Tin Hoa Kỳ & Thế Giới

Tình Trạng Thiếu Nhân Lực Có Tay Nghề Ở Hoa Kỳ

Hè này, nhiều sinh viên mới ra trường sẽ lập tức nhận ra sự thực phũ phàng rằng họ phải gánh khoản nợ học phí cao nhưng lại có rất ít cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Vấn đề nan giải này là lý do tại sao có người khuyến khích học sinh tốt nghiệp trung học theo học nghề để có thể tìm được việc làm, giúp cứu vãn tình hình tìm kiếm nhân sự mới.

Từ thợ sửa ống nước, thợ điện đến thợ hàn, thợ cơ khí xe hơi, cho đến công nhân xây dựng, số cơ hội tìm được việc làm trong những ngành thủ công cần tay nghề cao này đang vượt xa số nhân sự sẵn có để lấp đầy nhu cầu.

Theo một nghiên cứu gần đây của công ty cố vấn McKinsey, từ năm 2022 đến năm 2032, cơ hội tìm việc làm cho thợ thủ công tay nghề cao hàng năm dự định ​​sẽ cao hơn 20 lần số nhân viên mới hàng năm, khiến các công ty thiệt hại hơn 5.3 tỷ USD mỗi năm.

Theo tổ chức bất vụ lợi, đại diện cho các trung tâm đào tạo nghề nghiệp và kỹ thuật (CTE) cấp tiểu bang, Advance CTE, năm 2023, với sự chú trọng hơn vào tình trạng thiếu lao động tay nghề cao, 47 tiểu bang đã ban hành 115 chính sách liên quan đến đào tạo nghề nghiệp và kỹ thuật.

Theo ông Kevin Koehler, chủ tịch Hiệp Hội Xây Dựng Michigan (CAM), một phần nguyên nhân khan hiếm thợ thủ công có tay nghề cần thiết cho công việc là sự kỳ thị gắn liền với việc lựa chọn con đường sự nghiệp đó thay vì học đại học.

Ông nói với The Epoch Times, “Rõ ràng, đó là vấn đề với những học sinh sắp tốt nghiệp trung học. Điều họ không nhận ra là các ngành nghề thủ công mang lại những lợi ích lớn, có công việc mang lại hơn 100,000 USD mỗi năm đủ để chu cấp cho gia đình”.

Ông Koehler cho biết, một yếu tố hiện có là thành phần kỹ nghệ hiện có trong nhiều công việc sẵn có này. Ông nói,

“Mọi thứ đang được điện toán hóa, từ xây dựng mô hình, sử dụng drone, điều khiển từ xa bằng vô tuyến tại các địa điểm làm việc, cho đến rất nhiều công việc dùng máy in 3D. Điều đó đang tạo thêm sức hấp dẫn mới cho một số học sinh”.  

Tuy nhiên, các tiểu bang có ngành sản xuất phát triển như Michigan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu thợ thủ công lành nghề. Theo Sở Lao Động Và Cơ Hội Kinh Tế Michigan, chỉ riêng các vị trí lao động thủ công tay nghề cao sẽ tạo ra khoảng 47,000 cơ hội việc làm hàng năm cho đến năm 2028.

Ông Koehler cho biết một trong những yếu tố quan trọng hơn mà ông nhận thấy là sự thiếu chú trọng vào các ngành nghề thủ công cần kỹ năng ở nhiều trường trung học trên toàn quốc, bao gồm cả ở Michigan.

Ông nói, “Các môn học nghề và nghệ thuật thường là những khoản mục chi tiêu đầu tiên bị cắt giảm trong ngân sách trường học. Chúng tôi đang vận động rất nhiều và liên tục tập trung trước Quốc Hội Michigan, để xin tài trợ nhằm hỗ trợ một số môn học như vậy. Học sinh cần được thông báo rằng họ sẽ tốt nghiệp các chương trình đào tạo nghề này với chứng chỉ để kiếm được việc làm chứ không phải là ra trường với khoản nợ 124,000 USD tiền học phí đại học”.

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan về việc thiếu thợ thủ công có kỹ năng cao đang ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, bao gồm cả các công ty xây nhà đang cố gắng bổ sung cho nguồn cung cấp nhà ở đang cạn kiệt dần ở Hoa Kỳ.


Wyoming Xác Nhận Cúm Gia Cầm Xuất Hiện Trong Đàn Gia Súc

Hôm 07/06, Sở Nông Nghiệp tiểu bang Wyoming cho biết cúm gia cầm đã được phát giác trong một đàn bò sữa, khiến Wyoming trở thành tiểu bang thứ 12 được xác nhận có virus cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao (HPAI) được phát giác ở bò.

Trong một thông cáo báo chí hôm 07/06, Ủy Ban Chăn Nuôi Wyoming cho biết các thanh tra viên của Phòng Thí Nghiệm Dịch Vụ Thú Y Quốc Gia (NVSL) của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã xác nhận sự hiện diện của cúm gia cầm trong một đàn bò sữa ở Wyoming. Đây là trường hợp đầu tiên được xác nhận nhiễm virus cúm gia cầm ở Wyoming.

Kể từ cuối tháng Ba, virus cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao đã được báo cáo ở hơn 80 đàn bò sữa trên cả nước.

Trong khi các nhà sản xuất sữa được yêu cầu phải ngăn chặn sữa của động vật bị bệnh xâm nhập vào chuỗi thức ăn, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh(CDC) nói rằng quy trình khử trùng bằng cách đun nóng sữa ở nhiệt độ cao tiêu diệt được virus cúm gia cầm đang hoạt động, làm cho sữa được đun nóng như vậy có thể an toàn cho người dùng.

CDC cảnh báo trong một bản cập nhật hôm 07/06, “Mọi người không nên uống sữa tươi (raw milk)”, đồng thời cảnh báo mọi người tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh hoặc đã chết, và tránh tiếp xúc với phân động vật, ổ rơm động vật nằm, hoặc các vật liệu tiếp xúc với động vật bị nghi ngờ hoặc được xác nhận nhiễm virus cúm gia cầm.

Cho đến nay, ba trường hợp người bị nhiễm bệnh đã được báo cáo ở Hoa Kỳ (hai người ở Michigan và một người ở Texas), với cả ba trường hợp được báo cáo là công nhân trang trại bò sữa. Theo Sở Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Michigan (MDHHS), trường hợp mới nhất, ở Michigan, là trường hợp đầu tiên ở người, báo cáo các triệu chứng điển hình hơn của bệnh hô hấp cấp tính liên quan đến nhiễm virus cúm, trong đó có cúm gia cầm.

Theo các viên chức y tế Michigan, trong trường hợp đầu tiên ở người ở Michigan, các triệu chứng về mắt xảy ra sau khi sữa bị nhiễm bệnh bắn trực tiếp vào mắt, trong khi ở trường hợp thứ hai, các triệu chứng về hô hấp xuất hiện sau khi tiếp xúc trực tiếp với một con bò bị nhiễm bệnh. Người nhiễm bệnh đã không mặc áo quần bảo hộ cá nhân (PPE).

Bác sĩ Natasha Bagdasarian, giám đốc y tế của MDHHS cho biết, “Điều này cho chúng ta biết rằng tiếp xúc trực tiếp với vật bị nhiễm bệnh sẽ gây nguy hiểm cho con người, và PPE là một công cụ quan trọng để ngăn chặn sự lây lan giữa những người làm việc tại các trang trại chăn nuôi bò sữa và gia cầm. Chúng tôi không thấy dấu hiệu lây truyền từ người sang người liên tục, và nguy cơ sức khỏe hiện tại đối với công chúng vẫn ở mức thấp”.


Bà Janet Yellen Cảnh Báo AI Có Thể Gây Ra ‘Rủi Ro Đáng Kể’ Cho Hệ Thống Tài Chính

Bộ trưởng Ngân Khố Janet Yellen cho biết, mặc dù trí tuệ nhân tạo có thể mang đến những cơ hội mới và rất nhiều tiền của cho hệ thống tài chính nhưng kỹ nghệ này cũng có thể gây ra “những rủi ro đáng kể”.

bà Janet Yellen
(bộ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ)

Tại một sự kiện do Viện Brookings và Hội Đồng Giám Sát Ổn Định Tài Chính đồng tổ chức, bà Yellen đã nêu ra nhiều lỗ hổng khác nhau mà AI gây ra cho lãnh vực tài chính.

Một số mối đe dọa này liên quan đến “dữ kiện không đủ hoặc bị lỗi”, sự tập trung của các nhà cung cấp dịch vụ dữ kiện và đám mây, phương pháp quản lý rủi ro “không phù hợp”, và sự phức tạp trên tổng thể của các mô hình AI.

Đồng thời, bà Yellen còn xác định rằng AI – từ nhận dạng hình ảnh đến AI tạo sinh – có thể giúp các nhà đầu tư quản lý danh mục đầu tư của họ tốt hơn và giúp ích cho các mô hình dự báo.

Bà lưu ý rằng, kỹ nghệ này có thể giúp các ngân hàng chống gian lận, nâng cao dịch vụ khách hàng, giảm chi phí dịch vụ, và cải thiện khả năng tiếp cận khách hàng.

Bà đã xác nhận rằng “Bộ Ngân khố đang đưa ra một yêu cầu công khai chính thức về thông tin để lấy ý kiến ​​từ các tổ chức tài chính, người tiêu dùng, người ủng hộ, học giả, và các bên liên quan khác về việc sử dụng, cơ hội, và rủi ro hiện tại của AI trong lãnh vực dịch vụ tài chính”.

Bà Yellen nói: “Xét đến việc kỹ nghệ AI đang phát triển thật nhanh chóng, với các trường hợp có thể sử dụng sự phát triển nhanh chóng này cho các công ty tài chính, và người tham gia thị trường, thì việc phân tích tình huống có thể giúp các cơ quan quản lý và công ty xác định các lỗ hổng tiềm ẩn trong tương lai và cung cấp thông tin về những gì chúng ta có thể làm để tăng cường khả năng chống chọi”.

Bà lưu ý rằng, “Những cơ hội to lớn và rủi ro đáng kể” liên quan đến việc sử dụng AI của các công ty tài chính đã “đưa vấn đề này lên hàng đầu trong các nghị trình của Bộ Ngân Khố và Hội Đồng Giám Sát Ổn định Tài chính”.

Các viên chức khác ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới cũng đã bày tỏ lo ngại tương tự về mối đe dọa mà AI có thể gây ra cho hệ thống tài chính.


Hoa Kỳ Tập Trung Tăng Cường Các Liên Minh Xung Quanh Trung Cộng

Theo ông Nicholas Burns, đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, Hoa Kỳ đang tìm cách tăng cường các liên minh với những nước láng giềng của Trung Cộng để đối phó với một chế độ ngày càng hung hãn và hà khắc.

Tại một cuộc thảo luận ôn hòa tại Hiệp Hội Châu Á ở Manhattan, nhà ngoại giao của Hoa Kỳ hồi tưởng lại thời Tổng thống Clinton, khi Hoa Kỳ chủ trương đưa Trung Cộng vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) với giả định rằng việc để cho chế độ cộng sản đó hội nhập vào hệ thống quốc tế này sẽ đồng hóa họ với các giá trị của Tây phương.

Ông Burns nói, “Tôi nghĩ chúng ta đã qua giai đoạn đó lâu rồi”. Ông cho rằng nếu khi đó là hiện thực chính trị, thì hành vi của nhà cầm quyền Trung Cộng trong năm 2024 thể hiện một động lực “hoàn toàn khác”. Chế độ này “hay gây hấn, tùy tiện với một số nước láng giềng của mình”, trong khi lại gia tăng đàn áp người dân bên trong Trung Quốc.

Ông nói, “Vì vậy, tôi không nghĩ chúng ta đang ở một thời kỳ mà chúng ta tin rằng có thể bất ngờ làm thay đổi hành vi của Trung Cộng. Nhưng chúng ta có thể thay đổi môi trường”.

Ông cho rằng, điều đó đòi hỏi phải tăng cường các liên minh của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hợp tác với Liên minh Âu Châu “trong một chính sách chiến lược cùng nhau ở Ấn Độ Dương Thái Bình Dương”, trong khi đồng thời đầu tư trong nước để xây dựng cơ sở kỹ nghệ của Hoa Kỳ, và bảo vệ các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, như nhân quyền, công kỹ nghệ, và thương mại.

Ông Burns nói, “Không phải vì chúng ta đã thay đổi. Đó chính là giới lãnh đạo Trung Cộng có quan điểm khác, và họ đang tranh chấp biên giới của dân tộc khác và đặt ra một thách thức an ninh, khá sâu rộng”.

Ông nói rằng Bắc Kinh đã nhiều lần quảng bá luận điệu về một “mối quan hệ đôi bên cùng có lợi” với Hoa Thịnh Đốn, trong khi đồng thời mở rộng sự hiện diện quân sự của mình mà không quan tâm đến chủ quyền của các nước khác. “Đó là một vấn đề, và vì vậy chúng ta đang ở trong tâm thế cạnh tranh”.

Khi được hỏi về những nỗ lực của Trung Cộng nhằm kiểm soát luận điểm ở ngoại quốc, ông Burns lưu ý rằng chương trình giảng dạy ngôn ngữ do Trung Cộng tài trợ, Viện Khổng Tử, từng thường thấy trong hệ thống trường đại học ở Hoa Kỳ. Hầu như tất cả các viện này hiện đã bị đóng cửa trong bối cảnh ngày càng nhiều người lo ngại về hoạt động gián điệp.

Ông Burns nói: “Đây là những đặc vụ của nhà cầm quyền Trung Cộng”.

Ông coi đây là một phần của “cuộc chiến tư tưởng” đang diễn ra, trong đó nhà cầm quyền Trung Cộng tìm cách làm suy yếu trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo được thiết lập sau Đệ nhị Thế chiến.

Ông lưu ý rằng trong khi mạng lưới tuyên truyền CGTN của nhà nước Trung Cộng bao phủ “hầu hết các phòng khách sạn trên khắp thế giới ở bất cứ châu lục nào”, với hàng tỷ dollar do nhà nước tài trợ để phóng chiếu tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, thì những nhận xét của Ngoại trưởng Antony Blinken về Trung Cộng không thể vượt qua được hệ thống kiểm duyệt của đảng cộng sản Trung Cộng có thể đến gần người Trung Quốc.

Ông nói rằng Trung Cộng có Vạn lý Tường Lửa, “hầu hết người dân Trung Quốc không biết về sự kiện thảm sát Thiên An Môn. Họ không biết chuyện gì đang xảy ra ở Tân Cương… họ không biết chuyện gì đang xảy ra ở Hồng Kông”.


Hoa Kỳ Có Thể Khai Triển Thêm Vũ Khí Hạch Tâm Trước Mối Đe Dọa Từ Trung Cộng, Nga

Theo một viên chức chính phủ, chính phủ TT Biden có thể tìm cách khai triển thêm vũ khí hạch tâm trước sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Cộng và Nga.

Ông Pranay Vaddi, viên chức phụ trách kiểm soát vũ khí hàng đầu của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, cho biết việc gia tăng số phi đạn hạch tâm được khai triển sẽ hủy hoại chính sách kéo dài hàng thập niên của Hoa Kỳ nhưng có thể là cần thiết một trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc.

Ông Vaddi cho biết trong cuộc họp hôm 07/06 của Hiệp Hội Kiểm Soát Vũ Khí: “Nếu kho vũ khí của đối thủ không có sự thay đổi, thì vào một thời điểm nào đó trong những năm tiếp theo, có thể chúng ta sẽ cần tăng thêm vũ khí so với số lượng được khai triển như hiện tại”.

“Nếu ngày đó đến thì sẽ đưa đến một quyết định là phải có thêm vũ khí hạch tâm để ngăn chặn địch thủ của chúng ta và bảo vệ người dân Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta”.

Ông Vaddi đưa ra nhận xét này sau khi Ủy ban Quốc Hội Về Vị Thế Chiến Lược của Hoa Kỳ công bố một bản báo cáo vào cuối năm ngoái, trong đó đề xướng việc mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạch tâm của Hoa Kỳ để ngăn chặn sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Cộng và Nga.

Báo cáo viết, “Với xu hướng về mối đe dọa như hiện nay, quốc gia của chúng ta sẽ sớm phải đối mặt với một bối cảnh toàn cầu hoàn toàn khác biệt so với những điều mà đất nước này đã trải qua: chúng ta sẽ phải đối diện với một thế giới mà tại đó có hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạch tâm ngang hàng với kho vũ khí của chúng ta”.

Bà Madelyn Creedon cho rằng Trung Cộng và Nga đang “theo đường hướng rất gây hấn” để hiện đại hóa các lực lượng hạch tâm và lực lượng vũ khí thông thường của họ, và có thể “chúng ta sẽ cần phải đối phó với việc này”.

Bà Creedon cho biết, “Điều này hết sức quan trọng bởi vì rõ ràng là cả Nga và Trung Cộng về lâu về dài đều muốn thay thế Hoa Kỳ trở thành quốc gia dẫn đầu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Và mục tiêu của họ là thay thế Hoa Kỳ và Tây phương bằng thứ gì đó có lợi hơn cho chế độ độc tài của họ”.

Hiện tại Hoa Kỳ tuân thủ giới hạn 1,550 đầu đạn hạch tâm chiến lược khai triển theo Hiệp ước START mới, được thiết lập với Nga vào năm 2010. Năm ngoái (2023), Moscow tuyên bố “đình chỉ” việc tham gia hiệp ước nhưng vẫn tuân thủ các giới hạn một cách tự do, một hành động mà Hoa Thịnh Đốn khẳng định là “không có căn cứ về mặt pháp lý”.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạch tâm của mình và Ngũ Giác Đài dự định ​​sẽ trang bị thêm hơn 1,000 đầu đạn hạch tâm vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, Trung Cộng đã trang bị nhiều bệ phóng phi đạn tầm xa hơn cả Hoa Kỳ.

Với việc ba cường quốc hạch tâm lớn nhất thế giới đều đang tranh giành ảnh hưởng chính trị trên trường toàn cầu, bà Creedon cho rằng có thể sẽ xảy ra một cuộc xung đột hạch tâm toàn cầu, và nếu xảy ra, thì có thể sẽ xuất phát từ một cuộc xung đột khu vực ngày càng gia tăng ngoài tầm kiểm soát.

Dân biểu John Garamendi (Dân Chủ-California) đã đưa ra những nhận xét quan trọng trong phiên họp buổi sáng vừa qua. Ông cho rằng đất nước này đã có “đủ hỏa lực để tiêu diệt bất cứ địch thủ nào” và thay vào đó, đất nước nên ưu tiên “kiểm soát vũ khí và giảm căng thẳng”.

Ông Garamendi nói, “Lâu rồi mới được nghe ai đó lên tiếng về việc kềm chế và giảm thiểu rủi ro trong cuộc tranh luận về vũ khí hạch tâm. Toàn bộ xã hội chúng ta cần phải quyết định những chi phí nào chúng ta nên gánh chịu, và những rủi ro gì mà chúng ta phải chấp nhận. Chiến lược hạch tâm của chúng ta cần phải cân đối và hợp lý để có thể thực hiện các hành động răn đe và phòng thủ, đồng thời khuyến khích sự hợp tác hướng tới một tương lai hòa bình hơn”.


TT Biden Cùng 16 Nguyên Thủ Quốc Gia Kêu Gọi Hoàn Tất Thỏa Thuận Ngừng Bắn Ở Gaza

Hôm 06/06, Tổng thống (TT) Joe Biden cùng 16 nguyên thủ quốc gia khác đã đưa ra một tuyên bố chung, kêu gọi tất cả các bên chấp nhận đề nghị ngừng bắn ở Gaza mà tổng thống Hoa Kỳ mới công bố.

Tuyên bố chung viết, “Là những nguyên thủ quốc gia hết sức lo ngại cho những con tin bị Hamas bắt giữ ở Gaza, trong đó có nhiều công dân của chúng tôi, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc vận động hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin do Tổng thống Biden đề xướng hôm 31/05/2024 và hiện đang sẵn sàng xúc tiến”.

Các quốc gia khác gồm có: Argentina, Áo, Brazil, Bulgaria, Canada, Colombia, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Serbia, Tây Ban Nha, Thái Lan, và Vương quốc Anh.

TT Biden cùng các đồng minh khẳng định việc đạt được thỏa thuận phụ thuộc vào Hamas.

Trong tuyên bố chung mới này, TT Biden cùng 16 nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới đã kêu gọi Hamas, “hoàn tất thỏa thuận này, rằng Israel sẵn sàng xúc tiến, và bắt đầu tiến trình phóng thích công dân của chúng tôi”.

Tuyên bố chung nhắc lại những bình luận mà các nhân viên khác thuộc chính phủ TT Biden đã đưa ra, rằng lệnh ngừng bắn phụ thuộc vào việc liệu Hamas có chấp nhận các điều khoản mới nhất của Israel hay không.

Hôm 04/06, Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết “đã đến lúc Hamas phải ra quyết định” liệu có chấp nhận thỏa thuận này hay không.


Trung Cộng Thắt Chặt Việc Xuất Cảnh Đối Với Công Chức

Mặc dù Trung Cộng đã mở cửa trở lại sau ba năm đại dịch, nhưng có thông tin cho biết, Trung Cộng vẫn hạn chế xuất cảnh đối với công chức, thậm chí mở rộng ra cả nhân viên bình thường của các doanh nghiệp và tổ chức công lập. Gần đây, Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Cộng tuyên bố họ sẽ tăng cường tìm bắt “nội gián”. Các nhà phân tích cho rằng việc mở rộng thu hồi sổ thông hành có liên quan đến cuộc tranh đấu trong nội bộ của đảng cộng sản Trung Cộng. Hiện nay, không chỉ dân chúng phẫn nộ, mà sự bất mãn với nhà cầm quyền còn lan rộng như cháy rừng bên trong thể chế Trung Cộng.

Hôm 06/06, tờ Nam Hoa Tảo Báo của Hồng Kông loan tin, mặc dù Trung Cộng dần mở cửa sau đại dịch COVID-19, nhưng nhà cầm quyền vẫn liên tục thắt chặt kiểm soát xuất cảnh đối với công chức và nhân viên các tổ chức công lập. Phạm vi kiểm soát cũng được mở rộng, không chỉ bao gồm hầu hết các công chức mà còn cả phần lớn nhân viên doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính, cũng như lãnh đạo các trường học và bệnh viện.

Trong một năm qua, từ trung ương đến địa phương, nhà cầm quyền liên tục ban hành các quy định mới hạn chế xuất cảnh cá nhân. Những người bị hạn chế đều phải giao nộp sổ thông hành. Nếu muốn du lịch ra ngoại quốc, họ phải viết đơn xin “mượn” sổ thông hành, nhưng thủ tục phê chuẩn phức tạp và không minh bạch.

Theo tin tức của Nam Hoa Tảo Báo, những nhân viên giữ chức vụ cao hoặc vị trí nhạy cảm có liên quan đến các bí mật trong hệ thống đảng cộng sản bị hạn chế nghiêm ngặt hơn. Các viên chức từ cấp cục trưởng trở lên, ngay cả sau khi về hưu, đều sẽ bị hạn chế vĩnh viễn không được xuất cảnh. Các cơ quan công an và kiểm soát biên giới liên tục cập nhật danh sách kiểm soát biên giới, giám sát hành vi xuất cảnh trái phép.

Không chỉ vậy, các tập đoàn truyền thông chính thức bắt đầu thu hồi sổ thông hành của tất cả các ký giả. Hôm 06/06, Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia) dẫn lời một cựu nhân viên cấp trung của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Cộng, cho biết do tính chất nghề nghiệp đặc biệt, các ký giả ngành báo có nhiều cơ hội tiếp cận các tài liệu nội bộ của nhà cầm quyền, nên trong bối cảnh Trung Cộng mở rộng khái niệm an ninh quốc gia thì ký giả cũng trở thành một nghề nhạy cảm bị kiểm soát xuất cảnh.

Cựu doanh nhân Trung Cộng, ông Hu Liren, nói với đài RFA rằng hiện nay ngay cả việc xuất cảnh của các chủ doanh nghiệp tư nhân có mối quan hệ chặt chẽ với tài chính địa phương cũng bị kiểm tra nghiêm ngặt.

Vào cuối thế kỷ trước, Trung Cộng đã thắt chặt hạn chế đi lại đối với viên chức, chủ yếu để ngăn chặn các viên chức cấp cao chuyển tiền tham nhũng ra ngoại quốc hoặc bỏ trốn. Nhưng đến năm 2014, cùng với chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của Tập Cận Bình, việc xuất cảnh của công chức dần dần bị thắt chặt. Hai năm gần đây, khi căng thẳng địa chính trị giữa Trung Cộng với Hoa Kỳ và các đồng minh gia tăng, Bắc Kinh đã nâng cao luận điệu “an ninh quốc gia”. Ông Tập Cận Bình cũng liên tục bày tỏ lo ngại về an ninh của chế độ với nội bộ Trung Cộng.

Từ năm ngoái, Bộ An ninh Quốc gia Trung Cộng vốn lâu nay ẩn mình trong bóng tối đã xuất hiện công khai và can thiệp vào các lãnh vực kinh tế, ngoại giao, tài chính. Bộ An Ninh Quốc Gia công bố nhiều vụ án, cho rằng có nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước, thậm chí của các cơ quan trung ương, bị ngoại quốc dụ dỗ vì họ có thể tiếp cận bí mật chính trị và kỹ thuật khi ra hải ngoại. Nhưng các nước bên ngoài nghi ngờ tính xác thực của những gián điệp mà Trung Cộng nhắc đến.

Vào tháng Tư năm nay, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Trung Cộng Chen Yixin đã viết bài đề xướng “chống lật đổ, chống bá quyền, chống chia rẽ, chống khủng bố, chống gián điệp”, và tuyên bố sẽ “tiêu trừ nội gián”.

Vào hôm 07/06, ông Wang He, chuyên gia về vấn đề Trung Cộng, nói với The Epoch Times rằng dưới sự cai trị của Trung Cộng, hiện nay toàn bộ xã hội giống như một nhà tù lớn. Ngoài việc kiểm soát sự lan truyền thông tin trong và ngoài nước, nhà cầm quyền còn kiểm soát xuất cảnh đối với một số nhân viên liên quan đến các tài liệu nhạy cảm. Phạm vi hạn chế ngày càng mở rộng, thậm chí trưởng thôn ở nông thôn cũng phải nộp sổ thông hành.

“Đó là vì Trung Cộng cảm thấy mình đang lâm nguy, nên việc phòng ngừa trở nên nghiêm ngặt hơn. Họ cũng biết người dân không hài lòng, nên tạo ra một cái cớ dưới danh nghĩa an ninh quốc gia để bắt nội gián. Họ giả vờ như khắp nơi đều có gián điệp, tạo ra bầu không khí căng thẳng”.


Tổng Thống Argentina Javier Milei Tìm Cách Hợp Tác Quốc Phòng Với Hoa Kỳ

Trong thập niên qua, sự ảnh hưởng an ninh của Trung Cộng tại Argentina đã tăng lên đáng kể, nhưng các nhà phân tích cho rằng các dấu hiệu gần đây cho thấy Tổng thống Javier Milei có thể đang chuyển hướng việc hợp tác quốc phòng trở lại với Hoa Kỳ.

TT Javier Milei

Một thỏa thuận năm 2012 giữa các viên chức tỉnh Neuquen của Argentina và Bắc Kinh cho phép xây dựng một trạm theo dõi không gian sâu gần biên giới Chile, khiến Hoa Thịnh Đốn phải cảnh giác.

Hợp đồng có thời hạn 50 năm trao cho Đảng Cộng sản Trung Cộng khả năng hoạt động tự do trên đất Argentina. Cơ sở này, được gọi là Espacio Lejano, đã trở thành tiền lệ cho một cơ sở theo dõi mặt đất của Trung Cộng ở Rio Gallegos, trên mũi duyên hải phía đông nam của Argentina, được chính thức công bố vào năm 2021.

Kể từ khi hợp đồng Espacio Lejano được ký kết, các nhà phân tích và viên chức Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc Trung Cộng mở rộng hợp tác với Argentina trong các vấn đề an ninh và giám sát.

Tướng Laura Richardson, Chỉ huy của Bộ tư lệnh miền Nam Hoa Kỳ, cho biết trong một phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện năm 2023, ông cho biết, “Trung Cộng đã mở rộng khả năng khai thác tài nguyên, thiết lập cảng, thao túng các chính phủ thông qua các hoạt động đầu tư mang tính lợi dụng, và xây dựng các cơ sở không gian trong âm mưu dùng cho quân sự”.

Tổng thống Milei nhậm chức hôm 10/12/2023, thay thế Tổng thống cấp tiến Alberto Fernandez, người đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Cộng và ký kết một thỏa thuận năm 2022 để tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Cộng. Trong khi vận động tranh cử, ông Milei không hề giấu giếm sự khinh thị của mình đối với các chế độ cộng sản và tỏ ý định loại bỏ các chính sách xã hội chủ nghĩa để chuyển sang một đường hướng tự do hơn.

Trong gần bảy tháng nhậm chức, Tổng thống Milei đã ban hành những cải tổ kinh tế quan trọng và thu hẹp quy mô chính phủ.

Ông Leland Lazarus, phó giám đốc an ninh quốc gia tại Viện Chính sách Chung Jack D. Gordon thuộc Đại học Quốc tế Florida, cho rằng “các chỉ số tích cực” khác gần đây cho thấy chính phủ Tổng thống Milei đang dành ưu tiên cho mối quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ hơn là với Trung Cộng.


Cựu Điệp Viên Đào Thoát Khỏi Trung Cộng Kêu Gọi Đồng Nghiệp Bỏ Đảng

Một người đào thoát khỏi Trung Cộng đã kêu gọi các đồng nghiệp cũ của ông bắt đầu chuẩn bị cho một chiến lược rút lui khi Đảng Cộng sản Trung Cộng sụp đổ.

Được biết đến với biệt hiệu “Eric”, cựu điệp viên Bắc Kinh này cho biết một số đặc vụ Trung Quốc có thể sẽ muốn đào tẩu sau khi hết ảo tưởng vào Bắc Kinh.

Hôm 04/06, ông Eric nói với The Epoch Times: “Nếu họ hoạt động bí mật được một thời gian thì có thể họ đã vi phạm một số điều luật của Úc. Luật pháp Úc có thể không có các biện pháp đặc biệt để bảo vệ họ, chẳng hạn như quyền miễn trừ, nên họ khá sợ hãi. Đó là lý do vì sao chúng ta không thấy ai trong số những người này dám mạnh dạn rút lui”.

Ông lưu ý rằng đối với những người khác, chính mối quan hệ cá nhân sâu sắc với người quản lý đã khiến họ không rời đi được.

Tuy nhiên, ông nói rằng những đặc vụ “thông minh” sẽ hiểu được ý nghĩa đầy đủ đằng sau thông điệp của ông.

Ông Eric nói, “Điều tôi muốn nói là một đặc vụ thông minh phải luôn chuẩn bị sẵn chiến lược rút lui cho mình. Đó là điều mà một điệp viên thực sự thông minh nên làm”.

“Vì vậy, đối với những đồng nghiệp cũ này, nếu quý vị chưa tính đến việc này, thì nên suy nghĩ lại hoặc bắt đầu chuẩn bị sẵn đường thoát thân. ĐCSTQ không thể cai trị mãi mãi; nó thực sự sắp sụp đổ”.

Ông cho biết, có khoảng 200 nhân viên tình báo hiện đang hoạt động ở Úc.

Những người này gồm khoảng 30 người có thể là điệp viên từ cấp tỉnh. Ngoài ra, có thể có từ 50 đến 60 người từ Bộ Công An và một số lượng tương tự từ Bộ An Ninh Nhà Nước.

Bộ Công An hoạt động như cơ quan cảnh sát quốc gia, trong khi Bộ An Ninh Nhà Nước được mô tả như là một cơ quan kết hợp cả CIA và FBI.  

Ông Eric nói: “Tôi không biết rõ về các đặc vụ quân đội đang hoạt động tji Úc, nhưng tôi cho rằng số lượng của họ cũng tương đương”.

Ông cũng ước tính có khoảng 1,000 người cung cấp thông tin về cộng đồng đang hoạt động dưới vỏ bọc của nhiều tổ chức khác nhau của ĐCSTQ, chẳng hạn như Mặt Trận Thống Nhất.

Ông Eric cho biết, “Những người này chỉ có mối quan hệ công tác bí mật với Trung Cộng, nhiều mối liên hệ gián tiếp. Họ thậm chí không được coi là người cung cấp thông tin thật sự, và một số người trong số họ thậm chí còn không được trả tiền”.

Vị cựu điệp viên này hoạt động ở Đông Nam Á, nhận lệnh từ công an chìm trong suốt 15 năm, sau đó ông đã đào thoát sang Úc vào năm 2023.

Ông đã làm việc cho Cục Bảo Vệ An Ninh Chính Trị, còn gọi là Cục số 1, thuộc Bộ Công An.

Nhiệm vụ của ông tập trung vào việc giám sát và bịt miệng những người Trung Quốc bất đồng chính kiến, và dẫn dụ họ quay trở lại Trung Quốc.

Ông Eric cho biết các thành viên trong các cộng đồng Tây phương và gốc Hoa vẫn chưa thực sự hiểu được bản chất căn bản của ĐCSTQ.

Ông nói: “ĐCSTQ về căn bản là một tổ chức phát xít, tương tự như Đảng Quốc xã Đức. Cả hai đều là chế độ toàn trị và phát xít”.

Sự thiếu hiểu biết này là một lý do khiến cộng đồng người Hoa hải ngoại rất dễ bị ĐCSTQ xâm nhập.


Israel Giải Cứu 4 Con Tin Ở Gaza Trong Chiến Dịch Giải Cứu

Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), quân đội Israel đã giải cứu 4 con tin trong một chiến dịch “rủi ro cao” tiến vào sâu bên trong Dải Gaza.

Trong một video được đăng trên nền tảng mạng xã hội X, phát ngôn viên của Lực Lượng Phòng Vệ Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, đã xác định những người được giải cứu là cô Noa Argamani, 25 tuổi, anh Almog Meir Jan, 21 tuổi, anh Andrey Kozlov, 27 tuổi, và ông Shlomi Ziv, 40 tuổi.

Ông cho biết cả bốn người bị bắt này đều đang trong tình trạng sức khỏe tốt và đã được đưa đến Trung tâm Y tế Sheba Tel-HaShomer ở ​​Tel Aviv để kiểm tra thêm.

Ông cũng cho biết họ sẽ sớm được đoàn tụ với những người thân yêu sau 246 ngày bị Hamas giam cầm.

Phát ngôn viên quân đội này lưu ý rằng cả bốn người đã bị “bắt cóc tàn bạo” từ Lễ hội Âm nhạc Nova ở miền nam Israel trong cuộc tấn công của những kẻ khủng bố Hamas vào ngày 07/10/2023. Cuộc tấn công này đã châm ngòi cho cuộc chiến đang diễn ra.

Ông cho biết rằng lực lượng Israel đã dựa vào “thông tin tình báo chính xác” để thực hiện chiến dịch giải cứu được tiến hành vào ban ngày vào khoảng 11 giờ sáng giờ địa phương tại hai tòa nhà khác nhau.

Ông Hagari nói, “Dưới làn đạn bên trong các tòa nhà, và dưới làn đạn trên đường rời khỏi Gaza, lực lượng của chúng tôi đã giải cứu các con tin”. Ông cũng cho biết thêm, một binh sĩ lực lượng đặc nhiệm Israel đã “bị thương trầm trọng” trong chiến dịch này.

Chiến dịch giải cứu hôm thứ Bảy là nỗ lực lớn nhất nhằm tìm kiếm những người bị Hamas bắt cóc, còn sống kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Cho đến nay, tổng cộng 7 người đã được lực lượng Israel giải cứu.

Theo chính phủ Israel, hai người nam đã được giải cứu hồi tháng Hai và một phụ nữ được giải cứu sau vụ tấn công ngày 07/10/2023. Lực lượng Israel đã tìm thấy ít nhất 16 thi thể con tin.

Trong một video được đăng trên X, có thể thấy Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gặp gỡ những con tin được giải cứu tại Trung tâm Y tế Sheba Tel-HaShomer.

Cô Argamani là một trong những con tin được nhiều người biết đến nhất sau khi bị bắt cóc trong lễ hội âm nhạc. Một đoạn video về vụ bắt cóc cô là một trong những video đầu tiên xuất hiện, cho thấy cô đứng giữa hai người đàn ông đi xe máy khi cô hét lên: “Đừng giết tôi!”

Trong một video khác được đăng trên trương mục X của ông Netanyahu, cô Argamani vui mừng nói với nhà lãnh đạo Israel qua điện thoại rằng cô “rất phấn khởi” và nói rằng đã lâu rồi cô không nghe thấy tiếng Do Thái.


Bài liên quan:
  • Tác động của chính quyền “kiểu Trump” đối với Trung Quốc
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 22/12/2024. Năm 2024: Những biến cố gây bất ổn, những thách thức, đối đầu tại Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Về vấn đề kiểm soát vũ khí thông thường và chấm dứt chiến tranh Ukraine
    William Lippert
  • Trung Quốc cần một cách tiếp cận mới ở Syria
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những sự kiện làm thay đổi chiến lược an ninh Châu Âu!
    BS Nguyễn Trọng Việt