Tin Hoa Kỳ & Thế Giới

Tòa Bạch Ốc Thông Báo Bước Đột Phá Trong Đàm Phán Ngừng Bắn Ở Gaza

HOA THỊNH ĐỐN — Hôm thứ Năm (04/07), Tòa Bạch Ốc loan báo một bước đột phá trong việc khắc phục “tình thế bế tắc trầm trọng” trong các cuộc đàm phán với nhóm khủng bố Hamas để thả con tin và tiến tới ngừng bắn vĩnh viễn.

Tòa Bạch Ốc cho biết tổng thống và đội ngũ an ninh quốc gia của ông đã xem xét phản hồi mà Hamas gửi qua các nhà hòa giải Qatar hồi đầu tuần này.

Một viên chức chính phủ cấp cao cho biết: “Rõ ràng là phản ứng này sẽ thúc đẩy tiến trình và có thể tạo cơ sở để đi đến một thỏa thuận. Chúng tôi cảm thấy có một sự khởi đầu khá quan trọng”.

Viên chức này cho biết trong những ngày tới, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra ở Doha, với sự tham gia của một phái đoàn Hoa Kỳ.

Theo Tòa Bạch Ốc, thông báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Biden có cuộc điện đàm dài 30 phút với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong đó cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận chi tiết về các cuộc đàm phán con tin và ngừng bắn.

Tòa Bạch Ốc cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về phản ứng mới đây của Hamas.

Viên chức chính phủ cấp cao này không cho biết chi tiết về bước đột phá nhưng lưu ý rằng Hamas ban đầu phản đối các điều kiện của giai đoạn một, một điều kiện tiên quyết cho giai đoạn hai, bao gồm lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Tuy nhiên, Hamas hiện giờ đã điều chỉnh lập trường của mình, một sự thay đổi mà Tòa Bạch Ốc mô tả là đáng khích lệ.

Viên chức này nói, “Những gì chúng tôi nhận được từ Hamas là một sự điều chỉnh khá quan trọng về lập trường, và chúng tôi nghĩ điều đó thật đáng khích lệ. Chúng tôi đã nghe điều tương tự từ phía Israel”.

Ông mô tả phản ứng của Hamas là “một bước đột phá trước tình thế bế tắc trầm trọng”. Viên chức này cũng cho biết điều này không có nghĩa là thỏa thuận sẽ hoàn tất trong vài ngày vì còn nhiều việc khác phải làm.

Giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận sẽ cho phép thả con tin, trong đó có phụ nữ, đàn ông trên 50 tuổi, và những người bị bệnh hoặc bị thương.

Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục thảo luận về thỏa thuận hòa bình vào ngày 15/07 tại Hoa Thịnh Đốn, khi đó đội ngũ an ninh quốc gia của cả hai nước sẽ gặp nhau.

Theo Tòa Bạch Ốc, kế hoạch ngừng bắn này đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy Nước (G7), và các nước khác trên thế giới thông qua.


Tổng Thống Biden Tuyên Bố ‘Sẽ Tiếp Tục Tranh Cử Tổng Thống’

Hôm thứ Sáu (05/07), Tổng thống (TT) Joe Biden cho biết ông “rất khỏe mạnh” để tái tranh cử và tin rằng ông là ứng cử viên đảng Dân Chủ có nhiều khả năng nhất để đánh bại đối thủ, cựu Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Biden đã đưa ra những nhận xét này trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình đầu tiên sau cuộc tranh biện tổng thống diễn ra hồi tuần trước.

Ông Biden nói trong cuộc phỏng vấn với ông George Stephanopoulos của ABC News ở Wisconsin, “Tôi có thể không chạy bộ trên đường 110 được. Nhưng tôi vẫn rất khỏe mạnh”.

Ông nói: “Tôi không nghĩ có ai khác đủ khả năng hơn để trở thành tổng thống hay giành chiến thắng cuộc tranh cử này ngoài tôi”.

Khi được hỏi liệu ông có đủ năng lực về tinh thần và thể chất để đảm đương thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa hay không, ông trả lời: “Tôi sẽ không tranh cử nếu tôi không có năng lực”.

Hôm 27/06, tại phòng thu hình Atlanta của CNN, Tổng thống Biden và đối thủ đảng Cộng Hòa của ông đã đối đầu trực tiếp trong 90 phút trong cuộc tranh biện tổng thống năm 2024 đầu tiên.

Sau cuộc tranh biện, một số nhà lập pháp, hãng truyền thông, và chuyên gia trong đảng Dân Chủ đang kêu gọi Tổng thống Biden rút khỏi cuộc bầu cử.

Ông Biden đã đáp lại những lời chỉ trích về màn tranh biện của ông trong cuộc phỏng vấn với ABC, nhận xét đó là “có một lúc không được khỏe” chứ không phải là một dấu hiệu về một tình trạng trầm trọng. Ông cho biết ông “đã bị cảm lạnh rất nặng. Tôi đã kiệt sức. Tôi đã không nghe theo bản năng của mình. Đó là một đêm rất mệt mỏi”.

Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về những nỗ lực được cho là của Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia) nhằm tập hợp một nhóm các thượng nghị sĩ để thuyết phục ông rút khỏi cuộc tranh cử, tổng thống trả lời rằng ông có quan điểm khác nhưng không lo lắng về việc phản đối này. Ông nói, “Ông Mark và tôi có quan điểm khác nhau. Tôi tôn trọng ông ấy”.

Đài ABC tuyên bố đã ghi lại cuộc phỏng vấn dài 22 phút và để nguyên không chỉnh sửa.

Trong cuộc gặp gỡ cử tri ở Wisconsin, một trong 6 tiểu bang có tính quyết định, rằng ông sẽ không từ bỏ tư cách ứng cử viên của đảng Dân Chủ. Ông nói, “Tôi là một ứng cử viên của đảng Dân Chủ. Tôi là một đề cử viên của đảng này vì hàng triệu thành viên đảng Dân Chủ giống như quý vị vừa bỏ phiếu cho tôi trong các cuộc bầu cử sơ bộ trên khắp nước Mỹ…  Được rồi, hãy để tôi nói rõ, tôi sẽ tiếp tục tranh cử”.

Tổng thống Biden thừa nhận những đồn đoán đã phát sinh kể từ cuộc tranh biện, và ông không đồng tình với những người cho rằng ông nên bỏ cuộc.

Ông nói: “Tôi sẽ không để một cuộc tranh biện kéo dài 90 phút xóa sạch thành quả ba năm rưỡi qua”.


Các Thành Viên Đảng Dân Chủ Lên Tiếng Ủng Hộ TT Biden

Các thành viên đảng Dân Chủ nổi tiếng cho biết họ vẫn kiên định ủng hộ Tổng thống Joe Biden sau cuộc phỏng vấn của ông với người chủ trì chương trình George Stephanopoulos của ABC News được phát hình hôm 05/07.

Ông Biden cho biết “Tôi vẫn rất khỏe mạnh. Tôi không nghĩ có ai khác đủ khả năng hơn để trở thành tổng thống hay giành chiến thắng cuộc tranh cử này ngoài tôi”.

Sau cuộc phỏng vấn với ABC, một đồng minh hàng đầu của Tổng thống Biden, Dân biểu Jim Clyburn (Dân chủ-South Carolina), đã lên tiếng ủng hộ tổng thống và khen ngợi thành tích của ông.

Dân biểu Jim Clyburn viết trên mạng X, “Từ Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ (American Rescue Plan) đến Đạo luật PACT, ông Joe Biden đã thay mặt người dân Mỹ mang lại những tiến bộ to lớn trong 3 năm qua. Ông Joe Biden là người mà đất nước chúng ta cần và nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy đã đặt nền móng để chúng ta có thể tiếp tục theo đuổi một liên minh hoàn hảo hơn”.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020, sự tán thành của ông Clyburn đối với ông Joe Biden được nhiều người xem là thời điểm quan trọng cho chiến dịch tranh cử của Biden.

Sau cuộc tranh luận của Tổng thống Biden với cựu Tổng thống Donald Trump, một nhóm nhỏ các nhà lập pháp cũng như các chuyên gia truyền thông đã kêu gọi Tổng thống Biden rút khỏi chiến dịch tranh cử tổng thống. Nhà lập pháp gần đây nhất kêu gọi như vậy là Dân biểu Angie Craig (Dân Chủ-Minnesota). Trong một tuyên bố hôm 06/07, bà nói rằng bà không tin “tổng thống có thể vận động tranh cử một cách hiệu quả và giành chiến thắng trước ông Donald Trump”.

Tuy nhiên, Thống đốc California Gavin Newsom nói với các phóng viên sau cuộc vận động tranh cử ở Quận Bucks, Pennsylvania, phía bắc Philadelphia, rằng “đại đa số các cuộc họp kín vẫn kiên quyết ủng hộ tổng thống”. Ông Newsom, nổi tiếng là một trong những người ủng hộ TT Biden mạnh mẽ nhất, cho biết, “Trong cuộc phỏng vấn ngày hôm qua, Tổng thống Biden đã đưa ra quan điểm mang ý nghĩa hữu ích. Tôi nghĩ bài diễn văn của ông ấy ở Wisconsin có nội dung rất hay”.

Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia) được cho là đang cố gắng tập hợp một nhóm thượng nghị sĩ để khuyến khích tổng thống Biden rút lui khỏi cuộc đua. Khi được hỏi về điều đó trong cuộc phỏng vấn hôm 05/07, Tổng thống Biden không bày tỏ lo ngại về phe đối lập đang gia tăng. Ông Biden nói, “Ông Mark và tôi có quan điểm khác nhau. Tôi tôn trọng ông ấy”.


FBI Cảnh Báo Về Mối Đe Dọa Mạng Gia Tăng Trong Lãnh Vực Năng Lượng Tái Tạo

FBI đang cảnh báo rằng việc mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo của Mỹ khiến nguy cơ tấn công mạng trong ngành năng lượng tăng lên.

Trong một thông báo riêng gửi đến khu vực năng lượng tư nhân được phát hành hôm 01/07, FBI đã nêu ra rằng những cuộc tấn công này có thể bao gồm việc tin tặc tìm cách đánh cắp tài sản trí tuệ, làm gián đoạn hoạt động sản xuất điện, hoặc đòi tiền chuộc cho thông tin quan trọng vì động cơ địa chính trị hoặc lợi ích tài chính.

FBI cho biết trong thông báo này: “Với việc các cơ quan lập pháp liên bang và địa phương ủng hộ các loại năng lượng tái tạo, ngành này sẽ mở rộng để theo kịp tốc độ, tạo ra nhiều cơ hội và mục tiêu hơn cho các tác nhân mạng độc hại”.

Tài liệu này đã nêu bật một tình huống vào năm 2019. Vụ việc này liên quan đến một công ty tư nhân sử dụng năng lượng mặt trời đã mất khả năng giám sát khoảng 500 megawatt các nhà máy điện gió và điện mặt trời trên khắp California, Utah, và Wyoming do một cuộc tấn công gọi là “denial-of-service” lợi dụng các lỗ hổng chưa được vá của tường lửa.

Một cuộc tấn công như vậy là một nỗ lực nhằm phá vỡ hoạt động bình thường của một mạng lưới, dịch vụ, hoặc trang web bằng cách khiến nó bị quá tải trước một lưu lượng truy cập Internet ồ ạt từ nhiều nguồn.

FBI cho biết: “Mặc dù không rõ liệu tình huống cụ thể này có phải là một cuộc tấn công mạng có chủ ý nhắm vào công ty cụ thể này hay không, nhưng vụ việc đã nêu bật những rủi ro của nhu liệu lỗi thời”.

Cơ quan này lưu ý rằng mặc dù các cuộc tấn công mạng vào hệ thống năng lượng mặt trời “hiếm gặp trong lịch sử” nhưng tin tặc có thể tìm cách nhắm vào các hệ thống khác như các lưới điện—hệ thống điện có thể hoạt động độc lập khi mất điện—hoặc bộ biến tần tại các nhà máy điện mặt trời.

FBI cho biết: “Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực chống lại nguy cơ tiềm ẩn thông qua một thiết bị cảm biến thụ động có thể phát giác ra việc dòng điện nếu có hoạt động bất thường”.

Cơ quan an ninh này đã trình bày chi tiết rằng một cuộc tấn công mạng nhắm vào hệ thống các tấm pin mặt trời—có thể sẽ tập trung vào việc nhắm mục tiêu vào nhu liệu và bộ phận phụ tùng của hệ thống. FBI cũng đặc biệt lưu ý rằng tin tặc “có thể cướp quyền kiểm soát hệ thống tấm pin mặt trời qua các bộ cảm biến đổi tần số”.

Thông báo giải thích rằng: “Bộ biến tần có chức năng chuyển đổi năng lượng điện một chiều (DC) mà các tấm pin mặt trời tạo ra thành dòng điện xoay chiều (AC) để dùng trong thực tế”.

Cơ quan này cho biết họ khuyến khích nhân viên hiện đang làm việc và nhân viên cũ của các công ty trong ngành năng lượng tái tạo báo cáo các vụ xâm nhập mạng của tin tặc.


Đài Loan Đa Dạng Hóa Nguồn Cung Ứng Để Tránh Trung Cộng

Đài Loan dường như đã quyết định đi theo con đường tương tự như các doanh nghiệp Mỹ, Âu Châu, và Nhật Bản.

Vì những lý do tương tự như các quốc gia khác, cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh của Đài Loan đã có những kế hoạch nhằm đa dạng hóa hoạt động đầu tư, giao dịch, cũng như tìm nguồn cung ứng ngoài Trung Cộng và đổi hướng sang Đông Nam Á và Nam Á. Một số khoản đầu tư của Đài Loan đã chuyển sang Hoa Kỳ. Bắc Kinh có thể không vừa lòng về những xu hướng này. Nền kinh tế Trung Cộng đang suy yếu, và giờ đây, khi họ cần nhất sự trợ giúp mà doanh nghiệp Đài Loan đã cung cấp trong nhiều thập niên, thì sự trợ giúp đó đang dần biến mất.

Trong hành động lần này, Đài Loan ít gây chú ý hơn các nước khác. Không giống như Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và Nhật Bản, Đài Loan đã thể hiện thái độ kín đáo trong việc từ chối kinh doanh với Trung Cộng vì những cân nhắc ngoại giao. Trái ngược với Đài Bắc, Hoa Thịnh Đốn đã thể hiện rõ thái độ thù địch với Trung Cộng. Họ đã cấm một số thương mại và đầu tư kỹ nghệ vào Trung Cộng.

Họ đã tăng thêm gánh nặng thuế quan đối với hàng hóa Trung Cộng nhập cảng vào Hoa Kỳ. EU cũng đã thể hiện rõ ràng lập trường khi mới đây công bố mức thuế đối với xe điện (EV) do Trung Cộng sản xuất. Còn Nhật Bản thì dẫn đầu nỗ lực khiến thế giới ít phụ thuộc hơn vào Trung Cộng về các nguyên tố đất hiếm quan trọng.

Đài Loan không chính thức đưa ra bất cứ thông báo đối địch công khai nào, nhưng hành động của cộng đồng doanh nghiệp nước này, giống như ở Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản, là không thể nhầm lẫn.

Bỏ qua chính trị và các thông báo công khai, lý do giới doanh nghiệp của các nền kinh tế này từ chối Trung Cộng cũng khá giống nhau. Trong nhiều thập niên, các nền kinh tế phát triển trên thế giới ở bất cứ châu lục nào đều nhìn nhận Trung Cộng là hấp dẫn. Chi phí sản xuất ở đó rẻ và hoạt động tại Trung Cộng cũng đáng tin cậy. Bắc Kinh đề ra những yêu cầu vượt quá mức bình thường trong quan hệ kinh tế toàn cầu đối với người ngoại quốc, nhưng chi phí thấp và độ tin cậy đã bù đắp cho những áp đặt của Bắc Kinh. Nhờ đó, thương mại và đầu tư Trung Cộng đã phát triển. Nhưng trong những năm gần đây, cán cân này đã thay đổi đáng kể.

Tiền lương của người nhân công Trung Cộng đã tăng nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là so với những nơi khác ở châu Á. Xu hướng này đã làm xói mòn lợi thế về chi phí trước đây của Trung Cộng. Mặc dù sự mất giá gần đây của đồng nhân dân tệ đã khôi phục một phần lợi thế đó, nhưng các doanh nghiệp nhận thấy sự dao động giá trị của đồng tiền này và không coi trọng yếu tố đó trong các quyết định dài hạn cần thiết của họ.

Đối với danh tiếng trước đây của Trung Cộng về độ tin cậy, việc cắt giảm các lô hàng trong thời kỳ đại dịch và các biện pháp zero COVID kéo dài nhiều năm của Bắc Kinh đã hoàn toàn làm mất đi sự tin cậy. Đồng thời, nỗi ám ảnh gần đây của Bắc Kinh về an ninh đã khiến Trung Cộng bị xem là xâm phạm.

Những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp Đài Loan đang tách rời khỏi Trung Cộng quả thực là rõ ràng, thậm chí còn rõ ràng hơn cả ở Hoa Kỳ. Mặc dù Trung Cộng vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan, nhưng tỷ trọng của Trung Cộng trong thương mại với Đài Loan đã giảm đều đặn kể từ năm 2021. Năm đó, doanh số bán hàng của Trung Cộng tại Đài Loan và lượng mua hàng Trung Cộng của các nhà sản xuất Đài Loan lên tới 208.4 tỷ USD, chiếm khoảng một phần tư tổng kim ngạch thương mại của Đài Loan. Đến năm 2023, giai đoạn mới nhất có dữ kiện đầy đủ, thì con số đó đã giảm gần 20% xuống còn khoảng 166 tỷ USD.

Ngược lại, tổng kim ngạch thương mại của Đài Loan với Đông Nam Á đã tăng từ 117.5 tỷ USD vào năm 2021 lên 134.6 tỷ USD vào năm 2022, tăng gần 10% trong một năm. Sự phụ thuộc của Đài Loan vào xuất cảng sang Trung Cộng cũng đã giảm. Hầu hết sự thay đổi trong số liệu này đã chuyển sang Đông Nam Á.


Thủ Tướng Trung Cộng Ví Nền Kinh Tế Hậu Đại Dịch Như Người Bệnh Nặng

Theo một số nhà phân tích về Trung Cộng, Thủ tướng Trung Cộng Lý Cường đang phải đối diện với phản ứng dữ dội từ nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình vì những nhận định gây mất uy tín về nền kinh tế Trung Cộng.

Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng, Bắc Kinh đã kiểm duyệt bài diễn văn của thủ tướng, bài diễn văn mà ông đã trình bày tại Diễn đàn Davos Mùa Hè hồi tháng trước, nhằm che giấu thực trạng kinh tế của Trung Cộng trong bối cảnh các cuộc tranh giành quyền lực diễn ra trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã tổ chức Hội Nghị Thường Niên Các Nhà Vô Địch Mới lần thứ 15, hay Diễn đàn Davos Mùa Hè, tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc từ ngày 25 đến ngày 27/06.

Trong bài nói, ông Lý đã so sánh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Cộng với quá trình phục hồi của một người bệnh nặng, từ đó đề ra giải pháp thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Cộng.

Ông nói, “Theo lý luận y khoa Trung Cộng, thay vì dùng thuốc mạnh, nền kinh tế cần được điều chỉnh một cách chính xác và từ từ, để những cội rễ căn bản có thể dần dần phục hồi”.

Ông nói thêm rằng nền tảng của nền kinh tế yếu kém này cần phải được “cố bản bồi nguyên” (củng cố từ gốc, bổ sung nguyên khí).

Chính quyền ông Tập Cận Bình đã phản ứng bằng cách kiểm duyệt bài diễn văn của ông Lý. Bình luận về việc chữa trị nền kinh tế Trung Cộng đã bị xóa khỏi phạm vi đưa tin của truyền thông nhà nước Trung Cộng về sự kiện này. Tuy nhiên, một số hãng truyền thông Hoa ngữ ở hải ngoại vẫn giữ nguyên nội dung diễn văn của ông Lý, chẳng hạn như tờ Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao) tại Singapore.

Ông Lai Jianping, cựu luật sư nhân quyền Trung Cộng và là chủ tịch Liên Đoàn Vì Một Trung Quốc Dân Chủ có trụ sở tại Canada, cho biết bài nói của ông Lý đã khiến lãnh đạo Trung Cộng tức giận.

Ông Lai nói với The Epoch Times hôm 29/06, “Ông Tập Cận Bình nắm trong tay quyền chỉ huy tối cao đối với nền kinh tế Trung Cộng. Đối với ông Tập Cận Bình mà xét, liệu ông ấy có thể dùng thuốc mạnh để chữa trị nền kinh tế hay không, căn bản không phải là việc do ông Lý Cường quyết định”.

Ông Lai lưu ý rằng những bình luận của ông Lý tương tự như những bình luận của người tiền nhiệm của ông trong việc tiết lộ trạng thái thật của nền kinh tế — một hành động táo bạo từng khiến các thành viên cao cấp của đảng này tức giận.

Hồi tháng 05/2020, cố Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đã công khai tuyên bố rằng 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập dưới 1,000 nhân dân tệ (khoảng 140 USD) một tháng. Có nghĩa là rất thấp.


Thủ Tướng Ấn Độ Sẽ Đến Nga Và Hội Đàm Với Tổng Thống Putin Trong Tuần Này

Một viên chức hàng đầu của Ấn Độ cho biết, khắc phục sự mất cân bằng thương mại của Ấn Độ với Nga và bảo đảm những người Ấn Độ bị lừa tham gia chiến đấu trong cuộc chiến Ukraine được giải ngũ sẽ là một trong những ưu tiên của Thủ tướng Narendra Modi trong các cuộc đàm phán ở Moscow tuần này (08-14/07).

TT Putin & TTg Modi (photo: AP)

Ông Modi sẽ thăm Nga vào ngày 08-09/07 để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa New Delhi và Moscow, một thông lệ đã bắt đầu từ năm 2000.

Chuyến thăm của ông Modi trùng với thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 09-011/07 tại Hoa Thịnh Đốn. Cuộc chiến Ukraine sẽ giữ vai trò trung tâm tại hội nghị này. Sự trùng hợp về thời gian cũng đặt ra câu hỏi rằng, Ấn Độ có thể đang gửi đi tín hiệu gì.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra đã bác bỏ mọi mối liên hệ giữa hai sự kiện này và cho biết chuyến thăm của ông Modi là một phần trong lịch trình hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước.

Ông nói hôm 05/07, “Chuyến thăm song phương lần này chỉ là một ưu tiên trong lịch trình mà chúng tôi đã thực hiện và chuyện chỉ đơn giản vậy thôi”.

New Delhi có sự gắn kết lịch sử với Moscow từ thời Liên Xô nhưng đã xích lại gần hơn với Tây phương, đặc biệt với Hoa Thịnh Đốn, trong những thập niên gần đây khi nước này tự do hóa nền kinh tế và mở rộng các mối quan hệ địa chính trị. Đồng thời, nước này đã tìm cách duy trì những gì được coi là quyền tự chủ chiến lược vì lợi ích riêng.

Ấn Độ đã không chỉ trích Nga về cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời kêu gọi các nước láng giềng giải quyết xung đột qua đối thoại và ngoại giao. Trong khi đó, nước này tăng cường mua dầu giá rẻ của Nga với lượng rất lớn.

Ông Kwatra cho biết thương mại Ấn Độ-Nga đã tăng mạnh trong giai đoạn 2023–2024 và chạm gần 65 tỷ USD “chủ yếu nhờ hợp tác mạnh mẽ trong lãnh vực năng lượng”, nhưng xuất cảng của Ấn Độ sang Nga chỉ chiếm 4 tỷ USD.

Vị ngoại trưởng này cũng cho biết New Delhi đang tổ chức các cuộc đàm phán với G7 về các lệnh trừng phạt do khối này áp đặt đối với Nga.

Trong năm nay, xuất hiện một số trường hợp người Ấn Độ bị dụ dỗ đến Nga với lời hứa hẹn về việc làm lương cao hoặc giáo dục tốt nhưng cuối cùng đã tham gia chiến đấu chống Ukraine. Ít nhất 4 công dân Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Theo ông Kwatra, Thủ tướng Modi sẽ giúp những công dân Ấn Độ bị “lừa” phục vụ trong quân đội Nga để được giải ngũ.


Một Cuộc Tấn Công của Trung Cộng Ở Biển Đông

Cuộc đụng độ kéo dài hàng giờ xảy ra hôm 17/06 giữa lực lượng hải cảnh Trung Cộng và lực lượng Hải Quân Philippines ở Biển Đông là một nỗ lực khác của Trung Cộng nhằm cản trở việc tiếp tế hàng hải của Philippines trên Bãi cạn Second Thomas.

Các tàu của lực lượng Hải Cảnh Trung Cộng đã lao về phía những chiếc thuyền bơm hơi cỡ nhỏ của Hải Quân Philippines và đã đụng vào những chiếc thuyền này. Một thủy thủ người Philippines đã bám vào mạn thuyền và bị mất một ngón tay cái. Thủy quân Trung Cộng đã bắt giữ hai chiếc thuyền. Lính Trung Cộng đồng loạt vung dao, mã tấu, giáo, và rìu trên đầu. Họ chém và đâm vào những chiến thuyền của phía Philippines, làm lủng và xì hơi một chiếc thuyền cao su bơm hơi. Họ đánh cắp một chiếc ba lô của người Philippines và cướp súng của họ. Tổng cộng có 7 quân nhân Philippines bị thương. Manila tố cáo vụ việc là một “vụ đụng tàu có chủ ý”.

Nỗ lực rành rành nhằm đe dọa Hải Quân Philippines đã không thu được kết quả. Thay vì chống trả bằng vũ khí tương tự hoặc súng mà họ có sẵn trên thuyền, người Philippines đã tự vệ bằng tay không và  kiềm chế một cách phi thường. Họ đã lấy bằng chứng qua video và sau đó cung cấp cho báo chí quốc tế.

Năm 1999, Philippines đã chủ ý neo đậu một tàu hải quân Hoa Kỳ vốn đã ngừng hoạt động từ Đệ nhị Thế chiến ở đó. Được gọi là BRP Sierra Madre, con tàu rỉ sét này từ đó trở thành nơi đồn trú của một lực lượng thủy quân lục chiến nhỏ và là một biểu tượng cho sức mạnh của các cường quốc nhỏ trước sự gây hấn của ĐCSTQ. Con tàu ngăn cản quan Trung Cộng, thiết lập một căn cứ khác trong số nhiều căn cứ ở Biển Đông và củng cố yêu sách của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) đang bị Trung Cộng bao vây.

Năm 2016, một trọng tài quốc tế ở La Hague đã công nhận vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Cộng đối với gần như toàn bộ Biển Đông là không hợp lệ. Bắc Kinh đáp lại các luật gia bằng cách cho oanh tạc cơ có năng lực hạch tâm bay qua bãi cạn Scarborough, vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Chuyến bay này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Cộng không quan tâm đến luật lệ quốc tế hay sự bình đẳng theo chủ nghĩa cộng sản,— Philippines có GDP bình quân đầu người thấp hơn Trung Cộng.

Trung Cộng đã nhiều lần lặp đi lặp lại từ những năm 1930, với tư cách là người xây dựng đế chế và hủy diệt sự đa dạng hơn là một người hàng xóm tốt bụng quan tâm đến sự phát triển của các quốc gia láng giềng.

Việc thừa nhận hành động đánh chặn gần đây nhất của Trung Cộng là một “cuộc tấn công vũ trang” sẽ tạo cho Philippines cái cớ để viện dẫn hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ — điều mà Manila đã từ chối thực hiện vào hôm 21/06. Ngược lại với tất cả các bằng chứng sẵn có, thay vào đó, chính phủ [Manila] gọi biến cố này “có thể là một sự hiểu lầm hoặc tai nạn”. Không ai muốn có thêm một cuộc chiến nào nữa.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ sau đó đã nhắc lại rằng bất cứ cuộc tấn công nào của lực lượng quân sự của Trung Cộng, kể cả lực lượng Hải Cảnh của họ, vào Hải Quân hoặc lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines thì sẽ được xem là cuộc tấn công, đúng với mục đích của hiệp ước. Đây là mức tối thiểu cần thiết để duy trì một số khả năng răn đe ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos đáp lại cuộc tấn công bằng cách nói rằng bản chất của Philippines là giải quyết vấn đề thông qua đối thoại chứ không phải chiến đấu. Ông nói rằng ông sẽ không viện dẫn hiệp ước của Hoa Kỳ. Thay vào đó, ông Marcos đến thăm các quân nhân hải quân đã có mặt trong vụ đụng độ để ca ngợi sự dũng cảm và kiềm chế của họ trước “sự khiêu khích dữ dội”. Ông Marcos cũng thể hiện sự kiềm chế đáng khen ngợi, giành chiến thắng trước dư luận toàn cầu.

Ngược lại, Trung Cộng bị xem là xấu tính hơn bao giờ hết. Thay vì giúp giải quyết sự hỗn loạn toàn cầu do Nga, Iran, và các thành viên trong liên minh “trục ma quỷ” khác gây ra, thì họ lại lợi dụng sự hỗn loạn đó để trục lợi. Trong khi Nga đang tấn công Ukraine và Iran đang tấn công Israel thông qua lực lượng ủy nhiệm, Bắc Kinh hy vọng sẽ giành được lợi thế ở Bãi cạn Second Thomas.

Hôm 20/06, Tòa Bạch Ốc thông báo, trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục đe dọa hạch tâm, các viện trợ phi đạn của Hoa Kỳ có khả năng đánh chặn phòng không, dự định sẽ giao cho các đồng minh khác, để chuyển cho Ukraine.

Bài liên quan:
  • Trung Quốc đóng cửa hàng loạt trường mầm non vì tỷ lệ sinh giảm
    Wataru Suzuki
  • HỘI LUẬN ngày 7/9/2024. TC xiết chặt vòng vây, áp lực tứ bề, VN tìm lối thoát? Diễn đàn ‘Hợp Tác TC-Châu Phi’ có gì mới?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ba-Đình tung hô: “Đồng Đô-la vạn năng”!
    Trần nguyên Thao
  • Tin Cuối Tuần (31-Aug-01-Sep-2024)
  • Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Jackson Ủng Hộ Bộ Quy Tắc Ứng Xử
  • Phiếu Bầu Cử Đầu Tiên Năm 2024 Dự định Sẽ Được Gửi Vào Tuần Này
  • Dự Luật California Cấm Luật Định Xét Căn Cước Cử Tri, Chờ Thống Đốc Ký Tên
  • Mạng Xã Hội X Chính Thức Ngừng Hoạt Động Tại Brazil
  • Gia Đình Của Những Người Lính Bênh Vực TT Trump
  • Sullivan Tìm Cách Tạo Sự Ổn Định Trong Chuyến Thăm Trung Cộng
  • Hoa Kỳ Và Các Nước Khác Lên Án Trung Cộng Va Chạm Tàu Philippines
  • Bầu cử Mỹ có thể đẩy nhanh lịch trình chính trị của Tập Cận Bình
    Katsuji Nakazawa