TIN THẾ GIỚI.
Bán đảo Crimée: Nga tố cáo Mỹ đứng sau các vụ Ukraina tấn công bằng tên lửa ATACMS (RFI)
Những ngày gần đây, quân đội Ukraina gia tăng oanh kích các căn cứ quân sự sâu trong hậu phương Nga với các tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp. Hôm 23/06/2024, bộ Quốc Phòng Nga cáo buộc Mỹ đứng sau loạt tấn công, với 5 tên lửa ATACMS tầm xa, nhắm vào thành phố cảng Sebastopol, bán đảo Crimée, vùng lãnh thổ của Ukraina mà Matxcơva sáp nhập từ năm 2014.
Theo bộ Quốc Phòng Nga, đường bay của tên lửa ‘‘do các chuyên gia Mỹ xác lập dựa trên các dữ kiện vệ tinh của tình báo Mỹ’’. Người đứng đầu chính quyền địa phương, do Nga dựng lên tại Crimée, cho biết trong ‘‘loạt tấn công giữa ban ngày này’’, có 4 dân thường thiệt mạng và 151 người bị thương, trong đó có 82 người phải nhập viện. Matxcơva đe dọa trả đũa.
Hiện tại, chưa có nguồn tin độc lập nào xác nhận thông tin phía Nga đưa ra nói trên. Thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev cho biết cụ thể:
‘‘Từ nhiều tuần nay, quân đội Ukraina sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa để phá hủy các hệ thống phòng không của Nga bố trí dọc bờ biển bán đảo Crimée. Chủ nhật 23/06, 5 trái tên lửa dường như đã được bắn về hướng thành phố cảng Sebastopol. Phía Nga cho biết đã bắn hạ 4 tên lửa. Các mảnh vỡ có thể đã rơi xuống một bãi biển, nhiều đoạn video lan truyền trên các mạng xã hội hôm qua cho thấy cảnh dân tắm biển bỏ chạy.
Tối hôm qua, điện Kremlin khẳng định 5 dân thường thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương. Hiện tại, chưa có nguồn tin độc lập nào xác nhận thông tin nói trên.
Cũng trong kỳ nghỉ cuối tuần này, xuất hiện nhiều hình ảnh một kho chứa tại một căn cứ quân sự ở vùng Krasnodar, miền nam nước Nga, bị phá hủy. Theo hải quân Ukraina, đây là địa điểm cất giữ các drone tự sát Shahed do Iran thiết kế.
Chính quyền Nga, dĩ nhiên không xác nhận điều này, bất chấp các hình ảnh chụp từ trên không dường như xác nhận đã có các thiệt hại tại một căn cứ. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khó có thể biết rõ hơn.
Có điều chắc chắn là quân đội Ukraina cố gắng tấn công sâu vào hậu phương của Nga với hai mục tiêu : Làm suy giảm khả năng oanh kích của không quân Nga, và hệ thống hệ thống phòng không của Nga tại bán đảo Crimée, ít tuần trước khi các chiến đấu cơ F-16 của phương Tây được chuyển giao cho Ukraina’’.
Theo AFP, hiện tại cả Ukraina và Mỹ chưa đưa ra các tuyên bố nào về loạt tấn công bằng tên lửa ATACMS hôm qua nhắm vào Sebastopol, nơi đặt trụ sở của hạm đội Hắc Hải Nga. Tháng 4/2024, Mỹ thông báo chuyển giao cho Ukraina tên lửa ATACMS tầm bắn 300 km, mà Kiev yêu cầu từ lâu.
CPI phát lệnh truy nã lãnh đạo quân đội và cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nga (RFI)
Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) ngày 25/06/2024, thông báo phát lệnh truy nã nhắm vào tổng tham mưu trưởng quân đội Nga tướng Valéri Guérassimov và cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergueï Choigou, với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại tại Ukraina.
AFP nhắc lại vào mùa xuân 2023, CPI – trụ sở tại La Haye – đã phát lệnh truy nã nhắm vào tổng thống Nga Vladimir Putin và một quan chức cao cấp Nga, phụ trách quyền trẻ em, bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, được cho là liên quan đến việc cưỡng bức di dời trẻ em từ Ukraina sang Nga.
Từ La Haye, thông tín viên đài RFI, Stéphanie Maupas :
Hai sĩ quan này bị truy tố vì tội tấn công chống thường dân và cơ sở dân sự, cụ thể hơn là nhắm vào các trung tâm sản xuất điện năng của Ukraina. Xin nhắc lại rằng vào tháng 10/2022, mùa đông chớm đến, quân đội Nga đã mở chiến dịch đầu tiên nhắm vào các mục tiêu là các nhà máy điện của Ukraina. Chỉ trong vòng hai tháng, viện công tố Ukraina ghi nhận đến 92 cuộc tấn công.
Vào thời điểm đó, người ta đã có nghi vấn về bản chất chiến lược quân sự của những mục tiêu này, nhưng các thẩm phán đã đánh giá rằng những thiệt hại rõ ràng là quá mức so với lợi thế quân sự mà quân đội Nga có được, do vậy, cấu thành tội ác chiến tranh.
Lệnh truy nã cũng liên quan đến hậu quả của những cuộc tấn công này. Thường dân phải chịu tình trạng thiếu điện, nước và sưởi. Theo Tòa án Hình sự Quốc tế, những cuộc tấn công này đã gây ra « nỗi thống khổ to lớn » cho người dân.
Theo thông cáo của Tòa án, những cuộc tấn công đó là tội ác chống nhân loại, bởi vì các hành vi này đã « được thực hiện tuân theo chính sách của Nhà nước ». Hai nghi phạm Sergei Choigu và Valeri Gerasimov vừa được thêm vào danh sách công khai những kẻ lẩn trốn của CPI.
Có dấu hiệu cho thấy hiệp ước phòng thủ Nga-Triều khiến Trung Cộng lo lắng (VOA)
Hoa Kỳ đang nghiên cứu kỹ lưỡng hiệp ước phòng thủ chung mới ký giữa Nga và Triều Tiên, mà Washington tin rằng có thể hỗ trợ Bình Nhưỡng trong các chương trình phát triển phi đạn tầm xa và hạt nhân.
Cũng có những dấu hiệu căng thẳng giữa Triều Tiên và đồng minh lâu đời là Trung Cộng sau khi thỏa thuận vừa kể được ký kết.
Trung Cộng lo lắng
Trong bài phát biểu quan trọng về việc duy trì chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ngày 24/6, Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell nói Trung Cộng có thể lo lắng rằng Triều Tiên sẽ được khuyến khích thực hiện các bước khiêu khích có thể dẫn đến khủng hoảng ở vùng Đông Bắc Châu Á.
“Tôi nghĩ công bằng mà nói thì Trung Cộng có phần lo lắng về những gì đang diễn ra giữa Nga và Triều Tiên. Họ đã chỉ ra điều đó trong một số cuộc tương tác với chúng tôi và chúng tôi có thể thấy một số căng thẳng liên quan đến điều này”, ông Campbell nói.
Ông Campbell cho biết ông đã có cuộc gọi với các quan chức Nam Hàn vào tối 23/6 để thảo luận về các bước tiếp theo nhằm tăng cường khả năng răn đe một cách rõ ràng hơn.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng đang có những cuộc thảo luận về những gì Triều Tiên nhận được từ thỏa thuận với Nga và chúng có thể liên quan đến các kế hoạch phát triển phi đạn tầm xa và hạt nhân của nước này”.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Bình Nhưỡng lần đầu tiên sau hơn 20 năm. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết mặc dù có những giới hạn trong quan hệ đối tác của họ nhưng không thể bỏ qua điều đó.
Ông Campbell cũng bày tỏ quan ngại về việc Trung Cộng và Triều Tiên ủng hộ nỗ lực của Nga nhằm xây dựng lại cơ sở công nghiệp quốc phòng kể từ khi Moscow bắt đầu cuộc chiến với Ukraine.
Căng thẳng Biển Đông
Ông Campbell cho biết Washington đã phản đối chính thức với giới chức Trung Cộng sau cái mà ông gọi là “các hành động khiêu khích quân sự của Bắc Kinh” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như gần các vùng biển xung quanh Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas).
Theo phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý của tòa án quốc tế ban hành vào tháng 7 năm 2016, Bãi cạn Second Thomas nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Trung Cộng không có yêu sách hàng hải hợp pháp đối với vùng biển xung quanh thực thể thủy triều thấp này. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này.
“Philippines rất thận trọng vào thời điểm này. Họ không tìm kiếm một cuộc khủng hoảng với Trung Cộng. Họ đang tìm kiếm đối thoại”, ông Campbell nói. “Họ đang tìm kiếm cuộc thảo luận và họ muốn Hoa Kỳ có mục đích rõ ràng với các đồng minh và đối tác khác về mục tiêu của chúng tôi là duy trì hòa bình và ổn định cũng như gửi một thông điệp rất rõ ràng về sự răn đe và trấn an.”
Tuy nhiên, ông không nêu rõ liệu Washington có áp dụng hiệp ước phòng thủ chung với Manila hay không. Ông nói: “Tôi sẽ không suy đoán công khai. Tôi sẽ nói rằng chúng tôi đã liên tục tái khẳng định tầm quan trọng và sự liên quan của nó đối với những tình huống này ở mức cao nhất”.
Trong cuộc điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Maria Theresa Lazaro vào tuần trước, ông Campbell tái khẳng định rằng Điều IV của Hiệp ước phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines năm 1951 mở rộng đến các cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang, tàu công cộng hoặc máy bay của Philippines – bao gồm cả các lực lượng tuần duyên của Philippines– bất cứ nơi nào ở Biển Đông, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Gia nhập Liên Âu: Bruxelles chính thức khởi động đàm phán với Ukraina và Moldova (RFI)
Chiều hôm 25/06/2024, hai nước Ukraina và Moldova cùng với Liên Hiệp Châu Âu chính thức khởi động các cuộc đàm phán tại Luxembourg nhằm cho phép hai nước này trong tương lai trở thành thành viên chính thức của khối.
Các cuộc đàm phán để một nước gia nhập Liên Âu diễn ra trong khuôn khổ hội nghị liên chính phủ. Một nguồn tin ngoại giao ẩn danh cho AFP biết là Liên Âu chính thức mở các cuộc thảo luận đầu tiên với Ukraina vào chiều hôm nay, lúc khoảng 15h30 (13h30, giờ GMT), sau đó là với Moldova. Sau khi hội nghị liên chính phủ chính thức được mở ra, các nhà đàm phán sẽ xem xét luật pháp của hai nước ứng viên xem có tương thích với luật pháp của Liên Hiệp Châu Âu hay không.
Theo nguồn tin ngoại giao Liên Âu nói trên, giai đoạn « sàng lọc » này, theo cách gọi của Liên Âu, thường kéo dài 1-2 năm. Thế nhưng, với trường hợp của Ukraina hoặc Moldova, mọi chuyện sẽ được đẩy nhanh hơn, vì Bruxelles « đã có ý tưởng khá rõ ràng » về tình hình. Tuy nhiên, sẽ phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng thì các cuộc đàm phán thực sự mới được mở ra, và khó có khả năng là sẽ diễn ra trước cuối năm nay bởi vì Hungary, chủ tịch luân phiên Hội Đồng Châu Âu nửa cuối năm 2024, không nhiệt tình với việc kết nạp Ukraina.
Riêng đối với Kiev, dẫu việc khởi động các cuộc đàm phán tại Luxembourg vào hôm nay là một chặng quan trọng, nhưng con đường phía trước còn dài bởi vì Ukraina đang trong tình trạng chiến tranh, theo nhận định của Jacques Rupnik, giáo sư trường Sciences Po :
« Chuyện này có ý nghĩa quan trọng về chính trị và mang tính biểu tượng. Những trở ngại kinh tế là có, nhưng xin nhắc lại rằng trở ngại chính là ở chỗ Ukraina đang có chiến tranh. Khi một đất nước còn đang có chiến tranh thì rất khó biết phải tiến hành đàm phán như thế nào. Đây là điều chưa từng có. Chúng ta đã nói điều này rất, rất nhiều lần với các nước thuộc Nam Tư cũ, rằng không thể có chuyện gia nhập chừng nào họ chưa giải quyết được các vấn đề về biên giới, lãnh thổ. Thế nên, tôi nghĩ rằng đó sẽ là câu hỏi khó nhất.
Có một câu hỏi quan trọng kèm theo : Liệu Ukraina khi nào mới hội đủ điều kiện, tôi không nói là có hòa bình, lệnh ngừng bắn có thể là không phải là trên toàn bộ lãnh thổ Ukraina, nhưng mà là trên phần lãnh thổ do chính phủ dân chủ của tổng thống Zelensky kiểm soát ».
Biển Đông: Philippines cảnh báo nguy cơ nổ ra xung đột toàn khu vực (RFI)
Đại sứ Philippines tại Washington, Jose Manuel Romualdez, gợi lên “bóng ma chiến tranh hạt nhân” trong bối cảnh căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh ngày càng gia tăng xung quanh Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) hiện đang có tranh chấp, gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Theo trang mạng Financial Times ngày 25/06/2024, đại sứ Philippines tại Washington, Jose Manuel Romualdez, cảnh báo rằng một cuộc xung đột với Trung Cộng liên quan đến các bãi đá đang có tranh chấp ở Biển Đông có thể nhấn chìm các nước vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ông Jose Manuel Romualdez nhận định “đây là thời điểm nguy hiểm nhất” bởi vì nguy cơ sử dụng “vũ khí hủy diệt hàng loạt là có thật”, một số quốc gia liên quan là “các cường quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn” nên “nếu có chuyện xảy ra, toàn bộ châu Á sẽ bị cuốn vào”.
Trên thực tế, trong thời gian gần đây, tranh chấp giữa Trung Cộng và Philippines về Bãi Cỏ Mây đã gây ra những tình huống bạo lực, với những biện pháp ngày càng hung hãn của Trung Cộng, như phun vòi rồng, gây va chạm tàu một cách nguy hiểm và dùng vũ khí để ngăn cản tàu tiếp tế của Philippines đến tiền đồn. Bãi Cỏ Mây đã trở thành điểm nóng nguy hiểm nhất ở Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Về phía Mỹ, phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại hôm thứ 24/06, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cũng lưu ý cuộc khủng hoảng, do một trong các hành động khiêu khích của Trung Cộng gây ra, có thể “châm ngòi cho những cuộc xung đột tàn phá nền kinh tế toàn cầu”.
Trong khi đó, theo báo Mỹ Washington Post, Hoa Kỳ và Philippines đang tìm cách giảm căng thẳng sau các vụ đụng độ trên biển giữa hải cảnh Trung Cộng và hải quân Philippines ở Biển Đông. Các quan chức Mỹ cũng cho biết Washington sẽ tổ chức một cuộc thao dượt hàng hải chung với Philippines trong những tuần tới để thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh Manila.
Một đại diện của Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, cùng với một số quan chức khác của chính phủ Hoa Kỳ và Philippines, xin ẩn danh, nói rằng cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch trước và không nhằm mục đích gây leo thang căng thẳng với Trung Cộng.
Hiệp ước quân sự Nga-Triều: Seoul dọa sẽ không hạn chế viện trợ quân sự cho Kiev (RFI)
Quan hệ giữa Nga và Nam Hàn căng thẳng thêm một nấc. Hôm nay, 23/06/2024, cố vấn an ninh quốc gia Chang Ho Jin tuyên bố Nam Hàn sẽ không giới hạn bất kỳ điều gì liên quan đến viện trợ cho Ukraina nếu Nga cung cấp vũ khí chính xác cho Bắc Triều Tiên.
Trên kênh truyền hình KBS, ông Chang nhấn mạnh quyết định của Seoul về việc cung cấp vũ khí cho Kiev còn tùy thuộc vào tiến triển hợp tác quân sự giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng. « Liệu chúng ta có còn giới hạn nào không nếu Nga giao vũ khí chính xác cho Bắc Triều Tiên ? ».
Theo giải thích từ Yonhap, nhận xét trên của ông Chang hàm ý rằng Nam Hàn rất có thể sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina nếu Nga vượt qua lằn ranh đỏ. Trước đó vài hôm, Seoul đã thông báo sẽ xem xét lại lập trường hiện tại về việc không viện trợ các loại vũ khí sát thương cho Kiev ngay khi tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện, cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ quân sự.
Đáp lời, tổng thống Nga cảnh báo việc giao vũ khí cho Ukraina sẽ là « một sai lầm rất to lớn » của Seoul. Tuy nhiên, theo cố vấn an ninh quốc gia Nam Hàn, các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương không chỉ tùy thuộc vào Nam Hàn mà còn cả với Nga, khi nhắc rằng « phía Nga có lẽ nên suy nghĩ cẩn trọng ».
Cũng theo Yonhap, đảng Lao Động Bắc Triều Tiên dự trù tổ chức phiên họp toàn thể trong tuần tới nhằm đánh giá hoạt động chính trị trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý của giới quan sát liệu các biện pháp tiếp theo để áp dụng hiệp định đối tác mới với Nga có nằm trong chương trình nghị sự hay không.
Cuộc tranh luận Biden-Trump đầu tiên: những điều cần biết (VOA)
Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đồng ý sẽ tham gia hai cuộc tranh luận trước ngày bầu cử vào tháng 11. Đó có thể là thời điểm quan trọng cho cả hai ứng cử viên vì các cuộc thăm dò trên phạm vi toàn quốc cho thấy họ gần như hòa nhau khi mà nhiều cử tri nói rằng họ vẫn còn lưỡng lự hay cảm thấy không thuyết phục.
Cuộc tranh luận thứ nhất, hai ứng cử viên sẽ gặp nhau tại Atlanta theo các hướng dẫn và quy tắc nghiêm ngặt hơn so với các cuộc tranh luận năm 2020. Các biện pháp này nhằm tránh gây gián đoạn và giữ cho cuộc tranh luận được lịch sự.
Cuộc tranh luận ở Atlanta có cấu trúc, quy tắc và việc thực thi nghiêm ngặt để tránh bị gián đoạn, tiếng reo hò hay chế giễu từ khán giả, cũng như việc các ứng viên tranh cãi qua lại – những điều đã ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận hồi năm 2020.
CNN, đơn vị tổ chức tranh luận, cho biết những người điều hợp ‘sẽ sử dụng tất cả các công cụ mà họ có để đảm bảo thời lượng cho phép và đảm bảo cuộc tranh luận lịch sự’.
Đầu tiên và trước hết, micro của mỗi ứng cử viên sẽ bị tắt tiếng trừ khi đến lượt họ nói. Thứ hai, sẽ không có khán giả xem trực tiếp.
Sẽ không có phát biểu mở đầu và cuộc tranh luận dài 90 phút sẽ bắt đầu với phần trả lời cho câu hỏi đầu tiên.
Mỗi ứng cử viên sẽ có hai phút để trả lời một câu hỏi. Ứng cử viên kia sẽ có một phút để phản biện, sau đó là phần trả lời phản biện kéo dài một phút.
Thời gian một phút còn lại sẽ được tùy nghi sử dụng theo ý của người điều hợp. Đèn đỏ sẽ nhấp nháy khi thời gian chỉ còn năm giây và đèn sẽ bật đỏ khi hết thời gian.
Các ứng cử viên sẽ không được đem theo đạo cụ hay ghi chú viết sẵn lên sân khấu. Mỗi người sẽ được phát một cây viết, một tập giấy và một chai nước.
Ông Biden đứng trên bục diễn văn bên phải và ông Trump đứng bục bên trái màn hình – việc sắp xếp này được quyết định khi tung đồng xu mà ông Biden thắng.
Sẽ có hai lần nghỉ quảng cáo xen kẻ vào cuộc tranh luận và các ứng cử viên không được giao tiếp với các trợ lý trong ban vận động tranh cửa của họ trong giờ giải lao.
Cuộc tranh luận sẽ kết thúc với phát biểu kết luận của mỗi ứng cử viên. Ông Biden sẽ nói trước, sau đó là ông Trump – việc này cũng đã được quyết định trong lần tung đồng xu quyết định vị trí đứng.
Cuộc tranh luận này dự kiến sẽ thu hút hàng chục triệu người xem trong năm bầu cử mà nhiều cử tri cho biết họ vẫn còn lưỡng lự và chưa thấy thuyết phục.
Cả hai ứng cử viên có thể sẽ phải đối mặt với các câu hỏi và ý kiến về các vấn đề như nền kinh tế, nhập cư cũng như tuổi tác, tình trạng sức khỏe và các vụ án của họ.
Đối với ông Biden, các vấn đề chính sẽ là: phá thai, dân chủ và kinh tế. Về đối thủ: những lời lẽ thường mang tính kích động của ông Trump sẽ là lời nhắc nhở các cử tri tại sao họ phế truất ông vào năm 2020.
Đối với ông Trump, các vấn đề chính sẽ là: nhập cư, an ninh công cộng và lạm phát. Về đối thủ: các cuộc tranh luận sẽ làm gia tăng mối lo ngại của cử tri về tuổi tác và sự minh mẫn của ông Biden.
Tổng thống Đài Loan nhắn gửi Trung Cộng: ‘Độc tài chuyên chế là tội ác’ (VOA)
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức ngày 24/6 tuyên bố Trung Cộng “không có quyền trừng phạt” người dân Đài Loan vì quan điểm hay sự ủng hộ dân chủ của họ, sau khi Bắc Kinh cảnh cáo những người ủng hộ “cực đoan” cổ võ cho nền độc lập của Đài Loan có thể phải đối mặt với án tử hình.
Trung Cộng tuyên bố Đài Loan dân chủ là một phần lãnh thổ của mình và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này về dưới sự kiểm soát của mình.
Bắc Kinh đã tăng cường áp lực lên Đài Bắc trong những năm gần đây và tổ chức các cuộc tập trận quanh hòn đảo tự trị này vài ngày sau lễ nhậm chức của ông Lại vào tháng trước.
Truyền thông nhà nước đưa tin hôm 21/6, Bắc Kinh đã công bố hướng dẫn tư pháp mới, trong đó có án tử hình đối với những vụ án “đặc biệt nghiêm trọng” liên quan đến những người “cực đoan” ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.
Khi được yêu cầu bình luận về các hướng dẫn này, ông Lại nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng dân chủ không phải là nguồn gốc của tội ác. Độc tài chuyên chế là tội ác.”
“Trung Cộng không có quyền trừng phạt người dân Đài Loan chỉ vì những gì họ ủng hộ. Trung Cộng không có quyền theo đuổi việc truy tố xuyên biên giới đối với người Đài Loan.”
Ông Lại cảnh báo rằng quan hệ giữa hai bên sẽ ngày càng trở nên “lạnh nhạt” nếu Trung Cộng không “đối mặt với sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan) và tiến hành trao đổi, đối thoại với chính phủ hợp pháp và được bầu cử dân chủ của Đài Loan.”
Ông nói: “Đây là cách đúng đắn để nâng cao phúc lợi của người dân ở cả hai bên” Eo biển Đài Loan.
Đảng Dân tiến của ông Lại từ lâu đã khẳng định chủ quyền của Đài Loan và Bắc Kinh đã không xúc tiến liên lạc cấp cao với Đài Bắc kể từ năm 2016, khi người tiền nhiệm của ông Lại là bà Thái Anh Văn lên nắm quyền.
Trung Cộng gọi ông Lại là “kẻ ly khai nguy hiểm” và lên án bài phát biểu nhậm chức của ông là “lời thú nhận về nền độc lập của Đài Loan”.
Trong bài phát biểu đó, ông Lại tỏ ra cởi mở trong việc nối lại đối thoại với Bắc Kinh, kêu gọi cả hai bên phát triển trao đổi.
Tuy nhiên, Trung Cộng dường như đã bác bỏ những lời đề nghị đó.
Trung Cộng tiếp tục duy trì sự hiện diện gần như hàng ngày của các tàu hải quân và máy bay chiến đấu quanh hòn đảo Đài Loan. Quân đội Đài Loan cho biết hôm 24/6 rằng trong 24 giờ qua họ đã phát hiện 23 máy bay chiến đấu và 7 tàu hải quân của Trung Cộng.
Nam Hàn: Bắc Triều Tiên thất bại phóng thử tên lửa siêu thanh (RFI)
Sáng sớm hôm nay 26/06/2024, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng thử dường như tên lửa đạn đạo siêu thanh. Thế nhưng, theo một chỉ huy bộ tư lệnh liên quân Nam Hàn, vụ thử của Bình Nhưỡng đã thất bại, tên lửa đã phát nổ sau khi bay được 250km.
Hãng tin Nam Hàn Yonhap cho biết là tên lửa đạn đạo siêu thanh của Bắc Triều Tiên được phóng đi lúc 5h30, giờ địa phương, sáng nay 26/06 từ vùng ngoại ô Bình Nhưỡng. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Nam Hàn (JCS) cho biết, các cơ quan tình báo Nam Hàn và Hoa Kỳ đang phân tích chi tiết vụ phóng tên lửa.
Theo nguồn tin quân sự, “tên lửa Bắc Triều Tiên đã bay được 250km và phát nổ trên không trung gần phía đông bờ biển Wonsan ”, “các mảnh vỡ rơi xuống biển trong vòng bán kính vài km”. Bình Nhưỡng từng tuyên bố đã phóng thành công tên lửa siêu thanh vận hành bằng nhiên liệu rắn hồi đầu năm nay, nên vụ phóng thử hôm nay dường như là để phát triển hơn nữa loại tên lửa siêu thanh này.
Vụ phóng thử tên lửa diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã lên án việc Mỹ điều tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Nam Hàn và cảnh báo là Bắc Triều Tiên sẽ có các biện pháp răn đe mới chống lại “hành vi khiêu khích”. Hôm thứ Bảy 22/06, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã đến Busan, cách Seoul 320 km về phía đông nam để tham gia cuộc tập trận ba bên với Nam Hàn và Nhật Bản.
Bình Nhưỡng lại thả thêm 250 bóng mang theo rác thải sang Nam Hàn
Tối hôm qua, Bắc Triều Tiên lại cho thả thêm 250 bóng mang theo rác thải sang Nam Hàn, khiến các chuyến bay nội địa và quốc tế tại sân bay quốc tế Incheon rạng sáng hôm nay đã bị ngưng hoặc hoãn trong vòng 3 giờ đồng hồ. Đây là vụ thả bóng thứ sáu của Bắc Triều Tiên tính từ cuối tháng 05 đến nay.
TIN VIỆT NAM.
Hoa Kỳ và Việt Nam lần đầu tiên tổ chức đối thoại kinh tế
Ngày 25/06/2024, Mỹ và Việt Nam có cuộc đối thoại đầu tiên về kinh tế tại Washington. An ninh kinh tế, chất bán dẫn, môi trường đầu tư, kinh tế kỹ thuật số, không gian mạng, năng lượng và khai thác khoáng sản chủ chốt là những nội dung chính của cuộc đàm phán giữa hai bên.
Đây là cuộc đối thoại kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ nhất được tổ chức tại thủ đô Washington. Dẫn đầu phái đoàn Việt Nam là bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Đại diện phía Mỹ là thứ trưởng Ngoại Giao Jose Fernandez, phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường.
Theo Reuters, trong phiên khai mạc, thứ trưởng Jose Fernandez cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ với tổng mức trao đổi mậu dịch hiện nay giữa hai nước là 124 tỷ đô la. Tính đến tháng Giêng năm 2024, có đến 15 doanh Mỹ lập cơ sở ở Việt Nam, bao gồm cả các công ty chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn và những doanh nghiệp này mong muốn đầu tư vào Việt Nam khoảng 8 tỷ đô la trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.
Về phía Việt Nam, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ hy vọng thu hút các nhà đầu tư sản xuất chip và thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy định cho phép mở rộng ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và điện gió trên đất liền cũng như phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi.
Đối thoại kinh tế Mỹ-Việt được tổ chức, vài ngày sau chuyến công du cấp Nhà nước của tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam. Tuy chỉ trích Hà Nội nhưng Washington cho biết vẫn tiếp tục tập trung thắt chặt hơn mối quan hệ song phương vào lúc cạnh tranh Mỹ – Trung diễn ra gay gắt.
Năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp mối quan hệ lên thành « đối tác chiến lược toàn diện ». Phía Mỹ cho biết sẽ có quyết định trước ngày 26/7 về việc thừa nhận hay không Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Hai bên đồng ý sẽ tổ chức đối thoại kinh tế đối tác chiến lược toàn diện lần thứ hai vào năm 2025 tại Hà Nội, Việt Nam. (RFI)
CSVN muốn Trung cộng giúp vốn, xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam
Đài RFA dẫn tin từ báo Nhà Nước cho hay, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã dẫn đầu phái đoàn csVN gặp với lãnh đạo các công ty Trung cộng vào ngày 25/6 và bày tỏ mong muốn được Bắc Kinh giúp đỡ về vốn ODA, thiết kế, xây dựng các tuyến đường sắt cho Việt Nam, bao gồm tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Báo VnExpress loan tin này hôm 25/6.
Cuộc gặp giữa đoàn Việt Nam và các công ty nhà nước của Trung cộng diễn ra bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang diễn ra ở thành phố Đại Liên, Trung cộng.
Theo VnExpress, tại cuộc gặp với ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung cộng (CRSC), Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Việt Nam đang có kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài hơn 1.500 km, dự kiến triển khai trước năm 2030, cụ thể vào giai đoạn 2026-2027. Ông Thắng nói, Việt Nam muốn hợp tác với Trung cộng về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu để thực hiện dự án này.
Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải cũng đồng thời nhấn mạnh rằng Trung cộng có công nghệ tốt về phát triển đường sắt, giá thành hợp lý, nên đây là cơ hội tốt để hai bên hợp tác thông qua cơ chế hỗ trợ như vay vốn ODA, tín dụng xuất khẩu.
Cũng tại cuộc gặp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn được Trung cộng hỗ trợ về thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ, trong đó phát triển các dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đi Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn đi Hà Nội và tuyến Đông Hưng đi Móng Cái, về Hải Phòng. Ba tuyến đường sắt này có chiều dài hơn 700 km và đóng vai trò thúc đẩy giao thương giữa hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc đang chỉ đạo triển khai ba dự án đường sắt kết nối hai nước, dự kiến giữa năm 2025 hai bên sẽ làm dự án đầu tiên là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Việt Nam hiện có hơn 2.000 km đường xe lửa với hơn 300 trạm đỗ nhưng hệ thống xe lửa của đất nước được đánh giá là chưa đạt được phía Trung cộng đánh giá là chưa thực sự hiệu quả.
Trong tuyên bố chung Việt Nam – Trung cộng được công bố hồi tháng 12 năm 2023 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội, hai bên cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai, đồng thời đồng ý thúc đẩy việc kết nối tuyến đường sắt tiêu chuẩn xuyên biên giới.
Cũng tại cuộc gặp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn phát triển các tuyến đường sắt ở Hà Nội và TP Saigon.
Tại cuộc gặp với Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung cộng (PowerChina) Wang Xiaojun, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập đoàn này duy trì và mở rộng hợp tác, đầu tư với Việt Nam trong hai lĩnh vực là đường sắt và năng lượng tái tạo.
Ông Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam sắp ban hành nghị định về thỏa thuận mua điện trực tiếp, tự sản xuất, tự tiêu dùng với năng lượng áp mái và phát triển các dự án năng lượng sử dụng khí tự hiên và khí hóa lỏng (LNG).
Ông Chính hy vọng PowerChina sẽ thúc đẩy các hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Phó tổng giám đốc Wang Xiaojun nói tại cuộc gặp với ông Chính rằng PowerChina đã hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng từ năm 2000 qua các dự án thủy điện, nhiệt điện và năng lượng mặt trời ở nhiều địa điểm khác nhau với tổng giá trị hợp đồng là hơn chín tỷ đô la.
Đại diện của PowerChina cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong các dự án đường sắt đô thị.
Việt Nam đã có kinh nghiệm hợp tác với Trung cộng trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đây là dự án bị dư luận chỉ trích nhiều vì bị đội vốn từ 553 triệu đô la lên đến hơn 868 triệu đô la và nhiều lần bị trì hoãn, chậm tiến độ. Dự án được phê duyệt vào năm 2008 và dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2015 nhưng mãi đến tháng 11/2021 mới chính thức đi vào hoạt động. Những người quan tâm đến dự án này còn bày tỏ lo lắng vì Việt Nam đã vay 669 triệu đô la từ Trung cộng cho dự án này. (RFA)
Dự án 88: BNG Mỹ nâng hạng Việt Nam trong Báo cáo buôn người là “vô lương tâm”!
Báo cáo về buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố đã vấp phải chỉ trích của tổ chức Dự án 88 (Project 88), cho rằng Mỹ đã nâng hạng cho Việt Nam với mục đích chính trị và đề nghị minh bạch các tài liệu liên quan đến quyết định này.
Hôm 26/6, tổ chức chuyên tập trung vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam gửi thông cáo báo chí cho Đài Á Châu Tự Do (RFA), hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về nạn buôn người toàn cầu 2024, trong đó Việt Nam được nâng lên Cấp 2 (Tier 2) từ Danh sách theo dõi Nhóm 2 (Tier 2 Watch list) trong báo cáo phát hành năm 2023.
“Cấp 2” bao gồm các quốc gia chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về xóa bỏ nạn buôn người nhưng “đang nỗ lực đáng kể để tuân thủ.”
Trong khi đó, “Danh sách theo dõi Nhóm 2” đề cập đến các quốc gia nơi số lượng nạn nhân ngày càng gia tăng với ít nỗ lực chống lại nạn buôn người.
Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ bày tỏ: “Bộ Ngoại giao nên công bố tất cả các tài liệu nội bộ liên quan đến quyết định nâng hạng của Việt Nam trong báo cáo về Buôn người (TIP) năm 2024 để hỗ trợ cho tuyên bố của mình rằng quyết định này không mang tính chính trị.”
Quyết định nâng hạng mang tính chính trị.
Trong phúc trình năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực tổng thể ngày càng tăng so với kỳ báo cáo trước trong phòng chống nạn buôn người, tuy nhiên, Dự án 88 nói rằng trước đó đã cung cấp bằng chứng với thông tin hoàn toàn trái ngược với đánh giá này.
Sau khi cung cấp thông tin về thực tế nạn buôn người ở Việt Nam cho phía Hoa Kỳ, Dự án 88 đã công bố báo cáo với tựa đề “Có phải Bộ Ngoại giao giúp Việt Nam trong vấn đề buôn người?” trong đó tổ chức này đã phân tích tài liệu nội bộ của Chính phủ Việt Nam và chỉ ra rằng Hà Nội đã không trừng phạt các quan chức chính phủ liên quan đến nạn buôn người, chính trị hoá việc phòng chống vấn nạn này bằng cách sử dụng đòn bẩy ngoại giao với Hoa Kỳ để nâng cấp thứ hạng TIP của mình, và lừa dối Hoa Kỳ về nỗ lực giải quyết nạn buôn người của mình.
Trong buổi họp báo công bố báo cáo về nạn buôn người toàn cầu, khi bị chất vấn bởi Dự án 88 về việc nâng hạng cho Việt Nam, bà Cindy Dyer- Đại sứ lưu động Hoa Kỳ phụ trách Giám sát và Chống buôn bán người giải trình rằng Chính phủ Việt Nam đã tăng cường xác định và hỗ trợ nạn nhân buôn người, cũng như tăng cường điều tra, truy tố và kết án những kẻ tình nghi buôn người.
Michael Altman-Lupu, nhà nghiên cứu Nhân quyền của Dự án 88, được trích dẫn cho biết:
“Chính phủ Việt Nam đã cố tình đánh lừa Bộ Ngoại giao về quy mô và bản chất của nạn buôn người trong nước cũng như những nỗ lực của chính phủ nhằm loại bỏ vấn đề này.
Những lời biện minh mà Bộ Ngoại giao đưa ra để nâng cấp trạng thái TIP của Việt Nam thật buồn cười. Với những bằng chứng do Dự án 88 đưa ra, lời giải thích khả thi duy nhất cho công việc nâng cấp là Bộ Ngoại giao đã chính trị hóa báo cáo TIP để mang lại lợi ích cho Việt Nam.” Dự án 88 nói theo tài liệu mà tổ chức này nhận được nhưng RFA không thể kiểm chứng độc lập, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức (Chánh văn phòng Bộ Công an- PV) tuyên bố rằng phía Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đã làm việc với Bộ Công an để bao che cho các quan chức này.
Cựu Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên bị bắt
Ngày 25/6, ông Nguyễn Văn Yên bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về “Tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.
Sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở đối với ông Nguyễn Văn Yên.
Theo Bộ Công an, vụ án hình sự “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” vừa được khởi tố xảy ra tại thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.
Việc ông Yên bị khởi tố, bắt giam cho thấy những sai phạm của ông đã có những vi phạm tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và sắp tới đây, ông sẽ bị khai trừ khỏi Đảng.
Trước đó, ngày 19/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: “Đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cơ quan Ban Nội chính Trung ương đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, kê khai tài sản, thu nhập, hôn nhân và gia đình.”
Theo kết luận của Ban Bí thư, ông Nguyễn Văn Yên đã vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, “gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác”.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, Ban Bí thư quyết định kỷ luật “cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Yên”.
Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Đây cũng là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
‘Chiếc đồng hồ’ ông Yên
Hồi tháng 5/2023, một số tờ báo tại Việt Nam đăng hình ông Nguyễn Văn Yên đeo đồng hồ phát biểu trong cuộc họp của Ban Nội chính Trung ương vào ngày 10/5.
Sau khi “dân mạng” chỉ ra chiếc đồng hồ ông đeo là Patek Philippe World Time Mecca có giá hơn 260.000 USD (hơn 6,5 tỷ đồng), các tờ báo này đã sửa lại hình ảnh bằng cách cắt đi phần tay đeo đồng hồ.
Lúc bấy giờ hành động của các báo được coi là nhằm bảo vệ danh tiếng cho cán bộ đảng viên cấp cao và danh tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này đã tạo ra nhiều tranh cãi trên mạng.
Một điểm cần lưu ý là cán bộ đảng viên như ông Yên thuộc diện phải kê khai tài sản.
Trước khi bị khởi tố, ông Yên đã bị kỷ luật về mặt đảng và quyết định kỷ luật có lẽ cũng liên quan đến tài sản, bởi trong thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng có chi tiết ông Yên đã vi phạm quy định của Đảng và pháp luật về “kê khai tài sản, thu nhập, hôn nhân và gia đình”. (BBC)
Vietnam Airlines có nguy cơ vỡ nợ vào tháng 7 nếu không được gia hạn trả nợ (Tổng hợp)
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hiện đứng trước nguy cơ mất thanh khoản ngay trong tháng 7 nếu các ngân hàng không gia hạn việc trả nợ tái cấp vốn cho khoản vay được chính phủ bảo lãnh, các báo trong nước bao gồm cả Thanh Niên và VnExpress đưa tin hôm 25/6, trích dẫn một tờ trình của chính phủ gửi đến Quốc hội Việt Nam.
Theo tin của Reuters về vấn đề này, vào năm 2021, Vietnam Airlines vay 4 nghìn tỷ đồng (157 triệu đô la) với lãi suất thấp từ các ngân hàng thương mại và được Ngân hàng Nhà nước làm thủ tục tái cấp vốn với lãi suất 0%.
Hiện nay, hãng hàng không quốc gia đang vật lộn với những khó khăn tài chính do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cơ quan báo chí Việt Nam và nước ngoài mô tả, dẫn lại tờ trình của chính phủ.
Tờ trình cho biết thêm rằng Vietnam Airlines chưa hoàn thành các nỗ lực tái cấp vốn, chẳng hạn như tái cơ cấu các khoản đầu tư không cốt lõi và bán ra các cổ phiếu mới tuân theo các điều khoản được phê duyệt, tin của Reuters viết.
Các báo Việt Nam, trong đó có Thanh Niên và VnExpress, tường thuật rằng chính phủ Việt Nam nêu rõ trong tờ trình là nếu Vietnam Airlines không được gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn, hãng sẽ phải đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán từ tháng 7 sắp tới, có nguy cơ không thực hiện được các cam kết với các bên cho thuê máy bay, các đối tác cung cấp dịch vụ, dẫn đến Vietnam Airlines có thể bị kiện, giảm uy tín với các đối tác.
Ngoài ra, chính phủ cảnh báo rằng hãng cũng sẽ phải chịu các chi phí tài chính phát sinh do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn, hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Qua tờ trình, chính phủ đề nghị các đại biểu Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay.
Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.
Về đề nghị này của chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội “cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines”, các báo Việt Nam tường thuật.