TIN THẾ GIỚI

Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ đến Ukraina trong lúc Nga huy động 30.000 quân tấn công Kharkiv (RFI)

Chiến dịch của Nga tấn công vùng Kharkiv, đông bắc Ukraina, bước sang ngày thứ tư. Hôm 13/05/2024, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken bất ngờ đến Kiev để chuyển đến chính quyền Ukraina ‘‘một tín hiệu hậu thuẫn mạnh mẽ’’ từ Washington, trong khi Ukraina đang ở vào một trong những thời điểm ‘‘khó khăn nhất kể từ năm 2022’’.

Theo AFP, phát biểu với báo giới trên chuyến tàu đêm, từ Ba Lan, đưa ngoại trưởng Blinken đến Kiev, một quan chức cao cấp Mỹ nhận định: ‘‘Chuyến đi này trước hết có mục tiêu chuyển một tín hiệu mạnh để trấn an người Ukraina hiện đang trong một tình thế rất khó khăn, do chiến sự gia tăng về cường độ tại mặt trận phía đông, nhưng đồng thời do Nga đang chuyển sang tấn công vào các khu vực biên giới vùng Kharkiv’’.

Sự chậm trễ của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Ukraina đang gây lo ngại tại Kiev. Gói viện trợ 61 tỉ đô la chỉ được thông qua vào tháng 4/2024, sau 6 tháng bế tắc tại Hạ Viện. Chuyến công du Kiev trước đó của ông Blinken là vào tháng 9/2023. 

Đặc phái viên Stéphane Siohan có mặt tại Kharkiv cho biết diễn biến chiến sự tại chỗ :

‘‘Ngoại trưởng Blinken công du Ukraina trong lúc đang bắt đầu một giai đoạn chiến tranh mới hết sức hỗn loạn, một biến chuyển chưa từng có kể từ năm 2022. Tại khu vực phía bắc Kharkiv này, tất cả đều biến động khó lường. Người ta không biết rõ đâu thực sự là chiến tuyến, trước khi có mặt tại chỗ. Mọi sự đều có thể xảy ra tại một khu vực có chiều rộng từ 10 đến 20 km, với sự hiện diện của các nhóm trinh sát, các cuộc oanh kích bất ngờ của không quân cùng các drone FPV mang thuốc nổ, có thể tấn công bất cứ phương tiện di chuyển nào. 

Tình hình biến chuyển rất khó lường này ắt sẽ là chủ đề thảo luận giữa ngoại trưởng Antony Blinken và tổng thống Volodymyr Zelensky. Bởi trước đợt tấn công này, từ một năm rưỡi nay, khu vực phía bắc vùng Kharkiv đã tương đối yên tĩnh, nhưng kể từ giờ, thành phố lớn thứ hai của Ukraina đang phải liên tục đối mặt với nguy cơ bị tấn công. 

Triển vọng sắp tới phụ thuộc vào khả năng kháng cự của quân đội Ukraina. Chúng ta biết hiện tại có khoảng 30.000 quân Nga đang tham chiến trên bộ tại vùng Kharkiv. Tuy nhiên, kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất là việc thị xã Vovtchansk rơi vào tay Nga. Quân Nga sẽ lấn dần từng bước một. Pháo binh sẽ được điều đến khu vực cách thành phố Kharkiv khoảng từ 20 đến 30 km. Quân Nga chắc chắn sẽ không đưa bộ binh tấn công thành phố, vì địa bàn này quá lớn. Tuy nhiên suốt mùa xuân và mùa hè này, thành phố Kharkiv sẽ phải lãnh nhận hàng ngàn đạn pháo’’.


Cải tổ nội các bất ngờ: Tổng thống Nga thay bộ trưởng Quốc Phòng (RFI)

Trong một cuộc cải tổ bất ngờ, tối 12/05/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định thay bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu, vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm. Nguyên thủ Nga đề xuất tân lãnh đạo bộ Quốc Phòng Nga là một nhà kinh tế, ông Andrei Belousov, tức là thuộc thành phần dân sự, không có chút kinh nghiệm nào về quân sự.

Giữ chức bộ trưởng Quốc Phòng từ năm 2012, ông Shoigu nay chuyển sang làm thư ký Hội đồng An ninh Nga.

Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :

Việc thay thế bộ trưởng Quốc Phòng là điểm đáng chú ý nhất trong cải tổ nội các theo đề nghị tối qua của tổng thống Nga. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Andrei Belousov là một nhân vật bên phía dân sự, nguyên là bộ trưởng Phát Triển Kinh Tế và cho tới nay là một trong những phó thủ tướng sau một thời gian dài làm việc với tổng thống Putin.

Về mặt chính thức, theo lời phát ngôn viên điện Kremlin, việc bổ nhiệm ông Belousov vào chức vụ này chính là nhằm kích thích sự sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho những ý tưởng canh tân.

Nhưng ông Sergei Shoigu, tại vị từ năm 2012, không hẳn là bị gạt bỏ. Với tư cách thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông sẽ tiếp tục can dự vào lĩnh vực mà ông nắm rất rành. Shoigu bị mất chức bộ trưởng chắc là do vụ bắt giữ một trong những thứ trưởng của ông về tội tham nhũng, cũng như do vụ nổi loạn của tập đoàn lính đánh thuê Wagner vào tháng 6 năm ngoái.

Trong lúc quân Nga đang tiến đánh vào vùng Kharkiv và vào nhiều địa điểm ở vùng Donbass, bây giờ phải chờ xem tác động của việc thay đổi bộ trưởng Quốc Phòng đối với tình hình chiến sự ở Ukraina. Chắc là để tránh tình trạng vô chủ kéo dài, tổng tham mưu trưởng Valeri Gerasimov vẫn đảm trách nhiệm vụ chỉ huy trên chiến trường, mà không bị tân bộ trưởng Quốc Phòng Belousov “lấn sân”.


Tấn công Rafah, Israel đẩy quan hệ ngoại giao với Ai Cập đến bờ vực thẳm (RFI)

Sáng sớm ngày 14/05/2024, Israel thực hiện hàng loạt các cuộc không kích vào phía bắc dải Gaza đồng thời đẩy mạnh tiến công vào thành phố Rafah, biên giới phía nam với Ai Cập. Động thái này của Nhà nước Do Thái đã khiến quan hệ giữa Israel và Ai Cập ngày càng trở nên căng thẳng.

Ai Cập đang xem xét hạ cấp quan hệ ngoại giao với Israel. Cụ thể, theo báo Mỹ The Wall Street Journal, chính quyền Cairo đang tính đến việc triệu hồi đại sứ Ai Cập tại Israel. Đồng thời, Ai Cập từ chối phối hợp với Israel trong việc đưa hàng viện trợ vào Gaza và hủy bỏ các cuộc đối thoại quân sự giữa hai nước.

Từ thủ đô Cairo, thông tín viên RFI Alexandre Buccianti cho biết thêm thông tin :

“Căng thẳng giữa hai nước đã được phơi bày ra ánh sáng khi quân đội Israel chiếm cửa khẩu Rafah bên phía Palestine. Sự căng thẳng sau đó đã chuyển thành nỗi tức giận khi quân đội Israel treo cờ Nhà nước Do Thái tại cửa khẩu. Ai Cập coi đây là một hành động khiêu khích. 

Trên mặt trận ngoại giao, Ai Cập phối hợp cùng Nam Phi trong một vụ kiện mới nhắm vào Israel trước Tòa án Công lý Quốc tế vì “vi phạm công ước chống diệt chủng ở Gaza”. Trước khi Israel đóng các cửa khẩu Rafah và Kerem Shalom, mỗi ngày có hơn 300 xe tải viện trợ nhân đạo vào Gaza. Dư luận Ai Cập cũng trở nên phẫn nộ. Trên mạng xã hội, người dân nước này đang kêu gọi cắt đứt quan hệ ngoại giao, hủy bỏ hiệp ước hòa bình ký với Israel và đôi khi thậm chí là thực hiện các hành động vũ trang chống lại Israel.”


Mỹ tăng 18 tỉ đô la thuế với hàng nhập khẩu Trung Cộng để chống ‘‘cạnh tranh bất chính’’ (RFI)

Nhà Trắng hôm nay, 14/05/2024, thông báo sẽ tăng thuế với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Cộng, với tổng số tiền ước tính 18 tỉ đô la Mỹ, để bảo vệ các lĩnh vực chiến lược của nền công nghiệp nội địa chống ‘‘cạnh tranh bất chính’’. Bắc Kinh ngay lập tức khẳng định sẽ trả đũa.

Công ty xe điện BYD của TC

Theo AFP, các mặt hàng Trung Cộng bị tăng thuế thuộc các lĩnh vực được coi là ‘‘chiến lược’’, như chất bán dẫn, các kim loại hiếm, sản phẩm y tế, hay xe ô tô điện. Thuế ô-tô điện sẽ tăng từ 25% đến 100%, thuế hàng bán dẫn tăng từ 25% lên 50%… 

Theo giám đốc Hội đồng kinh tế Quốc gia, trực thuộc phủ tổng thống Mỹ, bà Lael Brainard, việc tăng thuế này là nhằm để ‘‘bảo vệ các doanh nghiệp và người lao động Mỹ’’ chống lại cạnh tranh ‘‘bất chính’’ từ Trung Cộng, như trợ giá, cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ, ‘‘mà Trung Cộng có khả năng sản xuất gấp hai lần rưỡi số lượng tấm pin mặt trời so với nhu cầu thế giới trong thời gian trước mắt’’.

Hôm qua, bộ trưởng Tài Chính Mỹ, Janet Yellen, nhấn mạnh đến việc Nhà Trắng cần có biện pháp để bảo vệ ‘‘tác động tích cực của đạo luật IRA (tức đạo luật hỗ trợ nền kinh tế xanh được thông qua cách nay một năm), để hỗ trợ các nền công nghiệp trong lĩnh vực này’’. Chính phủ Mỹ đã đầu tư hơn 860 tỉ đô la, thông qua đạo luật IRA, nhằm thúc đẩy sản xuất xe ô tô điện ắc quy cũng như tấm pin mặt trời hay điện gió tại Mỹ.

Hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng Uông Văn Bân (Wang Wenbin) tuyên bố “phản đối mọi hành động tăng thuế đơn phương vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẽ có mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp“.


Philippines tăng cường bảo vệ các địa điểm ở Biển Đông (VOA)

Philippines hôm 13/5 nói sẽ bảo vệ chặt chẽ hơn các rạn san hô, bãi cạn và đảo nhỏ trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông, trước những tin tức về các hoạt động cải tạo mới của Trung Cộng, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.

Lực lượng tuần duyên Philippines hôm 11/5 cho biết đã triển khai một tàu đến bãi cạn Sabina thuộc quần đảo Trường Sa, nơi họ cáo buộc Trung Cộng xây dựng một hòn đảo nhân tạo, sau khi ghi nhận điều họ nói là những đống san hô chết và bị nghiền nát trên các bãi cát.

Ông Jonathan Malaya, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), cho biết rằng Giám đốc NSC Eduardo Ano đã ra lệnh bảo vệ chặt chẽ hơn tại các địa điểm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila, trong khi căng thẳng ngoại giao lâu dài với Bắc Kinh ngày càng gia tăng.

Không ai sẽ bảo vệ (những địa điểm này) ngoại trừ chúng tôi. Trách nhiệm của chúng tôi theo luật pháp quốc tế là bảo vệ (chúng) và đảm bảo rằng môi trường ở đó sẽ không bị hư hại và sẽ không có các hoạt động cải tạo“, ông Malaya nói trên một chương trình truyền hình.

Trung Cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các phần được Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đồng thời tiến hành cải tạo, bồi đắp trên diện rộng trên một số đảo, xây dựng cơ sở quân sự, gây lo ngại ở Washington và khu vực.

Bộ Ngoại giao Trung Cộng hôm 13/5 bác bỏ cáo buộc mới nhất của Manila răng đó “thuần túy” chỉ là “tin đồn vô căn cứ”.

Người phát ngôn Lực lượng Tuần duyên Philippines Jay Tarriela nói rằng sự hiện diện của lực lượng này tại bãi cạn Escoda đã ngăn cản Trung Cộng thực hiện hoạt động cải tạo quy mô nhỏ, nhưng các nhà khoa học sẽ phải xác định xem các đống san hô này là tự nhiên hay nhân tạo.

Ông cho biết rằng lực lượng tuần duyên cam kết duy trì sự hiện diện ở bãi cạn này, chỉ cách tỉnh Palawan của Philippines hơn 120 hải lý.

Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, tuyến đường thủy quan trọng, không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, một quyết định mà Trung Cộng bác bỏ.

Bãi cạn Sabina, được người dân địa phương gọi là Escoda, là điểm tập kết của các tàu tiếp tế cho quân đội Philippines đóng trên một tàu chiến đang mắc cạn ở Bãi cạn Second Thomas còn được gọi là Bãi Cỏ Mây, nơi Manila và Trung Cộng thường xuyên có đối đầu.


Phái đoàn Mỹ sẽ dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Đài Loan giữa căng thẳng với Trung Cộng (VOA)

Tổng thống Joe Biden sẽ cử các cựu quan chức Mỹ tới Đài Loan khi tân tổng thống Đài Loan nhậm chức, một hành động thể hiện sự ủng hộ đối với hòn đảo và đã được điều chỉnh để tránh chọc giận Bắc Kinh.

Ông Biden sẽ cử một phái đoàn lưỡng đảng tới dự lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Đài Loan Lại Thanh Đức vào hôm thứ Hai, bao gồm cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Brian Deese, quan chức Bộ Ngoại giao một thời Richard Armitage, chuyên gia về Đài Loan của Viện Brookings Richard Bush và Laura Rosenberger, người điều hành tổ chức phi lợi nhuận quản lý các mối quan hệ không chính thức giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, theo một quan chức chính quyền cấp cao.

Tổng thống đắc cử Đài Loan Lại Thanh Đức

Bắc Kinh đã gán cho ông Lại, người được bầu vào tháng 1, là một “kẻ ly khai nguy hiểm” và đã nhiều lần từ chối những lời đề nghị đàm phán. Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của mình, một quan điểm mà chính phủ Đài Bắc cực lực phản đối.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết: “Phái đoàn sẽ đến Đài Bắc vào cuối tuần này và trong chuyến thăm, phái đoàn sẽ tham dự lễ nhậm chức vào ngày 20/5 và gặp gỡ một loạt nhân vật hàng đầu”.

Quan chức này nói động thái này phù hợp với thông lệ trước đây và không thể hiện sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ.

“Bắc Kinh sẽ là kẻ khiêu khích nếu họ chọn cách đáp trả bằng cách tăng áp lực quân sự hay cưỡng ép”, quan chức Mỹ nói.

Washington chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 1979 và từ lâu đã tuyên bố không ủng hộ tuyên bố độc lập chính thức của Đài Loan. Tuy nhiên, nước này vẫn duy trì mối quan hệ không chính thức với hòn đảo và vẫn là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quan trọng nhất cho hòn đảo.

Trong bốn năm qua, quân đội Trung Cộng đã tăng cường đáng kể các hoạt động xung quanh Đài Loan, nơi được quản lý dân chủ.

Ông Biden trước đây đã khiến chính phủ Trung Cộng khó chịu với những bình luận có vẻ gợi ý rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ hòn đảo này nếu hòn đảo bị tấn công, một sự đi chệch khỏi quan điểm lâu nay của Hoa Kỳ là “mơ hồ chiến lược”.

Reuters đưa tin hải quân Mỹ và Đài Loan đã lặng lẽ tiến hành các cuộc tập trận chung ở Thái Bình Dương vào tháng 4.

Ông Biden, một đảng viên Đảng Dân chủ, đã áp đặt thuế quan thương mại mới đối với một loạt lĩnh vực của Trung Cộng vào thứ Ba, trong khi Đài Loan báo cáo các lực lượng Trung Cộng đang thực hiện “cuộc tuần tra chiến đấu” mới nhất của họ gần hòn đảo này cùng ngày hôm đó.

Ông Biden đã cử ba phái đoàn tương tự đến Đài Loan, gần đây nhất là vào tháng 1 sau cuộc bầu cử, và các nhóm cựu quan chức Mỹ tới dự lễ nhậm chức vào các năm 2008, 2012 và 2016 dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama.

Bắc Kinh đã lên án các chuyến thăm và cắt đứt liên lạc với Washington về các vấn đề quân sự và khí hậu sau chuyến đi tới Đài Loan vào năm 2022 của Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi. Những cuộc đàm phán gần đây đã được khôi phục.

Quan chức Mỹ cho biết “chúng tôi đang liên lạc” với Đài Bắc về “nội dung” bài phát biểu nhậm chức của Lại, củng cố các chính sách lâu đời của họ về chủ đề này.

“Chúng tôi khá thực tế rằng các mục tiêu chiến lược dài hạn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ không thay đổi”, ám chỉ Trung Cộng và mục tiêu của họ “thống nhất” với Đài Loan.

Quan chức này nói Trung Cộng có thể sẽ duy trì áp lực lên Đài Loan dưới thời chính quyền mới và họ hy vọng rằng các cuộc đàm phán Mỹ-Trung được nối lại có thể làm giảm căng thẳng.

“Trong nhiệm kỳ sắp tới này, chúng tôi không muốn làm xáo trộn hoặc thay đổi mọi thứ ở đây”, quan chức Mỹ nói. “Hiện trạng đã trở thành khẩu hiệu của chúng tôi trong thời kỳ này”.


Ngoại trưởng Ukraina “lặng lẽ” đến Serbia, Nga phản ứng mạnh mẽ (RFI)

Ngoại trưởng Ukraina Dmitro Kuleba hôm 13/05/2024, bắt đầu chuyến thăm chính thức Serbia hai ngày. Đi cùng ông còn có bà Olena Zelenska, phu nhân tổng thống Zelensky. Chuyến công du bất ngờ đầu tiên của ngoại trưởng Ukraina đến Beograd kể từ khi Nga xâm lược Ukraina đã khiến Matxcơva có những phản ứng mạnh mẽ.

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba (trái), Đệ nhất phu nhân Zelenska (thứ 2 từ trái), Tổng thống Serbia Vucic và phu nhân

Theo AFP, ngoại trưởng Ukraina có cuộc gặp với tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, thủ tướng Milos Vucevic cùng nhiều quan chức cao cấp khác. Trong khi đó, phu nhân tổng thống Ukraina, Olena Zelenska, đã ký kết một thỏa thuận hợp tác với một trường đại học Serbia và có cuộc gặp với đại diện cộng đồng người Ukraina tại quốc gia vùng Balkan.

Chuyến công du Beograd của ngoại trưởng Ukraina diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Serbia trải thảm đỏ long trọng đón chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. Tuy nhiên, chuyến thăm Serbia của ngoại trưởng Kuleba và bà Zelenska diễn ra lặng lẽ. Nội dung cuộc trao đổi giữa ngoại trưởng Ukraina với các lãnh đạo Serbia đã không được tiết lộ.

Từ thủ đô Serbia, thông tín viên đài RFI, Laurent Rouy giải thích :

Truyền thông thân chính phủ Serbia vẫn tỏ ra kín tiếng về chuyến thăm bất ngờ, chuyến thăm đầu tiên của giới chức Ukraina đến Beograd. Không có chuyện phơi bày việc Olena, phu nhân tổng thống Zelensky, và ngoại trưởng Dmytro Kuleba có cuộc gặp với giới chức Serbia. Điều đó có nguy cơ khiến người dân – đa phần là thân Nga –phải sửng sốt trong khi Serbia luôn từ chối trừng phạt Nga vì cuộc chiến xâm lược này.

Chính quyền Beograd vẫn giữ kín về mục đích chuyến thăm. Beograd chỉ tái khẳng định sự gắn bó với toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, và Kuleba cũng tuyên bố tương tự đối với lãnh thổ Serbia. Người ta không biết gì hơn. Xin nhắc lại rằng Beograd đã bí mật cung cấp vũ khí cho Ukraina từ năm ngoái (2023).  

Trong mọi trường hợp, chuyến thăm này diễn ra không thể không gây sự chú ý từ Nga. Thủ tướng Serbia đã phải gặp đại sứ Nga ngay sau cuộc gặp với phía Ukraina. Một lần nữa, người ta không biết được hai người này nói với nhau về điều gì. Chỉ biết rằng, trong khoảng thời gian này, báo chí Nga lại nhắm vào Serbia, cáo buộc một nước anh em, dường như đã đâm dao sau lưng Matxcơva nhân chuyến thăm này.


Hai tập đoàn pin mặt trời Trung Cộng rút khỏi một dự án công châu Âu (RFI)

Hôm 13/05/2024, hai tập đoàn pin mặt trời Trung Cộng thông báo rút khỏi một cuộc đấu thầu dự án xây dựng một trạm điện mặt trời tại Rumani, trị giá gần 400 triệu euro. Đối với các nước châu Âu, đây là bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của các công cụ pháp lý mới, về các dự án công của Liên Hiệp Châu Âu (EU), cho phép bảo đảm tính ‘‘minh bạch’’ và ‘‘cạnh tranh công bằng’’.

Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :

Hai doanh nghiệp Trung Cộng Longi và Shanghai Electric rút khỏi cuộc đua giành quyền xây dựng trạm điện mặt trời Rovinari, một dự án trị giá khoảng 400 triệu euro, do các quỹ châu Âu tài trợ một phần. Quy định mới của châu Âu, có hiệu lực từ gần một năm nay, cho phép kiểm soát các bên tham gia đấu thầu đối với các dự án công có trị giá cao hơn 250 triệu euro. Trong trường hợp đó, các doanh nghiệp tham gia đấu thầu có nghĩa vụ thông báo với Ủy Ban Châu Âu, khi nhận được hơn 4 triệu tài trợ của nước ngoài.

Trong trường hợp này, Longi là một tập đoàn sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới và Shanghai Electric là doanh nghiệp của nhà nước Trung Cộng. Đối với Ủy Ban Châu Âu, việc công ty nhận được trợ giá nước ngoài tham gia đấu thầu sẽ gây cản trở đối với thị trường. Hiện tại cuộc điều tra của châu Âu về hai doanh nghiệp Trung Cộng mới chỉ trong giai đoạn đầu, tuy nhiên kể từ giờ quy định mới của châu Âu cấm tất cả các doanh nghiệp nhận tài trợ nước ngoài tham gia đấu thầu các dự án công của châu Âu. Lĩnh vực pin mặt trời đặc biệt nhạy cảm, bởi châu Âu hiện đang nhập khẩu đến 97% tấm pin mặt trời.

Nhu cầu điện mặt trời của Liên Âu là rất lớn. Từ đây đến năm 2030, EU có kế hoạch tăng tỉ lệ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, từ 22% hiện nay lên ít nhất 42,5%. Tuyệt đại đa số tấm pin mặt trời EU nhập khẩu đến từ Trung Cộng.

Theo trang mạng chuyên về năng lượng mới revolution-energetique.com, Trung Cộng đang dẫn đầu trong lĩnh vực điện mặt trời. Năm 2023, tại Trung Cộng, tổng cộng 216 GW công suất điện mặt trời được lắp đặt, gần gấp đôi năm 2022. Công suất điện mặt trời Trung Cộng lắp đặt chỉ riêng trong năm 2023 đã bằng 80% tổng công suất điện mặt trời của toàn châu Âu tính đến cuối 2023.


Trung Cộng-Campuchia sắp bắt đầu cuộc tập trận thường niên (VOA)

Campuchia và Trung Cộng bắt đầu cuộc tập trận thường niên Rồng Vàng trong tuần này nhằm tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm quân sự, một quan chức Campuchia cho biết ngày 13/5.

Tổng cộng có 1.315 quân nhân Campuchia và 760 quân nhân Trung Cộng sẽ tham gia cuộc tập trận kéo dài 15 ngày với sự hỗ trợ của 3 tàu chiến Trung Cộng và 11 tàu Campuchia, người phát ngôn quân đội Campuchia, Thiếu tướng Thong Solimo, nói với các nhà báo. Ông cho biết cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 16/5 nhằm mục đích huấn luyện chống khủng bố và cung cấp cứu trợ nhân đạo ở cả hai nước cũng như trong khu vực.

Hun Manet (trái), con của TT Hun Sen (giữa) và Tập tại Bắc Kinh, năm 2023

Cuộc tập trận Rồng Vàng thường niên bắt đầu vào tháng 12/2016, ngay sau khi Campuchia hủy bỏ cuộc tập trận tương tự với Mỹ mang tên Angkor Sentinel.

Trung Cộng mô tả tình hữu nghị của họ với Campuchia là “sắt thép”. Campuchia là đồng minh thân cận nhất của Trung Cộng ở Đông Nam Á, trong khi Trung Cộng là đồng minh và ân nhân quan trọng nhất của Campuchia, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế nước này.

Campuchia có nhiều dự án do Trung Cộng tài trợ – đặc biệt là cơ sở hạ tầng, bao gồm sân bay và đường sá, cũng như các dự án tư nhân như khách sạn, sòng bạc và phát triển bất động sản. Hơn 40% trong số nợ nước ngoài trị giá 10 tỷ đô la của Campuchia là nợ Trung Cộng.

Sự hỗ trợ của Bắc Kinh cho phép Campuchia bất chấp phần lớn những lo ngại của phương Tây về hồ sơ yếu kém về nhân quyền và chính trị của Campuchia và ngược lại, Campuchia thường ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về các vấn đề chính sách đối ngoại như yêu sách lãnh thổ của Trung Cộng ở Biển Đông.

Campuchia gần đây đã nhắc lại quyết tâm tiếp tục dự án kênh đào Funan Techo dài 180 km do Trung Cộng tài trợ trên khắp 4 tỉnh ở miền nam đất nước để kết nối thủ đô Phnom Penh với Vịnh Thái Lan.

Kế hoạch này đã làm dấy lên mối lo ngại từ nước láng giềng Việt Nam, nơi một số nhà phân tích cho rằng con kênh rộng 100 mét, sâu 5,4 mét này có thể giúp Trung Cộng dễ dàng đưa lực lượng quân sự xuống phía nam, gần với bờ biển phía nam của Việt Nam. Mối quan hệ giữa Việt Nam và nước láng giềng rộng lớn phía bắc thường lạnh giá vì những tuyên bố hung hăng của Bắc Kinh đối với các vùng lãnh thổ trên biển mà Hà Nội cũng tuyên bố chủ quyền.

Sự dính líu của Trung Cộng vào căn cứ hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan cũng gây lo ngại, khiến Mỹ và một số nhà phân tích an ninh quốc tế cho rằng căn cứ này có khả năng trở thành tiền đồn chiến lược của hải quân Bắc Kinh.

Vào ngày 7 tháng 12 năm ngoái, hai tàu hải quân Trung Cộng đã trở thành những chiếc tàu đầu tiên cập bến tàu mới do Trung Cộng tài trợ tại căn cứ này, trùng với chuyến thăm Campuchia của quan chức quốc phòng hàng đầu Trung Cộng.

Vào tháng 4, Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị đã có chuyến thăm ba ngày tới Campuchia để khẳng định mối quan hệ giữa hai nước.


TIN VIỆT NAM.

Giáo dân xứ Thanh Hải phản đối chính quyền xây trường trên đất mượn của nhà thờ (Trích RFA)

Chính quyền tỉnh Bình Thuận dự tính xây mới hai trường học đạt chuẩn quốc gia trên phần đất mượn của nhà thờ Giáo xứ Thanh Hải từ năm 1975 nhưng vấp phải phản ứng của các giáo dân.

Sáng sớm ngày 08/5, hàng trăm giáo dân thuộc phường Thanh Hải, thành phố Phan Thiết kéo đến sân nhà thờ để phản đối việc Ủy ban Nhân dân phường cử người đến đo đạc phần đất của trường tiểu học và trường mẫu giáo Thanh Hải đang toạ lạc trong khuôn viên nhà thờ.

Một thành viên của Hội đồng mục vụ giáo xứ, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 14/5:

Giáo dân đã yêu cầu dừng việc đo đạc phần đất của hai cơ sở giáo dục vốn là Trường Trung Tiểu học Tư thục Công giáo Thanh Hải của giáo xứ. Hội đồng mục vụ cũng cử đại diện yêu cầu chính quyền phường không đưa người đến hành động trong khu đất của nhà thờ mà không báo cho chúng tôi biết.”

Đại diện chính quyền địa phương tiếp nhận phản ánh của giáo xứ và báo cáo lên cấp trên, từ đó đến nay nhà chức trách địa phương chưa có hành động gì mới.

Phóng viên gọi điện cho Uỷ ban Nhân dân phường Thanh Hải để hỏi thêm thông tin về sự việc. Một nữ cán bộ đề nghị phóng viên trực tiếp đến gặp lãnh đạo phường để được cung cấp thông tin.

Trong buổi làm việc ngày 01/3/2023, nhà chức trách thành phố Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận đồng ý trả lại một mảnh đất cho giáo xứ và giữ lại mảnh kia để xây dựng mới trường học với quy mô 10 phòng học và một số phòng chức năng.

Tuy nhiên, Bình Thuận tránh dùng từ “trả lại đất” mà lại nói là đáp ứng đề nghị cấp đất mở rộng giáo xứ.

Theo người trong Hội đồng mục vụ, dường như Toà Giám mục Phan Thiết và linh mục Chánh xứ Thanh Hải đồng ý với đề nghị của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, giáo dân không đồng ý vì họ muốn lấy lại toàn bộ đất đai mà cha ông họ đã khai khẩn từ gần 70 năm trước.

Ngày 16/2/2024, sau khi có tin Toà Giám mục công bố sơ đồ quy hoạch trường học mới của chính quyền Phan Thiết trên đất của giáo xứ Thanh Hải, giáo dân ở đây đã kéo đến Toà Giám mục để phản đối việc các tăng lữ đồng ý với kế hoạch của chính quyền địa phương.

Theo một video clip quay lại sự kiện này, một phụ nữ tên Toàn đã phát biểu: “Không ai có quyền, từ nhà nước chính quyền cho đến các cha, không có quyền lấy đất của chúng tôi. Cha mẹ chúng tôi từ khi di cư vào Nam đến giờ gây dựng được, bỏ công bỏ sức mồ hôi …”

Phóng viên không thể liên lạc với Chánh xứ Thanh Hải hiện nay là linh mục Dương Nguyên Kha để hỏi về các sự việc liên quan. Chúng tôi cũng gửi email tới Toà Giám mục Phan Thiết nhưng chưa nhận được phản hồi.

Chính quyền mượn tài sản của giáo xứ mãi chưa trả

Giáo xứ Thanh Hải (phường Thanh Hải, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) được thành lập từ năm 1955 và giáo dân là những người di cư từ Thanh Hoá, Hải Phòng và Quảng Bình vào sau Hiệp định Geneva. Hiện giáo xứ này thuộc Giáo phận Phan Thiết, và có hơn 8.000 giáo dân, chiếm khoảng 75% nhân khẩu của phường, theo thống kê năm 2015.

Trước năm 1975, trong khuôn viên nhà thờ có trường trung tiểu học Công giáo Thanh Hải để giảng dạy cho con em giáo dân địa phương, dưới sự quản lý của giáo xứ. Tuy nhiên, sau năm 1975, chính quyền mới trưng dụng cơ sở giáo dục này và vẫn sử dụng cho việc đào tạo cho học sinh địa phương với hai cơ sở là trường tiểu học và trường mẫu giáo Thanh Hải.

Do số giáo dân tăng và sinh hoạt chật chội, giáo xứ cần nơi giữ xe ngày thường và các ngày lễ lớn, xây nhà mục vụ, không gian sinh hoạt tôn giáo cho thanh thiếu nhi… nên từ năm 2014, giáo xứ đã đề nghị chính quyền địa phương trả lại hai ngôi trường.

Theo bản sao chụp một văn bản mang tên Tờ khai sử dụng đất năm 1996 mà người trong Hội đồng mục vụ cung cấp cho RFA, Giáo xứ Thanh Hải mà đại diện là linh mục Vũ Ngọc Đăng có cho địa phương mượn khu trường học nói trên gồm hai mảnh đất với tổng diện tích là 6.136,8 mét vuông từ năm 1975. Văn bản này có dấu và chữ ký của chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thanh Hải.

Theo văn bản không có chữ ký mà giáo dân coi là “tuyên truyền” của tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành khảo sát thực địa trong năm 2014, lập biên bản hiện trạng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của Giáo xứ Thanh Hải, thì không có hạng mục là hai ngôi trường.

Năm 2016, UBND thành phố Phan Thiết lập dự án đầu tư xây dựng trường tiểu học Thanh Hải và trường mẫu giáo Thanh Hải đạt chuẩn quốc gia ở vị trí hiện tại nhưng vấp phải sự phản đối của linh mục Chánh xứ Nguyễn Văn Chữ và Hội đồng mục vụ giáo xứ.

Việc chính quyền địa phương mượn tài sản là tu viện hoặc trường học của nhà thờ Công giáo và không trả lại xảy ra ở nhiều nơi trên khắp Việt Nam, điển hình là tu viện của Nhà thờ Thái Hà (Hà Nội) hiện đang được làm Bệnh viện Đống Đa. Gần đây, chính quyền địa phương có kế hoạch xây thêm một toà nhà khám chữa bệnh nhiều tầng trong khu đất vốn thuộc Giáo xứ Thái Hà cho dù nhà thờ liên tục đòi trả lại tu viện.


Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do cơ bản (RFA)

Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bà Uzra Zeya nói sẽ tiếp tục tạo sức ép để chính quyền Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản, trả tự do cho hơn 180 tù nhân chính trị và chấm dứt tình trạng đàn áp xuyên biên giới.

Bà Uzra phát biểu như trên tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 30 (11/5/1994 – 11/5/2024) được diễn ra ở Thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ trong ngày 14/5.

Bà Uzra Zeya -Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền, tại buổi lễ còn bày tỏ mối quan ngại sâu sắc khi Hà Nội tiếp tục áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với tất cả các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa, tự do tôn giáo… hay điều kiện giam giữ hà khắc đối với các tù nhân chính trị bị kết án một cách bất công. Bà nói:

“Tiếp tục có nhiều báo cáo về các vụ chính quyền bắt giữ, hành hung, câu lưu, hạn chế đi lại cũng như tịch thu và phá hủy tài sản của tín đồ các tổ chức tôn giáo không được chính phủ công nhận hoặc không đăng ký.

Như nhiều người trong số các bạn đã biết, Ngoại trưởng Antony Blinken, đã chỉ định Việt Nam là một quốc gia trong danh sách theo dõi đặc biệt vì đã thực hiện hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.”

Theo bà Uzra, không gian dân sự và khả năng hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam bị hạn chế rất nhiều cả về mặt luật pháp và thực tế. Đó là nguyên do khiến từ năm 2021 đến nay, đã có sáu nhà hoạt động môi trường nổi bật bị bắt giữ và bị kết án bằng tội danh hết sức mơ hồ là “Trốn thuế”. Qua đó, bà Uzra khẳng định:

Bà Bay Fang – Chủ tịch đài Á Châu Tự do phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: RFA

“Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Việt Nam tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, bao gồm cả việc trả tự do cho các lãnh đạo tổ chức phi chính phủ bị giam giữ oan uổng.”

Theo thống kê của các tổ chức nhân quyền Quốc tế, hiện có hơn 180 tù nhân chính trị bị kết án oan ở Việt Nam. Do đó trong phát biểu của mình, bà Uzra cho biết, sẽ tiếp tục tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam để họ trả tự cho cho tất cả những người bị kết án oan trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang và các nhà hoạt động môi trường nổi bật bị bắt vì tội danh trốn thuế như Hoàng Thị Minh Hồng, Đặng Đình Bách…

Vấn đề đàn áp xuyên quốc gia cũng là nội dung được đề cập trong bài phát biểu của bà Uzra. Một ví dụ điển hình được bà nêu ra là vụ ông Đường Văn Thái bị bắt cóc vào tháng 4/2023 khi đang xin tị nạn ở Thái Lan: “Đây chỉ là một trong những ví dụ gần đây nhất về đàn áp xuyên quốc gia được báo cáo. Hoa Kỳ sát cánh và hỗ trợ những người bị nhắm tới bởi các hành động đàn áp xuyên quốc gia, đồng thời chúng tôi cam kết thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những chính phủ thủ phạm.” bà Urza kết luận.

Có mặt tại buổi lễ này, bà Bay Fang, chủ tịch đài Á Châu Tự do, cũng khẳng định tình hình tự do báo chí tại Việt Nam không được đảm bảo. Cụ thể trong phát biểu của mình, bà Bay Fang dẫn các số liệu thống kê từ Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, rằng tổ chức này đã xếp Việt Nam vào top 10 môi trường hạn chế nhất thế giới về tự do báo chí. Tính đến hiện nay đã có 35 nhà báo và blogger đang bị bỏ tù. Trong đó, bà Bay nhắc đến bốn nhà báo là blogger của Ban tiếng Việt, Đài Á Châu Tự do đang bị giam giữ, bao gồm Nguyễn lân Thắng – 10 năm tù giam, Nguyễn Tường Thuỵ – 11 năm tù giam, Trương Duy Nhất – 10 năm tù giam và Nguyễn Vũ Bình – đang trong giai đoạn điều tra. Bà Bay Fang nhấn mạnh:

“Nhưng những nỗ lực của chế độ Việt Nam đã không ngăn cản chúng tôi hoàn thành công việc quan trọng của mình. Năm vừa qua, chúng tôi đã thực hiện các phóng sự về hàng trăm công dân Việt Nam bị buôn bán và buộc phải làm việc cho các trang web buôn bán dữ liệu ở Myanmar. Gần đây nhất, RFA đã đăng tải về hành trình gian khổ của những người Việt Nam vượt biên giới Hoa Kỳ qua Mexico để tìm kiếm tị nạn…”

Đại diện ban tổ chức buổi lễ, bà Destiny Nguyễn cho rằng, chính vì tình trạng nhân quyền Việt Nam tồi tệ như các khách mời đã nêu trên, nên cộng đồng người Việt ở hải ngoại càng phải lên tiếng và vận động nhiều hơn để cải thiện nhân quyền cho Việt Nam:

“Ngày mai chúng tôi sẽ có buổi vận động với các nghị sỹ và dân biểu, cũng như có buổi gặp gỡ riêng với Bộ ngoại giao Hoa Kỳ để nói về nhân quyền của Việt Nam.”


Tàu chiến Ấn Độ cập quân cảng Cam Ranh, tăng cường quan hệ quốc phòng (Trích BBC)

Hộ tống hạm săn ngầm INS Kiltan của Hải quân Ấn Độ đã cập quân cảng Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa hôm Chủ nhật 12/5 và lưu tại đây đến ngày 15/5.

Hải quân Ấn Độ đã cử một đội gồm 3 tàu chiến – INS Delhi, INS Shakti và INS Kiltan – thực hiện sứ mệnh trên Biển Đông.

Đây là một hoạt động của Hạm đội Miền Đông thuộc Hải quân Ấn Độ.

Trong nhóm tàu này, hai tàu chiến đã cập cảng ở Malaysia và một tàu chiến đến Việt Nam.

Chuyến thăm của tàu INS Kiltan sẽ kết thúc với cuộc diễn tập diễn tập phối hợp trên biển với Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Chiến hạm INS Kiltan thuộc đội tàu gồm 3 tàu chiến trong sứ mệnh hoạt động trên Biển Đông của Hạm đội Miền Đông

INS Kiltan là một trong 4 tàu hộ tống săn ngầm trong Dự án P28 (lớp tàu Kamorta) do Ấn Độ thiết kế.

Các tàu chiến Ấn Độ đã cập cảng Cam Ranh trong thời gian qua có tàu đổ bộ Airavat hồi tháng 7/2023, tàu khu trục INS Kolkata vào năm 2019, tàu hộ vệ mang tên lửa INS Satpura và khinh hạm tên lửa INS Kirch hồi năm 2016.

Trong đợt công tác hiện tại, hai tàu chiến INS Delhi and INS Shakti đã cập cảng Kota Kinabalu của Malaysia. Tại Malaysia, hải quân hai nước sẽ có diễn tập để tăng cường khả năng phối hợp.

Gần đây Ấn Độ và Malaysia đã hoàn tất hai cuộc tập trận quân sự chung là MILAN 2024 và Ex Samudra Lakshmana 2024.

Quan hệ quốc phòng Việt – Ấn trong ‘thế kỷ của đại dương’

Trong một bài viết ngày 10/5 trên chuyên trang The Diplomat, nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Thế Phương từ Đại học New South Wales (Úc) đánh giá Việt Nam thời gian qua đã có chuyển biến chiến lược quốc phòng quan trọng khi chuyển hướng ra biển nhiều hơn thay vì chỉ chú trọng đất liền.

Theo tác giả Nguyễn Thế Phương, Việt Nam đang đối mặt với những mối đe dọa tiềm tàng và đáng kể từ biển, từ chiến lược vùng xám của Trung Cộng cho đến xung đột trên biển với giả định là xảy ra hải chiến, đánh chặn.

Ông cũng cho rằng các kịch bản chiến tranh biên giới quy mô lớn trên đất liền như từng đã xảy ra như Chiến tranh biên giới Tây Nam vào năm 1978, Chiến tranh biên giới Việt-Trung hồi năm 1979 là có khả năng cao sẽ không xảy ra, mặc dù không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này.

Ấn Độ là một trong 7 nước mà Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho đến nay.

Hai nước đã nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất trong thang bậc ngoại giao của Việt Nam vào năm 2016.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Ấn Độ và Việt Nam cho đến nay nhìn chung vẫn tốt đẹp và hợp tác quốc phòng, an ninh là trụ cột quan trọng.

Hai nước đã cho thấy những hợp tác quan trọng trong lĩnh vực hàng hải và quốc phòng như chuyển giao tàu chiến hải quân, tàu tuần tra cao tốc tên lửa hành trình, huấn luyện hải quân cho Việt Nam, chương trình đào tạo và diễn tập song phương, hợp tác thăm dò dầu khí…

Các tàu hải quân Ấn Độ INS Sahyadri và INS Kadmatt đã cập cảng Nhà Rồng ở TP HCM hồi tháng 6/2022.

Trước đó, vào tháng 2/2022, tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đến Ấn Độ để tham gia Cuộc tập trận hải quân đa phương MILAN.

Ấn Độ lần đầu tiên tặng một tàu hộ vệ tên lửa lớp Khukri cho Việt Nam là hồi tháng 6/2023.

Với công nghệ quốc phòng phát triển, Ấn Độ cũng là một trong các nhà cung cấp tiềm năng trong chiến lược đa dạng hóa kho vũ khí của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng đến năm 2030.Ấn Độ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh “Chính sách Hành động Hướng Đông” và điều này được đánh giá là đã và sẽ mang lại nhiều lợi ích về quốc phòng cho Việt Nam.


Trại giam Gia Trung cho hai TNLT đi khám tổng quát sau nhiều tháng đề nghị (RFA)

Hai tù nhân lương tâm (TNLT) ở Trại giam Gia Trung được cho đi khám sức khỏe tổng quát sau nhiều tháng trời làm đơn đề nghị, trong khi cống nước thải gần khu giam giữ nữ tù nhân bốc mùi hôi gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Gần một năm kiên nhẫn gửi đơn đề nghị ban giám thị trại giam, gần đây, ông Lưu Văn Vịnh và ông Huỳnh Minh Tâm đã được đưa đi khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Ông Lưu Văn Vịnh (trái) và ông Huỳnh Minh Tâm (Nguồn: RFA)

Ông Vịnh đang thụ án tù 15 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 còn ông Tâm đang thi hành án tù 8 năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.

Bà Lê Thị Thập, vợ của ông Vịnh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 14/5 sau khi thăm chồng ở trại giam.

Anh làm đơn t gn năm nay để được đi ra ngoài khám tng quát thì đợt va ri h mi cho anh đi khám. Họ chỉ cho anh Vnh và anh Hunh Minh Tâm đi khám thôi, vì nhng người còn li không làm đơn nên không được đưa đi khám.”

Bà cho biết kết quả khám bệnh cho thấy chồng mình không mắc phải bệnh nghiêm trọng nào ngoài bệnh xương khớp, trong khi ông Huỳnh Minh Tâm bị đau nhức răng và cần phải chữa trị.

Cũng trong trại giam này còn có một số nhà hoạt động nhân quyền khác như Nguyễn Trung Tôn, Trương Văn Dũng, Lê Văn Phương… và nhiều nhà hoạt động tôn giáo người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Phóng viên chưa thể liên lạc được với gia đình các tù nhân này để tìm hiểu thông tin về sức khỏe và việc khám chữa bệnh của họ.

Ngoài ra, các tù nhân mang án an ninh quốc gia tại đây không ăn thịt lợn do trại giam cung cấp trong nhiều năm qua vì có mùi hôi, tuy đã góp ý nhiều lần nhưng tình trạng không thay đổi.

Ông Lưu Văn Vịnh cũng phản ánh với người thân việc khu giam giữ tù chính trị không có cây cối, phòng giam chật hẹp, chỉ có một quạt máy công suất nhỏ…. khiến điều kiện sống ở đây rất khó khăn trong mùa hè oi bức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của họ.


Mỹ quan ngại về bản án đối với nhà hoạt động Phan Tất Thành (VOA)

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ sự quan ngại về bản án 8 năm tù đối nhà hoạt động Phan Tất Thành, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng quyền tự do phát biểu trên mạng xã hội.

Chúng tôi quan ngại về việc kết án ông Phan Tất Thành vì bày tỏ ôn hòa trên mạng”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu phản ứng trong email trả lời yêu cầu bình luận của VOA sau khi ông Thành bị kết án hôm 8/5.

Chúng tôi cũng lo ngại trước các báo cáo cho rằng chính quyền Việt Nam đã khước từ việc ông Thành được xét xử công bằng và được tiếp xúc đầy đủ với luật sư bào chữa”, vẫn người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Phan Tất Thành tại tòa hôm 8/5/2024. Photo YouTube Tuoi Tre Online.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy điều tra cáo buộc của ông Thành cho rằng ông bị hành hung trong thời gian bị tạm giam.

“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam duy trì các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về nhân quyền và nỗ lực thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ nhân quyền”, bộ ngày nhấn mạnh.

“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của cá nhân được thực hiện các quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo hay tín ngưỡng. Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam cầm bất hợp lý”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về các phát biểu trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng chưa được phản hồi.

Như VOA đã đưa tin, hôm 8/5, ông Thành bị một tòa án ở Tp. Hồ Chí Minh tuyên phạt 8 năm tù và 3 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Một bản cáo trạng mà VOA xem được cho thấy ông Thành sử dụng các tài khoản Facebook khác nhau để đăng tải 7 bài viết “có nội dung tuyên truyền, vu khống, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng”.

VnExpress dẫn lời Hội đồng Xét xử kết luận rằng ông Thành “không thừa nhận hành vi” trên nhưng “tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ xác định hành vi của bị cáo là rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, nên cần xử lý nghiêm”.

Trong khi đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong một thông cáo hôm 7/5 rằng ông Thành “sử dụng Facebook để nêu quan ngại về các tù nhân chính trị, trong đó có các nhà hoạt động nhân quyền đang bị cầm tù”.

Vận động một cách ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền không phải là một tội trạng”, bà Patricia Gossman, Đồng Giám đốc phụ trách Châu Á của HRW, nói trong một tuyên bố, đồng thời kêu gọi “trả tự do ngay lập tức” cho ông Thành.


Bài liên quan:
  • Tin Chính Trong Tuần 22-23-24/7/2024.
  • Chiến tranh Ukraina: Các cuộc tấn công bằng drone buộc hạm đội Nga rời Crimée
  • Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Biden bỏ cuộc, ẩn số mới cho cả Dân Chủ và Cộng Hòa
  • Ngoại trưởng Ukraina lần đầu tiên công du Trung Cộng tìm giải pháp hòa bình
  • Quan điểm của bà Kamala Harris về chính sách Mỹ đối với Trung Cộng
  • Hai bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng Mỹ trấn an đồng minh, đối tác châu Á
  • Bãi Cỏ Mây: Manila khẳng định quyền của Philippines sau khi đã "dàn "xếp" với Bắc Kinh
  • Hamas và Fatah ký tuyên bố tại Bắc Kinh, chấm dứt rạn nứt kéo dài nhiều năm
  • Hoa Kỳ cảnh báo về việc Nga-Trung tăng cường hợp tác ở Bắc Cực
  • Giám đốc Mật vụ Mỹ từ chức sau vụ ông Trump bị mưu sát
  • Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
  • Ông Trọng để lại ĐCSVN ở thế chín muồi cho sự cai trị độc tài
  • Việt Nam tăng cường trấn áp những người chỉ trích ông Trọng trên mạng
  • Anh quốc hồi hương người Việt không được chấp nhận quy chế tỵ nạn
  • Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 còn hơn 3.100 tỷ đồng
  • Project88: Nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên bị kết án 42 tháng tù
  • Tin Chính Trong Tuần 15-16-17/7/2024.
  • Mỹ: Khai mạc đại hội toàn quốc đảng Cộng Hòa sau vụ mưu sát cựu tổng thống Trump
  • Đại hội Đảng Cộng hòa: 'Con sư tử đã vùng dậy và gầm lên'
  • Vụ mưu sát ông Trump: Kỳ vọng và quan điểm chính trị Mỹ có thể thay đổi chỉ trong vài giây
  • Vụ mưu sát Donald Trump: Một bước ngoặt trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ
  • An ninh thắt chặt, vì sao sát thủ bắn Trump lọt qua được?
  • Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Các đối thủ cũ quay về ủng hộ Donald Trump
  • Trump chọn Vance làm phó tướng báo hiệu chính sách cứng rắn với Trung Cộng
  • Tổng thống Zelensky muốn Nga tham dự hội nghị hòa bình cho Ukraina
  • Trung Cộng và khí hậu: Trọng tâm của thượng đỉnh Diễn đàn Quần đảo TBD
  • Iran bác bỏ cáo buộc "có liên quan" đến vụ mưu sát cựu TT Mỹ Donald Trump
  • Công an được chỉ đạo kinh tế Đà Nẵng và Hưng Yên
  • Giải ngân đầu tư công thấp trong 6 tháng năm 2024
  • Việt Nam hợp tác với 2 tập đoàn của Mỹ để đào tạo kỹ sư bán dẫn
  • Việt Nam tiếp tục bàn giao hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích
  • Việt Nam bác bỏ cáo buộc đàn áp hai nhà hoạt động tự do tôn giáo ở Đắk Lắk
  • Dân biểu Mỹ Chris Smith nói Việt Nam đáng bị xếp vào Cấp độ 3 về buôn người
  • Tin Chính Trong Tuần 8-9-10/7/2024.
  • Thượng đỉnh NATO khai mạc: Hậu thuẫn Ukraina chống Nga xâm lược
  • Đan Mạch, Hà Lan viện trợ chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine
  • Chuyên gia Liên Hiệp Quốc: bệnh viện nhi ở Kyiv ‘bị Nga tấn công trực tiếp’
  • Trung Cộng và Belarus tập trận chung gần biên giới Ba Lan
  • Ấn Độ tiếp tục coi Nga như một chỗ dựa chính trong thế đối đầu với Trung Cộng
  • Bầu cử Hạ Viện Pháp: Cánh tả bất ngờ về đầu nhưng không đạt đa số tuyệt đối
  • Philippines và Nhật ký hiệp định phòng thủ nhằm ‘đối trọng’ lại Trung Cộng
  • Nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông diễn tập tại biển Philippines
  • Tân ngoại trưởng Anh dành vòng công du nước ngoài đầu tiên đến các nước trong Liên Âu
  • Gần 8.000 đảng viên bị kỷ luật trong vòng sáu tháng năm 2024
  • Nguyễn Phú Trọng liên tục vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng
  • Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị bắt
  • Hai chiến hạm Mỹ thăm cảng Cam Ranh để thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện
  • 11 Kitô hữu bị Việt Nam bỏ tù tổng cộng 90 năm hiện đang mất tích
  • Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Thái Lan không dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam
  • Tin Chính Trong Tuần 1-2-3/7/2024.
  • Mỹ viện trợ quân sự thêm 2,3 tỉ đô la cho Ukraina
  • Các nước NATO cam kết viện trợ quân sự 40 tỷ euro cho Ukraine
  • Vòng 2 bầu cử Quốc Hội Pháp: Hơn 210 ứng viên rút để dồn phiếu ngăn chặn cực hữu
  • Bầu cử Vương quốc Anh 2024: Điều gì đang bị đe dọa và điều gì sẽ xảy ra?
  • Thủ tướng Hungary Viktor Orban lần đầu tiên đến Ukraina
  • Donald Trump được hưởng quyền “miễn trừ truy tố hình sự của tổng thống”
  • Lãnh đạo TC và Nga tới Kazakhstan dự thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải
  • Sức ép đòi Biden rút lui ngày càng gia tăng trong nội bộ đảng Dân Chủ
  • Tập Cận Bình loại trừ đối thủ trong đảng trước Hội nghị trung ương 3
  • Thêm 37 nhà lập pháp Mỹ yêu cầu không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
  • Các hãng khổng lồ có kế hoạch chuyển đầu tư khỏi Việt Nam
  • Việt Nam nhập siêu từ Trung cộng đến 40 tỷ USD
  • Việt Nam nhận 15 tỷ USD để giảm khí thải, nhưng lại xây thêm nhà máy điện than
  • Công an chưa lên tiếng về việc người nhà trình báo sư Thích Minh Tuệ mất tích
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 24-25-26/2024.
  • Bán đảo Crimée: Nga tố cáo Mỹ đứng sau các vụ Ukraina tấn công bằng tên lửa ATACMS
  • CPI phát lệnh truy nã lãnh đạo quân đội và cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nga
  • Có dấu hiệu cho thấy hiệp ước phòng thủ Nga-Triều khiến Trung Cộng lo lắng
  • Gia nhập Liên Âu: Bruxelles chính thức khởi động đàm phán với Ukraina và Moldova
  • Biển Đông: Philippines cảnh báo nguy cơ nổ ra xung đột toàn khu vực
  • Hiệp ước quân sự Nga-Triều: Seoul dọa sẽ không hạn chế viện trợ quân sự cho Kiev
  • Cuộc tranh luận Biden-Trump đầu tiên: những điều cần biết
  • Tổng thống Đài Loan nhắn gửi Trung Cộng: ‘Độc tài chuyên chế là tội ác’
  • Bắc Triều Tiên thất bại phóng thử tên lửa siêu thanh
  • Hoa Kỳ và Việt Nam lần đầu tiên tổ chức đối thoại kinh tế
  • CSVN muốn Trung cộng giúp vốn, xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam
  • Dự án 88:BNG Mỹ nâng hạng Việt Nam trong Báo cáo buôn người là "vô lương tâm"
  • Cựu Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên bị bắt
  • Vietnam Airlines có nguy cơ vỡ nợ vào tháng 7 nếu không được gia hạn trả nợ