Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới
Đảng Cộng Hòa Phản Đối Sáng Kiến Của Bộ Tư Pháp
Hồi cuối tuần đảng Cộng Hòa đã đưa ra cảnh báo sau khi Bộ Tư Pháp (DOJ) công bố một “trung tâm nguồn lực” đào tạo để giúp thực thi luật cảnh báo của tiểu bang nhằm ngăn chặn một số cá nhân sử dụng súng.
Hôm thứ Bảy (23/03), Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland cho biết trong một bản tin rằng trung tâm này sẽ “cung cấp cho các đối tác trên khắp đất nước những nguồn lực để bảo đảm súng không lọt vào tay những người gây ra mối đe dọa cho chính họ hoặc người khác”. Trang web, được ra mắt trong tuần này, sẽ cung cấp các khóa đào tạo và sự trợ giúp kỹ thuật cho “các viên chức an ninh, công tố viên, luật sư, thẩm phán, bác sĩ lâm sàng, nhà cung cấp dịch vụ xã hội và dịch vụ nạn nhân, tổ chức cộng đồng, và các chuyên gia sức khỏe”.
Thông cáo cho biết, luật cảnh báo, hay Án lệnh Bảo vệ cho Trường hợp Rủi Ro Cực Độ (Extreme Risk Protection Order, ERPO), cho phép các viên chức tịch thu súng từ một cá nhân theo lệnh của thẩm phán nếu cá nhân đó “có nguy cơ làm hại chính họ hoặc người khác”.
Ông ông Garland cho biết trong thông cáo, “Việc thành lập Trung tâm này là ví dụ mới nhất về nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc sử dụng tất cả các quy định do Đạo luật Cộng đồng An toàn hơn của Lưỡng đảng cung cấp để bảo vệ cộng đồng khỏi bạo lực súng đạn”.
Thông báo của Bộ Tư pháp được đưa ra sau hai năm kể từ khi Quốc Hội thông qua Đạo Luật Cộng Đồng An Toàn Hơn của lưỡng đảng, đạo luật tạo ra quy trình giúp các tiểu bang và thành phố thực thi luật cảnh báo. Luật này được đưa ra sau vụ xả súng hàng loạt ở Uvalde, Texas, khiến hai chục trẻ em và giáo viên thiệt mạng, trong khi Bộ Tư Pháp cho biết hồi tháng Giêng rằng cảnh sát địa phương đã không thể hiện bất cứ sự khẩn cấp nào và về căn bản đã thất bại trong việc ứng phó với vụ nổ súng đó.
Một số nhà lập pháp đảng Cộng Hòa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sau thông báo của DOJ hồi cuối tuần này.
Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) đã viết trên X, “Ông Merrick Garland vừa công bố một Chiến dịch Cảnh báo quy mô lớn mà DOJ sẽ điều hành bằng cách sử dụng MỌI công cụ gián điệp mà chính phủ Hoa Kỳ có nhằm vi phạm Tu chính án Thứ hai của Mỹ! Điều này xảy ra ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tài trợ đầy đủ cho DOJ được vũ khí hóa của Joe Biden!”.
Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) viết trên X, “Cái quái gì thế này? Trung tâm Cảnh báo Liên bang; Chúng tôi không cho phép điều này”. Nhà lập pháp tiểu bang Kentucky đã lưu ý rằng thông báo này được đưa ra sau khi Thượng Viện có thể thông qua dự luật tài trợ cho chính phủ trong cuộc bỏ phiếu vào sáng thứ Bảy.
Dân biểu Kat Cammack (Cộng Hòa-Florida) đã đề cập đến nội dung của Tu chính án Thứ hai trong Hiến Pháp, viết rằng, “Phần nào trong phần ‘không được xâm phạm’ là khó hiểu?”.
Cả Dân biểu Greene, Dân biểu Cammack, hay Dân biểu Massie đều không bỏ phiếu cho Đạo Luật Cộng Đồng An Toàn Hơn của Lưỡng đảng vào năm 2022. Khi đó, chỉ có 14 nhà lập pháp của đảng Cộng Hòa bỏ phiếu ủng hộ dự luật, 10 người trong số họ đã rời Quốc Hội hoặc không tái đắc cử.
Theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc đưa ra hôm thứ Bảy, 21 tiểu bang đã thông qua luật cảnh báo.
Thông báo của DOJ được đưa ra sau khi tòa phúc thẩm giữ nguyên luật cảnh báo của tiểu bang New York, nói rằng luật này không vi phạm Tu chính án Thứ hai.
Tiểu Bang Theo Đảng Cộng Hoà ‘Tiếp Đón’ Người Nhập Cư Bất Hợp Pháp
Giấy phép lái xe ‘đặc quyền’, thẻ căn cước, bảo hiểm y tế cho trẻ em, học phí đại học, và trợ giúp tài chính trong tiểu bang, giấy phép hành nghề nhanh chóng, không bị Cơ quan Thực thi Di trú và Quan thuế Hoa Kỳ (ICE) tạm giữ 72 giờ, và một thủ tục giảm nhẹ một số trọng tội thành khinh tội để trì hoãn việc trục xuất đối với người nhập cư bất hợp pháp.
Đó có phải là những chính sách của California cấp tiến, hay New York thiên tả, hay Illinois bị đảng Dân Chủ thống trị?
Không phải, mà đó là những chính sách của tiểu bang Utah được mệnh danh là bảo tồn truyền thống, có cơ quan lập pháp tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát nhiều năm. Tiểu bang này đã lập ra một loạt chương trình giúp đỡ cho “các cư dân không có giấy tờ”, bao gồm cả những người nhập cư theo chương trình Tạm Hoãn Thi Hành Lệnh Trục Xuất đối với Những người đến Hoa Kỳ từ Thời thơ ấu (DACA), các chương trình sánh ngang với những chương trình do các tiểu bang trú ẩn (sanctuary state) cung cấp.
Tiến sĩ Ronald Mortensen, một viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã về hưu và từng là giám đốc điều hành cấp cao của Hiệp Hội Quản Lý Nguồn Nhân Lực (SHRM), viết trong một chuyên mục ngày 16/10/2023 cho Trung tâm Nghiên Cứu Nhập Cư (CIS), “Trong nhiều thập niên, tiểu bang Utah thuộc đảng Cộng Hòa (được mệnh danh là tiểu bang màu đỏ) đã tránh bị dán nhãn là tiểu bang trú ẩn mặc dù đây là một trong những tiểu bang tiếp đón những người nhập cư bất hợp pháp cởi mở nhất trên toàn quốc”.
Ông nói, đó là “Cách làm của Utah”, nhằm “chào đón những người nhập cư bất hợp pháp với vòng tay rộng mở trong khi phủ nhận việc cung cấp nơi trú ẩn cho họ”. Ông gọi Utah là “tiểu bang trú ẩn lén lút”.
Thật vậy, Giám đốc Văn phòng ICE Địa phương của thành phố Salt Lake, ông Michael Bernacke, đã đơn phương gọi Utah là “một tiểu bang trú ấn” trong một bản ghi nhớ ngày 31/05/2023 sau khi Văn Phòng Cảnh Sát Trưởng Quận Washington cùng với các quận Utah và Cache chấm dứt các thỏa thuận ICE về giam giữ người nhập cư bất hợp pháp trong hơn 72 giờ.
Do đó, ông đã viết thư cho ông Francisco Madrigal, Trợ lý Giám đốc Thực Thi Của Bộ An Ninh Nội Địa (DHS), rằng một “số lượng người ngoại quốc lớn phi thường” đã được thả “trở lại cộng đồng để cư trú cùng với cư dân Utah”.
Ông cho biết, từ ngày 01/10/2022 đến ngày 30/04/2023, văn phòng của ông đã bắt giữ 4,216 người ngoại quốc nhưng chỉ có 1,396 người bị giam trong các nhà tù ở Utah quá 72 giờ, dẫn đến 67% được thả.
Ông Bernacke viết, “Những người di cư truyền miệng rằng Utah là nơi mà họ sẽ không bị trục xuất. Văn phòng địa phương này cũng đang quan sát những người di cư gần đây đã vượt biên và đang chuyển từ các tiểu bang trú ẩn như New York và Illinois đến Utah do ít gặp phải nguy cơ bị trục xuất hơn”.
Vì Utah có các chính sách tương tự như các tiểu bang trú ẩn “như Colorado, Illinois, Maryland, và Washington”, với các cảnh sát trưởng hiện đang ban hành “các chính sách không giam giữ”, nên ông Bernacke kết luận rằng “Tôi đang gọi tiểu bang Utah là một tiểu bang trú ẩn”.
Hiệp hội Cảnh sát trưởng Utah cho biết trong một tuyên bố hôm 06/10 rằng các thỏa thuận giam giữ ICE dài 700 trang đi kèm với một “danh sách dài vô tận gồm các ‘ràng buộc’ liên bang kèm theo”, nhằm áp đặt các trách nhiệm pháp lý đối với các chính phủ địa phương, và “cung cấp các đặc quyền và sự đối đãi đặc biệt cho những người bị ICE giam giữ vượt xa những gì các công dân bị tống giam của chúng ta nhận được”.
Cùng ngày hôm đó, Thống đốc Tiểu bang Utah Spencer Cox, Chủ tịch Thượng viện tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa Stuart Adams, và Chủ tịch Hạ Viện tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa Brad Wilson đã đáp lại bằng những lời chê trách:
“Cuộc khủng hoảng biên giới, kèm theo hậu quả là số người bị ICE giam giữ gia tăng, thể hiện sự thất bại của liên bang, chứ không phải sự thất bại của tiểu bang hay địa phương. Các thành phố của Utah và các viên chức cơ quan công lực địa phương không có nghĩa vụ đóng vai trò là điểm tựa cho những thất bại dai dẳng về nhập cư ở cấp liên bang”.
Các thành viên đảng Cộng Hòa hiện đang tranh cử bốn ghế Quốc Hội của Utah, ghế Thượng viện Hoa Kỳ bị bỏ trống vì Nghị sĩ Mitt Romney (Cộng Hòa-Utah) sắp về hưu, và thách thức Thống đốc Cox trong cuộc bầu cử sơ bộ ngày 25/06 — xem nhập cư bất hợp pháp là vấn đề hàng đầu của năm 2024, quy trách nhiệm cho chính phủ Tổng thống Biden về “các chính sách biên giới mở” đã gây ra một “cuộc xâm lược” của những người nhập cư bất hợp pháp.
Ông Wilson, một trong 11 ứng cử viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa cho ghế Thượng Viện Hoa Kỳ của Utah, cho biết:
“Dễ thấy là, giải pháp là phải đóng cửa biên giới, xây dựng bức tường [biên giới], và nỗ lực giải quyết vấn đề nhập cư hợp pháp một cách nghiêm túc”.
“Việc nhập cư bất hợp pháp đang khiến người Mỹ tốn từ 1,000 đến 2,000 USD mỗi năm tính theo chi tiêu của tiểu bang địa phương và liên bang. Đó quả là một sự căng thẳng đối với hệ thống tư pháp hình sự, đối với các chương trình dịch vụ xã hội, đối với các trường học, và hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta”.
Ông Wilson tiếp tục, “Chúng tôi đang thấy điều đó ở Utah, và mọi người nổi giận khi bị yêu cầu trả tiền cho việc này và giải quyết hậu quả của hành vi liều lĩnh của ông Biden trong việc mở cửa biên giới”.
Nhưng không phải ai cũng đồng tình rằng các vấn đề nhập cư bất hợp pháp của Utah hoàn toàn là do thất bại ở cấp liên bang.
Gói Tài Trợ Chính Phủ Trị Giá 1.2 Ngàn Tỷ USD Của Hoa Kỳ
Nội dung của gói dự luật phân bổ ngân sách thứ hai — có tổng trị giá 1.2 ngàn tỷ USD — để tài trợ cho phần lớn hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ đã được công bố vào rạng sáng hôm 21/03.
Đạo luật chi tiêu đợt thứ hai này quy định ngân sách cho 70% chi phí của chính phủ liên bang. Trong đó bao gồm các Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngân khố, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Lao động, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS), Bộ Giáo dục, và Bộ Ngoại giao.
Về Bộ Quốc Phòng, Ngũ Giác Đài sẽ nhận được tổng cộng 825 tỷ USD. Dự luật bao gồm mức tăng lương căn bản 5.2% cho các thành viên của quân đội — mức tăng lương căn bản lớn nhất trong vòng hai thập niên.
Dự luật phân bổ nhiều hơn 92 triệu USD so với yêu cầu của chính phủ Tổng thống Biden để cải thiện khả năng răn đe của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ (USINDOPACOM) trước mối đe dọa từ Trung Quốc. 108 tỷ USD được phân bổ cho hợp tác an ninh của Hoa Kỳ với Đài Loan và 300 triệu USD cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, bao gồm huấn luyện, trang thiết bị, và các phương tiện khác để trợ giúp Ukraine.
Tuy nhiên, nguồn tài trợ trực tiếp cho Ukraine và Đài Loan không có trong dự luật chi tiêu vì Quốc Hội đang gặp khó khăn do đảng Cộng Hòa đã kêu gọi các biện pháp nghiêm ngặt về biên giới để đổi lấy việc thông qua. Đảng Cộng Hòa đã chặn một dự luật của Thượng viện trong đó có bao gồm hỗ trợ cho Ukraine và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan, và một số biện pháp an ninh biên giới.
Khoản chi 3.3 tỷ USD thường niên dành cho Israel nằm trong dự luật, như vẫn được phân phối như vậy trong nhiều năm qua.
Về Bộ Ngân khố, Dự luật phân bổ 1.8 tỷ USD cho Bộ Ngân khố, trừ IRS, nơi nhận được 12.3 tỷ USD.
Bộ Ngân khố sẽ nhận được ít hơn 22.9 triệu USD so với năm tài khóa 2023, mặc dù Văn phòng Khủng bố và Tình báo Tài chính sẽ nhận được 226.9 triệu USD, nhiều hơn 10.8 triệu USD so với năm tài khóa 2023.
Bộ An ninh Nội địa (DHS) sẽ nhận được 61.8 tỷ USD, tăng 1.1 tỷ USD so với năm tài khóa 2023.
Khoản tài trợ này sẽ hướng tới kỹ nghệ an ninh biên giới mới, chẳng hạn như “thiết bị kiểm tra không xâm lấn để phát giác fentanyl”, như Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ Viện đã nêu.
Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới (CBP) sẽ nhận được 400 triệu USD để chống lại đường dây fentanyl, một loại ma túy chết người này tràn qua biên giới phía Nam thông qua các băng đảng và các nguồn khác.
Dự luật phân bổ 2.2 tỷ USD để giải quyết thủ tục cho những người xin tị nạn và các mục đích liên quan.
Đạo luật này sẽ cung cấp 274.5 triệu USD cho Chương trình Tài trợ An ninh Bất vụ lợi, là chương trình bảo vệ các tổ chức và có vai trò quan trọng đối với cộng đồng Do Thái trong nhiều năm qua trong bối cảnh chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng gia tăng trầm trọng hơn bởi cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và Hamas. Mức phân bổ này giảm 30.5 triệu USD so với năm tài khóa 2023.
Bộ Lao động sẽ nhận được 13.4 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm tài khóa 2023.
Số tiền này bao gồm 285 triệu USD cho các chương trình học việc, 632 triệu USD cho Cơ quan Quản lý Sức khỏe và An toàn Lao động (OSHA), và 260 triệu USD cho bộ phận Tiền lương và Giờ làm việc của bộ.
Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh (HHS) sẽ nhận được 116.8 tỷ USD, giảm 3.9 tỷ USD so với năm tài khóa 2023, mặc dù Viện Y Tế Quốc gia sẽ nhận được 48.6 tỷ USD trong năm nay, nhiều hơn 300 triệu USD so với năm ngoái.
Theo Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng Viện, sẽ có 3.6 tỷ USD cho Cơ quan Quản lý Chuẩn bị và Ứng phó Chiến lược (ASPR), bao gồm “một khoản tăng 65 triệu USD cho Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tân tiến (BARDA) và 10 triệu USD để thiết lập nguồn tài trợ liên tục cho các hoạt động chuỗi cung ứng và sản xuất tại cơ sở công nghiệp nhằm giúp bảo đảm các nguồn lực quan trọng đó trong chuỗi cung ứng y tế công cộng — bao gồm các nguyên liệu thô, các biện pháp phòng ngừa y tế, và vật tư phụ trợ — được sản xuất tại Hoa Kỳ”. Sự chuẩn bị như vậy từng là một vấn đề quan trọng trong đại dịch COVID-19.
Bộ Giáo dục sẽ nhận được 79.1 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với năm tài khóa 2023. Nguồn tài trợ sẽ dành cho các chương trình như giáo dục mầm non và Pell Grant — cả hai đều rất quan trọng đối với học sinh có thu nhập từ trung bình đến thấp và gia đình của họ.
Khoản trợ cấp Pell Grant tối đa dành cho các trường cao đẳng và đại học sẽ là 7,395 USD — tăng 900 USD so với năm tài khóa trước.
Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ nhận được 11.8 tỷ USD, giảm 5.6 tỷ USD so với năm tài khóa 2023.
Khoản ngân sách này bao gồm 300 triệu USD cho Đài Loan và các khoản viện trợ cho Gaza, nơi Hamas kiểm soát.
Số ngân sách này sẽ bao gồm 50 triệu USD cho các Chương trình An ninh Biên giới và Lãnh sự để họ có thể giải quyết quy trình cấp sổ thông hành (passport) và thị thực (visa) nhanh hơn. Tình trạng tồn đọng sổ thông hành gần đây đã được giảm bớt, với thời gian chờ đợi trở lại mức như trước khi bị tồn đọng.
Luật cũng sẽ phân bổ 886.9 triệu USD cho Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) — giảm 17.8 triệu USD so với năm tài khóa 2023 — vì cơ quan này đã bị Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) chỉ trích vì quản lý nhân viên yếu kém.
Luật chấm dứt tài trợ cho cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc về Israel trong bối cảnh cuộc xung đột mới nhất của nước này với Hamas.
Chỉ có cờ Hoa Kỳ và các lá cờ chính thức khác mới được phép treo trên các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ — ám chỉ sự phản đối của đảng Cộng Hòa đối với việc lá cờ Pride của người đồng tính được treo trên các cơ sở của Bộ ngoại giao.
Cả đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa đều giành được những thắng lợi về mặt chính sách, mặc dù một số thành viên của hai bên vẫn phản đối dự luật bất chấp sự ủng hộ áp đảo tại cả Hạ Viện và Thượng Viện trước khi đến bàn của Tổng thống Joe Biden để lấy chữ ký của ông và nhờ đó, ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa một phần.
Cách Đưa Tin ‘Bóp Méo’ Của New York Times Về Các Cuộc Đàn Áp Của Trung Cộng
Một báo cáo mới cho biết, The New York Times đã phớt lờ, hạ thấp, hoặc đưa tin một cách bóp méo về hàng loạt các vụ đàn áp nhân quyền tại Trung Cộng. Báo cáo lập luận rằng những vi phạm của tờ báo này đối với tính liêm chính trong ngành báo chí có thể mang đến những cái giá phải trả là sinh mạng con người, bởi vì việc đưa tin sai lạc gây ra những thiên lệch trong tranh biện về chính sách và cổ vũ cho những tuyên truyền vô nhân đạo của chế độ cộng sản này.
Báo cáo cho biết, “Không chỉ thường xuyên giữ thái độ im lặng và thờ ơ trước cảnh ngộ tuyệt vọng của nạn nhân, mà thậm chí còn tai hại hơn — khi có đưa tin — thì các bài báo chứa đầy những thông tin xuyên tạc, không chính xác, và có thái độ thù địch rõ ràng, thể hiện mức độ thiếu chuyên nghiệp và thiên vị đáng kinh ngạc”.
Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (FDIC), một tổ chức bất vụ lợi chuyên theo dõi cuộc đàn áp mà những người tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải đối mặt, đã phát hành bản báo cáo này vào hôm 21/03.
Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần gồm những bài tập khoan thai và các bài giảng theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, đã trở thành mục tiêu xóa sổ của Trung Cộng vào năm 1999, sau khi một cuộc khảo sát của nhà cầm quyền cho thấy có nhiều người tập Pháp Luân Công hơn số người gia nhập đảng cộng sản.
Báo cáo cho biết mặc dù tờ báo này tự nhận là có chuyên môn trong việc giải thích các diễn biến ở Trung Quốc, nhưng việc đưa tin của The New York Times về tình hình Pháp Luân Công là “đáng xấu hổ”.
Báo cáo viết, “Tác động của việc đưa tin bóp méo và cách đối đãi vô trách nhiệm của New York Times đối với các học viên Pháp Luân Công khi xem họ là những ‘nạn nhân đáng khinh’ đã góp phần khiến cho các thủ phạm không bị trừng phạt và tước đi sự ủng hộ quan trọng của quốc tế dành cho các nạn nhân, điều chắc chắn đã dẫn đến nhiều đau khổ và thiệt hại nhân mạng hơn trên khắp Hoa Lục”.
Báo cáo viết rằng, điều đó không có nghĩa là tờ báo đã phớt lờ các cuộc đàn áp nhân quyền của Trung Cộng trên diện rộng. Khi đề cập đến các dân tộc thiểu số như người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, “The New York Times đã dành nhiều nỗ đáng kể trong chuyên mục cho những câu chuyện như vậy. Nhưng nếu câu chuyện có liên quan đến Pháp Luân Công, thì “quan điểm của tờ báo lại rất khác biệt”.
The New York Times đã bác bỏ các kết luận của báo cáo này, cho rằng những kết luận đó là “hoàn toàn sai sự thật”.
Báo cáo cho biết, trong 25 năm qua, phần lớn tin tức mà The New York Times đăng tải về Pháp Luân Công đều là tiêu cực hoặc không chuẩn xác, với việc thường xuyên sử dụng các cách gọi đầy miệt thị lặp lại tuyên truyền của Trung Cộng để bài xích Pháp Luân Công.
Trong hàng chục bài viết, tờ báo này đã mô tả Pháp Luân Công là “giáo phái”, “môn phái”, “tà giáo”, hoặc “tà phái”.
Trong một số trường hợp, tờ báo này thừa nhận các tên gọi đến từ phía Trung Cộng để gọi Pháp Luân Công, nhưng trong những trường hợp khác, tờ báo này lại sử dụng chính giọng điệu của mình để đưa ra những cái nhãn cho Pháp Luân Công theo ý không thiện cảm.
Các học giả về tôn giáo Trung Quốc, các nhà nghiên cứu nhân quyền, có cả ký giả đều có kết luận rằng những nhãn mác như vậy là không có cơ sở.
Ông Ian Johnson, tác giả của một loạt bài báo về Pháp Luân Công cho tờ The Wall Street Journal hồi năm 2000, đã nhận xét rằng môn tu luyện này “không đáp ứng được nhiều định nghĩa thông thường về một giáo phái”. Ông viết, “Các thành viên của họ kết hôn với người ngoài nhóm, có bạn bè bên ngoài, làm những công việc bình thường, không sống tách biệt với xã hội, không tin rằng ngày tận thế sắp xảy ra và không đóng góp số tiền đáng kể cho tổ chức. Quan trọng nhất là việc tự sát và bạo lực thân thể đều không được chấp nhận”.
“Pháp Luân Công thực chất là một môn tu luyện phi chính trị, hướng nội, nhằm mục đích thanh lọc tâm hồn và cải thiện sức khỏe của một người”.
Trong khi các tờ báo khác, như The Washington Post và The Wall Street Journal, tiến hành các cuộc điều tra thực tế về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, thì khi so sánh, việc đưa tin ban đầu của The New York Times chỉ mang tính đối phó và hời hợt, “gần như chỉ hoàn toàn dựa vào các tuyên bố từ các nguồn của nhà cầm quyền Trung Cộng”.
Nhà Lập Pháp Đưa Ra Cảnh Báo Về Việc ‘Phân Biệt Đối Xử’ Tại Phi Trường Chicago
Một nhà lập pháp ở California là thành viên mới nhất của Quốc Hội kêu gọi điều tra một nhân viên quan thuế nói tiếng Hoa, người mà bà cho rằng đã “sách nhiễu” các nghệ sĩ của một đoàn nghệ thuật Hoa Kỳ vì đức tin của họ tại phi trường O’Hare ở Chicago.
Dân biểu Michelle Steel (Cộng Hòa-California), trong một lá thư gửi đến ông Troy Miller, ủy viên lâm thời Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới (CBP), đã đưa ra “những vụ việc đáng báo động” tại phi trường, trong đó bao gồm việc một nhân viên của cơ quan này này công khai dán nhãn Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun có trụ sở tại New York là “làm chính trị”, “bất hợp pháp” với đồng nghiệp của mình và đặt ra những câu hỏi mà các nghệ sĩ cho là có ẩn ý xấu.
Bà Steele cho rằng hành vi của nhân viên quan thuế xảy ra ngày 11/03 đã “làm tổn thương các thành viên của đoàn nghệ thuật này và gây ra những sự chậm trễ không đáng có”.
Bà viết, “Việc chất vấn và cáo buộc không phù hợp mà nhân viên quan thuế đó đưa ra lặp lại những tuyên truyền mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để bôi nhọ nhóm này”.
Bà yêu cầu cơ quan công lực liên bang “điều tra kỹ lưỡng trường hợp này để tìm xem có bất cứ mối liên hệ nào với Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không”.
Cô Teresa Du, một nhân sự đảm trách việc quản lý chuyến lưu diễn của Shen Yun, nhớ lại những gì vị nhân viên quan thuế kia đã nói với mấy người đồng nghiệp đứng gần đó: “Họ theo Pháp Luân Công. Họ làm chính trị. Họ là bất hợp pháp”.
Nhân viên quan thuế, người có giọng điệu cho thấy xuất thân của người này là từ Trung Cộng, đã hỏi cô Du, một người con được sinh ra trên đất Mỹ rằng liệu nhóm của cô có “đang nhận tài trợ của Pháp Luân Công hay không”. Anh này cũng tiến đến các quầy kế bên trong khi những nghệ sĩ còn lại của đoàn đang làm thủ tục của quan thuế.
Pháp Luân Công, môn tu luyện dạy mọi người hành xử chiểu theo chân, thiện, và nhẫn, đang phải đối mặt với cuộc đàn áp không ngừng nghỉ ở Trung Cộng, bao gồm tra tấn, giam giữ tùy tiện, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Tuyên truyền nhằm phỉ báng môn tu luyện này xuất hiện trong sách giáo khoa và truyền thông nhà cầm quyền Trung Cộng. Từ “chính trị” thường được sử dụng như một từ ngữ mang tính công kích để tạo ra định kiến tiêu cực về những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp có hệ thống này.
Bà Steel viết trong bức thư ngày 20/03, “Việc chất vấn và cáo buộc không phù hợp mà nhân viên quan thuế đó đưa ra lặp lại những tuyên truyền mà Trung Cộng sử dụng để bôi nhọ nhóm này”.
Khoảng một chục văn phòng quốc hội đã công khai chỉ trích hoặc bày tỏ sự bất bình của họ một cách riêng tư đối với hành vi của nhân viên này.
Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania), trong một bức thư trước đó gửi CBP, cho biết hành vi của nhân viên này là “một hành vi vi phạm trầm trọng và đáng lên án đối với các quyền hiến định của họ” nếu sự việc đó được xác thực là có thật.
“Những người nghệ sĩ Shen Yun này, một vài trong số họ là công dân Hoa Kỳ, có thể đã bị phân biệt đối xử do họ tin vào Pháp Luân Công”, ông viết hôm 15/03. Ông cho biết một “cuộc điều tra ngay lập tức” là rất quan trọng trong việc bảo vệ các quyền tự do theo Tu chính án thứ Nhất của toàn bộ công dân Hoa Kỳ.
Cần Ứng Phó Với Trung Cộng, Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện
Ông John Lenczowski, cố vấn ngoại giao của Tổng thống Ronald Reagan và là người sáng lập Viện Chính trị Thế giới (IWP), đã mô tả “chiến lược toàn diện” của cố Tổng thống Reagan, chống lại Liên Xô như sau: “… kiềm chế những điểm mạnh của Liên Xô, khai thác những điểm yếu của họ, và khiến chủ nghĩa cộng sản Liên Xô phải đầu hàng thông qua đàm phán”.
Tương tự, tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản (JFSS) ở Tokyo vào năm 2023, ông Grant Newsham, tác giả cuốn “When China Attacks: A Warning to America” (Khi Trung Cộng Tấn Công: Một Cảnh Báo Đối Với Mỹ), đã đề ra một số lời khuyên: Phải thừa nhận rằng Hoa Kỳ đang có chiến tranh với Trung Cộng; phơi bày lịch sử áp bức và tàn bạo lâu đời của chủ nghĩa cộng sản; thừa nhận rằng chủ nghĩa cộng sản tự do hóa thương mại chưa bao giờ có thật; và thừa nhận rằng Trung Cộng rất mong manh.
Để diễn giải lại những lời của cố Tổng thống Abraham Lincoln về chế độ nô lệ, thì thế giới không thể tồn tại trong trạng thái nửa cộng sản nửa tự do. Thế giới sẽ trở thành thể chế này hay thể chế khác.
Ông Newsham nói: “Các hệ thống Cộng sản luôn tự hủy diệt”.
Trung Cộng đã tìm ra và khai thác sâu sắc các điểm yếu của Hoa Kỳ. Tương tự như vậy, Hoa Kỳ có nghĩa vụ về mặt đạo đức để khai thác những điểm yếu của Trung Cộng, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Ông Newsham đã xác định những điểm yếu của Trung Cộng, hay “sự mong manh của hệ thống” — tham nhũng, vi phạm nhân quyền, và không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Giáo sư Gordon Chang của Viện Gatestone cho biết: “Trung Quốc đang trong tình trạng hỗn loạn. Chế độ này có thể sẽ sụp đổ hoặc gây chiến với nước khác”. Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị cho cả hai điều này.
Đằng sau những điểm mạnh được tuyên truyền rầm rộ và không ngừng của Trung Cộng— những ảo tưởng và sự giả tạo sâu sắc — ẩn chứa vô số điểm yếu, gồm cả độ tin cậy ngày càng suy giảm của các số liệu thống kê, các bản dịch thuật giả mạo, sự thất hứa và tuyên truyền lừa dối của Trung Cộng; sự thiếu tính hợp pháp chính trị được phản ảnh qua tình trạng bất ổn, hỗn loạn nội bộ, và các cuộc biểu tình bên trong chế độ này; và sự phụ thuộc kinh tế của Trung Cộng vào ngoại thương, cụ thể là 400 mặt hàng trong đó có cả các mặt hàng xa xỉ, cá hồi, rượu vang, nguyên liệu thô, thực phẩm, nhiên liệu, và các loại tiền tệ có thể chuyển đổi.
Trung Cộng đang phải gánh chịu những bất ổn ngày càng tăng về dân số học do tốc độ tăng trưởng dân số sụt giảm, dân số già đi, tỷ lệ sinh con gái và kết hôn giảm, cũng như các trường hợp tử vong do nạn đói và virus Vũ Hán bị che giấu.
Trung Cộng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế như tăng trưởng kinh tế chậm lại, nghèo đói kéo dài, vỡ nợ địa ốc, đồng tiền không thể chuyển đổi, sản xuất lương thực và nhiên liệu không đủ dùng.
“China Labor Bulletin” (Bản tin Lao động Trung Cộng) của Hồng Kông báo cáo, trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Năm năm 2023, ở Trung Quốc đã xảy ra 140 cuộc đình công của người lao động do các vấn đề kinh tế, mức cao nhất trong vòng bảy năm qua.
Vậy đâu là những điểm cần cân nhắc trước những điểm yếu của Trung Cộng?
Tướng đã về hưu David Stillwell, ông John Lenczowski, và những người khác đã xác định điểm yếu lớn nhất của Trung Cộng là sự thiếu tính hợp pháp bên trong nội bộ. Chế độ Trung Cộng thiếu sự đồng thuận của những người bị cai trị — một rủi ro chính trị đang ngày càng gia tăng — giữa những người dân Trung Quốc có hiểu biết và thức tỉnh. Tại Trung Quốc, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra để phản đối các chính sách zero COVID tàn bạo và những thất bại về kinh tế.
Tuy nhiên, phản ứng của Hoa Kỳ đáng tin đến mức nào?
Thành công của Hoa Kỳ phụ thuộc vào độ tin cậy của ý chí chính trị, khả năng quân sự, ngoại giao công chúng, các biện pháp trừng phạt kinh tế, và truyền thông của họ. Công chúng Mỹ và người dân Trung Quốc phải được thông báo.
Các đặc vụ tình báo và gián điệp của Trung Cộng phải bị truy tố một cách mạnh mẽ thông qua những trọng tội thay vì các vi phạm nhẹ — không phải chỉ đơn thuần là các vé phạt giao thông.
Đây là một nhiệm vụ quan trọng — hoặc lật đổ chế độ cộng sản đế quốc này hoặc đầu hàng chủ nghĩa cộng sản trong và ngoài nước.
Hoa Kỳ cần giành được sự tín nhiệm của người dân Trung Quốc. Mỹ phải thể hiện sự quan tâm của mình đối với quyền tự do của người dân Trung Quốc như thế nào?
Một số hành động là cần thiết, gồm việc bày tỏ sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với nguyện vọng của người dân Trung Quốc; trợ giúp những người bất đồng chính kiến và những người biểu tình lên tiếng chống lại Trung Cộng, chẳng hạn như người Tây Tạng, những người theo Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người biểu tình ở Hồng Kông, người phản đối zero COVID, những người bị nhồi sọ truyền bá tư tưởng, bị cầm tù, bị bỏ đói; phổ biến các giá trị của Mỹ để truyền cảm hứng hơn nữa cho người dân Trung Quốc, ví dụ: các cuộc biểu tình phản đối zero COVID, cuộc phản kháng ở Hồng Kông, tượng Nữ thần Tự do tại Thiên An Môn, v.v.; và kiểm tra đồng thời cung cấp thị thực và/hoặc các phương án tái định cư an toàn hơn cho người Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, những người theo Pháp Luân Công, và những người bất đồng chính kiến khác.
Người Mỹ và người Trung Quốc có thể phá vỡ “Vạn lý Tường lửa” được xây dựng bằng kỹ nghệ Mỹ của Trung Quốc thông qua kỹ thuật phát thanh AM, phát thanh sóng ngắn của Đài Phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope), TV, internet, liên lạc qua vệ tinh (Starlink của ông Musk), và xâm nhập máy điện toán.
Chính phủ Hoa Kỳ có thể xem xét và từ chối các đơn xin thị thực cũng như trừng phạt các viên chức Trung Cộng đàn áp các dân tộc thiểu số và tôn giáo. Những viên chức này gồm các đảng viên ĐCSTQ và các nhánh trong các lực lượng quân đội, cảnh sát vũ trang, chấp pháp, công an gián điệp của Trung Cộng.
Tập Cận Bình Làm Suy Yếu Quốc Vụ Viện
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sửa đổi luật nhằm cắt giảm quyền lực hành chính của Quốc Vụ Viện. Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ đẩy nhanh quá trình tự hủy diệt của chế độ toàn trị này trong một vòng luẩn quẩn của những cuộc thanh trừng và thù địch liên tục trong nội bộ đảng.
Hôm 11/03, tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), cơ quan lập pháp chỉ trên danh nghĩa của Trung Cộng, ĐCSTQ đã thông qua Luật Tổ chức Quốc Vụ Viện mới sửa đổi. Đây là lần đầu tiên luật này được sửa đổi trong vòng hơn 40 năm qua.
Luật sửa đổi này nêu bật vị trí cao nhất của lãnh đạo ĐCSTQ đương nhiệm, quy định rằng chính quyền cộng sản phải “kiên quyết bảo vệ” và “kiên quyết thực hiện các quyết định và các bước khai triển sự lãnh đạo tập trung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.
Cho đến nay, đây là hành động có ý nghĩa quan trọng nhất của Tập Cận Bình đối với Quốc Vụ Viện nhằm bảo đảm “chính phủ” trung thành với “đảng” thông qua hệ thống luật pháp.
Các nhà quan sát ngoại giới lưu ý rằng khi dự luật sửa đổi này được thông qua lần cuối tại đại hội, Tập Cận Bình đã nghiêng người về phía trước và nhấn nút bỏ phiếu, trong khi Tổng lý Quốc Vụ Viện Lý Cường ngồi lặng yên lạnh lùng nhìn ông với vẻ mặt khó giải.
Trước đó, Thủ tướng Trung Cộng đã bỏ qua cuộc họp báo thường kỳ trong kỳ họp lưỡng hội của NPC và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) mà không đưa ra lý do chính thức nào cho công chúng.
Hơn nữa, có tin đồn rằng thủ tướng sẽ không gặp các CEO toàn cầu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) diễn ra vào cuối tháng này (03/2024). Kể từ năm 2000, CDF đã được tổ chức hàng năm tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh. Trước đây, cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Trung Cộng và các đại diện doanh nghiệp ngoại quốc là một trong những nội dung thiết yếu nhất của diễn đàn.
Đây không phải là một thông lệ trong hệ thống quan liêu của ĐCSTQ, khi tân thủ tướng làm suy yếu vai trò của mình với việc ít xuất hiện trước công chúng hơn và có tầm quan trọng thấp hơn trong việc lãnh đạo chính phủ so với những người tiền nhiệm.
Theo ông Zhuge Mingyang, một cây viết độc lập kiêm cộng tác viên của The Epoch Times, vẫn cần thời gian để xác thực xem tin tức này có chính xác hay không và liệu thủ tướng có tự lựa chọn không tham gia cuộc họp hay là bị bí thư đảng ngăn không cho tham gia.
“Trong mọi trường hợp, ông Lý không được phép thay thế ‘sự chỉ huy và điều động cá nhân’ của ông Tập”.
So sánh tình thế tiến thoái lưỡng nan của thủ tướng Trung Cộng với một “người giúp việc giữ chìa khóa nhưng không phải là chủ nhà”, ông Zhuge lập luận rằng một vị thủ tướng đã không thể thực hiện chức năng hành chính của mình trong việc điều hành chính phủ, điều này “chắc chắn sẽ dẫn đến sự độc tài cực đoan hơn từ phía người đứng đầu Đảng và sự xuống dốc nhanh chóng hơn của ĐCSTQ”.
Ông Li Yuanhua, một cựu giáo sư của Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng sự thèm muốn quyền lực của người đứng đầu ĐCSTQ đương nhiệm, thậm chí đến mức nắm lấy quyền lực từ Quốc Vụ Viện vào tay mình, dường như đã củng cố vững chắc quyền lực của ông ta. “Nhưng ông Tập càng tập trung quyền lực thì các thành viên khác trong đảng càng ít có thể làm được gì; nghĩa là, với ít lực đẩy hơn, thì guồng máy độc tài này sẽ khó duy trì hơn”.
Hai cơ quan chính trị tối cao của ĐCSTQ — Quốc Vụ Viện và Ủy ban Trung ương — đều được đặt tại Trung Nam Hải, nhưng các văn phòng nằm ở phía bắc và phía nam của của hai cơ quan này được ngăn cách bằng một hàng rào.
Thông tin chính thức cho thấy kể từ năm 1949, khi ĐCSTQ được thành lập, Quốc Vụ Viện đã là một bộ phận không thể thiếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cho đến năm 1954, Hiến Pháp đã xác định Quốc Vụ Viện là “cơ quan hành chính cao nhất của ĐCSTQ”, do đó Quốc Vụ Viện đã được hưởng sự độc lập tương đối khỏi Ủy ban Trung ương.