TIN THẾ GIỚI.

Hội nghị hòa bình cho Ukraina: Đường dẫn đến chấm dứt chiến tranh còn dài và bất định

Hội nghị vì hòa bình tại Ukraina tổ chức tại Thụy Sĩ đã khép lại sau hai ngày thảo luận, với sự tham dự của hơn 90 lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế. Kiev đã mở rộng phạm vi sự ủng hộ, nhưng các nước phương Nam giữ thái độ dè dặt. Một lộ trình hòa bình cho Ukraina còn nhiều bất định.

Nước chủ nhà Thụy Sĩ ngày từ đầu đã đề ra mục tiêu chính cho hội nghị là nhằm phác thảo một lộ trình định hướng cho các cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraina trong tương lai. Tuy nhiên, vắng mặt đại diện Nga và Trung Cộng trên các bàn thảo luận, con đường đi đến chấm dứt chiến tranh cho Ukraina có vẻ mơ hồ và xa vời.

Quang cảnh của Hội nghị

Sau 2 ngày làm việc, 84 quốc gia đã ký thông cáo cuối cùng của hội nghị vì hòa bình ở Ukraina. Nội dung chủ chốt của văn kiện là tái khẳng định sự ủng hộ đối với “toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”, phản đối “việc quân sự hóa an ninh lương thực” và kêu gọi “hồi hương trẻ em Ukraina bị cưỡng bức đưa sang Nga”.  Ấn Độ, Indonesia, Mêhicô, Ả Rập Xê Út và Nam Phi đều từ chối ký thông cáo, mặc dù một số vấn đề gai góc đã được lược bớt trong văn kiện.

Tuy nhiên, hội nghị đã mang lại cho Kiev cơ hội đề cao sự hỗ trợ cần thiết của các đồng minh phương Tây để Ukraina có thêm sinh khí tiếp tục chiến đấu với kẻ thù lớn hơn nhiều. Thụy Sĩ, nhà tổ chức hội nghị này có tham vọng quy tụ càng nhiều quốc gia càng tốt, tham gia phác thảo một lộ trình hướng tới hòa bình làm tiền để để Nga có thể chấp nhận đàm phán.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky có thể hài lòng về số lượng quan khách tới dự hội nghị. Với ông, mục tiêu của hội nghị tại Thụy Sĩ trên hết là chứng tỏ các đồng minh luôn sát cánh với Ukraina, dù vào thời điểm mà những tin xấu đang chồng chất ở ​​phía trước. Hơn nữa, không chỉ có các nước phương Tây, sự nghiệp chính nghĩa của Ukraina đang được sự ủng hộ rộng rãi trên khắp thế giới.

Tinh thần của người dân Ukraina đang suy sụp sau hơn hai năm chiến tranh. Bất kỳ sự hỗ trợ nào, dù mang tính biểu tượng hay thậm chí một sự ủng hộ tinh thần, đều sẽ được hoan nghênh.

Trong bài phát biểu hôm Chủ Nhật 16/06, tổng thống Volodymyr Zelensky đã giải thích rằng ông muốn tập hợp càng nhiều quốc gia càng tốt, theo một số nguyên tắc mà “một khi được đưa ra bàn và được tất cả mọi người chấp nhận, sẽ được truyền đạt tới các đại diện của Nga để chúng ta có thể chấm dứt chiến tranh”.

Trong khi đó, chính Kiev đã không muốn mời Matxcơva nga dự hội nghị. Kremlin ngay từ đầu đã khẳng định Thụy Sĩ, tổ chức sự kiện, không trung lập và nhạo báng hội nghị « vô bổ », « tốn thời gian ». Trung Cộng từ chối tham gia vì lý do Nga vắng mặt.

Theo ghi nhận của Reuters, vì không có một con đường rõ ràng nào mở ra cho một tiến trình hòa bình, nên hội nghị mới tập trung vào các vấn đề ngoài lề của cuộc chiến như an ninh hạt nhân, an toàn lương thực vì Ukraina là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới… Nhưng hội nghị đã bỏ qua nhiều câu hỏi khó như :  giải pháp hậu chiến cho Ukraina sẽ ra sao ? Liệu Ukraina có thể gia nhập NATO trong tương lai ? Hay việc rút quân của hai bên sẽ thế nào trong trường hợp có thỏa thuận.

Hôm thứ Sáu, trước ngày khai mạc hội nghị, Matxcơva ngang nhiên đưa ra điều kiện trên thế của kẻ mạnh. Vladimir Putin cho biết sẵn sàng thương lượng, nếu Kiev chấp nhận từ bỏ đòi hỏi chủ quyền bốn vùng miền Đông mà ông đã ký sắc lệnh sáp nhập vào Liên bang Nga gồm Donetsk, Louhansk, Kherson và Zaporijjia. Như vậy, cộng với bán đảo Crimée thì Ukraina sẽ phải mất 25% lãnh thổ. Hơn nữa, Matxcơva yêu cầu Kiev từ bỏ toàn bộ dự định gia nhập NATO. Những điều kiện này tất nhiên là không thể chấp nhận được. Ngay lập tức tổng thống Zelensky và các lãnh đạo phương Tây coi đề nghị của Nga là một tối hậu thư đòi Ukraina đầu hàng.

Ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba, sau đó cho biết, “tất nhiên, chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng sẽ đến lúc cần phải nói chuyện với Nga, tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: chúng tôi sẽ không cho phép Nga nói ra ngôn ngữ của tối hậu thư như hiện nay”.Nếu coi hội nghị vì hòa bình cho Ukraina tại Thụy Sĩ là phác thảo cho một lộ trình đi tới một cuộc đàm phán với Nga, nhưng dường như cái đích đến còn ở rất xa.


Chiến tranh Ukraina: Tổng thư ký NATO kêu gọi bắt Trung Cộng trả giá vì hậu thuẫn Nga (RFI)

Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg, hôm 17/06/2024 trong chuyến công du Washington, kêu gọi các đồng minh bắt Trung Cộng trả giá vì hậu thuẫn Nga, đồng thời  khích lệ các đồng minh phương Tây của Kiev cung cấp thêm vũ khí cho Ukraina chống quân Nga xâm lược.

Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg

Phát biểu tại Wilson Center, một trung tâm tư vấn ở Washington, tổng thư ký NATO khẳng định: “Điều này nghe có vẻ như là một nghịch lý, nhưng con đường tiến đến hòa bình phải thông qua việc cung cấp thêm nhiều vũ khí cho Ukraina”Vẫn theo nhận định của ông JensStoltenberg, “Vladimir Putin và chính quyền Nga hiện giờ lệ thuộc vào các nước độc tài, chuyên quyền trên toàn thế giới. Các nước bạn hữu thân thiết nhất và hỗ trợ nhiều nhất cho nỗ lực chiến tranh xâm lược của Nga là Bắc Triều Tiên, Iran và Trung Cộng”.

Riêng về Trung Cộng, lãnh đạo NATO cho rằng chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng mang lại cảm giác là ông ta không làm gì để hỗ trợ Nga nhưng đó là cách để Bắc Kinh tránh bị trừng phạt và duy trì giao thương. Thế nhưng, trên thực tế, Trung Cộng vừa tiếp tay cho Nga trong cuộc chiến Ukraina, vừa muốn duy trì quan hệ tốt với phương Tây. Chính vì thế, theo tổng thư ký NATO, đến một lúc nào đó, nếu như Trung Cộng không chịu thay đổi, thì các nước đồng minh cần bắt Trung Cộng trả giá, gánh chịu hậu quả.  

Liên quan đến ngân sách cho quốc phòng của các nước thành viên NATO, tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết hơn 23 nước đã đạt ngưỡng ngân sách quốc phòng chiếm 2% GDP.

Theo AFP, ông Jens Stoltenberg lần này đến Hoa Kỳ để chuẩn bị cho thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhân kỷ niệm 75 năm thành lập NATO. Thượng đỉnh dự kiến được tổ chức tại Washington từ ngày 09 đến 11/07, quy tụ 32 thành viên NATO, trong đó có thành viên mới Thụy Điển và 4 đối tác chủ chốt ở châu Á – Thái Bình Dương : Úc, Nhật Bản, New Zeland và Nam Hàn. 


Biển Đông: Manila tố cáo tuần duyên Trung Cộng lần đầu tiên ‘‘khám xét’’ tàu Philippines (RFI)

Căng thẳng gia tăng thêm một nấc giữa Philippines và Trung Cộng tại Biển Đông. Manila ngày 19/06/2024, tố cáo lần đầu tiên tuần duyên Trung Cộng khám xét một tàu Philippines tại khu vực gần Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa hôm 17/06.

Theo chuẩn đô đốc Alfonso Torres, tư lệnh Quân khu Miền Tây Philippines (AFP WESCOM), nhiều nhân viên tuần duyên Trung Cộng đã ‘‘đổ bộ bất hợp pháp’’ lên một thuyền của Philippines, và lấy đi ‘‘một số vũ khí’’.

Tàu tuần duyên của Phi bị tầu hải cảnh TC tấn công ở bãi cạn Scaborough-30-4-2024

Trả lời báo giới, tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines, tướng Romeo Brawner, đã lên án hành động ‘‘hải tặc’’ và yêu cầu phía Trung Cộng hoàn trả các vũ khí và những phương tiện mà họ tước đoạt. Tướng Romeo Brawner cũng cho biết đây ‘‘lần đầu tiên’’ ông chứng kiến cảnh các nhân viên tuần duyên Trung Cộng sử dụng ‘‘gươm và dao’’ để uy hiếp các thuyền viên Philippines.

Được biết cũng tại khu vực này, trước đó 2 ngày, 17/6/2024, trong một thông cáo, được AP trích dẫn, lực lượng tuần duyên Trung Cộng đã tố cáo một tàu tiếp tế của Philippines « xâm nhập trái phép » vào vùng biển gần Bãi Cỏ Mây, cụm Bình Nguyên, thuộc quần đảo Trường Sa (mà Bắc Kinh gọi là đảo Nam Sa). Theo thông cáo, tàu của Philippines « đã tiếp cận tàu của Trung Cộng một cách thiếu chuyên nghiệp », « phớt lờ các cảnh báo », « dẫn đến vụ va chạm ».

Quân đội Philippines đã nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc của Trung Cộng. Phát ngôn viên của quân đội Philippine, ông Xerxes Trinidad, khẳng định rằng « vấn đề chính » trong vụ việc này « vẫn là sự hiện diện và những hành động bất hợp pháp của Trung Cộng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines », xâm phạm chủ quyền của nước này.

Về phía Trung Cộng, lực lượng tuần duyên nước này khẳng định tàu tiếp liệu của Philippines xâm nhập vào khu vực thuộc quyền chủ quyền của Trung Cộng, và ‘‘phớt lờ các cảnh báo’’, đồng thời khẳng định lực lượng tuần duyên đã tiến hành kiểm soát ‘‘theo đúng quy định của pháp luật’’.

Theo AFP, chính quyền Mỹ đã lên án ‘‘các hành động nguy hiểm và hung hãn’’ của Trung Cộng.


Israel: Thủ tướng Netanyahu giải tán nội các chiến tranh (RFI)

Phát ngôn viên văn phòng thủ tướng Israel, ngày 17/06/2024, xác nhận ông Benjamin Netanyahu đã quyết định giải tán nội các chiến tranh. Theo AFP, quyết định đưa ra một tuần sau khi bộ trưởng không bộ thuộc cánh trung, Benny Gantz từ chức.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu

Được thành lập ngay sau vụ tấn công khủng bố của Hamas vào Israel 07/10/2023, nội các chiến tranh gồm 5 thành viên do thủ tướng Netanyahu lãnh đạo, để ra các quyết định về cuộc chiến tranh với Hamas tại Gaza.

Các đây một tuần, Benny Gantz, thành viên chủ chốt của nhóm đã từ chức. Nhân vật đối lập chính của ông Netanyahu này chỉ trích thủ tướng Israel không có chiến lược chiến tranh và đặc biệt về vấn đề hậu chiến. Tiếp sau đó, cựu tổng tham mưu quân đội, thành viên nội các, ông Gadi Eisenkot cũng rời bỏ chính phủ Netanyahu.

Giờ đây cơ quan chủ yếu ra các quyết định liên quan đến cuộc chiến tranh với Hamas là nội các an ninh, gồm 9 bộ trưởng cùng với ông Netanyahu.

Theo giới quan sát chính trị Israel, quyết định giải tán nội các chiến tranh nhằm ngăn cản các bộ trưởng thuộc thành phần cực hữu đòi tham gia nội các chiến tranh.

Thông báo giải thể không có gì bất ngờ nhưng được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của ông Netanyahu đang rơi vào rối ren chính trị. Những bất đồng giữa thủ tướng và quân đội ngày càng rõ nét. Thủ tướng Netanyahu ngày càng bị đơn độc ở trong nước, bị quốc tế cô lập.

Cuộc chiến tranh của Israel tại Gaza để trả thù Hamas đến nay đã kéo dài hơn 8 tháng, làm hơn 37 nghìn người chết, chủ yếu là thường dân, theo số liệu của cơ quan Y tế Gaza, do phong trào Hồi giáo Palestine Hamas lãnh đạo.


Hợp tác quân sự Nga-Bắc Triều Tiên: “Đe dọa trực tiếp đến an ninh Hoa Kỳ” (RFI)

Việc Bình Nhưỡng cung cấp đạn dược, tiếp tay Matxcơva trong cuộc xâm lược Ukraina để đối lấy công nghệ quốc phòng của Nga trong những lĩnh vực nhậy cảm nhất, “trực tiếp đe dọa đến an ninh của Hoa Kỳ”. Trong bài viết  đăng trên trang mạng của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS, ngày 17/06/2024, chuyên gia Victor Cha đã nhận định như trên.

Lãnh đạo Nga và Bắc Triều Tiên vừa ký kết « thỏa thuận đối tác chiến lược », tăng cường hợp tác quân sự. Tổng thống Putin nói đến một « nền tảng trong quan hệ lâu dài » giữa Matxcơva với Bình Nhưỡng. Chủ tịch Kim Jong Un ca ngợi tình « hữu nghị thắm thiết » gắn liền hai quốc gia đang bị phương Tây trừng phạt.

Trong bài tham luận trên trang nhà của CSIS, Victor Cha lấy làm tiếc là chính quyền Biden quá thụ động trước mối đe dọa đang lớn dần từ Bắc Triều Tiên. Ông Victor Cha nguyên là giám đốc đặc trách châu Á trong ban Cố Vấn An Ninh Quốc Hoa Kỳ và ông cũng từng là nhân vật số hai trong phái đoàn chính thức của Mỹ trong các vòng đàm phán Sáu Bên phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

« Có qua, có lại »

Mở đầu bài viết tác giả nhắc lại từ tháng 11/2022 Hoa Kỳ đã có thông tin Bắc Triều Tiên cung cấp đạn dược cho Nga. Chính xác hơn là cho tổ chức bán quân sự Wagner trong tay Yevgeny Prigozhin. Nhưng mãi đến gần đây ngoại trưởng Antony Blinken mới nhìn nhận rằng Wagner đã nhận 5 triệu đầu đạn của Bình Nhưỡng và kể cả hàng chục tên lửa đạn đạo của quốc gia Đông Bắc Á này. Đáng lo ngại hơn cả là « những gì Nga nhượng bộ Bắc Triều Tiên ».

Dù rất cần dầu hỏa, nông phẩm của Nga, nhưng đó không phải là lý do « mà chủ tịch Bắc Triều Tiên trải thảm đỏ và long trọng tiếp đón tổng thống Vladimir Putin ». Dầu hỏa và lương thực của Nga chỉ là « chuyện nhỏ » trong quan hệ song phương. Món quà đáng giá nhất Vladimir Putin có thể trao tặng cho Kim Jong Un nằm ở vế « hợp tác quân sự ».

Cuối tháng 3/2024, Nga – thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đã dùng quyền phủ quyết, ngừng triển hạn công tác của nhân viên quốc tế giám sát các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Kế tới trong tháng 6/2024 « một nhóm các chuyên gia của Nga được điều sang Bắc Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh quân sự ». Ông Kim Jong Un tuyên bố « hài lòng trước tiến triển của các dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân ». Trong tuần này, một chuyên gia cũng trực thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS báo động « có dấu hiệu Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm » và đó có thể là các loại tên lửa đạn đạo hải đối không SLBM và tên lửa hành trình SLCM.    

Đành rằng Nga tiếp tục cần đạn dược của Bắc Triều Tiên nhưng đổi lại thì Bình Nhưỡng đang cần « công nghệ tiên tiến của Nga cho các chương trình tàu ngầm hạt nhân, cho các dự án phóng vệ tinh do thám, vệ tinh quân sự, cho tham vọng làm chủ công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM »

Kim Jong Un đã có sẵn “50 quả bom nguyên tử”

Bắc Triều Tiên mà được Nga hỗ trợ trong các lĩnh vực này thì đây là điều không hay cho nước Mỹ, bởi Bình Nhưỡng sẽ có thêm vũ khí gây bất ổn cho an ninh trên bán đảo Triều Tiên và châu Á.

Hệ quả tiếp theo là « an ninh của bản thân nước Mỹ cũng bị đe dọa ». Vệ tinh và tàu ngầm của Bắc Triều Tiên có thế nhắm tới lãnh thổ Hoa Kỳ, trong lúc mà Washington « khó lòng diệt trừ hiểm họa hạt nhân của Bình Nhưỡng ». Victor Cha trích dẫn thẩm định của một số chuyên gia Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên dường như đã có « 50 quả bom nguyên tử ».

Từng trực tiếp tham gia các vòng đàm phán 6 bên phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, tác giả bài viết lấy làm tiếc là trước những hành vi khiêu khích càng lúc càng dồn dập trong thời gian gần đây của chế độ Kim Jong Un, chính quyền Biden chỉ « ghi nhận », rồi « lên án » Bình Nhưỡng đồng thời tiến hành các cuộc tập trận quy mô hơn, thường xuyên hơn với hai đồng minh Đông Bắc Á là Nhật Bản và Nam Hàn.

Có điều theo Victor Cha, vào lúc mà Bình Nhưỡng chưa bao giờ có nhiều phương tiện như hiện nay để « khiêu khích » cộng đồng quốc tế, nhất là gần đến bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, thì ở góc đài bên kia chính quyền Biden vẫn bổn cũ soạn lại. Nhà Trắng « vẫn giữ lập trường từ thời Barack Obama, đòi Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạn nhân ». Chế độ Kim Jong Un đã ít nhất « 20 lần bác bỏ mọi đề xuất của Mỹ khởi động lại đàm phán ».

Hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa Hwasong 18 (ICBM)

Vậy Mỹ phải làm gì ?

Cựu quan chức trong chính quyền Mỹ tán đồng việc Washington mở rộng các chương trình tập trận chung với Tokyo và Seoul, tăng thêm khả năng răn đe cho cả ba bên. Nhưng thay vì cứ một mực đòi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình nguyên tử và tên lửa đạn đạo, thì Hoa Kỳ cần « gấp rút tìm cách ngăn cản các khoản giao thương về quân sự, vũ khí giữa Bắc Triều Tiên và Nga ».

Làm thế nào để ngăn chận cả trên bộ lẫn trên biển các khối đạn dược Bình Nhưỡng chuyển đến tay Matxcơva, bởi vì ở thời điểm này sau chiến tranh Ukraina và xung đột tại Gaza ông « Biden không cần trông thấy rộ lên thêm một cuộc xung đột vũ trang khác ».

Victor Cha khó hiểu vì sao Washington không phản ứng mạnh hơn trước việc Nga tháng 3 vừa rồi đã phủ quyết việc triển hạn công tác của ủy ban chuyên gia Liên Hiệp Quốc giám sát lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên. Bởi với quyết định này coi như Matxcơva mặc nhiên để cho Bình Nhưỡng « muốn làm gì thì làm », đồng thời tự cho mình quyền giúp Bắc Triều Tiên hiện đại hóa cỗ máy quân sự, kể cả trong lĩnh vực hạt nhân và chế tạo tên lửa.

Còn nước còn tát

Song theo chuyên gia của trung tâm nghiên cứu CSIS, Mỹ vẫn còn có khả năng can thiệp.

Victor Cha nhắc lại : Washington tuy không có liên hệ trực tiếp với Bình Nhưỡng nhưng một số nước châu Âu vẫn để ngỏ cánh cửa với chế độ Bắc Triều Tiên. Bản thân Kim Jong Un dường như cũng muốn xem châu Âu là một cửa ngõ mở ra với thế giới phương Tây. Vậy thì tại sao không sử dụng đến công cụ này để gây sức ép, ngăn chận vũ khí của Bắc Triều Tiên trên hành trình được đưa sang Nga ?

Một khả năng thứ nhì là tại sao chính quyền Biden không lôi kéo Trung Cộng về phía mình khi biết rằng Trung Cộng bất bình thấy Bình Nhưỡng đang ngả vào vòng tay của Matxcơva ?

Một công cụ thứ ba mà Mỹ có thể sử dụng đó là chiến tranh « tuyên truyền ». Chủ nhiệm chương trình châu Á của trung tâm CSIS đơn cử một thí dụ cụ thể là vào lúc Bắc Triều Tiên dùng bóng bay thả rác thải sang lãnh thổ Nam Hàn thì Seoul cũng đáp trả bằng bóng bay nhưng là để thả truyền đơn và đĩa hát của ban nhạc nổi tiếng K-POP BTS sang sứ sở của ông Kim.

Quyền lực mềm của Nam Hàn có lẽ còn khiến Bình Nhưỡng lo sợ hơn các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Cựu quan chức Hoa Kỳ Victor Cha cho rằng đã đến lúc Washington cần mạnh dạn tìm kiếm những phương pháp mới để hóa giải mối đe dọa Bắc Triều Tiên.


Nửa triệu người nhập cư có thể được nhập tịch Hoa Kỳ theo kế hoạch mới của ông Biden (VOA)

Tổng thống Joe Biden đang thực hiện một bước mở rộng trong năm bầu cử để hỗ trợ hàng trăm nghìn người nhập cư không có tư cách pháp nhân ở Hoa Kỳ, nhằm cân bằng chính sách di dân quyết liệt của ông ở biên giới phía nam hồi đầu tháng này khiến những người ủng hộ và nhiều nhà lập pháp Đảng Dân chủ phẫn nộ.

Nhà Trắng hôm 18/6 thông báo rằng chính quyền Biden, trong những tháng tới, sẽ cho phép một số vợ/chồng không có tư cách pháp nhân của công dân Hoa Kỳ nộp đơn xin thường trú và rốt cuộc là được nhập tịch. Theo các quan chức chính quyền cấp cao, động thái này có thể ảnh hưởng tới nửa triệu người nhập cư.

Để đủ điều kiện, người nhập cư phải sống ở Hoa Kỳ được 10 năm tính đến ngày 17/6 và kết hôn với một công dân Hoa Kỳ. Nếu đơn của người nhập cư đủ điều kiện được chấp thuận, người đó sẽ có ba năm để nộp đơn xin thẻ xanh và nhận giấy phép làm việc tạm thời cũng như được bảo vệ khỏi bị trục xuất trong thời gian chờ đợi.

Theo các quan chức chính quyền cấp cao cho các phóng viên biết về đề xuất với điều kiện giấu tên, khoảng 50.000 trẻ em không phải là công dân có cha mẹ kết hôn với một công dân Hoa Kỳ cũng có thể đủ điều kiện cho quy trình tương tự.

Không có yêu cầu nào về việc cặp vợ chồng phải kết hôn trong bao lâu nhưng không ai đủ điều kiện sau ngày 17/6. Theo các quan chức, điều đó có nghĩa là những người nhập cư đạt mốc 10 năm đó sau ngày 17/6 sẽ không đủ điều kiện tham gia chương trình.

Các quan chức chính quyền cấp cao cho biết họ dự đoán quy trình này sẽ mở cho các đơn đăng ký vào cuối mùa hè và phí áp dụng vẫn chưa được xác định.

Ông Biden sẽ nói về kế hoạch của mình tại một sự kiện hôm 18/6 tại Nhà Trắng, cũng sẽ đánh dấu kỷ niệm 12 năm chương trình có tên “Hoãn thi hành đối với hững người đến Mỹ từ nhỏ” (DACA), một chỉ thị thời Tổng thống Obama nhằm đưa ra các biện pháp bảo vệ khỏi bị trục xuất và cấp giấy phép làm việc tạm thời cho những người nhập cư trẻ tuổi thiếu tư cách pháp nhân.

Các quan chức Nhà Trắng đã ngầm khuyến khích các đảng viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện, nơi đang trong thời gian nghỉ họp trong tuần này, quay trở lại Washington để tham dự buổi công bố.

Động thái này rốt cuộc có thể giúp nhiều người trong số khoảng 1,1 triệu người kết hôn với công dân Hoa Kỳ trở thành công dân, nhưng cho đến nay vẫn phải rời khỏi đất nước trong nhiều năm để xin tư cách pháp nhân.

Những người ủng hộ vấn đề nhập cư ca ngợi chính sách dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho vợ/chồng của công dân Hoa Kỳ, khi cho biết trong một cuộc họp trực tuyến hôm 17/6 rằng vợ/chồng của các công dân Mỹ thường không thể có được tư cách pháp nhân mặc dù họ có mối quan hệ sâu sắc với đất nước.

Tuy nhiên, việc sử dụng quyền hành của ông Biden có thể gặp phải thách thức pháp lý, giống như chương trình DACA đã phải đối mặt. Nhà Trắng vào chiều ngày 18/6 sẽ đánh dấu kỷ niệm 12 năm chương trình đó, do Tổng thống lúc bấy giờ là Barack Obama lập ra để bảo vệ những người nhập cư trẻ tuổi không có tư cách pháp nhân, thường được gọi là “Dreamers”.

Trong khi đó, ông Trump cho biết ông sẽ trục xuất hàng triệu người di cư trên khắp đất nước nếu ông tái đắc cử, nhấn mạnh những tuyên bố chống nhập cư vốn đã thúc đẩy quyền lực trước đây của ông.

Chính sách của ông Biden sẽ chỉ áp dụng cho những cư dân Hoa Kỳ lâu năm, nhưng dù sao thì đảng Cộng hòa cũng chỉ trích. Thượng nghị sĩ John Cornyn, đại diện của Đảng Cộng hòa từ Texas, gọi đây là một “cục nam châm khổng lồ” đối với những người sắp nhập cư, và cho rằng nó “sẽ thu hút nhiều người hơn nữa” đến biên giới.


Mỹ, Canada, Nhật Bản và Philippines tập trận ở Biển Đông (VOA)

Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và Philippines đã tiến hành một cuộc tập trận hàng hải chung kéo dài hai ngày ở vùng đặc quyền kinh tế của Manila ở Biển Đông, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết trên trang web của mình hôm thứ Hai (17/6).

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết hoạt động hợp tác hàng hải này nhằm mục đích “ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không, tái khẳng định cam kết của bốn quốc gia trong việc tăng cường an ninh và ổn định khu vực”.

Tập trận hải quân Mỹ, Nhật Bản, Úc và Phi, tháng 4/2024 (Ảnh minh họa)

Tuyên bố cho biết thêm rằng cuộc tập trận có sự tham gia của 4 tàu chiến và một loạt các cuộc diễn tập trên biển nhằm kiểm tra và xác nhận khả năng tương tác giữa các học thuyết, chiến thuật, kỹ thuật và quy trình của các lực lượng vũ trang.

Vào tháng 4, Philippines đã tiến hành hoạt động hàng hải chung với Nhật Bản, Australia và Mỹ.

Philippines đã quay sang các nước ủng hộ tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông để chống lại điều mà Manila gọi là sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Cộng, quốc gia tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược.

Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đều có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau ở các khu vực trên Biển Đông, tuyến đường vận chuyển hàng hóa trị giá 3 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Được biết Luật Tuần duyên mới của Trung Cộng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/6 cho phép bắt giữ người nước ngoài nào mà lực lượng chấp pháp của Bắc Kinh cho là xâm phạm vùng biển của họ tại Biển Đông.

Luật này bị các nước trong khu vực và cả nhóm nước công nghiệp phát  triển G7 cáo buộc là mang tính trấn áp, đe dọa. AFP loan tin ngày 15/6.

Theo quy định mới, lực lượng Tuần duyên  của Trung Cộng có thể bắt giữ người và tàu nước ngoài bị tình nghi vi phạm biện pháp quản lý về xuất nhập cảnh của Hoa Lục. Trong những trường hợp phức tạp, thời gian giam giữ có thể kéo dài đến 60 ngày.

Tướng Romeo Brawner, Tham mưu trưởng Quân đội Philippines, vào ngày 14/6 nói với báo giới rằng cơ quan chức năng Manila đang thảo luận những biện pháp thực hiện nhằm bảo vệ ngư dân Philippines đánh bắt tại Biển Đông.

Manila đã trấn an ngư dân không nên lo sợ mà cứ tiến hành đánh bắt tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của đất nước.

Hoa Kỳ cũng lên tiếng cho rằng Luật Tuần duyên mới của Trung Cộng làm dấy lên những quan ngại pháp lý.


Ấn Độ và Mỹ cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng và công nghệ (RFI)

Nhân chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao của chính quyền Joe Biden đến Ấn Độ kể từ khi ông Narendra Modi đắc cử thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba, Ấn Độ và Hoa Kỳ hôm 17/06/2024 cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng và công nghệ, đồng thời dỡ bỏ các rào cản lâu năm về thương mại chiến lược song phương.

Theo AP, trong chuyến công du New Delhi hai ngày, 17-18/06, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp đồng nhiệm Ấn Độ, Ajit Doval, để thảo luận về tiến độ dự án Sáng kiến ​​về các công nghệ mới nổi và quan trọng mà hai nước đã triển khai vào năm 2022. Đây là dự án hợp tác về sản xuất chất bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo, đồng thời góp phần quan trọng dẫn đến thỏa thuận cho phép tập đoàn General Electric, trụ sở tại Hoa Kỳ, hợp tác với hãng Hindustan Aeronautics của Ấn Độ để sản xuất động cơ phản lực tại Ấn Độ.

Trong cuộc họp hôm qua, hai bên nhấn mạnh đến việc cần hợp tác nhiều hơn, tập trung tài trợ nghiên cứu sáng chế trong các lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn, năng lượng sạch … Theo thông cáo chung, đại diện Mỹ và Ấn Độ cũng đã thảo luận về khả năng hợp tác sản xuất các hệ thống tác chiến trên bộ.

Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tiếp cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan. Hôm nay, theo kế hoạch, ông Sullivan có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp và thương mại của Ấn Độ.

Chuyến công du Ấn Độ của cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ diễn ra trong bối cảnh gần đây quan hệ hai nước đã trở nên thân thiết hơn. New Delhi và Washington đều cảnh giác trước ý đồ bành trướng của Trung Cộng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Ấn Độ cũng có lúc căng thẳng : Năm ngoái, tư pháp Mỹ cáo buộc một quan chức chính phủ Ấn Độ có dính líu đến âm mưu sát hại một thủ lĩnh phe ly khai người Sikh ở New York.


Trung – Hàn họp cấp cao về an ninh: Nga – Bắc Triều Tiên siết chặt hợp tác quân sự là trọng tâm (RFI)

Lần đầu tiên từ 9 năm nay, Nam Hàn và Trung Cộng họp bàn về an ninh theo công thức 2+2 ở cấp thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng. Cuộc họp diễn ra hôm qua 18/06/2024 tại Seoul, đúng vào dịp tổng thống Nga Vladimir Putin công du Bắc Triều Tiên.

Tham dự cuộc họp hôm qua tại bộ Ngoại Giao Nam Hàn, về phía Seoul, có thứ trưởng thứ nhất bộ Ngoại Giao Kim Hong Kyun và lãnh đạo cơ quan phụ trách chính sách quốc tế của bộ Quốc Phòng Lee Seung Buhm. Bắc Kinh cử thứ trưởng Ngoại Giao Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) và phó chủ nhiệm ban Hợp tác Quân sự Quốc tế của Quân ủy Trung ương Trung Cộng, ông Trương Bảo Quần (Zhang Baoqun). Bắc Kinh và Seoul quyết định tổ chức cuộc họp cấp cao về an ninh nói trên sau thượng đỉnh giữa tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol và thủ tướng Trung Cộng Lý Cường tháng 5/2024.

Theo nhật báo Nam Hàn Hankyoreh, cuộc họp song phương Trung – Hàn kéo dài 4 giờ, tiếp theo đó phái đoàn hai bên có bữa tối bàn công việc khoảng 2 giờ. Seoulđã bày tỏ quan ngại sâu sắc về chuyến đi của lãnh đạo Nga đến Bắc Triều Tiên, lần đầu tiên từ 24 năm nay, diễn ra đúng vào thời điểm Bình Nhưỡng đang gia tăng các hành động khiêu khích với các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, bóng bay chứa rác và chất thải, hay các can thiệp làm gián đoạn hệ thống hệ thống định vị (GPS) tại vùng giới tuyến liên Triều.

Nam Hàn cảnh báo việc Nga và Bắc Triều Tiên tăng cường các hợp tác quân sự ‘‘bất hợp pháp’’ sẽ tác động tiêu cực đến các lợi ích của Bắc Kinh. Seoul kêu gọi Trung Cộng ‘‘đóng vai trò xây dựng trong việc phi hạt nhân hóa, bảo vệ hòa bình và duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên’’. Về phần mình, phía Trung Cộng khẳng định chính sách của Bắc Kinh về bán đảo Triều Tiên là ‘‘không thay đổi’’, và nhấn mạnh quốc gia này ‘‘sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực’’.

Tín hiệu Trung Cộng ‘‘giữ khoảng cách’’ với quan hệ Nga – Bắc Triều Tiên

Theo báo chí Nam Hàn, việc Trung Cộng tham dự cuộc họp cấp cao về an ninh với Nam Hàn vào đúng thời điểm lãnh đạo Nga đi Bắc Triều Tiên có thể là nhằm gửi đi một tín hiệu cho thấy Trung Cộng giữ khoảng cách với quan hệ Matxcơva – Bình Nhưỡng. Bắc Kinh tỏ ra lo ngại ‘‘trục Trung Cộng – Bắc Triều Tiên – Nga siết chặt có thể tạo cớ để Nam Hàn, Mỹ và Nhật Bản tăng cường hợp tác quân sự’’. 

Về vấn đề này, chuyên gia Doo Jin-ho, phụ trách bộ phận chiến lược toàn cầu của Viện Phân tích Quốc phòng Nam Hàn, nhận định : ‘‘Trung Cộng và Nga có thể đã có hợp tác chiến lược về bán đảo Triều Tiên, cụ thể là Nga thúc đẩy quan hệ với Bắc Triều Tiên trong lúc Trung Cộng xử lý quan hệ với Nam Hàn’’, và việc này đã được hai bên tham khảo ý kiến trước.


TIN VIỆT NAM.

Putin công du Việt Nam cấp Nhà nước

Trong hai ngày 19/06 và 20/06/2024, tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin công du Việt Nam cấp Nhà nước theo lời mời của tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Tháp tùng tổng thống Nga, có nhiều lãnh đạo cao cấp trong chính quyền Nga, như ngoại trưởng Sergei Lavrov, phó thủ tướng, chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật Dmitri Chernyshenko; bộ trưởng Tư Pháp Konstantin Chuichenko, bộ trưởng Công Thương Anton Alikhanov, bộ trưởng Giao Thông Roman Starovoit, bộ trưởng Năng Lượng Sergei Tsivilev.

Trong phái đoàn Nga còn có đại diện nhiều công ty, ngân hàng, như tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom, công ty cổ phần Xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronexport, tập đoàn Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên bang Nga…

Putin đến phi trường Nội Bài

Đây là lần thứ năm ông Putin công du Việt Nam với tư cách tổng thống Liên bang Nga và là lần thứ hai công du Việt Nam cấp Nhà nước.

Đây là dịp để lãnh đạo hai nước ‘‘gặp gỡ, thảo luận, thống nhất những vấn đề quan trọng và định hướng chiến lược cho tương lai, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân’’.

Theo giới quan sát, nhân dịp này Nga và Việt Nam muốn thúc đẩy trao đổi kinh tế-thương mại song phương. 

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina và Nga bị phương Tây cô lập và trừng phạt, Câu hỏi đặt ra đối với giới quan sát là chính quyền Việt Nam tính toán gì khi đón tiếp tổng thống Putin ?

Từ Singapore, thông tín viên Nguyễn Giang cho biết.

Nhìn từ phía Việt Nam thì đây là chuyến thăm nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm trong tình hình mới”, theo lời Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, ông Đặng Minh Khôi nói với báo chí hôm nay 19/06. 

Đây cũng là quan hệ được cho là “tin cậy lẫn nhau”, có truyền thống từ thời chiến tranh. Và chuyến thăm của ông Putin, người bị Tòa án Hình sự Quốc tế ICC truy nã từ tháng 3/2023 nhưng Việt Nam không ký công ước làm thành viên của tòa án này nên ông Putin an toàn khi tới Việt Nam. 

Theo giới quan sát thì các tính toán địa chính trị gần đây được lãnh đạo Việt Nam đặt vào đường lối gọi là “tự chủ chiến lược”, hàm ý Hà Nội có thể phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn, theo thể chế khác nhau, thậm chí đối chọi nhau. 

Không e ngại chỉ trích đó, giới chức Nga và Việt Nam hai bên cho hay chuyến thăm có mục tiêu làm “giữ lửa” cho quan hệ song phương, từ thương mại, năng lượng, dầu khí tới mua bán vũ khí. Phía Nga hẳn đánh giá cao tình hữu nghị và hành động trải thảm đỏ đón ông Putin của Việt Nam khi mà ông bị nhiều nước khác tẩy chay, thậm chí lên án. 

Điều đáng nói là chuyến thăm xảy ra khi hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị” năm 1994. Tuy ít người để ý đến văn bản này nhưng nó lại khá quan trọng, giúp Nga đảm bảo có một vị trí vững chắc sau Chiến tranh Lạnh ở Đông Nam Á, thông qua quan hệ với cựu đồng minh là Việt Nam.

Đài báo Nga vẫn dùng di sản chủ nghĩa cộng sản, các tài liệu về Lenin, thậm chí cả Stalin để tạo mối ràng buộc về chiều sâu với các cơ quan Đảng, công an, quân đội và truyền thông Việt Nam.

Cũng hiệp ước đó tạo nền móng cho hợp tác quân sự và năng lượng, gồm cả năng lượng nguyên tử hai bên dù trước mắt, mảng khai thác dầu khí là quan trọng nhất.

Hai bên Nga-Việt cũng muốn đẩy thêm trao đổi kinh tế-thương mại vì đây là lĩnh vực phản ánh quan hệ song phương của Việt Nam với Nga còn quá thấp, chỉ đạt có 3,6 tỷ USD năm 2023, so với con số khổng lồ 171 tỷ đô la với Trung Quốc, 111 tỷ với Hoa Kỳ và 72 tỷ với Liên Hiệp châu Âu.

Thế nhưng phía Việt Nam ý thức được rằng Nga bị Hoa Kỳ cấm vận tài chính, các trao đổi với Nga sẽ khiến Việt Nam phải cân nhắc để không bị trừng phạt như một số ngân hàng Trung Quốc gần đây. Báo chí Việt Nam nói tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Nga còn cao, vì tính đến hết tháng 5 năm nay Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đô la, tức là cao hơn nhiều so với tổng vốn đầu tư xấp xỉ một tỷ đô la của Nga vào Việt Nam tính tới cùng thời điểm nói trên.

Tóm lại, trong các tính toán của Việt Nam thì tự chủ chiến lược đang là nét nổi bật trong việc đón ông Putin sang thăm, nhưng kết quả tốt đẹp, những lợi ích mà Nga đem lại cho Hà Nội, cũng như hệ quả của việc này ra sao trong quan hệ với các nước Phương Tây thì còn cần thời gian chúng ta mới có thể biết được. (RFI)


Washington trách cứ Hà Nội về chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Nga Putin

Như bản tin trên của RFI Tổng thống Putin hiện thăm chính thức Việt Nam sẽ được chủ tịch Việt Nam Tô Lâm đón tiếp và ông sẽ gặp gỡ nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày 19 và 20 tháng 6, nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước hữu nghị Nga-Việt.

Hoa Kỳ đã có phản ứng khá nặng nề. Được Reuters đặt câu hỏi về tác động chuyến thăm Hà Nội của tổng thống Nga, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tuyên bố: Không quốc gia nào nên tạo cơ hội cho Putin quảng bá cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và giúp ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình”.

Đại diện sứ quán Mỹ nói thêm: Nếu ông ta có thể đi lại tự do, như thế tức là có thể bình thường hóa những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn của Nga”, ý muốn nói đến cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina mà ông Putin phát động từ hồi tháng 02/2022.

Được Reuters liên hệ, bộ Ngoại Giao Việt Nam không trả lời đề nghị bình luận về sự việc.

Vẫn theo hãng tin Anh, Liên Hiệp Châu Âu, một đối tác kinh tế chủ chốt của Việt Nam, không bình luận trước thông tin chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Nga, nhưng tháng trước Bruxelles đã tỏ thái độ không hài lòng về quyết định của Hà Nội trì hoãn cuộc gặp với đặc phái viên Liên Âu để thảo luận về các lệnh trừng phạt Nga. Nhiều quan chức ngoại giao nhận định, sự trì hoãn này có liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Putin.

Lần đầu tiên tổng thống Putin có chuyến thăm Việt Nam ở cấp Nhà nước là vào năm 2017. Lần này là chuyến đi Việt Nam thứ 5 của ông. Theo giới quan sát, trong cuộc gặp lần này, ngoài những hồ sơ hợp tác thương mại, đầu tư, công nghệ, giáo dục… hai bên sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề nhạy cảm.

Đó có thể là hồ sơ mua bán vũ khí. Trước đây, Nga là nhà cung cấp chính cho Việt Nam;  hay hồ sơ hợp tác năng lượng, với các công ty Nga hoạt động tại các mỏ khí đốt và dầu lửa của Việt Nam tại các khu vực Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; và vấn đề thanh toán, vì hai nước gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các ngân hàng Nga. Một quan chức giấu tên tại Hà Nội cho Reuters biết như trên.

Chuyên gia Ian Storey, thuộc Viện nghiên cứu chính trị ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore nhận định, đối với Hà Nội, chuyến thăm nhằm mục đích “chứng minh rằng Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, không ngả theo bất kỳ cường quốc nào”.


Chuyến thăm Việt Nam của Putin: Mỹ phản ứng gay gắt, EU bất mãn

Theo tin đài VOA, Mỹ phản ứng gay gắt chuyến thăm cấp nhà nước sắp diễn ra của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam trong lúc Liên minh châu Âu bày tỏ bất mãn việc Hà Nội hoãn chuyến thăm của quan chức phụ trách cấm vận Nga, Reuters đưa tin.

Chuyến thăm diễn ra sau khi Hà Nội bỏ qua hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ vào cuối tuần trước, trong khi lại cử thứ trưởng ngoại giao tham dự một cuộc họp của khối BRICS ở Nga vào đầu tuần trước.

“Không nước nào nên cho Putin diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của họ và mặt khác cho phép ông ta biến sự tàn bạo của mình trở thành bình thường,” phát ngôn nhân của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói với Reuters khi được hỏi về tác động của chuyến thăm trong quan hệ với Mỹ.

Mỹ mới nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Nga là một trong những đối tác chiến lược toàn diện sớm nhất của quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu, đối tác kinh tế quan trọng khác của Việt Nam, đã không bình luận trước chuyến thăm, nhưng hồi tháng trước đã bày tỏ sự bất mãn về quyết định của Hà Nội trì hoãn cuộc họp với đặc phái viên EU về các biện pháp trừng phạt Nga – quyết định được cho là liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Putin.

Trước đó, trong một bản tin khác cũng của VOA loan hôm 17/6 cho hay, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm nói với Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko rằng Việt Nam từ trước đến nay vẫn hết sức coi trọng Nga với tư cách là “đối tác tin cậy”.

“Việt Nam luôn coi Nga là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình, luôn theo dõi sát tình hình và ủng hộ Nga phát triển ổn định”, trang Thanh Niên dẫn lời ông Tô Lâm nói. (Tổng hợp)


Việt Nam lại đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa lên tiếng đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường và giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2045 của đất nước.

Mỹ đang xem xét yêu cầu của Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách 12 nước mà Hoa Kỳ coi là các nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Trung Quốc và Nga. Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào ngày 26/7.

Đề nghị được ông Quang đưa ra trong buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Marc Knapper, vào chiều 18/6, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

Tại buổi tiếp ở Hà Nội, ông Quang đã “đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hiện thực hoá các mục tiêu phát triển đến năm 2045 cũng như các mục tiêu, cam kết quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng nguồn lực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh…”, bản tin cho hay.

Ông Quang là quan chức mới nhất của Việt Nam đưa ra lời kêu gọi mà trước đó đã được nhiều lãnh đạo của Việt Nam đưa ra trong nhiều dịp, gồm cả tại các diễn đàn ở Mỹ hay khi tiếp xúc với các quan chức Mỹ tại Việt Nam.

Phó thủ tướng Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Đại sứ Knapper đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua, đặc biệt đối với sự kiện hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.

Về phần mình, Đại sứ Knapper nhấn mạnh đến những thành tựu trong việc thực hiện các cam kết song phương cũng như khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao có sự khởi đầu nhanh chóng sau khi hai bên nâng cấp quan hệ.

Nhà ngoại giao Mỹ nói Hoa Kỳ ủng hộ và mong muốn hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, theo TTXVN.

Hai bên cũng đồng ý sẽ gia tăng chia sẻ, trao đổi thông tin để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc có thể nảy sinh trong quá trình hợp tác giữa hai nước.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 8/5 đã tiến hành các phiên điều trần để xác định xem Việt Nam có đủ tiêu chuẩn để được công nhận là nền kinh tế thị trường hay không. Các cuộc thảo luận này, được tổ chức trực tuyến từ Washington DC, có sự tranh luận từ những người ủng hộ và những người phản đối chỉ định này.

Đây là một phần trong quá trình đánh giá đang diễn ra, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7, và được xem là một bước quan trọng trong việc xác định vị thế kinh tế của Việt Nam trên toàn cầu, theo Reuters.

Năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen ủng hộ cho các nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế và tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, kêu gọi Mỹ nhanh chóng công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, mong muốn của Việt Nam đã vấp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất thép của Mỹ và nông dân nuôi tôm ở Vịnh Mexico, trong khi các nhà bán lẻ và các lĩnh vực kinh doanh khác lại biểu lộ sự ủng hộ.

Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam, vốn thường cao hơn đối với các nước bị phân loại là nền kinh tế phi thị trường. Chẳng hạn, theo Reuters, trong năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ vẫn duy trì mức thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm đông lạnh Việt Nam, trong khi tôm từ Thái Lan, được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, chỉ chịu mức thuế 5,34%.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ sử dụng các tiêu chí cụ thể để đánh giá tình trạng nền kinh tế thị trường của một quốc gia. Các tiêu chí này bao gồm khả năng chuyển đổi tiền tệ, tiền lương lao động được ấn định thông qua thương lượng, mức độ cởi mở đối với liên doanh và đầu tư nước ngoài, quyền sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với các nguồn lực sản xuất, và việc kiểm soát phân bổ nguồn lực và ra quyết định kinh tế liên quan đến giá cả và sản lượng.


Việt Nam cân nhắc đánh thuế toàn bộ hàng Trung cộng bán qua mạng

Cơ quan chuyên trách của Quốc hội Việt Nam yêu cầu cân nhắc đánh thuế toàn bộ hàng hóa được nhập cảng từ Trung cộng thông qua các sàn thương mại điện tử bất kể giá trị, báo chí trong nước đưa tin.

Đây là đề xuất mà ông Lê Quang Mạnh, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đưa ra khi ông báo cáo trước Quốc hội về việc thẩm tra dự luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi vào chiều ngày 17/6, trang mạng VietNamNet cho biết.

Việt Nam hiện miễn thuế nhập cảng và thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu đối với các mặt hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng mà các khách hàng cá nhân, nhỏ lẻ mua và được vận chuyển qua đường bưu điện hay chuyển phát nhanh.

Mặc dù các đơn hàng chỉ có giá trị nhỏ từ 100.000 – 300.000 đồng nhưng tính tổng cộng mỗi ngày giá trị nhập khẩu các mặt hàng này dao động từ 45 đến 63 triệu đô la Mỹ, tương ứng với từ 1,3 đến 1,9 tỉ đô la một tháng, tờ Tuổi Trẻ dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông cho biết.

Các hàng hóa này xuất phát từ Trung cộng được bày bán trên các sàn thương mại điện tử phổ biến ở Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, việc tiếp tục miễn thuế này được cho là sẽ gây thất thu cho ngân sách Việt Nam.

Trước đây, sở dĩ Việt Nam không đánh thuế với các mặt hàng nhập cảng giá trị nhỏ qua đường bưu điện là do lượng hàng hóa không đáng kể nên tiền thuế thu được không bao nhiêu, nhất là so với chi phí quản lý thu của cơ quan hải quan và chi phí tuân thủ của người nộp thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh được Tuổi Trẻ dẫn lời nói.

Ông Mạnh cũng dẫn ra việc nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập cảng giá trị nhỏ để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập cảng.

Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi cân nhắc áp thuế đối với dạng hàng hóa nhập cảng này.

Việt Nam đang gặp những khó khăn về thu ngân sách do phải giảm 2% thuế giá trị gia tăng, từ 10 xuống 8% kể từ đầu năm nay để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sự phục hồi sản xuất kinh doanh để lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế. (VOA)


Nắng nóng ở Việt Nam còn kéo dài

Ít nhất là trong 2 ngày tới, Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung tiếp tục trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, cảm giác vô cùng oi bức.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hôm nay (19/6), ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, nhiều nơi nhiệt độ xấp xỉ 39 độ C.

Dự báo, trong 2 ngày tới (20-21/6), các khu vực trên tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ, có nơi trên 39 độ.

Từ ngày 22-23/6 nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng giảm dần.

Thời tiết Hà Nội đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ từ 28-39 độ.

Phía Tây Bắc Bộ đêm có mưa rào và dông rải rác; ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, riêng Hòa Bình có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ từ 26-39 độ.

Phía Đông Bắc Bộ đêm có mưa rào và dông vài nơi, riêng vùng núi có mưa rào và dông rải rác; ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, riêng đồng bằng có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ từ 27-39 độ, có nơi trên 39 độ.

Khu vực Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ từ 28-39 độ.

Khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, chiều tối mai có mưa rào và dông rải rác. Nhiệt độ từ 26-38 độ.

Tây Nguyên đêm có mưa rào và dông rải rác; ngày có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối mai có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Nhiệt độ từ 21-31 độ.

Nam Bộ đêm có mưa rào và dông rải rác; ngày có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối mai có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Nhiệt độ từ 25-34 độ.




Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng