Tin Hoa Kỳ & Thế Giới

FBI Đột Kích Tư Gia Của Thị Trưởng Oakland Sheng Thao

Sáng thứ Năm (20/06), các đặc vụ liên bang đã đột kích vào nhà của Thị trưởng Oakland Sheng Thao ở California.

Vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng, FBI đã tống đạt một lệnh khám xét tại đường Maiden Lane ở khu Lincoln Highlands của thành phố này. Hiện vẫn chưa rõ điều gì đã dẫn tới cuộc đột kích liên bang này.

Các hãng truyền thông địa phương đã quay video các đặc vụ liên bang khi họ mang các thùng, túi rác, và thùng nhựa ra khỏi ngôi nhà. Hiện chưa rõ vật phẩm nào bị thu giữ. Truyền thông địa phương cũng đưa tin vị thị trưởng này đã được áp giải ra khỏi nhà.

thị trưởng Oakland, Calif.
Sheng Thao

Hôm thứ Năm, bà thị trưởng này dự định ​​​​sẽ tham dự một cuộc họp báo về nhà ở giá rẻ nhưng đã không xuất hiện tại buổi tổ chức này.

Cuộc đột kích xảy ra chỉ hai ngày sau khi Cơ quan Ghi Danh Cử Tri Quận Alameda thông báo rằng một đơn kiến ​​nghị bãi nhiệm thị trưởng đã thu thập được hơn 40,000 chữ ký và đủ điều kiện để bỏ phiếu. Bây giờ bà phải đối mặt với một cuộc bãi nhiệm vào tháng Mười Một.

Theo trang web Recall Sheng Thao (Bãi nhiệm bà Sheng Thao), bà Thao đã bị chỉ trích về nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó tỷ lệ tội phạm ở địa phương và các vấn đề tài chính của thành phố.

Trước đây, bà thị trưởng này từng là một thành viên của hội đồng thành phố Oakland. Sau đó, bà được bầu làm thị trưởng và bắt đầu nhiệm kỳ thị trưởng hồi tháng 01/2023. Nếu vào tháng Mười Một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm thất bại, thì bà sẽ phục vụ nhiệm kỳ hiện tại của mình cho đến năm 2026.

Bà Thao là thị trưởng người Mỹ gốc Hmong đầu tiên của một thành phố lớn ở Hoa Kỳ. Một thành viên mạng xã hội mô tả bà là một “người đi thuê nhà, người mẹ, và con gái của những người Hmong tị nạn”.

Các hãng truyền thông địa phương đưa tin những địa điểm khác cũng bị đặc vụ liên bang đột kích, gồm cả nơi ở của ông Andy Dương, giám đốc công ty thu gom rác California Waste Solutions của thành phố này.

Theo các hãng truyền thông địa phương, cha của ông, ông David Dương, là chủ tịch của một nhà thầu xử lý chất thải và nhà của ông cũng bị đột kích. Đoạn phim ghi lại cảnh các viên chức tư pháp mặc y phục của Thanh tra Bưu điện Hoa Kỳ và khoác áo ghi-lê cảnh sát được nhìn thấy ở bên ngoài một ngôi nhà có liên hệ với ông David Duong.

Kể từ năm 2020, cơ quan giám sát độc lập của thành phố này, Ủy ban Đạo đức Công cộng Oakland, đã điều tra công ty chuyên tái chế rác này về cáo buộc đóng góp cho chiến dịch tranh cử của thị trưởng này và các viên chức khác.


Số Người Nhập Cư Bất Hợp Pháp Vào Hoa Kỳ Giảm 25% Kể Từ Khi Có Sắc Lệnh Hạn Chế Tị Nạn

Các viên chức của Cục Quan Thuế Và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ (CBP) cho biết số vụ bắt giữ người nhập cư bất hợp pháp giữa các cảng nhập cảnh dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico đã giảm 25% trong hai tuần kể từ khi chính phủ Biden áp đặt giới hạn về điều kiện tị nạn.

Hôm 04/06, Tổng thống Joe Biden đã ban hành một tuyên bố, trong đó việc giới hạn này có hiệu lực bất cứ khi nào các cuộc bắt gặp những người vượt biên trái phép vượt quá mức trung bình 2,500 người mỗi ngày trong bảy ngày liên tiếp. Trên mức đó và các nhân viên của CBP không thể “hoàn thành kết quả kịp thời”.

TT Biden tuyên bố trong buổi họp báo, “Lệnh cấm này sẽ được giữ nguyên cho đến khi số người nhập cảnh bất hợp pháp giảm xuống mức mà hệ thống của chúng ta có thể quản lý hiệu quả”.

Bộ An ninh Nội địa và Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland đã cùng ban hành một quy định cuối cùng tạm thời về điều kiện tị nạn và tăng hiệu quả đối với một số người vượt biên bất hợp pháp.

Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, CBP cảnh báo rằng “dòng người di cư không ngừng thay đổi” và các nhân viên sẵn sàng khai triển khi tình hình thay đổi.

Ủy viên lâm thời CBP Troy A. Miller cho biết, “Những nỗ lực bắt giữ của chúng tôi đang tiếp tục giảm bớt ở biên giới phía Tây Nam.

Ông nói: “Những nhân viên tận tâm của CBP sẽ tiếp tục gìn giữ an ninh quốc gia và phá vỡ các mạng lưới tội phạm, trong khi kiểm soát việc nhập cảnh bất hợp pháp, gồm có giam giữ, truy tố, và trục xuất theo các hành động hành pháp được công bố gần đây để bảo vệ biên giới hơn nữa”.

Theo dữ kiện sơ bộ, những hạn chế mới về tính đủ điều kiện tị nạn đã làm giảm những cuộc chạm mặt hàng ngày giữa nhân viên biên giới và người nhập cư bất hợp pháp. Điều đó nói lên rằng các viên chức CBP ủng hộ việc có thêm nguồn lực để thực thi luật nhập cư, bảo vệ an ninh quốc gia, và phá vỡ các mạng lưới tội phạm.

Ông Miller cho biết: “Với sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác của Hoa Kỳ và ngoại quốc, CBP tiếp tục thực hiện các thực thi mạnh mẽ chống lại các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia ở biên giới của chúng ta và xa hơn nữa”.

Vài năm gần đây cho thấy có ​​sự gia tăng nhanh về nhập cư bất hợp pháp.

Các nhân viên Tuần tra Biên giới trên toàn quốc đã bắt giữ gần 1.3 triệu người nhập cư bất hợp pháp trong 8 tháng đầu năm tài khóa năm nay, bắt đầu từ ngày 01/10/2023. Thêm 929,000 cá nhân không được nhập cảnh đã bị chặn tại các cảng nhập cảnh, nâng tổng số lên 2.2 triệu người.

Dữ kiện của CBP cho thấy trong cùng thời kỳ năm ngoái, số người nhập cư bất hợp pháp lên tới 2.1 triệu người, bao gồm cả những người vượt biên giới bất hợp pháp và những người không được nhập cảnh.

Trong khi đó, một báo cáo mới từ Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã xác định những thiếu sót trong việc thực thi luật nhập cư của bộ này.

Trong một trường hợp cụ thể, hàng trăm người nhập cư bất hợp pháp tại một phi trường quốc tế ở Hoa Kỳ đã được thả ra vì không đủ chỗ ngủ hoặc không đủ tiền tài trợ, trong đó 44% những người đó đã không quay lại để lên các chuyến bay ra khỏi Hoa Kỳ.


22 Người Bị Buộc Tội Trong Đường Dây Buôn Lậu Methamphetamine

Trong tuần này các công tố viên thông báo rằng một đại bồi thẩm đoàn liên bang ở Fresno, California, đã kết tội 22 người với cáo buộc buôn lậu hơn 12,000 pound (hơn 5,800 kg) methamphetamine và hàng chục pound fentanyl, cocaine, và heroin từ Mexico.

Đường dây buôn lậu ma túy này bị cáo buộc đã cất giấu các loại ma túy dạng lỏng, dạng bột, và dạng viên bên trong các máy chiếu di động, pin, và trong bình xăng của xe hơi—tất cả đều được theo dõi bằng thiết bị GPS—theo một thông cáo báo chí hôm 17/06 do Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ, Địa hạt Đông California, đưa ra.

Trong thông báo, Biện lý Hoa Kỳ Phillip A. Talbert cho biết: “Các tổ chức tội phạm mang các loại ma túy đến đây như methamphetamine, fentanyl, cocaine, và heroin với số lượng lớn là một mối đe dọa trực tiếp đối với cư dân của Địa hạt Đông California”.

Ít nhất 12 người bị tình nghi đến từ các thị trấn Nam California, từ Lancaster ở phía bắc quận Los Angeles đến Chula Vista gần biên giới, và một người đến từ Pittsburg ở vùng Bay Area.

Cơ quan tư pháp liên bang đã thu giữ tổng cộng 12,900 pound methamphetamine, hơn 50 pound (gần 23 kg) fentanyl pha với các loại thuốc không xác định khác, 39 pound (hơn 17 kg) cocaine, và 22 pound (khoảng 10 kg) heroin.

Những kẻ buôn lậu này được cho là đã sử dụng một cơ sở kinh doanh vận tải hợp pháp để giấu ma túy trong pin và máy chiếu di động rồi lén đưa hàng trăm pound methamphetamine lỏng qua xe tải nhỏ và xe du lịch.

Theo văn phòng biện lý, nếu bị kết án, một số bị cáo phải đối mặt với mức án tối thiểu bắt buộc từ 5 đến 10 năm và mức án tối đa là 20 năm, 40 năm, và tù chung thân.

Vụ án này được điều tra bởi Lực Lượng Đặc Nhiệm chống Tội phạm Ma túy Có tổ chức, một lực lượng phối hợp giữa các đối tác liên bang, tiểu bang, và địa phương nhắm vào các tổ chức tội phạm hàng đầu ở Hoa Kỳ.


Chính Phủ Biden Đề Xướng Các Hạn Chế Đầu Tư Vào Lãnh Vực Kỹ Nghệ Trung Cộng

Chính phủ Biden đã đề xướng các yêu cầu mới nhằm hạn chế các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào lãnh vực trí tuệ nhân tạo và các lãnh vực kỹ nghệ quan trọng khác của Trung Cộng trước những mối lo ngại về an ninh quốc gia.

Hôm thứ Sáu (21/06), Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã công bố các yêu cầu mới được đề xướng cho một số giao dịch, cũng như lệnh cấm đối với các giao dịch khác liên quan đến đầu tư ra ngoại quốc của Hoa Kỳ trong lãnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, kỹ nghệ bán dẫn, và vi mạch điện tử.

Phụ tá Bộ Trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ đặc trách An ninh Đầu tư Paul Rosen cho biết: “Quy định được đề xướng này sẽ củng cố nền an ninh quốc gia của chúng ta bằng cách ngăn chặn các lợi ích mà các khoản đầu tư của Hoa Kỳ mang lại, tạo thuận tiện cho sự phát triển của các kỹ nghệ nhạy cảm ở những quốc gia có thể đe dọa nền an ninh quốc gia của chúng ta”.

Đề xướng này đã liệt kê cụ thể Trung Cộng, trong đó có các vùng lãnh thổ Hồng Kông và Macau, vào danh sách các quốc gia đáng lo ngại, trong đó các khoản đầu tư mới của Hoa Kỳ có thể bị hạn chế hoặc bị cấm.

Theo các quy định mới được đề xướng này, một số loại đầu tư chắc chắn sẽ bị cấm hoàn toàn, và những loại đầu tư khác sẽ bị Bộ Ngân Khố cảnh báo.

Các loại giao dịch bị cấm hoàn toàn gồm có: siêu máy điện toán hay máy tính lượng tử và các thành phần điện toán được sử dụng cho mục đích quân sự (như nhắm mục tiêu, nhận dạng mục tiêu, tiếp vận, và bảo trì hệ thống chiến đấu); các công cụ điện toán dành cho các ứng dụng tình báo hay ứng dụng giám sát hàng loạt; và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) dùng để xác định trình tự dữ kiện sinh học.

Các giao dịch phải khai báo gồm có thiết kế và sản xuất mạch tích hợp, cũng như hệ thống AI được sử dụng cho các mục đích giám sát và an ninh mạng nhất định.

Bộ Ngân khố cho biết, “Tổng thống Biden hứa sẽ bảo đảm an toàn cho người Mỹ và hiện ông đang đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn việc các quốc gia khai thác các khoản đầu tư của Hoa Kỳ để tìm cách phát triển các kỹ nghệ hay các sản phẩm nhạy cảm quan trọng cho thế hệ tiếp theo của quân đội, tình báo, giám sát, hay những lãnh vực có thể mang lại rủi ro an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ”.

Những người không công khai các giao dịch hay thực hiện các giao dịch bị cấm theo các quy định mới có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt theo Đạo Luật Quyền Lực Kinh Tế Khẩn Cấp Quốc Tế. Các mức phạt trải rộng từ hình phạt dân sự cho đến các cáo buộc hình sự với mức phạt lên tới 1 triệu USD và án tù có thể lên tới 20 năm.

Các quy định được đề xướng của Bộ Ngân Khố được đưa ra trong giai đoạn trưng cầu ý kiến mà Tổng thống Joe Biden đã khởi xướng bằng một sắc lệnh hồi tháng 08/2023. Bộ Ngân Khố hiện đang tìm kiếm những đề xướng xây dựng quy định mới trước ngày 04/08, sau đó dự định ​​​​sẽ đưa quy định cuối cùng vào thực hiện.

Những quy tắc mới được đề xướng này được đệ trình trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng trở nên lo ngại rằng nhà cầm quyền Trung Cộng có thể đạt được một lợi thế quân sự qua hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, gián điệp, khai thác mạng, ép buộc chuyển giao kỹ nghệ, hay các chiến dịch gây ảnh hưởng nhắm vào các công ty kỹ nghệ, văn phòng chính phủ, và các phòng thí nghiệm quân sự của Hoa Kỳ.

Trong một bản báo cáo năm 2018, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đánh giá rằng mỗi năm Hoa Kỳ mất từ ​​225 tỷ đến 600 tỷ USD giá trị sở hữu trí tuệ do hành vi trộm cắp xuất phát từ các nhân sự và nhà cầm quyền Trung Cộng.


Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer Cam Kết Sẽ Thông Qua Đạo Luật An Toàn Trực Tuyến Cho Trẻ Em

Lãnh đạo Đa số Thượng Viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã cam kết sẽ đưa Đạo luật An Toàn Trực Tuyến Cho Trẻ Em (KOSA) vượt qua giai đoạn cuối tại Thượng Viện.

Dự luật này có chủ đích là thiết lập các biện pháp bảo vệ và trách nhiệm giải trình nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những tác hại liên quan đến mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, mặc dù có một số người phản đối lo ngại về việc kiểm duyệt.

Hôm 20/06, ông Schumer đã bắt đầu một cuộc thảo luận tại Thượng Viện với Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân Chủ-Connecticut), nhấn mạnh tầm quan trọng của KOSA và cam kết của ông với tư cách là người đồng bảo trợ dự luật. Ông Schumer nói tại Thượng Viện, “Tôi đã trực tiếp gặp gỡ những gia đình đã bị tổn thương, tôi đã chứng kiến những câu chuyện đau lòng của họ và tôi cam kết, hoàn toàn cam kết, sẽ làm việc với họ để đưa dự luật KOSA đến giai đoạn cuối cùng”.

“Hồi tháng trước, tôi đã dự tính hoàn thành KOSA thông qua sự đồng thuận về một thỏa thuận thời gian tại Thượng Viện. Cá nhân tôi đã giúp giải quyết các vấn đề và giảm thiểu những hậu quả không lường trước được của dự luật. Nỗ lực đó đã làm giảm bớt sự phản đối nhưng vẫn còn một số người vẫn chưa đồng ý”.

Ông Schumer nói rằng mặc dù vẫn còn một số người chưa đồng ý, nhưng các thượng nghị sĩ “phải theo đuổi một con đường lập pháp khác để hoàn thành việc này”.

Đồng thời, tuần này một nhóm các bậc cha mẹ đã gửi thư cho ông Schumer kêu gọi ông làm tất cả những gì có thể để thông qua dự luật.

Các bậc cha mẹ này là thành viên của nhóm có tên Các Bậc Cha Mẹ Vì Không Gian Trực Tuyến An Toàn (ParentsSOS).

NHóm này viết, “Hôm nay, với tư cách là những bậc cha mẹ đã mất con do các tác hại trên mạng và quyết tâm bảo đảm rằng không có gia đình nào khác phải trải qua những gì chúng tôi đã chịu đựng, chúng tôi đã viết thư này cho ông”.

“Trong hai năm qua, chúng tôi đã vận động không mệt mỏi cho Đạo luật An Toàn Trực Tuyến Cho Trẻ Em (KOSA), đạo luật này sẽ đặt trách nhiệm cho các công ty truyền thông xã hội về những lựa chọn thiết kế cố ý gây hại cho giới trẻ”.

Ông Blumenthal nhấn mạnh tầm quan trọng của dự luật đối với rất nhiều bậc cha mẹ và các cá nhân trẻ tuổi mà ông cho biết đã bị ảnh hưởng bởi các tác hại trên mạng.

Ông Blumenthal cho biết trong nhận xét rằng “Dự luật này đáp lại vô số câu chuyện mà chúng tôi đã nghe từ các bậc cha mẹ đã mất con và những người trẻ tuổi về những hậu quả khủng khiếp mà các nền tảng này đã gây ra đối với cuộc sống của họ”. Dự luật do ông Blumenthal giới thiệu có 68 nhà đồng bảo trợ.

Ông Schumer cho biết sự ủng hộ của lưỡng đảng, đặc biệt là với sự giúp đỡ của Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee), đã giúp dự luật này được đồng thuận thông qua tại Ủy ban Thương Mại, Khoa Học, Và Giao Thông Vận Tải Thượng viện.

Nhìn chung, KOSA tìm cách thiết lập các tiêu chuẩn pháp lý để bảo vệ trẻ vị thành niên và yêu cầu các nền tảng giảm thiểu tác hại trên mạng một cách hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, một số nhóm đã bày tỏ sự phản đối, cho rằng dự luật này sẽ tăng cường giám sát và hạn chế quyền truy cập thông tin.

Một điều khoản quan trọng trong dự luật là việc thiết lập một “nghĩa vụ chăm sóc” cho các nền tảng được áp dụng, yêu cầu các nền tảng này phải đưa ra các tính năng để ngăn chặn hoặc giảm thiểu một loạt các nguy hiểm đối với trẻ em, bao gồm lợi dụng tình dục trẻ em, lạm dụng chất gây nghiện, khuyến khích tự sát, hoặc quảng cáo các sản phẩm như rượu và thuốc lá.


Gần Một Nửa Số Người Sử Dụng Xe Điện Ở Hoa Kỳ Muốn Quay Lại Sử Dụng Xe Xăng

Theo phát giác mới từ cuộc Khảo Sát Người Tiêu Dùng Toàn Cầu về Việc di chuyển năm 2024 của McKinsey & Company, ngày càng có nhiều tài xế xe điện đang nghĩ đến việc quay trở lại sử dụng xe hơi động cơ nổ.

46% số chủ sở hữu xe điện được khảo sát tại Hoa Kỳ cho biết họ có thể sẽ quay trở lại lái các xe chạy bằng xăng.

Trên toàn cầu, cuộc khảo sát với 30,000 người trả lời ở 15 quốc gia cho thấy hơn ¼ (29%) số chủ sở hữu xe điện có khả năng quay trở lại lái xe chạy bằng xăng.

Nghiên cứu cho thấy Úc Đại Lợi đứng đầu danh sách với 49% người xác nhận họ muốn quay trở lại lái xe chạy bằng xăng.

Cơ sở hạ tầng sạc công cộng thiếu thốn là lý do chính khiến những người được hỏi muốn quay trở lại sử dụng phương tiện chạy bằng xăng, với 35% cho rằng xe điện “chưa đủ tốt”. 34% lưu ý rằng tổng chi phí sở hữu xe điện là “quá cao”.

Danh sách các lý do khiến chủ sở hữu thất vọng về xe điện bao gồm không thể sạc tại nhà (24%), quá lo lắng và căng thẳng về việc sạc (21%), thay đổi yêu cầu di chuyển (16%), và không cảm thấy tận hưởng khi lái xe (13%).

Nhìn chung, 21% số người được hỏi trên toàn cầu cho biết họ sẽ không bao giờ muốn chuyển sang sử dụng xe điện, một tỷ lệ không thay đổi kể từ năm 2022. Để so sánh, 18% khẳng định chiếc xe tiếp theo của họ sẽ là xe điện, tăng từ 16% vào năm 2022.

Hướng về 10 năm tới, 29% muốn thay thế xe hơi của họ bằng các hình thức di chuyển khác. Họ trích dẫn chi phí sở hữu xe hơi đắt đỏ, mong muốn có một lối sống bền vững hơn, và việc làm từ xa.

Theo Báo cáo Triển vọng Xe điện năm 2024 của BloombergNEF, người tiêu dùng đang ngày càng lo lắng về thị trường xe điện.

Báo cáo cho biết, “Tại Mỹ, những lo lắng về thị trường xe điện do cuộc bầu cử tổng thống sắp tới mang lại đã khiến tiến độ áp dụng xe điện chậm lại trong năm nay, và đến năm 2027, thì chỉ 29% số xe bán ra trong nước [sẽ] là xe điện”.

Tòa Bạch Ốc đặt mục tiêu có 56% tổng doanh số bán xe mới là xe điện vào năm 2032.

Để thúc đẩy xe điện trên toàn quốc, hồi tháng Ba ,Tổng thống Joe Biden đã công bố quy định nghiêm ngặt nhất về khí thải phương tiện di chuyển nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện của ngành xe hơi.

Quy định gần đây của Tổng thống Biden dự định sẽ hạn chế lượng khí thải ô nhiễm hàng năm được cho phép đối với xe hơi. Các nhà sản xuất xe hơi không đáp ứng các tiêu chuẩn mới này sẽ phải chịu những hình phạt cứng rắn.

Nhưng trong khi Hoa Kỳ đang tạo điều kiện cho thị trường bán được nhiều xe điện hơn thì cơ sở hạ tầng lại vẫn chưa hoàn thiện.

Trong Đạo luật Việc Làm Và Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng (IIJA) mang tính bước ngoặt năm 2021, các nhà lập pháp đã phê chuẩn 7.5 tỷ USD để xây dựng 500,000 trạm sạc công cộng cho xe điện trên toàn quốc. Đạo luật Giảm Lạm phát cũng tăng mức tín thuế cho việc sở hữu EV cũng như lắp đặt trạm sạc.

Cho đến nay, mới chỉ có 8 trạm sạc xe điện công cộng được khai triển, khiến các nhà lập pháp của cả hai đảng chỉ trích.

Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) cho biết tại phiên điều trần của Ủy ban Môi trường và Công trình Công cộng Thượng viện (EPW) hôm 05/06, “Thật thảm hại. Hiện giờ chúng ta đã tiến hành kế hoạch này được ba năm. Đây là một thất bại hành chính lớn. Có điều gì đó rất sai và cần phải được khắc phục”.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pete Buttigieg cho biết chính phủ dự định xây dựng 500,000 trạm sạc vào năm 2030.


Việc ĐCSTQ Trợ Giúp Nga Gây Tổn Hại Cho Mối Quan Hệ Giữa Berlin Và Bắc Kinh

Trong chuyến thăm chính thức Trung Cộng, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nói rằng sự trợ giúp của chế độ Trung Cộng dành cho Nga giữa cuộc chiến tranh với Ukraine đã gây thiệt hại cho mối quan hệ kinh tế giữa Berlin và Bắc Kinh.

Thương mại song phương giữa Trung Cộng và Nga đã tăng hơn 40% trong năm 2023, và theo ông Habeck, gần một nửa mức tăng này là đến từ hàng hóa phục vụ cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự.

Hôm 22/06, ông Habeck, đồng thời là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế và khí hậu của Đức, nói với các phóng viên ở Thượng Hải, rằng: “Việc lờ đi các biện pháp trừng phạt áp đặt cho Nga là không thể chấp nhận được”.

Ông Habeck đang có chuyến công du Trung Quốc ba ngày. Chuyến đi của ông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Cộng và Liên minh Âu Châu leo ​​thang về các vấn đề gồm có thương mại, nhân quyền, và chiến tranh ở Ukraine.

Hôm 21/06, sau khi đến Bắc Kinh, ông Habeck đã gặp Bộ Trưởng Thương Mại Trung Cộng Wang Wentao)và Bộ trưởng Công nghiệp Jin Zhuanglong. Trước khi đến trung tâm tài chính hôm 22/06, ông cũng đã ngồi lại với ông Zheng Shanjie, người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Cộng.

Ông Habeck cho rằng việc Bắc Kinh trợ giúp Moscow đã và đang “gây thiệt hại” cho mối quan hệ của nước này với khối Âu Châu gồm 27 quốc gia.

Ông nói: “Hiện giờ, chúng tôi cố gắng đa dạng hóa các chuỗi cung ứng vì chúng tôi không thể mạo hiểm phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô, hàng hóa kỹ thuật thuộc bất cứ loại nào có thể được sử dụng để chống lại lợi ích của chính mình”.

Theo dữ kiện chính thức của Đức, Trung Cộng là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong nhiều năm, với tổng kim ngạch xuất nhập cảng lên tới 254 tỷ (271 tỷ USD) trong năm 2023.

Nhưng Đức đang cố gắng tránh phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động thương mại với một Trung Cộng ngày càng quyết đoán, và đã đa dạng hóa nguồn cung cấp hàng hóa quan trọng theo cách tiếp cận mà nước này gọi là “giảm thiểu rủi ro”, được nêu trong chiến lược lần đầu tiên về Trung Cộng ban hành hồi tháng Bảy năm ngoái.

Trong 3 tháng đầu tiên của năm nay, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Cộng để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức, với 63 tỷ EUR (68 tỷ USD) hàng hóa và dịch vụ trao đổi giữa hai nước. Theo văn phòng thống kê của Đức, con số đó của Trung Cộng chưa đến 60 tỷ EUR (64 tỷ USD).

Chuyến đi của ông Habeck tới Trung Quốc diễn ra hai tháng sau chuyến công du tương tự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Trong một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình, ông Scholz đã kêu gọi ông Tập thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin “từ bỏ chiến dịch quân sự điên rồ của Nga”.

Ông Habeck là viên chức cấp cao đầu tiên của châu Âu tới Trung Quốc kể từ hồi đầu tháng này khi Brussels công bố mức tăng thuế lên tới 38.1% đối với xe điện (EV) nhập cảng từ Trung Cộng. Sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, ủy ban điều hành của Liên minh Âu Châu kết luận rằng các nhà sản xuất xe điện của Trung Cộng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp nhà nước không công bằng, điều này gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh xe hơi sản xuất trong nước của khối này.

Đáp lại, Bộ thương mại Trung Cộng đã khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt heo nhập cảng từ EU. Chỉ vài giờ trước khi phó thủ tướng Đức đến Bắc Kinh, bộ này đã đưa ra một tuyên bố cáo buộc Brussels làm leo thang những xích mích về thương mại mà họ cho rằng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại.