Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Những Điểm Then Chốt Trong Vụ Xét Xử Cựu TT Trump

Phiên tòa lịch sử xét xử cựu Tổng thống (TT) Donald Trump sắp đi đến hồi kết khi các công tố viên đã triệu tập tất cả các nhân chứng, trong khi luật sư bào chữa thì nói rằng lời khai phản bác của họ sẽ rất ngắn gọn.

(photo: Angela Weiss-Pool/Getty Image)

Thẩm phán Tòa án Tối cao New York Juan Merchan đã chỉ thị cho các bên chuẩn bị cho bản kết luận sớm nhất là vào thứ Ba (21/05).

Chẳng bao lâu nữa, bồi thẩm đoàn sẽ phải cân nhắc xem liệu biện lý quận có chứng minh rõ ràng, rằng cựu Tổng thống Trump đã làm giả hồ sơ kinh doanh với 34 cáo buộc nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 hay không.

Lời khai của cựu luật sư Michael Cohen, được xem là mắt xích duy nhất chứng minh cho sự tham gia của cựu TT Trump vào một vụ che đậy theo như cáo buộc, đã kéo dài cả tuần. Ông Cohen sẽ được gọi trở lại bục nhân chứng vào thứ Hai (20/05) để cả hai bên thẩm vấn.

Bởi vì cựu giám đốc điều hành của Trump Organization, ông Allen Weisselberg, không ra làm chứng nên lời khai của ông Cohen là lời nói quyết định về việc liệu cựu Tổng thống Trump có liên quan đến điều mà các công tố viên gọi là âm mưu “tiền bịt miệng” hay không. Các cuộc họp và cuộc trò chuyện để chứng tỏ cựu Tổng thống Trump có liên quan đến âm mưu bị cáo buộc thường chỉ có mặt mỗi ông Cohen, nhưng ông Weisselberg, người hiện đang thụ án 5 tháng tù, đã có mặt tại một cuộc họp quan trọng mà tại đó ông chấp thuận một khoản thanh toán 420,000 USD cho ông Cohen và đưa ra chỉ dẫn về cách thanh toán.

Chữ ký của cựu Tổng thống Trump có trên 11 tấm chi phiếu được trao cho ông Cohen trong suốt năm 2017. Các công tố viên đã dành thời gian thẩm vấn các nhân chứng xác nhận rằng họ đã thấy ông Trump xem xét và ký vào các tấm chi phiếu, đồng thời làm chứng về thủ tục mà cựu Tổng thống Trump nhận được tài liệu hoặc chi phiếu của Trump Organization để ký.

Đúng như dự đoán, các luật sư bào chữa đã đặt câu hỏi về độ tin cậy của ông Cohen với tư cách nhân chứng. Hôm thứ Năm (16/05), bên bào chữa đã cung cấp thêm bằng chứng, trong đó đặt lời khai hôm thứ Ba của ông Cohen trong một bối cảnh khác, cho thấy ông đã khai man trong lần trước.

Các công tố viên đã dẫn dắt ông Cohen từ sự việc ông ký kết thỏa thuận với diễn viên Stephanie Clifford, được biết đến nhiều hơn với nghệ danh Stormy Daniels.

Ông Cohen đã khai rằng cuộc gọi tới vệ sĩ Keith Schiller vào đêm trước cuộc bầu cử năm 2016, được chứng thực bằng sổ ghi chép cá cuộc gọi, trên thực tế là một cuộc trò chuyện cập nhật cho ứng cử viên Trump khi đó về thỏa thuận liên quan đến bà Stormy Daniels.

Nhưng vào thứ Năm (16/05), các luật sư bào chữa đã đưa ra những tin nhắn mà ông Cohen đã trao đổi vài phút trước cuộc gọi này. Một người gọi ẩn danh đã quấy rối ông Cohen và trong một lần, đã quên chặn số của ông. Ông Cohen đã nhắn tin lại, đe dọa sẽ hành động thông qua Sở Mật vụ, sau đó người gọi tự nhận là trẻ vị thành niên và đã xin lỗi. Ông Cohen sau đó đã nhắn tin số điện thoại đó cho ông Schiller và hai người đã nói chuyện qua điện thoại vài phút sau đó.

Ông Cohen đã không nhớ cuộc trò chuyện với ông Schiller về các cuộc gọi quấy rối cho đến khi được nhắc lại qua hồ sơ. Các luật sư bào chữa cho rằng ông cũng không nhớ cuộc gọi điện thoại với cựu Tổng thống Trump cho đến khi các công tố viên gợi ý rằng đó thực tế là những gì mà nhật ký cuộc gọi có ghi lại. Điều này đặt ra nghi vấn về sự tồn tại của một cuộc trò chuyện như vậy.

Ông Cohen cho biết căn cứ vào mốc thời gian đó, ông “tin” rằng mình đã nói chuyện với cựu Tổng thống Trump về bà Stormy Daniels qua điện thoại vào lúc đó. Luật sư bào chữa Todd Blanche, trong lúc nóng nảy, đã trả lời rằng bồi thẩm đoàn không thể dựa vào niềm tin cá nhân và những tình tiết cần thiết của ông Cohen.


Tỷ Lệ Người Mỹ Quan Tâm Đến Việc Mua Xe Điện Suy Giảm

Theo một nghiên cứu gần đây của công ty phân tích và dữ kiện xe hơi J.D. Power, sự quan tâm của người tiêu dùng Mỹ đối với việc mua xe điện đã giảm trong năm qua do lo ngại về cơ sở sạc điện và giá mua cao.

Năm nay, có 24% người mua được khảo sát cho biết họ “rất có khả năng” sẽ cân nhắc mua một chiếc xe điện, giảm từ mức 26% của một năm trước. Ngoài ra, những người cho biết họ “nhìn chung có khả năng” sẽ mua xe điện đã giảm từ 61% vào năm 2023 xuống còn 58% trong năm nay. “Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu nghiên cứu vào năm 2021, mức độ cân nhắc của người mua xe mới đã giảm so với năm trước”.

Trong số những người mua cho biết họ “hơi khó” hoặc “rất khó có thể” cân nhắc mua xe điện, 52% cho rằng việc thiếu trạm sạc là nguyên nhân khiến họ khước từ xe điện. Dữ kiện này đã tăng 3% trong năm qua và đã khiến việc sạc xe trở thành mối lo ngại hàng đầu của những người mua xe điện.

Các lý do khác để từ chối các biến thể xe điện bao gồm giá mua cao, thời gian sạc dài, khoảng cách lái xe cho mỗi lần sạc bị hạn chế, và không thể sạc xe tại nhà hoặc tại nơi làm việc.

Trước đó, những người lái xe nhiều dặm hơn có nhiều khả năng cân nhắc mua xe điện hơn. Nhưng trong báo cáo gần đây, xu hướng này đã đảo ngược trong bối cảnh giá nhiên liệu giảm và lo ngại về việc sạc điện ngày càng tăng. Trong số những người tiêu dùng di chuyển 46–60 phút mỗi ngày mỗi chiều, chỉ có 24% nói rằng họ “rất có khả năng” cân nhắc mua một chiếc xe điện, giảm 13% so với năm ngoái.

Nghiên cứu cũng tìm thấy sự khác biệt trong sở thích xe điện dựa trên việc người tiêu dùng dự định mua chiếc xe đầu tiên hay không phải là xe đầu tiên.

68% người tiêu dùng đang muốn bổ sung thêm một chiếc xe cho gia đình của mình cho biết họ “nhìn chung có khả năng” sẽ cân nhắc mua xe điện. Ngược lại, chỉ có 47% chỉ dựa vào chiếc xe đã mua để di chuyển.

J.D. Power cho biết: “Nếu không có một chiếc xe thứ hai, thì người mua có xu hướng quan tâm hơn đến các vấn đề tiếp liệu liên quan đến việc làm chủ một chiếc xe điện”.

Ông Stewart Stropp, giám đốc điều hành bộ phận tình báo xe điện tại J.D. Power, lưu ý rằng “rào cản chính để thu hút người sử dụng xe điện là tình trạng thiếu hụt các loại xe có giá cả phải chăng, lo ngại về việc sạc điện, và thiếu kiến ​​thức về quyền sở hữu xe điện, bao gồm cả các ưu đãi”.

“Khi hiểu biết về các ưu đãi khuyến khích xe điện tăng lên, thì khả năng xem xét việc sở hữu cũng tăng theo. Tuy nhiên, khoảng 40% người mua xe nói rằng họ chưa hiểu rõ về những ưu đãi đó. Nên việc giáo dục người tiêu dùng về lợi ích xe điện mang lại — bao gồm các ưu đãi sẵn có và cách các ưu đãi này hoạt động — là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thị trường”.

J.D. Power cho biết giá xăng thấp hơn, lãi suất cao, tỷ lệ lạm phát tăng cao, và mức độ tăng trưởng hạn chế về mẫu xe điện cũng góp phần làm giảm nhu cầu về xe điện.

Ông Stropp lưu ý rằng một số nhà sản xuất xe hơi đã trì hoãn kế hoạch sản xuất và khai triển xe điện, chuyển trọng tâm nhiều hơn sang xe nửa xăng, nửa điện. Do đó, nhiều người mua xe không thể tìm thấy những chiếc xe điện đáp ứng yêu cầu của họ.

Báo cáo kể trên được công bố khi chính phủ Tổng thống Biden đẩy mạnh mục tiêu điện khí hóa ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ. Năm 2021, Tổng thống Biden đã đề ra kế hoạch rằng đến năm 2030, 50% tổng số xe mới bán ra ở Hoa Kỳ sẽ là xe chạy hoàn toàn bằng điện hoặc ít nhất là loại xe nửa xăng, nửa điện.

Hôm 20/03, Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã công bố tiêu chuẩn ô nhiễm cuối cùng đối với xe chở khách, xe tải hạng nhẹ, và xe hạng trung cho các mẫu xe từ năm 2027 đến năm 2032 và hơn thế nữa.

Cơ quan này cho biết ngành công nghiệp xe hơi có thể đáp ứng các tiêu chuẩn mới bằng cách bảo đảm rằng 56% doanh số xe mới bán ra vào năm 2032 là xe điện và ít nhất 13% doanh số bán hàng là xe nửa xăng, nửa điện.

EPA tuyên bố các tiêu chuẩn mới sẽ tránh được hơn 7 tỷ tấn khí thải carbon và mang lại lợi ích ròng hàng năm trị giá gần 100 tỷ USD cho xã hội.


Thượng Viện Hoa Kỳ Đề Xướng Nghị Quyết Tái Khẳng Định ‘Chính Sách Một Trung Quốc’

Hôm thứ Năm (16/05), ông Jim Risch, Nghị sĩ đảng Cộng Hòa ở tiểu bang Idaho, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ, đã tuyên bố rằng, hôm thứ Tư (15/05), ông và Nghị sĩ đảng Dân Chủ Jeanne Shaheen ở New Hampshire đã đề xướng một nghị quyết tái khẳng định “Chính sách một Trung Quốc” của Hoa Kỳ và các chính sách tương tự của các đối tác Hoa Kỳ không tương đương với “Nguyên tắc một Trung Quốc” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Risch cho biết trong tuyên bố, “Việc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 2758 vào năm 1971 không có nghĩa là thế giới chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Cộng đối với Đài Loan. Hơn nữa, ‘Chính sách một Trung Quốc’ của Hoa Kỳ khác với ‘Nguyên tắc một Trung Quốc’ của Trung Cộng. Các nhà lãnh đạo Trung Cộng biết điều này, nhưng họ lại tuyên truyền và phủ nhận khả năng tham gia vào các tổ chức quốc tế của Đài Loan. Nghị quyết này làm sáng tỏ sự thật. Hoa Kỳ có thể và nên bác bỏ những tuyên bố sai trái của Trung Cộng mỗi khi có cơ hội”.

Bà Shaheen nói trong tuyên bố, “Hoa Kỳ vẫn luôn tận lực ủng hộ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế và giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển. Tôi tự hào được giúp đỡ việc đề xướng nghị quyết lưỡng đảng này nhằm kiên quyết bác bỏ việc Trung Cộng diễn đạt sai Nghị quyết 2758 của Liên Hiệp Quốc một cách nguy hiểm và không trung thực”.

Tuyên bố của Nghị sĩ Risch đề cập đến nội dung của nghị quyết này là:

“Bác bỏ tuyên bố sai trái của Trung Cộng rằng Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thể hiện sự đồng ý của cộng đồng quốc tế về việc Trung Cộng có chủ quyền đối với Đài Loan. Phản đối nỗ lực của Trung Cộng nhằm ngăn cản Đài Loan tham gia một cách có ý nghĩa vào các tổ chức quốc tế”.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết 2758 vào năm 1971, trao quyền tham gia Liên Hiệp Quốc cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (tức là Trung Cộng, do ông Mao Trạch Đông lãnh đạo), và trục xuất các đại diện của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (do ông Tưởng Giới Thạch lãnh đạo). Nghị quyết cho biết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định “khôi phục mọi quyền lợi của Trung Hoa LỤc Địa, công nhận các đại diện của chính quyền Trung Cộng là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Hoa trong tổ chức Liên Hiệp Quốc, đồng thời lập tức trục xuất các đại diện của ông Tưởng Giới Thạch khỏi các ghế mà ông đã chiếm giữ trong Tổ chức Liên Hiệp Quốc và tất cả các tổ chức trực thuộc của Liên Hiệp Quốc”.

Các viên chức Hoa Kỳ tuyên bố, Hoa Kỳ không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, nhưng cũng cho biết Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc không hề thừa nhận “Nguyên tắc một Trung Quốc” do Trung Cộng nêu ra.

Tại một sự kiện của tổ chức tư vấn ở Hoa Thịnh Đốn, ông Mark Baxter Lambert, Phó trợ lý ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Trung Cộng và Đài Loan, đồng thời là người đứng đầu “Tổ Trung Quốc” của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cho biết hồi cuối tháng trước rằng:

“Đầu tiên, Nghị quyết 2758 không tán thành, không tương đương, và không phản ảnh sự đồng thuận đối với ‘Nguyên tắc một Trung Quốc’ của Trung Quốc (ĐCSTQ). Thuật ngữ này đề cập đến lập trường của TRUNG CỘNG đối với Đài Loan.

Thứ hai, Nghị quyết 2758 không liên quan gì đến quyền lựa chọn của các nước trong bang giao với Đài Loan.

Thứ ba, về vấn đề địa vị chính trị cuối cùng của Đài Loan, Nghị quyết 2758 không cấu thành quan điểm của hệ thống Liên Hiệp Quốc.

Thứ tư, Nghị quyết 2758 không loại trừ Đài Loan khỏi sự tham gia có ý nghĩa vào hệ thống Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn đa phương khác”.

Trong Quốc hội Hoa Kỳ, các thành viên của lưỡng đảng ở cả hai viện của Quốc Hội trước đó cũng công khai tuyên bố rằng Bắc Kinh đã bóp méo Nghị quyết 2758 của Liên Hiệp Quốc.

Tháng 07/2023, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Đoàn kết Quốc tế Đài Loan (Taiwan International Solidarity Act), nhằm giúp Đài Loan chống lại sự cô lập ngoại giao của Trung Cộng. Dự thảo nghị quyết này nêu rõ rằng Nghị quyết 2758 của Liên Hiệp Quốc chỉ công nhận các đại diện của Trung Cộng là đại diện pháp lý duy nhất của Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc, không liên quan đến quyền đại diện của Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc, cũng không đưa ra quan điểm nào về mối quan hệ giữa Trung Cộng và Đài Loan, hoặc chứa bất cứ tuyên bố nào liên quan đến chủ quyền của Đài Loan.

Các nghị sĩ cũng đã làm việc giữa các đảng phái để thúc đẩy một phiên bản Thượng viện của dự luật này vào cuối năm đó, dự luật này đang được Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện xem xét.


Các Hãng Truyền Thông Kêu Gọi Phân Biệt Rõ Giữa Trung Cộng Và Trung Quốc

Giới chính trị Hoa Kỳ từ lâu đã phân biệt rõ quan hệ giữa “Trung Cộng” và “Trung Quốc”. Đến nay, các hãng truyền thông chính thống cũng lên tiếng kêu gọi như thế. Lời kêu gọi ấy đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều giai tầng người Hoa.

Gần đây, hãng truyền thông chính thống Bloomberg tại Hoa Kỳ đã đăng một bài bình luận có tựa đề “Hoa Kỳ không hiểu rõ mối quan hệ giữa nhân dân Trung Quốc và Trung Cộng” (America Just Doesn’t Get China’s People vs. the CCP). Tác giả của bài viết là bà Karishma Vaswani, một nhà bình luận chuyên môn của Bloomberg.

Bài bình luận này cho biết, từ Hoa Thịnh Đốn đến Tokyo, rồi đến Manila và Brussels, sự không tin tưởng vào Bắc Kinh đang gia tăng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị toàn cầu phải ngừng nhầm lẫn giữa Trung Cộng và nhân dân Trung Quốc. Trung Cộng không đại diện cho hy vọng và ước mơ của 1.4 tỷ công dân Trung Quốc.

Hôm 01/05, Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Hoa Kỳ công bố kết quả của một cuộc khảo sát. Theo đó, 81% người Mỹ trong 5 năm liên tiếp đã có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc; 43% người có “quan điểm rất tiêu cực”. Khi nói về mối quan hệ Mỹ-Hoa, 50% người Mỹ coi Trung Cộng là đối thủ cạnh tranh, 42% coi Trung Cộng là địch thủ, chỉ có 6% coi Trung Cộng là đối tác hợp tác.

Bài viết đã trình bày rằng: “Chỉ sử dụng lăng kính của Đảng [ĐCSTQ] để nhìn nhận cả quốc gia là điều nguy hiểm”, vì “người Trung Quốc và ĐCSTQ không phải là một”. Hoa Kỳ cần phải “phân biệt mong muốn của ông Tập Cận Bình và đảng phái của ông ấy với mong muốn của nhân dân Trung Quốc”. Nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách của Trung Cộng đang khiến rất nhiều người dân quốc gia này mất lòng tin.

Sau khi được công bố, bài viết đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước.

Trong một bài bình luận hôm 09/05, ông Zhou Xiao Hui, một nhà bình luận về thời sự, đã nói rằng việc Bloomberg công bố bài viết như vậy vào thời điểm này mang ý nghĩa lớn. Không thể phủ định rằng việc xuất bản bài bình luận này là một bước ngoặt mới, cho thấy Hoa Kỳ và thế giới đã nhận thức rõ hơn về bản chất thật sự của Trung Cộng, đại diện cho một xu hướng chống cộng sản trên toàn cầu. Bài viết cũng đại diện cho việc Hoa Kỳ và châu Âu có thể đánh vào các điểm yếu của Trung Cộng một cách chính xác hơn.

Ông Zhou Xiao Hui nói rằng, hiệu ứng phân biệt giữa Trung Cộng và Trung Quốc của người Hoa rất lớn. Một là để thế giới hiểu rõ hơn ai là kẻ gây hại cho thế giới, là thủ phạm gây ra nhiều cuộc rối loạn trên thế giới. Hai là, đánh thức nhiều người Hoa bị tẩy não, để họ suy nghĩ ai là thủ phạm gây hại cho Trung Cộng, gây hại cho người Trung Hoa, và rốt cuộc Trung Cộng đại diện cho lợi ích của ai. Ba là để tội ác của Trung Cộng được phơi bày ra ánh sáng, không cho phép họ tiếp tục bắt người Hoa làm con tin.

Trong tiết mục của trang truyền thông tự thân (self-media) LT Vision nói rằng, bài viết này đang cung cấp giải pháp cho Tây phương, và đưa ra một nước cờ hiệu quả. LT Vision đưa ra vài quan điểm về điều này: Thứ nhất, kẻ thù lớn nhất của ĐCSTQ không phải là Hoa Kỳ, cũng không phải là Tây phương, mà chính là người dân Trung Quốc. Thứ hai, nếu các quốc gia Tây phương từ bỏ việc quan tâm và chú trọng đến dân chủ và nhân quyền ở Trung Quốc, thì đồng nghĩa với việc họ đang giúp đỡ chính quyền độc tài ĐCSTQ, vì vậy không nên từ bỏ vũ khí có lợi này. Thứ ba, Trung Cộng rất sợ rằng dư luận quốc tế sẽ phân biệt Đảng Cộng sản và người dân Trung Quốc.


Cuộc Chiến Thương Mại Mỹ-Trung Cộng Đang Leo Thang

Khi các hãng truyền thông nói rằng Hoa Kỳ và Trung Cộng đang trên bờ vực của một cuộc chiến thương mại, thì họ đã hướng dẫn độc giả một cách sai lầm. Thực tế là hai nền kinh tế to lớn này đã rớt xuống vực đó từ lâu. Họ đang tiến hành một cuộc chiến thương mại toàn diện và có khả năng sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Mâu thuẫn đã tích tụ trong ít nhất sáu năm qua. Hồi năm 2018 và 2019, cựu Tổng thống Donald Trump khi đó đã áp đặt các mức thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa Trung Cộng nhập cảng vào Hoa Kỳ. Ông Trump muốn thuyết phục Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động thương mại không công bằng, bao gồm trợ cấp trong nước, đánh cắp bằng sáng chế, cũng như các quy định cồng kềnh và khác thường đối với các công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, những biện pháp này đã không tạo ra được sự thay đổi như mong muốn.

Tuy nhiên, bất chấp việc đảo ngược mọi thứ mà cựu Tổng thống Trump đã làm, chính phủ Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên các mức thuế quan. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai khẳng định rằng thuế quan là cách duy nhất để có được sự thay đổi từ Bắc Kinh. Trong những năm gần đây, Tòa Bạch Ốc của ông Biden đã tiến xa hơn nữa. Họ đã cắt đứt hoạt động xuất cảng vi mạch bán dẫn và thiết bị sản xuất vi mạch tân tiến của Hoa Kỳ sang Trung Quốc, cũng như các khoản đầu tư của Mỹ vào kỹ nghệ Trung Cộng. Tổng thống Joe Biden đã trợ cấp cho hoạt động sản xuất vi mạch trong nội địa Hoa Kỳ nhằm ngăn cản hơn nữa tham vọng thống trị thị trường vi mạch toàn cầu của Bắc Kinh.

Giờ đây, nhiều cuộc thảo luận về thuế quan và các hình phạt thương mại khác đã xuất hiện từ cả hai phía. Hoa Thịnh Đốn đã bắt đầu điều tra hoạt động đóng tàu của Trung Cộng. Việc điều tra này bắt nguồn từ đơn khiếu nại của năm nghiệp đoàn lao động quốc gia gửi tới văn phòng bà Tai, cho rằng Bắc Kinh sử dụng các chính sách không công bằng để “thống lĩnh lãnh vực tiếp vận hàng hải và đóng tàu” toàn cầu. Bộ thương mại Trung Quốc đã phản bác, cho rằng các cáo buộc này là sai sự thật và văn phòng của bà Tai đã “hiểu sai các thông lệ thương mại và đầu tư thông thường”. Bộ này đã có lời đe dọa không mấy che giấu về một cuộc điều tra của riêng họ đối với những gì họ mô tả là việc Hoa Thịnh Đốn sử dụng các khoản trợ cấp mang tính phân biệt đối xử.

Trong khi đó, Tổng thống Biden đe dọa sẽ áp đặt các mức thuế quan mới rộng hơn. Trên con đường vận động tranh cử, trong lúc dừng chân ở một nhà máy thép của tập đoàn U.S. Steel tại Pittsburgh, ông đã đề cập đến các khoản trợ cấp của Trung Cộng cho ngành công nghiệp thép và nhôm của họ, đồng thời đe dọa sẽ tăng gấp ba lần mức thuế quan căn bản đối với các sản phẩm này từ 7.5% lên 25%. Nếu những lời đe dọa này trở thành hiện thực, thì chính phủ Tổng thống Biden sẽ tiếp tục áp thêm nhiều thuế hơn nữa ngoài mức thuế quan 10% đối với thép và nhôm do chính phủ cựu Tổng thống Trump áp đặt.

Lời đe dọa tăng thuế quan mới đây nhất đã xuất hiện ngay sau khi Tổng thống Biden đề nghị mức thuế mới cao hơn đối với xe điện, pin, và pin ánh sáng mặt trời của Trung Cộng.

Đáp lại, những gì Bắc Kinh áp đặt mức thuế quan mới đối với hóa chất do Hoa Kỳ sản xuất. Bộ Thương mại Trung Cộng đã đề ra acid propionic (C₃H₆O₂), một loại hóa chất được sử dụng rộng rãi trong thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, và quá trình phát triển dược phẩm. Bộ này đã thiết lập một mức thuế quan rất cao là 43.5%. Mặc dù trong bình luận của họ, Trung Cộng không đề cập đến hai công ty Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc áp thuế này—Dow Chemical và Eastman Chemical—nhưng họ có quy kết cho các nhóm lợi ích của Hoa Kỳ về việc “bán phá giá sản phẩm này trên thị trường Trung Cộng”.

Vì hành động của Bắc Kinh diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Biden đe dọa có các mức thuế quan mới, nên điều mà Bắc Kinh đang ám chỉ, dù không phải trực tiếp nói ra thành lời, là song phương có thể chơi cùng một trò chơi.


Chính phủ Biden tăng thuế quan đối với xe điện, thép, pin năng lượng mặt trời của Trung Cộng

Hôm thứ Ba (14/05), chính phủ Tổng thống Biden đã thông báo rằng chính phủ sẽ áp dụng mức thuế quan 100%—gấp bốn lần mức 25% hiện tại—đối với xe điện (EV) nhập cảng từ Trung Cộng vào năm 2024.

Ngoài xe điện, Tòa Bạch Ốc còn tăng đáng kể thuế quan đối với các sản phẩm thép và nhôm, pin lithium-ion, và pin năng lượng mặt trời của Trung Cộng.

Theo các viên chức Tòa Bạch Ốc, việc tăng thuế này áp dụng đối với lượng hàng nhập cảng hàng năm trị giá khoảng 18 tỷ USD từ Trung Cộng. Họ cũng cho biết, tất cả các mức thuế hiện hành được áp đặt dưới thời chính phủ Tổng thống Trump—đối với lượng hàng hóa từ Trung Cộng trị giá khoảng 300 tỷ USD mỗi năm—sẽ giữ nguyên nếu không tăng.

Giám đốc Hội đồng Kinh Tế Quốc Gia Lael Brainard nói với các phóng viên trong một cuộc phỏng vấn trước khi có thông báo nêu trên: “Trung Quốc đang sử dụng cùng một chiến thuật trước đây để thúc đẩy tăng trưởng của riêng họ trong khi gây ra tổn thất cho nước khác bằng cách tiếp tục đầu tư bất chấp công suất đã dư thừa của mình và làm ngập thị trường toàn cầu với những mặt hàng xuất cảng bị định giá thấp do các hoạt động không công bằng”.

Bà nói thêm rằng việc tăng thuế quan này là nhất quán với chính sách Trung Cộng của Tổng thống Joe Biden về “quản lý cạnh tranh với Trung Cộng một cách có trách nhiệm”. Bà Brainard cho biết, “Chúng tôi đang làm việc với các đối tác trên khắp thế giới để giải quyết những lo ngại chung về các hành vi không công bằng của Trung Cộng”.

Theo một viên chức chính phủ cấp cao trong cuộc phỏng vấn này, chính phủ sẽ thực hiện những điều chỉnh tiếp theo đối với các mức thuế quan này khi nhận được phản hồi từ khu vực tư nhân, người tiêu dùng, các đồng minh, và Trung Cộng.

Xe điện là ưu tiên chiến lược của cả Hoa Kỳ và Trung Cộng.

Đối với Tòa Bạch Ốc, xe điện là trọng tâm trong các sáng kiến ​​liên quan đến khí hậu—đạt được một nửa doanh số bán xe mới là xe điện vào năm 2030—và chính sách “Sản xuất tại Hoa Kỳ” để thúc đẩy ngành sản xuất xe hơi, một lãnh vực quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Sau khi đặt xe điện là một trong những ngành ưu tiên cách đây một thập niên, Trung Cộng đã nhấn mạnh thêm điều này tại phiên họp toàn thể thường niên kết thúc vào tháng Ba của họ, gọi xe điện là một trong những “lực lượng sản xuất mới”. Thay vì thay đổi nền kinh tế từ dựa vào đầu tư sang tiêu dùng, Bắc Kinh dường như đã sẵn sàng xuất cảng để thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay.


Trung Quốc Thâu Tóm Đất Đai Của Hoa Kỳ

Ở cả cấp liên bang và tiểu bang, các nhà lãnh đạo được bầu đang chú ý nhiều hơn đến các mối đe dọa an ninh quốc gia bắt nguồn từ các tài sản địa ốc do người Trung Hoa nắm giữ ở Hoa Kỳ.

Tổng số tài sản địa ốc mà người Trung Hoa nắm giữ ở Hoa Kỳ là chưa rõ và theo luật hiện hành cũng là không thể biết được. Đối với đất nông nghiệp, diện tích do người Hoa làm chủ được cho là chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng diện tích đất đai của Hoa Kỳ, nhưng tỷ lệ này đã nhanh chóng tăng lên trong những năm gần đây, cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng mà tốt nhất là nên được quản lý ngay bây giờ trước khi việc này trở thành một vấn đề trầm trọng.

Cho đến nay, việc đưa tin của các hãng truyền thông và sự giám sát của chính phủ đã tập trung vào một số hình thức và trường hợp mua địa ốc nhất định của người Hoa, do những tác động đến an ninh quốc gia của các giao dịch và tài sản cụ thể này. Ở cấp liên bang, nhiều đề nghị đã được đưa ra tại Quốc hội Hoa Kỳ nhằm nâng cao năng lực của chính phủ trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia bắt nguồn từ việc Trung Cộng thâu tóm địa ốc. Ngoài ra, ở cấp tiểu bang, dựa trên những mối lo ngại tương tự, các nhà lập pháp ở nhiều tiểu bang đang tìm cách mở rộng các hạn chế hiện có hoặc thiết lập các hạn chế mới.

source: Micah Brown and Nick Spellman

Khi Trung Cộng và Hoa Kỳ chìm sâu hơn vào một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới, các mối đe dọa an ninh quốc gia liên quan đến những lợi ích về địa ốc này đang ngày càng gia tăng và trở thành tâm điểm một cách rõ rệt hơn.

Bảo vệ quốc gia khỏi những mối đe dọa này đòi hỏi phải có phản ứng hiệu quả từ các cơ quan an ninh quốc gia liên bang cũng như các chính phủ tiểu bang. Việc cấp thiết là các nhà lập pháp tiểu bang và liên bang phải bảo đảm rằng họ có khả năng giám sát, xem xét, và khi cần thiết, cấm các giao dịch về đất nông nghiệp Hoa Kỳ và các tài sản địa ốc khác gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.

Trong khi các viên chức Hoa Kỳ thường xem việc Trung Cộng làm chủ đất nông nghiệp là một mối đe dọa, thì những lo ngại về an ninh quốc gia có thể nảy sinh từ sự tham gia của Trung Quốc vào lãnh vực địa ốc của Hoa Kỳ trên một phạm vi rộng hơn nhiều. Ví dụ, quyền sở hữu của người Hoa đối với bất cứ địa ốc nào đều có thể là một mối lo ngại nếu tài sản đó có vị trí gần những cơ sở hạ tầng quan trọng, dù có phải là đất nông nghiệp hay không. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn nữa khi những lo ngại về an ninh quốc gia có thể xuất hiện ngay cả đối với những lợi ích không mang tính sở hữu đối với địa ốc—ví dụ: nếu một công ty kỹ nghệ Trung Cộng thuê không gian văn phòng đối diện với Ngũ Giác Đài hoặc giành được quyền sử dụng đất để xây dựng tuabin gió gần một căn cứ quân sự.

Hoa Kỳ hiện không có hệ thống giám sát rộng khắp về quyền sở hữu của người Hoa đối với địa ốc Hoa Kỳ. Quyền sở hữu địa ốc được chính phủ tiểu bang và địa phương giám sát, và ngay cả khi chính phủ liên bang thiết lập một hệ thống để thu thập dữ kiện đó, thì sự thân thiện của Hoa Kỳ đối với các công ty vỏ bọc sẽ khiến bất cứ kết quả thu thập dữ kiện nào trong trường hợp tốt nhất cũng đều là không đầy đủ.

Các lợi ích không mang tính sở hữu, chẳng hạn như hợp đồng thuê, quyền sử dụng đất, giấy phép, và các quyền đối với vùng nước hoặc khoáng sản dưới bề mặt, có thể còn khó phân biệt hơn.

Có thể nhìn ra một số manh mối từ đầu tư trực tiếp ngoại quốc của Trung Cộng vào Hoa Kỳ. Mặc dù đầu tư trực tiếp ngoại quốc từ Trung Cộng đã giảm nhanh chóng từ mức cao 46 tỷ USD hồi năm 2016, các tổ chức chức của Trung Quốc đã vẫn chi gần 700 triệu USD để mua lại các công ty Hoa Kỳ trong năm 2021.

Xét đến việc các công ty Trung Cộng đã chi hơn 100 tỷ USD để mua lại các công ty Hoa Kỳ kể từ năm 2010, với nhiều công ty trong số đó sẽ sở hữu địa ốc, có vẻ như chắc chắn rằng các công ty Trung Cộng kiểm soát một lượng đáng kể tài sản địa ốc ở Hoa Kỳ. Ví dụ, Hiệp hội Môi giới Địa ốc Quốc gia (NAR) báo cáo rằng trong năm 2020, “Người mua Trung Quốc là những người ngoại quốc mua địa ốc thương mại nhiều nhất ở Hoa Kỳ”.


Hoa Kỳ, EU Lo Ngại Về Tung Tích Của Ký Giả Zhang Zhan

Chính phủ Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã bày tỏ lo ngại về tình hình của một ký giả công dân Trung Quốc, người bị bỏ tù vì đưa tin về đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên ở Trung Quốc.

Zhang Zhan

Cô Zhang, 40 tuổi, một cựu luật sư, đã tới tâm dịch Vũ Hán của Trung Cộng vào đầu tháng 02/2020 để tường thuật về tình hình địa phương. Các bài đăng và video trên mạng xã hội của cô thường chỉ trích các biện pháp mà nhà cầm quyền Trung Cộng áp dụng để kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Ba tháng sau cô mất tích ở Vũ Hán và sau đó, người ta biết tin rằng cảnh sát Thượng Hải đã bắt giữ cô.

Hồi tháng 12/2020, cô Zhang bị kết tội “gây gổ và gây rối”, một tội danh mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường sử dụng để bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Cô bị kết án 4 năm tù, và điều này đã thu hút sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Cô Zhang Zhan lẽ ra phải được trả tự do vào ngày 13/05, nhưng cô đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đó và gia đình cô cũng chưa xác nhận việc cô đã trở về nhà.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm 16/05: “Hoa Kỳ lo ngại sâu sắc trước các báo cáo cho biết ký giả công dân Trung Quốc, cô Zhang Zhan đã biến mất sau khi được thả ra khỏi Nhà tù Nữ Thượng Hải vào ngày 13/05 sau bốn năm ở tù”.

Ông Miller cho biết Hoa Kỳ đã “nhiều lần bày tỏ lo ngại sâu sắc” về sức khỏe của cô. Năm 2021, Bộ Ngoại Giao bày tỏ lo ngại về sức khỏe của cô Zhang sau khi có tin tức cô đã tuyệt thực kéo dài và bị bức thực trong thời gian bị giam giữ.

Ông Miller nói,“Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi của Trung Cộng tôn trọng nhân quyền của cô Zhang, bao gồm cả việc chấm dứt ngay lập tức các biện pháp hạn chế mà cô và tất cả các ký giả ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phải đối mặt, bao gồm giám sát, kiểm duyệt, sách nhiễu, và đe dọa”.

Ông nói thêm: “Các ký giả ở Trung Quốc phải được an toàn và có thể đưa tin một cách tự do”.

Bà Nabila Massrali, phát ngôn viên về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh Âu Châu, đã lên X (trước đây là Twitter) vào ngày 16/05 để bày tỏ lo ngại về tung tích của cô Zhang.

Bà Massrali viết,

“Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tình hình hiện nay của cô ấy và nhắc lại những lo ngại trước đây của chúng tôi về sức khỏe của cô ấy. Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Trung Cộng cung cấp thông tin về tình trạng của cô ấy và ngay lập tức xác nhận việc cô ấy đã được thả”,

Cô Jane Wang, một nhà hoạt động hiện đang sinh sống tại Vương quốc Anh, người đã vận động để trả tự do cho cô Zhang, đã đăng trên X vào ngày 13/05 rằng, gia đình cô Zhang đã phải chịu “áp lực rất lớn và bị cảnh cáo nghiêm khắc là không được trả lời phỏng vấn trên truyền thông”. Cô cho biết thêm rằng một nhà hoạt động Trung Quốc “đã bị cảnh sát triệu tập” vì đã nói chuyện với mẹ cô Zhang về việc đón con gái bà tại nhà tù Thượng Hải.

Trong bài đăng trên X của mình, cô Vương cho biết sự im lặng xung quanh cô Zhang có thể gợi ý một số khả năng—rằng cô ấy hoặc bị trở thành một tù nhân trong chính ngôi nhà của mình, hoặc bị giam giữ tại một cơ sở y tế mà không được gặp mặt gia đình, hoặc bị chính quyền bắt cóc.


Tổng Thống Và Ngoại Trưởng Iran Thiệt Mạng Trong Vụ Tai Nạn Trực Thăng

Truyền thông nhà nước Iran đưa tin Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng Ngoại trưởng quốc gia này và những người khác đã thiệt mạng ngay tại hiện trường vụ tai nạn trực thăng hôm thứ Hai (20/05) sau cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều giờ đồng hồ tại khu gừ miền núi giăng kín sương mù phía tây bắc quốc gia này. Ông Raisi hưởng dương 63 tuổi.

TT Iran: Ebrahim Rasin
(photo: Britannica)

Đài truyền hình nhà nước Iran không lập tức đưa ra nguyên nhân vụ tai nạn ở tỉnh Đông Azerbaijan của Iran. Trong số những người thiệt mạng còn có Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian, 60 tuổi.

Hãng thông tấn nhà nước IRNA đưa tin rằng, đi cùng ông Raisi có Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian, thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan của Iran, cùng các viên chức và vệ sĩ khác.

Sáng sớm thứ Hai (20/05), chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố những gì họ mô tả là cảnh quay từ phi cơ điều khiển bằng vô tuyến (drone) cho thấy một đám cháy ở vùng rừng núi hoang vu mà họ “nghi ngờ là mảnh vỡ của trực thăng”. Tọa độ được liệt kê trong đoạn phim cho thấy đám cháy này cách biên giới Azerbaijan-Iran khoảng 20 km về phía nam, bên sườn một ngọn núi dốc.

Đoạn phim do IRNA công bố vào đầu ngày thứ Hai cho thấy những gì cơ quan này mô tả là địa điểm rơi trực thăng, băng qua một thung lũng dốc trong dãy núi xanh. Những người lính nói bằng ngôn ngữ địa phương Azeri rằng: “Nó đây rồi, chúng tôi đã tìm thấy nó”.

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người nắm quyền lực tối thượng và có tiếng nói cuối cùng về mọi chính sách đối nội và đối ngoại, cho biết sẽ không có sự gián đoạn nào đối với công việc nhà nước.

Một số nước láng giềng bày tỏ sự quan tâm và đề nghị trợ giúp trong mọi hoạt động giải cứu.

Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về các báo cáo về vụ tai nạn này. Liên minh Âu Châu đã cung cấp kỹ nghệ lập bản đồ vệ tinh khẩn cấp để giúp Iran trong hoạt động tìm kiếm.

Ông Raisi, 63 tuổi, là một người có đường lối cứng rắn, từng lãnh đạo cơ quan tư pháp của đất nước này.

Vào sáng sớm hôm 19/05, ông Raisi đã có mặt ở biên giới với Azerbaijan để khánh thành một con đập với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Con đập này là con đập thứ ba mà Iran và Azerbaijan xây dựng trên sông Aras. Chuyến công du diễn ra bất chấp mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai chính phủ, bao gồm cả vụ tấn công bằng súng vào Tòa Đại sứ Azerbaijan ở Tehran năm 2023 và quan hệ ngoại giao của Azerbaijan với Israel, quốc gia mà chế độ thần quyền Shiite của Iran coi là kẻ thù trong khu vực.

IRNA đã công bố những hình ảnh mà họ mô tả là ông Raisi cất cánh trên một chiếc trực thăng giống như một chiếc trực thăng Bell, với tông màu sơn xanh trắng từng thấy trong các bức ảnh được công bố trước đây.

Ông Raisi đã trở thành tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất trong lịch sử Cộng hòa Hồi Giáo. Ông Raisi bị Hoa Kỳ trừng phạt một phần vì liên quan đến vụ hành quyết hàng loạt hàng ngàn tù nhân chính trị trong những năm sau cuộc cách mạng 1979.

Trong nhiệm kỳ của ông Raisi, Iran đã có thể làm giàu uranium ở mức gần cấp độ vũ khí và cản trở các cuộc thanh tra quốc tế. Iran đã trang bị vũ khí cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine, cũng như tiến hành một cuộc tấn công bằng drone và phi đạn quy mô lớn vào Israel trong bối cảnh Israel đang tiến hành cuộc chiến với nhóm khủng bố Hamas ở Dải Gaza. Iran cũng tiếp tục trang bị vũ khí cho các nhóm khủng bố ủy quyền ở Trung Đông, như Houthis của Yemen và Hezbollah của Lebanon.

Các cuộc biểu tình rầm rộ ở nước này đã nổ ra trong nhiều năm. Vụ gần đây nhất liên quan đến ca tử vong của cô Mahsa Amini hồi năm 2022. Trước đó, cô Amini đã bị giam giữ vì bị cáo buộc không đội khăn trùm đầu hijab theo yêu cầu của chính quyền. Cuộc đàn áp bạo lực kéo dài hàng tháng của chế độ này diễn ra sau các cuộc biểu tình đã khiến hơn 500 người thiệt mạng và hơn 22,000 người bị giam giữ. Hồi tháng Ba, một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc đã kết luận rằng Iran phải chịu trách nhiệm về “bạo lực thân thể” dẫn đến ca tử vong của cô Amini.