TIN THẾ GIỚI.
Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina (RFI)
Thủ tướng Cộng Hòa Séc Petr Fiala, hôm 16/04/2024, thông báo 20 quốc gia đồng minh của Ukraina đã cam kết mua nửa triệu quả đạn pháo cho Kiev ở bên ngoài châu Âu.
Thủ tướng Fiala tại Washington, được AFP trích dẫn, khẳng định “rất phấn khởi vì hiện tại đã có khoảng 20 nước tham gia sáng kiến của Praha, trong đó có các nước vùng Baltic, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Islande, Luxembourg, Na Uy, Bồ Đào Nha, Slovenia, Canada, Ba Lan, Đức hay Hà Lan”.
Các nước thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU) đã từng cam kết cung cấp cho Ukraina một triệu quả đạn pháo trước cuối tháng 3 vừa qua, nhưng đã không thể giao hàng do thiếu năng lực sản xuất. Tuy nhiên, Praha khẳng định đã tìm được nguồn đạn pháo dự trữ có sẵn ở ngoài châu Âu, với tổng số khoảng 800.000 quả, để mua và cung cấp cho Ukraina.
Thủ tướng Cộng Hòa Séc cho biết nhờ vào đó, các nước có thể cung cấp cho Ukraina 500.000 quả đạn pháo, và tin rằng các nước tài trợ hoàn toàn có thể cấp thêm cho Kiev một triệu quả đạn pháo trong 12 tháng tới. Ông Fiala cũng thông báo đợt giao hàng đầu tiên có thể diễn ra vào tháng Sáu tới.
Theo tờ báo Anh Financial Times, các nước sẽ phải bỏ ra 1,5 tỷ đô la để mua 800.000 quả đạn pháo. Nhưng Tomas Kopecny, Ủy viên Cộng Hòa Séc phụ trách tái thiết Ukraina, ước tính chi phí có thể cao gấp đôi.
Về tình hình chiến sự, quân đội Nga, hôm nay 17/04, đã thực hiện một cuộc oanh kích ở thành phố Chernigiv, phía bắc Ukraina, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương. Chính quyền Kiev, hôm qua, cũng cho biết đã xác định được gần 37.000 thường dân và binh lính mất tích kể từ khi Nga xua quân xâm lược nước láng giềng hồi tháng 02/2022.
Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia (RFI).
“Chúng ta đang tiến gần một cách nguy hiểm đến một tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia”, đó là lời báo động của giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA Rafael Grossi trong một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về các cuộc tấn công vào nhà máy điện nguyên tử của Ukraina, lớn nhất ở châu Âu.
Cơ sở hạt nhân Zaporijjia ở miền nam Ukraina đã bị quân Nga chiếm giữ từ tháng 03/2022 và kể từ ngày 07/04 đã nhiều lần bị tấn công bằng drone. Matxcơva và Kiev cho tới nay vẫn đổ trách nhiệm cho nhau về loạt tấn công này.
Trả lời báo chí hôm qua, lãnh đạo AIEA nói là không thể nào xác định được bên nào tiến hành các vụ oanh kích vào nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia. Ông Grossi nhấn mạnh, “cho dù 6 lò phản ứng của nhà máy đã ngưng hoạt động, vẫn còn những nguy cơ tiềm tàng của một tai nạn hạt nhân lớn”.
Về hỗ trợ của quốc tế để giúp Ukraina chống trả quân Nga, theo hãng tin AFP, một quan chức bộ Tài Chính Mỹ cho biết Hoa Kỳ hy vọng các cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới WB sẽ thảo luận dự án sử dụng các tài sản bị phong tỏa của Nga để trang bị vũ khí cho Ukraina và tái thiết nước này.
Vào cuối tháng 3 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định sử dụng các thu nhập từ những tài sản bị phong tỏa của Nga để tài trợ cho việc mua vũ khí để viện trợ cho Ukraina. Theo dự báo thì sáng kiến này sẽ giúp thu được từ 2,5 đến 3 tỷ euro để hỗ trợ Kiev. Matxcơva đã dọa sẽ kiện Liên Hiệp Châu Âu nếu khối này sử dụng các thu nhập từ tài sản của Nga.
Trong khi đó, nhân chuyến thăm của ngoại trưởng Na Uy tại Kiev, hôm qua, hai nước đã đạt thỏa thuận về nội dung một hiệp định an ninh song phương. Theo lời ngoại trưởng Espen Barth Eide sau cuộc gặp với tổng thống Volodymyr Zelensky, “Na Uy sẽ hỗ trợ trong dài hạn cho Ukraina về quân sự, chính trị, tài chính và nhân đạo”.
Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran (RFI)
Bất chấp lời kêu gọi của nhiều nước, trong đó có cả đồng minh Hoa Kỳ, lo ngại xung đột lan ra toàn khu vực, tối ngày 15/04/2024, tổng tham mưu trưởng quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công quy mô và chưa từng có của Iran vào Israel sáng sớm Chủ nhật 14/04. Trước đó, thủ tướng Benjamin Netanyahu kêu gọi cộng đồng quốc tế “duy trì đoàn kết” trước cuộc tấn công “đe dọa hòa bình thế giới” của Iran.
Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul tường trình:
Trước giới báo chí, tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, tướng Herzl Halevi nói rõ là sẽ có phản ứng trước cuộc tấn công quy mô của Iran. Các nhà lãnh đạo Israel đều nhấn mạnh là quyết định đã được đưa ra. Tất nhiên vấn đề bây giờ là Israel sẽ tấn công Iran ở đâu, khi nào và như thế nào. Nội các an ninh của Israel họp lại vào hôm nay để xem xét các kế hoạch do quân đội đưa ra và quyết định các phương thức đáp trả của Israel.
Chính phủ Israel đã cam kết sẽ báo cho Hoa Kỳ biết trước khi tiến hành một cuộc tấn công. Tel Aviv cũng nhấn mạnh không muốn gây ra một cuộc xung đột lan rộng trong khu vực. Cũng có thông tin cho biết những tin nhắn được gửi đến các nước láng giềng đã giúp đẩy lùi cuộc tấn công bằng drone và tên lửa của Iran. Theo phía Israel, mục đích là để trấn an các nước này và bảo đảm rằng phản ứng của Israel sẽ không ảnh hưởng đến họ.
Iran đã lần đầu tiên tấn công Israel để trả đũa vụ oanh kích được cho là do Israel tiến hành nhắm vào lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damas của Syria ngày 01/04. Hôm qua, lần đầu tiên quân đội Israel chính thức nói đến vụ oanh kích này. Theo phát ngôn viên của quân đội, những nạn nhân tại lãnh sự quán Iran chính là “những kẻ khủng bố” hoạt động chống Israel.
Về phía Teheran, hôm nay, tổng thống Iran Ebrahim Raissi đã cảnh báo là “bất cứ hành động nào” của Israel nhắm vào “các lợi ích của Iran” đều sẽ dẫn đến “một sự đáp trả nghiêm khắc” của Iran.
Trong khi đó, hôm qua, giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA Rafael Grossi tiết lộ là hôm 14/04, khi mở cuộc tấn công Iran bằng drone và tên lửa, Iran đã đóng cửa toàn bộ các cơ sở hạt nhân mà cơ quan này vẫn thanh tra mỗi ngày. Lãnh đạo AIEA bày tỏ lo ngại về khả năng Israel trả đũa Iran bằng cách tấn công vào các cơ sở hạt nhân này.
Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì? (RFI)
Tối ngày 13/04/2024, Iran ồ ạt oanh kích Israel với gần 300 drone và tên lửa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Teheran trực tiếp tấn công lãnh thổ Israel. Với cuộc tấn công rầm rộ, mà Iran khẳng định là để trả đũa vụ oanh kích vào lãnh sự quán Iran ở Damas, Syria, Teheran được lợi những gì và phải gánh chịu các thiệt hại, rủi ro nào ?
Sau đây là tóm lược một số nhận định với đài Bỉ RTBF, của nhà chính trị học Jonathan Piron, chuyên gia về Trung Đông và Iran, thành viên Nhóm Nghiên cứu và Thông tin về Hòa bình và An ninh (GRIP). Các nhận định được đưa ra ngay sau cuộc oanh kích chưa từng có.
Phản ứng mạnh, nhưng chừng mực: Iran khẳng định không ở thế yếu
Nhà chính trị học Jonathan Piron ghi nhận trước hết về tính chất chừng mực của cuộc tấn công tuy có quy mô lớn gây ấn tượng mạnh, nhưng trên thực tế chế độ Teheran ‘‘đã không có lựa chọn nào khác hơn là buộc phải trả đũa, và trả đũa khá mạnh’’ để đáp lại việc Israel ‘‘vượt qua lằn ranh đỏ’’. Ngay sau cuộc tấn công này, Teheran đã khẳng định là vụ việc đã khép lại, và đối với Iran, cuộc oanh kích quy mô này chỉ để đáp trả hành động của Israel ngày 01/04/2024.
Teheran không thể không có một phản ứng được coi là mạnh mẽ. Cuộc tấn công này có ý nghĩa đối ngoại cũng như đối nội với chế độ Hồi giáo. Iran muốn chuyển thông điệp cùng lúc đến nhiều thế lực bên ngoài, bao gồm Israel, Hoa Kỳ, cũng như các lực lượng đồng minh với Teheran tại Trung Cận Đông : Đó là quốc gia này không ở thế yếu trong tương quan lực lượng với Israel, sau vụ lãnh sự quán ở Syria bị tấn công. Cuộc oanh kích cũng cho thấy là riêng một mình Iran có thể tiến hành một cuộc tấn công có tổ chức, với các phương tiện hùng hậu, trên quy mô toàn bộ khu vực vùng Trung Đông. Trong thời gian cuộc oanh kích này, hàng loạt không phận tại khu vực đã phải đóng cửa, cho thấy rõ nhà nước Hồi giáo có khả năng nâng cấp ‘‘mức độ răn đe ở quy mô chưa từng có’’.
Với trong nước, chế độ Hồi giáo cũng muốn chứng minh cho dân chúng thấy là ‘‘họ có khả năng tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn’’. Cuộc oanh kích hôm 13/04 diễn ra ngay sau một đợt tuyên truyền mạnh mẽ báo trước sẽ tấn công Israel.
Thất bại quân sự: 99% drone, tên lửa bị chặn…
Đâu là những thiệt hại, rủi ro với Iran khi tiến hành cuộc tấn công chưa từng có này nhắm vào Israel? Cho đến nay, các cuộc tấn công nhắm vào Israel đều được Teheran tiến hành thông qua các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, đặt biệt là tổ chức Hezbollah, và nhiều nhóm vũ trang khác trong khu vực, trong đó không thể không kể đến tổ chức Hamas Palestine. Với cuộc oanh kích ngày 13/04, Iran lần đầu tiên buộc phải ‘‘lộ mặt’’.
Cho dù còn có hàng loạt yếu tố liên quan đến cuộc oanh kích chưa từng có này còn cần tiếp tục được giải mã, nhưng rõ ràng là xét về mặt quân sự, Iran đã thất bại, khi có đến 99% số drone và hỏa tiễn bị đánh chặn, với hệ thống phòng không được mệnh danh là ‘‘mái vòm sắt’’ của Israel, cũng như hỗ trợ từ phía các đồng minh, nhất là trên bầu trời Jordanie, quốc gia láng giềng của Israel. Nếu xem xét kỹ lưỡng hơn, có thể thấy các vũ khí của Iran tỏ ra không mấy hiệu quả. Có đến 50% số tên lửa của Iran đã bị rớt trên đường bay hoặc trong lúc cất cánh. Nếu coi các tên lửa đạn đạo là một trong các yếu tố chủ chốt của hệ thống vũ khí răn đe của Teheran, thì cuộc tấn công vừa qua cho thấy rõ ‘‘những điểm yếu lớn’’ của quân đội Iran.
Viễn cảnh Israel thoát thế cô lập, Iran mất đối tác
Ngoài khía cạnh quân sự nói trên, cuộc oanh kích của Iran được coi là gây nhiều lợi bất cập hại với chế độ Hồi giáo. Trước cuộc tấn công này, Israel vốn đang bị cô lập trên trường quốc tế, sau 6 tháng chiến tranh chống tổ chức Hamas tại dải Gaza, cuộc chiến giết hại hàng chục nghìn thường dân, gây bao thảm họa nhân đạo tại các vùng đất của người Palestine, gây phẫn nộ không chỉ trong thế giới Ả Rập. Chuyên gia Jonathan Piron nhấn mạnh, về một mặt nào đó, với cuộc oanh kích rầm rộ ngày 13/04 của Teheran, Israel đã phần nào thoát khỏi thế cô lập, và Jerusalem sẽ tìm cách có các hành động nhằm thoát khỏi tình thế bất lợi này.
Với cuộc tấn công trực tiếp nói trên của Iran vào Israel, và cuộc chiến của Israel chống Hamas tại dải Gaza có nguy cơ trở thành ‘‘vấn đề thứ yếu’’, ít còn được cộng đồng quốc tế chú ý hơn. Nếu điều này xảy ra, thì đây sẽ là điểm cộng cho Israel, tuy nhiên, chuyên gia Jonathan Piron cũng lưu ý là điều này cũng phụ thuộc nhiều vào phản ứng của Israel với Iran trong những ngày tới, những tuần tới.
Nguy cơ xung đột lan rộng tại khu vực gia tăng
Chuyên gia về Trung Đông Jonathan Piron đặc biệt lưu ý đến tình hình nguy hiểm hơn tại khu vực sau cuộc oanh kích của Iran, với nguy cơ gia tăng về việc xung đột lan rộng ra toàn khu vực, điều đã bắt đầu sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 07/10/2023, dẫn đến chiến dịch can thiệp hơn nửa năm nay của Israel tại Gaza, và các hoạt động tấn công vào Israel cùng các đồng minh của nhà nước Do Thái tăng vọt.
Mỹ – EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘”kiềm chế” (RFI)
Sau cuộc oanh kích Israel của Iran hôm 13/04/2024, các đồng minh phương Tây của Israel một mặt chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới chống Teheran, mặt khác kêu gọi Jerusalem ‘‘kiềm chế’’.
Theo AFP, hôm qua, 16/04/2024, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, ra một thông cáo cho biết, ‘‘trong những ngày tới, Hoa Kỳ sẽ áp đặt thêm nhiều biện pháp chống lại Iran do các chương trình drone và hỏa tiễn của nước này’’. Washington cũng bày tỏ hy vọng là, cùng với Mỹ, các đồng minh và đối tác cũng cần ‘‘nhanh chóng’’ đưa ra các biện pháp trừng phạt
Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu (EU), ông Josep Borrell, cho biết việc ‘‘mở rộng hệ thống trừng phạt hiện có đối với drone Iran’’ là nội dung của cuộc họp trực tuyến giữa các lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu hôm qua. Liên Âu dự kiến mở rộng ‘‘hệ thống các trừng phạt’’ hiện nay, nhắm thêm vào các đồng minh trong khu vực của Iran, như tổ chức Hezbollah ở Liban hay nhóm quân nổi dậy Houthi ở Yemen. Ngoại trưởng Israel nhiệt liệt hoan nghênh việc Liên Âu ‘‘lần đầu tiên’’ hướng đến trừng phạt các đồng minh của Iran trong khu vực.
Trong cuộc họp hôm qua, ngoại trưởng 27 nước châu Âu đã ‘‘cực lực lên án cuộc tấn công của Iran’’, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh đến việc tránh ‘‘căng thẳng leo thang’’ tại khu vực. Hôm nay, hai ngoại trưởng Anh và Đức đến Jerusalem để bày tỏ tình đoàn kết với Israel. Ông David Cameron và bà Annalena Baerbock là các ngoại trưởng nước ngoài đầu tiên đến Israel kể từ cuộc tấn công ‘‘chưa từng có’’ nói trên.
Lãnh đạo ngoại giao Anh, Đức cũng kêu gọi chính quyền Netanyahu phản ứng chừng mực với Teheran. Ngoại trưởng Anh David Cameron hy vọng là Israel đáp trả một cách ‘‘khôn ngoan và cứng rắn’’, cố gắng tối đa để tránh leo thang căng thẳng.
Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng (RFI)
Chính quyền Úc, hôm 17/04/2024, công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên, tập trung vào việc đối phó với “chiến thuật cưỡng bức” của Trung Cộng tại khu vực Thái Bình Dương, được coi là đang có xu hướng xảy ra xung đột.
Theo AFP, tài liệu dài 80 trang đưa ra đánh giá không mấy khả quan về tình trạng an ninh ở Thái Bình Dương, và đề cập đến việc Canberra gia tăng chi tiêu quốc phòng để tăng cường sức mạnh cho quân đội Úc. Văn bản này đặc biệt nhấn mạnh “Trung Cộng đã sử dụng các chiến thuật cưỡng bức để theo đuổi các mục tiêu chiến lược”, và mô tả một nước Úc dễ bị kẻ thù bóp nghẹt về thương mại hoặc bị ngăn chặn trong việc tiếp cận các tuyến hàng không và hàng hải quan trọng.
Bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles phát biểu : “Chúng ta là một quốc đảo giao thương chủ yếu bằng đường biển. Việc xâm lược Úc là một viễn cảnh khó xảy ra trong bất kỳ kịch bản nào, do vậy, kẻ thù có thể gây ra rất nhiều thiệt hại cho chúng ta mà không cần đặt chân vào lãnh thổ Úc.”
Thay vì tập trung vào việc duy trì những lực lượng quân sự có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, bộ trưởng Marles cho biết sẽ tập trung cao độ vào việc xây dựng một lực lượng răn đe có thể bảo vệ lợi ích của Úc trong khu vực lân cận. Trọng tâm của Chiến lược Quốc phòng là những kế hoạch phát triển một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, gia tăng hỏa lực của tên lửa và phát triển một hạm đội tàu chiến mặt nước cỡ lớn.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm (RFI)
Hôm 16/04/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ và Trung Cộng có cuộc trao đổi trực tuyến. Biển Đông và Đài Loan là các chủ đề trọng tâm. Nối lại đối thoại quốc phòng giữa hai nước đã được thỏa thuận giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Cộng trong cuộc gặp thượng đỉnh tháng 11/2023 tại San Francisco.
Đây là lần đầu tiên bộ trưởng Quốc Phòng hai nước đối thoại kể từ 18 tháng nay.
Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Mỹ, bộ trưởng Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Cộng Đổng Quân (Dong Jun) « đã thảo luận các vấn đề quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, và các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu ». Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của « việc tiếp tục duy trì các kênh liên lạc quân sự » song phương và « tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền tự do hàng hải tại các vùng biển khơi, được bảo đảm bởi luật pháp quốc tế, đặc biệt tại Biển Đông. »
Về phía Trung Cộng, AFP cho biết, bộ Quốc Phòng nước này hôm nay, 17/04, cũng ra thông báo kêu gọi xây dựng « lòng tin » trong quan hệ song phương, giúp cho việc « phát triển quan hệ song phương và phòng ngừa các khủng hoảng lớn ». Về Biển Đông, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Cộng một mặt khẳng định tình hình Biển Đông « nhìn chung bình ổn », mặt khác kêu gọi Hoa Kỳ nhìn nhận « lập trường kiên quyết » của Trung Cộng trong việc bảo vệ « chủ quyền lãnh thổ ».
Trong cuộc đối thoại nói trên, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Cộng cũng nhấn mạnh Đài Loan là « lợi ích cốt lõi của Trung Cộng », và quân đội nước này « sẽ không im lặng và không bao giờ khuất phục trước các lực lượng ly khai cổ vũ cho Đài Loan độc lập, cũng như trước các ủng hộ và đồng lõa từ bên ngoài », lời lẽ lên án gián tiếp nhắm vào Hoa Kỳ, quốc gia hỗ trợ quân sự chủ yếu cho Đài Bắc.
Trong khi đó, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định tiếp tục duy trì « chính sách Một nước Trung Hoa », được thực thi thông qua các văn bản chính, bao gồm « đạo luật Đài Loan » năm 1979 (Taiwan Relations Act), « ba tuyên bố Mỹ – Trung » và sáu nguyên tắc quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ về quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ năm 1982, thường gọi tắt là « sáu bảo đảm », được Quốc Hội Lưỡng Viện Mỹ ra nghị quyết chính thức khẳng định vào năm 2016. Theo đạo luật Đài Loan 1979, Washington không ủng hộ Đài Loan độc lập, nhưng cam kết hỗ trợ vũ khí để Đài Bắc tự vệ.
Theo Reuters, ngày hôm nay, ít giờ sau cuộc đối thoại giữa bộ trưởng Quốc Phòng hai nước, một phi cơ tuần tiễu của hải quân Hoa Kỳ đã bay qua eo biển Đài Loan. Hạm đội 7 của Mỹ ra một thông cáo cho biết « một phi cơ trinh sát và chống tàu ngầm P-8A Poseidon đã bay qua eo biển trên không phận quốc tế », và chuyến bay này cho thấy cam kết của Hoa Kỳ « bảo vệ một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Hiện tại Bắc Kinh chưa có phản ứng nào về hành động này.
Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này (VOA)
Hạ viện Hoa Kỳ sẽ xem xét các dự luật riêng rẽ về viện trợ cho Israel và Ukraine trong tuần này, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người thuộc đảng Cộng hòa, nói hôm thứ Hai 15/4, hơn hai tháng sau khi Thượng viện đã thông qua dự luật bao hàm cả hai nội dung đó.
Ông Johnson nói rằng Hạ viện – với cán cân giữa hai đảng không chênh nhau nhiều – sẽ xem xét tổng cộng 4 dự luật trong đó cũng bao gồm vấn đề viện trợ cho Đài Loan, các đồng minh của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các ưu tiên an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Viện trợ của Mỹ đã bị trì hoãn do ông Johnson không sẵn lòng xem xét dự luật lưỡng đảng trị giá 95 tỷ đô la mà Thượng viện đã thông qua vào tháng 2, bao gồm 14 tỷ đô la cho Israel và 60 tỷ đô la cho Ukraine.
Ông Johnson cho hay các dự luật mới của Hạ viện cung cấp lượng viện trợ nước ngoài gần tương đương với dự luật của Thượng viện nhưng sẽ có một số điểm khác biệt, bao gồm một phần viện trợ sẽ dưới dạng tiền cho vay.
Đảng Cộng hòa đặt mục tiêu công bố nội dung sớm nhất là vào sáng 16/4 nhưng sẽ xem xét trong khoảng thời gian dài 72 giờ trước khi bỏ phiếu. Ông Johnson nói rằng cuộc bỏ phiếu thông qua có thể diễn ra trong tối thứ Sáu 19/4.
Sức ép đối với việc thông qua viện trợ trở nên cấp bách hơn sau khi Iran tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái hồi cuối tuần nhằm vào Israel, cho dù có sự phản đối gay gắt trong Quốc hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.
3 trong số 4 dự luật mà ông Johnson đề cập đến sẽ bao gồm Ukraine, Israel và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiện chưa rõ nội dung của dự luật thứ tư.
Ông Johnson hiện phải đối mặt với lời đe dọa từ những đảng viên Cộng hòa cực hữu là sẽ phế truất ông khỏi chức chủ tịch Hạ viện nếu ông để cho dự luận về viện trợ Ukraine có các bước tiến. Nhiều người cánh hữu, đặc biệt là những người liên minh chặt chẽ với cựu Tổng thống Donald Trump lâu nay vẫn hoài nghi về việc trợ giúp Kyiv trong cuộc chiến chống lại Nga, phản đối quyết liệt việc cấp thêm hàng tỷ đô la cho Ukraine.
Vấn đề này đang được ngành công nghiệp quốc phòng theo dõi chặt chẽ. Các nhà thầu quốc phòng của Hoa Kỳ có thể đang xếp hàng đợi nhận những hợp đồng lớn để cung cấp vũ khí, khí tài cho Ukraine và các đối tác khác của Hoa Kỳ nếu nguồn viện trợ bổ sung được thông qua. Những người ủng hộ viện trợ nhấn mạnh rằng việc thông qua dự luật về Ukraine sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ.
Ukraine hôm 15/4 lại kêu gọi các đồng minh thực hiện “những bước đi phi thường và táo bạo” để cung cấp các loại vũ khí phòng không nhằm giúp chống lại làn sóng không kích của Nga đánh vào hệ thống năng lượng của Ukraine trong những tuần gần đây.
TIN VIỆT NAM.
Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do Trung Cộng tài trợ ở Cam Bốt (RFI)
Nhật báo Thái Lan Bangkok Post hôm 15/04/2024, có đăng lại bản tin của hãng Bloomberg News, cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam đã bày tỏ quan ngại về một dự án kênh đào ở Cam Bốt có tài trợ của Trung Cộng, vì dự án này có thể được sử dụng vào mục đích quân sự, gây ra một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Việt Nam và các nước láng giềng khác.
Theo Bloomberg News, Hoa Kỳ đang thúc giục Cam Bốt minh bạch hơn về dự án kênh đào trị giá 1,7 tỷ đôla mà các nhà quan sát cho rằng có thể được sử dụng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Cộng tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trải dài khoảng 180 km từ Phnom Penh đến tỉnh ven biển Kep, kênh đào Techo Funan dự kiến được khởi công xây dựng vào cuối năm nay sau khi Tập đoàn Cầu đường Trung Cộng, thuộc sở hữu Nhà nước, đạt được thỏa thuận phát triển kênh đào này tại thượng đỉnh Sáng kiến Vành đai và Con đường hồi tháng 10/2023.
Trả lời hãng tin Bloomberg về dự án nói trên, Wesley Holzer, một nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Phnom Penh, cho biết: “Người dân Cam Bốt và người dân ở các nước láng giềng sẽ được hưởng lợi từ sự minh bạch trong bất kỳ dự án quan trọng nào có tác động tiềm tàng đối với việc quản lý nước, sự bền vững nông nghiệp và an ninh khu vực”.
Được giới thiệu là dự án nội địa đầu tiên của Cam Bốt về nạo vét sông, kênh đào Techo Funan sẽ mất khoảng 4 năm để hoàn thành với tổng chiều dài chỉ ngắn hơn kênh đào Suez 16 km.
Giống như nhiều dự án cơ sở hạ tầng, kênh đào này có khả năng được sử dụng vào mục đích quân sự và đang gây lo ngại từ Việt Nam. Theo hãng tin Bloomberg, các học giả Việt Nam lo ngại rằng dự án có thể hỗ trợ việc vận chuyển tàu quân sự từ Vịnh Thái Lan, nơi Washington tin rằng Trung Cộng đang xây dựng căn cứ ở nước ngoài đầu tiên ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đó là chưa kể mối quan ngại về tác động môi trường của kênh đào Techo Funan, trong đó có nguy cơ là kênh đào này sẽ chuyển dòng nước khỏi sông Mê Kông.
Dự án gây tranh cãi sẽ được thực hiện trong bối cảnh thủ tướng Hun Manet tăng cường mối quan hệ vốn đã chặt chẽ với Bắc Kinh kể từ khi thay cha lên cầm quyền cách đây chưa đầy một năm.
Washington đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của quân đội Trung Cộng tại nước này, bao gồm cả việc tái phát triển căn cứ hải quân Ream do Bắc Kinh hỗ trợ. Ông Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng Viện Cam Bốt, vào tuần trước đã bác bỏ những thông tin về sự hiện diện của quân đội Trung Cộng tại căn cứ Ream. Theo ông, đó là những thông tin từ “những người không phải là bạn bè” mà ông cho rằng đang bóp méo mục đích sử dụng thực sự của kênh đào. Cựu thủ tướng Hun Sen đã từng tuyên bố kênh đào sẽ chỉ được sử dụng để thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
Việt Nam đã làm một việc “chưa từng có” để giải cứu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), là ngân hàng gặp nguy khốn trong vụ lừa đảo tài chính lớn nhất cả nước, Reuters đưa tin độc quyền vào sáng 17/4 theo giờ Hà Nội, trích dẫn 3 văn bản của ngành ngân hàng và thông tin chính thức mới mà một người được tiếp cận đã cung cấp cho hãng tin. “Nếu không cho vay, SCB sẽ sụp đổ. Còn nếu tiếp tục cho vay, kho bạc quốc gia sẽ dần cạn kiệt”, theo thông tin mới mà Reuters nhận được.
Thông tin mới cũng mô tả tình huống này là “chưa từng có”, xét đến khối lượng tiền mặt khổng lồ được bơm vào, sự phức tạp của hoạt động này cũng như quy mô thiệt hại hiện tại và tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.
Nợ công của Việt Nam năm ngoái ổn định ở mức 37% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP), trong khi thâm hụt ngân sách tăng nhẹ lên 4,4% GDP. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 100 tỷ đô la vào cuối năm 2023.
Tính đến đầu tháng 4 này, ngân hàng trung ương của Việt Nam đã bơm 24 tỷ đô la qua “các khoản vay đặc biệt” vào SCB, theo một trong những văn bản ngành ngân hàng mà Reuters đã xem, tài liệu này cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày kể từ ngày 29/3 về tổng số tiền bơm từ ngân hàng trung ương.Việc cho vay đã giảm một chút nhưng đạt mức trung bình là hơn 900 triệu đô la/tháng trong 5 tháng qua, theo văn bản đó, cũng như theo văn bản thứ hai cập nhật từ ngày 15/3 đến 20/3 và văn bản thứ ba từ tháng 11/2023 với các thông tin cập nhật hàng tháng từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023.
Những khoản bơm tiền mặt rất lớn đó của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào SCB tương đương với 5,6% sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia, hay khoảng 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Những số tiền cho vay đó chưa được đưa tin trước đây.
Ngân hàng nhà nước đưa SCB vào diện bị giám sát để ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt khỏi SCB, bị châm ngòi bởi vụ bắt giữ nữ đại gia bất động sản Trương Mỹ Lan vào tháng 10/2022. Kể từ đó, SCB đã sử dụng những số tiền được bơm để chi trả cho việc rút tiền mặt, theo một trong những tài liệu ngân hàng mà SCB đã gửi cho ngân hàng trung ương vào tháng 11/2023 để giải thích về việc sử dụng các khoản vay.
Theo thông tin chính thức mới từ nguồn tin, sau khi ngân hàng trung ương vào cuộc, tiền gửi ở SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng 6 tỷ đô la vào tháng 12/2023. SCB có thể không còn các khoản tiền gửi vào giữa năm nay với tốc độ rút tiền hiện tại và nợ xấu đã tăng lên 97,08% dư nợ tín dụng của SCB tính đến tháng 10/2023.
Bà Lan, nữ đại gia bị bắt vào tháng 10/2022 và đã gây ra tình trạng rút tiền ồ ạt, bị kết án tử hình hôm 11/4 sau khi bị kết tội chủ mưu vụ lừa đảo. Bà đã không nhận tội biển thủ và hối lộ trong vụ án có tới 12,5 tỷ đô la là tiền các khoản vay đã bị tuồn từ SCB sang các công ty vỏ bọc trong khi bà Lan thông qua các nhân vật bình phong để kiểm soát SCB trên thực tế.
Bà Lan, từng là một nhân vật nổi bật trong làng tài chính Việt Nam, sẽ kháng cáo bản án của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những luật sư của bà cho biết.
Theo thông tin mới mà Reuters nhận được, bất chấp sự trợ giúp chính thức, tính đến tháng 12/2023, SCB vẫn tiếp tục gặp vấn đề về thanh khoản và đôi khi phải vật lộn để giải quyết các khoản thanh toán đúng hạn khi khách hàng chuyển tiền sang các ngân hàng khác và khi xử lý thanh toán qua hệ thống thanh toán bù trừ chính của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến “tâm lý” của khách hàng và tạo ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng, văn bản của ngành ngân hàng cho hay.
Ngân hàng nhà nước đã cấp cho SCB 592,7 nghìn tỷ đồng (tức 23,72 tỷ đô la) dưới dạng “các khoản vay đặc biệt” tính đến ngày 2/4, theo một bản cập nhật gần đây do ngân hàng soạn về vấn đề này, mà Reuters xem được. SCB từng là một trong những tổ chức cho vay thương mại lớn nhất Việt Nam, tính theo lượng tiền gửi. (VOA)
Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
Ba lãnh đạo của một tập đoàn xây dựng cầu, đường ở Việt Nam vừa bị công an khởi tố để điều tra về các tội ‘Đưa hối lộ’, ‘Nhận hối lộ’, và ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’, Bộ Công an cho biết.
Theo thông tin mà người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, nói với báo chí trong nước hôm 15/4 thì họ đã bắt giữ các ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc và Nguyễn Khắc Mẫn, phó Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.
Tập đoàn có trụ sở ở Hà Nội này được ông Hưng thành lập cách đây 20 năm và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông từ những gói thầu do Nhà nước giao, theo truyền thông trong nước.
Trước tập đoàn Thuận An không lâu, một số lãnh đạo của Tập đoàn Phúc Sơn, trong đó có Chủ tịch Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu ‘Pháo’, đã bị bắt để điều tra về các tội hối lộ, sai phạm trong đấu thầu và gian lận tài chính.
Đáng chú ý là sau khi ông Hậu bị bắt, hàng loạt lãnh đạo, cả đương nhiệm lẫn về hưu, ở hai tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi lần lượt ‘ngã ngựa’ vì bị phanh phui đã nhận tiền của Phúc Sơn. Đỉnh điểm là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị bãi miễn tất cả các chức vụ hồi tháng Ba do được cho là dính dáng đến Phúc Sơn. Tuy nhiên, nguyên nhân được thông báo khi ông Thưởng bị bãi nhiệm là vì ông đã “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.”
Hiện giờ chưa rõ vụ việc ở Tập đoàn Thuận An có liên quan đến các quan chức cấp cao nào hay không và cũng chưa có lãnh đạo cấp tỉnh nào bị bắt như trong vụ Phúc Sơn. Theo thông tin của tờ Tuổi Trẻ thì trong vòng 5 năm qua tập đoàn này đã trúng thầu đến 22.612 tỉ đồng, bao gồm 8.272 tỉ đồng là được ‘chỉ định thầu’, tức là không cần đấu mà vẫn được cho trúng thầu.
Tổng cộng, họ đã trúng 39 trong 51 gói thầu mà họ tham gia đấu thầu từ năm 2019 đến nay, cũng theo Tuổi Trẻ. Các gói thầu mà họ tham gia đấu thầu trải dài khắp cả nước từ bắc xuống nam.
Bộ Công an không nói cụ thể các sai phạm ở tập đoàn này đã xảy ra như thế nào. Nhưng, theo ghi nhận của Công an Nhân dân, ngoài ba lãnh đạo của Thuận An bị bắt, Bộ Công an cũng bắt giữ thêm ba cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang về tội ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Nhận hối lộ’.
Sau khi bắt giữ những bị can trên, Bộ Công an sẽ thẩm vấn để mở rộng điều tra để làm rõ sai phạm cũng như xác định thêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản, cũng theo Công an Nhân dân.
Hiện tại, Bộ Công an đã yêu cầu chính quyền tỉnh Đắc Lắc cung cấp toàn bộ hồ sơ và tài liệu liên quan đến gói thầu của Thuận An tại dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua thành phố Buôn Mê Thuột có giá trị 1.500 tỷ đồng, tờ Tiền Phong cho biết. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu rà soát các dự án, các gói thầu trên địa bàn tỉnh được giao cho Thuận An.
Đây là những vụ bắt giữ mới nhất khi chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đang tiếp tục mở rộng. Trước khi ông Thưởng bị bãi nhiệm, các quan chức hàng đầu khác của chính phủ Việt Nam, gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai phó thủ tướng từng dưới quyền ông, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, đã phải xin thôi chức vì liên quan đến các đại án tham nhũng.Theo tin báo mạng lề trái, thì vụ bắt bớ các nhân vật đầu sỏ của Tập Đoàn Thuận An có liên quan đến một nhân vật lớn trong chế độ đang tham dự các cuộc đấu đá nội bộ ở thượng tần kiến trúc quốc gia. Nếu tin này đúng thì thời gian sẽ làm lộ diện “hạt giống đỏ cấp cao, phải viết đơn xin từ nhiệm” như tình huống các ông Nguyễn xuân Phúc, Nguyễn văn Thưởng đã trải qua.
CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
Hôm 15/4, một tòa án ở tỉnh Long An tuyên phạt bà Nguyễn Thị Bạch Huệ 12 năm tù về tội “hoạt động chống chính quyền nhân dân” do tham gia tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời có trụ sở ở Mỹ.
Truyền thông nhà nước dẫn lời hội đồng xét xử cáo buộc rằng bà Nguyễn Thị Bạch Huệ, 60 tuổi, có hành vi “đặc biệt nghiêm trọng và xuất phát từ động cơ cá nhân nhằm phá hoại nhà nước”, cho rằng bà đã nhận tổng cộng khoảng 10 triệu đồng từ tổ chức nêu trên để thực hiện việc “nói xấu, phỉ báng chính quyền, xúc phạm lãnh tụ, lôi kéo và tập hợp thêm người để lật đổ Nhà nước Việt Nam thông qua các nền tảng mạng xã hội”.
Báo Tuổi trẻ Online dẫn cáo trạng cho biết vào đầu năm 2020, bà Huệ đi thành phố Hồ Chí Minh gặp một người phụ nữ từ Mỹ về và được người này lôi kéo vào tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, do ông Đào Minh Quân ở bang California thành lập từ năm 1990, nhưng bị chính quyền Việt Nam liệt vào danh sách khủng bố tháng 1/2018.
Các trang báo của Việt Nam cho hay ngoài bà Huệ, người bị bắt hồi tháng 4/2023, còn có Vũ Đình Lan ở Đắk Lắk, Nguyễn Thị Rành và Nguyễn Thị Chính ở Tiền Giang cũng bị bắt do tham gia tổ chức của ông Quân và được xét xử riêng.
VOA đã liên lạc tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề nghị họ cho ý kiến về việc xét xử này, nhưng chưa được trả lời.
Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam phạt án tù cao đối với các thành viên của tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời.
Theo báo cáo nhân quyền năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ, ít nhất 19 người có liên quan đến Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời đã bị chính quyền Việt Nam kết án từ 5 đến 16 năm tù với tội danh “hoạt động chống chính quyền nhân dân”. (VOA)
Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
Số người Việt vượt eo biển Manche để vào Anh trong năm nay là đông nhất so với những sắc dân khác, và lượng người Việt đó ngày càng tăng.
Mạng báo The Telegraph của Anh loan tin ngày 15 tháng tư dẫn số liệu của Chính phủ London cho thấy vào ngày chủ nhật 14 tháng tư có hơn 530 người đến đất Anh. Đây là con số cao nhất đến Anh bất hợp pháp qua eo biển Manche chỉ trong một ngày. Từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng 6.265 người thuộc dạng này đến được Xứ Sương mù; tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng số người Việt Nam vượt eo biển Manche vào Anh trong năm nay tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022 có 505 người và nay lên 1.323 người. Lực lượng Biên phòng Anh báo cáo có những chiếc thuyền nhỏ chở đến 20 người Việt.
Tin cho biết do biện pháp an ninh chặt chẽ hơn đối với các xe tải, cũng như vụ 39 người Việt chết ngạt trong thùng xe đông lạnh hồi năm 2019 khiến nhiều người tránh đi bằng đường bộ mà chuyển sang đường biển vào Anh bằng thuyền nhỏ.
Số lượng người Việt vào Anh bất hợp pháp gia tăng là một lý do mà phát ngôn nhân chính thức của Thủ tướng Anh nêu ra yêu cầu Quốc hội nước này cần thông qua Dự luật Rwanda. Mục đích là “cứu mạng cho những người đang bị các băng nhóm buôn người bóc lột”.
Người Việt nhập cư lậu vào Anh thường do những băng nhóm buôn người đưa đến làm tại những tiệm làm móng tay-móng chân, những trang trại trồng cần sa, những nhà hàng và vào ngành mua bán dâm tại Anh Quốc. (RFA)