TIN THẾ GIỚI.

Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)

Kế hoạch viện trợ 61 tỷ đô la cho Ukraina bị đình trệ từ lâu do sự phản đối của các dân biểu đảng Cộng Hòa trung thành với cựu tổng thống Donald Trump cuối cùng đã được Hạ Viện Mỹ thông qua vào hôm 20/04/2024. Trong khi Kiev và các đồng minh phương Tây hoan nghênh quyết định của Hạ Viện Mỹ, Matxcơva lên tiếng cảnh báo rằng số tiền này sẽ chỉ « làm giàu thêm cho Mỹ », khiến cuộc chiến kéo dài và gây tổn thất cho Ukraina.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết ông hoan nghênh việc Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraina và điều này sẽ « giúp củng cố an ninh của tất cả chúng ta ở châu Âu và Bắc Mỹ ». Ngược lại, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, bà Maria Zakharova, gọi kế hoạch viện trợ này là sự « hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động khủng bố » và khiến tình hình khu vực trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.     

Về phần mình, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố, chỉ ít phút sau cuộc bỏ phiếu của Hạ Viện Mỹ, rằng « khoản viện trợ này sẽ cứu được hàng nghìn, hàng nghìn sinh mạng ».

Từ Kiev, thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze cho biết thêm :

« Ukraina đã chờ đợi quyết định này trong suốt 6 tháng, cũng là 6 tháng cầm cự chống lại quân Nga xâm lược mà không có trang thiết bị và hỗ trợ tài chính của Mỹ. Chính tổng thống Volodymyr Zelensky vài ngày trước đã phải thừa nhận rằng nếu khoản viện trợ 61 tỷ đô la này không được thông qua, Ukraina sẽ thua trong cuộc chiến với Nga.  

Trên thực tế, những tháng bất ổn vừa qua đã khiến khả năng phòng thủ của Ukraina suy giảm và tình hình dọc chiến tuyến ngày càng xấu đi. Tại đó, Ukraina phải chiến đấu với quân Nga với tỉ lệ 1 chọi 10. Điều này càng được thấy rõ trong những tuần gần đây, với các cuộc tấn công dữ dội và liên tục bằng tên lửa và drone nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và thường dân Ukraina. Khoản viện trợ của Mỹ sẽ cho phép Ukraina có thêm nguồn lực để bảo vệ vùng trời của mình và đối đầu với quân đội Nga ở tiền tuyến trong điều kiện tốt hơn.

Người dân Ukraina thở phào nhẹ nhõm trước quyết định này. Nhưng đồng thời, nhiều người cũng cay đắng tự hỏi rằng nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra sớm hơn thì có bao nhiêu dân thường và binh sĩ đã không phải bỏ mạng ».  


Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này” (RFI)

Trong một thông cáo của Nhà Trắng được công bố hôm 23/04/2024, tổng thống Joe Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ bắt đầu gởi các vũ khí và thiết bị cho Ukraina “ngay từ tuần này” sau khi cả hai viện của Quốc Hội thông qua kế hoạch viện trợ quân sự mới cho Kiev. Trước đó, theo các quan chức Mỹ được hãng tin AP trích dẫn, Lầu Năm Góc sẽ tháo khoán ngay khoản viện trợ quân sự đầu tiên 1 tỷ đôla cho Ukraina.

Sau Hạ Viện, hôm qua, đến lượt Thượng Viện Hoa Kỳ, với đa số phiếu áp đảo, thông qua kế hoạch viện trợ tổng cộng 95 tỷ đôla cho Ukraina, Israel và Đài Loan, trong đó có đến 61 tỷ đôla sẽ để giúp Kiev chống trả quân Nga. 

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:

Tôi sẽ ký phê chuẩn và sẽ ngỏ lời với người dân Mỹ ngay sau khi văn bản này được chuyển đến văn phòng của tôi”. Sau cuộc bỏ phiếu, tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng chúc mừng việc thông qua viện trợ quân sự cho Ukraina, văn bản mà ông sẽ phê chuẩn ngay từ hôm nay.

Hệ quả ngay lập tức đó là viện trợ của Mỹ cho Ukraina, bị chặn lại từ đầu năm đến nay, sẽ có thể nhanh chóng được tái lập. Trong 60 tỷ đôla được dự trù, 1 tỷ đôla thiết bị quân sự sẽ được gởi đi trong những ngày tới, thậm chí từ đây đến cuối tuần đối với những thiết bị cấp thiết nhất.

Làn Sóng Yêu Nước Của Người Ukraina “Dịu Xuống”

Quân đội Mỹ đã chuẩn bị từ lâu và rất có thể họ chỉ cần chất đầy các phương tiện vận chuyển để gởi sang Ukraina đạn dược, nhất là đạn pháo mà lực lượng của Kiev không còn được cung cấp từ đầu năm đến nay.

Các thiết bị này sẽ được lấy từ các kho vũ khí của quân đội Mỹ. Trong khoản viện trợ quân sự mới đã được thảo luận với chính quyền Ukraina, cũng có các vũ khí phòng không để chống trả các cuộc oanh tạc của quân Nga. 

Điểm mới trong kế hoạch vừa được thông qua, đó là sẽ gồm cả các tên lửa có tầm bắn xa hơn, mà cho tới nay quân đội Mỹ không muốn cung cấp cho Ukraina vì ngại phản ứng của Nga. Nhưng tình hình trên chiến trường nay khó khăn đối với quân đội Ukraina đến mức mà Hoa Kỳ bắt buộc phải làm như thế.


Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga

Trong bài trả lời phỏng vấn được đăng tải hôm 22/04/2024, tổng thống Ba Lan tuyên bố Vacxava sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình nếu khối NATO, mà Ba Lan là một thành viên, quyết định tăng cường bảo vệ sườn phía đông trước việc Nga triển khai vũ khí mới ở Kaliningrad và Belarus.

Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023, các đồng minh đã tái khẳng định NATO sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết để bảo đảm độ tin cậy, hiệu quả, an toàn và an ninh của sứ mệnh răn đe hạt nhân, bao gồm việc tiếp tục hiện đại hóa năng lực hạt nhân và cập nhật quy trình lập kế hoạch.”

Trả lời nhật báo Fakt khi đang viếng thăm Canada, tổng thống Andrzej Duda nói: “Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ chia sẻ hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi nhằm tăng cường an ninh ở sườn phía đông của NATO, thì chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận”. 

Tuy nhiên, tổng thống Duda nhấn mạnh hiện chưa có quyết định nào về vấn đề này, mà ông chỉ khẳng định chia sẻ hạt nhân “chắc chắn sẽ củng cố vị thế và an ninh” của Ba Lan. Nguyên thủ quốc gia Ba Lan nói thêm rằng khả năng triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan đã là chủ đề thảo luận giữa Ba Lan và Hoa Kỳ.

Theo ông, “Nga đang ngày càng quân sự hóa Kaliningrad (vùng lãnh thổ nằm giữa Ba lan và Litva) và đang chuyển các vũ khí hạt nhân sang Belarus“, cũng là quốc gia giáp biên giới Ba Lan. Chính tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2023 tuyên bố đã chuyển giao những vũ khí hạt nhân đầu tiên cho Belarus. 

Nguy cơ leo thang với Nga

Phía Nga dĩ nhiên là đã có phản ứng về tuyên bố của tổng thống Duda. Khi được hỏi về khả năng vũ khí hạt nhân được triển khai ở Ba Lan, hôm 22/04, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố Nga sẽ bảo đảm “an ninh” của mình nếu điều này xảy ra. Ông nói: “Quân đội tất nhiên sẽ phân tích tình hình và trong mọi trường hợp sẽ thực hiện mọi biện pháp trả đũa cần thiết để đảm bảo an ninh của nước Nga.” 

Trả lời trang mạng “7 sur 7” của Bỉ ngày 23/04, một cựu đại tá quân đội Bỉ Roger Housen nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận cho triển khai vũ khí hạt nhân, kể cả vũ khí hạt nhân chiến thuật, ở Ba Lan, vì đây sẽ là một bước leo thang rất lớn dẫn đến xung đột giữa khối NATO và Nga. Hơn nữa, từ nhiều thập niên qua, Mỹ đã vẫn đặt rất nhiều vũ khí nguyên tử tại 5 nước châu Âu thành viên của NATO: Bỉ, Hà Lan, Ý, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể các vũ khí hạt nhân của Anh và Pháp.

Theo cựu đại tá Housen, tổng thống Duda dường như tin rằng Nga sẽ không dám tấn công Ba Lan nếu nước này có vũ khí hạt nhân. Nhưng lập luận đó là vô nghĩa: Cũng là một thành viên của NATO, Ba Lan đã nằm dưới sự bảo vệ của chiếc ô hạt nhân của khối này. Triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan chỉ khiêu khích Nga và khiến cho an ninh của Ba Lan càng khó được bảo đảm.


Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga (RFI)

Ukraina hôm 24/04/2024 đã dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng tại vùng Smolensk, miền tây nước Nga, cách biên giới Ukraina khoảng 400 km.

Một nguồn tin quốc phòng Ukraina hôm nay 24/04 xác nhận thông tin này với hãng tin Pháp AFP và nhấn mạnh, đó là những mục tiêu tấn công « hợp pháp » của Ukraina. Theo nguồn tin này, các drone của Ukraina đã oanh kích vào « hai kho chứa dầu », vốn là nơi « trữ 26.000 m3 chất đốt ». Các vụ tấn công do Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) tổ chức.

Thông tin được đưa ra sau khi thống đốc vùng Smolensk của Nga, Vassili Anokhine cho biết trên Telegram là hỏa hoạn đã xảy ra tại một số cơ sở năng lượng do các vụ tấn công của Ukraina.

Cũng trong hôm nay, Ukraina dùng drone tấn công nhà máy luyện kim NovoLipetsk, tại thành phố Lipetsk, cách biên giới Ukraina 400km. Đây là nhà máy của hãng NLMK, hãng luyện kim lớn nhất nước Nga năm 2022, và xếp hạng 23 thế giới, theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới.

Trong khi đó, hôm qua, trước khi Thượng Viện Mỹ biểu quyết khoản viện trợ 61 tỉ đô la cho Ukraina, bộ trưởng Quốc Phòng Nga, Sergei Choigu, dọa gia tăng các vụ tấn công các cơ sở hậu cần và cơ sở trữ vũ khí của phương Tây tại Ukraina.


Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng (VOA)

Phụ tá của một thành viên Nghị viện châu Âu ủng hộ đảng cực hữu AfD của Đức đã bị bắt tại Đức vì bị nghi ngờ có hoạt động gián điệp “đặc biệt nghiêm trọng” cho Trung Cộng.

Các công tố viên gọi ông này bằng tên Jian G. trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/4 và cáo buộc ông chuyển thông tin về các cuộc thảo luận trong cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu cho tình báo Trung Cộng.

Trang web của ông Maximilian Krah, ứng cử viên hàng đầu của AfD trong cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 6, liệt kê Jian Guo là một trong những trợ lý của ông. Ông Krah nói ông đã biết về vụ bắt giữ ông Guo qua truyền thông và sẽ ngừng làm việc với người này nếu cáo buộc được chứng minh.

Nỗi lo lắng về cáo buộc gián điệp của Trung Cộng đã gia tăng khắp Tây Âu trong những tháng gần đây.

Ba công dân Đức đã bị bắt hôm 22/4 vì bị nghi ngờ chuyển giao công nghệ có ứng dụng quân sự.

Cùng ngày, hai người đàn ông bị buộc tội ở Anh với tội danh làm gián điệp cho Trung Cộng, trong đó có một người được cho là từng làm nhà nghiên cứu quốc hội cho một nhà lập pháp nổi tiếng trong Đảng Bảo thủ cầm quyền.

Và vào ngày 25/3, Mỹ và Anh cáo buộc Bắc Kinh tấn công mạng nhắm vào hàng triệu người bao gồm các nhà lập pháp, học giả và nhà báo, cũng như các công ty bao gồm cả các nhà thầu quốc phòng.

Các công tố viên cho biết người phụ tá này, sống ở Brussels và thành phố Dresden của Đức, cũng đã theo dõi các nhân vật đối lập người Trung Cộng ở Đức. Ông này bị bắt ở Dresden hôm 22/4 và căn hộ của ông ta đã bị khám xét.

Ông ấy bị cáo buộc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khi làm việc cho cơ quan mật vụ nước ngoài”, tuyên bố cho biết.

Hai tuần trước, tờ báo Denik Na của Czech và tạp chí Der Spiegel của Đức cũng đưa tin rằng một ứng cử viên khác của AfD trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, nhà lập pháp Đức Petr Bystron, đã nhận tiền từ một trang truyền thông thân Nga. AfD cho biết ông Bystron đã bác bỏ cáo buộc này.

Ông Konstantin von Notz, người đứng đầu ủy ban quốc hội giám sát các cơ quan tình báo Đức, nói đây không chỉ là những trường hợp cá nhân và chỉ ra một vấn đề lớn hơn của AfD.

“AfD là đảng của những chế độ độc tài”, ông nói. “Họ không cố che giấu sự khinh thường đối với nền dân chủ và pháp quyền của chúng ta. Và điều đó rõ ràng đã khiến các chính trị gia của họ dễ bị ảnh hưởng và chỉ đạo bởi Trung Cộng và Nga”.

Người phát ngôn của AfD nói vụ bắt giữ hôm 22/4 là “rất đáng lo ngại” và cam kết đảng sẽ hỗ trợ cuộc điều tra.

Mối đe dọa tăng cao từ Trung Cộng và Nga

Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser nói rằng nếu các cáo buộc được chứng minh là đúng thì đó là “một cuộc tấn công vào nền dân chủ châu Âu từ bên trong”, và lưu ý rằng các cơ quan an ninh của Đức đã tăng cường ồ ạt hoạt động phản gián do các mối đe dọa đan xen từ Nga và sự rình rập của Trung Cộng.

Một năm trước, ông Krah đã bác bỏ cáo buộc rằng trợ lý của ông đang vận động hành lang cho Trung Cộng và cho rằng cáo buộc này là một sự vu khống chống lại ông.

“Đó là về một nhân viên sinh ra ở Trung Cộng”, ông viết trên nền tảng mạng xã hội X. “Ông ấy là công dân Đức, thành viên AfD, học ở Dresden và nói thông thạo tiếng Đức và tiếng Anh. Có rất nhiều điều dối trá đang diễn ra”.

Đại sứ quán Trung Cộng không lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters hôm 23/4.

Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng Uông Văn Bân nói rằng những báo cáo về hoạt động gián điệp của Trung Cộng ở châu Âu là “cường điệu” và “có mục đích làm mất uy tín và đàn áp Trung Cộng”.


Quân sự: Mỹ – Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông (RFI)

Cuộc tập trận Balikatan – Vai Kề Vai lần thứ 39 mở ra từ ngày 22/04/2024 đến 10/05/2024, huy động gần 17.000 binh sĩ, chủ yếu là lính Mỹ và Philippines ở khu vực miền bắc và miền tây quần đảo Philippines. Điều đáng chú ý là lần đầu tiên Pháp chính thức tham dự cuộc tập trận này.

Theo thông cáo của sứ quán Pháp tại Philippines, tàu hộ tống Vendémiaire bắt đầu tham gia chiến dịch Vai Kề Vai và sẽ hiện diện trong khu vực cho đến ngày 03/05/2024, trước khi hai đồng minh thân thiết, Mỹ và Philippines, bắt đầu khâu diễn tập đối phó với « một cuộc xung đột ở cường độ cao ». Từ mùa hè năm nay, Pháp sẽ chính thức chỉ định một tùy viên quân sự thường trực tại Manila, dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Paris tăng cường hiện diện tại vùng Châu Á –Thái Bình Dương.

Hãng tin Mỹ AP nhắc lại đợt tập trận chung Mỹ-Philippines lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều sự cố thường xuyên xảy ra trong những tuần qua giữa tàu hải cảnh Trung Cộng và tuần duyên Phililippines.

Trong thời gian tập trận, 11.000 lính Mỹ, hơn 5.000 phía Philippines sẽ cùng với khoảng 250 quân nhân Pháp và Úc bắt đầu các bài tập « bảo vệ bờ biển Philippines », « tăng cường khả năng ứng phó trước mọi cuộc xung đột và chiến tranh ».

Đại tá Philippines, Michael Logico được hãng tin Mỹ AP trích dẫn nhấn mạnh, « lần đầu tiên các hoạt động diễn tập được thực hiện ở khu vực ngoài lãnh hải Philippines, cách bờ biển của Philippines đến 22 km». Các bài tập diễn ra trong vùng đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và gần eo biển Đài Loan. 

Hãng tin Pháp AFP đưa ra một số chi tiết cụ thể : nội dung các chương trình diễn tập bao gồm các hoạt động giả định tái chiếm đảo trong vùng Palawan, gần khu vực Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh và các đảo ở hai tỉnh Cagayan và Batane, cách bờ biển Đài Loan chưa đầy 300 km.  Ngoài ra các bên còn luyện tập với giả định tấn công tàu ngoài khơi, đối phó với một cuộc chiến tranh thông tin và bảo đảm các hoạt động an ninh hàng hải, kích hoạt các hệ thống phòng thủ chống tên lửa …

Tránh nêu đích danh Trung Cộng một quan chức quân sự Philipiines giải thích Manila và Washington « ý thức được tầm mức quan trọng của hợp tác trên biển để đối phó với những mối đe dọa ổn định và hòa bình trong khu vực ». 

Chỉ huy Mỹ, tướng William Jurney lưu ý đợt thao diễn lần này nhằm chứng minh rằng Hiệp Ước Phòng Thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951 « không là một văn bản chỉ có trên giấy tờ ».

Phía Hoa Kỳ đã huy động tên lửa địa đối không SM-6 cho chiến dịch Vai Kề Vai lần này, nhưng không chắc loại vũ khí này sẽ được sử dụng trong những ngày sắp tới.

Trong cuộc tập trận chung Balikatan 2024, Philippines và Mỹ đã mời 14 quốc gia châu Âu và châu Á, trong đó có Anh, Đức, Nam Hàn, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan … tham dự với tư cách quan sát viên.

Phản ứng gay gắt của Bắc Kinh

Trung Cộng mạnh mẽ phản đối cuộc tập trận chung giữa Philippines, Hoa Kỳ và các đồng minh. Bắc Kinh cảnh cáo Manila châm ngòi cho một cuộc đối đầu và hủy hoại ổn định trong khu vực. Thông cáo của bộ Ngoại Giao cuối tuần trước đã mạnh mẽ chống đội việc Mỹ điều tên lửa địa đối không SM-6 đến « sát cạnh cửa ngõ Trung Cộng ».


LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza (RFI)

Liên Hiệp Quốc hôm 23/04/2024 yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế về những hố chôn tập thể bị phát hiện gần hai bệnh viện chính ở dải Gaza sau khi quân đội Israel rút khỏi những nơi này.

Trong một thông cáo, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Volker Turk, cho biết ông bàng hoàng khi thấy bệnh viện Al Shifa, bệnh viện lớn nhất ở dải Gaza, và bệnh viện Nesser ở Khan Younes, bệnh viện lớn thứ hai trên lãnh thổ Palestine, bị tàn phá. Nhưng gây sốc nhất là những hố chôn tập thể được phát hiện gần những nơi này.

Quân đội Do Thái đang hành quân tại một bệnh viện ở Gaza

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Volker Turk, yêu cầu là “các cuộc điều tra độc lập, hiệu quả và minh bạch” phải được tiến hành, với sự tham gia của các nhà điều tra quốc tế. Ông nhấn mạnh là việc cố ý giết thường dân, người bị giam giữ và những người được xem là “ngoài vòng chiến đấu”, là tội ác chiến tranh.

Trước đó, trong cuộc họp báo, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Ravina Shamdasani, tuyên bố là các nạn nhân, trong đó có người cao tuổi và trẻ em, “bị chôn sâu dưới đất, phía trên phủ đầy rác”, một số “bị trói tay và trên người không có quần áo”.

Một chỉ huy lực lượng Phòng vệ dân sự ở dải Gaza hôm qua khẳng định với AFP là từ thứ Bảy 20/04, họ đã phát hiện khoảng 340 thi thể trong những hố chôn tập thể quanh bệnh viện Nasser. Liên quan đến bệnh viện Al Shifa, AFP nhắc lại là Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) hồi đầu tháng 04 tố cáo bệnh viện chỉ còn là “cái vỏ rỗng” rải đầy xác chết sau chiến dịch tấn công của quân đội Israel nhắm vào nơi mà họ xem là chỗ ẩn náu của lực lượng Hamas.

Về phía Israel, quân đội cho rằng việc khẳng định binh sĩ Israel đã chôn tập thể các nạn nhân người Palestine là vô căn cứ. 


Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định song phương (RFI)

Lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Trung Cộng. Ông đến Thượng Hải ngày 24/04/2024, sau đó sẽ có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Trung Cộng ở Bắc Kinh ngày 26/04 để gây sức ép về nhiều hồ sơ nhưng vẫn tìm kiếm sự ổn định lớn hơn giữa hai nước. Chuyến công du được cho sẽ gặp nhiều khó khăn vì Trung Cộng không có chung quan điểm về mọi chủ đề.

Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến công du với các cuộc gặp gỡ sinh viên và giới chủ doanh nghiệp tại Thượng Hải ngày 24/04. Ông chọn Thượng Hải là chặng dừng đầu tiên nhằm thể hiện mối quan hệ nồng ấm giữa Mỹ và Trung Cộng vì Thượng Hải từng đón một ngoại trưởng Mỹ đầu tiên vào năm 2010, lúc đó là bà Hillary Clinton.

Ngoại trưởng Blinken và Vương Nghị

Đến ngày 26/04, ông Antony Blinken làm việc với các nhà lãnh đạo Trung Cộng tại Bắc Kinh để đề nghị Trung Cộng « kiềm chế » trong bối cảnh tổng thống tân cử Đài Loan chuẩn bị nhậm chức và đề cập đến nhiều chủ đề bất đồng khác. Trước khi lên đường đến Trung Cộng, ngoại trưởng Mỹ nhắc lại cáo buộc Bắc Kinh tiến hành « diệt chủng » đối với tộc người thiểu số theo Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tuy nhiên, phía Trung Cộng không có ý định để Mỹ đe dọa, theo ghi nhận của thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông :

Trong bài xã luận được Tân Hoa Xã đăng sáng nay (24/04), chỉ ít giờ trước khi ông Antony Blinken tới, giọng điệu rất nghiêm khắc. Cơ quan thông tấn Nhà nước Trung Cộng cho rằng dù gần đây, mối quan hệ song phương được bình ổn, kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh tại San Francisco giữa hai nguyên thủ và quân đội hai nước đã nối lại đối thoại, thì « vẫn còn có sự thù nghịch lớn », chủ yếu là do Hoa Kỳ coi Trung Cộng là một mối đe dọa và đây là nhận thức sai lệch sâu sắc.

Ba chủ đề bất đồng được đề cập. Trước tiên, về khúc mắc liên quan đến xuất khẩu của Trung Cộng, Tân Hoa Xã cho rằng lo sợ của Washisngton là phi lý và lên án những luận điệu ngày càng đối địch của Mỹ. Trung Cộng mong muốn có sự cạnh tranh lành mạnh tạo thuận lợi cho cải thiện song phương, chứ không phải là cạnh tranh nhằm triệt hạ nhau. Tân Hoa Xã cảnh báo rằng đơn phương « lên lớp » hoặc lợi dụng thế mạnh để thao túng sẽ không dẫn đến đối thoại mang tính xây dựng với Trung Cộng.

Chủ đề gây đồng thứ hai là Đài Loan và Biển Đông. Bài xã luận nhắc lại nguyên tắc một nước Trung Hoa, được coi là nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời lên án Hoa Kỳ can thiệp vào Biển Đông, « gây bất hòa giữa Trung Cộng và các nước láng giềng ». Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines bị coi là « phô trương sức mạnh quân sự khiêu khích một cách vô ích và chỉ làm gia tăng căng thẳng trong vùng ».

Cuối cùng về vấn đề Ukraina, Hoa Kỳ muốn Trung Cộng đóng vai trò rõ ràng hơn đối với tổng thống Nga và không nuôi dưỡng nỗ lực chiến tranh của ông Putin. Ngược lại, bài xã luận của Tân Hoa Xã lại kêu gọi Washington thừa nhận vai trò của Mỹ trong việc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng và ngừng liên tục đổ lỗi cho Trung Cộng ».

Chỉ chừng đó đã cho thấy hai nước không có chung quan điểm về bất kề chủ đề gì.


Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa “xóa sổ” chế độ Bình Nhưỡng (RFI)

Theo hãng thông tấn KCNA ngày hôm 22/04/2024, Bắc Triều Tiên đã tiến hành “cuộc tập trận phản công hạt nhân đầu tiên” với các tên lửa đa nòng cỡ lớn, để đáp lại cuộc tập trận Mỹ-Hàn diễn ra từ hôm 12/04. Bình Nhưỡng gọi đây là “tín hiệu cảnh báo rõ ràng đến kẻ thù”.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Nicolas Rocca cho biết thêm thông tin :

“Kích hoạt hạt nhân” là tên gọi Bắc Triều Tiên đặt cho hệ thống trả đũa hạt nhân của mình trong trường hợp bị Nam Hàn và Mỹ tấn công. Theo trang tin NK News, truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên hôm nay đã loan tin về vụ bắn rốc-kết 600 mm từ khuôn viên của một trong những dinh thự của ông Kim Jong-un ở phía đông Bình Nhưỡng. Đây là cách Bình Nhưỡng đáp trả Seoul và Washington  Cơ quan thông tấn Bắc Triều Tiên đã cáo buộc Seoul và Washington nhiều lần lặp lại việc đã “phá huỷ một mục tiêu (quân sự) ở Bắc Triều Tiên.”

Cuộc tập trận của Bắc Triều Tiên bao gồm việc sử dụng bệ phóng rốc-kết đa nòng 600mm để bắn 4 quả đạn pháo hướng ra Biển Nhật Bản. Các đạn pháo đều bắn trúng mục tiêu trên một hòn đảo cách bờ biển hơn 350 km.

Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật đặt ra câu hỏi về hệ thống trả đũa mà Bình Nhưỡng đã lên kế hoạch trong trường hợp bị tấn công. Để đạt hiệu quả, các đầu đạn phải được phân tán rải rác trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên nhằm hạn chế khả năng kho vũ khí của nước này bị phá hủy. Nhưng khả năng thực sự cũng như những toan tính của nước này thì vẫn rất bí ẩn. Tuy nhiên, học thuyết hạt nhân của Bắc Triều Tiên quy định rõ ràng là họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để răn đe nếu một cuộc tấn công của kẻ thù được xem là sắp xảy ra ».  

Đáp lại cuộc tập trận này của Bình Nhưỡng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nam Hàn cũng đã tuyên bố sẽ “xoá sổ chế độ Bắc Triều Tiên” nếu Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông đồng thời cảnh báo rằng những cuộc tập trận liên tục của Bắc Triều Tiên cũng sẽ giúp tăng cường khả năng quân sự của Nam Hàn, cũng như hợp tác an ninh ba bên với Mỹ và Nhật Bản.


TIN VIỆT NAM.

Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?

Vụ việc trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị bắt có những dấu hiệu giống với vụ việc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trước đây mà cuối cùng ông Thưởng phải ra đi, các nhà quan sát chính trị nói với VOA và nhận định rằng tình hình ông Huệ ‘đang nguy ngập’.

Hôm 22/4, Bộ Công an Việt Nam cho biết họ đã khởi tố và bắt giữ ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi’.


Ông Phạm Thái Hà bị bắt không lâu sau khi Chủ tịch, Tổng giám đốc cùng phó Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, có trụ sở ở Hà Nội và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, bị bắt về các tội ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Nhận hối lộ’.

Việc khởi tố ông Hà nằm trong phạm vi mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Thuận An, Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn nhân Bộ Công an, nói với báo giới trong nước sáng 22/4.

Ông Hà 48 tuổi, là trợ lý thân cận của ông Huệ. Ông đã đi theo ông Huệ trong toàn bộ quá trình thăng tiến của ông từ những ngày ông Huệ còn là Tổng Kiểm toán Nhà nước cho đến Bộ trưởng Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, rồi Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến khi ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội. Việc trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị bắt cho thấy cuộc đấu tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang nóng lên và Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang có ưu thế, các nhà quan sát nhận định với VOA.


World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’

Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm 23/4 đưa ra nhận định trong một bản cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam rằng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á “đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau”.

Báo cáo của tổ chức này dự báo rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam “sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025”.

Theo World Bank, sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam “đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần”.

Ngoài ra, báo cáo nhận định rằng “lĩnh vực bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin”.

World Bank cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng” của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi, và khuyến nghị “đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công” vì “điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế hơn nữa”.

“Đầu tư vào các dự án hạ tầng công tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức”, ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới về Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, nói trong bản cập nhật. “Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam”.

Báo cáo của World Bank nhấn mạnh sự cần thiết phải có một môi trường thuận lợi hơn vì “các rào cản chính mang tính cơ cấu vẫn tồn tại ở nhiều lĩnh vực” như “các rào cản pháp lý, thiếu hụt kỹ năng ngày càng tăng, tỷ lệ hấp thụ công nghệ thấp và những thách thức trong việc tiếp cận nguồn tài chính giai đoạn đầu”.

Cuối năm ngoái, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo rằng tăng trưởng trong năm 2024 của Việt Nam duy trì ở mức 6,0%.

“Rủi ro đối với triển vọng bao gồm lãi suất tăng cao liên tục ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác, có thể góp phần gây bất ổn tài chính ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương trong khu vực, đặc biệt là những nước có nợ cao”, ADB viết trong thông cáo. “Sự gián đoạn nguồn cung tiềm ẩn do hiện tượng thời tiết El Niño hoặc việc Nga xâm chiếm Ukraine cũng có thể khơi dậy lạm phát, đặc biệt là liên quan đến lương thực và năng lượng”.

Reuters tháng trước đưa tin, dữ liệu của chính phủ Việt Nam công bố hôm 29/3 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của đất nước tăng 5,66% trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm ngoái do xuất khẩu tăng mạnh, bất chấp chi phí vận tải cao hơn do tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ. (VOA)


Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch

Khoảng 73.900 hộ gia đình với khoảng 77.000 trẻ tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam không có nước sạch sau nhiều tuần nắng nóng và hạn mặn kéo dài tại vựa lúa lớn nhất nước. Thống kê của tổ chức Save The Children cho biết như vậy hôm 24/4.

Cho đến lúc này, có ba tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán và xâm nhập mặn lên cao hơn so với trung bình các năm mặc dù không đến mức như năm 2016 khi Việt Nam trải qua đợt hạn hát nặng nề nhất trong vòng gần 100 năm.

Nguyên nhân của đợt hạn hán lần này được xác định do El Nino – một hiện tượng tự nhiên gây ảnh hưởng đến các điều kiện khí hậu.

Hạn hán nghiêm trọng đã khiến Chính phủ Việt Nam phải thúc giục nông dân thu hoạch lúa sớm.

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có tỷ lệ nghèo đói trong trẻ cao nhất nước, và đây là khu vực phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp và nghề cá. Đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu.

Nhiều gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long hiện đang hiếu nước ngọt và phải mua nước với giá cao, trong khi Chính phủ dự báo hạn hán sẽ còn tiếp tục đến tháng năm.

Save The Children hiện đang hỗ trợ tiền cho khoảng 700 hộ gia đình ở tỉnh Cà Mau bao gồm khoảng 1.400 trẻ. (RFA)


CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ

Hôm 23/4, một tòa án ở tỉnh Gia Lai tuyên phạt 10 người với các mức án khác nhau từ 4 đến 13 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109Bộ luật Hình sự, do họ tham gia nhóm Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời có trụ sở ở Mỹ, bị chính quyền cộng sản Việt Nam liệt vào hạng tổ chức “khủng bố”.

Tòa tuyên mức án nặng nhất đối với Phan Thị Thảo, 67 tuổi, và Tạ Văn Triệu, 50 tuổi, mỗi người 13 năm tù, báo Gia Lai đưa tin.

Ba bị cáo khác là Trần Thiện, 52 tuổi, Vũ Đình Lan, 51 tuổi, và Huỳnh Thị Khánh Trang, 37 tuổi, bị tuyên phạt mỗi người 12 năm tù.

Cao Thị Ngọc Diễm, 55 tuổi, và Trần Huệ Chân Vương, 53 tuổi, bị tuyên 9 năm tù.

Các bị cáo còn lại là Trần Thị Kim Loan, 62 tuổi, và Trần Thọ, 68 tuổi, bị tuyên 8 năm tù, và Cao Cương, 52 tuổi, bị tuyên 4 năm tù.

Các trang báo của nhà nước dẫn cáo trạng tường tuật rằng nhóm này đã tham gia một tổ chức “phản động, khủng bố” có tên “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời” do ông Đào Minh Quân ở Mỹ, lãnh đạo.

Những người này được cho là đã phổ biến “Hiến pháp Đệ tam Việt Nam Cộng Hòa”, kêu gọi và hướng dẫn mọi người tiến hành “trưng cầu dân ý” và các thủ tục đăng ký làm thành viên của tổ chức thông qua việc sử dụng các trang Facebook và YouTube từ năm 2020.

Nhà chức trách bắt giam bà Thảo ở Gia Lai vào tháng 6/2022, sau đó bắt giam thêm 9 người còn lại ở các tỉnh, thành khác nhau gồm Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, và Thừa Thiên-Huế.

“Theo điều tra, Phan Thị Thảo cùng nhóm đồng phạm đã lợi dụng các trang mạng xã hội, ứng dụng liên lạc qua internet để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước; nói xấu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam; bôi nhọ lãnh tụ của Đảng”, báo nhà nước đưa tin. “Mặt khác, các đối tượng đề cao, ca ngợi, suy tôn, sùng bái cá nhân Đào Minh Quân và thực hiện âm mưu phát triển lực lượng trong nước hòng chống phá Đảng, Nhà nước”.

Báo chí trong nước mô tả rằng nhóm này “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với an ninh chính trị trên cả nước” nhưng không cho biết các hậu quả đó là gì.

VOA đã liên lạc với nhóm Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề nghị họ cho ý kiến về bản án này, nhưng chưa được trả lời.

Cũng với cáo buộc liên quan đến Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, hồi tuần trước, chính quyền tỉnh Long An tuyên phạt bà Nguyễn Thị Bạch Huệ 12 năm tù cũng với tội danh “hoạt động chống chính quyền nhân dân”.

Trả lời cho đề nghị bình luận của VOA về bản án này, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết qua email: “Chúng tôi kêu gọi Việt Nam đảm bảo việc truy tố hình sự phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế và được thực hiện thông qua quy trình pháp lý công bằng và minh bạch”.

Tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời do ông Đào Minh Quân ở bang California thành lập từ năm 1990. Chính phủ Hoa Kỳ không xem tổ chức này là khủng bố, nhưng lại bị chính quyền Việt Nam liệt vào danh sách khủng bố hồi tháng 1/2018.

Trong thời gian qua, hàng chục người trong nước được cho là có liên quan đến tổ chức này đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam, kết án, từ 5 đến 16 năm tù, cũng với tội danh “hoạt động chống chính quyền nhân dân”. (VOA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng