TIN THẾ GIỚI.

Mỹ: Khai mạc đại hội toàn quốc đảng Cộng Hòa sau vụ mưu sát cựu tổng thống Trump (RFI)

Hàng chục ngàn người ủng hộ Donald Trump hôm 15/07/2024, tập hợp tại thành phố Milwaukee của bang Wisconsin để tham dự đại hội đảng Cộng Hòa, khai mạc trong không khí căng thẳng sau vụ mưu sát cựu tổng thống Mỹ. Đại hội sẽ chính thức chọn ông Trump là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa.

Quang cảnh của Đại Hội toàn quốc đảng Cộng Hòa

Có thể là ngay từ hôm nay, đại hội ở Milwaukee sẽ công bố tên của nhân vật mà Donald Trump chọn để làm phó tổng thống tương lai nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay.

Đã có mặt tại thành phố nằm bên bờ hồ Michigan từ hôm qua, ông Trump, 78 tuổi, được đón tiếp như một vị anh hùng sau khi suýt bỏ mạng hôm thứ Bảy 13/07 do viên đạn của hung thủ Thomas Matthew Crooks 20 tuổi, khi ông đang đứng trên khán đài phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử tại bang Pennsylvania.

Theo hãng tin AFP, trả lời phỏng vấn nhật báo xu hướng bảo thủ New York Post hôm qua trên chiếc máy bay chở ông đến Milwaukee, cựu tổng thống Hoa Kỳ nói: “Lẽ ra tôi không có mặt ở đây, lẽ ra tôi đã chết rồi”. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa tin rằng “nếu không nghiêng đầu một chút qua bên phải” thì ông đã trúng đạn.

Vụ mưu sát ông Trump đã gây chấn động nước Mỹ và cả thế giới. Những thành phần cực đoan trong số những người ủng hộ cựu tổng thống đã công khai cáo buộc phe Dân Chủ phải chịu trách nhiệm về vụ này.

Hôm qua, trong một bài phát biểu long trọng từ Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, tổng thống Joe Biden đã kêu gọi dân Mỹ nên “làm hạ nhiệt”. Ông khẳng định chính trường “không phải là một chiến trường đẫm máu” và “bạo lực không nên trở thành một cái gì đó bình thường”. Trước đó, tổng thống Dân Chủ cũng đã kêu gọi dân Mỹ nên “đoàn kết” và cho biết ngay từ tối thứ Bảy đã có một cuộc nói chuyện ngắn, nhưng rất thân tình với đối thủ Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Ông Biden cũng thông báo đã ra lệnh mở một cuộc “điều tra độc lập” về vụ mưu sát ông Trump.


Đại hội Đảng Cộng hòa: ‘Con sư tử đã vùng dậy và gầm lên’ (BBC)

Ngày đầu của Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa đã diễn ra vào hôm thứ Hai ngày 15/7 (giờ Mỹ) ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin.

Tại sự kiện này, ông Trump lần đầu tiên xuất hiện công khai sau vụ ám sát hụt chấn động tại thành phố Butler, bang Pennsylvania cách đây hai ngày, với tai phải được băng lại và nhận sự chào đón nồng nhiệt từ hàng ngàn người ủng hộ.

Cựu tổng thống bước vào sân đấu – nơi tổ chức đại hội ở Milwaukee – với một nắm tay giơ lên ​theo giai điệu của màn biểu diễn trực tiếp bài hát God Bless the USA (Chúa phù hộ nước Mỹ).

Sau đó, ông từ từ bước qua nhóm đại biểu đang cổ vũ – một số thậm chí còn rơi nước mắt – trước khi chào các đồng minh chính trị chủ chốt và các thành viên trong gia đình, bao gồm ba người con. Vợ ông Trump – bà Melanie Trump – vắng mặt trong buổi tối đầu tiên của đại hội.

Ảnh của Evan Vucci

Có thời điểm khán giả giơ nắm đấm và hô vang “Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!” – lặp lại hành động của ông Trump sau khi một viên đạn sượt qua tai ông tại cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania hôm thứ Bảy ngày 13/7 (sáng 14/7 giờ Việt Nam).

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa cho cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 đang dẫn đầu một làn sóng động lực chính trị.

Đảng Dân chủ đang đặt câu hỏi về khả năng ứng cử của ông Joe Biden, 81 tuổi, sau màn tranh luận kém cỏi vào tháng trước, trong khi nhóm của ông Trump đã ăn mừng những chiến thắng về mặt pháp lý gần đây.

Tại nhà thi đấu Fiserv Forum, cựu tổng thống đã nghe những bài phát biểu trong khoảng một giờ khi ngồi cạnh đối tác tranh cử – Thượng nghị sĩ bang Ohio JD Vance – người đã chính thức trở thành ứng viên phó tổng thống của ông Trump chỉ vài giờ trước đó.

Ông Trump không phát biểu nhưng đôi khi tỏ ra xúc động trước đám đông hàng ngàn người. Ông cúi đầu cầu nguyện và nhiều lần nói: “Cảm ơn mọi người.”

Những người ủng hộ và các đại biểu Đảng Cộng hòa, trong đó có một số người rưng rưng nước mắt, đã chờ đợi hàng giờ đồng hồ sự xuất hiện của vị cựu tổng thống.

Tuy sự xuất hiện của ông Trump không được chính thức liệt kê trong lịch trình ngày khai mạc đại hội, nhưng nhiều người đã mong đợi ông có mặt.

Trong số các diễn giả khác hôm thứ Hai, có người đứng đầu liên đoàn lao động Teamsters Sean O’Brien – người nói rằng ông không ủng hộ bất kỳ đảng cụ thể nào nhưng ca ngợi Trump là người “cứng rắn” và sẵn sàng nhận những lời chỉ trích.

Người mẫu và rapper Amber Rose – người từng phê phán ông Trump – đã chia sẻ hành trình khiến cô trở thành người ủng hộ vị cựu tổng thống.

“Những người ủng hộ Trump không quan tâm bạn là người da đen, da trắng, đồng tính hay không,” cô nói tiếp.

Ngày đầu với đầy sự kiện

Sự xuất hiện của cựu Tổng thống Donald Trump là điểm nhấn trong ngày đầu tiên đầy sự kiện của Đại hội Đảng Cộng hòa ở Wisconsin, một trong sáu bang chiến trường có tính chất quyết định tới cuộc bầu cử.

Trước khi đại hội chính thức khai mạc, một thẩm phán liên bang đã bác bỏ cáo buộc hình sự đối với ông Trump về việc cất giấu hơn 300 tài liệu mật tại khu nghỉ dưỡng ở bang Florida của ông sau nhiệm kỳ đầu tiên tại chức.

Để phá vỡ truyền thống gần đây, ông Trump đã đợi đến đại hội để công bố ông Vance là ứng viên phó tổng thống và đã tiết lộ lựa chọn của mình trên mạng xã hội Truth Social vào chiều thứ Hai ngày 15/7.

Thẩm phán Aileen Cannon, người được ông Trump bổ nhiệm, ra phán quyết rằng công tố viên đặc biệt Jack Smith đã được bổ nhiệm một cách bất hợp pháp và không có thẩm quyền đưa ra bản cáo trạng 37 tội danh chống lại cựu tổng thống.

Đó là một chiến thắng nữa dành cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa, người hiện không còn phải đối mặt với một phiên tòa hình sự nào khác trước ngày tổng tuyển cử 5/11.

Ngay sau khi đại hội khai mạc, gần 2.500 đại biểu Đảng Cộng hòa đã chính thức đề cử ông Trump làm ứng cử viên tổng thống của đảng.

Ông Vance được chọn làm ứng viên phó tổng thống

Cực TT Trump và TNS J. D. Vance (trở thành ứng viên phó tổng thống)

Thượng nghị sĩ bang Ohio – tác giả cuốn hồi ký bán chạy Hillbilly Elegy (Tạm dịch: Khúc bi ca núi đồi) – được cho là đã nghe tin mình được chọn chỉ vài phút trước khi có thông báo chính thức.

Ông Vance đã mỉm cười và có vẻ hơi kinh ngạc khi xuất hiện trước đám đông cùng với vợ – bà Usha Vance, sau đó trò chuyện với những đại biểu vây quanh ông.

“Trong số ba [ứng cử viên] trong danh sách rút gọn, tôi không nghĩ có lựa chọn tốt hơn,” Greg Simpson, một đại biểu Đảng Cộng hòa sống không xa ngôi nhà thời thơ ấu của ông Vance ở thành phố Middletown, bang Ohio, phát biểu cảm tưởng.

Nhưng các đảng viên Dân chủ cho biết họ sẽ đặt vấn đề về quan điểm chống phá thai của ông Vance và mối liên hệ với những gã khổng lồ công nghệ khi ông từng là một nhà đầu tư mạo hiểm.

Tổng thống Joe Biden cho biết trong một bài viết đăng trên mạng xã hội X rằng ông Vance “nói nhiều về người lao động” nhưng sẽ tăng thuế đối với người Mỹ bình thường trong khi giảm thuế đối với người giàu.

Ông Biden gọi ông Vance là “bản sao của Trump” khi trả lời các phóng viên.

Trong một buổi phỏng vấn với NBC News, Tổng thống Biden thừa nhận mình đã sai khi nói “đặt Trump vào hồng tâm” trong cuộc gọi với các nhà tài trợ chỉ vài ngày trước khi vụ nổ súng xảy ra.

Nhưng ông đã đổ lỗi cho đối thủ của mình vì đã đưa ra những diễn ngôn chính trị như việc phủ nhận kết quả bầu cử năm 2020, hứa ân xá cho những kẻ bạo loạn đã tấn công Điện Capitol vào ngày 6/1/2021 và nói đùa về vụ hành hung nghiêm trọng chồng của lãnh đạo phe dân chủ Nancy Pelosi.

Khi ông Trump vẫn ở Milwaukee và chuẩn bị đọc bài phát biểu bế mạc đại hội vào tối thứ Năm ngày 18/7 giờ Mỹ (sáng 19/7 giờ Việt Nam), ông Biden đã tiếp tục chiến dịch tranh cử của mình, bay tới Las Vegas (bang Nevada) để tham dự các sự kiện sau một thời gian ngắn tạm dừng các cuộc mít tinh sau vụ tấn công ở bang Pennsylvania.

Chủ đề kinh tế bị lu mờ trước vụ ám sát hụt

Ngày đầu tiên của đại hội tràn ngập các bài phát biểu từ các quan chức Đảng Cộng hòa và thường dân được chọn để làm nổi bật chủ đề kinh tế.

Bobby Bartels, một lãnh đạo công đoàn đến từ bang New York, nói với đám đông dự khán: “Lạm phát ngoài tầm kiểm soát đang siết chặt ngân sách và cả tội phạm bạo lực lẫn nạn ma túy đang đẩy người dân rời khỏi thành phố của chúng ta mà Đảng Dân chủ thì không làm gì cả.”

Đó là lý do đảng viên Dân chủ của công đoàn này sẽ bỏ phiếu cho ông Trump,” ông Bartels nói.

Nhưng hình ảnh của vụ ám sát hụt hôm 13/7 vẫn đang chiếm lấy tâm trí của các đại biểu từ khắp nước Mỹ và các vùng lãnh thổ của nước này.

Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina Tim Scott

“Vụ việc hôm thứ Bảy khiến tôi sợ hãi. Chúng ta sẽ ở một thế giới hoàn toàn khác nếu viên đạn chệch nửa inch. Tôi đã khóc và tôi chưa bao giờ khóc như thế từ ngày mẹ tôi qua đời,” đại biểu Joe Mullins từ bang Florida nói.

Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina Tim Scott, một trong những cái tên trong danh sách rút gọn cho vị trí phó tổng thống của ông Trump, nói với đám đông:

Nếu bạn không tin vào phép màu trước hôm thứ Bảy, thì bây giờ bạn đã có lý do để tin rồi.

Vào thứ Bảy, ác quỷ đã đến Pennsylvania với một khẩu súng trường, nhưng một con sư tử Mỹ đã vùng dậy và gầm lên,” ông Scott nói tiếp.


Vụ mưu sát ông Trump: Kỳ vọng và quan điểm chính trị Mỹ có thể thay đổi chỉ trong vài giây (BBC)

Chiến dịch bầu cử Mỹ 2024 bây giờ có một hình ảnh mới mang tính biểu tượng: ông Trump, khoảnh khắc sau khi ‘chết hụt’, đã giơ nắm đấm lên trời, máu vẫn đang chảy trên mặt, và đằng sau là lá cờ Mỹ tung bay trong gió.

“Chiến đấu!” ông Trum hô lên. Những người ủng hộ ông, vốn đang lo sợ cho tính mạng mình, cũng bắt đầu cổ vũ vị cựu tổng thống.

Vụ nổ súng ở Pennsylvania sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm lý người Mỹ khi nó xuyên thủng lớp vỏ bảo vệ an ninh xung quanh các cấp độ cao nhất của các hoạt hoạt động liên quan đến tổng thống – từ kiểm soát an ninh từ xa, xe limousine chống đạn đến các đặc vụ tình báo được trang bị vũ khí nặng.

Ngay cả các cựu Tổng thống cũng không tránh khỏi những biến cố bạo lực có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày ở Mỹ.

Đó cũng là một khoảnh khắc nghẹt thở trong lịch sử chính trị Mỹ; một khoảnh khắc chắc chắn sẽ được tái hiện trong các video, các bức ảnh và những lời kể từ những người chứng kiến trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống hiện nay và trong các chiến dịch sắp tới.

Trong bài phát biểu hiếm hoi tại Phòng Bầu dục vào tối Chủ nhật ngày 14/7 (sáng hôm nay 15/7 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi người Mỹ hạ nhiệt khi tranh luận chính trị.

Bức tranh bầu cử bị đảo lộn

Vụ nổ súng đã lan sang các cuộc tranh luận giữa các đảng phái chính trị ở Mỹ. Nhiều đảng viên Cộng hòa đổ lỗi cho Tổng thống Biden và Đảng Dân chủ đã tạo ra một môi trường tranh luận kích thích bạo lực.

Đặc biệt, họ nhấn mạnh những bình luận mà tổng thống đã nói riêng với các nhà tài trợ vào tuần trước – sau đó bị rò rỉ – về việc tăng cường các cuộc tấn công vào hồ sơ của ông Trump cũng như nhắm vào bản thân vị cựu tổng thống.

“Họ đã cố gắng loại bỏ ông ấy bằng nhiều cách khác nhau, về mặt tài chính, họ đã cố gắng tống ông ấy vào tù. Dường như họ rất muốn điều này xảy ra,” con trai cựu tổng thống Mỹ – Donald Trump Jr – nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 14/7.

Con trai cả của cựu tổng thống tiếp tục nói thêm rằng, sau vụ ám sát hụt này, phe cánh tả không còn có thể buộc ông Trump có tội liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol ngày 6/1/2021 được nữa.

Vụ ám sát hụt nhằm vào cựu tổng thống nay là một phần không thể thiếu trong các chủ đề mà ban tranh cử của Trump vốn đã lên kế hoạch cho sự kiện diễn ra bốn năm một lần, mà tâm điểm là việc ông Trump lên sân khấu để nhận đề cử từ đảng của ông – trở thành ứng viên chính thức cho Đảng Cộng hòa tối thứ Năm ngày 18/7 tới đây.

“Cái mà họ thực muốn không phải tôi; mà là chính bạn” là câu nói phổ biến của ông Trump, được in trên áo phông, bảng quảng cáo và các miếng dán trang trí xe hơi.

Thông điệp đó sẽ càng có thêm sức mạnh sau khi cựu tổng thống và đám đông ủng hộ ông bị nã đạn. Những người ủng hộ ông Trump – mà nhiều người trong đó tôn thờ ông gần như đấng cứu thế – sẽ có nhiều lý do hơn để đồng cảm với một người đàn ông suýt mất mạng khi đứng trước họ.

Việc cựu tổng thống suýt chết cùng những hành động thách thức sau đó cũng sẽ phù hợp với bức tranh tương phản mà các quan chức trong ban tranh cử của ông Trump nói rằng họ đang cố gắng vẽ ra tại đại hội Đảng Cộng hòa tuần này – ứng cử viên và đảng của họ thể hiện nam tính và sức mạnh, trong khi đối thủ của họ lại yếu ớt.

Các đảng viên Đảng Dân chủ đã dành hai tuần vừa qua để khổ sở, tự vấn về tương lai chính trị của Tổng thống Biden. Bây giờ, họ lại có thêm một loạt vấn đề mới cần phải quan tâm.

Chiến lược tái tranh cử của ông Biden – xoay quanh việc coi ông Trump là mối nguy hiểm cho đất nước nếu trở thành tổng thống một lần nữa – có thể bị cản trở nghiêm trọng nếu công chúng Mỹ phản đối mạnh mẽ những lời chỉ trích mới nhắm vào người đàn ông vừa mới bị bắn hôm 13/7.

Bây giờ Đảng Dân chủ có ít thời gian hơn, ít lợi thế về tài chính hơn và ít không gian chính trị hơn để thay đổi động lực bầu cử theo hướng có lợi cho họ.

Điều mà thảm kịch tối thứ Bảy ngày 13/7 đã chứng minh rõ ràng nhất là những kỳ vọng và quan điểm chính trị có thể thay đổi chỉ trong vài giây.

Điều gì chờ đợi ông Trump ở Đại hội Đảng Cộng hòa?

Vào sáng hôm Thứ Hai, 15/7 theo giờ Việt Nam, ông Trump đã đến Wisconsin để tham dự Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa (RNC), chỉ một ngày sau vụ ám sát hụt.

Đại hội đảng ở thành phố Milwaukee vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Ông Trump đã đăng trên mạng xã hội rằng ông đã cân nhắc việc trì hoãn chuyến đi của mình thêm hai ngày, nhưng “không thể cho phép một ‘kẻ xả súng’ hoặc kẻ ám sát tiềm năng buộc phải thay đổi lịch trình hoặc bất cứ điều gì khác”.

Cuộc tấn công nhằm vào ông Trump đã khiến công tác an ninh và chuẩn bị cho sự an toàn của sự kiện phải tập trung cao độ. Đại hội bắt đầu vào thứ Hai ngày 15/7 (giờ Mỹ) tại nhà thi đấu, sân nhà của câu lạc bộ bóng rổ giải NBA Milwaukee Bucks.

Nhưng Audrey Gibson-Cicchino, điều phối viên RNC của cơ quan Mật vụ Mỹ, cho biết trong cuộc họp báo chiều Chủ nhật ngày 14/7 ở Milwaukee rằng sẽ không có thay đổi nào đối với kế hoạch an ninh.

Khoảng 50.000 người dự kiến ​​sẽ tham dự cuộc họp mặt kéo dài 4 ngày, bao gồm các hoạt động lễ hội, các diễn văn chính trị và thảo luận về chính sách, khi Đảng Cộng hòa trình bày các ý tưởng chính trị và chính sách của mình trước cử tri trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.

Đảng Dân chủ sẽ tổ chức đại hội tương tự vào tháng 8/2024 ở thành phố Chicago, bang Illinois.

Ông Trump dự kiến ​​​​sẽ không phát biểu cho đến tối thứ Năm. Một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của đại hội sẽ là khi ông công bố ứng cử viên phó tổng thống của mình.

Ông Donald Trump Jr dự kiến ​​sẽ phát biểu vào thứ Tư ngày 17/7 (giờ Mỹ).

Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley, một trong những đối thủ chính của ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, ban đầu được cho là sẽ không dự RNC. Nhưng sau vụ ám sát hụt, có thông tin cho rằng giờ đây bà không chỉ tham dự mà còn phát biểu tại đại hội.

Các diễn giả khác được cho là bao gồm nữ Dân biểu bang Georgia Marjorie Taylor Greene, ứng cử viên Thượng viện Arizona Kari Lake, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, Chủ tịch UFC Dana White, nguyên người dẫn chương trình Fox News Tucker Carlson và tổng chủ tịch liên minh Teamsters Sean O’ Brien.

Đồng chủ tịch RNC Lara Trump, con dâu của vị cựu tổng thống, cho biết những người nổi tiếng trong ngành giải trí cũng sẽ tham gia diễn thuyết.

Amber Rose – người mẫu, ngôi sao truyền hình thực tế và bạn gái cũ của Kanye West – dự kiến ​​sẽ phát biểu trước đám đông.

Nhưng những cựu lãnh đạo đảng Cộng hòa như George W Bush, Mike Pence và Mitt Romney không có tên trong danh sách khách mời.

Truyền thông Mỹ đưa tin Cựu Đệ nhất phu nhân Melania Trump, người hiếm khi xuất hiện trước công chúng, cũng sẽ tham dự đại hội.

Các chủ đề của RNC năm nay là “Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại” vào ngày 15/7, “Làm cho nước Mỹ an toàn trở lại” vào ngày 16/7, “Làm cho nước Mỹ mạnh mẽ trở lại” vào ngày 17/7 và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” vào ngày 18/7.

Cương lĩnh của đảng năm nay dài 16 trang.

Một số chủ đề của Dự án 2025, một đề xuất dài hơi hơn của các nhóm nghiên cứu, cũng có thể sẽ được đưa ra trong hội nghị.

Dự án 2025 – dự án điều mà ông Trump không còn ủng hộ – kêu gọi mở rộng quyền lực của tổng thống, loại bỏ hàng nghìn chức vụ công chức, cắt giảm thuế và giải tán Bộ Giáo dục.

Một cuộc biểu tình, được tổ chức bởi Liên minh Diễu hành Chống RNC, dự kiến diễn ra vào trưa thứ Hai ngày 15/7 theo giờ địa phương.

Các nhà tổ chức cho biết họ dự kiến ​​sẽ có 5.000 người biểu tình, với sự ủng hộ từ 125 nhóm hoạt động tự do trên khắp đất nước.

Omar Flores, đồng chủ tịch liên minh, cho biết hôm 12/7:

“Hãy cùng chúng tôi đấu tranh chống lại chương trình nghị sự phân biệt chủng tộc, cản trở sự cấp tiến của Đảng Cộng hòa, sát cánh cùng Palestine; bảo vệ quyền phụ nữ, LGBTQ và quyền sinh sản; để bảo vệ và mở rộng quyền của người nhập cư cũng như ủng hộ hòa bình, công lý và công bằng.”

Thị trưởng Milwaukee Cavalier Johnson cho biết ưu tiên hàng đầu của thành phố là đảm bảo an toàn công cộng trong tuần này.


PHÂN TÍCH. Vụ mưu sát Donald Trump: Một bước ngoặt trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ (RFI)

Tối thứ Bảy vừa qua, 13/07/2024, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khi ông đang vận động tranh cử tại bang Pennsylvania. Vừa hoàn hồn sau khi trúng đạn bị thương ở vành tai, bao quanh là các nhân viên an ninh, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa đã đứng dậy ngay, gương mặt dính vết máu, tay giơ cao nắm đấm, phía sau là một lá quốc kỳ Mỹ bay phấp phới.

Hình ảnh này chắc chắn sẽ đi vào lịch sử của Hoa Kỳ và thế giới như là biểu tượng của bạo lực chính trị, nhưng đồng thời nó đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, có thể làm tăng thêm cơ may chiến thắng cho ông Donald Trump trước đối thủ Dân Chủ Joe Biden. Thậm chí có những người cho rằng kết quả bầu cử tháng 11 coi như đã ngã ngũ kể từ vụ mưu sát.

Tuy đã 78 tuổi, nhưng qua vụ ám sát hụt hôm thứ Bảy, Donald Trump đã chứng tỏ ông vẫn có một thể lực và tinh thần vững chắc, ít ra là ở bề ngoài, khác hẳn với một Joe Biden 81 tuổi đi đứng lụm cụm, nói năng lắp bắp, thường xuyên nhầm lẫn tên tuổi. Đến mức mà trong đảng Dân Chủ cũng như trong giới ủng hộ đảng Dân Chủ ngày càng có nhiều người yêu cầu ông Biden nên rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, nhường chỗ cho một ứng cử viên khác.

Có thể nói là sự kiện ngày 13/07 đã làm thay đổi hẳn cục diện của cuộc tranh cử. Cho tới nay, ban vận động tranh cử của ông Biden vẫn cố trình bày Trump như là một mối đe dọa cho nền dân chủ Mỹ, một người chuyên kích động bạo loạn. Nhưng rốt cuộc bạo lực lại không đến từ phía những người cuồng Trump, mà dường như là từ một người chống Trump.

Ngược lại, một số người thuộc phe của cựu tổng thống Mỹ cáo buộc phe của ông Biden đã gián tiếp kích động hận thù khi cứ liên tục mô tả ông Trump như là một tên phát xít độc đoán cần phải bắt giữ bằng mọi giá. Theo lời thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance, một trong những người có thể sẽ là phó tổng thống của ông Trump, chính những lập luận như vậy là nguyên nhân của vụ mưu sát hôm thứ Bảy.

Sau vụ này, chính những người chỉ trích Trump nặng nề nhất bên phe Dân Chủ đã là những người đầu tiên ra thông cáo để lên án bạo lực chính trị và bản thân tổng thống Joe Biden đã gọi điện cho đối thủ Cộng Hòa để hỏi thăm. Cuộc “hưu chiến” bất đắc dĩ này hóa ra có lợi cho Donald Trump vì đúng vào lúc khai mạc đại hội đảng Cộng Hòa hôm nay ở Milwaukee để chính thức chỉ định ông làm ứng cử viên tổng thống.

Nói chung, theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, vụ mưu sát ông Trump có thể sẽ có lợi cho ứng cử viên Cộng Hòa trong cuộc tranh cử, tương tự như cố tổng thống Ronald Reagan, bị bắn trọng thương năm 1981.

Sau vụ mưu sát đối thủ Trump, ông Biden thật khó mà tiếp tục chiến dịch tranh cử như đã dự kiến. Cụ thể, ông đã phải hủy bỏ một chuyến đi đến bang Texas hôm nay để kỷ niệm 60 năm ban hành đạo luật về các quyền công dân. Ban vận động tranh cử của Biden cũng đã phải rút lại đoạn phim đả kích Trump rất nặng nề, trên nguyên tắc sẽ được phổ biến vào lúc khai mạc đại hội đảng Dân Chủ. Theo đài ABC News, các cộng sự viên của tổng thống Biden đã được lệnh không có bất cứ bình luận gì trên các mạng xã hội trong lúc này.

Về phần Donald Trump, ông cho biết đã sửa lại nội dung bài phát biểu tại đại hội đảng Cộng Hòa, thay cho những lời lẽ rất nặng nề chỉ trích chính quyền Biden, ông sẽ đọc một bài kêu gọi dân Mỹ đoàn kết một lòng. Rõ ràng là sau khi thắng ông Biden 1-0 trong cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên ngày 27/06, ông Trump chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội mới để tiếp tục ghi điểm trước đối thủ Dân Chủ.

Trả lời phỏng vấn tuần báo Pháp L’Express hôm qua, bà Nicole Bacharan, chuyên gia về Hoa Kỳ, cho rằng nếu bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra ngay hôm nay, chắc chắn là Donald Trump sẽ thắng cử để quay trở lại Nhà Trắng. Trước mắt, ông Trump bỗng nhiên trở thành một vị anh hùng mà nước Mỹ đang cần đến, như trong một bộ phim quen thuộc của Hollywood.


An ninh thắt chặt, vì sao sát thủ bắn Trump lọt qua được? (BBC)

Các câu hỏi vẫn tiếp tục được đặt ra xoay quanh việc làm thế nào mà cảnh sát và đặc vụ được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc mít tinh của Donald Trump lại để cho tay súng đến gần như thế.

Thomas Matthew Crooks đã có thể leo lên nóc một tòa nhà gần sự kiện ngoài trời tại khu hội chợ quận Butler, bang Pennsylvania, từ đó người này bắn vào Trump ở khoảng cách 130m (430ft).

Một người thiệt mạng và hai người khác bị thương nặng. Trump bị thương ở tai.

Người phát ngôn của Mật vụ Anthony Guglielmi cho biết cơ quan của ông đã nhờ đến cảnh sát địa phương để hỗ trợ công tác bảo vệ.

Ông cho biết các đặc vụ của ông chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh bên trong khu vực hội chợ, trong khi cảnh sát địa phương bảo vệ khu vực bên ngoài, bao gồm cả tòa nhà mà tay súng leo lên để bắn ông Trump.

Sở cảnh sát địa phương đã chuyển các câu hỏi của BBC cho cảnh sát tiểu bang – nơi cho hay họ không chịu trách nhiệm về khu vực có tòa nhà mà tay súng leo lên.

Một phát ngôn viên nói với BBC rằng họ đã cung cấp “tất cả các nguồn lực” theo yêu cầu của Mật vụ, bao gồm từ 30 đến 40 binh lính bên trong khu vực hội chợ.

Nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi làm thế nào mà các kế hoạch an ninh lại bị phá vỡ, cho phép tay súng tiếp cận Trump mà không bị cản trở.

Những người tham dự cho biết họ đã phát hiện ra nghi phạm trên mái nhà vài phút trước khi vụ nổ súng bắt đầu, trong khi Cảnh sát trưởng quận Butler Michael Slupe cho biết một nhân viên an ninh địa phương cũng đã phát hiện ra nghi phạm nhưng không thể ngăn cản.

Vị cảnh sát trưởng thừa nhận đã có “lỗ hổng” trong việc bảo vệ khu vực này, nhưng cho rằng không có duy nhất một bên nào phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Jason Russell, người sáng lập Công ty Tư vấn Môi trường An toàn, người từng làm đặc vụ từ năm 2002 đến năm 2010, kể cả trong các chiến dịch bầu cử, cho biết Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ thường dựa vào sự giúp đỡ của cảnh sát địa phương để giúp bảo đảm an ninh các sự kiện đông người.

Ông nói với BBC: “Mật vụ không có nguồn lực vô hạn về số lượng đặc vụ để có thể bố trí ở khắp mọi nơi.”

Ông nói rằng các đặc vụ thường khảo sát kỹ lưỡng địa điểm tổ chức sự kiện tranh cử trước nhiều ngày để lên kế hoạch an ninh, sau đó chia sẻ với các cơ quan cảnh sát địa phương.

Trong trường hợp này, ông cho biết tòa nhà mà tay súng leo lên nằm ngoài địa điểm chính thức của sự kiện và thuộc trách nhiệm của cảnh sát địa phương.

Trong một sự kiện, ông cho biết thông tin liên lạc đã được chia sẻ với mọi cơ quan liên quan. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “10 giây” để thông tin được truyền đi có thể là thời gian vừa đủ để một tay súng bắn vài phát súng.

Theo NBC News, trước sự kiện này, mái nhà đã được nhận định là một nơi “xung yếu”.

Ông Russell cho biết có khả năng các nhân viên Mật vụ đã xác định tòa nhà đó là mối đe dọa tiềm tàng và đã yêu cầu chính quyền địa phương bố trí cảnh sát ở gần đó để ngăn chặn việc tòa nhà bị tiếp cận.

Một nhân chứng tên là Thomas Gleason, người đã phục vụ 21 năm trong Quân đội Hoa Kỳ với tư cách là lính dù và lính biệt kích, nói rằng “đáng lẽ phải có biện pháp an ninh tốt hơn đối với mối đe dọa tầm xa”.

Ông nói: “Nhìn vào khoảng cách và vị trí thuận lợi, nếu ai đó định ám sát [Trump] thì đó sẽ là điểm bắn hợp lý nhất.

FBI kể từ đó đã đảm nhận vai trò điều tra chính trong vụ việc này. Vụ nổ súng hiện là chủ đề của một số cuộc điều tra khác của cả Hạ viện và Thượng viện.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas gọi đây là một “thất bại” về an ninh, nói với CNN rằng “sự cố như thế này không thể xảy ra nữa”.

Giám đốc Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ Kimberly Cheatle hôm thứ Hai cho biết cơ quan của bà đang làm việc với cảnh sát liên bang và địa phương để “hiểu chuyện gì đã xảy ra, nó xảy ra như thế nào và làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn một sự cố như thế này xảy ra lần nữa”.

Bà nói thêm rằng bà sẽ hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào của quốc hội về vụ nổ súng.

Bà Cheatle sẽ phải đối mặt với Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm của Hạ viện vào ngày 22/7.

Các thành viên Đảng Cộng hòa trong ủy ban cũng kêu gọi Mật vụ đưa ra bằng chứng bao gồm thông tin liên lạc nội bộ, ghi âm và video, tin nhắn gửi tới cơ quan thực thi pháp luật địa phương, bản đồ, sơ đồ và các bản khảo sát, đánh giá trước sự kiện.


Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Các đối thủ cũ quay về ủng hộ Donald Trump (RFI)

Hôm 16/07/2024, sau khi chính thức đề cử Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ, đại hội đảng Cộng Hòa tại Milwaukee đã chứng kiến một trang sử mới đoàn kết. Hai đối thủ chính từng đấu với ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng, bà Nikki Haley và thống đốc bang Florida Ron DeSantis, có mặt tại diễn đàn đại hội để khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn đối với cựu tổng thống Mỹ.

Thống đốc Ron DeSantis (trái) và bà Nikki Haley phát biểu tại Đại Hội

Thông tín viên David Thomson tại Milwaukee ghi nhận qua phóng sự :

Bà Nikki Haley bước lên sân khấu trong tiếng la ó của khán giả. Nhiều người của đảng Cộng Hòa vẫn không tha thứ cho bà về việc đã dám thách thức Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ. Nhưng tối nay, Nikki Haley tới đây thanh thản. Bà nói :

“Tổng thống Trump đã đề nghị tôi tới phát biểu tại đại hội này và nhân danh tinh thần đoàn kết tôi đã chấp nhận”. Đối thủ số một cũ của Trump tham dự  lễ đăng quang của ông. Bà khẳng định : « Tôi hoàn toàn ủng hộ Donald Trump, chấm hết !  ».

Từ trên khán đài, Donald Trump ngạo ngễ nở nụ cười. Nhất là theo cùng Nikki Haley còn có kỳ phùng địch thủ cũ Ron DeSantis, thống đốc bang Florida, người đã từng làm ông mất thể diện, gọi ông bằng một biệt danh khinh miệt.

Toàn đảng từ giờ kết thành một khối sau lưng Trump. Trong khán phòng, các đại biểu hân hoan với thắng lợi. Một phụ nữ cho biết : Nhiều người trong hội trường tối nay ban đầu là những người đã ủng hộ Nikki Haley, nhưng bây giờ Donald Trump là ứng viên của chúng tôi và mọi người ủng hộ ông ».

Một người đàn ông khác cho hay : « Đó là một biểu tượng lớn cho sự đoàn kết, khi cả hai đối thủ cũ đến ủng hộ Trump tối nay. Đó không phải là sự hạ thấp mà là dấu hiệu khiêm nhường ».

Khiêm nhường trước Donald Trump, một vị lãnh đạo không thể chối cãi. Đại hội này khẳng định sức ảnh hưởng tuyệt đối của ông trong đảng Cộng Hòa.


Giới phân tích: Trump chọn Vance làm phó tướng báo hiệu chính sách cứng rắn với Trung Cộng (VOA)

Các nhà phân tích cho rằng việc ông Donald Trump lựa chọn Thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance có tư tưởng dân túy làm nhân vật số 2 tranh cử chức phó tổng thống là một bằng chứng nữa về lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Trung Cộng nếu như ông Trump nắm chính quyền lần thứ hai.

Ngay sau khi được chọn làm phó tướng, hôm thứ Hai 15/7, ông Vance đã gọi Trung Cộng là “mối đe dọa lớn nhất” đang đối diện nước Mỹ, qua đó, ở cương vị là ứng cử viên của đảng Cộng hòa, ông cho thấy ông tin rằng sự trỗi dậy của Trung Cộng với tư cách là công xưởng của thế giới đã hủy hoại ngành sản xuất-chế tạo của Mỹ.

Phát biểu với Fox News hôm 15/7, ông Vance, vốn phản đối việc Mỹ viện trợ về quốc phòng cho Ukraine để họ chống lại cuộc xâm lược của Nga, nói rằng ông Trump sẽ ưu tiên đàm phán chấm dứt cuộc khủng hoảng đó để Mỹ có thể tập trung vào “vấn đề thực sự” là Trung Cộng.

Thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance, ứng viên phó tổng thống

Viễn cảnh căng thẳng thương mại gia tăng dưới thời ông Trump nắm chính quyền lần thứ nhì đã tác động mạnh đến thị trường Trung Cộng trong hai ngày qua, mà một số nhà phân tích cho rằng việc lựa chọn ông Vance làm người tranh chức phó tổng thống là một lý do.

Ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại chống Trung Cộng khi còn nắm quyền ở Nhà Trắng trước đây, và với tư cách là ứng cử viên năm nay, vị cựu tổng thống nêu ra ý định là ông sẽ áp đặt mức thuế từ 60% trở lên đối với tất cả hàng hóa Trung Cộng.

Jeff Moon, nhà tư vấn thương mại từng là cựu trợ lý đại diện thương mại Hoa Kỳ tại Trung Cộng, nói: “Những phát biểu của ông Vance ngày hôm qua hoàn toàn phù hợp với quan điểm đã nêu của ông Trump và ông Trump thích điều đó”.

Về vấn đề Trung Cộng, ông Vance sẽ hòa hợp tốt với giới lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Quốc hội.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cũng coi quốc gia này là mối đe dọa hàng đầu từ nước ngoài đối với Hoa Kỳ và cho rằng Bắc Kinh đã khai thác “mọi ngóc ngách trong hệ thống tài chính và kinh tế của chúng ta”.

Ông Vance đã dùng từ “thảm họa” để nói về việc cho phép Trung Cộng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.

Cả hai đảng lớn của Mỹ đều nhất trí với nhau về Trung Cộng. Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ vẫn giữ nguyên hầu hết các mức thuế của người tiền nhiệm và tăng thêm các mức thuế khác.

Ông Vance gần đây đã nhấn mạnh cuộc chiến của Mỹ chống fentanyl, loại thuốc phiện tổng hợp bằng hóa chất có thể gây chết người được sản xuất và xuất khẩu nhiều từ Trung Cộng. Ông nói rằng ông Trump sẽ chính là vị tổng thống ngăn chặn điều đó.

Jeremy Levin, Giám đốc điều hành của OVID Industries và là cựu chủ tịch nhóm vận động hành lang của Tổ chức Đổi mới Công nghệ sinh học (BIO), nhận xét rằng việc lựa chọn ông Vance đã củng cố quan điểm trong ngành kinh doanh của ông rằng chính quyền của ông Trump sẽ tìm cách hạn chế hoạt động của các công ty Trung Cộng tại Hoa Kỳ trong các lĩnh vực chiến lược.

Levin nói: “Có thể thấy rõ, họ sẽ theo đuổi chính sách đó”.

Cleo Paskal, nghiên cứu sinh cấp cao không thường trú tại nhóm nghiên cứu-tư vấn có tên Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, đánh giá rằng những bình luận của ông Vance về Trung Cộng là tín hiệu rất rõ ràng.

Bà nói: “Cuốn sách của ông ấy ghi lại tình trạng nền sản xuất bị tàn phá và nạn nghiện ngập ma túy của Hoa Kỳ, cả hai điều này ít ra đều bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa làm cho trầm trọng thêm”.

Sẽ có nhiều người trong chính quyền của Tổng thống Trump cho rằng Trung Cộng đang cố gắng làm suy yếu nghiêm trọng nước Mỹ”, vẫn lời bà.


Tổng thống Zelensky muốn Nga tham dự hội nghị hòa bình cho Ukraina (RFI)

Hôm 15/07/2024, trong cuộc họp báo ở Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky lần đầu tiên tuyên bố muốn Matxcơva tham dự hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraina vào tháng 11 tới. Nhưng phía Nga tỏ vẻ nghi ngờ về đề xuất của ông Zelensky.

Trước đó, hội nghị đầu tiên đã được tổ chức vào giữa tháng 6 tại Thụy Sĩ, với sự tham dự của hàng chục quốc gia, nhưng Nga đã không được mời.

Ông Zelensky cho biết : “Tôi nghĩ rằng các đại diện của Nga nên tham gia hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này.” Sau gần hai năm rưỡi chiến tranh, đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraina thể hiện mong muốn đàm phán với Matxcơva mà không đặt điều kiện tiên quyết là Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraina. Trước đây, ông từng tuyên bố không muốn thảo luận với Matxcơva chừng nào Vladimir Putin còn nắm quyền và thậm chí còn ký sắc lệnh xem việc đàm phán với Nga là “bất hợp pháp”. 

Tổng thống Zelensky cũng khẳng định đặt mục tiêu là đến tháng 11 tới, Kiev sẽ đưa ra “một kế hoạch đầy đủ” cho “một nền hòa bình công bằng”. Nguyên thủ Ukraina không nói đến việc chấm dứt chiến sự, mà chỉ đề cập đến việc thiết lập kế hoạch về ba lĩnh vực chính : an ninh năng lượng, sau khi các cơ sở hạ tầng của Ukraina bị tàn phá do các vụ ném bom của Nga, tự do hàng hải ở Hắc Hải, một vấn đề quan trọng đối với xuất khẩu của Ukraina và cuối cùng là trao đổi tù binh. Theo AFP, Nga hiện vẫn chiếm đóng gần 20% lãnh thổ Ukraina và triển vọng về một lệnh ngừng bắn hay hòa bình lâu dài giữa Kiev và Matxcơva sẽ khó có thể xảy ra ở giai đoạn hiện nay. 

Đáp lại đề xuất của tổng thống Zelensky, phía Nga tỏ vẻ nghi ngờ và cho biết trước tiên họ cần hiểu hội nghị hòa bình mà Kiev nhắc tới là gì, trước khi chấp nhận tham gia đàm phán. Trên kênh truyền hình Nga Zvezda, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov  hôm nay trả lời: “Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên hoàn toàn không phải là hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Vì vậy, có lẽ trước hết cần phải hiểu ý của ông ấy (Zelensky) là gì“.

Cũng trong ngày hôm qua, trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder tái khẳng định rằng Hoa Kỳ không cho phép Ukraina sử dụng tên lửa tầm xa mà Mỹ đã cấp cho quân đội Kiev để oanh kích vào lãnh thổ Nga. Ông nói : “Gần đây chúng tôi đã cho phép Ukraina sử dụng đạn pháo của Mỹ ở phía bên kia biên giới để đáp trả và  phòng thủ. Nhưng chính sách của chúng tôi về tên lửa tầm xa vẫn không thay đổi (…) Chúng tôi muốn tránh những hậu quả không lường trước được, như một sự leo thang căng thẳng có thể biến cuộc xung đột này thành một cuộc đối đầu rộng hơn, vượt ra ngoài biên giới Ukraina”.

Về tình hình chiến sự, Ukraina cho biết máy bay Nga hôm qua đã thả hai quả bom nặng 250 kg xuống tỉnh Donetsk khiến 5 người bị thương, ba cơ sở kinh doanh, một cơ sở hạ tầng và một ngôi nhà đã bị hư hại nặng. 


Trung Cộng và khí hậu: Trọng tâm của thượng đỉnh Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (RFI)

Hôm 16/07/2024, lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương đến Nhật Bản để dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PALM) lần thứ 10, kéo dài ba ngày, bàn về các vấn đề an ninh và môi trường.

Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu trước lễ khai mạc hội nghị, thủ tướng Fumio Kishida cho biết Nhật Bản và 18 nước thành viên “đã hợp tác chặt chẽ để giải quyết những thách thức chung, như biến đổi khí hậu và ứng phó với thảm họa”đồng thời khẳng định Tokyo sẽ “tiếp tục đồng hành với các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Thái Bình Dương”.

Tokyo dự kiến ​​hỗ trợ các đảo quốc trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh hàng hải đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính phủ Nhật cũng mong muốn thảo luận sâu hơn với các quốc gia thành viên về vấn đề xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima. Trước đó vào tháng 11 năm ngoái, lãnh đạo các quốc gia này đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về việc xả nước thải nhiểm xạ của Nhật Bản. Vì vậy, Tokyo tin rằng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội để “trấn an” các quốc gia thành viên “bằng những lời giải thích kỹ lưỡng dựa trên cơ sở khoa học”.

Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác quốc phòng tại khu vực Thái Bình Dương đang có nhiều tranh chấp, nơi Trung Cộng cũng đã cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng bằng cách hỗ trợ về an ninh và cơ sở hạ tầng cho các đảo quốc tại đây. Đáng chú ý là Trung Cộng đã ký một hiệp ước an ninh, từng được giữ bí mật, với Quần đảo Salomon vào năm 2022. Vào tháng 1, Nauru cũng đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan để quay sang Trung Cộng. Theo bà Jennifer Anson, điều phối viên an ninh quốc gia của Palau, nhiều thành viên của PALM ngần ngại khi nói “những điều không tốt về Trung Cộng”, do quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa họ với Bắc Kinh. 

Còn theo bà Guibourg Delamotte, giảng viên môn khoa học chính trị tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông INALCO, Nhật Bản muốn hạn chế ảnh hưởng của Trung Cộng tại khu vực này nhưng họ đã tới trễ hơn Bắc Kinh: “Nếu Trung Cộng cố gắng duy trì mối quan hệ đặc quyền với các quốc gia Thái Bình Dương này và cử lực lượng cảnh sát cũng như quân đội tuần tra, nếu họ tiếp tục những gì họ đã làm ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ có thể phong tỏa tuyến đường hàng hải quan trọng này trong trường hợp xảy ra khủng hoảng”.


Iran bác bỏ cáo buộc “có liên quan” đến vụ mưu sát cựu TT Mỹ Donald Trump (RFI)

Một ngày sau tiết lộ của báo chí Mỹ cáo buộc Teheran âm mưu hãm hại cựu tổng thống Trump, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran, Nasser Kanani hôm nay 17/07/2024 « mạnh mẽ bác bỏ » mọi liên hệ giữa Cộng Hòa Hồi Giáo Iran với vụ mưu sát cuối tuần qua nhắm vào ông Trump.

Bộ Ngoại giao Iran

Trước đó, phái bộ Iran bên canh Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng những cáo buộc về trách nhiệm của Teheran trong vụ mưu sát cựu tổng thống Hoa Kỳ là « không có cơ sở » và với mục đích « bôi nhọ » thanh danh Iran.

Hôm qua, đài truyền hình Mỹ CNN và nhiều phương tiện truyền thông khác tiết lộ « cách nay vài tuần các giới chức Hoa Kỳ được tin Teheran dường như đang chuẩn bị một âm mưu nhắm vào cựu tổng thống Trump ». Hệ quả kèm theo là chính phủ Mỹ đã nâng cấp các biện pháp bảo vệ an ninh cho Donald Trump. Tin trên được đưa ra vào lúc cơ quan Mật Vụ Mỹ (Secret Service) phụ trách bảo vệ các chính khách Mỹ bị chỉ trích mạnh mẽ sau vụ ám sát hụt tại Pennsylvania hôm Thứ Bảy 13/07/2024. 

Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ cho biết từ nhiều năm nay đã « theo dõi những đe dọa từ phía Iran nhắm vào các cựu quan chức Mỹ trong chính quyền Trump ». Năm 2020 dưới thời tổng thống Trump, tư lệnh lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran, tướng Qassem Soleimani đã bị hạ sát trong một vụ tấn công bằng drone Mỹ tại Irak. Mật Vụ và bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ trong những tuần qua đã « tăng cường các biện pháp an ninh » bảo vệ các chính khách Mỹ.  

Trong thông cáo sáng nay, bộ Ngoại Giao Iran tuy nhiên lưu ý : Teheran vẫn cho rằng ông Trump đã có « trách nhiệm trực tiếp » trong vụ tấn công hồi năm 2020 dẫn đến cái chết của tướng Soleimani.

Trước mắt, phát ngôn viên Hội Đồng Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ, Adrienne Watson, được AFP trích dẫn cho biết chưa có dấu hiệu nào cho thấy « thủ phạm vụ mưu sát cựu tổng thống Hoa Kỳ ở Pennsylvania cuối tuần qua có liên hệ với những tòng phạm hay những kẻ chủ mưu, ở trong hay ngoài » nước Mỹ.  


TIN VIỆT NAM.

Công an được chỉ đạo kinh tế Đà Nẵng và Hưng Yên

Bằng quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phân công cho Thượng Tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với 02 địa phương (thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hưng Yên) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính,… và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn.

Tin này gần như các báo Nhà Nước không đăng, nhưng cơ quan truyền thông quốc tế đã loan dưới loại bài nhận định thời sự. Một đoạn trong bài “Những sự thật đằng sau Quyết định 613 phân công Bộ trưởng Lương Tam Quang làm kinh tế, do Trần Hiếu Chân viết trên RFA ngày 16 tháng 7, có đoạn:

“Nhìn vào Quyết định 613, có chuyên gia đã bình luận, vậy là Bộ trưởng Bộ Công an đã công khai điều hành chính phủ. ‘Đế chế Tô Lâm’ không phải bây giờ mới hình thành. Nhưng với tốc độ suy sụp về sức khỏe của TBT Nguyễn Phú Trọng, tân Chủ tịch nước đã chủ động tăng tốc một số ‘công tác chuẩn bị’ cho Hội nghị Trung ương 10 sắp tới và cho cả Đại hội 14 sang năm nữa”. (hết trích)


Giải ngân đầu tư công thấp trong 6 tháng năm 2024

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và chưa đạt mục tiêu đề ra được cho là có một phần nguyên nhân từ sự lo ngại, né tránh sợ trách nhiệm của công chức địa phương vào khi chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản đang lan rộng.

Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, về giải ngân, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (ở mức 30,49%). Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 28,77%, thấp hơn cùng kỳ là 32,76%.

Số lượng bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao, lên đến 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương. Có 15 bộ, cơ quan trung ương 33 địa phương có số vốn giải ngân thấp hơn số vốn của chính bộ, cơ quan trung ương và địa phương đó đã giải ngân trong cùng kỳ năm 2023.

Một số địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như: TP Saigon, Quảng Ngãi, TP Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại  hội nghị đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm: tiến độ đầu tư công như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng thiếu đất, cát đắp nền tiếp tục diễn ra, ảnh hướng tới tiến độ thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án trọng điểm đường liên vùng, đường ven biển; giá nguyên, nhiên vật liệu biến động do nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Ông Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc.

Bloomber dẫn lời kinh tế gia Trần Đình Thiên – thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ và tài chính quốc gia cho biết việc đẩy nhanh các khoản đầu tư công là bước quan trọng cho tăng trưởng kinh tế lúc này, giống như “bơm máu vào một cơ thể đang yếu”.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý vừa qua đạt 6,93%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo mức tăng trưởng cả năm của Việt Nam chỉ đạt 5,8%, thấp hơn Philippines ở mức dự báo là 6,2%.

Ông Trần Đình Thiên nhận định với Bloomberg rằng “các quan chức đang sợ trách nhiệm nếu có bất cứ điều gì sai vào khi có những quy định thường không đồng nhất và trái ngược nhau khiến họ bị kẹt”. Theo ông Thiên, những điều này đã cản trở phần lớn việc giải ngân đầu tư công. (RFA)


Việt Nam hợp tác với 2 tập đoàn của Mỹ để đào tạo kỹ sư bán dẫn

Một bảng mạch máy tính với các con chip bán dẫn (ảnh tư liệu, tháng 2/2022, REUTERS/Florence Lo).

Đài VOA thuật tin từ hai tờ báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ trong nước cho biết, Hôm 16/7, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cùng hai tập đoàn Mỹ, Qorvo và Cadence, tổ chức lễ khai giảng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch, nhân dịp này họ cũng ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo kỹ sư bán dẫn, kỹ sư công nghệ cao.

Báo chí trong nước dẫn lời ông Trịnh Khắc Huề, tổng giám đốc Qorvo Việt Nam, nói rằng việc đào tạo kỹ sư bán dẫn sẽ tập trung vào lý thuyết cơ bản, nâng cao và thực hành thiết kế vi mạch. Các kỹ sư Qorvo sẽ trực tiếp tham gia đào tạo trong các khóa học.

Các bài báo trên Tuổi Trẻ, Thanh Niên và một số trang tin Việt Nam viết rằng sau khóa học, các kỹ sư sẽ sử dụng thuần thục phần mềm thiết kế của Cadence, có khả năng trình bày thiết kế của mình trước hội đồng kiểm tra hoặc khách hàng.

Nếu hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo, các kỹ sư sẽ được tuyển vào Tập đoàn Qorvo làm việc với mức lương khởi điểm 380 triệu đồng/năm, ông Huề nói, được Tuổi Trẻ trích dẫn.

Theo tin của Tuổi Trẻ, Thanh Niên và một số báo khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại lễ khai giảng rằng mục đích của chương trình này không chỉ là đào tạo kỹ sư bán dẫn mà còn thúc đẩy sự hình thành hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam trong những năm tới.

Vị bộ trưởng cũng thông báo rằng đề án của Việt Nam về đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch từ nay đến năm 2030 nhiều khả năng sẽ được thủ tướng ký thông qua trong 1-2 tuần tới.

Tổng kinh phí thực hiện đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn sẽ lên đến khoảng 1 tỉ đô la, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và các báo cho hay. Các bản tin ở Việt Nam nói thêm rằng công tác đào tạo kỹ sư bán dẫn sẽ do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với các trường đại học và đối tác nước ngoài thực hiện.

Bộ trưởng Dũng được báo chí trích lời nhấn mạnh rằng việc đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn Việt Nam sẽ không giới hạn ở mức 50.000 kỹ sư mà có thể mở rộng quy mô đào tạo lên 100.000 kỹ sư.

Báo chí Việt Nam nói rằng ngoài Qorvo, Cadence, quốc gia ở Đông Nam Á cũng đang hợp tác với nhiều đối tác khác như Synopsys, ARM, Marvell để đào tạo kỹ sư bán dẫn.


Việt Nam tiếp tục bàn giao hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích

Lễ hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong cuộc chiến Việt Nam (MIA) lần thứ 166 diễn ra vào ngày 16/7 tại thành phố Đà Nẵng.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin trong cùng ngày cho biết tại buổi lễ Cơ quan Việt Nam Tìm kiếm người mất tích bàn giao cho phía Hoa Kỳ bốn hòm đựng hài cốt.

Lễ bàn giao hài cốt quân nhân Mỹ lần thứ 166 ở Đà Nẵng hôm 16/7/2024. (RFA)

Số hài cốt này tìm được qua hoạt động khai quật hỗn hợp trên biển trong đợt tìm kiếm chung giữa hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ lần thứ 155 diễn ra từ tháng 5 vừa qua tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Số hài cốt tìm thấy đã được chuyên gia pháp y Hoa Kỳ và Việt Nam giám định tại Đà Nẵng và kết luận có thể liên quan đến quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong cuộc chiến Việt Nam trước đây.

Tại buổi lễ bàn giao lần thứ 166, đại diện của phía Việt Nam tham dự gồm Ban Giám đốc Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP), đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khách Hòa; còn phía Hoa Kỳ có Đại sứ Marc Knapper, lãnh đạo Văn phòng MIA Hoa Kỳ tại Hà Nội (DET2)

Thống kê cho thấy từ khi chương trình tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích tại cuộc chiến Việt Nam được tiến hành, đến nay Hà Nội đã bàn giao cho Washington hơn 1.000 bộ hài cốt; trong số này có hơn 730 trường hợp được xác nhận là quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam. (RFA)


Việt Nam bác bỏ cáo buộc đàn áp hai nhà hoạt động tự do tôn giáo ở Đắk Lắk

Chính phủ Việt Nam bác bỏ cáo buộc đàn áp hai người Thượng chuyên viết báo cáo gửi cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tự do tôn giáo ở Đắk Lắk.

Thư trả lời của Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đề ngày 09/7/2024 và được Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố gần đây.

Hồi tháng 04/2023, bốn báo cáo viên đặc biệt của LHQ gửi thư tố giác việc nhà chức trách Việt Nam “bắt giữ tùy tiện, đe dọa, theo dõi, hạn chế đi lại, và sách nhiễu” hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban- hai tín đồ Tin lành người Thượng và nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, khi họ trên đường đi dự Hội nghị về Tự do Tôn giáo và Niềm tin khu vực Đông Nam Á (SEAFORB) ở Indonesia vào ngày 06/11/2022.

Theo nội dung thư, ông Y Khiu Niê làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất đi Bali (Indonesia) nhưng bị chặn lại với lý do không đáp ứng điều kiện về xét nghiệm và vắc-xin COVID-19, dù có giấy chứng nhận tiêm chủng và cũng yêu cầu được làm xét nghiệm nhanh (nhưng bị từ chối).

Những người Thượng đi ra từ một cánh rừng ở tỉnh Ratanakiri, Campuchia năm 2004 (minh hoạ). Họ đã trốn từ Việt Nam sang Campuchia do tình trạng đàn áp tôn giáo trong nước (RFA)

Trong thư trả lời, phía Việt Nam nói không ngăn cản ông Y Khiu Niê xuất cảnh mà là do ông không có giấy tiêm chủng ngừa COVID-19 theo quy định của Indonesia.

Ngoài ra, Việt Nam khẳng định ông Y Sĩ Êban thuộc diện bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh, quốc phòng theo quy định tại Điều 36 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam. 

Trong thư phản hồi, Việt Nam quy kết các tổ chức cực đoan ở nước ngoài thường xuyên đăng tải những thông tin xuyên tạc, sai sự thật cáo buộc Việt Nam đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Do vậy, Công an tỉnh Đắk Lắk trong ngày 06/11 đã mời hai ông đến trụ sở để làm rõ hoạt động bị cho là gây mất trật tự xã hội, an ninh quốc gia ở địa phương.

Chính phủ khẳng định đây là hoạt động bình thường của công an nhằm mời gọi công dân hợp tác, cung cấp thông tin để làm rõ một số sự việc chứ không phải là thủ tục bắt giữ hay điều tra hình sự. Vì vậy, buổi làm việc không cần sự có mặt của luật sư và pháp luật Việt Nam không cấm công dân mời luật sư tham gia làm việc với cơ quan chức năng.

Thư cũng nói trong buổi làm việc, cả hai ông đều thừa nhận hành động dưới sự chỉ đạo của một số tổ chức cực đoan chống Việt Nam ở nước ngoài, bày tỏ hối hận về hành vi vi phạm pháp luật của mình và cam kết sẽ không tái phạm.

Việt Nam tuyên bố bác bỏ những cáo buộc mà họ cho là sai sự thật, vô căn cứ về việc “chính quyền còng tay, hành hung, đe dọa bỏ tù và yêu cầu chấm dứt hoạt động tôn giáo” đối với Y Khiu Niê và Y Si Êban.

Chính phủ Việt Nam dối trá LHQ

Ông Y Khiu Niê là tín đồ của Hội Thánh Truyền giảng Phúc âm trong khi ông Y Sĩ Êban là thầy truyền đạo của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo được thành lập bởi mục sư Aga, người đang tị nạn tại Hoa Kỳ.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 17/7, mục sư Aga cho biết Chính phủ Việt Nam đang dối trá LHQ trong vụ ông Y Sĩ Êban.

Mục sư Aga nói công an tỉnh Đắk Lắk đã tra tấn và đánh đập, tịch thu căn cước công dân, hộ chiếu, điện thoại và tiền của thầy truyền đạo này trong thời gian tạm giam hai ngày.

Chính quyền họ nói không đúng sự thật, họ nói hai người đã biết lỗi rồi, hối hận này khác- chuyện đó là bịa đặt không có đúng sự thật. Sự thật là ông bị bắt bớ vì niềm tin tôn giáo của ông thôi chứ không phải nói là về vấn đề là an ninh quốc gia giống như là chính quyền cộng sản Việt Nam nói đâu.”

Về việc ông Y Sĩ Êban bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh quốc gia, mục sư Aga nói:

Ông Y Sĩ Êban chẳng làm gì là gọi là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cả, ông chỉ sinh hoạt đạo thờ phượng chúa ở hội thánh tại buôn của ông. Ông cũng không có đi nhiều nơi nhiều chỗ hoặc là đi ra khu vực biên giới hoặc là tập trung người đông đảo hết chỗ này chỗ khác.”

Mục sư Aga cho biết trước khi bị chặn xuất cảnh, công an địa phương theo dõi chặt chẽ ông Y Sĩ Êban. Kể từ đó đến nay, công an địa phương liên tục đến nhà sách nhiễu ông, bất kể ông đi đâu làm gì.

Họ vẫn thường xuyên canh gác nhà ông, và vẫn chưa trả lại hộ chiếu cho ông, vị mục sư nói. Vì bị công an theo sát nên ông Y Sĩ Êban không thể đi làm xa và không ai dám thuê ông. Công an còn đe doạ sẽ bỏ tù nếu ông này trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài, mục sư Aga bổ sung.

Về trường hợp của ông Y Khiu Niê, một người thân quen với ông khẳng định với RFA về việc ông này bị chặn xuất cảnh, tạm giữ trong hai ngày, và cũng bị công an tịch thu hộ chiếu.

Trong Báo cáo Kết quả Thường niên Quốc gia năm 2022 trình lên Đại Hội đồng LHQ kỳ họp lần thứ 54 diễn ra từ ngày 11/9 đến ngày 06/10/2023, trong phần về Việt Nam, Cao uỷ Nhân quyền LHQ nhắc đến việc nhà chức trách ở nhiều địa phương trả thù các cá nhân đã liên lạc và gửi báo cáo vi phạm nhân quyền tới LHQ hoặc các tổ chức quốc tế, trong đó có nói về việc hai ông Y Khiu Niê và ông Y Sĩ Êban bị cấm xuất cảnh và tra khảo trong hai ngày bị tạm giữ.


Dân biểu Mỹ Chris Smith nói Việt Nam đáng bị xếp vào Cấp độ 3 về buôn người 

Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Chris Smith vừa chỉ trích bộ ngoại giao Hoa Kỳ vì đã “nương tay” đối với Việt Nam trong Báo cáo nạn buôn người 2024. Ông cũng bày tỏ quan ngại rằng những cân nhắc về địa chính trị “đang lấn át” mối quan ngại về nhân quyền.

Phát biểu tại phiên điều trần đánh giá Báo cáo nạn buôn người (TIP) 2024 của Bộ Ngoại giao Mỹ do Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện tổ chức hôm 9/7, Dân biểu Smith bày tỏ lo ngại về việc bộ này dung thứ Việt Nam khi Hà Nội chỉ bị xếp hạng Cấp độ 2 bất chấp “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

“Việt Nam bị cho là đã cung cấp thông tin sai lệch cho Hoa Kỳ. Bất cứ điều gì thấp hơn Cấp độ 3 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều chẳng khác gì một phần thưởng cho sự lừa dối của Đảng Cộng sản Việt Nam và làm suy yếu uy tín cũng như tính khách quan trong công việc của Chính quyền Biden về Báo cáo nạn buôn người”, ông Smith, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện, tác giả của 5 đạo luật chống nạn buôn người, phát biểu.

Dân biểu Chris Smith phát biểu tại phiên điều trần ngày 9/7/2024 của Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.

“Việt Nam không có lý do xác đáng để được nâng cấp từ Danh sách Theo dõi Cấp độ 2 lên Cấp độ 2”, Dân biểu Smith, chủ tọa phiên điều trần hôm 9/7, nhấn mạnh.

Cũng trong cùng ngày, ông Smith đưa ra một tuyên bố trên trang web: “Thật đáng lo ngại khi thấy Việt Nam bị xếp hạng Cấp độ 2 thật sai lầm, trong khi hành động của họ đáng bị xếp hạng Cấp độ 3”.

Như VOA đã đưa tin, ngày 24/6/2024, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình về Nạn buôn người. Trong đó, Việt Nam được đưa lên Cấp độ 2 (Tier 2) và được đưa ra khỏi Danh sách Theo dõi.

Phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về phát biểu trên của Dân biểu Smith, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 12/7 cho hay qua email rằng bộ này “đã xem xét và xác minh cẩn thận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau” khi đưa ra đánh giá trong Báo cáo nạn buôn người hàng năm.

“Dựa trên việc xem xét toàn diện dữ liệu được cung cấp từ tất cả các nguồn, chúng tôi tin tưởng vào tính chính xác của báo cáo trong phần viết về Việt Nam”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm.

Bộ Ngoại giao Mỹ lập luận rằng Chính phủ Việt Nam dù chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người nhưng đã có “những nỗ lực đáng kể để thực hiện điều đó”. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện nỗ lực tổng thể ngày càng tăng so với kỳ báo cáo trước; do đó Việt Nam được nâng lên Cấp độ 2, người phát ngôn nói thêm.

Đại diện cho Bộ Ngoại giao Mỹ tại phiên điều trần, bà Cindy Dyer, Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về Giám sát và Chống nạn buôn người, nêu ý kiến: “Việt Nam ở trong tình trạng là không thể tiếp tục nằm trong Danh sách Theo dõi Cấp độ 2, vì vậy năm nay họ phải lên hạng hay phải xuống hạng”.

Bà Dyer nói rằng khi đánh giá từ nhiều khía cạnh, nhận thông tin nhiều nguồn khác nhau, “[Việt Nam] đã tiến bộ so với năm ngoái”, và nhận định rằng nước này “đáng được nâng hạng thay vì bị xuống hạng”.

Trong phần phản biện của mình, ông Smith cho rằng cả năm ngoái và năm nay lẽ ra Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải xếp hạng Việt Nam ở Cấp độ 3.

“Tôi lo ngại rằng những cân nhắc về địa chính trị đang lấn át quan ngại về quyền con người”, ông Smith nói, sau khi ông nhắc đến một bản tin của Reuters hồi tháng trước về việc đang có các nghi vấn “về sự trung thực và chính xác trong cách Hà Nội cung cấp thông tin cho chúng ta”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đưa ra yêu cầu bình luận.

Hồi đầu tháng này, hôm 4/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói trong một cuộc họp báo rằng Việt Nam “hoan nghênh Mỹ đã có đánh giá khách quan về kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người” và mong muốn hai nước “tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tăng cường trao đổi, đối thoại nhằm đánh giá toàn diện, tích cực về những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người, phù hợp với tinh thần của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ”.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 2-3-4/9/2024
  • Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết
  • TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh
  • Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga
  • Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản
  • Bất chấp lệnh bắt của CPI, Putin chính thức thăm Mông Cổ
  • Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin
  • Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi
  • 'Gián điệp Trung Cộng': thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
  • Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'
  • Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối Tô Lâm
  • Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
  • Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 26-27-28/8/2024.
  • TT Zelensky sẽ thông báo với lãnh đạo Mỹ về kế hoạch buộc Nga chấm dứt chiến tranh
  • Ukraine: Nga không kích dữ dội nhất từ trước tới nay
  • Kiev tố cáo Belarus triển khai quân tại biên giới với Ukraina
  • Tình báo Mỹ cho biết Ukraine có ý định chiếm giữ lãnh thổ của Nga
  • Trung Quốc và Mỹ thảo luận về vòng đàm phán mới giữa Biden và Tập
  • Pháp: Tư pháp chuẩn bị quyết định số phận của ông chủ Telegram
  • Bãi cạn Sa Bin: Điểm nóng tranh chấp mới giữa TC và Philippines
  • Mỹ trừng phạt 400 pháp nhân, gồm các hãng Trung Cộng, vì tiếp tay cho chiến tranh của Nga
  • Indonesia tổ chức cuộc tập trận đa quốc, chú trọng vào năng lực chung ở Châu Á
  • Tokyo lên án máy bay quân sự Trung Cộng xâm phạm không phận Nhật Bản
  • Thứ trưởng Nhân Quyền Mỹ đến Việt Nam, Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi quan tâm tới TNLT
  • Hơn 800.000 camera giám sát tại Việt Nam bị lộ dữ liệu
  • Hãng Na Uy Equinor đóng cửa văn phòng, ngừng các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
  • World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,1%, cảnh báo nợ xấu
  • Saigon chính thức nhìn nhận có dịch sởi
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 19-20-21/8/2024.
  • Matxcơva hứng chịu cuộc tấn công bằng drone Ukraina lớn nhất từ trước đến nay
  • Ukraina tăng cường oanh kích các cầu chiến lược ở vùng Kurst của Nga
  • Công du Trung Đông lần 9, ngoại trưởng Mỹ không thúc đẩy được thỏa thuận ngừng bắn Israel – Hamas
  • Úc-Indonesia ký thỏa thuận triển khai quân trên lãnh thổ của nhau
  • Đài Loan phô diễn hỏa lực tên lửa trong chuyến thăm hiếm hoi địa điểm thử nghiệm nhạy cảm
  • Biển Đông: Mỹ chỉ trích Trung Cộng trong vụ va chạm với tuần duyên Philippines
  • Biden chính thức “trao cờ” cho Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
  • Châu Âu khẳng định tăng thuế thêm tới 38% với xe ô tô điện nhập Trung Cộng
  • Phát hiện chất độc hại trong hàng hóa bán trên Shein và Temu của Trung Cộng
  • Tổng thống Lại Thanh Đức: Đài Loan không phải mục tiêu duy nhất của Bắc Kinh
  • Triển lãm 70 năm Cải cách ruộng đất và cuộc Di cư 1954
  • Hơn 30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa nửa đầu năm 2024
  • Việt Nam cam kết đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Cộng
  • Mưa lũ cản trở hàng ngàn học sinh ở Việt Nam đến trường vào ngày khai giảng
  • Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với ba mặt hàng của Việt Nam
  • Anh quốc khuyến cáo công dân du hành đến Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 12-13-14/8/2024.
  • Tổng thống Zelensky: Ukraine đang tiến sâu hơn vào Nga
  • Ukraine nói đã tấn công lớn bằng drone vào 4 căn cứ không quân Nga
  • ĐIỂM BÁO. Ukraina tấn công vào đất Nga, phương Tây im lặng: Bước ngoặt của cuộc chiến
  • Thủ tướng Fumio Kishida thông báo tháng 9 sẽ từ chức
  • Chỉ có lệnh ngừng bắn ở Gaza mới có thể ngăn Iran trả đũa Israel
  • Mỹ điều tàu ngầm, chỉ thị nhóm tác chiến tàu sân bay tới Trung Đông
  • Ba Lan ký thỏa thuận sản xuất 48 bệ phóng tên lửa Mỹ Patriot
  • 15 bang kiện quy định của TT Biden trợ cấp bảo hiểm y tế cho di dân bất hợp pháp
  • Thái Lan: Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi chức
  • Ông Tô Lâm sẽ thăm Bắc Kinh
  • Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải 'phục vụ kinh tế'
  • HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến
  • LHQ công bố 320 khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền
  • Uỷ ban châu Âu khởi động điều tra thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam
  • Đài Loan khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với clinker, xi măng Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 5-6-7/8/2024.
  • Ukraina chính thức triển khai chiến đấu cơ F-16
  • Bangladesh: Tổng thống giải tán Quốc Hội. Khôi nguyên Nobel hoà bình Yunus lập chính phủ lâm thời
  • Ukraine xuyên thủng biên giới Nga, gây ra các cuộc đụng độ dữ dội
  • Trung Đông: Hamas chỉ định thủ lĩnh mới, Israel tuyên bố sẽ nhanh chóng tiêu diệt
  • Trung Cộng: Bế tắc trong “Tầm nhìn mới phát triển kinh tế”
  • Bầu cử tổng thống Venezuela: Phe đối lập kêu gọi quân đội đứng về phía người dân
  • Biển Đông: Trung Cộng tập trận gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines
  • Do đề xuất cải cách luật khi quân, đảng đối lập Thái Lan bị giải thể
  • Mỹ kết án ‘nhà dân chủ’ làm điệp viên cho Trung Cộng
  • Mỹ tăng cường triển khai lực lượng từ Úc để đối phó với Trung Cộng
  • Chủ tịch Tô Lâm được chỉ định làm lãnh đạo đảng Cộng sản
  • Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ba ủy viên trung ương mất chức
  • Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên 'nền kinh tế thị trường'
  • Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo cộng đồng trước căng thẳng ở Trung Đông
  • VietJet của tỷ phú Phương Thảo thua kiện FitzWalter Capital
  • Cầu thủ CLB Thanh Hóa đình công, đòi tiền nợ lương, thưởng