Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Ngân Hàng Republic First Bank Phá Sản

Ngân hàng Republic First Bank có trụ sở tại Philadelphia đã phá sản, với việc các cơ quan quản lý liên bang tịch biên ngân hàng này và sắp xếp để ngân hàng này được kiểm soát bởi công ty cho vay cùng khu vực Fulton Financial, trong biến cố đánh dấu vụ phá sản ngân hàng đầu tiên của năm 2024.

Hôm 26/04, Tổng Công Ty Bảo Hiểm Tiền Gửi Liên Bang (FDIC) thông báo rằng ngân hàng Republic First Bank — hoạt động với tên gọi Republic Bank — đã bị tịch biên và đóng cửa cùng ngày hôm đó.

Để bảo vệ những người có tiền tiết kiệm tại ngân hàng Republic Bank, FDIC đã ký một thỏa thuận với Fulton Financial để tiếp nhận quản lý các khoản tiền gửi và tài sản của ngân hàng phá sản này. Điều này có nghĩa là 32 chi nhánh của Republic Bank ở New Jersey, Pennsylvania, và New York đã mở cửa trở lại hôm thứ Bảy (27/04) với tư cách là chi nhánh của ngân hàng Fulton Bank, tiếp tục cung cấp các dịch vụ ngân hàng thường lệ cho người gửi tiền mà không bị gián đoạn.

FDIC tuyên bố, “Tối nay và cuối tuần, người gửi tiền tại ngân hàng Republic Bank có thể truy cập vào trương mục của họ bằng cách viết chi phiếu hoặc sử dụng thẻ ATM hoặc thẻ ghi nợ. Các chi phiếu được rút từ ngân hàng Republic Bank sẽ tiếp tục được giải quyết và khách hàng vay vốn sẽ tiếp tục thực hiện thanh toán như bình thường”.

Những người có tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng Republic Bank vẫn tiếp tục được bảo đảm của FDIC. Hôm 26/04, Tập đoàn Tài chính Fulton, công ty sở hữu ngân hàng Fulton Bank, cho biết rằng tất cả các thỏa thuận chấp thuận theo quy định đã được phê chuẩn.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Fulton, ông Curt Myers, nói trong một tuyên bố: “Với giao dịch này, chúng tôi vui mừng được tăng gấp đôi sự hiện diện của mình trên toàn khu vực. Chúng tôi mong được chào đón các thành viên trong nhóm và khách hàng của ngân hàng Republic Bank đến với Fulton và cung cấp bộ sản phẩm và dịch vụ, thương mại và tài sản toàn diện của chúng tôi cho nhiều khách hàng hơn nữa”.

Theo FDIC, tính đến ngày 31/01/2024, ngân hàng Republic Bank có khoảng 6 tỷ USD tài sản và 4 tỷ USD tiền gửi.

Như điển hình cho loại giao dịch mua và giả định mà FDIC làm trung gian trong vụ Fulton nắm quyền quản lý Republic, cơ quan bảo hiểm tiền gửi này sẽ chịu một phần gánh nặng tài chính. Trong trường hợp này, FDIC phải gánh chịu số tiền 667 triệu USD, xác định mua lại Fulton là giải pháp ít tốn kém nhất.

Sự sụp đổ của Republic Bank là vụ phá sản ngân hàng đầu tiên trong năm 2024. Trước đó, vụ phá sản gần đây nhất là ngân hàng Citizens Bank, thành phố Sac, Iowa, vào ngày 03/11/2023.

Đây cũng là vụ phá sản ngân hàng nổi tiếng thứ tư kể từ mùa xuân năm ngoái, khi một loạt các ngân hàng phá sản châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng.

Sự sụp đổ bất ngờ của ba ngân hàng — Silicon Valley Bank và Signature Bank hồi tháng 03/2023 và First Republic Bank vào tháng 05/2023 — làm nổi bật cách những công ty cho vay quản lý rủi ro đối với các tài sản và khả năng thanh khoản khi Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang tăng mạnh lãi suất nhằm ngăn chặn lạm phát tăng cao.

Với tổng tài sản trị giá 440 tỷ USD, đây là những vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai, thứ ba, và thứ tư kể từ khi FDIC được thành lập trong thời kỳ Đại Suy Thoái để bảo vệ người gửi tiền và giảm thiểu rủi ro rút vốn ngân hàng.

Để so sánh, Republic First Bank có trụ sở tại Philadelphia đã được Fulton quản lý hôm thứ Sáu (26/04) có tài sản trị giá chỉ 6 tỷ USD, khiến cho sự phá sản của ngân hàng này bớt đáng lo ngại hơn đối với các cơ quan quản lý.

Các viên chức Hệ thống Dự trữ Liên bang cho biết những vụ phá sản ngân hàng hồi năm ngoái không chỉ là kết quả của việc quản lý rủi ro kém mà còn do sự yếu kém trong công tác giám sát.


Đảng Cộng sản Thất Bại Trong Cuộc Đàn Áp Đức Tin

NEW YORK — Theo một nhà nghiên cứu nhân quyền, các chiến dịch kéo dài hàng thập niên qua nhằm đàn áp đức tin đã không thỏa mãn được mục tiêu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà thay vào đó đã biến một nhóm lớn thường dân Trung Quốc trở thành những nhà hoạt động.

Bà Sarah Cook, một phân tích gia về Trung Quốc, cho biết trong một cuộc hội thảo hôm 25/04, “Cho đến nay, xét về nhiều phương diện, cho thấy có một sự vô ích trong việc nỗ lực đàn áp của ĐCSTQ nhắm vào các tín đồ tôn giáo.

Một trường hợp điển hình là Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện lấy nguyên lý chân, thiện, và nhẫn làm trọng tâm. Ngày 25/04/1999, khoảng 10,000 học viên Pháp Luân Công đã đứng gần trụ sở lãnh đạo Bắc Kinh, Trung Nam Hải, thỉnh nguyện cho quyền thực hành tín ngưỡng của mình mà không phải lo sợ.

Vào thời điểm đó, nhà cầm quyền đã chấp nhận yêu cầu của họ, nhưng chỉ ba tháng sau đã bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên quy mô lớn, bắt các học viên phải lao động khổ sai, bỏ tù, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Bà Cook cho biết, ông Giang Trạch Dân, nhà lãnh đạo quá cố của Trung Cộng, là người khởi xướng chiến dịch đàn áp này, mà không biết rằng 25 năm sau, “Pháp Luân Công vẫn còn tồn tại”, và còn không ngờ rằng sẽ có sự trợ giúp của luật sư nhân quyền, hàng xóm, hoặc ngay cả công an địa phương. Họ đã bảo vệ các học viên Pháp Luân Công.

Bà nói, “Trong nhiều phương diện, chiến dịch bài trừ Pháp Luân Công là một thất bại của bộ máy đàn áp Trung Cộng”. Bà cho hay, khi cuộc đàn áp ngày càng gia tăng, hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công đã trở thành những người thỉnh nguyện và sau đó là “những nhà hoạt động truyền tin”, bao gồm nhiều thế hệ tuổi tác khác nhau.


Dự Luật Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Cho Phép Hoa Kỳ Gửi Thêm Vũ Khí Tới Israel, Ukraine

Một dự luật mới nhằm giúp đối phó với chế độ cộng sản của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên thực tế có thể cho phép chính phủ Biden gửi thêm 4 tỷ USD vũ khí tới Ukraine, Israel, hoặc các nơi khác.

Đạo luật Phân bổ ngân sách Bổ Sung An Ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được ký thành luật hồi đầu tuần này, trên bề mặt là dành để cải thiện an ninh và ổn định của khu vực này trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Cộng đang tiếp tục cạnh tranh.

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp nổi giận vì dự luật này cũng có một điều khoản có thể cho phép Tổng thống Joe Biden gửi vũ khí trị giá hàng tỷ dollar cho các cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông.

Dân biểu Harriet Hageman (Cộng Hòa-Wyoming) mô tả dự luật tài trợ bổ sung này là “một dự luật chi tiêu cho Ukraine được ngụy trang dưới dạng viện trợ cho Đài Loan”.

Bà Hageman nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử: “Tôi lo ngại rằng bằng cách ràng buộc dự luật Đài Loan với khoản tài trợ cho vay trước đây của Ukraine, Quốc hội đang bật đèn xanh cho Chính phủ TT Biden chuyển hướng nguồn tài trợ này sang Ukraine. Điều này làm suy yếu mục đích của dự luật, và gửi thêm tiền viện trợ của Hoa Kỳ vào chỗ không được giám sát”.

Bà Hageman là một trong 34 dân biểu đảng Cộng Hòa bỏ phiếu chống dự luật này, phần lớn là do dự luật có một điều khoản hoàn toàn không liên quan đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Điều khoản đó sửa đổi Đạo luật Phân bổ Ngân sách Bổ sung cho Ukraine năm 2022 bằng cách tăng gấp đôi số tiền cho vay có sẵn cho tổng thống để tài trợ quân sự ngoại quốc từ 4 tỷ USD lên 8 tỷ USD. Bà Hageman tin rằng điều khoản sẽ được sử dụng như một cánh cửa sau để chuyển hàng tỷ dollar sang Ukraine.


Tỷ Lệ Tín Nhiệm Trong Ba Tháng Vừa Qua Của Biden Xuống Thấp Nhất

Theo một cuộc thăm dò mới đây của Gallup, Tổng thống Biden có tỷ lệ tín nhiệm công việc của Ba tháng đầu tiên của năm thứ tư đạt kỷ lục thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống và cũng là thấp nhất trong tất cả các vị tổng thống trong lịch sử hiện đại.

Cuộc thăm dò hôm 26/04 cho biết, ba tháng vừa rồi (từ 20/01 đến 19/04) trong nhiệm kỳ của TT Biden “đạt tỷ lệ tín nhiệm trung bình 38.7%. Kể từ thời cố TT Dwight Eisenhower, không ai trong 9 tổng thống đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên có tỷ lệ tín nhiệm trung bình thấp hơn TT Biden”.

Tỷ lệ tín nhiệm ba tháng đầu tiên của năm thứ tư của cựu TT Trump cao hơn 46.8%, và cao hơn Barack Obama.

Trước TT Biden, tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất thuộc về cố TT George H. W. Bush với 41.8%. Cố TT Eisenhower vẫn đứng đầu với tỷ lệ 73.2%. Kể từ đó, chưa có vị tổng thống nào có thể vượt qua mức tín nhiệm 60% trong ba tháng đầu tiên của năm thứ tư.

Theo ghi chép của Gallup, kể từ năm 1945, tỷ lệ tín nhiệm trung bình cho ba tháng gần đây nhất của ông Biden xếp vị trí 277 trên 314 tam cá nguyệt nhiệm kỳ tổng thống. Kết quả này nằm trong 12% thấp nhất trong tất cả các tam cá nguyệt”.

Gallup chú thích rằng tam cá nguyệt đầu tiên của năm thứ tư của TT Biden có một số vấn đề tác động mạnh đến Hoa Kỳ, trong đó có biến cố số lượng khổng lồ người di cư bất hợp pháp xâm nhập ở biên giới phía Nam Hoa Kỳ và chiến tranh Israel-Hamas.


Ủy Viên Hội Đồng Thành Phố New York Phản Đối ‘Phong Trào Ủng Hộ Khủng Bố’

Ủy viên hội đồng thành phố New York Robert Holden thuộc đảng Dân Chủ bày tỏ sự thất vọng trước các cuộc biểu tình chống Israel đang diễn ra tại Đại học Columbia và chỉ trích các thành viên trong đảng của ông đã không làm gì để lên án những phần tử cực đoan ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Robert Holden
(nghị viên HĐTP New York)

Ông Holden nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Capitol Report” của NTD hôm thứ Năm (25/04), “Tôi chưa từng tưởng tượng trong một triệu năm nữa sẽ có một phong trào ở Hoa Kỳ ủng hộ những kẻ khủng bố, Hamas. Ý tôi muốn nói là những gì đang xảy ra ở thành phố New York”.

Đại học Columbia đã trở thành một điểm nóng cho ngày càng nhiều các cuộc biểu tình tập trung vào cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine, và các hoạt động quân sự đang diễn ra của Israel ở Dải Gaza. Gần đây, các nhà hoạt động đã dựng trại trong khuôn viên trường đại học này và bày tỏ tâm lý ủng hộ người Palestine và chỉ trích chính phủ Israel.

Các sinh viên gốc Do Thái trong khuôn viên trường cho biết đã nhận được những lời đe dọa và quấy rối từ những người biểu tình này. Giữa bầu không khí có thể gây bất hòa đó, tuần này, Viện trưởng Đại học Columbia Minouche Shafik đã ra lệnh tạm dừng các lớp học và kêu gọi hạ giảm căng thẳng và hãy bình tĩnh.

Ông Holden cho biết trong số những người tham gia vào các cuộc biểu tình này tại Đại học Columbia và tại các trường đại học khác trên cả nước có cả “những người cấp tiền theo chủ nghĩa vô chính phủ”.

Ông nói, “Rõ ràng là chúng ta đã bị xâm nhập bởi những kẻ loạn trí, tôi có thể nói đó là những người từng theo chủ nghĩa vô chính phủ. Một lần nữa, tôi không biết họ từ đâu đến, nhưng nhiều người trong số họ là sản phẩm của các trường đại học của chúng ta. Và đó là điều đang xảy ra, thật đáng lo ngại”.

Đại học Columbia và các trường đại học khác trên khắp nước này đã chứng kiến ​​các cuộc biểu tình lẻ tẻ trong nhiều tháng sau cuộc tấn công của Hamas hôm 07/10 vào Israel và các hoạt động quân sự đáp trả đang diễn ra của Israel trên khắp Dải Gaza.

Hôm 09/10, các chi nhánh của tổ chức Sinh Viên Vì Công Lý ở Palestine (SJP) và Tiếng Nói Vì Hòa Bình (JVP) ở Đại học Columbia, đã đưa ra một tuyên bố chung, đề cập đến vụ xâm phạm bức tường ngăn cách Gaza-Israel ngày 07/10 là “một khoảnh khắc lịch sử chưa từng có” đối với người Palestine ở Gaza, “những người đã đạp đổ bức tường đã và đang bóp nghẹt họ” và mô tả các cuộc tấn công tiếp sau đó là một “cuộc phản công của người Palestine chống lại áp bức”.


Tây Phương Cần Thoái Vốn Khỏi Trung Cộng Để Ngăn Chặn Chiến Tranh Không Gian

Một nhà khoa học hỏa tiễn hàng đầu Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh cùng chung chí hướng vẫn có cơ hội làm tê liệt hoạt động vũ khí hóa không gian đang diễn ra nhanh chóng của Trung Cộng, vốn phụ thuộc vào nguồn đầu tư nước ngoài, để ngăn chặn một cuộc chiến tranh tiềm tàng nổ ra trong không gian.

Ông Tory Bruno, Tổng giám đốc của United Launch Alliance, đã chia sẻ tại hội nghị bàn tròn “Cuộc đua Không gian Quay trở lại” do Ủy ban Đặc biệt về Trung Cộng của Hạ Viện chủ trì hôm 17/04. Ông cho biết ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều vào không gian vũ trụ trong hai thập niên qua.

Theo ông Bruno, sau nhiều năm nỗ lực và đầu tư hàng tỷ dollar, Trung Cộng hiện có số lượng hỏa tiễn, bệ phóng phóng hỏa tiễn, và nhân lực ngành vũ trụ nhiều gấp bốn đến năm lần so với Hoa Kỳ.

Họ có thể đạt được thành tựu này không những thông qua kỹ nghệ chủ yếu là đánh cắp từ Hoa Kỳ, mà còn nhờ vào khối lượng tiền đầu tư rất lớn mà Tây phương đổ vào Trung Cộng kể từ những năm 2000.

Ông Bruno chia sẻ tại hội nghị, “Mặc dù kỹ nghệ căn bản của chúng ta vẫn vượt trội hơn so với Trung Cộng — và tôi đang nói như vậy với niềm tin và sự hiểu biết sâu sắc trong lãnh vực này — nhưng họ đã mạnh tay đầu tư vào việc áp dụng những kỹ nghệ căn bản đó vào vũ khí không gian và các năng lực chống vệ tinh, và ngay lúc này đây họ đang khai triển những kỹ nghệ đó với tốc độ nhanh đến kinh ngạc”.

“Tuy nhiên chúng ta vẫn có những cơ hội chống lại điều này. Mặc dù cơ sở hạ tầng của họ có quy mô lớn hơn nhưng lại kém hiệu quả, đắt đỏ, và dễ hư hỏng nếu trải qua áp lực kinh tế lâu dài. Và việc cắt giảm hoặc ngừng đầu tư từ Tây phương — gần nửa ngàn tỷ dollar mỗi năm đổ vào nền kinh tế Trung Cộng— có thể làm tê liệt năng lực mà hiện nay họ đang sở hữu”.

Ông nói thêm rằng đầu tư của Tây phương đã giúp chương trình vũ trụ của Trung Cộng tăng từ vài chục phi thuyền trên quỹ đạo lên gần 700 phi thuyền trên quỹ đạo chỉ trong vòng vài năm.

Cựu kỹ sư hãng Lockheed Martin này cho biết: “Những phi thuyền của họ hiện diện khắp mọi nơi, từ LEO (quỹ đạo Trái Đất tầm thấp) cách đỉnh đầu quý vị chỉ 500 km cho đến GEO (quỹ đạo địa tĩnh) ở độ cao 30,000 km và cao hơn nữa”.

“Theo tôi, điều quan trọng là chúng ta cũng phải thừa nhận rằng lãnh vực không gian vũ trụ đã trở nên quan trọng hơn rất nhiều đối với nền an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, đồng thời cũng trở nên dễ bị thiệt hại hơn rất nhiều trước các đối thủ của chúng ta — đặc biệt là Trung Cộng. Không còn là công cụ nhân lên sức mạnh cho chúng ta như trước đây, hiện tại lãnh vực vũ trụ là điều bắt buộc phải có cho hiệu quả quân sự căn bản. Thiếu đi lãnh vực này, thì không phải nói là quân lực của chúng ta không mạnh hơn, mà là chúng ta sẽ thực sự bất lực”.

“Nếu trước đây chúng ta lo lắng về xung đột trên mặt đất lan rộng sang không gian vũ trụ, thì giờ đây chúng ta đã hiểu biết được rằng xung đột sẽ kích phát trong không gian vũ trụ rồi sau đó lan xuống mặt đất”.

Thành viên cao cấp của ủy ban, Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Cộng Hòa-Illinois) lưu ý rằng Trung Cộng đã đưa ra một số tuyên bố đáng lo ngại liên quan đến ý định của họ trong không gian vũ trụ.

“Họ nói đó là vùng lãnh thổ cao nhất. Cũng như sự kiểm soát khu vực Biển Đông, họ đã nói về việc chinh phục các vùng không gian”.


Châu Âu Cho Rằng Trung Cộng Là Nền Kinh Tế Quốc Doanh

Trong nhiều thập niên, câu hỏi trong đầu các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà phân tích là Trung Cộng thuộc loại hình thức kinh tế nào. Trả lời câu hỏi này có ý nghĩa quan trọng về mặt chính sách và pháp lý, cũng như về cách chúng ta hiểu về nền kinh tế Trung Cộng. Châu Âu dường như cuối cùng đã trả lời được câu hỏi này một cách dứt khoát cho chính mình và cho thế giới.

Câu hỏi về loại hình nền kinh tế của Trung Quốc đã có từ nhiều thập niên trước. Từ khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới cho đến khi nhận được quy chế thương mại “tối huệ quốc”, Trung Cộng đã phải đối diện với câu hỏi khó chịu về mặt chính trị rằng họ là nền kinh tế “thị trường” hay “phi thị trường”.

Trong nhiều năm, các học giả và các nhà hoạch định chính sách đã đặt ra những nhóm từ nhằm cố gắng tạo ra không gian mới cho nền kinh tế Trung Cộng, khiến nền kinh tế này trở thành vừa không phải thị trường, vừa không phi thị trường. Một giáo sư từ MIT gọi đó là “chủ nghĩa tư bản đặc sắc Trung Cộng”. Chính Trung Cộng thường xuyên tự gọi họ là “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong khi những nhãn hiệu khoa trương đó bề ngoài có thể chứa đựng một chút sự thật vào cách đây 20 hoặc 30 năm, thì vào năm 2024 những cách gọi đó không còn đúng với Trung Cộng nữa và đã không còn đúng trong một thời gian.

Vấn đề về việc liệu Trung Cộng là nền kinh tế thị trường hay phi thị trường đã trở nên ngày càng quan trọng đối với châu Âu, do xe điện Trung Cộng đang tràn vào cạnh tranh với các công ty xe hơi Âu Châu. Lo ngại về việc các công ty Trung Cộng bán phá giá vào thị trường Âu Châu, Ủy ban Âu Châu (EC) đã bắt đầu một nghiên cứu về thực tiễn kinh tế và tài chính của Trung Cộng để xác định xem liệu Trung Cộng có tiếp tục đáp ứng được định nghĩa về một nền kinh tế thị trường hay không.

Trong báo cáo dài 700 trang được ghi chép đầy đủ của ủy ban này, điều đáng ngạc nhiên là EC rất thẳng thắn trong việc thể hiện quan điểm về nền kinh tế Trung Cộng. Báo cáo nêu rõ rằng “các đặc điểm căn bản của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa này (nền kinh tế Trung Cộng) là sở hữu nhà nước chiếm ưu thế … một hệ thống lập kế hoạch kinh tế sâu rộng và tinh vi … cũng như các chính sách kỹ nghệ mang tính can thiệp”. Đối với một tổ chức có tiếng là thuận theo chính sách kinh tế của Trung Cộng, thì EC đã đưa ra lý do tại sao nền kinh tế Trung Cộng không thể được xem là một nền kinh tế thị trường.

Báo cáo này bao gồm khuôn khổ chính trị và kinh tế của Trung Cộng ngày nay, những sự méo mó lớn trong các yếu tố sản xuất như lao động và vốn, cũng như những biến dạng cụ thể của ngành, bao gồm các lãnh vực nổi bật như xe điện mới, năng lượng tái tạo, thép, và viễn thông.

Báo cáo này nêu bật vấn đề nổi bật về sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lưu ý rằng “ĐCSTQ thực hiện quyền kiểm soát quốc gia và nền kinh tế Trung Cộng thông qua một số ngã, chẳng hạn như kiểm soát hoàn toàn các lãnh vực chiến lược của nền kinh tế, bao gồm cả kiểm soát hệ thống tài chính và nguồn vốn … kiểm soát các vấn đề nhân sự bao gồm tất cả các bổ nhiệm quan trọng … phối hợp chính sách thông qua mạng lưới chính thức các cơ quan/ủy ban Đảng trong các cơ quan Nhà nước và nền kinh tế, cũng như mạng lưới không chính thức giữa các đơn vị công nghiệp và các liên kết giữa Đảng và doanh nghiệp tư nhân”. Tất cả những hình thức và các biến dạng khác đều xuất phát từ căn nguyên là sự thống trị của ĐCSTQ.

Nền kinh tế này phục vụ cho quyền lực toàn trị của ĐCSTQ, và vì vậy theo như định nghĩa không thể được xem là một thị trường tự do. Đi sâu hơn, EC nhận thấy nhà nước, thông qua ĐCSTQ, đã đóng vai trò chính trong việc chỉ thị và trợ cấp sản lượng cũng như kiểm soát các lãnh vực và doanh nghiệp cụ thể. Ví dụ, nhà nước làm chủ bốn nhà sản xuất xe hơi truyền thống lớn của Trung Cộng và các công ty xe điện mới xuất hiện, kèm theo nhiều đặc quyền tài chính khác nhau, từ trợ cấp đến xóa nợ với các ngân hàng quốc doanh, v.v.

Với những phát giác của EC, câu hỏi duy nhất hiện nay là châu Âu sẽ làm gì trước vấn đề nền kinh tế do nhà cầm quyền kiểm soát và quản lý bán phá giá hàng hóa vào thị trường của châu Âu?

Báo cáo này cho phép EC có không gian rộng rãi để áp đặt các hình phạt khác nhau đối với hoạt động thương mại của các công ty Trung Cộng với châu Âu. Câu hỏi giờ đây trở thành, liệu EC có áp đặt hình phạt không? Với ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh và các nhà xuất cảng Âu Châu tại Trung Cộng, chẳng hạn như các nhà sản xuất xe hơi Đức, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo vẫn còn là dấu hỏi.


Sản Phẩm Mang Thương Hiệu Nổi Tiếng Bị Nghi Ngờ Do Tù Nhân Sản Xuất

Gần đây, có nhiều thông tin tiết lộ rằng sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng của Trung Cộng là do các tù nhân sản xuất, trong đó gồm có các thương hiệu Anta, Xtep, Hongxing Erke, và 361. Nạn lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền trong các nhà tù của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng.

Hôm 10/04, Hoa Kỳ đã cấm hàng loạt sản phẩm găng tay Milwaukee Tool (Milwaukee Electric Tool Corporation) có nguồn gốc xuất xứ từ các nhà tù của Trung Cộng, do công ty này có liên quan đến việc cưỡng bức lao động đối với tù nhân.

Bà Shi Minglei, vợ của tù nhân chính trị đang bị giam cầm Cheng Yuan, đã không hoạt độ g chống lao động cưỡng bức trong thời gian dài. Bà viết trên trang cá nhân của nền tảng X rằng: “Thật đáng mừng! Hải quan Hoa Kỳ đã cấm chuỗi cung ứng găng tay sản xuất ở Trung Quốc của Milwaukee Tool. Nguyên nhân là vì những găng tay này được các tù nhân tại nhà tù Xích Sơn, Hồ Nam sản xuất”.

Ông Cheng Yuan, chồng của bà Shi, nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Ou Biaofeng, và nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Đài Loan Li Mingzhe, đều bị cưỡng bức lao động trong các công xưởng lao động khổ sai tại nhà tù Xích Sơn ở Hồ Nam.

Ông Huang, người được phóng thích khỏi nhà tù Điếm Giang hồi năm ngoái (2023), nói với ký giả của The Epoch Times rằng, nhà tù Điếm Giang có tổng cộng 8 khu giam giữ. Trong đó, khu giam giữ thứ 4 có ba đội, tổng cộng không quá 500 người, có một đến hai đội khoảng 370 người chủ yếu làm phần đế giày.

Ông Huang nói, “Theo những gì tôi biết, ngoài những thương hiệu nhỏ không tiếng tăm, thì những thương hiệu lớn đã từng sản xuất ở đây bao gồm Anta, Xtep, Hongxing Erke, và 361. Từ những vật liệu nhỏ vụn, cho đến mọi công đoạn ngoại trừ đế giày, giá trị sản xuất của mỗi đôi giày chỉ vài đồng. Giá trị sản lượng trung bình của các tù nhân ở đây mỗi tháng tạo ra hơn 2,000 nhân dân tệ, nhưng thu nhập trung bình không vượt quá 200 nhân dân tệ. Hơn nữa họ còn phải mua những đồ dùng sinh hoạt trong nhà tù với giá cao gấp nhiều lần so với giá thị trường. Như thế, họ lại bị bóc lột thêm một tầng nữa…”

Công ty Dụng cụ Thể thao Anta (ANTA Sports Products Limited) được thành lập vào năm 1994, có trụ sở chính đặt tại Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, là một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giày thể thao có thương hiệu, và là một công ty niêm yết. Sản phẩm của họ bao gồm giày và quần áo thể thao thương hiệu ‘ANTA.’


Ngoại Trưởng Blinken Nêu Vấn Đề Nhân Quyền Trong Chuyến Công Du Trung Cộng

Bộ Ngoại Giao xác nhận rằng Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ nêu lên mối lo ngại của Hoa Kỳ về cách giải quyết vấn đề nhân quyền của nhà cầm quyền Trung Cộng trong chuyến công du ba ngày tới Trung Quốc.

Antony Blinken
(bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ)

Trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 24/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Vedant Patel đã trả lời câu hỏi của đài NTD, hãng thông tấn của hệ thống The Epoch Times, rằng: “Trong mọi cam kết mà chúng tôi có với Trung Cộng kể từ khi bắt đầu chính quyền này, vấn đề nhân quyền luôn nằm trong nghị trình của chúng tôi, và sẽ tiếp tục như vậy. Tôi tin chắc rằng vấn đề nhân quyền sẽ được thảo luận trong tuần này khi ngài Ngoại Trưởng có mặt ở đó”.

Ông Blinken đã đến Thượng Hải vào chiều hôm 24/04, bắt đầu chuyến công du đến Trung Quốc lần thứ hai trên cương vị ngoại trưởng. Theo Bộ Ngoại Giao, viên chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ gây sức ép với chế độ này về các vấn đề từ việc Trung Cộng viện trợ cho Nga, tình trạng dư thừa công suất công nghiệp, cho đến nhân quyền.

Một ngày trước chuyến thăm, Bộ Ngoại Giao đã công bố một báo cáo mà ông Blinken cho biết là đã ghi chép lại “những hành động áp bức nhân quyền trầm trọng đang diễn ra” ở Trung Quốc. Các nhóm bị nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc nhắm đến bao gồm các nhóm thiểu số bị đàn áp, những người bất đồng chính kiến, các ký giả ngoại quốc, và những người theo tín ngưỡng tâm linh.

Đề cập đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương mà ông gọi là “nạn nhân của nạn diệt chủng và tội ác phản nhân loại”, ông Blinken cho biết bản Báo cáo Quốc gia về Thực trạng Nhân quyền năm 2023 này “ghi chép lại những hành động tàn bạo gợi nhớ đến những khoảnh khắc đen tối nhất của nhân loại”.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao cũng trích dẫn một cuộc phỏng vấn của The Epoch Times với một cựu bác sĩ Trung Quốc, người từng tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng bên trong một chiếc xe tải được cảnh vệ mang vũ trang bảo vệ.

Bác sĩ Zheng Zhi đã làm chứng về việc mình nghe thấy một sĩ quan quân đội Trung Quốc nói với một viên chức quân đội Trung Cộng khác rằng họ sẽ chọn một quả thận “phẩm chất hàng đầu” từ một học viên Pháp Luân Công để thay thế cho quả thận ốm yếu của viên chức này.

Ông Robert Gilchrist, một viên chức cấp cao của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thuộc Bộ Ngoại Giao, chia sẻ với các phóng viên rằng ông Blinken sẽ “nêu vấn đề nhân quyền ở mức độ cao nhất và theo cách rõ ràng nhất” khi có mặt ở Trung Quốc.

Viên chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ này sẽ bắt đầu sứ mệnh của mình bằng cuộc gặp gỡ với các viên chức cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp, và sinh viên tại trung tâm tài chính. Ông sẽ tới Bắc Kinh vào ngày 26/04 để hội đàm với ông Vương Nghị, viên chức đồng cấp của Trung Cộng.

Theo dự định, ông sẽ có cuộc hội đàm khác với nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình.

Ông Tập từng tiếp đón Ngoại trưởng Blinken đến thăm tại Bắc Kinh vào tháng 07/2023, tuy nhiên cuộc hội đàm của họ không được xác nhận công khai cho đến một thời gian ngắn trước khi cuộc gặp diễn ra.

Chỉ vài giờ trước khi ông Blinken đến Trung Quốc hôm 24/04, Quốc Hội Hoa Kỳ cuối cùng đã phê chuẩn một gói quốc phòng trị giá khoảng 8 tỷ USD dành cho Đài Loan và các đối tác khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối đầu với sự gây hấn của Trung Cộng. Dự luật này đã được Tổng thống Joe Biden ký thành luật sau đó vào ngày 24/04, và đã dẫn đến một lệnh cấm đối với ứng dụng chia sẻ video TikTok do Trung Cộng kiểm soát.

Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra sau chuyến thăm tương tự của Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, người từng đưa ra cảnh báo thẳng thừng về việc Bắc Kinh viện trợ cho Moscow. Bà cảnh báo rằng bất cứ công ty nào, kể cả những công ty ở Trung Quốc, sẽ phải đối mặt với “những hậu quả đáng kể” nếu họ cung cấp viện trợ để trợ giúp Nga xâm chiếm Ukraine.

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh đã cung cấp cho Moscow những vật liệu và bộ phận vũ khí quan trọng cho cuộc chiến với Ukraine. Trước chuyến thăm của ông Blinken, một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng cho biết rằng Ngoại trưởng sẽ thúc ép Trung Cộng cắt giảm viện trợ cho cơ sở kỹ nghệ quốc phòng của Nga.


Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken Lo Ngại Về Các Hoạt Động Thương Mại Không Công Bằng Của Trung Cộng

Trong điểm dừng chân đầu tiên của chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nêu lên vấn đề về các hoạt động thương mại phi thị trường của Trung Cộng và kêu gọi ĐCSTQ cung cấp cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ một sân chơi bình đẳng.

Ông nói trong cuộc gặp với ông Chen Jining, Bí thư Đảng Cộng sản Thượng Hải, vào hôm 25/04 rằng Trung Cộng và Hoa Kỳ có “nghĩa vụ đối với người dân hai nước chúng ta và trên thực tế là nghĩa vụ với thế giới để quản lý mối quan hệ giữa hai nước chúng ta một cách có trách nhiệm”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố rằng Ngoại trưởng Blinken đã nêu lên mối lo ngại về “các chính sách thương mại và các hoạt động kinh tế phi thị trường” của Bắc Kinh.

Theo tuyên bố, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nhân cuộc gặp này để nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm “cạnh tranh kinh tế lành mạnh” với Trung Cộng và “một sân chơi bình đẳng cho các nhân viên và doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc”.

Các viên chức Hoa Kỳ lại lo ngại về các chính sách và hoạt động thương mại của Trung Quốc — chẳng hạn như trợ cấp lớn từ nhà nước, xuất cảng năng lượng sạch dư thừa, và đánh cắp tài sản trí tuệ — khiến các công ty và nhân viên của Hoa Kỳ gặp bất lợi trong một cuộc cạnh tranh không công bằng.

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đang điều tra các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh trong các ngành hàng hải, tiếp vận, và đóng tàu. Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi tăng gấp ba mức thuế đối với thép và nhôm từ Trung Cộng.

Trong bối cảnh khủng hoảng địa ốc và tiêu dùng yếu, Trung Cộng đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế kém hiệu quả của họ bằng cách đổ tiền vào lãnh vực sản xuất. Khi chuyển trọng tâm chính sách sang cái mà họ gọi là “ba lãnh vực tăng trưởng mới” là xe điện, pin lithium-ion, và quang điện, họ đã làm ngập thị trường toàn cầu với các sản phẩm giá rẻ của Trung Cộng trong các lãnh vực này.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã chất vấn các viên chức cấp cao của Trung Cộng về tình trạng sản xuất quá mức của nước này, nói rằng nền kinh tế Trung Cộng “quá lớn để phần còn lại của thế giới có thể hấp thụ được công suất to lớn như vậy”.

Bà Yellen nói khi kết thúc chuyến công du tới Trung Quốc: “Khi thị trường toàn cầu tràn ngập các sản phẩm giá rẻ giả tạo của Trung Quốc, khả năng tồn tại của các công ty Hoa Kỳ và các quốc gia khác bị đặt dấu hỏi”.

Bất chấp phản ứng dữ dội ngày càng tăng đối với các hoạt động thương mại của mình, nhà cầm quyền Trung Cộng tỏ ra không hề nao núng. Tại cuộc họp báo thường kỳ sau đó hôm 25/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Uông Văn Bân cho rằng Bắc Kinh đã tiến hành hợp tác kinh tế và thương mại “phù hợp với các nguyên tắc thị trường”.

Ông kêu gọi Hoa Thịnh Đốn hợp tác với nhà cầm quyền này để “tạo thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ kinh tế và thương mại Trung Cộng-Hoa Kỳ”.


Việt Nam: Sài Gòn, Bình Dương Cháy Lớn

Tối 28/04, trong cửa hàng bán điện thoại ở Sài Gòn và tại bãi chứa gỗ ở Bình Dương đã xảy ra 2 trận hỏa hoạn.

Tại Sài Gòn, khoảng 19 giờ tối xảy ra đám cháy lớn ở cửa hàng điện thoại trên đường Lê Văn Thọ, phường 11, quận Gò Vấp. Người dân tìm cách dập lửa nhưng không thành công.

Sau đó, ngọn lửa gặp nhiều vật liệu dễ cháy nên bùng phát mạnh, bao trùm cửa hàng. Nhiều nhân viên cửa hàng hốt hoảng ôm đồ đạc cùng một số tài sản chạy ra ngoài.

Lực lượng cứu cấp cùng nhiều xe chữa cháy đến hiện trường. Đến khoảng 19 giờ 45 phút, đám cháy đã được dập tắt.

Đại diện phường 11, quận Gò Vấp, cho biết, vụ cháy không ghi nhận thương vong về người, nhưng cửa hàng bị thiệt hại nhiều máy móc, thiết bị.

Tại Bình Dương, vào lúc 20 giờ cùng ngày khói lửa phát ra từ kho chứa gỗ rộng hàng trăm mét vuông của Công ty Minh Thành Trung nằm trên quốc lộ 13, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, giáp với Sài Gòn.

Trong thời tiết nắng nóng cùng nguyên liệu trong xưởng chủ yếu là gỗ, đám cháy bùng phát mạnh, khói lửa bốc cao cuồn cuộn hàng chục mét kèm tiếng nổ lớn.

Đến gần 21 giờ, ngọn lửa được khống chế. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng thiêu rụi gần 500 m2 bãi chứa gỗ.

Trước đó, chiều 27/04, nhà kho rộng hơn 500 m2 chứa phụ tùng điện tử, gia dụng, vật liệu quảng cáo của Công ty Hứa Kim Hải (phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) bị cháy.

Do thời tiết nắng nóng gay gắt cùng gió lớn, nên đám cháy lan nhanh. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, đám cháy căn bản được dập tắt. Đại diện phường Vĩnh Quang cho biết, vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng thiêu rụi toàn bộ hàng hóa trong kho cùng 2 xe tải, tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập điện.

Theo Sở Cứu Hoả, vào mùa nắng nóng kéo dài, các tỉnh phía nam dễ xảy ra cháy, nổ. Người dân khi ra khỏi nhà nên kiểm tra các thiết bị điện, tránh rò rỉ gây ra những biến cố.


Đài Loan Hợp Tác Với Các Công Ty Kỹ Nghệ Hoa Kỳ Để Sản Xuất Máy Bay Điều Khiển Từ Xa

Hôm thứ Năm (25/04), trong một bước tiến quan trọng hướng tới sự hợp tác kỹ nghệ, một viện kỹ nghệ tiên phong của Đài Loan và huyện Gia Nghĩa của Đài Loan đã ký một thỏa thuận quan trọng tại San Jose, Bắc California. Thỏa thuận này nhằm mục đích thúc đẩy trao đổi song phương giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, đồng thời tạo thuận lợi cho những hoài bão của huyện Gia Nghĩa để trở thành trung tâm sản xuất máy bay điều khiển từ xa (drone) và chuỗi cung ứng trợ giúp liên quan.

Viện Nghiên Cứu Kỹ Nghệ (ITRI), là viện nghiên cứu ứng dụng hàng đầu của Đài Loan có trụ sở tại Tân Trúc, đã dẫn đầu trong sáng kiến này.

Tại lễ ký kết, với sự tham dự của các nhân vật nổi bật như Thẩm phán huyện Gia Nghĩa Ông Chương Lương (Weng Zhang-liang), sân khấu đã được sắp đặt cho những nỗ lực chuyển đổi. Thẩm phán Ông nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Thái Anh Văn vào ngày 13/08/2022, trong đó chỉ định Gia Nghĩa làm hạch tâm cho sáng kiến drone quốc gia. Tiếp theo, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng Đổi mới Trí tuệ Nhân tạo (AI) cho máy bay không người lái (UAV) châu Á đã diễn ra sau đó, thể hiện cam kết của Đài Loan đối với kỹ nghệ thiết bị drone tân tiến.

Trong hai năm qua, huyện Gia Nghĩa đã huy động nguồn lực để xây dựng một khu công nghiệp dành riêng cho việc cải tiến thiết bị drone, thúc đẩy quan hệ đối tác với hơn 20 quốc gia.

Việc phân bổ khoảng 210.8 triệu USD của Tổng thống Thái Anh Văn gần đây đã nhấn mạnh quyết tâm của Đài Loan trong việc củng cố sức mạnh kỹ nghệ của mình.

Thẩm phán Ông nhấn mạnh sự nhạy bén trong sản xuất của Đài Loan, bày tỏ sự lạc quan về sự tăng trưởng vượt bậc của ngành drone địa phương. Với những cơ hội ngày càng mọc lên nhanh chóng trong lãnh vực quốc phòng và dân dụng này, cùng với sự nhiệt tình của các nhà đầu tư, Đài Loan đã sẵn sàng cho vị thế quốc tế trong lãnh vực sản xuất thiết bị drone.

Rút ra những điểm tương đồng với sứ mệnh tìm hiểu thực tế của mình tại Hoa Kỳ, ông Ông khẳng định Đài Loan ngang bằng với các đối tác toàn cầu về kỹ nghệ drone. Sự hợp tác với chi nhánh của ITRI tại Thung lũng Silicon được dự định sẽ phục vụ như một cầu nối giúp Đài Loan kết nối trực tiếp với trung tâm của sự đổi mới kỹ nghệ, kích thích quỹ đạo tăng trưởng của ngành kỹ nghệ drone.

Ông Chu Vĩnh Xương (Chu Yung-chang), Phó Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại San Francisco, đã ca ngợi thỏa thuận này, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của Thung lũng Silicon trong việc hun đúc những đột phá về kỹ nghệ. Để nhấn mạnh sự hiện diện đáng nể của Đài Loan tại Thung lũng Silicon, ông Chu đã ám chỉ đến việc Tập đoàn Sản Xuất Chất Bán Dẫn Đài Loan (TSMC) sẽ đầu tư vào một nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến kích thước 1 nanomet ở huyện Gia Nghĩa.

Với tầm nhìn về sự hợp tác, sự hội tụ giữa tri thức chuyên môn của Thung lũng Silicon và năng lực sản xuất thiết bị drone thành thạo của Đài Loan hứa hẹn sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng drone đang vươn lên nhanh chóng này.


Nhật Bản Mở Rộng Quân Sự Vượt Quá Ranh Giới Hiến Pháp

Bất chấp những giới hạn mà Hiến Pháp đặt ra, Nhật Bản đã bắt đầu cuộc mở rộng quân sự lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế Chiến để ứng phó với hành vi gây hấn ngày càng leo thang của Trung Cộng.

Hồi tháng Mười Hai (2023), Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản đã đi đến một “bước ngoặt trong lịch sử”, nhấn mạnh Nhật Bản cần phải điều chỉnh chiến lược an ninh của mình trong bối cảnh có những thay đổi diễn ra không ngừng. Chiến lược An Ninh Quốc Gia (NSS) của Nhật Bản thừa nhận Trung Cộng và Bắc Hàn là những mối đe dọa chính, nhắc lại việc Tokyo tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc” và giải pháp hòa bình cho vấn đề Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh rằng nhà cầm quyền Trung Cộng ngày càng leo thang gây hấn và Nhật Bản đã nâng cao khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình.

Tài liệu này nhấn mạnh rằng “Trung Cộng không phủ nhận việc có thể sử dụng lực lượng quân sự” và chính quyền này ngày càng tăng cường hiện diện quân sự xung quanh Đài Loan, trong đó có các vụ phóng hỏa tiễn gần Nhật Bản. Tài liệu cho biết thêm rằng các hành động của Trung Cộng tại Eo biển Đài Loan không chỉ đáng báo động đối với Nhật Bản mà còn đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế nói chung.

Những lo ngại về an ninh và những hạn chế tiềm tàng đối với tự do hàng hải ở Eo biển Đài Loan ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ các nước trong khu vực mà còn cả các quốc gia như Úc, Anh quốc, và Pháp, vốn là những nước duy trì lợi ích trong khu vực này. Tác động gián tiếp toàn cầu cũng rất đáng kể vì 44% tàu chở hàng trên thế giới đi qua Eo biển này.

Vai trò tăng cường an ninh của Nhật Bản liên quan đến việc thắt chặt mối bang giao với các đồng minh hiện tại. Ngũ Giác Đài đã xác nhận mối quan hệ quân sự mạnh mẽ nhất từ trước đến nay giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, cùng với việc Nhật Bản tăng cường kết nối quốc phòng với Philippines, trong đó có cung cấp viện trợ quân sự. Ngoài ra, Tokyo đang xây dựng liên minh phòng thủ ba bên với Manila và Hoa Thịnh Đốn, đồng thời dự tính gia nhập AUKUS, nhóm bao gồm Úc, Anh quốc, và Hoa Kỳ.

Chính sách của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh rằng “Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực hơn nữa trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế đồng thời đạt được an ninh của chính mình cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực”. Để phù hợp với mục tiêu này, Tokyo đã công bố kế hoạch năm năm trị giá 320 tỷ USD để hiện đại hóa và mở rộng quân đội Nhật Bản, định vị ngân sách quốc phòng của họ đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cựu Đô đốc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) Yoji Koda nhận xét rằng kế hoạch này sẽ biến JSDF thành một “lực lượng hiệu quả có tầm vóc thế giới”.

Trong số các kế hoạch mua sắm sắp tới của Nhật Bản có hỏa tiễn Tomahawk của Hoa Kỳ, dự định sẽ được khai triển cùng với hỏa tiễn đất đối hạm Type 12 được sản xuất trong nước vào năm tới. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ đưa vào hoạt động các hàng không mẫu hạm mới trong năm nay để trợ giúp việc khai triển các Oanh Tạc Cơ Phi Đạo Ngắn và Hạ Cánh Thẳng Đứng (STOVL) F-35B của hãng Lockheed Martin của Hoa Kỳ sản xuất. Hơn nữa, Không Lực Hoa Kỳ cũng đang thành lập một căn cứ mới trên đảo Mageshima.


Hàng Trăm Ngàn Người Tuần Hành Ủng Hộ Palestine Hôm Thứ Bảy

Một cuộc tuần hành ủng hộ người Palestine diễn ra ở London hôm thứ Bảy (27/04) dự định sẽ thu hút “hàng trăm ngàn” người biểu tình, khi Cảnh sát Thủ đô (Metropolitan Police) cảnh báo biểu tình kéo dài nhiều tháng sẽ gây ra “nỗi sợ hãi và bất ổn” trong cộng đồng người Do Thái.

Một cuộc tuần hành ủng hộ người Palestine được Chiến dịch Đoàn Kết Palestine (PSC) tổ chức tại Quảng trường Nghị viện lúc 12 giờ trưa và khởi hành trong vòng nửa tiếng sau đó theo lộ trình kết thúc tại Công viên Hyde, nơi mọi người sẽ đọc diễn văn.

Tổ chức này cho biết họ dự định có “hàng trăm ngàn người” tham gia sự kiện này.

Một cuộc biểu tình tại chỗ được tổ chức bởi nhóm ủng hộ Israel Enough is Enough sẽ đồng thời diễn ra tại Trung tâm thương mại Pall, dọc theo lộ trình của cuộc tuần hành ủng hộ Palestine.

Cuộc tuần hành của PSC là cuộc biểu tình thứ 13 kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 09/10/2023.

The Met cho biết kể từ ngày 07/10/2023, những cuộc biểu tình kiểu này đã tiêu tốn khoảng 38.4 triệu bảng Anh, yêu cầu 44,722 ca làm việc của cảnh sát, và hủy bỏ 6,399 ngày nghỉ của cảnh sát.

Trợ lý của Ủy viên Matt Twist cho biết lực lượng này nhắm vào cảnh sát “một cách rất công bằng”. Ông nói thêm rằng những cuộc biểu tình ở London “là nguyên nhân đặc biệt gây ra nỗi sợ hãi và bất ổn trong cộng đồng người Do Thái”.

Ông cho biết những sự kiện này khiến người Do Thái tránh xa khu trung tâm London trong những ngày diễn ra các cuộc biểu tình, tránh sử dụng tàu điện ngầm, che giấu danh tính, hoặc thay đổi hành vi của họ.

Cuộc biểu tình thứ ba được tổ chức bởi Chiến dịch chống chủ nghĩa bài Do Thái (CAA) dự định diễn ra lúc 12 giờ trưa hôm thứ Bảy (27/04) nhưng đã bị hủy vào một ngày trước đó.

Bài liên quan:
  • Tin Cuối Tuần (11-12-May-2024)
  • Cuộc Vận Động Tranh Cử Của Cựu TT Trump Thu Hút Hàng Chục Ngàn Người
  • Thẩm Phán Yêu Cầu Ông Michael Cohen Ngừng Nói Về Phiên Tòa
  • Việc Chuyển Đổi Xe Tải Sang Xe Điện Sẽ Làm Chi Phí Tăng 114%
  • Hoa Kỳ Tạm Ngưng Cung Cấp Vũ Khí Cho Israel
  • Bắc Kinh Lo Lắng Về Đồng Yen Nhật
  • Dòng Người Hoa Lục Di Cư Đến Hồng Kông
  • Bộ Trưởng Công An Wang Xiaohong Đẩy Mạnh Sản Xuất Fentanyl
  • Mỹ-Hoa Và “Chiến Tranh Lạnh Dưới Đáy Biển”
  • Hạm Đội Vệ Tinh Của Trung Cộng Đặt Ra Mối Đe Dọa Đối Với Quân Đội Hoa Kỳ
  • Cháy Lớn Tại Trung Tâm Thương Mại Ở Ba Lan, Nơi Có Nhiều Tiểu Thương Việt
  • Khu Trục Hạm Hoa Kỳ Tiến Sát Quần Đảo Hoàng Sa Của Việt Nam
  • Tin Cuối Tuần (20-21-Apr-2024)
  • Đề Nghị Truất Phế Chủ Tịch Hạ Viện Johnson ‘Sắp Được Đưa Ra’
  • Ông Bill Barr Cho Biết Tại Sao Ông Ủng Hộ Cựu TT Trump Nhiều Hơn TT Biden
  • Thời Tổng thống Biden, Lạm Phát Kéo Dài Và Việc Làm Suy Giảm
  • Các Cuộc Thăm Dò Không Cho Biết Về Sự Dẫn Đầu Của Cựu TT Trump
  • Số Phận Các Tỷ Phú Của Trung Cộng, Sụt Giảm, Phá Sản, Hoặc Bị Bắt Giữ
  • Chủ Nghĩa Tư Bản Trung Cộng Đang Bóp Méo Thị Trường Toàn Cầu
  • TT Biden Kêu Gọi Tăng Gấp Ba Lần Thuế Quan Đối Với Nhôm Thép Trung Cộng
  • Thủ Tướng Đức Vận Động Trung Cộng Chơi Công Bằng Trên Thị Trường EU
  • Trung Cộng Đóng Góp Cho Ngành Kỹ Nghệ Quốc Phòng Nga
  • Tin Cuối Tuần (13-14-Apr-2024)
  • TT Biden Tìm Cách Giảm Căng Thẳng Cuộc Xung Đột Giữa Iran Và Israel
  • Hạ Viện Sẽ Cố Gắng Về Gói Tài Trợ Cho Israel
  • Trung Cộng Có Mối Liên Hệ Với Tội Phạm Có Tổ Chức
  • Đảng Dân Chủ Sử Dụng Chiến Lược Ít Được Biết Đến Để Giành Chiến Thắng Trong Năm 2024
  • Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Làm Gián Điệp Cho Cuba Lãnh 15 Năm Tù
  • Cuộc Điện Đàm Giữa Ông Biden Và Ông Tập Không Làm Thay Đổi Được Bất Cứ Điều Gì
  • Trung Cộng Đẩy Mạnh Xuất Cảng Khiến Các Nhà Đầu Tư Ngoại Quốc Lo Lắng
  • CEO Apple Đến Hà Nội, Thăm Việt Nam Trong 2 Ngày
  • Iran Không Kích Israel, Phóng Hàng Loạt Máy Bay Không Người Lái
  • 3 Con Trai Của Thủ Lĩnh Hamas Haniyeh Thiệt Mạng Trong Cuộc Không Kích Của Israel
  • Nhật Bản Có Thể Sẽ Gia Nhập Liên Minh AUKUS Chống Bắc Kinh
  • Nữ Ký Giả Trung Quốc Bị Trục Xuất Khỏi Thụy Điển Từng Kể Về Gia Cảnh Bị ĐCSTQ Bức Hại
  • Vương Quốc Anh Sẽ Không Bao Giờ Giao Quyền Lực Cho WHO
  • Tin Cuối Tuần (06-07-Apr-2024)   
  • Mạng Xã Hội X Sẽ Không Tuân Theo Lệnh Của Tối Cao Pháp Viện Brazil
  • Los Angeles Công Bố Dữ kiện Về Số Người Vô Gia Cư Tử Vong Trong Năm 2023
  • Các Thượng Nghị Sĩ Sẽ Trở Thành Bồi Thẩm Viên Vào Ngày 11/04, Vụ Đàn Hặc Ông Mayorkas
  • Ủy Ban Hạ Viện Sẽ Cân Nhắc Nghị Quyết Phản Đối Áp Lực ‘Một Chiều’ Từ Phía TT Biden Cho Một Lệnh Ngừng Bắn Ở Gaza
  • Bộ Trưởng Ngân Khố Janet Yellen Chỉ Trích Những Hành Động ‘Cưỡng Ép’ Của Bắc Kinh Đối Với Các Công Ty Hoa Kỳ
  • Ông Biden Và Tập Cận Bình Nói Chuyện Lần Đầu Tiên Kể Từ Tháng Mười Một
  • Hoa Kỳ Trừng Phạt Tin Tặc Trung Cộng Vì Kế Hoạch 14 Năm Xâm Nhập Vào Cơ Sở Hạ Tầng Quan Trọng
  • 5 Dấu Hiệu Cho Thấy Kinh Tế Trung Quốc Đang Thâm Hụt Tài Chính Trầm Trọng
  • Căng Thẳng Leo Thang Ở Khu Vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
  • Tin Cuối Tuần (30-31-Mar-2024)
  • Hoa Kỳ Và Mexico Công Bố Quan Hệ Đối Tác Vi Mạch Bán Dẫn Để Ứng Phó Với Những Thách Thức Toàn Cầu
  • Tình Trạng Di Cư Ồ Ạt Đe Dọa Đến An Ninh Lương Thực Của Hoa Kỳ
  • Chủ Tịch Hạ Viện Johnson Đàm Luận Thống Đốc Abbott Về An Ninh
  • TT Trump Yêu Cầu TT Biden Xin Lỗi Vì Tuyên Bố Xúc Phạm Công Dân Hoa Kỳ
  • Trung Cộng Vũ Khí Hóa Lực Lượng Hải Cảnh Để Kiểm Soát Các Vùng Biển Tranh Chấp
  • Trục Ma Quỷ’ Mới Đã Hình Thành, ĐCSTQ Là Địch Thủ Lớn Nhất Của Hoa Kỳ
  • Các Viên Chức Trung Cộng Chọn Cách Phản Kháng Thụ Động Với Tập Cận Bình
  • Sự Thâm Nhập Của Trung Cộng Trở Thành Cơn Ác Mộng Của Hoa Kiều
  • Israel Sẽ ‘Tự Mình’ Tiến Hành Cuộc Tấn Công Vào Rafah