Tin Hoa Kỳ & Thế Giới

Ngày 1/7, Tối Cao Pháp Viện Sẽ Phán Quyết Về Vụ Kiện Quyền Miễn Trừ Của Cựu TT Trump

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ dự định ​​​​sẽ đưa ra ý kiến ​​​​cuối cùng vào ngày 01/07, ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ hiện tại của tòa án này.

Phán quyết quan trọng nhất và gây tranh cãi nhất này liên quan đến việc liệu cựu Tổng thống (TT) Donald Trump có nên được tuyên bố miễn truy tố liên quan đến các cáo buộc hình sự về bầu cử do Biện lý Đặc biệt Jack Smith đưa ra hay không. Hôm 28/06, Chánh án John Roberts nói, “Vào thời điểm đó, chúng tôi sẽ công bố tất cả các ý kiến ​​còn lại đã sẵn sàng trong nhiệm kỳ này của tòa án”.  

Còn lại là các vụ việc khác liên quan đến những luật do đảng Cộng Hòa bảo trợ ở Florida và Texas nhằm giới hạn khả năng của các công ty truyền thông xã hội trong việc hạn chế nội dung mà các nền tảng này cho là đáng chê trách.

Liên quan đến vụ án của ông Trump, các luật sư của cựu tổng thống đã lập luận rằng các cựu tổng thống của Hoa Kỳ nên có một mức độ miễn trừ rộng rãi trước các cáo buộc hình sự phát sinh từ một số hoạt động mà họ đã thực hiện khi còn đương chức. Đơn kháng cáo của ông Trump đã thực sự khiến vụ án được đưa ra ở Hoa Thịnh Đốn của biện lý đặc biệt này bị lâm vào tình trạng bế tắc, và có thể sẽ không được đưa ra xét xử trước cuộc bầu cử tháng Mười Một.

Trong các cuộc tranh luận trực tiếp hồi tháng Tư, một số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện dường như ủng hộ lập luận của các luật sư của ông Trump rằng lẽ ra ông nên nhận được ít ra là phần nào sự bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều người đặt nghi vấn về các tuyên bố của phía luật sư rằng ông nên được hưởng “quyền miễn trừ tuyệt đối”.

Tại một phiên tòa hồi tháng Tư, Chánh án Roberts cho biết ông lo ngại về phán quyết của tòa phúc thẩm, vốn đã bác bỏ các khẳng định về quyền miễn trừ của cựu tổng thống. Đồng thời, ông cũng nói rằng tòa phúc thẩm đã không đưa ra một phân tích chi tiết về việc họ tin rằng bản cáo trạng là nhắm vào các hành động theo thẩm quyền hay các hành động cá nhân của ông Trump.

Chánh án Roberts lập luận rằng tòa án cấp dưới này chỉ đơn giản nói rằng “một cựu tổng thống có thể bị truy tố vì ông ấy đang bị truy tố”, và đặt ra câu hỏi, “Tại sao chúng ta không gửi lại vụ việc cho Tòa phúc thẩm hoặc đưa ra một ý kiến nói rõ rằng đó không phải là luật?”.

Thẩm phán Brett Kavanaugh cho biết vụ án này “có mối liên hệ rất lớn đối với chức vụ tổng thống, đối với tương lai của tổng thống, và tương lai của đất nước”.

Trong những thẩm phán còn lại, có một số vị dường như rất có thể đứng về phía nhóm của biện lý đặc biệt và cho rằng phiên tòa xét xử ông Trump nên được tiếp tục.

Các luật sư của phía công tố nói với tòa án tối cao này rằng có những hành động cá nhân bị cáo buộc trong bản cáo trạng sẽ cho phép vụ án được đưa ra xét xử ngay lập tức.

Nhiệm kỳ 2024–2025 của Tối Cao Pháp Viện dự định ​​sẽ bắt đầu vào tháng Mười. Sau phiên xét xử ngày 01/07, tòa án này sẽ tạm nghỉ cho đến lúc đó, mặc dù các thẩm phán vẫn có thể đưa ra phán quyết qua sổ ghi án khẩn cấp.


Tòa Nhà Cao 19 Tầng Dành Cho Người Vô Gia Cư

Hôm 19/06, các viên chức dân cử ở Los Angeles và các nhà cung cấp dịch vụ cho người vô gia cư đã tập hợp để mừng khai trương một tòa nhà tạm trú với 19 tầng mới ở Skid Row thuộc trung tâm thành phố, tâm điểm của cuộc khủng hoảng vô gia cư của thành phố này.

Được biết đến với cái tên Weingart Towers, tòa nhà đầu tiên trong số hai tòa nhà đã mở cửa, tự hào có 228 căn studio và 50 căn một phòng ngủ—trong đó có ba căn dành riêng cho người quản lý tại chỗ.

Theo công ty xây dựng tòa nhà này, Swinerton, tòa nhà còn có khu vực ăn uống, nhà bếp thương mại, trung tâm cộng đồng, và sân ngoài trời, cũng như các phòng dành nghệ thuật, âm nhạc, và máy điện toán.

Ông Kevin Murray, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Trung tâm Weingart—một tổ chức bất vụ lợi cung cấp các dịch vụ cho người vô gia cư, chủ sở hữu tòa nhà—nói trong buổi khai trương tòa nhà, rằng: “Đây không chỉ là một tòa nhà, mà còn là về con người… đây là việc mang lại cho mọi người phẩm giá và sự tôn trọng”.

Tọa lạc tại số 555 đường S. Crocker, tòa nhà có tên Tower I sẽ sớm chào đón những người vô gia cư, với thông tin chi tiết cho thuê hiện có trên trang web của Weingart. Sự giới thiệu trực tiếp từ các tổ chức bất vụ lợi cũng sẽ giúp ích cho việc sắp xếp, bao gồm tổ chức Mối Bận Tâm Của Người Dân (The People Concern), Sứ Mệnh Lúc Nửa Đêm (Midnight Mission), Cơ quan Quản lý Cựu chiến binh, v.v. Theo trang web của họ, nhà phát triển này mô tả các dịch vụ mới là “cuộc sống trong căn hộ phẩm chất cao” và đã dành 40 căn cho các cựu chiến binh.

Mỗi phòng đều được trang bị đầy đủ TV và có cả nhà bếp đầy đủ tiện nghi, phòng tắm riêng, hệ thống sưởi và làm mát, đồng thời được sử dụng tất cả các tiện nghi trong đó có phòng tập thể dục và thư viện.

Tower 2 cao 13 tầng đang được phát triển trên đường S. San Pedro, ngay phía sau Tower 1, và sẽ có 103 căn studio, cũng dành cho người vô gia cư.

Theo trang web, năm ngoái, Hiệp hội Weingart đã khai trương một tòa nhà gồm 50 căn phòng ở Santa Monica để trợ giúp người cao niên và cựu chiến binh từ 55 tuổi trở lên, và có bảy tòa nhà tương tự đang được phát triển.

Theo các diễn giả tại buổi khai trương, được tài trợ một phần thông qua Kiến nghị HHH được cử tri phê chuẩn năm 2016, một biện pháp trái phiếu trị giá 1.2 tỷ USD để tài trợ cho nhà ở giá rẻ cho người vô gia cư, Tower I được cho là có giá 165 triệu USD với mỗi căn có giá khoảng 595,000 USD.

Thị trưởng Los Angeles Karen Bass cho biết mặc dù ai cũng biết Skid Row là trung tâm của cuộc khủng hoảng vô gia cư của thành phố này, nhưng đây cũng là khu phố xứng đáng có nhà cao tầng phẩm chất cao.

Trung tâm Weingart hợp tác với nhà phát triển nhà ở giá rẻ Chelsea Investment Corporation cho dự án này. Chủ tịch Chelsea, ông Jim Andersen, cho biết tiện nghi của tòa nhà sẽ đóng vai trò như liệu pháp điều trị cho cư dân, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo ông Murray, người đứng đầu Hiệp hội Trung tâm Weingart, cả hai tòa tháp cũng sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn, quản lý hồ sơ, và điều trị lạm dụng ma túy tại chỗ.


Hoa Kỳ Chật Vật Với Chính Sách AI Trong Khi Trung Cộng Đang Áp Dụng

Tại các phòng thí nghiệm của một trường đại học quốc phòng Trung Cộng, các binh sĩ đang chiến đấu trên các chiến trường ảo, được ban lệnh bởi một tư lệnh digital đầu tiên.

Đây là các cuộc tác chiến giả định nhằm trợ giúp Trung Cộng tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ngay cả khi các sĩ quan quân đội cấp cao không thể có mặt ở hai nơi.

Điểm khác biệt quan trọng giữa những cuộc tác chiến giả định này với hàng chục cuộc tác chiến khác được tiến hành thường niên là: Trong những cuộc chiến giả định này, quyền chỉ huy tối cao của quân đội Trung Cộng đã được trao cho một tư lệnh AI (trí tuệ nhân tạo).

Các nhà nghiên cứu đã thiết kế tư lệnh AI này để bắt chước người đồng cấp thật của nó trên mọi phương diện. Nó phát triển các mô hình suy nghĩ và áp dụng các nét tính cách đặc biệt. Thậm chí AI này còn có thể có tính “hay quên”, xóa bỏ ký ức ảo của mình khi một tư lệnh người thật khó có thể giữ lại một lượng thông tin tương tự.

South China Morning Post lần đầu tiên đưa tin, sự tồn tại và các chiến công của tư lệnh AI này đã được công bố vào tháng trước (05/2024) trên tập san Điều Khiển và Mô Phỏng Thông Thường bằng Hoa ngữ.

Việc nghiên cứu và tạo ra tư lệnh AI này đóng vai trò then chốt. Mặc dù nhiều năm nay, nhà cầm quyền Trung Cộng đã nghiên cứu để phát triển nhu liệu hợp tác giữa người và máy cho các chỉ huy quân sự của mình, nhưng đây là trường hợp đầu tiên được biết đến mà một AI được trao quyền chỉ huy trong một cuộc mô phỏng huấn luyện.

Trong các cuộc tác chiến giả định quy mô lớn trên máy điện toán liên quan đến tất cả các quân chủng của nhánh quân sự Trung Cộng, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), tư lệnh AI đã học hỏi được nhiều từ các cuộc chiến tranh ảo đang phát triển. Ngay cả khi AI này không bao giờ được trao quyền chỉ huy trong thế giới thực, thì những hiểu biết thu được từ các cuộc chinh phục ảo của nó sẽ đẩy nhanh tiến trình phát triển chiến lược quân sự của Trung Cộng theo những cách chưa từng có khi các sĩ quan PLA học hỏi từ những lần chiến thắng và thất bại của AI.

Sự xuất hiện của tổng tư lệnh ảo đầu tiên trên thế giới cũng đánh dấu một thời điểm then chốt cho việc ra quyết định về chính trị và quân sự nói chung, đồng thời đặt ra câu hỏi rằng liệu AI có thể sớm ảnh hưởng và có thể kiểm soát các quyết định chiến lược quan trọng trên toàn thế giới hay không.

Khi tư lệnh AI của Trung Cộng đã đánh bại kẻ thù ảo của nó hồi tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng Năm rằng các cố vấn chuyên gia của ông hoàn toàn có ý kiến trái chiều về mối đe dọa do AI gây ra và mức độ AI sẽ định hình lại xã hội Mỹ.

Vì vậy, Tổng thống Biden thừa nhận rằng ít nhất một chuyên gia đã khuyên ông rằng AI sẽ sớm hoàn toàn “vượt qua suy nghĩ của con người”.


Hoa Kỳ Lo Ngại Trung Cộng Có Hành Động Gây Bất Ổn Ở Biển Đông

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đã bày tỏ “những lo ngại trầm trọng” về “các hành động gây bất ổn” của nhà cầm quyền Trung Cộng ở Biển Đông trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc hôm thứ Năm (27/06).

Cuộc điện đàm của ông Campbell với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Cộng, ông Ma Zhaoxu, là cuộc trao đổi mới nhất trong một loạt các hình thức giao thiệp mà Hoa Thịnh Đốn nói là nhằm mục đích quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm giữa hai cường quốc đối địch.

Hoa Kỳ và Trung Cộng vẫn mâu thuẫn trên hầu hết mọi phương diện, từ thương mại đến kỹ nghệ, điều kiện nhân quyền ở đại lục, và Hồng Kông, cho đến vai trò của Bắc Kinh trong việc trợ giúp cuộc chiến của Moscow chống lại Ukraine cũng như sự gây hấn quân sự của chính quyền này ở Biển Đông.

Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cuộc trò chuyện giữa ông Campbell với ông Ma đề cập đến cả những khác biệt lẫn những lãnh vực có thể hợp tác.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Matthew Miller cho biết, ông Campbell “đã nêu ra những lo ngại trầm trọng về các hành động gây bất ổn của Trung Cộng ở Biển Đông, trong đó có ở Bãi cạn Second Thomas, khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay qua không phận cũng như cách giải quyết các tranh chấp trong hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Ông Campbell, cho đến gần đây vẫn đóng vai trò là người định hướng và điều phối quan trọng cho chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden, nói với ông Ma rằng các cam kết của Hoa Kỳ với Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ Chung vẫn “vững chắc”.

Ông Campbell cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan”, nơi quân đội Trung Cộng gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mà Bắc Kinh nói là được xây dựng để kiểm tra khả năng “thâu tóm quyền lực” đối với Đài Loan tự trị.

Liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, ông Miller cho biết ông Campbell “nhắc lại mối lo ngại” về việc nhà cầm quyền Trung Cộng trợ giúp cơ sở kỹ nghệ quốc phòng của Nga. Ông nói rằng hai viên chức cấp cao này cũng thảo luận về những thách thức trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhà cầm quyền Trung Cộng có vẻ thờ ơ trước lời kêu gọi của Hoa Thịnh Đốn.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 28/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Mao Ning nói với các phóng viên rằng ông Ma và ông Campbell đã có cuộc trò chuyện “thẳng thắn và sâu sắc”, trong đó Trung Quốc nhấn mạnh lập trường của mình về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tây Tạng, Ukraine, và Biển Đông.

Ông Ma quy trách nhiệm cho Philippines về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và kêu gọi phía Hoa Kỳ ngừng ủng hộ, điều mà Trung Cộng gọi là “những hành động khiêu khích và phiền toái” của Philippines.

Trung Cộng đưa ra các yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến đường thủy quan trọng đối với thương mại toàn cầu.

Các quốc gia lân bang của nước này — cụ thể là Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, và Brunei — cũng có tuyên bố chồng lấn về chủ quyền đối với tuyến đường thủy quan trọng này.

Cuộc trao đổi mới nhất giữa Hoa kỳ và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng, sau nhiều cuộc đối đầu giữa các tàu Trung Cộng và Philippines trên tuyến đường thủy quan trọng này trong những tháng gần đây.

Trong cuộc chạm trán hôm 17/06, Philippines nói rằng thuyền viên của họ đã bị thương, và các tàu bị hư hại sau một cuộc đụng độ giữa các tàu của Manila và Bắc Kinh gần Bãi cạn Second Thomas, một phần của quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ Quốc Phòng Trung Cộng cho biết phía Philippines đã đến gần các tàu hải quân Trung Cộng “một cách cố tình và nguy hiểm”, gây ra vụ va chạm nói trên. Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng “các hành động bất hợp pháp và gây hấn” của nhà cầm quyền Trung Cộng đã dẫn đến vụ việc này.

Một phán quyết quốc tế năm 2016 đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Cộng đối với vùng biển gần Bãi cạn Second Second Thomas, nói rằng hòn đảo này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tuy nhiên, Trung Cộng đã bác bỏ phán quyết của tòa án thuộc Liên Hiệp Quốc tại The Hauge này và từ chối tham gia vào quá trình phân xử tranh chấp đó.


Texas Gia Hạn Tuyên Bố Thảm Họa An Ninh Biên Giới

Thống đốc Texas Greg Abbott đã gia hạn một tuyên bố thảm họa ở biên giới phía nam của tiểu bang Texas, viện lý do sự gia tăng người vượt biên giới bất hợp pháp gây ra mối đe dọa liên tục cho cộng đồng địa phương.

Ông Abbott viết trong bản công bố hôm 28/06: “Các nguy cơ thảm hoạ vẫn hiện hữu”.

Ông Abbott lần đầu tiên tuyên bố thảm họa an ninh biên giới vào ngày 31/05/2021, gần ba tháng sau khi khai triển Chiến Dịch Lone Star, cho phép điều động nhiều nguồn lực và chiến lược mạnh hơn để chống lại dòng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào Texas.

Tại thời điểm đó, ông Abbott nói rằng các chủ đất dọc biên giới đang chứng kiến ​​tài sản của họ bị hư hại và bị phá hoại hàng ngày do “các chính sách biên giới mở” của chính phủ liên bang.

Khi đó, ông Abbott cho biết các chính sách của liên bang “đã mở đường cho các băng nhóm và tập đoàn tội phạm nguy hiểm, những kẻ buôn người, và các loại ma túy gây tử vong như fentanyl tràn vào các cộng đồng của chúng ta”.

Tòa Bạch Ốc đã không phúc đáp yêu cầu bình luận. Các thành viên trong chính phủ Tổng thống Biden đã bác bỏ những lời tuyên bố lên án rằng, chính sách biên giới của tổng thống đã khiến vấn đề nhập cư bất hợp pháp thêm trầm trọng.

Kể từ lần đầu tiên ban hành tuyên bố thảm họa an ninh biên giới, ông Abbott đã gia hạn tuyên bố này nhiều lần, sửa đổi danh sách các vùng bị ảnh hưởng.

Danh sách các quận mà thống đốc Texas tuyên bố thảm họa an ninh biên giới như sau: Aransas, Atascosa, Bee, Brewster, Brooks, Caldwell, Cameron, Chambers, Coleman, Colorado, Crane, Crockett, Culberson, DeWitt, Dimmit, Duval, Edwards, El Paso, Frio, Galveston, Goliad, Gonzales, Hidalgo, Hudspeth, Jackson, Jeff Davis, Jim Hogg, Jim Wells, Kenedy, Kerr, Kimble, Kinney, Kleberg, La Salle, Lavaca, Live Oak, Mason, Maverick, McCulloch, McMullen, Medina, Menard, Midland, Pecos, Presidio, Real, Refugio, San Patricio, Schleicher, Shackelford, Sutton, Terrell, Throckmorton, Uvalde, Val Verde, Victoria, Webb, Wharton, Wilbarger, Wilson, Zapata, và Zavala.

Tất cả các lệnh, chỉ dẫn, đình chỉ, và ủy quyền được cung cấp trong tuyên bố ban đầu ngày 31/05/2021 vẫn có hiệu lực.

Hôm 28/06, ông Abbott cho biết kể từ khi khai triển Chiến dịch Lone Star hồi tháng 03/2021, nỗ lực của nhiều cơ quan đã dẫn tới việc bắt giữ hơn 514,900 người nhập cư bất hợp pháp và hơn 44,600 vụ bắt giữ hình sự, cùng hơn 38,900 cáo buộc trọng tội.

Ông cũng cho biết lực lượng An Ninh Texas đã thu giữ hơn 504 triệu liều fentanyl gây tử vong.


Hoa Kỳ Áp Đặt Các Lệnh Trừng Phạt Mới Đối Với Iran

Hôm thứ Năm (27/06), Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Iran nhằm đáp trả việc Iran “tiếp tục leo thang về vấn đề hạch tâm”.

Trong tuyên bố do Bộ Ngoại giao đưa ra, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, “Trong một tháng qua, Iran đã tuyên bố tăng cường mở rộng chương trình hạch tâm của mình, và điều này khiến người ta tin rằng Iran không có chương trình hòa bình”.

Tuyên bố nêu rõ, “Các hành động của Iran nhằm tăng cường khả năng làm giàu uranium thậm chí còn đáng lo ngại hơn khi nước này tiếp tục từ chối hợp tác với Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA), và phát ngôn viên của Iran đang ám chỉ rằng Iran có thể thay đổi học thuyết hạch tâm”.

Iran khẳng định chương trình hạch tâm của mình hoàn toàn là vì mục đích hòa bình, nhưng hồi tháng Năm, một cố vấn của Lãnh tụ Tối cao Iran đã tuyên bố rằng, nếu Israel đe dọa sự tồn tại của Iran, thì nước này sẽ thay đổi nguyên tắc vũ khí hạch tâm. Lời tuyên bố này đã khiến Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế và các nước Tây phương cảnh giác.

Ông Blinken một lần nữa khẳng định chính sách an ninh của Hoa Kỳ “cam kết không để Iran sở hữu vũ khí hạch tâm”, và tuyên bố sẵn sàng sử dụng mọi lực lượng quốc gia để bảo đảm cam kết này.

Trong một tài liệu giải thích do Bộ Ngoại giao phát hành, Hoa Kỳ cáo buộc ba công ty có trụ sở tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã cố tình tham gia vào các giao dịch quan trọng, vận chuyển dầu hoặc sản phẩm hóa dầu của Iran. Vì vậy, các lệnh trừng phạt mới sẽ nhắm vào ba công ty này và 11 tàu liên quan đến các công ty đó sẽ được thêm vào danh sách tài sản bị đóng băng.

Theo tin tức của Reuters hôm 14/06, lãnh đạo nhóm các nước G7 đã từng cảnh báo Iran không được tiếp tục chương trình làm giàu uranium và tuyên bố rằng nếu Tehran chuyển giao hỏa tiễn đạn đạo cho Moscow, họ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran bất cứ lúc nào.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã lên tiếng rằng, Iran lên án tuyên bố này và kêu gọi nhóm các nước G7 hãy giữ khoảng cách với “các chính sách gây hại trong quá khứ”.

Trong một báo cáo trong tháng này (06/2024), Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) cho biết Iran đang nhanh chóng lắp đặt thêm các máy ly tâm làm giàu uranium tại cơ sở hạch tâm Fordow.

Theo tin tức của Reuters, dựa theo tiêu chuẩn của IAEA, Iran hiện đang làm giàu uranium với độ tinh khiết lên đến 60%, trong khi uranium cần cho vũ khí phải đạt độ tinh khiết 90%, và nước này hiện đã có đủ vật liệu để nâng độ tinh khiết lên 90%. Nếu tiếp tục làm giàu, Iran có thể chế tạo vũ khí hạch tâm.

Iran liên tục trì hoãn việc lắp đặt lại các thiết bị giám sát của IAEA. Hồi tháng Chín năm ngoái, Iran đã trục xuất một số nhân viên thanh tra của Liên Hiệp Quốc, khiến việc giám sát các hoạt động hạch tâm của Iran gặp khó khăn.

Đầu tháng Sáu năm nay, Hội đồng gồm 35 quốc gia của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Iran tăng cường hợp tác với cơ quan giám sát và dỡ bỏ lệnh cấm đối với các thanh tra viên.


Trung Quốc Có Thể Cô Lập Đài Loan Bằng Lực Lượng Hải Cảnh

Theo các chuyên gia từ một tổ chức cố vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, Đài Loan có nguy cơ sẽ nhượng lại một số quyền tự trị của mình cho Trung Cộng nếu Bắc Kinh quyết định gây ra tổn thất kinh tế trầm trọng cho hòn đảo này thông qua việc cô lập “vùng xám”.

Trong một báo cáo công bố đầu tháng này, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) cảnh báo rằng việc nhà cầm quyền Trung Cộng sẽ sớm cô lập Đài Loan là “khả thi hơn” so với việc xâm lăng hoặc phong tỏa Đài Loan.

Cô lập là một “hoạt động do cơ quan an ninh lãnh đạo để kiểm soát giao thông hàng hải hoặc hàng không trong một khu vực cụ thể”, nói cách khác là sử dụng các quy định quan thuế để sách nhiễu tàu thuyền. Trong một hành động cô lập, quân đội Trung Cộng “sẽ đóng vai phụ”. Ngược lại, một cuộc phong tỏa nhằm ngăn chặn mọi hoạt động giao thông hàng hải được coi là hành động chiến tranh theo luật pháp quốc tế.

Báo cáo này cho rằng nhà cầm quyền Trung Cộng sẽ điều động các tàu hoạt động dưới sự chỉ thị của lực lượng hải cảnh Trung Cộng, Cục An Toàn Hàng Hải, và dân quân hàng hải để thực hiện một sự cô lập hàng hải.

Báo cáo viết, “Việc Trung Quốc sử dụng lực lượng hải cảnh và chấp pháp pháp dân sự sẽ làm phức tạp thêm khả năng ứng phó của Hoa Kỳ và các bên trong khu vực”.

Cũng theo báo cáo này, không giống như một cuộc xâm lăng, Trung Cộng  sẽ cản trở hoạt động thương mại qua Eo biển Đài Loan, tình thế cô lập sẽ không có được tác động như vậy. Eo biển Đài Loan, một vùng biển hẹp ngăn cách Trung Quốc và Đài Loan, là một trong những tuyến đường vận chuyển hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

Theo báo cáo, “Một sự cô lập không đòi hỏi phải đóng cửa hoặc hạn chế giao thông quốc tế qua Eo biển Đài Loan—một hành động mà các quốc gia khác có thể sử dụng làm lý do biện minh để can thiệp nhằm trợ giúp Đài Loan và bảo vệ các quyền hợp pháp quốc tế đối với tự do hàng hải”.

Trung Cộng coi Đài Loan là một trong những lãnh thổ của mình và có ý định thôn tính hòn đảo này, ngay cả khi hòn đảo này trên thực tế là một quốc gia độc lập có chính phủ được bầu cử dân chủ của riêng họ. Năm ngoái, Giám đốc CIA William Burns cho biết lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội Trung Cộng sẵn sàng xâm lăng Đài Loan vào năm 2027.

Bà Bonny Lin, một trong những tác giả của báo cáo và là giám đốc Dự Án Sức Mạnh Trung Quốc thuộc CSIS, gần đây nói với The Epoch Times rằng Hoa Kỳ đã bắt đầu thực hiện những cuộc chiến giả lập cùng với các đồng minh và đối tác thân cận liên quan đến viễn cảnh xảy ra một sự cô lập.

Một trong những khuyến nghị mà bà Lin đưa ra là nên hợp tác với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong nhiều cuộc tập trận giả lập hơn.

Bà nói: “Khuyến nghị thứ hai là khuyến khích hợp tác của Lực Lượng Tuần Duyên nhiều hơn giữa Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác của chúng ta cũng như các đồng minh của chúng ta với Đài Loan”.

“Khuyến nghị thứ ba mà chúng tôi cũng đưa ra là chúng ta cần nghĩ đến việc xác định lực lượng hải cảnh Trung Cộng là một phần của quân đội Trung Cộng”.

“Hải Cảnh Trung Cộng không hoạt động giống như một lực lượng tuần duyên thông thường; trên thực tế, họ hoạt động giống quân đội hơn. Và không có lý do gì chúng ta phải coi lực lượng hải cảnh của Trung Cộng chỉ là một tổ chức dân sự”.

Theo báo cáo, lực lượng hải cảnh của Trung Cộng là một tổ chức bán quân sự chịu trách nhiệm với cơ quan quân sự hàng đầu của Trung Cộng, Quân Ủy Trung Ương. Đây là lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới, vận hành hơn 150 tàu viễn dương và hơn 400 tàu nhỏ hơn.

Bản báo cáo xem xét hai tình huống có thể xảy ra tình trạng cô lập hàng hải và giải thích rằng những trường hợp này “phù hợp với các hoạt động và năng lực mà Trung Cộng đã thể hiện qua các hoạt động trước đây”.

Theo báo cáo, trong cả hai trường hợp, nhà cầm quyền Trung Cộng sẽ bắt đầu bằng việc công bố “các quy định kiểm tra quan thuế nâng cao”, yêu cầu các tàu chở hàng và tàu chở dầu phải “nộp tờ khai quan thuế trước với nhà chức trách của Trung Cộng” trước khi tiến vào các cảng của Đài Loan. Biện pháp mới này sẽ có hiệu lực sau 48 tiếng.

Trong tình huống thứ nhất, mà báo cáo gọi là cô lập hàng hải có giới hạn, Trung Cộng sẽ điều động hơn 10 tàu tuần tra an ninh ngoài khơi Cao Hùng, một trong những cảng lớn ở miền nam Đài Loan. Một đội tàu nhỏ hơn sẽ neo đậu ngoài khơi các cảng lớn ở Đài Bắc và thành phố Đài Trung ở miền trung Đài Loan.


Thái Bình Dương Chịu Áp Lực Từ Chiến Dịch Gây Ảnh Hưởng Ác Ý Của Trung Cộng

Dựa vào vị trí địa lý mang tính răn đe của Tây Thái Bình Dương, “Chuỗi đảo thứ hai” đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quân đội của Hoa Kỳ và Đồng minh trong việc khai triển, đặt căn cứ, và tạo ra các khả năng nhằm răn đe hoặc đánh bại bất cứ hoạt động nào của Trung Cộng liên quan đến xâm lăng Đài Loan hoặc chiếm đóng lãnh thổ Philippines.

Chuỗi đảo thứ hai này bắt đầu từ phía dưới bên trái Cộng hòa Palau, tiếp theo là Liên bang Micronesia và các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ là Guam và Quần đảo Bắc Marianna.

Trung Cộng dường như đang cố gắng thực hiện chiến lược “Lưỡng đầu thọ địch” (hay lối tấn công gọng kìm) theo kiểu Clausewitz đối với chuỗi đảo này bằng cách áp dụng các chiến dịch ác ý nhắm vào chuỗi đảo từ hai đầu. Ở phần trên của Chuỗi Đảo Thứ Hai, công dân Trung Cộng đã lợi dụng quy trình nhập cảnh miễn thị thực, như đã được chuyên gia về Quần đảo Thái Bình Dương Cleo Paskal nhận định.

Có lẽ thậm chí còn đáng lo ngại hơn là [sự hiện diện] của Trung Cộng xung quanh khu vực phía dưới của Chuỗi đảo thứ hai. Bắt đầu từ Palau, chế độ Trung Quốc dường như đang tìm cách thực hiện “chiến thuật ba mục tiêu” bằng cách tích cực gây bất ổn cho nội bộ chính quyền của quốc gia này. Vẽ một đường thẳng từ Palau, gần như vuông góc với Chuỗi đảo thứ hai, Trung Cộng tiếp tục và đang củng cố cũng như cô lập Quần đảo Solomon, giống như Nhật Bản trong Đệ nhị Thế chiến, và sau đó bạo loạn đã nổ ra ở New Caledonia thuộc Pháp, nơi mà Nhật Bản không thể chiếm được trong Đệ nhị Thế chiến.

Tổng thống Palau bày tỏ mối lo ngại và đang tìm kiếm sự giúp đỡ. Tháng trước tại Tokyo, Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr. đã nói với Reuters về cách chế độ Trung Cộng đang gây bất ổn cho đất nước của ông. Palau vẫn kiên định trong việc công nhận Đài Loan, một hành động chọc tức Trung Quốc từ đó kích khởi các hoạt động gây ảnh hưởng của nước này.

Theo ông Whipps, chế độ này đã đột nhập vào mạng lưới của chính phủ Palau và đánh cắp 20,000 tài liệu. Ông cũng dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ tập trung vào việc thao túng cuộc bầu cử mà quốc đảo này sẽ tổ chức vào cuối năm nay. Đại sứ Nathaniel Fike là đại sứ an ninh mạng tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và là người đứng đầu trong việc cung cấp Trợ Giúp An Ninh Mạng trong những tình huống như vậy.

Palau là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới. Nếu xét đến tổng dân số chỉ 18,000 người, thì Ngũ Giác Đài ở Arlington, Virginia còn đông dân hơn. Phần diện tích nhỏ bé của Palau nằm ở góc dưới bên phải của Philippines và ngay phía trên quần đảo Indonesia. Palau đã trở thành trọng tâm của Sáng Kiến ​​Răn Đe Thái Bình Dương của Hoa Kỳ với công trình Radar Di Động Chiến Thuật Vượt Đường Chân Trời mạnh mẽ, có thể thấy rõ bên trong Trung Quốc. Một vụ kiện tại địa phương đã được đệ trình để thách thức công trình radar này vào năm ngoái. Gần đây hơn, cụ thể là tháng trước (05/2024), Hoa Kỳ đã thông báo về sự hiện diện rộng lớn hơn của mình với dự án xây dựng căn cứ không quân và mở rộng các cơ sở căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại quốc đảo nhỏ bé này.

Quần đảo Solomon đang trải qua một khuynh hướng đáng lo ngại bắt đầu dưới thời chính quyền tiền nhiệm của Thủ tướng Manasseh Sogavare, người đã ký một hiệp ước với Bắc Kinh về việc “đào tạo cảnh sát” sau khi người dân tiến hành các cuộc biểu tình bạo lực để phản đối sự thân thiết mà chính phủ của ông dành cho Trung Cộng. Kịch bản đào tạo cảnh sát này giống một cách kỳ lạ với chiến lược Hồng Kông mà Bắc Kinh từng thực hiện bằng cách đưa lực lượng quân cảnh được trang bị vũ khí hạng nặng vào Hồng Kông, thay thế lực lượng Cảnh sát Hồng Kông truyền thống.

Ông Sogavare cũng đã bắt đầu ngăn chặn các chuyến thăm của hải quân và lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ, dường như là đang bế quan tỏa cảng quần đảo Solomon với thế giới bên ngoài, trong khi lại để cho Trung Cộng tăng cường sự hiện diện tại đây.

Hoa Kỳ có một đại sứ được bổ nhiệm để đại diện tại ba quốc gia, trong đó có quần đảo Solomon, nhưng hứa hẹn sẽ mở một Tòa Đại sứ Hoa Kỳ hoàn chỉnh cũng như bổ nhiệm một đại sứ chính thức ở quốc gia này vào năm 2025.

Thủ tướng mới của quần đảo Solomon, ông Jeremiah Manele, được cho là thân Trung Cộng và đã tuyên bố ý định xem xét lại những nhượng bộ của Trung Cộng do ông Sogavare, hiện là bộ trưởng tài chính, đưa ra — một vị trí quan trọng có thể ảnh hưởng đến chính sách và chi tiêu của tân chính phủ Solomons.

Điểm cuối trong “nhóm ba mục tiêu” nằm ở phần dưới cùng của Chuỗi đảo thứ hai là New Caledonia, vùng lãnh thổ thuộc Pháp mà ít người biết hoặc nghe đến từ thời kỳ thuộc địa, gần đây lại đột ngột rơi vào cảnh bất ổn bạo lực.

Nga và Azerbaijan được cho là có liên quan đến việc khơi mào các căng thẳng âm ỉ từ xa thông qua các phương pháp tấn công mạng. Căn cứ vào tình trạng bạo lực tương tự xảy ra ở Haiti (tình cờ là một trong số ít quốc gia bác bỏ chế độ Trung Cộng và duy trì mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan), Bahamas, và những nơi khác, thì mối lo ngại cho rằng bùng phát bạo lực đột ngột ở New Caledonia thuộc Pháp có liên quan đến chiến dịch “đối tác không giới hạn” do Trung Cộng dẫn đầu nhằm làm suy yếu vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ không phải là không có cơ sở.

Cuộc càn quét của Trung Cộng quanh khu vực dưới cùng hay nói cách khác là sườn trái của Chuỗi đảo thứ hai này dường như đang diễn ra. Chiến dịch này có thêm đặc điểm là không chỉ đe dọa những nỗ lực của Hoa Kỳ tại Chuỗi đảo thứ hai mà còn chia cắt Úc với Hoa Kỳ.

Chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc Bradley Thayer đã nói: “Trong Đệ nhị Thế chiến, người Nhật đã cố gắng cắt SLOC [đường liên lạc trên biển] giữa Hoa Kỳ và Úc/New Zealand. Rất may, họ đã bị ngăn chặn. Giờ đây, Trung Cộng đang tìm cách đạt được mục tiêu chiến lược tương tự bằng các phương pháp khác nhau. Cho đến nay, họ đã thành công trong việc tạo ảnh hưởng với các chính phủ này và do đó tạo nền tảng cho chiến thắng ở những nơi mà người Nhật đã thất bại. Hành động của Trung Cộng phải bị đảo ngược ngay lập tức”.

Bài liên quan:
  • Tin Cuối Tuần (12-13-Oct-2024)
  • Bất Cứ Ai Thắng Ở Quận Erie Kỳ Vọng Sẽ Vào Tòa Bạch Ốc
  • Tại Colorado, Ông Trump Tuyên Bố Giải Quyết Tội Phạm Nhập Cư Bất Hợp Pháp
  • Quan Điểm Của Harris Và Trump Về Ukraine
  • Ông Trump Cam Kết Chấm Dứt Tình Trạng Đánh Thuế Hai Lần
  • Quan Điểm Của Trump Và Harris Về Chính Sách Trung Cộng
  • Các Công Ty Sản Xuất Xe Điện Của Trung Cộng Đang Thua Lỗ
  • Tòa Án Tối Cao Brazil Ra Lệnh Khôi Phục X Tại Brazil
  • Ông Trump Tổ Chức Cuộc Mít Tinh Hiếm Hoi Ở California Tại Coachella
  • Đại Học Georgia Thúc Giục NCAA Cấm Các Vận Động Viên Chuyển Giới
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN (7-8-9-Oct-2024)
  • Thuốc Dùng Thử Do Dược Phòng Cung Cấp Cho Thấy Hiệu Quả Hơn 50%
  • Cho Đến Nay Có Gần 3 Triệu Người Mỹ Đã Đi Bỏ Phiếu
  • South Dakota Xóa 273 Người Không Phải Công Dân Trong Danh Sách Cử Tri
  • 6 Quận Trong Tiểu bang Michigan Có Thể Quyết Định Ai Sẽ Đắc Cử Tổng Thống Năm 2024
  • Bão Milton Đổ Bộ Florida
  • Làn Sóng Kiện Tụng Về Thông Báo Về Tình Trạng Giới Tính Tại Trường Học
  • Con Đường Của Ryan Routh Dẫn Đến Vụ Ám Sát Ông Trump
  • Việt-Pháp Nâng Quan Hệ Lên Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện
  • Tăng Trưởng Việt Nam Tam Cá Nguyệt 3, Đạt 7,4%
  • Cộng Sản Việt Nam Đón Thủ Tướng Trung Cộng Từ Ngày 12-14/10
  • Việt Nam Sẽ Sử Dụng Hai Tuyến Cáp Biển Và Phủ Sóng Dịch Vụ 5G Vào Cuối 2025
  • Nhà Hoạt Động Nguyễn Thúy Hạnh Mãn Hạn Tù
  • Ba-Đình Lâm Cảnh
    “Cốc Mò, Cò Xơi”*

    -Trần Nguyên Thao (Oct-2024)
  • Ở Trung Quốc, làm giàu không còn là vinh quang
    Ruchir Sharma
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 6/10/2024. Cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai ứng viên Phó tổng thống Vance – Walz: Ai thắng, ai thua? Ý nghĩa Gì?
    BS Nguyễn Trọng Việt