pháp đánh cắp bí mật của Trung Cộng không chỉ giới hạn ở việc tấn công mạng mà còn bao gồm các chiến thuật gián điệp truyền thống.

Hôm 06/03, Bộ Tư Pháp thông báo rằng ông Linwei Ding, cựu kỹ sư nhu liệu của Google và là công dân Trung Cộng, đã bị buộc tội đánh cắp các bí mật thương mại AI của Google trong quá trình hợp tác bí mật với hai công ty Trung Cộng.

Tổng Chưởng lý Merrick Garland đã công bố bản cáo trạng này tại hội nghị Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ ở San Francisco. Theo cáo trạng do Tòa án Địa hạt Bắc California công bố, ông Ding được Google tuyển dụng vào năm 2019 và có quyền truy cập vào thông tin bí mật từ các trung tâm dữ kiện siêu điện toán của công ty. Hai năm trước, ông đã tải hàng trăm hồ sơ lên trương mục Google Cloud cá nhân của mình, và vào cuối năm ngoái, ông đã thôi việc ở Google.

Các công tố viên tiết lộ rằng vài tuần sau vụ trộm cắp dữ kiện này, ông Ding trở thành giám đốc kỹ nghệ của một công ty khởi nghiệp về kỹ nghệ của Trung Cộng. Ngoài ra, ông Ding còn thành lập một công ty khởi nghiệp liên quan đến AI ở Trung Cộng, giữ chức vụ Giám đốc điều hành của công ty này.

Hồi tháng Giêng, FBI đã đột kích nơi ở của ông Ding, thu giữ các thiết bị điện tử và các trương mục cá nhân của ông, trong đó có hơn 500 tập hồ sơ thông tin bí mật duy nhất đánh cắp từ Google.

Xe điện do Trung Quốc sản xuất đã tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đảng cộng sản Trung Cộng và hiện đang được xuất cảng trên toàn thế giới. Do khả năng kỹ nghệ cao của những chiếc xe này, nên chúng gây ra rủi ro an ninh cho Hoa Kỳ, làm dấy lên nhiều lo ngại.

Tòa Bạch Ốc đã chỉ thị cho Bộ Thương Mại tiến hành một cuộc điều tra rủi ro an ninh quốc gia đối với “các loại xe được kết nối” do Trung Quốc sản xuất. Các viên chức Tòa Bạch Ốc nói rằng kỹ nghệ xe điện, vốn dựa vào Internet để khai triển các công cụ định vị và hệ thống lái tự động, không chỉ có thể được sử dụng như một công cụ gián điệp mà còn có thể dẫn đến tê liệt giao thông. Sau khi được kết nối với các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại di động, các phương tiện khác, nhà sản xuất xe hơi, và cơ sở hạ tầng, thì những chiếc xe điện này sẽ gây rủi ro cho an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết trong một sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức hôm 28/01, “Một chiếc xe điện tinh vi, và sau đó là một chiếc xe tự hành, chứa đầy hàng ngàn khối bán dẫn và cảm biến. Thiết bị này thu thập một lượng lớn thông tin về người lái xe, vị trí của xe, và môi trường xung quanh xe”.

Bà cho rằng nếu Trung Cộng có được những thông tin như vậy trên quy mô lớn thì việc này sẽ gây ra rủi ro trầm trọng cho an ninh và quyền riêng tư của công dân Mỹ.


Các Trạm Vũ Trụ, Bến Cảng, Và Sự Can Dự Của Trung Cộng Ở Châu Mỹ Latinh

Từ thương mại và các khoản cho vay cho đến các bến cảng và trạm không gian vũ trụ ở Châu Mỹ Latinh, Trung Cộng đều đang bao quanh Hoa Kỳ.

Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã tích cực lôi kéo châu Mỹ Latinh và vùng Caribe (LAC), sử dụng nhiều công cụ khác nhau để mở rộng ảnh hưởng của Trung Cộng. Chiến lược chính của Bắc Kinh là kinh tế, nhưng sự can dự kinh tế này đi đôi với can dự ngoại giao.

Động cơ của Trung Cộng trong việc đàm phán với LAC bao gồm hai mặt: thứ nhất, để có được tài nguyên thiên nhiên, và thứ hai, làm suy yếu Hoa Kỳ. Điều này bao gồm việc giúp đỡ các quốc gia có quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ và khuyến khích quan điểm “thế giới đa cực” nhằm hạ thấp địa vị thống trị của Mỹ. Bắc Kinh cũng khuyến khích các nước Mỹ Latinh chuyển từ công nhận Đài Loan sang công nhận Trung Cộng.

Red China’s space station

Trung Cộng giữ tư cách quan sát viên trong Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ, và đã đề nghị hợp tác với các thành viên thông qua Sáng Kiến An Ninh Toàn Cầu. Bắc Kinh cũng là thành viên của cả Ngân Hàng Phát Triển Liên Châu Mỹ và Ngân Hàng Phát Triển Caribe. Ngoài ra, Trung Cộng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Argentina, Brazil, Chile, Ecuador, Mexico, Peru, và Venezuela. Trong 9 năm qua, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã tham gia ba hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo và các ngoại trưởng từ Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), ngoại trừ Hoa Kỳ và Canada.

Không dưới 21 quốc gia LAC là thành viên của Sáng Kiến ​​Vành Đai và Con Đường (BRI), và nhiều quốc gia đang ngày càng mắc nợ Trung Cộng. Tuyên truyền của Trung Cộng trong khu vực nhấn mạnh vào mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” và “tôn trọng chủ quyền”, những khái niệm mà theo cách giải thích của Trung Cộng là không can thiệp vào các vấn đề nhân quyền và dân chủ của các quốc gia đi vay.

Bắc Kinh và Caracas đã ký một thỏa thuận để các hỏa tiễn Trung Cộng chở các nhà khoa học Venezuela Lên Trạm Quốc Tế Nghiên Cứu Mặt Trăng (ILRS) mà Trung Cộng dự định thành lập trên mặt trăng. Sự hợp tác này nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của Trung Cộng nhằm bảo đảm an ninh cho các trạm mặt đất và các địa điểm liên lạc không gian trên toàn cầu, từ đó củng cố các khả năng mở rộng lãnh vực không gian của Trung Cộng.

Với kỹ nghệ vũ trụ được dự đoán sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc chiến trong tương lai, Trung Cộng đặt mục tiêu bảo đảm Trung Cộng duy trì lợi thế cạnh tranh về kỹ nghệ không gian với Hoa Kỳ.

Thông qua Tổ chức Hợp Tác Không Gian Châu Á-Thái Bình Dương (APSCO) do Trung Cộng đứng đầu, Bắc Kinh đã cung cấp vệ tinh cho một số quốc gia LAC, bao gồm Venezuela, Bolivia, và Brazil. Bắc Kinh cũng đã xây dựng các trạm mặt đất ở Argentina, Bolivia, Chile, và Venezuela. Trạm ở Argentina khiến Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại vì trạm này là do cơ quan Kiểm Soát Theo Dõi Chung và Phóng Vệ tinh Trung Cộng (CLTC) điều hành, mà CLTC lại là một bộ phận của Lực Lượng Trợ Giúp Chiến Lược của Quân Giải Phóng Trung Cộng, và nhân viên của trạm chủ yếu là các lính Trung Cộng.

Bên cạnh không gian vũ trụ, kế hoạch hành động chung Trung Cộng -CELAC giai đoạn 2022-2024 vạch ra sự hợp tác trong một số lãnh vực, bao gồm chính trị, an ninh, kinh tế, nông nghiệp và thực phẩm, công nghiệp và kỹ nghệ thông tin, cũng như cơ sở hạ tầng phẩm chất cao. Khía cạnh cơ sở hạ tầng này giúp ích cho năng lực của Trung Cộng trong việc mua thực phẩm, kim loại, và tài nguyên thiên nhiên từ các nước LAC.

Một bước phát triển gần đây trong hợp tác cơ sở hạ tầng, là việc công ty Cosco Shipping do nhà nước Trung Cộng hậu thuẫn đã xây dựng một cảng trị giá 3.5 tỷ USD ở Peru, nơi Trung Cộng đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất owr Peru. Mặc dù cảng này sẽ nâng cao tính hiệu quả của Bắc Kinh trong việc xử lý và khai thác kim loại, khoáng sản, và các tài nguyên thiên nhiên khác để vận chuyển trở lại Trung Cộng, nhưng cảng cũng gây ra mối lo ngại về an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ.

Sự can dự an ninh của Trung Quốc tại khu vực LAC đang tiến triển, bao gồm cả việc bán vũ khí cho các quốc gia chống đối Mỹ. Venezuela, Bolivia, và Ecuador là những khách hàng chính ở châu Mỹ Latinh mua thiết bị và vũ khí quân sự của Trung Cộng, bao gồm phi cơ và xe thiết giáp. Ngoài ra, Trung Cộng đã cung cấp miễn phí một số loại vũ khí, phương tiện quân sự, cũng như đào tạo miễn phí cho các quốc gia Châu Mỹ Latinh, nhằm mục đích củng cố các liên minh an ninh.

Binh lính Trung Cộng ngày càng hiện diện nhiều ở LAC. Lính Trung Cộng có một trạm nghe lén điện tử ở Cuba, duy trì sự hiện diện quân sự ở Châu Mỹ Latinh, mở rộng các hoạt động của các công ty an ninh tư nhân Trung Cộng trong khu vực, và tăng cường các sáng kiến đem nhân viên an ninh sang Trung Quốc để huấn luyện.


Vụ Nổ Lớn Xảy Ra Ở Vùng Ngoại Ô Bắc Kinh

Một vụ nổ lớn đã xảy ra ở vùng ngoại ô của Bắc Kinh ngay sau Kỳ họp Lưỡng hội, hai phiên họp chính trị cao cấp của giới cầm quyền tại Trung Cộng.

Chính quyền địa phương đã ngăn cấm tất cả giới truyền thông đưa tin về vụ nổ này, trong đó có cả đài truyền hình nhà nước CCTV của Trung Cộng, khiến Hiệp Hội Ký Giả Trung Cộng do nhà cầm quyền kiểm soát, bị buộc phải đưa ra một tuyên bố hiếm hoi, phản đối công an cộng sản đối xử với các phóng viên.

Vụ nổ xảy ra vào sáng ngày 13/03 tại đường Nghênh Tân, thị trấn Yến Giao, thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc, giáp với vùng ngoại ô của Bắc Kinh. Một khách sạn bốn tầng đã đổ sập sau vụ nổ.

Hôm 14/03, nhà cầm quyền thành phố Tam Hà cho biết hoạt động cứu cấp tại chỗ đối với “tai nạn do cháy nổ” xảy ra ở thị trấn Yến Giao, thành phố Tam Hà đã hoàn thành. Các nhà chức trách loan báo vụ tai nạn này khiến 7 người thiệt mạng và 27 người bị thương.

Ông Nghiêm, một người dân địa phương, nói với The Epoch Times hôm 14/03 rằng địa điểm xảy ra vụ nổ gần khu đại học, nơi có mật độ dân số rất cao, và có thể còn nhiều người khác bị thương.

Theo video được đăng tải trên mạng, vụ nổ này đã lan sang khắp khu vực xung quanh. Người dân địa phương cho biết cửa sổ bằng kính của các tòa nhà cách đó 50 đến 60 mét (164 đến 197 feet) đều bị vỡ.

Hôm 13/03, Cục Quản lý Khẩn cấp thành phố Tam Hà đưa tin vụ nổ này bị nghi ngờ là do rò rỉ khí gas tại một nhà hàng thịt gà chiên. Tuy nhiên, nhiều hãng truyền thông Trung Cộng nghi ngờ về tin tức này. Tờ Times Finance, hôm 14/03 đưa tin chỉ có một tiệm thịt gà chiên tên là “Gà Chiên Vĩnh Thuận” ở khu vực xảy ra vụ việc. Một nhân viên của nhà hàng nói với giới truyền thông: “Cửa hàng của chúng tôi không phát nổ và cũng không sử dụng gas. Chúng tôi chỉ sử dụng điện để nấu ăn”.

Trong báo cáo chính thức đầy đủ về vụ việc được công bố sáng ngày 14/03, nhà cầm quyền thành phố không đề cập đến nguyên nhân vụ nổ mà chỉ gọi đó là một vụ “cháy nổ”. Đến chiều, ông Lưu Phúc Lai (Liu Fulai), trưởng nhóm điều tra vụ tai nạn, cho biết rò rỉ đường ống vận chuyển khí đốt là nguyên nhân gây ra vụ nổ ở Yến Giao.

Sau vụ nổ, nhà cầm quyền địa phương ngay lập tức cấm các hãng truyền thông đưa tin trực tiếp tại hiện trường, và các phóng viên truyền thông nhà nước đã bị công an địa phương xua đuổi một cách thô bạo và bắt đi.

Theo các video được đăng tải trên mạng xã hội, vào sáng ngày 13/03, khi nữ phóng viên Yang Haining của CCTV, đài truyền hình nhà nước Trung Cộng, đang được phát sóng trực tiếp tại hiện trường vụ nổ, một công an đã dùng thân mình chặn camera, và buổi trực tiếp truyền hình bị gián đoạn.


Mối Quan Hệ Bí Mật Của Tiktok Đảng Cộng sản Trung Cộng

Việc Hạ Viện nhanh chóng thông qua “Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi các Ứng dụng do Đối thủ Ngoại quốc Kiểm soát” hôm 13/03 một lần nữa thu hút sự chú ý đến tác động của TikTok đối với Hoa Kỳ và mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Cộng. Nếu được ký thành luật, dự luật sẽ yêu cầu đại công ty truyền thông xã hội TikTok thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Cộng trong vòng 165 ngày, nếu không sẽ phải đối mặt với một lệnh cấm trên các cửa hàng ứng dụng và dịch vụ lưu trữ của Hoa Kỳ 180 ngày sau khi dự luật được ban hành.

Dự luật hiện sẽ được chuyển đến Thượng Viện. Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ ký thành luật nếu dự luật này được Thượng Viện thông qua.

Nhằm ngăn dự luật được thông qua, TikTok đã thông báo cho người dùng rằng các quyền của họ do Hiến Pháp Hoa Kỳ cấp đang bị “tước bỏ”. Ứng dụng này nhắc người dùng ứng dụng nhập mã ZIP của họ và hướng dẫn họ gọi đến văn phòng Quốc Hội và văn phòng nghị sĩ của họ để ngăn chặn việc cấm TikTok. Tuy nhiên, các hành động của TikTok chỉ càng làm các nhà lập pháp quyết tâm hơn. Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), một nhà bảo trợ cho dự luật, cho biết, Ngày hôm nay, tất cả mọi chuyện đều xoay quanh dự luật của chúng tôi và việc đe dọa các nghị sĩ đang xem xét dự luật đó. Nhưng ngày mai, đó có thể là thông tin sai lệch hoặc dối trá về một cuộc bầu cử, về một cuộc chiến, về bất cứ thứ gì. Đây là lý do tại sao chúng ta không thể cho phép một nền tảng tin tức ở Mỹ bị kiểm soát hoặc sở hữu bởi một công ty nằm dưới sự giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, địch thủ hàng đầu của chúng ta”.

Hiện tại, TikTok có 170 triệu người dùng tại Hoa Kỳ, tăng hơn 20 triệu so với năm 2023. Tổng số người dùng toàn cầu của ứng dụng này đạt xấp xỉ 1.7 tỷ vào năm 2023, với hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Khoảng 40% người dùng trưởng thành của TikTok ở Mỹ xem ứng dụng này là nguồn tin tức và thông tin chính của họ.

Mặc dù TikTok nhiều lần tuyên bố không liên quan đến Trung Cộng, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy nền tảng này bị Trung Cộng kiểm soát và đóng vai trò như một công cụ tuyên truyền, đàn áp bất đồng chính kiến, và giám sát, thậm chí theo dõi tin nhắn riêng tư của người dùng.

Trong một phiên điều trần hồi tháng 11/2023, ông Gallagher đã nói rõ rằng ưu tiên hàng đầu của Trung Cộng là chế ngự tâm trí người Tây phương và TikTok là một vũ khí hoàn hảo, được ngụy trang và ẩn giấu kỹ lưỡng.

Trong một cuộc họp báo hôm 07/03, ông nhắc lại mối quan hệ giữa TikTok và Trung Cộng.  Ông nói, “Ở Trung Quốc không có cái gọi là công ty tư nhân. Nhà cầm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc, và lãnh đạo Tập Cận Bình của họ đã nhúng tay sâu vào hoạt động nội bộ của công ty này, gây ra những hậu quả tàn khốc đối với quyền tự do cá nhân của chúng ta”.

Ở Trung Quốc, tất cả các công ty phải tuân thủ các quy định liên quan đến an ninh, tình báo, phản gián, và an ninh mạng do Đảng Cộng sản đặt ra. Ngoài ra, hồi tháng 08/2022, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Cộng đã yêu cầu 30 đại công ty kỹ nghệ Trung Cộng, bao gồm cả Sina, Weibo, và ByteDance, phải nộp các thuật toán dùng cho các ứng dụng và trang web để cơ quan này quản lý dễ dàng hơn.

Trong cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan hồi tháng Giêng, người ta phát giác ra Trung Cộng đã sử dụng TikTok để tấn công và trấn áp những tiếng nói chống Trung Cộng cũng như các ứng cử viên tổng thống. Nền tảng này được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch về gian lận bầu cử nhằm phá hoại tiến trình dân chủ của Đài Loan.

Vào tháng Ba năm ngoái, Nghị sĩ đảng Cộng Hòa Josh Hawley đã tiết lộ những cáo buộc từ người tố cáo TikTok rằng nhân viên TikTok có thể chuyển đổi giữa dữ kiện Trung Cộng và Mỹ dễ dàng như “bật công tắc đèn” và các kỹ sư Trung Cộng có thể truy cập vào thông tin người dùng TikTok.


Cảnh Sát Nam Hàn Đột Kích Một Nhà Hàng Bị Nghi Là Đồn Công An Bí Mật Của Trung Cộng

Cảnh sát Nam Hàn đã điều tra một nhà hàng Trung Quốc ở Seoul vì bị nghi ngờ hoạt động như một đồn công an bí mật của Đảng Cộng sản Trung Cộng, có liên quan đến việc cưỡng bức hồi hương những người Hoa bất đồng chính kiến. Chủ của nhà hàng này được cho là cũng đảm trách một số vị trí quan trọng khác trong các hiệp hội ở ngoại quốc có liên kết với Trung Cộng.

Các đồn công an được khai triển bí mật ở hải ngoại của Trung Cộng liên tiếp bị phơi bày ở nhiều quốc gia, gióng lên một hồi chuông báo động. Dư luận cho rằng chính phủ Nam Hàn cần nhanh chóng sửa đổi “luật gián điệp” của mình để đối phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia do Trung Cộng gây ra.

Hôm 22/02, Cảnh sát Seoul đã tiến hành một cuộc điều tra theo quy định bắt buộc đối với ông Wang Haijun, 46 tuổi, chủ nhà hàng Trung Quốc Oriental Pearl ở Seoul.

Cùng ngày, cảnh sát đã kiểm tra ông Wang tại cửa hải quan khi ông nhập cảnh vào Nam Hàn và thu giữ đồ đạc cá nhân của ông. Cảnh sát cũng khám xét tư gia của ông Wang ở Incheon và công ty truyền thông của ông. Theo truyền thông địa phương Nam Hàn, ông Wang và những người liên quan đã bị cấm rời khỏi quốc gia này.

Đây là cuộc điều tra bắt buộc đầu tiên kể từ cuối năm 2022 khi cảnh sát phát giác Bắc Kinh đã thành lập một đồn công an bí mật ở Nam Hàn.

Vào cuối năm 2022, một báo cáo của Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha tiết lộ rằng nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã bí mật điều hành các đồn công an bí mật ở một số quốc gia. Báo cáo này cáo buộc rằng Cục Công an Nam Thông đã mở đồn công an bí mật theo hình thức như vậy ở Nam Hàn cũng như ở nhiều quốc gia khác. Báo cáo cũng cho rằng “các đại diện trong cộng đồng Hoa kiều và du học sinh Trung Cộng ở Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn và những nơi khác đã được chiêu mộ làm nhân viên liên lạc ở hải ngoại để hợp tác với các viên chức trong nước cả trong và ngoài nước Trung Cộng”.

Ông Li Yuanhua, một chuyên gia về Trung Cộng và từng là phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Trung Cộng, nói với The Epoch Times rằng cuộc truy quét của cảnh sát Nam Hàn đối với một cá nhân đại diện cho Trung Cộng là “một tín hiệu răn đe và cảnh báo đối với Bắc Kinh”.


TT Biden Và Lãnh Đạo Ba Lan Sẽ Thảo Luận Về Việc  Ukraine Gia Nhập NATO

Tổng thống Joe Biden sẽ đón tiếp Tổng thống Andrzej Duda và Thủ tướng Donald Tusk của Ba Lan tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 12/03 để phối hợp trước Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới và thảo luận về việc kết nạp các quốc gia khác, bao gồm cả Ukraine, vào Liên minh này trong tương lai.

Trong một tuyên bố, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết các nhà lãnh đạo “sẽ tái khẳng định sự ủng hộ không lay chuyển của họ” đối với việc bảo vệ Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga và phối hợp trước Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO ở Hoa Thịnh Đốn vào tháng Bảy. NATO là chữ viết tắt của North Atlantic Treaty Organization, tiếng Việt là Minh Ước Bắc Đại Tây Dương.

Theo một tuyên bố, hôm 05/03 trong chuyến thăm địa điểm dự định tổ chức cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của NATO ở miền bắc Ba Lan, ông Duda cho biết trong số các chủ đề mà ông dự định thảo luận với Tổng thống Biden sẽ bao gồm kế hoạch mở rộng liên minh này trong tương lai, bao gồm cả khả năng gia nhập của Ukraine và các thương vụ mua vũ khí Hoa Kỳ của Ba Lan.

Tuy nhiên, điều kiện để được gia nhập NATO là một quốc gia có nguyện vọng gia nhập phải giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quốc tế của mình, nhưng Ukraine thì đang trong tình trạng chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của Nga.

Tuyên bố của văn phòng tổng thống Ba Lan, cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Ba Lan với tổng thống Hoa Kỳ cũng trùng với dịp kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO. Sau chuyến thăm, ông Duda sẽ tới Bỉ, nơi ông sẽ gặp ông Stoltenberg.

Để đáp lại nguyện vọng của Ukraine để trở thành thành viên NATO, tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Bucharest, Romania, các đồng minh đã đồng ý rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh này.

Tuy nhiên, năm 2010, nước này theo đuổi chính sách phi liên kết, đã chấm dứt sau khi Nga sát nhập Crimea và việc phe ly khai được Nga hậu thuẫn tiếp quản khu vực Donbas vào năm 2014.

Năm 2017, nghị viện Ukraine đã thông qua luật pháp biến việc gia nhập NATO của nước này thành mục tiêu chiến lược, hai năm sau họ đã thêm mục tiêu này vào Hiến Pháp của Ukraine.

Sau Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023, Ukraine đã được miễn khỏi Kế hoạch Hành động Tư cách Thành viên (MAP), vốn là một bước bắt buộc trong quá trình gia nhập thành viên mới. MAP được đưa ra với mục đích tối ưu hóa thủ tục gia nhập khối sau khi các nước cộng sản cũ ở Đông Âu gia nhập NATO.

Tại một cuộc họp báo hôm 13/02, Đại diện Thường trực của Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith cho biết liên minh này đã làm việc với Ukraine kể từ hội nghị thượng đỉnh trước đó để giúp nước này thực hiện những cuộc cải tổ cần thiết “để tiến gần hơn đến sự hội nhập giữ Châu Âu và Đại Tây Dương, cả sự hội nhập của họ với Liên minh Âu Châu và với NATO”.

Bà Smith nói: “Đối với hội nghị thượng đỉnh vào mùa hè này, tôi không nghĩ rằng Liên minh sẽ đưa ra lời mời đến Ukraine, trong tình hình này”.

Bài liên quan:
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt