TIN THẾ GIỚI

Lãnh đạo NATO tới Kiev, hối thúc phương Tây cấp tốc giao vũ khí cho Ukraina (RFI)

Hôm 29/04/2024, trong lúc Ukraina đang gặp khó khăn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga, tổng thư ký khối NATO đã tới Kiev. Cùng với tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Jens Soltensberg nhấn mạnh phương Tây phải cấp tốc giao vũ khí cho Ukraina, không để quân Nga lợi dụng sự chậm trễ của các đồng minh để giành lợi thế trên chiến trường.

Theo AFP, tại Kiev, tổng thư ký NATO đã đề cập đến việc viện trợ quân sự của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu tới quá chậm. Ông Jens Stoltelberg đánh giá sự chậm trễ đó đã « gây hậu quả nghiêm trọng trên chiến trường ». Tuy nhiên, lãnh đạo Liên minh Bắc Đại Tây Dương, khẳng định vẫn « không quá muộn để Ukraina có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này » và bảo đảm các viện trợ quân sự nhiều hơn đang trên đường tới Ukraina, sắp tới sẽ có những thông báo mới về vấn đề này.

Tổng thư ký NATO kêu gọi các đồng minh triển khai « những cam kết tài chính trọng yếu cho nhiều năm, để chứng minh sự hậu thuẫn của chúng ta cho Ukraina không phải là ngắn hạn ».

Về phần mình, tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục hối thúc phương Tây đẩy nhanh tiến độ cung cấp vũ khí để « làm thất bại » cuộc tấn công mới trên quy mô lớn mà Matxcơva đang chuẩn bị. Ông Zelensky tuyên bố : « Pháo, đạn 155 ly, các loại vũ khí tầm xa và phòng không, chủ yếu là hệ thống tên lửa Patriot… Đó là những thứ mà các đối tác của chúng ta có và bây giờ phải được sử dụng tại Ukraina để phá hủy tham vọng khủng bố của Nga ».

Sau thất bại của của cuộc phản công mùa hè năm 2023, Ukraina đã phải chuyển sang thế phòng thủ. Trong khi đó, Nga nắm thế chủ động, liên tiếp giành thêm nhiều vị trí ở miền Đông, đẩy lùi quân đội Ukraina đang thiếu đạn dược vũ khí lẫn quân số.

Song song đó, quân đội Nga gia tăng tấn công bằng tên lửa và drone gần như hàng ngày vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraina. Hôm qua, một lần nữa, Nga tập kích bằng tên lửa và drone vào Odessa, thành phố cảng ở miền nam Ukraina bên bờ Biển Đen, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 28 người bị thương, theo thông báo của thống đốc vùng, Oleg Kiper, trên Telegram.

Tuần trước, lãnh đạo tình báo quân đội Ukraina Kyrylo Boudanov dự báo tình hình có thể còn tồi tệ hơn trong khoảng giữa tháng 5, đầu tháng 6. Đó sẽ là « giai đoạn khó khăn » cho Ukraina.


Gaza: Mỹ gia tăng áp lực để Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với Israel (RFI)

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/4 đã hối thúc Ai Cập và Qatar ‘‘nỗ lực hết sức’’ để tổ chức Hamas chấp nhận trả tự do cho các con tin trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza

AFP dẫn lời tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh việc trả tự do cho các con tin là ‘‘cản trở duy nhất đối với một thỏa thuận hưu chiến ngay tức khắc’’.

Sau cuộc đàm phán hôm qua tại Cairo giữa Ai Cập, Qatar và Hamas, phái đoàn của tổ chức Palestine hôm nay đến Qatar với hứa hẹn ‘‘sẽ đưa ra câu trả lời chính thức sớm nhất có thể’’. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì dự kiến đến Isarel hôm nay và cũng hy vọng là Hamas sẽ đáp ứng tích cực với đề xuất của Isael ngừng bắn đổi lấy con tin, đề xuất mà ngoại trưởng Mỹ cho là ‘‘hết sức hào phóng về phía Israel’’.

Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết cụ thể là đề xuất này bao gồm 40 ngày ngừng bắn, đi kèm với việc trả tự do cho ‘‘hàng nghìn tù nhân Palestine’’ bị giam giữ tại Israel, đổi lấy các con tin Israel bị bắt giữ trong cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 07/10/2023, biến cố dẫn đến cuộc can thiệp quân sự của Israel tại Gaza, khiến hơn 34 nghìn người chết, tính đến nay.

Cho đến nay, Hamas đã trả tự do cho 105 con tin, đổi lấy 240 người Palestine trong đợt ngừng bắn đầu tiên kéo dài một tuần hồi cuối năm ngoái. Gần 100 con tin còn bị cầm giữ tại Gaza, không kể 34 người đã chết, theo chính quyền Israel. Cho đến nay, tổ chức Hamas vẫn đòi ‘‘ngừng bắn lâu dài’’, trước khi chấp nhận thả con tin, yêu cầu mà Israel bác bỏ.

Hôm nay, thủ tướng Benjamin Netanyahu cam kết, ‘‘dù có đạt được thỏa thuận hưu chiến với Hamas hay không’’, quân đội Israel cũng sẽ tiến vào Rafah, thành phố cực nam Gaza, để tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng còn lại của Hamas, nhằm ‘‘giành thắng lợi hoàn toàn’’.

Hôm qua, trong chuyến công du Cận Đông lần thứ 7 kể từ đầu chiến tranh Gaza, ngoại trưởng Blinken một lần nữa nhắc lại Hoa Kỳ phản đối một cuộc tấn công vào Rafah, nơi 1,5 triệu dân Palestine đang sống trong các điều kiện hết sức tồi tệ, với nhiệt độ gia tăng, không có nước sạch, nguy cơ đại dịch bùng phát. 


Chuyên gia Liên Hiệp Quốc: Tìm thấy mảnh vỡ tên lửa Bắc Triều Tiên tại Ukraina (RFI)

Theo hãng tin Anh Reuters, hôm 29/04/2024, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã trình lên Hội Đồng Bảo An một báo cáo dài 32 trang, cho biết các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv, Ukraina vào ngày 02/01 là từ tên lửa đạn đạo Hwasong-11 của Bắc Triều Tiên.

Hỏa tiễn đạn đạo Hwasong-11

Kết luận trên được đưa ra sau chuyến đi của ba chuyên gia của Liên Hiệp Quốc tới Ukraina hồi đầu tháng để điều tra về các mảnh vỡ tên lửa. Họ khẳng định “các mảnh vỡ thu được thuộc dòng tên lửa Hwasong-11 của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”. Dựa vào các thông tin về quỹ đạo do chính quyền Ukraina cung cấp, họ xác định tên lửa này “được phóng từ lãnh thổ Liên bang Nga”, cho thấy Nga đã mua sắm vũ khí từ Bắc Triều Tiên. Các chuyên gia nhấn mạnh hành vi này vi phạm lệnh cấm vận vũ khí mà Liên Hiệp Quốc đã ban hành đối với Bắc Triều Tiên kể từ năm 2006.

Trước đó, trong một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào tháng Hai, Mỹ đã cáo buộc Nga phóng tên lửa đạn đạo do Bắc Triều Tiên cung cấp  vào Ukraina ít nhất 9 lần, nhưng Nga và Bắc Triều Tiên đều đã phủ nhận.

Ủy ban Liên Hiệp Quốc giám sát việc thực thi các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào hôm nay, 30/04. Ủy ban được thành lập vào năm 2009 với nhiệm vụ điều tra việc Bình Nhưỡng tránh né các lệnh trừng phạt và tiếp tục thực hiện chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa. Trong cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc vào tháng trước, Nga đã phủ quyết việc gia hạn hoạt động của ủy ban này. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield, cho biết Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Nhật Bản và Nam Hàn để đưa ra một cơ chế riêng kiểm soát việc Bắc Triều Tiên lách lệnh trừng phạt.


Biển Đông: Tàu Trung Cộng và Philippines va chạm tại bãi cạn Scarborough (RFI).

Hôm 30/04/2024, Manila cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Cộng đã phun vòi rồng vào hai tàu của lực lượng tuần duyên Philippines, ngăn chặn họ tiếp cận bãi cạn Scarborough, nơi mà hai nước đang tranh chấp ở Biển Đông. Về phần mình, Bắc Kinh khẳng định đã “đẩy lùi” các tàu Philippines xâm nhập vào hải phận của Trung Cộng, đồng thời yêu cầu Manila chấm dứt hành động « khiêu khích ».

AFP trích dẫn thông cáo của lực lượng tuần duyên Philippines cho biết, « hải cảnh Trung Cộng một lần nữa đã lắp đặt hàng rào bằng phao nổi dài 380 mét bao toàn bộ lối vào bãi cạn, cản trở việc tiếp cận khu vực ».

Vụ va chạm xảy ra khi hai chiếc tàu Philippines, một của lực lượng tuần duyên và một của cơ quan quản lý đánh bắt thủy sản, trên đường tiến vào bãi cạn Scarborough để tiếp tế nhiên liệu và lương thực cho các ngư dân đang hoạt động trong khu vực. Tàu hải cảnh Trung Cộng đã dùng vòi rồng tấn công, gây hư hại một số thiết bị trên các tàu Philippines, làm vỡ kính cabin điều khiển.

Về phần mình, Trung Cộng cũng ra thông cáo xác nhận đã « đẩy lui » các tàu của Philippines xâm nhập vùng biển của họ. Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Ngoại giao Lâm Kiếm ( Lin Jian) kêu gọi Manila « chấm dứt ngay lập tức các hành động bất hợp pháp và mang tính khiêu khích », đồng thời cảnh báo Philippines không nên « thách thức quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Cộng ».

Bãi cạn Scarborough nằm cách bờ đảo lớn Luzon của Philippines 240 km về phía tây, cách đảo Hải Nam của Trung Cộng gần 900 km về phía đông nam. Hồi tháng 9 năm ngoái, cũng tại đó, tàu Trung Cộng cũng đã đặt hàng rào nổi  để đánh dấu chủ quyền, nhưng vài ngày sau các phao đó đã bị tuần duyên Philippine dỡ bỏ. 

Những tháng gần đây, căng thẳng giữa Trung Cộng và Philippines lên cao chưa từng thấy trong nhiều năm qua và các sự cố cũng ngày càng gia tăng. Hồi tháng 3 đã xảy ra hai vụ va chạm giữa tàu Trung Cộng và Philippines gần bãi Cỏ Mây, mà Trung Cộng gọi là bãi Nhân Ái.

Vụ va chạm lần này xảy ra trong lúc quân đội Philippines và Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận chung cho đến ngày 10/05, lần đầu tiên có sự tham gia của Hải quân Pháp.

Trong một diễn biến khác, theo hãng tin Nhật NHK, ngày 29/04, tại Tokyo đã diễn ra buổi lễ bàn giao hệ thống radar cơ động giám sát bầu trời của Nhật Bản cho Philippines, dưới sự chứng kiến của bộ trưởng Quốc Phòng hai nước. Lãnh đạo quốc phòng Nhật Bản Oniki Makoto khẳng định, việc Nhật Bản và Philippnes nâng cao khả năng giám sát và hợp tác trong bối cảnh tình hình an ninh ngày càng đáng lo ngại trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ góp phần tăng cường khả năng răn đe.


Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Nhật, Úc và Philippines họp tại Hawaii bàn về an ninh khu vực (RFI)

Bộ Quốc Phòng Nhật Bản thông báo Tokyo chuẩn bị tham dự cuộc họp với Hoa Kỳ, Úc và Philippines tại Hawaii từ ngày 02-04/05/2024. Mỹ và ba nước đồng minh tại châu Á–Thái Bình Dương tập trung vào vế an ninh khu vực trước việc Trung Cộng quyết liệt khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và gia tăng hiện diện ở Thái Bình Dương.

Thông báo được bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Minoru Kihara đưa ra cách nay hai ngày (26/04/2024). Tokyo sẽ « chia sẻ quan điểm, những đánh giá của Nhật Bản với các đối tác về tình hình an ninh và những thách thức chung » tại châu Á –Thái Bình Dương cũng như về những bước hợp tác kế tiếp sau đợt tập trận chung giữa hải quân bốn nước hồi đầu tháng ở Biển Đông, nơi hải cảnh Trung Cộng liên tục dùng vòi rồng uy hiếp tàu thuyền của Philippines tại khu vực có tranh chấp chủ quyền biển đảo. Bên lề cuộc họp bốn bên tại Hawaii, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản sẽ có những cuộc thảo luận song phương với đồng cấp Mỹ và Úc.

Hãng tin Kyodo của Nhật nhắc lại rằng đây là cuộc họp thứ hai giữa bộ trưởng Quốc Phòng bốn nước liên quan kể từ tháng 06/2023 nhân Đối Thoại Shangri La, diễn đàn an ninh châu Á thường niên tổ chức tại Singapore.

Ngoài ra theo các nguồn tin của Học Viện Hải Quân Mỹ USNI hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt và nhiều tàu hộ tống đã cập bến cảng Laem Chabang, miền đông Thái Lan từ hôm 24/04/2024.


Hai dân biểu Mỹ đệ trình nghị quyết lưỡng đảng về ngày 30/4 (VOA)

Dân biểu Dân chủ Lou Correa và Dân biểu Cộng hòa Michelle Steel thuộc tiểu bang California ngày 30/4 giới thiệu Nghị quyết lưỡng đảng của Hạ viện Hoa Kỳ ghi nhận tầm quan trọng cũng như tưởng niệm 49 năm Ngày Sài Gòn thất thủ và sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Mỗi dân biểu đại diện cho một bộ phận của cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam, California—cộng đồng người Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam.

Dân biểu liên bang Lou Correa (trái) và Michelle Steel

Thông cáo từ văn phòng dân biểu Correa nói tháng 4 năm 1975, Bắc Việt mở chiến dịch tấn công các thành phố ở miền Nam Việt Nam, vi phạm trắng trợn các điều khoản của Hiệp định Paris.

Thông cáo viết: “Vào ngày 30 tháng 4, Sài Gòn, thủ đô của Việt Nam Cộng hòa, bị lực lượng cộng sản xâm chiếm trong một sự kiện được gọi là ‘Sài Gòn sụp đổ’.”

Hàng năm, cộng đồng người Mỹ gốc Việt trên khắp Hoa Kỳ đều tưởng niệm sự kiện lịch sử 30/4.

Là một trong những đại diện của cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ, tôi rất vinh dự được làm việc để tưởng nhớ một triệu người Việt đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, nhiều người trong số họ đã tìm được quyền trú ẩn an toàn ở đây tại Quận Cam, và gần 60.000 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong công cuộc tìm kiếm tự do,” Dân biểu Correa nhấn mạnh.

Dân biểu Steel nói 30/4 là thời điểm “để tưởng nhớ những sinh mạng đã mất vì chủ nghĩa Cộng sản và để tái cam kết đấu tranh cho dân chủ”, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng “nghị quyết này sẽ là một minh chứng lâu dài cho ký ức về những người đã ngã xuống và cuộc đấu tranh cho tự do đang tiếp diễn.”

Vẫn theo thông cáo, nghị quyết này nhằm “vinh danh các quân nhân của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa và các lực lượng đồng minh đã chiến đấu và hy sinh trong Chiến tranh Việt Nam, hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng khi cố chạy trốn khỏi Việt Nam, hàng triệu người khác đã tìm thấy sự an toàn ở các quốc gia trên thế giới cũng như những thành tựu và đóng góp của người Mỹ gốc Việt cho đất nước chúng ta.

(Nguồn: Văn phòng Dân biểu Dân chủ Lou Correa và Dân biểu Cộng hòa Michelle Steel)


Nam Hàn đàm phán tham gia vào một phần liên minh AUKUS (VOA).

Nam Hàn đàm phán về việc tham gia một phần thỏa thuận quốc phòng AUKUS của Mỹ, Anh và Úc, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Shin Won-sik cho biết hôm 1/5, chỉ vài tuần sau khi liên minh này cho biết họ sẽ xem xét cho Nhật Bản tham gia.

Được thành lập vào năm 2021, AUKUS là một hiệp ước an ninh hai giai đoạn nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong khi giai đoạn đầu tiên vốn nhằm cung cấp cho Úc công nghệ tàu ngầm hạt nhân chỉ giới hạn ở ba nước nòng cốt, các nước này đã nêu ra khả năng mời thêm nước khác tham gia trong giai đoạn hai, hay ‘Trụ cột 2’, với mục tiêu chia sẻ các công nghệ quân sự khác.

Nam Hàn có thể đóng góp vào giai đoạn hai với năng lực quốc phòng, khoa học và công nghệ, ông Shin cho biết tại một cuộc họp báo sau cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Úc và Nam Hàn tại Melbourne.

“Trong cuộc họp hôm nay, chúng tôi cũng đã thảo luận về khả năng hợp tác với Trụ cột 2 của AUKUS,” ông nói.

“Chúng tôi ủng hộ các hoạt động của Trụ cột 2 AUKUS và chúng tôi hoan nghênh việc các thành viên đang xem xét coi Nam Hàn là đối tác của Trụ cột 2 AUKUS.”

Nam Hàn, vốn có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới, từ lâu đã được đồn đoán là đối tác tiềm năng của Trụ cột 2 cùng với Canada, New Zealand và Nhật Bản.

Chưa đầy một tháng trước, các đối tác AUKUS tuyên bố họ đang xem xét việc hợp tác với Nhật Bản trong các dự án quốc phòng cụ thể của Trụ cột 2 và sẽ mở các cuộc đàm phán về sự tham gia của Nhật Bản trong năm nay.

“Nam Hàn là một quốc gia có công nghệ rất ấn tượng và cũng là nước mà chúng tôi chia sẻ những giá trị chung,” Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nói.

“Khi Trụ cột 2 của AUKUS hình thành, sẽ có cơ hội trong tương lai và chúng tôi cũng thấy điều đó diễn ra trong mối quan hệ với Nhật Bản.”

Việc mở rộng hiệp ước gặp phải những trở ngại do những hạn chế nghiêm ngặt của Mỹ trong vấn đề chia sẻ công nghệ, điều mà Canberra và London lo ngại có thể làm thỏa thuận bị sa lầy nếu kết nạp thêm các thành viên mới quá nhanh.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/4 đã công bố kế hoạch nới lỏng những hạn chế này để giúp chuyển giao thiết bị quân sự và công nghệ nhạy cảm cho Anh và Úc dễ dàng hơn.


Giữa căng thẳng với Trung Cộng, Ấn Độ cấp phi đạn hành trình siêu thanh cho Philippines (VOA)

Ấn Độ đã bắt đầu chuyển giao phi đạn hành trình siêu thanh cho Philippines khi hai nước thắt chặt quan hệ quốc phòng và chiến lược trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Cộng về tranh chấp hàng hải ở Biển Đông.

Phi đạn BrahMos đang được Philippines mua theo hợp đồng trị giá 375 triệu đô la được ký vào năm 2022.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói hôm 19/4 tại một cuộc mít tinh bầu cử: “Bây giờ chúng ta cũng đang xuất khẩu phi đạn BrahMos. Lô phi đạn đầu tiên này sẽ đến Philippines vào ngày hôm nay”.

Ấn Độ và Philippines đã tăng cường hợp tác quốc phòng khi mối lo ngại về một Trung Cộng ngày càng quyết đoán ngày càng sâu sắc ở cả hai nước.

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Cộng đã leo thang trong năm qua khi Bắc Kinh viện dẫn các quyền lịch sử để đưa ra yêu sách đối với các khu vực bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng đối đầu quân sự kéo dài 4 năm của New Delhi với Bắc Kinh dọc biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya không có nhiều tiến triển.

Hỏa tiễn siêu thanh Brahmos

Tại New Delhi, các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ muốn tham gia vào việc chống lại Trung Cộng ở Biển Đông mạnh mẽ hơn khi lo ngại gia tăng về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

Bản thân việc chuyển giao phi đạn BrahMos cho Philippines không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Nhưng ý tưởng là chúng ta là một phần của liên minh rộng lớn hơn gồm các quốc gia, trong đó có Mỹ, đang cố gắng xây dựng sức mạnh và củng cố an ninh cho các quốc gia nhỏ hơn như Philippines. Đó là cái mà chúng tôi gọi là chiến lược làm việc theo mạng lưới”, theo ông Sreeram Chaulia, khoa trưởng Trường Quan hệ Quốc tế Jindal.

Căng thẳng giữa Philippines và Bắc Kinh đã gia tăng sau những cuộc đối đầu gần đây giữa lực lượng tuần duyên và các tàu khác của hai nước.

Các phi đạn do Ấn Độ cung cấp được sản xuất dưới một liên doanh với Nga. Chúng là hệ thống chống hạm đặt trên bờ với tầm bắn 290 km. Theo thỏa thuận, Ấn Độ sẽ cung cấp ba phiên bản của hệ thống phi đạn, theo truyền thông trong nước ở New Delhi.

Phụ tá tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, Jonathan Malaya, nói với các phóng viên ở Manila rằng phi đạn sẽ được Thủy quân lục chiến Philippines triển khai.

Ông Don McLain Gill, nhà phân tích địa chính trị và giảng viên tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học De La Salle, Manila, trong các bình luận được gửi qua email nói với VOA: “Điều này bổ sung thêm một lớp răn đe quan trọng và thực tế cho Philippines trong bối cảnh nguồn lực quân sự hạn chế của nước này trước Trung Cộng”. Ông cho biết các phi đạn này sẽ “tăng cường khả năng phòng thủ ven biển để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền hiệu quả hơn ở Biển Tây Philippines vào thời điểm Trung Cộng không ngừng theo đuổi tham vọng bành trướng đi ngược lại luật pháp quốc tế”.

Các nhà phân tích cho rằng việc xây dựng hợp tác quốc phòng với Philippines cũng là tín hiệu cho thấy New Delhi hiện đang vượt ra ngoài Ấn Độ Dương để góp phần duy trì sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm Manila vào tháng trước, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nhắc lại “sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia của nước này”.

Khẳng định rằng cả hai nước đều có “lợi ích rất sâu sắc” trong việc đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và toàn diện, người đồng cấp Philippines, Enrique Manalo, nói rằng “chính tại khu vực này và chính trong bối cảnh này, chúng tôi đang thường xuyên thảo luận sâu rộng về hợp tác quốc phòng, hợp tác an ninh.”

Một tàu tuần duyên Ấn Độ đã đến thăm Philippines trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ấn Độ. Hai nước cũng dự kiến sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận hải quân chung.

Ấn Độ cũng là đối tác an ninh thân thiết của các đối tác chiến lược quan trọng của Manila, như Mỹ, Nhật Bản và Australia. Điều này khiến việc Philippines tăng cường quan hệ với Ấn Độ càng trở nên thiết thực hơn”, ông Don McLain Gill chỉ ra.

Ông Chaulia nói: “Khi tranh chấp của chúng tôi với Trung Cộng không được giải quyết, chính phủ Ấn Độ đã thay đổi quan điểm rõ ràng và họ đã quyết định hỗ trợ nhu cầu an ninh của các quốc gia như Philippines một cách rất cụ thể”. “Theo quan điểm của chúng tôi, điều này giúp gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Cộng rằng họ không thể trang bị cho đối thủ của chúng tôi như Pakistan những vũ khí và công nghệ quốc phòng tiên tiến mà mong rằng chúng tôi sẽ không đáp lại”.

Việc chuyển giao phi đạn cho Philippines đánh dấu lần xuất khẩu hệ thống phi đạn đầu tiên của Ấn Độ. Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu phần lớn vũ khí của chính mình, là nước xuất khẩu thiết bị quân sự ở mức độ nhẹ, nhưng đang cố gắng xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng.


TIN VIỆT NAM.

Hà Nội: Giáo xứ Thái Hà phản đối Bệnh viện Đống Đa xây mới toà nhà 8 tầng trên đất nhà thờ (RFA)

Bệnh viện Đống Đa vấp phải sự phản đối khi lên kế hoạch xây dựng một toà nhà mới bao gồm hai tầng hầm và sáu tầng nổi trong khuôn viên vốn trước đây thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội.

Kế hoạch này nằm trong dự án “Đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa” và toà nhà mới có diện tích mặt sàn mỗi tầng là 1.220 mét vuông, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 264 tỷ đồng. Vị trí tòa nhà này sẽ nằm ở khu vực giáp công viên, phía sau Tu viện của Nhà Dòng mà hiện nay đang được dùng làm Bệnh viện Đống Đa. 

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản, Phụ trách truyền thông của Tu viện DCCT Hà Nội, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết bệnh viện và ban quản lý dự án tổ chức một buổi lấy ý kiến nhân dân vào sáng ngày 25/4 tại trụ sở UBND phường Quang Trung, quận Đống Đa.

Ông thay mặt nhà thờ cùng ba giáo dân đến tham dự buổi họp này, một số tổ trưởng tổ dân phố và đại diện các tổ chức chính trị xã hội địa phương cũng được lựa chọn tham dự.

Trả lời phỏng vấn RFA trong ngày 30/4, linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản nói:

Dự án không chỉ thay đổi cảnh quan và môi trường mà nó còn đang đi ngược lại những cái mà Nhà nước nói là tôn trọng các tôn giáo, các tôn giáo được luật pháp luật bảo vệ và Nhà nước tạo điều kiện cho các tôn giáo đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ông nói rằng, đây là khu vực nhà nước đã mượn của Nhà Thờ Thái Hà, nên khi có bất kỳ dự án nào, chính quyền thành phố Hà Nội và Bệnh viện Đống Đa cần gặp gỡ với đại diện của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và Nhà thờ Thái Hà để đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người Công giáo.

Ông cho biết DCCT và Nhà thờ Thái Hà đang soạn thảo nhiều văn bản để gửi các cơ quan hữu trách với đề nghị dừng thực hiện dự án, giữ nguyên hiện trạng để các bên có thể gặp gỡ và đưa ra những giải pháp đồng thuận.

Trong buổi họp, Bệnh viện Đống Đa cho biết họ đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2016, tuy nhiên, theo linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản thì việc cấp sổ đỏ này không hợp pháp và không minh bạch, vì phần đất này thuộc quyền sở hữu của giáo xứ Thái Hà và Dòng Chúa Cứu Thế.

Hai ngày sau cuộc họp này, Linh mục Bề trên Chính xứ Giuse Nguyễn Văn Hội của Giáo xứ Thái Hà ra thông báo khẳng định:

Từ khi nhà nước mượn, bằng văn bản và qua các lần gặp gỡ, chúng tôi luôn yêu cầu nhà nước trả lại Tu viện này, bởi vì chưa bao giờ chúng tôi hiến cho Nhà nước hay Nhà nước có văn bản thu hồi. Vậy mà hiện nay Nhà nước lại có dự án xây dựng toà nhà mới trong khu vực Tu viện này.

Thông báo được các linh mục đọc sau các thánh lễ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/4 khẳng định, “thật không hợp lý khi một bệnh viện có các khoa truyền nhiễm lại được xây dựng trong khu vực dân cư đông đúc và bên cạnh cơ sở tôn giáo hàng ngày có rất đông người đến tham dự Thánh lễ và cầu nguyện.

Đồng thời, đề nghị nếu Nhà nước có dự án xây dựng thì “xin hãy chuyển Bệnh viện Đống Đa ra khu vực khác, theo đúng chủ trương của UBND thành phố Hà Nội, đó là di dời ra ngoại thành các bệnh viện truyền nhiễm… 

Phóng viên gọi điện cho UBND thành phố Hà Nội, quận Đống Đa, và Bệnh viện Đống Đa để hỏi thêm thông tin về dự án xây khu nhà nói trên nhưng không có ai nghe máy. Phóng viên cũng gửi email tới hai cơ quan chính quyền địa phương nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Theo các tu sỹ của Nhà thờ Thái Hà, Bệnh viện Đống Đa hiện nay vốn là Tu viện DCCT Hà Nội được xây dựng trong thời gian 1930-1939. Năm 1959, UBND quận Đống Đa lấy một phần tu viện làm trường học cho dù không có sự đồng ý của linh mục và giáo dân của giáo xứ cũng như bề trên của họ.

Đến năm 1972, chính quyền tiếp tục lấy phần còn lại của tu viện để “chăm sóc y tế cho các nạn nhân của trận Điện Biên Phủ trên không.” Ngoài hai tòa nhà chính, nhà nước còn mượn một số cơ sở khác (nhà nguyện, nhà ăn…) cho các hợp tác xã sử dụng sản xuất trên diện tích hơn 6 hecta đất ban đầu của Tu viện.

Từ năm 1990 đến nay, nhiều lần Tu viện DCCT Hà Nội đã gửi đơn yêu cầu UBND thành phố Hà Nội trao trả lại cơ sở của Nhà Dòng mà nhà nước đã mượn. Tuy nhiên, mọi yêu cầu của cơ sở tôn giáo này không được đáp ứng.

Có những lúc Bệnh viện Đống Đa hỏi ý kiến Nhà thờ Thái Hà trước khi định tiến hành sửa chữa tu viện, nhưng cũng có khi họ tảng lờ, ví dụ như lần sửa chữa tu viện vào tháng 11/2023.

Theo báo mạng Tri thức và Cuộc sống, dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa với tổng kinh phí 314,9 tỷ đồng là một trong sáu dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố làm chủ đầu tư theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố trong cuộc họp vào giữa tháng 3/2023.


Quốc hội Việt Nam họp bất thường lần 7 về vấn đề nhân sự (VOA)

Quốc hội Việt Nam dự kiến họp bất thường vào chiều thứ Năm (2/5) để thảo luận về các vấn đề nhân sự, trong đó có việc miễn nhiệm Chủ tịch Vương Đình Huệ, người đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét cho thôi giữ các chức vụ và nghỉ công tác 5 ngày trước, Reuters và truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết vào ngày 1/5.

Ông Vương Đình Huệ, 67 tuổi, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ông được Ban Chấp hành Trung ương đánh giá là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở. Ông Huệ đã được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Vương Đình Huệ (trái) và Võ Văn Thưởng thuộc “Tứ trụ” đã “gãy ghế” trong năm nay. Ảnh chụp vào dịp Tết Giáp Thìn đầu năm.

Ông cũng được xem là ứng viên tiềm năng cho chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, chức vụ quyền lực nhất trong nhóm “tứ trụ” lãnh đạo Việt Nam.

Vì chức vụ chủ tịch Quốc hội là do đại biểu Quốc hội bầu tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ, nên Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.

Tại phiên họp bất thường lần này, ngoài nội dung về việc miễn nhiệm ông Vương Đình Huệ, vẫn chưa rõ những quyết định hoặc bổ nhiệm nào khác sẽ được đưa ra trong khi 2 trong số 4 chức vụ lãnh đạo cao nhất (“tứ trụ”) của Việt Nam hiện đang bị bỏ trống sau khi Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội đột ngột bị miễn nhiệm trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Tháng trước, Quốc hội Việt Nam cũng đã triệu tập phiên họp đặc biệt để chấp nhận việc đột ngột từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người đã từ chức giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng kéo dài.

Cả hai lãnh đạo trên đều bị mất chức với lý do mơ hồ là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng khi công bố trên báo chí việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý cho hai ông “thôi các chức vụ” và nghỉ công tác.

Mặc dù không nêu rõ vi phạm, nhưng toàn bộ truyền thông Việt Nam đều đăng cùng một nội dung nói rằng khuyết điểm của họ “đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”.

Phiên họp ngày 2/5 là phiên họp bất thường thứ 7 của Quốc hội khoá XV, một điều được xem là “bất thường”, chưa từng xảy ra trước đây của Quốc hội Việt Nam.

Theo nhận định của Reuters, những biến động nhân sự trong giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng lan rộng có thể làm dấy lên mối lo ngại mới về sự ổn định chính trị ở trung tâm sản xuất Đông Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư và thương mại nước ngoài.


32 trận động đất xảy ra tại Kon Tum và Tuyên Quang trong tháng 4 (RFA)

Ba mươi mốt trận động đất đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và một trận động đất khác xảy ra tại khu vực huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang trong tháng 4/2024.

Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho truyền thông hay tin trên trong ngày 30/4, đồng thời xác nhận, 31 trận động đất phần đông xảy ra tại Kon Tum có độ richter từ 2,5 đến 4,1. Trong đó, trận động đất mới nhất xảy ra vào lúc 8 giờ 5 phút sáng 30/4 tại huyện Kon Plong và được ghi nhận là trận động đất có độ lớn cao nhất trong tháng 4/2024. Tuy nhiên Viện Vật lý Địa cầu không cung cấp thông số chi tiết về trận động đất mới nhất cũng như cho biết độ lớn của trận động đất xảy ra tại Tuyên Quang.

Trước đó, trong tháng 3/2024, Viện cho biết trên cả nước đã xảy ra 47 trận động đất nhỏ. Trong số đó có tới 46 trận xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông; một trận xảy ra ở khu vực huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận 104 trận động đất nhỏ tại các tỉnh Kon Tum, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang và Hà Nội.

Đại diện Viện Vật lý Địa cầu cho hay tất cả các trận động đất trên là động đất nhỏ. Thông thường những trận động đất có độ lớn dưới năm, ít gây rủi ro thiên tai.

Vẫn theo Viện Vật lý Địa cầu, từ tháng 2/2021 đến nay động đất xuất hiện ở khu vực huyện Kon Plông và có xu hướng gia tăng so với năm 2020 trở về trước.

Theo nhận định của Viện, động đất ở huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) có thể mạnh tới 5,5 độ; đồng thời nhận định động đất tại Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện tích nước, tạo áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.
Các chuyên gia từng đưa ra cảnh báo, nơi đây sẽ còn tiếp tục xảy ra các trận động đất trong thời gian tới, liên quan chặt chẽ đến chu kỳ tích nước của hồ chứa thủy điện.


Ông Hun Sen nói Campuchia ‘không nhượng bộ’ hay ‘đàm phán’ về kênh đào Phù Nam bất chấp Việt Nam phản đối (VOA).

Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa tuyên bố mạnh mẽ rằng việc xây dựng kênh đào Phù Nam (Funan) Techo sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, bất chấp những phản đối liên tục của chính phủ Việt Nam, và khẳng định không cần đàm phán với Hà Nội về kênh đào đang gây tranh cãi này, theo truyền thông Campuchia.

Tuyên bố của ông Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng viện Campuchia, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các chuyên gia Việt Nam công bố một báo cáo cho thấy tác động bất lợi của kênh đào mà Campuchia sắp xây dựng với sự trợ giúp của Trung Cộng tới môi trường và sản xuất của Việt Nam cũng như kêu gọi Campuchia minh bạch thêm thông tin về tuyến đường thủy nhân tạo này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam trong tháng này cũng đưa ra lời kêu gọi đến chính phủ Campuchia, hiện do con trai ông Hun Sen điều hành, để chia sẻ thông tin và đánh giá tác động đến công trình.

Tại một buổi tiệc của Hiệp hội Oknha Campuchia hôm 26/4, ông Hun Sen nói rằng ông phải “làm cho rõ” vấn đề về kênh đào Phù Nam vì dự án này lần đầu tiên được đề xuất và phê duyệt khi ông còn là thủ tướng Campuchia, theo Khmer Times và Phnom Penh Post.

Tôi sẽ không để bất cứ ai đốt nhà của mình để nấu một quả trứng, cho dù đó là đồng minh hay là kẻ thù đi chăng nữa,” ông Hun Sen, người từng sống ở Việt Nam trong thời gian thanh trừng của Khmer Đỏ cuối thập niên 1970 đầu những năm 1980, được tờ báo tiếng Anh Khmer Times trích lời nói với nghĩa ẩn dụ. “Cho dù đó là quốc gia nào đi nữa, tôi cũng phải bảo vệ đất nước mình.”

Đầu tháng này, ông Hun Sen đã bác bỏ thông tin cho rằng dự án kênh đào Phù Nam sẽ tạo thuận lợi cho hải quân Trung Cộng hoạt động gần biên giới Việt Nam và nói rằng dự án hoàn toàn phục vụ các mục đích kinh tế xã hội của Campuchia. Tuyên bố của ông Hun Sen được đưa ra để đáp lại bài báo của The Straits Times của Singapore cho rằng kênh đào trị giá 1,7 tỷ USD sẽ là cửa ngõ cho hải quân Trung Cộng tiếp cận biên giới Việt Nam.

Mỹ đã kêu gọi Campuchia minh bạch hơn về dự án kênh đào mà một số nhà quan sát cho rằng có thể được quân đội Trung Cộng sử để tăng cường sự hiện diện tại đây và gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho các nước láng giềng.

Nhằm xoa dịu thêm lo ngại này, ông Hun Sen nói hôm 26/4 rằng “Campuchia không ngu ngốc đến mức cho phép quân đội Trung Cộng đồn trú trên lãnh thổ của chúng tôi, vi phạm hiến pháp của chúng tôi,” theo Phnom Penh Post.

Ông Hun Sen cũng lưu ý rằng hiện tại đang có tình trạng thiếu nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long dù việc xây dựng kênh đào này thậm chí còn chưa bắt đầu và cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên và đã xảy ra ít nhất từ năm 2016.

Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi được xem là vựa lúa của Việt Nam, đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng khiến nhiều tỉnh ở đây phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Năm 2016 đánh dấu đợt hạn hán nặng nhất của Việt Nam trong vòng 100 năm qua ở khu vực nơi người dân phụ thuộc vào nuôi trồng lúa gạo và thủy sản.

Các chuyên gia Việt Nam, trong một hội thảo ở thành phố Cần Thơ hôm 23/4, nói rằng kênh đào Phù Nam Techo, nếu được vận hành, sẽ làm giảm mất đến 50% lượng nước chảy vào Việt Nam và điều này “có thể tác động nghiêm trọng đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long.”

Nhưng ông Hun Sen hôm 26/4 nói rằng Campuchia “không sử dụng sông Mekong” mà “đang sử dụng sông Bassac, vốn chỉ là một nhánh.”

Về vấn đề này, chúng tôi không cần tham vấn gì cả vì chúng tôi chỉ sử dụng một nhánh sông Mekong,” ông Hun Sen được Phnom Penh Post dẫn lời nói.

Phản bác lại những tuyên bố của các học giả tại Đại học Cần Thơ, ông Hun Sen đặt câu hỏi về khẳng định của họ rằng “việc xây dựng kênh đào có thể dẫn đến việc mất đi tới 70% lượng nước” cung cấp cho ĐBSCL của Việt Nam.

Không có con kênh này, chúng tôi giống như phải phụ thuộc vào oxy của người khác để thở. Họ có thể cắt nó bất cứ lúc nào họ muốn. Tôi muốn Việt Nam hiểu rằng đây chính là lý do Campuchia phải hoàn thành dự án này,” ông Hun Sen nói.

Theo Phnom Penh Post, ông Hun Sen – người được con trai Hun Manet nối nghiệp làm thủ tướng Campuchia từ tháng 8 năm ngoái – cảnh báo rằng nếu Việt Nam không hài lòng với dự án này thì Campuchia có thể buộc phải cấm hàng hóa của họ đi qua Việt Nam theo đường sông Mekong.

Tôi sẽ không lùi bước về vấn đề này và tôi muốn thẳng thắn nhấn mạnh rằng không cần phải đàm phán. Đừng cố ép Campuchia vào bàn đàm phán,” ông Hun Sen nói.

Cũng ghi nhận về tuyên bố của ông Hun sen, Khmer Times cho biết ông nói rằng Campuchia không cần đàm phán với Việt Nam về kênh đào Phù Nam và rằng các nhà lãnh đạo Hà Nội nên hiểu tại sao ông lại nêu vấn đề này trước công chúng. Tại buổi tiệc hôm 26/4, ông kêu gọi người dân Campuchia đoàn kết bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như yêu cầu một số quốc gia ngừng phản đối dự án kênh đào này.

Được biết, việc xây dựng dự án kênh đào Phù Nam – nhằm tạo ra tuyến đường thủy có chiều dài 180km, kết nối thủ đô Phnom Penh và 4 tỉnh của Campuchia với biển – dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Tổng Công ty Cầu đường Trung Cộng thuộc sở hữu nhà nước đạt được thỏa thuận xây dựng kênh đào này trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường hồi tháng 10. Theo kế hoạch, dự án này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam trước những tuyên bố của ông Hun Sen và ông Hun Manet.

Theo thông tin của Ủy hội sông Mekong quốc tế được Tuổi Trẻ trích dẫn, phía Campuchia vẫn chưa có thông tin về một số yếu tố kỹ thuật của dự án kênh đào Phù Nam như lưu lượng xả nước hay quy tắc hoạt động trong mùa khô và mùa mưa.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt hôm 11/4 nói rằng “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Phù Nam Techo và cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động đến công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.”


Doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng, nhiều hơn số doanh nghiệp mới thành lập (RFA)

Doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng, nhiều hơn số doanh nghiệp mới thành lập

Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở  Việt Nam trong vòng bốn tháng đầu năm 2024 là 86.400 doanh nghiệp, vượt con số 81.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố.

Theo số liệu mới công bố, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong quý một tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tuy vậy, báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều dấu hiệu khởi sắc với các số liệu chỉ số về sản xuất công nghiệp và đầu tư nước ngoài tăng.

Cụ thể, tính đến 20/4, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam bốn tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý một tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam có xuất siêu đạt 8,4 tỷ đô la.

Thị trường Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 34,1 tỷ đô la. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Cộng trong quý một đạt 43,6 tỷ đô la, trong đó Việt Nam thâm hụt thương mại hơn 17 tỷ đô la.


Trời nóng như đổ lửa khiến người dân ở Sài Gòn gặp khó khăn khi mưu sinh (Trích RFA)

Cứ mỗi 6 giờ sáng, ông Võ Hồng Sơn lại chống nạng từ căn nhà trọ tồi tàn ở quận Tân Bình, bắt xe buýt lên khu vực Chợ Lớn bán vé số, công việc mà ông đã làm hàng chục năm qua.

Ở tuổi 76, ông vẫn phải tiếp tục mưu sinh để nuôi sống bản thân với cái chân trái bị cụt và đầu gối phải bị thương trong chiến tranh, do là thương phế binh của chế độ cũ, ông không nhận được bất cứ đồng trợ cấp nào từ Nhà nước.

Kể từ sau Tết, việc bán vé số trở nên chậm hơn do người dân giảm chi tiêu, trong khi thời tiết nóng nực khiến ông không thể đi nhiều như trước. 

Thời tiết mà thuận lợi như hồi trước Tết thì mình có thể bán được trăm rưỡi (150) vé số. Hai là mình đi cũng đỡ khổ chút, còn bây giờ nắng quá mình phải chịu trận thôi,” ông chia sẻ.

Hiện nay, mỗi ngày ông chỉ có thể bán được 100 tờ vé số, dù thời tiết ở TPHCM vô cùng nóng nực ông vẫn phải đi bán như thường lệ. Đang dừng chân để nghỉ ngơi, ông cảm thán với phóng viên đài RFA trong buổi trưa ngày 1/5:

Mình đi nắng quá thì mình kiếm một cái bóng cây hoặc vỉa hè mình ngồi mình nghỉ, mình uống chai nước cho nó khỏe xong rồi lại đi tiếp thôi.

Cũng đi bình thường chứ không đi thì đâu có cơm ăn. Mình cũng phải khắc phục, đi bán hàng ngày vậy đó.”

Ông nói thời tiết nóng nực khiến ông phải nghỉ nhiều hơn, và do vậy, mất nhiều thời gian hơn để bán hết số vé với tiền lời chỉ khoảng 110.000 đồng, để chi trả tiền ăn và tiền trọ hàng ngày.

Khu vực TPHCM từ ngày 21 đến 30/4 nắng nóng như đổ lửa trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất ở mức từ 35 đến 38 độ C và có ngày lên tới 39 độ C hoặc cao hơn ở khu vực trung tâm thành phố.

Nhiệt độ cao được ghi nhận ở nhiều nơi ở Việt Nam. Đặc biệt trong ngày 28/4, thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) ghi nhận nhiệt độ cao nhất là 44 độ C, mức nhiệt cao nhất ở Việt Nam từ đầu năm.

Nhiệt độ cao bất thường ở nhiều tỉnh thành

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 28/4, khu Tây Bắc Bắc Bộ và từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 39-42 độ C, có nơi cao hơn đến 43 độ C như ở Đồng Hới (Quảng Bình).

Các nơi khác thuộc Bắc Bộ, Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ.

Trong một cuộc phỏng vấn của báo Sức khỏe & Đời sống, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết trong tuần cuối của tháng tư, nắng nóng diễn ra cực kỳ gay gắt trên phạm vi cả nước.

Chuyên gia khuyến cáo, nhiệt độ thực tế ngoài trời ở khu đô thị thiếu cây có thể lên đến 48-50 độ C.

Ông cho rằng Việt Nam đang chịu tác động của hiện tượng El Nino, làm cho nền nhiệt cả nước cao hơn so với trung bình nhiều năm. Thêm vào đó, giai đoạn này Việt Nam đang chịu tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây nên gây ra đợt nắng nóng diện rộng trong giai đoạn nghỉ dài ngày vừa qua.

Chưa có thống kê nào ở Việt Nam cho thấy có người tử vong trong thời tiết khắc nghiệt đợt này, tuy nhiên, nhà chức trách Thái Lan ngày 25/4 cho biết nắng nóng đã giết chết ít nhất 30 người từ đầu năm đến nay.

Thời tiết vẫn khắc nghiệt trong tháng năm

Dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), TTXVN cho biết trong tháng này, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt được dự báo sẽ xuất hiện nhiều hơn trong cả nước bên cạnh khả năng có giông, lốc, sét, và mưa đá, đặc biệt là vào thời điểm chiều và đêm.

Cơ quan này cho biết trong tháng năm, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 1,5-2,5 độ C.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 13-14-15/5/2024.
  • Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ đến Ukraina trong lúc Nga huy động 30.000 quân tấn công Kharkiv
  • Cải tổ nội các bất ngờ: Putin thay bộ trưởng Quốc Phòng
  • Tấn công Rafah, Israel đẩy quan hệ ngoại giao với Ai Cập đến bờ vực thẳm
  • Mỹ tăng 18 tỉ đô la thuế với hàng nhập khẩu Trung Cộng
  • Philippines tăng cường bảo vệ các địa điểm ở Biển Đông
  • Phái đoàn Mỹ sẽ dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Đài Loan
  • Ngoại trưởng Ukraina “lặng lẽ” đến Serbia, Nga phản ứng mạnh mẽ
  • Hai tập đoàn pin mặt trời Trung Cộng rút khỏi một dự án công châu Âu
  • Trung Cộng-Campuchia sắp bắt đầu cuộc tập trận thường niên
  • Giáo dân xứ Thanh Hải phản đối chính quyền xây trường trên đất mượn của nhà thờ
  • Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do cơ bản
  • Tàu chiến Ấn Độ cập quân cảng Cam Ranh, tăng cường quan hệ quốc phòng
  • Trại giam Gia Trung cho hai TNLT đi khám tổng quát sau nhiều tháng đề nghị
  • Mỹ quan ngại về bản án đối với nhà hoạt động Phan Tất Thành
  • Tin Cuối Tuần (11-12-May-2024)
  • Cuộc Vận Động Tranh Cử Của Cựu TT Trump Thu Hút Hàng Chục Ngàn Người
  • Thẩm Phán Yêu Cầu Ông Michael Cohen Ngừng Nói Về Phiên Tòa
  • Việc Chuyển Đổi Xe Tải Sang Xe Điện Sẽ Làm Chi Phí Tăng 114%
  • Hoa Kỳ Tạm Ngưng Cung Cấp Vũ Khí Cho Israel
  • Bắc Kinh Lo Lắng Về Đồng Yen Nhật
  • Dòng Người Hoa Lục Di Cư Đến Hồng Kông
  • Bộ Trưởng Công An Wang Xiaohong Đẩy Mạnh Sản Xuất Fentanyl
  • Mỹ-Hoa Và “Chiến Tranh Lạnh Dưới Đáy Biển”
  • Hạm Đội Vệ Tinh Của Trung Cộng Đặt Ra Mối Đe Dọa Đối Với Quân Đội Hoa Kỳ
  • Cháy Lớn Tại Trung Tâm Thương Mại Ở Ba Lan, Nơi Có Nhiều Tiểu Thương Việt
  • Khu Trục Hạm Hoa Kỳ Tiến Sát Quần Đảo Hoàng Sa Của Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN (08-09-10-May-2024)
  • Thẩm Phán Bác Bỏ Kiến Nghị Của Luật Sư Yêu Cầu Tuyên Bố Phiên Tòa Vô Hiệu Lực
  • Khó Có Thể Cứu Vãn Các Trường Đại Học Tại Hoa Kỳ Hiện Nay
  • 50 Thống Đốc Hoa Kỳ Phản Đối Kế Hoạch Liên Bang
  • Số Người Trung Cộng Giàu Có Di Cư Đến Nhật Bản Tăng Gấp Bội
  • Các Lãnh Đạo Liên Hiệp Âu Châu Chất Vấn Tập Cận Bình Về Thương Mại
  • Châu Á Tăng Trưởng Nhanh Hơn Trung Quốc
  • Tình Báo Đức Cảnh Báo Đừng Quá Ngây Thơ Về Trung Cộng
  • Nguyên Nhân Khiến Gần 570 Người Nhập Viện Sau Khi Ăn Bánh Mì Ở Đồng Nai
  • Tin Cuối Tuần (27-28-Apr-2024)
  • Ngân Hàng Republic First Bank Phá Sản
  • Đảng Cộng sản Thất Bại Trong Cuộc Đàn Áp Đức Tin
  • Dự Luật Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Cho Phép Hoa Kỳ Gửi Thêm Vũ Khí Tới Israel, Ukraine
  • Tỷ Lệ Tín Nhiệm Trong Ba Tháng Vừa Qua Của Biden Xuống Thấp Nhất
  • Ủy Viên Hội Đồng Thành Phố New York Phản Đối ‘Phong Trào Ủng Hộ Khủng Bố’
  • Tây Phương Cần Thoái Vốn Khỏi Trung Cộng Để Ngăn Chặn Chiến Tranh Không Gian
  • Châu Âu Cho Rằng Trung Cộng Là Nền Kinh Tế Quốc Doanh
  • Sản Phẩm Mang Thương Hiệu Nổi Tiếng Bị Nghi Ngờ Do Tù Nhân Sản Xuất
  • Ngoại Trưởng Blinken Nêu Vấn Đề Nhân Quyền Trong Chuyến Công Du Trung Cộng
  • Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken Lo Ngại Về Các Hoạt Động Thương Mại Không Công Bằng Của Trung Cộng
  • Việt Nam: Sài Gòn, Bình Dương Cháy Lớn
  • Đài Loan Hợp Tác Với Các Công Ty Kỹ Nghệ Hoa Kỳ Để Sản Xuất Máy Bay Điều Khiển Từ Xa
  • Nhật Bản Mở Rộng Quân Sự Vượt Quá Ranh Giới Hiến Pháp
  • Hàng Trăm Ngàn Người Tuần Hành Ủng Hộ Palestine Hôm Thứ Bảy
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ