Ba-Đình rất mong Mỹ cấp cho quy chế kinh tế thị trường, nhằm hạ bớt áp lực trên kinh tế do hệ quả từ cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang được các phe nhóm tiếp tục sử dụng như mục đích triệt hạ lẫn nhau, đưa đến khủng hoảng thượng tầng kiến trúc chưa từng có trong lịch sử, làm suy giảm niềm tin nơi dân chúng và Doanh Nghiệp.
Không kể những người thôi nhiệm vụ do các nguyên nhân tự nhiên như chết, sức khỏe. . . Tính đến nay, Trung Ương Đảng khóa 13 đã có 21 người thôi nhiệm vụ. Trong đó, có 11 người bị khởi tố hoặc kỷ luật, 10 người được về nhà đếm tiền từ nguồn tham nhũng.
Hạ tuần tháng 6, ông Đinh tiến Dũng, người còn lại duy nhất trong Bộ Chính Trị được huấn luyện “bài bản” về Tài Chánh, trở thành Ủy Viên Bộ Chính Trị thứ 7 được “xin thôi” mọi chức vụ do có dính vào tham nhũng [1]. Cùng dịp này, cựu Phó Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Nguyễn Văn Yên bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về “Tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo Điều 337 Bộ luật Hình sự”.
Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cao cấp của Đảng csVN. Hiện tại ban này có 146 thành viên, Trưởng ban là ông Phan Đình Trạc, Ủy Viên Bộ Chính Trị.
Do các chuyển biến đang diễn ra, báo mạng lề trái dự đoán, phe Công An đang “nhằm bắn” Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Phan đình Trạc, để sửa sọan ghế Tổng Bí Thư đảng csVN cho Chủ Tịch Nước, Đại Tướng Tô Lâm lên thay TBT Nguyễn phú Trọng, người nắm quyền đến nhiệm kỳ 3 và đang bị dân chúng cư ngụ xung quanh quận Ba-Đình nói là ông Trọng ra vào bệnh viện 108 thường xuyên hơn trước, mới đây còn bị ngất xủi vì hồng cầu suy giảm (?). Như vậy Ba-Đình luận kiếm hiệp 2 cho cuộc đấu đá cấp cao đã dạo đầu.
Trong số cán bộ cấp cao phải bắt buộc “ra đi” có tới 6 người thuộc Bộ Chính Trị khóa 13 – những nhân vật trong nhóm quyền lực nhất, “phải xin nghỉ” cùng cách thức trước ông Đinh tiến Dũng. Dù họ có hồ sơ tham nhũng cũng vẫn được bảo vệ bằng quy định 41 dành cho cán bộ cấp Nhà Nước được về vườn “trong danh giá”, gồm: bà Trương Thị Mai, ông Vương Đình Huệ, ông Võ Văn Thưởng, ông Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Phạm Bình Minh.
Sau khi ông Đinh tiến Dũng mất chức, thì Bộ Chính Trị – nơi đưa ra mọi quyết định quan trọng của đất nước còn lại 15 người đều là những cán bộ “hồng” thắm, vô “chuyên”. Sự thể này mô tả nền Kinh Tế Tài Chánh Việt Nam rồi ra sẽ đưa đảng csVn vào con đường mất tính chính danh để tiếp tục cai trị.
Ngược dòng thời gian, khởi đầu từ cuộc “phản kháng dân sự” của dân chúng các nước Đông Âu mùa Hè năm 1989, dẫn đến Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Ba-đình thấy nguy cơ, vội khấu đầu quy phục Bắc Kinh qua các cuộc “đổi chác” để cứu nguy chế độ, thường gọi là “mật nghị Thành Đô”.
Nay muốn tiếp tục nắm quyền, Ba-Đình hướng về hai nơi: Bắc Kinh để mua an toàn chính trị; Và từng ngày mong Mỹ cấp cho quy chế Kinh Tế Thị Trường, có thể vào ngày 26 tháng 7 để nhờ đó được hưởng thuế xuất ưu đãi thấp hơn khoảng 20% cho hàng hóa xuất cảng vào thị trường Mỹ; nhờ đó Ba-Đình có thêm tiền, cũng đồng nghĩa thêm tính chính danh đang bị lu mờ trong dân chúng.
Năm nay, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vào khoảng gần 6%, phần lớn dựa vào xuất cảng, trong đó đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ khá cao. Tính đến cuối tháng 5 năm 2024, doanh nghiệp FDI – Foreign Direct Investment, chiếm 71,6% tổng trị giá xuất cảng của cả nước. Mỹ là thị trường lớn nhất của hàng xuất cảng Việt Nam. Trong báo cáo mới nhất, theo Bộ Tài Chánh Mỹ, thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương của Việt Nam với Mỹ đạt 103 tỷ Mỹ kim, là nước có mức thặng dư lớn thứ ba trong quan hệ thương mại với Mỹ.
Đầu tháng 5 vừa qua Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc điều trần trực tuyến để nghe bên “chống” bên “che” nhằm xác định các tiêu chuẩn về trường hợp Ba-Đình xin Mỹ quy chế kinh tế thị trường. Các nhà sản xuất thép của Mỹ và nông dân nuôi tôm ở Vịnh Mexico thì chống đối mãnh liệt, trong khi các nhà bán lẻ và các lĩnh vực kinh doanh khác lại biểu lộ ý kiến tán thành.
Trong năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ vẫn duy trì mức thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm đông lạnh Việt Nam, trong khi tôm từ Thái Lan, được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, chỉ chịu mức thuế 5,34%. Thuế xuất sai biệt cao hơn trên 20% đối với hàng hóa Việt Nam, nước bị xếp loại nền kinh tế phi thị trường.
Tuy nhiên, là năm nước Mỹ có tổng tuyển cử, việc Mỹ đang cứu xét cấp quy chế Kinh Tế Thị Trường cho csVN đã vấp phải sự phản đối từ các nhà lập pháp Mỹ. Hôm 26 tháng 6, chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng ba đồng viện khác báo động với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng “môi trường nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam” và kêu gọi Washington hãy ưu tiên nhân quyền trong tất cả cuộc đối thoại với csVN. Trước đó, ngày mùng 03 tháng 02, Đài VOA dẫn tin từ Quốc Hội Hoa Kỳ cho biết, hai nhóm Nghị Sỹ và Dân Biểu Mỹ gồm trên 30 vị đã kêu gọi chính quyền Biden không cấp quy chế Kinh Tế Thị Trường cho csVN, với (6) lý do được viện dẫn sau đây:
Việt nam còn vướng vào 6 tiêu chuẩn: (1) nền Tài Chánh bị Nhà Nước kiểm soát; (2) Công nhân không có nghiệp đoàn độc lập và trẻ em bị “ép buộc lao động”; (3) Nhà Nước vẫn kiểm soát doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài (FDI); (4) Việt Nam vẫn là một nước cộng sản với nền kinh tế tập trung, nhà nước “đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế”; (5) Doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu đãi, bao gồm việc kiểm soát giá, đặc biệt với các ngành công nghiệp chủ chốt như “xăng dầu, thép, bê tông, vận tải, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và thiết bị y tế”; (6) Hà-nội vẫn toa rập với Bắc Kinh để tránh các biện pháp thương mại và thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ. Và vì vậy, còn đang phải đối mặt với 25 lệnh chống bán phá giá và rất nhiều vụ điều tra nữa.
Về tiêu chuẩn đầu tiên, Bộ Tài chánh Mỹ cho đến hôm 20 tháng 6 vẫn theo dõi chặt chẽ việc này và còn giữ tên csVN trong danh sách giám sát các hoạt động tiền tệ, nhưng phía Mỹ tỏ ý hài lòng với những tiến bộ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện.
Liên quan đến tiêu chuẩn thứ hai, hôm 24 tháng 6, theo Báo cáo thường niên 2023 Trafficking in Persons Report (TIP) cho dù Mỹ vẫn còn quan ngại việc csVN chưa điều tra các quan chức chính quyền đồng lõa với tội phạm buôn người. Nhưng, Mỹ vẫn nâng csVN lên cấp 2, là thang bậc tuy chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về xóa bỏ nạn buôn người nhưng “đang nỗ lực đáng kể để tuân thủ.”
Đòi minh bạch việc này, “Dự án 88 đã đưa ra “bằng chứng cho thấy chính phủ Việt Nam ở cấp cao đã có hành vi che đậy quá trình tố tụng hình sự nhằm xử lý các quan chức có liên quan đến đường dây buôn người”. Do đó, Dự Án 88 đề nghị Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố các tài liệu liên quan đến quyết định này. [2]
Hiện nay, toàn bộ quyền lực ở Việt Nam nằm trong tay 15 Ủy viên Bộ Chính Trị, không một người nào biết về kinh tế, tài chánh mà chỉ giỏi lý luận Mác-Lê thì chẳng những Ba-Đình không thể thoát khỏi sự ràng buộc về tiêu chuẩn 4, mà cả 6 tiêu chuẩn đòi hỏi ở trên đều không thê giải thích.
Tuy nhiên, nếu như nội Các của Tổng Thống Biden muốn cấp quy chế kinh tế thị trường cho Ba-Đình chỉ để phục vụ cho chiến lược địa chính trị đáng ngờ được thiết kế nhằm mục đích kiềm chế Bắc Kinh thì Dự Án 88 (88 Project) không sai khi nhận xét về quyết định trên của Bộ Ngoại Giao Mỹ là “có tính chính trị” và “vô lương tâm”. [3]
Trần nguyên Thao
June 27, 2924
[1] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw99zze3p8zo
[2] https://the88project.org/
[3] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/project-88-criticizes-us-upgrading-vietnam-in-annual-human-trafficking-report-06262024073920.html