Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới
TT Biden Tìm Cách Giảm Căng Thẳng Cuộc Xung Đột Giữa Iran Và Israel
Tổng thống Joe Biden và các cố vấn đang tìm cách giảm bớt căng thẳng và ngăn chặn xung đột ở Trung Đông sau cuộc tấn công chưa từng có của Iran vào lãnh thổ Israel vào cuối tuần qua.
Hôm 13/04, Iran đã tung ra hàng trăm lời đe dọa tấn công nhắm vào Israel, nói rằng đây là hành động trả thù mà Iran cho rằng, Israel đã tấn công vào khu Tòa Đại sứ của Iran ở Syria hồi đầu tháng Tư. Đây là cuộc tấn công lần đầu tiên của Iran nhắm trực tiếp vào Israel.
Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, và các đối tác khác, Israel đã đánh chặn thành công 99% số đạn do Iran bắn ra. Theo xác nhận của các viên chức Hoa Kỳ và Israel, hầu như không có thiệt hại nào cho hạ tầng cơ sở của Israel.
Hôm 14/04, nội các chiến tranh của Israel đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về việc ứng phó với cuộc tấn công. Iran cảnh báo rằng bất cứ hành động trả đũa nào của Israel sẽ dẫn đến một “phản ứng quyết đoán và mạnh mẽ hơn nhiều”.
Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không tham gia bất cứ hành động nào tấn công Iran, cho dù Israel có trả đũa.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với NBC hôm 14/04, “Chúng tôi không theo đuổi một cuộc chiến với Iran. Chúng tôi không muốn leo thang chiến tranh”.
Bình luận được đưa ra sau khi một số hãng truyền thông đưa tin Tổng thống Biden đã cảnh báo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng ông sẽ không ủng hộ hành động trả đũa trong một cuộc điện đàm hôm 13/04.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden cho biết ông đã tái khẳng định “cam kết sắt đá của Mỹ đối với an ninh của Israel” trong cuộc điện đàm với ông Netanyahu.
Tổng thống Biden nói: “Tôi nói với ông ấy rằng Israel đã chứng tỏ khả năng vượt trội trong việc phòng thủ và đánh bại ngay cả những cuộc tấn công chưa từng có—gửi một thông điệp rõ ràng tới những kẻ thù của mình rằng họ thực sự không thể đe dọa đến an ninh của Israel”.
Ông Biden đã trở lại Tòa Bạch Ốc từ tư dinh bên bờ biển Delaware hôm 13/04 sớm hơn một ngày để gặp các thành viên của Uỷ Ban an ninh quốc gia tại Tòa Bạch Ốc và nhận thông tin cập nhật theo thời gian thực về các cuộc tấn công phi đạn vào Israel.
Israel có khả năng đối đầu với cuộc tấn công của Iran. Tuy nhiên, ông Biden và nhóm của ông cho rằng, chính phủ Israel không nên leo thang chiến tranh.
Không rõ liệu ông Netanyahu và chính phủ của ông có làm theo lời khuyên của Tổng thống Biden hay không.
Trong một cuộc họp báo, một viên chức chính phủ Hoa Kỳ nói với các phóng hôm 14/04, “Israel sẽ tự quyết định. Nhưng chúng tôi đã công bố quan điểm của mình”.
Ông lưu ý rằng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Thủ Tướng Netanyahu diễn ra khi cuộc tấn công của Iran nhắm vào Israel đang xảy ra, điều mà ông mô tả là một “giai đoạn vô cùng căng thẳng”.
Hạ Viện Sẽ Cố Gắng Về Gói Tài Trợ Cho Israel Trong Tuần Này
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) cho biết Hạ viện sẽ “cố gắng lần nữa” để thông qua gói tài trợ cho Israel trong tuần này sau cuộc tấn công của Iran nhắm vào Israel.
Trong lần xuất hiện trên chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News, ông Johnson được hỏi liệu cuộc tấn công mà Iran cho là để trả đũa cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà ngoại giao Iran ở Syria có làm thay đổi kế hoạch tài trợ cho Israel của Hạ viện hay không.
Sau khi ông trở thành chủ tịch Hạ Viện, Hạ Viện đã thông qua dự luật viện trợ trị giá 14 tỷ USD cho Israel mà dự luật này được chi trả bằng cách cắt giảm ngân sách của IRS, ông nói “Chúng tôi hiểu tính cấp bách của vấn đề này ngay từ đầu”.
Dự luật đó đã bị trì hoãn tại Thượng Viện, và dự luật còn bị chặn lại bởi Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York).
Sau đó, ông Johnson lưu ý rằng, Hạ Viện đã thông qua một dự luật tài trợ “sạch” cho Israel, cũng với chi phí cao nhất là 14 tỷ USD, mà dự luật này đã bị đa số thành viên đảng Dân Chủ phản đối sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ phủ quyết dự luật.
Tuy nhiên, ông Johnson cho biết ông có kế hoạch thực hiện một bước đột phá khác để tài trợ cho Israel sau vụ tấn công hôm 13/04.
Ông Johnson nói, “Các thành viên đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện và đảng Cộng Hòa hiểu sự cần thiết của việc sát cánh cùng Israel. Chúng tôi sẽ thử lại trong tuần này. Chúng tôi đang xem xét các lựa chọn và tất cả các vấn đề bổ sung”.
Ông Johnson được hỏi về khả năng cung cấp thêm nguồn vốn cho Ukraine dưới hình thức một khoản cho vay, một ý tưởng ban đầu được cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra và được nhiều người trong hội nghị đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện tán thành.
Ông Johnson cho biết, “Cựu Tổng thống Trump và tôi đồng thuận 100% về những vấn đề lớn trong nghị trình này. Đây là một khái niệm thực sự quan trọng mà tôi nghĩ có rất nhiều người đồng thuận cũng như những ý tưởng khác, Đạo luật REPO mà chúng ta đã thảo luận, về việc tịch thu tài sản của những tài phiệt tham nhũng ở Nga để giúp chi trả cho cuộc kháng chiến này. Chúng tôi sẽ gửi gói dự luật đến Thượng Viện và hoàn thành các nghĩa vụ này”.
Hiện tại vẫn chưa biết một dự luật viện trợ sẽ bao gồm mức trợ giúp nào, hoặc liệu dự luật đó có được gói gọn dưới dạng một gói duy nhất dành cho Ukraine hay không.
Trung Cộng Có Mối Liên Hệ Với Tội Phạm Có Tổ Chức
Theo một bản tin mới của hai hãng thông tấn ProPublica và The Frontier, một vị tổng lãnh sự Trung Cộng thuộc Tòa Đại Sứ Trung Cộng ở Hoa Thịnh Đốn bị cáo buộc có liên hệ với các thành viên tội phạm có tổ chức, người Tàu vốn đã bị kết án ở Oklahoma.
Đây là mảnh ghép mới nhất trong một bức tranh ngày càng trở nên lớn hơn mỗi ngày. Tại sao chính phủ Hoa Kỳ và các nước đồng minh tiếp tục ủng hộ mối liên hệ có lịch sử lâu dài của Trung Cộng với các nhóm tội phạm quốc tế, bao gồm các nhóm tội phạm Mexico và hội Tam Hoàng Trung Quốc, ở Đông Nam Á, châu Âu, và châu Mỹ Latinh?
Nhóm phóng viên gần đây nhất phơi bày mối liên hệ giữa Trung Cộng và tội phạm có tổ chức là ông Sebastian Rotella và bà Kirsten Berg của ProPublica, cũng như ông Garrett Yalch và ông Clifton Adcock của The Frontier. Họ viết rằng “Sau một vụ sát nhân hàng loạt tại một trang trại cần sa” ở Oklahoma, “một nhà ngoại giao Trung Cộng đã đến thăm một tổ chức đang là đối tượng điều tra”.
Họ viết, mặc dù một số cuộc điều tra này chắc chắn có nguyên nhân do cơ quan công lực có thành kiến với người Á Châu, nhưng các cuộc gặp gỡ giữa các nhà ngoại giao của Trung Cộng và những tên tội phạm bị kết án đã “phản ảnh mô hình liên hệ quốc tế giữa các viên chức Trung Cộng và các tổ chức bị tình nghi là mạng lưới tội phạm”.
Trong một bài báo trước đó, chính các tác giả này đã phát giác ra rằng, “Từ California đến Maine, tội phạm có tổ chức của Trung Cộng đã thống trị phần lớn hoạt động buôn bán cần sa bất hợp pháp tại Mỹ… Cùng với sự phát triển bùng nổ của ngành tội phạm này, các băng đảng xã hội đen đã gây ra tình trạng vô luật pháp: bạo lực, buôn bán ma túy, rửa tiền, cờ bạc, hối lộ, gian lận tài liệu, gian lận ngân hàng, hủy hoại môi trường, và trộm cắp điện nước”.
Theo một nghiên cứu của Viện Brookings được công bố hồi tháng Giêng, các nhân viên công lực từ trước đến nay đều tin rằng “các nhóm tội phạm có liên quan đến Trung Cộng thực hiện giám sát cộng đồng người Hoa ở hải ngoại và hành động như những người thay mặt cho nhà cầm quyền Trung Cộng, những hoạt động ngoài vòng pháp luật chống lại những người lên tiếng và có hành động phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng và ĐCSTQ”. Vì vậy, theo nghiên cứu, Trung Cộng đã mở rộng sự bao che và quyền lực của mình cho tội phạm có tổ chức một cách không chính thức.
Trớ trêu thay, nhóm hoạt động bảo vệ nhân quyền Safeguard Defenders phát giác rằng các băng nhóm tội phạm này có thể có được sự trợ giúp từ hơn 100 “đồn công an” Trung Cộng ở hải ngoại tại 53 quốc gia. Tại Ý và Tây Ban Nha, theo báo cáo của ông Rotella, các nhân vật xã hội đen của Trung Cộng còn góp sức thành lập một số đồn công an như vậy.
Ngoài ra còn có nhiều báo cáo về mối liên hệ của Trung Cộng với tội phạm có tổ chức ở châu Á, bao gồm cả tội phạm tại các quần đảo Nam Thái Bình Dương. Một bản tin năm 2018 của ông J. Michael Cole cho thấy ĐCSTQ đã sử dụng “các nhóm côn đồ ủy nhiệm để gây rối loạn cho Đài Loan và Hồng Kông”.
Đảng Dân Chủ Sử Dụng Chiến Lược Ít Được Biết Đến Để Giành Chiến Thắng Trong Năm 2024
Cuộc bầu cử sắp tới sẽ có thể ít nhắm đến việc thay đổi suy nghĩ của cử tri hơn mà tập trung nhiều hơn vào việc khích động các cử tri và giục họ đi bỏ phiếu.
Các sinh viên Mỹ, mà theo một phân tích của Đại học Tufts là những người đã giúp bầu chọn ông Biden ở những tiểu bang dao động quan trọng hồi năm 2020, có thể là lực lượng nòng cốt về phương diện này, vừa là mục tiêu vừa là cán bộ trong các nỗ lực vận động bỏ phiếu của đảng.
Trong khi đó, một vụ kiện hiện đang chuyển qua các tòa án ở Wisconsin dường như đưa ra một nghiên cứu tình huống về cách mà các chiến dịch vận động này chuyển thành chiến thắng bầu cử cho đảng Dân Chủ.
Hồi tháng Hai, Phó Tổng thống Kamala Harris nhấn mạnh rằng chính phủ đang trả tiền cho sinh viên đại học để ghi danh cử tri.
Bà Harris nói,“Chúng tôi đã và đang làm việc để thúc đẩy việc tham gia trở thành cử tri dành cho sinh viên. Và, chẳng hạn như, chúng tôi… hiện cho phép sinh viên được trả tiền thông qua chương trình của liên bang, Vừa Học Vừa Làm (Federal Work Study), để ghi danh mọi người và trở thành nhân viên bầu cử phi đảng phái”.
Bà Harris cho biết chính phủ Tổng thống Biden đã có thể “giao cho các cơ quan liên bang thực hiện công việc mà họ đúng ra có thể làm để thông báo cho người dân Mỹ về quyền bầu cử của họ”.
Trả tiền cho sinh viên để đi bỏ phiếu là phần mới nhất trong một sáng kiến bắt nguồn từ cựu Tổng thống Barack Obama nhằm gia tăng việc đi bỏ phiếu của sinh viên. Ban đầu việc này được thực hiện cùng với các tổ chức bất vụ lợi tư nhân như Civic Nation (Quốc gia Công dân).
Được thành lập với sự ủng hộ của Tổng thống Obama, vợ ông, và ông Joe Biden hồi năm 2015, và được dẫn dắt bởi các cựu nhân viên của ông Obama, Civic Nation hiện tự hào có mối quan hệ đối tác với 1,700 trường cao đẳng và đại học và một ngân sách được báo cáo là hơn 16 triệu USD trong năm 2020.
Mục tiêu đã nêu của tổ chức này là “tranh đấu cho bình đẳng giới, công bằng xã hội, và v.v”, và tổ chức này dẫn đầu sáng kiến “Tất cả trong Thách thức Nền dân chủ Học đường” (All In Campus Democracy Challenge, gọi tắt là All In) thu hút sự tham gia của các nhà quản lý trường đại học để kêu gọi họ ghi danh cử tri là sinh viên.
All In tổ chức các cuộc thi ‘trường học đi bỏ phiếu’ ở tất cả 50 tiểu bang. Theo trang web của tổ chức này, họ đã hợp tác với 994 cơ quan và ghi danh hơn 10 triệu sinh viên. Là một phần của “thách thức” đó, các trường đồng ý chia sẻ dữ kiện bỏ phiếu của sinh viên.
Civic Nation nhận được phần lớn nguồn tài trợ từ một mạng lưới các quỹ từ thiện cấp tiến được quản lý bởi Arabella Advisors, công ty giám sát một mạng lưới những phương tiện truyền bá bất vụ lợi tài trợ cho các chiến dịch chính trị của cánh tả.
Tuy nhiên, dưới thời chính phủ Tổng thống Biden, chiến dịch vận động sinh viên đi bỏ phiếu hiện đang được thực hiện bằng các quỹ liên bang, do Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ dẫn đầu.
Sắc lệnh 14019 của Tổng thống Biden buộc tất cả các cơ quan chính phủ tham gia vào một nỗ lực toàn quốc nhằm ghi danh cử tri và bao gồm một chương trình của Bộ Giáo Dục (DOE) gây áp lực buộc các tổ chức giáo dục phải chứng minh rằng họ đã ghi danh sinh viên sẽ bỏ phiếu.
Sau khi sắc lệnh 14019 được ban hành, DOE đã gửi cho các trường học một “Thư gửi Đồng nghiệp Thân mến” để “nhắc nhở các tổ chức giáo dục đại học về các yêu cầu của liên bang về việc bỏ phiếu mà gắn liền với việc tham gia vào các chương trình tài trợ sinh viên của liên bang”.
Theo DOE, bức thư cũng nói rõ khi nào tiền của chương trình Federal Work Study có thể được sử dụng “cho công tác công dân phi đảng phái”.
Theo một báo cáo năm 2022 của Trung Tâm Thông Tin Và Nghiên Cứu Về Học Tập và Công Tác Công Dân (CIRCLE) của Đại học Tufts, “thanh niên ở độ tuổi từ 18 đến 29 là nhóm tuổi duy nhất có đa số ủng hộ đảng Dân Chủ”.
Báo cáo cho biết cho đến năm 2002, lá phiếu của giới trẻ được chia đều giữa hai đảng, nhưng kể từ thời điểm đó, giới trẻ đã chuyển hướng mạnh mẽ sang ủng hộ đảng Dân Chủ với mức chênh lệch hiện nay là 28 điểm. Tuy nhiên, các chiến dịch vận động đi bỏ phiếu không nhắm mục tiêu như nhau đến tất cả các cử tri trẻ. Thay vào đó, họ tập trung nỗ lực vào những cử tri chắc chắn là đảng Dân Chủ nhất — những người theo học đại học.
Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Làm Gián Điệp Cho Cuba Lãnh 15 Năm Tù
Một cựu đại sứ Hoa Kỳ, người có quyền truy cập vào kho dự trữ thông tin tuyệt mật của chính phủ, đã bị kết án 15 năm tù sau khi nhận tội làm việc trong nhiều thập niên cho cơ quan gián điệp của nhà cầm quyền cộng sản Cuba.
Theo Bộ Tư pháp (DOJ), ông Victor Manuel Rocha, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Bolivia và là thành viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc (NSC), đã được cơ quan tình báo Cuba tuyển dụng vào năm 1973.
Hôm 12/04, ông Rocha đã đồng ý một thỏa thuận nhận tội, thừa nhận đã bí mật hoạt động với vai trò là đặc vụ của nhà cầm quyền Cuba trong 40 năm đồng thời nắm giữ nhiều chức vụ được ủy thác khác nhau cho phép ông tiếp cận thông tin mật và có khả năng gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Một thẩm phán sau đó đã tuyên án mức hình phạt tối đa theo luật định là 15 năm tù dành cho ông.
Theo các điều khoản của thỏa thuận nhận tội, ông Rocha còn phải nộp phạt 500,000 USD, chịu ba năm quản chế có giám sát, và hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ trong việc đánh giá thiệt hại do công việc của ông đã gây ra.
Ông cũng bị tước bỏ tất cả các khoản trợ cấp hưu trí trong tương lai, bao gồm cả các khoản thanh toán lương hưu, phát sinh từ công việc trước đây của ông tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và ông phải chuyển giao mọi khoản lợi nhuận trong tương lai mà ông có thể kiếm được từ việc viết một cuốn sách về hành vi phạm tội của mình hoặc từ bất cứ ấn phẩm nào khác liên quan đến hoạt động gián điệp của mình.
Mặc dù ông Rocha giữ bí mật tư cách là một đặc vụ Cuba trong nhiều thập niên, bao gồm cả việc cung cấp thông tin sai lệch cho các đặc vụ của chính phủ Hoa Kỳ để che đậy dấu vết, thì hoạt động của ông cuối cùng đã bị phát giác khi ông tiết lộ thông tin cho một đặc vụ FBI chìm đóng giả làm gián điệp của Cuba.
Ngoài chức vụ đại sứ Hoa Kỳ tại Bolivia từ năm 2000 đến năm 2002, ông Rocha còn giữ chức Phó Thư ký Trưởng của Ban Lợi ích Hoa Kỳ của Bộ Ngoại giao tại Havana, Cuba, từ năm 1995 đến năm 1997.
DOJ cho biết sau khi công việc tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ kết thúc, ông đã tham gia vào nhiều hoạt động khác nhằm giúp đỡ cơ quan gián điệp của Cuba.
Bộ Tư pháp cho biết ông Rocha đã ca ngợi cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro và gọi những đầu mối liên lạc của ông trong cơ quan tình báo Cuba là “Compañeros”, nghĩa là các đồng chí.
DOJ cho biết, “Ông Rocha mô tả công việc của mình với vai trò là một đặc vụ Cuba là ‘vĩ đại… Hơn cả một chiến thắng,’ và khẳng định rằng những gì ông làm đã ‘củng cố Cuộc cách mạng… một cách mạnh mẽ’”.
Bản cáo trạng truy tố ông cho thấy ông có giấy phép an ninh cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ, cho phép ông truy cập vào kho thông tin tuyệt mật.
Hôm thứ Sáu (12/04), các công tố viên cho biết việc đánh giá thiệt hại từ hành động của ông Rocha vẫn đang được tiến hành và có thể không bao giờ biết được toàn bộ mức độ thiệt hại từ hành động của ông.
Ông David Newman, một viên chức an ninh quốc gia hàng đầu của DOJ, cho biết trong một cuộc họp báo sau khi tuyên án rằng hành động của ông Rocha là “sự phản bội lại người dân Mỹ một cách đáng kinh ngạc”, và vụ án này là lời nhắc nhở về các nguy cơ gián điệp mà nước Mỹ phải đối mặt từ nhiều quốc gia.
Cuộc Điện Đàm Giữa Ông Biden Và Ông Tập Không Làm Thay Đổi Được Bất Cứ Điều Gì
Các cuộc trao đổi giữa ông Biden và Tập Cận Bình đã không ảnh hưởng gì đến những tham vọng của Trung Cộng: chiếm Đài Loan, gây bất ổn cho vận tải biển toàn cầu, phân phối fentanyl, và chuẩn bị cho chiến tranh vào năm 2035.
Hôm 02/04, trong cuộc trò chuyện đầu tiên giữa hai người kể từ tháng Mười Một năm ngoái (2023), Tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận về một số vấn đề cấp bách. Những vấn đề này bao gồm sự trợ giúp kinh tế liên tục của Bắc Kinh dành cho Nga, sự xâm lược quân sự của Trung Cộng đối với Đài Loan, các cuộc tấn công mạng của Trung Cộng nhắm vào Hoa Kỳ và các đồng minh, sự can thiệp của Trung Cộng vào cuộc bầu cử năm 2024 của Hoa Kỳ, cũng như việc hối thúc ông Tập thuyết phục Iran ngừng trợ giúp cho những kẻ khủng bố và chấm dứt xuất cảng hoá chất để chế tạo fentanyl. Về phần Trung Cộng, Tập Cận Bình muốn Tổng thống Biden dỡ bỏ các hạn chế về kỹ nghệ và các lệnh cấm đối với vi mạch bán dẫn.
Điều trớ trêu của cuộc đối thoại này nằm ở chỗ ông Tập nắm quyền lực tuyệt đối ở Trung Quốc. Chỉ cần một cú điện thoại hoặc một lời tuyên bố, ông có thể lập tức ngừng trợ giúp cho Nga, chấm dứt các hành vi gây hấn của Trung Cộng đối với Đài Loan, ngừng xuất cảng fentanyl, hay ngăn chặn sự can thiệp của Trung Cộng vào các cuộc bầu cử. Những chính sách này vẫn tồn tại vì Tập Cận Bình tin rằng đây là những chính sách tốt nhất cho Trung Cộng.
Không có vấn đề nào được thảo luận là điều mới mẻ. Hoa Kỳ đã trao đổi với Trung Quốc nhiều lần về những vấn đề này trong quá khứ. Ví dụ, cuộc tranh luận về Đài Loan đã có từ hơn nửa thế kỷ trước. Chiến tranh Nga-Ukraine hiện đã bước sang năm thứ ba và lý do duy nhất khiến nền kinh tế Nga chưa sụp đổ là nhờ vào sự trợ giúp liên tục của Trung Cộng.
Vấn đề về vi mạch và kỹ nghệ chỉ là một ví dụ khác giải thích lý do tại sao những cuộc đối thoại này không thể và sẽ không mang lại kết quả nào có ý nghĩa. Tòa Bạch Ốc của ông Biden thường xem Trung Quốc là một đối thủ chứ không phải là một địch thủ. Trong khi đó, Bộ Quốc Phòng và Cộng đồng Tình báo của Hoa Kỳ lại xem Trung Quốc là một mối đe dọa. Liên quan đến Trung Cộng, báo cáo thường niên về Phát triển An Ninh và Quân Sự của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nêu rõ: “Chiến lược của Trung Cộng đòi hỏi những nỗ lực có chủ ý và quyết tâm nhằm tích lũy, cải thiện, và khai thác các yếu tố bên trong và bên ngoài của sức mạnh quốc gia mà sẽ giúp đưa Trung Cộng vào ‘vị thế dẫn đầu’ trong cuộc cạnh tranh lâu dài giữa các hệ thống”. Như vậy, quân đội Hoa Kỳ cần luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh với quân đội Trung Cộng.
Trung Cộng Đẩy Mạnh Xuất Cảng Khiến Các Nhà Đầu Tư Ngoại Quốc Lo Lắng
Trong khi các nhà hoạch định chính sách Trung Cộng cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua xuất cảng mạnh mẽ, thì các nhà phân tích và nhà đầu tư ngoại quốc lại lo ngại về hậu quả kinh tế do công suất kỹ nghệ dư thừa của Trung Cộng và nhu cầu nội địa suy yếu mang lại. Họ lập luận rằng các nền tảng kinh tế của Trung Cộng vẫn còn yếu, và trong khi nhiều nhà đầu tư vẫn đứng bên lề và tiếp tục đánh giá thấp Trung Cộng, thì căng thẳng địa chính trị Trung Cộng-Hoa Kỳ đang là rủi ro bên ngoài lớn nhất của Trung Cộng trong một năm bầu cử ở Hoa Kỳ. Và những khó khăn trên thị trường địa ốc vẫn là những rủi ro lớn trong nước.
Ông Michael Ashley Schulman, giám đốc đầu tư của Running Point Capital có trụ sở tại California, nói với The Epoch Times, “Khi Trung Cộng cố gắng xuất cảng để quay trở lại tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thì các công ty ngoại quốc đang gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý ở Trung Cộng do niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm, khi nền kinh tế Trung Cộng bị chậm lại, thị trường địa ốc trì trệ, và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, tất cả các yếu tố đó đang hạn chế chi tiêu”.
Ông nhấn mạnh rằng suy thoái kinh tế dai dẳng, giảm phát, và nợ xấu gia tăng do tác động của cuộc khủng hoảng nhà ở kéo dài nhiều năm hiện nay đang gây căng thẳng cho các ngân hàng và hệ thống tài chính của Trung Cộng, và những thách thức này phải được giải quyết khẩn cấp.
Hôm thứ Hai (08/04), Bộ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với Trung Cộng, nhắc lại lập trường của Hoa Thịnh Đốn trước viễn cảnh các lãnh vực mới sụp đổ do xuất cảng của Trung Cộng. Thông điệp này đã được đưa ra khi bà kết thúc bốn ngày thảo luận nhằm khuyến khích Bắc Kinh giải quyết công suất kỹ nghệ dư thừa của mình.
Trong một cuộc họp báo, bà Yellen nhấn mạnh rằng Tổng thống Joe Biden cam kết tránh lặp lại “cú sốc Trung Quốc” xảy ra vào đầu những năm 2000, khiến khoảng 2 triệu việc làm trong ngành sản xuất của Hoa Kỳ biến mất do sự gia tăng trong khối lượng xuất cảng của Trung Cộng.
Trong chuyến công du tới Trung Quốc của bà, Bộ trưởng Yellen đã nói chuyện tại một sự kiện của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ và lưu ý về mối liên hệ giữa việc trợ cấp của Bắc Kinh với hoạt động sản xuất và các mục tiêu phát triển trong nước của quốc gia này.
Bà Yellen đã tận dụng chuyến thăm thứ hai tới Trung Cộng trong vòng chín tháng để gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động đầu tư quá mức của Trung Cộng, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất kỹ nghệ vượt quá cả nhu cầu trong nước lẫn nhu cầu của thị trường toàn cầu. Bà khẳng định tình trạng này đang gây nguy hiểm cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ và quốc tế.
Bà nêu bật những luận điểm so sánh với những cải tổ dựa trên thị trường của Trung Cộng trong những thập niên qua, giúp thúc đẩy GDP và đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói, đồng thời nói rằng việc khôi phục những cải tổ đó có thể mang lại lợi ích lớn hơn.
Bà Yellen cũng tuyên bố rằng bà sẽ nêu lên những lo ngại của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và quốc tế về môi trường kinh doanh ngày càng tệ hại của Trung Cộng, đặc biệt là về cách đối xử không công bằng giữa họ và các công ty đối thủ địa phương.
Theo bà Yellen, công suất sản xuất dư thừa ở Trung Cộng luôn là một vấn đề, nhưng gần đây vấn đề này đã trở nên trầm trọng hơn do rủi ro ngày càng tăng trong các ngành kỹ nghệ mới như xe điện (EV), pin, và các mặt hàng quang năng, việc cắt giảm chi phí để cạnh tranh giữa các nhân viên và doanh nghiệp ở Hoa Kỳ, Mexico, và Ấn Độ.
CEO Apple Đến Hà Nội, Thăm Việt Nam Trong 2 Ngày
Vào rạng sáng 15/4 (theo giờ Việt Nam), ông Tim Cook, CEO Apple đã đến Việt Nam.
Ngay khi đến Hà Nội, ông Tim Cook cho biết, rất hào hứng khi được tới đây để tìm hiểu về nhu cầu của khách hàng.
Theo kế hoạch, trong 2 ngày 15 và 16/4, ông sẽ gặp các nhà sáng tạo nội dung và thảo chương viên Việt.
Qua chuyến thăm lần này của CEO Tim Cook, Apple thông báo tăng các cam kết với Việt Nam, nâng các khoản chi cùng với tiến triển mới trong hỗ trợ nước sạch cho các trường học.
Từ hơn 10 năm trước Công ty bắt đầu hoạt động tại Việt Nam và hiện đang hỗ trợ hơn 200,000 việc làm qua hình thức trực tiếp, chuỗi cung ứng và kinh tế ứng dụng iOS.
Trong hơn một năm qua tại thị trường Việt, Apple liên tục giới thiệu các dịch vụ mới, tuyển dụng kỹ sư ngôn ngữ Siri trong lãnh vực học máy và AI.
Tim Cook sinh năm 1960, gia nhập Apple tháng 3/1998. Từ tháng 8/2011, ông làm Giám đốc điều hành Apple.
Theo Forbes, tính đến đầu 2024, CEO Apple sở hữu 2 tỷ USD. Năm 2015, ông công bố kế hoạch cho đi phần lớn tài sản và tặng hàng triệu USD cổ phiếu cho các tổ chức thiện nguyện.
Iran Không Kích Israel, Phóng Hàng Loạt Máy Bay Không Người Lái
Chiều thứ Bảy (14/04), Lực lượng Phòng thủ Israel (IDF) xác nhận, Iran phóng hàng chục drone (máy bay không người lái và được điều khiển từ xa) từ lãnh thổ Iran hướng về phía Israel.
Thông báo của quân đội Israel cho biết, “Mới đây, Iran phóng phi cơ không người lái từ Iran hướng về phía lãnh thổ của Israel. Lực lượng phòng không được đặt trong tình trạng báo động khẩn, đồng thời, Không Quân cùng Hải Quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia”.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo (IRGC) đã đưa ra một tuyên bố xác nhận cuộc khởi động tấn công vào Israel này, nói rằng hành động này là để đáp trả cuộc tấn công trước đó của IDF vào khu lãnh sự quán ở thủ đô Damascus của Syria. Cuộc không kích hôm 01/04 đã làm thiệt mạng một số chỉ huy cao cấp của Iran, bao gồm Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi, cùng một số thành viên IRGC khác.
Truyền thông nhà nước Iran đưa tin, IRGC tuyên bố sẽ tấn công các mục tiêu cụ thể tại Israel bằng hàng loạt drone và phi đạn.
Cuộc tấn công hiện vẫn đang tiếp diễn, ngay sau khi lực lượng vũ trang Iran bắt giữ một tàu container liên quan đến Israel ở gần Eo biển Hormuz, một tuyến đường vận tải hàng hải then chốt đến Vịnh Ba Tư.
Ông Netanyahu tuyên bố, “Bất cứ ai làm hại chúng tôi, thì chúng tôi sẽ khiến họ phải chịu tổn thất”.
Trong thông điệp gửi công dân, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết trong mấy tuần qua chính phủ của ông đã “dự trù cho một cuộc tấn công trực diện từ phía Iran”.
“Hệ thống phòng thủ của chúng ta đã được khai triển. Chúng tôi sẵn sàng cho mọi tình huống, cả phòng thủ lẫn tấn công”. Thủ tướng đã được chuyển đến một địa điểm an toàn khi các drone bay về phía Israel.
Ông cho biết, “Chúng tôi trân trọng sự đồng hành của Hoa Kỳ bên cạnh Israel, cũng như trợ giúp của Anh quốc, Pháp, cùng nhiều quốc gia khác. Chúng tôi đã xác định một nguyên tắc rõ ràng: Bất cứ ai làm hại chúng tôi, thì chúng tôi sẽ khiến họ phải chịu tổn thất”.
Trong lời kêu gọi hành động, ông Netanyahu yêu cầu tất cả người dân Israel tuân theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Mặt Trận Quốc Gia IDF.
Ông nói, “Cùng với sự phù hộ của Chúa, chúng ta sẽ sát cánh cùng nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau đánh bại tất cả kẻ thù”.
Tổng thống Joe Biden sẽ tham gia cuộc họp cùng đội ngũ an ninh quốc gia của ông, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken, tại Tòa Bạch Ốc trong chiều hôm nay để bàn luận về tình hình leo thang mới nhất này.
Toà Bạch Ốc cho biết,
“Đội ngũ của ông vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với các viên chức Israel cũng như các đối tác và đồng minh khác. Có lẽ cuộc tấn công này sẽ còn tiến triển nữa trong vài giờ tới”.
Tổng thống Biden tuyên bố, sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với an ninh của Israel là luôn bền vững. Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng người dân Israel và trợ giúp họ phòng thủ trước những mối đe dọa từ Iran.
Trước hành động trả đũa vẫn tiếp diễn của Iran, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cảnh báo người Mỹ ở Israel không nên ra khỏi các thành phố lớn, là những nơi được bảo vệ tốt hơn bằng Hệ thống phòng thủ phi đạn Iron Dome của quốc gia này. Khuyến cáo mới nhất về việc đi lại lưu ý rằng việc đi lại của các nhân viên chính phủ có thể sẽ được hạn chế nhiều hơn nữa.
3 Con Trai Của Thủ Lĩnh Hamas Haniyeh Thiệt Mạng Trong Cuộc Không Kích Của Israel
Nhóm khủng bố Palestine và gia đình ông Haniyeh cho biết, Ba người con trai của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza hôm thứ Tư (10/04).
Quân đội Israel xác nhận đã thực hiện vụ tấn công, mô tả ba người con trai này là đặc vụ trong cánh vũ trang Hamas.
Nhóm khủng bố Hamas cho biết ba người con trai — Hazem, Amir, và Mohammad — đã thiệt mạng khi chiếc xe hơi mà họ đang lái bị đánh bom ở trại Al-Shati thuộc Gaza. Hamas cho biết bốn người cháu của ông Haniyeh, ba gái và một trai, cũng thiệt mạng trong vụ tấn công.
Khi được hỏi về bốn người cháu thiệt mạng trong cuộc không kích, quân đội Israel cho biết “hiện tại không có thông tin gì về điều đó”.
Ông Haniyeh, sống ở Qatar, là người cứng rắn trong chính sách ngoại giao quốc tế của Hamas trong bối cảnh chiến tranh với Israel nổ ra ở Gaza. Ngôi nhà của gia đình ông ở Gaza cũng bị phá hủy trong một cuộc không kích của Israel hồi tháng Mười Một.
Theo các nguồn tin của Hamas, ông Haniyeh đã nói với đài truyền hình pan-Arab Al Jazeera rằng, “Máu của các con trai tôi không quý hơn máu của nhân dân chúng ta”. Ông Haniyeh, 61 tuổi, có 13 con trai và con gái.
Theo người thân của ông Haniyeh, ba người con trai và bốn người cháu đang trên đường đến thăm gia đình ông trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi Giáo ở Shati, trại tị nạn quê hương của họ ở thành phố Gaza.
Hôm thứ Ba (09/04), Hamas cho biết họ đang nghiên cứu một đề nghị ngừng bắn của Israel trong cuộc chiến kéo dài hơn sáu tháng ở Gaza nhưng đề nghị đó là “không khoan nhượng” và không đáp ứng yêu cầu nào của người Palestine.
Ông Haniyeh nói, “Các yêu cầu của chúng tôi rất rõ ràng và cụ thể và chúng tôi sẽ không nhượng bộ. Kẻ thù sẽ nhầm nếu cho rằng việc nhắm vào các con trai của tôi, vào lúc cao trào của cuộc đàm phán và trước khi phong trào này gửi đi hồi đáp, sẽ đẩy Hamas thay đổi lập trường”.
Trong tháng thứ bảy của một cuộc chiến mà trong đó các cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel đã tàn phá Gaza, Hamas muốn Israel chấm dứt các hoạt động quân sự và rút quân khỏi vùng đất này cũng như cho phép những người Palestine di tản có thể trở về nhà.
Nhật Bản Có Thể Sẽ Gia Nhập Liên Minh AUKUS Chống Bắc Kinh
Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đã nói rằng Nhật Bản “sắp trở thành đối tác Trụ cột II bổ sung đầu tiên” trong AUKUS, mối quan hệ đối tác ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ.
Đây sẽ là sự mở rộng đầu tiên của thỏa thuận chia sẻ quốc phòng chặt chẽ bên cạnh ba đối tác ban đầu, bao gồm việc hợp tác cùng nhau trong các lãnh vực như động cơ đẩy tàu ngầm hạch tâm và kỹ nghệ lượng tử.
Đáp lại, một nguồn tin chính phủ Úc nói với Australian Broadcasting Corporation (ABC) rằng Nhật Bản sẽ hợp tác trong các dự án kỹ nghệ quốc phòng cụ thể thuộc AUKUS nhưng không nhất thiết phải gia nhập liên minh này với tư cách thành viên chính thức.
Một phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đã từ chối bình luận về tuyên bố của ông Emanuel. Ông Emanuel đã đưa ra tuyên bố này trong một bài bình luận đăng ngày 03/04 trên The Wall Street Journal.
Trụ cột Một của AUKUS liên quan đến việc Úc phát triển các tàu ngầm được trang bị vũ khí thông thường chạy bằng năng lượng hạch tâm, sử dụng kỹ nghệ tân tiến của Mỹ và Anh.
Trụ cột Hai là một quy chế để các đối tác của AUKUS chia sẻ các hệ thống phòng thủ tân tiến bao gồm kỹ nghệ lượng tử, hỏa tiễn siêu thanh, và trí tuệ nhân tạo.
Nhật Bản có thể sẽ quan tâm đến việc hợp tác trong một số lãnh vực, bao gồm robot tân tiến, sáng kiến mạng, và chiến tranh chống tàu ngầm.
Ông Emanuel không cho biết khi nào sẽ có thông báo chính thức nhưng có vẻ như sẽ có thông báo trong tuần này, khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Hoa Thịnh Đốn để gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, sau đó là hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.
Đại sứ Emanuel viết: “Khi Tổng thống Biden và ông Kishida gặp nhau, họ sẽ đánh dấu một sự chuyển đổi trong quan hệ Mỹ-Nhật, khi một kỷ nguyên kết thúc và một kỷ nguyên khác bắt đầu”.
Các viên chức Hoa Kỳ đã xác nhận rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ “nghiêm túc xem xét” việc đưa Nhật Bản vào làm đối tác kỹ nghệ.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell gần như đã xác nhận rằng một thông báo sẽ được đưa ra trong tuần này, khi nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Úc sẵn sàng đón nhận các quốc gia khác tham gia thỏa thuận.
Ông Campbell nói hôm 03/04, “Tôi nghĩ quý vị sẽ biết rằng chúng tôi có điều gì đó để nói về việc này vào tuần tới”.
Vương quốc Anh đã nhiều lần phát đi tín hiệu rằng họ sẵn lòng cho các quốc gia khác tham gia Trụ cột Hai, với việc hồi năm 2021 Bộ Trưởng Quốc Phòng đương thời của Anh nói rằng AUKUS không được thiết kế như một thỏa thuận “độc quyền” và các quốc gia như Nhật Bản, New Zealand, và Canada có thể tham gia trong tương lai.
Tuy nhiên mặc dù Úc bày tỏ sẵn sàng đón nhận Nhật Bản hợp tác với AUKUS, nhưng ông Marles cũng đã gợi ý hồi tháng Hai rằng có thể phải mất một thời gian nữa thì điều đó mới xảy ra.
Nữ Ký Giả Trung Quốc Bị Trục Xuất Khỏi Thụy Điển Từng Kể Về Gia Cảnh Bị ĐCSTQ Bức Hại
Mới đây, chính phủ Thụy Điển đã quyết định trục xuất một nữ ký giả Trung Cộng, cấm bà tái nhập cảnh Thụy Điển vĩnh viễn, đồng thời cáo buộc người này gây ra mối đe dọa trầm trọng cho an ninh quốc gia Thụy Điển. Nữ ký giả Trung Cộng này tiết lộ rằng ba thế hệ trong gia đình bà từng bị Trung Cộng tra tấn, nhưng ngược lại ngày nay họ đang “ca ngợi” cho chế độ chuyên chế toàn trị.
Theo Đài truyền hình Thụy Điển (SVT), nữ ký giả người Trung Quốc này đã bị cơ quan an ninh Thụy Điển bắt giữ hồi tháng Mười năm ngoái (2023), và dự định sẽ bị trục xuất vào ngày 16/11. Tuy việc trục xuất được trì hoãn do có kháng cáo nhưng cuối cùng bà cũng sẽ bị trục xuất bởi vì hôm 04/04, chính phủ Thụy Điển đã bác bỏ đơn kháng cáo.
Cục Cảnh sát An ninh Thụy Điển (Säpo) nói với Tòa án Di trú rằng nữ ký giả Trung Quốc này đã tham gia vào các hoạt động đe dọa an ninh Thụy Điển trong hơn 10 năm. “Thông tin mà chính quyền cung cấp rất đáng tin cậy, người kháng cáo gây ra mối đe dọa trầm trọng đối với an ninh của Thụy Điển”.
Một hãng truyền thông khác của Thụy Điển là Kinamedia cho biết nữ ký giả Trung Quốc bị trục xuất tên là Trần Tuyết Phi (Chen Xuefei Axelsson), chủ băng tần truyền thông trực tuyến Green Post, đồng thời là Hội trưởng Hiệp hội Văn hóa Trung Cộng -Âu Châu.
Hôm 11/04, ký giả Jojje Olsson của Kinamedia nói với VOA rằng: “Bà Trần Tuyết Phi hợp tác chặt chẽ với Tòa Đại sứ Trung Cộng. Bà ấy cũng khá nổi tiếng trong giới nhân sĩ quan sát Trung Quốc ở Thụy Điển. Tôi có thể gọi bà ấy là tác nhân gây ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Nữ ký giả Trung Quốc tên Trần Tuyết Phi được cấp thị thực Thụy Điển lần đầu vào năm 2005, và được cấp quyền cư trú vĩnh viễn vào năm 2008. Bà kết hôn với một người đàn ông Thụy Điển, và họ có một người con.
Theo lời giới thiệu trên Green Post, bà Trần Tuyết Phi là biên tập viên và ký giả của Green Post, đồng thời là sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành công ty Sweden-China Bridge. Công ty này từng giúp hàng chục phái đoàn Trung Cộng (chính phủ, doanh nghiệp tư nhân) đến thăm Thụy Điển để khai triển việc “học tập” về năng lượng mới và các lãnh vực khác. Ngoài ra, Sweden-China Bridge còn có liên quan đến một băng tần truyền thông Hoa ngữ khác ở Thụy Điển là “Mạng Trung Hoa Bắc Âu” (chineseonline.se).
Ký giả The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ đã tìm thấy trên trang web “Mạng Trung Hoa Bắc Âu” một bài báo có tiêu đề “Mạng Trung Hoa Bắc Âu cần kiên trì lấy tuyên truyền tích cực làm chủ”. Bài báo được phát hành vào ngày 03/09/2023, có chữ ký của bà Trần Tuyết Phi, ký giả của Mạng Trung Hoa Bắc Âu và Green Post. Bài báo này cho biết, trang web Green Post chủ yếu là đăng tin tức tích cực của Đảng Cộng sản Trung Quốc – Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Vương Quốc Anh Sẽ Không Bao Giờ Giao Quyền Lực Cho WHO
Một thành viên Nội Các cho biết, Chính phủ Đảng Bảo Thủ sẽ “không bao giờ” trao chủ quyền cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc cho phép tổ chức này buộc Vương quốc Anh áp đặt các phản ứng quốc gia đối với đại dịch.
Hôm thứ Bảy (30/03), bộ trưởng không bộ Esther McVey đã viết trên tờ The Telegraph rằng Anh quốc vẫn có “quyền theo Hiến Pháp” để đưa ra quyết định của riêng mình về cách ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe quốc gia, và nói rằng việc nhượng lại chủ quyền là một “ranh giới đỏ” đối với bà và các đồng nghiệp trong Nội các của bà.
Bà cho biết rằng, trong khi bà biết người Anh có thể lo ngại rằng các cơ quan quốc tế “có thể có được quyền lực để buộc các nước áp dụng các biện pháp và hạn chế”, nhưng bà nói, “các đồng nghiệp cấp bộ của tôi và tôi sẽ không bao giờ trao bất cứ quyền lực nào cho bất cứ tổ chức nào, kể cả Tổ chức Y tế Thế giới”.
Bà McVey viết, “Các ranh giới đỏ của chúng tôi trong các cuộc đàm phán bao gồm việc không đồng ý với bất cứ điều gì nhượng bộ chủ quyền, nhằm bảo vệ khả năng của chúng tôi trong việc đưa ra tất cả các quyết định trong nước của chúng tôi về các biện pháp y tế công cộng quốc gia, bao gồm cả việc có nên đưa ra bất cứ lệnh phong tỏa hay hạn chế nào hay không, yêu cầu chích ngừa và đeo khẩu trang cũng như các quyết định du lịch ra và vào đất nước.
Bà McVey đưa ra nhận xét này khi chính phủ Vương Quốc Anh và các quốc gia khác đang đàm phán Thỏa Thuận Đại Dịch của WHO và thảo luận về dự thảo sửa đổi Quy định Y Tế Quốc Tế (IHR) hiện hành.
Cả hai văn bản trên đều cần phải được đồng thuận tại Hội Đồng Y Tế Thế Giới lần thứ 77 ở Geneva, Thụy Sĩ, từ ngày 27/05 đến ngày 01/06.
Vị Bộ trưởng Nội các này cho biết việc Vương quốc Anh tiếp tục tham gia Thỏa thuận Đại dịch của WHO và IHR sửa đổi là để bảo đảm Vương quốc Anh có quyền truy cập vào “thông tin toàn cầu” về “các cuộc khủng hoảng mới nổi”.