TIN THẾ GIỚI.
Tổng thống Zelensky nói viện trợ phương Tây cho Ukraine quá chậm (VOA)
Các đồng minh phương Tây mất quá nhiều thời gian để đưa ra các quyết định hệ trọng về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn độc quyền tại Kyiv ngày 20/5.
Rõ ràng là thất vọng, ông mô tả việc cung cấp viện trợ, đặc biệt là các hệ thống phòng không như hệ thống Patriot mà Ukraine phụ thuộc rất nhiều trong cuộc chiến với Nga, là “một bước tiến lớn, nhưng trước đó, là lùi hai bước.”
“Mọi quyết định mà chúng tôi, sau đó là tất cả mọi người cùng nhau đưa ra, đều đưa ra muộn khoảng một năm,” ông nói.
Những nhận xét cứng rắn của ông được đưa ra vào thời điểm nguy hiểm đối với lực lượng của ông, lực lượng đang bị quân đội Moscow áp đảo về số lượng và hỏa lực cũng như mất lãnh thổ ở phía đông bắc và phía đông đất nước.
Ông Zelenskyy đề nghị những cách mà các đồng minh có thể giúp đỡ trực tiếp hơn, bao gồm cả việc bắn hạ phi đạn Nga trên lãnh thổ Ukraine trong một số trường hợp nhất định.
Ông nói: “Người Nga đang sử dụng 300 máy bay trên lãnh thổ Ukraine”. “Chúng tôi cần ít nhất 120, 130 máy bay để chống cự trên bầu trời”, ông Zelenskyy nói thêm, đề cập đến những chiếc F-16 do Mỹ thiết kế và ông hy vọng một số trong số đó sẽ sớm được sử dụng trong chiến đấu.
“Bạn không thể cung cấp điều đó ngay bây giờ? OK … quay trở lại những chiếc máy bay mà bạn có trên lãnh thổ các nước NATO láng giềng: đưa chúng bay lên … bắn hạ các mục tiêu, bảo vệ dân thường.”
“Họ có thể làm được điều này chứ? Tôi chắc chắn là có. Đó có phải là một cuộc tấn công của các nước NATO hay sự can thiệp? Không.”
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nói Kyiv đang đàm phán với các đối tác quốc tế để sử dụng vũ khí của họ tấn công các khí tài quân sự của Nga ở biên giới và xa hơn bên trong lãnh thổ Nga.
“Cho đến nay, không có gì tích cực,” ông nói.
Hoa Kỳ đã phản đối lời kêu gọi của Ukraine sử dụng phi đạn chống lại lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận, phản ánh mối lo ngại ở phương Tây về nguy cơ leo thang đồng thời tìm cách đảm bảo Kyiv giành chiến thắng.
Theo ông Zelenskyy, tình hình chiến trường ở phía đông bắc đất nước hiện đã được kiểm soát sau khi lực lượng của Moscow vượt biên giới và tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố Kharkiv.
Ông nói rằng thế giới không nên quên rằng Nga cũng đang đẩy mạnh hoạt động ở phía đông. Ông Zelenskyy cho biết, các lực lượng của Ukraine vốn đã dàn mỏng dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.000 km, nhưng sẽ mất thời gian để chuẩn bị tân binh theo đợt huy động mới cho trận chiến.
Liên Âu cho phép sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga hỗ trợ Ukraina (RFI)
Ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU), hôm 22/05/2024, đã chính thức ký thỏa thuận sử dụng lợi nhuận từ những tài sản của Nga bị phong tỏa trong khối nhằm hỗ trợ quân sự cho Ukraina.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :
210 tỷ euro của Ngân hàng Trung ương Nga đặt trong các ngân hàng, định chế tài chính tại các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Số tiền này tương đương với 2/3 số tài sản bị phong tỏa của Nga trên toàn thế giới kể từ khi nước này xua quân xâm lược Ukraina. Số tiền được cất giữ trong các định chế tài chính gọi là quỹ quản lý tín dụng. Hầu hết số tiền này được đặt tại cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear ở Bỉ.
Bỉ là tâm điểm của những cuộc đàm phán vì nước này phải từ bỏ các quy định về thuế, đó là mức thuế 25% áp dụng đối với những khoản tiền lãi. Số tiền được sử dụng là tiền lãi nẩy sinh chứ không phải vốn gốc và được phân bổ để tái thiết Ukraina, nhưng trong giai đoạn đầu, 90% số tiền sẽ được sử dụng để mua vũ khí cho Kiev.
Số tài sản bị phong tỏa này mang lại từ 2 tỷ rưỡi đến 3 tỷ euro tiền lãi mỗi năm và có thể sẽ được sử dụng nhanh chóng, bởi từ ngày 15/02, các quỹ quản lý tín dụng đã nhận lệnh giữ nguyên tiền lãi cũng như không được chia cổ tức. Dự kiến, đợt thanh toán đầu tiên cho Ukraina sẽ diễn ra vào tháng 7 tới.
Quân đội Nga tập trận vũ khí nguyên tử chiến thuật để đối phó với “đe dọa” phương Tây (RFI)
Quân đội Nga bắt đầu tập trận với vũ khí ‘‘hạt nhân chiến thuật’’ từ ngày 21/05/2024, tại quân khu miền nam, giáp giới với Ukraina. Theo bộ Quốc Phòng Nga, cuộc tập trận là nhằm đáp trả ‘‘các đe dọa của một số lãnh đạo phương Tây’’.
Bộ Quốc Phòng Nga cho biết, trong giai đoạn tập trận này, binh sĩ Nga được huấn luyện để ‘‘nạp các loại đạn đặc biệt’’ lên dàn phóng tên lửa Iskander, có thể mang đầu đạn hạt nhân, và bí mật di chuyển các phương tiện này đến những địa điểm phát hỏa.
Thông tín viên Anissa El Jabri từ Matxcơva cho biết cụ thể :
‘‘Nga đã thông báo trước đó về các cuộc tập trận này đúng vào ngày 06/05/2024, ngay trước lễ nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống mới của Putin, và ba ngày trước cuộc diễu hành quân sự truyền thống ngày 09/05. Vào thời điểm đó, bộ Quốc Phòng Mỹ nói đến ‘‘đây là một ví dụ về lối tuyên truyền vô trách nhiệm mà chúng ta đã từng thấy từ phía Nga’’.
Điện Kremlin giờ đây đã biến lời nói thành hành động với những hình ảnh tuyên truyền rầm rộ. Từ cuối ngày hôm qua, kênh Telegram của bộ Quốc Phòng Nga đã phổ biến hình ảnh các chuyến xe tải hạng nặng, chở tên lửa Iskander và các bệ phóng tên lửa siêu thanh. Trên các kênh Telegram cá nhân, giới phóng viên quân sự Nga dĩ nhiên hòa cùng một nhịp với bộ Quốc Phòng, với nhiều bài viết dài về hệ thống vũ khí được quảng bá là hùng mạnh nhất thế giới.
Một thông điệp đe dọa khác là vị trí của cuộc tập trận, nằm trong ‘‘quân khu phía nam’’, với bộ tư lệnh nằm tại thành phố Rostov, nơi đặt tổng hành dinh của chiến dịch quân sự chống Ukraina của Putin. Các vùng lãnh thổ của Ukraina bị Nga sát nhập cũng thuộc phạm vi của Quân khu này’’.
Theo AFP, hôm nay, 22/05/2024, một quan chức bộ Ngoại Giao Nga, Artem Stoudennikov, nhấn mạnh là, nếu Pháp ‘‘đưa quân’’ đến Ukraina, phản ứng của Nga sẽ ‘‘không chỉ là về mặt chính trị’’. Ông Artem Stoudennikov nhắc lại rằng Matxcơva trước đó đã cảnh báo Paris, việc đưa quân Pháp đến Ukraina sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu giữa hai cường quốc hạt nhân.
Về mặt chính thức, học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật, để ‘‘tự vệ’’ trong trường hợp nước Nga bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay các cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước ‘‘đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Nga’’. Tuy nhiên, hồi tháng 2/2024 vừa qua, báo Anh Financial Times công bố một số tài liệu quân sự Nga rò rỉ cho thấy ‘‘ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên của Nga’’ dường như thấp hơn so với giả định của giới chuyên gia quân sự phương Tây.
Tân tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức kêu gọi Trung Cộng ‘‘chấm dứt các đe dọa’’ (RFI).
Trong lễ nhậm chức hôm 20/05/2024, tân tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) đã kêu gọi Trung Cộng chấm dứt ‘‘các đe dọa về chính trị và quân sự’’, đồng thời cảm ơn người dân Đài Loan đã đồng lòng kháng cự lại ‘‘ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài’’ và ‘‘kiên quyết bảo vệ nền dân chủ’’.
Theo AFP, tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Lại Thanh Đức, có 8 nguyên thủ quốc gia và 51 phái đoàn khách quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada.
Tại phủ tổng thống ở Đài Bắc, tân tổng thống kêu gọi Trung Cộng ‘‘chia sẻ với Đài Loan trách nhiệm với thế giới trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, cũng như toàn bộ khu vực, và nỗ lực để thế giới được giải thoát khỏi nỗi lo chiến tranh.’’
Tân tổng thống nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ‘‘tăng cường tiềm lực quốc phòng’’ và ‘‘củng cố khuôn khổ pháp lý để bảo vệ an ninh quốc gia’’, nhưng mặt khác cũng cam kết ‘‘sẽ duy trì nguyên trạng’’, một diễn đạt để chỉ chính sách bảo vệ nền độc lập trên thực tế, nhưng không chính thức tuyên bố độc lập.
Từ ít năm gần đây, căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan gây lo ngại bùng phát thành xung đột. Ngay trước lễ nhậm chức của tổng thống Lại Thanh Đức, văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc chính phủ Trung Cộng, một lần nữa phát đi thông điệp cảnh báo ‘‘việc Đài Loan độc lập và hòa bình tại eo biển’’ là hai chuyện trái ngược ‘‘như nước với lửa’’.
Nhà chính trị học, chuyên gia về Trung Cộng Stéphane Corcuff nhận định: ‘‘Không ai chờ đợi Đài Loan sẽ tuyên bố độc lập, bởi Đài Loan trên thực tế đã là một nhà nước độc lập, với tư cách Trung Hoa Dân Quốc. Như vậy sẽ không có chuyện chính quyền Lại Thanh Đức có thái độ triệt để hơn trong vấn đề này. Nhưng ông Lại Thanh Đức có thể dấn thêm một chút so với thời bà Thái Anh Văn, ví dụ như đưa ra một diễn đạt ngắn kiểu ‘‘Đài Loan và Trung Cộng là hai nước khác nhau’’ thay vì ‘‘hai Nhà nước’’. Bởi ‘‘nước’’ và ‘‘Nhà nước’’ là hai chuyện khác nhau. Những chuyện như vậy có thể xảy ra, nhưng tôi thấy tân tổng thống Đài Loan trong bối cảnh nhạy cảm với ông ấy và với Đài Loan từ lâu nay, không có cơ sở nào lại có thể đi xa hơn như thế, bởi Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ’’.
Về mặt đối nội, vị tổng thống đắc cử với 58% phiếu bầu sẽ phải hợp tác với các đảng phái đối lập, do mất đa số tại Quốc Hội, điều mà bà Thái Anh Văn, tổng thống tiền nhiệm cùng đảng Dân Tiến, chưa phải trải qua. Nhà ở, vấn đề dân số hay chính sách với người lao động nhập cư là các thách thức hàng đầu mà tổng thống Lại Thanh Đức phải đối mặt.
Ukraina: Thêm gần một triệu người đăng ký nghĩa vụ quân sự. Tấn công của Nga vào Kharkiv đã chậm lại (RFI)
Luật hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 để đáp ứng nhu cầu của quân đội trong cuộc chiến chống Nga được tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ký phê duyệt hồi đầu tháng 4 chính thức có hiệu lực hôm 18/05/2024. Từ 4 ngày qua, hàng trăm nghìn người đã tới phòng tuyển quân trên toàn quốc để đăng ký nhập ngũ.
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết cụ thể :
Chính phủ của Volodymyr Zelensky từng nghĩ rằng luật huy động quân sự không được lòng dân, thế nhưng kể từ khi văn bản được ban hành hôm 18/05, đã có ít nhất một triệu người Ukraina đến phòng tuyển quân hoặc đăng nhập vào ứng dụng di động có tên Reserv+ để đăng ký với nhà chức trách, khẳng định sẵn sàng nhập ngũ.
Điều này không có nghĩa là tất cả mọi người sẽ đi chiến đấu, nhưng họ được cấp giấy tờ hợp lệ, cũng như thẻ quân nhân, xác nhận họ trở thành những tân binh tiềm năng, trong khi quân đội cần từ 300.000 đến 400.000 binh lính mới để tiếp sức cho những người lính đã kiệt sức sau 2 năm chiến tranh.
Điểm đáng lưu ý của đạo luật mới là tù nhân cũng có quyền ký hợp đồng đăng lính. Trong tháng 4, gần 4.500 tù nhân đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập quân đội, và trong 4 ngày qua, 3.000 người trong số họ đã thực hiện các thủ tục đăng ký để được huy động, trong khi cơ quan chức năng dự báo có khoảng từ 10.000 đến 20.000 tù nhân có thể được động viên, theo đạo luật mới.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với những tù nhân phạm tội giết người, hiếp dâm hoặc các tội chống lại an ninh quốc gia.
Về tình hình chiến sự, tổng thống Volodymyr Zelensky, hôm qua 21/05/2024, tuyên bố quân đội Ukraina đang có được những “kết quả rõ nét” ở khu vực Kharkiv, đông bắc đất nước, khi đẩy lùi thành công quân Nga xâm lược. Phát ngôn viên của lực lượng Ukraina trong khu vực, Nazar Volochyn, cũng cho biết trên truyền hình rằng Kiev đã “ổn định được tình hình ở khu vực, đặc biệt ở thành phố Vovchansk”.
Tấn công của Nga vào Kharkiv đã chậm lại
Về cuộc chiến tranh ở Ukraina, thông tín viên Les Echos ghi nhận « Cuộc tấn công của Nga ở vùng Kharkiv đã chậm lại nhờ sự kháng cự của quân đội Ukraina ». Sau 10 ngày chiến đấu dũng cảm, làng Vovtchansk 20.000 dân cách biên giới Nga chỉ có 3 kilomet vẫn đứng vững trước quân Nga, dù hầu như đã bị biến thành bình địa cùng với hai ngôi làng khác. Tuy thiếu đạn, nhưng Ukraina xoay sở với các drone để chận lại xe quân sự và bộ binh Nga.
Hiện nay Ukraina vẫn kiểm soát được 60 % Vovtchansk. Quân Nga đang cố gắng nhắm vào tuyến phòng ngự gần làng này và Starytsya, Lyptsi. Các quân nhân Ukraina than phiền sở dĩ quân Nga tiến được dễ dàng trong thời gian qua là vì thành phố không được bảo vệ bằng các phòng tuyến kiên cố, chẳng có mìn cũng không có bẫy xe tăng.
ĐIỂM BÁO. Iran: Raissi tử nạn, dân ăn mừng! (Trích RFI)
Dân Iran vui mừng vì “đao phủ Teheran” thiệt mạng
Trước hết về thái độ của người dân khi nghe tin tổng thống qua đời. La Croix mô tả « Tại Teheran, sự vui mừng thấy rõ của dân Iran ». Libération và Le Figaro đều có các bài phóng sự tả lại cảnh dân chúng ăn mừng cái chết của tổng thống Raissi, “đao phủ Teheran”. Nhà báoHassanBagherzadeh cho biết ngay từ đầu cách xử lý thông tin của chính quyền đã gây nghi ngờ về kết cuộc thảm khốc. Chiếc trực thăng chở tổng thống trang bị nhiều thiết bị định vị GPS, họ không thể không biết, nhưng chỉ nói về một vụ « hạ cánh thô bạo ». Theo ông, cái chết của ông Raissi được cố tình loan báo trễ, để tránh việc dân chúng biết tin trong giờ cao điểm.
Rất nhiều người dân đã thức suốt đêm, dán mắt vào điện thoại, theo dõi từng phút một thông tin một diễn tiến của hoạt động cứu hộ. Họ phải chọn lựa giữa những luồng thông tin trái ngược, tìm cách hiểu những gì phía sau thông báo tuyên truyền. Cho đến 6 giờ rưỡi sáng địa phương khi tin tổng thống Ebrahim Raissi thiệt mạng được chính thức loan báo, sự hân hoan bùng nổ.
Tiếng còi xe vang lên khắp nơi, pháo bông được bắn lên ở một số khu phố Teheran và các tỉnh. Trong khi chính quyền tuyên bố năm ngày quốc tang, làn sóng vô số các video, chuyện tiếu lâm, biếm họa lan tràn trên các mạng xã hội. Nhiều chiếc xe rời thủ đô ra ngoại ô, người ta cùng bạn bè, người thân đi nghỉ để ăn mừng. Tại các cửa tiệm bánh mì, tạp hóa…người bán cười rất tươi, thái độ niềm nở hẳn, khách hàng trao đổi với nhau ánh mắt, nụ cười đồng cảm.
Raissi, một trong những khuôn mặt hắc ám nhất của chế độ Iran
Sinh năm 1960 tại thành phố thánh Machhad, Ebrahim Raissi là một trong những khuôn mặt « hắc ám » nhất của nước Cộng Hòa Hồi giáo. Sự nghiệp đẫm máu của ông ta bắt đầu từ Karadj ở gần Teheran, khi được bổ nhiệm làm công tố viên trưởng thành phố này, sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979.
Raissi nằm trong danh sách đen bị Washington trừng phạt vì vi phạm trầm trọng nhân quyền, đặc biệt ông ta tham gia một trong những « ủy ban tử thần » trong những vụ hành quyết ở các nhà tù Iran năm 1988. Năm đó hàng ngàn tù nhân trung thành với nhóm vũ trang Chiến binh Hồi giáo Nhân dân đã bị hành quyết hàng loạt mà không xét xử, gia đình không được thông báo. Chỉ vài người chỉ huy bộ máy sát nhân này, trong đó có Raissi. Đó là một trong những trang đen tối nhất của lịch sử nước Cộng Hòa Hồi giáo, theo một nhà hoạt động ẩn danh nói với Le Figaro.
Năm sau Raissi được thăng làm công tố viên trưởng Teheran, rồi thứ trưởng tư pháp, viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao. Lòng trung thành mù quáng với giáo chủ Ali Khamenei, năm nay 85 tuổi, khiến Raissi được coi là một trong những người có thể kế nhiệm. Được giáo chủ giới thiệu ứng cử trong một cuộc bầu cử mà các ứng cử viên được một « hội đồng vệ binh » chọn lọc trước, Ebrahim Raissi trở thành tổng thống ngày 18/06/2021 nhưng với tỉ lệ vắng mặt kỷ lục. Vừa nhậm chức, người được mệnh danh là « sát thủ » đã ra tay đàn áp giới trẻ và phụ nữ.
Đề nghị truy nã thủ tướng Israel: Tổng thống Mỹ mạnh mẽ bảo vệ đồng minh (RFI)
Chưởng lý Karim Khan hôm 20/05/2024, chính thức đề nghị Tòa Hình sự Quốc tế (ICC/CPI) phát lệnh truy nã thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và bộ trưởng Quốc Phòng Israel cùng nhiều lãnh đạo tổ chức Palestine Hamas với các cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại Gaza. Mỹ và nhiều nước đồng minh chỉ trích đề nghị này là « quá đáng », trong khi Pháp tuyên bố ủng hộ CPI.
Từ Miami, thông tín viên đài RFI, David Thomson tường thuật :
Hiếm khi thấy Joe Biden tỏ cơn giận một cách công khai. Nhưng sau khi chưởng lý CPI đề nghị truy nã nhắm vào thủ tướng Benjamin Netanyahu và lãnh đạo phe Hamas Yayah Sinwar, tổng thống Mỹ, đang làm lễ mừng tháng di sản Do Thái tại Mỹ trong cùng ngày, đã nói thẳng :
« Tôi xin nói rõ là chúng tôi bác đề nghị truy nã của Tòa Hình sự Quốc tế nhắm vào lãnh đạo Israel. Bất kể hệ lụy của lệnh này như thế nào, không có chuyện đánh đồng Israel với Hamas. »
Tổng thống Mỹ nhân dịp này còn nhắc lại lập trường của Nhà Trắng liên quan đến việc sử dụng từ « diệt chủng ».
Ông nói : « Rõ ràng là Israel muốn làm tất cả những gì có thể để bảo vệ thường dân. Trái với những cáo buộc do Tòa Công lý Quốc tế đưa ra nhằm vào Israel, những gì đang diễn ra ở Gaza không phải là diệt chủng. Chúng tôi bác bỏ ý tưởng này ».
Một lập trường cũng bị chính đảng của ông phản đối và có nguy cơ khiến Joe Biden phải trả giá đắt vào tháng 11 tới đây. Sự hậu thuẫn của ông dành cho Israel đang làm cho điểm tín nhiệm của ông bị sụt giảm mạnh ở những nhóm thiểu số, một bộ phận cử tri quan trọng để giành thắng lợi cuộc bầu cử tổng thống trong sáu tháng tới.
Theo AFP, ngay sau phát biểu của chưởng lý CPI, các nước phương Tây đã có những phản ứng trái chiều. Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell cho biết « lưu ý » quyết định của ICC. Nước Ý, thông qua lời ngoại trưởng Antonio Tajani, có cùng lập trường với Mỹ khi cho rằng « không thể chấp nhận » khi đặt Hamas và Israel ngang hàng. Quan điểm này cũng được Đức cùng chia sẻ. Trong thông cáo, bộ Ngoại Giao Đức đánh giá đề nghị truy nã cùng lúc lãnh đạo Israel và phe Hamas, đang « tạo ra một ấn tượng sai lầm về sự tương đồng. »
Riêng tại Pháp, chính trường bị chia rẽ. Nếu như bộ Ngoại Giao Pháp tuyên bố ủng hộ CPI, giới chức lãnh đạo các chính đảng cánh hữu và cực hữu Pháp lên án một sự « tương đồng không thể chấp nhận », một sự « song hành đáng xấu hổ ».
Về phần mình, chính phủ Israel tuyên bố đề nghị truy nã của chưởng lý ICC là « đáng khinh », đồng thời xem đấy như là một « nỗ lực của chưởng lý Karim Khan nhằm từ chối cho Israel quyền tự vệ và bảo đảm việc trả tự do cho các con tin còn bị giam giữ ở dải Gaza ».
Scarborough: Philippines kêu gọi Trung Cộng để quốc tế điều tra tình trạng ‘‘phá hủy’’ hệ sinh thái (RFI)
Bãi cạn Scarborough, Biển Đông, tiếp tục là tâm điểm căng thẳng giữa Philippines và Trung Cộng. Hôm 20/05/2024, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Phillippines kêu gọi Bắc Kinh mở cửa cho quốc tế điều tra về cáo buộc tàn phá các hệ sinh thái tại bãi cạn Scarborough, khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách đảo chính Luzon khoảng 200 km, và cách đảo Hải Nam của Trung Cộng gần 900 km.
Kể từ tháng 09/2023, Trung Cộng đã kiểm soát một phần bãi cạn này, sau khi thiết lập một hàng rào nổi dài khoảng 400 mét để ngăn ngư dân Philippines tiếp cận khu vực bên trong bãi cạn. Theo AFP, trả lời báo giới, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Phillippines Jonathan Malaya khẳng định: ‘‘Nếu họ tự coi mình là người bảo vệ môi trường, họ nên mở cửa Bajo de Masinloc (tên người Philippines gọi bãi cạn Scarborough) cho các nhà quan sát quốc tế’’.
Hội đồng An ninh Quốc gia Philipinnes ‘‘kêu gọi các bên thứ ba, các nhóm bảo vệ môi trường hay bất kỳ tổ chức nào khác tiến hành tìm hiểu để xác định tình hình môi trường ở Bajo de Masinloc’’. Ông Malaya cho biết thêm là ngày càng có nhiều đồng thuận để chuẩn bị đệ đơn kiện mới chống Trung Cộng ra tòa án quốc tế, về các cáo buộc phá hủy các rạn san hô và đánh bắt trai khổng lồ, cùng nhiều hoạt động phá hoại môi trường khác ở Biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc từng ra một phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại phần lớn Biển Đông, bao gồm khu vực bãi cạn Scarborough.
Philippines tổ chức rầm rộ chuyến đi tiếp tế cho ngư dân gần Scarborough
Chính quyền Philippines dường như đang kiên quyết hơn trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Hôm 17/05 vừa qua, tổ chức phi chính phủ Atin Ito cho biết vừa thực hiện chuyến đi tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm cho 670 ngư dân hoạt động tại các khu vực sát với bãi cạn Scarborough. Quân đội Philippines đã huy động hai tàu hộ tống và nhiều phi cơ để bảo đảm an toàn cho 160 thành viên của chuyến đi, và các phóng viên trong nước và quốc tế tham gia theo dõi sự kiện này.
Theo người phát ngôn của Atin Ito, Emman Hizon, ngày 15/05 đoàn đã tiếp cận được với các ngư dân tại khu vực lân cận bãi cạn Scarborough, ‘‘bất chấp lực lượng tàu bè đông đảo và bất hợp pháp của Trung Cộng’’. Đại tá Xerxes Trinidad, phát ngôn viên Quân Đội Philippines, khẳng định chuyến đi này là một nỗ lực hòa bình nhằm chuyển đi một thông điệp quan trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc gia, bảo vệ quyền chủ quyền của Philippines tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Tư lệnh Tuần duyên Philippines, đô đốc Ronnie Gil Gavan, cũng ra một thông báo khen ngợi các hành xử ‘‘chuyên nghiệp’’ của lực lượng tuần duyên làm nhiệm vụ hộ tống đoàn tiếp tế.
Azerbaijan bị cáo buộc kích động bạo loạn chưa từng có ở Nouvelle-Calédonie
Cách Nouvelle-Calédonie (Tân Đảo) gần 14.000 km, Azerbaijan làm gì để bị cáo buộc « nhúng tay » vào vụ bạo loạn chưa từng có ở vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại Thái Bình Dương ? Tại sao cờ của Azerbaijan, những khẩu hiệu bằng tiếng Nga kêu gọi “tổng thống Putin đến cứu Nouvelle-Calédonie”, lại xuất hiện trong các cuộc tuần hành từ ngày 13/05/2024, sau đó nhanh chóng biến thành bạo động?
Tám ngày sau cuộc bạo loạn chưa từng có ở Nouvelle-Calédonie kể từ năm 1988, trật tự đang dần được tái lập nhờ lực lượng tiếp viện được điều từ Pháp lục địa. Tuy nhiên, Paris tiếp tục quan ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Azerbaijan, ở tận vùng Kazkav, thuộc Liên Xô cũ, đến lãnh thổ hải ngoại Nouvelle-Calédonie ở tận Thái Bình Dương. Chuyện Baku can thiệp không phải là « ảo tưởng » mà là « thực tế », theo khẳng định ngày 16/05 của bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérald Darmanin. Ngay lập tức, đại sứ quán Azerbaijan tại Paris ra thông cáo bác bỏ « những cáo buộc vô căn cứ của bộ trưởng Pháp ».
Azerbaijan kêu gọi khẳng định giúp đỡ các dân tộc bị thực dân đô hộ
Đài truyền hình TF1 nêu lên ít nhất ba chiến dịch bóp méo thông tin về Pháp được lan truyền ở Nouvelle-Calédonie, trong đó có cáo buộc « cảnh sát Pháp là kẻ sát nhân », tất cả đều liên quan đến đảng Tân Azerbaijan (YAP) cầm quyền. Thậm chí, nhật báo Nhà nước Azerbaijan Respublika đăng tin « Pháp phải xin lỗi nhân loại. Pháp gây ra bể máu ở khắp nơi họ đặt chân tới » và « Sự ủng hộ lớn nhất cho người Kanak đến từ Azerbaijan ».
Giám đốc của tổ chức là Abbas Abbasov, nguyên phó thủ tướng Azerbaijan (1992-2006), công khai ủng hộ cuộc đấu tranh của người Kanak ở Nouvelle-Calédonie. GIB còn can thiệp vào nhiều sự kiện khác ở các vùng hải ngoại Pháp như về khủng khoảng nhập cư ở Mayotte và miêu tả đảo Corse bên bờ bùng nổ khi tổng thống Macron đến thăm đảo vào tháng 02.
Một hoạt động nghiêm trọng hơn, bị Paris cáo buộc là Baku can thiệp vào chuyện nội bộ, là một phái đoàn của Nouvelle-Calédonie, do dân biểu Omayra Naiseline, nhân danh Nghị viện Nouvelle-Calédonie, đã ký với chủ tịch Nghị Viện Azerbaijan một biên bản ghi nhớ về hợp tác nghị viện trong chuyến công du Baku. Bất bình của Paris nhanh chóng bị coi là « chính sách hậu thực dân » với « khoảng 5.000 tin nhắn từ các tài khoản Azerbaijan được đăng trên các mạng xã hội liên quan đến Nouvelle-Calédonie chỉ trong vài phút ». Trước đó, đầu tháng 05, nhóm đòi độc lập Tavini Huiraatira ở vùng Polynésie của Pháp cũng ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác với nhiều quan chức Azerbaijan.
Azerbaijan trả thù Pháp ủng hộ Armenia ở vùng Thượng Karabakh
Chính quyền Baku không che giấu « chính sách đấu tranh chống tân thực dân ». Lý tưởng về « quyền của các dân tộc bị áp bức được làm chủ vận mệnh », được tổng thống Ilham Aliyev nhấn mạnh khi Azerbaijan giữ chức chủ tịch Phong Trào không Liên kết năm 2019. Đây chính là động lực để phe ủng hộ độc lập Nouvelle-Calédonie thắt chặt liên hệ với Azerbaijan. Tuy nhiên, theo chủ tịch Nghị Viện vùng lãnh thổ hải ngoại Pháp Roch Wamytan, Azerbaijan chỉ tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh của người Kanak thông qua việc thành lập Nhóm Sáng kiến Baku (GIB).
Thực ra, chuyên gia Bastien Vandendyck, Đại học Công giáo Lille, nhận định trên đài truyền hình BFM rằng « Azerbaijan không thực sự quan tâm đến lý tưởng của phe đòi độc lập. Họ ủng hộ FLNKS (Mặt trận Giải phóng Quốc gia Kanak và Xã hội), chỉ để làm gia tăng các bất đồng chính trị-xã hội ở Nouvelle-Calédonie ». Một cách để « cản trở Pháp bảo vệ chủ quyền » như việc chính quyền Paris ủng hộ Armenia trong khủng hoảng ở vùng Thượng Karabakh, bị chính quyền Baku coi là xâm phạm « toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Azerbaijan ».
Paris ngày càng lo ngại hiệu ứng « vết dầu loang » vì chiến lược tuyên truyền của Azerbaijan « về chính sách thuộc địa ở Nouvelle-Calédonie », dập khuôn từ phương pháp của Nga, có « quy mô lan tỏa nhanh và mạnh » và có thể dẫn đến « nguy cơ bắt chước ở các vùng hải ngoại khác », theo nhận định của một nhà ngoài giao Pháp ẩn danh. Trước tình hình căng thẳng này, tổng thống Pháp bất ngờ thông báo đến vùng lãnh thổ hải ngoại ngay tối 21/05.
TIN VIỆT NAM.
Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn
Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái, dặc trách Kinh Tế hôm 20/5 thừa nhận nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng và cho biết chính phủ sẽ duy trì các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, theo Reuters.
Theo ông Lê Minh Khái, lạm phát tại Việt Nam đang gia tăng trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn còn yếu. Ông cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó bao gồm tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây sức ép lớn lên công tác chỉ đạo điều hành.
Ông Khái cho biết tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam đạt 5,66%, khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6%-6,5% trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng 5,05% vào năm ngoái.
“Đây là một thách thức lớn để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội năm nay”, Reuters dẫn lời ông Khái nói khi thay mặt chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách những tháng đầu năm 2024 hôm 20/2.
Việt Nam, một trung tâm sản xuất được hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, đang phải gánh chịu gánh nặng lãi suất tăng cao trên toàn cầu khi chúng làm giảm nhu cầu về hàng hóa. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất ở châu Á nhưng vẫn thấp hơn mức 7% trước đại dịch.
Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn.
“Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỉ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm”, Lao Động dẫn lời ông Lê Minh Khái nói.
Trước tình trạng khó khăn trên, chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giữa bối cảnh còn nhiều thách thức do nhu cầu toàn cầu suy yếu, Bloomberg dẫn lời ông Khái cho biết thêm.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm tìm cách cắt giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn và thúc đẩy đầu tư công. Vẫn theo lời ông, Việt Nam sẽ bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Việt Nam cũng thừa nhận quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ áp lực lạm phát cao trong năm nay.
Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát từ 4% – 4,5%. Trong quý I/2024, lạm phát tại Việt Nam ở mức tăng bình quân 3,77% so với bình quân cùng kì, theo Tổng cục Thống kê. (VOA)
Đại Tướng Tô Lâm rời Bộ Công an để làm Chủ Tịch Nước
Sau đề nghị của thủ tướng, Quốc hội sẽ phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm, để mở đường cho việc bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước.
Báo chí Việt Nam đưa tin, đầu giờ chiều nay 21/5, với 468/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thêm một nội dung nữa vào chương trình kỳ họp 7 Quốc hội 15.
Theo chương trình mới được điều chỉnh, vào cuối giờ chiều 21/5, Quốc hội bắt đầu thực hiện các quy trình phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an và bầu chủ tịch nước với ông Tô Lâm.
Việc bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết của Quốc hội và nghi lễ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước thì sẽ được tiến hành vào sáng ngày 22/5.
Như vậy, ông Tô Lâm sẽ rời ghế bộ trưởng Công an trước khi vào “Tứ Trụ”.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo rằng, việc thêm vào lịch trình khâu miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an là ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nội dung phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an và dự kiến bố trí Quốc hội tiến hành nội dung này cùng với nội dung về công tác nhân sự tại phiên họp chiều 21/5 và sáng 22/5,” ông Cường báo cáo Quốc hội.
Khác với trước đó, vào ngày 19/5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm trong kỳ họp này.
Những thay đổi đột ngột nói trên dường như gợi ý rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc bố trí nhân sự, hoặc có sự bất đồng ở nhóm lãnh đạo cấp cao. Bởi lẽ, chương trình họp Quốc hội vốn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt nội dung từ trước.
Đại Tướng Tô Lâm rời Bộ Công An với những ưu tư trước mặt: Nếu một trong những người được ông bảo trợ hoặc đồng minh, chẳng hạn như Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, mà được bổ nhiệm thay thế ông Lâm [nắm Bộ Công an], điều này sẽ củng cố triển vọng chính trị của ông. Tuy nhiên, nếu ai đó từ phe đối địch hoặc người mà ông ta không có quyền chọn, triển vọng ông Tô Lâm có thể gặp nguy hiểm. Bởi vì Tô Đai Tướng từng gây ra biết bao thù oán trong nội bộ từ cấp cao đến cấp Tỉnh Thành, nay nếu “cụt tay chân” bên Bộ Công An thì phải tự mình xoay xở để sống còn với tình trạng “điệu hổ ly sơn” (Tổng hợp)
Việt Nam lại có Chủ Tịch Quốc Hội mới
Ông Trần Thanh Mẫn, 61 tuổi, vừa tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hôm 20/5, thay thế cho ông Vương Đình Huệ, người đã từ chức vào tháng trước vì những vi phạm và khuyết điểm không được nêu rõ, giữa bối cảnh thượng tầng lãnh đạo Việt Nam đang diễn ra các cuộc “đổi ngôi” chưa từng có trong nhóm “tứ trụ” khi chiến dịch chống tham nhũng đang ngày càng leo thang.
Ông Trần Thanh Mẫn quê quán ở Hậu Giang. Ông có bằng tiến sĩ kinh tế và trước đó từng giữ các chức vụ lãnh đạo tại tỉnh Cần Thơ như Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội… trước khi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị vào năm 2021.
Ông Mẫn được 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (475/475 đại biểu) bỏ phiếu tán thành sau khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đề cử cho chức chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 16/5.
“Đây là niềm vinh dự to lớn, đồng thời là trách nhiệm cao cả của tôi trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, ông Trần Thanh Mẫn nói trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức.
Tân chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói ông “nhận thức sâu sắc rằng dù ở vị trí công tác nào cũng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc và quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”, đồng thời cam kết “thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng” và “gương mẫu về đạo đức, lối sống”.
Trước khi được bầu vào nhóm “tứ trụ”, ông Trần Thanh Mẫn là cấp phó của ông Vương Đình Huệ, người đã từ chức chủ tịch quốc hội vào tháng trước khi nhiệm kỳ làm việc của ông còn đang dang dở. Trước ông Huệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng từ chức vào tháng 3/2024 chỉ sau một năm đảm nhiệm chức vụ. Cả hai ông đều được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho “thôi giữ các chức vụ” và “nghỉ công tác” với lý do chung chung giống nhau là “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm” và “chịu trách nhiệm người đứng đầu”, giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đang leo thang.
Ông Thưởng và ông Huệ ra đi khiến cho hai trong số 4 vị trí lãnh đạo cao nhất (“tứ trụ”) của Việt Nam bị bỏ trống.
Ngoài ông Trần Thanh Mẫn đã chính thức nhậm chức, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng đã được Trung ương giới thiệu cho chức chủ tịch nước hôm 19/5 và ông dự kiến sẽ được Quốc hội bỏ phiếu bầu chọn vào cuối tuần này. Đây được xem là một bước chỉ mang tính thủ tục.
Việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao “từ chức” giữa nhiệm kỳ trong một khoảng thời gian ngắn đã tạo ra những biến động chính trị lớn mà giới quan sát và phân tích nói là chưa từng có tại Việt Nam, gây những tác động mạnh trên kinh tế, khiến LHQ, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây phải đưa ra cảnh báo với chính phủ.
Reuters hôm 17/5 dẫn số liệu từ các tổ chức cho biết Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do tình trạng “tê liệt” bộ máy hành chính khi cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng gia tăng, khiến các quan chức chậm phê duyệt các kế hoạch và dự án vì sợ vi phạm vào các quy định phức tạp.
Đảng Cộng sản Việt Nam tuần trước đã bầu bốn thành viên mới bổ sung vào Bộ Chính trị, sau khi lãnh đạo cấp thứ năm là bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, được chấp thuận cho “thôi giữ các chức vụ”, khiến bà trở thành người thứ 6 rời Bộ Chính trị kể từ cuối năm 2022. (VOA)
Putin không thăm Việt Nam, vì thượng tầng hỗn loạn
Trong lúc Đảng Cộng sản Việt Nam đang rơi vào hỗn loạn do đấu đá nội bộ và nước này cho đến 22/5 sẽ bầu ra chủ tịch nước mới, chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ không thành hiện thực sau khi ông kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, đài DW của Đức đưa tin.
Ông Putin vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày tới Trung Quốc hôm 18/5 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 để tiếp tục thể hiện tình hữu nghị giữa Moscow và Bắc Kinh.
Trước đó, nhiều tin đồn cho rằng sau khi rời Bắc Kinh, ông Putin sẽ đến Hà Nội trước khi bay về Moscow. Nhưng Hà Nội lại đang bận bịu với đấu đá chính trị trong nước.
Người đồng cấp để đón và hội đàm với Tổng thống Nga sẽ là chủ tịch nước Việt Nam, nhưng vị trí này đang bị để trống sau khi hai vị chủ tịch nước đều từ chức liên tiếp trong vòng có hơn một năm mà mới nhất là ông Võ Văn Thưởng hồi tháng Ba.
Hôm 20/5, Quốc hội Việt Nam đã nhóm họp để bầu ra Chủ tịch Quốc hội mới nhưng phải đến sáng ngày 22/5, Quốc hội mới bầu tân Chủ tịch nước, dự kiến sẽ là đương kim Bộ trưởng Công an Tô Lâm, truyền thông trong nước đưa tin.
Do đo, nếu ông Putin đến Việt Nam vào ngày 18/5 thì ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người sẽ đón tiếp và hội đàm với ông Putin sẽ là quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Chính vì vậy, việc ông Putin đến Việt Nam sau khi đến thăm Trung Quốc đã trở nên không khả dĩ.
Hôm 15/5, ông Gennady Stepanovich Bezdetko, đại sứ Nga tại Việt Nam, đã nói với báo chí trong nước rằng ông Putin sẽ đến thăm Việt Nam ‘trong tương lai gần’ nhưng chưa xác định ngày giờ cụ thể, tờ Tuổi Trẻ cho biết.
Hồi tháng Ba Việt Nam đã từng phải hoãn chuyến thăm của Vua và Hoàng hậu Hà Lan ‘vì lý do nội bộ’ trong lúc có những tin đồn về việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sắp ra đi.
Việt Nam đã bỏ phiếu trắng đối với hầu hết các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án hành vi xâm lược của Nga vào Ukraine và vẫn duy trì hợp tác chặt chẽ với Moscow bất chấp sự vận động của các nước châu Âu.
Nga là một trong những nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sớm nhất với Việt Nam. Hà Nội từ lâu đã hợp tác chặt chẽ với Nga trong lĩnh vực thăm dò dầu khí và mua bán vũ khí.
Tháng 10 năm ngoái, cựu Chủ tịch Võ Văn Thương đã gặp ông Putin tại Bắc Kinh tại Thượng đỉnh về Vành đai-Con đường. Hồi tháng Ba, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời ông Putin thăm cấp nhà nước.
Mỹ và EU đang cố gắng đẩy mạnh trừng phạt Nga và trấn áp các nước nào tìm cách lách các biện pháp trừng phạt để hỗ trợ Nga, nhất là những nước tái xuất khẩu thiết bị quân sự hoặc kỹ thuật cho Nga.
Trong số đó có thể có cả Việt Nam, theo DW. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao châu Âu nói với đài này rằng các nước phương Tây rất khó đánh giá liệu Hà Nội có hỗ trợ gì cho Nga hay không.
Ông David O’Sullivan, đặc phái viên EU về việc thực thi các biện pháp trừng phạt, lẽ ra đã gặp các quan chức Việt Nam hôm 13/5 nhưng sự kiện này đã bị Hà Nội hoãn lại chỉ vài ngày trước khi nó diễn ra.
“Chúng tôi thất vọng vì chuyến thăm (của ông David O’Sullivan) đã không thể diễn ra lần này và đang thảo luận với giới chức Việt Nam về ngày giờ thuận tiện trong tương lai gần,” một phát ngôn nhân của EU nói với DW.
Đầu tháng này, Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao cho biết chuyến thăm dự kiến của ông O’Sullivan đã bị hủy bỏ vì nó có thể sẽ ‘làm hỏng’ chuyến công du của ông Putin. Giờ đây nó dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7.
Việc hoãn chuyến thăm của ông Putin có thể là do Việt Nam ngần ngại về về hậu quả ngoại giao với phương Tây, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, DW cho biết. Nhưng đài này dẫn hai nguồn tin từ EU và Việt Nam cho biết rằng nhiều khả năng là do bất ổn chính trị của Hà Nội.
Chỉ trong vòng hai tháng, hết Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rồi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và mới đây nhất Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai đều bị mất chức vì ‘vi phạm quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm’.
Bất ổn chính trị này bắt nguồn từ chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động hồi năm 2016 mà giờ đây đã trở thành đấu đá nội bộ của Đảng.
Khi ông Trọng dự kiến sẽ về hưu vào năm 2026, Đảng sẽ phải tìm ra người kế nhiệm ông, và do đó mà những ứng cử viên tiềm đang tìm cách triệt hạ đối thủ và phe phái khác để đảm bảo các vị trí hàng đầu cho chính họ đồng minh, DW dẫn lời các nhà phân tích cho biết.
“Chừng nào hỗn loạn chính trị ở Hà Nội còn tiếp tục, khó có khả năng ông Putin sẽ đến thămViệt Nam”, ông Ian Storey, học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, được DW dẫn lời nói.
Qua đường trao đổi riêng tư, chính phủ Việt Nam có thể đã nói với phía Nga rằng lúc này là không phù hợp vì vị trí chủ tịch nước hiện bỏ trống, DW dẫn một nguồn tin ngoại giao EU cho biết. Điều đó có nghĩa là người chính thức tiếp đón ông Putin sẽ không rõ ràng.
Dù sao đi nữa, việc Việt Nam không đón ông Putin sẽ điều mà Brussels hoan nghênh. Ông Putin đến Hà Nội sẽ đẩy EU vào thế khó nếu họ phải lên án một đối tác thương mại quan trọng. (VOA)
Quan chức Việt Nam thứ hai ủng hộ quyền của công nhân bị bắt
Thêm một quan chức có những nỗ lực cải cách Luật Lao động Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế bị bắt giữ với cáo buộc “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” trong khi Quốc hội nước này đang bầu thêm hai chức danh lãnh đạo mới.
Trong thông cáo báo chí gửi cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 20/5, tổ chức Dự án 88 (Project 88) dẫn nguồn tin riêng cho hay, ông Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và là một người ủng hộ quyền của công nhân, bị bắt giữ theo Điều 337 của Bộ Luật Hình sự.
Tổ chức phi chính phủ tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam tiết lộ, lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông Tiến trước công chúng là vào ngày 21/3 tại một buổi hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cho đến nay, Bộ Công an hoàn toàn chưa đưa thông tin về vụ bắt giữ hay các cáo buộc liên quan, báo chí Nhà nước cũng im lặng trước vụ việc.
Phóng viên gọi cho số điện thoại di động được cho là của ông Vũ Minh Tiến nhưng không thể kết nối. Phóng viên cũng gọi điện thoại cho Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) nhưng cán bộ trực điện thoại từ chối trả lời.
Việc bắt giữ ông Tiến diễn ra không lâu sau khi Bộ Công an bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng với cáo buộc “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.”
Tổ chức có trụ sở tại Mỹ cho rằng, việc bắt giữ ông Vũ Minh Tiến có liên hệ trực tiếp với Chỉ thị 24, một chỉ thị mật về an ninh quốc gia của Bộ Chính trị, tương tự với trường hợp của ông Bình.
Dự án 88 khẳng định trong thông cáo: “Vụ bắt giữ Tiến và Bình, vụ bắt giữ các nhà cải cách cấp cao đầu tiên trong những năm gần đây, cho thấy mệnh lệnh của Chỉ thị 24 đang được nhà nước thực hiện.”
Bình luận về vụ bắt giữ ông Tiến chỉ một tháng sau khi bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình với cùng cáo buộc, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) Josef Benedict nói với RFA trong tin nhắn ngày 21/5:
“Vụ bắt giữ này là một nỗ lực rõ ràng nhằm bịt miệng tiếng nói chỉ trích quyền lao động trong nước và bóp nghẹt một nhà hoạt động đang nỗ lực cải thiện các tiêu chuẩn lao động, phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam.”
Ông cho rằng việc bắt giữ hai ông Bình và Tiến “nêu bật việc chế độ nhắm mục tiêu có hệ thống vào những người bảo vệ nhân quyền trong nước và là sự nhạo báng về tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ của Việt Nam.”
Ông kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho hai ông Tiến và Bình, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng cho họ.
“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng, đặc biệt là Liên minh Châu Âu (EU), và thúc đẩy việc trả tự do cho hai nhà hoạt động công đoàn và đòi hỏi quyền tự do lớn hơn cho các công đoàn trong nước.”
Ông Vũ Minh Tiến là ai?
Trước khi được bổ nhiệm làm trưởng ban Chính sách-Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 11/2023, Tiến sỹ Vũ Minh Tiến làm Viện trưởng Viện Công nhân & Công đoàn (viết tắt là IWTU) từ năm 2018 với nhiệm vụ nghiên cứu về các vấn đề lao động và tham mưu về chính sách cho chính phủ.
IWTU cũng là thành viên của Nhóm Tư vấn Trong nước (DAG) của Việt Nam. Theo các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA), cả EU và Việt Nam đều phải cho phép các tổ chức xã hội dân sự độc lập thành lập DAG để giám sát việc tuân thủ các cam kết lao động và bền vững của họ.
Theo Dự án 88, vào tháng 11 năm 2023, IWTU báo cáo rằng tại cuộc họp song phương giữa DAG của EU và DAG của Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự châu Âu đã chỉ trích việc Chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc bắt giữ nhiều nhà hoạt động và việc không đảm bảo quyền của người lao động tham gia vào việc thương lượng tập thể. Có thể quan chức IWTU đã chia sẻ thông tin với EU DAG và điều này được lấy làm cớ để bắt ông Tiến.
Dự án 88 cũng cho rằng việc bắt giam hai quan chức có xu hướng cải cách nằm trong nỗ lực dập tắt xu hướng này trong hàng ngũ quan chức của chế độ bên cạnh việc gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự theo Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị ban hành vào tháng 7 năm ngoái. Thậm chí, vụ bắt giữ họ còn bị cho là liên quan trực tiếp đến văn bản này vì chính quyền Việt Nam coi sự hình thành các tổ chức công đoàn độc lập gây hại cho an ninh quốc gia.
Một nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý do an ninh, cho rằng chính quyền độc đảng ở Việt Nam không bao giờ đồng ý cho công đoàn độc lập hay một hình thái tổ chức tương tự ra đời mà họ không kiểm soát được. Do vậy, họ sẽ tìm cách triệt hạ bằng cách này hay cách khác những người vận động công đoàn.
“Thoạt đầu, khi tham gia vào các hiệp định kinh tế, Hà Nội sẽ làm ra vẻ tuân thủ các điều khoản đó. Nhưng sau đó họ tìm cách bắt giữ những người hoạt động môi trường tới lãnh đạo xã hội dân sự và giờ là các cán bộ vận động cho công đoàn.”
Theo nhà hoạt động này, quốc tế thật ngây thơ khi tin rằng Việt Nam sẽ tôn trọng các giao kèo vì Hà Nội tiếp tục gia cố độc tài chứ không bao giờ muốn trao quyền cho người dân.
Một giảng viên đại học kỳ cựu ở Hà Nội cũng cho rằng công đoàn độc lập sẽ khó có cơ hội được phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay khi mà công an đang là lực lượng áp đảo trong ban lãnh đạo, với năm trong số 16 uỷ viên Bộ Chính trị xuất thân từ công an, và đương kim Bộ trưởng Công an Tô Lâm được giới thiệu vào chức vụ Chủ tịch nước.
Trong thông cáo, Dự án 88 cũng nhận định EU vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp cụ thể nào để trừng phạt Việt Nam vì vi phạm các điều khoản của EVFTA bất chấp hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội.
“Các chính phủ phương Tây tuyên bố quan tâm đến nhân quyền cần phải hành động trước chính sách vi phạm chính những quyền này của Việt Nam,” ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88 kêu gọi.
Ông cho rằng hai vụ bắt giữ trên là minh chứng cho sự thất bại của các tổ chức quốc tế khi họ không thể bảo vệ được những người cải cách công đoàn ở Việt Nam như họ vẫn tuyên bố.
Phóng viên gửi email cho Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Văn phòng Quốc gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam với đề nghị bình luận về vụ bắt giữ ông Tiến, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. (RFA)
Nhiều công ty nước ngoài bị yêu cầu phải cắt giảm sử dụng điện vì thiếu điện
Cho dù hồi tháng ba vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài là sẽ không để lặp lại tình trạng thiếu điện trong năm nay. Nhưng trên thực tế, thì giới chức Việt Nam vừa yêu cầu Foxconn – hãng cung cấp sản phẩm cho Apple – phải cắt giảm sử dụng điện năng đến 30% tại các nhà máy ở phía Bắc của hãng để tránh thiếu điện trong dịp hè.
Hãng tin Reuters hôm 21/5 dẫn hai nguồn tin giấu tên biết rõ về vụ việc này cho biết, yêu cầu cũng được gửi ra cho nhiều nhà sản xuất khác với mục đích tránh tình trạng thiếu điện như đã xảy ra hồi hè năm ngoái.
Đề nghị được gửi cho Foxconn được cho biết là khuyến khích và không có ý là bắt buộc, do đó không có ảnh hưởng lên sản xuất. Một trong hai nguồn tin cho Reuters biết.
Việt Nam hiện đang lệ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đã cố gắng hấp dẫn các hãng đầu tư vào Việt Nam trong các ngành tiêu tốn năng lượng như sản xuất chip bán dẫn.
Một nguồn tin cho Reuters biết, Chính phủ thậm chí còn yêu cầu các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than hoãn việc bảo trì để đáp ứng nhu cầu điện cao trong các tháng nóng nhất.
Các nguồn tin không cho biết ai là người gửi các yêu cầu này cho Foxconn và thời gian đề nghị cắt giảm sử dụng điện là bao lâu. Một nguồn tin cho Reuters biết đề nghị này là mở, tức không có thời hạn.
Hiện Apple cũng chưa đưa ra phản ứng gì trước thông tin này.
Foxconn là hãng sản xuất thiết bị điện tử gia công lớn nhất thế giới với các nhà máy ở miền Bắc Việt Nam, bao gồm tỉnh Bắc Giang nơi hãng lắp ráp các thiết bị iPad và máy tính xách tay cho Apple.
Công ty Điện Bắc Giang hồi tháng ba vừa qua cho biết công ty đã đề nghị giới chức các khu công nghiệp ở địa bàn tỉnh hợp tác để thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện.
Vào hè năm 2023, Foxconn cũng bị yêu cầu ngưng sản xuất nhiều ngày do thiếu điện, theo Wall Street Journal. Công ty bị yêu cầu phải ngưng sản xuất từ chiều tối đến giữa đêm. Các khu công nghiệp ở Bắc Ninh và Bắc Giang nơi có các nhà máy của Foxconn và Samsung hồi hè năm ngoái cũng phải đối mặt với tình trạng mất điện toàn bộ do thiếu điện.
Bị điều tra xe không an toàn, cổ phiếu VinFast giảm gần 19%
Cổ phiếu VFS của hãng xe điện Việt Nam VinFast vừa có hai phiên giao dịch đầy kịch tính khi vừa tăng giá 30% vào hôm 20/5 đã ngay lập tức giảm 19% trong phiên giao dịch ngay sau đó, theo tìm hiểu của VOA.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/5, cổ phiếu VFS đã mất 18,67% giá trị, theo chỉ số Nasdaq, sau khi có tin Cơ quan An Giao thông Xa lộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) đang điều tra một vụ tai nạn trên xe VinFast ở California hồi tháng trước làm 4 người trong một gia đình thiệt mạng.
Mới một ngày trước đó, trong phiên giao dịch hôm 20/5, VFS đã có một phiên bùng nổ khi đã tăng giá hơn 30% sau khi nhà đầu tư đón nhận tin tức VinFast được tiếp cận hệ thống sạc xe điện của hãng Bosch của Đức ở châu Âu.
Vụ tai nạn xảy ra vào tối ngày 24/4, một gia đình ở thành phố Pleasanton, bang California, đã mượn chiếc xe điện SUV VF8 của một đồng nghiệp. Chiếc xe này đã bị lạc tay lái, chệch khỏi đường, đâm vào một cây cột rồi đâm tiếp vào một cái cây, sau đó bốc cháy khiến cả gia đình bốn người đều tử vong, CNN dẫn đơn khiếu nại được cho là của chủ xe được đăng trên trang web của NHTSA cho biết. Trong số các nạn nhân có hai trẻ em ngồi ở ghế sau.
Chủ chiếc xe VF8 này từng phàn nàn về tính năng tự lái của nó, cũng theo CNN. Trang TechCrunch còn nói rõ hơn là chủ xe từng than phiền về phần mềm hỗ trợ của xe mà chủ xe cho là ‘đôi khi giật xe sang bên phải’. Đây cũng là điều mà các chủ xe VF8 khác cũng đã trải qua.
Trong đơn khiếu nại được CNN dẫn lại, chủ xe cho biết chiếc xe gặp nạn từng bất ngờ bị lệch sang bên phải khi đang chạy trong ít nhất là hai trường hợp. Trong ít nhất một trường hợp, tính năng tự lái của xe, được bật lên ‘theo mặc định’. Chủ xe lúc đó đã có thể giành lại quyền kiểm soát và kéo chiếc xe quay trở lại đúng làn.
TechCrunch cho biết NHTSA đã giao cho bộ phận Điều tra Đặc biệt về Tông xe (Special Crash Investigations) xem xét tình huống khiến xe gặp nạn và vụ cháy xe sau đó.
Tuy nhiên, trong khi đợi kết luận điều tra, hiện chưa rõ có phải tính năng Hỗ trợ lái Nâng cao (Advanced Driving Assistance System – ADAS) là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn chết chóc này hay không, CNN cho biết. Trước vụ tai nạn này, NHTSA cũng đã điều tra nhiều sự cố xảy ra đối với xe của những hãng khác, trong đó có Tesla và Ford, mà lúc đó ADAS cũng đang hoạt động. Truyền thông đã lời cảnh sát địa phương cho biết tài xế chạy quá tốc độ là một nguyên nhân.
“VinFast and NHTSA đang hợp tác cùng nhau để xác định nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc ở Pleasanton. NHTSA không điều tra VinFast,” hãng xe này nói trong tuyên bố gửi đến CNN. “Cảnh sát Pleasanton hiện đang điều tra nguyên nhân tai nạn và sẽ công bố kết luận khi công việc của họ hoàn tất.”
Còn về thỏa thuận hợp tác trạm sạc với Bosch được công bố hôm 20/5, nó cho phép các tài xế chạy xe VinFast ở châu Âu được phép tiếp cận hệ thống trạm sạc rộng lớn của Bosch gồm 700.000 điểm sạc trải rộng trên 30 nước, chuyên trang về xe điện electriccarsreport cho biết.
Các tài xế xe VinFast có thể tìm vị trí các trạm sạc của Bosch, sạc và thanh toán thông qua ứng dụng VinFast trên điện thoại di động hay thao tác trực tiếp trên màn hình tích hợp trên xe, cũng theo trang tin này. Các ứng dụng này cũng minh bạch thông tin về lịch sử các lần sạc để chủ xe có thể quản lý chi phí sạc một cách hiệu quả.
Ngoài ra, các khách hàng cũng có thể được hệ thống hỗ trợ khách hàng toàn diện của cả VinFast và Bosch ở châu Âu hỗ trợ về những vấn đề liên quan đến sạc.
Cách nay hơn một tuần, hôm 13/5, cổ phiếu VFS đã mở đầu tuần giao dịch mới với mức tăng vọt 51,5% so với mức giá đóng cửa phiên trước đó sau khi có tin VinFast cho ra mắt dịch vụ giải trí RIDEVU trong bối cảnh Mỹ loan báo áp thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc.
Tính đến hết phiên giao dịch hôm 21/5, cổ phiếu VFS được giao dịch ở mức giá 5,12 đô la, tức là tăng hơn 100% so với mức đáy 2,26 đô la một cổ phiếu hồi tháng trước. (VOA)