Tin Hoa Kỳ & Thế Giới

Các Ngân Hàng Trung Ương Toàn Cầu Đang Cắt Giảm Lãi Suất, Ngoại Trừ Fed Của Hoa Kỳ

Một số ngân hàng trung ương lớn đã cắt giảm lãi suất căn bản theo tính cách phối hợp. Có thời điểm, Fed của Hoa Kỳ cũng đã lên kế hoạch tham gia đợt cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng Sáu này, nhưng lạm phát gia tăng đã trì hoãn kế hoạch đó. Xu hướng mới này có thể dẫn đến một kết quả — sự trở lại của giao dịch đầu cơ chênh lệch lãi suất, loại giao dịch có thể thu hút thêm nhu cầu mua công khố phiếu, do những mức lãi suất tương đối cao hơn so với đồng Euro và các sản phẩm đầu tư cạnh tranh khác. Theo thời gian, giao dịch chênh lệch lãi suất có thể làm giảm lãi suất công khố phiếu, yếu tố cũng có thể thuyết phục Fed cắt giảm lãi suất.

Tháng Sáu cũng thường là một tháng tích cực đối với các cổ phiếu có mức vốn hóa vừa và nhỏ, vốn sẽ sớm được đưa vào các chỉ số Russell. Russell thường công bố những thay đổi được đề nghị đối với các chỉ số của họ vào thứ Sáu đầu tiên của tháng Sáu, rồi sau đó họ điều chỉnh những thay đổi này trong hai tuần tiếp theo. Khi Russell thêm một số cổ phiếu vào các chỉ số Russell 1000 và 2000 của họ, thì những cổ phiếu này thường “bùng nổ” trước áp lực mua vào của các nhà đầu tư tổ chức.

Ngoài ra, hôm 12/06, Nvidia (với mức vốn hóa thị trường 3.012 ngàn tỷ USD) đã vượt qua Apple (có mức vốn hóa 3.003 ngàn tỷ USD) về quy mô thị trường và có thể sớm vượt qua Microsoft (có mức vốn hóa 3.151 ngàn tỷ USD). Tôi kỳ vọng rằng Nvidia sẽ trở thành công ty đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường 5 ngàn tỷ USD trong vài năm tới và trở thành Công ty Vĩ đại Đó!

Tin tức lớn nhất trong tuần này không phải là tuyên bố hôm 12/06 từ Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang (FOMC) của Fed, thông báo mà sẽ được soi xét kỹ lưỡng để tìm ra “những tín hiệu” ôn hòa. Thay vì thế, “biểu đồ chấm” cập nhật từ các thành viên FOMC mới là tin tức lớn, vì biểu đồ này sẽ báo hiệu số lần cắt giảm lãi suất căn bản mà Fed có thể sẽ tiến hành trong năm nay và năm 2025.

Giá dầu thô đã tăng trong tuần này sau khi các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo giá dầu thô Brent sẽ tăng lên 86 USD/thùng trong tam cá nguyệt thứ 3, do nhu cầu nhiên liệu mùa hè. Goldman Sachs dự đoán phạm vi giao dịch của dầu thô Brent sẽ là từ 75 đến 90 USD/thùng. Dầu thô cũng vẫn rất nhạy cảm với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vì vậy khi Âu Châu và các nền kinh tế lớn khác phục hồi trong bối cảnh các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất căn bản, thì giá dầu thô dự định ​​sẽ tăng mạnh. Nhìn chung, nhu cầu mạnh do yếu tố mùa vụ khiến giá dầu thô tăng cao trong mùa hè dường như cũng sẽ diễn ra.

Tin tức cho rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu, ga xuất cảng, và tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga sẽ đồng nghĩa với việc mục tiêu lớn tiếp theo là đường ống dẫn dầu thô ở Bắc Cực của Nga, điều sẽ đẩy giá dầu thô lên hơn 100 USD/thùng.

Tuần này Phó Tổng thống Kamala Harris và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh về nền hòa bình của Ukraine tại Lucerne, Thụy Sỹ. Tin cho biết sẽ có một thỏa thuận hòa bình nghiêm túc hơn giữa Nga và Ukraine trong những tháng tới, vì nếu không, thì tổn thất về nhân mạng do giao tranh sẽ lên cao. Tổng thống Zelensky cần một thỏa thuận hòa bình càng sớm càng tốt, bởi vì nếu không, ông có thể sẽ không có bất cứ đòn bẩy thương lượng nào trước sự dịch chuyển theo hướng cánh hữu ở châu Âu, ngoại trừ Vương quốc Anh sự đắc cử của ông Trump ở Hoa Kỳ.

Cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu đã dẫn đến một sự chuyển dịch rõ ràng sang cánh hữu, đặc biệt là ở Pháp và Đức, vì vậy các liên minh cầm quyền mới dự định ​​sẽ (1) ít sẵn sàng thực hiện hành động mạnh mẽ hơn về khí hậu, (2) ít thân thiện với người nhập cư hơn, và (3) hoài nghi hơn về việc viện trợ cho Ukraine. Thất vọng rõ rệt trước kết quả bầu cử Nghị viện Âu Châu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm cho Pháp. Các cuộc thăm dò hậu bầu cử ​​​​ở Pháp cho thấy Đảng Tập Hợp Quốc Gia (Rassemblement National, RN) nhận được 31.4% phiếu bầu, cao hơn gấp đôi mức 14.6% Đảng Liên Minh Trung Tâm (Đảng Renaissance – RE) của ông Macron. Đảng RN do bà Marine Le Pen dẫn đầu, người đã chọn một lãnh đạo trẻ thú vị, ông Jordan Bardella, người chỉ mới 28 tuổi và sẽ khó bị ông Macron và các đối thủ khác bêu riếu hơn. Kết quả là, một cuộc Cách mạng Pháp mới có thể sẽ diễn ra.

Theo các nhà quan sát thì Hội nghị G7 đang diễn ra ở Ý vào tuần này có thể sẽ ra thông báo về khuynh hướng chính trị ở châu Âu. Có thể G7 sẽ đồng ý viện trợ cho Ukraine và một số mục tiêu về khí hậu, nhưng các nhà lãnh đạo ở Pháp, Đức, và Hoa Kỳ đều có thể bị thay thế bởi các lãnh đạo theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống hơn. Do Ý được lãnh đạo bởi Thủ tướng Giorgia Meloni, một nhà lãnh đạo cánh hữu, người bất đồng với Tổng thống Pháp Macron, nên có thể thông cáo G7 sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ bà Meloni vì bà nổi tiếng là người nóng nảy, mà Ý lại là nước chủ nhà G7 năm nay.

Tại Hoa Kỳ, chứng khoán được dự đoán sẽ ngày càng bị ảnh hưởng bởi các thuật toán giao dịch “trở về giá trị trung bình” (mean reversion) mà hãng Citadel thực hiện mỗi khi mùa công bố thu nhập kết thúc. Các thuật toán này thường ảnh hưởng đến các cổ phiếu được mua quá mức và thường hoạt động dựa trên một thuật toán mạng neuron thần kinh phi tuyến tính, vốn sẽ kích hoạt khi độ biến động tăng lên.


Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Báo Động Hoa Kỳ Có thể Bị Khủng Bố

Hôm Chủ Nhật (16/06), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Turner (Cộng Hòa-Ohio) cho biết rằng Hoa Kỳ hiện đang ở “mức cao nhất” về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News, ông Turner đã được hỏi về các báo cáo liên quan đến các vụ bắt giữ mới đây với những cá nhân có liên hệ với nhóm khủng bố ISIS ở Hoa Kỳ.

Ông Turner nói, “Điều quan trọng về những báo cáo này và những gì chúng ta đang xem, đặc biệt là cùng với các tuyên bố công khai của Giám đốc FBI Christopher Wray, là chúng ta đang ở mức cao nhất về một mối đe dọa khủng bố tiềm tàng, rằng các chính sách của chính phủ hoàn toàn liên quan trực tiếp đến các mối đe dọa đối với người Mỹ”.

Ông nói thêm với CBS News rằng các mối đe dọa này “không còn là suy đoán” và “không còn là giả thuyết” nữa xét trên những bình luận công khai được Giám đốc FBI đưa ra trong nhiều cuộc họp của các ủy ban Quốc hội trong khoảng sáu tháng qua.

Ông Turner nói với CBS News, “Chúng ta có các viên chức chính phủ đã hành động và chắc chắn ủy ban của chúng tôi cũng như các thành viên ủy ban của chúng tôi đã đồng tình với thông tin tình báo mà chúng tôi đang xem. Đó là kết quả từ các chính sách của chính phủ cho phép người ta vượt biên mà không được kiểm tra, chúng ta có những kẻ khủng bố đang tích cực hoạt động bên trong Hoa Kỳ và là mối đe dọa đối với người Mỹ”.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi có nhiều báo cáo, dẫn lời các viên chức Hoa Kỳ ẩn danh, cho biết ít nhất 8 công dân Tajikistan bị cáo buộc có liên hệ với IS đã bị bắt tại một số thành phố lớn, trong đó có New York và Los Angeles.

Trong khi đó, hôm 14/06, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ba cá nhân có liên hệ với ISIS và có liên quan đến một mạng lưới đưa người vào Hoa Kỳ.

Ông nói với Fox News hôm 12/06 rằng Nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) đã gửi thư cho Lãnh đạo Đa số Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) và Lãnh đạo Thiểu số Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) về việc yêu cầu một cuộc họp mật cho tất cả các nghị sĩ về các mối đe dọa của ISIS.

Ông Graham viết trên X, “Tôi chưa bao giờ lo lắng hơn như lúc này về một cuộc tấn công vào quê hương của chúng ta” sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan vào năm 2021, và ông nhận rằng an ninh biên giới lỏng lẻo, có thể sẽ xảy ra như vụ 11/09.

Đầu tháng này, ông Wray nói với một ủy ban Thượng Viện rằng Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt với các mối đe dọa do những kẻ khủng bố ngoại quốc gây ra, “tăng lên một cấp độ hoàn toàn khác” sau vụ tấn công khủng bố ngày 07/10/2023 vào Israel, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc xung đột Israel–Hamas.

Ông cũng đề cập đến một vụ tấn công khủng bố tại phòng hòa nhạc ở Moscow khiến nhiều người thiệt mạng mà ISIS-K, hay Nhà nước Hồi Giáo Khorasan, đã nhận trách nhiệm.

Ông Wray nói thêm rằng “ngày càng đáng lo ngại là có thể sẽ xảy ra của một cuộc tấn công có tổ chức ngay tại đất nước này, tương tự như cuộc tấn công của ISIS-K tại Nhà hát Nga hồi tháng Ba vừa qua”.


Dự Báo Mức COLA Cho An Sinh Xã Hội Năm 2025 Là 2.57%

Theo Liên đoàn Công dân Cao niên (TSCL), các mức điều chỉnh về chi phí sinh hoạt (COLA) của Sở An Sinh Xã Hội cho năm 2025 có thể thấp hơn so với ước tính trước đó, khiến tình hình tài chính của những người nhận trợ cấp trở nên xấu đi.

Trong thông cáo báo chí ngày 12/06, ông Alex Moore, nhà thống kê An sinh Xã hội và Medicare tại TSCL cho biết: “Dự đoán COLA năm 2025 là khoảng 2.57%, giảm so với mức 2.66% của tháng trước”. Tổ chức này cho biết, mức tăng COLA năm nay rất quan trọng “vì nhiều người cao tuổi cho biết mức tăng không theo kịp chi phí sinh hoạt thực tế của họ vào năm ngoái”. Mức tăng COLA vào năm 2023 là 8.7%, giảm xuống còn 3.2% vào năm 2024. Trong Khảo sát Người Cao Tuổi năm 2024 của TSCL, 69% cho biết chi phí gia đình của họ tăng nhanh hơn COLA vào năm 2023, với một số mức tăng chính nằm trong chi phí nhà ở và thực phẩm.

Một nửa số người về hưu trong cuộc khảo sát đã rút tiền từ khoản tiết kiệm khẩn cấp của họ vào năm ngoái. Một phần ba buộc phải nộp đơn yêu cầu nhận trợ cấp SNAP, ghé thăm ngân hàng thực phẩm từ thiện, hoặc nhận phiếu thực phẩm. 25% rút cạn trương mục tiết kiệm hoặc trương mục hưu trí của họ.

TSCL cho biết , “Thực tế là COLA đang ngày càng ít có khả năng theo kịp lạm phát theo thời gian. Trong những năm 2020, tính đến nay chỉ có 20% mức điều chỉnh COLA được áp dụng đã vượt qua lạm phát, so với 40% trong những năm 2010 và 60% trong những năm 2000 và 1990”.

Khi các mức điều chỉnh COLA không đủ, tình trạng này có thể khiến người cao niên thiếu hàng ngàn USD trong biên lai An Sinh Xã Hội.

TSCL cho biết, mức thâm hụt COLA có “tác động tích lũy, lâu dài”. Ví dụ, nếu trong năm đầu tiên nhận An Sinh Xã Hội, lạm phát là 5%, nhưng COLA là 4%, thì cá nhân đó sẽ nhận được 1,040 USD thay vì 1,050 USD, số tiền mà họ sẽ nhận được nếu việc điều chỉnh COLA là phù hợp với lạm phát.

Trong năm thứ hai, nếu cả COLA và lạm phát đều là 5% thì tờ chi phiếu sẽ chỉ có giá trị là 1,092 USD thay vì 1,102.50 USD. Tổ chức này lưu ý rằng theo thời gian, sự thiếu hụt này sẽ trở nên lớn hơn nếu COLA ở dưới mức lạm phát.

Trong khi đó, Sở An sinh Xã hội (SSA) đã hành động để giảm bớt một số gánh nặng mà những người thụ hưởng An sinh Xã hội phải đối mặt khi họ nhận được số tiền vượt quá mức mà họ nên nhận. Luật yêu cầu SSA phải tìm cách yêu cầu hoàn trả nếu họ trả quá nhiều cho người thụ hưởng.

Đến cuối tháng Ba, nếu SSA trả quá nhiều, thì họ sẽ giữ lại 100% khoản tiền trợ cấp hàng tháng của người thụ hưởng cho đến khi số tiền trả quá mức được thu hồi lại.

Nhưng kể từ ngày 25/03, SSA cho biết, “cơ quan sẽ thu 10% (hoặc 10 USD, tùy theo số tiền nào lớn hơn) trong tổng số tiền trợ cấp An Sinh Xã Hội hàng tháng để thu hồi khoản thanh toán vượt mức, thay vì thu 100% như thủ tục trước đây”.

Hôm 13/06, Văn phòng Tổng Thanh tra SSA đã ban hành một “cảnh báo lừa đảo”, cảnh báo rằng những kẻ lừa đảo đang lan truyền thông tin sai lệch rằng phúc lợi An Sinh Xã Hội sẽ tăng thêm 600 USD vào tháng Sáu.

Cơ quan COLA công bố, “Bất cứ thông tin nào liên quan đến mức tăng 600 USD hiện tại đều là sai sự thật và cần phải bỏ qua. SSA sẽ công bố mức COLA mới vào tháng Mười, nếu có. COLA sẽ bắt đầu với các khoản phúc lợi phải trả vào tháng 01/2025”.

Cơ quan này cảnh báo rằng bọn gian manh có thể lợi dụng tình huống này để ăn cắp dữ kiện cá nhân. Coi chừng chúng nhân danh COLA để yêu cầu cung cấp dữ kiện cá nhân.


100 Quốc Gia Và Tổ Chức Tham Dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Hòa Bình Ukraine

Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine đã khai mạc hôm thứ Bảy (15/06) tại Thụy Sĩ. Trong thời gian hội nghị kéo dài hai ngày, các đại diện từ 92 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế trên toàn thế giới đã tụ họp để thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài hơn hai năm và thực hiện con đường hòa bình lâu dài cho Ukraine.

Tin từ Reuters cho biết Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cùng lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Ý, Vương quốc Anh, Canada, và Nhật Bản tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Ukraine lần này. Dự định các quốc gia có mối quan hệ tốt với Nga như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Hungary cũng sẽ tham gia.

Tối thứ Sáu (14/06), chính phủ Thụy Sĩ tuyên bố rằng dự định có khoảng 100 quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ tham dự hội nghị, trong đó có nguyên thủ và thủ tướng chính phủ của 57 quốc gia. Nga bị loại trừ khỏi hội nghị, và Trung Cộng cũng không tham dự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trọng tâm thảo luận của hội nghị là các vấn đề rộng lớn hơn từ cuộc chiến tranh do Nga phát động gây ra, bao gồm an ninh hạch tâm, an ninh lương thực và cách bảo vệ các nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

Ông Zelensky cáo buộc nhà cầm quyền Trung Cộng giúp đỡ Moscow phá hoại hội nghị hòa bình lần này. Về phía Nga, quốc gia này tuyên bố rằng việc tổ chức hội nghị hòa bình mà không có sự tham gia của Nga là “vô ích”.

Cũng trong ngày 14/06, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chỉ khi Ukraine đồng ý từ bỏ việc gia nhập NATO và giao nộp toàn bộ bốn tỉnh, bao gồm Donetsk, Luhansk, Kherson, và Zaporizhzhia, thì cuộc chiến Ukraine mới kết thúc.

Ukraine và các đồng minh Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ, lập tức lên án yêu cầu này của ông Putin. TT Ukraine Zelensky còn so sánh TT Putin với Hitler trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ý Sky TG24 hôm 14/06, ông Zelensky nói: “Điều kiện của ông Putin là tối hậu thư, không khác gì các tối hậu thư trước đây. Sự khác biệt duy nhất là bây giờ chúng ta có thể thấy rõ ràng đây là sự tái sinh của chủ nghĩa phát xít”.

Ông Zelensky nói thêm: “Những thông điệp này giống hệt như thông điệp của Hitler. Gần một trăm năm trước, Hitler từng nói rằng ‘cho tôi một phần của Tiệp Khắc (Czechoslovakia), mọi thứ sẽ kết thúc.’ Không, đó là những lời dối trá lịch sử. Sau đó, ông ta lại tấn công Ba Lan, ‘cho tôi một phần của Ba Lan,’ và rồi ông ta bắt đầu chiếm đóng toàn bộ châu Âu”.

Những người ủng hộ Ukraine cho biết họ sẽ tổ chức hàng loạt các hoạt động tại thành phố Lucerne, Thụy Sĩ, để cảnh báo mọi người về thảm họa nhân đạo do chiến tranh gây ra, bao gồm các cuộc biểu tình yêu cầu Nga trả lại các tù nhân chiến tranh và trẻ em bị bắt cóc của Ukraine.

Tại hội nghị lần này, chính phủ Biden đã công bố một gói viện trợ mới trị giá 1.5 tỷ USD cho lãnh vực năng lượng và tình trạng nhân đạo của Ukraine khi quốc gia đang bị chiến tranh bủa vây, cố gắng đẩy lùi cuộc tấn công của Nga.

Đợt viện trợ mới nhất này gồm có 500 triệu USD trong khoản tài trợ mới dành cho trợ giúp năng lượng và chuyển hướng một khoản tài trợ khác trị giá 324 triệu USD đã được công bố trước đó sang việc sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng khẩn cấp, qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Cơ quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID).

Phó Tổng thống Kamala Harris đã công bố gói tài trợ mới này khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình Ukraine ở Lucerne, Thụy Sĩ. Tại đây, bà đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.


Đường Ống Mountain Valley Bắt Đầu Bơm Khí Đốt Tự Nhiên Từ West Virginia

Ba ngày sau khi nhận được sự chấp thuận cuối cùng của liên bang và gần một thập niên sau khi lần đầu được đề xướng, Đường ống Mountain Valley dài 303 dặm (hơn 487 km), trị giá 7.85 tỷ USD, đang vận chuyển khí đốt tự nhiên từ West Virginia đến Virginia. Tại đây đường ống này sẽ tăng cường dự trữ nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho các công ty điện năng ở vùng Trung-Đại Tây Dương.

Đường ống Mountain Valley (MVP) bắt đầu đi vào hoạt động hôm 14/06, kết thúc nhiều năm tranh chấp pháp lý, tranh luận về quy định, và các cuộc phản đối về môi trường.

Theo bà Diana Charletta, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Equitrans Midstream Corp. thì,

“Đây là một ngày quan trọng và được chờ đợi từ lâu đối với đất nước chúng ta và hàng triệu người Mỹ, những người hiện có cơ hội tiếp cận lớn hơn tới một nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên dồi dào trong nước để sử dụng như một nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy, và giá cả phải chăng”. Equitrans Midstream Corp., là công ty dẫn đầu dự án chung này với nhà xây dựng RG Resources và các nhà cung cấp điện trong khu vực NextEra Energy, Consolidated Edison, và AltaGas.

Bà Charletta nói, “Khí đốt tự nhiên là một loại nhiên liệu thiết yếu cho cuộc sống hiện đại, và là một dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Đường ống Mountain Valley sẽ đóng một vai trò không thể thiếu để đạt được một tương lai ít carbon hơn trong khi giúp bảo đảm an ninh kinh tế và năng lượng của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới”.

Equitrans đã đề xướng MVP hồi năm 2015. Các công ty tiện ích trong khu vực cho biết công suất của đường ống có đường kính 42 inch (hơn 1 mét) này sẽ cung cấp 2 tỷ feet khối (hơn 56 triệu mét khối) khí đốt tự nhiên mỗi ngày, khoảng 1/3 sản lượng bán ra thị trường của West Virginia, sẽ bảo đảm cho sự ổn định năng lượng và giảm chi phí điện tại các tiểu bang Trung-Đại Tây Dương.

Ủy ban Quản lý Năng lượng Liên bang (FERC), một cơ quan liên bang độc lập quản lý việc truyền tải điện, khí đốt tự nhiên, và dầu giữa các tiểu bang — trong đó gồm cả lưới điện và đường ống các loại — đã chấp thuận dự án này hồi năm 2017. Dự án khởi công hồi năm 2018.

Đường ống này đã thu hút sự phản đối liên tục của các nhóm môi trường — một nhà hoạt động về khí hậu đã dành liên tục 932 ngày sống trên một cái cây — và một loạt những vụ kiện thách thức đường ống này trong một loạt các vấn đề về quy định và pháp lý, bao gồm cả việc sử dụng vùng đất cao, những tác động đến rừng, sông nước, và động vật hoang dã, và các luật công lý môi trường của Virginia.

Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 4 đã hai lần đưa ra phán quyết tạm dừng việc xây dựng. Do đó, đường ống này chậm hơn sáu năm so với kế hoạch ban đầu và vượt quá ngân sách ít nhất 500 triệu USD.

Những lần trì hoãn và vướng mắc pháp lý có vẻ đã được giải quyết khi hồi năm 2022, Nghị sĩ Joe Manchin (Độc Lập-West Virginia), chủ tịch Ủy ban Tài nguyên và Năng lượng Thượng viện sắp về hưu, đồng ý ủng hộ các sáng kiến ​​năng lượng xanh của Tổng thống Joe Biden để đổi lấy việc chấp thuận đường ống này. Mới đây, ông Manchin rời đảng Dân Chủ khi tuyên bố là một người độc lập.

Tuy nhiên, đến tháng 04/2023—với 283 dặm (khoảng 455km) đường ống đã hoàn thành—Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 4 lại trì hoãn dự án này lần thứ hai khi đặt câu hỏi liệu FERC có đánh giá đầy đủ “tình huống xói mòn bất ngờ và bồi lắng trầm trọng dọc theo lộ trình của đường ống hay không”.

Là một phần của các cuộc đàm phán về Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa (FRA) tháng 06/2023, ông Manchin một lần nữa đạt được thỏa thuận của chính phủ để không phản đối dự án này.

Trong một bài đăng trên X, ông Manchin cho biết, “Sau 10 năm làm việc chăm chỉ, sự giám sát theo quy định chưa từng có, và hàng tỷ dollar đổ vào West Virginia, Đường ống Mountain Valley đã chính thức đi vào hoạt động!”.


CNN Công Bố Các Thể Lệ Mới Cho Cuộc Tranh Biện Tổng Thống Trump-Biden 2024

CNN đã công bố chi tiết mới về các thể lệ được thông qua, cho cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên trong chu kỳ bầu cử năm 2024, trong đó sẽ chứng kiến ​​​​cuộc tái đấu giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump.

Hôm 15/06, CNN cho biết, cuộc tranh biện sẽ kéo dài 90 phút và sẽ bao gồm hai khoảng nghỉ cho quảng cáo, khi đó các ứng cử viên sẽ không thể tiếp xúc với nhân viên chiến dịch tranh cử của họ.

Các ứng cử viên không được phép sử dụng giấy ghi chú được soạn trước hay dụng cụ gì, nhưng sẽ có bút và giấy để có thể ghi chép trong suốt cuộc tranh biện.

Các ứng cử viên sẽ có mặt trên bục tranh biện giống nhau,và vị trí bục tranh biện của họ sẽ được xác định bằng cách tung đồng xu.

Cuộc tranh biện này sẽ không có khán giả ở nơi thu hình, được tổ chức tại Atlanta vào ngày 27/06.

Cuộc tranh biện sẽ do ông Jake Tapper và bà Dana Bash của CNN chủ trì. CNN cho biết rằng hai người này “sẽ sử dụng tất cả các biện pháp theo ý của mình để bảo đảm thời gian và một cuộc thảo luận văn minh”.

CNN cũng cho biết một điều kiện tham gia cuộc tranh biện là các ứng cử viên phải đạt ít nhất 15% trong bốn cuộc khảo sát quốc gia riêng biệt từ danh sách do mạng lưới này cung cấp, và họ phải có tên trên đủ số phiếu bầu của các tiểu bang để có thể đạt được ngưỡng 270 phiếu bầu cử cần thiết để một ứng cử viên chiến thắng trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.

Mạng lưới này cho biết ứng cử viên tổng thống độc lập Robert F. Kennedy Jr. “không phải là không thể” đáp ứng được những điều kiện này, vì ông đã đạt ngưỡng 15% trong ba cuộc thăm dò đủ điều kiện và, theo CNN, ông đã có tên trong lá phiếu ở sáu tiểu bang, đủ điều kiện nhận được 89 phiếu đại cử tri.

Chiến dịch tranh cử của ông Kennedy cho biết trong một tuyên bố hôm 14/06 rằng ông đã có tên trên lá phiếu ở 8 tiểu bang và đã thu thập đủ chữ ký cần thiết để có quyền có tên trên lá phiếu ở tổng số 22 tiểu bang, mà tổng cộng sẽ có 538 phiếu đại cử tri.

Tuy nhiên, CNN cho biết có vẻ như “ít có thể” bất cứ ai khác ngoài Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump sẽ đáp ứng được các điều kiện của họ, đặt ra một cuộc đối đầu tái diễn giữa hai ứng cử viên này như năm 2020.

Chiến dịch tranh cử của ông Kennedy đã không phúc đáp ngay một đề nghị bình luận liên quan đến nhận xét của CNN rằng khó có thể ông sẽ đủ điều kiện tham gia cuộc tranh biện, cũng như yêu cầu giải thích rõ về số liệu liên quan đến quyền có tên trên lá phiếu.

Ông Kennedy đã nhiều lần cho biết rằng ông mong đợi sẽ đáp ứng đủ các yêu cầu của CNN. Hôm 28/05, ông đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử Liên bang, cho rằng CNN đã hợp tác với các chiến dịch của ông Trump và ông Biden để loại ông ra khỏi sân khấu tranh biện.

Hôm 12/06, một phát ngôn viên của CNN nói với The Epoch Times rằng ông Kennedy hiện không đáp ứng các tiêu chí để đủ điều kiện tham gia tranh biện trong khi vẫn biện minh rằng các điều kiện này là “khách quan” và được đặt ra trước khi gửi lời mời tham gia đến các chiến dịch tranh cử.

Ứng cử viên tổng thống độc lập tiềm năng Cornel West, ứng cử viên Đảng Xanh Jill Stein, và ứng cử viên Đảng Tự Do Chase Oliver vẫn chưa đáp ứng được các quy định về tiêu chuẩn tranh biện của CNN.

Cho đến nay, chiến dịch tranh cử của ông Trump và của ông Biden đã đồng ý với hai cuộc tranh biện tổng thống — cuộc tranh biện đầu tiên do CNN tổ chức vào ngày 27/06 và cuộc tranh biện thứ hai do ABC News tổ chức vào ngày 10/09, nhưng địa điểm vẫn chưa được quyết định.

Các điều kiện đủ để tham gia cuộc tranh biện của ABC News gần như giống hệt với của CNN, với các ứng cử viên phải có tên trên đủ số phiếu bầu của các tiểu bang để đạt đến ngưỡng 270 phiếu đại cử tri, nhận được ít nhất 15% ủng hộ trong bốn cuộc khảo sát quốc gia riêng biệt, và đồng ý với hình thức của cuộc tranh biện.


Peru Mời Hoa Kỳ Đầu Tư Vào Cảng Mới

Trước thực tế Trung Cộng tiếp tục tiến hành thâm nhập thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, Peru đang chào mời các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào một dự án cảng mới nhằm tạo thế cân bằng đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Peru qua thương mại hàng hải.

Tập đoàn COSCO Shipping, một công ty quốc doanh của Trung Cộng, sẽ bắt đầu sử dụng cảng Chancay của Peru vào cuối năm nay. Điều này có thể giúp cho việc mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Nam Mỹ qua thương mại hàng hải, thuận tiện hơn rất nhiều nhưng cũng gây ra những lo ngại về an ninh cho Hoa Kỳ. Hiện tại, khi cân nhắc đến địa chính trị, giới chức trách Peru đang cố gắng sử dụng cảng Chancay làm ví dụ để mời gọi Hoa Kỳ đầu tư vào “sân sau” giàu tài nguyên của họ.

Đại sứ Peru tại Hoa Kỳ Alfredo Ferrero nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn sau khi phát biểu trước các giám đốc điều hành ở New York rằng: “Đây sẽ là một hải cảng có thể cân bằng với kế hoạch Chancay của Trung Cộng”.

Cảng Chancay trị giá 3.5 tỷ USD, được khoản vay từ ngân hàng Trung Cộng tài trợ, nằm cách thủ đô Lima của Peru 50 dặm (khoảng 80.5 km) về phía bắc. Với độ sâu gần 60 feet (khoảng 18.3 mét), đây sẽ là cảng đầu tiên trên bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ có khả năng tiếp nhận các tàu cỡ lớn. Điều này sẽ cho phép các công ty sử dụng tàu cỡ lớn để vận chuyển hàng hóa trực tiếp giữa Peru và Trung Cộng, không cần phải sử dụng các tàu nhỏ hơn để đi vòng sang Mexico hoặc California.

Do tầm quan trọng của cảng nước sâu Chancay đối với Bắc Kinh nên lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình sẽ tham dự lễ khánh thành hải cảng này trong chuyến công du Peru để dự cuộc họp Hợp Tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào tháng Mười Một tới đây. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập ở lục địa Nam Mỹ kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, hải cảng Chancay đã khiến các viên chức Hoa Kỳ dấy lên những mối lo ngại. Họ công khai chỉ trích các khoản đầu tư của Trung Cộng vào Nam Mỹ khiến các công ty Hoa Kỳ bị thất thế. Cảng Chancay hiện đang thu hút sự chú ý nhưng đây chỉ là ví dụ mới nhất về các khoản đầu tư của ĐCSTQ vào Peru.

Ông Ferrero cho biết, “100% điện năng của Lima là thuộc sở hữu của Trung Cộng, rất nhiều kế hoạch khai thác đồng cũng thuộc sở hữu của Trung Cộng. Trung Cộng sẽ làm chủ các hải cảng lớn nhất ở Nam Mỹ., Hoa Kỳ cũng đã nhận thấy điều này. Tuy nhiên, chỉ nhận thấy điều này thôi là chưa đủ mà còn cần phải hành động”.

Ông Ferrero là cựu Bộ trưởng Thương mại Peru, người đã đàm phán thành công một hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ có hiệu lực cho đến ngày nay. Hồi đầu năm nay, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Hoa Kỳ và đã bắt đầu thu hút các khoản đầu tư mới.

Dự án cảng mới mà ông đề xướng có tên là Corio, nằm cách cảng Chancay gần 700 dặm (khoảng 1,127 km) về phía nam. Cảng Corio cũng nằm ở phía nam Callao, nơi có công ty DP World (Dubai Ports World của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất) và công ty APM Terminals (của Đan Mạch) chuyên vận hành các dịch vụ bến cảng. Khu vực Corio cũng gần cảng Matarani, nơi đang là trung tâm xuất cảng đồng quan trọng.

Ý tưởng về cảng Corio vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng ông Ferrero cho biết dự án này rất có tiềm năng vì nó nằm gần ba nước Chile, Argentina, và Bolivia, những nơi đang nỗ lực tăng cường sản xuất Lithium cho nhu cầu về xe điện.

Ông Ferrero đang nỗ lực nâng cao nhận thức của Hoa Kỳ về dự án cảng Corio nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Ông nói: “Ý tưởng của chúng tôi là chính phủ Hoa Kỳ nên kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào Peru”.

Theo The Wall Street Journal, đã có nhiều người bày tỏ sự lo ngại và dấy lên hồi chuông cảnh báo khi làn sóng hàng hóa giá rẻ mới của Trung Quốc tràn vào các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, cảng Chancay, nằm ở thị trấn nhỏ của Peru, ven bờ biển Thái Bình Dương thuộc Nam Mỹ, có thể mở ra một thị trường mới cho xe điện và các mặt hàng xuất cảng khác của Trung Cộng tràn vào.

Hai tổ chức chỉ trích Bắc Kinh là Doublethink Lab và China in the World Network đã đưa ra các chỉ số, cho thấy rằng Peru là nước đứng thứ năm trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Trung Cộng. Xe hơi sản xuất tại Trung Cộng đang xuất hiện ngày càng nhiều tại quốc gia này.

Peru là nơi có triển vọng sẽ trở thành trung tâm thương mại của Nam Mỹ. Hoa Kỳ lo ngại việc Trung Cộng kiểm soát Peru sẽ làm gia tăng hơn nữa quyền kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực, tăng thêm ảnh hưởng đối với các nước láng giềng của Hoa Kỳ, và cuối cùng Trung Cộng sẽ khai triển quân đội ở gần đó.


Trung Cộng Đang Suy Giảm

Trong bốn thập niên, Trung Cộng đã phát triển nhanh chóng, mặc dù không đồng đều, nhờ dòng đầu tư ngoại quốc và các bí quyết kỹ nghệ dường như không ngừng nghỉ từ Tây phương, nguồn lao động giá rẻ dường như vô tận, và các thị trường mở to lớn luôn khao khát mua bất cứ mặt hàng nào mà Trung Cộng sản xuất.

Kết quả là, các trung tâm sản xuất toàn cầu đã chứng kiến các ​​cơ sở sản xuất của họ biến mất nhanh chóng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, khi các công ty chuyển đến Trung Quốc nhằm duy trì khả năng cạnh tranh, tận dụng một loạt lợi thế về chi phí ở Trung Quốc. Toàn bộ ngành kỹ nghệ của Hoa Kỳ — từ dệt may đến điện tử, phụ tùng xe hơi, máy điện toán, và thậm chí ngay cả các hệ thống quân sự mang tính chiến lược cao — đều đã biến mất trong vòng vài năm, nếu không muốn nói là chỉ sau một đêm. Người ta ước tính rằng chỉ riêng ở Hoa Kỳ, hơn 2 triệu việc làm trong lãnh vực sản xuất đã bị mất vào tay Trung Cộng trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2018.

Trung Cộng đã chứng kiến ​​​​sự trỗi dậy của một giai tầng trung lưu, với ước tính khoảng 800 triệu người thoát nghèo từ năm 1979 đến năm 2014. Một giai tầng thượng lưu “mới nổi” cũng xuất hiện, với các thương gia, những ông trùm kỹ nghệ, các nhà sản xuất ngày càng trở nên giàu có nhanh chóng, và các đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng vậy. Giờ đây, đó là một đảng gồm nhiều triệu phú và tỷ phú. Chỉ cách đây vài năm (trước dịch COVID-19), lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình còn tự hào tuyên bố rằng Trung Cộng là lực lượng trực tiếp đứng sau sự tăng trưởng và thành công chưa từng có của Trung Quốc. Nhưng những ngày đó đã qua rồi.

Trạng thái tăng trưởng siêu tốc và kéo dài trên diện rộng của Trung Cộng đi đến hồi kết thúc là điều mà người ta phần nào có thể đoán trước được, cũng như cuộc thoái trào lớn mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay. Các nhà quan sát Trung Cộng như ông Gordon Chang đã thấy trước kết cục này từ nhiều năm trước đây, nếu không muốn nói là hàng thập niên trước đây như trong trường hợp của ông Chang. Mặc dù không ai lường trước được cảnh tượng dịch bệnh COVID-19 bùng phát và những đợt phong tỏa kéo dài sau đó của Trung Cộng, nhưng những diễn biến như vậy rất có khả năng xảy ra trong một chuỗi dài sai lầm và những hành vi bóp méo kinh tế vốn đã kích thích cho cuộc sụp đổ mà Trung Cộng đang trải qua.

Qua sự phụ thuộc vào vốn và kỹ nghệ ngoại quốc, một nền kinh tế dựa trên hối lộ, việc bóp méo thị trường địa ốc, và đánh cắp từ chính người dân của họ một cách tràn lan, Trung Cộng đang từng bước phát giác ra rằng quy luật lợi suất giảm dần rốt cuộc đã gây tác dụng. Hầu hết các đối tác thương mại của Trung Cộng, dù ở Tây phương hay trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, đều không còn tin tưởng Trung Cộng, rằng Trung Cộng sẽ giao dịch công bằng, nhưng không phải vậy. Cùng với nhiều công ty khác, các công ty lớn như Apple, công ty đã giúp xây dựng lãnh vực kỹ nghệ cao, đang bỏ Trung Cộng mà ra đi.


2,000 Tấn Đồng Tinh Chế Mua Từ Nga Bị Mất Tích

Lô hàng đồng tinh chế trị giá khoảng 20 triệu USD do Tập đoàn Wuchan Zhongda Group, một doanh nghiệp quốc doanh lớn của Trung Cộng mua từ Nga đã bị mất tích, một lần nữa làm dấy lên lo ngại về các giao dịch lừa đảo trên thị trường kim loại.

Theo Bloomberg, Tập đoàn Wuchan Zhongda đã mua 2,000 tấn đồng tinh luyện từ một nhà máy luyện kim của Nga có tên Regional Metallurgical Co. Lô hàng hóa đã rời St. Petersburg của Nga vào đầu năm nay. Vì tránh xung đột trên Hồng Hải, lô hàng này đã đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng, và dự định sẽ đến cảng Ninh Ba của Trung Cộng vào cuối tháng 05/2024 nhưng tới nay vẫn chưa đến cảng.

Theo các nguồn tin tiết lộ, dựa trên hồ sơ của công ty nhận vận chuyển, lô kim loại này được liệt kê là đá granite rẻ tiền, và rất có thể đã được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhân viên của Tập đoàn Wuchan Zhongda đã đến Nga để điều tra tình hình, nhưng họ không thể xác định được vị trí cụ thể của nhà máy luyện kim này của Nga.

Nga là một trong những quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới, trong khi Trung Cộng là quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất. Sau khi Nga xâm lăng Ukraine, trong lúc các quốc gia dân chủ Tây phương áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga thì các cuộc làm ăn mua bán giữa Trung Cộng và Nga đã tăng mạnh. Để giao dịch thành công, rất nhiều công ty Nga đã đưa ra mức giá chiết khấu và các điều kiện thanh toán thuận lợi khác cho doanh nghiệp Trung Cộng.

Tuy nhiên, phần rủi ro là, vào thời điểm giá kim loại trên thị trường quốc tế lên cao, những điều kiện thuận lợi này có thể khiến các doanh nghiệp Trung Cộng vội vàng ký kết giao dịch trước khi thiết lập được mối liên hệ vững chắc với các nhà cung cấp Nga.

Giá giao ngay mới nhất của đồng trên Sàn giao dịch kim loại London là 9,821 USD/tấn. Với mức giá này, giá trị của lô hàng nói trên là gần 20 triệu USD. Tập đoàn Wuchan Zhongda có kế hoạch bán lại lô hàng này cho một công ty thương mại ở Trung Cộng.

Những người biết rõ sự việc tiết lộ rằng công ty Trung Cộng bị ảnh hưởng bởi sự việc này đã bắt đầu tiến hành thẩm tra nội bộ đối với các hợp đồng liên quan đã ký kết.

Năm ngoái, Trung Cộng nhập cảng trung bình hơn 300 ngàn tấn đồng tinh luyện mỗi tháng. Đồng tinh luyện được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như xây dựng, truyền tải điện, và năng lượng sạch, v.v…

Mặc dù vụ mất tích của lô hàng đồng tinh luyện từ Nga khó có thể gây ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu, nhưng đây là đòn giáng mới nhất vào ngành thương mại kim loại quốc tế. Ngành công nghiệp này đã nhiều lần vướng vào các vụ lừa đảo trong giao dịch hàng hóa số lượng lớn, bao gồm làm giả phiếu nhập kho và tráo đổi kim loại quý trong hợp đồng đã ký.

Năm ngoái, đại tập đoàn thương mại Trafigura của Thụy Sĩ đã cáo buộc một số công ty gian lận trong giao dịch, trong một số container đáng ra nên chứa niken thì lại chứa đầy thép carbon giá rẻ hoặc các kim loại vô giá trị khác. Vì sự việc này, công ty Trafigura có thể tổn thất gần 600 triệu USD.


Trung Cộng Tuyên Truyền Rằng ‘Trung Quốc Xây, Hoa Kỳ Phá’

Trung Cộng đang lợi dụng sự trợ giúp của Hoa Kỳ dành cho Israel và Ukraine để biện minh cho chính sách ngoại giao bẫy nợ của mình, miêu tả Trung Cộng là vị cứu tinh nhân từ của thế giới.

Đội quân trực tuyến Ngũ Mao (Wumao, hay đội quân 50 xu) của Trung Cộng đang tích cực hoạt động, tận dụng sự trợ giúp của Hoa Kỳ cho Israel và Ukraine như cơ sở trong cuộc chiến tuyên truyền nhằm làm Hoa Kỳ mất uy tín và thuyết phục các quốc gia khác rằng tc đang giúp đỡ thế giới trong khi Hoa Kỳ thì phá hoại. Họ đang đưa ra khẩu hiệu “Trung Quốc xây, Hoa Kỳ phá”, vốn xuất hiện khắp nơi trên các trang truyền thông thiên tả, truyền thông nhà nước Trung Cộng và tờ South China Morning Post (SCMP).

Để làm bằng chứng cho cái gọi là lòng nhân từ của Trung Cộng, họ đề cập đến khoản đầu tư gần đây của Trung Cộng để xây dựng một dự án đường hoả xa ở Lagos, Nigeria.

Một trương mục Ngũ Mao đăng trên X, trước đây là Twitter, rằng “Trong cùng khoảng thời gian mà hai quốc gia lớn Nigeria và Trung Cộng hợp tác xây dựng thêm cơ sở hạ tầng nâng cao phẩm chất cuộc sống con người, thì Hoa Kỳ đã gửi bom tới các cuộc chiến tranh ở châu Âu và Tây Á”.

Điểm đầu tiên mà bài viết này bỏ sót là Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho Nigeria. Hơn nữa, Hoa Kỳ cung cấp nhiều viện trợ ngoại quốc trên toàn cầu hơn bất cứ quốc gia nào khác, và Trung Cộng thậm chí còn không nằm trong top 20. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn là nhà tài trợ lớn nhất cho Liên Hiệp Quốc.

Mặc dù Dự án Hoả Xa Lagos Red Line hiện đang là tin tức nổi bật trên báo chí và các phương tiện tuyên truyền của Trung Cộng, nhưng thỏa thuận trị giá 2.5 tỷ USD cho việc xây dựng dự án này đã được ký kết vào năm 2016. Vào thời điểm đó, Trung Cộng đã ca ngợi đây là một hành động hào phóng của Bắc Kinh. Trên thực tế, Nigeria chưa được hưởng lợi ích gì bởi vì dự án chưa hoàn thành. Tập đoàn Xây Dựng Kỹ Thuật Dân Dụng Trung Cộng (CCECC), một công ty nhà nước, chịu trách nhiệm xây dựng. Do đó, số tiền Nigeria vay đã được trả cho một công ty nhà nước Trung Cộng.

Nguồn tài chính phần lớn được cung cấp thông qua các ngân hàng phát triển Phi Châu, nhưng không biết sao Trung Cộng lại tuyên bố rằng họ đã cung cấp viện trợ cho Nigeria. Trung Cộng vẫn là bên cho vay chính của Nigeria, với khoản nợ hiện ở mức 5.16 tỷ USD. Các khoản vay này do các ngân hàng quốc doanh Trung Cộng thực hiện, chủ yếu là Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng Trung Cộng, và họ là bên thu lợi nhuận.

Ngoài dự án này, tổng thống Nigeria còn ký với Trung Cộng các thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD, với các điều kiện tài chính tương tự, liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng khác. Những thỏa thuận này thể hiện dòng doanh thu sẽ chảy sang Trung Cộng đồng thời làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của Nigeria, vốn đang tăng với tốc độ gấp sáu lần GDP của quốc gia này.

Ngân hàng Phát triển Phi Châu đã chỉ trích các khoản vay “không rõ ràng” liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, trong đó có các khoản vay của Trung Cộng, là gây bất lợi cho sự phát triển của Châu Phi. Các điều khoản chính xác của các khoản vay Trung Quốc, chẳng hạn như các khoản vay trong Sáng Kiến ​​Vành Đai và Con Đường (còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”), thường không công khai. Tại Nigeria và nhiều quốc gia khác, công chúng đã và đang phẫn nộ trước khoản nợ Trung Cộng ngày càng tăng và nguy cơ mất chủ quyền.


Phản Ứng Xung Quanh Việc EU Tăng Thuế Xe Điện Trung Cộng

Hôm thứ Tư (12/04) Liên minh Âu Châu đã công bố các mức thuế bổ sung lên tới 38.1% đối với xe điện (EV) nhập cảng từ Trung Cộng bắt đầu từ tháng tới, để đáp trả điều mà khối này gọi là trợ cấp không công bằng của Trung Cộng. Trước đợt tăng thuế này, các quốc gia thành viên EU và giới chuyên gia đã đưa ra những phản ứng khác nhau.

Tin tức cho biết, trong một thông cáo báo chí viết rằng, các mức thuế mới được áp dụng khác nhau tùy theo thương hiệu. Brussels sẽ áp thuế 17.4% đối với nhà sản xuất xe BYD, 20% đối với Geely, và 38.1% đối với SAIC, một nhà sản xuất xe thuộc sở hữu nhà nước.

Trong một tuyên bố trực tuyến trên trang web, Bộ Thương mại Trung Cộng cáo buộc phán quyết của EU là thiếu “cơ sở thực tế và pháp lý”. Phát ngôn viên của bộ này cho biết Trung Cộng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến và “thực hiện mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ các quyền lợi ích của họ.

Phản ứng đối với thuế quan là khác nhau giữa các quốc gia thành viên EU.

Bộ trưởng Giao thông và Kỹ thuật Digital Đức Volker Wissing cho biết thuế quan của Ủy ban Âu Châu đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và sản phẩm của các quốc gia. Ông Wissing cho biết trong một tuyên bố trên nền tảng truyền thông xã hội X: “Các loại xe phải trở nên rẻ hơn thông qua cạnh tranh nhiều hơn, thị trường mở, và điều kiện vị trí tốt hơn đáng kể ở EU, chứ không phải thông qua chiến tranh thương mại và cô lập thị trường”.

Bộ trưởng Công nghiệp Ý Adolfo Urso đón nhận kế hoạch thuế quan sơ bộ của Brussels, cho biết họ hoan nghênh thông báo này.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera tỏ ra thận trọng hơn, nói rằng họ phải ủng hộ đề nghị của Ủy ban nếu có bất cứ hành vi vi phạm quy tắc thương mại quốc tế nào xảy ra.

Tuy nhiên, có một số phản đối. Ông Sten Ola Kallenius, Giám đốc điều hành của Mercedes-Benz, tuyên bố,“Là một quốc gia xuất cảng, điều chúng ta không cần là gia tăng các rào cản thương mại. Chúng ta nên nỗ lực dỡ bỏ các rào cản thương mại theo tinh thần của Tổ chức Thương mại Thế giới”.

Ông Sigrid de Vries, giám đốc Hiệp hội các Nhà Sản Xuất Xe Hơi Âu Châu, một tập đoàn công nghiệp đại diện cho các nhà sản xuất xe hơi lớn ở EU, cho biết: “Điều mà ngành xe hơi Âu Châu cần trên hết để có thể cạnh tranh toàn cầu là một chiến lược công nghiệp mạnh mẽ cho phương tiện di chuyển bằng điện”.

Theo báo cáo của nhóm vận động năng lượng sạch Giao thông và Môi trường (T&E) trong một phân tích công bố vào tháng Năm, gần 1/5 số xe điện bán ra ở châu Âu được sản xuất tại Trung Cộng vào năm 2023. Hơn một nửa là xe điện do các công ty Tây phương như Tesla và BMW sản xuất tại Trung Cộng. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy sự tăng trưởng đáng chú ý của các thương hiệu Trung Cộng, chiếm 7.9% doanh số bán hàng tại châu Âu vào năm 2023, tăng từ 0.4% vào năm 2019.

Các cố vấn kinh tế tại Germna’s Allianz cho biết trong một báo cáo năm 2023 rằng, các nhà sản xuất xe hơi Âu Châu có thể mất 7 tỷ Euro (7.51 tỷ USD) lợi nhuận ròng hàng năm vào năm 2030 nếu các đối thủ Trung Cộng tiếp tục tăng thị phần ở châu Âu.

Trong một báo cáo tháng Tư, các nhà nghiên cứu của Rhodium Group đã cảnh báo rằng, ngay cả khi tăng thuế 15 đến 30%, các nhà sản xuất xe Trung Cộng vẫn có thể duy trì những “mức lợi nhuận biên thoải mái” khi xuất cảng xe sang thị trường châu Âu, nhờ “lợi thế chi phí đáng kể mà họ được hưởng”. Để chống lại điều này, Rhodium, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại New York, cho rằng việc áp thuế từ 40 đến 50% là cần thiết.

Tuy nhiên, ông Sun Kuo-hsiang, chuyên gia về kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Nam Hoa của Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm thứ Ba (11/06) rằng, bất cứ mức tăng thuế nào của EU, sẽ “chắc chắn làm trầm trọng thêm những thách thức mà nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Cộng hiện đang phải đối mặt”.

Theo bà Wang Shiow-wen, một nhà nghiên cứu về chiến tranh thương mại Mỹ-Hoa và an ninh chuỗi cung ứng tại Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia (INDSR) ở Đài Bắc, hy vọng duy nhất cho các nhà sản xuất xe Trung Cộng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong nước là tăng thị phần trên thị trường xe điện ở ngoại quốc, vì thế việc tăng thuế của EU có thể khiến một số hãng bị phá sản.

Chia sẻ với The Epoch Times hôm thứ Ba, bà Wang cảnh báo rằng hành động này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa EU và Trung Cộng, “Bắc Kinh sẽ không ngồi nhìn. Rất có khả năng Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa gắt gao”. Nhà cầm quyền Trung Cộng đã công bố các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập cảng từ EU, rõ ràng là nhằm đáp trả việc Brussels điều tra xe điện sản xuất tại Trung Cộng.

Bà Wang cho biết, sự trả đũa kinh tế của Bắc Kinh có thể sẽ “chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”, đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu tiếp cận các kỹ nghệ Âu Châu cùng các kỹ nghệ khác của nhà cầm quyền này sẽ thúc đẩy Trung Cộng tiếp tục nhập cảng từ châu Âu và hàn gắn quan hệ song phương.

“Tuy nhiên, EU sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược ‘giảm thiểu rủi ro.’ Đây là vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế”.

Ngoài xe điện, Brussels đã bắt đầu nhiều cuộc điều tra đối với các sản phẩm nhập cảng từ Trung Cộng trong những tháng gần đây, bao gồm nhiều loại hàng hóa như dầu diesel sinh học, thiết bị y tế, và các nhà sản xuất pin solar.


Quân Đội Israel Tuyên Bố ‘Tạm Dừng Chiến Thuật’ Ở Các Khu Vực Của Gaza

Hôm 16/06, quân đội Israel cho biết họ sẽ tạm dừng giao tranh vào ban ngày dọc theo một tuyến đường ở miền nam Gaza để giải phóng lượng hàng viện trợ nhân đạo cho người Palestine bị tồn đọng ở khu vực bất ổn này.  

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết trong một tuyên bố hôm 16/06, “Để tăng khối lượng viện trợ nhân đạo vào Gaza và sau những cuộc thảo luận thêm liên quan với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, việc tạm dừng chiến thuật ở địa phương trong hoạt động quân sự vì những mục đích nhân đạo sẽ diễn ra từ 08 giờ sáng đến 19 giờ tối hàng ngày cho đến khi có thông báo mới dọc theo tuyến đường dẫn từ ngã tư Kerem Shalom đến Đường Salah al-Din và xa hơn về phía bắc.

IDF nói thêm rằng việc tạm dừng chiến thuật này là một bước nữa trong nỗ lực viện trợ do quân đội Israel thực hiện, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ “tiếp tục trợ giúp các nỗ lực nhân đạo trên chiến trường”.

Việc tạm dừng, đặc biệt áp dụng cho khoảng 7.4 dặm đường trong khu vực Rafah, không phải là một lệnh ngừng bắn hoàn toàn trên lãnh thổ này, lệnh ngừng bắn mà Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, và một số quốc gia khác theo đuổi.

Ông Jens Laerke, một phát ngôn viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, nói rằng thông báo của Israel được hoan nghênh nhưng “hôm nay không có hàng viện trợ nào được gửi từ Kerem Shalom”, và không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ông Laerke cho biết Liên Hiệp Quốc hy vọng Israel sẽ thực hiện các biện pháp cụ thể hơn nữa, bao gồm cả việc tạo thuận tiện cho các hoạt động diễn ra suôn sẻ tại các trạm kiểm soát và thường xuyên cho phép đưa nhiên liệu cần thiết vào.

Tuy nhiên, một số viên chức Israel đã chỉ trích thông báo của IDF, trong đó có Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông đã đưa ra một tuyên bố với truyền thông địa phương rằng ông không biết về việc “tạm dừng chiến thuật” này và nói thêm rằng ông đã nói với các viên chức quân đội rằng “điều này đối với ông là không thể chấp nhận được”.

Tuyên bố cho biết: “Sau một cuộc điều tra, Thủ tướng được thông báo rằng không có thay đổi nào trong chính sách [của quân đội Israel] và việc giao chiến ở Rafah vẫn tiếp tục như kế hoạch”.

Các thành viên khác của chính phủ Netanyahu, gồm Bộ trưởng An Ninh Quốc Gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài Chánh Bezalel Smotrich, cũng chỉ trích quyết định ấy.

Theo một bản tin của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, khoảng một tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp ông Netanyahu để bàn về khả năng ngừng bắn và tăng viện trợ ở Gaza.

Ông Blinken đã nói với ông Netanyahu rằng Hoa Kỳ có một “cam kết vững chắc” đối với các nỗ lực quân sự và an ninh của Israel nhưng lại nói rằng cần có những chính sách “mở ra cơ hội yên ổn dọc theo biên giới phía bắc của Israel”.


Cựu Sĩ Quan Hải Quân Trung Cộng Bị Bắt Vì Đi Vào Đài Loan Trái Phép Bằng Thuyền

Các viên chức an ninh quốc gia Đài Loan đã bắt giữ một cựu sĩ quan Hải quân Trung Cộng vì đã lái thuyền cao tốc vào một bến cảng của Đài Loan. Đài Bắc lo ngại rằng Bắc Kinh có thể đang thử nghiệm khả năng phòng thủ hàng hải của Đài Loan.

Người lái thuyền cao tốc mang họ Nguyen cho biết, ông đi tìm tự do. Bộ trưởng Bộ Hải Dương Đài Loan Kuan Bi-ling nói rằng, bộ sẽ điều tra kỹ lưỡng về lời tuyên bố này.

Bà Kuan cho biết trong một cuộc họp báo hôm 11/06, “Chúng tôi thường bắt gặp những người khẳng định rằng họ đi tìm tự do ở Đài Loan, nhưng chúng tôi đều phải cẩn trọng đối với họ. Chúng tôi sẽ điều tra trên mọi phương diện. Căn cứ vào các vụ việc trước đây, trường hợp này rất có thể là một cuộc thử nghiệm của Trung Cộng xem khả năng phòng thủ hàng hải của Đài Loan”.

Bà Kuan cho biết Hải Cảnh Đài Loan đã đưa ra những đánh giá hoạt động sai lầm trầm trọng trong cách giải quyết vụ việc. Hôm 09/06, tàu của ông Nguyen bị phát giác đang cách Đạm Thủy sáu hải lý, khi đó hải cảnh đã nhầm lẫn rằng thuyền của ông chỉ là tàu đánh cá địa phương. Hải cảnh vẫn không nhận dạng rõ con tàu cho đến khi nó đến gần, dẫn đến việc chặn tàu bị chậm trễ 30 phút. Bà Kuan quy kết việc chậm trễ là do lỗi của nhân sự, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường giám sát ven biển trong bối cảnh đang có những thách thức liên tục bắt nguồn từ các cuộc thăm dò tiềm tàng của Trung Cộng.

Bà Kuan cho biết kể từ năm ngoái (2023), Đài Loan đã phát giác 18 vụ việc như vậy, chủ yếu là ở các đảo ngoài khơi, trong đó hơn một nửa đã bị chặn thành công, thường là dựa vào các tàu đánh cá và báo cáo của người dân. Tuy nhiên, lần này tàu bị phát giác ở gần một cảng chỉ cách Đài Bắc khoảng 10 phút đi thuyền.

Bà Kuan nhấn mạnh rằng cần phải có nhân sự dày dạn kinh nghiệm tại các cảng trọng điểm. Bà đề nghị Hải Cảnh tăng cường các khả năng trên không, chẳng hạn như sử dụng máy bay giám sát hoặc máy bay không người lái điều khiển bằng vô tuyến (drones) để nhanh chóng xác định các tàu khả nghi.

Bà cho biết ông Nguyen đã xóa nhật ký hải hành, nhưng xét dữ kiện còn lại, trong đó có tốc độ, khoảng cách và mức sử dụng nhiên liệu cho thấy đây là tuyến đường thẳng, rất có thể cũng là con đường được người Trung Cộng sử dụng để kiểm nghiệm tính khả thi của việc di chuyển theo đường thẳng bằng tàu thuyền nhỏ.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền Bắc Kinh phủ nhận sự dính líu của Trung Cộng trong vụ việc và cho biết người đàn ông này sẽ bị trừng phạt khi trở về Trung Cộng.


Houthi Tấn Công Bằng Drone Nhắm Vào Tàu Chở Hàng Qua Hồng Hải

Hôm thứ Tư (12/06), nhóm khủng bố Houthi ở Yemen đã sử dụng tàu mặt nước không người lái (USV) làm hư hại trầm trọng một tàu chở hàng mang quốc kỳ Liberia.

Một phát ngôn viên của Houthi thừa nhận nhóm này đã điều khiển từ xa một chiếc xuồng chở đầy chất nổ lao vào tàu Tutor, một tàu chở hàng mang quốc kỳ Liberia, khiến tàu này bị hư hại trầm trọng.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM), chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động quân sự ở Trung Đông, cũng đã xác nhận rằng tàu Tutor đã bị hư hại trong một cuộc tấn công rõ ràng bằng USV.

CENTCOM cho biết họ đã chặn đứng được nhiều phi đạn đạn đạo và phi đạn hành trình mà Houthi đã phóng vào Hồng Hải hôm 12/06, nhưng lại không ngăn được tàu của nhóm khủng bố này tấn công Tutor.

CENTCOM cho biết trong một tuyên bố hôm 12/06: “USV khiến phòng máy của Tutor bị ngập nước và hư hại trầm trọng”.

Văn phòng Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO), một cơ quan giám sát hàng hải liên kết với Hải quân Anh, cũng chia sẻ một bản tin mô tả vụ tấn công.

UKMTO đưa tin rằng khoảng 10 giờ 14 phút sáng theo giờ Yemen, một chiếc xuồng dài khoảng 5 đến 7 mét (khoảng 16 đến 23 feet) đã lao vào một tàu thương mại đang đi ngang qua Hồng Hải. Bản tin cho biết rằng tính đến 5 giờ chiều theo giờ Yemen, thuyền trưởng của tàu thương mại này đã loan báo rằng tàu đã bắt đầu chìm xuống nước và thủy thủ đoàn đã mất kiểm soát đối với con tàu.

Trong những tháng gần đây, lực lượng Houthi đã đánh chìm và khiến nhiều tàu thương mại khác bị hư hại bởi phi đạn và máy bay không người lái mang theo chất nổ, nhắm vào những tàu đi qua Hồng Hải. Dẫu vậy, cuộc tấn công mới nhất này có vẻ là lần đầu tiên Houthi thành công khi sử dụng tàu không người lái để tấn công tàu hàng đường biển.

Bắt đầu từ mùa thu năm ngoài, Houthi đã tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào tàu thương mại, nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Israel chống lại Hamas ở Dải Gaza. Nhóm khủng bố có trụ sở tại Yemen này khẳng định họ tấn công các tàu có liên hệ với Israel, đồng thời thể hiện sự ủng hộ đối với người dân Palestine ở Gaza, và họ sẽ còn tiếp tục cho đến khi xung đột ở Gaza kết thúc.


80% Phụ Tùng Nga Sử Dụng Ở Chiến Trường Ukraine Đến Từ Các Công Ty Trung Cộng

Vào hôm thứ Sáu (14/06), Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, khoảng 80% phụ tùng Nga được sử dụng tại chiến trường Ukraine có xuất xứ từ các công ty Trung Cộng. Ông nhấn mạnh những ai ủng hộ nền kinh tế chiến tranh của Nga và kéo dài cuộc chiến bất hợp pháp của Nga ở Ukraine sẽ “phải trả giá”.

Ông Rishi Sunak đưa ra lời phát biểu này trong cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh G7.

“Kể từ hội nghị thượng đỉnh Hiroshima lần trước, lập trường cứng rắn của chúng tôi đối với Trung Quốc chỉ tăng chứ không giảm”. Ông chỉ ra rằng hành động của Trung Cộng có thể phá hoại cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Ông Sunak nói, “Họ đang thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào các thành viên Dân biểu của Vương quốc Anh. Trung Quốc cũng đang ngày càng hợp tác với các quốc gia độc tài khác như Iran, Bắc Hàn, và Nga”.

Hôm thứ Năm (13/05), chính phủ Anh quốc đã công bố hàng loạt lệnh chế tài mới đối với Nga, trong đó bao gồm 5 công ty Trung Quốc và Hồng Kông, bao gồm các lãnh vực đạn pháo, máy móc công cụ, vi điện tử, sản phẩm quang học, v.v.

Ông Sunak cho biết, Vương quốc Anh đang thực hiện các lệnh trừng phạt và thực thi Luật An Ninh Và Đầu Tư Quốc Gia để bảo vệ nền dân chủ, kỹ nghệ, và chuỗi cung ứng của nước này.

Ông cho biết, Vương quốc Anh sẽ hợp tác với các đồng minh để ngăn chặn “các hành động hung hăng của Trung Cộng và bảo vệ an ninh kinh tế của chúng ta”.

Ông trực tiếp đề xướng “an ninh của Ukraine là an ninh của chúng ta”, đồng thời nhấn mạnh rằng Anh quốc đã cam kết viện trợ quân sự hàng năm trị giá 3 tỷ bảng Anh (khoảng 3.8 tỷ USD) cho Ukraine cho đến ít nhất là năm 2030.

Ông Sunak cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình kéo dài hai ngày ở Thụy Sĩ do Ukraine tổ chức, bắt đầu từ hôm thứ Bảy (15/06).

Ông nói: “Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình, nhưng đừng nhầm lẫn hòa bình với đầu hàng. Tuy nhiên, sẽ chỉ đạt được công lý thực sự một khi Nga rời khỏi Ukraine. Hòa bình phải dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Hòa bình phải dựa trên các điều kiện của Ukraine”.

Khi được giới truyền thông hỏi về quan điểm đối với việc Ukraine sử dụng viện trợ quân sự của Tây phương để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, ông Sunak nói rằng việc sử dụng vũ khí do Vương quốc Anh cung cấp như thế nào là tùy thuộc vào Ukraine. Những gì Vương quốc Anh cần làm là bảo đảm rằng nước này có thể cung cấp những gì mà Ukraine cần. Trong tuyên bố chung đưa ra cuối hội nghị thượng đỉnh G7, Italy đã thể hiện lập trường với Bắc Kinh cứng rắn hơn trước. Điều này cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng của Hoa Kỳ và châu Âu trước việc Trung Cộng tiếp tục viện trợ cho Nga.

Bài liên quan:
  • Sổ Tay Thường Dân: GIẢI GIỚI
    Tưởng Năng Tiến
  • Trung Quốc nên lo lắng về Triều Tiên
    Lee Hee-ok & Cho Sungmin
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa
  • Chiến dịch vùng xám của Trung Quốc chống lại Đài Loan đang phản tác dụng
    David Sacks
  • Trump và sự hấp dẫn của phong cách lãnh đạo cứng rắn
    Gideon Rachman