Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới
Mạng Xã Hội X Sẽ Không Tuân Theo Lệnh Của Tối Cao Pháp Viện Brazil
Tối hôm thứ Bảy (06/04), ông Elon Musk, ông chủ của mạng xã hội X, tuyên bố rằng công ty đã quyết định dỡ bỏ mọi hạn chế đối với các trương mục ở Brazil bị nhắm đến theo một lệnh của Tối Cao Pháp Viện của nước này.
Ông Musk đăng, thông báo về quyết định của X, “Chúng tôi sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế. Thẩm phán này đã áp dụng các khoản tiền phạt lớn, đe dọa sẽ bắt giữ nhân viên của chúng tôi và cắt quyền truy cập vào 𝕏 ở Brazil. Kết quả là, chúng tôi có thể sẽ mất toàn bộ doanh thu ở Brazil và phải đóng cửa văn phòng ở đó. Nhưng nguyên tắc quan trọng hơn lợi nhuận”.
Thông báo này được đưa ra nhằm đáp lại bài báo của ký giả điều tra Michael Shellenberger, cùng các đồng nghiệp David Ágape và Eli Vieira, có tiêu đề “HỒ SƠ TWITTER BRAZIL”.
Trong bài báo của mình, ông Shellenberger trích dẫn các hồ sơ do X, trước đây là Twitter, công bố trong thời gian ông Musk tiếp quản hồi năm 2022 mà được cho là cho thấy “Brazil thực hiện một cuộc đàn áp sâu rộng đối với quyền tự do ngôn luận do một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện dẫn đầu”.
Ông Shellenberger cho biết các thành viên đương nhiệm của Quốc Hội Brazil và các ký giả nằm trong số những người bị tòa án của Brazil chỉ định để kiểm duyệt.
Ông nêu tên các dân biểu Carla Zambelli thuộc Đảng Tự Do của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro và Marcel van Hattem thuộc Đảng NOVO là những mục tiêu của các lệnh nhắm vào những bài đăng mà tòa án này cho là thông tin sai lệch.
Theo hồ sơ nội bộ mà ông Shellenberger chia sẻ, Twitter ở Brazil bị đe dọa phạt 30,000 USD. Công ty này có một giờ để xóa bài đăng của những thành viên Quốc Hội này hoặc trả tiền cho tòa án vì không tuân thủ.
Bài báo đưa tin rằng vị thẩm phán này thậm chí đã đang bỏ tù các cá nhân mà không cần xét xử vì những điều được đăng trên mạng xã hội.
Theo ông Shellenberger, Thẩm phán Tòa án Tối cao Alexandre de Moraes bị cáo buộc đã đưa ra các yêu cầu đối với Twitter để cho phép truy cập vào dữ kiện nội bộ của họ, vi phạm các chính sách riêng tư của Twitter về việc quản lý dữ kiện người dùng. Ông cũng bị cáo buộc đã ra lệnh cho Twitter xóa trương mục của những người là tác giả của các bài đăng mà ông muốn kiểm duyệt, “mà không cấp cho người dùng bất cứ quyền kháng cáo nào hoặc thậm chí là quyền xem bằng chứng chống lại họ”.
Los Angeles Công Bố Dữ kiện Về Số Người Vô Gia Cư Tử Vong Trong Năm 2023
Hôm 28/03, Kiểm soát viên thành phố Los Angeles Kenneth Mejia công bố các kết quả sơ bộ cho thấy có khoảng 900 trường hợp người vô gia cư tử vong đã được điều tra xác thực và đóng hồ sơ trong năm 2023, tức là ít hơn khoảng 200 trường hợp so với tổng số trường hợp người vô gia cư tử vong của năm trước đó là 1,167 người.
Con số này sẽ được cập nhật khi tất cả các trường hợp đã được điều tra.
Theo dữ kiện từ văn phòng điều tra viên quận Los Angeles, hầu hết các trường hợp tử vong, khoảng 75%, là do tai nạn. Dữ kiện sơ bộ này cũng tiết lộ 12% số người bị sát hại trong năm ngoái ở thành phố này là người vô gia cư, mặc dù số người vô gia cư chỉ chiếm 1% dân số thành phố. Dữ kiện này cho thấy 40 người vô gia cư đã tử vong trong các vụ án mạng.
Theo dữ kiện mới, hầu hết các trường hợp tử vong đều ở những nơi không có điện, bao gồm các khu lều, bãi đậu xe, tòa nhà bỏ trống, và những chiếc xe RV không có đầy đủ các tiện ích căn bản hoạt động bình thường.
Theo báo cáo, khoảng 31% số người vô gia cư thiệt mạng là người Mỹ gốc Phi Châu, ngang bằng với tỷ lệ người Mỹ gốc Phi Châu vô gia cư là khoảng 33%. Tháng Giêng, tháng Hai, và tháng Ba là những tháng nguy hiểm nhất.
900 trường hợp tử vong được báo cáo chiếm 61% trong số 1,467 trường hợp người vô gia cư tử vong của quận Los Angeles, đối với các trường hợp đã được điều tra và xác thực. Khoảng 20% số trường hợp tử vong được xác định là xảy ra do các nguyên nhân tự nhiên và gần 2% là do tự sát, tương đương 16 trường hợp tử vong.
Trong một tuyên bố vào ngày hôm sau (tức 29/03), một phát ngôn viên của văn phòng kiểm soát viên cho biết dữ kiện họ nhận được từ nhân viên điều tra được cho là của toàn bộ số ca tử vong trong năm 2023 của người vô gia cư, nhưng sau đó được phát giác chỉ dành cho những trường hợp đã được điều tra và đóng hồ sơ. Các viên chức cho biết một phân tích mới sẽ được thực hiện và công bố cùng với dữ kiện mới.
Một phát ngôn viên cho biết: “Chúng tôi sẽ cập nhật trang phân tích những trường hợp người vô gia cư tử vong trong năm 2023, và chúng tôi sẽ tiến hành một phân tích mới khi có dữ kiện hoàn chỉnh”.
Các Thượng Nghị Sĩ Sẽ Trở Thành Bồi Thẩm Viên Vào Ngày 11/04, Vụ Đàn Hặc Ông Mayorkas
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã cung cấp thông tin cập nhật về phiên tòa đàn hặc sắp diễn ra đối với Bộ trưởng An Ninh Nội Địa Alejandro Mayorkas, bao gồm cả thời điểm các nhà quản lý đàn hặc Hạ Viện sẽ trình bày các điều khoản đàn hặc tại Thượng Viện.
Trong một bức thư hôm 05/04 gửi cho các thành viên đảng Dân Chủ, ông Schumer tiết lộ rằng Thượng Viện sẽ tiếp các nhà quản lý đàn hặc của Hạ Viện vào ngày 10/04, khi mà họ chuyển các điều khoản đàn hặc ông Mayorkas lên Thượng viện.
Ông Schumer viết, “Được biết tất cả các nghị sĩ sẽ tuyên thệ với tư cách bồi thẩm viên trong phiên tòa vào một ngày sau khi các điều khoản được trình bày, và Chủ tịch Thượng Viện Tạm quyền Patty Murray sẽ chủ trì”. Ông cũng nhắc nhở các nghị sĩ đảng Dân Chủ rằng sự hiện diện của họ trong tuần tới “là cần thiết”.
Phiên xét xử chính thức bắt đầu khi các nhà quản lý đàn hặc của Hạ Viện, những người sẽ đóng vai trò là bên công tố đối với ông Mayorkas, chính thức chuyển các điều khoản đàn hặc cho 100 nghị sĩ ở thượng viện và trình bày vụ việc của họ.
Trong một bức thư hôm 28/03, Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã yêu cầu ông Schumer “nhanh chóng” lên lịch xét xử, trong khi cáo buộc ông Mayorkas từ chối thực thi luật nhập cư của Hoa Kỳ và nói dối người dân Mỹ về mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng biên giới.
Ước tính có hơn 10 triệu người nhập cư bất hợp pháp đã vượt qua biên giới kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Tổng thống (TT) Biden và các thành viên trong chính phủ của ông đã bảo vệ các hành động của họ ở biên giới, đổ lỗi cho nhiều nguyên do khác nhau như đổ lỗi cho rằng, “hệ thống nhập cư bị hỏng”, tội phạm và tham nhũng ở các nước khác, và thậm chí cả biến đổi khí hậu, đã gây ra vấn đề này.
Ông Mayorkas phải đối mặt với hai điều khoản đàn hặc — điều khoản đầu tiên buộc tội ông “cố ý, hành động có hệ thống từ chối tuân thủ luật pháp”, trong khi điều khoản thứ hai cáo buộc ông “vi phạm lòng tin của công chúng”.
Thượng Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát được nhiều người cho là sẽ bác bỏ phiên tòa đàn hặc ông Mayorkas.
Đảng Cộng Hòa đổ lỗi cho các chính sách của chính phủ TT Biden đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng biên giới, trong khi kêu gọi các biện pháp như chấm dứt chính sách “bắt-rồi-thả” gây tranh cãi của chính phủ TT Biden, mở rộng việc trục xuất nhanh chóng, khôi phục việc xây dựng bức tường biên giới, và khôi phục chính sách “Ở lại Mexico” thời cựu TT Trump.
Theo chương trình bắt rồi thả của chính phủ TT Biden, những người nhập cư bất hợp pháp được thả vào các cộng đồng của Hoa Kỳ để chờ xét xử về quyền tị nạn. Ông Mayorkas gần đây đã thừa nhận rằng hơn 70% người nhập cư bất hợp pháp đã được thả sau lần bắt giữ đầu tiên.
Về vấn đề những người nhập cư bất hợp pháp được thả vào các cộng đồng của Hoa Kỳ, một báo cáo từ Cơ quan Thực thi Di trú và Quan thuế Hoa Kỳ (ICE) cho năm tài khóa 2023 cho thấy trong vài năm qua sự gia tăng gây sửng sốt trong số lượng người nhập cư bất hợp pháp trong danh sách không bị giam giữ. Đây là hệ thống quản lý hồ sơ hoặc danh sách các cá nhân phải đối mặt với thủ tục nhập cư (bao gồm cả các lệnh trục xuất cuối cùng hoặc thủ tục trục xuất đang chờ giải quyết) nhưng không bị ICE giam giữ.
Con số này đã tăng từ 4.7 triệu trong năm 2022 lên 6.2 triệu trong năm 2023 — tăng hơn 30%. Để so sánh, số người nhập cư bất hợp pháp trong danh sách không bị giam giữ là 3.26 triệu trong năm 2020 và 3.6 triệu trong năm 2021.
Đảng Cộng Hòa đã nhiều lần nêu lên những lo ngại về mối đe dọa an ninh quốc gia liên quan đến dòng người nhập cư bất hợp pháp.
Tháng 10/2023, một nhóm các nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sau khi các nhân viên Tuần Tra Biên Giới bắt được những người vượt biên bất hợp pháp mang theo chất nổ mà Nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming) cho biết là “được thiết kế riêng cho mục đích khủng bố”.
Gần đây hơn, một nhóm những thành viên đảng Cộng Hòa thuộc Ủy ban An Ninh Nội Địa đã bày tỏ lo ngại trong một bức thư hôm 03/04 gửi ông Mayorkas về các hoạt động hiện tại của Bộ An Ninh Nội Địa trong việc giải quyết thủ tục và thả những kẻ khủng bố đã biết hoặc bị nghi ngờ là khủng bố vào Hoa Kỳ.
Ủy Ban Hạ Viện Sẽ Cân Nhắc Nghị Quyết Phản Đối Áp Lực ‘Một Chiều’ Từ Phía TT Biden Cho Một Lệnh Ngừng Bắn Ở Gaza
Tuần tới (08-14/04), Ủy Ban Quy Tắc Hạ viện dự định sẽ xem xét một nghị quyết lên án chủ trương gần đây của Tổng thống Joe Biden về một “lệnh ngừng bắn ngay lập tức” ở Gaza trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ Năm (04/04).
Nghị quyết này có mục đích lên án điều mà họ gọi là “những nỗ lực gây áp lực một chiều lên Israel liên quan đến Gaza”.
Nghị quyết trích dẫn một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc về cuộc trò chuyện của Tổng thống Biden với ông Netanyahu, trong đó tổng thống nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đưa ra lệnh ngừng bắn để ổn định khu vực và bảo vệ thường dân vô tội.
Ngoài ra, nghị quyết này bày tỏ sự phản đối một nghị quyết gần đây được thông qua hồi tháng trước của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, trong đó kêu gọi ngừng bắn ở Gaza. Hoa Kỳ đã bỏ phiếu trắng về nghị quyết này thay vì sử dụng quyền phủ quyết của mình.
Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (05/04), Dân biểu Brian Mast (Cộng Hòa-Florida), thành viên Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện, cáo buộc Tổng thống Biden đang cố gắng xoa dịu “những kẻ điên cực tả” bằng cách yêu cầu Israel chấp nhận lệnh ngừng bắn với những kẻ khủng bố Hamas.
Thân nhân của các con tin bị Hamas bắt giữ ở miền nam Israel hôm 07/10/2023 đã cảnh báo rằng bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào không bao gồm việc thả người thân của họ đều có thể gây ra những hậu quả tàn khốc.
Nghị quyết này sẽ đi qua Ủy ban Quy tắc Hạ Viện, nơi chỉ cần một tỷ lệ đa số quá bán thông qua để được bỏ phiếu trên sàn Hạ Viện. Nghị quyết này có khả năng khơi dậy sự chia rẽ sâu sắc giữa những thành viên ủng hộ Israel và những thành viên ủng hộ Palestine trong đảng Dân Chủ.
Theo Tòa Bạch Ốc, nghị quyết này được đưa ra nhanh chóng sau khi Tổng thống Biden nói chuyện qua điện thoại với ông Netanyahu hôm thứ Năm, với nhu cầu ngừng bắn tạm thời, trao đổi con tin, và tăng cường viện trợ nhân đạo ở Gaza là trọng tâm chính.
Theo thông tin từ Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden đã nói với Thủ tướng Israel trong cuộc điện đàm rằng tình hình nhân đạo ở Gaza là “không thể chấp nhận được”.
Tổng thống cảnh báo rằng chính sách của Hoa Kỳ về Gaza có thể thay đổi nếu Israel không hành động. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Biden, một thành viên đảng Dân Chủ và là người ủng hộ mạnh mẽ Israel, muốn sử dụng viện trợ của Hoa Kỳ như một phương tiện để gây áp lực cho hoạt động quân sự của Israel.
Bộ Trưởng Ngân Khố Janet Yellen Chỉ Trích Những Hành Động ‘Cưỡng Ép’ Của Bắc Kinh Đối Với Các Công Ty Hoa Kỳ
Bộ Trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã chỉ trích các biện pháp “cưỡng ép” của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với các công ty ngoại quốc, đồng thời kêu gọi lãnh đạo cao nhất của ncq Trung Cộng cung cấp cho các doanh nghiệp và nhân viên của Hoa Kỳ “một sân chơi bình đẳng”.
Bắt đầu chuyến đi thứ hai tới Trung Quốc trong vai trò là Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, hôm thứ Sáu (05/04), bà Yellen đã gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp của Hoa Kỳ và các quốc gia khác tại Quảng Châu, trung tâm xuất cảng phía nam của Trung Cộng.
Bà Yellen cho biết tại một sự kiện do chi nhánh Trung Quốc của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tổ chức: Nhà cầm quyền Trung Cộng đã theo đuổi “các hoạt động kinh tế không công bằng, bao gồm áp đặt các rào cản tiếp cận đối với các công ty ngoại quốc và thực hiện các hành động cưỡng ép đối với các công ty Hoa Kỳ”.
Theo cuộc khảo sát thường niên của chi nhánh AmCham tại Bắc Kinh, ⅓ các công ty Hoa Kỳ cho biết họ bị đối xử bất công so với các đối thủ Trung Cộng trong các chính sách và hành động thực thi của địa phương. Sự suy giảm bình đẳng lớn nhất được ghi nhận trong lãnh vực kỹ nghệ, và nghiên cứu và phát triển (R&D).
Bà Yellen nói, “Tôi tin rằng điều này không chỉ gây tổn hại cho các công ty Mỹ. Việc chấm dứt những hành vi không công bằng này sẽ mang lại lợi ích cho Trung Cộng thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh ở đây. Tôi dự định nêu lên những vấn đề này trong các cuộc họp trong tuần”.
Trong cuộc gặp trước đó với ông Wang Weizhong, tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, bà Yellen nhấn mạnh sự cần thiết của “một sân chơi bình đẳng” cho các nhân viên và công ty Hoa Kỳ.
Các viên chức của Trung Cộng đã cam kết sẽ cung cấp cho các công ty ngoại quốc những lợi ích tương tự như các đối thủ cạnh tranh nội địa của họ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một loạt các cuộc đột kích, những hình phạt nặng, bắt giữ, và kết án nhân viên của các công ty tư vấn và thẩm định quốc tế đã đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư ngoại quốc.
Đầu tư trực tiếp của ngoại quốc vào Trung Cộng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm. Theo dữ kiện chính thức được công bố hôm 18/02 của Trung Cộng, tổng vốn đầu tư vào trong nước chỉ đạt 33 tỷ USD vào năm ngoái, giảm 82% so với năm 2022.
Hôm 27/02, Bắc Kinh đã thông qua luật bí mật nhà nước sửa đổi, mở rộng phạm vi áp dụng vốn dĩ đã rộng về những thông tin mà nhà cầm quyền cho là nhạy cảm. Luật cập nhật về an ninh nhà nước — bên cạnh việc nhà cầm quyền ngày càng giám sát chặt chẽ hơn việc kiểm soát dữ kiện và hoạt động gián điệp — có nguy cơ làm gia tăng thêm mối lo ngại của các công ty ngoại quốc.
Ông Biden Và Tập Cận Bình Nói Chuyện Lần Đầu Tiên Kể Từ Tháng Mười Một
Hôm 02/04, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh vẫn còn leo thang.
Cuộc gọi này là lần liên lạc đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuộc hội kiến trực tiếp ở Woodside, California hồi tháng Mười Một năm ngoái và là cuộc điện đàm đầu tiên của họ kể từ tháng 07/2022.
Một viên chức cấp cao của chính phủ Tổng thống Biden cho biết: “Tại Woodside, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thường xuyên duy trì các đường dây liên lạc mở, để quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và ngăn chặn xung đột ngoài ý muốn. Cuộc điện đàm này là một phần trong nỗ lực không ngừng nghỉ đó”.
Viên chức này mô tả cuộc gọi này như là một hành động “hỏi thăm” và nói thêm rằng có thể sẽ không có bất cứ đột phá hoặc thông báo lớn nào. Viên chức nói, “Quý vị đừng nên mong đợi những kết quả mới từ việc này. Đây là cách thức mà việc quản lý mối bang giao một cách có trách nhiệm có thể diễn ra khoảng một năm một lần trong cuộc họp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước”.
Viên chức này nói thêm rằng mặc dù vậy Tổng thống Biden và ông Tập vẫn trao đổi với nhau về các vấn đề chính như hoạt động buôn bán ma túy quốc tế và phát triển trí tuệ nhân tạo.
Viên chức này cho biết: “Chúng tôi vẫn không thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc, cách tiếp cận này vẫn tập trung vào khuôn khổ ‘đầu tư, liên kết, và cạnh tranh’”.
“Cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi phải có biện pháp ngoại giao mạnh mẽ để quản lý căng thẳng, giải quyết những hiểu lầm, và ngăn chặn xung đột ngoài ý muốn. Và cuộc gọi này là một cách để thực hiện điều đó”.
Viên chức này còn cho biết chính phủ Biden sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện lời hứa của Trung Cộng nhằm ngăn chặn làn sóng hóa chất từ Trung Cộng vào Mexico, là những chất có thể được sử dụng để sản xuất fentanyl sau đó được buôn lậu vào Hoa Kỳ.
Viên chức này cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc, do ông Tập đứng đầu, đã thực hiện một số hành động để hạn chế hoạt động buôn lậu đó, nhưng đã thất bại trong việc kiểm soát các hóa chất chính được sử trong sản xuất ma túy tổng hợp.
Viên chức này cho biết: “Chúng ta đã thấy Trung Cộng đã thực hiện một số biện pháp ban đầu nhằm hạn chế một số hoá chất được sử dụng để sản xuất ma túy tổng hợp bất hợp pháp, nhưng tất nhiên, việc buôn bán ma túy vẫn liên tục phát triển và thay đổi”.
“Để bảo đảm rằng chúng ta đang ngăn chặn dòng chảy buôn bán này, Hoa Kỳ và Trung Cộng cần duy trì tham vấn chặt chẽ, ở cấp độ kỹ thuật từ lực lượng chấp pháp Trung Cộng đến cơ quan công lực Hoa Kỳ…”
Viên chức này cho biết, Bắc Kinh đang giúp “Nga khôi phục lại cơ sở kỹ nghệ quốc phòng của họ” khi Moscow tiến hành cuộc chiến ở Ukraine và Tòa Bạch Ốc “lo ngại rằng hành động này sẽ ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu về lâu dài”.
“Chúng ta đã thực sự chứng kiến Trung Cộng bắt đầu giúp xây dựng lại cơ sở kỹ nghệ quốc phòng của Nga, về căn bản là bù đắp thương mại từ các đối tác châu Âu, giúp cung cấp các bộ phận khởi tác dụng dần dần theo hướng tăng cường các năng lực của Nga ở Ukraine. Tất nhiên, điều đó cũng có những tác động lâu dài đến an ninh của châu Âu”.
Hoa Kỳ Trừng Phạt Tin Tặc Trung Cộng Vì Kế Hoạch 14 Năm Xâm Nhập Vào Cơ Sở Hạ Tầng Quan Trọng
Các viên chức thông báo hôm 25/03 rằng, Hoa Kỳ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những tin tặc của nhà nước Trung Cộng vì một nỗ lực tấn công mạng quy mô lớn ảnh hưởng đến hàng ngàn người trên toàn cầu, trong đó có các viên chức cấp cao, ứng cử viên chính trị, và các tổ chức từ “một số trong số các lãnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của Mỹ quốc”.
Theo một đơn kiện hình sự được công bố hôm 25/03, các nhà chức trách cáo buộc APT31—một nhóm xâm nhập mạng mà họ xác định là một nhánh của Bộ Quốc An Trung Cộng —đã tiến hành một chiến dịch xâm nhập kéo dài gần 14 năm dẫn đến sự xâm phạm đã được xác nhận và có thể xảy ra đối với các trương mục thư điện tử cá nhân và cơ quan, các trương mục lưu trữ trực tuyến, và hồ sơ cuộc gọi điện thoại của hàng triệu người Mỹ.
Các tài liệu này cho thấy, danh sách mục tiêu của nhóm này bao gồm các viên chức cấp cao Tòa Bạch Ốc; các Nghị sĩ Hoa Kỳ từ hơn 10 tiểu bang; các viên chức từ các Bộ Tư pháp, Thương mại, Ngân khố, và Ngoại giao; các nhà thầu quốc phòng; và những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu.
Bộ Tư pháp đã buộc tội bảy công dân Trung Cộng thuộc nhóm này vì các hoạt động mạng độc hại. Những tin tặc đàn ông đều ở độ tuổi từ 34 đến 38 là Ni Gaobin, Weng Ming, Cheng Feng, Peng Yaowen, Sun Xiaohui, Xiong Wang, và Zhao Guanzong.
Theo đơn khiếu nại, một số thông tin mà tin tặc thu giữ có thể gây tổn hại cho các thể chế dân chủ, các kế hoạch kinh tế, và bí mật thương mại trong khi góp phần gây thất thoát hàng tỷ dollar trong hoạt động chuyển giao kỹ nghệ của Hoa Kỳ cho Trung Cộng.
Phụ tá Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Lisa Monaconco biết, “Hơn 10,000 thư điện tử độc hại, đang gây ảnh hưởng đến hàng ngàn nạn nhân, trên nhiều châu lục. Chiến dịch xâm nhập mạng toàn cầu lớn này — được nhà cầm quyền Trung Cộng hậu thuẫn—nhắm vào các ký giả, viên chức chính trị, và các công ty để trấn áp những người chỉ trích nhà cầm quyền Trung Cộng, xâm nhập các tổ chức chính phủ, và đánh cắp những bí mật thương mại”.
Hôm 25/03, Bộ Ngân khố cho biết họ đã xử phạt công ty liên kết của những tin tặc đó là Công ty Khoa học và Kỹ nghệ Vũ Hán Xiaoruizhi, cùng với ông Ni và ông Zhao nói trên.
Bộ Ngoại giao cũng treo giải thưởng lên tới 10 triệu USD cho thông tin về 7 cá nhân này và công ty bình phong của họ.
Những hành động này của Hoa Kỳ, được công bố cùng với các lệnh trừng phạt tương ứng từ phía Vương quốc Anh, được đưa ra sau vụ rò rỉ một kho tài liệu nội bộ của Trung Cộng cung cấp thông tin về một nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng có trụ sở tại Trung Quốc mà Bắc Kinh đã thuê để xâm nhập và làm suy yếu các đối thủ của nhà cầm quyền này.
Hồi tháng Hai, Cơ Quan An Ninh Mạng và Cơ Sở Hạ Tầng đã cảnh báo rằng Bắc Kinh đang cài sẵn nhu liệu độc hại vào các hệ thống của Hoa Kỳ để chuẩn bị trước cho một cuộc xung đột. Trước đó, FBI đã tiết lộ một chiến dịch đa cơ quan nhằm phá hủy “Volt Typhoon”, một nhóm tin tặc lớn của Trung Cộng do nhà nước bảo trợ nhắm vào các lãnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ.
5 Dấu Hiệu Cho Thấy Kinh Tế Trung Cộng Đang Thâm Hụt Tài Chính Trầm Trọng
Khi nền kinh tế Trung Cộng tiếp tục suy thoái, các chuyên gia đã nêu lên năm dấu hiệu chính cho thấy nhà cầm quyền cộng sản của nước này đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt tài chính thậm tệ nhất từ trước đến nay.
Ông Gong Shengli, một nhà nghiên cứu tại China Financial Think Tank, cho biết: “2024 có thể là năm đánh dấu Trung Cộng bước vào kỷ nguyên thiếu hụt tài chính tồi tệ nhất”.
Ông Gong nói với The Epoch Times: “Vào năm 2024, có một số tình huống thiếu hụt tài chính cần được nắm bắt. Đầu tiên là vấn đề nợ, nợ của cả nhà cầm quyền trung ương và nhà cầm quyền địa phương”.
Sau khi Trung Cộng đột ngột từ bỏ các chính sách hà khắc “zero COVID” và các biện pháp kiểm soát hạn chế khiến nền kinh tế Trung Cộng bị phong tỏa trong ba năm vào cuối năm 2022, quốc gia này vẫn chưa chứng kiến nền kinh tế phục hồi như mong đợi. Thay vào đó, các vấn đề trầm trọng về cấu trúc đã đẩy nhanh tốc độ suy thoái của nền kinh tế Trung Cộng.
Ông Gong cho biết, khoản nợ của chính quyền cộng sản Trung Quốc và khoản nợ của ngành địa ốc đã cùng nhau đẩy Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng nợ với quy mô lớn chưa từng có.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính vào tháng 04/2023 rằng nợ chính phủ của Trung Cộng đã tăng lên 156 ngàn tỷ nhân dân tệ (21.56 ngàn tỷ USD) vào năm 2022, bao gồm các khoản vay của nhà cầm quyền trung ương, các công cụ tài chính của nhà cầm quyền địa phương, và các ngân hàng chính sách quốc gia.
Theo báo cáo mới nhất do Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Cộng (NIFD) công bố, nợ của Trung Cộng (bao gồm nợ gia đình, nợ doanh nghiệp, và nợ chính phủ) chiếm 287.8% GDP của nước này vào năm 2023, tăng 13.5% so với năm 2022. Đây là một mức cao kỷ lục.
Ông Gong cho biết: “Ngoài ra còn có những hố đen như về hố đen về vốn, hố đen về tài chính, hố đen ngân hàng, và hố đen địa ốc đang bị ẩn giấu”.
Ông Henry Wu, một nhà kinh tế vĩ mô Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng vấn đề nợ chỉ có thể được giải quyết bằng cách tìm kiếm nguồn vốn, nhưng hiện tại Wall Street đã bắt đầu rời khỏi Trung Cộng. “Trung Cộng có thể sẽ không còn có đủ tiền nữa. Hiện tại, nhà cầm quyền trung ương đang khủng hoảng tài chính rất trầm trọng, mức thâm hụt cũng rất lớn. Có nhiều cuộc khủng hoảng đang đồng thời bộc phát, và gần như tất cả đều phải giải quyết cùng một lúc”.
Ông Gong lưu ý: “Khoảng ⅓ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và khu tự trị của Trung Cộng đã dừng các dự án lớn”.
Cuối năm 2023, Văn phòng Quốc Vụ Viện của Trung Cộng đã ban hành văn bản yêu cầu trước năm 2024, ngoại trừ các dự án cung cấp nước, điện, sưởi ấm, và các dự án khác bảo đảm cho các nhu cầu căn bản về sinh kế của người dân, thì nhà cầm quyền các nơi không được khởi công xây dựng mới cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại cấp tỉnh, cấp bộ, hoặc cấp thành phố.
Các dự án đã bị tạm dừng bao gồm đường cao tốc, tái thiết/mở rộng phi trường, và đường sắt đô thị. Nhà cầm quyền đã yêu cầu 12 tỉnh, thành như Liêu Ninh, Cát Lâm, Quý Châu, Vân Nam, Thiên Tân, Trùng Khánh và các tỉnh khác giảm “rủi ro nợ xuống, từ mức thấp đến trung bình”.
Căng Thẳng Leo Thang Ở Khu Vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Căng thẳng đã leo thang giữa Trung Cộng và Philippines ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và các tranh chấp ở Eo biển Đài Loan và biên giới Ấn-Trung cũng vậy. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy một liên minh mới đang hình thành giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Philippines, trong đó Ấn Độ ủng hộ đồng minh Philippines của Hoa Kỳ. Các chuyên gia đang có những ý kiến khác nhau về việc liệu khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có sắp trở thành một điểm nóng mới hay không.
Hôm 23/03, các tàu hải cảnh Trung Cộng đã dùng vòi rồng tấn công một tàu tiếp tế của Philippines trong cuộc trạm chán mới nhất gần một bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông, khiến các thủy thủ bị thương cũng như khiến con tàu gỗ này bị hư hại nặng.
Hoa Kỳ và Nhật Bản đã ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines, đồng thời cảnh báo về việc các lực lượng Trung Cộng đang liên tục gây hấn ngoài khơi Bãi cạn Thomas thứ Hai.
Hôm 28/03, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết Philippines sẽ thực hiện các biện pháp đối phó với “các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hãn, và nguy hiểm” của lực lượng hải cảnh Trung Cộng.
Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông và nhấn mạnh yêu sách này trên các tấm bản đồ sử dụng đường chín đoạn lấn chiếm vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Indonesia.
Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào ngày 12/7/2016.
Tuy nhiên, Trung Cộng từ chối thừa nhận phán quyết này và vẫn tiếp tục các hoạt động của họ ở Biển Đông, bao gồm khai triển phi đạn trên các đảo nhân tạo và xây dựng các phi trường quân sự, khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Nói chuyện với The Epoch Times, ông Ming-Shih Shen, giám đốc nghiên cứu an ninh quốc gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An Ninh Quốc Gia Đài Bắc, cho rằng cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã áp dụng chính sách thân Trung Cộng, nhưng lời hứa của Trung Cộng đối với Philippines về việc giúp nước này phát triển kinh tế đã không tiến triển hoặc không thành hiện thực. Thay vào đó, xung đột liên tục nảy sinh giữa hai quốc gia tại các khu vực trong đường chín đoạn.
Ông Shen cho biết Philippines phải tăng cường hợp tác giữa các quốc gia tuân thủ các nguyên tắc dân chủ để chống lại sự bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông. Ông dự đoán rằng sau khi Philippines mua phi đạn hành trình siêu thanh BrahMos từ Ấn Độ, các cuộc tuần tra chung của các lực lượng tuần duyên đến từ Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Philippines sẽ sớm bắt đầu.
Eo biển Đài Loan là một khu vực khác có nhiều nguy cơ, khiến Nhật Bản phải tăng cường năng lực phòng thủ trên các hòn đảo phía tây nam của Nhật Bản.
Đảo Yonaguni, nằm cách Tokyo khoảng 2,000 km (1,242 dặm) và cách Đài Loan chỉ 110 km (68 dặm), đóng vai trò là tuyến đầu trong sáng kiến của Nhật Bản.
Theo bản tin hôm 31/3 của Nikkei Asia, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Eo biển Đài Loan, thì Nhật Bản cho khai triển các đơn vị quân sự mới trên quần đảo này và mở rộng các căn cứ tại đó.