Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Dân Biểu Johnson E Ngại Bỏ Trống Ghế Chủ Tịch Hạ Viện

Hôm 03/05, trước cuộc bỏ phiếu dự định ​​vào tuần tới về đề nghị truất phế ông khỏi vai trò lãnh đạo, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) than thở rằng việc bỏ trống vị trí nếu ông bị tước quyền lãnh đạo sẽ là một “nước cờ nguy hiểm”.

Ông đưa ra cảnh báo này khi xuất hiện tại chương trình “The Laura Coates Show” trên SiriusXM, do chiến lược gia đảng Cộng Hòa và là cộng tác viên của CNN Alice Stewart làm người chủ trì khách mời.

Ông nói, “Tôi nghĩ việc đó sẽ là sai lầm đối với đảng Cộng Hòa. Và tôi cũng nghĩ việc đó sẽ là sai lầm đối với Hạ Viện… Bỏ trống chiếc ghế lúc này sẽ là một nước cờ nguy hiểm”.

Ông Johnson trở thành chủ tịch vào ngày 25/10, kế nhiệm cựu Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California). Ông McCarthy đã bị bãi nhiệm ngày 03/10 thông qua một đề nghị truất phế. Tám thành viên đảng Cộng Hòa đã cùng với tất cả các thành viên đảng Dân Chủ làm như vậy.

Dân biểu Mike Johnson –
chủ tịch Hạ Viện

Đây là lần đầu tiên một chủ tịch có thể bị truất phế thông qua một kiến nghị truất phế.

Điều này là nhờ các thành viên đảng Dân Chủ, dẫn đầu bởi Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York), nói rằng họ dự định giải cứu ông Johnson khi Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) đề xướng kiến nghị truất phế tại phòng họp Hạ Viện vào tuần tới.

Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên đảng Dân Chủ sẽ bỏ phiếu ủng hộ ông Johnson tiếp tục làm chủ tịch.


Cựu TT Trump Cho Biết Sẽ Làm Gì Nếu Thất Bại Trong Cuộc Tổng Tuyển Cử 2024

Trong khi dừng chân tại Milwaukee, Wisconsin, cựu TT Donald Trump đã trả lời câu hỏi rằng ông sẽ làm gì nếu không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.

Cựu Tổng thống Trump cho biết, “Nếu mọi điều là trung thực thì tôi sẽ vui vẻ chấp nhận kết quả. Tôi sẽ không cố gắng làm thay đổi kết quả đó. Còn nếu không trung thực, thì chúng ta phải tranh đấu cho quyền lợi của đất nước”.

Sau đó, trong cuộc phỏng vấn, ông cho rằng thực ra ông đã thắng ở Wisconsin trong cuộc bầu cử năm 2020. Ông Trump nói thêm, “Nếu quay lại thời điểm đó và xem xét tất cả những điều đã được phát giác, thì điều đó cho thấy tôi đã thắng tại Wisconsin. Điều đó cũng cho thấy tôi thắng tại các nơi khác”.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tạp chí Time, cựu TT cho biết ông tin rằng ông sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử 2024.

Tổng thống Trump nói, “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Và nếu chúng ta không thắng, thì, cũng còn tùy. Điều đó luôn tùy thuộc vào tính công bằng của cuộc bầu cử. Tôi không tin họ có thể làm được những chuyện mà họ từng làm lần trước. Tôi không nghĩ rằng họ có thể thoát tội được. Nếu đúng là vậy, chúng ta sẽ thắng với kết quả kỷ lục”.

Hôm thứ Tư vừa rồi (01/05), cựu tổng thống đã đến Milwaukee vận động tranh cử, còn những ngày khác trong tuần, ông phải ngồi trong phòng xử án của phiên tòa “tiền bịt miệng”. Thẩm phán Juan Merchan, chủ tọa của phiên tòa, cho biết ông Trump phải hầu tòa mỗi ngày, nếu không sẽ bị bắt giữ.

Ông Trump nói, “Đừng bao giờ quên rằng kẻ thù của chúng ta muốn tước đoạt tự do của chúng ta, bởi vì tôi sẽ không bao giờ để họ tước đoạt tự do của quý vị. Tôi sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra. Họ muốn bịt miệng tôi bởi vì tôi không bao giờ để cho họ bịt miệng quý vị”.

Cũng hôm thứ Tư, khi tham dự một cuộc vận động tại Michigan, ông nói với những người ủng hộ rằng ông cần thắng áp đảo để bảo đảm rằng các kết quả bầu cử “quá cao đến mức không ai có thể gian lận được”.


Báo Cáo Rasmussen Cho Biết Cựu TT Trump Dẫn Trước TT Biden 10 Điểm

Theo một cuộc thăm dò mới đây, cựu Tổng thống (TT) Donald Trump tăng khoảng cách dẫn trước TT Joe Biden lên 10 điểm phần trăm trước cuộc bầu cử sắp tới.

Theo kết quả của cuộc khảo sát từ ngày 29/04-01/05 do Rasmussen Reports thực hiện, trong cuộc cạnh tranh tay ba giữa cựu TT Trump, TT Biden, và ông Robert F. Kennedy Jr., cựu TT nhận được sự ủng hộ từ 46% cử tri tiềm năng của Hoa Kỳ, dẫn trước 10 điểm phần trăm so với con số 36% ủng hộ TT Biden. 9% ủng hộ ông RFK Jr. Con số 10 điểm phần trăm này đánh dấu sự khởi sắc so với con số sáu điểm phần trăm mà cựu TT Trump dẫn trước hồi tháng Tư.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy mức độ yêu thích dành cho cựu TT Trump đã tăng lên.

Cựu TT Trump đã dẫn đầu với bốn điểm phần trăm tại Arizona, ba điểm phần trăm tại Georgia, một điểm phần trăm tại Michigan và Nevada, năm điểm phần trăm tại North Carolina, và hai điểm phần trăm tại Pennsylvania và Wisconsin.

Ông Spencer Kimball, giám đốc điều hành Emerson College Polling, cho biết: “Tình trạng cuộc bầu cử tổng thống tại các tiểu bang dao động vẫn duy trì tương đối ổn định kể từ khi Emerson và The Hill bắt đầu theo dõi từ tháng 11/2023”.

“Tỷ lệ cử tri chưa quyết định ủng hộ bên nào đã giảm xuống và ông Biden đã giành được ưu thế tại Georgia và Nevada, thu hẹp khoảng cách, trong khi ông Trump vẫn duy trì được lợi thế hơn một chút so với ông Biden tại Pennsylvania và Wisconsin”.


Florida Trở Thành Tiểu Bang Đầu Tiên Cấm ‘Thịt Giả’

Thống đốc Florida đã ký một dự luật đầu tiên thuộc loại này thành luật để chính thức cấm thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi của tiểu bang Florida và người dân của tiểu bang này.

Hôm 01/05, Thống đốc Florida Ron DeSantis đã ký Dự luật Thượng viện 1084 (SB 1084) thành luật tại một buổi lễ ở Wauchula. Hồ sơ  nông nghiệp bao quát dài 81 trang này đã chính thức cấm “việc sản xuất để bán, bán, giữ hoặc chào bán, hoặc phân phối thịt nuôi cấy” ở tiểu bang Florida.

Dự luật này bao gồm 22 biện pháp bổ sung, từ việc ưu tiên các quy định của tiểu bang trước liên bang đối với các trạm xe điện trong tiểu bang cho đến việc xác định lại thuật ngữ “chiết xuất từ cần sa” (hemp extract). Lệnh cấm này không bao gồm thịt Impossible, một loại thịt thay thế từ thực vật.

Trong một tuyên bố, văn phòng Thống đốc DeSantis cho biết Florida đang “hành động để ngăn chặn mục tiêu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới là buộc thế giới ăn thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và côn trùng”.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mô tả côn trùng là “một nguồn protein bị bỏ qua”.

Thống đốc DeSantis mô tả dự luật này là nỗ lực của tiểu bang nhằm đẩy lùi kế hoạch của giới tinh hoa toàn cầu nhằm buộc thế giới phải tiêu thụ “thịt được nuôi cấy trong đĩa petri hoặc bọ để đạt được các mục tiêu độc tài của họ”.

Ông DeSantis nói trong cuộc họp báo ở Wauchula, “Hãy mang thịt giả được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của các vị đi nơi khác. Chúng tôi sẽ không làm điều đó ở tiểu bang Florida”.

Thống đốc DeSantis cũng nói về hành vi đạo đức giả của WEF khi bay vòng quanh thế giới trên những chiếc phản lực cơ tư nhân để vận động cho việc tiêu thụ thịt giả và côn trùng như một biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Ủy viên Nông nghiệp Florida Wilton Simpson mô tả sự dẫn đầu của Florida trong việc cấm thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm là một “bước đi đúng hướng”.  

Ông nói, “Chúng ta phải bảo vệ những người nông dân tuyệt vời của mình và sự toàn vẹn của nền nông nghiệp Mỹ. Thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm là một nỗ lực đáng hổ thẹn nhằm phá hoại truyền thống đáng tự hào và sự thịnh vượng của chúng ta và trực tiếp chống lại nền nông nghiệp đích thực”.

Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được tạo ra trong một phòng thí nghiệm bằng cách lấy tế bào gốc từ động vật và đưa vào các bể gọi là những lò phản ứng sinh học chứa các chất nuôi cấy cho phép các tế bào này nhân lên.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) đã thừa nhận rằng thực phẩm chế biến sinh học có thể gây ra phản ứng ở những người bị dị ứng.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10/2023, Tiến sĩ Sayed Haider nói với The Epoch Times rằng bản thân thực phẩm biến đổi gene có thể “độc hại”. Ông cho biết rằng bằng chứng đã cho thấy là những thực phẩm như vậy thúc đẩy tình trạng phá hoại kháng sinh, gây ức chế miễn dịch, và thậm chí gây ung thư.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07.


Hàng Trăm Người Tập Hợp Biểu Tình Chống Nhập Cư Bất Hợp Pháp Ở Boston

Một cuộc biểu tình lớn đã chiếm vị trí trung tâm trước tòa nhà Quốc Hội tiểu bang ở Boston, để phản đối các chính sách biên giới mở của Thống đốc tiểu bang Massachusetts Maura Healey và Tổng thống Joe Biden.

Sáng ngày 04/05, hàng trăm người đã tập hợp để biểu tình, với nhiều người trong số họ là cựu chiến binh, để nêu bật điều mà người chủ trì chương trình trò chuyện trên đài phát thanh theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống nổi tiếng ở địa phương và người chủ trì chương trình biểu tình Jeff Kuhner gọi là “sự phản bội cuối cùng”.

Ông đang đề cập đến một sự tu chính mà đảng Dân Chủ Massachusetts gần đây đã bác bỏ, trong đó quy định rằng các cựu chiến binh vô gia cư sẽ được ưu tiên hơn những người nhập cư bất hợp pháp tại các nơi tạm trú của tiểu bang.

Đảng Cộng Hòa của tiểu bang đưa ra luật này sau khi bà Thống đốc Healey, người đã chuyển đổi các trung tâm giải trí nổi tiếng, thậm chí cả nhà ga phi trường, thành nơi trú ẩn cho những người nhập cư chưa qua thẩm tra, thông báo rằng bà sẽ chuyển những người di cư tiếp theo đến Nhà của Cựu chiến binh (Old Soldiers’ Home) ở Chelsea.

Ông Kuhner nói, “Quý vị biết tại sao họ không giúp đỡ các cựu chiến binh không? Bởi vì họ ghét nước Mỹ”. Ông gọi bà Healey là “Benedict Arnold thời hiện đại”.

Bên cạnh ông là hai tấm bích chương lớn kêu gọi đóng cửa biên giới và một tấm bích chương khác ghi “Đóng cửa khách sạn Healey”. Nhiều lúc, đám đông đã hô vang khẩu hiệu “USA”. Có lúc người biểu tình hô khẩu hiệu “Trump, Trump, Trump” để ủng hộ cựu tổng thống Trump và mong ông chiến thắng trong cuộc tuyển cử 2024.


Hoa Kỳ Vẫn Chịu Rủi Ro Từ Sự Độc Quyền Của Trung Cộng

Khi chính phủ Tổng thống Biden cam kết chuyển đổi Hoa Kỳ từ sử dụng xe chạy bằng xăng sang xe điện (EV), Hoa Kỳ cần lượng kim loại đất hiếm gấp 10 lần lượng kim loại đất hiếm mà Hoa Kỳ hiện có hoặc có thể sản xuất để đáp ứng cam kết đó — và đó mới chỉ là cho xe điện.

Khi nhu cầu bổ sung về kim loại đất hiếm là cần thiết để sản xuất các sản phẩm quân sự, thông tin liên lạc, và dẫn đường chiến lược, thì sự thiếu hụt nguồn cung kim loại đất hiếm là không thể chấp nhận được.

Ngày nay, Trung Cộng vẫn gần như độc quyền về cung cấp và chế biến kim loại đất hiếm trên toàn thế giới. Hoa Kỳ hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Cộng — tức phụ thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — về kim loại đất hiếm cần thiết để duy trì và chế tạo vũ khí chiến lược nhằm bảo vệ Hoa Kỳ và các nước đồng minh trước các lực lượng đối địch. Không có gì ngạc nhiên khi Ngũ Giác Đài cho rằng tình trạng thiếu kim loại đất hiếm ở Hoa Kỳ là một vấn đề an ninh quốc gia.

Vấn đề an ninh quốc gia này cũng không phải là điều mới lạ hay đột ngột. Điều đó đã được biết đến trong nhiều năm. Trên thực tế, cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh vào tháng 10/2020, chỉ thị nội các của ông tìm cách loại bỏ sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Cộng.

Nhưng không phải lúc nào tình hình cũng là như vậy. Năm 1980, Hoa Kỳ đã sản xuất gần như toàn bộ kim loại đất hiếm trên thế giới. Theo một số báo cáo, thậm chí cho đến những năm 1990, Hoa Kỳ vẫn độc quyền toàn cầu về khai thác và chế biến kim loại đất hiếm, tất cả đều thông qua hoạt động khai thác ở Mountain Pass thuộc sa mạc Mohave của California. Đất hiếm chỉ đơn giản là sản phẩm phụ tự nhiên của các hoạt động khai thác khác đối với các chất như titan, phosphat, và zircon. Trên thực tế, chỉ riêng khu mỏ đó đã là nhà cung cấp chính về kim loại đất hiếm trên thế giới rồi.

Hoa Kỳ sau đó đã trao vị thế này cho Trung Cộng. Điều này đã được thực hiện thông qua một vài sự kiện quan trọng. Ví dụ, Molycorp, công ty khai thác và chế biến đất hiếm lớn nhất Hoa Kỳ, đã dần dần chuyển giao kỹ nghệ và tài sản của mình sang Trung Cộng, vì có một CEO làm ăn với Trung Cộng. Khi Molycorp tuyên bố phá sản, công ty Neo Materials có liên quan với Trung Cộng đã mua lại công ty này sau vụ phá sản.


Ngày Càng Nhiều Người Mỹ Coi Trung Quốc Là Địch Thủ

Theo một cuộc thăm dò mới, đại đa số người Mỹ có quan điểm phản đối Trung Cộng, và số người coi Trung Cộng là địch thủ đã tăng lên trong bối cảnh Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh leo thang căng thẳng trong những năm gần đây.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hôm 01/05 cho thấy: 81% người Mỹ có quan điểm phản đối Trung Cộng, trong đó có 43% có quan điểm rất không ủng hộ. Ngược lại, chỉ có 16% có thiện cảm với Trung Cộng.

Kết quả này đánh dấu 5 năm liên tiếp tỷ lệ người Mỹ có quan điểm phản đối Trung Cộng ở mức khoảng 80%.

Quan điểm về Trung Cộng khác nhau giữa các đảng phái, trong đó người ủng hộ đảng Cộng Hòa và nghiêng về đảng Cộng Hòa có quan điểm không tốt hơn so với người ủng hộ đảng Dân Chủ và cử tri nghiêng về đảng Dân Chủ (90% so với 77%). Cụ thể, những người ủng hộ đảng Cộng Hòa bảo tồn truyền thống đặc biệt phê phán Trung Cộng, với 68% có quan điểm rất không tốt về Trung Cộng.

Cuộc thăm dò năm nay cho thấy số người Mỹ coi Trung Cộng là địch thủ ngày càng tăng, lên đến 42%, so với 38% hồi năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2021 khi Pew Research bắt đầu đặt ra câu hỏi này.

Chỉ 6% người Mỹ trưởng thành coi Trung Cộng là đối tác, và 50% coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh.

Theo báo cáo này, những người Mỹ lớn tuổi hơn, những người ủng hộ đảng Cộng Hòa bảo tồn truyền thống, và những người có quan điểm không tốt về nền kinh tế Hoa Kỳ chỉ trích Trung Cộng nhiều hơn và có thể sẽ coi nước này là kẻ thù nhiều hơn.

Khoảng 8 trong số 10 người Mỹ cho biết họ ít hoặc không tin tưởng rằng lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình sẽ làm điều đúng đắn trong các vấn đề thế giới. Chỉ 9% cho biết họ chưa bao giờ nghe nói về ông Tập.

Mối bang giao giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đã xấu đi trong vài năm qua. Hai nước này đã xung đột về nhiều vấn đề khác nhau, như Đài Loan, thương mại, nhân quyền, và nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Cuộc khảo sát cho thấy hầu hết người Mỹ tin rằng Trung Cộng tác động đáng kể đến điều kiện kinh tế của Hoa Kỳ. Khoảng 2/3 số người được hỏi cho rằng Trung Cộng gây ra “rất nhiều hoặc khá nhiều ảnh hưởng tiêu cực” đến nền kinh tế Hoa Kỳ, trong khi một phần nhỏ hơn nhiều, chỉ 13%, tin rằng Trung Cộng có tác động tích cực.


Những Điều Trung Cộng Sợ Hãi Nhất Nếu Cựu TT Trump Trở Lại Tòa Bạch Ốc

Một người hiểu rõ suy nghĩ của các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiết lộ rằng, các viên chức Trung Cộng đang âm thầm chuẩn bị cho việc ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc và những khó khăn hơn nữa của mối bang giao Mỹ-Trung Cộng.

Trung Cộng e ngại Tổng thống Trump. Một mặt, họ lo ngại ông Trump có thể lôi kéo Tổng thống Nga Putin, gây tổn hại cho “tình anh em” giữa ông Putin và lãnh đạo Trung Cộng. Mặt khác, họ lo lắng cuộc chiến thương mại sẽ gây ra tổn thất nặng nề cho nền kinh tế đang suy yếu của Trung Cộng.

Tưởng cũng nên nhắc lại, khi ông Trump mãn nhiệm vào năm 2020, các hãng truyền thông của Trung Cộng như Tân Hoa Xã đã đăng dòng chữ bản tin để chúc mừng: “Cuối cùng thì Donald Trump cũng đi rồi!”. Tuy nhiên, giờ đây, cácviên chức Trung Cộng bắt đầu lo sợ rằng khi ông Trump trở lại nắm quyền thì sẽ có sự hỗn loạn cho nền chính trị và xã hội, và tác hại các mối quan hệ của các nước đối với Trung Cộng.

Hôm thứ Ba (01/05), Wall Street Journal trích dẫn tin tức của những nhân sĩ thân cận giới lãnh đạo Trung Cộng cho biết, nhìn chung họ cho rằng những nguy hại khi ông Trump tái đắc cử vượt quá bất cứ lợi ích tiềm năng nào.

Báo “Hoa nhật” loan tin, một số cơ quan của Trung Cộng bao gồm Bộ Ngoại Giao, Bộ Thương Mại Đầu Tư, và Bộ Khoa Học Kỹ Nghệ đã chỉ định các viên chức đảm nhiệm chức vụ quan sát viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, trọng điểm tập trung là chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Trong thời kỳ ông Biden nhậm chức Tổng thống, cùng với sự bùng nổ chiến tranh Nga-Ukraine và cuộc chiến ở dải Gaza, sự phân cực chính trị toàn cầu trở nên sâu sắc hơn, với một bên là châu Âu và Mỹ, một bên là Trung Quốc và Nga.

Bắc Kinh lo ngại rằng nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, thì thế cục có thể bị đảo lộn.

Báo “Hoa nhật” cho rằng, một trong những lo lắng lớn của Tập Cận Bình, là liệu ông Trump có phá hoại “tình anh em” giữa Trung Cộng và Nga hay không. Trong thời gian cầm quyền, ông Trump đã nhiều lần có ý làm cho mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Nga xích lại gần nhau hơn.

Ông Tập Cận Bình lo sợ rằng, nếu ông Trump có mối giao hảo với TT Putin, có thể làm suy yếu mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow. Bởi vì Trung Cộng muốn Nga là bạn đồng hành trong cuộc đối đầu với Tây phương.

Chuyên gia chiến lược nghiên cứu về Trung Cộng cho biết, điều tệ hại hơn là, ông Trump có thể lôi kéo ông Putin, với ý định khiến Nga quay ngược lại đối đầu với Trung Cộng.


Hoa Kỳ Trừng Phạt 9 Công Ty Trung Cộng Vì Trợ Giúp Nga Gây Chiến

Chính phủ Tổng thống Biden đang trừng phạt 9 công ty Trung Cộng vì vai trò của quốc gia này qua việc trợ giúp Nga trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Theo một tuyên bố từ Bộ Thương Mại, các công ty này trực tiếp làm việc trong lãnh vực kỹ nghệ của Nga hoặc viện trợ quốc phòng cho Nga.

Tập Cận Bình & Putin

Các công ty có trụ sở tại Trung Cộng này được đưa vào danh sách khoảng 300 tổ chức khác bị ban hành các lệnh trừng phạt mới hôm 01/05 vì trợ giúp cho nỗ lực chiến tranh của Nga.

Trong một tuyên bố kèm theo, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết: “Các hành động ngày hôm nay sẽ tiếp tục làm gián đoạn và làm suy giảm các nỗ lực chiến tranh của Nga bằng cách truy lùng cơ sở quân sự-công nghiệp của nước này và các mạng lưới trốn tránh giúp viện trợ cho họ”.

“Bộ Ngân khố đã liên tục cảnh báo rằng các công ty sẽ phải đối mặt với những hậu quả đáng kể khi viện trợ tài vật cho cuộc chiến tranh của Nga, và hôm nay Hoa Kỳ đang áp đặt những hậu quả này lên gần 300 mục tiêu”.

Đáng chú ý trong số các công ty bị trừng phạt là Tập đoàn Kỹ nghệ Phòng thủ Thiết bị Hạng nặng Trung Thành (ZHE) và Shvabe Opto-Electronics (Shvabe Opto).

ZHE là một công ty quốc phòng có trụ sở tại Trung Quốc sản xuất và bán vũ khí, đạn dược, phi cơ không người lái, và các thiết bị quốc phòng khác. Bộ Thương Mại cho biết ZHE “viện trợ vật chất, tài trợ, hoặc cung cấp sự trợ giúp về tài chính, nguyên vật liệu, hoặc kỹ nghệ” cho các tổ chức nằm trong danh sách đen ở Nga hoặc công ty quân sự tư nhân Wagner, vốn hoạt động ở Ukraine, Syria, và khắp châu Phi.

Trong khi đó, Shvabe Opto “đã sản xuất hàng ngàn lô hàng” cho công ty mẹ có trụ sở tại Nga phát triển chiến đấu cơ và tàu hải quân, “trong đó có hàng trăm lô hàng vi điện tử có nguồn gốc ngoại quốc”.

Sau khi gói trừng phạt mới được công bố, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines đã làm chứng trước Quốc Hội rằng chế độ cộng sản Trung Quốc đang phát triển mối quan hệ với Nga và Iran nhằm nỗ lực phá hoại trật tự quốc tế hiện hành, kể cả thông qua trợ giúp quốc phòng.

Bà nói rằng “các quốc gia độc tài lớn tích cực làm việc để phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và hệ thống quốc tế mở này”.

bà Haines cho biết trong một phiên điều trần của Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện hôm 02/05, “Trung Quốc đang nỗ lực phát triển hình thức chủ nghĩa đa phương của riêng mình trong khi làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Nga và đặc biệt là Iran”.