Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Các Thị Trưởng Đảng Dân Chủ Yêu Cầu Chính phủ Biden Cho Phép Người Nhập Cư Bất Hợp Pháp Được Làm Việc

41 thị trưởng đảng Dân Chủ và các viên chức quận đã viết một bức thư cho Tổng thống Joe Biden yêu cầu chính phủ cấp giấy phép làm việc và ân xá cho hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp cư trú tại Hoa Kỳ.

photo: Mario Tama

Các thành viên đảng Dân Chủ viết trong bức thư đề ngày 23/05, “Yêu cầu của chúng tôi bắt nguồn từ niềm tin rằng việc mở rộng giá trị của việc trao quyền làm việc hợp pháp cho những cư dân của chúng ta sinh ra ở Mexico, Guatemala, Cộng hòa Dominica, và các quốc gia khác sẽ là một bước tiến tích cực”.

Họ lưu ý rằng hiện có khoảng 11.3 triệu công dân Mỹ ở chung nhà với người không có giấy tờ. Do đó, vấn đề này rất quan trọng ở một số “tiểu bang bầu cử then chốt” như Nevada, Arizona, Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Georgia, và North Carolina.

Đảng Dân Chủ yêu cầu Bộ An ninh Nội địa “tận dụng thẩm quyền của mình” để ân xá cho cả những người nhập cư bất hợp pháp lâu năm và mới đây, từ đó họ đủ điều kiện làm việc. Họ cho biết, việc cho phép những người nhập cư bất hợp pháp làm việc hợp pháp trong nước sẽ mang lại mức lương cao hơn, bảo vệ họ khỏi bị bóc lột tại nơi làm việc, và cho phép họ đóng góp cho nền kinh tế.

Bức thư khẳng định rằng công việc hợp pháp do người nhập cư bất hợp pháp thực hiện sẽ mang lại các khoản đóng góp thuế ước tính khoảng 13.8 tỷ USD hàng năm. Trích dẫn dự đoán Của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội Hoa Kỳ (CBO), đảng Dân Chủ cho biết “những người nhập cư mới đến” có thể thúc đẩy GDP Hoa Kỳ thêm 7,000 tỷ USD trong 10 năm tới mà không cần xác định liệu họ có hợp pháp hay không.

Những lời tuyên bố rằng người nhập cư bất hợp pháp thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ đã bị một số nghiên cứu gia phản bác. Một phân tích hồi tháng 03/2023 của Liên Đoàn Cải Tổ Nhập Cư Hoa Kỳ (FAIR) cho thấy Hoa Kỳ phải chịu gánh nặng tài chính 150.7 tỷ USD hàng năm do nhập cư bất hợp pháp.

Tài liệu phân tích cho biết, “Tiền thuế do những người nhập cư bất hợp pháp nộp chỉ bù đắp cho khoảng 1/6 chi phí mà họ tạo ra ở mọi cấp độ ở đất nước này. Nhiều người ngoại quốc bất hợp pháp thực sự nhận được hưởng lợi bằng tiền mặt thông qua các chương trình tín thuế được hoàn lại”. Hơn nữa, nhiều người nhập cư bất hợp pháp làm việc trong khu vực kinh tế ngầm và do đó tránh phải đóng thuế thu nhập.

Trong khi tổng doanh thu do người nhập cư bất hợp pháp đóng góp chỉ dưới 32 tỷ USD, thì tác động kinh tế tiêu cực mà họ gây ra ước tính khoảng 182 tỷ USD, gấp khoảng sáu lần. Mỗi người nhập cư bất hợp pháp hoặc con cái sinh ra tại Hoa Kỳ của những người này tiêu tốn của người dân Mỹ 8,776 USD mỗi năm.

Trong bức thư, các thống đốc đảng Dân Chủ đề nghị rằng chính phủ Biden có thể khởi động việc cấp ân xá và giấy phép làm việc cho người nhập cư bất hợp pháp bằng cách mở rộng ân xá hiện đang được cấp cho vợ/chồng và cha mẹ của các binh sĩ trong quân đội Hoa Kỳ. Họ viết rằng việc mở rộng này có thể giúp cho 1.2 triệu người phối ngẫu không có giấy tờ của công dân Hoa Kỳ trong nước được hưởng ân xá.

Ngoài ra, bức thư cho biết chính phủ có thể tập trung vào một chương trình cấp phép làm việc cho những người nhập cư bất hợp pháp không có giấy tờ đã sống ở Hoa Kỳ từ 10 năm trở lên. Họ cũng đề xướng thiết lập một chương trình ân xá cho những “Dreamers” quá nhỏ tuổi và không đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình Hành Động Trì Hoãn Cho Những Người Đến Mỹ Khi Còn Nhỏ (DACA).

Bức thư viết, “Đã đến lúc mở rộng giấy phép làm việc để đưa hàng triệu người ra khỏi bóng tối. Thay mặt cho những cư dân mới và những người nhập cư lâu năm, chúng tôi kêu gọi ông sử dụng thẩm quyền này vì lợi ích chung của mọi người”.

Việc đảng Dân Chủ thúc đẩy cấp giấy phép làm việc cho những người nhập cư bất hợp pháp diễn ra trong bối cảnh những người này ồ ạt tràn vào Hoa Kỳ dưới thời chính phủ Biden.

Theo dữ kiện từ Cơ Quan Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ (CBP), các viên chức tuần tra biên giới đã chạm trán với gần 9.9 triệu người nhập cư bất hợp pháp từ năm tài khóa 2021 đến tháng 04/2024. Con số này bao gồm 1.98 triệu lần chạm trán chỉ trong năm tài khóa này cho đến nay.

Hồi tháng Tư, chính phủ đã gia hạn giấy phép làm việc cho một số người nhập cư bất hợp pháp. Việc gia hạn được thực hiện vài tuần trước thời hạn mà hàng trăm ngàn người như vậy mất việc làm.

Đảng Cộng Hòa đã quy trách nhiệm cho các chính sách của Tổng thống Biden đã gây ra làn sóng lớn người nhập cư bất hợp pháp.

Vào tháng 01/2021, tháng đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã cho dừng việc xây dựng bức tường biên giới, tạm dừng chương trình Ở lại Mexico, điều chỉnh lại các ưu tiên của ICE, và đảo ngược lệnh cấm đi lại từ các quốc gia có nguy cơ là nơi xuất những tay khủng bố.


Cảnh Sát Huntington Beach, California Lắp Đặt Thêm Camera Để Ngăn Chặn Kẻ Trộm

Đại úy Oscar Garcia, cảnh sát trưởng Huntington Beach cho biết, các nhóm người từ Nam Mỹ đã nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ hiện đang thực hiện các vụ trộm và lảng vảng xung quanh các khu dân cư — đôi khi mạo danh tài xế Uber Eats — tìm hiểu những căn nhà để đột nhập. Ông cho biết sở dĩ họ có thể làm như vậy là nhờ chương trình miễn thị thực, tội phạm có thể vượt biên mà không cần kiểm tra lý lịch.

Ông nói, “Chúng tôi đang bắt giữ những người đang bị truy nã vì những tội khác ở đó. Nhưng vì chương trình miễn thị thực nên họ không tìm hiểu thông tin căn bản về những người sắp đến, đó là nguyên nhân gây ra vấn đề”.

Theo vị đại uý này, một khi đã chọn được một ngôi nhà, những tên trộm có lúc đậu một chiếc xe tải làm việc giả ở lối vào của những ngôi nhà không nghi ngờ tới khi họ biết chủ nhà đã đi vắng. Họ cũng có thể mạo danh tài xế Uber Eats, đem theo gói đồ ăn mang tới và bấm chuông cửa. Khi không có ai trả lời họ gọi điện cho đồng bọn và đột nhập vào nhà.

Hồi năm ngoái (2023), với sự trợ giúp của camera giám sát, một lực lượng đặc nhiệm có sự tham gia của Cảnh sát Huntington Beach và các cơ quan công lực khác—phối hợp với Văn Phòng Biện Lý Quận Cam—đã bắt giữ bốn nhóm trộm.

Ông Garcia cho biết, những chiếc camera như vậy là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong việc chống tội phạm, vì cảnh sát quá bận rộn để đáp ứng các yêu cầu giám sát chặt chẽ các khu vực lân cận.

Ông cho biết những lời kêu gọi từ người dân về hoạt động đáng ngờ như vậy được ghi lại trên những camera là cách tốt nhất để cảnh sát theo dõi cộng đồng. Ông nói, “Điều thực sự giúp ích cho chúng tôi chính là quý vị. Cộng đồng và sở cảnh sát phải phối hợp cùng nhau…. Chúng tôi thường có những cuộc gọi điện thoại trực tiếp khắp 30 dặm vuông mà chúng tôi quản lý, vì vậy rất khó để tập trung vào một khu vực cụ thể nào”.

Các kế hoạch đang được tiến hành để lắp đặt thêm camera giám sát ở Huntington Beach tại khu vực công cộng và thành lập cái gọi là một “trung tâm giám sát tội phạm” để giúp ngăn chặn tội phạm. Kẻ trộm thường sử dụng găng tay nên việc dựa vào dấu tay sẽ không hiệu quả.

Ông Garcia nói: “Chúng tôi sẽ lắp đặt thêm camera, camera an toàn công cộng, để giúp tất cả mọi người trong thành phố này được an toàn”.


Chiến Lược ‘Săn Phiếu Bầu’ Của Các Nhà Hoạt Động Bảo Thủ

Với vẻ mặt tươi cười rạng rỡ, anh Matthew Martinez chỉ tay từ bản đồ này sang bản đồ khác.

Anh chỉ ra các khu vực quan trọng của Arizona và Wisconsin — các khu vực “rượt đuổi sít sao” nằm rải rác khắp hai tiểu bang chiến địa này.

Phía sau anh, một vài nhân viên khác của tổ chức Turning Point Action đang cặm cụi làm việc tại một dãy máy điện toán.

Tại trụ sở chính ở Phoenix của tổ chức này, lực lượng nhân viên chủ yếu là người trẻ, phù hợp với trọng tâm của Turning Point là tập hợp và thúc đẩy những người trẻ tuổi có tư tưởng bảo tồn truyền thống. Anh Martinez, một nhà lãnh đạo của sáng kiến “Săn Phiếu bầu” (Chase the Vote), năm nay mới 23 tuổi.

Anh chấp nhận cho một ký giả chụp lại những bản đồ được chia nhỏ một cách tỉ mỉ của mình.

Anh Martinez đang khoe thành quả sau nhiều năm lập kế hoạch của tổ chức bảo tồn truyền thống của mình, hiện đã sẵn sàng cho chu kỳ bầu cử năm 2024.

Sử dụng một phương trình tương đối đơn giản, Turning Point Action sẽ nhắm vào các khu phố và phân khu quan trọng ở Arizona, Wisconsin, và Michigan. Để thành công, họ đang thuê hàng trăm người cho một “đội quân săn phiếu bầu” toàn thời gian.

Mục tiêu của họ: khuyến khích những người ủng hộ đảng Cộng Hòa đã đứng ngoài cuộc trong hai cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đi bỏ phiếu. Chiến lược đó bao gồm gửi thông điệp tích cực hơn về việc bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu khiếm diện.

Ông Tyler Bowyer, Giám đốc điều hành của Turning Point Action, chia sẻ với The Epoch Times rằng tổ chức của ông đã được “những người rời bỏ phe cánh Tả trao cho cuốn cẩm nang” mà họ đang sử dụng. Ông xin dấu tên những người đang hợp tác.

Theo ông Bowyer, chiến lược đó là thuận theo “mô hình Colorado” thành công mà các thành viên đảng Dân Chủ và các nhà hoạt động thiên tả đã sử dụng để biến Colorado từ màu đỏ sang màu xanh.

Ông Martinez nói, “Đây không phải là bí mật nào cả. Đảng Dân Chủ đã làm điều này”.


Cựu Viên Chức CIA Nhận Tội Làm Gián Điệp Cho Trung Cộng

Hôm 24/05, Bộ Tư pháp loan báo rằng tại một tòa án liên bang ở Honolulu, một cựu nhân viên CIA đã nhận tội âm mưu làm gián điệp cho nhà cầm quyền Trung Cộng trong hơn một thập niên.

Hồi năm 2020, ông Alexander Yuk Ching Ma, một công dân Hoa Kỳ nhập tịch, đã bị bắt và bị buộc tội âm mưu chuyển thông tin tuyệt mật cho các viên chức tình báo của chế độ Trung Cộng.

Ông Ma đã làm việc cho CIA từ năm 1982 đến năm 1989. Ông đã âm mưu cùng với người họ hàng ruột thịt của mình, cũng là một cựu nhân viên CIA, cung cấp thông tin mật về quốc phòng của Hoa Kỳ cho nhà cầm quyền Trung Cộng.

Trong thời gian làm việc tại CIA, ông Ma có một giấy phép tiếp cận với những thông tin tuyệt mật và đã ký nhiều thỏa thuận không tiết lộ, thừa nhận nghĩa vụ bảo vệ các bí mật của chính phủ Hoa Kỳ. Sau khi rời cơ quan này, ông Ma đến sống và làm việc tại Thượng Hải, Trung Quốc, tới năm 2001, ông đã chuyển đến Hawaii.

Đáng chú ý, theo tài liệu của tòa án, thân nhân của ông đã có quyền truy cập vào thông tin tuyệt mật của CIA, bao gồm cả “danh tính của các nhân viên CIA chìm”.

Tài liệu cho biết hai cựu nhân viên CIA này đã âm mưu với các viên chức tình báo Trung Cộng để chia sẻ thông tin quốc phòng cơ mật trong hơn một thập niên.

Các công tố viên cho biết kế hoạch gián điệp này bắt đầu bằng những lần gặp mặt tại các phòng khách sạn ở Hồng Kông trong ba ngày hồi năm 2001. Tại đây, ông Ma và người thân của ông đã gặp các viên chức của Bộ An ninh Nhà nước Trung Cộng (MSS), cơ quan tình báo hàng đầu của chế độ này. Trong các cuộc gặp, hai cựu nhân viên CIA đã cung cấp thông tin mật về nhân sự, cơ cấu nội bộ, hoạt động, và phương thức liên lạc của CIA. Một số cảnh trong những lần gặp mặt đã được ghi hình lại, trong đó có cảnh ông Ma nhận và đếm 50,000 USD tiền mặt được trả cho những bí mật mà hai người họ tiết lộ.

Thỏa thuận nhận tội cho thấy ông Ma đã tìm cách xin việc ở FBI nhằm lấy lại quyền truy cập thông tin mật để đưa cho tình báo Trung Cộng. Năm 2003, ông nộp đơn xin việc làm ở vị trí chuyên gia ngôn ngữ theo hợp đồng tại Văn phòng Địa phương FBI tại Honolulu.

Biết được mối liên hệ của ông với tình báo Trung Cộng nên FBI đã thuê ông Ma, để FBI theo dõi các hoạt động của ông theo một kế hoạch điều tra. Từ tháng 08/2004 đến tháng 10/2012, ông làm chuyên gia ngôn ngữ theo hợp đồng, phụ trách xem xét và dịch các tài liệu tiếng Hoa ở một địa điểm bên ngoài trụ sở.

Các công tố viên cho biết trong 6 năm tiếp theo, ông Mã thường xuyên sao chép, chụp ảnh, và đánh cắp tài liệu mật. Ông đã mang theo những tài liệu và hình ảnh bị đánh cắp trong những chuyến đi thường xuyên đến Trung Quốc và giao cho những nhà quản lý Trung Cộng. Ông thường trở về sau những chuyến đi Trung Quốc, mang theo những khoản tiền mặt lớn và những món quà đắt tiền, bao gồm cả những bộ gậy chơi golf mới.

Theo các công tố viên, ông Ma thừa nhận rằng ông đã thuyết phục người thân ở CIA tiết lộ danh tính của ít nhất hai cá nhân trong những bức ảnh mà điệp viên Trung Cộng đưa cho ông. Ông Ma thú nhận rằng ông biết nhà cầm quyền Trung Cộng có thể sử dụng thông tin này để gây phương hại cho Hoa Kỳ, nhưng ông vẫn cố tình làm điều đó.

Hồ sơ tòa án cho thấy hồi năm 2019, ông Ma đã gặp một đặc vụ chìm của FBI mà ông tin là một nhân viên tình báo Trung Cộng. Trong những cuộc gặp này, ông Ma xác nhận rằng ông đã làm việc cho tình báo Trung Cộng và nhận 2,000 USD tiền mặt. Đây là một món quà nhỏ để ghi nhận những đóng góp của ông cho nhà cầm quyền Trung Cộng qua công việc này. Ông cũng đề nghị tiếp tục làm việc cho tình báo Trung Cộng.

Trong một lần gặp gỡ cuối cùng với đặc vụ chìm của FBI hồi tháng 08/2020 trước khi bị bắt, ông Ma một lần nữa nhận thêm tiền cho những nỗ lực gián điệp trong quá khứ của mình và bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ chế độ Trung Cộng, đồng thời nói rằng ông muốn thấy “tổ quốc” thành công.

Thỏa thuận nhận tội này yêu cầu ông Ma phải hợp tác với các nhà chức trách Hoa Kỳ, trong đó có hợp tác thẩm vấn với các cơ quan chính phủ. Nếu được tòa án chấp nhận thỏa thuận này, ông sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù.


Việc bổ nhiệm Biện lý Đặc biệt Jack Smith là vi phạm Hiến Pháp

Vài ngày trước khi bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland bổ nhiệm Biện lý Đặc biệt Jack Smith để điều tra cựu Tổng thống Donald Trump, những chuyên gia đã và đang dõi theo các cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc bổ nhiệm này. Ông Smith được bổ nhiệm ngày 18/11/2022.

Liệu việc bổ nhiệm một công tố viên trưởng “độc lập” có làm suy yếu chính vẻ ngoài độc lập khỏi chính trị của Bộ Tư Pháp không? Liệu công tố viên mới được bổ nhiệm có làm vụ án tiến triển chậm chạp không?

Jack Smith

Những lo ngại đó giờ đây đã thành hiện thực, mặc dù không phải vì những lý do đã được dự đoán trước.

Ngày 22/06, Thẩm phán Tòa án Địa hạt Hoa Kỳ Aileen Cannon sẽ nghe các tranh luận về một kiến nghị bác bỏ vụ kiện cựu Tổng thống Trump về tài liệu mật dựa trên việc bổ nhiệm biện lý đặc biệt một cách bất hợp pháp. Những chuyên gia đưa ra giả định pháp lý này nói với The Epoch Times rằng họ dự định tham gia với tư cách là bên thân hữu của tòa án (amici curiae).

Biện lý đặc biệt được bổ nhiệm để làm gì?

Các bộ trưởng Tư Pháp đã và đang thuê các biện lý đặc biệt kể từ trước khi Bộ Tư Pháp được thành lập vào năm 1870, thông qua một đạo luật đặt ra các rào cản một cách cụ thể về việc thuê và trả lương cho các luật sư bên ngoài làm biện lý đặc biệt.

Một thế kỷ sau, với vụ bê bối Watergate, Quốc Hội quyết định cần có một công tố viên thực sự độc lập để điều tra các nhân sự cấp cao của nhánh hành pháp, kể cả tổng thống. Năm 1978, Quốc hội đã thông qua một dự luật đạo đức thành lập Văn Phòng Biện Lý Độc Lập.

Mặc dù còn gây tranh cãi, nhưng luật này đã được cải tổ và phê chuẩn lại nhiều lần trước khi Quốc Hội để cho hết hạn vào năm 1999.

Ngay trước khi hết hạn, Bộ Tư Pháp dưới quyền của bộ trưởng Tư Pháp Janet Reno đã tạo ra bộ quy định riêng của bộ cho việc bổ nhiệm một biện lý đặc biệt.

Bộ này xác định rằng bộ trưởng Tư Pháp có thể bổ nhiệm một biện lý đặc biệt nếu một vụ việc “có thể gây ra xung đột lợi ích cho Bộ hoặc các trường hợp đặc biệt khác”, sau đó chỉ thị cho bộ trưởng chọn một người nào đó “bên ngoài Chính phủ Hoa Kỳ”.

Trong vài năm nay, Bộ Tư Pháp đã phát giác ra nhiều “tình huống bất thường”.

Năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein lâm thời đã bổ nhiệm Biện lý Đặc biệt Robert Mueller để điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Năm 2020, bộ trưởng Tư Pháp William Barr bổ nhiệm Biện lý Đặc biệt John Durham để điều tra xem liệu nhân viên liên bang có vi phạm luật trong khi điều tra cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hay không.

Năm 2022, ông Smith được bổ nhiệm để điều tra các vấn đề liên quan đến cựu Tổng thống Trump.

Năm 2023, Biện lý Đặc biệt Robert Hur được bổ nhiệm để điều tra việc di chuyển có thể là không được phép đối với các hồ sơ mật tại nhiều nơi ở của Tổng thống Joe Biden, và Biện lý Đặc biệt David Weiss được bổ nhiệm để đảm nhận cuộc điều tra đang diễn ra về Hunter Biden, con trai của Tổng thống Biden.

Khi cựu Tổng thống Trump kháng cáo cho lời bào chữa về quyền miễn trừ tổng thống lên Tối Cao Pháp Viện, cựu bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Edwin Meese III đã nhanh chóng đệ trình một bản tóm tắt ý kiến từ thân hữu của tòa án (amicus brief) lập luận rằng trước khi vụ việc này có thể được tiến hành, Tối Cao Pháp Viện nên giải quyết vấn đề liệu một công dân bình thường có thể được trao thẩm quyền một cách hợp pháp để triệu tập một đại bồi thẩm đoàn, điều tra, và truy tố một cựu tổng thống hay không.

Ông Meese, cùng tranh luận với các học giả và giáo sư về luật Hiến Pháp Steven Calabresi và Gary Lawson, giữ quan điểm rằng ông Garland không có thẩm quyền cấp cho ông Smith “thẩm quyền thi hành luật hình sự đặc biệt” như vậy, vì năm 1999 các bộ trưởng Tư Pháp đã mất đi thẩm quyền đó.


Khu Học Chính Trung Học Anaheim Ở California Hủy Bỏ Việc Sa Thải Hàng Loạt

Đầu tháng này, Khu học chính Trung học Anaheim (AUHSD), vốn đã gửi hơn 200 thông báo sa thải cho nhân viên học khu vào đầu năm nay, cho biết họ đã quyết định hủy bỏ đợt sa thải này.

Hồi tháng 03/2024, học khu này đã gửi 226 thông báo sa thải nhân viên — trong đó có 119 thông báo cho giáo viên — nói rằng điều đó là cần thiết do nguồn ngân sách và số lượng học sinh ghi danh giảm.

Thông báo này đã nhận được phản ứng dữ dội từ cộng đồng học khu, bao gồm cả giáo viên, các bậc cha mẹ, và hiệp hội giáo viên địa phương. Vào tháng Tư, học khu đã giảm số lượng giáo viên bị sa thải xuống còn 62 thầy cô.

Nhưng trong một tuyên bố ngày 10/05, Giám đốc Học khu Michael Matsuda và chủ tịch nghiệp đoàn giáo viên, Hiệp hội Giáo viên Trung học Anaheim cho biết rốt cuộc sẽ không có đợt sa thải nào.

Tuyên bố cho biết, “Kể từ tháng Ba, các thành viên trong cộng đồng Học khu của chúng tôi đã vận động để duy trì mức nhân sự của học khu này như hiện tại. Sau khi xem xét sâu sắc và đối thoại giữa các bên liên quan, hội đồng quản trị đã quyết định hủy bỏ quyết định đã được phê chuẩn trước đó về việc giảm số lượng giáo viên chính thức cũng như giáo viên thử việc”.

Theo các viên chức học khu trong cuộc họp hội đồng quản trị vào tháng Ba, số học sinh ghi danh trong học khu đã giảm gần 5,000 học sinh kể từ năm học 2011–2012. Họ cũng cho biết số lượng tuyển sinh giảm dự định ​​sẽ tăng gấp đôi trong vòng năm năm tới.

Theo dữ kiện từ năm ngoái, hiện tại học khu có 28,000 học sinh theo học.

Chủ tịch nghiệp đoàn giáo viên Geoff Morganstern nói với hãng thông tấn địa phương Voice of OC rằng khoảng 50 giáo viên sẽ rời học khu vào cuối năm học hiện tại vì về hưu, từ chức, hoặc chấm dứt hợp đồng thời vụ.

Trong thông báo, ông Matsuda và ông Morganstern cho biết họ cam kết bù đắp sự sụt giảm tuyển sinh bằng cách thực hiện các đợt cắt giảm khác trong học khu.


Louisiana Trở Thành Tiểu Bang Đầu Tiên Của Hoa Kỳ Quy Định Thuốc Phá Thai Là Chất Bị Kiểm Soát

Hôm thứ Sáu (24/05), Thống đốc Louisiana Jeff Landry đã ký một dự luật đầu tiên trên toàn quốc chỉ định thuốc phá thai mifepristone và misoprostol là những chất bị kiểm soát, yêu cầu phải có đơn thuốc mới được nhận thuốc, và được xem là một hành vi phạm tội nếu sử dụng thuốc này cho những người mẹ không nhận thức được tác hại của thuốc.

Ông Landry đã ký dự luật (SB 276) thành luật hôm 24/05, một ngày sau khi được Thượng viện Louisiana thông qua và gửi đến bàn làm việc của ông mà nhiều người hy vọng sẽ nhanh chóng có hành động.

Ông Landry tuyên bố, “Đó là điều thông thường khi yêu cầu thuốc phá thai phải được nhận theo đơn và được xem là bất hợp pháp nếu sử dụng thuốc này cho một người mẹ không nhận thức được tác hại của thuốc. Dự luật này bảo vệ phụ nữ trên khắp Louisiana và ngày hôm nay tôi tự hào ký dự luật này thành luật”.

Luật mới này hình sự hóa việc sở hữu mifepristone và misoprostol mà không có đơn thuốc hợp lệ, bổ sung hai loại thuốc này vào danh sách các thuốc theo Danh mục IV của Luật về Các Chất Nguy Hiểm Bị Kiểm Soát Đồng Nhất của tiểu bang này.

Luật này cũng quy định “việc cưỡng bức phá thai bằng các hình thức lừa đảo” là hành vi phạm tội, tức là hành vi đưa thuốc cho một bà mẹ không nhận thức được tác hại của thuốc để xúi giục phá thai.

Hình phạt cho việc vi phạm luật mới này có thể dẫn đến phạt tiền và ngồi tù.

Theo các viên chức y tế, mifepristone ngăn chặn hormone progesterone cần thiết để tiếp tục quá trình mang thai. Khi được sử dụng cùng với misoprostol, thuốc này được dùng để chấm dứt thai kỳ trong 10 tuần tuổi.

Những người chỉ trích dự luật bày tỏ lo ngại rằng một hậu quả không lường trước được có thể là trì hoãn việc điều trị cho những phụ nữ bị biến chứng do sẩy thai, mà đôi khi được kê đơn misoprostol.

Một nhóm hơn 200 bác sĩ ở Louisiana đã ký một bức thư bày tỏ phản đối dự luật này, cảnh báo rằng luật này có thể tạo ra “sự cản trở bác sĩ dễ dàng kê đơn điều trị thích hợp”.

Phó Tổng thống Kamala Harris nói trong một bài đăng trên X sau khi cơ quan lập pháp Louisiana thông qua dự luật, rằng: “Những người cực đoan ở Louisiana vừa thông qua luật hình sự hóa việc sở hữu thuốc phá thai an toàn và hiệu quả với hình phạt vài năm tù”.

Ông Landry đáp lại lời chỉ trích của bà Harris bằng cách nhấn mạnh rằng dự luật này mang lại sự bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ.

Phá thai gần như hoàn toàn bất hợp pháp ở Louisiana, ngoại trừ những trường hợp liên quan đến mối đe dọa đáng kể đến tính mạng của người mẹ hoặc dị tật thai nhi có thể dẫn đến tử vong.


Tỷ phú hàng đầu tuyên bố ủng hộ cựu TT Trump

Hôm thứ Sáu (24/05), ông Stephen Schwarzman, Giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập của đại tập đoàn địa ốc Blackstone, cho biết rằng ông có ý định ủng hộ chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump mà ông nói là “bỏ phiếu cho sự thay đổi”.

TT Trump & Schwarzman
(photo: AP)

Ông Schwarzman cho rằng điều mà ông gọi là “sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa bài Do Thái” ở Hoa Kỳ đã khiến ông “tập trung vào các cuộc bầu cử sắp tới với mức độ khẩn cấp hơn”.

Mặc dù không đi sâu vào chi tiết cụ thể, nhưng Giám đốc điều hành Blackstone có thể đề cập đến một số cuộc biểu tình của phe cánh tả trên khắp các trường đại học của Hoa Kỳ và các nơi khác chống lại chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza sau vụ tấn công khủng bố ngày 07/10/2023 của Hamas.

Ông nói với nhiều hãng thông tấn hôm thứ Sáu, “Tôi có chung mối lo ngại với hầu hết người Mỹ rằng các chính sách kinh tế, nhập cư và ngoại giao của chúng ta đang đưa đất nước đi sai hướng. Vì những lý do này, tôi dự định bỏ phiếu cho sự thay đổi và ủng hộ ông Donald Trump làm Tổng thống. Ngoài ra, tôi sẽ ủng hộ các ứng cử viên Thượng viện của đảng Cộng Hòa và các ứng cử viên khác của đảng Cộng Hòa trong mọi cuộc bầu cử ở tất cả các cấp (từ tiểu bang đến liên bang)”.

Tỷ phú Schwarzman từng là người ủng hộ cựu tổng thống khi ông còn làm việc ở Tòa Bạch Ốc. Nhưng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, ông gợi ý rằng đảng Cộng Hòa nên tìm kiếm một “thế hệ lãnh đạo mới” và không ủng hộ một ứng cử viên sơ bộ của đảng Cộng Hòa cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Vào thời điểm đó, ông cũng cho biết ông sẽ không ủng hộ nỗ lực tái tranh cử của cựu Tổng thống Trump. Trước đó, ông đã chỉ trích cựu tổng thống sau vụ xâm phạm Tòa nhà Quốc Hội vào ngày 06/01/2021.

Tuy nhiên theo hồ sơ nộp cho Ủy ban Bầu cử Liên bang, ông Schwarzman lại là một trong số 10 nhà tài trợ hàng đầu trong cuộc bầu cử năm 2022.

Tuyên bố ủng hộ cựu tổng thống của ông Schwarzman được đưa ra hai ngày sau khi cựu Thống đốc South Carolina Nikki Haley tuyên bố ủng hộ nỗ lực tranh cử của ông Trump.

Blackstone là một trong những công ty địa ốc lớn nhất thế giới và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào các thương vụ mua lại bằng đòn bẩy trong ba thập niên qua.

Ông Schwarzman có tài sản khoảng 38 tỷ USD tính đến tháng 05/2024, theo ước tính từ tạp chí Forbes. Điều này giúp ông lọt vào danh sách 50 tỷ phú hàng đầu thế giới.


Tình Trạng Dư Thừa Công Suất Của Trung Cộng Gây Căng Thẳng Thương Mại

Gần đây khi lãnh đạo Trung Cộng tham dự các cuộc họp ngoại giao trong chuyến thăm châu Âu, những người đồng cấp của ông đã bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng Trung Cộng đang làm tràn ngập thị trường toàn cầu với việc sản xuất quá mức—những tuyên bố mà ông Tập Cận Bình đã phủ nhận. Tuy nhiên các nhà phân tích đã tỏ ra không đồng ý, khẳng định rằng chiêu thuật này, kết hợp với thực tế rằng Trung Cộng đang cung cấp các khoản trợ cấp đáng kể cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau như xe điện, cho thấy một chiến lược có chủ đích thống lĩnh thị trường quốc tế và gây ảnh hưởng toàn cầu.

Hôm 08/05 trong một bài diễn thuyết tại Berlin, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, bà Ursula von der Leyen đã đề cập đến vấn đề này. Bà nhấn mạnh về làn sóng xe điện Trung Cộng đang tràn vào thị trường EU, được trợ giúp rất nhiều nhờ các khoản trợ cấp của chính phủ. Bà nhấn mạnh, “Chúng ta cần giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần bảo vệ các ngành công nghiệp của mình”.

Trong cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bà von der Leyen hôm 06/05, ông Tập đã bác bỏ các cáo buộc về “dư thừa công suất” ở Trung Cộng, khẳng định những lo ngại như vậy là vô căn cứ khi xét đến lợi thế so sánh và nhu cầu toàn cầu.

Nói chuyện với The Epoch Times, Giáo sư Tạ Điền (Frank Xie) đến từ Trường Kinh doanh Darla Moore thuộc Đại học South Carolina đã có ý kiến trái chiều với những khẳng định của ông Tập. Ông tin rằng: “Việc Trung Cộng đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất trầm trọng là một thực tế không thể phủ nhận. Mới đây, Trung Cộng đang thúc đẩy cái gọi là ‘các lực lượng sản xuất mới’ và xe điện là một trong ba lực lượng đó.

Trung Cộng có khoảng 280 công ty sản xuất xe điện khác nhau với công suất hàng năm từ 25 đến 27 triệu xe, trong khi thị trường Trung Quốc chỉ có thể hấp thụ tối đa 15 đến 17 triệu xe, điều này cho thấy tình trạng dư thừa công suất đáng kể.

Sau các cuộc thảo luận ba bên, bà von der Leyen nhắc lại những lo ngại trong một cuộc họp báo, cảnh báo rằng các khoản trợ cấp của Trung Cộng cho các ngành công nghiệp thép và xe điện đang đe dọa trầm trọng đến ngành sản xuất của châu Âu, có khả năng dẫn đến “sự phi công nghiệp hóa” ở lục địa này. Bà cảnh báo: “Thế giới không thể hấp thụ được sản lượng dư thừa của Trung Cộng”.

Dữ kiện mới đây từ cơ quan truyền thông của Trung Cộng, Tân Hoa Xã cho thấy vào năm 2023, Trung Quốc đã sản xuất 9.59 triệu xe sử dụng năng lượng mới, với doanh số tương đương 9.49 triệu xe, giành được vị thế là nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong 9 năm liên tiếp. Xuất cảng tăng lên 1.20 triệu xe, đánh dấu mức tăng đáng kinh ngạc 77.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Âu Châu chiếm 38%.

Xe điện xuất cảng của Trung Cộng đang nhanh chóng tìm được chỗ đứng ở châu Âu, lợi dụng sự chênh lệch về giá do việc bán phá giá như cáo buộc. EU đã bắt đầu điều tra vấn đề này để đánh giá khả năng áp thuế, báo hiệu sự leo thang trong căng thẳng thương mại.

Kể từ khi Trung Cộng gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), từ năm 2001 đến năm 2011, một lượng lớn hàng hóa do Trung Cộng sản xuất đã tràn vào Hoa Kỳ, gây ra “cú sốc Trung Quốc” và khiến Hoa Kỳ bị mất ít nhất 2 triệu việc làm trong lãnh vực sản xuất.

Theo thống kê của nhà cầm quyền Trung Cộng, hai thập niên sau khi gia nhập WTO, kim ngạch xuất cảng hàng hóa toàn cầu của Trung Cộng đã tăng hơn 14%, càng làm tăng thêm mối đe dọa về một “Cú sốc Trung Quốc 2.0” tiềm ẩn.

Hồi tháng Tư, trong chuyến công du Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã tuyên bố rằng chính phủ Tổng thống Biden sẽ không cho phép lịch sử tái diễn, “Tôi đã nói rõ rằng Tổng thống Biden và tôi sẽ không chấp nhận thực tế đó một lần nữa”.

Trung Cộng từ lâu đã ban hành chính sách trợ cấp cho các ngành công nghiệp trọng điểm. Sau đại dịch, để kích thích phục hồi kinh tế, nhà cầm quyền này đã đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ, bao gồm giảm thuế, giảm phí, và cho vay lãi suất thấp trong lãnh vực sản xuất, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và dẫn đến “Cú sốc Trung Quốc 2.0”.

Theo Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD), công suất thép dư thừa toàn cầu đã vượt quá 550 triệu tấn, với một phần lớn đến từ các doanh nghiệp Trung Cộng.

Năm 2023, xuất cảng thép của Trung Cộng đạt mức cao nhất trong 7 năm, tăng 36.2% mỗi năm nhưng giá lại giảm mạnh từ 20 đến 30% so với năm trước. Các tấm pin quang năng hiện đủ rẻ để được tái sử dụng làm hàng rào, trong khi xe điện đang được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường quốc tế hiện hành.

Một cuộc khảo sát của Nikkei đã tiết lộ rằng trong số hơn 5,000 công ty niêm yết của Trung Cộng, có 5 trên 10 công ty nhận trợ cấp hàng đầu của Trung Cộng trong nửa đầu năm 2023 là các nhà sản xuất xe điện hoặc pin, với số tiền trợ cấp tăng gấp đôi so với cùng thời kỳ năm trước. Trong số này, BYD đã nhận được khoảng 247 triệu USD tiền trợ cấp, tăng gần gấp ba so với số tiền nhận được vào năm trước.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ước tính rằng nhà cầm quyền Trung Cộng đã bơm 173 tỷ USD để trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất xe sử dụng năng lượng mới, nhằm mục đích thống lĩnh ngành.

Tháng Hai năm nay, BYD đã cho ra mắt một mẫu xe hybrid (nửa xăng, nửa điện) có giá chỉ nhỉnh hơn 11,000 USD một chút. Lợi thế đáng kể về hiệu quả chi phí của các sản phẩm BYD này là nhờ các khoản trợ cấp đặc biệt của đảng cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ).

Theo ông Tạ, chiến thuật của ĐCSTQ là mở rộng các ngành công nghiệp thông qua các chính sách khuyến khích và tiến hành “bán phá giá với giá thấp” trên thị trường toàn cầu, nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh ngoại quốc. Ngay cả khi không có lợi nhuận, thì các công ty Trung Cộng vẫn cố thủ duy trì doanh số bán hàng, tất cả là nhằm để bóp nghẹt đối thủ. Sau khi giành chiến thắng, ĐCSTQ muốn độc quyền thị trường và khẳng định quyền lực tối cao trên toàn cầu.

Ông Tạ nhấn mạnh: “Những gì ĐCSTQ đang dàn dựng vượt ra ngoài phạm vi kinh tế học thị trường; đó là một bài toán về tính kinh tế nhờ quy mô, theo đuổi quy mô tuyệt đối để đạt được hiệu quả. Mục tiêu là thúc đẩy các doanh nghiệp đạt được sức mạnh độc quyền tuyệt đối”.

Ông cảnh báo, “Một khi ĐCSTQ giành được quyền thống lĩnh thị trường quốc tế, thì chắc chắn họ sẽ tăng giá một lần nữa. Đến lúc đó, ngành công nghiệp xe hơi ở các quốc gia khác có thể đã bị tàn phá rồi, không còn năng lực để đáp trả nữa—đây là sách lược của ĐCSTQ”. Tuy nhiên, “kịch bản như vậy là không thể chấp nhận được đối với châu Âu và Hoa Kỳ”.


Hệ Tư Tưởng Của Trục Tập, Putin, Kim, Và Khamenei

Trục của Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Trung Quốc cộng sản Tập Cận Bình, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, và lãnh đạo Iran Ali Khamenei được hệ tư tưởng mà họ sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu cá nhân và nhà nước thúc đẩy. Tuy nhiên, do hệ tư tưởng và mục tiêu của họ khác nhau nên cuối cùng họ sẽ xung đột, dẫn đến sự tan rã của cả khối.

Trung Quốc cộng sản, Liên bang Nga, Bắc Hàn, và Cộng hòa Hồi Giáo Iran đang hình thành một trục để đối đầu với Hoa Kỳ và viết lại trật tự quốc tế do Tây phương dẫn dắt. Ông Tập, ông Putin, ông Kim, và ông Ayatollah Khamenei có một số điểm chung: họ không được bầu chọn một cách chính thường, không có giới hạn nhiệm kỳ, và nắm giữ quyền lực tuyệt đối ở đất nước họ. Cả bốn quốc gia đều đã chứng kiến những cuộc cách mạng bạo lực, và các nhà lãnh đạo của họ đều nhận thức được khả năng rất xa vời rằng họ sẽ bị lật đổ. Nhận thức này thúc đẩy sự cai trị độc tài của họ.

Một sự khác biệt đáng kể giữa khối đương đại này và Liên Xô cũ hay Trục Phát xít-Đức Quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến là bốn nhà lãnh đạo trên không có chung một hệ tư tưởng.

Cả bốn người đều tuyên bố rằng họ có động cơ về mặt ý thức hệ: ông Tập với Tư tưởng Tập Cận Bình (“chủ nghĩa xã hội”), ông Putin với chủ nghĩa dân tộc Nga (hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa Putin), ông Kim với Juche, và ông Khamenei với thần quyền Hồi Giáo. Trong khi hệ tư tưởng định hình các quan điểm và chính sách công của họ, thì tham vọng và mục tiêu cá nhân thường vượt xa cam kết thực sự về hệ tư tưởng. Mỗi nhà lãnh đạo điều chỉnh hệ tư tưởng của mình để phù hợp với mục tiêu của chính quyền, hoàn thành tầm nhìn của họ về tương lai đất nước và thế giới.

Về mặt lý thuyết, lẽ ra ông Tập là do hệ tư tưởng cộng sản hoặc xã hội chủ nghĩa thúc đẩy. Tuy nhiên, thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” đánh dấu sự thoát ly hệ tư tưởng khắt khe, phù hợp hơn với mục tiêu của nhà nước là trở thành cường quốc kinh tế thống trị thế giới. Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn giữ cái mác cộng sản, cách tiếp cận của ông Tập Cận Bình thực dụng hơn, tập trung vào phát triển kinh tế, tiến bộ kỹ nghệ, sức mạnh quân sự, và tăng cường kiểm soát nhà nước. Luận điểm hệ tư tưởng “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” hợp pháp hóa sự cai trị của ĐCSTQ và củng cố quyền lực Tập Cận Bình.

Động lực của ông Tập dường như thiên về tư cách lãnh đạo của thời kỳ cộng sản và biến Trung Cộng thành một siêu cường toàn cầu. Hệ tư tưởng cộng sản đóng vai trò như một công cụ để thống nhất quốc gia và kiểm soát người dân một cách sâu rộng.

Ông Putin có rất nhiều hoài niệm về Liên Xô, một chính phủ mà ông từng phục vụ khi còn là một sĩ quan KGB, và ông thường lồng ghép các yếu tố của nước Nga đế quốc trong các bài diễn thuyết của mình. Nước Nga hiện đại, dưới thời ông Putin, thiếu một khuôn khổ tư tưởng chặt chẽ như chủ nghĩa cộng sản Xô Viết. Thay vào đó, ông Putin tận dụng chủ nghĩa dân tộc, phong trào bài Tây phương, và khái niệm khôi phục vị thế cường quốc của Nga để củng cố quyền cai trị và biện minh cho các chính sách của mình. Mục tiêu chính của ông là duy trì quyền lực của chính ông và sự ổn định của chế độ.

Tiếp nối cha mình là ông Kim Jong II, sự cai trị của ông Kim hoàn toàn dựa trên hệ tư tưởng triều đại của ông nội ông, ông Kim Il Sung, người đã phát triển Juche và thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Hệ tư tưởng này, Juche (sự tự lực), cùng với sự sùng bái cá nhân, rất quan trọng để duy trì sự ổn định và kiểm soát của chế độ

Ông Khamenei, mặc dù không hoàn toàn do mong muốn cống hiến cho cuộc cách mạng Hồi Giáo thúc đẩy, nhưng có thể bị ảnh hưởng từ niềm tin tôn giáo của ông nhiều hơn là từ chủ nghĩa xã hội, như Trung Cộng chẳng hạn. Cả bốn nhà lãnh đạo này đều không chỉ là người đứng đầu chính phủ mà còn là người đứng đầu hệ tư tưởng của họ. Với tư cách là quyền lực tôn giáo cao nhất ở Iran, chế độ Ayatollah bảo vệ Cách mạng Hồi Giáo và có thể định hướng đi cho cuộc cách mạng đó. Các chính sách và hành động của ông phản ảnh cam kết quản lý thần quyền và truyền bá các lý tưởng cách mạng của Iran. Trong khi lấy hệ tư tưởng tôn giáo làm trung tâm, ông Khamenei cũng sử dụng hệ tư tưởng này một cách chiến lược để tập hợp sự ủng hộ, duy trì quyền kiểm soát nội bộ, và biện minh cho các tham vọng khu vực của Iran. Tuy nhiên, sự sống còn về mặt cá nhân và chính trị của ông cũng là một động lực đáng kể.

Đối với ông Putin, ông Tập, và ông Kim, hệ tư tưởng thường là một công cụ để hợp pháp hóa sự cai trị của họ và tập hợp dân chúng hơn là một nguyên tắc dẫn đường thực sự. Ngay cả khi ông Khamenei sử dụng hệ tư tưởng để củng cố quyền lực của mình, ông vẫn có thể đại diện cho sự tuân thủ hệ tư tưởng chân thực hơn, do niềm tin tôn giáo của ông thúc đẩy. Tất cả bốn câu chuyện về hệ tư tưởng trên đều được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu cá nhân và quốc gia của họ, bảo đảm sự ổn định và liên tục của chế độ. Hệ tư tưởng chỉ là thứ yếu so với nhu cầu thực tế trong việc duy trì quyền lực, kiểm soát dân số và đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn.

Mỗi nhà lãnh đạo đều tin rằng hệ tư tưởng của họ là ưu việt và hướng tới sự thống trị toàn cầu hoặc khu vực. Tuy nhiên, bản chất khác biệt và xung đột trong hệ tư tưởng của họ có nghĩa là mối liên hệ giữa các quốc gia này không thể bền vững, vì các mục tiêu chính sách của họ cuối cùng sẽ dẫn đến xung đột.


Hoa Kỳ Lo Ngại Về Các Cuộc Tập Trận Của Trung Cộng

Hôm thứ Bảy (25/05), Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên án các cuộc tập trận quân sự của Trung Cộng ở Eo biển Đài Loan và xung quanh Đài Loan là hành động khiêu khích, nói rằng Hoa Kỳ “vô cùng lo ngại” trong khi “mạnh mẽ” kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế hành động.

Bộ Ngoại Giao tuyên bố, “Việc lợi dụng một thời kỳ chuyển tiếp bình thường, trình tự, và dân chủ làm cái cớ cho các hành động khiêu khích quân sự có nguy cơ leo thang và làm xói mòn các chuẩn mực lâu đời đã duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan trong nhiều thập niên”.

Bộ Ngoại Giao cũng nói rằng họ đang theo dõi các hoạt động của Trung Cộng “một cách chặt chẽ và đang phối hợp với các đồng minh và đối tác về những mối quan tâm chung của chúng tôi”.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Trung Cộng kết thúc hai ngày tập trận quanh Đài Loan, trong đó nước này mô phỏng các cuộc tấn công bằng oanh tạc cơ và luyện tập tàu đổ bộ.

Hôm thứ Bảy, Đài Loan, mà Trung Quốc xem là một tỉnh ly khai cuối cùng phải được thống nhất với đại lục, đã lên án các cuộc tập trận quân sự là “sự khiêu khích trắng trợn”.

Cuộc tập trận, mang tên “Joint Sword-2024A”, được quân đội Trung Cộng tiến hành vào ba ngày sau khi ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) trở thành tổng thống Đài Loan, người mà Bắc Kinh gọi là một “kẻ ly khai”.

Các viên chức Trung Cộng cho biết cuộc tập trận là “sự trừng phạt” cho bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Lại, trong đó ông nói hai bên Eo biển Đài Loan “không phụ thuộc lẫn nhau”, điều mà Trung Cộng coi như một tuyên bố rằng hai bên là hai quốc gia riêng biệt.

Hoa Kỳ chấm dứt mối quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979 và chuyển sang công nhận Bắc Kinh theo chính sách “Một Trung Quốc”. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn vẫn duy trì mối quan hệ không chính thức bền chặt với Đài Bắc và cam kết cung cấp cho Đài Bắc những vũ khí cần thiết để tự vệ.

Trong tuyên bố hôm thứ Bảy, Bộ Ngoại giao cho biết: “Hoa Kỳ vẫn cam kết với chính sách lâu dài một Trung Quốc, được hướng dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Ba Thông cáo Chung, và Sáu Điều bảo đảm”.

Sáu Điều bảo đảm, được đưa ra dưới thời chính phủ của Tổng thống Ronald Reagan, gồm có việc không ấn định ngày kết thúc hoạt động bán vũ khí cho Đài Loan và không gây áp lực buộc nước này phải tham gia đàm phán với Trung Cộng.

Trong nhiều thập niên, một điểm nổi bật trong chính sách của Hoa Kỳ là cam kết về một cách giải quyết hòa bình cho những khác biệt giữa Trung Cộng và Đài Loan.

Trong khi đó, trong một tuyên bố hôm 23/05, Bộ Quốc Phòng Đài Loan lên án cuộc tập trận quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nói rằng họ sẵn sàng tự vệ nếu cần thiết. Bộ Quốc Phòng Đài Loan tuyên bố, “Chúng tôi không tìm kiếm xung đột, nhưng chúng tôi sẽ không né tránh xung đột để bảo đảm an toàn cho quốc gia và bảo vệ quê hương xinh đẹp của chúng tôi”.

Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã trở nên thù địch hơn đối với Đài Loan, nơi mà họ coi là một tỉnh nổi loạn.

Ông Tang Jingyuan, một chuyên gia về các vấn đề Trung Cộng, nói với The Epoch Times rằng cuộc tập trận này là một chiến dịch được trù tính tỉ mỉ, cùng với các mục đích khác, nhằm gây chia rẽ nội bộ ở Đài Loan và củng cố cảm tình thân cộng sản trên hòn đảo này.

Ông Tang cho biết, “Mục tiêu chính trước tiên của Trung Cộng là khẳng định sự thống trị và gây áp lực lên ông Lại Thanh Đức thông qua các cuộc tập trận quân sự này, từ đó gây ảnh hưởng đến các chính sách đối nội và đối ngoại trong tương lai của Đài Loan. Về căn bản, điều này nhằm mục đích khơi dậy sự thận trọng trong chính phủ của ông Lại Thanh Đức. Đây là một chiến thuật đe dọa điển hình của ĐCSTQ thông qua các biện pháp quân sự nhằm định hướng các chính sách đối nội và đối ngoại của Đài Loan”.


Lãnh Đạo Trung Cộng, Nhật Bản Tới Seoul Dự Hội Nghị Ba Bên Đầu Tiên Kể Từ Năm 2019

Hôm 26/05, các nhà lãnh đạo của Trung Cộng và Nhật Bản đã tới Seoul để tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Nam Hàn.

Cuộc gặp ba bên sắp tới diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản và Nam Hàn tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với Hoa Kỳ trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Trung Cộng và đồng minh Bắc Hàn.

Hôm Chủ Nhật (26/05), Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol đã tổ chức các cuộc gặp riêng với Thủ tướng Trung Cộng Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trước khi cùng nhau tham dự dạ tiệc tiếp đón tại Seoul. Cuộc đàm phán ba bên của họ dự định diễn ra trong ngày 27/05.

Hội nghị thượng đỉnh chính thức này cũng đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 4 năm các nhà lãnh đạo của ba nước láng giềng này ngồi lại để thảo luận trực tiếp.

Năm 2008, các nhà lãnh đạo của ba nền kinh tế chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội thế giới này đã đồng ý triệu tập một cuộc họp thường niên. Nhưng cuộc họp này đã bị trì hoãn kể từ cuộc họp gần đây nhất hồi tháng 12/2019 tại thành phố Thành Đô, miền nam Trung Quốc do đại dịch COVID-19 và các mối quan hệ phức tạp giữa ba nước.

Viên chức phía Nam Hàn cho biết các chủ đề trong nghị trình của các cuộc gặp mặt cấp cao mới nhất này bao gồm những trao đổi qua lại giữa người dân các nước, biến đổi khí hậu, thương mại, các vấn đề y tế, kỹ nghệ, và ứng phó thảm họa.

Trong một cuộc họp báo hôm 23/05 khi công bố hội nghị thượng đỉnh, Phó Giám đốc An Ninh Quốc Gia Nam Hàn Kim Tae-hyo cho biết: “Cuộc gặp này sẽ đóng vai trò là một bước ngoặt để ba nước khôi phục hoàn toàn và bình thường hóa hệ thống hợp tác”.

Trước khi đến Nam Hàn hôm Chủ Nhật (26/05), Thủ tướng Nhật Bản nói với các phóng viên rằng ông dự định sẽ có “các cuộc thảo luận thẳng thắn và trung thực” với ông Yoon và ông Lý, và “đồng tình về sự hợp tác thiết thực hướng tới tương lai”.

Trước các cuộc gặp ba bên, ông Kishida đã có một cuộc gặp riêng với ông Lý tại Seoul. Theo thông tin do đài truyền hình nhà nước Trung Cộng CCTV đưa ra, cuộc họp này đã đề cập đến các vấn đề gồm có Đài Loan và việc Nhật Bản xả nước thải “bị nhiễm hạch tâm” từ nhà máy điện hạch tâm Fukushima Daiichi bị hư hỏng.

Chính phủ Nhật Bản nói rằng loại nước này an toàn và cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đã xác nhận.

Trong một báo cáo tháng 07/2023 đệ trình lên chính phủ Nhật Bản, cơ quan này kết luận rằng nước thải đã qua xử lý nói trên sẽ có “tác động phóng xạ không đáng kể” đến con người và môi trường. IAEA đã cho phép thực hiện kế hoạch xả thải của Nhật Bản và Liên minh Âu Châu đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế đối với nhập cảng hải sản của Nhật Bản.

Tuy nhiên, tháng 08/2023, ĐCSTQ đã công bố lệnh cấm toàn diện đối với việc nhập cảng tất cả các sản phẩm thủy hải sản từ Nhật Bản ngay sau khi Nhật Bản bắt đầu bơm hơn một triệu tấn nước đã qua xử lý vào Thái Bình Dương. Lệnh cấm sâu rộng này đã làm dấy lên sự chỉ trích trong cộng đồng quốc tế và ngành ngư nghiệp, trong đó một số chuyên gia cho rằng có thể có những tính toán chính trị đằng sau quyết định của Bắc Kinh.

Lên tiếng trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp song phương với ông Lý, ông Kishida cho biết ông đã kêu gọi phía Trung Quốc dỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm hải sản Nhật Bản.

Ông Kishida cũng nhân cuộc gặp này để truyền đạt “mối lo ngại sâu sắc” của Nhật Bản về việc mở rộng quân sự gần đây của Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng Tokyo tin rằng sự ổn định ở Eo biển Đài Loan là “rất quan trọng” không chỉ đối với khu vực mà còn đối với cộng đồng quốc tế.

Tuần trước, căng thẳng trên Eo biển Đài Loan gia tăng khi Trung Cộng tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn trên vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà chế độ cộng sản tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình. Các cuộc tập trận có sự tham gia của hải quân, không quân, và lực lượng hỏa tiễn Trung Cộng — bắt đầu từ hôm 23/05, chỉ vài ngày sau khi tổng thống mới Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) của hòn đảo dân chủ này tuyên thệ nhậm chức — làm dấy lên những chỉ trích từ Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu.

Ông Kishida cho biết Nhật Bản đang “theo dõi sát sao những diễn biến quân sự gần đây” ở Eo biển Đài Loan.


Thủ Tướng Netanyahu Được Mời Phát Biểu Trước Quốc Hội Hoa Kỳ

Hoa Thịnh Đốn—Hôm 23/05, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) thông báo rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã được mời phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc Hội Hoa Kỳ trong lúc diễn ra cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas.

thủ tướng Netanyahu

Ông Johnson đã xác nhận lời mời này trong một sự kiện do Tòa Đại sứ Israel tổ chức tại Bảo tàng Tòa nhà Quốc gia. Ông không nêu rõ ngày tháng diễn ra buổi nói chuyện này.

Hôm 20/03, lần đầu tiên bắt đầu lan truyền nhiều lời đồn đoán rằng vị Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng Hòa này đang cân nhắc mời nhà lãnh đạo Israel phát biểu trước Quốc Hội. Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Squawk Box” của CNBC hôm 21/03, khi được hỏi lại về ý tưởng này, ông Johnson cho biết việc đó đang được tiến hành.

Ông nói, “Tôi rất muốn mời ông ấy đến và nói tại một phiên họp chung của Quốc Hội. Chúng tôi chắc chắn sẽ gửi đi lời mời đó”.

Hôm 22/05, ông Johnson cho biết nhân viên của ông và nhân viên của Lãnh đạo Khối đa số Thượng Viện Chuck Schumer đang tiến hành công tác chuẩn bị.

Tin tức này xuất hiện sau một vài tháng khi ông Schumer chỉ trích cách ông Netanyahu ứng phó với cuộc chiến tranh và kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới ở Israel.

Ông Johnson chỉ trích những bình luận của ông Schumer, nói là “rất không phù hợp”.

Ông Johnson không có nói rõ ràng rằng việc ông mời ông Netanyahu có bài diễn văn tại Quốc Hội là nhằm chỉ trích ông Schumer, nhưng ông đã tận dụng cơ hội này trong phiên phỏng vấn của CNBC để một lần nữa chỉ trích vị lãnh đạo Thượng Viện của đảng Dân Chủ.

Ông Johnson nói, “Những gì ông Chuck Schumer đã làm thực tình rất đáng kinh ngạc, thật khó tin. Ám chỉ đến đồng minh mạnh nhất của chúng ta ở Trung Đông, nền dân chủ ổn định duy nhất, rằng ông ấy biết rõ cách điều hành nền dân chủ của họ hơn thì rõ ràng là vô lý”.

Ông nói với “Squawk Box” những bình luận của ông Schumer là “thái quá” và là một “tín hiệu khủng khiếp đối với các đồng minh và kẻ thù của chúng ta trên khắp thế giới”, lưu ý rằng ông hy vọng vị lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện này “đã không nói ra những lời đó”.

Hôm 21/05, ông Schumer cho biết ông ủng hộ việc mời ông Netanyahu tới Quốc hội.

Ông nói trong một cuộc họp báo sau tiệc trưa bàn chính sách hàng tuần của Thượng Viện, rằng: “Hiện giờ tôi đang thảo luận vấn đề đó với Chủ tịch Hạ Viện và như tôi đã luôn nói rằng mối quan hệ của chúng ta với Israel rất vững chắc và tốt đẹp hơn bất cứ thủ tướng hay tổng thống nào”.

Lời mời này được đưa ra khi Tòa án Hình sự Quốc tế trong tuần này tuyên bố sẽ đề nghị lệnh bắt giữ ông Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, và các thủ lĩnh của Hamas là ông Yahya Sinwar, ông Ismail Haniyeh, và ông Mohammed Diab Ibrahim Al-Masri với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác phản nhân loại, khởi đầu bằng cuộc tấn công của Hamas hôm 07/10 và tiếp sau là sự đáp trả của Israel.

“Có lẽ tôi sẽ không đến”, Dân biểu Rosa DeLauro (Dân Chủ-Connecticut) cho biết mà không giải thích thêm.

Hamas, biện minh cho “sự phản kháng vũ trang” của mình, nói trong một tuyên bố hôm 20/05 rằng ICC đã định đoạt “đánh đồng nạn nhân với kẻ hành quyết”.

Lần cuối cùng ông Netanyahu nói chuyện trước Quốc Hội Hoa Kỳ là năm 2015 khi ông cảnh báo về thỏa thuận hạch tâm sắp tới của Iran, điều mà ông nói rằng ông phản đối vì Hoa Kỳ và các đồng minh đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran trong khi không giải quyết thỏa đáng chương trình hạch tâm của nước này và không giải quyết các hoạt động khác của Iran, chẳng hạn như sự ủng hộ hàng đầu của chế độ này dành cho bọn khủng bố.

Một số thành viên đảng Dân Chủ đã tẩy chay buổi nói chuyện năm 2015 đó, và chính phủ Tổng thống Obama đã từ chối gặp ông Netanyahu trong chuyến thăm của ông.

Bài liên quan:
  • Pháp và Anh đang đổi chỗ cho nhau trong chính trị châu Âu
    Gideon Rachman
  • Quyết định lịch sử của Joe Biden đặt ra thách thức cho Kamala Harris
    Edward Luce
  • SBTN Nhận Định Thời Cuộc ngày 21/7/2024. Đại hội toàn quốc đảng Cộng Hòa: An ninh biên giới, Chấm dứt lạm phát, Tự túc về năng lượng, Tăng cường và hiện đại hóa quân đội…
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Các chiến lang của Trung Quốc đã tuyệt chủng?
    Tyler Jost
  • SBTN Nhận Định Thời Cuộc ngày 20/7/2024. Chấn động nước Mỹ: Phát súng định mệnh nhắm vào TT Trump đã thay đổi cục diện chính trị và tâm thức người dân tại Hoa Kỳ ra sao?
    BS Nguyễn Trọng Việt